Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Sự đau khổ của một con người


Sự đau khổ của một con người

Tác giả: Nguyên Hồng


- Bình! Mày ra xem ai giật chuông ngoài kia mà chó cắn rầm lên thế.
Thằng nhỏ đội cái mũ nồi trắng dạ vội một tiếng rồi chạy bổ ra sân với cả chiếc giầy ủng và mảnh dạ. Thoáng phút, Bình chạy vào. Nó chưa kịp thở, Lân đã quát:
- Ai?
Bình ríu cả lưỡi:
- Dạ... ông đốc Tiến...
Lân trợn mắt, dằn tiếng:
- Thằng cha đốc Tiến? Đốc Tiến?
Bình lại rơi vào một sự kinh ngạc khác. Bình không thể sao hiểu được một ông chủ thích giao du và hách dịch như ông chủ nhà Bình sao lại tức bực, gắt gỏng đến thế khi người bạn ông có bao nhiêu xưởng dệt, giầu sang khét tiếng kia lại chơi? Nhất là người này lại là một bạn trong những bạn luôn luôn đến nhà chè chén với ông và cùng ông đi đâu cũng có nhau?
Nhưng Bình đã phải chạy ra để mời ông khách vào ngồi chờ buồng nước. Trong khi ấy, trước một tủ gương cao ngất, ông chủ Bình lại tiếp tục sự ngắm nghía ve vuốt những quần áo rất đắt tiền mới lấy về mặc lần đầu.
Ông đã thắng đủ bộ rồi.
Lót mình, ông mặc áo sơ mi lụa như dán lấy da thịt của ông mọng và nung núc. Cà vạt ông thắt một thứ sặc sỡ, múi tết lù lù, ngắn ngủn. Vét tông rộng, dài và có đai. Quần cộc, hở hai bắp đùi xồm lông.
Hất mặt lên lần nữa, Lân sửa lại cà vạt. Chợt ông cau mày lại, lầm lầm nhìn vẻ mặt mình lồng lộng ở trong gương. Một ý nghĩ như lửa lại vút mạnh qua tâm trí. Lân mím môi;
- Thằng khốn nạn này! Giời ơi! Thằng khốn nạn này!
Sau đó, Lân giật nẩy mình, quay lại. Tiến vỗ vai Lân, vừa cười vừa nói:
- Đi săn mà diện thế? Xong rồi chứ?
Lân vội cười:
- Chờ sốt ruột định đi rủ thì đã dẫn xác đến rồi. Gớm! Thiêng quá!
Tiến cũng nhô mặt vào gương để sửa cổ áo:
- Vậy thì đi.
Bốn gót giầy tiếp nhau nện vang vang trên nền gạch hoa. Ở ngoài sân kia có bồn cỏ, giàn nho và thống lan, hai con chó to nhớn bằng hai con bê, luôn luôn chồm lên, nanh dài, nhọn và trắng ánh nhe ra với những tiếng chói óc. Bình phải rúm cả người để ghì giữ xích. Mặt Bình đỏ tía, Bình thở hồng hộc.
Thoáng thấy bóng chủ đeo súng, hai con chó càng lồng lộn. Nhưng Lân và Tiến vẫn dẫn từng bước trên lượt sỏi xào xạo.
Tiến, thở xong hơi xì gà, hỏi Lân:
- Cho cả Jocky và Stincelle đi chứ?
- Đấy tùy “toa”.
Tiến gật gù:
- “Moa” tưởng một súng thì mình Jocky là đủ, đưa thêm Stincelle chỉ tổ bận mình.
- Vậy thì Jocky.
Nói đoạn, Lân vẫy thằng nhỏ đương cuống quít với cái dây xích bị giằng phừn phựt trong tay:
- Alê, Jocky thôi.
Bình vội móc xích con chó ở lại vào cái mấu sứ ở cây bàng rồi dắt con được đi lao đầu chạy lại phía chủ.
Trong tiếng chó sủa vang, thấp thoáng tiếng dặn đầy tớ của Lân:
- Bà có đi cân thóc về thì mày thưa đến chiều chúng tao về. Và nhớ lấy thêm “vang” uống đấy.
Lân và Tiến đã song song ở ngoài đường. Hai người đi gần bờ hè dưới hàng xoan tây cành lá lơ thơ. Tuy về buổi trưa nhưng ánh sáng phớt lạnh, lẫn với sắc xanh mướt của cây cỏ. Trên cao, trời mịn như thạch.
- Chúng mình lên Bảo Lộc hay xuống đầm Đục? - Tiến hỏi
Lân rung rung cái túi vải bên nách:
- “Moa” cho xuống đầm Đục thì tốt hơn. Dạo này mòng két và vịt giời chắc về đấy nhiều lắm.
- Nhưng không biết có kịp tầu không?
Lân rút cái đồng hồ vàng ở một túi áo trên ra:
- Mới mười rưỡi, mà mười một giờ tầu mới chạy.
Dứt tiếng, Lân hắt hơi luôn mấy cái. Hắn gắt lên với mình:
- Lạ thật!
Tiến hóm hỉnh đưa mắt nhìn Lân, tủm tỉm cười:
- Dạo này vẫn đến đằng Liên Hương đấy chứ?
Lân tròn mắt:
- Nhảm nào! Đã hơn tháng nay có dám gì đâu!
Tiến vỗ vai Lân:
- Nhưng sao lại hắt hơi một cách khả nghi như thế?
Câu hỏi này làm Lân ngẩn mặt ra. Không biết giả nhời sao, Lân cười xòa, lảng sang chuyện khác.
Những chuyện và chuyện. Toàn những chuyện để họ cười nức nở với nhau, cười híp cả mắt cả mũi, cười rung cả má, cả bụng lên. Họ kể cho nhau nghe những cái khoái bất ngờ của mấy chầu hát vừa đi ăn mảnh nhau; những nơi ăn chơi mới lạ vừa tìm ra được ở ngay gần nhà họ và nhà những người quen họ; những thủ đoạn tuyệt diệu đã đưa đến cho họ những người đàn bà đặc sắc trên mấy chiếu bạc... Rồi họ văng ra những câu chửi rủa để chấm cho những đoạn mà họ bực tức và  lại cười rộ lên vừa bàn tính những cuộc vui mê tơi sắp tới...
- Thế nào, có phục bản lĩnh của đệ không?
- Bái phục! Đệ xin bái phục!...
Tiến càng gõ mạnh gót giầy và vểnh mặt lên, sau đó ít phút thì bặt tiếng nói. Cả Lân cũng im. Lân dần thấy gai cả người và không dám nhìn vào cái mặt lồm lộp của Tiến, lông mày đen rậm, mi mắt mòng mọng vì ngủ không đều tuy ngủ rất nhiều.
Qua khỏi dãy phố Tây, hai người quặt sang một bờ hè vườn hoa. Vẫn cái bóng râm lạnh lạnh tỏa xuống. Máu trong người Lân càng dồn dập. Lân thấy bừng bừng. Thì thêm mỗi bước bên cạnh cái dáng đi khệnh khạng của Tiến, Lân càng rạo rực. Lân cố hết trấn tĩnh tâm trí mà không được. Lân cứ phải nghĩ, nghĩ một cách hằn học, nghĩ một cách cay đắng.
Bấy giờ, không biết Tiến chú ý đến cái gì mà Tiến để Lân im lặng như thế?
Lân nghẹn ngào. Lân nhắc thầm lại câu hỏi ban nãy của Tiến:
- Thế nào, có phục cái bản lĩnh cao cường của đệ không?
- Bái phục! Đệ xin bái phục!
Đoạn Lân phác họa một tấn kịch có hai vai, một là anh chàng bạn tốt, không bao giờ biết làm một việc gì, rất giai lơ, và một người đàn bà có tuổi, có con hẳn hoi, chỉ mê man cờ bạc mà chồng thì hiền lành, cặm cụi. Cái màn dâm ô ấy diễn ra ở một  nhà gá thổ đổ hồ trang hoàng lộng lẫy giữa một ban ngày khi bao người đương bán thân bán xác làm việc để kiếm gạo cho gia đình.
Lân đã thấy lòng sôi lên. Lân đưa mắt nhìn Tiến thì Tiến đương trịnh trọng nhả những hơi xì gà. Qua những đợt khói tim tím, mặt Tiến bì bì thêm.
- Thằng đểu! Thằng đểu!
Lân ghê tởm. Lân muốn nhổ. Lân tưởng da thịt mình đến nứt mất.
Sao cái con người có cái gương mặt lồm lộp, trán và đầu bóng nhẫy ấy lại là một bạn mà Lân không thể rời bỏ được? Sự tình cờ nhiều lúc thật tác hại vô cùng cho người ta. Xui khiến gì chả xui khiến lại xui khiến Lân gặp Tiến, Lân đã bắt ngay chuyện với Tiến, vồ vập sung sướng như đã hiểu hết nhau, thân mến nhau từ bao năm. Rồi đùng một cái Lân lại ghê sợ, hằn học với Tiến hơn một quái vật, một tử thù.
Hơn năm tháng nay, Lân bị một sự hun đốt rừng rực trong tâm trí nó làm Lân không thì thôi chứ hễ phút nào nằm nghỉ ngơi hay không biết chơi bời gì thì Lân khổ sở, đau xót hơn là chịu những tra tấn, những chửi rủa. Những lúc đó, Lân nằm ườn ra sập, đằm mình vào cái nhún nhẩy của giường lò xo, mơ màng hút thuốc lá, hay phè phỡn, tê mê trong men rượu sau những bữa ăn đến phát ợ, Lân đều thấy không thể nào có một chút sung sướng với những ám ảnh hình phạt ấy.
- Sao lại như thế?
- Sao lại có thể như thế được?
- Sao lại... sao lại... sao lại... như thế được?
Giời ơi! Lân điên mất! Điên mà vẫn phải sống, vẫn biết rõ mình điên.
Tiến đã giàu mà Lân lại giàu gấp hai Tiến. Lân thừa hưởng của cha mẹ mấy nghìn mẫu chè và hàng mấy chục nhà gạch ở những thành phố buôn bán to nhất. Vợ Lân lại là con một nhà giàu có gấp năm Lân, và anh em vây cánh quyền thế sang trọng thì đông không kể được. Chính vợ Lân đã đem thêm tiền vạn vào két của Lân với bao nhiêu văn tự địa đồ ruộng đất, nhà cửa. Lân đã hoàn toàn sống một cái cảnh mà lắm kẻ khao khát, ghen tức gần chết được. Năm tháng của Lân là những năm tháng của tiệc tùng ma chay, cưới xin, khao vọng, và tổ tôm, tài bàn, đi hát, đi săn, đi nghỉ mát, uống thuốc bổ và ăn uống tẩm bổ...
Nhưng trong cái dòng đời đối với Lân là tất nhiên ấy, bỗng nổi lên một ngày mà Lân không thể nào quên được, nó khắc vào tâm trí Lân một dấu vết như chữ chàm hằn lên trên trán một tên tù khi xưa. Và mang cái dấu vết ấy, Lân thật có cảm tưởng đeo những gông cùm nặng nề nhất của một nhà tù đầy ải Lân suốt đời...
Hôm ấy, Lân uống đến cốc sâm banh thứ mấy không biết thì người mềm hẳn ra, ngã gục xuống bàn tiệc, nôn thộc ra vung vãi những thức ăn đã thỏa thích dạ dày Lân nhất. Người ta phải cởi cả giầy và quần áo ngoài cho Lân, vực Lân vào giường, xoa dầu cho Lân, ngâm chân Lân vào nước nóng,
Lân thiếp đi đến gần sáng thì sực dậy. Miệng Lân đắng, chát, nồng; cổ họng bỏng rộp, dạ dày nôn nao như một thứ nhựa đu đủ. Lân rùng rợn cả người. Ợ mạnh mấy cái, Lân chùi xong dãi dớt thì tưởng ngay tới một chất nước mát, ngọt và thơm. Lân thều thào gọi đầy tớ.
Đến lượt thứ ba mới có tiếng người đáp lại, - tiếng người ồn ã ở buồng bên kia:
- Im! Im! Hình như ông Hàn gọi kia kìa...
Một người khác quát tiếp:
- Nhỏ, chạy vào xem ông gọi gì mau!
Lân vội cất tiếng khi người đầy tớ đẩy cửa buồng vào:
- Nhà có sữa và cam đấy chứ?
- Bẩm quan có ạ.
Lân cuống quýt:
- Mày pha ngay tao một cốc sữa và bổ mấy quả cam. Mau! Mau lên!
Người đầy tớ quay gót, Lân bỗng gọi giật lại:
- Ngoài kia các cụ, các bà còn đánh tổ tôm phải không?
- Bẩm quan, còn ạ. Thưa quan có cả quan bà nhà nữa.
Lân đưa mắt nhìn gian buồng tờ mờ và nghĩ tới sự khó chịu trong người:
- Nhỏ! Mày đỡ tao ra ngoài kia đã.
Người đầy tớ vội kéo đôi dép dừa lại, nâng xỏ tận chân cho Lân rồi đỡ lấy hai nách Lân, theo Lân từng bước.
Lân loạng choạng. Lân càng thấy đầu nặng, chói và trong người nôn nao không thể nào chịu được.
Lân vừa lù lù hiện ra giữa khung cửa trước ánh đèn sáng trưng, mấy người đàn bà nhao nhao lên:
- Ông Hàn! Kìa ông Hàn!
Tiến cũng ngoảnh ra, vừa quật đánh đét cây bài xuống sập:
- Thất vạn, phỗng. Kìa anh Hàn! Đã tỉnh rồi ư?
Vợ Lân ngồi sát bên Tiến, hất hàm bảo chồng:
- Đã tỉnh sao không nằm mà ngủ, lại còn mò ra đây, nhỡ gió máy thì sao?
Lân không đáp, vịn tường đi lại sập. Một người đầy tớ khác ngừng chia bài, kéo cái ghế bành để Lân ngồi. Thoáng phút, anh con giai ban nãy vận quần áo trắng bóc, đầu chải bết dầu, đã bê đến trước mặt Lân một khay bạc bầy một cốc sữa trứng gà bốc hơi lởn vởn và một đĩa cam nước sớt cả ra khay. Lân không chờ đưa và cũng không kịp mời ai, nhấc vội lấy cốc sữa quấy rất nhanh, tợp tợp.
- Ngon quá! Chà chà, giời đất, ngon quá! Vàng cũng không quí bằng.
Lân nốc thêm một hơi nữa rồi đặt mạnh cốc xuống sập, ngả đầu, ngả đầu lên dựa ghế, lim dim, cười một mình:
- Say ghê! Mãi mới lại được một bữa say như thế này.
Vợ Lân liền gắt:
- Thôi đi ngủ đi, lè nhè... lè nhè!
Lân cười một cái cười ngây ngô và như nũng nịu:
- Trong người nóng như thiêu ấy thì có giời ngủ được.
Ngừng tiếng, Lân lại ực một cái, vội nhoài cổ ra, nhổ. Vợ Lân càng dằn tiếng gắt, Lân lại cười nhưng cùng cái cười này, Lân văng tục ra mấy tiếng vừa gờm gờm nhìn vợ. Trên gương mặt nhợt nhạt, hai con mắt đỏ ngầu của Lân làm mấy người đàn bà rờn rợn. Một người phát vợ Lân, mắng ngọt:
- Thì để ông ấy ngồi đây một lúc cho dễ chịu rồi đi ngủ càng tốt chứ sao.
Tiến vừa giương bài cho vợ Lân, vừa cười xòa, nhìn vào mắt ả ta:
- Chị này chỉ được cái ích kỷ. Thấy anh ấy hiền cứ gắt tướng mãi lên. - Quay lại phía Lân, Tiến gật gật. - Anh cứ ngồi đây để hộ tôi một hội xem có khác tý nào không. Ba hội rồi, ù mỗi ván  bạch định là thôi không biết ù gì nữa... gần hết một “bách” rồi.
Nói đoạn, Tiến chập bài đưa cho Lân và dề môi bảo vợ Lân:
- Chị ích kỷ lắm! Ích kỷ lắm!
Mắt Lân càng long sòng sọc. Vợ Lân đỏ tím mặt lại, giằng lấy bài vứt xuống sập:
- Các bà đánh, tôi nghỉ.
Người đầy tớ lại bưng một đĩa cam nữa đến. Lân lừ lừ đưa mắt xuống. Lân ăn luôn mấy miếng, đoạn gạt nước miếng bằng bàn tay:
- Mát ruột.
Rồi Lân lại ngả đầu lên dựa ghế, mắt nhắm, mồm há hốc. Cái bụng sệ của Lân sượt ra ngoài cạp quần, nhô lên thụt xuống như nói rằng Lân đã ngủ và Lân thở bằng nó. Vợ Lân rền tiếng quát người đầy tớ. Tên này vội chạy lại nhưng Tiến gạt đi:
- Thôi, để tôi và chị đỡ anh ấy vào thôi. Còn nhỏ dọn khay đĩa và lau chùi chỗ này đi...
Tiến nói và làm ngay. Tuy Lân to béo gấp rưỡi Tiến nhưng cũng bị Tiến dìu đi. Đặt Lân nằm xuống giường, kéo chân Lân duỗi dài ra, Tiến vỗ vỗ nhẹ lên trán Lân, cười:
- Ngủ kỹ nhé!
Vợ Lân ra trước, đứng ở ngoài cửa:
- Gớm chết! Ra còn lên bài chứ! Các bà ấy đương gọi kia kìa
Tiến vỗ thêm mấy cái nhẹ vào má Lân mới đi ra.
Lân lờ đờ đưa mắt nhìn theo.
Trong cái bóng mờ mờ xanh xanh của hành lang, bóng vợ Lân và Tiến song song rồi dán lại làm một. Lân lờ mờ nghe thấy một giọng nói nhẹ rồi như một tiếng tát má khẽ.
- Sao lại có thể như thế được?
Giời ơi! Cái tên bạn thường ăn ngủ ở nhà mình, thường chơi bời thâu đêm suốt sáng với mình kia! Nghĩ tới cái đêm ấy, với những con mắt ấy, với những giọng nói ấy, với cái bước đi ấy, với cái thứ tiếng hình như tát má ấy, Lân thấy buốt chói cả đầu (...bản thảo mất một số dòng...) Không! Lân không thể chịu đựng được những sự khốn nạn, bẩn thỉu kia bôi lên đầu Lân bằng những bàn tay mà Lân tin cậy. Lân không thể sống trong cái nhàn hạ, thừa đủ mà vẫn còn phải uất ức, đau khổ. Nhưng Lân sẽ phải làm những gì để trừng phạt những kẻ gây nên cho Lân sự rối loạn ấy? Lân phải trừng phạt chúng đến thế nào để cho lại được sống những ngày không lo nghĩ, thỏa thuê như trước?
Lân đã suy nghĩ, đau đớn, tê tái. Lân đã tính toán đến nát óc. Lân đã nhiều phen có một cảm tưởng choáng váng rằng Lân lại kém cả những kẻ ăn mày ăn nhặt, rách rưới, ốm, đói, mà Lân chỉ dám quẳng vội tiền cho.
Nhưng, hàng năm rồi!...
Vợ Lân vẫn cả ngày biền biệt, vẫn liên miên chắn, tổ tôm, vẫn về đến nhà là gắt ầm lên. Còn Tiến, thì đấy, bên cạnh Lân vẫn kè kè, đùa bỡn khoái trá. Đối với vợ, Lân vẫn phải ngọt ngào, với Tiến, Lân vẫn phải niềm nở. Lân vẫn phải chăm chỉ với hai người ấy trên những đống tiền vung ra không tiếc để hưởng những vui cười, đón tiếp, vì nể, nhắc nhở.
Tiến và Lân lại rẽ quặt sang một đường nữa. Tới đây, không còn cái im vắng và sắc xanh mướt của một khu nhiều cây cỏ nữa. Hai người đi trong những ồn ào của hai dãy phố cân thóc gạo ở gần bờ sông đông nghịt kẻ đi lại, hàng quà bánh bán rong, xe bò, xe cút kít và những phu khuân vác. Thoáng phút, một lũ trẻ đã bâu theo Lân, Tiến và con Jocky. Cái khẩu súng hai nòng oai vệ của hai nhà đi săn dẫn những bước khệ nệ với con chó to nhớn, lừ lừ, lông xám vằn vèo như lông hổ, mõm to, lưỡi đỏ chảy thè lè, răng trắng nhởn nhọn hoắt, càng lôi kéo thêm nhiều trẻ nữa đến xúm xít chung quanh. Chúng cười, nói suỵt chó, xô đẩy nhau để chó dồ.
Tiến hứng trí. Tiến đã không xua đuổi lũ trẻ nọ lại thỉnh thoảng xồ Jocky vào lũ trẻ để chúng nó kêu váng lên, chạy toán loạn rồi lại bâu đến.
Lân, Lân đã đến cực điểm của khó chịu. Lân vẫn cứ mỉm cười để tán thưởng sự nghịch ngợm của Tiến và lũ trẻ
- Nó sướng lắm!... Nó hể hả thế kia mà!... - Lân đưa mắt nhìn Tiến, gầm lên trong tâm trí - Cái gương mặt lồm lộp, cái trán nhẵn bóng và cái miệng toe toét của nó sao mà ghê sợ thế?
Lần này, Lân không còn thể bấu víu vào một sự nghi ngờ nào để quên và an ủi được mình. Lân phải tin với một lòng tin vững chãi nhất của một kẻ thấy rõ ràng trước mắt mình tất cả những chứng nhận điều mình tin là có thật.
- Sao lại có thể như thế được?!
- Sao lại có thể như thế được?!
Con Jockey càng dồ vào lũ trẻ, chúng càng kêu, hét ầm ầm và chạy cuống cuồng. Lân phải kéo giật con chó của mình lại, lắc mạnh đầu nó mấy cái. Thấy vẻ mặt Lân lầm lầm, môi mím chặt, mắt sáng quắc, Tiến tưởng Lân đã phật ý vì mình nhảm quá ở ngoài đường, bèn quát lên đuổi tụi trẻ. Nhưng Lân vẫn cười, bảo chúng nó:
- Alê thôi! Chúng mày không được theo nữa! Không nghe, tao suỵt chó thật đấy.
Và Tiến quay lại nói bằng tiếng Pháp với Lân:
- Hôm nay mình rửng mỡ thật!
Lân cũng cười:
- Con vật trong người anh nó muốn thế mà.
Tiến nháy nháy mắt, không đáp mà lại bắt đầu huýt sáo và gõ gót giày đánh nhịp.
Đã tới bến tầu.
Tiến lấy hai vé. Chuyến này có những hai cái chạy. Hai người chỉ phải chờ dứt hồi còi là tàu sình sịch, chuyển cái guồng dào dạt.
Lại thêm sự bực dọc nữa cho Lân. Sao mọi khi thì Lân hay bị nhỡ tầu thế mà giờ thì lại vừa kịp? Nhìn cái đồng hồ bỏ túi trễ ra với cái dây vàng, Lân chỉ muốn đập tan nó đi để phạt cái tội đúng giờ tai hại trong lúc này.
Dựa khẩu súng vào lan can và mắc xích con Jocky liền với súng xong, Tiến và Lân xuống boong dưới, lại đằng cửa ngắm phong cảnh.
- Hôm nay giời nặng quá nhỉ.
Tiến nói, chỉ ra xa. Vùng quê này đã cách hẳn thành phố. Dưới vùng trời xám ngắt, đồng ruộng mênh mông im vắng. Một màu mực tỏa trùm lên. Những lũy tre, những mái gianh như những nét bút mực tầu quét lên một nền lụa cũ.
Tiến lại cất tiếng trước:
- Hôm nào chúng mình thử vào trọ một đêm ở làng gần đây, ăn cơm gạo đỏ và muối vừng xem nào.
- Để làm gì?
- Để xem có cái “thú” nhà quê nào không, chứ còn để làm gì.
Như mọi lần, đến những chuyện này là Lân cùng Tiến cười híp mắt và thế nào cũng kéo dài chuyện ra. Nhưng giờ, đối với Lân, nó như đấm vào tai Lân. Thấy Lân không đáp, Tiến vỗ vai Lân, cười phá lên:
- Thích chết người đi rồi phải không?
Lân phải cười gượng mấy tiếng;
- Nhưng giờ hồn, không khéo có phen lại chết mất xác đấy.
- Hừ! Đời nào! Mình tha không sửa đứa nào thì thôi, còn đứa nào dám ho he, động đến gót mình. Vả lại, đứa nào được mình “chấm” đến là phúc đấy.
Cổ họng Lân như bị bóp chặt. Mắt Lân càng sáng hơn nữa. Với vẻ mặt quỉ quyệt, những câu nói ngạo nghễ ấy, Tiến đã nói thẳng vào mặt Lân. Tiến bất chấp mọi người đàn ông, bằng những mưu mẹo, bằng cái tài quyến rũ và đồng tiền thế lực của Tiến. Tiến muốn người đàn bà nào là được người đàn bà ấy.
- “Toa” phải biết! - Tiến vừa nói vừa trỏ vào mặt Lân. - Đây, cho “toa” nghe một “quả” rất khó khăn nhưng “moa” đã xơi một cách rất ngọt vừa xong. Toa còn nhớ con ông Tham Đình Bảng bên Bắc không?...
Chấm câu hỏi, Tiến quẳng mạnh mẩu xì gà xuống sông, nhảy phốc lên tấm gỗ chắn cửa boong tầu.
- Ối giời ôi!... Ùm!...
Cả cái thân thể đẫy đà và quần áo chải chuốt của Tiến lăn xuống sông. Vì hấp tấp và nhảy mạnh quá, Tiến đã bị trượt đít, nhao người đi, không kịp bấu víu được lấy cái gì. Hốt hoảng, Lân cũng kêu thét lên tiếng dữ dội. Không đầy một phút, tất cả hành khách đã đổ xô lên boong tầu.
Một sự huyên náo ghê gớm trào lên.
- Có người lăn xuống sông!... Có người lăn xuống sông...
- Nhà ông đi săn lăn xuống sông...
Chưa biết người này là ai, mấy người đàn bà buôn tôm cá và mấy cụ già tíu tít kêu gọi, giục giã:
- Ai đấy? Ai thế? Ai biết bơi làm phúc nhẩy xuống vớt người ta đi...
Trên dòng nước đục lờ chảy nặng nề giữa hai cánh đồng bát ngát, Tiến cố ngước mắt lên, tóc ướt sũng, rỏ nước ròng ròng. Hai cánh tay Tiến bải hoải ngoi ngoi. Càng thở, càng cố phào lên những tiếng gọi, Tiến càng bị tầu bỏ xa tuy người ta đã hãm máy. Mấy lần, Tiến bị gió thổi tóe nước vào mặt và sóng tràn ngụp đi... Nhìn cái mẩu người nhấp nhô ấy, các đàn bà và người già cả càng rối rít. Trong khi ấy, con Jocky bị xích cứ nhẩy chồm lên, đâm bổ vào cái hàng rào người nhốn nháo ở trước mặt nó. Tiếng sủa gằn rít của cái mõm tua tủa răng nhọn bắn ra, dội thêm sự khủng khiếp vào cái huyên náo. Người ta càng chỉ trỏ, hỏi, gọi nhau. Không một ai nhảy xuống vớt...
Phựt! Jocky đã giằng đứt cái móc kền móc vào dây xích. Nó lồng lại đằng cuối boong rồi ngược lên rồi lại lộn xuống và bổ chân vào đám người. Nhiều kẻ giật nẩy mình, ngoái cổ trông, hét lên và giãn ra. Jocky gác chân lên lan can, dãi chảy long tong, mắt long lanh nhớn nhác.
Bỗng, ở boong dưới, trào lên một loạt tiếng hét và một loạt đầu cúi rạp xuống. Đánh vút, một bóng xám vươn dài ra, lao xuống dòng sông. Lân đương chạy lăng xăng, thoáng thấy cái bóng nọ liền chạy xồ ra cửa boong. Không sao ngăn được sự kinh ngạc và , trong một giây bị nổi gai lên vì một ý nghĩ lóe ra, Lân đâm xổ ra nhìn, rít lên:
- Con Jocky!...
Ngay đó, mọi người reo ầm lên, ván tầu bị dận, nhẩy thình thình. Hàng mấy trăm con mắt sáng ngời chiếu cả vào con vật mạnh như mũi tầu, rẽ nước, tiến về phía Tiến ngoi ngóp.
Mặt Lân như bốc lửa. Lân hoa cả mắt nhìn con vật nọ. Nó càng đến gần Tiến, trống ngực Lân càng đập dồn và cái cục tròn trong cổ họng Lân càng nở ra, càng rút chặt lên.
Jocky chỉ còn cách Tiến một quãng ngắn. Tiến đã ngụp đi lần nữa để lại cố nhô lên, xoài đến con chó. Nhưng, chưa cất khỏi đầu trên mặt nước, Tiến lại bị chìm nghỉm lâu lâu rồi mới ngoi được lên, hai cánh tay chới với. Trên tầu, tiếng reo hò cất cao như sóng bão:
- A a a a a... Được rồi! Được rồi!...
Mõm con chó đã gần sát mặt Tiến. Rồi cái cổ của nó vươn dài nữa ra để cánh tay lẩy bẩy Tiến ôm chầm lấy và để cái đầu Tiến ướt sũng ghếch lên.
Vùng cái, Lân quay ngoắt lại, mắt nẩy lửa, nhìn vào khẩu súng hai nòng của mình:
- Jocky! Mày phải chết bởi phát đạn này...
Nhưng, chỉ vừa dứt câu, Lân liền thấy lạnh cả người. Và tâm trí mềm nhũn hẳn đi. Cái ý nghĩ trên kia  tắt nhanh hơn một gợn gió, nhường cho một ý nghĩ khác.
Lân mím môi, run bắn cả chân tay, rền khẽ tiếng:
- Giời ơi! Vậy đến bao giờ thằng khốn nạn kia mới chết? Mà nó không chết thì con chó vô tích sự kia phải chết thay nó, giời ạ!...

1939

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét