Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Mối hờn


Mối hờn

Tác giả: Nguyên Hồng


Mắt họ đều sáng cả lên, dồn vào người khách. Người nọ cúi mặt xuống, xiết xiết móng tay lên chiếu. Nét mặt y tối thêm. Cái nước da dầu dãi ấy sạm hẳn lại trước ánh sáng gay gắt của ngọn đèn dầu tây vặn cao, khói ngùn ngụt. Mãi y mới cất tiếng run run:
- Thôi, như thế này thì xin các anh em vui lòng giúp cho. Đây tôi còn đúng một chục bạc, tôi đưa hầu nốt cả anh em. Tôi xin thề với quỉ thần hai vai rằng nếu tôi có thể xoay giở thêm được nữa thì bóng đèn này tắt, tôi tắt theo, không còn được về mà ăn thêm một Tết nữa với bố già và hai con dại của tôi.
Lùn đưa mắt nhìn Ba. Ba ngước lên trông Giản. Nhưng Giản vẫn đăm đăm. Minh Trổ đứng bên Giản liền cười nhẹ mấy tiếng rồi bàn tay phải cụt hai ngón của hắn lừ lừ đưa ra nắm lấy bàn tay rung rung của người khách:
- Vâng! Ông đã cạn nhời nói như thế anh em xin nhận và xin hết sức giúp ông. Nhưng anh em muốn thưa với ông điều cuối cùng này là công việc xong xuôi, ông để lại cho anh em con “đoàn” (dao) này.
Người khách chớp mắt một cái. Y lại cúi mặt xuống, môi mím mím. Một lúc sau, y bật ra một tiếng thở gằn đoạn nắm chặt lấy bàn tay tàn tật của Minh Trổ, nói như nức nở:
- Thôi, được anh em rửa cho cái nhục này, tôi há còn dám tiếc nó. - Y lắc đầu - Vậy tôi xin biếu anh em và mong anh em giữ gìn nó cho vì nó là cái vật tự tay tôi làm ra mà hai ba năm nay không bao giờ tôi dám rời nó hoặc không tơ tưởng đến nó.
Người khách rút cái ví da cũ, lấy tập bạc đặt lên lưỡi dao để trước mâm rượu. Y xoa xoa tay, khẩn khoản nói với bốn người nọ một hồi nữa mới chụp mũ lên đầu đi ra.
Vút ... ào ào ... cái thân hình còm cõi, quần áo xốc xếch ấy chưa lách ra khỏi cánh cửa liếp, gió đã lồng vào. Một cái lạnh tối thẳm cuốn lấy tiếng pháo xa xa, đâu kia, lác đác ran.

* * *

- Thôi anh em cạn chén nữa đi cho kẻo Giao thừa đến nơi rồi. - Minh Trổ bỏ tập bạc vào cái đĩa, đặt lưỡi dao nằm đè lên rồi đập chén thình xuống giường, cười sè sè:
- Rót! Vậy tôi xin rót tiếp cho anh em...
Đón lấy chén rượu của Minh Trổ đưa, Ba cũng chưa ngồi vào chỗ vội. Hắn bóc bao nến, lấy hai cây tốt, cắm lên mặt bàn sau giường. Gian nhà rực rỡ hẳn lên với những bức tranh Tầu rất sặc sỡ và những hoa giấy lòe loẹt khắp cả bức vách. Bốn chén rượu rung rung nhấc lên. Mặt mọi người đỏ thêm, mắt càng long lanh. Như không phải vì men rượu bốc lên ở những gương mặt nọ mà là máu của người sắp bị lưỡi dao mỏng và nhọn hoắt trên đĩa bạc kia đưa suốt qua cổ họng hay ngập sâu vào giữa ngực. Sự sống chết của nạn nhân này đã được đánh giá bằng hai mươi đồng bạc. Người khách tìm đến bọn Lùn, Trổ một cách gấp rút như thế bởi mối hờn của y đêm nay mà không rửa được thì suốt đời y sẽ bị nung nấu, bị điên cuồng vì đau tủi.
Y đã bị vợ phụ tình: vợ y bỏ y và hai đứa con vẫn còn mến vú theo một tên bạn của y, lẳng giai và tài xoay xở. Tên bạn còn cướp nốt cả miếng ăn của y: y đương làm cho chủ bỗng chủ đuổi y sau một cuộc khám xét thấy nhiều đồ dùng của sở giấu trong nhà y mà y đã mấy năm mua gian bán lận rất trôi chảy. Hơn hai năm nay y thất nghiệp. Cảnh đói rét và có lẽ chết chóc tan nát nữa, sẽ đến nếu chỉ một vài tuần lễ nữa y không vay mượn thêm được ai hay được việc gì làm. Hôm 23 đây y được tin vợ y và kẻ thù vừa ở Sài Gòn về, đem hàng bạc nghìn về tậu ruộng, sắm sửa, may mặc. Mồng Hai tết cặp nọ lại vào trong ấy. Chuyến này thì thật y hết trông mong hắn và người đàn bà kia trở về đất Bắc...
Những chén rượu đầy lại cạn. Ba hất mạnh cánh tóc cánh gà lên, mắt gờm gờm đưa lướt qua mâm rượu và qua mặt các bạn:
- Anh em! Định ai đi bây giờ?
Vừa nói Ba vừa giơ cái cánh tay trổ quấn một mình rắn và những đóa hoa lăm lăm:
- Không! Không ai cả! Phải phần tôi!
Lùn cười gằn, cái cằm vuông bạnh ra:
- Sao lại phần anh? Sao lại không phần Ba, phần Giản, phần Đậu Nhất hổ này? Không! Không phần ai cả!...
Ba gừ một tiếng, bàn tay nắm chặt đưa đi đưa lại trước mặt:
- Không! Không! Lần này xin anh em để tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không được động đến con “đoàn” “sứa” (sắc) nào cả. Tôi cũng nhớ anh em trong “hỏa loẹt” (đề lao) lắm rồi! Tôi đã đến nỗi nào đâu! Ha... ha... Anh em khinh Ba này quá!
Giản vẫn im lặng, duy có cặp mắt càng loáng lên, ngầu ngầu nhìn mọi người. Minh Trổ hất hàm:
- Kìa Thiết Giản! Nghĩ gì mà lung thế? Buồn chăng? Giời ơi! Việc gì mà phải buồn? Sao đến lúc này đông anh em mà vẫn còn buồn?!
Giản nhếch mép cười, uống cạn chén rượu. Môi dưới của Giản thâm nhợt và bị xẻ đôi hơi mím lại. Minh Trổ vội quài tay lấy chén rượu rung rung trong tay Giản mà rót ồng ộc vào chén mình:
- Giản “sưa” (say) rồi sao? Thôi, để Minh đỡ vậy... A ha ha...
Trước cặp mắt Giản lừ lừ đưa nhìn, Minh Trổ thoáng có một ý nghĩ rờn rợn. Hắn vội cười và quay rót cho Giản:
- Nói thế chứ, Giản “sưa” làm sao được! “Diễn hàng bo” (uống từng bát) Giản đánh ngã cả Bẩy Nhè bên Hạ Lý thì giờ mươi chén này mùi gì! Đây, tôi lại tiếp Giản đây. Kìa! Giản! “cộng” (cầm) chén rượu của tôi mời đi.
Ha... ha... ha... Minh Trổ cười sằng sặc và cất cao giọng:
Ai đưa... tôi đến... chốn này...
Bên kia... tòa án... bên này... lao đề lao...
Hát xong, Minh trổ lại cười sằng sặc, vỗ vai Giản:
- Đây còn là “hỏa loẹt” nữa đâu, Giản ơi! Và bữa rượu này có phải bữa rượu vào phép, quây quần, chen chúc nhau ngồi “mổ” trên xà lim với những bát gáo dừa đâu?
Giản vẫn không nói. Chợt y đặt dằn chén rượu xuống cạnh mâm, quay lại với lưỡi dao, đưa ngược lưỡi dao trông thẳng lên sống mũi mình. Đôi mày rậm và xếch chau lại. Giản thong thả buông tiếng:
- Trong anh em đây ai cũng có thể đi được cả, và chính tôi, tuy, - Giản cúi cúi mặt, ngừng lại một giây. - thôi! Bất tất phải nói. Vậy không nên anh em nào tự nhận “bồng” (đem) “đoàn” mà chỉ nên...
Lùn vội kêu lên:
- Chọn bài, a! Như thế lại theo cái lệ chọn bài. Không! Không! Xin anh em cứ giao “đoàn” cho Đậu Nhất Hổ này.
Giản vươn tay đặt lên vai Lùn, cười:
- Như thế lại Minh Trổ, lại Ba và cả Giản nữa cũng đòi “đoàn” thì sao?
Mắt Lùn long lên nhìn Giản. Giản lắc đầu và vẫn giữ nụ cười trên cặp môi bị chém xẻ làm đôi. Giản kéo Lùn ngồi hẳn xuống đoạn quay lại, với lấy một cọc bài tổ tôm trên mặt bàn. Giản rút ra bốn cây, một quân nhị văn, một quân tứ vạn, một quân nhất sách và một quân bát vạn.
- Thôi đây, anh em nên chọn đi.
Minh Trổ thoáng nhìn Giản. Hắn run run muốn bảo Giản một nhời, nhưng không hiểu sao cổ họng hắn như tắc và lưỡi thì ríu lại. Bên cạnh Minh, Lùn lại chồm lên, toan nói nhưng Ba liền kéo lấy hắn:
- Như thế phải rồi! Đúng rồi! Đây, tôi... (Ba rút phắt một cây bài úp lên, quật đét ra chiếu) - A! Quân nhị văn... quân đen...
Lùn cũng vội tranh rút theo, nhưng hắn thất vọng, gằn tiếng:
- Nhất sách! Cũng quân đen!
Hồi hộp.
Minh Trổ lại đưa mắt nhìn Giản, một trong hai người cuối cùng mà sự ngẫu nhiên sẽ chọn đây. Thì Giản đã nhoai người ra, nhắm nghiền mắt, vơ lấy hai cây bài trên chiếu, trang đi trang lại. Mọi người đều tưởng sắp hoa cả mắt trong cái giây chờ đợi. Ai “bồng” “đoàn” đây?!! Ai “bồng” “đoàn” đây?!!
Đét! Như một tiếng roi da quất nhanh lên da thịt người, cây bài đỏ đã vật ra chiếu:
- Bát vạn! A! Bát vạn! Thế là Thiết Giản “bồng” “đoàn” rồi!...
Lùn vồ lấy cây bài, Ba thì reo lên.
Trước ánh đèn nến ngùn ngụt, cây bài nền trắng in hình con cá và những hoa chữ đỏ tươi nổi bật lên như thật một con cá đẫm máu vùng giẫy. Mặt Giản bừng đỏ. Mắt Giản lấp lánh. Giản, Minh Trổ không nén được những nhịp thở hổn hển, đành để dội ra luôn mấy tiếng gằn. Minh đau đớn... Minh đau đớn... Minh thấy sao Giản lại chọn phải quân bài đỏ ấy? Lần này thì Giản thoát sao khỏi được án chém nếu đêm nay Giản lại đem dao đi lấy dấu. Giản vừa vượt lao ra. Giản chưa khỏi những vết thương của lính bắn và của bức tường mảnh chai đã làm Giản bại cả một nửa người. Và Giản cũng còn bố già phải nuôi nấng. Người cha này tam tứ phen đã cầm dao đuổi chém Giản. Ông bảo ông chết thì thôi chứ không nhận cái đứa con du đãng như Giản. Tiếc rằng ông không được biết sớm sự hư hỏng của Giản chứ không ông quyết trôi sông Giản ngay từ thuở Giản mới nhớn và ngạo ngược. Trước kia ông vẫn sống bằng cái chõng trầu nước bán cho những phu xe ở đầu đường. Gần đây ông bị mù, ông phải ở nhà chữa cái quang cái gánh, cạp lại cái rổ, cái rá cho quanh xóm để kiếm bữa rau bữa cháo...
Tiếng cười ha hả của Giản cắt đứt ngay những ý nghĩ của Minh. Giản đã cầm lấy đôi đũa và lại nhắm nghiền mắt lại. Tay Giản rung rung gắp vào đĩa thịt gà.
- Anh em! Tôi gắp được miếng gì đây nào?
- Cái đầu! A! Cái đầu! Giản ạ.
Ba nói như reo lên.
Cái đầu gà! Phải, chính cái đầu gà luộc còn dính óc trắng và một nửa vỏ vẹt đi, giơ cao trước mắt mọi người. Cái đầu của người bị thuê chém mà Giản chọn phải!
Giản đã mở mắt. Mặt Giản tím lại. Hắn lừ lừ nhìn con dao và cái đầu gà.
Xoảng... Đôi đũa vứt lăn ra mâm. Giản nhoài người với lấy lưỡi dao. Minh Trổ toan giằng lấy, Giản liền vung tay, mắt long sòng sọc:
- Sao lại thế? Kìa! Sao Minh Trổ lại định tranh hàng của anh em?
Giản ngửa cổ, uống ực chén rượu đầy tự tay mình rót rồi gạt phăng cái ghế dưới chân giường, bước xuống, giơ cao lưỡi dao sáng loáng:
- Thôi Giản đi đây. Sang năm mới, sáng sớm mồng Một anh em nhớ đón Giản ở đầu cầu xe lửa...

* * *

Những tiếng gì đương làm vang động cả bầu trời khuya thế? Không! Chỉ là những tiếng pháo nổ và những tiếng chiêng, trống ran ran. Và những mùi thơm ngan ngát qua những làn gió thổi ào ào chỉ là những hương nhang hương trầm và hương thuỷ tiên hé nở thấp thoáng theo khói pháo.
Giản đi như chạy
Giản không tưởng tượng nhưng những cảnh rực rỡ cứ hiện ra trước mắt. Những gian nhà đèn nến, hoa lá sáng trưng... Những ban thờ đồng, sứ bóng lộn... những lễ phẩm từng mâm nhớn mâm bé... già, trẻ, nhớn, bé, hồng hào, tươi hớn... những tiếng cười... những tiếng chúc mừng...
Trong cái áo tây dạ tím và cái quần nhiễu đen cũ, da thịt Giản tê đi. Một cái lạnh chói buốt lao vào ngực Giản. Men rượu đã hả gần hết rồi! Đầu óc Giản càng hoang mang, đầy những tiếng rối loạn.
Giản cắn chặt môi, nhìn chênh chếch xuống đường. Mặt đường nhựa xám xịt. Những bóng lá chập chờn. Bên phải, sông Tam Bạc và bến tàu Nam đen như mực, lù mù những thuyền, sũng, đò, sà lan chen chúc nhau như những con cá chết. Bên trái dẫy đằng sau của phố Khách, chi chít những ngõ ngách, những bức tường lởm chởm và những lỗ hổng rác bẩn và cứt đái: một dẫy hang sâu thẳm, không khí ầm ì chực nuốt lấy người ta. Bên kia, khu nhà thổ Hạ Lý đến giờ mới được im, thoát khỏi những sự quấy phá và những sự đâm chém nhiều khi chẳng ai hiểu ra làm sao.
Khu Giang Đông! Đây, Giản đã được gọi là Thiết Giản. Lúc này nó cũng bị ngập trong những lớp sương dầy. Những nhà Năm Lỳ, nhà Béo, nhà Khiễng và nhất là nhà Sửu Già phải đương khó chịu vì những tiếng khóc tỉ tê mà những mụ chủ  nọ chỉ có thể tươi cười, dỗ dành, vỗ về người khóc.
Giản cắn chặt môi thêm. Bước nhanh hơn nữa. Ngã ba phố Khách. Giản xuống đường, rẽ về tay trái. Gió thổi vào mặt ngày càng buốt. Cái mũ nồi đội bịt lấy cái đầu cạo trọc tưởng như không có. Đỉnh óc Giản như bị dội nước đá. Giản vội thu tay ủ vào nách.
- Suýtítít...
Giản kêu rít lên, khe khẽ. Lưỡi dao gài ở túi áo trong cứa vập phải tay. Giản giật tay ra. Thấy rát và ươn ướt, Giản giơ chỗ đau rớm máu ra ánh sáng cây đèn bên đường, mút vội những giọt máu. Nhổ dứt bãi nước bọt mặn lợm, Giản nhấc lưỡi dao ra, chau mày nhìn. Đến giờ, cầm nó ở trong tay và ngay dưới mắt, Giản mới nhận thấy rõ cái mỏng của lưỡi thép. Nếu không có cái chuôi sừng thì nó hệt như một lá lúa loáng sương mờ đêm trăng. Chỉ hơi đưa tay, lưỡi thép này cũng đủ suốt qua rất ngọt những khớp xương rắn chắc nhất. Giản nhìn thêm giây nữa rồi lật sang mặt kia. Một gợn sáng gai góc lướt qua mắt. Giản gõ nhẹ một ngón tay lên. Keng... keng... như là những tiếng của đồng chuông ngân sâu vào tai Giản.
Một hình ảnh vụt nổi lên.
Giản thở hắt ra một cái mạnh.
Giản tưởng đến lần trước đây, chưa đầy hai  năm, cũng với một lưỡi dao, Giản chém sả vai một người để cướp món hàng lậu. Lần ấy Giản bị một năm tù và năm năm biệt xứ. Hết hạn, lại với lưỡi dao, Giản lại nay sòng bạc này, mai một cổng kho, một ngõ hẻm khác. Chưa được mấy tháng, vòng xích lại khóa chặt cổ tay Giản, và đây kia, xa một chút, sau những lùm cây lù mù, cái đề lao ấy lại giam Giản.
Lần này! Thôi lần này! Nhẹ thì cũng là cái “sổ đỏ chung thân” sẽ đóng vào ngực áo. Hà Giang. Lai Châu. Côn Lôn... Đây Giản lại gặp những bạn bè tội lỗi. Tù... tù mãi rồi đi đầy... rồi hết đời! Năm nay Giản hăm sáu. Hai mươi sáu tuổi thế mà hết một đời... Khốn nạn! Sao lại thế? Bố mẹ đẻ ra Giản cũng đủ cả, khỏe mạnh, tinh nhanh mà sao đời Giản lại thế? Kìa kìa... cái trường Bonnal ngày xưa Giản hai buổi cắp sách đi về, cũng quần chùng áo dài, cũng được tiền ăn quà, tiền đánh đáo, chơi bóng dù bố Giản chỉ là cu ly kéo xe và mẹ Giản bán rau rong phố. Ừ, nhà nghèo, không được theo đòi lên tận những lớp thành chung, cao đẳng, nhưng bố mẹ có dám để cho Giản ra đời một cách lêu lổng đâu? Mười lăm, mười sáu tuổi, như những trẻ cùng xóm khác thì đã phải đeo cái hòm lạc rang, cái rá bánh rán buôn bán đỡ đần cha mẹ đồng rau đồng mắm. Đây Giản cũng vẫn ngày hai buổi đi tập việc rồi về cơm nhà, quần áo nhà, tiền thuốc lá, cạo đầu cũng của nhà. Như thế thực Giản sướng lắm! Chính bố Giản thường nghiến răng chỉ vào mặt Giản:
- Quân súc vật! Mày lại không biết rằng bố mày là thằng cu ly, rạc đời trên cái tay xe à? Nhận của cai tầu xe, bố mày chỉ thiếu của nó dăm xu, nó cũng chửi cũng đánh vùi đánh dập bố mày. Còn mẹ mày, đầu đường cuối chợ, có đói thì thắt cho chặt cái bụng mà đi kiếm gạo về nuôi mày. Thế mà mày không biết chịu khó, không chịu chăm chỉ học tập làm ăn, thì đời mày còn ra cái gì. Mày miệng đọc tay viết mà không chịu nghĩ cách mở mày mở mặt, cất đầu cất cổ thì mày còn là cái giống người sao được?!!! Giời ơi, sao tôi đẻ nó ra, tôi hết sức vun xới cho nó mà nó cứ lông bông thế hở giời?! Sao trước kia bố mẹ tôi lại không chịu dạy dỗ cho tôi học hành để tôi phải chịu cái đời khổ sở nhục nhã thế này?!
Giản đã khóc. Giản lại đến xưởng với bộ quần áo xanh lấm láp, chúi mắt chúi mũi vào công việc. Nhưng chỉ được ít lâu, Giản lại buồn nản không thể chịu được. Giản thấy mệt mỏi, một cái mệt mỏi đen kịt khiến Giản không thể giữ nổi một chút gì vui, tin vào cái đời sáng sủa mai sau. Chung quanh Giản, người ta chăm chỉ làm ăn đấy, từ phu, từ cu ly, từ thợ đến cai, đến ký thế mà quanh năm suốt tháng và tới già, chỉ càng ngày càng xơ xác, túng thiếu cùng cực. Thạo nghề hay không nghề, giỏi giang cũng như vụng về, nay đương có việc mà mai đã bị dãn ra rồi, không thế thì cũng bị rút lương, bị đe dọa phải có lễ lạt, dần dần cũng đến thất nghiệp, công nợ, đói rét nheo nhóc, rạc rài... Vậy nếu Giản có chịu khó, có thành thạo thì cũng chỉ vài năm là cùng được làm ăn đều hòa rồi sớm tối cũng lâm vào cái cảnh sống dở chết dở để sau cùng thì bán thân xác đi phu cao su, phu mỏ, dốc nốt khí lực ra rồi chết... Ấy là Giản một thân một mình, không đa mang vợ con gì. Chứ nếu có vợ có con mà con bồng con dắt, thì cái nhà mà Giản đi về sẽ thành một địa ngục mất. Bởi với cái lương ấy, với những công việc dằng dặc ấy, với sự sống còn đành trông vào may rủi ấy, Giản sẽ không còn được một phút nào nghĩ đến sự nghỉ ngơi, được một giấc ngủ nào đẫy mắt và biết thế nào là ánh sáng, là không khí, là hoa cỏ của giời đất ngoài ba chữ “vợ”, “con” và “đói”...
Trong khi ấy, ngay trước mắt Giản, có một cảnh đời sao lại sung sướng, vui vẻ thế? Giản không mấy lúc không tưởng tới mà không bị cái tên của nó làm cho nghẹn ngào sôi nổi: người hàng phố. Cái gì của “người hàng phố” cũng như tiên cả. Từ sự ăn mặc, đi đứng, chuyện trò, cười nói, nhà ở, cửa hàng, vườn hoa, sân gác đều chói lòa. Nhất là những người Tây, những người mà ít khi Giản được đứng gần hay dám trông lâu lên mặt, thì Giản thấy thật là họ còn vui sướng hơn cả tiên. Không dám mơ ước được hẳn như họ, mà chỉ được ăn mặc, đi chơi, ngồi ôtô và xem chớp bóng một giờ như họ thôi, Giản có chết cũng xin cam. Đời Giản, đời một người An Nam như Giản, được như thế là quá đủ mãn nguyện rồi!...
Một sự đau xót ghì lấy tâm trí Giản. Giản nổi gai cả người. Ngay đó, những tiếng pháo đằng đầu phố ran lên...
Giản chậm bước, thở hổn hển, nhìn hút vào những lớp bóng tối cuồn cuộn.
- Tít em! Tít em!...
Mấy tiếng đó bỗng rền rĩ bên tai. Nước mắt Giản liền ràn ra, Giản nức lên:
- Cái Tít! Giời ơi! Con này!...
Giản lại phải nghĩ đến Tít rồi! Cái người có hai con mắt sắc như nước và tiếng cười lanh lảnh này lại đến rồi! Giản đã mê Tít! Giản đã luôn hai năm chẳng còn biết gì ngoài Tít. Lấy hàng ngoài Sáu Kho, đón đường chặn đồ lậu, gác sòng bạc, chém người thuê... cũng vì Tít. Cái Tít em! Cả linh hồn của Giản. Giản chỉ xa Tít em một ngày cũng thấy choáng váng, như điên như dại. Mà Tít em càng ngọt nhạt với Giản, Giản càng lao đầu đi làm tiền, lao đầu vào lòng Tít, như bị say hoa mắt, như bị hút vào một làn lửa rực... Đùng cái, Tít lơ hẳn Giản. Cái Tít em bán cà phê bánh ngọt ở chợ đã thành bà Balô chủ chợ. Cái áo vải đồng lầm, cái quần nái, cái khăn vuông đã biến đi, nhường cho cái áo bồng vai, quần khít đũng, tóc uốn và nhuộm... rồi nào vàng, ngọc đầy tay đầy cổ. Tuyết An! Người đã đều gọi Tít bằng cái tên này. Tuyết An diện ôtô đi Đồ Sơn. Tuyết An diện ôtô đi chợ phiên. Tuyết An diện ôtô đi đăng-sinh... Tuyết An đã thành một bà tiên không còn nhìn qua Giản.
Ngay sau đó một tháng, Giản đi tù. Và những án tù bắt đầu từ đó cứ chồng lên đời Giản... Cả bầu trời như đổ sầm xuống. Giản phải đứng hẳn lại, chao đảo giơ tay với lấy cái cột đèn. Gục mặt lên cánh tay ấy, mặc cho nước mắt đầm đìa... Mặc cho đã nghiến rít lấy môi, sự đau rát vẫn cứ dội lên trong lòng Giản. Giản thở hồng hộc. Dưới cặp mắt Giản đầy những đốm sáng, lưỡi dao ở trong túi áo trật ra, rung rung, thích thích vào ngực Giản.
Chợt Giản đứng vùng lên, rút lưỡi dao ra, vút một cái vào không khí, rít tiếng:
- Tít em và thằng Sệ kia! Lần này thì chúng mày phải chết! Không! Giời ơi! Chúng mày phải chết.

* * *

Trưa hôm mồng một và suốt mấy tháng ròng, khắp tỉnh Hải Phòng và ra cả tới Quảng Yên, Hồng Gai, vào cả tới Vàng Danh, Uông Bí, rầm lên cái tin sau này:

“Cả vợ chồng người Tây Balô chủ chợ bị chém nát nhừ. Hung thủ không lấy qua một vật gì. Khi chém xong lại tung tất cả vàng bạc, của cải ra đường rồi đốt nhà... Không chạy trốn, hung thủ rạch nát ngực mình và chết trên đống lửa...”

1939

2 nhận xét:

  1. Đọc văn Nguyên Hồng thấy thê lương. Hầu như truyện nào cũng vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là nguyên nhân tôi không mấy thích NH. Văn của ông mầu tối là chủ đạo, rất ít những mảng mầu tươi sáng. Mà, văn học phải làm, nên làm cho con người thêm yêu cuộc sống. Đọc văn NH, chỉ thấy buồn.

      Xóa