Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 1


Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 1

Khi tôi thức giấc, lớp rèm bằng vải mộc để lọt vào phòng thứ ánh sáng vàng nhạt mà tôi vốn quen thuộc từ lâu. Những khuôn cửa sổ phòng chúng tôi, ở lầu một, không có cánh chớp. Không cửa sổ nhà nào trên phố có cánh chớp. Trên bàn đầu giường, tôi nghe thấy tiếng đồng hồ báo thức kêu tích tắc và, bên cạnh tôi, tiếng thở đều đặn của vợ tôi, to gần bằng tiếng thở của những bệnh nhân, trong một cuộc giải phẫu, trên phim ảnh. Vợ tôi lúc đó có mang được bảy tháng rưỡi. Cũng như lần mang thai Sophie trước, cái bụng vĩ đại của nàng buộc nàng phải nằm ngửa.
Không nhìn đồng hồ báo thức, tôi thò một cẳng ra khỏi giường. Jeanne cựa quậy và nói ấp úng, giọng xa vắng:
- Mấy giờ rồi anh?
- Năm rưỡi.
Cả đời tôi, tôi quen dậy sớm, nhất là sau những năm ở liệu dưỡng viện, nơi mùa hè người ta mang hàn thử biểu cho chúng tôi từ lúc sáu giờ sáng.
Vợ tôi đã không còn để ý đến những gì xảy ra quanh nàng và một cánh tay nàng duỗi ra chỗ tôi vừa rời khỏi.
Tôi lặng lẽ mặc quần áo, cử hành, theo thứ tự, nghi thức của mỗi buổi mai, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn con gái, hồi đó, giường nó còn kê trong phòng chúng tôi. Tuy chúng tôi đã sắp đặt cho nó căn phòng đẹp nhất trong nhà, phía mặt tiền, thông sang phòng chúng tôi.
Nó không chịu ngủ ở đó.
Tôi rời phòng, tay cầm giày đi trong nhà và chỉ xỏ vào khi xuống tới chân cầu thang. Chính lúc đó tôi nghe thấy những hồi còi thứ nhất của tàu bè, gần cửa cống Uf, cách gần hai cây số. Theo quy định, các cửa cống phải mở cho sà lan qua lại ngay từ lúc mặt trời mọc và sáng nào cũng có cuộc hòa nhạc đó.
Trong bếp, tôi nhóm ga, đặt ấm đun nước. Ngày mới, thêm một lần nữa, lại báo hiệu nắng ấm. Trong suốt thời kỳ này, ngày nào cũng thắm tươi rực rỡ, và hẳn tôi vẫn còn có thể, mỗi giờ, chỉ chỗ các dấu mặt trời tại những gian phòng khác nhau trong nhà.
Tôi mở cửa thông ra khoảng sân đã được chúng tôi lợp mái kính để vợ tôi có thể giặt giũ bất cứ lúc nào, mưa cũng như nắng, và con gái tôi có thể chơi đùa ở đó. Giờ, tôi vẫn nhìn thấy chiếc xe của búp bê và xa hơn chút nữa là con búp bê đang nằm lăn lóc trên những phiến gạch lát hình vuông màu vàng.
Tôi tránh không vào xưởng ngay vì tôi đã nhất quyết theo đúng các nguyên tắc, như cách tôi gọi thời khóa biểu của tôi hồi ấy. Một cái thời khóa biểu tự nó thiết định lấy, dần dần từng chút một, do những thói quen tạo ra hơn là do nhu cầu.
Trong khi chờ nước sôi, tôi đổ đầy bắp vào cái chậu cũ men xanh, lòng gỉ sét, chẳng dùng được cho việc gì khác và tôi băng qua sân đi cho gà ăn. Chúng tôi có sáu con gà mái trắng và một con gà trống.
Sương lóng lánh trên những lá rau, trên cây tử đinh hương độc nhất của chúng tôi mà những bông hoa tím, năm nay nở sớm, đã bắt đầu úa héo, và tôi vẫn nghe thấy, không chỉ tiếng còi tàu bè trên sông Meuse, mà còn cả tiếng thở hổn hển của những tàu chạy dầu cặn.
Tôi tha thiết muốn tuyên bố ngay rằng tôi không phải là một người đàn ông bất hạnh, cũng không phải một người buồn rầu. Ở tuổi ba mươi hai, tôi thấy mình thẳng tiến trong mọi kế hoạch mà tôi có thể lập ra, trong mọi niềm hy vọng của tôi.
Tôi có một vợ, một nhà, một đứa con gái bốn tuổi hơi dễ kích động nhưng bác sĩ Wilhems cả quyết rằng nó sẽ hết thôi.
Tôi đã tự tay dựng cơ nghiệp và khách hàng của tôi mỗi ngày mỗi đông thêm, nhất là mấy tháng gần đây, dĩ nhiên. Tất cả mọi người, vì nhiều biến cố, đều muốn có máy radio. Tôi không ngừng bán máy mới, sửa chữa máy cũ và, vì chúng tôi ở cách bến tàu có vài bước, tàu bè nghỉ đêm ở đó, tôi còn có cả khách hàng trong đám thủy thủ nữa.
Tôi nhớ đã nghe thấy tiếng cửa mở tại nhà hàng xóm bên trái của chúng tôi, gia đình Matray, một cặp vợ chồng già rất lặng lẽ. Lão Matray, từng làm thủ quỹ ở Pháp quốc Ngân hàng trong suốt ba lăm hay bốn mươi năm gì đó, cũng là một người dậy sớm và bắt đầu mỗi ngày bằng cách đi lại thở hít không khí trong lành nơi vườn nhà.
Mọi mảnh vườn trên phố đều y như nhau, mỗi mảnh rộng bằng bề ngang căn nhà, cách nhau bằng bức tường cao đúng tầm để người ta chỉ nhìn thấy chỏm đầu hàng xóm.
Từ ít lâu nay, lão Marray có thói quen rình rập tôi, vì lẽ những chiếc máy của tôi cho phép bắt các loại sóng ngắn.
- Sáng nay không có tin tức gì sao, ông Féron?
Buổi sáng hôm đó, tôi trở vào nhà trước khi lão kịp hỏi tôi và chế nước sôi lên cà phê.
Những đồ vật quen thuộc đều ở đúng chỗ của chúng, chỗ mà Jeanne và tôi đã định hoặc cuối cùng, theo thời gian, chúng đã tự chiếm lấy.
Nếu vợ tôi không có bầu thì hẳn tôi đã bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân nàng trên lầu một bởi vì, vào lúc bình thường, nàng vẫn dậy liền sau tôi. Tuy nhiên, theo thói quen, tôi thích tự sửa soạn cho mình ly cà phê đầu tiên trước khi vô xưởng. Cứ thế chúng tôi tuân thủ một số nghi thức nhất định và tôi cho rằng chắc gia đình nào cũng vậy.
Lần mang bầu thứ nhất cực nhọc, sinh nở khó khăn. Jeanne đổ tính nóng nảy của Sophie cho cái gắp sắt mà người ta đã phải dùng đến và gây tổn hại cho đầu của đứa nhỏ. Từ khi có bầu trở lại, nàng sợ lại khó đẻ và bị ám ảnh sẽ cho ra đời một đứa trẻ bất thường.
Bác sĩ Wilhems, người được nàng rất tin cậy, cũng không trấn an nổi nàng, giỏi lắm thì cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ, và buổi tối, nàng thao thức không dỗ được giấc ngủ. Rất lâu sau khi chúng tôi vào giường, tôi còn nghe thấy nàng trăn trở tìm một thế nằm thoải mái và gần như bao giờ cuối cùng nàng cũng thì thào hỏi:
- Anh ngủ chưa, Marcel?
- Chưa.
- Em tự hỏi không biết cơ thể em có thiếu chất sắt không. Em đã đọc thấy trong một bài báo...
Nàng cố ngủ nhưng thường phải quá hai giờ sáng mới chợp mắt nổi và sau đó, cũng chẳng phải hiếm khi, nàng bỗng vùng dậy thét lên.
- Em lại bị ác mộng nữa, Marcel.
- Kể anh nghe.
- Không. Em thích đừng nghĩ đến điều đó nữa thì hơn. Khủng khiếp lắm. Em xin lỗi đã làm anh mất giấc ngủ, anh phải làm việc nhiều biết bao nhiêu...
Hồi gần đây, nàng thức dậy vào khoảng bảy giờ và sau đó xuống sửa soạn bữa sáng.
Ly cà phê trên tay, tôi bước vào xưởng và mở cánh cửa lắp kiếng ngó xuống sân cùng mảnh vườn. Vào lúc này đây, tôi được tận hưởng tia nắng đầu tiên của ngày, xế bên trái cửa ra vào một chút, và tôi biết chính xác lúc nào nó sẽ lần tới cái bàn thợ của tôi.
Thật ra đó không phải là một cái bàn thợ đúng nghĩa mà chỉ là cái bàn lớn rất nặng, từ một tu viện thải ra, tôi đã mua nó trong cuộc phát mãi. Luôn luôn trên bàn bao giờ cũng có dăm cái máy đang sửa. Dụng cụ của tôi được xếp vào giá treo trên tường, ngay trong tầm tay tôi. Khắp xung quanh phòng, hàng đống máy chồng chất ngổn ngang trên các tủ nhiều ngăn bằng gỗ trắng mà tôi đã kê, và được dán nhãn ghi tên khách hàng.
Rốt cuộc tôi cũng vặn các nút, dĩ nhiên. Trì hoãn giây phút này hầu như là một trò chơi. Tôi thường tự nhủ, trái với mọi lý lẽ: “Nếu mình chờ một chút xíu nữa, có thể sẽ là ngày hôm nay”.
Ngay sau đó, ngày hôm ấy, tôi hiểu cuối cùng có chuyện gì đó đã xảy ra. Tôi chưa hề thấy không khí bị bó rọ như thế bao giờ. Dù tôi chọn tần số nào thì các chương trình phát thanh cũng chằng chịt chồng lên nhau, những tiếng nói, những tiếng rít, những câu tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp và người ta cảm thấy trong không gian như thể có một sự dao động đầy kịch tính.
- Đêm nay, các toán quân Quốc xã đã tấn công quy mô lớn vào...
Chưa đến lượt nước Pháp - dù sao người ta cũng không nhắc đến nó - mà là Hòa Lan, nó vừa bị xâm chiếm. Đài tôi vừa nghe, là một đài Bỉ. Tôi kiếm Ba Lê, nhưng Ba Lê vẫn nín lặng.
Vệt nắng rung rinh chập chờn trên sàn nhà xám và ở cuối vườn, sáu con gà mái trắng của chúng tôi xao xác xung quanh con gà trống mà Sophie gọi là Nestor. Tại sao đột nhiên tôi lại tự hỏi cái chuồng gà bé nhỏ của chúng tôi sẽ ra sao? Lòng tôi hầu như se lại trước số phận của nó.
Tôi vặn các nút khác, tìm kiếm trong dải tần số ngắn nơi mà dường như tất cả mọi người đều nói cùng một lúc. Và thế là tôi bắt được, trong giây lát ngắn ngủi, một điệu quân nhạc mà tôi mất dấu ngay lập tức, đến nỗi tôi không thể biết điệu nhạc đó thuộc quân đội nào.
Một người Anh vừa đọc một bản tin vừa nhắc đi nhắc lại mỗi câu mà tôi không hiểu, như thể hắn đọc chính tả cho một thông tín viên chép lại, và ngay sau đó tôi lạc vào một máy phát mà tôi chưa hề nghe bao giờ, một máy phát dã chiến.
Máy phát đó chắc phải ở gần lắm, thuộc về một trong các trung đoàn từ hồi tháng Mười, hồi đầu của cuộc chiến kỳ quặc*, đã đóng quân trong vùng.

*[Thời điểm của câu chuyện là đoạn khởi đầu Thế chiến thứ hai (người Pháp và Bỉ hay gọi đó là “la drôle de guerre”, nghĩa là “cuộc chiến kỳ quặc”): cụ thể là tháng Năm 1940, khi Đức Quốc xã tấn công vào Hà Lan. Nhân vật đang nhắc đến “tháng Mười” nghĩa là tháng Mười năm 1939, ngay sau khi chiến tranh chính thức bùng nổ. Địa điểm xảy ra câu chuyện là vùng giáp ranh giữa Bỉ và Pháp, “vùng Ardennes”, nơi có sông Meuse (và “cửa cống Uf”) và “miền Givet”.
(Các chú thích trong sách đều của biên tập; bản dịch Chuyến tàu định mệnh của Nguyễn Hữu Hiệu được xuất bản tại Sài Gòn năm 1974, nhà xuất bản Đất Mới; nhiều cách nói thông dụng thời ấy vẫn được giữ nguyên trong ấn bản lần này, chẳng hạn “Ba Lê” tức Paris, “Hòa Lan” tức Hà Lan, v.v...)]

Tiếng nói của hai người đối thoại nghe rõ ràng như thể họ nói chuyện bằng điện thoại với tôi vậy, và tôi cho rằng họ đang ở đâu đó quanh quẩn miền Givet. Vả lại, điều đó chẳng có gì là quan trọng.
- Ổng đâu, ông đại tá của bạn ấy?
Gã này nói đặc giọng miền Nam.
- Tôi chỉ biết là ổng không có ở đây.
- Ổng phải ở đó chứ.
- Anh muốn tôi phải làm gì đây?
- Bạn phải đi kiếm ổng. Ổng ngủ ở đâu đó chứ gì?
- Dù sao chăng nữa cũng không ở trên giường ổng.
- Vậy thì, trên cái giường nào đây?
Có tiếng cười ồ.
- Khi chỗ này, lúc chỗ nọ...
Những tiếng nổ lốp bốp như mỡ chiên khiến tôi không nghe được tiếp, và tôi nhận thấy mái tóc bạc, khuôn mặt hồng hào của lão Matray phía trên tường, tại chỗ lão đã đặt một cái thùng cũ làm bậc để chân.
- Có tin gì mới không, ông Féron?
- Quân Đức đã xâm lăng Hòa Lan.
- Tin chính thức đấy chứ?
- Người Bỉ loan.
- Còn Ba Lê?
- Ba Lê cho nghe nhạc không à.
Tôi nghe thấy lão vừa chạy vào trong nhà, vừa la:
- Germaine! Germaine! Xong rồi! Chúng đã tấn công.
Cả tôi nữa, tôi cũng nghĩ rằng thế là xong rồi, nhưng cũng tiếng đó không có cùng một nghĩa đối với tôi như đối với lão Matray. Tôi hơi mắc cỡ khi nói điều này: tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi tự hỏi chẳng phải, từ tháng Mười, thậm chí từ Munich, tôi vẫn sốt ruột đợi giây phút này, chẳng phải tôi từng thấy thất vọng, sáng sáng, trong khi vặn nút radio và biết rằng các đạo quân vẫn tiếp tục dàn trận đối mặt nhau mà chẳng đánh đấm gì cả*.

*[“Munich”: ám chỉ Hiệp ước Munich cuối tháng Chín năm 1938 (các cường quốc nhất trí để Đức thôn tính Tiệp Khắc); “tháng Mười” là tháng Mười 1939, tức là ngay sau khi chiến tranh chính thức bùng nổ]

Bấy giờ là ngày mồng mười tháng Năm. Một ngày thứ Sáu, tôi gần như chắc chắn là vậy. Một tháng trước, hồi đầu tháng Tư, ngày mồng tám hay mồng chín gì đó, lòng tôi chớm nở một hy vọng khi quân Đức xâm lăng Đan Mạch và Na Uy.
Tôi không biết phải giải thích cách nào và tự hỏi chẳng biết có ai hiểu điều đó hay không. Người ta sẽ bài xích tôi rằng tôi chẳng sợ mất một sợi lông chân, do bệnh cận thị, tôi được hoãn quân dịch vĩnh viễn. Tôi cận 16 độ, điều này nghĩa là, nếu không có kiếng, lúc nào tôi cũng lạc lối như trong một đám sương mù dày đặc, nếu không nói là thấy mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Tôi luôn luôn thấy kinh hoàng khi không có kiếng, chẳng hạn bị té ngoài đường rồi làm bể kiếng, và bao giờ tôi cũng mang phòng hờ một cặp kiếng dự bị trong túi. Tôi sẽ không nói gì về sức khỏe của tôi, về bốn năm sống trong liệu dưỡng viện, từ năm tôi mười bốn đến năm tôi mười tám tuổi, những giám sát mà tôi bị bắt buộc phải khép mình theo cho tới tận những năm gần đây. Tất cả những điều ấy đều chẳng ăn nhập gì với nỗi bứt rứt mà tôi đang tìm cách xác định cho rõ.
Mới đầu tôi không có nhiều cơ may để sống một cuộc đời bình thường, càng ít cơ hội hơn nữa để tạo một địa vị dễ chịu và lập một gia đình.
Tuy vậy tôi đã trở thành một người sung sướng, ta cần phải ghi nhớ kỹ điều này. Tôi từng yêu vợ tôi. Tôi từng yêu con gái tôi. Tôi từng yêu căn nhà của tôi, những thói quen của tôi, và yêu cả cho đến phố nhà tôi, con đường yên tĩnh, rực rỡ nắng gió, chạy dài tới tận sông Meuse.
Nhưng không phải vì thế mà bớt được chuyện, ngày tuyên chiến, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm khoan khoái. Thốt nhiên tôi bật nói lớn:
- Chuyện đó phải tới.
Vợ tôi nhìn tôi kinh ngạc:
- Sao vậy?
- Chẳng sao cả. Anh đã tin chắc như thế.
Trong tâm trí tôi, không phải nước Pháp và nước Đức, cũng chẳng phải nước Ba Lan, Anh Cát Lợi, Hitler, chủ nghĩa Quốc xã hay Cộng sản, đang lâm chiến. Tôi chẳng bao giờ quan tâm tới chính trị và cũng chẳng biết chính trị là gì. Tôi chỉ có thể kể tên ba hay bốn vị bộ trưởng Pháp vì từng nghe họ nói trên radio.
Không! Cuộc chiến tranh này, thình lình bùng nổ sau một năm hòa hoãn giả tạo, là chuyện riêng giữa định mệnh và tôi.
Tôi đã sống qua một cuộc chiến tranh, cũng tại thành phố ấy, Fumay, khi tôi còn nhỏ tuổi, vì năm 1914 tôi mới lên sáu. Tôi đã thấy cha tôi ra đi, mặc quân phục, vào một buổi sáng trời mưa như thác đổ và mẹ tôi cặp mắt đỏ hoe suốt ngày hôm đó. Tôi đã nghe tiếng đại bác trong gần bốn năm, nhất là khi chúng tôi đi lên những đồi cao. Tôi nhớ quân Đức và những chiếc mũ nhọn của họ, những chiếc áo choàng sĩ quan, những tờ yết thị dán trên tường, khẩu phần hạn chế, bánh mì tệ hại, sự thiếu thốn đường, bơ và khoai tây.
Tôi đã thấy, một tối tháng Mười một, mẹ tôi trở về nhà, trần như nhộng, tóc bị cắt trụi, tru tréo thốt lên những lời nguyền rủa và những tiếng bẩn thỉu với bọn thanh niên nối đuôi đi theo bà*.

*[Đây là thời điểm kết thúc Thế chiến thứ nhất (cuộc “đại chiến”), tháng Mười một năm 1918]

Lúc đó tôi lên mười. Chúng tôi sống ở trung tâm, tại lầu một. Khắp nơi âm vang những tiếng la, âm nhạc, tiếng pháo nổ.
Bà mặc quần áo mà không nhìn tôi, dáng vẻ như một mụ điên, miệng luôn nói những lời mà tôi chưa hề nghe thấy bà thốt lên bao giờ, rồi thình lình, khi đã sửa soạn xong, chiếc khăn san quấn quanh đầu, dường như bà nhớ ra sự có mặt của tôi.
- Bà Jamais sẽ trông nom mày cho đến khi ba mày về.
Bà Jamais là chủ nhà chúng tôi và ở tầng trệt. Tôi quá kinh hãi đến nỗi không khóc nổi. Bà không hôn tôi. Ra tới cửa, bà lưỡng lự, rồi bà ra đi không nói gì thêm, và cửa ra phố đã đóng sầm lại.
Tôi không cố gắng giải thích. Tôi muốn nói rằng chuyện này chắc hẳn chẳng liên quan gì đến tình cảm tôi năm 1939 hay 1940. Tôi chỉ trung thực thuật lại những sự kiện như chúng trở lại với tôi.
Bốn năm sau tôi bị lao. Tôi bị dính dăm ba bệnh khác liên tiếp.
Tóm lại, cảm tưởng của tôi khi chiến tranh bùng nổ là số phận lại chơi khăm tôi một vố nữa và tôi không ngạc nhiên, vì gần như tôi tin chắc rồi một ngày chuyện đó sẽ phải tới.
Lần này, không phải là vì một con vi trùng, vi khuẩn độc hại, một thứ tật nguyền bẩm sinh thuộc về phần nào đó của mắt - các y sĩ không bao giờ nhất trí với nhau về mắt tôi. Đó là một cuộc chiến xô đẩy hàng chục triệu người, người nọ chống lại người kia.
Ý nghĩ hơi lố bịch, tôi ý thức được như thế. Vấn đề phải chăng là tôi luôn luôn biết, luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị. Và, việc chờ đợi, kể từ tháng Mười, dần dần đã khiến tôi chịu hết nổi. Tôi không hiểu gì nữa. Tôi tự hỏi tại sao chuyện phải xảy ra lại không xảy ra.
Phải chăng, một buổi sáng đẹp trời, cũng như đối với Munich, người ta sắp loan báo với chúng tôi rằng mọi sự đã được dàn xếp, rằng đời sống đã trở lại bình thường, rằng nỗi kinh hoàng đó chỉ là sự lầm lạc?
Không phải một chuỗi biến cố như vậy có nghĩa là một cái gì đó đã chẳng dính vào định mệnh tôi sao?
Mặt trời trở nên ấm áp, nắng xâm nhập mảnh sân, đậu trên con búp bê. Cửa sổ phòng tôi mở ra và vợ tôi gọi:
- Anh Marcel!
Tôi đứng dậy bước ra khỏi xưởng, ngửa cổ nhìn lên. Vợ tôi bôi kem lên mặt như lần mang bầu thứ nhất. Khuôn mặt nàng, với làn da quá căng, khiến tôi có chút cảm động, nhưng hầu như xa lạ.
- Chuyện gì đó?
- Em đã nghe rồi à?
- Vâng, đúng không? Chúng tấn công?
- Chúng đã xâm lăng Hòa Lan.
Và con gái tôi đằng sau hỏi:
- Cái gì thế má?
- Ngủ đi. Chưa đến giờ dậy.
- Ba nói gì vậy?
- Không có gì hết. Ngủ đi.
Nàng gần như xuống ngay lập tức, hãy còn phảng phất mùi giường chiếu, hai chân hơi giạng ra khi bước đi, vì cái bụng.
- Anh tin rằng họ sẽ để cho chúng qua à?
- Anh không biết gì cả.
- Chính phủ nói sao?
- Chính phủ chưa nói gì hết.
- Anh tính làm gì, Marcel?
- Anh chưa nghĩ tới điều đó. Anh sẽ cố thu lượm các tin tức khác.
Chúng vẫn xuất phát từ Bỉ, một giọng nói nhát gừng, bi đát. Giọng nói đó loan báo rằng vào hồi một giờ sáng, các phi cơ Messerschmitt và Stuka đã bay trên vòm trời Bỉ và thả bom xuống nhiều địa điểm.
Những xe tăng Panzer đã xâm nhập vùng Ardennes và chính phủ Bỉ trân trọng kêu gọi nước Pháp giúp đỡ họ phòng vệ.
Dân Hòa Lan thì đã mở các đê ngăn nước, làm ngập lụt một phần lớn lãnh thổ, và người ta nói rằng trong trường hợp tệ nhất, cũng chặn được quân xâm lăng trước con kênh Albert.
Vợ tôi, trong lúc ấy, sửa soạn bữa sáng, sắp bàn và tôi nghe thấy tiếng đồ sành, đồ sứ va chạm nhau.
- Anh có tin gì mới không?
- Xe tăng đã vượt biên giới Bỉ tại hầu hết các ngả.
- Thế rồi sao?...
Về một vài khoảnh khắc của ngày hôm đó, ký ức tôi rõ rệt đến nỗi tôi có thể thảo một bản ghi nhận tỉ mỉ, trong khi với những khoảnh khắc khác tôi chỉ nhớ nhất mặt trời, hương xuân, màu trời xanh tương tự màu trời ngày lễ thông công đầu tiên của tôi.
Cả phố đang thức dậy. Đời sống bắt đầu trong những căn nhà gần như giống hệt nhà chúng tôi. Vợ tôi đi ra mở cánh cửa thông ra phố để lấy bánh mì và sữa, và tôi nghe thấy nàng nói chuyện với bà hàng xóm phía bên phải, bà Piedboeuf, vợ ông giáo. Họ có một cô con gái gương mẫu, tóc uốn thành búp, và tươi mát hồng hào, với đôi mắt lớn màu xanh, lông mi dài cong vút như lông mi búp bê, lúc nào cũng ăn mặc như đi dự hội và, từ một năm nay, họ có một cái xe hơi nhỏ, họ thường lái xe đi chơi ngày Chủ nhật.
Tôi không biết họ nói gì với nhau. Dựa theo những tiếng ồn vẳng vào, tôi hiểu ngoài đó không chỉ có họ, người ta gọi nhau từ cửa nhà này qua cửa nhà kia. Khi Jeanne đi vào, trông nàng nhợt nhạt, nàng còn tiều tụy hơn thường lệ.
- Họ sẽ đi! - nàng cho tôi hay.
- Đi đâu?
- Về phía Nam, bất kể đâu. Em thấy ở đầu phố nhiều xe buộc nệm trên mui đi qua, nhiều nhất là dân Bỉ.
Chúng tôi đã chứng kiến cuộc tản cư của họ trước hội nghị Munich và, hồi tháng Mười, một số dân Bỉ một lần nữa lại đi về miền Nam Pháp, những người giàu, họ có thể chờ đợi.
- Anh tính ở lại đây sao?
- Anh cũng không biết nữa.
Tôi thành thực. Tôi, kẻ thấy biến cố từ đằng xa tít tắp, kẻ đã xiết bao chờ đợi, lại là người không có một quyết định gì từ trước. Như thể tôi chờ đợi một dấu hiệu, như thể tôi muốn sự tình cờ quyết định giùm tôi.
Tôi không còn chịu trách nhiệm nữa. Có lẽ đó là chữ dùng đúng nhất để chỉ điều mà tôi vừa cố gắng giải thích một lúc trước. Mới ngày hôm trước, chính tôi là người có bổn phận điều khiển cuộc đời tôi và cuộc đời những người thân của tôi, bổn phận kiếm tiền, làm cách nào để mọi sự xảy ra đúng như chúng phải xảy ra.
Bây giờ thì hết rồi. Tôi vừa mất những gốc rễ nguồn cội của tôi. Tôi không còn là Marcel Féron, nhà buôn radio tại một khu phố gần như mới toanh ở Fumay, không xa sông Meuse, mà là một trong số hàng triệu người bị những sức mạnh trên cao sắp lay lắc theo ý muốn trớ trêu.
Tôi không còn gắn chặt vào cái nhà của tôi, vào những thói quen của tôi nữa. Như thể tôi vừa có, chỉ từ giây phút này sang giây phút khác, một bước nhảy vọt vào không gian.
Từ đó, những quyết định không còn liên quan đến tôi nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy, thay vì những nỗi phập phồng dao động riêng tư, một thứ phập phồng dao động chung. Tôi không còn sống theo nhịp điệu của tôi nữa mà theo nhịp điệu của radio, của phố phường, của cái thành phố đã thức giấc mau chóng hơn thường lệ.
Chúng tôi vừa lặng lẽ ăn trong bếp, như mọi khi, vừa vểnh tai lắng nghe những tiếng động bên ngoài, mà không quá làm ra vẻ chăm chú, vì còn có Sophie ở đó. Hình như con gái chúng tôi, chính nó, cũng ngần ngại không dám hỏi han và nó yên lặng lần lượt quan sát chúng tôi.
- Uống sữa đi con.
- Ở đó ít nữa có sữa không?
- Ở đó là ở đâu?
- Thì, ở nơi mình sắp đi tới đó...
Nước mắt chảy dài trên má vợ tôi, nàng quay mặt đi và tôi nhìn, không mảy may xúc động, những bức tường quen thuộc, các đồ đạc mà chúng tôi đã lựa từng thứ một năm năm trước, khi sắp lấy nhau.
- Thôi bây giờ đi chơi đi, Sophie.
Và vợ tôi, khi chỉ còn một mình với tôi:
- Có lẽ tốt nhất là em nên đến gặp ba em.
- Sao vậy?
- Để xem ba má làm gì.
Nàng còn cha mẹ, ba chị em gái, cả ba đã lập gia đình, trong đó, hai cô ở Fumay, một cô lấy người làm bánh ngọt trên phố Château.
Chính vì cha nàng mà tôi mở cửa tiệm, bởi ông có cao vọng cho các cô con gái của ông và hẳn sẽ không gả con cho một tay thợ quèn.
Cũng chính ông đã khiến tôi phải mua nhà, trả góp trong vòng hai mươi năm. Tôi còn phải trả tiền hằng tháng thêm mười lăm năm nữa, nhưng dưới mắt ông, tôi đã là chủ nhà và điều đó khiến ông an tâm về tương lai.
- Chúng tôi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh, Marcel ạ. Anh đã khỏi, nhưng đầy kẻ bệnh cũ tái phát đấy thôi.
Ông đã bắt đầu cuộc đời như một thợ mỏ tại các hầm đá đen, ở Delmotte, rồi dần dà trở thành đốc công. Ông cũng có nhà cửa, vườn tược đàng hoàng.
- Người ta có thể mua một căn nhà cách nào để nếu người chồng chết đi, người vợ không còn phải trả thêm gì nữa.
Nghĩ tới chuyện này vào buổi sáng hôm đó chẳng kỳ cục, đáng tức cười sao, trong khi không một ai, từ nay trở đi, còn chắc chắn vào ngày mai?
Jeanne đã mặc quần áo, đội mũ.
- Anh trông chừng con nhỏ nghe.
Nàng tới nhà ba nàng. Những chiếc xe hơi đi qua, mỗi lúc một nhiều thêm, tất cả đều hướng về phía Nam, và đôi ba lần tôi tin rằng đã nghe thấy tiếng máy bay. Chúng không thả bom. Có lẽ đó là máy bay Pháp hoặc Anh, không thể biết được, vì chúng bay rất cao và mặt trời thì chói chang.
Tôi đã mở cửa hàng, trong khi Sophie chơi ở sân. Đây không phải là cửa hàng đúng nghĩa, vì ngôi nhà không được xây để mở tiệm buôn. Khách hàng phải đi qua hành lang và một khuôn cửa sổ thông thường được dùng làm ô bày hàng. Cũng giống như tiệm kem cách đó một chút. Điều này thường thấy tại các khu ngoại ô, nhất là ở miền Bắc. Do đó chúng tôi bắt buộc phải mở toang cửa ra vào và tôi đã lắp một cái chuông ở cửa tiệm.
Hai thủy thủ tới lấy máy của họ. Những chiếc máy này chưa được sửa, nhưng dù vậy họ cũng muốn mang về. Một người xuống miền Rethel trong khi người kia, một dân gốc Flamand, muốn trở về xứ bằng mọi giá.
Tôi tắm rửa, cạo râu, canh chừng con gái tôi qua khuôn cửa sổ mà qua đó tôi nhìn thấy mọi khu vườn của phố, phủ đầy tán xanh hãy còn non, cùng hoa. Người ta trò chuyện với nhau qua phía trên tường và tôi nghe thấy cuộc nói chuyện bên nhà Matray, cùng lầu với tôi, vì những khuôn cửa sổ mở rộng.
- Ông tính mang đi tất cả những thứ đó sao?
- Rồi sẽ phải cần tới.
- Có thể rồi sẽ cần tới thật đấy, nhưng tôi không thấy làm cách nào có thể chở đống vali đó ra ga được.
- Ta sẽ thuê taxi.
- Dễ gì mà kiếm được taxi! Tôi lại lo không biết còn xe lửa không nữa ấy chứ.
Đột nhiên tôi sợ. Tôi tưởng tượng đám đông từ tất cả các ngả đường dồn về phía nhà ga nhỏ, giống như những chiếc xe hơi lúc này đang lũ lượt kéo về phía Nam. Tôi thấy dường như phải ra đi, rằng đó không phải vấn đề của từng giờ nữa mà là của từng phút, và tôi tự trách mình đã để vợ tôi tới nhà cha nàng.
Ông có thể khuyên nàng ra sao? Ông biết gì hơn tôi kia chứ?
Thật ra nàng vẫn không ngớt thuộc về gia đình nàng. Nàng đã lấy tôi, đã sống với tôi, đã cho tôi một đứa con, lại sắp cho tôi một đứa nữa. Nàng mang họ của tôi nhưng vẫn không bớt là một cô con gái nhà Van Straeten và, nhất nhất chuyện gì nàng cũng chạy về nhà cha mẹ hay tới nhà một trong những chị em nàng.
Em phải hỏi ý kiến con Berthe...”
Đó là cô vợ anh chàng chủ tiệm bánh ngọt, cô út, người đã có đám cưới linh đình nhất; vì lẽ đó, hẳn vậy, Jeanne coi cô ta như một nhà tiên tri.
Nếu chúng tôi phải đi, thì đã đến lúc rồi, tôi tin chắc như vậy, cũng như đột nhiên tôi tin chắc mà không tự hỏi tại sao lại phải rời Fumay. Tôi không có xe hơi và, để chở đồ đạc, tôi hay dùng xe kéo.
Không chờ vợ về, tôi lên tầng thượng hạ mấy chiếc vali và một cái rương đen đựng quần áo cũ xuống.
- Mình đi xe lửa hả ba?
Con gái tôi đã lén đi lên, nhìn tôi loay hoay với đống đồ.
- Chắc vậy.
- Ba không chắc về điều đó.
Tôi phát cáu. Tôi giận Jeanne đã đi vắng và sợ bất thình lình nhỡ có một biến cố xảy ra, bất cứ biến cố nào, có thể xe tăng Đức chưa tràn vào thành phố thế nhưng, một cuộc oanh tạc chẳng hạn, sẽ làm chúng tôi mất liên lạc với nhau.
Thỉnh thoảng tôi vào phòng Sophie, có thể nói là căn phòng không bao giờ dùng tới, vì con gái chúng tôi không chịu ngủ ở đó, để nhìn ra phố.
Phía trước ba căn nhà, người ta đang chất đồ lên xe hơi, trong những chiếc xe ấy, có chiếc đậu trước nhà bên cạnh. Cô con gái ông giáo viên, Michèle, tóc vẫn uốn thành búp, vẫn tươi mát trong chiếc rốp* [váy] trắng như để đi dự lễ ngày Chủ nhật, tay cầm cái lồng chim kim tước, đang chờ bố mẹ cột tấm nệm lên nóc xe.
Điều đó khiến tôi nhớ tới đám gà mái của chúng tôi và con Nestor, con gà trống mà Sophie rất thích. Chúng tôi thường gọi là con gà trống của Sophie. Chính tay tôi, ba năm trước đây, đã căng rào lưới sắt ở cuối vườn và dựng một cái chuồng gà theo hình một ngôi nhà nhỏ.
Jeanne muốn có trứng tươi cho đứa nhỏ. Dĩ nhiên, vì ba nàng bao giờ cũng nuôi gà, thỏ và bồ câu. Ông còn có lũ bồ câu đưa thư nữa và, những ngày Chủ nhật có tổ chức thi, ông ngồi bất động ở cuối vườn rình mấy con vật thân yêu của ông bay về chuồng.
Tại nhà chúng tôi, con gà trống, cứ một tuần lại dăm ba lần bay qua tường và tôi phải đi kiếm hết nhà nọ sang nhà kia. Nhiều người than phiền về những thiệt hại nó đã gây ra trong vườn họ, những người khác bị tiếng gáy của nó đánh thức.
- Con có thể mang theo con búp bê của con không?
- Được.
- Thế còn xe?
- Xe thì không. Trên xe lửa sẽ không có đủ chỗ đâu.
- Con búp bê của con sẽ ngủ ở đâu?
Thiếu điều tôi trả lời gắt gỏng, rằng mới đêm trước đây, con búp bê còn lăn lóc ngủ trên nền gạch trong sân. Rốt cuộc vợ tôi cũng về.
- Anh làm gì thế?
- Anh bắt đầu sửa soạn hành lý.
- Anh đã quyết định đi à?
- Anh cho rằng như thế thì thận trọng hơn. Ba má em làm gì?
- Ông bà ở lại. Ba thề không rời bỏ căn nhà của ông dù chuyện gì xảy ra. Em cũng ghé qua nhà con Berthe. Vợ chồng nó sắp đi trong vài phút nữa. Chúng nó phải hối hả vì hình như khắp nơi đều bị tắc đường, nhất là về phía Mézières. Ở Bỉ, máy bay Stuka xuống sát đất để oanh tạc tàu hỏa và xe hơi.
Nàng không phản đối quyết định của tôi, vì ba nàng, cũng không tỏ vẻ vội vã ra đi. Có lẽ nàng cũng vậy, nàng cũng thích cột chặt vào nhà của nàng?
- Người ta kể rằng dân quê đi bằng xe bò có mui, với tất cả những gì họ có thể đem đi được, đẩy súc vật đẳng trước. Em đã thấy nhà ga từ xa. Đen nghịt những người là người.
- Em muốn mang theo những gì?
- Em không biết. Dù gì cũng phải mang quần áo của Sophie. Và phải có cái gì ăn, nhất là cho nó. Nếu anh có thể đi kiếm được ít sữa đặc thì hay quá...
Tôi tới tiệm tạp hóa, ở phố bên cạnh và, hoàn toàn bất ngờ, trong tiệm không có khách nào cả. Quả thật là từ hồi tháng Mười, đa số dân chúng đã tích trữ thực phẩm. Người chủ tiệm tạp hóa, áo tạp dề trắng, vẫn bình thản như mọi ngày và tôi hơi mắc cỡ vì đã nôn nóng.
- Ông còn sữa đặc không?
Hắn chỉ cho tôi một tủ đầy.
- Ông muốn mua bao nhiêu?
- Mười hai hộp.
Tôi đã chuẩn bị tinh thân nghe hắn từ chối bán cho tôi nhiều như vậy. Tôi cũng mua nhiều gói sôcôla, giăm bông, nguyên một cây xúc xích lớn. Không còn quy củ, chuẩn mực gì hết. Không ai có thể nói cái gì sẽ trở nên quý giá hay không.
Tới mười một giờ, chúng tôi vẫn chưa sửa soạn xong và Jeanne còn làm chúng tôi chậm trễ thêm bởi những cơn ói mửa của nàng. Tôi ngần ngại. Tôi thương hại. Tôi tự hỏi không biết, trong tình trạng của nàng, tôi có quyền đem nàng đi đến nơi xa lạ không? Nàng không phản đối; vừa đi lại vừa đụng cái bụng to bự của nàng vào đồ đạc và khuôn cửa ra vào.
- Còn mấy con gà mái! đột nhiên nàng kêu lên.
Có thể nàng mơ hồ hy vọng rằng chúng tôi sắp ở lại vì mấy con gà mái, nhưng tôi đã nghĩ tới chuyện đó trước nàng.
- Lão Reversé sẽ giữ chúng cùng với bầy gà của lão.
- Họ không đi sao?
- Anh chạy tới hỏi lão ấy đây.
Nhà lão ở trên bến tàu. Gia đình Reversé có hai con trai đang đi lính, một cô con gái đi tu tại một tu viện ở Givet.
- Chúng tôi phó thác cho bề trên, - lão già nói với tôi. - Nếu bề trên phải che chở cho chúng tôi, thì ở đây cũng tốt như ở nơi khác vậy.
Vợ lão ngồi trong bóng tối nhờ nhợ, tay lần tràng hạt. Tôi báo cho họ ý định giao họ lũ gà mái và con gà trống.
- Làm cách nào tôi đến kiếm chúng được?
- Tôi để lại chìa khóa cho cụ.
- Đó là một trách nhiệm lớn lao.
Thiếu điều thì tôi đã mang luôn lũ gà đến cho họ, nhưng tôi nghĩ tới những chuyến tàu, tới đám đông đang bao vây sân ga, tới máy bay trên trời. Liệu có phải lúc chạy đuổi theo mấy con gà què?
Tôi đành khẩn khoản:
- Có thể chúng tôi sẽ không tìm lại được bất cứ thứ gì chúng tôi đã để lại...
Tôi không tiếc điều đó. Trái lại nó còn mang lại cho tôi cảm giác hân hoan âm u, như thể phá hủy đi một thứ mà người ta đã kiên nhẫn xây dựng bằng chính bàn tay mình.
Điều đáng kể là ra đi, là từ bỏ Fumay. Nếu những mối nguy khác đang chờ đợi chúng tôi ở đâu đó thì cũng không quan trọng. Đó là một cuộc chạy trốn, đúng thế, nhưng trong tương quan với tôi thì không phải là một cuộc chạy trốn trước tụi Đức, trước súng ống, bom đạn hay trước cái chết.
Sau khi đã suy nghĩ thật kỹ, tôi thề rằng đó là điều tôi cảm thấy. Tôi có cảm tưởng, đối với người khác, cuộc đi này chẳng quan trọng bao nhiêu. Riêng đối với tôi, như đã nói, đó là giờ gặp gỡ với định mệnh, giờ của một cuộc hẹn mà tôi đã chờ đợi từ lâu, vẫn luôn luôn chờ đợi, với định mệnh.
Jeanne vừa rời nhà vừa sụt sịt. Đi giữa hai càng chiếc xe kéo, thậm chí tôi còn chẳng ngoái đầu lại. Như tôi rốt cuộc đã thông báo với lão Reversé, để lão quyết định trông nom mấy con gà của tôi, tôi để ngỏ cửa, khách hàng có thể tới lấy máy của họ nếu họ muốn. Sự lương thiện thuần túy, từ phía tôi. Và nếu nhỡ ra có phải ăn trộm thì họ cũng sẽ không đục thủng cửa, phải vậy không?
Tất cả chuyện đó đã qua. Tôi đẩy xe và Jeanne đi trên vỉa hè với Sophie, nó ôm khư khư con búp bê trên ngực.
Tôi vất vả len lỏi giữa những chướng ngại vật ngổn ngang, và đôi lúc, tôi tưởng lạc mất vợ con, mà sau đó tôi gặp lại cách đó một chút.
Một chiếc xe cứu thương nhà binh chạy hết tốc lực, hú còi inh ỏi và xa hơn chút, tôi trông thấy một chiếc xe hơi Bỉ dính nhiều vết đạn.
Những người khác, cũng như chúng tôi, kéo về phía nhà ga, chồng chất vali, balô. Một bà già xin phép tôi cho đặt đồ của bà lên xe tôi và bắt đầu đẩy cùng tôi.
- Ông có tin vẫn còn tàu không? Có người nói với tôi rằng đường đã bị cắt đứt.
- Ở đâu?
- Miệt Dinant. Con rể tôi, làm ở sở hỏa xa, đã trông thấy một đoàn tàu chở người bị thương đi qua.
Có một vẻ lạc lõng nào đó hiển hiện trong hầu hết những cặp mắt nhìn nhưng điều đó phần lớn là do sự nôn nóng mà ra. Người ta muốn đi. Vấn đề là tới đúng lúc. Ai ai cũng tin rằng một phần của đám đông này sẽ ở lại phía sau và sẽ bị hy sinh.
Những người không đi có gặp phải nhiều nguy hiểm hơn không? Sau các ô cửa kính, những khuôn mặt đang quan sát đám người chạy trốn và tôi thấy, khi nhìn đám người ấy, nét mặt họ dường như hằn in vẻ bình tĩnh đến lạnh lùng.
Tôi biết khu dành riêng cho tàu tốc hành, nơi tôi thường tới lãnh những kiện hàng. Tôi đi về hướng đó, vừa đi vừa ra hiệu cho vợ con đi theo, và điều này đã cho phép chúng tôi gặp một chuyến tàu.
Có hai đoàn tàu trên đường sắt. Một là tàu nhà binh, trên đó lính tráng, quần áo lôi thôi lếch thếch, giương cặp mắt giễu cợt quan sát đám đông.
Chưa ai trèo lên con tàu còn lại. Không phải ai cũng được lên. Hiến binh ngăn cản đám đông. Tôi đã bỏ cái xe kéo. Có nhiều thiếu nữ đeo băng đi đi lại lại, săn sóc cho người già và trẻ con.
Một cô đã để ý cái bụng của vợ tôi cùng con gái chúng tôi mà nàng đang dắt.
- Đi lối này.
- Nhưng còn chồng tôi...
- Đàn ông sẽ có chỗ sau, trong toa hàng.
Không được tranh luận, cứ thế mà đi theo làn sóng người, dù muốn hay không. Jeanne ngoái đầu lại, không biết chuyện gì xảy ra với mình, cố gắng tìm tôi giữa những khuôn mặt. Tôi kêu lên:
- Cô ơi! Cô ơi!
Cô thiếu nữ đeo băng trở lại chỗ tôi.
- Đưa giùm bà ấy cái này. Đó là đồ ăn của con nhỏ.
Đó là tất cả đồ ăn mà chúng tôi đem theo.
Tôi thấy vợ con tôi leo lên một toa tàu hạng nhất, và đứng trên bậc cửa, Sophie đưa tay ra dấu cho tôi - đúng hơn, về phía tôi, vì nó không thể nhận ra tôi giữa hàng trăm khuôn mặt được nữa.
Người ta xô đẩy tôi. Tôi sờ túi để biết cặp kính phòng hờ vẫn còn ở đó; cặp kính này vốn là mối bận tâm muôn đời của tôi.
- Đừng xô đẩy! một ông người nhỏ thó để râu nói lớn.
Và một người hiến binh nhắc lại:
- Đừng xô đẩy! Dù sao trong vòng một tiếng nữa tàu cũng chưa khởi hành đâu!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét