Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 8


Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 8

Chẳng phải chỉ để sắp xếp lại cho có trật tự trong chính tôi, cũng chẳng phải chỉ trong niềm hy vọng hiểu ra một số sự việc vẫn hằng khiến tôi bối rối mà tôi đã khởi sự viết những kỷ niệm này, viết lén vợ tôi và tất cả mọi người, trong một tập vở mà tôi thường bỏ vào ô kéo khóa lại mỗi khi có ai bước vào phòng làm việc của tôi.
Bởi vì lúc này tôi có một văn phòng, một cửa tiệm có hai ô kiếng bày hàng trên phố Château và tôi dùng một số thợ làm việc đông hơn cả đám thợ của con trai ông chủ cũ của tôi, ông Ponchot, người đã không biết tự cải tiến cho thích hợp với thời đại và cửa tiệm ông có vẻ vẫn âm u, nghiêm trang như khi xưa, lúc tôi còn làm việc tại đó.
Tôi có ba đứa con đã khá lớn, hai gái một trai. Con trai tôi, thằng Jean-François, đã ra đời tại Bressuire trong lúc Sophie được tạm gửi cho mấy chủ trại ở một ngôi làng kế cận, nơi vợ tôi đã xin được chỗ tá túc khi con tàu bỏ hai mẹ con nàng lại.
Sophie có vẻ bằng lòng khi gặp lại tôi, nhưng nó đã không sửng sốt, và một tháng sau khi chúng tôi lại đáp tàu để về Fumay cùng với má nó và đứa em trai nó, Sophie có vẻ rầu lòng.
Vụ sanh nở diễn ra bình thường. Jean-François là đứa lực lưỡng nhất trong ba đứa con tôi. Nhưng vụ sanh đứa con gái thứ nhì đã gây cho chúng tôi nhiều khó khăn. Quả thật là sau lần sanh này, Jeanne đã trở nên dễ xúc động hơn bao giờ hết, chỉ hơi một chút cũng khiến nàng hoảng sợ, đinh ninh rằng có nỗi bất hạnh nào đó đang rình rập nàng.
Đứa con thứ ba, Isabelle, đã ra đời giữa lúc chiến tranh đang tới độ bi thảm nhất, khi người ta chờ đợi cuộc đổ bộ. Một số người cho rằng chính cuộc đổ bộ ấy có lẽ sẽ phát động cùng những thảm cảnh và sự hỗn độn giống như trong vụ người Đức xâm chiếm nước Pháp. Người ta tiên đoán rằng tất cả đàn ông có đủ sức đều có thể sẽ bị điều động về phía nước Đức và tất cả đường đi đều có vẽ mũi tên cốt để chúng tôi khỏi gây trở ngại cho tuyến đường hành quân của quân đội.
Đây cũng là thời kỳ mọi thứ đều thiếu thốn. Việc tiếp tế trở nên yếu kém hơn bao giờ hết và tôi chỉ có thể mua thực phẩm, vật dụng theo giá chợ đen với số lượng thật ít ỏi.
Điều quan trọng nhất là Jeanne đã sanh non, đứa bé được đặt trong lồng kiếng, và sau lần sanh thứ ba này, vợ tôi chẳng bao giờ hồi phục được hoàn toàn. Tôi muốn nói đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn là sức khỏe thể chất. Nàng luôn có vẻ sợ hãi, bi quan và sau đó, khi chúng tôi đến sống trên phố Château, trong một thời gian rất dài, nàng cứ đinh ninh rồi đây chúng tôi sẽ phải trải qua một tai nạn, sẽ lâm cảnh nghèo túng hơn bao giờ hết.
Tôi đã khôi phục cuộc đời tôi tại nơi tôi rời bỏ nó trước kia, như thể đó chính là bổn phận tôi, số phận tôi, bởi vì đó là giải pháp duy nhất có thể và bởi vì tôi đã chẳng bao giờ cân nhắc suy xét nó khác đi.
Tôi đã làm việc rất nhiều. Tới lúc các con tôi đến tuổi học hành, tôi đã cho chúng vào học trường khá nhất.
Tôi cũng chẳng biết là chúng sẽ trở thành những con người như thế nào. Trong lúc này đây, chúng giống như tất cả những đứa trẻ con khác thuộc giới chúng tôi và chúng chấp nhận những ý tưởng mà người ta in vào trí não chúng.
Tôi cũng không khỏi có những nỗi bận tâm thầm kín, nhất là khi tôi thấy con trai tôi lớn lên, khi nghe những câu hỏi nó đặt ra, khi bắt gặp những ánh nhìn nó ném cho tôi.
Có thể là Jean-François sẽ tiếp tục phản ứng như mẹ nó và các thầy nó đã dạy cho nó và như chính tôi đã làm với ít nhiều thành thực.
Cũng có thể một ngày kia nó sẽ chống đối lại các ý tưởng của chúng tôi, lối sống của chúng tôi và cố gắng trở thành chính nó.
Vả lại, đối với lũ con gái, điều đó thật đúng nhưng khi cố gắng tưởng tượng cái lúc Jean-François trở thành một chàng trai trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy bối rối.
Trán tôi hói dần. Tôi cần những cặp kiếng càng ngày càng dày hơn. Tôi là người đàn ông làm ăn khá thịnh vượng, mờ nhạt, đúng hơn mờ mờ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì cuộc sống gia đình mà chúng tôi lập nên, Jeanne và tôi, thiên về một bức hí họa của cuộc sống vợ chồng.
Do đấy, tôi đã nảy ra ý tưởng là dầu sao đi nữa, cũng phải để lại cho con trai tôi một hình ảnh khác về tôi. Tôi đã tự hỏi liệu có tốt đẹp cho con trai tôi không nếu như một ngày kia nó biết rằng bố nó đã không phải luôn luôn chỉ là một kẻ làm ăn buôn bán và là một người chồng rụt rè như nó vẫn biết, một kẻ không có ước vọng gì khác ngoài nuôi nấng con cái mình chu đáo và giúp chúng leo lên một bậc khiêm nhường trên cây thang xã hội.
Như vậy có lẽ con trai tôi, có thể các con gái tôi nữa, sẽ thấy rằng ở trong tôi đã có một người đàn ông khác và rằng, trong vài tuần lễ, tôi từng có khả năng theo đuổi một đam mê đích thực.
Giờ đây tôi vẫn chưa biết rõ. Tôi chưa có quyết định gì về mục đích sử dụng tập vở này, và tôi hy vọng rằng tôi vẫn còn nhiều thời giờ trước mặt để suy tưởng về điều đó.
Dầu sao, tôi cũng đã tự thấy mình có bổn phận phải tiết lộ ở đây mối ân tình này, và hiện thời để ngay thẳng đối với chính mình và đối với những người khác, tôi thấy mình cần phải đi đến cùng.
Ngay từ mùa đông năm 1940, cuộc sống đã gần như trở lại mức bình thường, trừ sự hiện diện của bọn Đức và việc tiếp tế đã trở nên khó khăn. Tôi đã lại vùi đầu vào công việc. Máy thâu thanh không bị cấm dùng và lúc đó, người ta mua máy nhiều hơn cả trước kia. Con gà trống Nestor và bầy gà mái của chúng tôi chỉ thiếu mất một con đã lại nhởn nhơ trong chỗ cũ của chúng tại cuối vườn nhà tôi, và trái với điều tôi tưởng trước đó, nhà tôi không bị mất cắp gì cả, không một chiếc máy thâu thanh nào, không một dụng cụ nào bị mất mát; xưởng làm việc của tôi y nguyên như lúc tôi rời khỏi nhà, chỉ có nhiều bụi hơn mà thôi.
Mùa xuân và mùa thu năm 1941 chắc hẳn đã trôi qua không xảy chuyện gì đáng kể bởi vì tôi chẳng giữ mấy kỷ niệm về quãng thời gian đó, ngoại trừ việc bác sĩ Wilhems thường hay tới nhà tôi. Tình trạng sức khỏe của Jeanne khiến ông lo ngại và ông đã thú nhận với tôi ít lâu sau là ông lo ngại vợ tôi bị bệnh suy nhược thần kinh.
Mặc dầu vợ tôi và tôi không bao giờ nhắc tới Anna, nhưng tôi dám đoán chắc vợ tôi có biết. Làm sao lại chẳng có tin đồn, do những người tị nạn khác đã trở về như chúng tôi, truyền ra, lọt tới tai nàng? Ngày nay tôi không nhớ là thời kỳ ấy tôi có gặp lại kẻ nào không, thế nhưng đó chẳng phải một điều không thể.
Dầu sao đi nữa chuyện đó cũng không can gì đến tình trạng sức khỏe và những nỗi hoảng sợ của vợ tôi. Nàng vốn chưa từng đam mê điều gì cũng như chẳng hề có tính ghen tuông và, cũng như cô em gái Berthe của nàng, mà ông chồng chủ tiệm bánh chuyên môn chạy theo tán tỉnh những người đàn bà con gái khác, chắc hẳn nàng sẵn lòng để mặc tôi phiêu lưu tình ái, miễn là những vụ như thế cần phải được giữ kín và không đe dọa mái ấm gia đình chúng tôi.
Tôi không kiếm cớ rũ bỏ trách nhiệm của tôi. Tôi nói điều tôi nghĩ, một cách khách quan. Nếu nàng hiểu rằng, tại Bressuire, trong một thời gian tôi đã tạm ngừng không còn là người đàn ông như cũ, thì thái độ và cách xử sự của tôi, tiếp sau đó, đã khiến cho nàng yên tâm.
Liệu nàng có nghi ngờ rằng thiếu chút nữa nàng đã không còn được tái ngộ tôi không? Dẫu sao thì điều đó cũng không đúng. Cuộc sống chung của chúng tôi đã không trải qua mối nguy hiểm trầm trọng nào, tôi nói điều này dẫu có nguy cơ tự thu nhỏ bản thân trong mắt chính tôi.
Chủ yếu là bọn Đức khiến vợ tôi sợ hãi, một nỗi sợ hãi thể chất, bản năng, những bước chân chúng bước ngoài đường, âm nhạc của chúng, những tờ yết thị chúng dán trên các bức tường và chỉ loan báo những tin dữ.
Do nghề của tôi nên bọn chúng đã hai lần tới khám xét xưởng làm việc và nhà tôi, chúng còn đào xới ngoài vườn để tìm kiếm những máy phát thanh lén.
Lúc đó, chúng tôi vẫn ở ngôi nhà tại con đường ngay gần bến tàu, nằm giữa nhà của vợ chồng lão Matray và nhà của ông giáo có cô con gái nhỏ tóc uốn thành từng lọn. Gia đình ông giáo không quay trở về và mãi sau khi nước Pháp được giải phóng người ta mới gặp lại họ, bởi suốt trong lúc chiến tranh họ sống ở một nơi gần Carcassone và tại đó ông giáo bận tham gia kháng chiến.
Trong trí nhớ tôi, mùa đông 1941-1942 rất lạnh. Trước lễ Giáng sinh ít lâu, lúc ấy tuyết đã rơi rồi, một buổi sáng bác sĩ Wilhems tới nhà tôi để săn sóc Jeanne đang mắc cúm. Cả nhà tôi đều bị cúm nhưng chỉ có Jeanne cứ lây lất mãi không khỏi và nàng có vẻ lo âu hơn thường lệ.
Lúc từ biệt tôi, trong hành lang, ông bác sĩ bảo tôi:
- Nhờ ông vui lòng ghé nhà tôi ngó giùm qua máy thâu thanh một chút. Hình như có một bóng đèn bị cháy thì phải.
Ngay từ bốn giờ chiều, trời đã tối sầm và những ngọn đèn đường vẫn tỏa ra thứ ánh sáng màu xanh lờ mờ, những tủ bày hàng có vẻ tăm tối. Sau khi vừa xong việc, tôi nhớ tới bác sĩ Wilhems và tự nhủ từ bây giờ tới bữa ăn tối tôi có đủ thời giờ qua nhà ông.
Tôi báo cho vợ tôi biết, rồi mặc cái áo vét-tông lông xù vào người. Với hộp dụng cụ cầm tay, tôi rời bỏ bầu không khí ấm áp trong nhà để đi vào cái lạnh lẽo và tối tăm của đường phố.
Tôi chỉ mới đi được chừng vài thước thì một bóng người tách khỏi bức tường chạy tới phía tôi, trong khi một tiếng nói gọi đích danh tôi:
- Marcel!
Tôi nhận ra nàng ngay lập tức. Nàng mặc áo măng tô đậm màu, đầu đội mũ bê rê. Khuôn mặt nàng có vẻ xanh xao hơn bao giờ hết. Nàng tới bên tôi như mỗi lần tôi bảo với nàng, trước kia:
- Đến đây!
Hình như nàng bị rét cóng, xúc động, tuy nhiên tôi vẫn giữ vẻ bình tĩnh và sáng suốt.
- Em có chuyện cần nói với anh, Marcel, đây là dịp may cuối cùng của em. Em đang ở Fumay với một phi công Anh mà em có nhiệm vụ phải đưa qua vùng tự do.
Tôi ngoái đầu lại và tin rằng mình đã nhìn thấy bóng một người đàn ông nấp ở thềm nhà lão Matray.
- Có kẻ nào đó đã tố cáo bọn em và Gestapo đang truy nã bọn em rất gắt. Bọn em cần một chỗ an toàn để ẩn nấp trong vài ngày, tới lúc chúng quên bọn em đi.
Nàng vừa bước vừa thở hổn hển, điều không hề xảy ra với nàng trước kia. Đôi mắt nàng quầng thâm, khuôn mặt nàng tàn phai.
Tôi vẫn tiến tới bằng những bước dài và, vào lúc chúng tôi quẹo vào góc bến tàu, tôi bắt đầu lên tiếng:
- Em à...
- Em hiểu rồi.
Nàng bao giờ cũng hiểu tôi định nói gì trước khi tôi mở miệng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhất định nói ra điều tôi phải nói:
- Bọn Đức đang canh chừng anh. Đã hai lần, tụi chúng nó...
- Em hiểu rồi, Marcel, - nàng nhắc lại. - Em không giận anh đâu. Anh thứ lỗi cho.
Tôi không kịp giữ nàng lại. Nàng đã quay đi, chạy về phía người đàn ông đang đợi nàng trong bóng tối.
Tôi không hề kể lại chuyện này với ai. Sau khi sửa xong chiếc máy thâu thanh của bác sĩ, tôi trở về nhà, Jeanne đang dọn bàn ăn dưới bếp trong khi Jean-François đã ngồi ăn trong chiếc ghế tựa cao của nó.
- Anh có bị lạnh không? - nàng đưa mắt nhìn tôi, hỏi.
Mọi thứ đều nằm ở đúng chỗ của chúng, những bàn ghế, đồ vật, hệt như lúc chúng tôi bỏ lại chúng khi rời khỏi Fumay, và nhà có thêm một đứa nhỏ nữa.
Một tháng sau, tôi nhìn thấy tờ yết thị mới được dán lên tường tòa thị chính. Người ta đọc thấy trên đó năm cái tên, trong đó có một tên Ăng lê và tên của Anna Kupfer. Cả năm người đều đã bị xử bắn vì làm gián điệp, hai hôm trước, trong sân nhà giam Mézières.
Tôi chẳng bao giờ trở lại La Rochelle, tôi sẽ chẳng bao giờ còn trở lại đó nữa.
Tôi hiện có một vợ, ba con, và một cửa tiệm buôn ở phố Château.

Noland (Vaud), ngày 25 tháng Ba năm 1961.


Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét