Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Nhà sư nữ chùa Âm Hồn

Nhà sư nữ chùa Âm Hồn

Tác giả: Nguyên Hồng


Huyến qua khỏi thửa ruộng ấy thì bóng người kia đã vượt khỏi con đường nhỏ hẹp, xăm xăm vào nhà ga. Thoáng qua ánh chiếc đèn đất đưa đi đưa lại trong tay người phu kíp, Huyến mới thấy rõ màu y phục của bóng người nọ: một màu nâu cũ kỹ.
Huyến càng rảo bước. Vì còi tàu đã rúc đổ hồi, bánh xe đã chuyển động xình xịch. Trao tay người phát vé đồng hào đôi, Huyến chẳng cần lấy mấy xu thừa, giật lấy vé, nhảy phắt lên toa. Vừa lúc đó bóng người nọ ở toa trên đi xuống, tìm một chỗ ngồi.
Huyến ngạc nhiên hết sức: thì ra một người đàn bà, một nhà sư nữ giấu mặt trong chiếc khăn vuông bịt kín miệng và kéo xuống gần chấm mắt. Thấy nhà sư nữ ngần ngại, khép nép trông mọi người, một bà cụ già đứng dậy, chắp tay kính cẩn thưa:
- Bạch sư cô, chỗ tôi còn rộng đây.
Nhà sư khẽ đáp:
- Cám ơn già. Già còn ngược tàu đi đâu bây giờ?
Bà cụ từ tốn nói:
- Thưa, tôi đi đón lợn ở Trại Nhoi về. Còn sư cô chắc đi lấy kinh ở chùa Thêm?
Nhà sư nữ gật đầu, khép nép ngồi xuống ghế. Từ bấy giờ trở đi nhà sư không nói một câu gì, khư khư ôm trong lòng một cái bọc không biết trong có những cái gì. Đã bao phen, Huyến dùng hết nhãn lực, định thần nhìn thẳng vào mặt nhà sư để nhận xem diện mạo thế nào. Vô ích, không thể sao được! Ánh đèn trong toa không sáng lắm, nếp khăn vuông càng hắt bóng tối từ ngang sống mũi tới môi.
Huyến ngờ vực, tự nhủ thầm:
- Lạ, lạ thật! Rõ ràng ở xóm Tư Ất gần xóm thằng bạn của mình ra mà y dám nhận ở chùa Thêm cách đấy hàng mấy cây số về. Chùa gì trong cái xóm hạ lưu này? Kinh gì ở gần cái nhà chứa chấp đủ mọi hạng người rượu chè cờ bạc, trai gái, trộm cắp kia? Lại là một nhà sư nữ, kỳ dị!
Mấy bận thấy bà cụ già đứng dậy, Huyến khấp khởi mừng. Vì Huyến chỉ còn cách chờ bà ra một chỗ nào đấy để dò hỏi lai lịch nhà sư. Nhưng Huyến đã mừng hụt: bà già nọ chỉ kéo đi, kéo lại chồng thúng mủng, rổ rá và mấy chiếc rọ tre tuy đã xếp gọn ghẽ trước mặt bà.
Dần dần Huyến thấy lòng hứng khởi theo dõi nhà sư nữ không còn bồng bột nữa.
Phải, đã lấy gì làm bí mật quá như trước kia Huyến tưởng tượng. Một bóng người trong một căn nhà thấp bé ở cuối cái xóm quỷ quái kia vụt ra, cái bóng đó đi vùn vụt như sợ có người để ý tới, rồi... cái bóng đó càng bước nhanh khi thấy Huyến theo sau. Có chăng vì sẵn có một quãng đồng không mông quạnh không một tiếng động ngoài tiếng gió lào xào lướt qua ruộng mạ, không chút ánh sáng, ngoài lửa ma trơi và đom đóm lập lòe, Huyến cho bóng người kia là bóng tên đại bợm đương trốn tránh mà sự dò xét hành tung, khám phá ra được công việc gian ác của y là một việc bổ ích vì cần phải dùng nhiều can đảm, trí xét đoán.
Huyến đánh diêm châm điếu thuốc lá, ngả đầu lên cái gióng bắt ngang cửa sổ, kéo một hơi dài:
- Mình lầm! Chắc vì hoặc đi vay mượn hay trả nợ, hay quyên tiền ai trong này trở về sợ tai tiếng nên nhà sư ấy phải vội vàng làm vậy chứ gì?
Mấy tiếng còi tàu hét lên, phá toang cái im lặng tối tăm của vùng quê vắng vẻ. Bánh xe dần dần chạy chậm, rồi sau mấy tiếng rít kéo dài, cả một đoàn xe chật hành khách và hàng hóa dừng lại.
Nhà sư nữ đứng dậy chào bà cụ rồi xuống ga xép ấy. Huyến vội thò đầu ra nom, thì cũng như lần trước, nhà sư vẫn ôm khư khư cái bọc và bước rất gấp. Thoáng chốc đã mất hút trong bóng tối. Tiện dịp, Huyến chạy lại bên bà cụ già, lễ phép chào rồi hỏi:
- Thưa cụ, nhà sư này quen thân cụ?
Bà cụ mở to mắt:
- Phải, thầy hỏi làm gì?
Huyến cũng biết mình đường đột nhưng chẳng e ngại mà bỏ lỡ cuộc phỏng vấn bà cụ già. Anh dịu dàng đáp một cách rất khôn khéo và tự nhiên:
- Thưa cụ, vì cháu trông nhà sư ấy quen lắm. Hệt như người em gái họ của cháu. Nhưng không hiểu cớ sao nay lại mặc quần áo nhà chùa.
Bà cụ già, giọng chân thật:
- Thế à? Hay chính là em gái thầy đấy? Nhưng sao sư cô đi tu đã lâu mà thầy chưa biết?
- Vì cháu đi làm xa, đến giờ gần Tết mới về thăm nhà.
- Tự bao lâu rồi?
- Non hai năm ạ.
Bà cụ già lắc đầu, mỉm cười:
- Thế thì không phải rồi, nhà sư nữ trụ trì ở chùa Âm Hồn này đã bốn, năm năm nay rồi cơ.
Huyến hất đầu lên một cái:
- Thưa cụ, chùa Âm Hồn nào?
- Ở làng Vạn Kiếp, cách ga Mộ Hà này chừng hai cây số, trừ thầy ra còn ai chả biết nhà sư này. Tuy nhà sư cụt bàn tay phải nhưng tay trái viết chữ đẹp đáo để và làm bánh trái, nấu cỗ chay cũng chẳng kém ai.
Huyến ngạc nhiên hơn, bật thốt thầm một câu hỏi:
- Tu ở chùa Âm Hồn mà lại là một nhà sư nữ cụt tay?
Chẳng để ý đến Huyến, bà cụ già đưa mắt nhìn mọi người một lượt rồi cao giọng, chậm rãi kể hết mọi đức tính của nhà sư nữ cho hành khách nghe. Nào thuộc nhiều kinh kệ; nào nói năng thùy mị, cư xử khéo léo khiến người hung tợn khó tính đến đâu cũng phải vừa lòng; nào ăn mặc hết sức khổ hạnh, quanh năm chỉ cơm chay và một bộ quần áo vải nâu dầy. Sau cùng bà cụ già nghiêm trang kết thúc:
- Thật là một nhà sư nữ đạo đức nhất từ trước tới giờ ở chùa Âm Hồn, hơn cả sư ông.
Chợt nhớ lại câu hỏi của bà cụ “Sư cô ở chùa Thêm lấy kinh về?”. Và giọng nói hơi luống cuống, ngượng nghịu của nhà sư, Huyến lại tưởng tượng ra cái bóng người từ xóm Tư Ất vùn vụt đi tắt qua những cánh đồng tối tăm. Huyến lại không sao khỏi ngờ vực:
- Thưa cụ, ban nãy nhà sư nữ đi đâu vậy?
- À, đi lấy kinh đấy mà.
- Ở đâu cơ?
- Chùa Thêm.
- Thưa cụ chùa Thêm hay xóm Tư Ất?
Bà cụ hừ mạnh một tiếng:
- Thầy nói lạ! Xóm Tư Ất chỉ có trai gái, bợm đĩ, trộm cắp bê tha mới tới đó, chứ nhà sư nữ này đến làm gì?
- Không, rõ ràng con thấy ở xóm Tư Ất ra mà.
Bà cụ phát bẳn lên:
- Thế thì thầy trông lầm đấy. Như ông Chánh Thất, bố đẻ ông phủ Xuân Trường chết nhà đám ma mời nhà sư ở lại quá nửa đêm để tụng kinh thêm mà nhà sư còn chả nghe nữa là đêm hôm khuya khoắt một thân một mình lần mò vào cái xóm khốn nạn nọ.
Huyến phải nói nịnh:
- Vâng, thế thì con trông nhầm. Xin lỗi cụ.
Rồi Huyến chào bà cụ về chỗ cũ ngồi. Anh tỳ tay lên cái gióng sắt, đưa tầm mắt nhìn ra ngoài.
Cảnh vật không thể sao phân biệt rõ ràng được. Đồng ruộng, ao chuôm, vườn tược, rào tre, bờ cỏ liên tiếp nhau kéo thành một vệt đen dài vô cùng tận trong màn sương dầy đặc lan rộng trước gió đông tê buốt.
* * *
Huyến đã hút luôn sáu, bảy điếu thuốc mà vẫn chưa thấy thỏa thích. Mà phải, đương cái tuổi thanh tân cường tráng này trong tâm trí Huyến có lúc nào là lúc những sự khát khao, thèm muốn không rạo rực, sôi nổi đâu? Dù là một vật nhỏ mọn, cũng phải luôn luôn đổi mới, có thế mới thích hợp cái khiếu thẩm mỹ và tính hiếu dị của anh.
Huyến lại đánh diêm châm điếu thuốc nữa. Kéo luôn ba hơi, đoạn anh lẩm bẩm nói một mình:
- Cũng là một sự lạ! Chùa Âm Hồn với một nhà sư nữ, một nhà sư nữ cụt tay!
Nhà sư nữ cụt tay tu ở chùa Âm Hồn, đối với khối óc giàu cảm tưởng của Huyến lúc bấy giờ kỳ dị quá. Huyến hồi hộp nhớ đến cuốn phim “Atlantide” chiếu cách đây vài tháng, Huyến nảy ra một ý kiến so sánh nhà sư kia với bà nữ chúa đa tình trong phim ấy.
Mấy trăm cung nữ yên lặng dưới quyền sống chết của một người đàn bà lúc nào cũng say đắm lờ đờ. Một đời âm thầm kéo dài trong chốn thâm cung góc nào cũng có các lực sĩ nghiêm nghị không hề mỏi mệt canh gác. Một bãi sa mạc mênh mông, và một làn không khí gay gắt bao phủ những tòa lâu đài nặng nề kiến trúc tối cổ, tượng trưng những sự bị ức hiếp, đè nén của hàng triệu dân nô lệ yếu hèn đã đổ mồ hôi và nước mắt và máu trong các công cuộc xây dựng.
Với bao nhiêu cái kỳ lạ, bí mật, bà nữ chúa đa tình đã rung động trí tưởng của bao nhiêu người xem.
Nhưng chùa Âm Hồn?
Sáu mươi năm trước đây cũng là một nơi ghê rợn. Chính chốn đó đã chứng kiến không thể kể xiết những cuộc xâu xé nhuộm máu giữa những giặc cướp Tàu tàn bạo và dân quê An Nam hiền lành chăm chỉ.
Rồi hai mươi năm sau khu đất rộng rãi và ngôi chùa kia đổi thành một nơi tụ họp của đảng Văn thân nổi lên chống với quân Pháp, và cũng vẫn được chứng kiến nhiều phen máu đổ.
Rồi bốn mươi năm sau, ngôi chùa bị tàn phá được dân làng tu bổ lại để xóa hẳn cái dấu vết khủng khiếp của một thời đại loạn lạc vừa qua mà, những đêm khuya tối tăm, tiếng tù và rộn rực, tiếng cồng rè rè, tiếng trống ngũ liên đổ hồi nối tiếp nhau vẳng lên khủng bố dân chúng như những lời đe dọa ghê gớm của Thần Chết thèm khát máu người.
Chùa Âm Hồn xây dựng lại bằng tiền của các nhà nho sĩ, các nhà thân hào gom góp và quyên được trong hàng huyện. Họ tốn công của tu bổ ngôi chùa bao phen tan tành như thế vì họ tin rằng chùa Âm Hồn mà còn thì con cháu làng Vạn Kiếp đời đời giữ được điền thổ màu mỡ, các phong tục thuần túy và lòng vị nể của các làng lân cận.
Họ giàu lòng mê tín hơn là tính bảo tồn những di tích quan hệ của lịch sử.
Đến ngày nay, cũng vẫn chưa hết những cái lạ lùng trong chùa Âm Hồn. Nối vào bao nhiêu sự gở lạ khủng khiếp khi xưa, giờ là một đời tu hành của một nhà sư thông thái, quen khổ hạnh, nhưng là một nhà sư nữ, mà lại là một nhà sư nữ cụt tay!
Huyến tròn miệng thở xong làn khói, nhắc lại ba, bốn lượt câu nói thì thầm:
- Chùa Âm Hồn! Nhà sư nữ cụt tay! Chùa Âm Hồn!
Đến ga Trái Hút, Huyến xuống. Anh đáp luôn sang chuyến tàu Lao Kay - Hà Nội, mười giờ đêm, lộn lại Mộ Hà. Anh quả quyết nội đêm nay, lẻn vào chùa Âm Hồn, phải dò xem cho ra hành động của nhà sư nữ kia. Những hành động mà Huyến tin thật khác hẳn mọi người, những hành động bí mật sẽ đưa đến cho anh nhiều sự lạ lùng hiển hiện bổ ích cho khối óc hiếu dị.
Tuy vẫn thỉnh thoảng về thăm làng nhưng chẳng mấy khi ở lâu nên Huyến không được biết nhiều tin tức ở đây và các làng lân cận. Và lâu lắm, tới mười năm rồi, không sang làng Vạn Kiếp vãn cảnh chùa Âm Hồn, Huyến hầu như đã quên mất đường đi.
Qua bãi tha ma đầu làng, Huyến dừng lại, định thần nhìn. Tối quá, anh chỉ hơi phân biệt những cụm tre đen kịt rải rác trên những cánh đồng im vắng.
Anh phải đi thêm một quãng khá xa, rồi đứng lại nhìn lần nữa. Lần này anh thấy về phía tây một mái nhà xam xám lờ mờ thấp thoáng giữa một cụm rừng lưa thưa. Nhưng Huyến không theo đường cái, vì đi như thế sẽ đi đường vòng mất nhiều thời giờ. Huyến chiếu đèn bấm, theo con đường nhỏ đắp ven ruộng.
Nửa giờ sau, Huyến vào trong một xóm nhỏ rồi qua mấy xóm nữa, còn chừng nửa cây số là tới cụm rừng thưa kia.
Thấy tiếng người đi chó má sủa vang lên, trước còn một vài con, dần dần cả xóm, rồi khắp mấy xóm. Huyến không kịp thở, phải hết sức rảo bước; anh e ngại tuần đinh bắt gặp, hỏi lôi thôi.
Tiếng chó im đoạn thì Huyến đã lách qua giậu râm bụt vào sân chùa.
Tự nhiên trống ngực Huyến đập rộn hẳn lên. Bao nhiêu nhãn lực và tâm trí Huyến để cả vào cái mái ngói rêu phủ xám ngắt duỗi thoai thoải trên những bức tường thấp loang lổ vàng cặn. Huyến lắng tai nghe tiếng mõ rành rọt điểm trong đêm khuya nhịp với tiếng tụng kinh đều đều.
Cửa chùa đóng chặt. Những cánh gỗ lâu ngày bong sơn đen sạm im lặng trong một thứ bóng tối lạnh lẽo, Huyến rón rén đến bên, ghé mắt nhìn, trong chùa tối mờ mờ đưa ra mùi nhang thơm ngát.
Huyến nhẹ bước dưới hàng hiên, qua một cái cổng xây trống ở đầu hồi bên trái thì đến một dãy nhà ngang bảy tám gian. Trước dãy nhà là một sân gạch vuông vắn, rộng rãi có bốn hàng cau trồng trong những khoảnh đất tròn đường kính không quá một thước tây. Cuối sân sau có ba tấm bia đá. Đấy là mộ ba vị sư chết tại chùa.
Đêm càng khuya, gió đông càng lạnh buốt, Huyến kéo cổ áo pardessus lên. Anh khoanh tay, yên lặng đứng nhìn các chòm cau rung chuyển vừa suy nghĩ.
Tiếng tụng kinh đều đặn êm ái như tiếng hát ru trong trẻo càng rót vào tai anh và, tiếng mõ càng thánh thót như tiếng nước rỏ giọt trên miếng đồng thau đàn mỏng gò cong cong thêm dư âm tiếng chuông thỉnh thoảng ngân nga tưởng chừng như không bao giờ hết.
Phút chốc, Huyến thấy một sự lạnh lẽo thấm vào tâm não. Anh đưa mắt trông lên bốn góc mái chùa uốn mềm như cánh xiêm trên cánh tay dẻo dang của các vũ nữ Cao Mên rồi đến hai ông hộ pháp nghiêm nghị đứng trấn trên bệ gạch vắng khói hương.
Huyến hồi hộp tưởng tới những sự khủng khiếp của cái quá vãng tối tăm của chùa Âm Hồn.
Một giờ đêm! Gà đã cất tiếng gáy ở mấy chòm xóm xa xa. Huyến kéo nốt hơi thuốc lá cuối cùng, nhẹ bước xuống sân.
Không giống các chùa khác, sau chùa này làm thùng ra một gian rộng hai bên có cửa tò vò, ở giữa có một cửa sổ chữ thọ.
Cửa tò vò đóng chặt, Huyến vòng sang bên kia, bên ấy cũng thế. Sau cùng, Huyến phải kiễng gót nghển cổ, ghé mắt vào khung cửa sổ ở giữa.
Nhưng Huyến chỉ trông thấy lấp lánh ánh cây đèn dầu tây không đủ chiếu sáng ba pho tượng Bụt quay lưng về phía trong và tất cả những đồ thờ la liệt trên ba bàn thờ cao ngất.
Chợt, tiếng tụng kinh ngừng, một hồi chuông dóng lên rồi tắt, ngọn đèn dầu tây cũng tắt theo. Nổi trong bóng tối chỉ còn vài ngọn nhang nhỏ li ti dưới ánh đèn lưu ly xanh mờ trước bàn thờ chính giữa. Có tiếng chân người đi khe khẽ về phía bên trái. Kẹt! Một cánh cửa nào mở. Rồi im lặng như tờ.
Trong khoảng im lặng như tờ, lắng tai nghe, Huyến thấy một hơi thở hổn hển và một giọng nói yếu đuối. Huyến sửng sốt nói một mình:
- Lạ kìa! Một người nữa trong chùa Âm Hồn! Nhà sư nữ cụt tay và ai?
Thì, một làn ánh sáng vàng ngà ngà tản ra ở phía trái bàn thờ.
Huyến ngạc nhiên hơn, tự nhủ thầm:
- Đến giờ vẫn còn thắp đèn! Thức nữa sao?
Ánh sáng càng tỏ rõ hơn. Nhưng, hơi thở và giọng nói không còn thấy nữa. Nhưng kỳ dị... một thứ tiếng rè rè dần dần nổi lên... dần dần rõ rệt... trời ơi!... rõ rệt là tiếng ro ro... tiếng thuốc phiện reo trong tẩu.
Huyến kinh ngạc hết sức. Anh phải cố nhịn hắt hơi vì khói thuốc phiện thơm lừng chợt đưa qua mũi. Huyến liền rón rén đi về phía gian buồng ấy và vòng về phía trước để nhìn xem nhà sư nữ cụt tay đương hút thuốc phiện với ai. Chắc nhà sư nữ nghiện thuốc phiện, nếu không sao lại chứa chấp một người, không rõ đàn ông hay đàn bà hút thuốc trong chùa. Nhưng công toi: phía sau là tường và từ phía trước nhìn vào cũng bị một bức tường ngăn cản.
Huyến bực dọc đi về chỗ cũ, yên lặng nghe ngóng.
Tiếng ro ro lại vẳng lên, lại vẳng lên, lại vẳng lên. Một điếu, hai điếu, năm, sáu, bảy... mười điếu, hàng chục điếu rồi! Khói thuốc phiện càng thơm lừng át cả hương nhang ngan ngát. Làn không khí lạnh lẽo tờ mờ trong ngôi chùa thâm nghiêm biến mất.
Huyến loay hoay, bồn chồn, rạo rực quá thể. Mấy phen anh lách tay xuống dưới hai cánh cửa gỗ tò vò cố nâng lên nhưng lề cửa chôn sâu và dầy lắm không thể bẩy ra được.
Hết phương kế, Huyến ngồi xệp xuống thềm gạch, hai tay ôm đầu.
Đến phút này, Huyến mới phục tài các tay đại bợm, cửa nào cũng vào lọt. Và, Huyến tiếc chỉ còn vài giờ nữa là sáng mà khi mặt trời gần mọc thế nào nhà sư nữ cụt tay chả tắt đèn, giấu người kia đi. Rồi vì việc đời, biết đến bao giờ anh mới có dịp trở lại ngôi chùa này, về một đêm đông lạnh tối, khám phá những hành vi bí mật của vị nữ sư kỳ dị?
“Hay ta gọi cửa và bắt phải mở cho ta vào?”
Ý nghĩ ấy làm Huyến cười thầm, anh tự nhủ:
- Bạo động như thế chỉ có kẻ xuẩn ngốc mới làm. Làm như thế tức là đạp đổ hết bao nhiêu cái lạ lùng nếu ta dụng công sẽ tìm thấy trong đó nhiều sự dị thường thú vị.
Chợt, cánh cửa tò vò sịch động. Huyến ngồi nhỏm dậy; nhanh như cắt, anh lùi sang bức tường bên kia. Huyến mừng rỡ khi thấy nhà sư nữ cụt tay mải miết xuống nhà ngang rồi rẽ ra khu vườn gần đấy.
Huyến vội vàng đẩy cửa lẻn vào. Anh vén tấm màn đỏ che gậm bàn thờ chui vào đó. Không đầy ba phút nhà sư đã trở về. Đóng cửa tò vò xong nhà sư đẩy cửa gian buồng nhỏ, tay xách một thùng nước con.
Huyến liền bò đến chiếc bục gỗ kê áp bức tường, hơi nghểnh cổ nhìn vào. Nhà sư đã trèo lên giường nhưng nằm ở bên kia bàn đèn, còn bên này là một hình thù nằm thu gọn trong một chiếc khăn bông, hơi ló đầu ra, nhưng đầu lại trùm khăn lụa bạch kín mít.
Qua vuông vải hồng che khung cửa chữ thọ không dày lắm, Huyến thấy rõ rệt gương mặt của nhà sư nữ cụt tay. Nước da y trắng mát, màu da của một người ốm yếu không mấy khi ra ngoài ánh sáng mặt trời. Hai mắt lờ đờ, ướt át trên một sống mũi dọc dừa. Đôi môi y mỏng và nhợt nhạt như đã từng nhắp vào nhiều vị cay đắng, chua chát. Và thảm hại hơn, cái đầu trọc lốc, gò má y đã lõm, vầng trán y đã có nếp nhăn
Rõ ràng tướng một người nghiện nặng, bằng cứ thêm vào mảng ngực lép kẹp như không vú và chân tay khẳng khiu.
Huyến khoan khoái và hồi hộp vô cùng. Anh nóng lòng chờ xem một cảnh lạ lùng sắp diễn ra là nhà sư nữ nhấp môi vào đầu dọc tẩu, kéo những điếu thuốc ngon lành của hình thù kia tiêm cho.
Bỗng Huyến giật nẩy mình. Anh sáng hẳn mắt lên, mồm há hốc. Nhà sư nữ đã ngả lưng xuống giường, vén tay áo nâu lên, đặt dọc tẩu vào lòng bàn tay bị cụt bốn ngón, còn trơ một nửa đốt ngón tay cái. Rất nhanh chóng, diện tẩu đặt hơi nghiêng nghiêng trên chụp đèn, đồng thời tay trái nhà sư nữ nhúng mũi tiêm vào cóng thuốc rồi nướng trên ngọn lửa thon thon.
Điếu thuốc phồng lên rồi dẹp lại, rồi lại phồng lên. Nhà sư nữ nhúng tiêm vào cóng thuốc lần nữa rồi nướng trên ngọn lửa, đến khi điếu thuốc đỏ mọng và sùi lên như da táo tàu, y nhè nhẹ đưa lăn luôn luôn trên mặt tẩu. Đâm xong điếu thuốc nhọn hoắt vào lỗ nhĩ, y quay đầu dọc tẩu khe khẽ nói với hình thù nằm trước mặt.
Hình thù kia đến bấy giờ mới hơi nhúc nhích thở ra hắt một cái thật mạnh, đoạn thong thả kéo điếu thuốc phiện tiêm cực kỳ khéo léo bằng bàn tay trái của nhà sư.
Ro... ro... ro... rororro... ro... ro... Cái âm thanh đều đều vang lên rõ rệt trong gian buồng nhỏ hẹp. Làn khói thơm lừng lờn vờn trước mặt nhà sư nữ như làn khói tỏa trên lư trầm. Đôi mắt nhà sư càng lờ đờ, càng ướt át, càng mơ màng. Gương mặt càng xám ngắt, càng thẫn thờ, càng đê mê...
Điếu thuốc hết. Khói tỏa rộng ra. Nhà sư nữ ngồi dậy, đặt dọc tẩu xuống cái khay gỗ mun đen bóng, tay trái cầm ấm nước chúc vòi xuống. Hình thù hơi nghển đầu lên, mút chùn chụt như đã khát lắm. Đoạn, nhà sư nữ xúc một thìa mứt hạt sen, đổ từng viên cho hình thù.
Qua làn khói thuốc phiện mong manh hãy còn vấn vương chập chờn, Huyến thấy cặp mắt lờ đờ của nhà sư nữ, nhìn vào hình thù một cách âu yếm, tới khi hình thù ăn xong bốn viên mứt thì cặp môi y nhợt nhạt nhếch một nụ cười.
Một nụ cười!
Huyến rùng cả mình.
Một nụ cười chua chát buồn thảm! Như cánh hoa đào héo hắt trước khi lìa cành rùng lên một cái để tỏ sự mến tiếc cuộc đời chóng tàn tạ rồi lả tả rơi.
Hình thù như không biết, vẫn nằm không nhúc nhích cho đến lúc nhà sư nữ cẩn trọng quay đầu dọc tẩu lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư... thứ tám... thứ mười... thứ mười ba.
Xong điếu thứ mười ba, gian buồng chật hẹp vừa đủ kê tấm phản gỗ quang dầu và vài chiếc hòm gánh sơn đen sực nức khói thuốc phiện. Hơi thơm tràn ra cả ngoài, khiến Huyến không còn ngửi thấy hương nhang man mác. Và, cũng như bị khói nha phiến thấm thía các cơ thể trong người, Huyến thấy rạo rực và có một thứ màng gì tản ra trước mắt anh.
Thoáng phút giây, tòa sen, tượng Phật, đồ thờ biến mất với cả ngọn đèn lưu li xanh lét. Gian chùa mênh mông càng âm thầm, càng tối mờ mờ.
Thì, ánh sáng ngọn đèn vàng ngà ngà cũng lụn hẳn đi. Nhà sư nữ kéo khay đèn ra một góc tường, vươn người nhấc thùng nước nhỏ lên. Y vò luôn ba chiếc khăn bông, rồi cứ từng chiếc một, một đầu đưa lên miệng cắn giữ để tay trái vắt cho thật kiệt nước. Đặt thùng nước xuống đất và lau khô tay xong, nhà sư nữ nhích đến sát bên hình thù kia. Tay trái y nâng cao cái đầu trùm kín khăn lụa của hình thù đặt vào lòng mình. Đồng thời một cánh tay dài giấu trong một cánh tay áo nâu rộng thênh thang của hình thù vươn ra, quàng vào cổ nhà sư nữ, từ từ kéo mặt nhà sư nữ ấp vào mặt mình.
Bao nhiêu phút rồi không biết, nhà sư nữ ôm ấp hình thù kia? Bao nhiêu phút rồi không biết, những hơi thở dồn dập của hai mảng ngực dội hẳn lên. Bao nhiêu phút rồi không biết, trong làn khói thuốc hiện chưa tan hãy còn thơm thoang thoảng, thân thể nhà sư nữ run rẩy.
Trời ơi! Còn ngờ vực gì nữa? Một con dâm phụ tàn tật hết cách kiếm ăn bèn dùng kinh kệ, đeo mặt nạ đạo đức huyễn hoặc lòng dân, lấy cửa thiền, thâm nghiêm, thanh tịnh làm cái buồng cùng trai tự do hút xách và tình tự!
Máu nóng bốc ngùn ngụt lên đầu Huyến. Huyến mím chặt hai môi lại, đứng thẳng người lên. Anh bước hai bước dài tới cửa buồng. Ầm một cái, anh nhảy xổ lên giường, một tay hắt bắn nhà sư đi, một tay giật phắt chiếc chăn bông trùm kín hình thù.
Nhà sư nữ hét một tiếng nép người vào một góc tường, xám mặt nhìn Huyến.
Ngay lúc đó, cả một thân thể to lớn đè lên người anh, hai bàn tay xù xì như da cóc mềm nhũn và cụt ngủn quào vào mặt anh, hai bắp chân nhèo nhẽo thúc vào cạnh sườn anh.
Huyến vội vàng hất tung cái thân thể kia đi và nhảy phốc xuống đất. Nhà sư liền hét lên một tiếng, bổ xoài người, ôm chặt lấy tấm xác thịt nọ.
Tấm xác thịt nọ! Huyến kinh hãi hết sức, quắc mắt nhìn. Tấm xác thịt trần truồng kín mít những vảy mụn không máu mủ mà to bằng miệng chén. Tấm xác thịt mà đầu ngón chân và ngón tay và râu tóc rụng hết. Gương mặt hốc hác xám như chì. Cái miệng trơ trụi vài chiếc răng khấp khểnh, nứt nẻ há hốc ra như mõm con chó mực già lắm sắp đến ngày chết, đôi mắt sâu hoắm đầy lòng trắng mở thật to, ai oán, căm hờn nhìn Huyến.
Thêm một nhân vật quái gở trong chùa Âm Hồn.
Một thằng hủi! Một thằng hủi cùn hủi cụt. Bóng tối thê thảm và nặng nề! Phải chăng là riêng của một hầm thẳm vùi lấp những xác thịt hôi thối không còn được một ánh sáng nào soi dõi tới.
Huyến đờ người ra. Bao nhiêu can đảm phút chốc như tiêu tán hết. Anh lạnh toát cả người muốn nhấc bước nhưng bắp chân cứng đờ. Cái thân thể co rúm trong lòng nhà sư nữ cụt tay kia, Huyến tưởng chừng sắp phun ra những chất hôi thối và độc hơn nọc rắn bằng hai lỗ mũi đỏ hon hỏn, và cái miệng tối như hang sâu.
Và biết đâu, mười đầu ngón tay, còn sót lại chả sắp sửa run rẩy quào vào mặt Huyến, dụi vào mắt Huyến, bóp chặt mũi Huyến.
Huyến rợn tóc gáy, vùng chạy ra ngoài. Nhà sư liền vùng dậy, lao mình chắn ngang cửa:
- Tôi van ông! Ông hãy dừng lại.
Huyến toan ẩy nhà sư đi, nhưng y đã ghì riệt lấy áo Huyến, giọng nức nở đầy nước mắt:
- Tôi van ông! Ông đừng ra khỏi buồng này đêm nay. Ông mà ra tôi sẽ chết, và người kia cũng sẽ chết!...
Gạt nước mắt, nhà sư cụt tay nói tiếp:
- Ông nên thương chúng tôi, mặc dầu ông chưa hiểu rõ chúng tôi.
Huyến mất hết cả giận dữ thấy nhà sư nói bằng một giọng tha thiết ai oán nó thắt chặt lòng Huyến. Nhưng sự ngờ vực càng tăng thêm với lo sợ và ghê rợn.
- Không, phải để tôi ra!
Nhà sư vội vàng quỳ xuống, ngước mặt xám ngắt đẫm lệ trông Huyến:
- Không thể được! Tôi van ông, ông nên thương chúng tôi. Trông ông, tôi chắc chắn là một người trí thức, mà đã là người trí thức ông nên nhận lời tôi van xin, ở lại với chúng tôi một lát để cứu sống đời khốn nạn của hai tôi.
Đoạn, nhà sư gục mặt xuống mũi giày Huyến khóc nức, khóc nở vừa giữ ghì lấy gấu áo pardessus. Còn Huyến, nghe hai chữ “trí thức” ở miệng nhà sư nữ cụt tay thốt ra, anh chạnh lòng. Huyến hổ thẹn cho mình đã để sự kinh hãi quá đàn áp lương tri mà cử chỉ theo cái bản năng yếu đuối. Huyến ái ngại nhìn cái đầu nhà sư trọc lóc đè nặng trên chân mình. Huyến cảm thấy nhà sư không gian ác dâm đãng như ban nãy anh vội tưởng, trái lại, một nhân vật đáng thương xót.
Phải, rất đáng thương xót vì cớ sao người nằm kia không là một người đàn ông cường tráng đẹp đẽ mà lại là một thằng hủi ghê gớm hầu mất hết trí giác, tinh thần?
Huyến vội vàng đỡ nhà sư nữ lên. Cảm động, anh nói:
- Vâng, tôi xin ở lại với nhà sư cho tới sáng ngày và tôi xin nhà sư tha cho cái lỗi tôi vừa làm nhà sư và người kia hoảng sợ.
Ngừng lại Huyến đưa mắt trông người đàn ông co quắp trước ánh đèn dầu lạc vàng ngà ngà rồi nói tiếp:
- Nhưng nhà sư phải cho tôi biết rõ nguyên do sự bắt buộc ấy và cần nhất là chớ nên giấu giếm tôi một điều gì.
Nhà sư mừng rỡ, mắt sáng hẳn lên. Huyến càng cảm động:
- Tôi rất có thể để nhà sư tin cậy. Và tôi chính là một người biết rõ lắm rồi, biết rõ nhà sư có những sự đau đớn khổ ải hơn ai.
Nhà sư nữ thở ra một cái thật dài, rồi vuốt ngực, đoạn mon men đến bên giường, vực tấm thân thể nhớp nhúa đặt vào góc giường, lấy chăn bông trùm kín mít. Y khêu to ngọn đèn lên, lễ phép mời Huyến:
- Ông ngồi tạm xuống giường này. Và ông đã rõ tôi là một kẻ đau đớn, khổ ải hơn ai, nhưng chưa biết nguyên do vì sao tôi cam chịu mọi sự khốn nạn ấy và tại sao tôi giữ ông lại suốt đêm nay, thì đây, tôi xin thưa mọi nhẽ.
Nhà sư nữ ngừng lại một chút, lấy vạt áo chùi nước mắt, chỉ vào cái thân hình quái gở kia, giọng nghẹn ngào:
- Thưa ông, người hủi này là chồng tôi.
Huyến ngẩng vội đầu lên, mở to mắt nhìn vào cái đống thịt lù lù trong chăn bông. Nhà sư nữ mỉm cười:
- Mà đã ăn ở với tôi hơn mười lăm năm nay.
Huyến ngắt lời:
- Mười lăm năm với một người chồng hủi?
Nhà sư thở dài:
- Không, hủi mới hơn mười năm. Vì ông đã rõ, khi yêu thương nhau người ta còn quản ngại một sự gì, kể cả sự chết. Chả thế, bàn tay phải tôi bị chặt cụt mất bốn ngón chỉ vì theo chồng.
Huyến ái ngại:
- Ai đang tâm chặt tay nhà sư?
- Cha đẻ tôi.
- Trời! Cha chặt tay con?
Nhà sư nữ chép miệng:
- Tại thấy con cái tôi đã chết, bố mẹ chồng cũng chết, còn chồng thì bắt đầu phát hủi mà tôi vẫn không chịu bỏ chồng về ở với cha mẹ đẻ, cứ cam tâm chịu mọi sự thiếu thốn vất vả buôn bán nuôi chồng. Lại nhân có họ hàng xúc xiểm rằng để tôi như thế làng mạc họ sẽ chê cười dòng giống mình kém phúc đức, cha tôi bèn gọi tôi về. Trước còn khuyên dỗ tôi, tôi không nghe, sau đe loi chửi mắng tôi, tôi vẫn khăng khăng một mực theo ý mình; sau cùng cha tôi nổi giận vác dao dọa chém tôi nếu tôi cưỡng ý, nhưng tôi vừa khóc vừa chối từ. Tức thì cha tôi sai người dằn ngửa tôi ra, chém đứt bốn ngón và già nửa ngón tay cái tôi rồi đuổi tôi về nhà chồng.
Tưởng què cụt như vậy tôi sẽ hết cách kiếm ăn, đến phải bỏ chồng trở về ăn nhờ bố mẹ, hay đâu, còn bàn tay trái, tôi khổ công tập tành cho quen làm như bàn tay phải. Sau vài tháng tôi lại quang gánh, thúng mủng đi chợ bán rau cỏ như thường.
Huyến lắc đầu:
- Nhưng ông cụ tìm cách ngăn cản khác?
- Đã hẳn. Cha tôi thấy dùng cách ấy mà không ngăn ngừa được bèn sai người lên tỉnh báo ông Sứ và Đốc tờ xin cho người điệu chồng tôi tống sang trại hủi Văn Môn ở Thái Bình. Hay tin ấy, tôi vội vã dắt chồng trốn đi.
Bốn năm trời ròng rã, chúng tôi không dám bén mảng đến các thành thị vì sợ bắt gặp người nhà tôi cho đi tìm kiếm, chúng tôi lang thang nay đây mai đó ở các chốn hẻo lánh trên thượng du. Ban ngày, tôi giấu chồng một chỗ, đội hoa quả bánh trái vừa bán vừa xem tướng kiếm tiền nuôi nhau. Tôi sở dĩ biết nghề lý số vì thuở bé học nhiều chữ Nho và được ông nội dạy bảo cặn kẽ về khoa đó. Rồi đêm đến mới dám cùng nhau ăn nằm, thật chẳng khác gì cặp vợ chồng tên tử tù vượt ngục.
Huyến ngắt lời:
- Chắc chồng nhà sư mắc nghiện từ khi bỏ làng trốn lên đất thượng du. Nhưng sao nhà sư lại để y mắc nghiện?
- Ông nghĩ kỹ một chút sẽ hiểu rõ. Cả ngày phải xa nhau, đêm đến mới được cùng nhau ăn nằm thì chả nhẽ lại đi ngủ ngay. Mà không còn gì buồn khổ bằng trước ngọn đèn hoa kỳ, sau vài giờ chuyện trò, một kẻ không chịu thấu nỗi đau đớn nhăn nhó rên rỉ. Thấy thuốc phiện rẻ tôi liền sắm một bộ bàn đèn về cho nhà tôi tập tiêm lấy mà hút. Dần dần nhà tôi tiêm thạo, hút được nhiều, cái “việc” làm ấy và sự say sưa giúp nhà tôi khuây khỏa bớt buồn phiền hơn trước. Nhưng từ ngày bệnh ăn đến ngón tay thì tôi phải tập tiêm thuốc hầu nhà tôi.
- Chắc nhà sư một đôi khi cũng có hút?
- Thưa ông cũng có, nhưng họa hoằn vì nhà tôi cố ép, tôi phải chiều ý. Nhưng khổ quá, chúng tôi không thể ở nơi nào lâu quá vài tuần lễ: con người chứ có phải cái kim đâu! Rồi càng thấy mọi người đều hắt hủi kinh tởm nhà tôi, đến đâu cũng có kẻ soi mói, xua đuổi, mà bệnh tình nhà tôi ngày một nặng, mười đầu ngón tay, ngón chân cụt gần hết, lỗ mũi, hai môi, hai tay loét lở cả thì tôi lo lắng quá, tưởng phát điên mất. May thay, trong một đêm trốn tránh, chúng tôi lạc vào chùa Âm Hồn này, sáng ngày tôi ra chợ gần đấy xem tướng số tình cờ nghe lỏm được cái lịch sử gở lạ của ngôi chùa cổ ấy, tôi nẩy ra một ý kiến. Tôi bèn đến yết kiến ông Chánh tổng và các hương lý trình một tờ giấy tự tay tôi viết, trong nói tôi là con gái một vị quan triều thất thế, đã lưu lạc trong bao nhiêu năm bị nhiều phen hãm hiếp, một lần vì cưỡng chống bị chém cụt tay nay xin các hương chức trong hàng tổng và trong làng thương tình cho tôi trụ trì ở chùa Âm Hồn tới ngày trọn đời.
Dân làng đều ưng thuận. Rồi dần dần thấy tôi chữ nghĩa giỏi giang, lý số thông thạo, kinh kệ thuộc nhiều và tu hành hết sức khổ hạnh, đối đãi với mọi người thực là hòa nhã, nên khách thập phương dâng cúng rất nhiều. Từ ngày ấy không phải dầm mưa dãi gió, nay làng này mai làng khác, sự sống nhàn hạ đầy đủ hơn trước bội phần. Chúng tôi cũng đành lòng chịu sự bó buộc; một kẻ không bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời, một kẻ ép mình ép xác chịu mọi sự khổ hạnh trai giới để mua chuộc lòng tin cậy, kính phục... Ngờ đâu, đến ngày nay...
Chấm lời nói dở, nhà sư nức lên một tiếng, gục mặt xuống tấm thân thể kia. Một lúc lâu, y ngước đôi mắt đầy lệ nhìn Huyến, nức nở:
- ... Như đã có sự gì mách bảo: nhện sa trước mặt tôi, một cái điềm rất xấu, thế mà tôi khăng khăng không chịu chờ thêm vài ngày, quả quyết đến nhà người bán thuốc quen ở xóm Tư Ất mua; rồi khi trở về thấy có người, chính là ông theo dõi mà tôi còn táo bạo để nhà tôi hút. Thì sự sống khốn nạn của chúng tôi vỡ lở mà ông là người khám phá ra trước tiên. Ông!... xin ông thương lấy chúng tôi, thương lấy một đàn ông bệnh tật ghê tởm không cha, mẹ, anh, em, con cái, họ hàng và tiền của, thương lấy một người đàn bà yếu đuối không còn thiết một sự vui sướng gì trên đời ngoài sự bầu bạn với người chồng hủi trốc trơ trọi cho đến ngày người ấy trọn một đời.
Nhà sư nữ thở dội lên mấy tiếng, gạt luôn mấy hàng lệ, vừa tha thiết nhìn Huyến vừa tiếp lời:
- Mà cái ngày ấy sắp đến rồi! Tôi không còn thể dùng sức gì mà ngăn giữ nổi cho chồng khỏi chết. Ông tính thân thể đã khô rốc lại, mắt đã mờ hẳn đi, không còn đủ trí nhớ và thỉnh thoảng mới nói một lời thì tôi còn trông mong gì?
Đau khổ cho tôi chưa? Ông! Ông nên thương chúng tôi! Chúng tôi van ông đừng tiết lộ cho ai biết để chúng tôi sống thêm vài ngày nữa! Ông! Chúng tôi van ông!
Nhà sư vừa dứt lời thì Huyến quay mặt ra chỗ khác. Anh tránh nhìn vẻ mặt xanh xám buồn thảm của y. Còn y, y từ từ cúi ôm lấy cái hình thù co quắp trong chăn bông. Huyến chợt thấy lòng mình lạnh rợi đi, và, Huyến càng thấy làn không khí âm u bao phủ cả ngôi chùa tờ mờ đã chứng kiến trong bao nhiêu năm một tình thương yêu khác thường của một cặp vợ chồng tật bệnh khốn nạn, càng lạnh lẽo, càng nặng nề.

* * *

Cuối năm sau, Huyến được nghỉ phép nửa tháng. Trước khi rời Hà Nội về Trái Hút thăm nhà, anh xuống ga Mộ Hà rẽ vào chùa Âm Hồn để thăm nhà sư nữ cụt tay và người chồng của y.
Khi đến nơi, Huyến thấy cổng tam quan đóng chặt, cỏ mọc đầy sân, vườn tược hoang tàn trơ trụi. Huyến ngạc nhiên. Anh xé giậu vào cửa sát chùa. Thì chỉ có tiếng mọt nghiến gỗ rả rích từ trong bóng tối đưa ra. Huyến vòng lại sau chùa. Anh thấy bảy gian nhà ngang đã đổ nát hết, trơ lại một bức tường loang lổ và vài cái cột gỗ cháy sém. Cuối sân xây thêm một ngọn tháp tám đợt, một ngôi mộ mới của một vị sư.
Hỏi ra, Huyến mới rõ tháng Hai năm ấy về một đêm tối trời nhà sư nữ đã đổ dầu vào đống củi, ngồi lên trên, rồi châm lửa. Tới khi bốc cháy sáng rực cả một góc trời dân làng mới đổ đến cứu chữa, nhưng họ chỉ dập lửa bén sang gian thờ chính, mà không dám động tới vị sư nữ ngồi nhập định trong khói lửa và trong một mùi khét lẹt.
Người chồng hủi cùn hủi cụt kia chắc chết, nhà sư nữ cụt tay muốn giữ kín sự bí mật thiêng liêng của đời mình đã cùng cái xác thịt gớm ghiếc kia tự thiêu đi.

1936

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét