Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 6


Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 6

Có những điểm mốc chính thức, những ngày tháng, mà hẳn người ta có thể tìm thấy trong sách. Tôi cho rằng mỗi người, tùy thuộc vào việc họ ở đâu thời kỳ ấy, gia cảnh, các mối lo riêng tư, đều có những điểm mốc riêng. Tất cả các điểm mốc của tôi đều gắn liền với trung tâm tiếp cư, với trung tâm, như chúng tôi thường nói vắn tắt, được đánh dấu bởi một con tàu nào đó mới tới, bởi sự sắp đặt một khu trại mới, bởi một biến cố có vẻ tầm thường bề ngoài.
Chúng tôi không biết rằng chúng tôi thuộc những người đến đầu tiên, hai ngày sau khi các chuyến tàu đổ dân tị nạn Bỉ xuống, thành thử trung tâm còn chưa đông đặc người.
Những dãy lều, hãy còn mới, được dựng lên cách đây nhiều tuần lễ, phải chăng chúng được dự liệu cho việc này? Tôi chẳng hề nảy ra ý nghĩ đặt câu hỏi. Có lẽ đúng như thế vì, rất lâu trước khi quân Đức tấn công, nhà cầm quyền đã di tản một phần vùng Alsace.
Dẫu vậy, không ai chờ đợi các biến cố diễn ra với một nhịp điệu nhanh đến như vậy và hiển nhiên là người ta đã phải ứng biến theo kiểu đến đâu hay tới đó.
Buổi sáng ngày chúng tôi tới, báo chí đã loan báo những trận đánh ở Monthermé và trên sông Semois; ngày hôm sau, quân Đức dựng cầu ở Dinant cho chiến xa của họ và, ngày 15 tháng Năm, nếu tôi không lầm, cùng lúc người ta thông báo chính phủ Pháp thoái bộ, nhật báo lại nhắc đến, bằng những hàng chữ lớn, tên các địa điểm ở vùng tôi, Montmédy, Raucourt, Rethel, những nơi mà chúng tôi đã vất vả lắm mới tới được.
Tất cả những chuyện đó đều tồn tại, đối với tôi cũng như với những người khác, đúng thế, nhưng chúng xảy ra tại một thế giới xa xôi, thuần lý thuyết, mà tôi dường như đã tách lìa.
Tôi rất muốn thử định nghĩa trạng thái tinh thần tôi, không phải chỉ những ngày đầu, mà trong suốt thời gian tôi sống ở trung tâm.
Chiến tranh tồn tại, mỗi ngày một xao xác hơn, thực hơn, chúng tôi đã có kinh nghiệm về nó khi tàu chúng tôi bị oanh tạc. Ngây dại ngỡ ngàng, chúng tôi đã đi qua một vùng hỗn độn nơi người ta còn chưa đánh nhau, nhưng là nơi mà các trận đánh sắp nối tiếp nhau.
Điều đó hiện đang xảy ra. Tên những thành thị, làng mạc, mà chúng tôi đọc thấy khi đi ngang qua, trong ánh nắng, bây giờ chúng tôi lại đọc thấy bằng chữ lớn trên trang nhất các tờ báo.
Vùng này, quá đó một chút chúng tôi từng ngạc nhiên thấy nhiều đám người đi dự lễ mixa về và các thành thị đỏm dáng, trải dài mỗi ngày và những con tàu khác đi theo đường tàu của chúng tôi, những chiếc xe hơi khác lúc lắc di chuyển khắp nẻo đường, nối đuôi nhau, tấm nệm trên mui, với mấy chiếc xe trẻ con, những ông già bà cả yếu ớt và vài con búp bê.
Con sâu róm dài thòng đó bò tới tận La Rochelle, diễu hành trước mắt chúng tôi hướng về Bordeaux.
Những người đàn ông, đàn bà, trẻ em chết như người thợ máy của chúng tôi đã chết, mắt mở lớn nhìn lên bầu trời xanh. Những người khác chảy máu như ông cụ cầm khư khư chiếc khăn tay đỏ lòm trước mặt, rên la như người đàn bà bị bắn văng mất bả vai.
Tôi phải xấu hổ mà thú nhận điều này: tôi không tham gia thảm kịch ấy. Nó ở ngoài chúng tôi. Chuyện đó không trực tiếp đụng chạm tới cá nhân chúng tôi nữa.
Có thể cả quyết rằng khi ra đi, tôi đã biết điều tôi sắp tìm thấy: một phạm vi nhỏ vừa tầm với tôi, nó sẽ trở thành nơi nương náu của tôi và tôi nhất thiết phải xâm nhập nó.
Vì lẽ trung tâm tiếp cư được dành cho dân tị nạn Bỉ nên Anna và tôi, chúng tôi bất hợp lệ ở đó. Bởi thế chúng tôi đã cố thu mình lại, tránh không nhận xúp trong những lần phân phát đầu để khỏi bị để ý.
Người ta đặt một cái lò thấp ngoài trời, rồi hai, rồi ba, rồi bốn, với mấy cái thùng rất lớn, giống những cái hay được dùng nấu đồ ăn cho heo, ở các trang trại.
Về sau, người ta dựng một trại mới, dạng tiền chế, làm nhà bếp, với vài cái bàn đóng cứng xuống đất nơi chúng tôi có thể ngồi ăn.
Theo sau là Anna, nàng không rời tôi nửa bước, tôi quan sát đường ra lối vào, không chậm trễ, tôi hiểu ngay cách tổ chức của trại, đúng ra, đó là một ngẫu tác tùy cơ ứng biến liên tục.
Một người chuyên lo về vụ đó, một tên Bỉ, người đã hỏi tôi hôm tôi tới và là người tôi hết sức tránh. Bao quanh hắn là một số thiếu nữ và hướng đạo sinh, trong đó có những hướng đạo sinh lớn ở Ostende từ một trong các chuyến tàu đầu tiên đổ xuống.
Người ta lọc qua loa, trong đám dân tị nạn, phân ra những người hữu dụng và những kẻ vô dụng, nghĩa là những người có thể làm việc và những kẻ, ông già bà cả, phụ nữ và trẻ em, mà người ta chỉ có thể nuôi ăn và cho ở đậu.
Về phương diện lý thuyết, trại là một chỗ nghỉ chân mà người ta chỉ phải qua một vài giờ hay một đêm.
Những xưởng thợ làm việc phục vụ công tác quốc phòng, ở Aytré, ở La Pallice và các nơi khác, đòi hỏi nhân công và người ta cần nhiều tiều phu, trong một khu rừng lân cận, để cung cấp củi cho các lò bánh mì.
Loạt xe ca chở các chuyên viên và gia đình họ tới những nơi này, tại đó các ủy ban địa phương cố gắng lo liệu nơi ăn chốn ở cho họ.
Còn về phần những phụ nữ cô quả, những gia đình thiếu người chồng, những cá nhân không dùng được, người ta chuyển họ tới các thành phố không có kỹ nghệ, như Saintes hay Royan.
Mục tiêu của Anna và tôi, ngay tắp lự, là được ở lại trại và khiến chúng tôi được chấp nhận vào đó.
Nữ y tá đi xe hơi mang đồ ăn cho chúng tôi chiều qua, tên là bà Bauche và trong mắt tôi, là nhân vật chính, thành thử, như một học sinh muốn chinh phục đặc ân của thầy giáo mình, tôi dồn hết cả sự chú ý vào bà.
Bà ta không to lớn, có da có thịt, gần như mập mạp, tuổi chừng, như tôi đã nói, từ ba mươi đến bốn mươi và tôi chưa hề thấy ai trưng bày từng ấy năng lượng với một vẻ tươi vui cũng ngang bằng như thế.
Tôi không biết bà có bằng y tá hay không. Bà thuộc xã hội thượng lưu ở La Rochelle, vợ một ông bác sĩ hay kiến trúc sư, tôi không còn nhớ nữa, vì có chừng bốn năm người cùng với bà, họ thuộc cùng tầng lớp và tôi lẫn lộn địa vị của các ông chồng.
Vừa khi người ta thông báo có một chuyến tàu sắp tới, bà là người thứ nhất có mặt ở ga, không phải, như những người đeo băng tay khác, để phân phát kẹo bánh và những lời ủy lạo, mà với mục đích xem trong đám đông những người nào cần được giúp nhất.
Song song với các biến cố càng ngày càng dồn dập, số người này càng ngày càng đông đảo thêm, và người ta thấy bà đưa những người tàn tật, trẻ sơ sinh, người già cả đau ốm nhất vào một trong mấy trại, ở đó, quỳ gối, mặc bờ lu trắng, bà lau rửa những bàn chân bầm tím, băng bó những vết thương, kéo ra đằng sau một cái chăn dùng làm màn che những thiếu phụ cần coi sóc đặc biệt.
Rất thường khi, nửa đêm, bà vẫn còn ở đó, dùng đèn bấm bỏ túi soi đường, lặng lẽ đi một vòng quanh trại, an ủi những người đàn bà đang khóc lóc, la rầy đám đàn ông quá ồn ào.
Hệ thống điện thiết lập gấp rút, nay hư mai hỏng, và khi tôi đề nghị điều chỉnh lại, bà Bauche đã hỏi tôi:
- Ông rành chuyện đó à?
- Đó là một chút nghề mọn của tôi. Tôi chỉ cần một cái thang.
- Ông hãy tự kiếm một cái.
Tôi đã định vị được một ngôi nhà đang xây cất, trước cửa nhà ga, trong một dãy nhà mới. Tôi đi tới công trường và vì không có ai để xin phép, tôi vác cái thang đi, với sự giúp đỡ của Anna. Cái thang này ở trại lâu cũng như tôi mà không có ai tới đòi lại.
Tôi cũng thay những cửa kiếng, sửa vòi nước, ống dẫn nước sát mặt đất. Bà Bauche không biết họ tôi, cũng không hiểu tôi từ đâu tới. Bà kêu tôi là Marcel và quen sai đi kiếm tôi mỗi khi có gì trục trặc.
Sau ba bốn hôm, tôi trở thành người bách nghệ cái gì cũng làm. Leroy đã biến mất cùng lô người thứ nhất, bị gửi đi Bordeaux hay Toulouse gì đó. Trong toa tôi, lão Jules là người duy nhất được ở lại trại, người ta dung lão vì lão làm hề mua vui cho mọi người.
Trong thành phố, tôi gặp lại gã ngậm ống vố mà tôi gọi là gác cổng. Bận rộn, gã hối hả báo cho tôi biết khi đi ngang qua, là gã tới tòa thị chính đòi người ta cho biết tin tức vợ gã và tôi không gặp lại gã nữa.
Chuyện đó xảy ra vào ngày thứ hai hay thứ ba gì đó. Hôm trước, Anna đã giặt quần lót và nịt vú của nàng, rồi phơi ra nắng và, đi lang thang trong trại, chúng tôi thông đồng nhìn nhau khi nghĩ rằng nàng trần truồng dưới cái rốp đen.
Một ngọn tháp lớn đứng sừng sững ở cuối bờ ke, ngọn tháp đồng hồ, to lớn bề thế hơn những ngọn tháp phòng vệ hai bên lạch, và người ta phải đi qua bên dưới nó để đến phố chính.
Vòm tháp này sẽ trở nên quen thuộc với chúng tôi, cũng như các con phố nhiều vòm tường nơi bầu không khí náo động đến khó tin ngự trị vì, ngoài thị dân ở đó và dân tị nạn, thành phố còn là nơi trú của quân đội và thủy quân.
Khi tôi tỏ ý muốn mua đồ lót cho Anna, nàng không phản đối. Cái đó không thể thiếu được. Tôi tự hỏi tại sao không lợi dụng cơ hội này để mua cho nàng một chiếc rốp sáng màu mà chúng tôi thấy bày nhan nhản ra đó. Chắc nàng cũng nghĩ tới điều này, vì nàng đoán được hết cả những gì thoáng qua đầu tôi.
- Em biết đó, - tôi nói với nàng, - anh rất muốn được tặng em một chiếc rốp...
Nàng không nghĩ phải phản đối vì lịch sự, như bao nhiêu người khác hẳn sẽ làm, dù chỉ là hình thức, và nàng vừa nhìn tôi vừa mỉm cười.
- Sau đó? Anh định nói thêm gì vậy?
- Thêm rằng anh lưỡng lự, đầy ích kỷ. Đối với anh, chiếc rốp đen của em giống như là một phần của em vậy. Em hiểu không? Anh tự hỏi không biết anh có thất vọng khi thấy em ăn mặc khác thế chăng?
- Em rất sung sướng, - nàng vừa thầm thì vừa siết chặt những đầu ngón tay tôi.
Tôi cảm thấy rằng đúng như vậy. Tôi cũng sung sướng. Vì chúng tôi đang đi qua trước cửa một tiệm bán nước hoa son phấn, tôi dừng lại.
- Em không dùng phấn và son môi sao?
- Trước kia, có.
Nàng không muốn nói là trước khi gặp tôi, mà là trước khi đến Namur.
- Em có thích dùng lại không?
- Tùy anh. Chỉ trong trường hợp anh thích em trang điểm hơn.
- Không.
- Nếu thế em thích không dùng hơn.
Nàng cũng không muốn cắt tóc, lúc đó không ngắn không dài.
Tôi không hề nghĩ tới điều đó bao giờ, không những bởi tôi từ chối không nghĩ tới, mà còn vì điều đó không thoáng qua tâm trí tôi: cuộc sống lứa đôi của hai đứa tôi không có tương lai.
Điều gì sẽ xảy ra, tôi không biết. Chẳng ai có thể tiên đoán được. Chúng tôi đang sống ở quãng tạm nghỉ giữa hai lớp tuồng, bên ngoài không gian, và tôi tham lam ngấu nghiến nuốt chửng những ngày và những đêm này.
Tôi ham ăn tất cả, cảnh tượng mau đổi thay của hải cảng và biển, những chiếc thuyền đánh cá nhiều màu sắc nối đuôi nhau ra khơi vào giờ thủy triều lên, những con cá người ta bốc xuống khỏi thuyền trong mấy cái sọt hay mẹt, đám đông ngoài phố, những quang cảnh trong trại và nhà ga.
Tôi còn khao khát Anna hơn nữa và, lần đầu tiên trong đời, tôi không hổ thẹn vì những ham muốn nhục tình của tôi.
Trái lại! Với nàng, chuyện đó đã trở thành một trò chơi mà tôi thấy rất tinh khiết. Chúng tôi nói về chuyện đó với vẻ khoái hoạt, với sự thành thực giản dị, tạo ra cả một bộ ám hiệu, chọn lấy một số dấu hiệu cho phép chúng tôi chia sẻ một số ý nghĩ thầm kín ngay giữa công chúng.
Vũ trụ mới mẻ này có trung tâm là cái lều màu lục nhạt mà người ta nhìn thấy từ xa nổi lên cao chế ngự toàn thể những lều trại và, dưới cái lều ấy, là xó của chúng tôi, trong đám rơm rạ này, mà chúng tôi gọi là chuồng ngựa của chúng tôi.
Chúng tôi đã xếp đặt đồ đạc của chúng tôi ở đó, những thứ mà tôi lấy từ trong hành lý ra và những thứ khác mà tôi đã mua, như những cái cà mèn để đựng xúp và chiếc bếp nhỏ đun cồn rất chắc chắn, cùng các vật dụng cần thiết để sửa soạn cà phê buổi sáng, bên ngoài, giữa hai dãy lều, đối diện với những thuyền bè.
Những người khác, nhất là những người chỉ ở đó qua một đêm, ngạc nhiên nhìn sự xếp dọn của chúng tôi và, tôi chắc họ cũng thèm muốn ghen tị, như xưa kia tôi từng vậy, khi nhìn một chuồng ngựa đích thực nơi lũ ngựa sống ấm cúng trên ổ rơm của chúng.
Tôi cũng nói cái ổ rơm của chúng tôi và tôi quyết không thay rơm luôn để rơm rạ còn thấm mãi mùi chúng tôi.
Không phải chỉ ở đó chúng tôi mới làm tình, mà hầu như khắp chốn, thường tại những nơi bất ngờ nhất. Chuyện đó bắt đầu bằng con thuyền, một buổi chiều tối khi chúng tôi nhìn những chiếc thuyền đánh cá dập dinh nơi bến tàu, và tiếng nghiến ken két của chiếc ròng rọc bắt chước tiếng kêu của lũ hải âu.
Biết chắc mình sẽ chẳng bao giờ đi biển, điều đó thì quá đúng, tôi bỡ ngỡ nhìn cửa quầy tàu của một con tàu, trên boong các sọt cá chồng chất lên nhau. Ánh mắt tôi ngay sau đó đậu lên Anna, rồi lại chuyển sang con tàu và nàng cất tiếng cười, tiếng cười thuộc ngôn ngữ bí mật của chúng tôi.
- Anh muốn?
- Còn em?
- Anh không sợ người ta cho chúng mình là ăn trộm và bắt chúng mình à?
Bấy giờ đã quá nửa đêm. Bến tàu vắng ngắt, tất cả đèn lửa đều bị che kín. Có thể nghe thấy tiếng bước chân từ rất xa. Điều khó khăn là làm sao lần xuống được cây thang bằng sắt lắp vào trong vách đá. Những bậc thang cuối cùng lót nhớt trơn tuột.
Dầu sao chúng tôi vẫn tới nơi và lẻn qua cửa quầy tàu, ở phía dưới, trong bóng tối, chúng tôi đụng vào những chiếc sọt khác, mấy cái bi đông, rồi các đồ vật mà chúng tôi không biết là gì.
Trong thuyền nồng mùi cá, mùi rong biển và mùi dầu hôi. Cuối cùng Anna thông báo:
- Lối này...
Tôi tìm thấy tay nàng, bàn tay dẫn dắt tôi và chúng tôi ngã xuống một cái giường hẹp và cứng. Chúng tôi dẹp tấm vải bạt làm chúng tôi khó chịu trên đó đi.
Thủy triều khẽ khàng đong đưa chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy một mảnh trời và vài ngôi sao qua cửa quầy tàu, một xe lửa huýt còi phía nhà ga. Đó không phải là chuyến tàu tới. Các toa tiến lên và lùi lại, thực hiện những thao tác chuyển động như để lập trật tự trên đường rầy.
Không còn các thanh chắn xung quanh trại. Chúng tôi có thể tự do ra vào theo ý muốn. Không có ai canh gác. Chúng tôi chỉ cần ra vào nhẹ nhàng để khỏi đánh thức những người bên cạnh.
Sau này, người ta dựng các thanh chắn, không phải để nhốt chúng tôi, mà nhằm ngăn đám trộm vặt trà trộn vào dân tị nạn và ăn trộm, như chuyện từng xảy ra.
Cũng nhiều khi, buổi tối, chúng tôi đi lảng vảng quanh ga, và một đêm không có xe cộ, chúng tôi nằm ngủ trên cái ghế dài xa các tòa nhà nhất.
Chuyện đó làm chúng tôi vui thích. Đó là một dạng thử thách và, một lần, chúng tôi làm tình đằng sau những bó rơm, cách bà Bauche vài bước chân. Bà vừa săn sóc chân cẳng cho những người đau vừa tiếp tục trò chuyện với chúng tôi.
Mỗi ngày, tôi dành một số thời giờ để tìm kiếm vợ và con gái tôi trong giới hạn khả năng của tôi cho phép.
Người ta không lừa dối tôi, khi nói với chúng tôi sẽ có những danh sách được niêm yết, tôi chẳng biết là ở Auxerre, Saumur hay Tours nữa. Người ta bắt đầu dán các danh sách ở cửa văn phòng nơi, mỗi buổi sáng, có nhiều đám người đứng bu quanh để dò tìm.
Có điều, đó chỉ là các danh sách dân di cư Bỉ. Nhiều người có mặt ở Bordeaux, ở Saintes, ở Cognac, ở Angoulême. Một số đi tới tận Toulouse và nhiều người đang ở những ngôi làng mà tôi chưa hề nghe nói đến tên bao giờ.
Dù sao đi nữa tôi cũng đọc lướt qua các danh sách. Hằng ngày, tôi cũng đi thăm một trong những ông phó sếp ga, ông đã hứa cho tôi biết số phận con tàu của chúng tôi. Ông tự coi đó là một việc ông cần phải làm và bực bội vì không lần ra được dấu vết của nó.
- Một con tàu không thể biến mất như thế được, ông càu nhàu, dù là trong thời buổi chiến tranh đi chăng nữa, Thế nào rồi cuối cùng tôi cũng phải tìm cho được xem nó đi tới đâu mới thôi.
Nhờ máy lọc tin nối liền các nhà ga với nhau, ông đã thúc đẩy đồng nghiệp của ông nhập cuộc và người ta bắt đầu nói tới con tàu ma.
Chúng tôi ra tòa thị chính, Anna và tôi. Từng đám người tụ tập trước mỗi bàn giấy vì người nào, vào thời buổi này, cũng cần một lời chỉ dẫn, một giấy phép, một thứ giấy tờ có đóng dấu của chính quyền.
Ở đây người ta cũng niêm yết danh sách nam nữ công dân Pháp, nhưng chẳng bao giờ thấy tên vợ tôi.
- Nếu ông bà kiếm một ai đó thì tốt hơn hết ông bà nên tới sở cảnh sát.
Chúng tôi tới đó. Sân sở cảnh sát sáng sủa, các hành lang và văn phòng tắm trong ánh mặt trời, với những nam nhân viên mặc áo sơ mi dài tay và nhiều thiếu nữ mặc rốp sáng màu. Anna ở lại ngoài phố, không thể để người ta tưởng nàng là vợ tôi trong lúc tôi đi hỏi tin tức chính vợ mình.
Tôi nhìn thấy nàng qua cửa sổ, nàng dừng lại bên lề đường, ngẩng đầu lên, rồi đi bách bộ, vẻ trang trọng, mơ màng. Tôi nóng lòng muốn trở lại với nàng và tự trách đã bỏ nàng một mình, dù chỉ trong giây lát ngắn ngủi như thế.
Người ta phát phiếu xăng cho những người lái xe hơi. Hàng trăm chiếc xe đến từ mọi ngả làm nghẽn cả quảng trường Armes, các bến tàu và đường phố. Các chủ xe đều có mặt ở đó, tại sở cảnh sát, chờ đợi, trong hàng người dài nhất, cái phiếu lừng danh cho phép họ tiếp tục cuộc tháo chạy.
Hôm trước, trong đoàn xe hơi hướng về Rochefort, tôi nhận thấy có một cỗ xe tang trên đó chễm chệ trọn một gia đình và tôi ngờ rằng hành lý của họ được để tại chỗ đặt quan tài.
- Ông kiếm gì?
- Tôi muốn biết vợ tôi hiện ở đâu...
Hình như có hàng ngàn, chẳng mấy nữa là hàng chục ngàn người, ở vào trường hợp như tôi. Không những nước Bỉ và miền Bắc nước Pháp tiếp tục rút lui, mà nỗi kinh hoàng còn xâm chiếm dân Ba Lê từ khi chính phủ rời thủ đô và người ta kể rằng ngoài xe hơi còn có một đoàn người lê thê gồm đàn ông và đàn bà đi bộ, lúc này đang trải dài trên các nẻo đường.
Tại những ngôi làng gần quốc lộ, các tiệm bán bánh mì bị tấn công tới tấp, trong các bệnh viện không có nổi một cái giường trống.
- Điền vào tấm phiếu này. Ông hãy để lại cho tôi tên tuổi và địa chỉ của ông.
Vì cẩn thận, tôi không nêu tên trung tâm tiếp cư, mà chỉ ghi số hòm thư lưu ký. Tuy nhiên, lão Jules và tôi không còn là những dân Pháp duy nhất của trại nữa.
Giờ đây tôi vẫn nhìn thấy con tàu xấu nhất, vào lúc nóng nực nhất của một buổi xế trưa tươi đẹp, trong khi những nữ sinh của một trường nữ trung học, xếp thành hàng, đi ngang qua trên vỉa hè để tới dự một buổi lễ.
Chúng tôi gọi những con tàu xấu, như bà Bauche, là những con tàu đã phải chịu đựng nhiều nhất trên đường đi, những con tàu có người chết, có các sản phụ đã sanh đẻ không được săn sóc.
Chẳng hạn có một con tàu chở người điên, mười toa đầy những người điên được di tản từ một dưỡng trí viện. Mặc dầu có các biện pháp canh phòng cẩn mật, người ta phải đuổi theo hai người, họ chạy tới tận chỗ cột đồng hồ lớn.
Tôi không biết con tàu mà tôi đang nhắc đến từ Douai hay Laon tới, vì tôi thường có khuynh hướng lẫn lộn hai thành phố này. Trên đó chỉ có khá ít người bị thương, đã được băng bó trên đường, nhưng tất cả, đàn ông, đàn bà, trẻ con, mắt hãy còn trợn trừng kinh hoàng.
Một thiếu phụ run rẩy, tay chân mình mẩy co rút giật giật và còn tiếp tục run như vậy suốt đêm, răng đụng lập cập vào nhau và đẩy cái mền ra.
Những người khác lảm nhảm những lời không ăn nhập gì với nhau, hoặc nhắc đi nhắc lại không ngừng cùng một câu chuyện, bằng một giọng buồn tẻ.
Người ta đã cho họ lên tàu, ở Douai hay Laon, tại một nơi cách nhà ga hai trăm thước, tràn ngập những người là người. Một số đang chờ những người đến trễ, các bậc cha mẹ đi mua cái gì đó ở quầy bán thực phẩm thì, không có hồi còi báo động nào cả, đám máy bay bỗng lù lù hiện ra trên bầu trời.
- Bom rơi như vậy đó, các ông... Xiên xiên... chúng tôi nhìn thấy nó rơi trên nhà ga, xuống các ngôi nhà đối diện, và tất cả bắt đầu rung chuyển, nẩy tung lên, mái nhà, gạch đá vôi vữa, người, những toa tàu đậu không xa chỗ chúng tôi bao nhiêu... Tôi thấy một cái cẳng chân bay lên trời và bản thân tôi, mà lúc ấy chúng tôi ở khá xa đấy nhé, cũng bị ngã vật xuống đất đè lên thằng con tôi...
Rốt cuộc còi cũng rống lên từng hồi, các xe vòi rồng và, những đống gạch đá, sắt thép cong queo, tử thi, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang, đôi khi một đồ vật quen thuộc vẫn còn nguyên vẹn như có phép lạ.
Báo chí loan báo thông tin về nội các mới, cuộc rút lui ở Dunkerque, các đường xe lửa bị gián đoạn hầu hết mọi nơi, trong khi đó Anna và tôi, chúng tôi tiếp tục cuộc sống nhỏ bé của chúng tôi như thể nó sẽ trường tồn mãi.
Anna cũng biết như tôi rằng điều đó không đúng nhưng không bao giờ nàng nói bóng gió đến. Trước tôi, nàng từng chia sẻ những cuộc sống khác, những khoảnh khắc ngắn hay dài của các cuộc đời khác và tôi thích đừng nghĩ tới chuyện gì sẽ xảy ra sau tôi.
Tôi thấy cõi lòng se thắt khi nhìn thấy nàng qua cửa sổ sở cảnh sát, một mình trên lề đường, như thể chúng tôi đã chia xa. Tôi bỗng hoảng sợ cuống cuồng. Khi trở lại cùng nàng, tôi nắm chặt cánh tay nàng như thể tôi đã xa cách nó suốt nhiều ngày trời.
Tôi cả quyết trời không mưa một lần nào trong suốt thời gian đó, ngoài một cơn dông, tôi còn nhớ, nó đã tạo ra những túi nước trên mái lều tôi. Thời tiết có vẻ không thực vì hết sức tuyệt vời và tôi không thế hình dung La Rochelle như thế nào khác hơn trong hơi nóng hâm hấp của mặt trời.
Các ngư phủ mang cho chúng tôi cá. Những hướng đạo sinh, mỗi buổi sáng, đi một vòng quanh chợ, và người ta thi nhau đổ vào sọt của họ rau cỏ và trái cây. Họ kéo một cái xe bò kéo tay như cái xe tôi đã bỏ lại trong sân ga Fumay. Tôi đi cùng họ nhiều lần, xung phong đứng vào giữa hai càng xe, kéo chơi, trong khi Anna đi theo trên vỉa hè.
Chúng tôi suýt gặp chuyện tồi tệ, ở trại và ở ga, khi radio loan tin Bỉ đầu hàng. Vào thời kỳ đó, dân Pháp hầu như cũng nhiều như dân Bỉ và có nhiều nhà máy di tản trọn cả xưởng. Tôi đã thấy nhiều dân Flamand và Wallonie khóc như trẻ con, những người khác đấm đá nhau và phải can ngăn họ.
Mỗi ngày qua lại cắt xén bớt đi cái hạnh phúc vốn đã gầy còm của tôi. Đó không phải là chữ chính xác. Vì tôi không tìm thấy chữ khác, vì người ta luôn luôn nói đến hạnh phúc cho nên tôi cũng bị bắt buộc phải bằng lòng với chữ này.
Một ngày nào đó, ở tòa thị chính hoặc sở cảnh sát, cũng có thể qua bưu điện, tôi sẽ được tin tức của Jeanne và con gái tôi. Thời gian thai nghén đã gần tới hạn kỳ và tôi mong rằng chuyến đi cùng những xúc cảm không giục giã đứa hài nhi sớm ra đời.
Báo chí ở Ba Lê đăng danh sách những độc giả cho gia đình biết tin tức họ và có lúc tôi đã nghĩ đến việc dùng phương tiện này. Có điều, lúc còn ở Fumay, chúng tôi không đọc một tờ báo Ba Lê nào cả. Biết chọn tờ nào bây giờ? Đáng lẽ chúng tôi phải thỏa thuận với nhau từ trước, nhưng chúng tôi đã không làm thế. Chẳng có cơ may ngày nào Jeanne cũng mua tất cả nhật báo.
Quân Đức tiến nhanh đến nỗi nhiều người nói đến sự phản bội và đạo quân thứ năm. Hình như, tại một trong những lều trại của chúng tôi, họ đã chận bắt một người tự nhận là dân Hòa Lan có mang theo trong hành lý một cái máy phát thanh xách tay.
Tôi không biết chuyện đó có thực không. Bà Bauche, người tôi đã hỏi chuyện đó, cũng không thể cả quyết thực hư sao, nhưng bà đã thấy nhiều cảnh sát mặc thường phục lảng vảng trong trại.
Điều này làm Anna lo sợ, vì họ của nàng, Kupfer, có một âm hưởng rất Đức. Chúng tôi nghĩ tới điều này mỗi lần trên khoảng đất trống giữa trại và nhà ga, chúng tôi ngắm nhìn những cây phong lữ thảo đang phô bày tất cả vẻ rực rỡ của chúng.
Người làm vườn của thành phố đã mang chúng tới, lúc đó chúng đã đơm hoa, ít lâu sau ngày chúng tôi đến. Tôi lại nhìn thấy ông, từ sáng sớm trong lúc ánh mặt trời còn mờ nhạt, chu tất một công việc khiến người khác an lòng, trong khi các chuyến tàu chở tị nạn không ngớt đổ tới ga và báo chí, ở sạp, đầy những thảm họa.
Hình như hai tiếng sau, trong khi người làm vườn vẫn còn ở đấy, một đài phát thanh Đức, tuyên truyền bằng tiếng Pháp, nói đại khái như thế này:
- Ông Vieiljeux thật dễ thương khi cho trồng hoa quanh nhà ga của ông để chào đón chúng tôi. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ tới đó.
Ông Vieiljeux, mà tôi chưa thấy bao giờ, là thị trưởng La Rochelle và đài phát thanh Đức vẫn tiếp tục gửi đến ông những điện văn giễu cợt, họ làm thế để chứng tỏ rằng không có gì xảy ra trong thành phố mà họ không biết.
Tiếng “gián điệp” được nhắc tới càng ngày càng nhiều và những ánh mắt trở nên nghi kỵ.
- Trước mặt mọi người tốt hơn là em nên nói càng ít càng tốt.
- Em đã nghĩ tới điều đó.
Nàng không phải là người nhiều lời. Tôi cũng vậy. Giả sử chúng tôi có hay nói đi chăng nữa thì giữa chúng tôi cũng có biết bao điều cấm kỵ, đến nỗi chúng tôi sẽ chẳng có bao nhiêu chuyện để nói với nhau.
Không có quá khứ cũng chẳng có tương lai. Chỉ có một hiện tại mong manh, mà chúng tôi ngấu nghiến và cùng nhau thưởng thức.
Chúng tôi nhồi nhét những niềm vui nho nhỏ, những hình ảnh, những phản chiếu mà chúng tôi biết, chúng tôi sẽ ôm giữ suốt đời. Về phần xác thịt, chúng tôi làm cho nó mang thương tích bầm đau vì cố gắng trong tuyệt vọng hòa tan vào làm một xác thịt duy nhất.
Tôi không xấu hổ nói lên điều này, là tôi sung sướng bằng một hạnh phúc mà nếu so với hạnh phúc của mọi ngày thì chẳng khác nào âm thanh của một cây vĩ cầm mà người ta làm nảy ra khi kéo cây vĩ qua phía bên kia của ngựa đàn so với âm thanh thông thường. Nó sắc buốt, cao nhã và gây đau đớn một cách tuyệt vời.
Về sự đói khát dục tình cào cấu thân xác, tôi gần như tin chắc rằng chúng tôi không phải là một ngoại lệ. Ít bị chen chúc người nọ đụng người kia trong lều rạp hơn so với trên toa chở súc vật lúc trước, chúng tôi vẫn có không dưới một trăm người, đàn ông và đàn bà, ngủ chung dưới cùng một mái che. Không đêm nào trôi qua mà tôi không nghe thấy những thân thể cử động thận trọng, những hơi thở dồn dập và những tiếng rên rỉ tình tứ thiết tha.
Tôi không phải là người duy nhất cảm thấy mình ở bên ngoài cuộc sống bình thường và các quy ước của nó. Bất cứ lúc nào máy bay cũng có thể xuất hiện trên bầu trời và thả những dây bom xuống. Hai hoặc ba tuần lễ nữa quân đội Đức sẽ có mặt ở đây và không ai có chút ý niệm về chuyện gì sẽ xảy ra.
Trong hồi còi báo động lần đầu tiên, người ta đã bảo chúng tôi nằm rạp xuống đất, cạnh vũng tàu đậu, vì hầm trú ẩn cạnh ga hàng hóa cách đó quá xa.
Cao xạ phòng không đã bắn lên. Từng tràng súng phát xuất từ phía ga. Ngay sau đó họ khẳng định rằng mọi chuyện là do nhầm lẫn, đó là những phi cơ Pháp đã không thực hiện các dấu hiệu theo quy định.
Những chiếc phi cơ khác đã nhào xuống để rải mìn quanh một con tàu, tàu Champlain, trong vũng tàu La Pallice. Buổi sáng, con tàu đã nổ tung. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ mà không biết chuyện gì xảy ra.
Sau đó, những bồn chứa xăng bốc cháy, cách thành phố ba bốn cây số, khói đen bốc lên kéo dài nhiều ngày trên bầu trời.
Tôi đã nói, nhưng xin nhắc lại là ngày tháng trôi qua vừa nhanh lại vừa chậm. Ý niệm về thời gian đã thay đổi. Quân Đức đã vào Ba Lê trong khi Anna và tôi không thay đổi chút nào những thói quen nhỏ của chúng tôi. Chỉ có bầu không khí của nhà ga biến đổi từ ngày này sang ngày khác, trở nên rối loạn hơn, vô trật tự hơn.
Như khi còn ở Fumay, tôi là người dậy sớm hơn, và tôi đi ra pha cà phê phía bên ngoài, vừa pha cà phê vừa cạo râu trước một tấm gương móc vào vải lều. Cuối cùng người ta đã dành riêng một góc lều để lấy chỗ làm buồng vệ sinh cho các bà và Anna vào đó từ sáng sớm, trước đám đông hỗn tạp.
Chúng tôi thả bộ lang thang về phía ga, nơi người ta đã quen chúng tôi và nơi người ta chào hỏi chúng tôi đầy thân mật.
- Nhiều tàu không?
- Chúng tôi đang đợi nhân viên hãng Renault.
Chúng tôi biết hầm trú ẩn, các đường tàu, những ghế dài. Chúng tôi không khỏi âu yếm khi nhìn các toa súc vật nơi rơm rạ vẫn còn vương vãi. Toa của chúng tôi bây giờ ở đâu, trong đó hẳn còn thoảng chút hơi của chúng tôi?
Sau đó, hiếm khi nào mà bà Bauche không cần tôi giúp bà công việc gì đó, sửa một cái cửa ra vào hay một cái cửa sổ, lắp các kệ để thuốc hay thực phẩm mới.
Chúng tôi đi ăn xúp của trại. Thỉnh thoảng, chúng tôi tự cho mình một chầu đặc biệt. Băng qua đại lộ, chúng tôi vào một quán bar kín đáo thân mật nơi tôi biết Anna thích uống một ly rượu khai vị trong khi tôi, để bồi tiếp nàng, kêu một cốc nước chanh.
Xế trưa, chúng tôi ra thành phố và đi đọc những bản danh sách trước khi qua bưu điện xem hòm thư.
Nếu sớm hơn thời hạn một chút, con của chúng tôi có thể ra đời nay mai và tôi tự hỏi không biết ai sẽ trông coi Sophie trong thời gian vợ tôi nằm ở nhà bảo sanh.
Thật lạ lùng, tôi không tài nào thấy lại trong tâm tưởng cả vợ lẫn con tôi. Nét mặt họ nhạt nhòa, mơ hồ.
Tôi không lo lắng lắm về số phận Sophie vì, ở trại, trong một tuần lễ, chúng tôi có hai đứa trẻ lạc mất mẹ trên đường đi và có vẻ chúng không khổ sở gì về chuyện đó cả. Chúng nô giỡn với lũ trẻ khác, cũng vô tư như những đứa kia, và khi cuối cùng bà mẹ tới kiếm, chúng đứng bất động trước mẹ một hồi lâu, bối rối như thể chúng đã bỏ nhà đi trốn vậy.
Ngày 16 tháng Sáu là một trong những ngày mà tôi nhớ rõ. Thống chế Pétain, ở Orléans, đã xin đình chiến và binh lính đột nhiên rời bỏ nhà ga, không mang theo vũ khí, bất chấp sự chống đối của các sĩ quan.
Ba ngày sau, quân Đức tới Nantes. Chúng tôi tưởng tượng rằng, đi mô tô, họ di chuyển rất nhanh và chúng tôi chuẩn bị tinh thần thấy họ ngay từ hôm sau.
Thế nhưng, mãi ngày 22, một ngày thứ Bảy, những người đi xe hơi mới vừa chạy xe qua vừa hét lớn với chúng tôi:
- Chúng đang ở La Roche-sur-Yon!
- Các ông thấy chúng chứ?
Họ vừa ra dấu là đúng thế vừa phóng về phía Rochefort.
Đêm sau trời oi ả. Anna đi nằm trước nhất, và, đứng lặng, tôi cảm thấy lệ trào lên khóe mắt, khi thấy nàng làm ổ trong đám rơm rạ.
Tôi nói:
- Không! Đến đây.
Nàng không hề hỏi tôi đi đâu hay tại sao bao giờ. Người ta có thể cả quyết rằng nàng đã bỏ cả đời đi theo một người đàn ông, rằng nàng đã được tạo ra để làm việc đó.
Chúng tôi vừa đi vừa nghe âm thanh của biển và tiếng ken két của những dụng cụ trang bị thuyền bè. Có lẽ nàng tưởng tôi tìm nơi trú ẩn trên một con thuyền?
Tôi kéo nàng đi như thể tới tận cuối bến, tại đó có nhiều công trường xây dựng, và tôi cùng nàng đi vào con đường vòng đầu mút đưa tới bãi biển.
Không nghe thấy tiếng động nào. Không trông thấy một ánh đèn nào trong thành phố, duy chỉ có một ngọn đèn hiệu xanh thẫm ở đầu kè đá.
Chúng tôi nằm trên bãi cát, gần chân những đợt sóng nhỏ, và chúng tôi yên lặng một hồi lâu không nói năng gì, không làm gì, để rình nghe tiếng tim chúng tôi đập.
- Anna! Anh muốn rằng em luôn luôn tự nhủ...
- Suỵt!
Nàng không cần lời. Nàng không thích từ ngữ. Tôi nghĩ rằng chúng làm nàng sợ.
Tôi bắt đầu chiếm đoạt nàng, đầy vụng về, dần dần đặt vào trong hành động ấy sự nóng nảy giống như độc ác. Lần này, nàng không giúp tôi, nàng bất động, mắt nhìn trân trối vào mặt tôi và tôi không đọc thấy trong ánh mắt đó một biểu lộ nào.
Trong một khoảnh khắc, dường như nàng đã ra đi và tôi tưởng tượng nàng, một lần nữa lại đơn côi, như con thú lạc loài.
- Anna! - tôi gào lên với nàng, giọng giống như kêu cứu. - Nhưng xin em hiểu cho!
Nàng nâng đầu tôi trong hai tay để thì thầm trong khi đè nén những tiếng nức nở:
- Được lắm!
Nàng không nói về cái ôm ghì gắn bó của chúng tôi, mà về chúng tôi, về tất cả những gì đã là chúng tôi trong quãng thời gian quá ngắn ngủi ấy. Chúng tôi đã cùng nhau khóc, trong khi làm tình. Trong lúc đó biển đã dâng đến chân chúng tôi.
Tôi cần phải làm một cái gì đó, mà không biết là gì. Tôi đã lột cái rốp của nàng, cởi bỏ quần áo của tôi. Tôi lại nói một lần nữa:
- Đến đây!
Trời hãy còn khá sáng nên thân thể nàng hiện rõ ràng trong bóng tối nhưng tôi không thể thấy nét mặt nàng. Nàng có sự thật không? Nàng có tin rằng tôi muốn dìm chết nàng, có lẽ tôi sẽ trầm mình cùng với nàng? Thân thể nàng co rụt lại, bị nỗi kinh hoàng bản năng xâm chiếm.
- Lại đây, đồ to đầu mà còn dại!
Tôi bắt đầu chạy dưới nước, và chẳng mấy chốc nàng đã bắt kịp tôi. Nàng biết bơi. Tôi thì không. Nàng bơi khá xa ra biển, rồi trở lại, vẽ những vòng lượn xung quanh tôi.
Ngày nay tôi tự hỏi không biết nàng có thực sai lầm khi đã sợ hãi không. Lúc đó mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chúng tôi cố biến buổi tắm này thành một trò chơi, cố vui đùa như lũ học sinh đang nghỉ hè, nhưng không đạt được kết quả.
- Em lạnh?
- Không.
- Chúng mình hãy chạy cho ấm nào.
Chúng tôi chạy, cát dính vào bàn chân và bắp chân chúng tôi.
Tôi đã có một ý tưởng tồi. Khi chúng tôi trở về trại, một đội tuần tiễu đã buộc chúng tôi phải nấp kỹ trong góc tường suốt gần một khắc đồng hồ.
Lều chúng tôi có vẻ nồng nàn hơi ấm của con người và cuối cùng chúng tôi thu mình vào trong cái xó của chúng tôi, nơi đêm ấy tôi không hề ngủ.
Ngày hôm sau là Chủ nhật. Dân tị nạn mặc quần áo tươm tất đi dự lễ mixa. Trong thành phố, chúng tôi gặp các thiếu nữ quần áo tươi sáng, những trẻ em diện quần áo đẹp ngày Chủ nhật bước đi trước bố mẹ chúng. Những cửa tiệm bánh ngọt đều mở cửa và tôi mua một cái bánh hãy còn nóng ấm, như ở Fumay.
Sau bữa trưa, chúng tôi mang chiếc bánh tới trước vũng tàu đậu để ăn, ngồi trên mỏm đá, chân buông thõng trên mặt nước.
Năm giờ, đám mô tô Đức dừng lại trước tòa thị chính, và một sĩ quan yêu cầu Vieiljeux ra trình diện.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét