Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 7

Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 7

Buổi sáng thứ Hai, tôi cảm thấy trống rỗng và xuống tinh thần. Anna đã có một giấc ngủ đầy xáo trộn, giật mình nhiều lần và có những cử động đột ngột mà tôi không quen, và nhiều lần nàng nói liến thoắng bằng tiếng mẹ đẻ.
Tôi cũng dậy cùng giờ như những ngày khác để pha cà phê và cạo râu nhưng, thay vì chỉ có một mình tôi phía ngoài, tôi nhận thấy nhiều dân tị nạn hãy còn bơ phờ ngái ngủ đang đứng nhìn đám mô tô Đức đi qua.
Tôi có cảm tưởng tìm thấy lại trong đáy mắt họ sự ngã lòng cam chịu chắc cũng lộ ra trong mắt tôi và đó là cảm giác chung; điều đó kéo dài nhiều ngày, với một số người là nhiều tuần.
Một trang đã lật qua. Một thời kỳ đã kết thúc, ai cũng biết chắc điều đó, dẫu không ai tiên đoán được điều gì sẽ thay thế.
Không phải chỉ riêng số phận chúng tôi, mà vận mệnh của cả thế giới nơi chúng tôi là thành phần cũng bị thử thách.
Chúng tôi đã tự tạo ra một hình ảnh ít nhiều ghê sợ về chiến tranh, về sự xâm lăng, thế mà, bây giờ tới lượt chúng tôi, cả hai xảy đến, chúng tôi nhận thấy chúng khác hẳn tất cả những gì chúng tôi đã tiên đoán. Quả thật đó chỉ là khởi đầu.
Chẳng hạn, trong khi ấm nước của tôi đang sôi trên cái bếp nhỏ đốt cồn rất chắc chắn đặt trên mặt đất và quân Đức tiếp tục diễu hành không quan tâm tới chúng tôi, trẻ măng hồng hào và tươi mát, như một cuộc duyệt binh, từ xa tôi vẫn trông thấy hai lính Pháp súng giắt ở giải đeo, đứng canh gác ở cửa ga.
Không có tàu từ hôm kia. Các bờ ke vắng vẻ, cũng như những phòng đợi, nhà ăn, văn phòng vị chỉ huy quân sự. Hai người lính, vì không có lệnh, không biết làm gì nên mới tới chín giờ đã dựa súng vào tường mà bỏ đi.
Trong khi dùng chổi quét xà bông lên hai bên má, tôi nghe thấy trong vũng đậu tàu có tiếng nổ đặc trưng của những động cơ chạy bằng dầu cặn và những con tàu ra khơi đánh cá. Chỉ có ba hay bốn chiếc. Trong khi địch quân xâm nhập thành phố, cánh ngư phủ vẫn ra khơi kéo lưới như thường lệ. Không có ai ngăn giữ họ.
Khi chúng tôi đi về phía thành phố, Anna và tôi, các quán cà phê, quán bar, cửa hàng vẫn mở cửa, những người buôn bán lau chùi cửa tiệm. Tôi đặc biệt nhớ đến một cô bán hoa bày những bông cẩm chướng trong mấy cái xô trước cửa kính. Vậy ra còn có người mua hoa ngày hôm nay sao?
Trên hè đường, khách bộ hành qua lại, hơi lo lắng, nhất là hoang mang, giống tôi, và những người mặc đồng phục lẫn vào đám đông, những người Pháp.
Một trong số họ, ngay giữa phố Palais, đã hỏi một cảnh sát viên xem ông ta phải làm gì và, căn cứ vào các cử chỉ của người cảnh sát, tôi hiểu anh này trả lời ông ta mình cũng không biết gì hơn.
Tôi không trông thấy người Đức xung quanh tòa thị chính. Nói đúng ra, tôi không nhớ đã trông thấy họ đi bộ trong đám dân cư ở đây. Như mọi ngày, tôi đi coi các danh sách niêm yết, rồi tới bưu điện ở đó tôi chờ đến lượt mình trước ghi sê của hộp thư lưu ký trong khi Anna đứng mơ màng, gần cửa sổ.
Chúng tôi gần như không nói với nhau một lời nào từ sáng tới giờ. Cả hai chúng tôi đều bị đè nén khổ sở giống y nhau và, khi người ta chìa ra cho tôi một bức điện đề tên tôi, tôi không ngạc nhiên, tôi cho rằng chuyện đó trời đã định, rằng chuyện đó phải xảy ra ngày hôm ấy.
Chỉ có máu rút khỏi tứ chi tôi, lúc này đã trở nên mềm nhũn, yếu ớt và tôi cảm thấy khó nhọc khi muốn nhích đi hai ba bước.
Tôi đã biết. Tờ phiếu được in trên một thứ giấy xấu, với những khoảng trắng mà người ta đã điền vào bằng bút chì tím.

+ Tên người muốn kiếm: Jeanne Marie Clémentine Van Straeten, vợ của Féron.
+ Nguyên quán: Fumay (Ardennes).
+ Nghề nghiệp: không.
+ Đi ngày: ...
+ Phương tiện di chuyển: xe lửa.
+ Người cùng đi: con gái, 4 tuổi.
+ Nơi di tản: ...

Tim tôi bắt đầu đập thình thịch, tôi đưa mắt tìm Anna. Tôi nhìn thấy nàng trong luồng ánh sáng ngược, vẫn kề bên cửa sổ, nàng đứng đó nhìn tôi không biểu lộ một cử chỉ.

Nơi di tản: nhà bảo sanh ở Bressuire.

Tôi tiến lại gần nàng và lẳng lặng chìa cho nàng tờ giấy. Rồi, không ý thức rõ rệt điều mình làm, tôi hướng về phía ghi sê điện thoại.
- Còn có thể điện thoại tới Bressuire được không?
Tôi chờ nghe người ta trả lời là không được. Trái với mọi logic, có vẻ như thế, đường điện thoại vẫn hoạt động bình thường.
- Ông muốn gọi số nào?
- Nhà bảo sanh.
- Ông không biết số cũng không biết tên phố sao?
- Tôi thiết tưởng chỉ có một nhà bảo sanh trong thành phố.
Trong những ký ức của tôi từ hồi còn đi học, Bressuire nằm đâu đó trong một vùng mà ít khi người ta nói đến, giữa Niort và Poitiers, xế hướng Tây, về phía Vendée.
- Phải đợi mười phút.
Anna đã trả lại tôi tờ phiếu và tôi nhét đại vào túi. Tôi nói, chẳng để làm gì, bởi nàng đã biết cả.
- Anh chờ liên lạc điện thoại.
Nàng đốt một điếu thuốc. Tôi đã mua cho nàng một cái xắc tay rẻ tiền cũng như một cái rương nhỏ giả da để nàng cất quần áo lót và đồ trang điểm. Sàn văn phòng bưu điện hãy còn dấu vết những giọt nước mà người ta đã vẩy ra để quét.
Đằng trước mặt, phía bên kia một quảng trường nhỏ, mấy người có dáng bệ vệ đang vừa bàn cãi tại một hàng hiên quán cà phê vừa uống rượu vang trắng và chủ quán, mặc sơ mi và đeo tạp dề xanh, đứng bên cạnh họ, tay cầm cái khăn lau.
- Bressuire trả lời ông đây. Ca bin số 2.
Ở đầu dây bên kia, một giọng nói nóng nảy vang lên.
- A lô! La Rochelle... Nói đi...
- Bressuire đấy phải không?
- Chứ sao. Tôi chuyển số của ông bây giờ.
- A lô! Nhà bảo sanh đấy phải không?
- Ai ở đầu dây đó?
- Marcel Féron. Tôi muốn biết vợ tôi còn nằm ở nhà bảo sanh của các ông không.
- Ông vừa nói tên gì?
- Féron.
Tôi phải đánh vần: F như Fernand, É như Émile...
- Đó là một sản phụ?
- Có lẽ vậy. Vợ tôi có bầu khi...
- Bà nằm phòng trả tiền hay phòng miễn phí?
- Tôi không biết. Chúng tôi là những người tị nạn từ Fumay và giữa đường tôi đã bị lạc nhà tôi cùng con gái.
- Đừng rời máy. Để tôi đi coi.
Qua cửa kính phòng điện thoại, tôi nhận thấy Anna đã trở lại chống khuỷu tay lên thành cửa sổ và tôi có một cảm giác kỳ lạ khi nhìn cái rốp đen của nàng, bờ vai, cặp hông nàng, những gì đã lại trở thành xa lạ đối với tôi.
- Bà nhà có nằm ở đây, phải. Bà đã sanh hôm kia.
- Tôi không thể nói chuyện với vợ tôi sao?
- Trong các phòng không có điện thoại, nhưng tôi có thể chuyển cho bà điều ông muốn nói.
- Ông nói với nhà tôi...
Tôi tìm một vài chuyện gì đó để nói và đột nhiên tôi nghe thấy tiếng lạo xạo ở đầu dây.
- A lô!... A lô!... Đừng cúp máy, thưa cô...
- Vậy thì ông nói đi!... Nhanh lên...
- Xin cô nói với nhà tôi rằng tôi đang ở La Rochelle, mọi chuyện đều ổn, ông ta sẽ tới Bressuire càng sớm càng tốt... Tôi chưa biết có tìm được phương tiện di chuyển nào không, nhưng...
Không còn ai ở đầu dây, và tôi không biết người ta có nghe được đoạn cuối câu nói của tôi không. Tôi không nghĩ tới chuyện hỏi tôi có con trai hay con gái, nhà tôi sanh có suôn sẻ không.
Tôi tới ghi sê trả tiền. Rồi tôi máy móc nói, như tôi vẫn nói trong suốt những tuần lễ gần đây.
- Tới đây.
Điều đó vô ích, vì lúc nào Anna chẳng đi theo tôi.
Ngoài phố, nàng hỏi:
- Anh tính đi cách nào?
- Anh không biết.
- Chắc còn phải nhiều ngày nữa họ mới tái lập được đường xe lửa.
Tôi không thắc mắc. Tôi sẽ đi bộ tới Bressuire nếu bắt buộc phải như vậy. Vì tôi đã biết Jeanne ở đâu, tôi phải tái hợp với nàng. Vấn đề không phải là bổn phận. Mà chuyện tự nhiên đến nỗi tôi không lưỡng lự chút nào.
Chắc tôi có vẻ bình thản, tự tin, vì Anna đang quan sát tôi với đôi chút kinh ngạc. Trên bến tàu, tôi dừng tại cửa hàng nơi tôi đã mua cái bếp nấu bằng cồn. Ở đó người ta bán túi du lịch bằng vải thô và tôi muốn mua một cái để thay thế cho cái rương, nó, dẫu rỗng không, vẫn quá nặng để xách theo trên đường.
Các binh sĩ Đức vẫn không hòa mình vào đám khách bộ hành. Một phân đội đóng trại ở bìa thành phố, trên cổ thành, xung quanh một nhà bếp lưu động, đã ra đi từ lúc sáng tinh mơ.
Lần cuối cùng tôi vào trại, trong chiếc lều xanh, tại đó tôi lôi đồ trong rương ra nhét vào cái túi. Chợt thấy cái bếp đốt bằng cồn, tôi đưa nó cho Anna.
- Anh để cái này lại cho em. Anh không cần đến nó nữa và, dù sao thì, cũng không còn chỗ.
Nàng lẳng lặng nhận lấy không phản đối, cất nó vào trong cái rương nhỏ của nàng. Tôi lo lắng, băn khoăn tự hỏi không biết chúng tôi sắp giã từ nhau như thế nào và ở đâu.
Cánh phụ nữ hãy còn ngủ và những người khác, đang coi con cái họ, tò mò quan sát chúng tôi.
- Để em đỡ anh.
Anna nhấc cái túi lên vai tôi còn tôi cúi xuống cầm vali. Nàng đi theo tôi, tay cầm cái rương nhỏ của nàng. Bên ngoài, dừng lại giữa hai căn lều, tôi vụng về bắt đầu:
- Suốt đời anh, anh...
Nàng nở nụ cười khiến tôi chưng hửng.
- Em đi với anh.
- Tới Bressuire à?
Tôi lo ra mặt.
- Em muốn ở cùng anh lâu được chừng nào hay chừng ấy. Đừng sợ. Tới đó, em sẽ biến mất.
Tôi nhẹ nhõm cả người khi thấy cảnh biệt ly được dời lại hồi sau. Chúng tôi không gặp bà Bauche và chúng tôi ra đi, như bao người khác, không chào hẹn tái ngộ và cũng chẳng cảm ơn bà. Ấy thế mà chúng tôi là những người ở trung tâm lâu nhất, vì lão Jules đã được chở vào nhà thương trong một cơn trùng tửu cuồng.
Chúng tôi hướng về phía quảng trường Armes qua các đường phố mỗi lúc một thêm khấp khểnh gập ghềnh. Hàng hiên quán cà phê Hòa Bình đầy người. Xe dân sự lưu thông qua lại và, ở cuối quảng trường, về hướng công viên, người ta nhận rõ vẻ ngoài ngụy trang loang lổ của đám xe Đức.
Tôi không trông mong tìm ra xe buýt. Tuy nhiên, vẫn còn xe trước nhà kho, không ai ra lệnh ngừng việc đó lại. Tôi hỏi có xe đi Bressuire, hay Niort không. Họ trả lời tôi rằng không, đường Niort chật xe cộ, dân tị nạn đi bộ và quân Đức phải vất vả lắm mới mở được lối đi qua.
- Có một xe ca đi về Fontenay-le-Comte.
- Có trên đường tới Bressuire không?
- Nó sẽ đưa ông tới gần đó.
- Chừng nào nó khởi hành?
- Người tài xế đang đổ xăng.
Chúng tôi lên xe yên vị, giữa ánh nắng chói chang và, lúc đầu, chỉ có mình chúng tôi, giữa những hàng ghế trống. Một người lính Pháp leo lên, một người đàn ông trạc bốn mươi, dân ruộng, áo vét-tông vắt trên cánh tay, và sau đó năm sáu người lên ngồi xung quanh chúng tôi.
Ngồi sát bên nhau, Anna và tôi, liên tục bị xóc, đăm đăm nhìn cảnh vật bên ngoài.
- Em không đói sao?
- Không. Còn anh?
- Anh cũng không.
Một thôn nữ, mắt mọng đỏ vì khóc, ngồi đối diện chúng tôi, ăn một lát patê thơm phức.
Chúng tôi đi theo một con đường, từ làng nọ sang làng kia, mới đầu không xa biển lắm, Nieul, Marsilly, Esnandes, Charron và chúng tôi ít thấy quân Đức, chỉ có một toán nhỏ trên quảng trường của mỗi thị xã, trước nhà thờ hay tòa thị chính, dân cư chỉ đứng từ xa ngó.
Chúng tôi đi ở ngoài lộ trình của dân tị nạn và những nhóm đại quân. Ở vài nơi, tôi tưởng nhận ra cánh đồng và trạm nghỉ nơi chúng tôi đã ngủ đêm cuối cùng trong cuộc hành trình vừa rồi. Tôi không chắc chắn về điều đó lắm, vì cảnh vật nhìn từ đường xe hỏa khác nhìn từ đường lộ.
Chúng tôi đi ngang qua một cơ sở lớn chuyên cất sữa, làm bơ và phô mai, nơi những hộp sữa, xếp hàng tá một, sáng lóa dưới ánh mặt trời, kế đó chúng tôi vượt qua cây cầu bắc trên con kinh, gần một quán trọ có một bên tựa vào vòm cây. Có những chiếc khăn trải bàn kẻ ô vuông màu xanh, trên bàn trưng hoa, một hình nhân đầu bếp bằng gỗ, đặt bên lề đường, giơ ra tấm thực đơn sao hàng loạt.
Đến Fontenay-le-Comte, quân Đức đông hơn, xe cộ cũng vậy, kể cả xe vận tải, nhưng chỉ trên phố chính dẫn tới nhà ga thôi. Tại bến xe buýt, trên một quảng trường, người ta thông báo với chúng tôi không có xe ca đi Bressuire.
Tôi không nghĩ tới chuyện bao một cái taxi, trước hết bởi vì chưa bao giờ tôi có ý nghĩ ấy, kế đó bởi vì tôi không tin rằng chuyện đó còn có thể làm được nữa.
Chúng tôi vào một tiệm cà phê ở khu chợ ăn qua loa cái gì đó.
- Ông bà là người tị nạn?
- Vâng. Chúng tôi người Ardennes.
- Ở đây cũng có nhiều người quê ở Ardennes làm gỗ trong rừng Mervent. Họ có vẻ hơi man rợ, nhưng tựu trung, họ rất tử tế, rất bạo dạn, can đảm. Ông bà đi xa không?
- Tới Bressuire.
- Ông bà có xe hơi không?
Chỉ có chúng tôi là khách trong phòng và một cụ già đi giày trong nhà bằng nỉ tới ngấp nghé nhìn chúng tôi qua cửa bếp.
- Không, chúng tôi sẽ đi bộ nếu bắt buộc phải như vậy.
- Ông tin rằng có thể đi bộ tới Bressuire à? Với cô đây? Chờ một chút để tôi hỏi coi cái xe vận tải của nhà Martin đã đi chưa.
Chúng tôi thật may mắn. Nhà Martin phía bên kia rặng cây, là một nhà bán sỉ đồ đồng đồ sắt. Họ có hàng phải giao ở Pouzauges và ở Cholet. Chúng tôi vừa đợi vừa uống cà phê, trước quảng trường trống vắng.
Có đủ chỗ cho hai chúng tôi, bằng cách ngồi co người lại trên ca bin cạnh tài xế, và, sau một dốc đèo khá cheo leo, chúng tôi băng qua một cánh rừng bất tận.
- Những người Ardennes ở chỗ kia, - người tài xế của chúng tôi vừa nói vừa chỉ một khoảng rừng và mấy túp lều, xung quanh đó có lũ trẻ ở trần đang chơi đùa.
- Tụi Đức ở đây có nhiều không?
- Họ đi lại như mắc cửi, chiều tối qua và đêm nay. Chắc chắn chuyện đó sẽ bắt đầu trở lại. Nhiều nhất là xe mô tô và xe nhà bếp lưu động. Tôi cho rằng các chiến xa sẽ đi tiếp theo sau.
Ông ta dừng xe để cho một kiện hàng xuống xưởng của người thợ bịt móng ngựa, tại đó có một con ngựa cày ruộng vừa quay về phía chúng tôi vừa hí lên. Ngày hôm đó có vẻ dài và, mặc dầu chúng tôi gặp may, cuộc hành trình vẫn chưa chấm dứt ở đây.
Lúc này, tôi hơi giận Anna, vì nàng đã đòi theo tôi. Có lẽ sẽ tốt hơn, cho người này cũng như cho người kia, là nên kết thúc tại La Rochelle với cái túi thủy thủ của tôi trên vai, tay thì xách vali.
Biết tôi không bằng lòng, nàng cố thu người lại thật nhỏ giữa tôi và người tài xế. Đột nhiên tôi nghĩ rằng cái hông ấm áp của nàng kề với hông người bạn đồng hành của chúng tôi và tôi cảm thấy ghen.
Chúng tôi mất gần hai tiếng đồng hồ để đi tới Ponzauges, suốt dọc đường chỉ gặp có một đoàn xe gắn máy dài đến một cây số. Đám lính vừa đi qua vừa đưa mắt nhìn chúng tôi, nhất là ngó Anna và một vài tên đưa tay ra dấu cho nàng.
- Ông bà chỉ còn chừng hai mươi cây nữa là tới Bressuire. Tốt hơn hết là ông bà nên vào quán cà phê này với tôi, có khi tôi sẽ tìm được cho ông bà một cơ hội cũng nên.
Vài người đàn ông đang chơi bài, mặt cau có. Hai người khác, ngồi cuối phòng, đang tranh luận trước mấy tờ giấy trải ra giữa đống ly.
- Xin cho biết có ai đi về phía Bressuire không? Ông bà đây là dân tị nạn cần đi tới đó trước đêm nay.
Một trong hai người đang tranh luận và có vẻ là nhà buôn hàng hóa, nhìn rành rẽ Anna từ đầu tới chân trước khi nói:
- Tôi có thể đưa họ tới Cerizay.
Tôi không biết Cerizay ở đâu. Người ta giải thích cho tôi hay nó ở giữa đường tới Bressuire. Tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ vượt qua nhiều khó khăn, sẵn sàng tỏ ra anh hùng để tái ngộ vợ tôi, sẵn sàng đi bộ suốt nhiều ngày theo mọi nẻo đường và sẵn sàng để bị lâm nguy khốn đốn bởi quân Đức.
Tôi hầu như thất vọng sao mọi sự ổn thỏa quá dễ dàng như vậy.
Chúng tôi chờ cuộc tranh luận kết thúc gần một tiếng đồng hồ. Nhiều lần, họ đã đứng dậy và có vẻ sắp bắt tay từ biệt nhau để rồi lại ngồi xuống và bắt đầu một cuộc bàn cãi sôi nổi khác.
Người lái xe tương lai của chúng tôi có màu da đỏ ửng của người sung huyết. Ra vẻ quan trọng, y đưa Anna lên ngồi cạnh y, còn tôi thì ngồi ở băng đằng sau. Bỗng nhiên tôi thấy mệt mỏi vì đêm thức trắng, mí mắt tôi nặng, môi bỏng rát, như thể sắp lên cơn sốt. Có lẽ tôi đã bị cảm nắng chăng?
Sau một hồi lâu, tôi hết nghe rõ những lời nói phía trước. Tôi nhìn thấy mơ hồ những đồng cỏ, rừng cây, một hai ngôi làng như bị tê cóng. Chúng tôi vượt qua một cây cầu bắc trên dòng sông gần như khô cạn để rồi sau cùng ngừng lại tại một quảng trường.
Tôi cám ơn, Anna cũng vậy. Chúng tôi đi được chừng hai ba trăm thước trước khi nhận thấy, trước tiệm bánh mì, có một chiếc xe vận tải chất đầy bột trên đó kẻ tên chủ nhà máy xay bột ở Bressuire.
Như thế, tôi không hề phải đi bộ, Anna cũng vậy. Suốt cả ngày chúng tôi không lúc nào được ở một mình với nhau.
Đêm chưa xuống, chúng tôi đang đứng trên lề đường, gần hàng hiên một quán cà phê bán kèm thuốc lá, túi và vali để dưới chân tôi. Tôi quay lại để lấy mấy tờ giấy bạc trong ví. Anna đã hiểu và nàng không phản đối khi tôi luồn chúng vào trong xẳc tay của nàng.
Tứ bề trống vắng, chưa bao giờ tôi có cảm tưởng như vậy về sự trống vắng. Tôi chặn một chú nhỏ lại.
- Này em, chỉ cho tôi... nhà bảo sanh ở đâu?
- Phố thứ hai về phía tay trái, ngay trước mặt. Ông không thể nhầm được đâu.
Anna, đoán rằng tôi sắp thốt lời giã từ nàng, vội thì thầm:
- Cho em tiễn anh tới cửa.
Nàng quá khiêm nhường, đến nỗi tôi không đủ can đảm để chối từ. Trên một quãng đường, bọn Đức đang lăng xăng bận rộn xung quanh hàng chục chiếc xe tăng to lớn và đám sĩ quan hò hét ra lệnh.
Phố có nhà bảo sanh dốc thoai thoải, hai bên là những ngôi nhà thường thường bậc trung. Ở tuốt trên đầu dốc sừng sững một tòa nhà gạch lớn.
Tôi lại đặt cái túi và vali xuống đất thêm lần nữa. Tôi không dám nhìn người bạn đồng hành của tôi. Một thiếu phụ tì khuỷu tay vào cửa sổ nhìn ra, một đứa trẻ ngồi trên ngưỡng cửa và mặt trời xế tàn chỉ còn soi sáng những mái nhà.
- Thôi... - tôi ấp úng lên tiếng.
Âm thanh dừng lại nơi cổ họng và tôi cầm lấy hai bàn tay nàng.
Dù thế nào thì tôi cũng phải nhìn nàng lần cuối và tôi thấy một khuôn mặt dường như đã nhòa phai.
- Vĩnh biệt em!
- Sung sướng nhé, Marcel.
Tôi siết chặt hai bàn tay nàng. Tôi buông ra, lại khoác lên vai cái gánh nặng của tôi, gần như lảo đảo, và, khi tôi gần tới ngưỡng cửa bảo sanh viện, nàng đã chạy theo tôi nói thầm:
- Em đã được sung sướng với anh.
Qua cửa ra vào gắn kiếng, tôi thoáng thấy các cô điều dưỡng trong phòng tiền đường, một cái băng ca có bánh xe lăn, cô nữ tiếp viên đang nói qua điện thoại. Tôi bước vào. Tôi quay lại, nàng vẫn đứng trên lề đường.
- Xin vui lòng cho tôi được vào thăm bà Féron.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét