Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 5

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

5

Từ Ebisu tôi bắt tuyến Hibiya về ga Hibiya, ở đó tôi sẽ chuyển sang tuyến Mita và về nhà. Tuy nhiên, tôi không bao giờ đổi tàu một cách trực tiếp, và tôi ra khỏi nhà ga để thực hiện một LPT trước đã.
Tôi ghé vào cửa hàng âm nhạc Tsutaya và len qua mấy cô bé đua đòi trang phục lôi thôi lếch thếch đang nghe những bản nhạc pop mới nhất của Nhật trên những chiếc tai nghe mà cửa hàng cung cấp, đầu lắc lư theo tiếng nhạc. Dạo bước đến cuối cửa hàng, chốc chốc tôi lại dừng lại nhìn những chiếc CD trên những cái giá đối diện với cửa ra vào, liếc lên phía trên để xem có ai đang đi theo sau tôi không.
Tôi xem lướt qua dãy nhạc cổ điển, rồi chuyển sang dãy nhạc jazz. Theo thôi thúc, tôi kiểm tra xem Midori có đĩa CD nào không. Cô ấy có: Another time. Trên bìa đĩa là hình ảnh cô ấy đang đứng dưới một ngọn đèn đường ở một nơi có vẻ là một trong những khu vực tồi tàn của Shinjuku, tay khoanh trước ngực, khuôn mặt quay nghiêng trong bóng tối. Tôi không biết công ty thu âm này - nó vẫn còn chưa có tiếng tăm. Cô ấy chưa nổi tiếng, nhưng tôi tin rằng Mama nói đúng, cô ấy sẽ trở thành một ngôi sao.
Tôi định trả nó về vị trí cũ trên giá, rồi lại nghĩ, Chúa ơi, đó chỉ là âm nhạc. Nếu mày thích, hãy mua nó. Song, một nhân viên thu ngân có thể nhớ được điều này. Vì vậy tôi lựa thêm một tuyển tập nhạc jazz không lời của một nghệ sĩ khác và vài bản concerto của Bach trên đường đến quầy thanh toán. Chọn một nhân viên thu ngân có vẻ căng thẳng, với một hàng dài khách hàng đang chờ đợi. Thanh toán bằng tiền mặt. Tất cả những gì anh chàng này sẽ nhớ là ai đó đã mua một vài đĩa CD, có thể là nhạc cổ điển, có thể là nhạc jazz. Nhưng chưa chắc có ai hỏi anh ta điều đó.
Tôi kết thúc LPT và mang những cái đĩa CD về căn hộ ở Sengoku. Sengoku nằm ở mạn đông bắc thành phố, gần những gì còn sót lại của Tokyo cũ, mà dân bản xứ gọi là Shitamachi, vùng đất thấp. Đây là một khu vực cổ kính, phần lớn vẫn còn khá nguyên vẹn sau cơn đại địa chấn Kanto năm 1923 và trận bom trong chiến tranh. Nó không có các hoạt động vui chơi giải trí về đêm ngoài các nomiya [quán rượu] địa phương và không có khu thương mại, do đó nó không có nhiều dân vãng lai. Cư dân ở đây phần lớn là Edoko, những người Tokyo chính gốc, sống và làm việc trong những cửa hàng kinh doanh gia đình và những nhà hàng và quán bar nhỏ bé. “Sengoku” có nghĩa là “một nghìn viên đá”. Tôi không biết nguồn gốc của cái tên này, nhưng tôi luôn thích nó.
Đây không phải là nơi tôi lớn lên, nhưng nó gần gũi như bất cứ thứ gì tôi từng có. Sau khi cha tôi mất, mẹ dẫn tôi quay về Mỹ. Trước sự mất mát và những biến động kèm theo đó trong cuộc đời, tôi nghĩ mẹ tôi muốn ở gần cha mẹ, họ có vẻ cũng sốt sắng muốn hòa giải với con mình. Chúng tôi sống ở một thị trấn có tên là Dryden, nằm ở phía bắc New York, nơi mẹ tôi làm trợ giáo tiếng Nhật ở trường Đại học Cornell gần đó và tôi vào học ở một trường công lập.
Dryden là một thị trấn lao động với cư dân chủ yêu là người da trắng, và những nét châu Á cùng thứ tiếng Anh lơ lớ khiến tôi trở thành đối tượng bắt nạt ưa thích của những thằng đầu gấu địa phương. Tôi nhận được những bài học thực tế đầu tiên về chiến tranh du kích từ dân bản xứ ở Dryden: chúng lùng sục tôi theo đám đông, và tôi đánh trả khi chúng chỉ có một mình và yếu đuối. Tôi hiểu tâm lí của dân du kích từ trước cả khi đổ bộ lên Đà Nẵng.
Mẹ tôi phiền muộn vì những vết thâm tím và những khớp ngón tay bị trầy xước liên tục của tôi, nhưng bà quá bận rộn với vị trí mới ở trường đại học và việc hàn gắn quan hệ với cha mẹ nên chẳng can thiệp gì. Phần lớn những năm tháng đó, trong lòng tôi luôn nhung nhớ về nước Nhật.
Vậy là tôi lớn lên trong cảnh nổi bật giữa những người khác, chỉ mãi sau này mới học được nghệ thuật ẩn mình. Trong hoàn cảnh này, Sengoku là một lựa chọn lạ thường với tôi. Tôi chọn vùng đất này trước khi sự ẩn danh trở thành một vấn đề, và vẫn lưu lại đây vì tự biện minh bằng một lí do đơn giản rằng dẫu sao thì sự cũng đã rồi. Đó là nơi mà ai cũng biết tên anh, nghĩ rằng họ biết công việc của anh. Ban đầu điều đó khiến tôi khó chịu, mọi người đều nhận ra tôi, biết rõ tôi sống ở đâu. Tôi đã nghĩ đến việc chuyển về phía tây của thành phố. Phía tây có cảm giác đích xác là Tokyo và chẳng giống Nhật Bản chút nào. Nó sôi động, gấp gáp và hiện đại, bị khuấy động bởi những đám đông hưng phấn vì caffeine, và ở đó mọi người đều thờ ơ với nhau và chẳng ai biết ai. Tôi có thể tới đó, hòa lẫn với họ, biến mất.
Nhưng khu phố cổ có một ma lực đặc biệt, và tôi khó lòng tưởng tượng đến cảnh phải rời xa nó. Tôi thích đi bộ từ ga tàu điện ngầm về căn hộ của tôi vào buổi tối, các cửa hàng trên con phố buôn bán nhỏ được sơn màu xanh và đỏ do đó nó luôn tạo cảm giác hội hè, ngay cả trong những buổi tối mùa đông đến sớm. Có một cặp vợ chồng trung niên, chủ cửa hàng bán đồ rẻ tiền ở góc phố, thường chào tôi “Okaeri nasai!” [Anh đã về nhà đấy à!], khi gặp tôi buổi tối, thay vì lời chào “Kon ban wa!” [Chào buổi tối] quen thuộc.
Có một bà cụ phốp pháp, vui vẻ, trông coi cửa hàng video với cái biển hiệu màu vàng to đùng ở mặt tiền và các cửa sổ dán áp phích của những bộ phim Hollywood mới ra lò, luôn để ngỏ cửa khi trời lạnh. Bà có đủ mọi thể loại từ phim hoạt hình của Walt Disney đến những bộ phim khiêu dâm táo bạo nhất, và từ trưa đến mười giờ tối, bà ngồi như bức tượng Di Lặc trong cái cửa hàng nhỏ, xem chính những món hàng của mình trên cái tivi bên cạnh máy tính tiền. Và bà Bạch Tuộc, người bán takoyaki [bạch tuộc tẩm bột rán] qua một ô cửa sổ trổ ra ngoài đường trong ngôi nhà cổ của mình, có khuôn mặt trở nên giống với những sinh vật làm nguyên liệu cho loại đồ ăn bà đang bán sau những năm tháng mệt mỏi và chán chường với những công việc nặng nhọc. Mỗi tối bà chậm chạp lê bước quanh cái bếp lò, rưới những loại chất lỏng đặc biệt trong những động tác vô thức, lặp đi lặp lại, và thi thoảng khi tôi đi qua, tôi thấy lũ trẻ vừa chạy qua vừa cười khúc khích, thì thào, “Takio onna! Ki o tsukete!” [Bà Bạch Tuộc đấy! Hãy cẩn thận!]. Và còn có ngôi nhà của Yamada, giáo viên dạy dương cầm, ở đó, vào những buổi tối mùa hè, khi bóng tối đến muộn, những nốt nhạc nhẹ nhàng lại chầm chậm vọng ra ngoài đường, hòa lẫn với tiếng dép loẹt quẹt của những người vừa trở về từ sento, nhà tắm công cộng địa phương.
Cuối tuần đó tôi nghe nhạc của Midori rất nhiều. Từ văn phòng về nhà, sau khi đun nước để nấu mì ăn tối, tôi tắt đèn và mở nhạc, nghỉ ngơi thư giãn, thả hồn theo những âm điệu trầm bổng. Lắng nghe tiếng nhạc, nhìn những con phố hẹp yên tĩnh của Sengoku qua khung cửa sổ mở ra ban công, tôi cảm nhận được sự hiện diện của quá khứ nhưng thấy rằng mình vẫn an toàn trước nó.
Những nhịp sống và nghi thức của khu vực này, ban đầu quá tinh tế để người khác có thể hiểu rõ giá trị, đã lặng lẽ ngấm dần vào tôi qua năm tháng. Chúng lớn lên trong tôi, lan truyền sang tôi, trở thành một phần máu thịt của tôi. Không hiểu sao việc bước một bước nhỏ ra khỏi bóng tối có vẻ không phải là cái giá quá cao để trả cho niềm vui ấy. Hơn nữa, sự nổi bật là một bất lợi về phương diện này, nhưng lại là lợi thế ở phương diện khác. Sengoku không có những địa điểm kín đáo để một người lạ có thể ngồi và đợi mục tiêu đến. Và trước khi các ông chủ, bà chủ cất lại những món hàng vào trong cửa hàng của họ vào buổi tối và kéo những cánh cửa cuốn xuống, họ luôn ngồi ở đó, quan sát đường phố. Nếu anh không phải là người ở Sengoku, người ta sẽ để ý, thắc mắc anh đang làm gì ở đây. Nếu anh là người ở khu vực này - chà, anh được chú ý theo một cách khác.
Tôi cho rằng mình có thể sống chung với điều đó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét