Những người sống và những người chết
Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987
Chương Ba
Hai tuần lễ sau khi bị thương, lúc Xintxốp
đã đi dạo chơi mỗi ngày được hai lần trong vườn cây của bệnh viện thì có lệnh
chuyển bệnh viện về Đôrôgôbugiơ. Trong anh em thương binh lập tức có tin đồn là
quân Đức đã vượt qua sông Đniép ở gần Sklốp và vòng qua phía bắc Môghilép.
Theo lời của bác sĩ đã mổ cho Xintxốp thì
vết thương của anh “gặp may”: viên đạn chỉ sướt qua sườn.
Cảm thấy mình đã gần bình phục, Xintxốp
liền tới gặp phó chính ủy quân y xin ra viện. Viễn cảnh của cuộc tản cư làm cho
anh lo sợ. Anh không muốn rồi đây lại phải đi tìm kiếm tòa soạn của mình một
lần nữa.
- Theo tôi biết, họ đã dời đi rồi, - phó
chính ủy quân y viện nghi ngờ nói.
Nhưng Xintxốp thì quả quyết rằng không thể
như thế được. Nếu di chuyển thì họ đã đến đón anh đi theo, vì tổng biên tập đã
hứa với anh như vậy mà.
Bận bù đầu về việc di chuyển thương binh,
phó chính ủy không nài ép gì; xét cho cùng, ai đã muốn ra viện thì họ cứ việc
mà ra thôi !
Tới trưa, sau khi đã nhận giấy tờ và quân
phục, Xintxốp bước ra khỏi cổng quân y viện.
Môghilép vắng tanh và đang ở trong tình
trạng báo động: chướng ngại vật đã xuất hiện trên đường phố, súng máy bắc trên
các cửa sổ chất đầy bao tải ở mỗi góc nhà.
Một người lính gác đứng lầm lì trước cửa
nhà in của thành phố, nơi Xintxốp hy vọng tỉm thấy tòa soạn. Tất cả các cửa lẫn
cánh cổng sắt đi vào sân đều đóng im ỉm. Từ bên trong, không những không có
tiếng máy ầm ầm vọng ra mà nói chung không có lấy một tiếng động nào: tất cả
như đã chết lịm.
Một giờ sau, quân vụ trưởng thành phố
Môghilép - vẫn cái ông thiếu tá mà Xintxốp đã gặp hai tuần lễ trước đây, có
điều là còn phờ phạc hơn trước vì mất ngủ - xác nhận rằng tòa soạn tờ báo mặt
trận đã dời đi cách đây hai ngày. Xintxốp bối rối nghĩ thầm: “Thậm chí không
kịp báo tin cho mình nữa”.
- Thế họ di chuyển đi đâu ạ?
Quân vụ trưởng nhún vai bảo rằng người ta
không báo cho ông biết hành trình. Bộ tham mưu mặt trận đã dời về vùng
Xmôlenxk, nên cả tòa soạn cũng đi theo nốt.
- Đồng chí ra viện sớm là dại. Lẽ ra đồng
chí cứ theo quân y viện tản cư về Đôrôgôbugiơ, đến đó đồng chí sẽ đàng hoàng
muốn tìm gì thì tìm.
Xintxốp cay đắng cảm thấy trước là mình lại
sắp phải lang thang lần nữa.
- Này đồng chí, đại khái có những đơn vị
nào đóng ở vùng Môghilép này nhỉ?
- Đồng chí hỏi làm gì thế?
Xintxốp trả lời rằng anh muốn đến một sư
đoàn bộ nào gần nhất, ở lại đó thu lượm tài liệu cho tờ báo để sau này ít ra
cùng đỡ phải lần mò về tòa soạn với hai bàn tay trắng.
Quân vụ trưởng bất đắc dĩ phải giở bản đồ
ra, chỉ vào một khu rừng nhỏ bên kia sông Đniép, cách cầu Môghilép chừng sáu
cây số. Theo lời ông thì sư đoàn bộ sư đoàn 176 đóng ở đấy.
Khi đã vượt qua cầu trên sông Đniép, và đi
được ba cây số trên đường Môghilép - Orsa, Xintxốp nghe có tiếng đại bác nổ ở
đằng sau, bên kia sông Đniép. Anh đứng lại mấy phút trên đường cái, lắng tai
nghe tiếng đại bác vang rền rồi lại cất bước, tiếp tục suy nghĩ miên man về cái
điều mà anh đã bắt đầu nghĩ từ khi ra khỏi cơ quan quân vụ thành phố Môghilép:
rồi đây sẽ ra sao?
Bộ tham mưu mặt trận đã ở Minxk, rồi ở
Môghilép, bây giờ lại dời về Xmôlenxk, nghĩa là lùi về gần Maxcơva thêm một
trăm năm mươi cây số nữa...
Dù có cố gắng nghĩ đến điều đó một cách
bình tĩnh mấy đi nữa, thì sự thực diễn ra trên bản đồ vẫn như những nhát búa bổ
vào đầu anh.
Hai tuần lễ nằm viện đã dạy cho Xintxốp
nhiều điều. Trong những ngày ấy biết bao nhiêu tin đồn đại đã làm cho anh từ
chỗ hăng hái đi đến ỉu xìu và ngược lại! Nếu chỉ tin vào chuyện dữ thì có thể đã
phát điên lên từ lâu. Còn nếu chỉ ghi nhớ toàn những chuyện lành thì rút cục sẽ
phải cấu vào tay mình mà tự nhủ: thôi đủ rồi, thế tại sao mình lại nằm quân y
viện, tại sao mình lại ở Môghilép, tại sao tất cả lại như thế này mà không như
thế kia?
Ban đầu, Xintxốp tưởng rằng sự thật về
chiến tranh ở đâu vào quãng giữa. Nhưng về sau, anh hiểu rằng đó cũng không
phải là sự thật nốt, cả chuyện lành hay chuyện dữ đều do nhiều người kể lại.
Nhưng họ đáng tin hay không đáng tin không phải là ở chỗ họ kể lại những chuyện
gì mà là ở chỗ họ kể lại như thế nào.
Tất cả những ai ở quân y viện đều đã đụng
chạm với chiến tranh bằng cách này hay cách khác, nếu không họ đã chẳng phải
vào đây rồi. Nhưng trong số này có nhiều người tới nay mới chỉ biết một điều là
bọn Đức mang lại sự chết chóc, chứ chưa biết đến điều thứ hai là chính chúng
cũng có thể chết nữa kia.
Đáng tin hơn hết thảy là những người biết
cả điều thứ nhất lẫn điều thứ hai, những người nhờ kinh nghiệm bản thân đã quả
quyết được rằng bọn Đức cũng có thể chết. Bất kể họ kể chuyện gì đi nữa, kể
chuyện lành hay chuyện dữ, qua lời nói của họ, người ta vẫn thấy toát lên cái
cảm tưởng ấy, và đó mới chính là sự thực về chiến tranh.
Đại úy xe tăng đã cho Xintxốp một bài học
trong khu rừng gần Bôbruixk chính là một người trong số đó.
Vấn đề không phải ở lòng can đảm của người
này hoặc ở sự hèn nhát của người kia. Chẳng qua là hôm ấy đại úy đã nhìn chiến
tranh bằng con mắt khác với Xintxốp. Đại úy biết chắc rằng bọn Đức có thể chết
và khi người ta giết chúng thì chúng dừng bước. Vì nghĩ vậy, nên anh ta đã
hướng tất cả những hành động của mình theo ý nghĩ ấy, và cố nhiên là lẽ phải ở
về phía anh. Đối với những người đổ xô tới cầu cứu mình thì Xintxốp muốn đưa họ
ra khỏi cảnh hiểm nghèo. Còn đại úy thì lại muốn ném họ vào cuộc chiến đấu để
cứu vớt lấy sự nghiệp.
Và tất nhiên hồi đó, sở dĩ bọn Đức không
thọc được tới Môghilép chính là nhờ những đám quân tan tác của cái lữ đoàn mà
đại úy công tác, cùng với tất cả những người cầm súng trong tay quây quần xung
quanh lữ đoàn hôm ấy đều biết là bọn Đức có thể chết, và kẻ nào chưa biết điều
đó thì trong chiến đấu cũng đã nhận ra. Trong khi giết chết bọn Đức và trong
khi chính mình cũng bị chết, họ đã tranh thủ được hai mươi bốn tiếng đồng hồ:
xế chiều, một sư đoàn bộ binh mới toanh đã đến triển khai phía sau lưng họ.
Tình hình đó Xintxốp đã được đồng chí tổng
biên tập kể cho nghe khi ông ta tới thăm anh vào ngày hôm sau.
Sau khi đã nghe chính miệng người lái xe
báo cáo về cuộc hành trình đi Bôbruixk, tổng biên tập đã khen ngợi Xintxốp, lo
lắng cho Liuxin và chửi bới người sĩ quan xe tăng về cái tội tự tiện. Thậm chỉ
cả những đường gân xanh nho nhỏ cùng nổi lên trên cặp má đầy đặn phúc hậu của
ông đang rung lên vì giận dữ.
Xintxốp không đồng tình với tổng biên tập.
Anh biết rằng: ngày hôm đó anh làm nhiều điều dại dột, may sao những hành động
của anh không phải xuất phát từ sự hèn nhát. Thêm vào đó, cũng như bất cứ những
ai nằm quân y viện thường luôn nghĩ đến vết thương của mình, nhưng anh không
thể xua đuổi được ý nghĩ cay cú cho rằng người phi công có thể đã không tự sát
nếu không có những chiếc áo mưa cảnh sát màu xám đáng ghét giống hệt quân phục
Đức ấy. Lúc bấy giờ đã không kịp nghĩ đến cái đó, nhưng trong chiến tranh thì
phải suy nghĩ. Và rõ ràng là phải suy nghĩ luôn luôn thì mới được.
Cả trong câu chuyện xảy ra với Liuxin, anh
cũng không tán thành nỗi tức giận của tổng biên tập. Người chính trị viên phó
đó ra đi để phân phát báo mà lại bị lôi vào chiến đấu. Nhưng biết làm thế nào
được, câu chuyện có thể không đến nỗi như thế, song nó đã xảy ra như vậy rồi.
Xintxốp chỉ xao xuyến mỗi khi nhớ đến bộ mặt bỗng dưng đanh lại của Liuxin. Anh
ta không muốn ở lại, mà người sĩ quan xe tăng thì bảo: “Nếu không phục tùng thì
tớ sẽ cho mất mạng đấy!”. Vậy tất cả sự việc đó đã kết thúc ra sao?
Anh thử trình bày những ý nghĩ của mình với
tổng biên tập, nhưng ông ta đã trả lời :
- Vậy đồng chí lại ra lệnh cho tôi phân
phối các đồng chí xuống đơn vị ráo cả hay sao? Hôm nay thì Liuxin, ngày mai đến
lượt đồng chí, ngày kia lại một đồng chí khác nữa chăng?
Ý kiến đó của tổng biên tập đại thể cũng là
đúng thôi, nhưng khi Xintxốp nhớ lại khu rừng ấy, giây phút ấy và người đại úy
ấy, thì ngược lại, anh thấy hình như nó lại hoàn toàn sai.
Anh và đồng chí tổng biên tập chuyện trò
với nhau suốt một giờ liền, vậy mà xem chừng hai bên vẫn không hiểu được nhau.
Nhưng vài tiếng đồng hồ sau đã xảy ra một sự kiện xua tan tất cả mọi ý nghĩ và
tình cảm khác ra khỏi đầu óc Xintxốp một thời gian khá lâu.
Anh đã được nghe bài phát biểu của Xtalin
qua máy thu thanh.
Chiếc loa phóng thanh treo ngoài hành lang,
bên cạnh chiếc bàn của chị y tá trực ban. Người ta đã vặn cho nó to hết cỡ, còn
các phòng thì đều mở toang cửa.
Xtalin nói chậm rãi, ồ ồ, với giọng Grudia
đặc sệt. Có một lúc, trong khi Xtalin đang nói thì nghe có tiếng cốc va chạm và
tiếng đồng chí ấy uống nước. Giọng Xtalin trầm, không to lắm, có thể tỏ ra là
hoàn toàn bình tĩnh nếu như không có tiếng thở nặng nề, mệt nhọc, và tiếng uống
nước giữa lúc đang nói.
Nhưng, mặc dầu xúc động, giọng đồng chí nói
vẫn khoan thai, ồ ồ, không hề hạ thấp hay cất cao, không để lộ cảm xúc của
mình. Sự không ăn khớp giữa giọng nói đều đều ấy với tính chất bi thảm của tình
hình mà đồng chí ấy nói đến, chính đó là sức mạnh. Điều này không làm cho người
ta ngạc nhiên, vì ai nấy đều vẫn chờ đợi sức mạnh đó ở Xtalin.
Người ta yêu mến Xtalin theo nhiều cách:
một cách vô điều kiện và một cách có điều kiện, vừa ngưỡng mộ lại vừa sợ; đôi
khi người ta còn không yêu nữa là khác. Nhưng lòng dũng cảm và ý chí sắt đá của
đồng chí ấy thì không ai nghi ngờ cả.
Và chính hai đức tính ấy hình như lúc này
lại cần thiết hơn hết đối với con người đứng đầu một nước đang chiến đấu.
Xtalin không gọi tình hình là bi thảm: ngay
cái từ đó người ta cũng khó mà hình dung được ở trên miệng đồng chí; nhưng khi
nghe đồng chí ấy nói đến dân quân, đến những vùng bị địch chiếm, đến chiến
tranh du kích, thì những ảo tưởng đến đó coi như đã chấm dứt. Chúng ta đã rút
lui ở hầu khắp mọi nơi và rút lui khá xa. Sự thực đắng cay thật đấy, nhưng cuối
cùng nó đã được nói ra, và nó khiến cho người ta thấy đất dưới chân mình vững
chắc hơn.
Còn khi nghe Xtalin nói đến sự khởi đầu bất
lợi của cuộc chiến tranh to lớn và khủng khiếp này mà hầu như vẫn không thay
đổi những từ ngữ thông thường, chẳng khác gì khi nói đến những khó khăn rất lớn
cần phải mau chóng vượt qua càng sớm càng tốt, thì ở đó người ta cũng cảm thấy
không phải là sự yếu đuối mà chính là sức mạnh.
Ban đêm nằm trên giường bệnh, ít ra Xintxốp
cũng nghĩ như vậy, và giữa tiếng rên rỉ của người nằm giường bên cạnh đang hấp
hối, anh nhẩm đi nhẩm lại tất cả những chi tiết trong bài phát biểu của Xtalin
và cả lời kêu gọi thấm sâu vào lòng: “Hỡi các bạn!”, lời kêu gọi mà sau đó toàn
quân y viện suốt ngày đã nhắc lại.
“Thế nào, nếu bây giờ có người tự nhiên đến
bảo ta rằng: hãy hy sinh đi để cho Xtalin sống, liệu ta có hiến dâng đời ta cho
đồng chí ấy không? Có, ta sẽ hiến dâng, và hôm nay hơn bao giờ hết!”. Những câu
hỏi như vậy người ta thường đặt ra cho mình khi còn niên thiếu, nhưng đêm ấy,
trên giường bệnh viện, Xintxốp đã tự hỏi mình như thế lần đầu tiên, giữa tuổi
ba mươi.
“Hỡi các bạn...” - Xintxốp thì thầm nhắc
lại lời Xtalin và anh chợt hiểu rằng từ lâu anh vẫn thiếu một cái gì trong
những việc to tát, lớn lao do Xtalin làm và đã khắc sâu vào ký ức anh, đó là
những tiếng vừa được nói ra hôm nay: “Hỡi anh chị em! Hỡi các bạn!” - hay nói
đúng hơn lả những tình cảm gói ghém trong mấy tiếng đó.
Phải chăng chỉ có tấn thảm kịch như chiến
tranh mới có thể gợi lên những lời nói ấy và mối tình cảm ấy trong cuộc sống!
Một ý nghĩ xót xa và chua chát! Xintxốp
hoảng sợ xua đuổi ngay nó đi như xua đuổi một ý nghĩ nhỏ nhen và hèn kém, mặc
dầu nó không nhỏ nhen và chẳng hèn kém chút nào. Chẳng qua nó chỉ là một ý nghĩ
khác thường mà thôi.
Sau khi nghe lời kêu gọi của Xtalin, điều
chủ yếu là lòng anh hồi hộp chờ đợi những sự biến chuyển tốt đẹp. Lòng mong đợi
ấy dường như đã bắt đầu trở thành sự thực ngay từ tuần lễ đầu, sớm hơn cả sự
tưởng tượng của mọi người.
Các bản thông cáo hàng ngày đã bắt đầu nhắc
đi nhắc lại những khu vực mà từ trước đã và đang diễn ra các trận chiến đấu ác
liệt. Điều đó đã tăng thêm lòng tin tưởng, vì trong số những khu ấy có cả
Bôbruixk. Và ở khu này, quả thực, bọn Đức đã giậm chân tại chỗ từ mấy ngày nay,
quân y viện đã nhận được những tin đó một cách sốt dẻo.
Nhưng rồi một luồng không khí lo ngại đã
thổi vào quân y viện. Lúc đầu có tin đồn rằng bọn Đức không thọc được tới
Môghilép, đã từ Bôbruixk quay sang Rôgatsép và Giơlôbin và chiếm được những nơi
này. Rồi Xintxốp bỗng thấy tổng biên tập đột nhiên ghé thăm mình trong chốc
lát: đồng chí ấy hỏi thăm sửc khỏe, bảo rằng nếu tòa soạn di chuyển thì đến đón
anh. Thế rồi đồng chí ấy vội vã ra về có vẻ sợ phải giải đáp thắc mắc. Cuối
cùng, vào cái hôm có lệnh di chuyển quân y viện thì ở đây người ta bắt đầu kháo
nhau rằng bọn Đức đã vượt qua sông Đniép gần Sklốp.
Bây giờ thì Xintxốp đang cất bước bên lề
con đường chạy dọc theo sông Đniép về hướng bắc, tiến thẳng tới cái thị trấn
Sklốp đó, và đang suy nghĩ xem những tin đồn đại ban sáng sai đúng ra sao.
Nếu chẳng may những tin đồn đó là đúng thì
việc tòa soạn rời khỏi Môghilép, một địa điểm đã nằm lại bên kia sông Đniép,
cũng dễ hiểu thôi. Khó hiểu là việc khác kia: lẽ nào lúc ấy họ lại không tranh
thủ được thêm mươi phút để giữ lời hứa và đón anh ra khỏi quân y viện hay sao?
Cả đến lúc này, sau khi tòa báo ra đi được
hai hôm, thành phố Môghilép vẫn không làm cho người ta có cảm tưởng rằng nó sắp
sửa bị rời bỏ. Tại sao lại có sự vội vàng như vậy nhỉ? Nỗi bực dọc chỉ càng làm
cho anh thêm quyết tâm không trở về tòa soạn, nếu không có tài liệu tốt về tình
hình chiến sự.
Vì mới bị thương, nên chẳng mấy chốc
Xintxốp đã thấy thấm mệt, mà ở cây số thứ bảy, nơi đáng lẽ ra phải có sư đoàn
bộ đóng, theo như lời của quân vụ trưởng, thì lại chỉ thấy những vết bánh xe,
những hố hào trong lớp đất sét và những cành cây ngụy trang vứt lung tung vội
vã. Nếu quả là sư đoàn bộ đã đóng ở đây thì căn cứ theo những cành lá héo đó,
họ cũng đã dời đi ít ra hai mươi bốn giờ trước đây. Khi Xintxốp quay ra đường
cái, có ba chiếc xe vận tải kéo pháo chống tăng chồm qua trước mặt anh, rồi đến
một đoàn xe chở đạn dược và lại một xe kéo pháo nữa. Xintxốp ngập ngừng giơ tay
lên nhưng không một xe nào đỗ lại.
Sau đó, một chiếc “Emka” phóng qua. Xintxốp
đã tưởng là nó cũng chẳng dừng đâu, nhưng nó chạy quá đi một trăm thước thì đỗ
lại. Xintxốp thở hồng hộc, chạy đến bên xe.
- Đồng chí cần gì thế, đồng chí chính trị
viên? - người hỏi anh là một chính ủy tiểu đoàn thấp bé, đẫy đà, mặt đỏ gay,
lông mày bạc trắng, đeo kính hai lớp dày, ngồi cạnh người lái xe.
Xintxốp trình bày rằng anh đang đi tìm sư
đoàn bộ 176. Trước khi trả lời, chính ủy tiểu đoàn yêu cầu cho xem giấy tờ, với
một vẻ mặt không đáng hy vọng lắm.
Xintxốp nghĩ thầm : “Ông ta không cho đi
đâu”. Nhưng khi xem xong giấy ra viện, nét mặt của chính ủy tiểu đoàn dịu lại :
- Tôi cũng phải đến trăm bảy sáu đây, - ông
nói và trả lại giấy chứng nhận, - nhưng ngày mai mới đi, còn bây giờ tôi phải
đến ba linh một. Hiện giờ tôi chỉ có thể chở đồng chí đến đó thôi.
Điều đó hoàn toàn hợp ý Xintxốp. Anh cảm ơn
và trèo lên xe. Họ lặng thinh ngồi trên xe gần một cây số, rồi chính ủy tiểu
đoàn cho xe đỗ lại và chuyển xuống ngồi ghế sau.
- Ngồi thế này cho vui, - ông ta giải thích
khi xe lại tiếp tục chạy. - Không thì muốn nói chuyện cứ phải luôn ngoái cổ
lại, mà không chuyện trò thì tôi không chịu nổi, - ông mỉm cười dịu dàng và
chìa tay cho Xintxốp. - Tôi là Smakốp.
Smakốp quả là con người hay nói. Trong lúc
dổn dập đặt ra những câu hỏi, ông ngoẹo cái đầu tròn bạc phơ sang vai bên trái
nom ngộ nghĩnh như con chim và chăm chú ngắm nghía Xintxốp qua cặp kính, với vẻ
đầy thiện ý, như muốn nói : “Nào, nào, chú mình có gì lý thú nói nghe thử
nào!”. Và khi đến lượt ông nói, ông cứ luôn tay tháo cặp kính xuống lau, đưa ra
ánh sáng chăm chú nhìn trước khi đeo vào, và nếu tìm thấy một tí bụi là lại lau
rồi lại đưa ra ánh sáng nhìn. Không có cặp kính dày, đôi mắt ông có vẻ như đau
nặng, đỏ ngầu dưới hai mí sưng húp.
Xintxốp trả lời các câu hỏi một cách miễn
cưỡng, không đi sâu vào những chi tiết đặc biệt: anh chỉ nói đại khái là mình
đã tham gia chiến tranh sau khi nó bùng nổ được năm ngày, đã ở nhiều nơi và bị
thương gần Bôbruixk trong một hoàn cánh ngẫu nhiên. Hình như Smakốp hiểu ngay
là người nói chuyện với mình đang rối bời trong lòng, ông ta thôi không hỏi
Xintxốp nữa mà bắt đầu nói về mình. Ông kể rằng ông mới được gọi vào quân đội
có một tuần lễ, hôm qua đã đến mặt trận với tư cách là thuyết trình viên của
Cục chính trị Hồng quân công nông và đây là lần đầu tiên, ông xuống các đơn vị.
- Vậy đồng chí định thuyết trình những gì ở
ngoài mặt trận này? - Xintxốp hỏi sau khi nghĩ bụng rằng riêng mình thì thấy
việc nghe thuyết trình bây giở đã là quá muộn mất rồi!
- Nói chung, về nghề nghiệp tôi là chuyên
gia kinh tế, - Smakốp nói, coi như không nhận thấy hoặc không muốn nhận thấy ý
mỉa mai trong câu hỏi của Xintxốp. - Còn đề tài thì khối: “Chiến tranh và tình
hình quốc tế”, “Tiềm lực về kinh tế và quân sự của nước Đức”, và tất nhiên là
cả những đề tài chung hơn nữa.
- Nhưng đồng chí có kiến thức quân sự chứ?
- Xintxốp hỏi.
- Biết trả lời đồng chí thế nào đây? -
Smakốp lại lau kính và đưa ra ánh sáng chăm chú nhìn, như nhìn vào một nơi nào
xa xăm, vào dĩ vãng. - Như nhiều đảng viên vào tuổi tôi, trong thời kỳ nội
chiến đã có lúc tôi làm cán bộ chính trị trong quân đội. Tuy vậy, nói cho chặt
chẽ ra thì đó là kinh nghiệm hơn là kiến thức.
“Vâng, kinh nghiệm, - Xintxốp chua chát
nghĩ thầm. - Hiện giờ chưa thấy kinh nghiệm đó giúp được chúng ta cái gì. Bọn
Đức đâu có phải là bọn bạch vệ và Hítle đâu có phải là Đênikin...”. Rồi anh
điên tiết lên khi nhớ lại cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh tương lai mà
mình đã đọc cách đây hai năm, trong đó mô tả là ngay từ trận công kích đầu tiên
của máy bay ta, tất cả nước Đức phát xít sẽ lập tức tan tành thành tro bụi. Giá
mà đưa được tác giá cuốn sách đó tới đường quốc lộ Bôbruixk hai tuần trước đây
nhỉ?
Tất cả những ý nghĩ đó lướt qua đầu Xintxốp
cùng một lúc, nhưng anh không nói nên lời mà chỉ thở dài.
- Đồng chí thấy khổ tâm lắm phải không? -
nghe tiếng thở dài, Smakốp ân cần hỏi.
- Tôi thì không sao! - Xintxốp thành thực
đáp lại. - Nhưng kể ra đôi khi thấy khổ tâm đến nỗi... - Và cảm thấy tin cậy
vào con người thấp bé tóc bạc ngồi cạnh mình, anh đau khổ khoát tay.
- Không sao đâụ, - Smakốp nói và còn khẽ
đụng vào ống tay áo Xintxốp, tựa hồ như để an ủi anh. - Chúng ta đang dần dần
ghìm giữ chúng, rồi sẽ chặn đứng chúng, đảo ngược lại tình thế; trước kia còn
gay hơn nữa chứ: Iuđêních thì đóng ở Pêtrôgrát, Đênikin thì chiếrn được Oriôn
rồí tiến đến Maxcơva... Rồi cũng chẳng sao, rút cục chúng ta đã đảo ngược được
tình thế.
- Đênikin làm gì có không quân và xe tăng,
- Xintxốp thốt lên.
- Đúng, hay gần đúng thì phải hơn, - vẫn
không nhận thấy hoặc làm ra vẻ không nhận thấy tâm trạng của Xintxốp, Smakốp
đồng ý. - Nhưng bấy giờ chúng ta cũng chưa có nhiều cái mà hiện nay ta có: chưa
có các kế hoạch năm năm, chưa có bốn triệu đảng viên cộng sản...
Xintxốp bực bội nghĩ thầm: “Ông ta tuyên
truyền mình làm gì thế nhỉ?”. Tâm hồn anh tìm kiếm một nguồn an ủi, nhưng không
để bị cám dỗ mà nhẹ dạ cả tin vào điều có thể đem lại sự an ủi.
- Tất nhiên, - Smakốp nói sau giây lát im
lặng, - trước chiến tranh, chúng ta có huênh hoang, có phóng đại một vài điều,
kể cả việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của chúng ta, chuyện ấy bây giờ đã hai
năm rõ mười. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta lại ngả sang một thái cực
khác do ảnh hưởng của những thất bại đầu tiên mà đánh giá quá thấp những lực
lượng tiềm tàng của chúng ta. Những lực lượng ấy thật là to lớn, thậm chí chính
chúng ta cùng chưa tính toán được hết huống hồ là bọn Đức. Tôi nói điều đó với
lòng tin vững vàng, vì tôi nắm được vấn đề.
- Nhưng đánh giá thấp để làm gì nhỉ? -
Xintxốp nói. - Phải chăng có người nào trong chúng ta thích đánh giá thấp!
Chẳng qua là đã nếm đủ mùi cay đắng và chẳng muốn hát cái bài: “Thưa nữ hầu
tước tuyệt đẹp, mọi sự đều yên vui...” nữa.
- A, nói thẳng ra thì đó không phải là một
bài hát bônsêvích đâu. - Smakốp cười phá lên, - nhưng chúng ta lại là những
người bônsêvích, đã đến lúc phải xin đủ nó đi thôi.
- Đồng chí từ Maxcơva đến đã lâu chưa? -
nghĩ đến Masa, Xintxốp liền hỏi.
- Ba hôm rồi.
- Maxcơva đã bị ném bom chưa?
- Chưa.
- Thật ư?
- Nói chung tôi có thói quen chỉ nói toàn
sự thật. - Smakốp trả lời, giọng hơi khang khác, mắt nhìn thẳng vào Xintxốp qua
cặp kính.
- Thế theo ý đồng chí thì tại sao chúng
không ném bom?
- Vì chúng không đủ sức để làm tất cả mọi
việc. Có bao nhiêu máy bay chúng nó đã tung hết cả ra mặt trận rồi, không đủ để
bay đến Maxcơva nữa.
- Chúng nó mà cũng không đủ à?
- Không đủ, và nói chung không nên nghĩ
rằng lực lượng của bọn Đức là vô tận: trong chúng ta có một số người đã nghiêng
sang thái cực đó rồi đấy, thật vô tích sự! Từ đó đến chỗ hoang mang cũng không
xa đâu, mà chúng ta không có lý do gì để hoang mang cả, vả lại hoang mang không
phải là đặc tính của chúng ta, tuy rằng năm ngón tay cũng có ngón dài ngón
ngắn. - Smakôp kết luận vẫn với cái giọng cứng rắn trong lối nói mềm mỏng của
ông.
Và mặc dầu tất cả những điều Smakốp vừa nói
chẳng khác nào một lời cảnh cáo gián tiếp, Xintxốp vẫn nhìn ông với vẻ biết ơn.
Trong lời nói của Smakốp, anh cảm thấy có lòng tin chắc của một người nắm được
tình hình thực tế.
- Thế nghĩa là ở Maxcơva yên ổn ạ? - anh
cất tiếng hỏi.
- Biết nói thế nào nhỉ? - Smakôp nhún vai.
- Có bùn tất nhiên phải đục nước! - Ông suy nghĩ một lát rồi tổng kết ý kiến. -
Nhưng nói chung là bình thường. - Rồi ông lại nghĩ ngợi, tựa hồ như suy tính
một lần nữa xem mình trả lời đã hoàn toàn thành thực chưa và nhắc lại: - Phải,
bình thường!
Ông vừa nói xong câu đó thì đã thấy có mấy
chiếc xe tải lao ngược trở lại với tốc độ điên cuồng. Trên chiếc xe cuối cùng,
một người đầu tóc rối bù, không đội mũ, thò hẳn người ra khỏi buồng lái kêu váng
lên :
- Xe tăng, xe tăng đấy!
Người lái xe không dừng xe, quay lại nhìn
Smakốp tỏ vẻ hỏi ý kiến, trông anh ta hoảng hốt ra mặt.
- Cứ đi đi, - Smakốp bình tĩnh nói, - chúng
ta chỉ còn một cây số nữa là tới sư đoàn bộ. Lại hoang báo chứ gì, chẳng có lẽ...
Xintxốp lặng thinh. Vì không muốn tỏ ra
mình thận trọng hơn người, anh đã nén cái ý nghĩ hợp lý của mình lại.
- Không có lẽ, - Smakốp nhắc lại khi đã đi
được nửa cây số nữa. - Người ta báo tôi rằng bộ đội ta đang cố thủ suốt dọc
sông Đniép; vậy thì làm sao xe tăng Đức có thể ở phía bên này được?
Xintxốp vẫn lặng thinh. Anh nghĩ bụng: “Làm
sao chúng có thể ở đây được à? Có ma nó biết được làm sao!”
- Lối rẽ vào sư đoàn bộ phải ở đâu chỗ này
đây, phía bên phải, - Smakốp vừa nói vừa ghé chiếc cặp có tấm bản đồ bọc nhựa
trong lên sát đôi mắt cận thị. Với lòng tin không gì lay chuyển nổi của một
người lần đầu tiên ra mặt trận, ông cho rằng tất cả đều ở đúng cái chỗ đã được
đánh dấu trên bản đổ. - Bây giờ chúng ta dừng lại xem, chắc là có dấu hiệu chỉ
đường.
Nhưng ông chưa kịp ra lệnh đỗ lại thì người
lái xe đã tự ý hãm phanh. Ở phía xa xa, ngay trên đường, đạn đại bác bắt đầu nổ
tới tấp. Con đường trước đây hầu như vắng tanh nay bỗng đầy ứ xe cộ: chiếc thì
phóng ngược trở lại, chiếc từ đằng sau chạy tới thì vội vã quay đầu. Không đợi
lệnh, người lái chiếc “Emka” cũng bắt đầu quay xe và nghe tiếng nổ của một quả
đại bác vừa bắn tới, anh bỗng bỏ xe, đâm bổ xuống rãnh.
Xintxốp đẩy tung cửa xe ra định nhảy xuống
lôi người lái xe lại, nhưng Smakốp đã xử trí đơn giản hơn.
- Cứ ngồi xuống, - ông bình tĩnh nắm vai
giữ Xintxốp lại, rồi mau lẹ lên ngồi cầm lái, quay chiếc “Emka” đưa nó vào lề
đường. Ông làm việc đó thật kịp thời: chỉ chậm vài giây là họ đã bị những chiếc
xe vận tải đang phóng bạt mạng nghiền nát.
- Bây giờ thì ta xuống xe thôi. - Smakõp đi
đến bên rãnh gọi đích danh người lái xe đang nằm bẹp ở đó: - Đồng chí
Xôlôđilốp!
Người lái xe đứng dậy chớp chớp cặp mắt sợ
hãi.
- Lên ngồi cầm lái đi, - Smakôp ra lệnh.
Người lái xe lùi lũi trở lại xe, còn Smakốp
thì chưa chịu trèo lên chỗ ngồi mà cứ quanh quẩn mãi bên chiếc xe một cách khá
lạ kỳ, mắt nhìn về phía trước, nơi đạn đại bác vẫn nổ.
Xintxốp cảm thấy nỗi bồn chồn lo lắng mà
mình đã quen thuộc.
- Đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ, - anh vừa
nói vừa cố gạt bỏ cái ỷ định không muốn là người đầu tiên nêu ra sự cần thiết
phải quay trở lại, - ta hãy quay lại vài ba cây số. Tôi thấy ở đây có những
khẩu pháo chống tăng đặt hai bên đường. Chúng ta sẽ tìm một cán bộ chỉ huy để
hỏi xem có thể đi tới “Ba linh một” được không.
Trong lúc nói như vậy anh sợ rằng Smakốp,
bề ngoài tuy dịu dàng, nhưng là một người bướng bỉnh, sẽ không tán thành và sẽ
cứ dấn tới một nơi hoàn toàn chưa nắm được tình hình. Nhưng sau khi nghe
Xintxốp nói và nhìn vào đám khói bốc trên đường phía trước mặt, Smakốp liền lên
xe.
- Đồng chí thấy đấy, đến một khẩu súng lục
cũng không có, người ta không buồn phát cho tôi lấy một khẩu, - ông ta nói hình
như để bào chữa cho việc mình đã tán thành quay trở lại.
Quên rằng bản thân mình ngày đầu tiên không
có vũ khí đã bực dọc như thế nào, Xintxốp nghĩ thầm: “Gớm, khẩu súng lục của
ông sẽ giúp ông khối ra đấy!”
- Như vậy là đồng chí đã bỏ rơi cấp chỉ huy
mà chạy tháo thân, - Smakốp vừa nói vừa tì khuỷu tay vào lưng ghế trước, ghé
nhìn vào mặt người lái xe.
- Vâng, tôi có lỗi thì đồng chí cứ việc xử
tội, - người lái xe không quay lại, trả lời với một giọng trầm trầm.
- Xử tội đồng chí làm gì, miễn sao đồng chí
thấy đáng hổ thẹn, thế là được rồi. Đồng chí là đoàn viên đấy chứ?
- Vâng, đoàn viên, - người lái xe nói, vẫn
với cái giọng trầm trầm ấy.
- Thế thì lại càng đáng hổ thẹn hơn, -
Smakốp nói. - Tôi có đứa con trai là đoàn viên. Nếu nó cũng hành động như đồng
chí mà tôi biết được thì tôi xấu hổ quá chừng đấy.
- Thế anh ấy ở đâu ạ? - người lái xe khẽ
hỏi và Xintxốp hiểu rằng đối với anh ta tất cả những lời nói trước đó của
Smakốp sẽ chỉ là những tiếng trống rỗng nếu ông ta trả lời rằng con trai mình
đang ở một nơi nào ở hậu phương.
- Con trai tôi trong không quân, xạ thủ
trên máy bay. Nó đã hy sinh cách đây một tuần lễ. Mà sao kia chứ?
- Không sao cả ạ, - người lái xe nói hết
sức khẽ.
- Đỗ lại! - Xintxốp vẫn theo dõi con đường,
kêu lên.
Họ dừng xe cạnh một khẩu pháo chống tăng
đặt trong rãnh đằng xa trông giống như một bụi cây từ trong rừng bò lan ra mặt
đường. Một đại tá đầu trần, tóc bạc cắt ngắn ngồi bên cạnh khẩu pháo, đang rót
trà trong phích ra uống.
- Cho xe lượn vào quá hai trăm thước nữa, -
ông không chào mà bảo vậy, khi Smakốp và Xintxốp đã xuống xe, - rồi ta sẽ nói
chuyện sau!
Smakốp ra lệnh cho người lái xe đánh xe về
phía trước và hất đầu về hướng bắc nói với đại tá rằng ở cách đây chừng bốn cây
số, bọn Đức đang bắn phá dọc đường cái.
- Có thể lắm, - đại tá vừa nói vừa đứng
lên, vặn nắp phích lại.
Nghe xong câu trả lời bình tĩnh và vẻ giễu
cợt ấy (như Xintxốp cảm thấy), Smakốp hỏi đồng chí đại tá có biết bất kỳ một sư
đoàn nào ở đâu đây không.
- Bất kỳ một sư đoàn nào à? - đại tá hỏi
lại, vẫn vói giọng giễu cợt như cũ. Ông đội mũ lưỡi trai, cài cái bao phích
bằng vải bạt lại, rồi đeo phích lên vai. - Nếu sư đoàn nào cũng được thì hãy
đến sư đoàn tôi đi.
- Vậy sư đoàn đồng chí là sư đoàn nào? -
Smakốp hỏi.
- Vậy các đồng chí là ai?
Smakốp đưa giấy chứng minh ra. Đại tá liếc
nhìn qua và bảo rằng ông là chỉ huy pháo binh sư đoàn 176 đến đây kiểm tra trận
địa chống tăng, bây giờ trở về sư đoàn bộ.
- Vậy làm sao đến được “Ba linh một” ạ? -
Smakốp hỏi ngay.
Đại tá nhún vai, bảo rằng sư đoàn bộ 301 ở
cách đây tám cây số về phía bắc, nhưng một khi bọn Đức đang nã đại bác dọc theo
đường cái thì từ giờ cho đến lúc nắm được tình hình, có lẽ không dại gì mà đến
đó. Và trong tiếng “có lẽ” ấy lại thoáng hiện cái giọng điềm tĩnh mà giễu cợt.
- Thế mà người ta bảo tôi là sư đoàn bộ 301
ở gần hơn, chỉ cách đây bốn cây số thôi, - vốn có tính tỉ mỉ, Smakốp nói vậy.
Đại tá lại nhún vai:
- Bảo bao giờ và ở đâu?
- Ở Cục chính trị quân đoàn, mới hôm qua.
- Đừng quá tin vào điều người ta đã nói với
đồng chí hôm qua, đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ, kẻo lại do thiếu tính toán
nhân tố thời gian mà đồng chí sẽ sống những ngày còn lại của mình trong cảnh tù
binh đấy. Bạc đầu như tôi với đồng chí mà rơi vào tù thì thật hết sức ngớ ngẩn.
Đồng chí cũng là thuyết trình viên à? - đại tá hơi quay mình sang phía Xintxốp
hỏi.
- Không, tôi ở tòa báo mặt trận.
- À... - đại tá nói mà không lộ vẻ gì cả và
bước tới xe với đôi chân sếu dài nghêu đi ủng da bốtcan có cựa.
Xintxốp, Smakốp và đại úy tiểu đoàn trưởng
pháo binh, tùy tùng của đại tá, lẽo đẽo theo sau ông.
- Đồng chí bảo giám mã của tôi dắt ngựa về
sư đoàn bộ, - đại tá vừa ngồi lên ghế đằng trước xe vừa bảo đại úy.
- Tình hình ở sư đoàn các đồng chí thế nào?
- Smakốp hỏi khi xe đã chạy.
- Tình hình à? - đại tá quay lại, hơi
nhướng lông mày lên với vẻ giễu cợt. - Tình hình thì nói chung chỉ có trời phán
đoán theo quan điểm pháo binh ếch ngồi đáy giếng của tôi như thế này: pháo thì
đã có rồi, đạn dược thì rút cục hôm qua cũng đã nhận được, thế nghĩa là chúng
tôi sẽ đánh. Hôm qua, chúng tôi đã tiêu diệt một đại đội Đức, bắn chìm sáu
chiếc phà cầu phao lúc chúng định vượt sông, nhưng dĩ nhiên đó vẫn chưa phải là
một trận chiến đấu đâu.
- Khi ra khỏi Môghilép, - Xintxốp nói, -
tôi đã nghe thấy một trận đấu pháo ở góc phía nam thành phố.
- Thế đấy, - đại tá nói. - Thế nghĩa là
Xerpilin đã choảng nhau rồi đấy. Hôm qua đài quan sát thấy địch đã tập trung xe
tăng. Nhưng bây giờ tôi không sao nói chính xác được vì tôi ở đây mới từ sáng.
Nhưng nói chung là chúng tôi đều chuẩn bị bước vào chiến đấu cả rồi, chẳng chui
rúc vào đâu được nữa.
Xintxốp cảm thấy thích thái độ bình tĩnh
nhà nghề đượm vẻ diễu cợt của con người ấy, con người mà cho tới hôm qua vẫn
chưa nhận được đạn dược mà chắc chắn là bối rối, nhưng bây giờ thì đã yên trí
và nói về những trận chiến đấu sắp tới như ông chủ nhà đứng trước bàn ăn đã được
bày biện và chuẩn bị đâu vào đấy cả.
Té ra sư đoàn bộ không xa như quân vụ
trưởng Môghilép đã chỉ cho anh trên bản đồ, mà ở gần hơn tới một cây số, trong
một khu rừng thông thưa thớt. Ngay giữa rừng, một đại tá phục phịch, nhễ nhại
mồ hôi vì nóng nực, mặc chiếc áo quân phục mùa hè có đính hai huân chương, khuy
cởi phanh bộ ngực lông lá, đang ngồi trên chiếc ghế xếp, trước cái bàn xếp nhỏ,
dưới gốc một cây thông to. Đó chính là sư đoàn trưởng.
Sau khi biết là Xintxốp công tác ở tòa báo
mặt trận, không hiểu sao đại tá lại thở dài sườn sượt, bảo rằng các phóng viên
không thuộc phạm vi của ông, Xintxốp cứ việc ở đây chờ sư đoàn phó chính trị về
hoặc đi đến phòng chính trị mà hỏi.
- Còn tôi thì không dính dáng gì đến chuyện
đó cả, tôi đã thừa biết rồi! - đại tá giận dữ quát ầm lên. - Phải, phải, thừa
biết rồi! - Và trên bộ mặt phì nộn của ông hiện lên vẻ dữ tợn tựa hồ như
Xintxốp có lỗi gì đối với ông vậy.
Xintxốp đành lảng ra và xem đồng hồ. Mới
sáu giờ mấy phút, anh quyết định chờ cho đến khi sư đoàn phó chính trị về.
- Tôi đến phòng chính trị đây, - Smakốp đến
gần anh nói, - còn đồng chí thì sao?
- Tôi sẽ chờ ở đây ạ. - Xintxốp trả lời và
bắt tay Smakốp, đinh ninh rằng chẳng bao giờ mình còn gặp lại con người này
nữa.
- Có lẽ đồng chí muốn ăn tạm một chút gì
đấy nhí? - ông đại tá pháo binh tóc bạc vừa đi cùng xe cất tiếng hỏi Xintxốp
khi đi qua bên anh. - Đại đội pháo của tôi ở phía sau rừng này, anh em pháo
binh sẽ cho đồng chí ăn, cứ nói là có lệnh của tôi.
- Cám ơn đồng chí, - Xintxốp lấy tay vỗ vào
túi dết. - Tôi có đủ thứ trong này rồi ạ.
Quả vậy, trong túi dết của anh có một hộp
thịt và một khoanh bánh mì lớn do bệnh viện phát cho.
- Sao, đồng chí đã hỏi ông nhà tôi và ông
ta đã xua đồng chí đi chứ gì? - đại tá nhướng đôi mày lên ra ý giễu cợt, hất
hàm về phía sư đoàn trưởng đang gắt om sòm sau chiếc bàn xếp.
- Đại khái thế.
- Đừng giận nhé, phải đặt mình vào địa vị
ông ta mới được. Hồi chiến dịch Phần Lan có một tay phóng viên cũng đến đơn vị
chúng tôi, nói với ông ta điều gì chối tai đấy, mà ông ta lại chúa hay phạt,
bèn cho ngay anh chàng mười ngày giam. Nhưng chẳng may mãi sau mới biết tay này
là một nhà văn, lại là một nhà văn có tiếng tăm nữa kia. Anh ta cũng có trình
bày với ông nhà tôi khi ông tống giam anh ta, nhưng ông nhà tôi chẳng chịu
nghe, ông ấy có đọc văn thơ chữ nghĩa gì đâu. Vậy tôi khuyên đồng chí hãy chờ
sư đoàn phó chính trị về. Mà tôi còn khuyên đồng chí là nên...
Nhưng Xintxốp đã không được biết ông thủ
trưởng pháo binh hay giễu cợt có định khuyên nhủ mình những gì nữa: thoạt tiên
một quả đại bác hạng nặng nổ oàng trong rừng, sau đó là cả một loạt đạn nữa,
thế là cả Xintxốp lẫn thủ trưởng pháo binh cùng sư đoàn trưởng, tất cả đều bò
xuống những giao thông hào đào trong lớp cát vàng giữa những cây thông. Bọn Đức
không nã vào sư đoàn bộ mà nã ngay vào đại đội pháo đặt ở sau rừng, nơi mà đại
tá định mời Xintxốp đến ăn lót dạ. Xintxốp biết được điều đó nhờ cuộc đối thoại
giữa người cán bộ pháo binh hay giễu cợt ấy và sư đoàn trưởng to béo đã bò
xuống cùng một giao thông hào khác, cách họ chừng hai chục thước.
- Đồng chí đã tìm được chỗ đặt pháo tốt
nhỉ! - sau tiếng nổ, ông đại tá to béo ló ra khỏi giao thông hào, quát lên.
- Xin báo cáo! - thủ trưởng pháo binh cũng
ló ra khỏi giao thông hào và đặt tay lên vành mũ, lớn tiếng đáp lại. - Khi đồng
chí dời chỉ huy sở lại đây tôi đã báo cáo trước với đồng chí rồi đấy ạ!...
Một quả đại bác nữa nổ và cả hai vị đại tá
đều lại phải thụt xuống giao thông hào.
- Có gì mà phải báo cáo báo chồn nữa chứ! -
sư đoàn trưởng lại thò đầu ra khói giao thông hào, đỏ mặt tía tai quát. - Khi
tôi đã chuyển chỉ huy sở đến thì lẽ ra đồng chí phải dời chỗ ngay mà không cần
báo cáo...
- Báo cáo, - thủ trưởng pháo binh lại đặt
tay lên vanh mũ gào to, - là tôi đã báo cáo với đồng chí rồi, và chính đồng chí
đã ra lệnh không phải dời chỗ, bởi vì...
Lại có tiếng đạn rú, tiếng nổ, cả hai người
lại thụt xuống giao thông hào rồi lại đứng phắt lên.
- Tôi có hỏi thế nào và tại sao đâu, - sư
đoàn trưởng quát, - mà tôi chỉ ra lệnh cho đồng chí thôi!
Lần sau, khi thụt xuống giao thông hào bên
cạnh đại tá pháo binh, Xintxốp đã mỉm cười, mặc dầu thấy tình hình nghiêm
trọng. Người sĩ quan pháo binh đã nhận thấy nụ cười của anh và nháy mắt với vẻ
tinh nghịch.
Trận pháo kích chấm dứt cũng đột ngột như
lúc nó bắt đầu. Trong khắp cả khu rừng chỉ vài người bị thương nhẹ.
- Tôi ra lệnh dời pháo đi ngay lập tức! -
ông sư đoàn trưởng to béo vừa quát vừa ì ạch bò ra khỏi giao thông hào và phủi
cát trên hai đầu gối béo nung núc.
- Rõ, xin dời pháo!
Nhưng, sư đoàn trưởng không để mắt nhìn đại
tá pháo binh nữa mà quát một người khác đem xe tới: ông sẽ đi tới chỗ Xerpilin!
- Xerpilin, Xerpilin ! - một phút sau ông
thét vào máy nói. - Daitrikốp đây! Xerpilin, ở chỗ cậu thế nào? Tớ sẽ đến chỗ
cậu ngay đây, đừng có cuống nhé! - Hình như người ta báo cho ông biết một tin
vui gì đó qua máy nói. - Mẹ kiếp, cứ nện cho chúng nó như tớ với cậu đã nện cho
bọn bạch vệ ấy, Xerpilin ạ!... Tớ sẽ đến ngay chỗ cậu bây giờ! - Đại tá vui vẻ
thét vang cả khu rừng.
Sư đoàn trưởng vừa đi khỏi thì đại bác cỡ
nhỏ bắt đầu bắn và người ta báo cáo qua điện thoại rằng xe tăng Đức đã tiến ra
đường cái, cách sư đoàn bộ có ba cây số.
Đại tá pháo binh bèn trèo lên chiếc xe tải
để đi đến chỗ những khẩu pháo của mình ở ngoài đường cái. Xintxốp đã lao theo
ông ta, nhưng đến giây phút cuối cùng, anh do dự và ở lại. Tuy đối với bản thân
anh cũng vẫn làm ra vẻ muốn đi mà đi không kịp, nhưng trong thâm tâm anh biết
là mình đã hoảng. Một phút sau, khi đã lấy lại được bình tĩnh và thực sự quyết
tâm đi, thì lúc này đã không có ai để đi cùng. Anh lại gần chiếc bàn con có
người sĩ quan trực chiến ngồi và tựa lưng vào một cây thông lớn.
Tin tức nhận được qua máy nói mỗi lúc một
đáng lo ngại hơn: xe tăng còn cách xa hai cây số, một cây số rưỡi, rồi một cây
số....
Người sĩ quan trực chiến và một thiếu tá
nào đó liền ra lệnh tháo lựu đạn và chuẩn bị chai xăng.
Khi những chai xăng chuẩn bị đã xong thì
mới phát hiện ra là hầu như không ai có diêm cả. Mọi người quên bẵng những
chiếc xe tăng trong mấy phút, quay ra lục túi tìm diêm để chia cho nhau. Có
tiếng động cơ gầm rú từ ngoài đường vang lại, rồi có tiếng pháo bắn ảc liệt,
sau đó tất cả bỗng im bặt.
Người sĩ quan trực chiến lau mồ hôi trán,
đặt ống nghe xuống bàn, làm cho nó va vào bàn kêu lộc cộc rõ to trong bầu không
khí yên lặng, rồi bảo rằng tất cả đều ổn: số xe tăng địch đánh thọc vào đã bị
pháo binh ta tiêu diệt. Vậy mà chỉ năm phút sau, người ta đã thấy một chiếc xe
vận tải nhỏ lượn ngoằn ngoèo giữa những gốc cây, chạy vào khu rừng, và một
người, cái người mà Xintxốp ít hy vọng gặp ở đây hơn cả, từ trong buồng lái
nhảy phắt ra. Đó là Miska Vanhxtanh, phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng của
Maxcơva, một bạn học của Xintxốp từ hồi ở học viện báo chí. Bây giờ tuy anh ta
đã mặc quân phục, nhưng con người thì vẫn y hệt hồi trước chiến tranh: to béo,
vui nhộn, ồn ào, đeo hai máy “Lâyca” trước ngực.
- Chào Miska! - Xintxốp mừng rờ nói và đưa
cả hai tay lắc lắc bàn tay nặng như quả tạ của người bạn cũ mà trước kia cũng
như bây giờ không ai gọi bằng cái tên nào khác là Miska.
- Chào cậu! Chào cậu, - Miska vừa tủm tỉm
cười đáp lại, vừa đưa bàn tay kia lên quệt mồ hôi túa ra trên bộ mặt tròn như
cái chảo của anh. - Cậu nhót đến đây bao giờ thế?
“Nhót” là chữ ưa dùng của anh.
- Còn cậu thì từ đâu nhót tới đây? -
Xintxốp vừa hỏi vừa nhìn nét mặt Miska rồi bất giác cũng bật cười.
- Này, cậu hiểu không, mình đang phóng xe
trên đường thì trông thấy những xe tăng Đức bị choảng, mình liền nhót tới và
nháy luôn. Ba xe tăng bị giã như giã cua, chỉ tội một nỗi là cái nọ ở cách xa
cái kia. Nhưng không sao, nếu đem ghép lại, xén phong cảnh đi thì toàn cảnh
sẽ... tuyệt vời! - và Miska giơ ngón tay cái lên.
- Nhưng cậu đến đây làm gì?
- Thì người ta bảo rằng ở đây có sư đoàn bộ
mà lại, mình định ghé vào hỏi xem có thể nhót đi đâu nữa không.
- Vừa nhận được báo cáo là bên kia sông
Đniép, gần Môghilép đã có hai chục xe tăng dịch bị diệt, - người sĩ quan trực
chiến nói.
- Đấy mới là một “toàn cảnh”! Chúng mình
lên xe mà nhót chứ? - Miska quay lại phía Xintxốp hỏi.
- Cũng được thôi...
- Không có người dẫn đường thì không tìm ra
chỉ huy sở của Xerpilin đâu, - người sĩ quan trực chiến lại xen vào câu chuyện.
- Tôi tìm được tuốt, - Miska nói. - Chỉ có
cái là chụp bây giờ thì hơi tối mất rồi. - Anh nhìn lên bầu trời đã bắt đầu ngả
màu xám, bực mình nhăn mũi lại và cuối cùng, biết rằng không cãi lại được với
ông trời, đành lòng phải cho chiếc xe của mình đi lấy xăng vậy. - Này, anh ngồi
xệp xuống đất cạnh Xintxốp. - Cậu có gì chén không? Từ sáng đến giờ mình chưa
ăn gì cả, lời nói danh dự của thiếu niên tiền phong đấy nhé!
Xintxốp lặng thinh mở túi dết lấy bánh mì
và hộp thức ăn ra. Anh biết rằng trong lúc Miska đang đói bụng thì có hỏi han
gì cũng vô ích. Miska rút dao, rạch một đường vòng quanh nắp hộp, dùng dao xiên
những miếng thịt hộp, kèm thêm những miếng bánh to tướng, và bắt đầu nhai ngấu
nghiến. Mãi khi thanh toán xong ba phần tư hộp, anh mới quay sang phía Xintxốp,
miệng nhồm nhoàm hỏi:
- Thế cậu ăn rồi chứ?
- Chưa.
- Đấy, - Miska có vẻ tiếc rẻ, đẩy hộp thức
ăn với chỗ bánh còn lại cho Xintxốp. - Mình bao giờ cũng thế, quên khuấy cả bạn
bè, quả là không tiện thật.
Xintxốp đỡ lấy con dao cùng chỗ đồ hộp còn
lại từ tay Miska, mỉm cười.
- Này, ở Maxcơva ra sao? - anh hỏi khi
Miska nhai nốt miếng thịt hộp cuối cùng mà chàng ta sau khi đã trao hộp thức ăn
cho Xintxốp rồi vẫn không nín nổi, lấy dao xiên thêm miếng nữa.
- Cậu sẽ bảo là mình nói dối, nhưng nào
mình có trông thấy Maxcơva đâu. Hai lần mình nhót từ mặt trận về được có mấy
tiếng đồng hồ, chỉ để nộp ảnh rồi quay trở lại. À, cậu biết không, - anh sực
nhớ ra, giọng vui vẻ, - Côvrighin ở tờ “Ngôì sao” đã hy sinh tại Minxk rồi, cậu
ạ. Thằng ấy tốt lắm, tội nghiệp cho nó!
Quả tình anh ta thương hại Côvrighin thật,
nhưng vì hôm nay đã thu được những chiếc xe tăng vào ống kính, anh khoái chí
đến nỗi chuyện gì anh cũng nói bằng cái giọng vui mừng như thế cả. Cũng vẫn với
cái giọng ấy, anh bắt đầu kể lại những chuyến đi của mình ra mặt trận.
Xintxốp ngắt lời anh và hỏi là sau tất cả
những chuyến đi đó, anh thấy tình hình chung ra sao.
Nhưng tình hình chung thì Miska chẳng nhìn
thấy ra sao cả, điều anh đã trông thấy tận mắt là chúng ta, theo lối nói của
anh, đang bị bọn phát xít dồn ép tợn và điều mà anh không nghi ngờ chút nào là
dù sao chúng ta cũng sẽ đánh bại được bọn chúng.
Anh ta không muốn nói những chuyện nghiêm
trang, và anh ta vui mừng ra mặt khi trông thấy chiếc xe của mình đi lấy xăng
đã về.
- Kiếm được cái gì chén không? - anh hỏi
người lái xe. Người lái xe lôi trong xe ra một ổ bánh mì gối. Miska bẻ ngav lấy
một nửa và lại bắt đầu ăn. Còn Xintxốp thì đến trình diện với sư đoàn phó chính
trị vừa từ hỏa tuyến vể.
Sư đoàn phó chính trị là một người Ukren
đẫy đà, mũi dài, có bộ ria mép rậm lòng thòng làm cho ông giống một người chỉ
huy quân sự hơn là một cán bộ chính trị. Ông cau có, nhưng nhẫn nại nghe
Xintxốp nói xong và bảo rằng không rõ hôm nay Cục chính trị mặt trận ở đâu: mặt
trận đã di chuyển nhưng bộ tham mưu tập đoàn quân thì còn đang ở Tsauxư và ở đó
chắc chắn Xintxốp sẽ được biết Cục chính trị mặt trận ở đâu.
Xintxốp trình bày với ông rằng trước khi về
tập đoàn quân, anh muốn ngày mai cùng với phóng viên nhiếp ảnh sang bên kia
sông Đniép, đến thăm trung đoàn hôm nay đã diệt được nhiều xe tăng Đức.
Đối với đề nghị ấy sư đoàn phó chính trị
vẫn tỏ một thái độ nhẫn nại, cau có và bảo rằng chính ông vừa từ bên đó về,
nhưng muốn sang bên đó thì tốt nhất là đi ban đêm, ban ngày có thể không qua
được nữa, mà nếu đi ban đêm cũng phải mang theo người dẫn đường.
- Đồng chí trung tá ạ, không sao đâu. Chúng
tôi đã là lính chiến đấu già đời rồi, chúng tôi khắc đi tới nơi thôi, - vừa
nhai nốt miếng bánh, Miska vừa sỗ sàng nói và ngất ngưởng đi đến bên sư đoàn
phó chính trị.
- Già hay trẻ tôi chẳng biết, nhưng không
có người dẫn đường thì các đồng chí không được đi! - ông ta ngắt lời. - Đồng
chí cán sự phòng chính trị ăn xong ngay bây giờ và sẽ đi với các đồng chí. Các
đồng chí chỉ chụp ảnh thôi hay là còn viết nữa?
- Cả chụp cả viết, - Miska nói.
- Nếu viết thì chớ có để lộ sự bố trí của
các đơn vị đấy, - vẫn với cái giọng cau có ấy sư đoàn phó chính trị nói với
Xintxốp mà không để ý gì tới Miska. - Thế mà bọn Đức cũng biết khối ra rồi đấy,
cứ như là chúng nhìn qua tủ kính ấy, mẹ chúng nó!... - bỗng ông bật chửi rủa lên;
tuy ông ở trung đoàn về sau một trận chiến đấu thắng lợi, nhưng rõ ràng đã có
điều gì luôn luôn chì chiết ông.
- Báo cáo trung tá, đội trưởng du kích đã
tới, - một chính trị viên trẻ tuổi đến gần sư đoàn phó chính trị báo cáo.
- Được. Còn đồng chí thì đi ăn ngay rồi
quay trở lại chỗ Xerpilin với các đồng chí này bằng xe của họ, - sư đoàn phó
chính trị hất đầu chỉ Xintxốp và Miska rồi quay về phía một anh chàng đẹp trai
tóc vàng hoe, mặc một chiếc áo bludông da, đeo khẩu súng lục Môde và những quả
lựu đạn ở thắt lưng. Anh ta vừa xuống ngựa, ông cùng với anh ta đi sâu vào
rừng.
Một giờ sau, chiếc xe tải nhỏ nhẹ nhàng đè
lên những tấm ván kêu cọt kẹt, vượt qua cầu sông Đniép tiến vào Môghilép. Đối
diện với bệnh viện, nơi mà sáng nay Xintxốp còn nằm, một chuỗi cáng dài dằng
dặc chở thương binh nặng rập rình trên những cánh tay, lặng lẽ nối đuôi nhau,
đi tới những chiếc xe vận tải đang đỗ bên vỉa hè. Ở ngã tư tiếp liền đó, các
pháo thủ đắp lên mình những tấm áo mưa vải bạt đang ngủ gà ngủ gật bên cạnh
những khẩu cao xạ.
Không hiểu sao trong thành phố mọi việc đều
diễn ra hết sức im lặng: người ta lặng lẽ kiểm tra giấy tờ, lặng lẽ chỉ đường;
tất cả mọi việc đều có vẻ trật tự làm cho Xintxốp vui mừng. Trong lúc họ vượt
qua cầu và đi trong thành phố, đã có tới ba đội tuần tra ban đêm lần lượt giữ
họ lại để xét hỏi.
Cuối cùng, khi đã ra đến tận ngoại ô
Môghilép, anh chính trị viên mới cho đỗ xe trước căn nhà nhỏ một tầng.
- Bây giờ để tôi hỏi xem Xerpilin đã dời
địa điểm chưa, - anh chính trị viên nói rồi cho người gác xem giấy và biến vào
trong cổng căn nhà.
Người ta nghe thấy có tiếng nói ở đằng sau
những ô cửa sổ che rèm kín mít. Một phút sau, anh chính trị viên quay ra.
- Ban tác chiến sư đoàn đang ở đây và hiện
thời sư đoàn trưởng cũng đang có mặt, - anh khẽ nói với Xintxốp, và Xintxốp nhớ
ngay đến ông đại tá to béo đã thét vào máy nói: “Tớ sẽ tới, tớ sẽ tới chỗ cậu,
Xerpilin ạ!”
- Thế Xerpilin ở đâu? - Xintxốp hỏi, vì hôm
nay anh đã nghe nhiều người nhắc đến cái tên Xerpilin đến nỗi anh tưởng như
mình gần như đã quen biết con người ấy.
- Vẫn chỗ cũ, - anh chính trị viên nói.
Họ cho xe chạy qua những căn nhà cuối cùng
của khu ngoại ô, rẽ sang con đường lát đá, chui qua cái cầu xe lửa và lại chạm
trán với một đội tuần tra từ trong bụi cây xông ra. Lẩn này họ gồm những bốn
người.
- Trật tự thật! - Miska nói.
- Nơi nào có bộ đội là nơi đó có trật tự, -
anh chính trị viên đáp lời.
Anh em tuần tra kiểm tra giấy tờ rồi ra
lệnh đánh xe ôtô vào bụi. Họ để hai người ở lại canh xe, còn hai người khác thì
báo rằng “sẽ dẫn các đồng chí chỉ huy đến tận nơi”. Một người đi trước dẫn
đường, người thứ hai thì đi đằng sau, tay lăm lăm chĩa khẩu súng trường.
Xintxốp hiểu rằng họ không chỉ dẫn đường mà còn áp giải mình để đề phòng bất
trắc. Vấp dúi dụi vì trời tối, họ bước xuống một giao thông hào, đi khá lâu
trong đó rồi rẽ sang một công sự đồ sộ và cuối cùng đụng phải một cửa hầm kiên
cố. Người tuần tra thứ nhất biến vào hầm và một phút sau quay ra với một người
rất cao, cao đến nỗi trong bỏng tối tiếng nói của ỏng hình như từ đâu phía trên
vọng xuống.
- Các đồng chí là ai? - ông ta hỏi.
Miska nhanh nhảu trả lời rằng mình là phóng
viên.
- Phóng viên gì? - người cao to đó ngạc
nhiên nói. - Phóng viên gì mà lại đến đây lúc mười hai giờ đêm? Ai mà lại đến
tìm tôi vào lúc mười hai giờ đêm thế này?
Qua những tiếng “đến tìm tôi”, Xintxốp hiểu
rằng đó chính là Xerpilin.
- Tôi sẽ cho cả ba đồng chí nằm bẹp xuống
đất ngay bây giờ và các đồng chí sẽ nằm tới sáng, cho đến lúc chúng tôi xác
minh được các đồng chí là ai. Ai phái các đồng chí tới đây?
Xintxốp nói rằng sư đoàn phó chính trị đã
phái mình tới.
- Thế mà tôi sẽ bắt các đồng chí nằm bẹp
xuống đất đến mai đấy, - người tiếp chuyện họ khăng khăng nhắc lại, - và sáng
mai tôi sẽ báo cáo với đồng chí ấy rằng tôi yêu cầu đêm hôm chớ có phái đến khu
vực bố trí của trung đoàn tôi những người mà tôi không biết là ai.
Anh chính trị viên không ngờ tới nông nỗi
ấy, lúc đầu còn rụt rè, cuối cùng phải lên tiếng:
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, tôi là Mirônốp ở
phòng chính trị sư đoàn đây ạ. Đồng chí có biết tôi đấy ạ...
- Ừ, đồng chí thì tôi biết, - lữ đoàn
trưởng nói. - Chính vì thế nên tôi chưa bắt tất cả các đồng chí nằm bẹp xuống
đất tới sáng. Đấy, các đồng chí phóng viên, các đồng chí cứ thử tự suy xét xem,
- ông nói tiếp với một giọng khác hẳn mà đằng sau đó phảng phất một nụ cười
không thể thấy được trong bóng tối, - tình hình ra sao thì các đồng chí rõ cả
rồi đấy, buộc lòng phải nghiêm khắc thôi. Xung quanh ai cũng cứ lải nhải: “Bọn
biệt kích! Bọn biệt kích!”. Và tôi thì muốn rằng cả đến lời đồn đại về bọn biệt
kích cũng không thể có trong khu vực bố trí của trung đoàn tôi. Tôi không công
nhận chúng đâu. Nếu canh gác tốt thì làm gì có bọn biệt kích nào được. Vào hầm
đi, trong đó có đèn, người ta sẽ kiểm tra giấy tờ của các đồng chí rồi tôi sẵn
sàng phục vụ các đồng chí. Còn đồng chí Mirônốp, đồng chí ở lại đây nhé!
Xintxốp và Miska bước vào hầm và một phút
sau đã trở ra. Đổi giận làm lành, lữ đoàn trưởng siết tay họ trong bóng tối và
dùng lòng bàn tay để che điếu thuốc, ông bắt đầu kể lại trận chiến đấu mới chấm
dứt ba giờ trước đây, trong đó ông đã cùng với trung đoàn mình tiêu diệt ba
mươi chín xe tăng Đức. Còn đầy cảm tưởng về trận chiến đấu ấy và mỗi lúc một
hoạt bát hơn, ông kể lại với cái giọng kim cao lanh lảnh đã được kích động, trẻ
trung đến nỗi cứ theo giọng nói thì Xintxốp không thể nào cho là con người cao
lớn đó đã quá ba mươi tuổi được. Xintxốp nghe và thắc mắc không hiểu tại sao
con người có giọng nói trẻ trung này lại giữ cái quân hàm lữ đoàn trưởng cũ
rích đã bị bãi bỏ từ lâu và tại sao trong lúc giữ quân hàm ấy ông lại chỉ huy
vỏn vẹn có một trung đoàn.
- Người ta cứ lải nhải “Xe tăng, xe tăng!”,
- Xerpilin nói. - thế mà chúng tôi đã diệt và sẽ diệt chúng đấy! Tại sao vậy?
Sáng mai khi mặt trời mọc, các đồng chí sẽ thấy: ở trung đoàn tôi đã đào được
hai chục cây số toàn là công sự và giao thông hào. Đúng thế, không phải nói láo
đâu! Ngày mai, các đồng chí sẽ được chứng kiến: nếu chúng nó tái diễn thì chúng
tôi cũng sẽ tái diễn cho mà xem! Đấy, một chiếc nằm ở kia kìa! - và ông trỏ một
đống đen lù lù cách đó không xa lắm. - Nó không chạy nổi được một trăm thước
nữa để đến chỉ huy sở của tôi, và cứ thế nó dừng lại, ngoan ngoãn đứng ở đó,
tại nơi đã quy định cho nó. Thế thì tại sao vậy? Vì người lính trong công sự đã
hết cảm thấy mình là con thỏ và không cụp tai lại nữa.
Vừa liên tục rít thuốc lá hết điếu nọ đến
điếu kia, ông vừa kể cho Xintxốp và Miska nghe thêm suốt một tiếng đồng hồ rằng
phải chật vật lắm mới giữ vững được tinh thần chiến đấu trong trung đoàn, trong
khi mà ròng rã mười ngày trời, ngày nào cũng có hàng trăm và thậm chí hàng ngàn
người thoát khỏi vòng vây từ phía tây kéo mãi qua con đường mà trung đoàn đang
chặn giữ.
- Trong đám người bị bao vây ấy khối kẻ
hoang mang! - Miska nói một cách khinh thường.
Cái giọng tự phụ của con người chưa được
nếm mùi gian khổ thoáng lộ ra trong lời nói của anh đã chạm lòng lữ đoàn
trưởng.
- Phải, bọn hoang mang không phải là ít, -
ông ta tán thành. - Nhưng đồng chí muốn gì ở người ta chứ? Ngay trong chiến đấu
họ cũng đã khiếp sợ rồi, nhưng nếu không chiến đấu lại khiếp sợ gấp đôi kia! Vì
đâu mà họ sợ? Người lính đang đi trên đường ngay ở hậu phương mình, thế mà lại
có xe tăng lao đến; anh ta nhảy sang con đường khác thì lại vẫn có xe tăng xông
tới. Anh nằm xuống đất thì cũng lại bị từ trên trời bắn xuống! Những kẻ mà đồng
chí cho là hoang mang là như thế đấy! Nhưng phải xem xét tình hình đó một cách
tỉnh táo mới được: chín phần mười trong bọn họ không phải là những kẻ hoang
mang suốt đời. Cứ để cho họ xả hơi chút đã, chỉnh đốn lại tác phong đi, rồi đưa
họ vào những diều kiện chiến đấu bình thường, họ sẽ làm tròn được nhiệm vụ của
họ. Nhưng nếu cứ nhìn họ trong dạng mắt trợn trừng, môi run bần bật thì tất
nhiên chẳng thấy vui vẻ gì, ta sẽ chỉ nhìn rồi tự nhủ: mong sao họ xéo hết khỏi
vị trí của mình đi cho rảnh. Không đâu, họ vẫn đi qua, đi mãi. Tất nhiên họ kéo
qua như thế là tốt đấy, vì rồi đây họ sẽ chiến đấu đấy, nhưng tình hình của
chúng tôi đâm ra gay go! Không sao, dù thế nào chúng tôi cũng không để cho anh
em mình ở đây mất tinh thần, - cuối cùng Xerpilin kết luận. - Trận chiến đấu
hôm nay đã chứng minh điều đó. Tôi chẳng giấu giếm gì là tôi hài lòng về trận
chiến đấu này. Từ sáng sớm, tôi đã hồi hộp như cô dâu về nhà chồng: hai mươi
năm trời không đánh nhau, trận đầu tiên đâu có phải chuyện đùa! Nhưng bây giờ
thì không sao nữa rồi, tôi tin vào trung đoàn mình và thấy hả dạ rồi. Hả dạ
lắm! - ông nhắc lại với giọng có phần nào như thách thức. - Thôi được rồi, ba
hoa xích tốc thế là đủ. Trong hầm ngột ngạt lắm, lại chật chội nữa. Các đồng
chí có mang theo áo capốt đấy chứ?
- Có ạ!
- Thế thì nằm ngủ ở trên này đi. Nếu nghe
tiếng súng máy thì cứ ngủ, đừng để ý làm gì: chúng nó quấy rối đấy. Nhưng nếu
pháo binh bắt đầu giã thì xin mời các vị cứ việc xuống hầm cho! Xin lỗi các
đồng chí, tôi đi kiểm tra các trạm gác đây. - Trong bóng tối, ông đặt tay lên
vành mũ rồi đi dọc theo chiến hào, có mấy người nữa lặng lẽ theo sau.
- Ở chỗ tay này đừng hòng được chén gì đâu
nhé! - Miska nói ra ý nửa khen nửa chê, khi anh ta đã cùng với Xintxốp cuộn
tròn trong những tấm capốt, nằm lăn ra trên cỏ.
Xintxốp lặng ngắm hồi lâu bầu trời mây đen
kéo kín, không còn lấy một ngôi sao. Anh ngủ thiếp đi và tưởng chừng chỉ vài
phút sau đã có tiếng súng máy quạt dữ dội. Qua cơn mơ màng, anh nghe thấy tiếng
súng khi thì lặng đi, khi lại rộ lên, khi thì vang lên ở chỗ cũ, khi thì lại ở
chỗ khác hẳn.
- Miska này, - Xintxốp tỉnh dậy vì cảm thấy
tiếng súng đã bao vây khắp ngả, anh thúc vào sườn ông bạn Miska đang ngáy khò
khò.
- Gì thế? - Miska hỏi giọng ngái ngủ.
- Này, lạ thật, sao mới đầu tiếng súng ở
phía trước, đằng chân, mà bây giờ lại ở đâu phía sau, đằng đầu mình...
- Thế thì cậu cứ việc quay đầu lại, - Miska
đùa một cách ý nhị qua giấc ngủ và lại bắt đầu ngáy.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét