Những người sống và những người chết
Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987
Chương Mười Lăm
Đoàn tàu chở lữ đoàn xe tăng của Klimôvíts
được điều từ Gorki tới Maxcơva vào đêm mồng 6 rạng ngày 7 tháng mười một đang ở
nhà ga hàng hóa Cuốcxk. Vì không nhận được lệnh hành quân tiếp, cho nên
Klimôvíts không hiểu rằng sau đó sẽ ra sao: họ sẽ được giữ lại Maxcơva hay được
tung ra mặt trận theo cuộc hành trình của mình?
Lúc hai giờ đêm một vị tướng của cơ quan
quân vụ Maxcơva đi xe đến chỗ đơn vị xuống tàu.
Ông ta gọi Klimôvíts ra một chỗ và báo rằng
lữ đoàn được lệnh hành quân đến Pôđônxk nhưng trước đó, khi đi qua Maxcơva, có
thể lữ đoàn sẽ tham gia cuộc duyệt binh tại Hồng trường.
Tình hình mặt trận gần Maxcơva vẫn nghiêm
trọng. Klimôvíts, từ trước tới nay, thậm chí chưa hề nảy ra ý nghĩ rằng có thể
duyệt binh ở Hồng trường được. Tuy nhiên anh cứ trả lời “Rõ”, và tuyệt nhiên
không hề lộ vẻ băn khoăn, rồi vẫn để tay trẽn vành mũ, anh xin phép hỏi.
- Bây giờ cuộc duyệt binh mới chuẩn bị
thôi. - vị tướng nói, cho rằng như thế sẽ ngăn chặn được câu hỏi của lữ đoàn
trưởng. - Sáu giờ đúng, anh sẽ dẫn đầu đoàn quân, tiến đến Nhà điện báo trung
ương và sẽ ở đó đợi lệnh diễu binh. Quyết định dứt khoát phụ thuộc vào thời
tiết: máy bay có thể cất cánh hay không. - Vị tướng nói thêm và giơ bàn tay đeo
găng xỉa lên bầu trời giá rét, quang đãng.
Ông ta hạ giọng khi nói tất cả những chuyện
đó, mặc dầu hoàn toàn có thể thét to lên: những chiếc xe tăng cuối cùng đang
xuống khỏi toa trần làm cho ván gỗ lót kêu ầm ầm.
Nhưng Klimôvíts lại định hỏi một câu khác
hẳn. Anh vẫn giơ tay trên vành mũ mà hỏi đúng câu đó:
- Có thể đến Hồng trường trước để xem độ
dốc lên và xuống ở bến sông Maxcơva không ạ? Tôi chưa bao giờ đi qua Hồng
trường. - Klimôvíts không có ý nói về mình mà nói về những chiếc xe tăng của
mình.
Vị tướng cho phép và ra về, ông ta để một
đại úy thuộc cơ quan quân vụ ở lại chỗ Klimôvíts.
Klimôvíts cùng đại úy ngồi lên đệm ghế giá
lạnh của chiếc xe hơi vừa mới dỡ trên toa trần xuống, rồi họ cho xe chạy theo
con đường vòng đai Xađôvôiê và rẽ sang phố Gorki.
Maxcơva vắng tanh vắng ngắt. Tủ kính các
cửa hàng đều được bịt kín bằng ván gỗ thường hoặc gỗ dán và được chắn bằng
những bao cát. Các đơn vị quân đội sắp tham gia duyệt binh chưa tiến vào trung
tâm thành phố không có ngươi đi bộ: thỉnh thoảng những chiếc xe đơn độc ầm ầm
phóng qua với giấy phép do cơ quan quân vụ cấp
Khmôvíts và đại úy bị chặn lại mấy lần,
nhưng lại được đi và cuối cùng bị giữ hẳn lại: một hàng rào tiêu binh chắn
ngang phố Gorki, đành phải cuốc bộ vậy.
Hầu khắp khu vực Hồng trường được phủ một
lớp tuyết đều đặn, chưa ai đụng tới. Những cồn tuyết lớn đọng lại trên những
dãy khán đài màu xám.
Klimôvíts đi bộ băng qua quảng trường và đi
qua trước ngọn tháp Xpaxkaia xuống tận sông Maxcơva. Dưới tuyết không có lớp
váng băng, và xe tăng có thể chạy qua quảng trường với bất cứ tốc độ nào mà
chẳng hề trục trặc, đặc biệt là nếu cho cự ly xa ra một chút
Khi hai người leo dốc quay trở lại, anh bèn
nói điều đó với đại úy thuộc cơ quan quân vụ.
Đại úy nhún vai và nói rằng sợ gì mà không
tăng thêm cự ly: chẳng ai giẫm gót đâu, anh nghe nói là xe cộ sẽ không nhiều
lắm đâu. Rồi anh tự ngắt lời mình khi đang nói dở chừng, ngửng đầu lên và dừng
lại: nửa giờ trước đây trời hãy còn hoàn toàn quang đãng mà nay đã u ám hẳn
lại.
- Bây giờ thì sẽ có duyệt binh đấy, - đại
úy nói.
Họ lại đi qua Hồng trường bên cạnh tòa nhà
mậu dịch bách hóa tổng hợp được vẽ đầy những hình khối và hình vuông nhiều màu
để ngụy trang, bên cạnh Lăng Lênin được bảo vệ bằng một lớp ván ghép với nhũng
người lính gác đứng sâu ở phía trong khó nhìn thấy... Nhưng sự im lặng và vắng
vẻ của Hồng trường không còn gây cho Klimôvíts cái cảm tưởng lo lắng, mà anh đã
cố nén lại khi đi ngang qua đó để đến bờ sông. Mây mỗi lúc một dày thêm, che
kín bầu trời; còn mấy giờ nữa là những viên gạch phủ tuyết này sẽ nhộn nhịp hẳn
lên: các đon vị sẽ đứng thành những hình vuông trên đó, và Xtalin sẽ bước lên
Lăng Lênin, nếu đồng chí ấy không có mặt thì cuộc duyệt binh sẽ ra sao?
Sáng ngày 17 tháng mười, toàn thể số quân
còn lại của lữ đoàn, sau trận bao vây và ba ngày chiến đấu ở gần Maxcơva, được
đưa ra khỏi mặt trận và cấp tốc phóng qua Maxcơva trên hai chục chiếc xe tải,
đến Gorki nhận xe tăng. Klimôvíts bước ra khỏi chiếc xe đi đầu đoàn quân ở góc
đường vòng đai Xađôvôiê, bên cạnh hiệu bánh mì có cái tủ kính vỡ, để đặt “đèn
biển”. Vừa mới bước xuống đã có hai người phụ nữ lập tức đi lại gần anh: một
già, một trẻ với khuôn mặt xinh đẹp nhưng hốc hác. Họ dừng lại trước mặt anh và
người trẻ tuổi nhìn thẳng vào mắt anh với vẻ dữ tợn và hỏi oang oang, cả phố
đều nghe tiếng:
- Sao, các ông lái xe tăng, chiến đấu xong
rồi hả?
Nhìn những bộ mặt đàn bà tàn nhẫn này,
trong giây phút đó Klimôvíts hồi tưởng lại từ đầu tất cả những gì anh đã trải
qua: tất cả con đường hành quân gian khổ của anh mở đầu là việc mất hết gia
đình. Tất cả những cái cay đắng mà anh đã nếm từ ngày đầu chiến tranh, tất cả
những con đường đẫm máu, tất cả những mất mát, tất cả những chiếc xe tăng bị
quân Đức bắn hỏng và bị chính tay mình đốt cháy - tất cả những thứ đó đã liền
lại thành một quả đấm mà người ta dùng để giáng thẳng vào tim anh: “Sao. các
ông lái xe tăng, chiến đấu xong rồi hả?”. Anh không trả lời gì cả.
Còn sau đó là con đường của Những Người
Nhiệt Tình. Trong những giờ đầu, đoàn quân của Klimôvíts di tản trong dòng
người dày dặc. Một giờ sau, họ đưa phụ nữ và trẻ em lên buồng lái và thùng xe
vận tải của họ, họ chở đầy kệch sức tải của xe. Thế mà vẫn còn những người cuốc
bộ đi mãi đi mãi, và đến quãng nào đường giao thông bị tắc, thành xe lại cọ cả
vào vai những người chen chúc ở bên cạnh.
Các chiến sĩ xe tăng của anh bị dằn vặt
nhiều nhất về cái điều là họ, những quân nhân, những người có vũ khí lại ngồi
trên xe vận tải giữa dòng người không được bảo vệ kia và cũng tiến về cùng một
phía với dòng người ấy: Về phía đông, tới sông Vônga. Người ta nhìn họ với sự
nghi ngờ, với sự ngạc nhiên, với sự phẫn nộ, với một câu hỏi trong ánh mắt:
“Các anh đi đâu và tại sao thế?”. Mặc dầu họ đã chiến đấu bao nhiêu trận chăng
nữa, họ vẫn không chịu đựng nổi cái cảnh phải ngồi xe chạy trên con đường đầy
ắp những người này, mà không thể giải thích cho ai biết được rằng tại sao họ
lại đi xe về phía đông và đi để làm gì, bởi vì họ không có quyền giải thích như
vậy.
Ngày 17 tháng mười là thế dó. Còn hôm nay,
sau đó hai mươi hôm, anh sẽ cùng tám chục chiếc xe tăng của mình đi qua Hồng
trường. Sáu chục chiếc “ba mươi tư”, những chiếc xe mà bất cứ người chiến sĩ xe
tăng nào cũng chỉ dám ước mơ mà thôi, và hai chục chiếc K.V - những chiếc xe
tăng hạng nặng, tuy không dễ cơ động như những chiếc xe kia, nhưng đại bác cỡ
nhỏ quả thực là không thể bắn thủng được.
Chà, giá mà lữ đoàn có những chiếc xe này
ngay trong những ngày đầu chiến tranh nhỉ!
Tám chục chiếc xe tăng. Cái hôm vượt vòng
vây lần thứ hai ở Viadơma, sau khi táo bạo chọc thẳng ra theo con đường đất ở
chỗ tiếp giáp nhau của hai sư đoàn Đức, anh đã ở trên xe vận tải chạy tới sở
chỉ huy của một sư đoàn quân ta. Một vị tướng trẻ tuổi râu ria chưa cạo đang
ngồi bên tấm bản đồ liền đứng dậy đón anh. Viên tướng đã phải gánh lấy cái
trách nhiệm nặng nề là chỉ huy một nhóm đơn vị vừa mới vội vàng lắp ghép lại ở
nơi này.
- Báo cáo thiếu tướng, trung tá Klimôvíts
chỉ huy trưởng lữ đoàn xe tăng thứ mười bảy đến nhận lệnh của đồng chí.
Tuy Klimôvíts vừa thoát khỏi vòng vây mười
hai ngày đêm, nhưng chiếc áo da cài kín tất cả các cúc, các phù hiệu và cấp
hiệu đều nằm ngay ngắn đúng chỗ: cái thói quen ăn mặc đúng tác phong như vậy của
anh đã chiến thắng mọi hoàn cảnh, cho nên chắc là vì vậy mà vị tướng này đã đón
tiếp anh bằng câu nói kỳ lạ:
- Cuối cùng mới thấy các cậu xe tăng xuất
hiện! Người ta mong các cậu mỏi cả mắt. Cậu dẫn đến bao nhiêu xe tăng thế?
Vị tướng mừng rỡ cứ tưởng là người ta đã từ
hậu phương ném một lữ đoàn xe tăng tới cho khu vực mặt trận của ông, một khu
vực đẫm máu và đang bục tung ra như một cái rây bột bị thủng và anh chàng trung
tá mặc áo cài đủ cúc này là một vị thần cứu nguy.
Klimôvíts thoáng nghĩ rằng người ta chế
nhạo mình, nhưng một giây sau anh đã hiểu hết và chua chát báo cáo rằng thiếu
tướng đã nhầm, vì anh đã chọc thủng vòng vây của quân Đức, và trong số xe cộ vũ
khí của lữ đoàn anh, chỉ đưa ra được mười xe vận tải và một xe tăng đã hỏng.
- A, chết chửa! Thế mà mình lại cứ tưởng… -
Vị tướng im bặt, dừng lại, bước về phía Klimôvít và ôm lấy anh. - Xin lỗi,
người anh em đừng giận nhé! Cậu đưa ra được bao nhiêu người?
- Gần năm trăm ạ, - Klimôvíts nói. - Một
giờ nữa tôi sẽ xin báo cáo chính xác.
- Anh em có thể đánh nhau được không?
- Có thể ạ. Nhưng đạn sắp hết rồi.
- Mình sẽ cấp cho. Thế chỉ có một tăng thôi
à?
- Một thôi ạ.
- Vẫn cứ đưa ra. Vì nguyên tắc, phải không?
- Vâng, - Klimôvíts đáp.
Ngay buổi chiều hôm ấy, bọn Đức bắn cháy
nốt chiếc xe tăng cuối cùng trên đường làng của chính cái làng đó, đúng bên
cạnh ngôi nhà mà Klimôvíts đã gặp vị tướng. Thế là mất nốt chiếc xe tăng cuối
cùng...
Còn hôm nay thi anh sẽ cùng tám chục chiếc
xe tăng đi qua Hồng trường và tiến ra đường ôtô Pôđônxki, gần như cũng theo
đúng cái hướng hôm ấy anh đi.
“Từ hôm ấy đến giờ, quân Đức tiến cũng
không lấy gì làm tổn thất lắm. Hình như Maxcơva cũng đang bị uy hiếp...”.
Khi quay về ngang qua Lăng Lênin, Klimôvíts
dừng lại. Những người lính gác vẫn đứng cạnh lối ra vào, còn ở trong kia đằng
sau lưng họ, cách mấy bậc tam cấp ở phía dưới, trong đáy sâu của Lăng, là Lênin
đang nằm. Nếu ngay cả trước kia Klimôvíts chưa hề thoáng nghĩ rằng Maxcơva có
thể bị quân Đức chiếm thì bây giờ, ở bên cạnh Lăng Lênin, điều đó càng có vẻ vô
lý gấp đôi. Thử tưởng tượng rằng không phải chúng ta mà là bọn phát xít mặc
quân phục của chúng, đội mũ lưỡi trai của chúng, với những dấu chữ thập ngoặc
trên ống tay áo đang ở đây, trên Hồng trường này, cạnh Lăng Lênin... Điều đó
không thể có được!
* * *
Sáng hôm ấy, người bạn láng giềng trong
quân y viện là chính ủy trung đoàn Mácximốp đánh thức Xerpilin dậy, trước khi
trời sáng.
- Phêđô Phêđôrôvíts, dậy đi! Chúng mình sẽ
đi đến chỗ duyệt binh đấy, - anh ta lay vai Xerpilin.
Xcrpilin chồm ngay dậy và hỏi vội:
- Cái gì? Duyệt binh gì? Bao giờ? Đi đâu?..
Ông vẫn chưa tỉnh hẳn, nhưng làm ra bộ đã
tỉnh, và vừa nhìn thẳng vào mắt chính ủy trung đoàn vừa nửa thức nửa ngủ cố
hình dung xem việc gì đã xảy ra: tại sao trưa hôm qua Mácximốp được phép đi
Maxcơva lúc chưa ra viện hẳn, và giờ đây, giữa đêm hôm lại đang đứng trước mặt
ông đúng trong cái bộ dạng như lúc đi vào thành phố, quân phục chỉnh tề vừa
đứng đó vừa cười!..
- Dậy, dậy! - trong lúc đó Mácximốp vừa
nhắc lại vừa ghé ngồi xuống chiếc giường đơn của ông. - Hôm nay là ngày mồng
bảy tháng mười một. Duyệt binh. Tôi mời anh, chúng mình cùng đi!
- Duyệt binh gì? - Xerpilin hỏi lại, vẫn
còn chưa dám tin rằng đó là chuyện nghiêm chỉnh. Quân Đức đang ở trước cửa ngõ
Maxcơva! - Duyệt binh gì?
- Duyệt binh! - Mácximốp nhắc lại và nở một
nụ cười tươi rói. - Đồng chí Xtalin đã ra lệnh. Hôm qua, đồng chí ấy đã nói
chuyện ở ga tàu điện ngầm Maiacốpxki, tôi có ở đó, khuya tôi mới về, nên thương
anh mà không đánh thức... Hôm qua nói chuyện, còn bây giờ thì báo là phải duyệt
binh!
- Thật thế à? Cậu không đùa chứ? - Xerpilin
cẩn thận buông hai chân xuống khỏi giường. Hai chân ông đã lên sẹo, nhưng vẫn
khó cử động, cho nên ông vẫn phải điều khiển chúng như điều khiển đôi chân thủy
tinh.
- Ai lại đùa thế! - Mácximốp lại mỉm cười,
- vả lại, thời tiết này máy bay không hoạt động được. Tôi đã đi ra ngoài xem:
mây đã kéo lên che kín bầu trời thực sự, có lợi cho chúng mình.
- Nếu cậu mà đùa thì mình không tha đâu, -
Xerpilin vừa nói vừa từ dưới nhìn lên bộ mặt tươi cười của Mácximốp.
- Mà sao lại dữ tợn thế nhỉ? Tôi đã đòi
được cả một chiếc xe kia mà.
- Nhưng họ có cho đi ra ngoài không?
- Đã cho ra ngoài, từ hôm kia rồi đấy chứ?
Quả thực hôm kia, sau khi bắt đầu chống gậy
đi dạo trong vườn cây của quân y viện, Xerpilin đã được phép đi nhận thẻ đảng
viên, các huân chương và giấy chứng minh cấp tướng mới. Chính Mácximốp nói về
chuyện này.
- Thế nhưng đó là Bộ dân ủy quốc phòng.
- Bây giờ thì duyệt binh, - Mácximốp vẫn
mỉm cười - Anh đã không còn là một ông tướng nằm nữa mà là một ông tướng đi.
- Chỉ có cái là phải xỏ đôi bốt dạ, tớ
không thể xỏ ủng được, - Xerpilin nói và đứng hẳn lên bằng hai chân một cách
chưa chắc chắn lắm.
Vốn có những thói quen đã ăn sâu thành nếp
suốt dời, cho nên từ “bốt dạ” bên cạnh từ “duyệt binh” nghe có vẻ kỳ quặc đối
với ông.
- Vả lại tôi với anh không phải đi diễu
binh đâu, mà là được lên khán dài, được mời vào hàng quan khách.
- Lại còn được mời nữa kia à? - Xerpilin
hỏi ra vẻ không tin.
- Được mời, được mời mà! - Mácximốp cười
phá lên và vỗ vỗ vào túi áo quân phục mùa nóng của mình. - Giấy mời đây này!
Một nửa Maxcơva, mà chủ yếu là một nửa Cục chính trị của Hội đồng quân sự cách
mạng đều là bạn tôi mà lại!
- Nếu vậy thì mình xin mặc quần áo, -
Xerpilin nói rồi bất giác cũng mỉm cười và liếc nhìn Mácximốp với vẻ bằng lòng.
Chính ủy trung đoàn Mácximốp thuộc vào số
người không những chỉ đàn bà mà cả đàn ông cũng phải liếc nhìn: cao lớn, trẻ
trung, vai rộng với bộ mặt làm cho mọi người chú ý không hẳn chỉ vì vẻ đẹp mà
chủ yếu là vì vẻ rắn rỏi. Quả thực, một nửa Maxcơva là bạn anh ta.
Xerpilin đã đủ thời gian để thấy rõ điều
đó. Mặc dầu vẫn chưa hiểu tường tận rằng ông láng giềng của mình là người như
thế nào, hoặc chỉ là một kẻ gặp may, hoặc là một người can đảm và vui nhộn hiếm
có đến nỗi bất giác người ta có cảm tưởng rằng trong mọi việc anh ta đều thành
công dễ dàng. Nhưng đúng hơn cả là ở chính ủy trung đoàn Mácximốp có cả hai
loại người đó cùng một lúc. Mới ba mươi tuổi mà anh đã có ba huân chương chiến
đấu và mỗi chiếc huân chương ấy đều bao hàm những hoàn cảnh ngẫu nhiên đặc biệt
mà sau đó nếu người được tặng thưởng còn sống thì thiên hạ thường kháo nhau
rằng anh ta gặp may. Hai lần, - ở Khankhingôn và trong cuộc chiến tranh với
Phần Lan - anh đều bắt đầu bằng chức vụ cán bộ thanh tra của Cục chính trị và kết
thúc bằng chức vụ chính ủy trung đoàn. Tháng sáu năm 1941, lúc chiến tranh nổ
ra thi anh lại đang làm cán bộ thanh tra và đi công tác ở Biệt khu miền tây.
Lần này ngay trong ngày đầu, anh đã thay thế ông chính ủy sư đoàn vừa hy sinh
rồi chiến đấu một tháng trời để chọc thủng vòng vây của quân Đức và bị thương
nặng vào bụng trong khi sắp vượt khỏi vòng vây. Sau mấy lần bị mổ xẻ, tuy phải
theo chế độ kiêng khem khắc nghiệt, song vẫn lấy chuyện đó để cười đùa, anh
sống bên cạnh Xerpilin trong bệnh viện như một ngày hội hè nhộn nhịp, chính
mình không buồn nản và không để cho người khác buồn nản.
Người ta hứa một tuần sau sẽ cho anh ra
viện với sự hạn chế sử dụng sức khỏe, nhưng anh vẫn cười đùa ngay cả về việc
này cũng như cả về mọi việc khác, và vừa cười ha hả vừa nói với Xerpilin rằng
không những mình sẽ ra mặt trận, hơn nữa còn xoay xở để được quay trở về đúng
cái sư đoàn của mình.
Ngoài Xerpilin ra, không ai hay biết rằng
chỉ ban đêm, khi không ai trông thấy anh ta và nghe tiếng anh ta nói, đồng chí
chính ủy trung đoàn Mácximốp không hề buồn nản đó mới ngồi gò lưng tôm lại trên
chiếc giường đơn và thao thức hàng giờ liền vì đau.
Coi là Xerpilin sắp lành, cho nên người ta
treo bộ quân phục của ông ngay trong tủ áo ở phòng bệnh nhân. Sau khi mặc cái
quần phồng trên chẽn dưới và chiếc áo quân phục mùa nóng mới, có phù hiệu cấp
tướng và có đính hai tấm huân chương Cờ đỏ: một cũ và một vừa nhận hôm qua, ông
bước đến trước tấm gương và đưa tay vuốt mái tóc lưa thưa màu vàng nhạt đã điểm
bạc. Rồi ông ghé ngồi xuống ghế đẩu, thận trọng xỏ hai chân vào đôi bốt dạ,
nhìn xuống chân mình với vẻ mỉa mai không tán thành và nói với Mácximốp:
- Nếu cậu không nói đùa thì tớ đã sẵn sàng!
Họ đi xe đến Nhà điện báo trung ương lúc
bảy giờ rưỡi. Hàng rào chắn đường được đặt ở đây, không cho một chiếc xe nào đi
qua.
Hai hàng xe tăng đỗ suốt dọc phố Gorki, từ
quảng trường Maiacốpxki đến tận Nhà điện báo.
Số xe tăng không nhiều quá, một lữ đoàn nhưng
hình dáng của chúng làm cho Xerpilin mừng: tất cả đều là những loại xe tăng
chững chạc - loại ba mươi tư và KV, chứ không phải loại “T-26” mà bọn Đức đã
bắn cháy một cách rẻ rúng hồi đầu chiến tranh.
- Họ không cho xe đi nữa. Những người quen
biết tôi đến đây là hết, - Mácximốp nói khi hai người chui ra khỏi chiếc xe
hơi. - Thế nào, cuốc bộ đến nơi chứ?
- Đã đi đến đây thì phải cuốc đến nơi chứ,
- Xerpilin nói và liếc nhìn những chiếc xe tãng.
Một sĩ quan xe tăng mặc áo lông thú màu đen
thắt dây lưng rõ chặt đang đứng bên chiếc xe đầu đoàn, có một lá cờ bọc trong
bao, thò ra ngoài lỗ cửa xe. Xerpilin trông mặt anh ta quen quen: ông có tài
nhớ mặt đến nỗi khi muốn quên đi mà vẫn nhớ. Nhưng khuôn mặt người này thì ông
lấy làm mừng khi nhớ lại Vừa tiếp tục nhìn kỹ, tuy đã biết chắc rằng đó là ai,
ông vừa bước về phía người chỉ huy xe tăng. Anh này từ xa trông thấy chiếc mũ
lông che tai cấp tướng đã vội giơ tay chào.
- Chào trung tá. - Xerpilin đưa tay lên
vành mũ và nói. - Đêm mồng một tháng mười tôi đã thoát khỏi vòng vây ở chỗ đơn
vị đồng chí. Tôi không nhầm chứ?
- Báo cáo thiếu tướng, đồng chí không nhầm
dâu ạ. - Klimôvíts trả lời mặc dầu trong giây phút đầu tiên anh chào mà chưa
đoán ra rằng vị tướng cao lớn chống gậy đi khập khiễng này chính là ông lữ đoàn
trưởng bị thương mà đồng chí tư lệnh mặt trận đã hỏi qua điện thoại: “Cái ông
Xerpilin này hình dạng ra sao nhỉ?”. Hôm ấy Klimôvíts cứ tưởng chừng như suốt
đời không quên được ông lữ đoàn trưởng đó. Thế mà chưa được hai tháng, anh đã
quên mất! Từ bấy đến nay đã xảy ra bao nhiêu việc.
“Nghĩa là ông ta đã dậy được rồi đấy, -
Klimôvíts vẫn nhìn vào vị tướng và suy nghĩ. - Thế mà dạo ấy tưởng chừng như
sắp chết...”.
Nghĩ vậy, anh lại sực nhớ tới chiến sĩ hồng
quân Dôlôtarép đã nộp cho anh những giấy tờ của chính trị viên Xintxốp, người
đã mất tích hay nói đơn giản hơn là đã chết. Dạo ấy, ở Ennha, Xintxốp cứ lo
rằng liệu ông lữ đoàn trưởng của mình có chết không? Thế mà nay lữ đoàn trưởng
còn sống và lành mạnh, đội mũ che tai cấp tướng, đang đứng trước mặt Klimôvíts
đây, còn nắm xương của Xintxốp thì đang rã nát ở nơi nào đó trong khu rừng bên
kia Vêrêa.
- Cám ơn trung tá đã cứu viện cho chúng
tôi. Đồng chí chưa phải là đại tá à?
- Thưa chưa ạ. - Klimôvíts đáp.
- Gặp đồng chí tôi rất mừng! Tôi muốn viết
thư cám ơn đồng chí, nhưng mặt trận rộng quá...
Ông bắt tay Klimôvíts, và Klimôvíts ngạc
nhiên về sức mạnh của bàn tay to lớn xương xẩu kia.
- Quả thực, sau đó anh em có viết thư, -
nhớ lại chuyện cũ nét mặt Xerpilin xịu xuống, ông nói. - và cho tôi biết rằng nhiều
người trong đơn vị tôi thế mà lại không thoát được. Sau khi từ biệt đồng chí,
dọc đường họ đã vấp phải xe tăng!
- Báo cáo thiếu tướng, có một số quay trở
lại phía sau và đến lữ đoàn tôi.
- Nhiều không?
- Chừng hai chục ạ.
- Thế giờ họ ở đâu?
- Những anh em không hy sinh trong chiến
đấu thì sau khi thoát khỏi vòng vây đã được điều sang bộ binh, còn một cậu đến
nay vẫn ở với tôi.
- Cậu nào thế?
- Cậu Dôlôtarép, lái xe. Bây giờ cậu ta lái
chiếc ba mươi tư.
- Tôi biết, - Xerpilin nói. Quả thật, ông
có thể biết hầu hết từng người. - Không thể gặp cậu ta được à?
- Xa lắm ạ. Ở đằng đuôi đoàn xe. Gần quảng
trường Maiacốpxki.
- Thế thì đồng chí hãy chuyển lời cám ơn
của sư đoàn trưởng cũ cho cậu ấy về thành tích phục vụ. Trong số cán bộ, có ai
vượt vòng vây ra chỗ đồng chí không?
- Có một trung úy ạ, Khôrưsép, - Klimôvíts
nói
- Còn sống à?
- Trước đây thì vẫn sống, còn bây giờ tôi
chẳng biết ra sao. Chuyển sang bộ binh rồi.
Xerpiiin đã liếc mắt nhận ra rằng có một
đại úy xe tăng đến gần Klimôvíts và đợi cho câu chuyện kết thúc, chắc hẳn là để
báo một tin gì về công việc.
Nhưng khi nói đến Dôlôtarép và Khôrưsép,
Klimôvíts nhớ tới Xintxốp.
- Báo cáo thiếu tướng, còn người sĩ quan bí
thư của đồng chí đã mất tích, chắc là đã hy sinh rồi.
Xerpilin không trả lời gì cả. Ông chỉ cúi
đầu, im lặng nhìn xuống chân mình trong mấy giây.
Rồi ông lại một lần nữa nhìn người đại úy
xe tăng đang đi đến gần và chìa tay cho Klimôvíts.
- Tôi mong được phối hợp tác chiến với đồng
chí, còn hôm nay thì chúng tôi sẽ xem các đồng chí diễu binh, - ông đặt bàn tay
lên vành chiếc mũ lông che tai, quay người, chân khập khiễng, thận trọng nhấc
đôi bốt dạ đi theo phố Gorki.
Klimôvíts đưa mắt trông theo Xerpilin, rồi
quay sang người đại úy xe tăng với vẻ không bằng lòng:
- Thế nào, Ivanốp, cậu có điều gì chưa rõ?
Trong chiến đấu thì không lúng túng, thế mà ở Maxcơva cứ đến mỗi ngã tư là lại
phải hỏi.
Khi Xerpilin chống gậy lặc lè đi lên đến
khán đài thì ở đó đã gần như đầy người.
Ông đã từng phải đi trong hàng ngũ Học viện
quân sự Phrunde qua Hồng trường không phải chỉ một lẩn. Những lúc ấy, quang
cảnh khán đài khác hẳn: những người mặc thường phục vui vẻ, công kênh trẻ con
lên vai, với những quả bóng màu lơ lửng trên đầu, với những chiếc khăn quàng,
khăn san, khăn trùm đầu hân hoan tung bay trong không khí...
Bây giờ, trên khán đài cứ một người mặc
thường phục lại có hai ba quân nhân. Nhiều người đi thẳng từ hỏa tuyến về đây,
với tư cách là đại biểu của những trung đoàn, lữ đoàn và sư đoàn đang chiến đấu
trên các khu vực mặt trận tiếp cận Maxcơva. Họ đội những chiếc mũ che tai đã
nhàu nát sờn mòn, xỏ những chiếc bao tay bằng bạt, mặc áo capốt, áo lông thú
trên có thắt chéo những quai đeo súng lục và túi dết.
Đã có mấy trung đoàn bộ binh xếp hàng thành
những hình vuông trên quảng trường. Đứng trên khán đài cũng là những người dân
Maxcơva đang đánh trả lại bọn Đức: quân sự và dân sự.
Tuy quân Hítle chỉ cách Maxcơva vẻn vẹn có
mấy chục cây số nhưng dầu sao lúc này, các quân nhân và thường dân ở lại bảo vệ
Maxcơva vẫn cùng nhau tập trung như lệ thường, đúng vào ngày hôm ấy. Điều đó
thể hiện cả sự nhận thức về sức mạnh của mình, cả sự thách thức thầm lặng.
Không nghi ngờ gì nữa, chính những người tập trung ở đây cũng cảm thấy sức mạnh
của sự thách thức đó.
Cả Xerpilin cũng cảm thấy thế. Tuy trong
những năm trước đây, khi đi qua trước Lăng Lênin trong hàng ngũ của Học viện
quân sự, ông đã có cái cảm giác quen thuộc đối với bất cứ ai tham dự duyệt
binh, cảm giác vừa căng thẳng vừa sung sướng, nhưng bây giờ cảm giác đó lại sâu
sắc và mạnh mẽ hơn. Có lẽ có thể nói rằng khi đứng ở đây, trên khán đài này,
ông cảm thấy mình sung sướng, mặc dầu hình như những ý nghĩ đang choán hết tâm
trí ông lại mâu thuẫn với cảm giác sung sướng này.
Ông nghĩ tói Xintxốp với niềm thương tiếc
xót xa, vì anh đã gặp phải một cảnh ngộ mà chính ông vẫn sợ nhất, mỗi khi nghĩ
về mình: mất tích... Thế mà cứ tưởng như đã vượt qua tất cả, sống sót, thoát
vòng vây... Thoát vòng vây thế đấy! Cả nhiều người khác cũng cứ tưởng rằng họ
đã thoát vòng vây... Ông tức giận nhớ tới bức thư mà Smakốp từ mặt trận gửi về
nói rằng không có tin tức gì về những người ngồi trên tám chiếc xe cuối cùng
của đoàn. Họ bị vướng lại ở chỗ cầu, còn sau đó thì hình như họ bị quân Đức cắt
đứt...
- “Hình như!” - Xerpilin tức giận càu nhàu
và không biết đây là lần thứ mấy ông chửi thầm Smakốp.
Hồi ấy, ông đã điên tiết lên vì hai chữ
“hình như” kia đến nỗi không thèm viết thư trả lời cho Smakốp.
Ông cũng có những ý nghĩ nặng nề về chính
mình: về cuộc trò chuyện hôm kia với Tổng tham mưu phó vốn là bạn cũ, một trong
những người đã cứu vót ông ra khỏi cơn hoạn nạn.
Tuyệt nhiên không thể nào nghi ngờ con
người này là thiếu lòng tốt hay thiếu tin cậy, thế mà buổi trò chuyện của hai
người lại hóa ra nặng nề.
“Đây, mình đã đòi hỏi phải có ý kiến kết
luận của quân y về cậu, - sau khi chúc mừng Xerpilin về việc phong quân hàm mới
và nói chung về tất cả những việc gì có thể chúc mừng được, người bạn cũ liền
nói. - Một mặt người ta đã sửa chữa lại bản lý lịch cho cậu, mặt khác lần này
các bác sĩ làm hỏng bản lý lịch đó. Nói cho nghiêm khắc thì đối với cậu lúc này
mà nghĩ đến mặt trận là sớm quá; đối với sức khỏe của cậu không được tốt lắm và
nói chung, đã rối tinh lên, hơn nữa việc bị địch bao vây lại ảnh hưởng thêm
vào...”.
“Bản thân tớ không nhớ tới cái “nói chung”
đó và không muốn người khác, hơn nữa là cậu, nhắc nhở tới, - Xerpilin nói với
cơn điên khùng bốc lên trong lòng. - Còn về việc bị địch bao vây thì hàng chục
ông tướng đã chiến đấu mà vượt vòng vây và thu lượm được kinh nghiệm chiến đấu
bằng xương máu của mình không phải để người ta bắt mình ngồi lỳ ở hậu phương.
Hễ mà tớ đủ sức khỏe trở về đơn vị, thì hoặc các cậu hãy cho tớ ra mặt trận
hoặc tớ sẽ đi đến tận đồng chí Xtalin, hãy nhớ đấy!”.
“Bây giờ cậu bắt đầu ăn nói như vậy đấy!” -
người bạn cũ thậm chí đã cau mày lại trước cái giọng đó của Xerpilin và nói.
“Ừ, bây giờ tớ bất đầu ăn nói như vậy đấy!”
- Xerpilin băm bổ.
Trong khi khập khiễng lê đôi bốt dạ từ nhà
điện báo trung ương đến khán đài, ông đã mấy lần nhớ lại cuộc trò chuyện ấy.
Rồi càng nhớ lại với tâm trạng khó chịu bao nhiêu thì cuộc trò chuyện đó càng
về sau càng có vẻ nặng nề bấy nhiêu.
“Có lẽ thực ra, muốn được việc thì tốt hơn
là cứ sang một nơi nào đó bên kia sông Vônga để thành lập các đơn vị mới? Việc
này cũng cần...” - ông tự chọc tức mình.
Cũng có cả những ý nghĩ không vui khác. Tuy
có những ý nghĩ đó, bây giờ Xerpilin vẫn đang đứng trẽn khán đài ở Hồng trường
và cảm thấy mình sung sướng. Rõ ràng là giữa buổi sáng tuyết rơi này, trong các
đơn vị đang xếp hàng đứng im phăng phắc thành những hình vuông trên quảng
trường. Trong bản thân sự việc mà thậm chí người ta chưa tin ngay, tức là hôm
nay sẽ có duyệt binh, trong đó bao hàm một điều khiến cho những người tập trung
tại đây nén sung sướng: đó là niềm linh cảm rõ rệt đầu tiên trong suốt thời
gian chiến tranh về sự thắng lợi còn xa, niềm linh cảm mà mấy ngàn con người
đều đã cảm thấy ngay lập tức và cùng một lúc trên Hồng trường buổi sáng hôm đó.
- Này, thật là một chuyện lạ!... - Mácximốp
ban nãy đã biến đi đâu mất nay lại cất tiếng nói ngay sát bên tai Xerpilin, vẻ
xúc động. - Tôi đứng ngồi không yên... Một trung đoàn của sư đoàn tôi đang ở
đây... Nó đứng cạnh mậu dịch tổng hợp kia. - Mácximốp giơ tay trỏ những ô vuông
đang in hình màu thẫm trên góc đằng xa bên phải quảng trường. - Người ta bảo
tôi rằng sư đoàn đang chiến đấu, nhưng lại hóa ra là cách đây năm hôm, nó đã
được đưa đi bổ sung quân số và đêm qua đã được điều qua Maxcơva về một hướng
mới, cả cái trung đoàn này cũng sẽ từ Hồng trường lên đường đi thẳng. Thế mà cả
tôi cũng không biết, chuyện lạ là thế đó!
Mácximốp vừa phấn khởi lại vừa buồn bã.
- Không phải lúc nào cậu cũng gặp may nhỉ.
- Xerpilin nói đùa. - Một lần không may, lỡ mất cơ hội? Có lẽ sau khi duyệt binh...
- Nhưng cái gì sau khi duyệt binh cơ? -
Mácximốp ngắt lời. - Đề nghị cho làm chính ủy thứ hai ngoài biên chế à? Ấy, giá
không biết lại hóa hay! - Anh xua tay bực dọc nhưng không nén nổi và bắt đầu
thèm khát nhìn đăm đăm vào hàng quân của trung đoàn mình đang đứng cạnh cửa
hàng tổng hợp.
Xerpilin cũng nhìn về phía ấy và ghen tị
nghĩ rằng mặc dầu Mácximốp không được về sư đoàn mình mà chắc hẳn anh sẽ năn nỉ
và sẽ đến một sư đoàn nào khác nhưng vẫn sẽ được nhanh chóng ra mặt trận.
Khi nhìn về phía trung đoàn kia, giả thử
Xerpilin có thể thấy rõ mặt anh em chiến sĩ trong một khoảng cách xa như thế,
thì ông đã trông thấy thân hình cao kều quen thuộc cái người sĩ quan bí thư của
mình trong hàng ngang đầu tiên của tiểu đoàn làm chuẩn. Anh này đội chiếc mũ cũ
kỹ nhàu nát và mặc tấm áo lông thú hơi ngắn, đeo khẩu tiểu liên trên ngực
Trước kia, hồi đầu chiến tranh, Mácximốp đã
làm chính ủy của sư đoàn mà hiện nay Xintxốp đang công tác ở đấy. Một ngày sau
những trận chiến đấu bên nhà máy gạch, sư đoàn đó đã gặp được số may hiếm có mà
ít người được gặp ở gần Maxcơva trong những ngày tháng ấy. Đáng lẽ theo lệ
thường sư đoàn được bổ sung ngay tại hỏa tuyến thì nó lại được thay thế và đưa
về tuyến sau của mặt trận. Thực ra, mặc dầu bị tổn thất nặng với mức thương
vong chiếm đến hai phần ba quân số, sư đoàn được bổ sung ở tuyến sau không lâu
lắm, vẻn vẹn có năm hôm và sang hôm thứ sáu đã bị báo động rồi. Ngay đêm ấy sư
đoàn bộ, một trung đoàn pháo binh và hai trung đoàn bộ binh đã được điều qua
Maxcơva đến bên kia Pôđônxk, nơi mà bọn Đức đã bắt đầu tiến quân về phía trước
đầy vẻ hăm dọa, và chỉ mỗi trung đoàn này được giữ lại một hôm ở Maxcơva để
tham gia duyệt binh.
Chưa có khẩu lệnh “nghiêm”. Anh em chiến sĩ
đứng trong hàng quân đang kháo nhau về việc họ sẽ được tung ra mặt trận như thế
nào sau cuộc duyệt binh: cuốc bộ, bằng xe ôtô hay bằng xe lửa? Đề tài thứ hai
và đề tài chính của câu chuyện là cuộc duyệt binh, và Xtalin sẽ có mặt trong
cuộc duyệt binh này hay không. Phần đông cho là có, nhưng cũng có người chưa
tin chắc như vậy.
- Hạ sĩ ạ, rồi ông sẽ thấy, không có đồng
chí ấy đâu, - người lính đeo tiểu liên đang đứng cạnh Xintxốp liền nói với anh.
- Sao lại thế?
- Là vì, giá như mình thì tuyệt nhiên mình
không cho phép đồng chí ấy đến quảng trường này. Nhiều lý do lắm! - người chiến
sĩ tiểu liên hất hàm trỏ bầu trời thấp, đầy mây mù, xam xám. - Mình lo cho đồng
chí ấy!
- Thế cậu không lo cho chính mình à? -
Xintxốp cũng nhìn trời.
- Mình không lo cho mình: bọn Đức sẽ không
thèm cố công đối với mình. Còn đối với đồng chí ấy thì chúng sẽ cố công. Tuy
mây đã kéo lên, nhưng chúng sẽ từ phía trên mây mà bổ nhào xuyên qua! Khi ấy
thì làm thế nào? - Rồi người chiến sĩ tiểu liên khăng khăng nhắc lại lần nữa
rằng giá ở địa vị anh thì anh sẽ không cho phép đồng chí đến dự duyệt binh.
Vừa lúc đó, tiểu đoàn trưởng Riáptrencô và
Malinin đi đến chỗ Xintxốp. Do những ngày chiến đấu vừa qua, Malinin đã được
đính một chiếc then thay thế cho ba hình khối và được chỉ định làm chính ủy
tiểu đoàn.
- Chào cậu, - Malinin nói với Xintxốp bằng cái giọng cau có hàng ngày của mình và,
như lệ thường, ông gườm gườm nhìn Xintxốp tựa hồ như anh phạm lỗi gì đối với
ông ta. - Trung đoàn trưởng báo tiểu đoàn trưởng rằng phòng tham mưu sư đoàn đã
nhận được mệnh lệnh tặng huân chương “Sao đỏ” cho cậu và Baiukốp về trận đánh ở
nhà máy gạch, thế thì mình xin chúc mừng cậu!
Malinin có một thói quen kỳ lạ: lời nói của
ông càng gói ghém lòng trìu mến bao nhiêu thì ông càng nói với cái giọng cau có
và thiếu niềm nở bấy nhiêu. Nếu có ai ngoài cuộc mà chỉ nghe giọng ông nói thì
có thể tưởng rằng không phải ông đang chúc mừng Xintxốp được tặng huân chương
mà đang cảnh cáo anh.
- Đúng, đúng, - tiểu đoàn trưởng Riáptrencô
vui mừng xác nhận, - chính tôi nghe nói thế! Đồng chí Xintxốp, xin chúc mừng
đồng chí.
Xintxốp liền nói: “Phục vụ Liên bang Xô
viết”, nhưng thật đáng ngạc nhiên cho chính mình, anh hầu như không cảm thấy
vui mừng. Chắc là sau này nỗi vui mừng ấy sẽ đến, còn lúc đó thì chưa cảm thấy
thực. Anh sực nhớ lại nhà máy gạch, sực nhớ lại Xirôta bị tàn tật và Baiukốp bị
thương nặng, nhớ lại buổi sáng họ đã chôn cất những gì còn lại của các anh em
khác, và nỗi vui mừng tắc nghẽn lại ở đâu đó nửa chừng giống như miếng bánh
bích cốt nghẹn lại trong cổ họng.
- Báo cáo chính trị viên trưởng, thế có thể
chúc mừng đồng chí được không? - nhân lúc Malinin vẫn chưa đi nơi khác, Xintxốp
hỏi.
- Việc làm của tôi nhỏ bé lắm. - Malinin
nói vẫn với cái giọng cau có ấy, khiến cho Xintxốp không hiểu là ông ta có được
khen thưởng hay không.
Quả thực Malinin không được khen thưởng,
bởi vì người ta quyết định đề nghị tặng ông không phải huân chương Sao đỏ mà là
huân chương Cờ đỏ kia. nhưng huân chương này lại do mặt trận tặng mà trên mặt
trận lại có người nào đó muốn rút bớt và không đi sâu vào chi tiết, cho nên đã
gạch bỏ luôn cả tên chính trị viên Malinin trong số những người khác.
Nhưng Malinin tỏ thái độ thản nhiên đối với
việc không được khen thưởng, một sự thản nhiên hiếm có ngay cả ở một ngườị
không hiếu danh. Nguyên nhân của sự thản nhiên đó là thực tình ông cho rằng
việc làm của mình là nhỏ bé, rằng vấn đề tuyệt nhiên không phải ở nơi ông, mà ở
chỗ những người đã được giao phó cho ông làm ăn như thế nào. Ông lấy làm thỏa
mãn hoàn toàn về chuyện là anh chàng Xintxốp hiện nay ở đơn vị và anh chàng
Baiukốp hiện đang nằm điều trị, cả hai người đều đã được khen thưởng đúng như
lời ông đề nghị. Khi đề nghị điều gì cho ai, bao giờ ông cũng làm tựa hồ như
miễn cưỡng, nhưng sau đó lại khăng khăng giữ ý kiến mình và nếu bị từ chối thì
ông cay cú lắm.
- Này, Xintxốp, - im lặng một lát, ông nói.
- Cậu được phong quân hàm hạ sĩ, được tặng huân chương, tờ báo của sư đoàn đã
viết về cậu. Mình cho là trước khi đánh những trận sắp tới, cậu nên nộp đơn đề
nghị phục hồi đảng tịch. Cậu thấy việc này thế nào?
Xintxốp thấy việc này thế nào? Malinin biết
rõ hơn ai hết rằng anh thấy thế nào rồi chứ.
- Theo mình thì hôm nay là ngày thích hợp
nhất để viết đơn. - Malinin liếc mắt nhìn lên bầu trời đã bắt đầu đổ tuyết.
Trong giọng nói của ông nghe có cái vẻ
trang trọng khác thường. Cũng giống như mọi người, ông đang hồi hộp trước những
việc sẽ diễn ra trên Hồng trường.
Xinlxốp nhìn thẳng vào mắt Malinin: “Có lẽ
bác nói về việc này quá sớm đấy nhỉ? Thế thì chưa suy nghĩ đã nói ra để làm gì?
Mà nếu không sớm thì hãy ủng hộ em đến cùng. Bởi vì nếu bác không ủng hộ em thì
còn ai nữa?”.
Malinin bắt gặp cái nhìn của Xintxốp và
lặng lẽ nhìn lại vào mắt anh trong mấy giây. Trong những ngày sư đoàn được bổ
sung và đóng ở gần Maxcơva, Malinin đã chính thức chất vấn về những điều cần
thiết thông qua phòng chính trị của sư đoàn và đã nhận được trả lời. Phải, tấm
phiếu lưu trữ mang tên đảng viên Xintxốp I.P. đang được bảo quản ở nơi đã quy
định. Đảng tịch của anh ta đã được hồ sơ xác nhận, nếu không thì ai xét đến vấn
đề phục hồi nữa kia. Đó là bước đầu quan trọng và chính lúc này Malinin đang
nghĩ về chuyện đó. Nhưng cứ căn cứ vào đôi mắt của ông thì khó mà nói được rằng
trong giây phút ấy ông đang nghĩ về việc gì; nét mặt của ông có vẻ như ông chả
suy nghĩ điều gì đặc biệt cả, mà chỉ có ý định nhìn kỹ Xintxốp lần nữa: “Ivan
Xintxốp, nghĩa là cậu như thế đấy! Thế đấy...”.
Bỗng từ bên phải vẳng lại tiếng hô khẩu
lệnh rền vang:
- Ngh-i-ê-ê-êm!
Riáptrencô nhảy bật về phía trước như có lò
so. Malinin lạch bạch bước theo sau, các hàng ngang trở nên ngay ngắn...
- Ơ kia, ơ kia... này trông kìa! - vừa
gióng hàng ngang với Xintxốp, anh chàng chiến sĩ đeo tiểu liên, người đã nói
rằng giá như mình thì đã không cho phép Xtalìn dự duyệt binh, vừa thì thầm vào
sát tận tai anh. - Này trông kìa!
Xintxốp nhìn về đằng trước bên phải. Rồi
giống như hàng ngàn người đang đứng xếp hàng cùng anh trên quảng trường, qua
màn tuyết trắng mỗi lúc một rơi xuống dày đặc hơn, anh trông thấy Xtalin mặc áo
capốt đang đứng ở vị trị mọi khi của mình trên lễ đài của Lăng Lênin.
* * *
- Phải, - sau cuộc duyệt binh, khi cùng với
Mácximốp đi xe tới Viện hàn lâm Timiriadép, nơi mà hiện nay quân y viện đang
đóng, Xerpilin nói, - dù có đánh giá một cách tỉnh táo tình hình ngoài mặt
trận, hôm nay vẫn còn khó mà hình dung được rằng ít nhất chúng ta cũng đang
quay trở về nơi mà ta đã bắt đầu: hình như chúng ta chiến đấu ở trên biên giới
nước ta. Nhưng hôm nay có một ý nghĩ đang an ủi tôi.
- Nhưng cụ thể là cái gì?
- Cụ thể là khi vượt sông Đniép ở gần
Môghilép cùng với số quân còn lại của trung đoàn thì khó mà tự hình dung ra
được rằng ngày mồng bảy tháng mười một sẽ có cuộc duyệt binh ở Hồng trường như
thường lệ và tớ sẽ có mặt trong cuộc duyệt binh này. Không thể tưởng tượng nổi
điều đó. Mặc dầu tớ đã cố tự chủ, nhưng trong thâm tâm vẫn có những ý nghĩ quá
đen tối làm cho mình khó tự chủ. Hễ nhớ lại việc ấy thì tưởng chừng như trong
lòng mình có hai con người. Một người nói: “Vui mừng là hãy còn sớm quá, sớm
quá!”. Còn người kia thì nói: “Sớm à? Nhưng phải thế!”. Biết nói với cậu thế
nào nhỉ? Mặc dầu chúng dành được nhiều thắng lợi thật, tớ vẫn có cảm giác rằng
giữa chúng ta và chúng nó có sự khác nhau có lợi cho ta, và không phải chỉ là
sự khác nhau nói chung mà thậm chí là sự khác nhau thuần túy quân sự. Tớ không
tin rằng chúng sẽ tổ chức duyệt binh ở Berlin nếu như chúng ta ở cách thảnh phố
đó sáu mươi cây số. Tớ không tin đấy và chỉ có thế! Mặc dầu nói chung thì vấn
đề không phải được giải quyết ở các cuộc duyệt binh mà ở ngoài mặt trận... Sao,
họ hứa cho cậu ra viện vào thứ sáu tới à?
Không hiểu sao Mácximốp không trả lời. Anh
ngồi bên cạnh Xerpilin và lặng lẽ nhìn vào một điểm. Sau đó, khi chiếc xe dừng
lại và Xerpilin thận trọng bước xuống trước tiên, Mácximốp vẫn ngồi nguyên,
chìa tay cho ông.
- Phêđô Phêđôrôvíts, chúc anh mọi điều may
mắn! Chóng được ra viện!
- Thế cậu thì sao?
- Còn tôi thì cứ coi là bỏ trốn. Tôi sẽ đề
nghị bằng được để ra mặt trận. Nói riêng giữa chúng mình với nhau thôi nhé, dù
sao chăng nữa, tôi cũng chả bao giờ lành mạnh hẳn được đâu, mà một tuần lễ thì
chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hoặc họ sẽ trả tôi về một cách nhục nhã, hoặc
ngay ngày mai họ sẽ giới thiệu tôi đi đâu đó.
Khi bước vào phòng bệnh nhân của mình, ông
gặp bà vợ ở đó.
Nhân ngày lễ, bà Valenchina mặc tấm áo dài
cũ bằng lụa đen. Tấm áo đó đã ghi vào trí nhớ ông từ lâu, và khi bà vừa mới
lặng lẽ đứng dậy đón chồng với hai môi mím lại thì Xerpilin hiểu ngay rằng bà
ngồi đây đã lâu và đã giận ông mấy giờ rồi.
- Vẫn cái cậu Mácximốp của mình, tôi biết
mà, - vừa đi về phía chồng, bà vừa nói.
- Thế là cậu ấy đã biết thân biết phận rồi đấy! Cậu ta đâu? Sợ không dám
giáp mặt tôi à?
Bà hiểu rằng trong ngày lễ dù sao cũng phải
tha thứ cho chồng và vì vậy bà mới nói trước.
- Có giời mà tìm cậu ấy! - Xerpilin nói. -
Cậu ấy quay xe lại ở ngoài sân và đi ra mặt trận rồi.
- Nhưng ai cho cậu ấy đi chứ? Đến thứ sáu
tuần sau cậu ấy mới được ra viện cơ mà!
- Cậu ta nói là họ sẽ cho đi.
- Có lẽ cả mình cùng sửa soạn đi chứ gì?
- Sau này sẽ xem!
- Tôi đã nghe được chương trình phát thanh.
- Valechina nói. - chỉ có điều là tôi không hiểu ngay rằng đó là Xtalin đang
nói. Tôi không hiểu vì sao mà rađiô vẫn mở nhưng lại truyền thanh ngay từ giữa
bài nói chuyện...
Xerpilin ngạc nhiên nhún vai. Cả hai người
đều không biết và không thể biết rằng thoạt tiên vì sợ máy bay Đức tấn công,
nên đã quyết định là trước khi kết thúc cuộc duyệt binh không phát thanh cái gì
cả. Rồi mãi đến phút cuối cùng, khi tới gần máy phóng thanh, Xtalin mới nhìn
trời đang đổ tuyết dày đặc và ra lệnh mở tất cả các đài phát thanh. Nhưng trong
lúc mệnh lệnh đó được truyền đạt và chấp hành thì lại mất thêm mấy phút nữa...
- Nhưng khi hiểu rằng đó là đồng chí ấy,
thậm chí tôi đã khóc...
- Sao thế?
- Tôi chẳng biết vì sao nữa. Bỗng nhiên
khóc... Mình có nằm không?
- Không. - Xerpilin nói.
Ông đang vô cùng xúc động nên không muốn
nằm. Bà vợ hiểu thế và không nài ép.
- Thôi được. Chỉ cần là tháo đôi bốt ra.
- Bốt rộng lắm.
- Rộng lắm thì thôi vậy. Chân mình có đau
không?
- Hết đau.
Xerpilin tháo bốt, đặt nó vào sát tủ áo rồi
chỉ để bít tất mà đi ngang qua cả căn phòng bệnh nhân và ngồi vào chiếc ghế
bành đặt xế chỗ bà vợ ngồi.
Valenchina không hề rời khỏi Maxcơva. Từ
đầu chiến tranh, bà làm nữ y tá trong một quân y viện ở sát cạnh nhà, cũng ở
đường phố Pirôgốpxkaia và khi Xerpilin được đưa về quân y viện “Timiriadepka”,
suốt trong năm tuần nay ngày nào bà cũng đi xe đến đây lúc thì buổi sáng, lúc
thì buổi chiều tùy theo phiên trực của mình.
Không hiểu là tại sao, tuy nhiên, có thể
hiểu là tại sao: tại vì sau mấy năm xa cách, cuối cùng bà đã gặp lại chồng, nên
suốt trong năm tuần đó Valenchina đã béo ra và tươi hẳn lên rồi từ một bà già
bị nỗi lo âu dằn vặt, với hình dáng đã khiến ông sửng sốt trong lần gặp gỡ sau
khi từ trại cải tạo trở về vào ngày đầu chiến tranh, bà lại biến thành một
người đàn bà tuy không trẻ nhưng vẫn xinh đẹp như mấy năm trước đây. Qua những
năm xa cách ông, mái tóc bà đã bắt đầu đốm bạc, đặc biệt là ở hai thái dương,
nhưng một hôm bà quyết định nhuộm tóc và đến thăm ông ở bệnh viện với mái tóc
không có sợi bạc nào. Nhưng khi Xerpilin bắt đầu chế giễu bà thì bà đã nói với
chồng, tuy không có ý giận dỗi nhưng với giọng trách móc, làm lòng ông đau
nhói:
“Sao? Mình muốn nói rằng tôi cố công vô
ích, để thế mình vẫn yêu chứ gì? Tôi biết. Giá mình thử không yêu xem! - Bà im
lặng giây lát và nói: - Thế nào, xóa bỏ những năm ấy rồi à?... Hay mình chỉ giả
vờ thôi?”
“Xóa bỏ rồi”, - Xerpilin nói và nói thực.
“Thế thì cả tôi cũng đã xóa bỏ rồi, - bà
nói và mỉm cười không vui vẻ lắm, - Chả là vì cái này của tôi có phải do tự
nhiên đâu, - bà sờ tóc. - Giá mà là do tự nhiên thì tôi đã không nhuộm đen trở
lại...”.
- Duyệt binh ra sao hả mình? - Valenchina
hỏi khi Xerpilin đã ngồi vào ghế bành.
Ông bèn kể cho bà nghe thoạt tiên về cuộc
duyệt binh, sau đó về cuộc trao đổi của mình ở bộ dân ủy hôm kia. Cũng chính
ngay hôm đó, ông đã gặp vợ. Nhưng lúc ấy, bà nổi giận tam bành vì việc ông đã
dậy và đi ra ngoài viện sớm trước thời hạn cho nên chả buồn nghe gì cả. Căn cứ
theo sắc diện của chồng, bà thấy hình như sau khi đi ra ngoài sớm trước thời
hạn như vậy, ông lại cảm thấy khó ở, mà trong những trường hợp ấy thì chẳng có
lý do gì thuyết phục được bà nữa.
“Giá mà mình nhận cả giấy tờ lẫn huân
chương chậm đi một tuần nữa thì cũng chẳng sao đâu! Thì cũng đã chẳng xảy ra
chuyện gì cả với mình và cả với những thứ đó!”, - bà khăng khăng không muốn
nghe lời chồng phân trần. Thậm chí hôm qua bà còn bỏ một hôm không đến thăm để
tó ý phản đối.
Nhưng bây giờ, sau cuộc duyệt binh, bà đã
không đủ sức để mè nheo chồng về việc hôm kia cũng như hôm nay.
Vào đầu câu chuyện, Xerpilin không bỏ qua
cái việc mà giá người khác ở vào địa vị ông, khi nói chuyện với một người nào
dó không phải là bà Valenchina chắc hẳn im lặng: ông kể cho vợ nghe cả ý kiến
kết luận bi đát của bác sỹ và cả việc Ivan Alếchxâyevíts (đó là tên của người
bạn cũ) dọa rằng sau khi xuất viện sẽ không điều ông ra mặt trận mà điều về hậu
phương để thành lập các đơn vị mới.
Ông kể lại tất cả những việc đó mà không hề
sợ hãi. Vì biết rằng mặc dầu lo lắng về sức khỏe của ông, bà vợ vẫn hiểu: không
được ra mặt trận sau khi xuất viện là một điều bất hạnh đối với ông, mà bà thì
không muốn cho chồng gặp điều bất hạnh. Ngược lại, bà chỉ muốn rằng bản thân
ông sẽ cầu được ước thấy trong mọi việc, dù cho bà phải chịu những nỗi lo âu
mới. Chính vì vậy cho nên ông mới yêu bà với một tình cảm lớn lao không hề già
cỗi, một tình yêu mà không phải ngày nào và dưới mái nhà nào số phận cũng ban
cho con người.
Ông kể lại tỉ mỉ cho vợ nghe cả cái phần
khác của cuộc trò chuyện, phần này cũng đã khiến cho ông buồn phiền, tuy là
buồn phiền theo một cách khác.
Đó là câu chuyện về sư đoàn 176 với số quân
còn sống sót lại mà ông đã chỉ huy sau khi Daitricốp chết, về số hiệu và lá
quân kỳ của sư đoàn đã được Smakốp đưa lên bộ tham mưu mặt trận.
Bây giờ, sau khi ra viện, sau mọi việc đã
xảy ra từ đó đến nay ở gần Viadơma và gần Maxcơva, cố nhiên Xerpilin không nói
đến cái việc mà đã có lúc ông định khăng khăng giữ ý kiến mình: việc giữ nguyên
sư đoàn cũ. Ông không phải là kẻ viển vông và biết rằng không thể làm như vậy
được, nhưng chính vì không thể được cho nên trong lòng ông còn lưu lại nỗi cay
đắng, và ông đã một phần nào làm trái ngược với lẽ phải, bắt đầu căn vặn Ivan
Alếchxâyevíts rằng lá cờ sư đoàn bây giờ ở đâu và nói là mặc dầu không thể thu
thập người cũ được nữa, nhưng nếu thành lập sư đoàn mới trên cơ sở lá quân kỳ
và số hiệu đó thì cũng tốt.
“Thôi được, chắc hẳn một sư đoàn như thế
mang số hiệu đó đang được thành lập”, - Ivan Alếchxâyevits thản nhiên đáp,
không hề giấu giếm là mình coi việc đó ít có ý nghĩa
“Điều quan trọng là sư đoàn phải có truyền
thống”, - Xerpilin nói.
“Quan trọng thì quan trọng đấy, nhưng bây
giờ ai sẽ làm việc này? Người ta định điều cậu đi, thế mà cậu lại không muốn
thành lập đơn vị mới, chỉ muốn nhận một sư đoàn đã có sẵn tiếp thu quyền chỉ
huy để thay thế một người đã chết hay không đủ khả năng và thế là ra trận! Vả
lại, tớ cũng ngờ rằng nếu chỉ định cậu thì cậu sẽ không hỏi căn hỏi vặn, ở đó
có cái gì và tình hình thế nào, mà lại sẽ hỏi là bao nhiêu người, bao nhiêu
súng ống, đóng ở đâu rồi đi tiếp nhận. Hay cậu định đo chân mình bằng cái khuôn
giày này còn chân người khác thì đo bằng cái khuôn khác?”.
“Cứ giả thử là như vậy. Nhưng các đơn vị có
lịch sử hay không, cậu nghĩ thế nào?”.
“Có, - Ivan Alêchxâyevíts nói. - Nhưng nói
đúng ra thì không nên bắt đầu lịch sử hôm nay từ ông Ađam và bà Eva, từ chỗ
người ta đã chuồn như thế nào...”.
“Chuồn đâu mà chuồn!”, - Xerpilin cất cao
giọng nói băm bổ.
“Tớ coi trọng những đau buồn của cậu. -
Ivan Alếchxâyevíts nói. - Hơn nữa, không phải chỉ riêng của cậu... Nhưng sự
thật vẫn là sự thật: hiện nay chưa có một sư đoàn nào có lịch sử kể lại cuộc
tấn công đến tận Kênixbe hay tệ nhất cũng đến Vácxôvi. Có lịch sử nói về việc
ta lùi tới tận Maxcơva. Phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật. Và trong lúc
đang chiến tranh, - ông ta nói một cách gay gắt và Xerpilin cảm thấy rằng ông
nói đúng, - và trong lúc đang chiến tranh, - ông nhắc lại, - thì chúng ta sẽ
ghi chép lịch sử kể từ khi chiến thắng! Từ những cuộc ra quân tấn công đầu
tiên. Trong lúc đang chiến tranh thì chúng ta phải nhớ lấy điều đó. Và phải
giáo dục anh em như vậy. Còn hồi ký về tất cả mọi chuyện có đầu có đuôi thì
chúng ta sẽ viết sau, vả lại cũng có nhiều điều không buồn nhớ lại nữa kia”.
“Này, - Xerpilin vươn người qua bàn và nhìn
thẳng vào mắt bạn. - Ngay trước hôm xảy ra chiến tranh, cậu đã ngồi đúng ở
cương vị này. Cậu hãy nói cho tớ nghe: tại sao lại đến nông nỗi là chúng ta
không biết? Mà nếu chúng ta biết thì tại sao các cậu không báo cáo? Mà nếu ông
ấy không nghe thì tại sao không bảo vệ ý kiến của mình đến cùng? Hãy nói cho tớ
nghe đi. Tớ không thể yên tâm được, tớ nghĩ về việc này từ ngày đầu ở ngoài mặt
trận. Tớ chưa hỏi ai cả, bây giờ hỏi cậu...”.
“Cậu hãy hỏi cái gì dễ hơn ấy!” - Ivan Alêchxâyevíts
đấm tay xuống bàn, hai mắt ông trở nên dữ tợn, đau khổ.
Xerpilin không bối rối trước cặp mắt ấy,
ông muốn hỏi thêm nữa, nhưng Ivan Alếchxâyevíts đã ngăn ông lại, ấn tay ông
xuống bàn vả nói giọng cương quyết gần như đe dọa:
“Im đi! Tớ không muốn nói dối, mà trả lời
thì không thể được! - Và ông ta hít một hơi tựa hồ như bị thiếu không khí rồi
hỏi với giọng khác hẳn: - Valenchina nhà cậu thế nào? Có khỏe không? Trông ra
sao? Khi cậu đang bị bao vây, bà ấy đã đến gặp tớ ở đây. Trông bà ấy mất hết thần
sắc...”.
Chính Xerpilin đã truyền đạt lại cho vợ
toàn bộ cuộc trò chuyện này với đủ mọi tình tiết, những tình tiết đã khiến ông
phải tái mặt khi kể lại, còn bà thì phải tái mặt khi nghe kể.
- Tôi không hiểu, - Xerpilin cúi mình sát
vào vợ và nhìn vào đôi mắt buồn bã của bà, khẽ nói. - Tôi không hiểu, tôi sẵn
sàng đấm vào ngực mình vì tôi không hiểu: làm thế nào mà một người như Xtalin
lại có thể không trông thấy trước những việc đã được chuẩn bị?! Tôi không tin
là họ không báo cáo.
- Còn đồng chí Xtalin thì trông ra sao? -
bà Valenchina hỏi, hoặc là muốn chuyển câu chuyện nặng nề này sang vấn đề khác,
hoặc là buông mình xuôi theo dòng suy nghĩ riêng.
Xerpilin trầm ngâm suy nghĩ.
- Trông ra sao à? Theo tôi thì bình thường.
- ở trên quảng trường đó, không hiểu thế nào mà thậm chí ông không nghe kỹ lắm
cái giọng ồ ồ mệt mỏi của Xtalin mà chỉ nhìn đồng chí ấy.
Xtalin đứng mà nói. Bọn Đức đang ở gần
Maxcơva, nhưng đồng chí ấy vẫn đứng trên Lăng Lênin mà nói. Nào quân đội đứng
trước Lăng, nào đây là cuộc duyệt binh ngày mồng bảy tháng mười một ở Maxcơva
và chính sự việc này đã chứa đựng cái điều chủ yếu mà Xerpilin cảm thấy trong
những giây phút đó. “Ừ, chắc cũng là tất cả những người khác nữa”, ông nghĩ
thầm.
- Đồng chí ấy phải chịu đựng tất cả những
điều đó thì thật là nặng nề! - bà Valenchina nói.
Xerpilin nhìn vợ và nghĩ rằng cuộc tranh
cãi cũ giữa hai người vẫn tiếp tục. Bên nào cũng giữ ý kiến mình và không nói
với nhau một lời nào, họ lặng lẽ tranh luận về điều đó cả khi ngồi với nhau và
cả khi chỉ có một mình, họ đã tranh luận đến nay không phải là năm đầu tiên.
Xerpilin biết là vợ mình tin tưởng hết sức
sâu sắc rằng tất cả những chuyện xấu trước đây và hiện nay đều diễn ra ngoài ý
kiến của Xtalin, chỉ vì đồng chí ấy không biết chuyện đó hay người ta đã nói
với đồng chí ấy điều gì không đúng về những chuyện đó, đến nỗi khiến cho đồng
chí ấy đã làm không đúng như đáng lẽ phải làm; bà nghĩ vậy thậm chí trong cả
những năm tháng mà người ta đã cướp mất chồng bà.
Bản thân Xerpiiin lại nghĩ khác.
Ông đã biết Xtalin từ lâu: từ hồi ở
Xarixưn. Cho nên. ông không thể dễ dàng gì bắt mình hình dung được rằng thế nào
mà một con người như vậy lại có thể bị lừa bịp, bị xỏ mũi, bị bắt buộc phải làm
một việc gì trái với ý mình, mà bản thân không muốn làm. Xerpilin tưởng rằng
ông hiểu rõ Xtalin là một người như thế nào và còn biết tất cả sự đánh giá của
Xtalin đối với quân đội và tất cả những gì mà Xtalin đã làm cho quân đội, cho
nên ông có cảm tưởng rằng mình không thể tưởng tượng nổi tại sao lại có thể xảy
ra những chuyện như vậy với quân đội trong những năm ba mươi bảy và ba mươi
tám. Ai cần những chuyện đó? Làm thế nào mả Xtalin lại có thể để đến nỗi xảy ra
những chuyện đó?..
Còn tình hình ngày đầu chiến tranh? Vả lại,
đó là sau khi Xtalin đã thấy trước vụ Muyních, sau khi đồng chí ấy đã ký kết
bản hiệp ước với quân Đức năm ba mươi chín, để đừng cho bọn Anh - Pháp một lần
nữa biến người Nga chúng ta thành bia thịt cho đại bác!... Rồi sau khi đã xảy ra
mọi việc ấy bỗng nhiên chúng ta lại tiếp nhận chiến tranh một cách như vậy! Sao
có thể xảy ra điều đó?
- Phải, - im lặng một lát, Xerpilin nói. -
Đồng chí ấy không sao cả đâu, trông không đến nỗi, trông không đến nỗi. - ông
nhắc to lại lần nữa... - Chỉ phải cái hơi già đi..
Nói xong, ông nghĩ thầm rằng chẳng bao giờ
và chẳng đối với ai mình lại đang có và chắc hẳn sẽ có những tình cảm trái
ngược đau lòng đến thế đối với Xtalin. con người mà hôm nay lại vừa làm một
việc mà ở địa vị đó chả mấy ai dám làm: mặc dù đang có tám chục sư đoàn quân
Đức ở trước cửa ngõ Maxcơva, vẫn tổ chức cuộc duyệt binh này...
Đúng mười hai giờ, sau khi kết thúc cuộc
duyệt binh và Hồng trường trở nên vắng ngắt, trung đoàn thứ 93 thuộc sư đoàn bộ
binh thứ 31, đơn vị công tác của hạ sĩ Xintxốp, đã cho một tiểu đoàn tham gia
vào trận chiến đấu ban đêm để chiếm làng Cudơkôvô ở cách Hồng trường đúng tám
chục cây số về phía tây nam, tính theo đường chim bay. Theo dự định, trung đoàn
bộ thuộc thê đội hai phải đóng đúng trong cái làng Cudơkôvô hậu cứ này, nhưng
trong thực tế mọi việc đã diễn ra khác đi.
Ngay từ sáng, khi cuộc duyệt binh đang được
cử hành trên Hồng trường, bọn Đức đã cùng một lúc đánh vào mấy chỗ trên cái
phòng tuyến rải mành mành bảo vệ khu vực mặt trận ấy của một sư đoàn đã mất mát
vì những trận chiến đấu lâu dài. Thoạt tiên, chúng không làm nên trò trống gì:
hỏa lực đã chặn chúng lại, nhưng chúng tung thêm quân ra, thọc nữa và rút cục
đã chọc thủng mặt trận và suốt một ngày đã tiến được năm cây số, chiếm được ba
làng trong đó có cả Cudơkôvô. Trung đoàn này đã được diễu từ Maxcơva đến, vừa
lúc trời sắp tối, và đã đệm lưng cho các đơn vị rút lui. Nó nhận được lệnh nội
trong đêm đó phải khôi phục lại tình hình. Không chiếm lại được hai làng kia
nhưng đến mười hai giờ đêm, để chấp hành mệnh lệnh, một tiểu đoàn thuộc trung
đoàn bộ binh 93 cùng một đại đội xe tăng thuộc lữ đoàn xe tăng thứ 17 của trung
tá Klimôvíts đã đánh bật quân Đức ra khỏi làng Cudơkôvô.
Cudơkôvô là điểm cuối cùng trong cuộc tiến
quân một ngày của bọn Đức. Mãi gần tối, chúng mới chiếm được làng và chưa kịp
chuẩn bị công sự. Mệnh lệnh của bộ chỉ huy Đức không cho phép lùi một bước nghe
cũng có vẻ cương quyết như mệnh lệnh của bộ tư lệnh quân ta yêu cầu dù thế nào
cũng phải chiếm bằng được Cudơkôvô, nhưng thông thường khi hai mệnh lệnh như
vậy được ban bố cùng một lúc và gặp nhau ở cùng một điểm trên mặt trận thì chỉ
một trong hai lệnh đó sẽ được chấp hành. Chủ yếu là nhờ có xe tăng xuất hiện
bất ngờ, cho nên đã chiếm được Cudưkôvô mà không bị thương vong nhiều. Bọn Đức
cho rằng ở khu vực này của mặt trận chẳng có xe tăng và quả là buổi sáng chưa
có thật.
Sau đợt bổ sung, từng tiểu đoàn trong sư
đoàn đều thành lập một trung đội trang bị súng tiểu liên. Xintxốp được phiên
chế vào trung đội này lảm tiểu đội trưởng và anh đã cùng các chiến sĩ tiểu liên
khác bám sát theo xe tăng tiến ngay vào làng Cudơkôvô. Các chiến sĩ xe tăng
nhân đà tiến mà tràn thẳng vào Cudơkôvô; đêm ấy có trăng, đường làng ngập tuyết
trắng xóa, và khi quân Đức bắt đầu lao ra khỏi nhà và tháo chạy thì phần lớn đã
bị bắn gục.
Tiểu đoàn vội vàng đào công sự ở trước làng
Cudơkôvô, tiểu đoàn bộ đóng trong làng, còn các chiến sĩ tiểu liên thì được
dành cho hai ngôi nhà gỗ cạnh sở chỉ huy. Hôm nay, họ đã làm nên chuyện và cùng
với các chiến sĩ xe tăng họ cảm thấy mình là những người anh hùng của cái ngày
hôm ấy. Còn việc họ được phép nghỉ và không phải đào công sự trong tuyết ngoài
đồng ngay đêm hôm ấy như những anh em khác càng làm cho họ phấn khởi thêm.
Ngôi nhà gỗ ở cạnh hai ngôi nhà của các
chiến sĩ tiểu liên tạm trú đêm đó, đã bị dốt cháy từ khi quân Đức đến chiếm
làng. Có mấy xác chết nằm dưới những khúc gỗ bị cháy. Ban đầu, khi thấy đống
tro tàn, các chiến sĩ tiểu liên tưởng rằng quân Đức đã thiêu sống anh em tù
binh. Nhưng sau đó, họ lôi ở dưới những khúc gỗ ra ba khẩu súng trường bị cháy
và một khẩu tiểu liên với cái báng đã bị thiêu thành than.
Trong làng không có dân; chỉ còn cách là
đoán mò về những việc đã xảy ra ở đây lúc ban ngày.
- Chắc rằng họ bắn trả lại. không muốn đầu
hàng, nhưng quân Đức đã đốt ngôi nhà, - có người nói.
- Ừ, nếu đã có súng thì không phải là tù
binh.
Một chiến sĩ tiểu liên lau chùi hồi lâu
khẩu tiểu liên lôi trong đống tro tàn ra; lau đi chùi lại mãi và rút cục anh ta
nhổ toẹt một cái, bực mình để nó sang bên.
- Sao? - anh em hỏi.
- Chả nhẽ cậu lau sạch được ngay à? Cả một
lớp vảy sắt, chắc là nóng ghê lắm đây.
- Ừ, nóng ra trò! - có người định đùa,
nhưng không được hưởng ứng.
Mặc dầu trận đánh ban đêm đã thắng lợi dễ
dàng, đống tro tàn và xác những anh em bị thiêu sống ở bên cạnh họ dẫu sao vẫn
khiến cho lòng mọi người đau nhói, ít nhiều tùy theo bản tính. Một số phận vô
định giống hệt như thế cũng có thể đang chờ đợi cả chính họ trong trận chiến
đấu khác: cũng có thể sẽ xảy ra trường hợp chỉ còn lại những xác chết với súng
ống đã bị cháy và không ai có thể nói cho ai biết được việc ấy đã xảy ra như
thế nào...
Ngọn lửa lờ mờ của những thanh củi tươi
đang vừa cháy trong lò vừa sủi bọt xèo xèo, nổ lép bép, soi sáng ngôi nhà gỗ
không người ở, chắc là đã bị bỏ hoang từ lâu. Mấy người đang nằm ngủ ở ven
tường và dồn sát vào nhau cho ấm. Những người còn lại, trong đó có Xintxốp, thì
đang ngồi bên bếp lửa. Người ta hồi tưởng lại buổi sáng. Hồng trường, khán đài
đầy những người, Xtalin mặc capốt và từ trên Lăng Lênin nói... Tuy mọi việc đó
có thực nhưng gần như không thể tin được rằng việc đó vừa mới diễn ra ngay buổi
sáng hôm nay thôi.
- Tiếc rằng không tóm được thằng Phritx
nào. - anh chàng chiến sĩ tiểu liên tên là Kômarốp nói. Khi duyệt binh, anh ta
đã đứng cạnh Xintxốp, còn bây giờ thì cùng đang ngồi sát ngay bên anh.
- Thế giá mà vớ được nó thì cậu sẽ làm gì
nó? Muỗi? - người chiến sĩ đang lau khẩu tiểu liên cháy liền hỏi.
[Tiếng Nga “komar” là muỗi. Ở đây Lêônhiđốp
đã chơi chữ, có ý nói về họ của anh chàng chiến sĩ Kômarốp đồng thời ám chi
rằng tầm vóc anh ta là thấp bé]
Đó là một người gày, cao, gân guốc, thể lực
dồi dào, trông trạc hơn hai mươi. Họ anh ta rất đẹp: Lêônhiđốp. Năm hôm trước
đây, khi Xintxốp mới quen anh, thì chính anh đã tự giới thiệu. “Còn họ tôi thì
đẹp lắm: Lêônhiđốp”, - và cười khẩy khiến người ta không hiểu rằng anh nói thật
hay nói đùa.
- Sao thế, Muỗi, sao lại làm thinh? Giả thử
bây giờ cậu bắt được một thằng Phritx thì cậu sẽ làm gì nó?
- Thì tớ sẽ giải thích cho hắn về cuộc
duyệt binh; hõm nay chúng ta đã dự duyệt binh vả đồng chí Xtalin đã phát biểu.
- Thế cậu làm thế nào mà giải thích được?
Sao, cậu biết tiếng Đức à?
- Tớ sẽ có thông ngôn chứ.
- Thế thì được. Người ta sẽ cho cậu một
thông ngôn và cậu sẽ giải thích. Nhưng sau đó thì sao nữa?
- Tớ sẽ thả nó ra.
- Sao-sao? Thả ra à?
- Chứ sao nữa. Cho hắn về với bọn hắn và kể
chuyện lại.
- Thế là cậu sẽ thả sống à?
- Chứ sao, cố nhiên là không thả chết.
- Úi chà, hạ sĩ ạ. ông hạ hai thằng Đức ở
cạnh nhà thờ cũng cừ đấy. Trong lúc băng đạn của mình trong đĩa đã hết, mình
tưởng rằng chúng nó sẽ chạy khuất vào sau gò, nhưng ông đã hạ chúng ngay ở đó,
- người chiến sĩ tiểu liên thứ ba, binh nhất Puđalốp, cắt đứt cuộc tranh cãi và
quay sang nói với Xintxốp .
Xintxốp cũng biết anh ta đã ba, mà không,
những bốn hôm rồi kia và đã kịp nhận xét thầm rằng cái anh chàng này tuy là một
chiến sĩ cần cù nhưng không hiểu sao đôi khi bỗng cố công phục dịch cả một cấp
thủ trưởng hạng xoàng như tiểu đội trưởng. Quả thực Xintxốp có dùng tiểu liên
hạ tên Đức đang chạy ở bên nhà thờ đằng kia, nhưng chỉ một tên chứ không phải
hai; tên kia đã chạy thoát. Pađulốp cũng biết vậy, nhưng rõ ràng là anh ta cho
rằng nịnh tiểu đội trưởng không phải là một điều xấu.
- Thằng thứ hai chuồn mất, - Xintxốp nói. -
Tớ chỉ còn lại một ít đạn trong đĩa.
- Tiện đây xin nói là bọn Đức chạy trốn xe
tăng bán sống bán chết mà chẳng rõ đầu cua tai nheo ra sao cả, - Lêônhiđốp nói.
Trên bộ mặt gầy gò, bé quắt của anh ta thoáng một nét cười nhếch mép tàn nhẫn.
- Ái chà, chỉ cần nhiều xe tăng để cho mọi người có thể cùng ngồi vào xe và rồi
cứ thế mà nghiền nát chúng. Pextrác, này Pextrác! - anh bắt đầu dùng cùi tay
thúc vào người lính cao lớn ngồi bên cạnh đã ngủ thiếp đi, cái đầu mệt mỏi ngả
vào tường
Gương mặt của người lính nom trẻ trung,
sạch sẽ, đẹp trai. Nhưng ngay cả trong lúc đang ngủ, anh ta vẫn biểu lộ một vẻ
mệt mỏi đến nỗi Xintxốp đâm ra thương hại: đánh thức Pextrác dậy làm gì?
- Cứ để cho cậu ấy ngủ, - anh nói.
- Khô-ô-ô-n-g, để cậu ấy kể cho mà nghe
chuyện cậu ấy sợ chiếc xe tăng của ta như thế nào. Chiếc xe tăng vừa chạy ngang
qua chúng tớ, thế mà cậu ấy té nhào ngay vào cồn tuyết và nằm sóng soài, không
động đậy… Pextrác. này Pextrác!
Nhưng Pextrác cứ ngủ, còn cái vẻ mệt mỏi rã
rời trên gương mặt anh ta thì không phải do anh mệt hơn những người khác mà
trái lại anh còn trẻ và khỏe hơn nhiều người nữa kia, nghĩa là cái vẻ mệt mỏi
trên gương mặt anh là do ảnh hưởng của tất cả những gì anh đã trải qua suốt
ngàv hôm ấy. Tuy người ta chỉ lấy vào trung đội tiểu liên phần lớn những người
đã tham gia chiến đấu, nhưng hôm nay Xintxốp hiểu rằng Pcxtrác mới chiến đấu
lần đầu, mặc dầu được biên chế vào đơn vị sau khi đã bị thương. Tuy nhiên, việc
này có gì đáng ngạc nhiên. Chả nhẽ một người trước khi được tận mắt trông thấy
quân thù lần đầu hay ít ra cũng được đứng ở xa mà bắn vào chúng lại ít khi bị
thương hay sao.
Xintxốp ngồi bên lò sưởi, nhìn anh em trong
tiểu đội mình đang ngủ và đang ngồi sưởi ở cạnh anh, và anh nghĩ rằng trong số
anh em này mình biết Lêônhiđốp lâu hơn cả: những năm ngày, còn người mà anh
biết ít nhất là Pextrác: vẻn vẹn mới hai hôm. Anh nhìn họ và nghĩ rằng trong suốt đời mình, anh chưa hề có
ngần ấy cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, ngần ấy tình đồng chí keo sơn, ngần ấy buổi
chia ly vĩnh biệt với ngần ấy con người, như suốt trong trong năm tháng trời
chiến tranh vừa qua. Nào anh đại úy pháo binh trong khu rừng gần Bôrixốp; nào
ông chính ủy tiểu đoàn biên phòng bị chết bom, nào ông đại tá ở Ocsa đã cùng
anh tìm tàu đi Môghilép, nào người phi công của chiếc máy bay ném bom; nào anh
đại úy xe tăng mà anh đã gặp lần thứ hai ở gần Ennha và rồi lại mất hút; nào
Khôrưsép mà anh đã làm chính trị viên ở đại đội anh ta; nào Dôlôtarép đã cùng
mình đi đến chỗ quân ta và nếu còn sống thì là người độc nhất trên đời này có
thể xác nhận rằng Xintxốp chỉ nói toàn sự thật về mình từ đầu chí cuối... Còn
Kôlia Baiukốp? Cậu ấy còn sống không, đang bình phục hay đã mãi mãi trở thành
tàn tật? Và Baiukốp ở đâu, nên viết thư tới đâu cho cậu ấy để nói về chuyện cậu
ấy được thưởng huân chương?
Mà làm thế nào bây giờ? Xung quanh luôn
luôn có người biến đi, có kẻ khác đến, nếu không thì đã không phải là hỏa
tuyến. Đã và sẽ cứ thế thôi.
- Sao nhỉ, các cậu ơi, liệu có ngủ không? -
Để xua đuổi tất cả những ý nghĩ không đúng lúc đó. Xintxốp nói.
Anh em chiến sĩ tiểu liên bắt đầu đi nằm.
Xintxốp cũng sắp sửa nằm thì cửa lớn bỗng mở ra và Malinin bước vào căn nhà gỗ.
- Tình hình thực phẩm thế nào?
Xintxốp nói là vẫn còn khẩu phần lương khô
cho ngày mai.
- Mờ sáng chúng ta sẽ vận chuyển bếp đến, -
Malinin nói. - Nghỉ di. Làm ăn tốt, lương tâm trong sạch, thế là có thể ngủ
được
Malinin cởi chiếc móc trên cùng của tấm áo
lông ngắn, thò tay vào dưới ngực áo và móc ra một tờ giấy kẻ ô vuông trong vở
đã gấp làm tư.
- Cậu còn nhớ là chúng mình nói gì trên
Hồng trường chứ?
- Nhớ chứ.
- Này. Mình vừa viết ở đây cho cậu đấy. Kèm
vào lá đơn nhé.
- Cám ơn.
- Mình viết cho cậu không phải vì lời cám
ơn. - Malinin nói, - mà vì mình tin cậu. Trong đại đội của chúng ta chỉ còn lại
hai đứa mình. Cậu và mình. Ai có thể nghĩ rằng số phận lại như vậy!
Trong giây phút đó, đôi mắt ông có cái gì
khiến Xintxốp phải nghĩ thầm: “Tất cả đều muốn sống. Cả Malinin cũng thế”.
- Thôi được, tạm biệt nhé.
Xintxốp muốn tiễn chân ông ta, nhưng
Malinin bực tức xua tay và đi ra.
Xintxốp ghé ngồi xuống bên lò sưởi và giờ
tờ giấy xé trong cuốn vở ra, đọc những giòng chữ đầu tiên dưới thứ ánh sáng yếu
ớt đang tàn lụi: “Tôi, Malinin Alếcxây Đênixứts. Đảng viên đảng cộng sản toàn
Nga (bônsêvich) từ năm 1919, xin phát biểu ở đây ý kiến của tôi…”.
Xintxốp đọc đến cùng, đến những lời mà vào
thời bình chắc khó mà chờ đợi được ở Malinin: “Tôi có thể nhân danh cá nhân xác
nhận quá khứ của đồng chí ấy chỉ kể từ tháng mười năm nay, nhưng tôi xin bảo
lĩnh cho đồng chí ấy, như cho bản thân mình vậy”. Anh lại gấp tờ giấy làm tư,
nhét vào túi áo quân phục mùa nóng rồi chợt nghe tiếng xe tăng chạy ầm ầm trên
đường phố, anh liền đi ra ngoài.
Trăng vằng vặc chiếu sáng con đường làng.
Một chiếc “ba mươi tư” đỗ cạnh căn nhà; một chiến sĩ xe tăng đứng trong chòi
súng đã mở cửa nắp.
- Nàv, lính bộ binh! Có gì hút không?
- Có. - Xintxốp trả lời và bước đến gần
chiếc xe tăng, móc trong túi áo choàng lông ngắn ra một nửa bao Belômôra còn
lại từ khi được phát, nhân dịp lễ duyệt binh ở Maxcơva.
- Phải đòi nợ các cậu, vì nếu không có lính
tăng thì có lẽ quân Phritx trong cái làng Kudơkôvô này đã cho các cậu thấy ông
bà ông vải! Một điếu cho thằng em nhé. Không phản đối chứ?
- Được. - Xintxốp đồng ý
Anh chiến sĩ xe tăng thụt vào trong cửa
nắp, chắc là để đưa thuốc cho người thợ máy lái xe. Rồi anh ta lại hiện ra
trong chòi súng và trả bao thuốc cho Xintxốp
- Cám ơn.
- Sao, các cậu đi đấy ư? - Xintxốp hỏi.
- Đi đây. Không có chúng tớ các cậu cũng
không để mất làng này chứ?
- Chứ sao nữa, - Xintxốp nói.
- Mà nếu thấy yếu gân thì cứ trèo lên gác
chuông và gõ ầm lên nhé! Chúng tớ sẽ nghe tiếng và kéo đến. - Và anh ta gọi to
vào trong xe: - Pêchia, mở máy, đi thôi!
Xe tăng rú ga và chạy dọc theo đường làng
sáng ánh trăng, để lại đằng sau hai vết hằn dài trên tuyết.
Xintxốp đứng dựa vào bức tường của căn nhà
gỗ và trông theo hút chiếc xe cho tới khi nó khuất vào sau chỗ ngoặt, mà vẫn
không biết rằng cái số phận tàn nhẫn và éo le của thời chiến suýt nữa đã cho
anh gặp lại một con người mà anh đang hết sức cần gặp đó là Dôlôtarép, người
lái chiếc xe tăng vừa mới rồi, đó chính là người mà một phút trước đây anh
chàng lính tăng kia đã gọi: “Pêchia, mở máy, đi thôi!”
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét