Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử - Chương 1

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử

Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014

Giới thiệu

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử - cuốn tiểu thuyết mới đầy chuyện li kì quái dị của Jonas Jonasson, tác giả của “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”.
Nombeko được sinh ra trong một căn lều bé tí tẹo ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi. Ngay từ lúc nhỏ xíu, cô đã mau chóng hiểu rằng thế gian này chẳng hứa hẹn gì với cô ngoài việc cô hoặc chết sớm, vì ma túy, vì rượu hay chỉ vì đơn giản là tuyệt vọng vì màu da châu Phi. Thay vì thế, Nombeko có những kế hoạch vĩ đại hơn nhiều. Cô tự học đọc học viết, bằng mưu mẹo và sự liều lĩnh đáng kinh ngạc, cô thoát khỏi khu ổ chuột với những viên kim cương lậu bạc triệu.
Đời cô là chuỗi sự cố điên khùng nối tiếp điên khùng. Cô chẳng hề muốn sống đời nô lệ ở đất nước phân biệt chủng tộc nhưng cũng chẳng mong mình trở thành cố vấn bất đắc dĩ cho dự án bom nguyên tử. Vậy mà cô phải làm cả hai với trí tuệ siêu việt về tính toán. Nhưng không gì có thể ngăn cản cô lập kế hoạch trốn thoát tới Thụy Điển, nơi cô gặp cặp sinh đôi Holger, mà một trong số đó nuôi âm mưu làm cách mạng lật đổ vương triều.
Cuộc đời Nombeko đan cài đầy tréo ngoe vào cuộc đời của cặp sinh đôi, và khi cặp đôi dàn xếp vụ bắt cóc vua và thủ tướng Thụy Điển thì điệp vụ giải cứu đã sẵn đợi nữ người hùng ra tay - để cứu cả thế giới khỏi thảm họa. Quả bom nguyên tử sẽ hoàn tất sứ mệnh của nó ở đâu, hay là trong tay một siêu cường có nhu cầu?
Cuốn sách ăn khách toàn cầu của Jonas Jonasson - Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử - khiến người đọc phấn khích về cách đùa với các nhân vật lịch sử có thực và các câu chuyện chính trị sặc mùi thuyết âm mưu ở thế giới này.

Phần thứ nhất

Sự khác biệt giữa ngu ngốc và thiên tài là thiên tài còn có giới hạn.
- Vô danh -

Chương 1: Thoát khỏi túp lều nhờ người đàn ông đã chết

Mấy người dọn nhà vệ sinh ở khu ổ chuột lớn nhất Nam Phi cũng còn may chán. Dù sao thì họ vẫn có công ăn việc làm và mái nhà che nắng mưa.
Nhưng mà từ góc độ thống kê thì họ không có tương lai. Hầu hết sẽ chết sớm vì lao, viêm phổi, tiêu chảy, ma túy, rượu, hoặc cả mấy thứ đó. Chỉ một hai người trong số họ sống được đến năm mươi. Như bác quản lý một trong những nhà vệ sinh ở Soweto chẳng hạn. Nhưng bác ta bệnh tật và tã lắm. Từ sáng ngày ra, bác đã tống vô tội vạ thuốc giảm đau và ngập trong bia bọt. Kết quả là, bác đã chửi như tát nước vào mặt ngài đại diện của Sở Vệ sinh môi trường thành phố Johannesburg đang rời văn phòng đi công cán. Đã nhọ lại còn không biết thân biết phận. Vụ việc được báo cáo tuốt lên giám đốc chi nhánh ở Johannesburg, ông này sáng hôm sau, giữa giờ nghỉ uống cà phê với đồng nghiệp bèn tuyên bố, đã đến lúc phải thay bọn mù chữ trong ngành này đi.
Tình cờ đó là một chầu cà phê sáng vui vẻ bất ngờ. Có cả bánh ngọt để đón mừng một cậu trợ lý môi trường mới. Tên cậu là Piet du Toit, hai mươi ba tuổi, và đây là công việc đầu tiên của cậu khi vừa chân ướt chân ráo ra khỏi trường đại học.
Theo lệ thường ở thành phố Johannesburg, nhân viên mới phải lãnh ngay vụ Soweto. Cậu lính mới tò te bị giao cho giải quyết đám mù chữ, kiểu như để cứng cựa lên.
Chẳng ai biết liệu cả đám dọn nhà vệ sinh ở Soweto mù chữ thật hay không, nhưng họ cứ bị gọi như thế. Dù sao thì chẳng ai trong đám đó được đến trường. Tất cả sống trong lều. Và phải chật vật kinh khủng họ mới hiểu được người ta bảo mình cái gì.
* * *
Piet du Toit cảm thấy không thoải mái. Đây là lần đầu tiên cậu phải đến chỗ bọn man rợ. Cha cậu, một nhà buôn tranh, đã cử một vệ sĩ đi cùng để bảo vệ cậu ấm.
Cậu chàng hai mươi ba tuổi bước vào nhà vệ sinh và ngay lập tức phàn nàn về mùi. Ngồi sau cái bàn là bác quản lý nhà vệ sinh, một trong những người sắp bị sa thải. Bên cạnh bác ta là một con bé gái. Trước sự ngạc nhiên của chàng trợ lý, con bé mở miệng đốp luôn rằng đây thực sự là một đặc điểm không may của cứt - nó có mùi.
Piet du Toit thoáng băn khoăn không biết con bé có định chế nhạo mình không, nhưng chắc không phải thế.
Cậu cho qua. Thay vào đó, cậu bảo bác quản lý nhà vệ sinh rằng bác bị mất việc do cấp trên quyết định, nhưng bác có thể nhận được ba tháng lương nếu đề cử được đủ số ứng viên cho công việc đang trống chỗ đó.
- Tôi có thể trở lại làm người dọn nhà vệ sinh thường xuyên và kiếm tí tiền theo nghề đó không? - Bác quản lý vừa bị sa thải thắc mắc.
- Không, - Piet du Toit đáp. - Bác thì không được.
Một tuần sau cậu trợ lý du Toit và vệ sĩ quay trở lại. Bác quản lý bị sa thải đang ngồi sau bàn làm việc, chắc là lần cuối cùng. Đứng cạnh bác là con bé lần trước.
- Thế ba ứng cử viên của bác đâu? - Cậu trợ lý hỏi.
Bác già bị sa thải xin lỗi; hai người không đến được.
Một người bị cắt cổ trong vụ đâm chém nhau tối hôm qua. Người thứ hai thì bác không biết. Có thể anh ta bị tái phát.
Piet du Toit chẳng cần biết tái phát cái gì. Cậu muốn phắn đi lắm rồi.
- Thế ứng cử viên thứ ba của bác đâu? - Cậu giận dữ hỏi.
- Sao, tất nhiên là con bé bên cạnh tôi đây. Mấy năm nay, nó đã giúp tôi đủ thứ. Phải nói nó là đứa thông minh.
- Chúa ơi, làm sao tôi lại tuyển một con bé mười hai tuổi làm quản lý nhà vệ sinh được chứ? - Piet du Toit kêu lên.
- Mười bốn, - con bé nói. - Và em có chín năm kinh nghiệm rồi.
Mùi hôi thối đến độ ngạt thở. Piet du Toit sợ nó sẽ ám vào bộ vest của mình.
- Cô đã bắt đầu chơi thuốc chưa? - Cậu hỏi.
- Chưa, - con bé nói.
- Có bầu không?
- Không, - con bé đáp.
Cậu trợ lý im lặng vài giây. Cậu thật chẳng muốn trở đi trở lại chỗ này tẹo nào, nếu không có việc gì cần.
- Tên cô là gì? - Cậu hỏi.
- Nombeko, - con bé đáp.
- Nombeko gì?
- Mayeki, chắc thế.
Chúa ơi, bọn họ thậm chí chẳng biết họ của chính mình nữa.
- Thế thì, tôi cứ cho là cô đã được nhận vào làm, nếu cứ giữ đầu óc tỉnh táo, - cậu trợ lý nói.
- Được ạ, - con bé đáp.
- Tốt.
Rồi cậu trợ lý quay sang người quản lý bị sa thải.
- Chúng tôi đã nói là ba tháng lương cho ba ứng cử viên. Cho nên một ứng cử viên thì được một tháng lương. Trừ đi một tháng vì bác không kiếm nổi ai ngoài một đứa mười hai tuổi.
- Mười bốn, - con bé nói.
Piet du Toit bỏ đi không một lời tạm biệt. Vệ sĩ đi sau cậu hai bước.
Cô bé vừa trở thành sếp của sếp mình cám ơn bác đã giúp đỡ và tuyên bố bác được lập tức phục hồi thành trợ lý đắc lực của cô.
- Thế còn Piet du Toit thì sao? - Sếp cũ của cô hỏi.
- Mình chỉ cần đổi tên bác thôi; cháu chắc lần sau tay trợ lý chẳng nhận ra đâu, ai cũng đen xì cả.
Cô bé mười bốn tuổi trông chỉ như mười hai nói.
* * *
Người quản lý nhà vệ sinh mới được bổ nhiệm của Khu vực B ở Soweto chưa bao giờ được đi học. Vì mẹ cô còn có những chuyện cần ưu tiên khác, và cũng vì cô sinh ra ở Nam Phi, mà ở nước nào chả thế, nhất là vào những năm đầu thập niên 1960, khi các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng rằng lũ nhóc như Nombeko không tính. Ngài Thủ tướng lúc đó đã nổi tiếng nhờ đặt câu hỏi cường điệu rằng tại sao người da đen cần đi học khi họ chẳng làm được trò trống gì ngoài khiêng gỗ và nước.
Về nguyên tắc ngài đã lầm, vì Nombeko khiêng cứt chứ không phải gỗ hay nước. Tuy nhiên, chẳng có lý do để tin rằng cô gái bé nhỏ này lớn lên sẽ giao du với các vị vua và tổng thống. Hoặc để gieo nỗi sợ hãi cho các nước. Hay gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thế giới nói chung.
Nếu được thế thì cô đã không phải là người như bây giờ.
Nhưng, tất nhiên cô là thế.
Bên cạnh những phẩm chất khác, cô là một đứa bé chăm chỉ.
Ngay từ lúc năm tuổi cô đã vác cái thùng phân lớn bằng người mình. Bằng cách trút sạch các thùng phân, cô kiếm được vừa xoẳn số tiền mẹ cần để bảo con gái mỗi ngày mua một chai dung môi pha loãng chứa cồn. Mẹ cô lấy cái chai, bảo “cảm ơn con gái yêu”, vặn nắp, và bắt đầu xoa dịu nỗi đau khôn cùng vì bất lực không lo nổi tương lai cho chính mình hay cho con. Cha của Nombeko đã không bén mảng đến gần con gái mình kể từ hai mươi phút sau khi thụ tinh.
Khi Nombeko lớn hơn, có thể dọn nhiều thùng phân hơn mỗi ngày thì số tiền đủ để mua nhiều dung môi pha loãng hơn. Thế là mẹ có thể bổ sung thêm thuốc và rượu vào hỗn dịch này. Nhưng cô con gái, nhận ra rằng không thể cứ như thế này mãi được, đã nói với mẹ rằng bà phải lựa chọn hoặc cai thuốc, hoặc chết.
Mẹ cô gật đầu thấu hiểu.
Đám tang khá đông người dự. Thời đó có rất nhiều người dân ở Soweto cả đời chỉ làm hai việc chính: tự giết dần giết mòn bản thân và nói lời vĩnh biệt với những người vừa thành công trong nỗ lực đó.
Mẹ Nombeko qua đời khi cô được mười tuổi và như đã nói, ông bố vắng mặt. Cô con gái đã định kế tục mẹ: tạo cho mình một lá chắn thường trực bằng hóa chất để chống lại thực tế.
Nhưng khi nhận được khoản tiền lương đầu tiên sau cái chết của mẹ, cô đổi ý, mua một cái gì đó để ăn. Và khi đã đỡ đói, cô nhìn quanh, tự nhủ: “Mình đang làm gì ở đây nhỉ?”
Đúng lúc đó, cô nhận ra mình chẳng có lựa chọn nào thay thế ngay được. Mười tuổi lại mù chữ chẳng phải là ứng viên sáng giá trên thị trường lao động Nam Phi. Hay kể cả hạng hai đi nữa. Và ở vùng này của Soweto thì chẳng có thị trường lao động nào sất, người thất nghiệp đầy ra nhan nhản.
Nhưng người cùng khổ nhất trên trái đất này thì vẫn phải ỉa, vì vậy Nombeko vẫn có cách kiếm tiền còm. Khi mẹ cô đã chết và chôn cất xong, cô có thể giữ tiền lương để sử dụng riêng. Để giết thời gian trong khi kéo và vác thùng, cô bắt đầu đếm thùng từ khi mình mới lên năm: “Một, hai, ba, bốn, năm...”.
Khi lớn lên, cô làm các bài tính khó hơn để đỡ chán: “Mười lăm thùng nhân ba chuyến nhân bảy người khiêng, với một người ngồi đó không làm gì cả vì say quá... là... ba trăm mười lăm”.
Mẹ Nombeko chẳng biết trời trăng gì ngoài chai dung dịch cồn pha loãng của mình, nhưng bà đã thực sự phát hiện ra là con gái mình biết cộng và trừ. Vì vậy, trong năm cuối đời, bà bắt đầu nhờ cô mỗi lần giao các viên thuốc màu sắc và nồng độ khác nhau đem chia cho các lều. Một chai chất pha loãng thì chỉ là một chai. Nhưng phải phân phối những viên thuốc 50, 100, 250 và 500 miligam sao cho đúng ý và đúng giá thì nhất thiết phải biết phân biệt giữa bốn loại số học. Và một đứa trẻ mười tuổi có thể làm thế. Rất nhiều là đằng khác.
Ví dụ, cô có thể tình cờ quanh quẩn gần chỗ sếp khi ông đang chật vật cộng sổ báo cáo hàng tháng về trọng lượng và số lượng.
- Chà, chín mươi lăm nhân với chín mươi hai. - sếp cô lẩm bẩm. - Máy tính đâu nhỉ?
- Tám ngàn bảy trăm bốn mươi, - Nombeko nói.
- Mày tìm cho bác cái máy tính đi, con bé này.
- Tám ngàn bảy trăm bốn mươi, - Nombeko nhắc lại.
- Mày đang nói gì đấy?
- Chín mươi lăm nhân chín mươi hai là tám ngàn bảy trăm...
- Làm sao mày biết hở?
- Dạ, cháu nghĩ chín mươi lăm là một trăm trừ đi năm, chín mươi hai là một trăm trừ tám, nếu xoay lại và trừ đi thì tất cả là tám mươi bảy. Và năm lần tám là bốn mươi. Tám mươi bảy bốn mươi. Tám nghìn bảy trăm bốn mươi.
- Sao mày lại nghĩ thế? - Bác quản lý ngạc nhiên hỏi.
- Cháu không biết, - Nombeko đáp. - Bây giờ mình làm việc tiếp được chưa ạ?
Từ hôm đó, cô được thăng chức trợ lý của bác quản lý.
Nhưng dần dần, cô bé mù chữ biết làm tính cảm thấy ngày càng thất vọng hơn vì mình không thể hiểu được những gì các sếp lớn tại Johannesburg viết trong các sắc lệnh đặt trên bàn làm việc của bác quản lý. Bản thân bác quản lý cũng từng gặp khó khăn với chữ nghĩa. Bác trầy trật tìm hiểu từng từ tiếng Phi, rồi mò mẫm lật từ điển tiếng Anh để ít nhất các ký tự khó hiểu còn hiện ra dưới dạng một ngôn ngữ có thể hiểu nổi.
- Lần này họ muốn gì ạ? - Nombeko hỏi.
- Chúng ta phải đổ đầy các thùng hơn, - bác quản lý nói. - Bác đoán thế. Hoặc là họ đang có kế hoạch đóng cửa một trong các trạm vệ sinh. Chẳng rõ lắm.
Bác quản lý thở dài. Trợ lý của bác không thể giúp bác. Vì vậy cô cũng thở dài theo.
Nhưng rồi một điều may mắn xảy ra: mười ba tuổi, Nombeko bị một gã lẻo mép gạ gẫm dưới vòi tắm trong phòng thay đồ của công nhân vệ sinh. Gã lẻo mép chưa làm được trò gì thì cô đã làm gã tỉnh ngộ bằng cách cắm phập một cây kéo vào đùi gã.
Hôm sau, cô theo dõi gã ở phía bên kia dãy nhà vệ sinh khu B. Gã đang ngồi trong một chiếc ghế kiểu cắm trại, đùi băng bó, bên ngoài căn lều sơn xanh của mình. Trên đùi gã có... sách?
- Cháu muốn gì? - gã hỏi.
- Hôm qua cháu để quên kéo trong đùi chú nên bây giờ cháu muốn xin lại.
- Ta ném nó đi rồi, - gã đáp.
- Thế thì chú nợ cháu cái kéo, - cô gái nói. - Sao chú lại biết đọc?
Gã lẻo mép tên là Thabo, đã móm nửa hàm răng. Đùi gã đau khủng khiếp, và gã chẳng muốn nói chuyện với con bé nóng như lửa này. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi gã đến Soweto lại có người có vẻ quan tâm đến sách của gã. Lán của gã đầy sách, và vì thế hàng xóm gọi gã là Thabo điên. Nhưng cô gái trước mặt gã có vẻ ghen tị hơn là khinh bỉ. Có lẽ gã có thể lợi dụng điều này.
- Nếu cháu chịu hợp tác hơn một chút thay vì hung hãn ngoài sức tưởng tượng như thế thì có thể chú Thabo sẽ cho cháu biết. Thậm chí chú còn dạy cháu cách hiểu các chữ và từ. Nếu cháu chịu hợp tác hơn một chút, thế thôi.
Nombeko chẳng hề có ý định hợp tác hơn với gã lẻo mép so với những gì cô làm trong phòng tắm ngày hôm trước. Vì vậy, cô đáp, tình cờ làm sao, cô đang có một cái kéo khác, và cô rất muốn giữ nó chứ không phải dùng nó trên đùi kia của chú Thabo. Miễn là chú cư xử cho phải - và dạy cô đọc - thì cái đùi thứ hai có thể vẫn ngon lành.
Thabo không hiểu lắm. Cô gái vừa đe dọa gã sao?
* * *
Nhìn bề ngoài thì chẳng ai biết, nhưng Thabo giàu. Gã sinh ra dưới một tấm vải dầu trong bến cảng Elizabeth ở tỉnh Eastern Cape. Khi gã sáu tuổi, cảnh sát bắt mẹ gã đi và chẳng bao giờ thả về. Cha thằng bé nghĩ nó đã đủ lớn để tự lo thân, mặc dù chính ông ta còn chưa làm nổi điều đó.
“Giữ lấy thân nhé” là tổng kết lời khuyên cả đời của ông bố trước khi ông ta vỗ vai con trai mình và đi Durban để rồi bị bắn chết trong một vụ cướp ngân hàng được lên kế hoạch dở tệ. Sáu tuổi gã đã sống bằng những gì mình chôm chỉa được ở bến cảng, và ai cũng nghĩ tương lai xán lạn nhất là gã sẽ lớn lên, bị tóm, và cuối cùng bị tù hoặc bị bắn chết như cha mẹ mình.
Tuy nhiên, còn có một cư dân lâu năm của khu ổ chuột là một thủy thủ Tây Ban Nha, kiêm đầu bếp và nhà thơ, kẻ từng có lần bị ném xuống biển bởi mười hai thủy thủ đói bụng, thấy cần thứ gì bỏ bụng chứ không phải là thơ cho bữa trưa. Nhà thơ Tây Ban Nha bơi vào bờ và tìm thấy một căn lều để chui ra chui vào, và kể từ đó ông sống cho thơ ca, của mình và của người khác. Thời gian trôi qua, mắt ngày càng kém đi, ông vội dụ thằng bé Thabo, rồi buộc nó phải học đọc để đổi lấy bánh mì. Dần dần, cho thêm một tí bánh mì nữa, thằng bé chịu đọc to lên cho ông già, lúc này không chỉ mù hẳn mà còn hơi lẫn cẫn và chẳng ăn gì khác ngoài Pablo Neruda cho cả bữa sáng, trưa và tối.
Các thủy thủ có lí là không thể chỉ sống bằng thơ được. Vì ông già đã chết đói, Thabo quyết định kế thừa hết đống sách của ông. Dù sao cũng chẳng ai thèm quan tâm. Thực tế, nhờ biết chữ, cậu bé có thể kiếm sống trên bến cảng bằng nhiều việc lặt vặt khác nhau. Ban đêm cậu đọc thơ hoặc truyện - và đặc biệt là, truyện thám hiểm. Năm mười sáu tuổi, cậu bắt đầu thám hiểm gái và hai năm sau được gái thám hiểm ngược lại. Cụ thể là, trước khi tròn mười tám, Thabo đã tìm ra một công thức hữu hiệu. Nó gồm một phần ba là nụ cười không thể cưỡng lại; một phần ba là những chuyện chém gió về những điều cậu đã làm trong khi chu du khắp lục địa, thực ra hầu hết chỉ trong tưởng tượng; và một phần ba là nói láo về tình yêu vĩnh cửu giữa hai người.
Tuy nhiên, cậu đã chẳng thành công thực sự cho đến khi bỏ thêm văn học vào kèm với mỉm cười, kể chuyện, và nói dối. Trong số những thứ được thừa hưởng, cậu đã tìm thấy một bản ông thủy thủ dịch Hai mươi bài thơ tình và Bài ca tuyệt vọng của Pablo Neruda. Thabo bỏ bài ca tuyệt vọng, nhưng hai mươi bài thơ tình thì cậu đã áp dụng với hai mươi phụ nữ khác nhau ở cảng và trải nghiệm được tình yêu tạm thời mười chín lần. Nhẽ ra là hai mươi lần nếu gã ngu si Neruda không chèn vào một câu “Tôi không còn yêu nàng nữa, đó là điều chắc chắn” vào cuối một bài thơ; Thabo phát hiện ra điều này thì đã quá muộn.
Một vài năm sau đó, quanh vùng hầu như đều biết hết vở của Thabo; cơ hội trải nghiệm văn chương xa hơn còn rất ít. Ngay cả khi gã bắt đầu dối trá về mọi thứ mình đã làm trong cuộc sống, còn tệ hơn cả vua Leopold II hồi tại vị khi tuyên bố dân bản xứ Congo thuộc Bỉ vẫn ổn, dù ông ta cho chặt hết tay chân kẻ nào không chịu làm việc không công.
Dù sao, Thabo gieo gì thì gặt nấy (cũng hệt như vua Bỉ, - đầu tiên bị mất thuộc địa, sau đó mất sạch tiền cho ả gái điếm Rumani lai Pháp ưa thích của mình, rồi chết). Nhưng trước tiên, gã cũng tìm đường ra khỏi cảng Elizabeth; đi thẳng về phía bắc và dừng lại ở Basutola nơi đàn bà có tiếng là mũm mĩm nhất.
Ở đó, gã kiếm cớ ở lại vài năm; đổi từ làng này sang làng khác khi cần, lúc nào cũng có việc nhờ biết đọc, biết viết, và thậm chí trở thành trưởng đoàn đàm phán cho tất cả các nhà truyền giáo châu Âu muốn thâm nhập vào nước này và những người dân còn thiếu thông tin ở đây. Thủ lĩnh người Basotho, ngài Seeiso, không thấy để dân của mình theo đạo Thiên Chúa thì có lợi lộc gì, nhưng ngài nhận ra rằng đất nước này cần được giải phóng khỏi đám người Phi gốc Hà Lan trong khu vực. Khi các nhà truyền giáo - theo xúi giục của Thabo - cung cấp vũ khí để được quyền phân phát Kinh Thánh, ngài thủ lĩnh tóm lấy cơ hội ngay lập tức.
Và thế là các mục sư và nhà truyền giáo lũ lượt vào để cứu vớt người Basotho khỏi quỷ dữ. Họ mang theo Kinh Thánh, vũ khí tự động, và đôi khi cả mìn nữa. Vũ khí để giữ chân kẻ thù ngoài vịnh còn Kinh Thánh thì dân trên núi lạnh đốt tiệt để sưởi. Xét cho cùng thì họ có biết đọc đâu. Khi các nhà truyền giáo nhận ra điều này, họ thay đổi chiến thuật và xây dựng hàng loạt nhà thờ Thiên Chúa giáo trong một khoảng thời gian ngắn.
Thabo nhận làm trợ lý cho một mục sư và phát triển cách ban phước theo kiểu riêng của mình, thực hành chọn lọc và bí mật.
Mọi thứ về phương diện lãng mạn chỉ bị sơ sẩy đúng một lần. Ấy là khi một làng miền núi phát hiện ra rằng thành viên nam duy nhất của ca đoàn nhà thờ đã hứa đời đời chung thủy với ít nhất năm trong số chín cô gái trẻ trong dàn hợp xướng. Vị mục sư người Anh luôn nghi ngờ Thabo đã làm gì đó. Vì gã chắc chắn không biết hát.
Mục sư liên lạc với cha của năm cô gái, ông này quyết định rằng nghi phạm phải được thẩm vấn theo cách truyền thống. Tức là: vào lúc trăng tròn, Thabo sẽ bị kẹt giữa những ngọn giáo đâm ra từ năm hướng khác nhau, trong khi cởi truồng ngồi trong một tổ kiến. Trong khi chờ đợi mặt trăng lên đúng độ, Thabo bị nhốt trong một túp lều do mục sư canh giữ liên tục, cho đến khi ông này bị say nắng và bỏ xuống sông để cứu vớt một con hà mã. Mục sư thận trọng đặt tay lên mũi của con vật và nói rằng Chúa Giêsu đã sẵn sàng để - Ông ta chỉ nói được đến thế thì bị con hà mã mở miệng cắn đứt đôi người.
Mục sư kiêm giám đốc nhà tù đã đi mất, có thêm Pablo Neruda trợ lực, Thabo xoay sở để cô ả bảo vệ mở  khóa cửa cho mình trốn thoát.
- Anh và em thì thế nào? - cô ả bảo vệ nhà tù gọi với theo khi gã đang hết sức ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài thảo nguyên.
- Anh không còn yêu em nữa, điều đó là chắc chắn, - Thabo gào trở lại.
Nếu không am hiểu, người ta có thể nghĩ rằng Thabo được Chúa che chở, vì gã không gặp sư tử, báo, tê giác hay bất cứ sự cố gì khác trong suốt thời gian đi bộ mười hai dặm trong đêm lên thủ đô Maseru. Đến đó, gã xin vào làm cố vấn cho thủ lĩnh Seeiso, người vẫn nhớ và chào đón gã trở lại. Ngài thủ lĩnh đang đàm phán với bọn người Anh kiêu ngạo, nhưng chẳng có tiến triển gì cho đến khi Thabo nhảy vào và nói rằng nếu quý ngài cứ khăng khăng như thế, Basutoland sẽ phải cân nhắc đến chuyện nhờ Joseph Mobutu ở Congo giúp đỡ.
Người Anh ngẩn ra. Joseph Mobutu? Là người vừa tuyên bố với cả thế giới rằng ông ta định đổi tên mình thành Chiến binh Dũng mãnh Vô song, Ý chí Bền bỉ Kiên cường, Chiến thắng Liên miên, Dấu chân Lửa cháy?
- Ông ấy đấy, - Thabo nói. - Thật ra ông ấy là bạn nối khố của tôi. Tôi gọi tắt là anh Joe.
Phái đoàn Anh yêu cầu được thảo luận kín, và đã thống nhất với nhau là khu vực này cần hòa bình và yên tĩnh chứ không phải một chiến binh toàn năng đang muốn được tôn xưng như ông ta muốn. Người Anh trở lại bàn đàm phán và nói: “Thôi được, các anh giữ lấy nước này”.
Basutoland trở thành Lesotho; Thủ lĩnh Seeiso thành vua Moshoeshoe II, và Thabo trở thành người được nhà vua mới cực kỳ sủng ái. Gã được đối xử như người nhà và được tặng cả một túi kim cương thô từ mỏ lớn nhất nước; chúng đáng giá cả gia tài. Nhưng một ngày kia gã biến mất. Và gã chỉ có vỏn vẹn hai mươi bốn giờ để chuồn trước khi nhà vua chợt nhận ra rằng cô em cưng quý nhất của mình, công chúa cao quý Maseeiso, đã mang thai.
Một gã người da đen, bẩn thỉu, răng rụng mất một nửa trong những năm 1960 ở Nam Phi không thể hòa nhập vào thế giới da trắng dù tưởng tượng cách nào đi nữa. Vì vậy, sau sự cố đáng tiếc ở nơi từng là Basutoland, Thabo vội vã vào Soweto ngay sau khi đổi viên kim cương xoàng nhất của mình tại tiệm kim hoàn gần nhất.
Ở đó, gã tìm thấy một căn lều trống trong khu B. Gã chuyển vào, nhồi đầy tiền vào trong giày của mình, và chôn khoảng một nửa số kim cương dưới nền đất nện bụi bẩn. Nửa còn lại gã nhét vào các hốc khác nhau trong miệng.
Trước khi bắt đầu hứa lung tung với càng nhiều gái càng tốt, gã đã sơn căn lều của mình màu xanh lá cây dễ thương; phụ nữ hay bị ấn tượng bởi những thứ như vậy. Và gã mua vải sơn để trải lên sàn.
Thabo đã tán tỉnh khắp các khu ở Soweto, nhưng sau một hồi, gã tránh khu của mình ra để còn có lúc rảnh ngồi đọc sách bên ngoài căn lều của mình mà không bị làm phiền vô ích.
Ngoài đọc và tán tỉnh, gã còn dành thời gian để đi du lịch. Hết nơi này đến nơi khác, khắp châu Phi, mỗi năm hai lần. Nó cho gã thêm kinh nghiệm cuộc sống và nạp thêm sách mới.
Nhưng gã luôn trở lại căn lều của mình, cho dù tiền bạc sung túc. Nhất là vì một nửa số tài sản của gã còn nằm sâu một gang dưới lớp vải dầu; răng hàm dưới của Thabo vẫn còn quá tốt để nhét nốt số còn lại vào trong miệng. Vài năm sau, giữa các căn lều ở Soweto bắt đầu có những lời xì xào. Gã điên lắm sách kia kiếm tiền ở đâu ra? Để giữ các tin đồn không đi quá đà, Thabo quyết định kiếm việc gì làm. Dễ nhất là làm người đổ thùng vệ sinh vài giờ một tuần. Hầu hết đồng nghiệp của gã còn trẻ, nghiện rượu và chẳng có tương lai gì. Nhưng thỉnh thoảng cũng có trẻ con. Trong số đó là con bé mười ba tuổi cắm kéo vào đùi Thabo chỉ vì gã chọn nhầm cửa phòng tắm. Mà có khi là chọn đúng. Con bé mới là sai. Còn quá trẻ. Chẳng có đường cong nào sất. Thabo chẳng xơ múi gì, ngoài một cái kéo.
Kéo làm gã đau. Và bây giờ con bé đang đứng đó, bên ngoài căn lều của gã, còn muốn gã dạy cho nó đọc.
- Chú sẽ rất vui được giúp cháu nếu ngày mai chú không phải đi du lịch, - Thabo nói, nghĩ rằng có lẽ mọi thứ sẽ êm thấm nhất cho mình nếu cứ làm đúng những gì vừa tuyên bố.
- Du lịch á? - Nombeko, suốt mười ba năm nay chưa bao giờ được ra khỏi Soweto, hỏi. - Chú sẽ đi đâu?
- Phía Bắc, - Thabo đáp. - Rồi tính sau.
* * *
Trong khi Thabo đi, Nombeko lớn thêm một tuổi và được cất nhắc. Và cô nhanh chóng thể hiện tốt nhất vai trò quản lý của mình. Cô phân chia khu vực của mình theo một hệ thống khôn ngoan, dựa trên đầu người chứ không phải kích thước địa lý hay uy tín, khiến việc triển khai các nhà vệ sinh hiệu quả hơn.
- Cải tiến được ba mươi phần trăm đấy, - người tiền nhiệm của cô khen.
- Ba mươi hai chứ, - Nombeko đáp.
Cung cầu phù hợp, tiền còn dư trong ngân sách đủ để làm bốn trạm vệ sinh và rửa ráy mới.
Cô bé mười bốn tuổi ăn nói rất lưu loát, so với thứ ngôn ngữ mà bọn đàn ông sống xung quanh cô vẫn dùng (bất cứ ai đã từng trò chuyện với dân dọn vệ sinh ở Soweto đều biết rằng một nửa số từ không ai dám in ra và nửa kia thậm chí không dám nghĩ đến). Khả năng dùng từ và đặt câu của cô một phần là bẩm sinh. Nhưng cũng có một cái radio ở một góc văn phòng khu vệ sinh, và từ khi còn bé tí, Nombeko hễ lân la đến đấy là bật nó lên ngay. Cô bé luôn vặn đến kênh trò chuyện và chăm chú lắng nghe, không chỉ nội dung mà cả cách người ta nói chuyện. Chương trình hàng tuần Quang cảnh châu Phi lần đầu tiên cho cô ý thức rằng có một thế giới bên ngoài Soweto. Nó không nhất thiết phải đẹp hơn hay hứa hẹn hơn. Nhưng nó là bên ngoài Soweto.
Chẳng hạn như Angola mới đây đã giành độc lập. Đảng độc lập PLUA đã gia nhập lực lượng với đảng độc lập PCA để hình thành đảng độc lập MPLA, cùng với các đảng độc lập FNLA và UNITA khiến chính phủ Bồ Đào Nha phải hối tiếc vì đã khám phá ra phần này của lục địa. Một chính phủ mà không xây nổi một trường đại học trong suốt bốn trăm năm thống trị, hay thật!
Cô bé mù chữ Nombeko có thể không hiểu nổi các chữ cái ghép với nhau thành cái gì, nhưng dù sao kết quả có vẻ thay đổi, cùng với thức ăn là từ yêu thích của Nombeko.
Một lần cô tình cờ phát biểu trước mặt các đồng nghiệp của mình, rằng sự thay đổi này có thể có nghĩa gì đó cho tất cả chúng ta. Nhưng rồi họ phàn nàn rằng người quản lý cứ đứng đó nói chuyện chính trị. Vác cứt cả ngày chưa đủ hay sao mà họ còn phải lắng nghe nó nữa? Là quản lý của những người dọn vệ sinh, Nombeko đã buộc phải đối phó với không chỉ tất cả các đồng nghiệp dọn vệ sinh vô vọng của mình, mà cả trợ lý Piet du Toit ở Sở vệ sinh môi trường thành phố Johannesburg. Trong chuyến thăm đầu tiên của mình sau khi bổ nhiệm cho cô, anh ta đã thông báo với cô rằng dù sao cũng chỉ có một, chứ không phải bốn trạm vệ sinh mới, do thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng. Nombeko đã trả đũa tí ti theo cách của mình:
- Điều tiếp theo: Ông nghĩ gì về sự phát triển ở Tanzania, thưa ông Trợ lý? Có phải cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa của Julius Nyerere sắp sụp đổ không ạ?
- Tanzania ư?
- Vâng, đến giờ sự thiếu hụt ngũ cốc có lẽ đã gần một triệu tấn rồi. Câu hỏi đặt ra là, liệu Nyerere đã làm gì nếu không có Quỹ Tiền tệ Quốc tế? Hay có lẽ ông cho rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng có vấn đề nội bộ của chính nó, thưa ông trợ lý?
Cô gái chưa bao giờ đi học cũng chưa từng ra khỏi Soweto hỏi. Với vị trợ lý, người trong giới cầm quyền. Người đã từng học đại học. Và chẳng biết tí gì về tình hình chính trị ở Tanzania. Viên trợ lý tái nhợt không nói được gì. Lập luận của cô gái khiến anh ta trắng bệch như ma.
Piet du Toit cảm thấy bị một đứa mù chữ mười bốn tuổi hạ nhục. Nó còn phủ nhận các dữ liệu về quỹ vệ sinh của anh ta nữa.
- Thêm nữa, ông tính toán chỗ này thế nào đây, ông trợ lý? - Nombeko, đã tự biết đọc số chất vấn. - Sao ông lại nhân các số chỉ tiêu với nhau?
Một đứa mù chữ biết làm tính.
Anh ta ghét cô.
Anh ta ghét tất cả bọn họ.
* * *
Một vài tháng sau, Thabo trở lại. Điều đầu tiên gã phát hiện ra là con bé với cái kéo đã trở thành sếp của mình. Và rằng nó không hẳn là một con bé nữa. Các đường cong bắt đầu nảy nở. Điều này làm dấy lên một cuộc đấu tranh nội tâm trong lòng gã đàn ông móm nửa số hàm răng. Một mặt, bản năng gã mách bảo hãy tự tin với nụ cười đã được trám lỗ, kỹ thuật kể chuyện của mình, và Pablo Neruda. Mặt khác, có một phần vì cô hiện giờ là sếp gã. Cộng với ký ức về cái kéo.
Thabo quyết định hành động một cách thận trọng, nhưng vẫn tiến tới.
- Chú nghĩ giờ đã đến lúc chú dạy cho cháu đọc, - gã nói.
- Tuyệt lắm! - Nombeko đáp. - Thế thì bắt đầu ngay hôm nay sau giờ làm việc. Bọn cháu sẽ đến lều của chú, cháu và cái kéo.
Thabo là một ông thày giỏi. Và Nombeko học rất nhanh. Đến ngày thứ ba, cô đã có thể dùng gậy viết bảng chữ cái lên bùn bên ngoài căn lều của Thabo. Từ đó cô dò dẫm tự đánh vần thành cả từ và câu, từ ngày thứ năm trở đi. Đầu tiên cô sai nhiều hơn đúng. Sau hai tháng, cô đúng nhiều hơn sai.
Vào giờ nghỉ giải lao, Thabo kể cho cô những chuyện gã từng trải nghiệm trong các chuyến chu du của mình. Nombeko sớm nhận ra trong đó, gã đã pha trộn hai phần tiểu thuyết với nhiều nhất là một phần thực tế, nhưng cô nghĩ thế cũng hay. Thực tế của cô đã đủ khốn khổ rồi. Cô chẳng cần phải thêm những thứ tương tự thế làm gì.
Gần đây nhất gã đã ở Ethiopia để hạ bệ Hoàng đế, Sư tử của Giu-đa, Người được Chúa chọn, Vua của các vị vua.
- À, Haile Selassie, - Nombeko nói.
Thabo không đáp; gã thích nói hơn là nghe.
Câu chuyện về vị hoàng đế khởi nghiệp là Ras Tafari, rồi trở thành rastafari, thành cả một tôn giáo, nhất là ở Tây Ấn [một nhóm tín ngưỡng ở Jamaica ra đời khoảng những năm 1930, thờ Cựu Hoàng đế Ethiopia, Haile Selassie, và tin rằng người da đen sẽ có ngày trở lại châu Phi. Người theo tín ngưỡng này thường tết tóc thành các lọn luống cày, mặc trang phục và có lối ứng xử khác biệt. Jamaica nằm trong khu vực vùng Caribe, nơi còn được gọi là Tây Ấn], rất hấp dẫn nên Thabo để dành nó đến ngày thích hợp để tạo một bước thay đổi.
Dù sao, đến bây giờ đấng Khai Sáng đã bị đuổi ra khỏi ngai vàng của mình, và ở mọi nơi trên thế giới, các đệ tử hoang mang ngồi hút thuốc và tự hỏi làm sao mà Đấng Cứu Thế đầy hứa hẹn, Đức Chúa nhập thể, lại bất ngờ bị lật đổ. Hạ bệ Đức Chúa Trời ư?
Nombeko thận trọng không hỏi về nền tảng chính trị của tấn kịch này. Vì cô khá chắc chắn rằng Thabo chẳng biết gì, và hỏi nhiều quá có thể mất vui.
Thay vào đó, cô khuyến khích gã, “Chú kể nữa đi!”.
Thabo nghĩ rằng mọi thứ đã được sắp đặt rất tuyệt (thật khó tin là người ta có thể nhầm đến thế nào). Gã tiến một bước gần hơn đến cô gái và tiếp tục câu chuyện của mình bằng cách nói rằng trên đường về nhà, gã đã bị Kinshasa lôi kéo sang giúp Muhammad Ali ngay trước trận “Quyết đấu rừng xanh” [Quyết đấu rừng xanh (Rumble in the Jungle) là cuộc so găng lịch sử năm 1974 ở Kinshasa, Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo), giữa nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới George Foreman và cựu vô địch Muhammad Ali. Ali thắng knock-out, hạ Foreman ngay trước khi kết thúc hiệp thứ tám. Đây từng được gọi là “sự kiện thể thao lớn nhất của thế kỷ 20”] - cuộc so găng hạng nặng với võ sĩ bất khả chiến bại George Foreman.
- Ôi chà, thú vị thật, - Nombeko nói, nghĩ rằng chuyện bịa thế cũng hay. Thabo ngoạc miệng ra cười đến mức cô có thể nhìn thấy thứ gì đó lấp lánh giữa những cái răng còn sót lại của gã.
- Chà, thực sự là Foreman vô địch muốn chú giúp, nhưng chú cảm thấy rằng... - Thabo bắt đầu thao thao bất tuyệt cho đến khi Foreman đã bị loại ở vòng thứ tám và Ali cảm ơn anh bạn thân Thabo vì sự giúp đỡ vô giá.
Và ngoài ra thì vợ của Ali cũng khoái lắm.
- Vợ của Ali á? - Nombeko hỏi. - Chắc chú không định nói là...
Thabo cười đến khi hàm kêu lanh canh; rồi trở nên nghiêm túc và sán lại gần hơn.
- Em rất đẹp, Nombeko ạ, - gã nói. - Đẹp hơn vợ của Ali nhiều. Nếu như mình đến với nhau? Cùng nhau đi đâu đó.
Rồi gã đặt tay lên vai cô.
Nombeko nghĩ “đi đâu đó” nghe có vẻ đáng yêu. Thực ra đi đâu cũng được. Nhưng không phải với gã lẻo mép này. Bài học hôm nay có vẻ xong rồi. Nombeko cắm phập cây kéo vào cái đùi kia của Thabo và bỏ đi.
Hôm sau, cô quay trở lại lều của Thabo và bảo rằng gã đã không đến làm việc và cũng không nói lời nào. Thabo đáp cả hai đùi của gã đau đớn quá, nhất là một bên, và cô Nombeko có thể hiểu vì sao. Có chứ, và nó có thể còn tồi tệ hơn, vì lần sau, cô đã lập kế hoạch để đâm kéo không phải vào đùi nào mà đâu đó ở giữa, nếu chú Thabo không bắt đầu cư xử cho đàng hoàng.
- Hơn nữa, hôm qua cháu đã thấy và nghe được chú có gì trong cái mồm xấu xí của chú. Nếu chú không đứng đắn lên, bắt đầu từ bây giờ, cháu hứa sẽ kể cho càng nhiều người càng tốt.
Thabo trở nên khó chịu. Gã thừa biết rằng mình sẽ không thọ được bao lâu nếu ai cũng biết về chỗ tài sản bằng kim cương của gã.
- Cháu muốn gì ở chú nào? - gã nói bằng một giọng đáng thương.
- Cháu muốn được đến đây và tự đánh vần các cuốn sách mà không cần phải mang theo kéo mới mỗi ngày. Kéo rất đắt với những người miệng đầy răng chứ không phải những thứ khác.
- Cháu có thể đi chỗ khác không? - Thabo nói. - Cháu sẽ được một viên kim cương nếu để chú yên.
Gã đã từng hối lộ thành công trước đây, nhưng không phải lần này. Nombeko nói rằng cô chẳng đòi hỏi kim cương gì sất. Cái gì không thuộc về mình thì không phải là của mình. Mãi sau này, ở một nơi khác của thế giới, cuộc sống hóa ra phức tạp hơn thế nhiều.
* * *
Trớ trêu thay, kẻ kết liễu cuộc sống của Thabo lại là hai người đàn bà. Các ả lớn lên ở Đông Phi thuộc Bồ Đào Nha và kiếm sống bằng cách giết các nông dân da trắng để ăn cắp tiền của họ. Nghề này cũng ổn trong thời gian cuộc nội chiến đang diễn ra.
Nhưng khi đất nước đã độc lập và đổi tên thành Mozambique, các nông dân chỉ có bốn mươi tám tiếng để rời đi. Thế là hai ả chẳng có lựa chọn nào khác ngoài giết những người da đen giàu có. Ý tưởng kinh doanh này tồi tệ hơn nhiều, bởi vì hầu hết những người da đen có tí gì đáng để trộm đều theo đảng Mác-Lênin, hiện đang nắm quyền lực. Cho nên chẳng bao lâu, hai ả bị nhà nước truy nã và bị lực lượng cảnh sát đáng sợ của chính quyền mới săn đuổi.
Vì thế các ả đi về phía nam. Và đi một mạch đến nơi ẩn náu tuyệt vời của Soweto, bên ngoài Johannesburg.
Nếu khu ổ chuột lớn nhất Nam Phi có lợi thế là người ta có thể mất hút trong đám đông (miễn là da đen), thì bất lợi là mỗi nông dân da trắng ở Đông Phi thuộc Bồ Đào Nha có lẽ có tài sản nhiều hơn cả của tám trăm ngàn cư dân Soweto cộng lại (trừ Thabo). Nhưng dù sao, hai ả vẫn nuốt vài viên thuốc có màu sắc khác nhau và lượn đi giết người. Sau một hồi, các ả lần mò đến khu B, và ở đó, phía sau dãy nhà vệ sinh, các ả bắt gặp một cái lều xanh giữa những cái màu nâu và xám gỉ. Người nào sơn lán mình màu xanh (hoặc bất kỳ màu nào khác) chắc hẳn phải thừa tiền, hai ả nghĩ, rồi đột nhập vào giữa đêm, cắm một con dao vào ngực Thabo, và xoáy nó. Gã đàn ông đã làm tan nát rất nhiều trái tim thấy tim mình bị cắt ra từng mảnh. Khi gã đã chết, hai ả tìm kiếm tiền trong tất cả các cuốn sách chết tiệt chất đống khắp mọi nơi. Lần này các ả đã giết phải thằng điên nào thế này?
Nhưng cuối cùng, các ả tìm thấy một mớ tiền ở một trong những đôi giày của nạn nhân, và một mớ khác trong đôi khác. Và thật hớ hênh, hai ả ngồi xuống bên ngoài lán để chia tiền. Hỗn hợp đặc biệt của những viên thuốc các ả đã nuốt cùng với một nửa ly rượu rum khiến các ả mất cảm giác về thời gian và địa điểm. Thế là các ả cứ ngồi ì ở đó, nhoe nhoẻn cười khi cảnh sát hiếm hoi lắm bỗng xuất hiện.
Các ả bị tóm và bị biến thành một hạng mục trị giá ba mươi năm trong hệ thống cải tạo của Nam Phi. Chỗ tiền các ả đã cố gắng đếm chẳng bao lâu đã bốc hơi trong chuỗi hành trình.
Cái xác của Thabo nằm nguyên đó đến ngày hôm sau. Theo lệ của cảnh sát Nam Phi, ca trực kế tiếp phải lo giải quyết bọn da đen chết bất cứ khi nào có thể.
Nombeko bị đánh thức trong đêm bởi tiếng ồn ào ở phía bên kia dãy nhà vệ sinh. Cô mặc quần áo, đi sang, và láng máng hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Khi cảnh sát rời đi với kẻ sát nhân và tất cả chỗ tiền của Thabo, Nombeko bước vào lán.
- Chú là một người kinh khủng, nhưng những chuyện dối trá của chú cũng vui. Cháu sẽ nhớ chú. Hay ít nhất là sách của chú.
Vừa nói cô vừa mở miệng Thabo và nhặt ra mười bốn viên kim cương thô, vừa vặn đúng số trám vào các lỗ răng trống.
- Mười bốn lỗ, mười bốn viên kim cương, - Nombeko nói. - Hơi bị quá hoàn hảo nhỉ?
Thabo không trả lời. Nhưng Nombeko kéo tấm vải sơn lót sàn lên và bắt đầu đào.
- Đúng như mình nghĩ, - cô thốt lên khi thấy những gì mình đang tìm.
Rồi cô lấy nước và một miếng giẻ, lau rửa cho Thabo, kéo gã ra khỏi căn lều, và hi sinh tấm vải trắng duy nhất của mình đắp lên cái xác. Gã xứng đáng được tôn trọng một chút, sau tất cả. Không nhiều lắm. Nhưng một chút thôi.
Nombeko ngay lập tức khâu tất cả chỗ kim cương của Thabo vào đường nối chiếc áo khoác duy nhất của mình, rồi đi ngủ trở lại. Người quản lý vệ sinh cho phép mình ngủ trong ngày hôm sau. Cô có rất nhiều thứ phải làm. Khi cuối cùng, cô bước vào văn phòng thì tất cả nhân viên dọn vệ sinh đã có mặt. Nhân sếp vắng mặt, họ đã uống chai bia thứ ba trong buổi sáng, và từ chai thứ hai đã chẳng thiết làm việc mà chỉ ưa ngồi quanh đánh giá bọn Ấn Độ kém cỏi hơn. Gã tự mãn nhất đang kể dở chuyện mình đã cố gắng sửa cái nóc lều bị dột bằng bìa các tông. Nombeko ngắt ngang mọi thứ đang diễn ra, gom hết các chai bia vẫn chưa uống hết, và tuyên bố cô ngờ rằng các đồng nghiệp của mình không có gì trong đầu ngoài cái thứ trong thùng vệ sinh mà họ có nghĩa vụ đổ. Không lẽ họ ngu thật đến nỗi không hiểu rằng ngu dốt không cần phải tranh đua?
Gã tự mãn đáp, có vẻ là sếp không hiểu nổi rằng sau khi đã đổ bảy mươi nhăm thùng buổi sáng thì người ta có thể muốn được yên ổn uống một chai bia mà không bị buộc phải nghe những thứ ngớ ngẩn rằng thì là mà chúng ta đều giống nhau và bình đẳng.
Nombeko định ném một cuộn giấy vệ sinh vào đầu gã để trả đũa, nhưng cô thấy thế chỉ tổ phí cuộn giấy. Thay vào đó, cô ra lệnh cho bọn họ trở lại làm việc. Rồi cô trở về căn lều của mình. Và tự nhủ lần nữa: Mình đang làm gì ở đây?
Ngày hôm sau cô tròn 15 tuổi.
* * *
Vào sinh nhật thứ mười lăm, Nombeko họp với Piet du Toit ở Sở Vệ sinh môi trường thành phố Johannesburg; cuộc họp này đã được lên kế hoạch từ lâu. Lần này anh ta có chuẩn bị kỹ càng hơn. Anh ta xem bản thống kê đến từng chi tiết. Thử xem nào, con bé mười hai tuổi kia.
- Khu vực B đã lạm chi mười một phần trăm trong ngân sách, - Piet du Toit nói và nhìn Nombeko qua cặp kính đọc sách, anh ta chẳng cần kính nhưng nó giúp anh ta trông chững chạc hơn tuổi.
- Khu vực B không lạm chi chút nào, - Nombeko đáp.
- Nếu tôi nói rằng Khu vực B lạm chi mười một phần trăm ngân sách, thì tức là như thế, - Piet du Toit cho biết.
- Và nếu tôi nói rằng ông trợ lý chỉ biết tính toán theo hiểu biết của mình, thì tức là như thế. Hãy cho tôi một vài giây, - Nombeko nói, và cô giằng lấy cái máy tính của Piet du Toit từ tay anh ta, nhìn lướt qua các con số, chỉ tay vào hàng hai mươi, và nói: - Chúng ta được giảm giá mà tôi đã thương lượng ở đây dưới hình thức giao hàng thêm. Nếu tính lại với giá được giảm trên thực tế thay vì mức giá danh sách tưởng tượng, ông sẽ thấy cái mười một phần trăm bí ẩn của ông không tồn tại. Ngoài ra, ông đã nhầm lẫn cộng và trừ. Nếu tính toán theo cách ông định tính thì chúng ta đã thấp hơn ngân sách mười một phần trăm. Mà như vậy, tình cờ thay, cũng không chính xác.
Mặt Piet du Toit đỏ dừ lên. Con bé này có biết thân biết phận không đây? Sẽ ra thể thống gì nếu bạ ai cũng có thể phán đúng sai? Anh ta căm ghét con bé hơn bao giờ hết, nhưng tắc tị không biết nói gì. Thế rồi anh ta bảo:
- Ở văn phòng, chúng tôi bàn tán khá nhiều về cô đấy.
- Thế ạ, - Nombeko nói.
- Chúng tôi thấy rằng cô không hợp tác.
Nombeko nhận ra rằng cô sắp bị đuổi, giống như người tiền nhiệm của mình.
- Thế ạ, - cô nói.
- Tôi e là chúng tôi phải thuyên chuyển cô. Trở lại làm công nhân thường trực.
Thực ra như thế còn hơn là người tiền nhiệm của cô được nhận. Nombeko ngờ rằng tay trợ lý chắc hôm nay đang vui.
- Thế ạ, - cô nói.
- Cô chỉ biết nói “Thế ạ” thôi à? - Piet du Toit giận dữ hỏi.
- Vâng, tất nhiên tôi có thể nói với ông du Toit rằng ông du Toit là một thằng ngu, nhưng làm ông hiểu ra điều này cũng gần như vô vọng; nhiều năm làm với những người dọn vệ sinh đã dạy tôi thế. Ông nên biết rằng ở đây cũng có lắm người ngu, thưa ông du Toit. Tốt nhất là đi khỏi đây để không bao giờ phải nhìn mặt ông nữa, - Nombeko nói, và làm đúng như thế.
Cô nói ra những điều ấy nhanh đến mức Piet du Toit chưa kịp phản ứng gì thì cô đã thoát khỏi tay anh ta. Đi vào các lều để tìm cô thì không được. Anh ta chắc mẩm con bé ấy có lẽ sẽ trốn giữa đống rác rưởi kia đến khi bệnh lao, ma túy, hoặc một trong những kẻ mù chữ khác giết chết nó.
- Ôi chà, - Piet du Toit nói, gật đầu với vệ sĩ mà cha mình trả tiền.
Đã đến lúc quay trở lại với nền văn minh.
Tất nhiên, sau cuộc nói chuyện với tay trợ lý, Nombeko chẳng những mất vị trí quản lý mà cả công việc của mình ở đấy. Và khoản tiền lương cuối cùng cũng thế.
Cô đóng gói tài sản ít ỏi của mình vào ba lô. Nó đựng vài bộ quần áo thay đổi, ba cuốn sách của Thabo, và hai mươi thanh thịt linh dương khô mà cô vừa mua với vài đồng xu cuối cùng của mình.
Cô đã đọc những cuốn sách, và thuộc lòng chúng. Sách và sự hiện diện của sách có điều gì đó thật dễ chịu. Còn với các đồng nghiệp dọn vệ sinh của cô thì hoàn toàn ngược lại.
Lúc đó buổi tối, trời hơi se lạnh. Nombeko mặc chiếc áo khoác duy nhất của mình. Cô nằm xuống chiếc nệm duy nhất và kéo chiếc chăn duy nhất lên người (tấm vải ga duy nhất cô đã dùng làm vải liệm). Cô sẽ đi vào sáng hôm sau. Và đột nhiên cô biết nơi mình sẽ đi. Cô đã đọc về nó trong bài báo ngày hôm trước. Cô sẽ đến số 75 phố Andries ở Pretoria.
Thư viện Quốc gia.
Theo như cô biết, đó không phải là một khu vực cấm người da đen, vì vậy nếu may mắn tí chút, cô có thể được vào. Ngoài hít thở và chiêm ngưỡng chỗ ấy, cô ấy không biết mình được làm gì hơn nữa. Nhưng đó là một sự khởi đầu. Và cô cảm thấy rằng văn học sẽ dẫn lối mình đi.
Chắc chắn như thế, cô chìm vào giấc ngủ lần cuối cùng trong căn lều được thừa hưởng từ mẹ năm năm trước. Trên môi nở một nụ cười.
Điều đó chưa bao giờ xảy ra trước đây.
Sáng hôm sau, cô lên đường. Con đường trước mặt cô không ngắn chút nào. Cuốc đi bộ đầu tiên của cô ra khỏi Soweto là năm mươi lăm dặm.
Hơn sáu tiếng sau, đi được mười sáu trên năm mươi lăm dặm, Nombeko đã đến trung tâm Johannesburg. Đó là một thế giới khác! Cứ nhìn thực tế là hầu hết mọi người xung quanh cô đều là da trắng và rất giống với Piet du Toit, ai cũng thế. Nombeko quan sát xung quanh, hết sức hứng thú. Nào là biển hiệu đèn neon, đèn giao thông, và sự hỗn loạn bao trùm. Những chiếc ôtô mới sáng bóng, kiểu dáng trước đây cô chưa bao giờ thấy. Khi quay lại để khám phá thêm, cô thấy một trong số chúng đâm thẳng về phía mình, lao nhanh dọc theo vỉa hè. Nombeko có thời gian để nghĩ xe đẹp quá. Nhưng cô không có thời gian để tránh nó.
* * *
Kỹ sư Engelbrecht van der Westhuizen đã ngồi cả buổi chiều trong bar khách sạn Hilton Plaza trên phố Quartz. Rồi ông vào chiếc Opel Admiral mới của mình và lái đi, về phía bắc. Nhưng lái xe với một lít rượu trong người không dễ chút nào. Viên kỹ sư chưa đến được ngã tư tiếp theo thì cả ông và chiếc Opel đã dạt lên lề đường và - Cứt thật! - có phải ông đang chẹt lên một người da đen?
Cô gái dưới chiếc xe của viên kỹ sư tên là Nombeko, cựu nhân viên dọn vệ sinh. Mười lăm năm một ngày trước đó cô đã chào đời trong một căn lều ở khu ổ chuột lớn nhất Nam Phi. Vây quanh là rượu, dung dịch cồn pha loãng, ma túy, và ai cũng nghĩ cô sẽ sống một thời gian rồi chết trong bùn giữa các nhà xí ở Soweto của Khu vực B. Khác với tất cả bọn họ, Nombeko là người thoát ra được. Cô rời khỏi căn lều của mình lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.
Và cô chưa đi xa hơn trung tâm Johannesburg thì đã nằm dưới chiếc xe Opel Admiral, tan nát.
Thế là hết ư? Cô nghĩ trước khi chìm vào hôn mê.
Nhưng không phải thế.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét