Người Ở Đâu Về
(Wo warst du,
Adam)
Heinrich Theodor
Böll
Nobel 1972
Người dịch: Lý
Quốc Sinh.
Nhà xuất bản Nguồn
Sáng, Sài Gòn - 1972
IX
Fanhan ngạc nhiên
khi thấy cơ nghiệp họ Fincơ quá đồ sộ. Đứng ngoài đường phố người ta chỉ thấy
mặt tiền cũ kĩ nhỏ hẹp treo bảng hiệu có hàng chữ “Quán ăn và khách sạn Fincơ,
cha truyền con nối từ 1710”. Hàng ăn bên ngoài đổ nát ăn thông ngay với phòng
ăn có trổ cửa sổ: bên tay trái một chiếc, bên tay phải hai chiếc. Kế bên cánh
cửa sổ thứ hai, tay mặt có cánh cửa rộng lớn thường thấy trong các trang trại
dân trồng nho, cánh cửa này sơn màu ve, mỏng manh đủ lọt một chiếc xe bò.
Vừa đẩy cánh cửa,
Fanhan ngạc nhiên vì cảnh tượng bên trong với một chiếc sân lát gạch phẳng lì
bốn chung quanh với những dãy nhà đắt tiền. Trên lầu nhất dãy lan can bằng gỗ
chạy bốn chung quanh một hàng hiên, một cánh cửa lớn khác ăn thông sang chiếc
sân thứ hai, hai phía có nhà kho, phía bên phải có một căn nhà trệt rộng lớn,
có lẽ dùng làm phòng hội. Fanhan đưa mắt quan sát kĩ khắp nơi, tai lắng nghe
mọi động tĩnh, anh đứng khựng khi trông thấy hai người Hoa Kỳ, họ đang phiên
gác trước cánh cửa thứ hai, họ luôn luôn đi tới đi lui, đụng nhau chả khác loài
thú bị nhốt trong chiếc chuồng quá chật hẹp mỗi khi xê dịch thường va chạm
nhau. Một trong hai người mang kính, môi động đậy không ngừng, người thứ hai hút
thuốc lá. Chiếc nón kết trên đầu họ kéo ngược về phía sau gáy. Trông họ có vẻ
mệt mỏi.
Quay về bên trái
Fanhan lắc núm cánh cửa bên ngoài có đề chữ “phòng riêng”. Anh liền vội quay
sang cánh cửa bên phải có đề chữ “phòng ăn”. Cả hai cánh cửa đều được khóa kĩ.
Anh đành đứng khựng để nhìn hai người lính gác di chuyển qua lại không ngừng.
Bầu yên tĩnh thỉnh thoảng bị phá tan bằng vài phát súng, binh đội hai bên chỉ
đứng từ xa để trao đổi tạc đạn như kiểu chơi banh; nghiệm ra cả đôi bên đối thủ
đều coi nhẹ vấn đề; họ chỉ cần tỏ cho mọi người biết chiến tranh vẫn còn đó,
những trái đạn xé gió bay trên không trung, nổ tung bất kì chỗ nào gây náo động
để báo cho mọi người. “Chúng ta đang thời kì chiến tranh, hãy coi chừng, chiến
tranh là thế đó!”. Tiếng vang của đạn trái phá thật yếu ớt, Fanhan phải lắng
tai mới nhận rõ làn đạn chỉ tự phần đất quân Hoa Kỳ bay sang phía địch: quân
Đức không hề bắn trả lại. Cuộc pháo kích đó không song phương; thật là một trò
chơi không đối thủ: một bên dành ưu tiên đưa từng loạt đạn đều đặn sang phần
đất còn lại bên kia sông, một vùng rừng núi.
Fanhan dè dặt từng
bước; trước mặt anh hơi tối, ăn thông sang hai lối, bên trái vào hầm rượu, bên
mặt có một cánh cửa nhỏ ngoài có ghi hàng chữ “Nhà bếp”. Anh gõ nhẹ lên cánh
cửa có tiếng đáp từ bên trong “Xin mời vào!”. Fanhan đặt tay lên núm cửa. Bốn
khuôn mặt quay lại nhìn anh, anh ngạc nhiên nhận ra trong đó có hai người có
khuôn mặt giống một người mà anh đã được dịp tiếp xúc ở một nơi thật xa, hắn
mệt mỏi đến gần ngất xỉu, giữa một cánh đồng Hung Gia Lợi dưới ánh sáng hoe đỏ,
yếu ớt. hai khuôn mặt đó, một của ông già ngồi kế bên cửa sổ hút ống vố, dáng
người gầy gầy, mắt sáng lên vẻ nhẫn nhục, khuôn mặt ông lão thì giống với con
người anh đã gặp; khuôn mặt thứ hai của một đứa trẻ, lối sáu tuổi đang lê la
dưới đất đùa nghịch với chiếc xe kéo bằng gỗ; đứa trẻ ngửng đầu lên, nó cũng
gầy guộc mệt mỏi, già dặn và ngoan ngoãn; nó giương đôi mắt buồn nhìn Fanhan
rồi thản nhiên đẩy chiếc xe với vẻ nặng nhọc.
Hai khuôn mặt
khác, hai người đàn bà dang ngồi gọt khoai trước bàn bao gồm một bà lão còn
khỏe mạnh nước da ngăm ngăm, vành mặt to với nhiều nét thanh tú của thời thanh
xuân; người đàn bà ngồi kế bên, tuy còn thật trẻ, nhưng có vẻ héo hon, hốc hác,
mệt mỏi; cô ả cử động các ngón tay như người mất hồn. Vài món tóc hung rũ xuống
trán, xuống mặt cô ả; vành trán và da mặt xanh xao, tóc của bà cụ trái lại được
vén gọn và kẹp chặt phía sau ót.
- Chào quí vị! -
Fanhan cất tiếng chào.
- Chào ông! - Mọi
người cùng đáp lại.
Fanhan đóng cửa
lại khi lọt qua khung cửa. Anh cảm thấy ngượng ngùng, cất tiếng ho khan; mồ hôi
xâm xấp lưng áo và hai bên nách. Người đàn bà trẻ tuổi nhìn anh, cô ả có đôi
bàn tay thon nhỏ và trắng muốt. Còn thằng nhỏ loay hoay không làm sao đưa bánh
xe ra khỏi chỗ nứt của sàn lót gạch nên đành đẩy chiếc xe dọc theo đường thẳng.
Không khí trong căn phòng không mát mẻ lại còn bốc lên mùi thum thủm của thức
ăn thừa. Bốn chung quanh tường la liệt nào xoong, nào chảo.
Hai người đàn bà
liếc nhìn ông lão kế bên khung cửa, mắt đang hướng về phía sân. Ông lão chỉ
chiếc ghế, nói với Fanhan:
- Xin mời ông
ngồi…
Fanhan ngồi gần bà
lão già, anh nói.
- Thưa bác, tên
cháu là Fanhan, từ Uâydétxem tới, cháu muốn về nhà.
Hai người đàn bà
nhướng mắt lên khi ông cụ bật nói như tỉnh cơn ngủ.
- Fanhan, ở
Uâydétxem? Có phải con trai lão Dắc Fanhan đó không?
- Dạ phải! Chắc
Uâydétxem vẫn bình yên?
Ông già nhún vai,
nhả một làn khói rồi nói tiếp:
- Không chộn nhộn
gì lắm đâu, họ mong muốn quân Mĩ chiếm đóng thị trấn đó, nhưng quân Mĩ không
tiến chiếm. quân Mĩ ở đây đã ba tuần rồi mà chẳng tiến xa hơn hai cây số; bên
kia quân Đức cũng án binh bất động; vùng này chưa thuộc về bên nào, hình như
đôi bên đều chê, có thể vì vị trí địa dư không thuận tiện…
- Thỉnh thoảng
quân Đức có bắn qua mà? - Người đàn bà cắt ngang lời nói của ông cụ.
- Phải, mọi người
đều nghe thấy hết đó! - Ông cụ đáp lại rồi ngoảnh nhìn Fanhan từ đầu tới chân;
ông tiếp: - Ông từ đâu tới?
- Thưa bác, phía
đối diện. Cháu chờ bên đó đã ba tuần nay mà chưa thấy quân Mĩ qua.
- Phía bên kia hả?
- Dạ không! Tuy ở
bên đó thật nhưng chếch về hướng Nam gần Grinsơhem.
- Chà! ở
Grinsơhem? Thế ra ông đã qua khu vực đối diện?
- Thưa bác vâng;
nhờ đêm tối, mới hồi hôm!
- Thế ra ông đã
thay đồ rồi!
Fanhan lắc đầu.
- Thưa bác không,
- anh đáp. - Cháu đã trở về đời sống dân sự từ bên kia; họ đã cho cháu giải
ngũ, cùng với nhiều người khác.
Ông lão mỉm cười
nhìn người đàn bà trẻ tuổi:
- Géctrúcđơ, nghe
thấy không con? Họ cho xuất ngũ rất nhiều người. Ồ! Rồi tha hồ mà vui cười.
Hai người đàn bà
ngưng gọt vỏ khoai; người đàn bà nhỏ tuổi cầm chiếc xoong tiến về phía vòi nước
trong góc, đổ những củ khoai vào vỉ lược, rồi mở vòi nước để rửa; cô ả vẫn chậm
chạp. Người đàn bà lớn tuổi nắm cánh tay Fanhan. Anh quay lại.
- Có phải họ cho
nhiều người xuất ngũ? - Bà hỏi lại anh.
- Nhiều lắm, bác
ơi, - Fanhan đáp, - có nhiều đơn vị đã cho toàn thể quân nhân xuất ngũ. Những
người này đã tập hợp lại tại miền Rua. Riêng cháu, cháu chả muốn đi nữa.
Người đàn bà đứng
kế vòi nước đang khóc thút thít, cố giữ không gây tiếng động, chỉ thấy hai vai
nàng rung động.
- … hoặc khóc, -
ông già bỗng nhiên nói, - cười hoặc khóc.
Ông lão nhìn
Fanhan:
- Chồng con nhỏ
chết rồi; chồng nó là con trai của lão.
Ông lão cầm ống vố
chỉ người đàn bà đang đứng rửa khoai thật chậm chạp và kĩ càng kế bên vòi nước;
nàng vẫn chưa ngưng khóc.
- Tại Hung Gia
Lợi, - ông lão nói tiếp, - vào mùa thu năm ngoái.
- Phải chi nó còn
sống thì hè này nó đã được xuất ngũ rồi, - bà cụ ngồi kế bên Fanhan lên tiếng,
- nhiều lần người ta tưởng nó được giải ngũ vì bệnh hoạn; nó bệnh quá trời.
Nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai lo cho nó cả! Nó còn một chiếc rương.
Bà cụ lắc đầu liếc
nhìn nàng dâu, lúc đó vẫn còn đang loay hoay bên vòi nước. Nàng gượng nhẹ đổ
khoai vào chiếc nồi sạch bóng, rồi chế thêm chút nước. Vừa làm nàng vừa khóc
thút thít, thật nhỏ, khó ai có thể nghe rõ. Sau khi đặt nồi khoai lên trên lò,
nàng lại góc phòng rút mảnh khăn tay bỏ trong túi chiếc “tạp dề”.
Fanhan nhận thấy
nét mặt người góa phụ sa xuống. Anh không mấy khi nghĩ tới Fincơ; thỉnh thoảng
cũng có đấy nhưng cũng chỉ thoảng qua rồi lại thôi. Lúc đó Fanhan lại nghĩ đến
hắn quá nhiều, khiến những gì xảy ra với hắn trước đây, hiện rõ trong kí ức của
anh: Chiếc va li nặng quá sức tưởng tượng bị trúng một trái tạc đạn; chiếc nắp
xé gió bay đi đâu mất, trong đêm tối tiếng chai lọ va vào nhau vỡ loảng xoảng,
rượu bên trong nhiễu xuống đầu cổ hắn… Fanhan sống lại giờ khắc đó với tất cả
sự kinh ngạc trước cái hình hài nhỏ thó, gầy guộc của Fincơ, anh lần nắm khắp
châu thân hắn cho tới khi tay anh va chạm vào giữa vết thương toang hoác, máu
me bê bết…
Anh ngắm nhìn đứa
nhỏ đang lê la dưới đất. Những ngón tay thon dài và trắng của đứa trẻ thơ đang
lôi kéo chiếc xe gập ghềnh giữa những tấm đan hư vỡ, đứa nhỏ chất que củi lên
xe rồi lại gỡ xuống, gỡ xuống rồi lại bỏ lên… Đứa nhỏ yếu ớt quá, cũng có những
cử chỉ chậm chạp chả kém gì mẹ nó, lúc đó ngồi ở bàn, chiếc khăn tay úp trên
mặt. Fanhan cảm thấy phiền muộn, chỉ biết ngó quanh và không biết có nên kể lại
cho mọi người nghe những gì đã xảy ra. Fanhan cúi gục đầu xuống; chuyện đó
chẳng nên nói trong lúc này; thôi đành để dịp khác. Anh sẽ chỉ nói riêng với
ông cụ. Hôm ấy, anh đành im lặng; mà chắc họ cũng chẳng quan tâm tới điều tại
sao Fincơ lại xuất viện để mắc nạn tại Hung Gia Lợi. Bà cụ lại nắm lấy cánh tay
Fanhan.
- Có gì không ông?
- Bà cụ nhẹ nhàng hỏi anh, - ông có đói không? Ông có đau ở đâu không?
- Thưa bác không,
- anh đáp, - cám ơn lòng tốt của bác.
Khi nhận thấy tia
mắt soi mói của bà cụ, anh phải nói rõ thêm.
- Thật tình cháu
không đói, mà cũng không sao cả. cám ơn bác!
- Vậy ông làm một
li rượu nhé, - ông cụ nói vọng từ phía cửa sổ, - loại rượu mạnh?
- Dạ, cháu xin bác
một li rượu mạnh, - Fanhan đáp.
- Géctrúcđơ con, -
ông cụ gọi nàng dâu, - rót cho ông bạn đây một li rượu mạnh.
Người quả phụ đứng
dậy, bước sang phòng kế bên.
- Chúng tôi ở đây
chật chội quá, - bà cụ nói với Fanhan, - chỉ còn căn bếp này và phòng ăn mà
thôi. Tôi nghe nói binh lính sắp sửa tiến quân; họ có nhiều thiết giáp xa quá;
ngoài ra còn phải di tản tù binh nữa.
- Trong nhà này có
tù binh hả bác?
- Có chứ, - ông cụ
đáp, - họ bị nhốt ở các phòng kế bên đó; toàn là sĩ quan cao cấp, đang bị lấy
cung. Sau đó họ sẽ được chuyển đi chỗ khác. Lão thấy có cả một tướng lãnh nữa
kìa! Cháu nhìn xem!
Fanhan tiến gần về
phía ông cụ, ông giơ tay chỉ những khung cửa sổ của những căn phòng trông xuống
cánh sân thứ hai; tất cả các khung cửa sổ đều có song sắt đan thêm nhiều dây
kẽm gai.
- Kìa! - Ông cụ
làm anh chú ý. - Người ta lại dẫn một người khác đi lấy cung.
Lần này đúng là
viên tướng mà Fanhan nhận ra ngay: ông ta có nét mặt căng thẳng, trên cổ vẫn
còn đeo chiếc huy chương hình chữ thập; ông mỉm cười, thản nhiên bước giữa hai
tên lính trong tay lăm lăm khẩu tiểu liên. Trông ông ta không có vẻ gì là mệt
mỏi tuy nước da hơi vàng, với vẻ bình tĩnh, quả quyết và hiền từ chả khác gì
một nhà mô phạm, viên tướng không ngớt mỉm cười. Từ cửa lớn đi vào, bọn người
chậm rãi bước ra sân rồi bước lên bực cửa; hai tên lính áp tải vẫn theo sát.
- Đó ông tướng đó,
- ông cụ thân sinh ra Fincơ xác nhận. - Lại còn nhiều vị đại tá, thiếu tá nữa,
tất cả đều thuộc bộ tham mưu; tất cả gần ba chục người.
Người quả phụ trở
lại căn bếp mang theo vài chiếc li và một chai rượu mạnh. Nàng đặt chiếc li
trên bậu cửa trước mặt bố chồng, một chiếc khác trên bàn, trước mặt chiếc ghế
Fanhan vừa ngồi; Fanhan vẫn còn đứng gần cửa sổ, từ đó anh có thể nhìn tới cánh
sân thứ hai có con đường phố chạy ngang phía sau. Ở đó cũng có hai tên lính gác
trang bị tiểu liên. Fanhan nhận ra tiệm bán hòm trước mặt; anh nhớ trên con
đường này có trường Trung học. Một chiếc hòm sơn đen kịt có nẹp bạc trên tấm nỉ
đen viền tua bạc, được trưng bày làm mẫu trước cửa tiệm. Có lẽ chiếc hòm đã có
từ hồi anh còn cắp sách tới trường hồi ba mươi năm trước đây.
- Mời ông dùng
rượu! - Ông cụ vừa nói vừa nâng li.
Fanhan vội vã nâng
li và không quên cám ơn người quả phụ.
- Không dám! Xin
mời bác, - anh nói với ông cụ rồi nhấp môi vào li rượu.
Rượu mạnh ngon
tuyệt.
- Theo ý ông, lúc
nào thuận tiện để ông lẩn về nhà?
- Dù gì ông cũng
phải tìm qua những nơi không có lính Mĩ canh phòng; tốt hơn nên theo ngã Kơpel.
Ông biết Kơpel chứ?
- Thưa bác vâng, -
Fanhan đáp. - Ở đó không có lính Mĩ hả bác?
- Không. Đêm đêm
tôi thường thấy nhiều người tới đây kiếm bánh mì, họ đều mượn đường Kơpel.
- Ban ngày bọn Mĩ
cũng thường xạ kích vào nơi đó, - người quả phụ xen vào giữa câu chuyện.
- Đúng vậy, - ông
cụ xác nhận, - nhưng thỉnh thoảng thôi.
- Cám ơn bác, -
Fanhan đáp. - Cám ơn bác nhiều lắm.
Sau câu nói đó,
anh nốc cạn li rượu. Ông lão đứng dậy và nói.
- Tôi đi lên vườn
nho bây giờ đây; tốt hơn ông nên theo tôi cùng đi. Ở đó ông sẽ nhìn thấy rõ
hết, ngay nhà của cụ thân sinh của ông nữa…
- Vâng, - Fanhan
đáp. - Cháu xin theo bác.
Anh nhìn hai người
đàn bà bắt đầu lột lá cải; họ làm công việc đó thật nhẹ nhàng; mỗi lần lột được
một chiếc lá; họ đều xem xét thật kĩ rồi mới xắt thành những nhánh nhỏ và bỏ
vào vỉ lưới. Thằng nhỏ chán chiếc xe, ngửng đầu hỏi:
- Cho cháu đi với!
- Ừ! Đi theo ông!
- Ông cụ đồng ý với nó.
Ông cụ thân sinh
ra Fincơ để chiếc ống vố trên bậu cửa, ông nói lớn:
- Trông kìa ông,
lại có một người nữa sắp đi qua.
Fanhan vội chạy ra
cửa sổ; anh nhìn thấy một vị đại tá có dáng đi yếu đuối, có chiếc mặt lưỡi cày;
trông ông ta quá bệnh hoạn đến đỗi chiếc cổ gầy guộc trở thành quá nhỏ so với
chiếc cổ áo, huy chương vẫn còn lủng liểng trên cổ áo; ông nhấc cao đầu gối mỗi
khi cất bước với hai cánh tay lòng thòng.
- Thật xấu hổ, -
ông cụ lẩm bẩm, - thật là xấu hổ!
Fanhan với tay lên
mắc hạ chiếc nón và đội lên đầu.
- Xin kiếu cụ và
bà, - Fanhan chào hai người đàn bà.
- Chào ông, - họ
đồng thanh đáp lời chào của anh.
Ông cụ ngoái cổ
lại:
- Chúng tôi sẽ trở
lại ăn cơm trưa đấy nhé.
* * *
Binh nhì Béckem
không ưa chiến tranh chút nào. Nghề cũ của anh là bồi bàn trong một hộp đêm.
Anh đã nhiều lần thoát khỏi lệnh nhập ngũ cho tới năm 1944. Trong nghề bồi bàn
tại hộp đêm đó, anh đã học được rất nhiều điều mà anh không thấy mới mẻ bằng
một ngàn năm trăm ngày trong quân ngũ giữa thời chinh chiến. Kinh nghiệm trong
nghề cho anh thấy đa số đàn ông không chịu được rượu; nhưng họ lại không tin
điều đó, trái lại họ còn tự hào là tửu lượng rất cao và còn can đảm cho mình
uống rượu rất giỏi, họ thường khoe với đám người đi cùng với họ như vậy. Nhưng
thực ra, người biết uống rượu lại chẳng có bao nhiêu, còn người ngồi nhìn kẻ
khác uống lại càng hiếm hơn. Chiến tranh cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu.
Đa số đàn ông đã
mắc lỗi lầm công nhận chút kim khí bóng loáng ghim nơi ngực hoặc toòng teng
trên cổ có mãnh lực thay đổi giá trị của con người mang nó. Có nó thì kẻ đần
độn cũng trở thành tinh khôn, kẻ yếu như sên cũng trở thành mạnh như hổ. Trái
lại Béckem nhận thấy sai, sai ở chỗ nếu có sự gì thay đổi, thì chỉ toàn ở chiều
hướng đi xuống mà thôi. Riêng anh, anh không hề biết trước những ai sẽ tới quán
rượu, còn những người đã tới anh không hi vọng thấy họ vào những đêm khác. Điều
anh biết chắc, mặc dù họ muốn tưởng tượng hoặc tán dóc họ nốc bao nhiêu rượu,
ực từng hơi ngày này hay ngày khác, nơi này hay nơi khác, tất cả những người đó
không ai là không bị rượu đánh ngã. Nhìn kẻ say chẳng có gì là đẹp mắt; ấy vậy
mà trong một ngàn năm trăm đêm sống trong quán rượu đó, anh chưa thấy ai chịu
bỏ thời gian để kiểm soát việc buôn bán chợ đen; có lẽ người ta cho rằng phải
có một nơi nào đó để cho các người hùng nơi chiến tuyến có dịp uống, hút và ăn.
Tên chủ quán mới hai mươi tám tuổi đầu, khỏe như vâm mà phải tới tháng Chạp năm
1944 chả ai thèm lôi hắn vào quân ngũ. Hắn chả cần lưu tâm đến những trái bom
đang tàn phá lần lần thành phố; hắn có một chiếc vi la xây cất trong rừng với
một hầm trú ẩn kiên cố. Hắn còn chơi chua bằng cách mời những người hùng chiến
tuyến mà hắn ưa thích về tận nhà riêng để nhậu. Hắn có xe riêng để đưa rước họ,
khi tới cũng như lúc về.
Từ đầu hôm sớm mai
Béckem quan sát kĩ lưỡng đám thực khách, lắng tai nghe những điều họ nói, vì
lương tâm chức nghiệp, mặc dù anh nhận thấy những mẩu chuyện giữa họ với họ
chán phè. Họ đã kể cho nhau nghe toàn chuyện chiến tranh, nào bao vây, nào tấn
công; anh có ý định ghi tất cả vào trong sổ tay nhưng khốn nỗi nó lại quá
nhiều; mấy người hùng nhắc đến chuyện binh biến, thật ra chỉ để giải thích tại
sao họ không được ban thưởng huy chương mặc dù họ cảm thấy rất xứng đáng, ít ra
cũng được một chiếc, nhưng xét vì... xét vì... đầu óc Béckem quay cuồng vì vấn
đề “xét vì... xét vì...”, đến đỗi anh chán ngấy chiến tranh. À, mà còn nữa chứ;
đến lúc các quan say sưa, các quan chả cần giữ lời lẽ, có gì đều tuôn ra hết,
với nhau là lẽ đương nhiên và còn ngay cả với mấy cô nàng, có thể là địch vận
đã lặn lội tới đó từ Pháp, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Lỗ Ma Ni. Mấy ả này, phần
đông lại chịu được rượu. Béckem chịu mấy cô ả đó lắm, nhất là khi họ có thể thù
tạc với anh.
Vào giờ khắc đó
Béckem đang nằm chúi trong một vựa thóc tại một nơi mang tên Aobuốc, trong mình
hắn có ống nhòm, có tập học trò, có viết chì và chiếc đồng hồ đeo tay. Hắn được
lệnh theo dõi tình hình quân sự tại Haiđơhem cách hắn khoảng hai trăm năm chục
thước, bên kia bờ một con sông nhỏ. Ở đó chả có gì đáng quan sát; tầm mắt của
anh một nửa bị hạn chế bởi bức tường gạch của lò bánh kẹo đã đóng cửa nghỉ
việc, phần còn lại là một khoảng đường phố thưa thớt vài khách bộ hành tiến về
phía tây Vaiđơhem, rồi vội vã biến dạng trong những ngõ hẻm. Những người đó,
thuần là nông dân làm trong vườn nho hoặc vườn cây; Béckem nhìn thấy họ trên
đồi cao phía sau Haiđơhem không thuộc phạm vi trách nhiệm của anh. Khẩu đại bác
anh làm tiền sát viên chỉ được quyền nã bảy trái đạn trong một ngày và phải
tiêu thụ hết trong ngày mới được lãnh thêm. Bảy trái đạn trong một ngày có thấm
tháp gì với binh đội Hoa Kỳ đang chiếm đóng Haiđơhem, một trái bắn sang bên đó,
sẽ được đại pháo Hoa Kỳ đáp lễ hàng loạt cả trăm trái liên tiếp; như vậy có bắn
đi cũng bằng vô ích; ngoài ra cũng cần thiết cấm chỉ vì đạn bay đi không gây
tổn thất cho địch mà khi đạn bay về nhột nhạt quá. Anh còn cảm thấy ghi chép
vào sổ cũng bằng thừa, dù vậy anh vẫn làm công việc đó đều đều: “10g30 chiến xa
Hoa Kỳ từ Haiđơhem tiến tới căn nhà kế cận lò bánh kẹo; đậu trước lò bánh kẹo;
rút lui hồi 11g15”. Chiếc chiến xa đó hằng ngày vẫn tới đậu ở đó một tiếng đồng
hồ và chỉ cách nơi anh khoảng một trăm năm chục thước, ngày nào anh cũng ghi mà
bên anh chẳng bao giờ có phản ứng. Anh lính Thiết giáp binh Hoa Kỳ còn xuống
đất vào trong ngôi nhà đó cả tiếng đồng hồ rồi mới ra đi.
Trưởng khẩu đại
bác của Béckem là một viên thiếu úy mang tên Grách, trước đó là một mục sư.
Béckem chưa hề có dịp quen các mục sư; anh nhận thấy viên thiếu úy đó rất dễ
thương; ông ta cho lệnh tống bảy viên đạn trái phá vào phần đất lầy lội, lau
sậy mọc đầy gần ngã ba sông, bên trái Haiđơhem. Dân chúng trong vùng mệnh danh
Kơpel, lưu vực con sông đó; đạn trái phá rớt xuống đây chẳng gây thiệt hại gì
cho ai, Béckem vì lương tâm chức nghiệp, ghi vào trong tập: “Có sự khuấy động
bất thường trong vùng ngã ba sông”. Viên thiếu úy không tỏ ý phản đối những
điều anh ghi, vì hàng ngày anh cứ thấy ông cho tống đạn vào vũng lầy.
Nhưng, cách đó hai
ngày, trưởng khẩu đại bác được thay thế; người mới tới là trung sĩ nhất
Sinivin, anh chàng này có vẻ muốn làm một điều ngoạn mục bằng cách gióng hướng
súng vào những chỗ nào đã kéo cờ trắng. Ờ! Nếu muốn mời quân Hoa Kỳ chiếm đóng
thì biết tay anh; khổ nỗi quân Hoa Kỳ không nhúc nhích. Phần đất của xã ở vào
một vị trí không thuận tiện, chung quanh bao bọc ba phần nước, dễ trở thành mục
tiêu cho các cuộc pháo kích, trái lại Haiđơhem có một vị trí thuận lợi cho hành
quân hơn; có lẽ vì vậy mà quân đội Hoa Kỳ không dự tính chiếm thêm các vị trí
khác. Ngoài ra quân đội Hoa Kỳ đã tiến thêm nhiều mũi dùi vào Đức quốc và chiếm
gần trọn miền trung bộ; nhưng ở Haiđơhem, họ lại không nhúc nhích, chần chừ cả
ba tuần lễ. Cứ mỗi lần Haiđơhem lãnh một trái đạn, quân Hoa Kỳ đáp lễ cả trăm
trái. Trung sĩ nhất Sinivin dành bảy trái đạn cho Vaiđơhem và các vị trí chung
quanh, anh ta nhất thiết phải phạt đám dân chúng thiếu tinh thần ái quốc; anh
rất khó chịu khi nhìn thấy những ngọn cờ trắng bay phất phới trước mặt.
Ngày đó Béckem lại
chịu khó ghi thêm vào tập: “9g00 khuấy động bất thường trong vùng ngã ba sông”.
Hồi 10g15 anh vẫn ghi như vậy, đến 11g45 anh ghi thêm: “chiến xa Hoa Kỳ di
chuyển từ Haiđơhem đến Vaiđơhem; lò bánh kẹo”. Đúng ngọ anh rời đài quan sát để
đi ăn cơm. Anh sắp sửa xuống thang, trung sĩ Sinivin từ dưới đất nói vọng lên:
- Đừng xuống vội!
Chờ một lát!
Béckem trở vào
đứng bên khung cửa sổ trên mái vựa thóc, bắc ống nhòm về phía trước mặt.
Sinivin giật chiếc ống nhòm trên tay Béckem rồi nằm sấp xuống sàn nghểnh đầu
qua bậu cửa sổ, làm như hắn đang ở chiến trường. Béckem liếc nhìn hắn; hắn
thuộc dạng người thực tế thiếu chịu đựng, nhưng lại có ảo tưởng rằng họ giỏi
chịu đựng và còn thuyết phục người khác phải tin như vậy. Sự nhiệt thành của
hắn mất vẻ tự nhiên khi hắn nằm bẹp trên ván sàn để nhìn khu vực Vaiđơhem bất động.
Béckem nhìn thấy ngôi sao đính trên cầu vai hắn còn mới, mới tinh như cuốn dây
thao uốn theo hình móng ngựa chung quanh cầu vai. Sinivin trả lại chiếc ống
nhòm cho Béckem lầu bầu trong miệng:
- Đồ khốn nạn!
Thật khốn nạn, chưa chi đã vội kéo cờ trắng; đưa tôi cuốn tập!
Béckem đưa tập cho
hắn, hắn đọc những dòng chữ ghi trong đó:
- Toàn chuyện phịa
không à! - Hắn nói, - tôi không hiểu tại sao anh lại ghi bậy bạ như vậy: lưu
vực ngã ba sông bùn sình đó chỉ lúc nhúc cóc nhái mà thôi; có gì khác đâu. Nào,
để coi lại xem!
Hắn lại giật chiếc
ống nhòm từ tay Béckem để quan sát lại khoảng ngã ba sông; anh nhận thấy trên
môi hắn còn rành rành vệt nước miếng, nhễu xuống thành dây lòng thòng.
- Nào có gì đâu! -
hắn lầu bầu, - chả có ma dại nào ở đó cả; anh toàn báo cáo láo không à!
Hắn xé một tờ giấy
trong cuốn tập, móc trong cùng túi áo lôi ra một mẩu bút chì, mắt không ngớt
nhìn ra ngoài khung cửa, tay hí hoáy viết:
- Quân khốn nạn!
Thật khốn nạn, - hắn vẫn tiếp tục nguyền rủa.
Hắn xuống thang
không thèm chào lại Béckem. Một phút sau Béckem cũng xuống thang kiếm cơm ăn.
* * *
Từ trên đồi nho
chế ngự toàn vùng, Fanhan mới hiểu tại sao Vaiđơhem không thể là mục tiêu quí
giá cho cả hai phe đối nghịch, quân Hoa Kỳ cũng như quân Đức; có chiếm đóng
vùng này cũng chỉ uổng công vô ích: lèo tèo mười lăm căn nhà cùng một xưởng làm
kẹo mứt đã ngưng hoạt động. Ở Haiđơhem có một nhà ga xe lửa xép; còn một chiếc
nữa thì ở bên kia sông trong vùng Aobuốc thuộc phạm vi kiểm soát của quân Đức.
Vaiđơhem lúc đó được xem như cánh tay đã bị liệt. Haiđơhem trái lại, với địa
thế ẩn tàng trong hốc đá tuy nhỏ hẹp nhưng lại đủ khả năng chứa đầy chiến xa và
quân xa nằm chình ình chẳng ai thèm ngụy trang. Ngoài thung lũng, đồng cỏ và
đồi núi đầy hoa tạo thành những đốm trắng, hồng hoặc xanh. Lúc đó đang giữa mùa
xuân nên trời mát dịu. Từ trên cao nhìn xuống, cơ ngơi của gia đình Fincơ hiện
ra rõ rệt như một mô hình, hai cánh sân vuông vức tiếp giáp những con phố nhỏ
hẹp. Anh nhìn rõ bốn người lính gác; trong cánh sân dành cho xưởng mộc một
người đàn ông bận rộn bên cạnh một chiếc thùng lớn, hình thù hơi khác biệt, màu
vàng lợt; có lẽ đó là chiếc quan tài, nhiều chỗ vừa mới bào nhẵn còn để lộ vân
gỗ màu đào. Bà vợ chủ nhân ngồi kế bên chồng và đang nhặt rau.
Ngoài đường phố
khá náo nhiệt, mấy bà nội trợ đi tới đi lui, mua bán; vài ba chú lính thả rong;
cuối xã, vào giờ tan học, học trò tuôn ra đông nghẹt. Ngược lại phía Vaiđơhem
hoàn toàn buồn vắng. Mấy căn nhà gần như ẩn kín dưới tàn cây, nhưng Fanhan đã
thuộc sẵn từ lâu, nhà nào của Béc, nhà nào của Hóppơnrát; chúng bị hư hại ra
sao, và nhà của cha mẹ anh vẫn được nguyên vẹn. Nhà của cha mẹ anh ở ngay mặt
tiền sơn màu vàng cũ kĩ; trên lầu nhất căn nhà, ngay trước cửa sổ phòng ngủ của
cha mẹ anh, phất phới ngọn cờ trắng cỡ đại lớn hơn cả nhiều ngọn cờ khác tại
các nhà kế cận. Cây ti ơn đã trở lại tốt tươi.
Vậy mà chả có bóng
dáng người nào ngoài đường cái; những lá cờ trắng rũ xuống, bất động vì thiếu
gió. Cánh sân rộng trong lò bánh kẹo cũng vắng tanh, vắng ngắt; cửa kho đóng
kín nhưng ngoài sân chất đống hoặc ngổn ngang, chỗ này chỗ kia thật nhiều
thùng.
Fanhan bỗng thấy
xuất hiện một chiếc xe hơi Hoa Kỳ từ nhà ga xe lửa Haiđơhem xả hết tốc lực qua
đồng nội, vườn cây trái hướng về phía Vaiđơhem. Chiếc xe thỉnh thoảng khuất
dưới màu hoa trắng ở khắp chùm cây rồi lại ló dạng để tiến vào đường phố chính
ở Vaiđơhem. Chiếc xe ngừng trước lò đường.
- Trời! - Fanhan
nói nhỏ với ông thân sinh ra Fincơ, tay chỉ chiếc xe hơi, - thế nghĩa là gì?
Ông cụ ngồi bên
cạnh anh trên chiếc ghế băng đặt trước căn lều chứa dụng cụ,thản nhiên lắc đầu.
- Có gì đâu! - ông
nói, - chẳng có gì quan trọng! Người ngồi trong xe là tình nhân của cô Mécbách.
Hàng ngày hắn thường lui tới đó.
- Một người Hoa Kỳ
mà?
- Dĩ nhiên rồi, -
ông cụ đáp, - cô ả không dám đến với người Hoa Kỳ đó vì quân Đức thỉnh thoảng
lại pháo kích vào vị trí quân Hoa Kỳ. Vì vậy anh chàng đành phải dấn thân đến
tìm nàng.
Fanhan mỉm cười.
Chính anh cũng biết rõ cô nàng Mécbách, cô nàng nhỏ tuổi hơn anh; anh nhớ lại
khi anh rời nhà ra đi, thì cô ả chỉ mới mười bốn tuổi, gầy đét, chân tay lòng
khòng; cô ả luôn luôn tỏ vẻ bồn chồn. Cô ả chơi dương cầm, siêng năng lắm nhưng
vẫn quá dở. Anh nhớ lại một chiều chủ nhật trước đây, cô ả đàn ở tầng dưới nhà,
trong phòng khách của xưởng bánh; lúc đó anh đang ở ngoài vườn và đang đọc
sách. Sau khi thôi không dạo đàn nữa, cô ả bước tới gần khung cửa sổ, nhìn
xuống vườn, mặt mày xanh lét; ánh mắt buồn và không tỏ vẻ hài lòng. Nghỉ chừng
vài phút cô ả lại tiếp tục đàn. Vào hồi này, cô ả phải hai mươi bảy tuổi rồi.
Anh thấy vui hộ cô ta khi tìm được người yêu.
Fanhan tự nhủ chả
còn bao lâu nữa anh sẽ qua bên kia để về nhà, ngay sát nách gia đình họ
Mécbách. Rồi ngày hôm sau cũng vào giờ đó, anh sẽ được rõ mặt anh chàng Hoa Kỳ
đó. Có thể anh sẽ có dịp trao đổi với hắn dăm ba câu chuyện rồi nhờ hắn về việc
giấy tờ. Chắc chắn hắn phải là một sĩ quan; cô Mécbách chẳng bao giờ lại yêu
một anh chàng binh nhì.
Fanhan nghĩ tới
căn nhà nho nhỏ của anh tại thành phố mà anh biết lúc này không còn nữa. Đông
lân hàng xóm trước đây đã biên thư báo cho anh biết căn nhà ấy nay chẳng còn,
anh cố gắng hình dung căn nhà của anh ra sao mà không được. Mặc dù chính mắt
anh đã chứng kiến biết bao nhiêu căn nhà khác đã sụp đổ. Căn nhà của anh ở
trong tình trạng bi đát đó, thế mà anh không sao mường tượng được. Khi được tin
căn nhà anh bị sập, anh lại không về mặc dù thượng cấp của anh cho phép; anh
không hiểu tại sao anh lại không chịu về để xác nhận căn nhà của anh chỉ còn là
đống gạch vụn. Lần cuối cùng, năm 1943, anh về thăm nhà thì căn phố vẫn còn
nguyên vẹn; anh đã lấy giấy bìa cứng để thay thế những khung kính cửa sổ bị bể
rồi ra quán rượu gần đó ngồi chờ xe lửa tới. Anh đã ngồi trong quán tới ba
tiếng đồng hồ, nói chuyện với gã bồi bàn dễ mến, chững chạc và nhất là biết lẽ
phải; hắn còn trẻ, hắn thường bán thuốc lá với giá bốn chục “fenních” và rượu
cô nhắc Pháp với giá sáu mươi lăm đồng “Mác”, giá đó chẳng đắt chút nào. Hắn
cũng nói cho anh biết tên hắn nhưng anh lại không nhớ hắn giới thiệu cho anh
một người đàn bà thật đẹp chất phác, sự thật thà chất phác cố hữu của người
Đức. Người đàn bà đó mang tên Crét và mọi người đều kêu bằng “mẹ Crét”. Anh tin
lời anh bồi bàn nên đã nói chuyện với người đàn bà khá lâu và uống vài li rượu
ngon. Suốt ba tiếng đồng hồ Fanhan nhận thấy Crét quả tình rất giản dị, tự
nhiên; cô ả đã đem chuyện nhà ở Slơvích Hôlsten kể lại cho anh nghe và còn an
ủi anh về những tai họa của chiến tranh. Trong quán rượu đó, Fanhan đã tìm được
niềm thơ thới mặc dù đêm đã tàn, số sĩ quan và binh sĩ đưa nhau ra ngoài tập cơ
bản thao diễn.
Lúc ấy anh cảm
thấy hài lòng trở về mái nhà xưa để sống ở đó. Anh sẽ sống ở đó thật lâu, chẳng
muốn bôn ba nữa và quyết định chờ đợi mọi biến cố. Sau chiến tranh, thiếu gì
việc phải làm, nhưng chính anh, anh lại không muốn tự hủy hoại bằng công việc.
Anh có thể giúp người này, người khác trong việc gặt hái; kể như thế chả hại
chút nào vì anh không tình nguyện như những người khách về quê nghỉ hè phải nắm
tay vào chĩa nhọn. Nếu ai nhờ, anh sẽ xây vài căn nhà trong vùng. Anh liếc mắt
nhìn Haiđơhem: sao nhiều nhà sập đến thế, suốt một dọc kế cận nhà ga xe lửa và
ngay cả nhà ga. Một chuyến tàu vét còn đó; chiếc đầu tàu lỗ chỗ nhiều vết đạn,
đổ nghiêng bên cạnh đường rầy; một chiếc cam nhông Hoa Kỳ đậu sát toa goòng chở
đầy gỗ; người ta đang chuyển gỗ cây từ toa goòng sang xe cam nhông; những tấm
ván vừa được xẻ ra từ các khúc cây làm mọi người chú ý như khi người ta chú ý
tới chiếc quan tài trong vườn nhà bác thợ mộc, sáng chói hơn cả nụ bông trên
cây.
Fanhan nghĩ tới
con đường anh sẽ nương theo. Theo ông cụ thân sinh ra Fincơ, dọc theo con đường
đó, có nhiều toán lính gác Hoa Kỳ; họ còn đặt nhiều đồn bót, nhưng không hề gây
khó dễ cho những người nghỉ việc lẻ tẻ ra đồng. Muốn được an toàn hơn anh có
thể theo đường mương dẫn nước dài chừng vài trăm thước từ con sông đầy cát. Lúc
men theo đường mương đầu nên cúi xuống thật thấp. Nhiều người đã theo lối đi đó
bằng cách chui qua bụi rậm vùng Kơpel len lỏi dưới mương dẫn vào khu vườn ở
Vaiđơhem. Khi đã lọt vào những khu vườn thì chả ai thấy nữa. Fanhan lại rất
thuộc đường trong khu vực đó. Anh có thể ngụy trang bằng cách vác trên vai cuốc
hoặc mai. Cụ thân sinh ra Fincơ đoan quyết hằng ngày nhiều người từ Vaiđơhem đã
sang bên này để thăm vườn nho hoặc vườn cây trái của họ.
Fanhan chả mong
muốn gì hơn là được về nhà, nằm dài trên giường nghỉ ngơi mà không bị ai phiền
nhiễu. Anh tha hồ nghĩ tới Ilôna, và mơ đến nàng. Sau đó anh sẽ làm việc. Anh
lại tha hồ được ngủ, để cho mẹ anh nuông chiều chăm sóc. Chắc mẹ anh sung sướng
khi biết anh sẽ mãi mãi ở lại nhà. Anh sẽ tìm lại cái thú được đọc sách và hút
thuốc. Cô ả Mécbách chắc vẫn còn chơi dương cầm, có thể bây giờ khá hơn trước
nhiều. Anh biết chắc trước đây anh không hề để ý tới tài nghệ của cô ả mà chỉ cảm
thấy sung sướng khi được đọc sách ngoài đường và nghe cô ả nện xuống phím đàn.
Tới lúc đó anh mới cảm thấy giá trị của cái diễm phúc xa xưa ấy. Anh mơ ước tự
tay cất lên căn nhà mà chưa ai cất được, và căn nhà đó cũng chẳng khác những
căn nhà người khác cất lên bao nhiêu. Anh chỉ là một kiến trúc sư bậc trung;
anh biết rõ điều đó lắm, nhưng anh tự mãn vì đã chọn được một cái nghề khả dĩ
tạo được những công trình kiến trúc nho nhỏ, bền vững ưa nhìn qua phóng đồ và
đôi lúc vẫn còn ưa nhìn ngay cả khi công trình đó được hoàn tất. Điều cần nhất
là chả nên quan trọng hóa vấn đề; chỉ có vậy thôi.
Con đường anh sắp
phải đi có vẻ quá dài, mặc dù chỉ mất khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ là cùng,
bắt đầu từ khởi điểm. Anh cảm thấy mệt nên đâm lười; phải chi anh có xe đưa qua
quãng trống đó, vừa nhanh lại vừa đỡ mệt cho anh; anh chỉ việc nằm duỗi dài rồi
lăn ra ngủ. Qua phòng tuyến Hoa Kỳ đối với anh không phải là chuyện dễ, có khi
còn nguy hiểm tới tính mạng. Anh sẽ phải vượt nhiều chướng ngại vật; lúc này
anh ngại khó; tất cả đều làm anh chán ngán.
Khi chuông nguyện
nhà thờ vừa vang lên, anh vội vã lột chiếc nón kết trên đầu xuống, rồi chắp hai
tay vào với nhau. Ông cụ thân sinh ra Fincơ và thằng nhỏ cũng làm như anh, bác
thợ mộc đang bận bào chiếc quan tài buông vội chiếc bào, mụ vợ lão đẩy xa rổ
rau rồi đứng dậy. Cả hai vợ chồng lão cùng chắp tay trước ngực. Chẳng có người
nào thấy ngượng ngùng phải cầu nguyện giữa nơi công chúng; nhưng riêng anh, anh
thấy chương chướng mặc dù trước đây việc nguyện kinh đối với anh không có gì xa
lạ. Từ ngày anh được mục kích Ilôna cầu nguyện, nàng tỏ ra quá sốt sắng, ít
thấy ở một người đàn bà đẹp, đến đỗi giáo hội cũng phải tin tưởng, anh cũng
phải tự động cầu xin; trong thâm tâm anh chả có gì ước muốn nữa: Ilôna nay đã
chẳng còn thì cầu nguyện để làm gì. Nhưng anh vẫn cầu nguyện để nàng trở lại,
vì chỉ có Chúa mới biết nàng đang ở nơi nào, sẽ giúp anh đến được với nàng. Mục
tiêu của anh gần kề rồi mà. Những người chung quanh anh, tất cả đều cầu xin để
nhìn thấy điều ước muốn của họ được thể hiện. Trái lại, Ilôna đã khuyên anh:
“chúng ta phải cầu nguyện để an ủi Chúa!”. Câu đó Ilôna đọc cho anh nghe, nàng
thấy nó hơi lạ và với anh, khi chắp tay, anh lòng nhủ lòng không hề cầu xin gì
hết; như vậy với anh đó cũng là một cách nguyện cầu. Anh nhủ lòng phải năng
viếng nhà thờ; anh khổ tâm lắm vì phải nghe bài giảng, vì phải gặp nhiều người
anh không ưa; anh quyết tâm luôn luôn viếng nhà thờ, xem lễ chỉ cốt an ủi Chúa,
an ủi NGƯỜI, vì những tôi tớ của NGƯỜI. Ý nghĩ đó làm anh mỉm cười, buông thõng
tay xuống lượm chiếc nón kết đội lên đầu.
- Trông kìa, - ông
thân sinh ra Fincơ gọi anh, - người ta bắt đầu di tản tù binh.
Ông cụ giơ tay chỉ
về phía Haiđơhem. Fanhan nhìn thấy chiếc xe cam nhông đậu trước cửa trại hòm;
số sĩ quan từ trong căn phòng hẹp tại căn nhà cụ Fincơ bước lên xe, ngồi chật
ních. Tất cả mọi người đều mang huy chương đầy ngực, sáng chói, từ xa ai cũng
nhận thấy rõ. Chiếc xe cam nhông chạy thật mau trên con đường lớn rợp bóng cây;
chiếc xe nhắm về hướng Tây trực chỉ; ở đó chưa có chiến tranh...
- Dường như, - ông
cụ nói, - họ chưa tiến quân. Ông có nhìn thấy những chiếc chiến xa kia không?
- Cháu mong họ
tiến chiếm Vaiđơhem càng sớm càng tốt, - Fanhan đáp lại.
Ông cụ gật đầu
đồng ý:
- Chắc cũng chả
còn bao lâu nữa. Sau này ông nhớ sang thăm chúng tôi.
- Thế nào cháu
cũng sang thăm hai bác.
- Chúng tôi mong
gặp lại ông, - cụ đáp, - ông hút thuốc không?
- Cám ơn bác, -
anh đáp lời mời của ông cụ rồi nhồi thuốc vào ống vố.
Ông cụ đốt thuốc
cho anh; cả hai người đứng ngắm cánh đồng đầy hoa một lúc lâu; cánh đồng chạy
thoải ra mãi tận xa; ông cụ đặt bàn tay lên đầu thằng cháu nội.
- Bây giờ cháu
phải đi, - Fanhan bỗng nhiên nói lên ý định, - xin kiếu bác; cháu nóng lòng về
nhà quá…
- Ờ! ông về đi,
đừng lo sợ gì hết; chả có gì là hiểm nguy đâu, - ông cụ an ủi vỗ về Fanhan.
Anh chìa tay cho
ông cụ.
- Cháu cám ơn bác
thật nhiều, - anh vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt ông cụ, - cám ơn bác; cháu ước
mong được gặp lại bác thật sớm.
Anh không quên bắt
tay thằng nhỏ đang hướng đôi mắt đen và to về anh, nó nhìn anh có vẻ nghĩ ngợi
nhưng không hề nghi ngại.
- Ông nên cầm lấy
một cán cuốc, - ông cụ khuyên anh, - như thế tốt hơn.
- Cám ơn bác, -
Fanhan đưa tay đón cán cuốc từ tay ông cụ.
Anh có cảm nghĩ
anh đang tiến thẳng tới chiếc quan tài bác thợ mộc đang đóng trong sân; chiếc
hòm thật lớn, thật bóng vẫn nằm đó, mỗi lúc một lớn hơn khi anh tiến thẳng lại
gần; cảm tưởng đó giống như lúc anh đang ngắm nhìn qua ống nhòm. Anh rẽ về tay
mặt dọc theo hương lộ; anh nhập đám đông học trò vừa tan trường, cùng đi với
chúng tới đầu tỉnh; anh vẫn tiếp tục đi nhưng lúc đó chỉ còn mỗi mình anh trên
con đường dẫn tới đường mương thoát nước. Anh thấy khó chịu nếu cứ phải khom
lưng mà đi dưới mương, vì vậy anh bất cần, thẳng người đi đại. Anh không khoái
lội nước bì bõm trong vùng Kơpel, ngoài ra anh thấy kì kì: tiến về làng bằng
hướng bên phải để tới nơi bằng hướng bên trái. Anh men theo con đường tắt, băng
qua đồng, băng qua vườn cây trái cho tới lúc anh đụng đầu với một người khác đi
ngược chiều, cách anh vài trăm thước, trên vai cũng có một cán cuốc.
Quân Hoa Kỳ đặt
hai người gác ở đường mương. Họ để đầu trần, đứng hút thuốc, nhìn vườn cây trổ
bông với ánh mắt chán chường; vườn cây ngăn cách hai vùng Haiđơhem và Vaiđơhem.
Họ không để ý tới Fanhan; họ đã gác ở đó được ba tuần lễ và trong hai tuần đầu
Haiđơhem chưa bị pháo kích lần nào; Fanhan bước qua mặt họ, rất bình tĩnh; anh
còn chào họ nữa chứ; họ cũng chào lại anh và không nghi ngờ gì.
Chỉ còn mười phút
nữa thì anh tới đích; anh băng thẳng qua vườn cây rồi quẹo về bên trái giữa
trang trại của gia đình Hôidơ và Hóppơnrát; chỉ còn qua quãng đường lớn là anh
tới nhà. May ra anh gặp được người quen.
Nhưng anh chả gặp
được ai, không nghe thấy gì ngoài tiếng động cơ xe vang lại từ xa. Vào giờ đó
chẳng bên nào khai hỏa; mặc dù việc khai hỏa vào giờ khắc nhất định giữa đôi
bên vẫn có nhưng lại ngưng vào lúc đó; anh có cảm tưởng cả đôi bên biết sự hiện
diện của anh vào giờ khắc đó nên đã ra lệnh tạm ngưng tiếng súng.
Anh chua chát nghĩ
tới Ilôna, anh có linh cảm nàng muốn trốn tránh anh, có thể nàng đã chết, có
thể nàng không muốn bận vào thân; nếu không lúc đó nàng đã phải ở kế bên anh;
nàng phải ở kế bên anh, anh có cảm tưởng như vậy. Chính Ilôna đâu có muốn sống
kiếp gái già, nhưng gắn cuộc sống nàng vào một mối tình mới chớm nở, phù du
trong khi trên đời còn có một mối tình khác, một mối tình trường cửu, là một
việc chẳng nên làm. Ilôna có thể biết rất nhiều, thật nhiều, nhiều hơn cả anh
nữa. Anh có cảm tưởng đã bị chiếm đoạt mất một cái gì vì giờ đây anh sắp trở về
mái nhà xưa; anh sẽ tiếp tục cuộc sống riêng biệt, đọc thật nhiều và làm chả
bao nhiêu; anh sẽ nguyện cầu để an ủi Chúa. Và chẳng hề xin Chúa ban ơn; tình
thương của Chúa có bao giờ thể hiện được bằng sự sang giàu, sự thành công hoặc
một phương tiện sống bằng cách làm ăn dối trá; trên đời đã nhiều người sống
thực mà làm dối; chính anh cũng vậy, anh ăn thực mà làm dối, một kiến trúc sư
không thể tạo ra được những căn nhà cho người khác; kiến trúc sư, loại hạng bét
còn làm được hơn anh nhiều.
Anh mỉm cười khi
bước qua nhà Hóppơnrát, cây cối vẫn chưa hề được phun chất lỏng trăng trắng mà
cha anh bảo là cần thiết. Cha anh đã thảo luận thật sôi nổi với Hóppơnrát về
vấn đề này nhưng hắn đâu có thèm nghe ông... Chỉ còn vài bước nữa là anh về tới
nhà. Bên tay trái anh là trang trại của Hôidơ, bên tay mặt của Hóppơnrát; con
đường ngăn đôi hai cơ sở đó quá nhỏ hẹp. Anh theo con đường lớn bên trái một
thôi ngắn. Cây cối trong vườn Hôidơ đều được phun nước vôi trắng xóa. Anh mỉm
cười.
Trái đạn bay trước
mặt anh; anh vừa kịp nhận ra đã vội nằm sấp xuống đất, nụ cười chưa tắt; quả
đạn rớt ngay trong vườn cây Hóppơnrát rồi nổ tung, cành, lá bay mù đất; hoa
trắng rụng đầy vườn, trắng xóa một màu trên nền cỏ. Viên đạn thứ hai trúng gần
nhà Bômơ, gần kề cửa nhà cha mẹ anh; trái thứ ba và thứ tư không trúng mục tiêu
vì hơi chếch về bên trái; hai trái đạn sau nhỏ hơn. Anh sắp sửa từ từ đứng dậy
thì trái thứ năm rớt xuống nữa trúng ngay chỗ các trái trước đã nổ. Cuộc pháo
kích ngừng ở trái thứ năm. Anh nằm yên nghe ngóng thêm một lúc; không còn tiếng
đạn bay nữa. Anh vọt đứng dậy chạy thật mau. Trong làng chó đua nhau sủa vang;
gà vịt trong nhà Hôidơ bay tứ tung, bò trong chuồng rống lên từng hồi. Anh lẩm
bẩm: “Để làm gì nhỉ! Để làm gì nhỉ!”. Có lẽ họ ngắm bắn chiếc chiến xa Hoa Kỳ,
vì nó vẫn còn đậu ở đó. Khi anh tới khúc quanh con đường, mới nhận ra chiếc
chiến xa đã đi rồi. Đường phố vắng ngắt, chỉ có tiếng chó sủa và bò rống. Chỉ
còn vài thước là anh tới nhà cha mẹ. Trong làng chỉ còn mỗi nhà anh treo cờ
trắng, lá cờ sao mà to thế; có thể người trong nhà đã dùng chiếc khăn trải bàn
để làm cờ, chiếc khăn đó mẹ anh chỉ dùng khi trong nhà có đãi đằng lớn. Anh vừa
mỉm cười thì lại phải nằm xuống mặc dù anh biết đã quá chậm. Anh nghĩ: “Bắn như
vậy thật vô ích chả ăn thua đâu vào đâu!”.
Trái đạn thứ sáu trúng ngưỡng cửa nhà anh; cột đá sập, vôi cát bay tứ tung; mẹ anh kêu cứu dưới hầm rượu. Anh trườn bò thật mau vào trong nhà.
Trái đạn thứ bảy bay tới, anh vừa kịp thốt lên tiếng kêu thì nó đã nổ rồi. Cái chết với anh lúc đó thật không đơn giản chút nào. Người anh bị hất vào trong nhà, cán cờ gẫy đôi; tấm khăn trải bàn rớt xuống phủ kín người anh.
Trái đạn thứ sáu trúng ngưỡng cửa nhà anh; cột đá sập, vôi cát bay tứ tung; mẹ anh kêu cứu dưới hầm rượu. Anh trườn bò thật mau vào trong nhà.
Trái đạn thứ bảy bay tới, anh vừa kịp thốt lên tiếng kêu thì nó đã nổ rồi. Cái chết với anh lúc đó thật không đơn giản chút nào. Người anh bị hất vào trong nhà, cán cờ gẫy đôi; tấm khăn trải bàn rớt xuống phủ kín người anh.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét