Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 11

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Một

Masa Artêmieva học trong trường thông tin liên lạc đã được ba tháng nay, kể từ giữa tháng bảy. Trường này đóng trong những ngôi nhà ở ngoại thành của một trường trong rừng trước kia, chỗ cây số thứ ba mươi trên đường đi Caluxki cũ.
Xế chiều ngày 16 tháng mười, Masa và cô bạn Giurápxkaia được phép về ngủ ở Maxcơva để lấy một vài thứ áo quần ở nhà mang đi. Những thứ này có thể họ sẽ dùng khi ở trong lòng địch.
Trời lạnh và lặng gió: suốt dọc đường, hai người đàn bà cứ ở trong hòm chiếc xe vận tải đang chạy về Maxcơva lấy thực phẩm. Họ nằm trên lớp rạ và trùm tấm bạt dày mà người ta thường dùng để che hàng. Masa đã đỡ rét và trong bóng tối dưới tấm bạt, chị có cảm tưởng rằng đây không phải là chiếc xe vận tải đang chạy về Maxcơva lấy thực phẩm mà là chiếc máy bay ban đêm, và chị sẽ nằm dưới đáy khoang của nó cũng trong bóng tối như thế này, để vượt qua mặt trận rồi sẽ được thả dù xuống vùng sau lưng địch. Chương trình học tập đã kết thúc cách đây một tuần, và bây giờ hết đêm này sang đêm khác, chị chỉ chờ đợi buổi hướng dẫn cuối cùng và giây phút lên đường.
Chị biết rằng mình sẽ được thả dù cùng với điện đài xuống một trong ba địa điểm dự định ở gần Xmôlenxk và sau đó thì phải vào thành phố để làm công tác điệp viên. Người ta đã bịa đặt ra cho chị một câu chuyện như sau để bổ sung thêm vào giấy chứng minh giả mạo của chị: hồi nhỏ chị đã sống ở Xmôlenxk với mẹ, vì không kịp tản cư khỏi Vitépxk, mẹ lại bị chết bom và bản thân đã đi lang thang mấy tháng ròng, nên bây giờ chị trở về tìm nơi nương tựa, chị quyết định lần mò đến nhà bà dì ở Xmôlenxk. Bà dì này là một người bằng xương bằng thịt với tên họ thực chứ không phải là tên họ giả như Masa. Địa chỉ của bà ta chính là địa điểm liên lạc bí mật mà chị sẽ phải học thuộc lòng vào giờ phút cuối cùng ngay trước khi lên máy bay. Masa nằm trong hòm xe vận tải, vừa áp ngực vào tấm lưng ấm áp của Nhiuxia vừa mấp máy môi, nhẩm lại khe khẽ: “Vêrônika, Vêrônika...”.
Vêrônika là tên của cô gái mà chị phải đội lốt và chị không thích cái tên nảy. Chị thấy hình như mình không bao giờ có thể thưa thốt một cách tự nhiên khi ai gọi mình bằng cái tên “Vêrônika. Vêrônika...” - đôi môi chị thì thầm nhẩm lại.
Hòm nay, cuộc điểm danh lúc chập tối, khi đại đội trưởng hô: “Tất cả giải tán! Masa và Nhiuxia đến gặp tôi”, thì từ giây phút đó Masa cảm thấy là tương lai đã nhích lại gần và trở thành hiện thực.
Chị đã không nhầm. Đại đội trưởng cho họ nghỉ phép đến sáng mai để về nhà ở Maxcơva lấy áo dài, mà anh ta gọi là áo dài “thường phục”. Như vậy có nghĩa là không chỉ một mình Masa mà cả Nhiuxia cũng sẽ được tung đi làm công tác điệp viên, bởi vì nếu là các nữ điện báo viên được thả dù xuống cho các đội du kích thì lại thường mặc quân phục và áo khoác ngắn bằng lông thú.
“Không nên cử cô ấy đi...” - Masa nghĩ về cô bạn. Chị đã nghĩ đến điều đó mấy lần. Chị thấy hình như Nhiuxia đã được nâng niu quá đỗi và còn quá non nớt, chưa trải mùi đời, không thích hợp với công tác điệp viên. Hơn nữa, sắc đẹp của cô ta lại đập vào mắt người ta, khiến người ta có thể chú ý ngay...
Masa không nghĩ về mình như vậy. Chính chuyến bay đã làm cho chị sợ hơn cả, nhất là từ một tuần nay, từ khi tập nhảy dù mà chiếc dù chính không mở, suýt nữa thì chị không giật kịp chiếc dù dự bị ra.
Chị trở mình trên lớp rạ, áp tấm lưng giá lạnh vào Nhiuxia, và hé mở tấm bạt để ít nhất cũng dùng được một mắt mà nhìn bầu trời đang bay vun vút phía trên xe. Đó là bầu trời chiều thu lạnh lẽo, không có trăng sao, không có những làn mây trắng và những đám mây đen, một bầu trời màu xám và phẳng phiu đến nỗi dù có nhìn ngắm bao nhiêu vẫn không trông thấy một cái gì ở trên đó và xuyên qua đó.
“Thiên hạ vẫn có nhiều người còn biết được đôi chút tin tức, dù là lành hay dữ đi nữa! - Masa nghĩ thầm. - Như Nhiuxia đây, cô ta được biết là ông bố đã từng bị bao vây, đã vượt khỏi vòng vây và bây giờ đang làm bác sĩ phẫu thuật chính trong một quân y viện dã chiến ở mặt trận miền tây: ông ta viết thư cho cô ấy và cô ấy cũng gửi thư tới hòm thư dã chiến cho ông ta... Còn anh cô ta thì bị thương, anh ta phải cưa bàn chân và đang nằm ở quân y viện tại Kadan mà cũng viết thư cho cô ấy... Lại có khối người khác cũng đều viết và nhận được thư, hoặc đã gặp được những ai chính mắt trông thấy hay ít nhất cũng đã có nghe nói đến người mà họ đang hỏi thăm... Còn mình thì mù tịt, chẳng biết tí gì về gia đình cả, tin lành cũng không, mà tin dữ cũng không, chẳng nhận được một chữ nào... Mình chẳng biết tin gì về con gái mình, về mẹ mình, về chồng mình, và chẳng có cách gì hơn là suốt ngày đêm băn khoăn: không biết họ sống chết ra sao?”
Trong tuần lễ đầu tiên học tập ở nhà trường, chị đã ngây thơ (bây giở chị mới hiểu như vậy) đề nghị rằng sau khi tốt nghiệp khóa học, chị xin được cử về vùng Grốtnô, nếu có thể.
- Để làm gì kia chứ? - chính ủy nhà trường gay gắt hỏi. Qua bản khai lý lịch và tiểu sử của Masa, ông đã biết hết mọi hoàn cảnh trong đời tư của chị, nhưng trong giây phút đó, ông cho rằng ái ngại trước những tình cảm của chị là điều không cần thiết và còn có hại nữa là khác. - Để làm gì? - ông nhắc lại. - Để tự tay cứu sống gia đình mình chăng? Việc đó không có chị người ta cũng sẽ lo liệu, còn nếu chị mò tới đó thì chỉ tổ giết họ, mà chính chị cũng sẽ... Ý tưởng đó chẳng ra sao cả! - ông bực tức cười gằn. - Vợ một chính trị viên đã từng sống với chồng một năm rưỡi trời ở Grốtnô bây giờ lại quay về đó để hoạt động bí mật! Thế là vì động cơ gia đình mà chị xin vào trường này hay sao đấy? Nếu vậy thì thật chỉ uổng công thôi.
- Dĩ nhiên là không phải thế đâu ạ. - Masa đáp. Chị đã có phần nói dối, bởi vì chị có một hy vọng kỳ cục rằng sau khi vượt qua mặt trận, nếu không tìm được mẹ cùng con gái thì ít ra cũng có thể thăm dò được một tin tức gì về hai bà cháu, và thật ra niềm hy vọng ấy cũng đã đóng một vai trò nhất định nào đó trong việc chị quyết định vào học đúng cái trường này.
Từ đó đến nay đã ba tháng trời, và rút cục chị đã quen nghĩ rằng mẹ và Tanhia “đang ở đấy” và nếu hai bà cháu còn sống thì cũng phải lâu lắm chị mới hỏi thăm được tin túc, mặc dầu nghĩ như vậy thật là bi thảm; nhưng dẫu sao. chị vẫn chưa quen và không thể chiu đựng nổi với ý nghĩ là mình sẽ đáp máy bay vào vùng sau lưng địch mà không được biết tin gì về chồng mình.
Quả thực khó mà tự hình dung được rằng hồi tháng sáu ấy, ở trên sân ga anh đã nắm lấy đôi bàn tay chị qua hàng chấn song, xoắn lấy quai túi dết rồi nhảy phốc lên toa khi tàu đã chạy...
Sau đó. một người nữa cũng nhảy phắt lên và che lấp mất anh... Thế là từ đó trở đi tất cả đều bẵng hẳn đi...
Chị đã viết đơn hỏi ba lần nhưng không hề được trả lời gì, và hai lần do bướng bỉnh chị đã mò được vào Cục chính trị: một lần ngay sau khi vào trường, từ dạo tháng bảy, lần thứ hai cách đây chưa lâu, vào tháng chín, lần này chị đã xin được giấy phép ra ngoài doanh trại mười hai giờ cốt để làm việc đó.
Lần thứ nhất, dạo tháng bảy, người ta trả lời chị là tạm thời chưa có tin tức gì về địa điểm đóng quân của tờ báo tập đoàn quân “Lá cờ chiến đấu”, nơi mà chồng chị công tác. Và câu trả lời đó làm cho chị vừa lo lắng lại vừa yên tâm: họ không biết tin gì, không những về Xintxốp mà còn về cả toàn bộ tòa soạn nữa, mà cả một tòa soạn thì không thể nào biến mất hút được! Hiện nay họ chưa biết nhưng rồi họ sẽ biết! Chị để số hòm thư của nhà trường lại và đề nghị với ông chính ủy tiểu đoàn tiếp chị rằng hễ có tin tức gì về tòa soạn thì xin ông viết ngay cho chị dù là vài chữ thôi cũng được. Ông ta đã hứa, nhưng suốt hai tháng trời chẳng nhận được của ông ta một chữ nào.
Ngoài ông chính ủy tiểu đoàn ra, chị còn để địa chỉ của mình lại cho một người bạn của bố mình đã qua đờí. Ông cụ này là Dôxima Ivanôvíts Pốpcốp, hiện đang ở trong cùng một tòa nhà với chị. Cụ Pốpcốp đã nhận giữ chiếc chìa khóa hòm thư của chị, và hứa là cứ cách một ngày sẽ đến thăm hòm thư ở lối ra vào một lần, và nếu có thư từ gì thì chuyển cho chị ngay. Nhưng trong suốt cả thời gian vừa qua, chị cũng không hề nhận được một lá thư nào cả.
Tháng chín, khi đến Cục chính trị lần thứ hai, chị đã gặp một chính ủy tiểu đoàn khác, vì ông kia đã ra mặt trận mất rồi. Ông chính ủy mới nói: “Vâng-vâng, tòa soạn tờ báo “Lá cờ chiến đấu” đã thoát khỏi vòng vây một cách an toàn, và bây giờ đang hoạt động tại nơi đã quy định, và ông tổng biên tập vẫn là cái ông Gurêép trước kia, trước chiến tranh. Nhưng, đáng tiếc rằng khi cơ quan này hỏi, người ta đã chính thức trả lời là “chính trị viên Xintxốp, thư ký tòa soạn đi nghỉ phép chưa đến nơi công tác”.
Giá như hai tháng trước đây chắc hẳn Masa đã cả quyết với chính ủy tiểu đoàn rằng không thể như thế được, rằng chính chị đã tiễn chân chồng lên xe lửa đi Grốtnô... Nhưng bây giờ đã vào tháng chín, chị đã hiểu được nhiều điều mà trước đây chị chưa hiểu, vả lại không sao hiểu được gì vào tháng sáu và tháng bảy trước đó, cho nên chị chỉ đành thở dài mà đi ra, quên cả chào từ biệt.
“Đi nghỉ phép chưa đến” nghĩa là không đi đến nơi. Nhưng “không đi đến nơi” nghĩa là thế nào? Giả dụ anh ấy có phải vào nằm quân y viện hay đang chiến đấu ở một đơn vị nào khác thì anh ấy cũng đã viết thư cho mình rồi. Thế nghĩa là anh ấy đang ở đâu trong vòng vây... Rồi sao nữa nhỉ?
Chị cứ nghĩ thế để tự an ủi mình, cứ nghĩ thế để cố tỏ ra cứng rắn và để khỏi phải tin vào bất cứ một khả năng nào khác. Nhưng đồng thời, lòng chị lại thấy nao nao với một tình cảm gần như tình mẹ con, gần như thứ tình cảm mà chị vẫn có mỗi lần nhớ đến đứa con gái. Và mỗi khi chị trở nên mềm yếu là buông lỏng mình cho tình cảm đó, chị lại có cảm tưởng rằng người chồng cao lớn, lực lưỡng, vai rộng kia, hình như lại còn bé bỏng hơn cả một đứa trẻ nhỏ...
Lúc ấy, cả chiến tranh lẫn quả đất đối với chị hình như to lớn quá sức tưởng tượng, và một con người nhỏ bé mà ngoài chị ra không ai biết, không ai cần tới, tức là chồng chị, thì đã bị mất hút trong cuộc chiến tranh này... Trong những giây phút đó, chị cảm thấy rằng nếu như có một sợi chỉ bỗng chăng ra qua cái khoảng cách xa thăm thẳm này, nối liền người chồng đang bị mất hút ở đấy với người vợ đang ở lại đây, thì đó quả là một câu chuyện thần kỳ.
Cả bây giờ, khi nhìn lên bầu trời thấp màu xám đang từ từ trôi phía trên chiếc xe, chị cũng cảm thấy thế. Bầu trời kia không muốn trả lời một câu hỏi nào của chị, mặc dầu hình như nó biết hết. Masa không biết, nhưng có người biết bây giờ anh đang ở đâu, đang làm gì, đang nằm ở đâu, đang nghĩ gì. Cái chính là anh đang ở chỗ nào?
“Tình yêu... - Masa chợt nghĩ. - Thế tình yêu là gì nhỉ? Là khi ở bên anh mình thấy thoải mải hay là khi thương nhớ anh ấy đêm đêm thường khóc thút thít chăng? Là mình không muốn nhìn ai khác nữa chăng? Hay tình yêu là cứ viết thư cho anh ấy hoài mà không biết gửi đi đâu cả chăng? Ờ, tất cả là như vậy đấy, nhưng dẫu sao tất cả những cái đó vẫn còn là ít ỏi so với những gì mình đang cảm thấy, so với những gì mình mong muốn mà không biết cách nào nói ra được! Chịu thôi, chịu thôi... Nhưng lúc này mình muốn gì hơn cả nhỉ? - chị lại tự hỏi mình. - Điều mình muốn hơn cả là...”
Chị suy nghĩ rồi cả quyết với mình rằng bây giờ điều chị muốn hơn cả là được ở nơi nào có anh...
“Thế nếu ở đấy rất đáng sợ và mình có thể bị giết thì sao? Thì mình vẫn cứ muốn như thường! Thế nếu có thể bị thương? Thì cũng chả sao, bị thương thì bị thương cả đôi! Vậy nếu chết thì sao? Cũng không sao nốt, đã chết thì chết cả đôi…”.
Và nào ai biết đâu được rằng trong lúc này, giữa cơn bão táp của chiến tranh, chính những ý nghĩ ấy lại có thể là lời giải đáp cho câu hỏi chủ yếu mà chị từng suy nghĩ và vừa mới lẩm bẩm: “Chịu thôi... chịu thôi...”.
Masa lại trùm kín tấm vải bạt để che ngọn gió đang thốc vào hòm xe, và lại trở mình lần nữa. Vì mải suy nghĩ về chồng nên chị thở dài thẳng vào tai cô bạn gái, làm cho cô ta phải rút tay ra khói găng để xoa tai vì thấy buồn buồn.
- Chị khôn thật: dùng em để sưởi ấm! - Nhiuxia nói và ngáp một cách khoan khoái - Nếu mà vẫn có khí đốt thì tốt quá, chị ghé vào nhà em, ta tắm rửa một cái...
- Được thôi, có lẽ vẫn có đấy, - Masa đáp.
- Chưa chắc đâu, cứ nghe thông cáo người ta nói như vậy thì thật phát khiếp lên được!
Mặc dầu cô ta nói “phát khiếp lên”, và mặc dầu cả hai người cũng như những nữ học viên khác, sau khi đọc bản thông cáo chiến sự hôm qua với những dòng chữ: “Tình hình mặt trận phía tây đã biến chuyển không lợi” đều hoảng sợ và sửng sốt, nhưng dẫu sao họ cũng vẫn chưa hiểu hết tính chất khủng khiếp của bản thông cáo này.
Nhà trường của họ sinh hoạt tách biệt, sống với những suy nghĩ hướng về một tương lai nguy hiểm và chẳng còn xa xôi lắm ở phía bên kia phòng tuyến. Ban đêm, khi cuộn tròn trong tấm khăn trải giường bằng vải diềm bâu cứng queo và tấm chăn bộ đội màu ngụy trang loang lổ, bao giờ Masa cũng chỉ nghĩ tới một điều là mong sao chóng chấm dứt những chuỗi ngày yên tĩnh trong cái trường trong rừng này với những bài tập ở trên bảng, với việc tháo lắp máy vô tuyến điện, với những bữa ăn sáng, ăn trưa và ăn tối đúng giờ quy định, với những câu chuyện thì thầm lúc đêm khuya về tương lai, để rồi chính cái tương lai đó sẽ bắt đầu ở bên kia hỏa tuyến. Chị thử nghĩ xem lần đầu tiên mình sẽ đi tới trạm liên lạc bí mật như thế nào và những người mà mình sắp phải cộng tác sẽ ra sao: sẽ là những người trung thành, đáng tin cậy, hay bỗng dưng lại có kẻ nào trong bọn họ làm phản? Chị nghĩ rằng nếu mình bị rơi vào tay bọn Đức, thì mình sẽ bị tra tấn và dù cho chúng có làm gì với mình đi nữa, mình vẫn sẽ nhất định không khai những việc mà mình đã biết được ở đây, ở trong những ngôi nhà nhỏ yên tĩnh này của cái trường thiếu nhi trong rừng mà từ lâu không còn là tính chất trong rừng và không còn là tính chất thiếu nhi nữa...
Nền nếp sinh hoạt của họ đôi khi đã khiến cho những ý nghĩ về tương lai ấy vô tình đánh bạt cả những ý nghĩ của Masa cũng như của các cô bạn chị, về tình hình đang diễn ra ngày hôm nay ngoài mặt trận. Trước hết, họ phải đặc biệt chăm chú đọc những bản tin từ bên kia hỏa tuyến gửi về nói là đồng chí S. hay đồng chí K. đã cùng đội du kích của mình tiêu diệt được bao nhiêu quân phát xít ở trong rừng, đã đột kích vào được một ban tham mưu của quân Đức, đã đốt được một xitéc xăng dầu, đã dùng mìn phá đường, đã thiêu cháy ngôi nhà có tên địa chủ, nam tước Phôn Biđerlinh, vừa quay về đó ở... Tư tưởng của họ tập trung vào tình hình ở bên kia hỏa tuyến, nơi bản thân họ sắp đi đến nhiều hơn là vào các bản thông cáo từ mặt trận gửi về. Và một chút lòng ích kỷ nào biểu hiện trong vấn đề này có lẽ cũng đáng tha thứ thôi, nếu ta nghĩ tới tất cả những việc mà họ sắp phải trải qua...
Chiếc xe vận tải phanh két lại, Masa nghe ngay sát bên tai mình, đằng sau thành xe, một câu nói quen thuộc: “Đề nghị xuất trình giấy tờ”. Ông đại úy hậu cần Burưlin, quản trị trưởng nhà trường, đang ngồi trong buồng lái, liền giở giấy tờ sột soạt sau đó người xem giấy cũng lật đi lật lại giấy tờ kêu sột soạt, rồi cái giọng khô khan lúc nãy đã ra lệnh xuất trình giấy tờ bây giờ lại hỏi:
- Đồng chí chở cái gì trong hòm xe đấy?
- Trong đó có hai quân nhân thuộc đơn vị chúng tôi, nhưng tôi là người cao cấp nhất.
- Cái đó không có nghĩa gì cả. - vẫn cái giọng ấy nói.
Masa và Nhiuxia bèn loạt soạt giở tấm bạt che trên đầu xuống và ngồi dậy.
Một trung úy cao lớn có hai gò má gầy hóp, ghé nhòm qua thành xe. Không phải một, mà có tới ba chiến sĩ tuần tra đứng sau lưng anh ta.
- Giấy tờ của các chị đâu! - trung úy hỏi.
Masa và Nhiuxia liền lấy giấy phép của mình ra đưa cho anh.
Anh ta chăm chủ xem xét xong, trả lại rồi quay đi ngay, thậm chí không thèm để mắt tới Nhiuxia, đó quả là một việc hiếm có.
- Các đồng chí có thể tiếp tục đi.
- Thấy chưa, cái anh chàng gắt như mắm tôm! - Nhiuxia nhận xét.
- Những bốn người cả thảy kia đấy, - Masa liếc nhìn lại sau mà nói.
Chị lại nhớ tới bản thông cáo chiến sự tối hôm qua với dòng chữ: “Tình hình mặt trận phía tây đã biến chuyển không lợi”. Cả cái bản thông cáo ấy, và cả đội tuần tra không phải hai người mà gồm tới bốn người đứng ở đây vào những ngày tháng chín này, - tất cả những điều đó đã khiến chị đau nhói trong lòng.
Hai bên vệ đường chất đầy những cọc chống tăng làm bằng các dầm sắt hình chữ H sắp sửa được chôn xuống đất. Sau đó. chiếc xe tải lách qua một chướng ngại vật, chướng ngại vật này chỉ để lại trên đường một lối đi hẹp vừa lọt một chiếc xe. Trong những ngày vừa qua, ở trong trường các chị đã được biết rằng người ta đang xây dựng những công sự phòng thủ Maxcơva và thậm chí còn đắp cả chướng ngại vật. Nhưng biết là một chuyện còn trông thấy chướng ngại vật ấy - hơn nữa lại thấy ở ngay sát Maxcơva, - lại là một chuyện khác hẳn.
- Chị ơi, nằm xuống kẻo lạnh, - Nhiuxia đã nằm xuống sàn xe từ lúc nào.
Masa phải cố gắng lắm mới rời mắt được khỏi con đường, trùm tấm vải bạt lên đầu, rồi lại nằm xuống cạnh Nhiuxia
Số là trong khi xe chạy từ trạm gác cửa ô đến phố Pirôgốpxkaia, họ cứ nằm yên dưới tấm bạt thêm nửa giờ nữa cho ấm, nên đã không được tận mắt trông thấy ngoại ô Maxcơva cũng như tình hình diễn ra ở đây chập tối hôm đó, và khó mà nói rằng như vậy là tốt hay xấu.
Chiếc xe tải dừng lại.
- Thế nào, các cô xuống đây hay sao đấy? - Burưlin hé mở cửa buồng lái, đập tay vào hòm xe mà hỏi.
Masa và Nhiuxia theo nhau chui ra khỏi tấm bạt rồi đặt chân lên bánh xe nhảy xuống đất.
Một đoàn người mặc thường phục, mang súng trường đi ngang qua họ. Họ đi giữa lòng đường một cách lộn xộn, chân không đều bước. Đám người này thuộc nhiều lứa tuổi, ăn mặc linh tinh; người thì mặc áo bành tô đội mũ lưỡi trai, kẻ thì mặc áo bông đội mũ bịt tai. Họ kéo nhau đi với dáng bộ ủ rũ, không hát hò gì, có vài người vừa đi lại vừa hút thuốc.
- Các cô ạ, tình hình như vậy đấy! - Burưlin không ra khỏi buồng lái, thở dài nói. Mặc dầu sau khi rời khỏi con đường ôtô Caluxki cũ, xe chỉ chạy qua vỏn vẹn có mấy phố, nhưng ông đã kịp trông thấy những cái mà hai cô nữ học viên vì nằm trong hòm xe che vải bạt đã không trông thấy. - Các cô ạ, tình hình như vậy đấy! - ông ta nhắc lại và nghĩ tới gia đình mình: bà vợ với hai đứa con của mình còn ở đâu đâu đằng kia thành phố, cạnh trạm gác cửa ô Xêmênốpxkaia, và còn nghĩ rằng làm sao nội trong đêm nay phải nhét kịp vợ con mình lên một chuyến tàu nào đó chạy sang phía đông. - Tôi sẽ lĩnh thực phẩm ở kho và đúng bảy giờ sáng mai tôi sẽ đưa xe tới đây. Các cô chuẩn bị sẵn sàng và đợi ngay ngoài phố ấy nhé.
Chiếc xe vận tải tiếp tục chạy, để Masa và Nhiuxia lại trên vỉa hè, trong góc một phố nhỏ.
- Đến ngay nhà em nhé? - Nhiuxia vừa co ro vì gió lạnh vừa nói với Masa. - Nhà chị cũng chẳng còn ai mà.
Masa vẫn đưa mắt trông theo đoàn người lộn xộn mặc thường phục đang đi xa dần trên lòng đường, và mải bận tâm với những ý nghĩ lo âu của mình nên đã không trả lời Nhiuxia ngay.
- Thế nào chị? - Nhiuxia nhắc lại.
Nhà Masa ở sau góc phố ngay gần đấy, còn nhà Nhiuxia cách năm dãy nhà nữa và Nhiuxia lại chẳng muốn đi một mình chút nào.
- Không, trước hết mình phải về lấy đồ đạc cái đã, rồi mới đến đằng cô được. - Masa nói.
- Thôi được, thế thì em đợi vậy.
- Không, cô đừng đợi, cứ đi về rồi mình sẽ đến.
Masa không muốn đi ngay đến nhà Nhiuxia ngủ, không phải vì nhất thiết chị phải về lấy đồ đạc, mà là chị muốn đến chỗ ông già Pốpcốp xem có thư từ gì không. Nhưng chị không muốn giãi bày điều đó với Nhiuxia; giãi bày có nghĩa là phải nói chuyện về chồng mình, về nỗi lo lắng cho chồng, và có nghĩa là phải tìm sự ủng hộ tinh thần của một người cũng đang cần ủng hộ, bởi lẽ người ấy không cứng rắn gì hơn, mà còn yếu đuối hơn mình nữa kia.
- Vâng, được, em đi nhé. - trước thái độ dứt khoát của Masa, Nhiuxia ngoan ngoãn nói.
Tuy nói thế nhưng hình như vẫn đợi cho Masa thay đổi ý kiến, cô ta châm thuốc lá hút nom có vẻ bối rối. Cô đứng trước mặt Masa mà sợ phải chia tay với chị, người cô cao cao, xinh xắn và thon thả, mặc dù cô khoác áo capốt chiến sĩ không vừa cỡ và đi đôi ủng vải nhựa quá rộng.
Còn Masa thì chăm chú nhìn cô và cảm thấy lòng nao nao thương xót cho cái cô Nhiuxia có gương mặt xinh đẹp và, theo Masa cảm thấy, thì hình như còn nhu nhược nữa, với thân hình cao cao mềm mại, ở cô có cái gì vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối của cái tuổi con gái. Nhìn Nhiuxia trong lúc này Masa lại nghĩ đến cái điều mà chị đã nghĩ đến nhiều là mình già giặn hơn và rắn rỏi hơn Nhiuxia, già giặn hơn và vững vàng hơn còn bởi vì chị đã có chồng, có con... Phải, chị có chồng con, mặc dầu chị không biết tin gì về họ.
Nhìn Nhiuxia trong lúc này, Masa nghĩ đến cái điều mà cả Nhiuxia lẫn những cô gái khác đôi khi cũng nhắc tới trong lúc họ trò chuyện với nhau: nếu ở trong vùng sau lưng địch họ bị bọn Đức bắt sống mà chưa kịp tự kết liễu đời mình thì họ sẽ gặp những chuyện gì? Khi nghĩ như vậy Masa suýt nữa rú lên, nhưng chị đã tự kìm chế được và để khỏi suy nghĩ miên man, chị nói với giọng trong trẻo, điềm đạm và đượm buồn:
- Nhiuxia, cô đẹp quá! - Và chị chợt nhớ ra rằng Xintxốp cũng đã nói với mình đúng câu đó trong lúc ngắm vợ mà chị thì tuyệt nhiên không được đẹp như Nhiuxia. Anh nói với chị ngay cả trong lúc chị sắp đẻ Tanhia và lúc ấy chị chả xinh đẹp chút nào. Masa biết chắc chắn như thế. Nhớ lại, chị không nghĩ tới Nhiuxia nữa mà lo Iắng suy nghĩ về mình, về chuyến bay nay mai vào vùng sau lưng địch rồi phát cáu với mình về ý nghĩ hèn nhát ấy, chị báo Nhiuxia một cách gay gắt gần như cục cằn:
- Đi đi chứ, cô đứng đấy làm gì nữa?
Nói xong, chị đi về đường phố nhà mình.
Khi đi qua cái cổng chính quen thuộc, chị thoáng nhận thấy các cửa ra vào đều mở toang. Chị bước vào sân. Trong sân không một bóng người, còn tất cả cửa sổ thì đều bịt kín bằng giấy ngụy trang đen. Đến gần lối ra vào thứ bảy ở đằng sau, Masa suýt ngã vì vấp phải tấm ruột đệm vứt ngoài sân. Ông già Pốpcốp ở tầng trên.
Cầu thang tối om như trong hũ. Chị lần mò lên tới tầng trên, sờ soạng mãi để tìm chiếc nút bấm chuông nhưng không thấy và đành gõ cửa. Trong phòng không có ai thưa. Sau đó, cái giọng khàn khàn của Pốpcốp vang lên:
- Ai đấy?
- Cháu đây, Masa đây, bác Dôxima Ivanôvíts ạ! - đến lận bây giờ, theo thói quen từ bé, chị vẫn tỏ ra nhút nhát trước mặt ông già ngang ngạnh.
Ông không trả lời gì cả, nghe có tiếng chân ông bước lệt xệt qua các phòng rồi quay trở lại cửa ra vào. Ông loay hoay hồi lâu với cái then cửa và dây xích, cuối cùng mở được cửa.
- Vào đây. Có một mình bác thôi, bác đang khó ở.
Ở ngoài hành lang, đèn không sáng, nên Pốpcốp dẫn ngay Masa vào phòng ăn. Ngay trong phòng ăn này có kê một chiếc giường lớn mạ kền, chăn đệm nhàu nát. Sau khi vợ chết, Pốpcốp chuyển giường sang ngủ ở căn phòng này, còn căn phòng kia thì nhường cho cậu con đã có vợ.
- Ngồi xuống chứ! Sao lại đứng thế? - Pốpcốp nói và tiện tay sửa qua chăn đệm rồi ngồi vào bàn trước tiên, tay giữ lấy ngực chiếc áo khoác lông cũ có cái cổ bằng da cừu non đã sờn mặc ngay ở ngoài áo lót. Trước kia, nó là chiếc áo diện của ông.
Masa ngồi xuống bên chiếc bàn quen thuộc, đối diện với ông già. Như chị còn nhớ, ở nhà chị cũng có một cái bàn y như vậy. Vào khoảng cuối những năm hai mươi, khi Pốpcốp cùng ông cụ thân sinh Masa dọn đến ở trong những căn hộ đầu tiên đó của công nhân, hai người đã mua hai cái bàn xếp như vậy ở trong cùng một cửa hàng và cùng một lúc.
- Thế nào, cháu nói sao? - Pốpcốp vừa hỏi vừa nhìn Masa và dùng lòng bàn tay xoa xoa đầu cạo nhẵn, có mớ tóc bạc lởm chởm mọc quanh vừng trán hói; trong nhà lạnh ngắt, nên đầu ông già bị tê buốt.
- Cháu nói sao à? - Masa nhún vai. - Cháu nghĩ là có lẽ bác nói cho cháu nghe chứ.
- Đáng lẽ ra bác nói đấy, nhưng chả có gì để nói cả. Hòm thư của cháu rỗng không, bác mới ra xem hôm qua.
Masa thở dài như thổi lửa.
- Sao lại thở dài? - Pốpcốp càu nhàu và tự mình cùng thở dài sườn sượt. - Chừng hai tuần bác chả nhòm ngó đến hòm thư nhà cháu, vì bác phải nằm bệnh viện chữa bệnh sa đì, nhưng hôm qua có ghé xem thì thấy rỗng không, - ông nhắc lại.
- Thế gia đình bác đâu rồi ạ, - Masa hỏi.
- Đi rồi. Nhà máy đã tản cư...
- Thế còn bác?
- Thì bác đã bảo cháu là chữa bệnh sa đì mà! Bác khuân vác quá nặng nên đâm ra bị bệnh...
Pốpcốp đã về hưu cách đây ba năm, nhưng ông già đã trở lại phân xưởng từ khi nổ ra chiến tranh.
- Bây giờ thì sao, bác đi theo họ à? - Masa hỏi.
Nhưng ông già lắc đầu.
- Chờ đợi và đuổi theo thì thật không có gì gay go hơn. Bác sẽ tự thu xếp lấy một chỗ ở đây, trong một cái nhà máy nhỏ nào đó chưa tản cư, sẽ sản xuất đạn súng cối. Có đi thì đi từ trước chứ bây giờ thì không thích đi nữa. Chẳng cần bác thì người Maxcơva chạy loạn cũng khá nhiều rồi. Bản thân cháu đã đi ngoài phố chắc cũng thấy. Buổi sáng, bác ra phố mua bánh mì, nhìn đám chạy loạn ấy mà phải nhổ nước bọt: trời đất ơi, tởm thật!..
Pốpcốp thích nói toạc móng heo.
- Ngoài sân đệm vứt lăn lóc, lông bay tứ tung, giống như trong một cuộc tàn sát người Do Thái, nói ra mà xấu hổ. Không, bây giờ bác không rời khỏi Maxcơva bước nào đâu, nguyên tắc đấy! - Cụ ho húng hắng, luồn tay xuống dưới áo khoác xoa ngực.
- Cháu thấy bây giờ bác cũng không được khỏe, - Masa nói.
- Phải, bác hơi bị cảm lạnh. Vừa ra viện là bị cảm lạnh ngay. Họa vô đơn chí... Nhà máy đã dời đến thị trấn Miaxơ. Nghe nói là có một thị trấn như vậy thuộc tỉnh Trêlabinxk, thằng con trai đến bảo thế khi bác đang nằm bệnh viện. Còn đích xác là ở đâu thì có ma biết, bác tìm khắp trong bản đồ, tìm mãi mà không thấy. Lại đến nông nỗi ấy kia đấy! Nhà máy của chúng tôi chính gốc Maxcơva lại bị quẳng vào một cái xó xỉnh mà thậm chí trên bản đồ cũng không có nữa... Cháu về có việc gì vậy? - cụ chợt ngước mắt lên nhìn Masa. - Nếu về lấy thư thì sau này hễ có là bác sẽ gửi cho ngay. Bác không bỏ chạy đâu, đừng sợ. Bác sẽ ngồi đây cho tới khi chiến thắng và khải hoàn, giống như cái đinh gỉ trên tấm bảng... Hay cháu cho là quân Đức sẽ chiếm Maxcơva?
- Sao bác lại nói thế, Dôxima Ivanôvíts, - thậm chí Masa đã rú lên trước câu hỏi đột ngột đó, khiến cho ông già hiểu rằng chị không hề nghĩ vậy.
- Sao không chiếm được, rất đơn giản thôi, - Pốpcốp vui mừng trước lòng tin của chị, nhưng theo thói quen ông vẫn nói để chọc tức, - giá mà hôm nay ban ngày cháu được trông thấy một số người hấp ta hấp tấp đi qua đây nhỉ. Bác đã chặn một gã đàn ông lực lưỡng lại và hỏi: “Anh có giấy phép tản cư không?”. Thế là lập tức hắn lục tung tất cả các túi áo túi quần, dốc ra giấy má đầy một nửa vỉa hè. Đối với hắn thì bác là cái thá gì? Sao hắn lại hoảng hốt? Nghĩa là trong tâm hồn hắn chả có đếch gì cả ngoài hai cái đầu gối đang run lẩy bẩy!
Ông già rút tay ra khỏi ngực áo, và giận dữ khuơ khuơ trên bàn, tựa hồ như đang vung một đống rác vô hình...
- Thế còn cháu thì sao? Không phải về để lấy thư thì làm gì?
- Nay mai chúng cháu sắp phải ra mặt trận, nên cháu tạt về nhà lấy ít đồ đạc, - Masa tuân thủ nội quy của nhà trường là không được tiết lộ bí mật với ai cả, bèn nói vậy.
- Nghĩa là cả các cô cũng ra mặt trận? Thế các có làm công tác gì nào?
Masa im lặng nhìn ông già.
- Thôi được, nếu không có quyền trả lời thì đừng trả lời, - Pốpcốp nói, không tỏ vẻ phật lòng, - chỉ cần cháu cho bác biết một điều này để bác yên tâm. Các cô là một tiểu đoàn toàn phụ nữ như dưới thời Kêrenxki à? Hay là có cả đàn ông nữa?
- Có cả đàn ông ạ. - Masa bất giác mỉm cười.
- Thế thì nhờ ơn trời. Nghĩa là chúng ta chưa đến nông nỗi ấy, - Pốpcốp thở dài và im lặng hồi lâu tựa hồ như lưỡng lự là có nên nói với con nhóc còn ít trải đời này cái điều quan trọng nhất đối với cụ, cái điều mà mấy lâu nay cụ vẫn thường canh cánh bên lòng hay không. Nhưng bây giờ ngoài Masa ra, cụ cũng chả có ai để nói, mà cụ lại không thể im lặng được nữa. - Bác đã nằm cùng bệnh viện với một ông đại tá, tuy rằng ông ta từ mặt trận về nhưng không phải bị thương, mà cũng chỉ bị sa đì như bác. Hóa ra cái chứng ấy ở mặt trận vẫn không khỏi. Bác hỏi ông ta: “Anh cho tôi biết cái “tính chất bất ngờ” là cái gì? Các nhà quân sự của anh ở đâu nhỉ? Tại sao các anh không cho đồng chí Xtalin biết việc đó ít ra là một tuần hay ba hôm trước? Lương tâm của các anh ở đâu chứ? Tại sao không báo cáo với đồng chí Xtalin?”
- Thế ông ta bảo sao hở bác? - chính Masa cũng đã đôi lần tự đặt ra cho mình câu hỏi day dứt đó, nhưng chưa bao giờ bạo mồm bạo miệng nói toạc ra như Pốpcốp bây giờ.
- Bảo sao à? Chả bảo sao hết. Ông ta văng tục ra với bác, với lão già này. Còn cháu chắc là hiểu hết chứ? - Pốpcốp cười nhạt. - Ở đây, tháng trước, một tiểu thư trẻ tuổi ở khu nhà chúng ta đã giáo dục bác về cái tội nói quá đáng! Cái gì cô ấy cùng hiểu tất. Thế mà hôm nay con bé tội nghiệp ấy đã xách vali chạy nháo nhào qua sân đến nỗi trẹo cả chân. Cháu mà đã hiểu hết mọi việc rồi thì mặc xác cháu, tốt hơn là hãy im đi.
- Cháu không biết đâu, bác Dôxima Ivanôvíts ạ. Thì chúng cháu cũng đã sống một năm rưỡi hầu như ở ngay biên giới ở tận Grốtnô, và có ai trong bọn cháu ở đó là không nghĩ đến chiến tranh đâu? Tất nhiên là mọi người đều nghĩ cả! Thế mà về sau đâm ra như hóa mù ấy: ngay trước khi xảy ra chiến tranh lại để hai bà cháu Tanhia ở lại đó! Cháu không biết người khác ra sao, chứ cháu cứ suy nghĩ về bản thân hai vợ chồng cháu: sao chúng ta lại có thể làm như vậy được nhỉ? Cháu không biết nữa. Thậm chí càng nghĩ càng quẫn.
- Thế bây giờ bác nói cho cháu nghe, bác hiểu như thế nào nhé. - sau một hồi lâu im lặng, Pốpcốp nói có vẻ nghiêm trang và thậm chí trịnh trọng nữa. - Bác không biết “tính chất bất ngờ” là thế nào, vì cái đó vượt quá trí óc của bác. Khi khách khứa đến nhà mình, trong nhà bày bàn ăn thế là hàng xóm đã nghe thấy rồi. Đằng này cả một đạo quân tập trung ngay sát nách mà chẳng hay biết gì là thế nào, bác chịu đấy! Nhưng bác nói cái khác kia. Chúng ta đã tính nhầm lực lượng của bọn Đức, cái đó thì rõ quá đi rồi. Lực lượng của chúng rất lớn, điều này cũng rõ. Vì thế, chúng nó mới thẳng tay bẻ gẫy cổ chúng ta ngay từ biên giới. - Pốpcốp đặt tay lên bàn trước mặt mình và chồm hẳn cả người về phía Masa. - Cháu không còn bé bỏng gì nữa, cũng đã nhớ được một đôi điều trong quãng đời của mình, ít nhất cũng hãy nói cho bác biết về quãng dời của mình: mặc dù chúng ta còn gian khổ, nhưng có bao giờ chúng ta tiếc cái gì đối với Hồng quân không? Có bao giờ Hồng quân cần thứ gì mà nhân dân lại từ chối không? Không, cháu hãy trả lời đi! Có thế hay không?
- Không, - Masa đáp khẽ hơn.
- Thế mà bây giờ bác lại hiểu là không phải Hồng quân đã có đủ những thứ cần có đâu! Nghĩ xem trong bao nhiêu lâu chúng ta đã không thể chặn bọn Đức lại! Còn bây giờ thì bác hỏi và đề nghị trả lời: thế tại sao người ta không nói với chúng ta nhỉ? Nếu cần thì ít ra bác cũng có thể nhường cả cái căn hộ này, chỉ ở một phòng thôi, bác có thể ăn một lạng bánh mì, ăn rau cỏ, cá mắm, sống y như hồi nội chiến, chỉ mong cho Hồng quân có đủ mọi thứ, chỉ mong họ đừng giật lùi từ biên giới... Tại sao người ta không nói thẳng ra? Tại sao người ta im lặng? Bác nói có đúng không?
Masa không biết rằng cái ông già Pốpcốp này làm như vậy liệu có đúng không. Ông đang ngồi trước mặt chị và nói, cũng không phải là nói nữa, mà là thét lên tất cả những điều đó. Nhưng mặc dầu những điều ông thét lên với chị thật là cay đắng, chị vẫn cảm thấy trong tâm hồn ông có một sức mạnh buộc chị cũng cảm thấy mình là mạnh và sẵn sàng làm mọi việc - ăn rau cỏ và cá mắm, ăn một lạng bánh mì! - sẵn sàng lao vào bất cứ một trận chiến đấu nào, một cái chết nào, chỉ mong có thể sửa chữa, làm lại tất cả theo cách khác, để cho quân Đức đừng tấn công chúng ta mà chúng ta tấn công chúng!
- Không sao đâu, bác Dôxima Ivanôvits ạ! - Masa mừng rỡ trước cảm xúc dâng lên trong lòng, nên nói gần như vui vẻ. - Chúng ta sẽ vặn cổ quân phát xít!
- Cám ơn, cháu đã giải thích cho lão già ngốc nghếch này! - Pốpcốp đáp lại ra ý không bằng lòng. - Rốt cuộc ai quật ngã ai thì bác cũng biết rõ, chả kém gì cháu đâu! Thế nhưng tại sao đã mấy tháng rồi chúng ta vẫn còn bị quật?
- Nhưng tại sao, tại sao lại là bị quật? - Masa thậm chí đâm ra lúng túng trước đợt dồn ép mới của ông già. - Đang đánh nhau, tất nhiên là ác liệt...
- Đang đánh nhau thì bác cũng đã xem trong thông cáo, - Pốpcốp vẫn giữ ý kiến mình. - Ở đây ta đánh bại chúng, ở kia ta bắt tù binh, ở chỗ khác ta chặn lại... ấy thế mà chúng ta đã bỏ mất Brianxk và Viadơma được ba hôm nay rồi! Theo ý các cháu, theo ý con nhà binh, thế thì tại sao lại hóa ra như vậy? Ai quật ngã ai? Là bộ đội, cháu hãy trả lời đi!
Masa chưa kịp trả lời gì cả: ngoài cửa sổ các khẩu pháo cao xạ ở gần đấy nhất loạt nổ vang.
- Thế mà bác cứ nghĩ là tại sao hôm nay chúng muộn? - Pốpcốp bình tĩnh nói, liếc nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc cũ kỹ từ hồi trước cách mạng và đứng dậy hỏi: - Cháu có chạy xuống hầm trú ẩn không?
- Thế còn bác?
- Kệ xác cái hầm đó! - Pốpcốp nói. - Ở dưới ấy như một con gà rừng nằm trong cái nồi hơi còn ở phía trên thì cứ lấy búa nện liên hồi. Bác đã quyết định thà cứ ở trong nhà còn hơn... Thế cháu có chạy hay không?
- Không, cháu ngồi đây với bác đợi cho đến hết.
- Thế thì chúng ta tắt đèn đi, và kéo rèm lên, - Pốpcốp vui mừng thấy Masa ở lại. - Đêm qua, bác đã ngồi xem ở cạnh cửa sổ này. Thật là một cảnh tượng thú vị.
Ông già giữ lấy cổ áo khoác lông, đi đến chỗ có nút điện tắt đèn rồi vừa kéo lê giày trong bóng tối vừa nâng bức rèm giấy lên.
Masa ghé ngồi lên bậu cửa sổ, bên cạnh ông già. Căn hộ này ở tầng trên, nhà cửa xung quanh không cao lẳm cho nên trước mắt mở ra cả một bầu trời, trong đó tất cả mọi vật đều kêu lên ầm ầm, thình thịch vang rền như có hàng ngàn nhát búa nện. Bầu trời ấy trông tựa hồ như một tấm vải trải giường khổng lồ màu đen đang căng ra trên khắp thành phố, mà cứ mỗi giây lại rách bung ra hàng ngàn chỗ, nghe bùng bục và ở tất cả những chỗ rách đó lại bùng lóe lên những quả cầu lửa của đạn cao xạ pháo nổ tung.
Một đại đội pháo cao xạ bắn vang rền ngay sát đằng sau nhà, thỉnh thoảng tiếng pháo gầm lại át hẳn mọi thứ tiếng khác, và xen lẫn giữa những loạt đạn pháo, người ta nghe thấy ngắt quãng tiếng rú của máy bay trên cao, giống như trong một chiếc máy thu thanh đã hỏng. Mấy lần tòa nhà rung lên vì bom nổ và những ngọn lửa bùng lên rồi lại tắt ngấm ở đâu đấy không xa.
Sau đó. Masa bỗng nghe cái gì kêu loảng xoảng ngay bên cạnh mình.
- Mảnh đạn rơi vào ban công đấy, - nói xong Pốpcốp quay sang Masa nói thêm: - có lẽ cháu tránh xa ra không thì mảnh đạn văng vào đây hoặc là mảnh kính vỡ làm bị thương...
Masa không trả lời sao cả, vẫn cứ nhìn trời.
- Phải, cao xạ phòng không cứng lắm, không dễ dàng lọt qua lưới lửa của nó đâu. - nhân một giây lát tương đối im lặng Pốpcốp thốt lên và tựa hồ như để xác nhận lời nói của cụ, giữa những phát đạn cao xạ đang nổ tung thành những quả cầu vàng ở trên trời cao bỗng bùng lên một vệt lớn vàng rực khác thường, sau đó từ một vệt không có hình thù nhất định, nó biến thành một cái góc rồi thành nửa chữ thập và lan ra thành những chấm nhỏ tắt dần, lao xuống phía dưới vào bóng tối. - Bị hạ rồi! - Pốpcốp kêu lên.
Hỏa lực cao xạ bắt đầu im dần, những quả cầu vàng bung ra mỗi lúc một thưa thớt, còn những luồng đèn chiếu bắt chéo vào nhau trên vòm trời như những cánh tay thì cũng đã bắt đầu lần lượt ngã xuống chân trời.
- Một đợt đã qua, - Pốpcốp vẫn nhìn qua cửa sổ và nói. - Ban đêm cứ tưởng là nát bét như tương, nhưng ban ngày đi ra phố thì chỉ thấy một vài nơi bốc khói. Đây một nhà, kia một nhà, còn Maxcơva thì vẫn nguyên vẹn!
Pốpcốp vừa nói thế vừa buông rèm xuống và họ đứng một phút trong bóng tối mịt mùng.
- Thôi được, chiến tranh chỉ là tạm thời, - Pốpcốp nỏi và bật đèn lên. - có lẽ bác cháu ta uống trà chứ nhỉ?
Masa cám ơn và từ chối. Nhiuxa đang đợi và chắc đã đâm lo nữa là khác. Phải vơ đồ đạc nhanh lên và đến ngủ đằng cô ta.
- Cám ơn, bác Dôxima Ivanôvíts! Lần khác có dịp cháu còn về nữa!
- Thế thì lần khác là bao giờ? - ông già nghiêm nghị hỏi.
Chị nhún vai:
- Cháu không biết.
- Được, cháu đi đi! - khi Masa ra rồi, ông già đóng sầm cửa lại và kéo dây xích kêu loảng xoảng.
Masa lại băng qua sân và bước vào lối lên cầu thang nhà mình. Gió thổi làm các cánh cửa mở toang cọ vào những viên gạch chèn ở dưới và rít lên ken két nghe thật ai oán.
Rồi Masa nghĩ thầm: thế ngộ nhỡ ra trong hòm thư ở cửa nhà chị trên tầng gác hai kia, đằng sau những chiếc lỗ tròn bỗng lại có một bức thư thì sao? Bức thư này đến đây không phải từ hôm qua mà mới hôm nay và đang nằm đợi chị, nhưng lỡ không phải là thư của Xintxốp mà là thư báo tin anh đã chết trận thì sao?
Chị vừa vịn vào lan can vừa lần mò đi lên theo cầu thang tối om, rồi móc chiếc chìa khóa trong túi áo quân phục mùa lạnh ra và bắt đầu sờ tìm lỗ khóa. Nhưng tay chị đụng phải một vật gì làm cho nó bất thình lình kêu loảng xoảng. Chị giật nẩy mình thoạt tiên rụt tay lại, sau đó sờ thấy cái vòng giây thép có đeo một chùm chìa khóa. Một chiếc chìa khóa đang cắm trong lỗ khóa.
Masa vặn quả nắm cửa và cánh cửa không khóa hé mở ra thật đáng sợ. Masa đứng yên giây lát trong bầu không khí im lặng, người lạnh toát vì nỗi kinh hãi vô cớ, chị sợ cái cửa có chùm chìa khóa đó, rồi cáu với mình, chị đột ngột mở toang cảnh cửa ra và bước vào nhà.
Thoạt tiên chị có cảm tưởng là tất cả đều im lặng, nhưng sau đó chị chợt nghe tiếng thở hổn ha hổn hển từ căn phòng thứ hai vẳng sang. Chị bước qua ngưỡng cửa phòng ngủ và sực nhớ tới chiếc đèn bấm trong túi áo capốt liền rút phắt nó ra.
Xintxốp đội mũ bịt tai, mặc áo bông và đi ủng rách đang nằm sấp trên giường, trên tấm đệm trần không trải ga, đầu thõng xuống mà ngủ. Anh ngủ say như chết, không động đậy, hơi thở nặng nề, có vẻ bị cảm lạnh.
Cửa sổ không che ánh đèn. Chị vội tắt đèn pin, vừa chạy mò đến cửa sổ buông những bức rèm giấy trong cả hai căn phòng xuống, sau đó chạy vào bếp buông nốt bức rèm ở đây xuống rồi chạy ra cầu thang rút chùm chìa khóa ra khỏi cửa, lại đi vào, đóng cửa, liên tiếp bật tất cả các công tắc, còn lại nguyên vẹn chỉ có hai bóng đèn trong bếp và trong phòng ngoài, Xong những việc đó chị mới quay vào phòng ngủ.
Một thứ ánh sáng yếu ớt từ phòng trước lọt vào qua cánh cửa để ngỏ. Xintxốp vẫn nằm sấp như ban nãy, đầu buông thõng ra ngoài đệm. Masa quỳ xuống khẽ nâng đầu chồng và đặt lên gối. Mép lớp băng bẩn lòi ra dưới chiếc mũ bịt tai ấn chặt vào đầu, Masa không dám tháo mũ ra.
Xintxốp vẫn không thức giấc. Masa thấy hình như anh bị sốt. Chị áp môi mình vào thái dương anh, nhung thái dương không nóng mà ướt đẫm mồ hôi. Masa bèn cuống cuồng cởi áo capốt, bỏ mũ bịt tai và tháo ủng ra tựa hồ như tiếng kêu sột soạt của đôi ủng có thể làm thức giấc Xintxốp đang ngủ mê man, rồi chạy xuống bếp, nhóm lửa bếp ga, một ngọn lửa leo lét chập chờn màu hoa cà, chị lấy chiếc chậu lớn bằng sắt tây treo trên đinh xuống, đổ nước vào và đặt lên bếp lửa.
Sau đó, chị mở tủ trong phòng ăn lấy quần áo lót, hai tấm vải ga, một tấm chăn, trở lại bên giường, và tới đây mới vươn cả người về phía chồng, ôm lấy hai vai anh, áp ngực vào lưng anh, sung sướng rưng rức khóc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét