Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 19

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Chín

Đến lúc trời tối, trong khi tiến công liên tục, tiểu đoàn Riáptrenkô lại chiếm thêm được ba làng nữa: hai cái đã bị đốt cháy trụi, còn cái thứ ba thì chỉ mới bị cháy mất ba phần tư. Khi họ đang tiến lại gần thì các làng này vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, họ thấy những ngôi nhà đầu tiên bắt đầu cháy, và một giờ sau, đã cháy mất nửa làng.
Cảnh tượng đó đã buộc họ bất chấp hỏa lực Đức, cứ phải xông bừa vào làng, không cho bọn giặc đốt trụi nhà cửa của dân. Tất cả những sự việc này đã diễn ra sờ sờ ngay trước mắt họ: trong lúc một số quân Đức từ trong các lỗ châu mai khoét trên tường xả súng máy ra, thì một bọn khác chạy tới chạy lui để đốt nhà. Thấp thoáng trong ánh lửa có thế thấy được cả những bóng người đang chạy từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác. Điều đó khiến cho các chiến sĩ ta điên tiết và khi họ xông được vào làng thì họ vẫn còn đủ sức để lôi các khúc gỗ đang cháy ở những ngôi nhà mới bén lửa để dập đi. Nhưng sau đó, họ cảm thấy mệt không thể tưởng tượng được, đến nỗi dù cho Riáptrenkô không ra lệnh cho bố trí nghỉ ngơi, anh em vẫn không sao cất nổi bước nữa.
Đặt cảnh giới xong, Riáptrenkô liền hạ lệnh cho các đội trưởng nơi nào có điều kiện thì cứ đun trà, cho anh em ăn uống và cái chính là phải gấp rút thu xếp cho anh em ngủ. Nhưng nhiều người đã mệt nhoài đến nỗi chen chúc nhau vào được những ngôi nhà còn nguyên vẹn là ngã vật ngay xuống như bị chặt chân, thậm chí không còn đủ sức để ăn uống gì nữa cả.
Riáptrenkô sợ rằng nửa đêm Baglúk có thể xuất hiện và lệnh cho tiểu đoàn tiếp tục tấn công. Anh cầu trời cho điều đó đừng xảy ra và muốn cho anh em tranh thủ ngủ được nhiều hơn
Nơi chân trời mé bên trái đã ửng lên một vừng ráng hồng mờ mờ qua bão tuyết phía trên nhà ga Vôxkrêxenxkôiê. Đến hai giờ đêm thì Baglúk cùng với sư đoàn trưởng ngồi xe trượt tuyết từ phía nhà ga đi đến và yêu cầu Malinin cùng Riáptrenkô dựng anh em dậy. Hai tiểu đoàn khác của Baglúk đã tập kích nhà ga này hơn ba tiếng đồng hồ rồi mà không sao chiếm nổi nó. Bọn Đức điên cuồng chống trả và đốt nhà ga ngay trước mắt quân ta.
Yêu cầu đề ra cho Riáptrenkô là phải dựng tiểu đoàn dậy, dốc hết sức lực cuối cùng để dấn lên bảy cây số nữa, cắt ngang con đường quân Đức đang rải tuyến hậu cần của chúng từ nhà ga ra. Nếu anh cắt đứt được con đường này hay chỉ cần tiến ra tuyến này là quân Đức sẽ phải bỏ nhà ga và bắt đầu rút lui.
Baglúk đã xác định nhiệm vụ như vậy. Nhưng sư đoàn trưởng thì lại hỏi rằng cần bao nhiêu thời gian để dựng anh em dậy.
Riaptrenkô thật thà đáp: “Xin cho nửa giờ ạ”. Anh chờ đợi những lời quát tháo, nhưng nghĩ rằng thà bị mắng còn hơn là tự dối lòng mình. Dù sao chăng nữa. anh cũng không thể dựng anh em dậy và tập hợp họ trước nửa giờ được, và được như thế cũng đã là tốt lắm rồi.
Hình như Baglúk cũng muốn nặng lời, nhưng sư đoàn trưởng đã liếc nhìn đồng hồ rồi ôn tồn nói:
- Được, nhưng cốt sao nửa giờ của đồng chí phải đúng là nửa giờ đấy nhé!
Riáptrenkô và Malinin bắt tay ngay vào cái công việc khó khăn ấy. Trong tình trạng này thì chỉ có việc gì đột xuất phi thường mới có thể dựng anh em dậy được, đại loại như núi lở, lũ lụt, cháy nhà chẳng hạn và cố nhiên là chiến tranh nữa.
Vì trong bất cứ một ngày chiến đấu nào, chiến tranh cũng chứa đựng trong lòng nó tất cả những từ kể trên, những từ mà trong thời bình ta nghe thật khủng khiếp.
Nửa giờ sau, tiểu đoàn của Riáptrenkô đã tập hợp lại thành hai hàng ngang không đều đặn gì cho lắm. Tới cuối ngày tấn công thứ hai, tiểu đoàn bây giờ chỉ còn lại có hơn bảy chục người.
Ở đằng xa, vừng ráng hồng của đám cháy vẫn rực sáng.
Riáptrenkô hô “nghiêm” và Xerpilin tiến lại gần hàng quân của tiểu đoàn.
Ông vắn tắt nhắc lại cho toàn thể tiểu đoàn biết những điều mà Baglúk đã báo cáo với sư đoàn trưởng và chính ủy, rồi nói rằng hiện giờ có hai việc đang trông chờ vào họ: phải làm sao cho ở nhà ga đằng kia còn lại ít ra là một cái gì ngoài tro tàn và khói để sáng mai nhân dân (đàn bà và trẻ em) có chỗ trú ngụ; hai là làm thế nào để các đồng chí của họ khỏi phải hy sinh một cách vô ích bên cạnh nhà ga đó. Các đồng chí đó đã tấn công bốn tiếng đồng hồ rồi mà không sao chiếm nổi nhà ga, nhưng một khi tiểu đoàn vòng qua nhà ga, cắt ngang đường về thì bọn Đức tự khắc sẽ bỏ chạy ngay.
Là sư đoàn trưởng, ông biết rằng tiểu đoàn đã hoàn thành đầy đủ mệnh lệnh ban sáng và hôm nay họ đã làm tất cả nhũng gì có thể làm được, nhưng dù sao ông cũng đề nghị anh em xuất kích, cắt đứt đường rút lui của bọn phát xít.
- Tôi đề nghị anh em như vậy đấy. Đó là một đề nghị tha thiết, - ông kết thúc lời phát biểu ngắn gọn của mình. Tuy giọng nói của ông không khác gì lắm với việc ra lệnh và tuy rất có thể ông chỉ cần nói: mệnh lệnh của tôi là như vậy, nhưng ông đã dùng chữ “đề nghị”. Nếu không phải là trong từng trái tim mệt mỏi kia thì cũng là trong nhiều trái tim đó đã có một cái gì rung động trước chữ “đề nghị” này, mặc dầu chữ nghĩa vẫn chỉ là chữ nghĩa, dù sao anh em vẫn phải rời khỏi cái chỗ ngủ ấm cúng mà mình đã đổ máu ra mới dành được, để rồi lại xông pha giữa bão tuyết và tiến lên giao chiến với quân Đức.
- Báo cáo thiếu tướng, tiểu đoàn sẽ xin hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí giao cho! Chúng tôi sẽ hoàn thành và báo cáo trước khi trời sáng, - Riáptrenkô nói, tựa hồ như cố dùng cái vẻ hiên ngang, cái giọng sang sảng của bản thân để bù đắp cho không khí lầm lì bực bội trong tiểu đoàn mình.
Anh hô khẩu lệnh và đoàn người chuyển dộng.
Xerpilin đứng nhìn các chiến sĩ đi qua trước mặt, và trên gương mặt của ông, cũng mệt mỏi không khác gì họ, hiện lên một vẻ cám ơn đối với những con người đó, thấu hiểu tất cả mức độ quan trọng của công việc họ đang làm. Nếu ở vào địa vị họ thì bản thân ông cũng làm như họ, nhưng không phải vì thế mà ông đánh giá được sự hy sinh của họ. Phải chăng cái quyền được ra lệnh đã khiến cho mình không còn có nhu cầu phải cám ơn những người, do nhiệm vụ công tác, nên không còn cái gì khác ngoài việc chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh của mình? Và phải chăng chính bản thân mình, trong khi chấp hành những mệnh lệnh gay go của người khác cũng vô điều kiện như thế, đôi khi cũng lại không hề chờ đợi một sự cám ơn nào, ít ra là ở những cặp mắt đang nhìn mình hay sao?
Khi hàng quân đã hầu như đi hết qua trước mặt Xerpilin, ông chợt nhớ ra rằng lúc tiểu đoàn vừa mới tập hợp xong, cái hình dáng cao lênh khênh của người chiến sĩ làm chuẩn đã đập vào mắt ông. Bao giờ người đứng làm chuẩn phía bên phải cũng phải cao lớn thôi, nhưng sở dĩ Xerpilin chú ý đến anh ta không phải vì anh ta cao lớn mà vì một lí do khác: hình dáng của người lính làm chuẩn đã nhắc nhớ ông điều gì đó... Giờ đây, khi đuôi hàng quân đang đi qua, ông đã sực nhớ tới việc này, nhưng rồi ông lại quên khuấy đi ngay, khi Baglúk hỏi ý kiến ông là nếu chỉ để lại độc một trung đội thì liệu có đủ để bảo vệ cho ông không?
- Bảo vệ ai thế nhỉ? - Xerpilin lườm Baglúk. - Bảo vệ tôi hay anh? Nếu bảo vệ anh thì anh cứ việc mang trung đội đó đi theo, bởi vì anh sẽ cùng đi với tiểu đoàn trưởng và chừng nào anh chưa gửi báo cáo về cho tôi biết rằng đã cắt đứt được con đường đó thì anh đừng có quay về đây làm gì! Còn nếu để bảo vệ tôi thì ngay bây giờ tôi sẽ quay trở lại nhà ga và sẽ ở dưới ấy với các tiểu đoàn của anh cho tới khi chiếm được nhà ga.
- Thưa thiếu tướng, vậy đồng chí không chuyển sở chỉ huy sư đoàn tới đây sao? - Baglúk giơ tay trỏ vào làng mà hỏi vậy và cũng vẫn điềm nhiên trước việc Xerpilin điều anh đi cùng tiểu đoàn.
- Khoảng gần sáng, tôi mới chuyển sở chỉ huy tới đây. Nhưng hễ đại đội vệ binh đến là tôi ném ngay tới khu vực nhà ga để chi viện cho các anh. Cho nên, từ giờ đến sáng, anh chỉ để lại đây ba chiến sĩ để cho làng xóm khỏi vắng vẻ. Còn tất cả anh em khác thì cứ cho tiến lên! Và làm thế nào để năm phút nữa tôi đừng trông thấy mặt một người nào thừa ở dây!
Baglúk để lại cho sư đoàn trưởng ba chiến sĩ, một chiếc xe trượt tuyết và một xạ thủ tiểu liên của mình, còn bản thân anh thì khua đôi ủng da trên tuyết mà đuổi theo tiểu đoàn.
Xerpilin trông theo bóng tiểu đoàn đang đi xa dần và một lát sau, trước khi quay trở lại nhà ga, ông ghé vào thăm một căn nhà gỗ cạnh đó.
Các nạn chủ đang ngồi sưởi trong nhà: toàn là đàn bà với trẻ con. Xerpilin chào hỏi xong, đóng cửa lại, đứng bên cạnh cửa sổ bỏ mũ xuống rồi mệt mỏi lấy tay xoa đầu. Ông cảm thấy sao mình chỉ muốn chọn ngay lấy một góc trong căn nhà gỗ ấm hơi người này để nằm lăn ra mà ngủ.
Một người đàn bà đứng tuổi đang cúi đầu xuống dùng dao cạo bàn.
- Bà làm gì vậy? - Xerpilin hỏi.
- Bọn Đức đi rồi thì phải cạo đi, - bà ta đáp mà không nhìn lên, cứ tiếp tục cạo lia lịa. - Thật không phải là người nữa, chúng ngủ ngay trên bàn! - Sau đó bà đứng thẳng lên. đưa mắt nhìn Xerpilin, rồi bằng một giọng nhanh nhẩu và vội vàng, bà kể lại rằng hôm qua quân Đức đã giết mất đứa con trai út của bà: ban đêm thằng bé định lùa con bò cái vào rừng thì bọn chúng đuổi theo bắn chết. Bà nói rất nhanh, và qua đôi mắt của bà, tựa hồ như bà cho rằng hễ mình kể lể hết ngọn ngành là lập tức cái ông Xerpilin này sẽ gánh vác ngay lấy và sửa chữa hết. Các bà cũng đều thi nhau kể cho ông biết lúc bọn phát xít đóng ở đây, chúng đã giết những ai vào lúc nào, còn Xerpilin thì cứ tựa vào xà ngang trên khung cứa mà nghe, lòng tràn ngập thêm một nỗi căm thù mới, mặc dầu tưởng chừng như không còn gì có thể bổ sung cho lòng căm thù sẵn có của ông đối với quân Đức được nữa.
- Báo cáo thiếu tướng, - người chiến sĩ tiểu liên mà Baglúk để lại đã mở cánh cửa đằng sau lưng ông báo cáo, - đã bắt được hai tên phát xít ẩn nấp dưới hẩm nhà, xử trí thế nào với chúng nó ạ!
- Chào các bà nhé, - Xerpilin nghiêng mình chào các bà. - Ngày mai, khi có thực phẩm chở đến, chúng tôi sẽ phát cho bà con đây một ít cho các cháu ăn. - Ông đội mũ vào và theo người chiến sĩ tiểu liên đi ra. - Chúng nó ở đâu rồi ?
Ông đã trông thấy ngay mấy tên Đức. Chúng đứng giữa hai chiến sĩ vừa bắt được chúng. Bọn chúng đi giầy da, mặc áo capốt, đội mũ calô kéo sụp xuống tận mang tai, run lập cập vì rét thấu xương.
- Aux venkhen đividiôn? - Xerpilin hỏi.
[Thuộc sư đoàn nào?]
Một tên đáp là thuộc sư đoàn một trăm mười bốn.
- Und đu?
[Còn mày nữa?]
Tên thứ hai nói rằng nó cũng thuộc sư đoàn một trăm mười bốn.
- Vax makhen di hia?
[Làm gì ở đây?]
Bọn Đức nín lặng, nhưng một chiến sĩ hiểu đúng ý câu hỏi đã trả lời thay cho chúng:
- Báo cáo thiếu tướng, tôi đoán là chúng ở trong một đội quân biệt kích chuyên đốt nhà, đến phút cuối cùng thì bị lạc lối và lẩn trốn.
- Txaigân di irê henđê!-Xerpilin nghiêm giọng nói.
[Giơ tay lên xem!]
Một tên Đức loạng choạng lùi lại, không hiểu người ta đòi hỏi mình phải làm gì. Còn tên kia vẫn đứng yên.
- Giơ tay lên tao xem! - Xerpilin nhắc lại lần nữa bằng tiếng Đức và tiến lên một bước.
Tên Đức hoảng hốt chìa tay ra trước mặt ông. Anh chiến sĩ đứng bên cạnh chực đẩy tên Đức ra: sao nó dám dí tay vào mũi thiếu tướng? Nhưng Xerpilin ngăn anh ta lại.
- Und đu? - rồi Xerpilin cúi gập cái thân hình cao lớn của mình xuống để ngửi đôi bàn tay tên Đức thứ hai.
Bàn tay của cả hai tên đều sặc mùi dầu hỏa. Chúng nó im thin thít. Một thằng khẽ run run, còn thằng kia thì sững sờ vì tuyệt vọng, biết rằng không tránh khỏi chết.
- Đem bắn quách chúng nó đi cho rồi! - Xerpilin nói xong quay gót bước về phía xe trượt tuyết.
Trên đường, hiện ra những bóng người đang đi ngược chiều gió, đưa hai tay lên ôm đầu.
Một người dấn bước chạy tới chỗ Xerpilin và người kia cũng lập tức đuổi theo kịp. Đó là đội trưởng thông tin liên lạc của sư đoàn và đại đội trưởng vệ binh.
- Mãi giờ mới đến đấy hả? - Xerpilin nói với người đại đội trưởng thông tin ra dáng không bằng lòng. - Nhưng muộn hơn không! Kéo đường dây đến đây đi! Ngày mai, tùy theo tình hình, cùng lắm là buổi trưa, sở chỉ huy sẽ đặt ở đây! Và hễ liên lạc được thì phải lập tức báo cho Rơchisép biết là tôi sẽ có mặt ở khu vực Vôxkrêxenxkôiê cho đến khi chiếm xong nơi đó. Thế nào, Rơchisép đã lên đường rồi chứ?
- Thưa thiếu tướng, không đâu ạ, - đại đội trưởng thông tin ngập ngừng nói. - Sư đoàn bộ đang đi dọc đường, còn đại tá Rơchisép thì vấp phải mìn.
- Bị thương à? - Xerpilin vội hỏi, - chở đồng chí ấy đi rồi chứ?
- Báo cáo thiếu tướng, đồng chí ấy chết ngay tại chỗ rồi.
- Chết chửa! Ôi, Rơchisép! - Xerpilin buồn bực vỗ hai tay vào chiếc áo lông bọc da thuộc.
Mặc dù ông đã cố xua đuổi cái ý nghĩ đó đi, nhưng ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, ông đã có cảm tưởng rằng cái anh chàng Rơchisép với cặp mắt buồn bã ấy chẳng phải là kẻ sống lâu trên đất này, anh ta sẽ chết mất thôi, đôi mắt anh ta lộ ra điều đó và quả là một điềm gở! Rút cục là anh ta đã bị giết! Anh ta sống lâu hơn ông sư đoàn trưởng của mình vẻn vẹn có một tuần...
Ông thấy thương hại cho Rơchisép và đâm ra khó chịu về cái linh tính chính xác của bản thân mình. Nhưng ông chỉ hỏi một câu:
- Ai thay thế đồng chí ấy? Sisơkin hả?
- Vâng.
- Vậy anh hãy báo cáo với Sisơkin tất cả những điều tôi đã nói. Còn anh, Rưbakốp, - Xerpilin quay sang phía đại đội trưởng vệ binh, - anh hãy đi ngay tới Vôxkrêxenxkôiê nhé! Anh em có bị cóng lắm không?
- Báo cáo thiếu tướng, cóng lắm ạ.
Các chiến sĩ của đại đội vệ binh đã xúm xít lại sau lưng đại đội trưởng của mình. Đây là lực lượng dự bị của Xerpilin mà hôm qua cũng như hôm nay chưa hề tham chiến.
- Cho mười lăm phút để sưởi rồi hành quân đến Vôxkrêxenxkôiê!
- Nhưng đi theo hướng nào ạ? - đại đội trưởng tưởng rằng đơn vị mình đã đi đến địa điểm, thế mà bây giờ lại phải tiến lên nữa, nên phải hỏi lại.
- Đi hướng nào à? Hướng nào có lửa, có đánh nhau ấy!
- Nhưng theo con đường nào ạ? - anh đại đội trưởng vệ binh còn chưa định thần được, vẫn hoang mang hỏi tiếp.
- Chẳng theo đường nào hết. Đằng kia là ánh lửa cháy, cứ theo hướng đó! Cứ đi tới chỗ có đám cháy! Và không được chần chừ gì hết! Tôi sẽ đợi các đồng chí ở đấy, - Xerpilin nói đoạn tiến đến chỗ xe trượt tuyết, trong khi đó nghe rất gần, ngay sau nhà có tiếng súng nổ một phát rồi phát thứ hai... Đó là anh em ta đang xử bắn hai tên Đức thuộc đội biệt kích đốt nhà.
“Phải tranh thú viết thư mới được... Bây giờ không phải chỉ viết cho một mình vợ Orlốp, mà còn cả vợ Rơchisép nữa... Mọi chuyện xảy ra nhanh đến như vậy... - Xerpilin chua chát nghĩ thầm. Khi đã ngồi yên trên xe trượt tuyết, một lần nữa ông còn nhìn về nơi ráng đỏ phía trước và lại lo lắng nhớ đến Baglúk. - Phải thọc nhanh vào hậu tuyến của chúng mới được. Chưa thọc vào được thì còn chưa sao chiếm được ga Vôxkrêxenxkôiê”.
Quả thực là mãi quân ta chưa chiếm nổi ga Vôxkrêxenxkôiê. Lần nào bộ binh ta đứng dậy xung phong là bọn Đức lại dùng hỏa lực súng cối và súng máy để buộc họ phải nằm dí xuống tuyết, trong khi ấy chúng cứ đốt hết ngôi nhà này sang ngôi nhà khác.
Xerpilin quay trở lại đây đúng vào lúc mà một đợt xung phong thường lệ lại vừa bị mắc nghẽn và anh em lại phải nằm xuống tuyết ngay trước nhà ga. Chỉ cần trong tay có vài khẩu đại bác thì có lẽ cũng đã dùng hỏa lực đè bẹp được các hỏa điểm súng máy của dịch, và dù với vài hàng quân thưa thớt này thì cũng đã xông được vào nhà ga rồi. Nhưng pháo binh chẳng có, nó đang nằm chết dí ở đằng sau, trong bão tuyết và tạm thời còn chưa phát huy được uy lực. Chính ủy sư đoàn đã ở lại đây trong khi Xerpilin đi cùng với Baglúk. Ông không chịu nổi nữa và bảo rằng sẽ thân hành đi tìm rồi thế nào cũng lôi tới đây được một đại đội pháo, dù có phải tóm lấy cổ họ để xách đi! Ông không đành lòng ngồi nhìn cái cảnh anh em chết dần chết mòn hết đợt xung phong này sang đợt khác, mà nhà ga thì cứ cháy hoài cháy hủy trước mắt mình như không có việc gì xảy ra cả.
Xerpilin không tranh luận: thật sự lôi được một đại đội pháo tới đây thì còn nói gì nữa! Ở đây cần pháo binh như cần cuộc sống vậy.
Chính ủy lên ngựa và biến mất vào trong bão tuyết. Còn Xerpilin thì ra lệnh ngừng các đợt xung phong lại. Không biết cái gì sẽ xảy ra trước: pháo binh được kéo tới trước hay Baglúk sẽ đánh vòng qua nhà ga trước. Nhưng nếu không có một trong hai cái đó thì không sao chiếm được ga.
Trời mỗi lúc một giá buốt hơn, nhưng Xerpilin không nhận thấy điều đó. Sở chỉ huy tạm thời của ông bây giờ đang ở ngay trên đường, cách nhà ga chừng nửa cây số, trong một cái điếm canh đường xe lửa xây bằng đá. Nhưng ông không vào trong điếm mà luôn luôn ở bên ngoài, chỉ nấp sau tường để tránh những quả đạn cối mà quân Đức cố bắn về phía điếm canh, mặc dù bắn không tới. Tuy giận dữ và đầu óc căng thẳng, không đủ sức để rời mắt khỏi cái cảnh tượng nhà ga Vôxkrêxenxkôiê đang cháy ngùn ngụt, Xerpilin vẫn luôn luôn nghĩ tới Baglúk. Còn một giờ nữa, mặc dầu thời tiết xấu như thế này, Baglúk cũng sẽ phải tiến được ra đường cái sau lưng quân Đức, miễn là đừng có cái gì chặn anh ta lại. Nhưng cái gì có thể chặn anh ta lại được nhỉ? Hai ba khẩu súng máy yểm hộ cho con đường sẽ phát huy hỏa lực và chặn anh ta lại ! Và chúng còn chặn lại như thế nào nữa kia đây! Thế là đành phải loay hoay mất một hai giờ để đánh vu hồi mới tiêu diệt chúng nó được! Nhưng dù cho Bacluk có thọc tới được đúng thời hạn đi chăng nữa thì vẫn cứ phải đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa và bó tay ngồi nhìn cái cảnh đốt phá này.
Không hiểu sao đại đội vệ binh cũng chưa thấy đến. Chính là Xerpilin định tung nó vào trận xung phong đúng vào lúc Baglúk sẽ đột nhiên xuất hiện trong hậu tuyến quân Đức! Ông đã cho Rưbakốp mười lăm phút để nghỉ ngơi rồi chứ có phải không đâu. Cứ theo đồng hồ thì đã đến lúc đại đội phải có mặt ở đây. Thấy sốt ruột, nên ông đã sai người đi đón đường để thúc giục Rưbakốp.
Đúng vào lúc này. Mácximốp từ trên tập đoàn quân xuống và đã bắt gặp Xerpilin đang giận dữ và lồng lộn ở sau bức tường của cái điếm canh đường sắt ấy. Anh ta đã quẳng xe ở chỗ cách đây năm cây số để cuốc bộ tới đây; người anh phủ đầy tuyết đến nỗi Xerpilin không nhận ra ngay được đó là ai. Đằng sau Mácximốp còn thấp thoáng bóng một người nào đó nữa.
- Thế nào, anh Xerpilin, đánh đấm ra sao? - Mácximốp vừa lau mặt và phủi tuyết trên mũ vừa vui vẻ hỏi. - Thế nào, sắp chiếm được Vôxkrêxenxkôiê chưa? Tư lệnh trưởng ra lệnh đến ốp anh đấy. Ông ấy bảo là theo lịch thì đã hết hạn rồi.
- Lịch với liếc đều láo toét hết! - Xerpilin gầm ghè đốp lại.
Tâm trạng của hai người không hòa hợp với nhau. Về phần Mácximốp, khi rời khỏi sở chỉ huy của tập đoàn quân cách đây ba tiếng đồng hồ, anh được biết rằng đến lúc trời tối thì ở hầu hết mọi nơi, sức chống đỡ của quân Đức đều đã bắt đầu tan vỡ, các đon vị bạn đều đã bứt lên trước, thậm chí còn vượt qua cả Xerpilin nữa. Mặc dù lúc tiễn chân anh lên đường, tư lệnh trưởng có nhắc rằng đã lâu không thấy Xerpilin báo cáo (“Cậu đến xem thử, mình sợ ông ta bị tắc lại ở khu Vôxkrêxenxkôiê rồi đấy!”) nhưng vì bị chìm ngập bởi tâm trạng phấn khởi chung, nên Mácximốp cứ đinh ninh rằng trong khi mình lần mò dọc đường thì Xerpilin đã chiếm được nhà ga rồi.
Ngay cả bây giờ, tuy đã rõ là mình nhầm, ga Vôxkrêxenxkôiê không những chưa chiếm được mà còn đang bốc cháy anh vẫn cứ tưởng chừng như sau đây mọi việc sẽ kết thúc một cách rất đơn giản thôi: thêm một đợt xung phong nữa nhà ga sẽ thuộc về ta và chỉ còn việc báo cáo là sư đoàn 31 trước đã mở màn tấn công thắng lợi thì bây giờ vẫn đứng hàng đầu.
Còn Xerpilin thì trái lại, ông ta chưa được biết tình hình ở các đơn vị bạn diễn biến ra sao, mà dù có biết được chăng nữa thì tình hình tạm thời cũng chưa giúp gì vào việc làm giảm nhẹ được tình thế của ông... Cái điều mà ông được biết lại là một điều khác: đến bây giờ mình vẫn chưa hoàn thành được mệnh lệnh của trên vì mình vấp phải cái ga Vôxkrêxenxkôiê này, mình định tìm cách đánh vòng qua nó về bên trái và bên phải mà không được, lại vấp phải nó, rồi trong các đợt xung phong chính diện mình đã nướng mất một số quân và đã để chậm trễ, không lập tức tung ra một tiểu đoàn cho đánh vu hồi sâu theo yêu cầu của tình hình. Nhưng bây giờ thì lại phải nhẫn nại và đợi cho được Baglúk hoặc đợi cho có đại bác, mà tốt hơn là đợi cho có cả hai.
Mặc dầu chính Xerpilin đã suốt ngày bận rộn đi đốc thúc Baglúk và các trung đoàn trưởng khác tiến lên, nhưng bây giờ lại có người đến để đốc thúc ngay cả bản thân ông thì ông thấy rất khó chịu. Nhưng ông cũng chẳng che giấu gì điều đó, nổi giận cả với bản thân mình và cả với Mácximốp, vì anh ta đã hỏi một cách ngớ ngẩn: “Thế nào sắp chiếm được rồi chứ?”
- Thưa đồng chí chủ nhiệm chính trị tập đoàn quân, đánh chiếm những thị trấn đông dân không phải là như luộc trứng đâu, - ông nói với Mácximốp. - Ba phút là trứng lòng đào, năm phút là trứng luộc chín! Giá mà chỉ mỗi một mình chúng ta bắn thôi, thì có thể tính toán tất cả mọi việc chính xác được đến từng phút... Nhưng ở đây còn có quân Đức, mẹ kiếp, chúng nó cũng bắn nữa chứ!
Tựa hồ như để chứng thực lời ông nói, một quả đạn súng cối trợ chiến của quân Đức nổ tung phía trước, cách điếm canh có một trăm thước.
- Thế sao các anh không xung phong đi, còn đợi gì nữa? - Mácximốp cứ khăng khăng hỏi vậy. Chẳng phải là anh tự ái gì vì câu trả lời của Xerpilin đâu mà là vì anh nóng lòng muốn đánh chiếm cho được ga Vôxkrêxcnxkôiê trong khi mình có mặt ở đây và anh cũng sẵn sàng làm bất cứ việc gì kể cả việc ngay bây giờ đi huy động anh em rồi cùng xung phong với họ.
- Tôi đang cho một tiểu đoàn đánh vu hồi, - Xerpilin nói. - Nhưng anh em mệt quá, trời lại bão tuyết, còn bao nhiêu sức thì họ đi được bấy nhiêu. Tôi đang đợi anh em tiến ra được con đường trong hậu tuyến bọn Đức.
- Thế anh Permakốp ở đâu? - Mácximốp hỏi về chính ủy sư đoàn. - ở dưới các trung đoàn khác à?
- Không, đang ở đây, tất cả chúng tôi đều ở cả đây... Chúng tôi phải đánh chiếm bằng được cái ga Vôxkrêxenxkôiê này, mẹ nó chứ... - ông ta chửi rủa. - Trung tâm vấn đề là ở đây. Hễ chúng tôi chiếm được nó là lập tức thế của các trung đoàn khác dễ như chẻ tre! Chính ủy đang đi tìm pháo binh, pháo của chủng tôi đang sa lầy trong bão tuyết. Nếu anh ấy lôi được pháo đến cho tôi, tôi sẽ xin vái sát đất.
- Thế nghĩa là các anh ăn ý với nhau lắm đấy chứ! - Mácximốp hỏi.
- Chúng tôi ai có thể làm được gì cứ làm,-Xerpilin trả lời rồi giận dữ giơ ngón tay trỏ về phía nhà ga đang cháy: - Chỉ có lũ khốn kiếp mới không chịu ăn ý với nhau trong tình hình như thế này, mà tôi với anh ta nhờ trời lại không phải là lũ khốn kiếp! Một khi các thủ trưởng không ăn ý với nhau là chỉ tổ chết lính thôi.
- Trường giao thông đường sắt cháy mất rồi! - cái người đến đây cùng với Mácximốp thoạt tiên đứng tránh ra xa, nhưng bây giờ đã tiến lên trước, đưa tay che mắt nhìn đám cháy, rồi bỗng buồn bã kêu lên.
- Đồng chí thò đầu ra khỏi điếm canh thì phải cho cẩn thận một chút nhé... lỡ ra ăn đạn cối đấy! - Xerpilin hét to bảo người ấy.
Mới đầu ông tưởng rằng Mácximốp mang theo một anh trợ lý nào đó của phòng chính trị, nhưng bây giờ ông đã nhận ra cái người thiếu thận trọng đó là đồng chí bí thư huyện ủy.
Sáng hôm nay hai người mới gặp nhau sơ sơ trong cái thành phố vừa chiếm lại được ấy; nhà ga này cũng thuộc huyện của đồng chí bí thư huyện ủy, nên đồng chí này đã hỏi Xerpilin rằng ông dự tính bao giờ sẽ chiếm lại ga Vôxkrêxenxkôiê. Chuyện đó là vào buổi sáng hôm nay. Chỉ mới vẻn vẹn có trong ngày hôm nay thôi ư?
- Bây giờ tôi mới nhận ra đồng chí đấy, - Xerpilin nói. Đồng chí sắp sửa giàu có rồi !
- Chưa phải thế đâu... - vừa nhìn đám cháy, đồng chí bí thư huyện ủy vừa đáp với thái độ không lấy gì làm vui vẻ lắm và thấy sốt ruột, ông lại bò ra chỗ trống để nhìn cho rõ hơn một cột lửa mới vừa bùng lên. - Chúng đốt kho ở ga chuyển hàng... kho thứ hai và thứ tư! - ông ta lại cay đắng kêu lên.
-Anh ta cứ nằng nặc đòi đi theo tôi, - Mácximốp nói. - Anh ta cứ tưởng là đã... - ông không nói hết câu, và hỏi Xerpilin rất khẽ, hầu như thì thào: - Anh Xerpilin. anh tính lúc nào thì chiếm được nhà ga.
Xerpilin xem đồng hồ.
- Tôi đang đợi Baglúk. Nhất định nửa giờ nữa cậu ta phải tiến ra tới đường cái... Nhất định phải thế, - ông nhắc lại.
- Ờ, cái cậu ấy thì cái gì có khả năng là cậu ấy sẽ làm được cả đấy! - Mácximốp nói.
- Nhưng làm sao biết được rằng ai có thể làm được và có thể làm được bao nhiêu? - Xerpilin nói. - Có thể là cái gì có khả năng thì cậu ấy sẽ làm được đấy, mà cũng có thể là nếu người khác ở vào địa vị cậu ấy lại làm được nhiều hơn và nhanh hơn! Chính tôi hôm nay cũng thế, cũng đã làm hết mọi việc có thể làm được, tôi cho là như vậy. Thế nhưng cũng có thể là người khác ở vào địa vị tôi thì lại đã chiếm được cái ga Vôxkrêxenxkôiê này rồi!
- Không sao đâu, anh Xerpilin, rồi anh sẽ chiếm được nó thôi. - Mácximốp nói. - Thì đơn vị của Đavưđốp buổi sáng làm ăn cũng chả ra gì! Thế mà cách đây ba giờ anh ta báo cáo rằng đã chiếm được Ekatêrinốpka rồi đấy.
- Thế hả? - Xerpilin nói. - Cừ nhỉ!
- Cả trăm năm ba, cả chín hai cùng tiến lên được rồi...- Mácximốp nêu tên những phòng tuyến của địch mà các sư đoàn này đã tiến đến được.
- Ờ... - Xerpilin nói. - Tốt đấy... rất tốt, - ông nhắc lại, mặc dù chẳng giây phút nào ông dứt ra khỏi được ý nghĩ về cái nhà ga mà bản thân ông chưa chiếm được.
- Chúng đốt nốt các kho tàng còn lại rồi, - ông bí thư huyện ủy vẫn che tay phía trên mắt mà nhìn rồi nói. - Sắp sửa cháy đến kho thóc rồi, lửa đã sát bên cạnh.
- Đồng chí làm gì mà cứ quang quác lên thế nhỉ? - Xerpilin đâm bật lò xo, - sao đồng chí cứ o ép tôi thế?... Chả nhẽ tôi lại không mơ ước trao trả cái nhà ga cho đồng chí một cách nguyên vẹn hay sao!? - Cuối cùng, tất cả nỗi bực dọc đã bùng ra trong giọng nói của ông.
- Khốn nhưng nó lại cháy ngay trước mắt mình cơ! - người bí thư huyện ủy đáp.
- Cháy ngay trước mắt... - Xerpilin chua chát nhắc lại. - Thì tôi cũng có mắt chứ...
Ngay phút đó đại đội trưởng vệ binh Rưbakốp từ trong bão tuyết hiện ra. Sau lưng anh ta thấp thoáng những bóng người kéo lê thê thành một chuỗi dài.
- Thưa thiếu tướng, xin báo cáo...
- Đáng lẽ phải báo cáo từ nửa giờ trước đây kia! - Xerpilin gay gắt nói. - Tôi cần bắt đầu đợt xung phong mới, vậy mà đồng chí ở mãi đâu?
- Thưa thiếu tướng, anh em đã mệt lử cả ra rồi ạ.
- Tôi biết.
Đứng trước mặt sư đoàn trưởng, Rưbacốp biết rằng mình có lỗi, mình đã trái lệnh, đáng lẽ chỉ được nghỉ lấy hơi mười lăm phút thì anh đã cho anh em nghỉ tới bốn mươi lăm phút, tưởng là nếu anh em được nghỉ nhiều thì họ sẽ bù lại được thời gian ở dọc đường. Nhưng anh em đã quá mệt, đến nỗi nghỉ lấy hơi cũng không ăn thua mà dọc đường cũng chẳng bù lại được tí thời gian nào. Rưbakốp biết là mình có lỗi, nhưng cũng biết là không thể làm khác hơn được và anh cũng muốn làm cho tốt hơn chứ đâu có muốn làm tồi đi. Hơn nữa, anh còn biết rằng dù bây giờ sư đoàn trưởng có chửi mắng mình thế nào đi chăng nữa thì rồi hai mươi hoặc ba mươi phút tới đây vẫn chính là anh sẽ cùng xuất kích với đại đội vệ binh của mình, chứ không phải ai khác, bởi vì muốn chửi thế nào thì chửi chứ không thể nào không cho anh em xuất kích được. Trước tình hình đó, Rưbakốp cảm thấy tuy mình có lỗi nhưng cũng chẳng đến mức như anh đã thường cảm thấy trong những hoàn cảnh khác. Xerpilin cũng biết thế nên cố nén cơn thịnh nộ, ôn tồn bảo Rưbakốp phải chóng vánh tập hợp đội ngũ, tập trung anh em lại để xuất kích về phía kia. Ông trỏ ra đằng trước, về phía mái nhà kho đang nhô lên khói lớp tuyết dày, sở chỉ huy của tiểu đoàn đặt gần nhà kho này.
Rưbakốp nhìn sư đoàn trưởng bằng cặp mắt không hề sợ hãi mà có phần thản nhiên nữa, cặp mắt của một người mà vị tất đã có thể dùng mệnh lệnh để đòi hỏi anh ta nhiều hơn là tự anh ta sẵn sàng cống hiến theo ý chí và lương tâm của anh ta. Rồi anh nói: “Rõ!” - và đi tới chỗ các chiến sĩ của mình đang từ trong bão tuyết kéo tới mỗi lúc một đông hơn.
- Anh Xerpilin này! Hay là chúng mình dẫn đầu anh em xuất kích? - Mácximốp hất hàm chỉ đại đội đang đi qua trước mặt, trong bão tuyết. - Ta cùng đi với anh em...
- Mácximốp, hãy khoan, chớ vội vã... Suốt ngày nay tôi đã quá vội vã rồi đấy, thế nhưng bây giờ tôi lại... không vội vã nữa đâu, mặc dầu các anh cứ đứng ốp sau lưng tôi, - ông hất hàm chỉ người bí thư huyện ủy. - Trong tay tôi và anh đâu phải là củi đóm, mà là những con người, tôi không khoái cái trò nướng quân... Ta hãy cố chịu đựng một chút. Chịu đựng thì gay đấy, nhưng hãy cố mà chịu đựng một chút đi. Tôi cảm thấy Baglúk sắp tiến ra ngay bây giờ rồi đấy... Cậu ấy cũng hiểu rằng thời gian đối với chúng ta có ý nghĩa như thế nào. Tôi mừng vì anh đã đến đây, nhưng anh chớ giục tôi, hãy cho tôi khất cái đã.
- Ờ thế hả. Hay là trong khi đợi xuất kích, ta cứ xuống cái tiểu đoàn ở đằng trước kia vậy? - Mácximốp nói.
- Có hề gì đâu? Đây đâu có phải là hậu tuyến của tập đoàn quân? Từ đây đến  chỗ quân Đức chỉ còn năm trăm thước... Anh muốn lại gần thêm hai trăm thước nữa à?
- Phải.
- Thế thì anh cứ đi... Còn tôi thì tôi ở lại đây. Ở đây tôi có hai tiểu đoàn, có hai cánh tay, điều khiển thì cần phải điều khiển bằng cả hai tay...
Mácximốp tưởng rằng hoặc Xerpilin sẽ đi cùng với anh, hoặc sẽ không cho anh xuống tiểu đoàn một mình. Song, Xerpilin vốn không chịu để cho ai kìm hãm mình, nhưng cũng không thích kìm hãm người khác. Muốn đi xuống tiểu đoàn thì cứ việc đi. Giá như Xerpilin có phép phân chia mình ra làm mấy mảnh thì ông sẽ vừa ở lại đây và vừa đi xuống cả hai tiểu đoàn của mình nữa kia.
- Đi đi, - Xerpilin nói. - Miễn là đừng có tan xác ra ở phía trước ấy là được, - ông nói thêm, không phải là có hàm ý sâu xa gì, mà chỉ vì ông thoáng nhớ lại là Rơchisép đã chết hôm nay, mặc dầu anh ta chết ở hậu tuyến, ở phía sau chứ không phải là ở phía trước.
- Thế anh ở lại đây chứ? - Mácximốp hỏi đồng chí bí thư huyện úy.
- Tôi đi với anh, - ông bí thư trả lời và xốc lại khẩu súng trường trên vai. Té ra ông có mang súng. Mãi bây giờ Xerpilin mới trông thấy.
- Đi lối nào nhỉ? Đi về phía cái nhà kho kia hả? - Mácximốp hỏi.
- Sẽ có người dẫn các anh ngay bây giờ, - Xerpilin nói và gọi to bảo tìm liên lạc viên đến.
Mácximốp ra đi. Một phút sau đó thì ông chính ủy sư đoàn thở hồng hộc, nhễ nhại mồ hôi đã đứng trước mặt Xerpilin. Ông ta lau cả mồ hôi lẫn tuyết bết trên mặt và bằng một giọng khản đặc, ông hỏi một câu gì đó mà thoạt tiên Xerpilin không sao nghe ra.
- Tình hình ở đây thế nào rồi? - chính ủy hỏi lại.
- Tạm thời vẫn thế... Chỉ mới có Rưbakốp đến thôi. Còn tình hình cậu thế nào? - Xerpilin hỏi.
Nhưng cứ trông nét mặt hân hoan của chính ủy cùng đã rõ tinh hình công việc của ông ta ra sao. Thế mà ông đã kéo được đại bác đến thật và căn cứ vào bộ dạng ông ta thì ông đã kéo theo đúng nghĩa đen của từ này; chắc hẳn ông đã cùng anh em kéo pháo ra khỏi hố tuyết.
- Thực ra thì chẳng được bốn khẩu mà chỉ có ba, - ông nói. - Đã đưa đến đằng kia rồi, mé bên trái, - ông giơ tay chỉ, - đang bố trí vào trận địa. Anh em pháo binh hứa là mười phút nữa sẽ khai hỏa... Một khẩu lăn xuống khe, anh em không tài nào... Họ kiệt sức rồi...
- Mặc xác nó, ta sẽ kéo lên sau, ba khẩu cũng đủ để cám ơn rồi, - Xerpilin nói và ghé sát mặt vào mà hôn con người đứng tuổi và mệt mỏi ấy để tỏ lòng cám ơn.
Bỗng nhiên, từ đằng xa, từ phía sau nhà ga, từ phía sau vừng ráng đỏ trên bầu trời nhà ga, từ cái phía mà Baglúk và Riáptrenkô phải thọc tới, đã vọng lại điều mà Xerpilin mong đợi. Đó là âm vang của một trận chiến đấu, những âm vang xa xôi, yếu ớt nhưng vẫn văng vẳng bên tai.
- Baglúk! - Xerpilin chỉ nói có thế rồi buông một hơi thở dài, tựa hồ như vừa trút khỏi hai vai một hòn núi nặng kinh khủng.
* * *
Malinin nằm trong lán, trên nền đất lót một mớ rơm lạnh cứng đang bắt đầu tan giá. Còn có vài người thương binh nữa nằm và ngồi bên cạnh. Khúc gỗ cháy ở trong lò bốc khói, xèo xèo. Không ai mang rìu theo, nên đành phải tống thẳng cả đầu khúc gỗ này vào lò rồi thỉnh thoảng lại đẩy nó vào thêm.
Malinin nằm, lắng nghe những gì đang xảy ra trong người mình, lắng nghe những cơn đau nhói như dao đâm ở trong cái bụng bị đạn và lắng nghe những tiếng động của trận chiến đấu đang diễn ra ngoài vách lán. Trận chiến đấu ấy lúc bừng lên, lúc lại tàn lụi đi, chuyển dần về phía bên phải, vào hậu tuyến của quân Đức. Căn cứ theo mọi hiện tượng thì ta đã chiếm được nhà ga, và quân Đức đã rút lui mỗi lúc một xa hơn. Quân Đức rút lui là do công lao của tiểu đoàn họ, tiểu đoàn của Riáptrenkô và Malinin, bởi vì dù sao tiểu đoàn cũng đã tiến ra được tới đường cái, ngay cạnh cái lán bỏ hoang ngập tuyết này và đánh vào các đơn vị hậu cần của quân Đức kéo dài tới tận nhà ga. Họ đã bắt đầu từ đấy, và sau đó đã án ngữ con đường, không cho quân Đức qua lại nữa.
Nhưng đến đây thì Malinin đã không còn tham dự gì vào nữa, bởi vì ông đã bị thương ngay từ khi mở màn trận đánh, khi họ tấn công vào một đoàn xe Đức. Bọn Đức bắn trả lại, một viên đạn đã trúng vào bụng Malinin. Ông chúa sợ cái vết thương kiểu ấy. Ông có cảm tưởng rằng bị thương vào bụng là chết. Ngay lúc đầu ông cũng đã nghĩ như vậy, do đó khi Karaulốp nhảy vọt đến bên ông ta kêu lên: “Đồng chí chính trị viên, để tôi băng cho!” - thì Malinin trong cơn thảng thốt đã cất giọng khàn khàn bảo rằng: “Không cần, mình chết mất thôi!”. Mãi sau, khi chính bà cứu thương Kulikôva đã luống tuổi, - cái bà mà trước kia có lúc đã từng hứa sẽ cõng ông ra khỏi chiến trường, - đến băng bó cho ông và lôi ông sền sệt trên mặt tuyết, ông mới nói: “Hãy khoan, để tôi đứng dậy”, rồi quả thực ông đã nhỏm dậy được, đứng hẳn lên và nghĩ thầm: “Mình đã đứng dậy được là mình sống rồi!”. Thực vậy, ông chỉ đi vẻn vẹn được ba bước, sau đó bà cứu thương và người chiến sĩ tình cờ đứng bên cạnh lại phải đến dìu ông, nhưng từ lúc ông đi được ba bước kỳ diệu ấy thì ông đã một mực tin rằng mình sẽ không chết...
Sớ dĩ ông chịu được đau và không kêu la cũng một phần vì ông tin rằng mình sẽ không chết và phần nữa vì ông là chính trị viên tiểu đoàn, mà lính của ông thì cũng bị thương và đang nằm xung quanh đó cả. Còn có một lý do nữa là: sau khi bị thương ông không tự làm cho mình lập tức trở thành dửng dưng đối với mọi việc xảy ra xung quanh, như thường thấy ở những tâm hổn yếu đuối hơn. Ông vẫn theo dõi những việc xảy ra ở ngoài bức vách này, vẫn lắng nghe xem trận chiến đấu diễn biến ra sao, và theo khả năng nhận thức của mình, giải thích cho các anh em thương binh khác về những việc xảy ra ở ngoài kia.
Sự tính toán của Xerpilin thế mà đúng. Tiểu đoàn Riáptrenkô vừa thọc tới con đường ở trong hậu tuyến quân Đức là y như chúng vội vã rút lui khỏi nhà ga. Nhưng tiểu đoàn đã làm nhiều hơn so với mệnh lệnh. Nó đã chặn ngang con đường và đánh bật những đợt xung phong của quân Đức cho đến lúc chúng đành phải quẳng xe cộ lại, chạy rẽ xuống cánh đồng đất hoang.
Thấy thế, Baglúk bèn để Riáptrenkô ở lại chặn đường với một nửa quân số, còn bản thân mình cũng tiến sang phía bên phải theo cánh đồng hoang mà chiếm lấy một cái xóm mới vô danh gồm ba ngôi nhà giữa bãi tuyết, lập trận địa ở đó, rồi dùng mấy khẩu súng máy phát huy hỏa lực buộc quân Đức phải đi vòng qua, lạc sâu thêm vào trong cánh đồng ngập tuyết. Anh ta không còn lực lượng để làm ăn gì to hơn thế nữa.
Người y sĩ và bà Kulikôva băng bó cho anh em thương binh xong thì tất cả bọn họ, kể cả những người còn đi được, đều tụ hội lại trong chiếc lán này, bởi vì Riáptrenkô không dám chuyển họ về phía sau ngay giữa đêm hôm. Nếu chuyển ngay thì những ai còn có thể đi được sẽ bị lạc vào trong bão tuyết, còn những người phải khiêng như Malinin chẳng hạn, thì cũng không có gì mà chở. Đợi đến sáng may ra mới có xe bò, xe ngựa, mà cũng chẳng còn bao lâu nữa thì trời sáng, vả lại, cũng chẳng ai biết được rằng bây giờ bọn Đức rút lui đến những chỗ nào? Nếu anh em thương binh đi về phía sau thì rất có thể đang đêm chạm trán với chúng giữa cánh đồng; chỉ nghĩ đến điều đó không thôi cũng đã đủ thấy dựng tóc gáy lên rồi.
Trận chiến đấu bên con đường cái đã im lặng được nửa giờ. Chỉ có phía bên phải, nơi Baglúk đã chiếm lĩnh được cái xóm nhỏ, thỉnh thoảng còn nghe có tiếng súng máy và phía đằng trước chốc chốc mới thấy đì đẹt dăm ba phát súng, chắc là anh em bắn tỉa từng thằng Đức đi lẻ tẻ, hoặc có khi chỉ là họ bắn vu vơ vào bão tuyết mà trong đó người ta rất dễ trông nhầm.
Mặc dầu trong lán có đốt lò sưởi, nhưng vẫn rất lạnh vì cánh cửa đã bung ra khỏi bản lề, gió cứ thổi tung tấm vải bạt che cửa và đã vun lại cả một núi tuyết ngoài ngưỡng cửa.
Bà cứu thương Kulikôva nhét cả một thùng tuyết vào lò, nấu tan ra, đun lên rồi múc nước vào cà mèn đưa cho anh em thương binh. Nước chỉ âm ấm và bẩn, rơm nổi lều bều.
Malinin muốn uống, nhưng không nên uống.
- Chị Kulikôva này, - ông gọi. - Chị tranh thủ thời gian chạy ra xem, nếu hạ sĩ Xintxốp ở gần đây và có thể rời vị trí thì báo cậu ấy tạt vào gặp tôi trong lúc này đang tạm ngừng tiếng súng nhé.
- Được thôi, - bà Kulikôva nói ra ý không bằng lòng. - Nhưng bác nên ngủ đi. Bác trò chuyện với anh em như thế còn chưa đủ hay sao? Vào quân y viện lúc nào lành sẽ tha hồ mà nói... còn lúc này bác nên im lặng thì tốt hơn...
- Để cho linh hồn khỏi tuôn ra đằng mồm mà lìa khỏi xác chứ gì? Có phải thế không?
Bão tuyết gào rú trong khung cứa lớn; bà Kulikôva đã đi ra, Malinin còn nhìn theo bóng bà, rồi ông nhắm mắt lại nghĩ thầm rằng nếu sau này vẫn tiếp tục thương vong nhiều như hôm nay thì phải gấp rút bổ sung ngay, nếu không chẳng thể chiến đấu được bao lâu nữa. “Thế là cái gì nhỉ? Bao nhiêu người không sống đến hết đời, không trông thấy hết cuộc đời... Sao cuộc sống khốn khổ khốn nạn thế này nhỉ, ngày nào cùng có người chết, không đếm xuể!”. Ông thầm rủa chiến tranh là cuộc sống khốn khổ khốn nạn. Sự việc cố nhiên như vậy, bởi vì chiến tranh đúng là một cuộc sống khốn khổ khốn nạn, mặc dầu chính bản thân ông đã tự nguyện dấn thân vào cái cuộc sống khốn khổ khốn nạn ấy và cho rằng cũng không thể có cách nào khác hơn được cả.
Ông lại nghĩ đến đứa con trai đã cụt mất cánh tay phải đang nằm trong quân y viện, và trong khi vẫn nhắm mắt, ông nghe có tiếng người khẽ gọi: “Alếcxây Đênhixứts...”. Người ấy gọi khe khẽ tựa hồ để thử xem ông ngủ hay thức. Nhưng đứng trước mặt ông không phải là Xintxốp mà là tiểu đoàn trưởng Riáptrenkô. Anh ta trông lạ hẳn đi, trên bộ mặt trẻ trung của anh ta, bộ râu quai nón rậm màu hung đã đâm ra tua tủa và vì quá mệt mỏi cho nên trông anh già sọm. Anh ta đứng kề bên Malinin, mặc chiếc áo capốt kỵ binh rách tả tơi và bị ám khói đen kịt từ ban ngày, khi anh cùng anh em chiến sĩ đi dập tắt các đám cháy. Cánh tay trái của anh bị thương từ trước lúc tấn công đã được quấn trong một lớp băng đen thui, còn cánh tay phải tì vào chiếc cán xẻng bị gãy nom thật nặng nề; các ngón chân phải của anh bị tê cóng đến nỗi chỉ có thể bước bằng gót chân.
Đó, người đang đứng trước mặt Malinin chính là người tiểu đoàn trưởng của ông, thượng úy Riáptrenkô, mới hai mươi hai tuổi đầu mà đã trông thấy biết bao việc đổi thay, đã từng rút lui, rút lui đến tận Maxcơva và bây giờ đã phản công được hai ngày đêm ở cửa ngõ Maxcơva; người chỉ đáng tuổi con ông mà đã ba lần bị thương, nhưng hai lần không chịu rời khỏi đơn vị, hiện giờ lại đang bị tê cóng.
- Thế nào, tiểu đoàn trưởng, cậu đến đây làm gì thế? - ông nói mà không hiểu rằng vì yếu đau nên mình nói quá khẽ, cho nên chính vì vậy, chứ không phải vì cái gì khác mà Riáptrenkô đã phải cúi xuống thấp đến thế để nghe cho rõ. - Đến đây làm gì? - ông nhắc lại.
- Thăm anh em thương binh.
- Đánh nhau ra sao?
- Bình thường. - Riáptrenkô nhìn Malinin, đưa mắt ngó những anh em thương binh khác và tuy mệt nhọc vẫn nở một nụ cười trẻ trung. - Cố chịu đựng đến sáng nhé. Kể cũng sốt ruột muốn xem anh em ta làm ăn được những gì đây! Lính ta đang liên tục tiến lên phía trước, nghe anh em nói là xe cộ của bọn Đức nằm ngổn ngang đầy đồng, sa lầy trong tuyết.
- Đợi trời sáng ra cậu hãy đếm thử xem.
Vì Malinin nói “cậu hãy đếm thử xem”, chứ không phải là “chúng mình sẽ đếm thử xem” như mọi lần khác, nên Riáptrenkô thấy nao nao trong lòng nghĩ tới lúc trời sáng xe trượt tuyết sẽ đến, những chiếc xe này là do anh đích thân sai người đi lùng tìm cho bằng được, dù cho phải moi ở dưới đất lên, - và Malinin sẽ rời xa anh cũng như rời xa tiểu đoàn, rồi họ sẽ không bao giờ có ngày gặp lại nhau nữa, bởi vì dù cho Malinin có lành được vết thương ở bụng thì với tuổi tác của ông, sau một vết thương nặng như vậy, vị tất người ta đã cho trở lại mặt trận, huống chi là trở lại tiểu đoàn, trở lại hỏa tuyến. “Rồi không biết ông ấy sẽ được đưa đi đâu!” - Riáptrenkô nghĩ thầm. Nhưng vì không tìm được lời nào khác để tỏ lòng lo lắng của mình đối với Malinin, anh chỉ nói: - Nào, anh ra sao rồi?
- Không sao, - Malinin nói. - Chúng tớ ở đây không chết đâu. Chúng tớ đang nằm cạnh lò, được sưởi ấm. Cậu hãy quay lại với nhiệm vụ của mình, đừng vì chúng tớ mà sao nhãng. - Rồi lại sực nhớ đến việc đã nói với bà cứu thương, ông liền nhờ Riáptrenkô là nếu có thể thì bảo Xintxốp đến đây. Có việc...
Riáptrenkô gật đầu. Anh đã biết đó là việc gì.
- Còn cậu thì đi đi thôi, - Malinin nói. - Còn trẻ mà đã chống gậy như ông thánh tông đồ ấy, - ông mỉm cười. Nhưng vì đang cơn đau, nên nụ cười ấy bỗng hóa ra méo xệch, khiến Riáptrenkô suýt rơi nước mắt.
- Đi đi, đi đi... - Malinin nghiêm khắc nhìn thẳng vào cặp mắt rưng rưng của anh và nhắc lại, không phải bằng lời nói mà tất cả sức mạnh của những cảm xúc trong lòng mình, tựa hồ như muốn nói thêm: “Hãy đi và hãy sống, tớ tha thiết mong cậu được sống! Cậu còn trẻ, cậu chỉ mới bằng nửa tuổi tớ, cậu cần phải sống! Nếu có ai cần phải sống thì người đó chính là cậu... Hãy sống đi nhé, nghe thấy không, tiểu đoàn trưởng Riáptrenkô!”
Riáptrenkô quay mình, vội vàng chống gậy bước ra, bởi vì trong tất cả những cảnh tượng đau lòng trong chiến tranh thì cảnh thương binh bao giờ cũng là cái cảnh nặng nề nhất đối với anh. Riáptrenkô đã ra khỏi cửa mà Malinin vẫn rõi nhìn tấm vải bạt đang bay phần phật trong khung cửa, tuyết vẫn liên tiếp lọt vào phía bên dưới. Bên cạnh ông, một chiến sĩ cũng bị thương vào bụng đang rên hừ hừ một cách thảm hại và luôn luôn đòi uống, mặc dầu anh ta cũng như Malinin đều không nên uống nước trong lúc này.
Malinin bảo gọi Xintxốp bởi vì ông hiểu rằng: người ta sắp chở ông đi và sẽ không còn dịp nào khác để nói chuyện với Xintxốp về bức thư ông đã gửi lên phòng chính trị. Nhưng giờ đây trong khi chờ đợi Xintxốp, ông không suy nghĩ về việc ấy mà lại suy nghĩ về việc mình sẽ không có tiểu đoàn và tiểu đoàn sẽ không có mình.
Ông cảm thấy mình giống như một người bị văng ra khỏi toa xe trong khi đoàn tàu đang phóng nhanh: mới một giây trước đây ông đang ngồi trên tầu với mọi người - thế mà nay đã nằm dưới đất và nhìn lên cái vật đồ sộ đang lao qua trước mặt, cái vật mà mình vừa mới ngồi, và trên đó nay không có mình nữa! Chiến tranh chia ly con người từng giờ từng phút: khi thì chia ly mãi mãi, khi thì chia ly một thời gian; khi thì chia ly bằng cái chết, khi thì bằng sự tàn phế, khi lại bằng vết thương. Dù cho mình có chăm chú nhìn mãi vào tất cả những cảnh chia ly dó, nhưng chỉ lúc nào nó xảy ra với bản thân mình, lúc ấy mình mới hiểu được tường tận thế nào là sự biệt ly.
Malinin chưa quen với tình trạng là tiểu đoàn này làm một việc gì mà không có mình, thế mà nay người ta đang làm mọi việc mà không có ông và chẳng những ông đã không cần thiết cho người ta nữa, mà người ta lại cần nhanh chóng đặt ông lên xe trượt tuyết chở ông về hậu phương. Tiểu đoàn thì vẫn cứ tiến lên phía trước. Ông không còn cách nào theo kịp tiểu đoàn nữa, không thể cùng anh em chung bước hành quân, không thể thấy họ được bằng mắt, gọi họ bằng lời, không còn cách gì để gần họ nữa. Ông còn có thể làm gì được cho họ chăng? Không làm gì được cả. Trong khi nghĩ như vậy, cố nhiên ông cũng nghĩ cả về bản thân mình, làm thế nào khác được? Nhưng nói chung hay về căn bản (đây là thứ ngôn ngữ bàn giấy mà đôi khi bản thân ông vẫn dùng), vẫn không phải là ông nghĩ đến mình mà là nghĩ đến người khác. Ông nghĩ vậy thậm chí ngay cả lúc này, lúc đang bị thương, lúc mà nhiều người khác, - họ không phải là xấu đâu mà còn tốt nữa là khác, nếu ở vào hoàn cảnh như ông thì bỗng bắt đầu băn khoăn suy nghĩ về bản thân, tựa hồ như để đền bù lại tất cả những ngày đêm của chiến tranh, khi mà họ suy nghĩ quá ít về mình. Chính cái nếp nghĩ là ngay lúc này vẫn nghĩ tới người khác nhiều hơn nghĩ tới bản thân mình như vậy, chắc hẳn là nét chủ yếu nhất và điểm mạnh nhất trong con người ông, một người không còn trẻ trung gì nữa và đã bị thương nặng.
Cách đây hai tiếng đồng hồ, Xintxốp đã biết rằng Malinin bị thương vào bụng và bị thương nặng, nhưng anh không thể đến thăm ông được, vì lúc đầu anh bận chiến đấu, còn sau đó, khi trận đánh bắt đầu lắng dần đi thì anh không thể rời bỏ vị trí mà không có lệnh.
Mãi đến bây giờ, khi chính Riáptrenkô ra lệnh cho anh đi, anh mới tới đây được và thấy tình hình Malinin thật là nghiêm trọng và tuy cố kìm mình, nét mặt của anh vẫn khiến cho Malinin hiểu rằng với bộ mặt đau khổ đó Xintxốp kết luận là mình sẽ không sống nổi. Ông hiểu rõ và ông không đồng ý.
- Cậu nhìn tớ kiểu gì thế?... Cậu có phải là cha đạo đâu, mà tớ gọi cậu đến cũng có phải để làm lễ Rước mình thánh đâu... Tớ có việc với cậu nên mới gọi cậu đến đấy chứ.
Xintxốp đặt khẩu tiểu liên xuống nền nhà, ngồi xuống bên cạnh.
Tuy Malinin rất yếu mệt, nhưng bây giờ, khi ông đã nổi nóng lên, thì cái giọng thều thào khàn khàn của ông đã cất cao hơn, nên Xintxốp nghe rõ từng lời.
- Rất tiếc là tớ không thể để cậu thay tớ được, - Malinin vừa nói vừa nhìn vào mắt Xintxốp.
Xintxốp không trả lời gì cả, vả lại, biết trả lời sao đây? Chả nhẽ lại cảm ơn...
- Khi nào được phục hồi đảng tịch thì cũng đừng có về tòa báo nhé, - Malinin vẫn vừa nói vừa nhìn vào mắt Xintxốp.
“Thì tôi cũng có muốn về tòa báo tòa biếc gì đâu! Mà có phải tôi chạy vạy chuyện đó đâu?” - Xintxốp muốn kêu to lên như vậy nhưng mắt anh lại bắt gặp ánh mắt Malinin, và anh hiểu rằng Malinin hoàn toàn không nghĩ thế, mà chỉ mong sao cho anh bây giờ cũng như sau này đừng rời khỏi tiểu đoàn này mà thôi, Malinin cảm thấy yên tâm hơn khi nghĩ rằng Xintxốp sẽ ở lại đây, ở lại tiểu đoàn.
- Này nhé... tớ cho gọi cậu về là vì việc này nhé... - nín lặng chốc lát cho qua cơn đau, Malinin bắt đầu nói. Cái điều bây giờ ông nói, ông đã không nói ngay, mà để đến cuối mới nói, bởi vì ông coi việc ấy là chủ yếu nhất trong tất cả những điều cần nói với Xintxốp; nhưng đối với Xintxốp thì điều chủ yếu thực ra lại không phải là việc ấy, mà là cái điều Malinin đã nói với anh từ đầu. - Hôm kia tớ đã viết...
Đúng giây phút đó thì có tiếng tiểu liên Đức nổ rền và tiếng súng máy quân ta nhả đạn ở ngay sát nách nhà kho. Xintxốp chẳng những không kịp mà còn không bụng dạ nào nghĩ đến việc từ biệt Malinin, vớ luôn lấy khẩu tiểu liên trên nền nhà, chỉ nhảy ba bước đã ra đến cửa nhà kho, lao ra ngoài, trong khi tiếng súng nổ mỗi lúc một rát.
Malinin nằm trong lán, căng tai lắng nghe một cách bất lực những tiếng súng vang rền sau bức vách, thoạt tiên nghe liên tục và ròn rã, sau thấy thưa dần, sau đó càng thưa hơn rồi lắng xuống, mỗi lúc một xa... Ông vừa nằm nghe tiếng súng vừa nguôi lòng nghĩ rằng đợt xung phong của địch đã bị đánh bật và trận chiến đấu đang kết thúc, nhưng thật ra ông không biết rằng đợt xung phong của địch chưa bị đánh bật và trận chiến đấu cũng chưa hề kết thúc, đó chỉ là vì ông đã ngất đi nên không nghe thấy gì nữa cả...
Khi Malinin tỉnh lại thì đã thấy xung quanh trắng xóa một màu. Từ trên bầu trời màu trắng, những bông tuyết nhỏ lất phất rụng xuống, liếc mắt sang trái và sang phải cũng chỉ thấy những lớp tuyết cao trắng xóa kéo dài đến tận chân trời. Ông nằm ngửa trên chiếc xe trượt tuyết và chiếc xe lắc lư lặng lẽ trôi đi. Còn một người nào nữa nằm sát bên ông, dồn ép ông, và trên đầu ông là người xà ích đang thỉnh thoảng lại quát tháo con ngựa bằng cái giọng the thé, còn ở dưới chân thì ông thấy Karaulốp đang ngồi vắt ngang chiếc xe, duỗi cái chân thẳng đờ được quấn băng, nẹp gỗ và có lẽ là bị thương ở phía trên đầu gối; anh ta ngồi hút thuốc, quay mặt đi để tránh gió. Đằng sau lại còn thấy có hai xe trượt tuyết nữa; người đánh chiếc xe sau cùng là ai thì không sao trông rõ được, còn chiếc xe đi sát phía sau là do một chiến sĩ lạ mặt điều khiển. Anh ta ngồi ngay đằng mũi xe, một bên mắt quấn băng loang lổ máu.
Sau khi hồi tỉnh lại, Malinin đã trông thấy tất cả những quang cảnh đó, nhưng trong mấy phút đồng hồ ông không hề lên tiếng mà chỉ lắng nghe vết thương mà ông thấy có thể chịu đựng được đang âm ỉ ở trong mình, vết thương mà sau cơn đau ngày hôm qua hình như đã không còn thấy đau gì nữa cả.
“Có vẻ sống được đấy”, - ông nghĩ thầm và trước khi gọi Karaulốp, ông thử đưa tay khẽ sờ xem ai nằm bên cạnh. Bên cạnh ông là một người chết nằm nghiêng, quay lưng về phía ông. Vừa bắt đầu sờ, Malinin đã chạm ngay phải bàn tay đã cứng đờ của anh ta với những ngón tay lạnh tua tủa như cành cây.
- Ai về chầu trời rồi đây? - Malinin hỏi.
Nghe tiếng ông nói, Karaulốp liền mừng rỡ quay lại
- Tôi cứ mong sao đồng chí tỉnh lại được! - anh ta nói đoạn nhăn mặt, dùng hai bàn tay khẽ đẩy một bên chân
- Cậu nào đây? - Malinin lại hỏi, vẫn không động đậy và đưa mắt chỉ người chết nằm bên cạnh.
- Grisaép, - Karaulốp đáp. - Khi đặt lên xe thì vẫn còn sống.
Grisaép chính là cái cậu chiến sĩ còn trẻ măng bị thương vào bụng mà khi nằm ở trong nhà kho kia vẫn rên rỉ và phàn nàn rằng người ta không cho mình uống nước. Bây giờ cậu ta đã chết, lạnh cứng, lưng tì nặng lên vai Malinin. Malinin sực nhớ lại hồi tháng mười một, trong khi còn đang rút lui, có lần ông đã nằm ngủ tạm trên nền nhà giá rét ở một kho chứa lúa không có lò sưởi. Khi ông đặt mình xuống thì mới đầu ông bị tê cóng, và vì mơ mơ màng màng trong giá lạnh nên bản thân ông cũng chẳng hiểu là mình ngủ hay thức. Sau đó, ông thấy ấm áp và ngủ thiếp đi, đến khi tỉnh ra mới thấy có hai chiến sĩ, trong đó một người là cậu Grisaép này, đã nằm hai bên ấp chặt lấy ông, giăng vạt áo lông đắp lên cho ông để ông ngủ được đẫy giấc trước trận đánh.
- Cậu bị thương lúc nào thế, Karaulốp?
- Ngay từ sáng sớm, - Karaulốp cau mày. - Tôi đi xem những chiếc xe bọn phát xít bỏ lại đêm qua; một thằng khốn kiếp núp trong buồng lái ném lựu đạn ra.
- Thế có lấy được nhiều xe không?
- Nhiều lắm, rải rác đầy đồng. Tôi chả biết là bao nhiêu. Lúc tôi ở đấy anh em còn đang đếm...
- Thế nào, người ta đã để cho các cậu ở lại thê đội hai à?
- Sao lại thê đội hai? Đúng lúc cánh ta được đưa lên xe trượt tuyết thì ông Baglúk đến ra lệnh tấn công.
- Thế nghĩa là Baglúk còn sống?
- Còn sống.
- Còn Riáptrenkô?
- Cũng còn sống, chỉ phải cái toàn thân bị tê cóng.
- Thế chở đi được bao nhiêu thượng binh? Chỉ có ba chiếc xe trượt tuyết này thôi à? - Malinin nhẩm tính xem có bao nhiêu người đã nằm trong nhà kho, sau đó lại còn đánh nhau nữa... rồi lo lắng hỏi vậy.
- Sao lại ba? - Karaulốp nói. - Đằng trước còn có hai xe nữa, cả thảy chúng tôi chở hai chục người. Những người bị thương nhẹ thì tự đến trạm sưởi ấm ở trong cái làng mà sư đoàn trưởng đi xe đến ấy.
Nghĩ đến anh em thương binh khác, Malinin lại sực nhớ tới nỗi đau của bản thân mình và nhắm mắt lại để lắng nghe.
- Đồng chí hút thuốc nhé? - Karaulốp hỏi. - Tôi cuộn cho.
- Mình không muốn hút, - Malinin trả lời vậy, vì cảm thấy cái vị tanh tanh lờm lợm như buồn nôn đang đưa lên trong miệng. - Chúng ta đi được bao nhiêu lâu rồi?
- Bốn tiếng rồi, - Karaulốp nói. - Dọc đường có gặp tư lệnh tập đoàn quân, gặp lâu rồi, từ lúc mới lên đường kia. Ông ấy lại gần, hỏi anh em là ai, ở đơn vị nào, nhưng lúc ấy anh còn đang bị ngất đi. Ông ấy vui lắm! Ông ấy bảo là làm ăn khá! Các cậu hãy chữa cho lành, chúng ta sẽ gặp nhau ở Xmôlenxk.
“Được thế thì hay quá!” - Malinin nghĩ thầm trong bụng như vậy, nhưng lại cất tiếng hỏi tuyết dày như thế này thì tư lệnh trưởng đi bằng xe gì.
- Đi chiếc xe nửa tấn, ngồi trong buồng lái. Đúng lúc xe của ông ấy bị sa lầy trong tuyết thì chúng ta đi qua. Ông ấy đến hỏi thăm chúng ta trong khi chờ kéo chiếc xe lên.
Nói xong Karaulốp im lặng, còn Malinin tuy cũng vui vui về câu chuyện của Karaulốp kể lại cuộc gặp mặt tư lệnh trưởng, nhưng tâm tư vẫn nặng nề, nghĩ rằng từ đây đến Xmôlenxk còn xa lắc xa lơ. Nói thì dễ mà làm thì khó. Ấy là chưa kể tới đằng sau Xmôlenxk còn hàng trăm cây số, lại còn tất cả đất đai của chúng ta, còn tất cả những đất đai đã bị mất với hàng triệu con người ở đó. Rồi chúng ta còn phải đi mà giành lại!
Có lẽ cảm xúc của ông giờ đây đang bị ảnh hưởng của vết thương nặng mang trong mình và của tâm trạng không tin tưởng rằng mình có thể được trở lại mặt trận, nhưng nét chủ yếu trong con người ông vẫn là cách nhìn tỉnh táo đối với mọi việc, cách nhìn đã được hình thành qua một quãng đời từng trải và gian nan: việc gì ở đời cũng đều là khó, đều không đơn giản cả, huống hồ chiến tranh?
- Nhưng có đúng là ta sắp chiếm lại được Xmôlenxk không ạ? - có tiếng ai hỏi ở phía sau Malinin.
Ngay trước đó, ông đã ngờ ngợ rằng người cầm cương ngựa hoặc là một phụ nữ, hoặc là một em bé; bây giờ ông hiểu rằng mình đã không nhầm: giọng người vừa hỏi câu đó đúng là một giọng yếu ớt, thanh thanh, hoàn toàn trẻ con.
- Thế cháu là ai? - Malinin hồi. - Cháu bao nhiêu tuổi?
- Mười lăm.
- Cậu ấy ở trong cái xóm mới, - Karaulốp giải thích, - cậu ấy tự nguyện xin đi, mang theo con ngựa của nhà.
- Thế là đúng đấy, - Malinin nói và hơi nhếch mép cười, - kẻo lính tráng chúng tớ cứ là không kịp trả lại đâu, quỵt mất đấy.
- Chả phải thế đâu, - chú xà ích mà Malinin chưa thấy mặt đã bực mình nói, - ngay cả cháu cũng có thể ở lại đơn vị với các chú cũng được nữa là.
- Thế thì xin lỗi nhé.
- Chú trung úy ơi, cho cháu hút mấy nào! - giọng cậu bé tuy bạo dạn, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.
Nét mặt của Karaulốp trở nên nghiêm nghị, nhưng anh vẫn lấy điếu thuốc lá hút dở đang ngậm ở môi ra, ngắt một đầu, rồi dúi vào cái bàn tay trẻ con đỏ ửng vì giá lạnh thoáng giơ ra trên đầu Malinin.
- Quãng đường này quen thuộc đấy nhỉ, - Malinin lé mắt nhìn và nói.
Cạnh đường có hai chiếc xe tăng Đức đang đứng như hai cái đài kỷ niệm khiến Malinin không thể nào nhầm được: nòng đại bác của chiếc này chĩa vào chòi súng của chiếc kia. Đây chính là những chiếc xe tăng mà hôm qua, khi đi ngang qua đó, ông có kể lại rằng bọn lính xe tăng Đức đã phải dốc hết xăng ra cho bọn bộ binh. Nghĩa là họ đã đi trở lại được khoảng hai chục cây số. Dù sao chăng nữa, kể từ sáng hôm qua đến giờ, tiểu đoàn đã tiến được khá xa về phía trước...
Nghĩ đoạn ông bèn hỏi Karaulốp xem Riáptrenkô đã chỉ định ai làm trung đội trưởng thay anh ta, và khi nghe anh ta trả lời đúng cái tên mà ông dự đoán: “Xintxốp”, thì ông lại bực mình sực nhớ ra rằng thế là mình vẫn chưa kịp nói với Xintxốp về lá thư mình gửi lên phòng chính trị. Bây giờ, khi lại một lần nữa nghĩ tới lá thư này, ông vẫn không biết rằng tình trạng chậm trễ ấy không phải là do lỗi của đảng ủy sư đoàn như ông đã kết luận: đảng ủy sư đoàn chẳng liên quan gì đến việc này cả.
Số là một đồng chí trợ lý của phòng chính trị tập đoàn quân sau khi đọc đến họ tên của Xintxốp thì chợt nhớ tới một tài liệu trước đây đã đi qua tay mình. Tài liệu đã qua tay anh đó chỉ vẻn vẹn là một tờ giấy xé từ quyển vở học sinh viết đầy một thứ chữ to tướng của con nhà lính: chiến sĩ hồng quân Dôlôtarép vượt khỏi vòng vây ở khu vực mặt trận của tập đoàn quân đã viết giấy lên phòng chính trị trình bày hoàn cảnh mà chính trị viên I. P. Xintxốp đã hy sinh và đề nghị rằng nếu có thể thì báo cho gia đình đồng chí Xintxốp biết. Đồng chí cán bộ phòng chinh trị ấy chưa có thời gian để làm một việc gì theo yêu cầu của lá thư này, nhưng anh cũng không nỡ đang tay xé nó đi, bởi thế bây giờ nó đang nằm cùng trong một tập hồ sơ bên cạnh lá đơn của hạ sĩ Xintxốp xin được phục hồi đảng tịch. Mặc dầu trên tập hồ sơ ấy có ghi mấy chữ “để báo cáo”, nhưng lúc đó chẳng có ai để mà báo cáo cả; trận tấn công đã bắt đầu và chính ủy trung đoàn Mácximốp, chủ nhiệm chính trị tập đoàn quân, đã ra hỏa tuyến hơn hai ngày nay rồi.
- Thế nghĩa là đã có Xintxốp thay cậu rồi đấy hả? Được! - sau giây lát lặng thinh, Malinin nói với Karaulốp như vậy. Ông nói tựa hồ như mình vẫn còn đang trong tiểu đoàn và tựa hồ như việc đó vẫn phải có sự đồng ý của ông thì mới được. - Vậy tiểu đoàn trưởng vẫn từ chối không chịu chuyển về hậu phương hả?
- Đời nào ông ấy chịu! - Karaulốp nói với vẻ tán thành.
- Máy bay nào thế nhỉ? - nghe có tiếng máy bay bắt đầu ầm ì trên bầu trời và cảm thấy chú bé ngồi đằng sau mình giật thót người, Malinin liền hỏi vậy.
- Máy bay ta, - Karaulốp nói.
Bốn phi dội máy bay ném bom của ta, mỗi phi đội chín chiếc nối đuôi nhau bay qua đầu đoàn thương binh, từ phía đông sang phía tây, thong thả rạch ngang bầu trời đông trắng đục. Chiếc xe trượt tuyết liền dừng lại và các chiếc đi sau cũng dừng lại, suýt nữa húc phải nhau.
Cả chú bé đánh xe lẫn Karaulốp và Malinin đều nhìn lên trời với cùng một niềm sung sướng và biết ơn.
- Sao, bay khuất rồi hả, không thấy nữa rồi hả? - Malinin hỏi, khi không còn nghe thấy ầm ì nữa và không đủ sức để chống tay nhỏm dậy dõi theo bóng máy bay.
- Không, vẫn còn thấy, nhưng bây giờ thì gần như không thấy nữa, bay khuất rồi, - Karaulốp trông theo hút những chấm đen nhỏ bé đến tận chân trời và đáp lại như vậy.
* * *
Tiểu đoàn Riáptrenkô đã tiến được mười cây số kể từ chiếc lán mà đêm qua Malinin đã ngất đi và cách xa cái nơi mà bây giờ đoàn xe trượt tuyết chở đầy thương binh loại nặng về hậu cứ là ba chục cây số, tiểu đoàn đang tiến về phía tây trong làn tuyết dày, mừng rỡ vì cuối cùng bão tuyết đã tan.
Giờ đây sau khi chiếm được ga Vôxkrêxenxkôiê, những trung đoàn khác của Xerpilin ít bị tiêu hao trong trận đánh hôm qua, đang xông được lên phía trước và từ sáng đến giờ tiểu đoàn vẫn cứ tiến mãi mà không phải nổ một phát súng nào, chỉ thỉnh thoảng lại đụng phải những chiếc xe quân Đức bỏ lại trong tuyết và xác những tên lính bị chết cóng hoặc bị giết.
Hiện tượng tiến quân mà không phải nổ súng này cố nhiên chỉ là tạm thời, bởi vì cả bên trái lẫn bên phải họ, tiếng gầm của đại bác vẫn liên tiếp theo gió vọng lại, còn ở ngay phía chân trời thì trong nửa giờ vừa qua đã lại thấy bập bùng khói lửa của những làng mạc bị đốt cháy.
Xintxốp, Kômarốp và hai chiến sĩ tiểu liên nữa, - tất cả quân số còn lại của trung đội, - đang nối nhau đi theo sau con ngựa do Riáptrenkô cưỡi. Lẽ ra Riáptrenkô phải sang đội điều trị từ lâu để chữa vết thương, nhưng anh vẫn không chịu thua, vẫn cứ cưỡi ngựa bằng cách bỏ cái bàn chân tê cóng ra khỏi bàn đạp và buộc một chiếc gậy đầu cong do tay anh đẽo gọt lấy hôm qua vào phía sau yên để phòng khi phải xuống ngựa.
- Hạ sĩ ơi, theo cậu thì liệu đơn vị mình có sắp được bổ sung thêm quân số không? - Kômarốp tiến lên ngang với Xintxốp rồi đi bên cạnh anh.
- Tớ làm sao mà biết được? - Xintxốp nhún vai, nhưng anh nghĩ thầm trong bụng rằng trong lúc mình chưa dừng lại, chưa chạm trán với quân Đức ở một nơi nào đó, thì chưa làm gì có bổ sung được đâu: tuyết dày như thế này không thể chở quân số bổ sung bằng xe ôtô được, còn như đi bộ thì chẳng ai đuổi kịp được mình, nếu mình cứ đi liên miên không nghỉ như hôm nay.
Kômarốp buồn bã thấy trung đội mình bị thương vong nhiều đến như vậy, anh bèn đến tìm một lời an ủi ở người tiểu đội trưởng bây giờ đã trở thành trung đội trưởng của mình, nhưng Xintxốp thì lại nghĩ thầm rằng nếu đêm hôm qua Kômarốp không đến cứu mình ở cạnh lán, không quạt lia lịa thẳng vào tên Đức đang nhảy vọt ra trong giây phút cuối cùng ấy thì anh đã đi đời nhà ma, và bây giờ đã không còn gì để suy nghĩ nữa, dù là chỉ suy nghĩ rằng hôm nay có đánh nhau không và liệu mình có được lành lặn trong trận đánh này không.
Nhưng giờ đây anh không muốn dùng lời để nói về tất cả những điều đó, anh chỉ nói bằng mắt, bằng cách yên lặng nhìn vào mắt Kômarốp với lòng biết ơn.
-Thế nào, theo ý cậu thì hôm nay cánh mình có đuổi kịp được bọn Đức không? - Kômarốp hỏi.
Xintxốp bèn nhìn vào mặt anh ta và hiểu rằng bây giờ Kômarốp cũng đang có những cảm nghĩ giống hệt như mình, vừa muốn tiếp tục đuổi kịp quân Đức, lại vừa tiếc rẻ phải từ biệt giờ phút nghỉ ngơi lấy sức mới được hưởng sau trận chiến đấu hôm qua.
- Có lẽ đuổi kịp đấy, - anh cố nén cái ý nghĩ ấy trong lòng, dấn bước đi lên, rồi đáp vậy, - bởi vì ta lại trông thấy khói kia rồi!
Đằng kia, ở nơi tuyết phủ, nơi mà họ đang rảo bước tiến đến đám khói từ một xóm làng bị cháy vẫn bốc lên mỗi lúc một cao. Tiểu đoàn trưởng Riáptrenkô cưỡi ngựa đi đằng trước Xintxốp, có lúc người anh che khuất đám khói ấy, có lúc nó lại lộ ra, mỗi khi con ngựa bước lệch đường sang bên cạnh.
- Kômarốp, Kômarốp ơi!
- Gì thế?
- Cho xin điếu thuốc!
- Đang đi sao lại hút thuốc thế?
- À thì tự nhiên thấy thèm... - Xintxốp không giải thích tại sao lại thèm. Nhưng anh thèm thuốc, bởi vì giờ đây khi nhìn vào đám khói ở đằng xa phía trước mặt, anh cố buộc mình phải quen với ý nghĩ gay cấn: mặc dù đã trải qua biết bao nhiêu chặng đường, nhưng phía trước vẫn còn cả một cuộc chiến tranh...

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét