Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 7

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Bảy

Sau các trận tấn công tháng tám và tháng chín thành công của chúng ta ở Ennha, trên mặt trận phía tây đã hình thành một tình huống tương đối yên tiếng súng. Lữ đoàn xe tăng của trung tá Klimôvíts đang đóng trong những khu rừng phía nam Ennha, còn tiểu đoàn quân báo của nó lại chiếm lĩnh một khu vực phòng ngự dài hơn cây số ngoài tiền duyên như bộ binh.
Ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, Klimôvíts chỉ huy lữ đoàn xe tăng đóng ở Xlônim. Trong số những người cùng chiến đấu với anh lúc đầu nay vẻn vẹn chỉ còn chừng bảy chục người tại ngũ. Một số đã tử trận khi lữ đoàn phá vòng vây xuyên qua rừng để đến Xlutxk và Bôbruixk, một số khác đã ngã xuống trong lúc yểm hộ Môghilép, còn một số nữa thì đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu ngay ở Ennha này.
Cho tới trước khi nổ ra những trận chiến đấu ở Ennha, lữ  đoàn đã được trang bị một nửa là các xe tăng cũ “BT-7” còn một nửa là các xe tăng “T-34”, hay như người ta đã đặt ngay cho chúng một cái tên là “những chiếc ba mươi tư”. “Ba mươi tư” đã tỏ ra là những xe tăng hạng nhất, nhưng chính vì thế mà ở Ennha gánh nặng chủ yếu của các trận chiến đấu đã đổ lên đầu chúng. Từng tiểu đoàn đều đã hao hụt nhiều, nhưng người ta vẫn không đưa lữ đoàn về hậu phương mà hứa là nay mai sẽ bổ sung cho thêm người và xe tăng ngay tại trận địa, lần này chỉ toàn là “ba mươi tư” cả thôi. Trong thời gian đánh nhau ở Ennha, Klimôvíts đã đâm mê những chiếc xe tăng này cho nên cứ sốt ruột chờ đợi chúng đến bổ sung, sự sốt ruột này chỉ có người sĩ quan xe tăng, kể từ ngày bắt đầu chiến tranh tới nay, đã hai lần nhờ sự may mắn kỳ lạ mà chui ra được khỏi những chiếc “BT-7” đang bốc cháy như những bao diêm, mới có thể hiểu nổi. Những chiếc xe tăng hạng nhẹ này tuy có tốc độ nhanh nhưng vỏ sắt thì mỏng và hỏa lực lại yếu, điều đó đã rõ ngay từ hồi kết thúc những sự kiện ở Khankhingôn. Nhưng đợi mãi mà chẳng được thay thế bằng những chiếc “ba mươi tư” như người ta hứa hẹn, Klimôvíts đã phải ứng phó với chiến tranh ở biên giới phía tây chỉ bằng những chiếc xe tăng cổ lỗ sĩ đó mà thôi.
Đến ngày thứ năm của chiến tranh, suýt nữa thì anh đã xử bắn một đại đội trưởng của mình ngay trước hàng quân, vì anh chàng này, do điên đầu lên vì bất lực, đã kêu la trước mặt chiến sĩ rằng không thể đánh nhau bằng những cái bao diêm ấy được. Thế mà một giờ sau anh ta xuất trận đã diệt được một xe tăng Đức rồi bản thân mình cũng bốc cháy ngay trước mắt Klimôvíts.
Ở Ennha, Klimôvíts cảm thấy trong lòng mình xen lẫn hai loại tình cảm: một mặt anh tự hào về các chiến sĩ xe tăng của mình với những chiếc xe mới đã bóp bẹp xe tăng Đức như bóp bẹp những chiếc vỏ lạc, và mặt khác anh đau xót là ngay từ ngày đầu chiến tranh đã không có lấy một chiếc xe tăng nào như thế thành ra đã phải đổi hai - ba để lấy một, ở nơi mà đáng lẽ anh có thể đổi một lấy hai.
Bây giờ, trong lúc tạm lắng tiếng súng, anh đã cho sửa chữa tất cả những chiếc “BT-7” còn lại trong lữ đoàn, và kiên trì gây cho cấp dưới một ý thức sâu sắc rằng có thể chiến đấu được cả với những chiếc xe tăng đó, nhưng thật ra trong thâm tâm mình, anh vẫn chờ đợi những xe tăng mới với một lòng say mê chưa từng có đối với bất cứ một cái gì trên đời này.
Anh chỉ nghĩ đến lữ đoàn của mình chứ không nghĩ đến một điều gì khác hơn, bởi vì anh cũng chẳng còn có cái gì khác để mà nghĩ đến nữa cả.
Trước chiến tranh đã có bốn người cùng chung sống với anh, trong đó anh yêu ba người, còn đối với người thứ tư anh coi mình có bổn phận chăm sóc: đó là con gái anh, con trai anh, vợ anh và mẹ vợ anh. Cả bốn người ấy đều đã bị chết bom trên một chiếc ôtô ở dọc đường vào ngày thứ ba của chiến tranh, vào lúc mà anh tưởng là họ đã thoát nạn. Khi anh được tin đó thì trận đánh vẫn đang diễn ra và thậm chí anh đã không sao có thể đến xem những nắm xương tàn của những người thân của mình sẽ được chôn cất ra sao. Anh mới có ba mươi tuổi, và nếu ai nảy ra ý nghĩ hỏi anh rằng: “Phải, một việc khủng khiếp nhất đã xảy ra với cậu, nhưng trước mặt cậu còn cả cuộc đời, chẳng nhẽ trong cuộc đời đó sẽ không còn gì để bù lại cho những cái đã mất hay sao?” - thì chắc hẳn mặc dầu đau khổ đến cùng cực, anh vẫn thẳng thắn trả lời: “Không, còn chứ!”. Nhưng trong tất cả những tháng ngày ấy, không một ai trong số những người đã nghe thấy giọng nói cứng rắn của anh và trông thấy vẻ mặt lầm lỳ của anh lại nảy ra ý nghĩ hỏi anh rằng sau chiến tranh, còn lại một mình, anh định sẽ sống ra sao. Mà bản thân anh cũng chưa hề nghĩ rằng sau chiến tranh mình sẽ sống ra sao nữa. Bản thân anh cũng là sự thể hiện của chiến tranh và trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn thì ngoài chiến tranh cùng với những nhu cầu và lợi ích trực tiếp của chiến tranh ra, trong tâm hổn anh bây giờ, sau khi gia đình đã tử nạn, đã không còn gì và cũng chẳng còn ai nữa cả.
Chiếu ngày mồng một tháng mười, Klimôvíts đang ngồi trong ban tham mưu của lữ đoàn mình. Đó là một ngôi nhà gỗ, bên ngoài trông xiêu vẹo và bẩn thỉu, nhưng bên trong được lau chùi rất sạch sẽ - anh vốn là con người rất cầu kỳ và thích sạch sẽ. Anh đang đọc “Những cuộc phiêu lưu mới của chú lính Svâyk gan dạ”, do một nhà văn trào phúng viết ngoài mặt trận. Phần lớn anh em bộ đội ngoài mặt trận đều thích đọc những mẩu truyện ngắn đó, nhưng Klimôvíts lại không thích, theo ý anh, trong lúc quân Đức đang quật ta nhiều hơn là ta quật chúng, nếu đi chế giễu chúng thì còn sớm quá. Tuy vậy, anh vẫn đọc những mẩu truyện ngắn này, bởi vì anh có thói quen đọc một mạch cho hết cả tờ báo mặt trận để tìm xem có cái gì có ích lợi thiết thực cho công tác của mình không.
Máy điện thoại trên bàn reo lên. Klimôvíts gấp tờ báo lại, chú ý sao cho đoạn mình đang đọc dở ở đúng vào chỗ gấp để sau này khỏi phải mất công tìm kiếm, rồi cầm lấy ống nghe, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn quân báo gọi dây nói về báo cáo một tình huống hết sức khác thường là: trước hỏa tuyến của tiểu đoàn, trong hậu tuyến của quân Đức bỗng nổi lên tiếng súng máy, tiếng tiểu liên và súng trường bắn dồn dập, lại nghe có cả tiếng lựu đạn nổ. Klimôvíts bèn bỏ ống nghe ra khỏi tai, đẩy cánh cửa sổ và lắng nghe. Cái tai thành thạo của anh đã bắt được những tiếng vang vọng phảng phất của một trận chiến đấu ở đằng xa.
- Tôi sẽ đến chỗ  anh. Đợi nhé, - Klimôvíts nói.
Trên tiền duyên ở trong rừng, trời tối và ẩm, vừa mới mưa xong một trận ngắn. Người trung úy được phái ra đón lữ đoàn trưởng đi đằng trước Klimôvíts, hai tay anh đặt lên khẩu tiểu liên, hai cùi tay nhô lên dưới tấm áo khoác mưa ướt sũng. Khi đi ngang qua chiếc xe tăng “BT-7” giấu ở trong một công sự đào sâu, Klimôvíts lại nghĩ tới điều anh hằng nghĩ đến không lúc nào nguôi: “Mong sao chóng nhận được xe tăng ba mươi tư!”.
Đài quan sát đặt ở tận cửa rừng. Ban ngày đứng đây trông thấy rõ cả một cánh đồng cỏ chưa cắt thoai thoải đổ xuống suối và ở bờ bên kia, phía quân Đức cũng có một cánh đồng cỏ như vậy chênh chếch chạy lên tới bìa rừng. Trên đồng cỏ hai chiếc xe tăng đã cháy đứng cạnh nhau: một chiếc “ВТ-7” của ta và chiếc “T-4” của Đức. Chúng đúng đấy từ gần một tháng nay, không rời nhau chẳng khác nào một cặp anh em sinh đôi vậy
Ở đằng trước, phía trên khu rừng do quân Đức chiếm, nhiều chỗ đang thấy có pháo hiệu màu trắng và đỏ bay vút lên và ánh lửa đạn lóe sáng. Tiếng súng máy và súng trường bây giờ đã rất gần không còn ở sau tiền duyên quân Đức một cây số rưỡi như tiểu đoàn trưởng quân báo báo cáo cách đây nửa giờ nữa. Từ đây đến hỏa tuyến của quân Đức là bốn trăm thước, tiếng súng ở đằng sau hỏa tuyến của chúng là chừng năm trăm thước, mà theo số liệu của quân báo thì đó chính là tuyến công sự thứ hai của quân Đức.
Nỗi hồi hộp của tất cả những người đang tập trung trên đài quan sát đã truyền sang Klimôvíts. ai nấy đều cùng nghĩ như nhau, nhưng đều sợ không dám tin vào điều dự đoán của mình.
- Ivanốp, cho các tổ chiến đấu lên xe! - Klimôvíts ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng quân báo sau khi đã nghe báo cáo về những điều quan sát được trong nửa giờ qua.
- Rõ, các tổ chiến đấu lên xe! - Ivanốp nói và không nhịn được, phải hỏi thêm: - Thưa đồng chí trung tá, chúng ta công kích đến tận nơi để đón họ chứ ạ?
- Chúng ta sẽ quyết định tùy theo hoàn cảnh, cứ làm đi! - Klimôvíts nói rồi xuống hầm, ra lệnh cho diện thoại viên bắt liên lạc với ban tham mưu tập đoàn quân.
Anh đã gọi dây nói cho tập đoàn quân lần đầu ngay từ trước khi đi đến đây, nhưng bây giờ đã đến lúc phải gọi lại. Điện thoại viên chưa kịp quay máy thì đã nghe có chuông nơi khác gọi đến: chính bộ tư lệnh tập đoàn quân đã chủ động gọi lữ đoàn trưởng trước.
- Chỗ các anh thấy thế nào? Báo cáo đi! - tư lệnh trưởng ra lệnh.
Klimôvíts báo cáo rằng mình trông thấy pháo sáng và ánh lửa đạn lóe lên, rằng có trận đánh đang diễn ra trong hậu tuyến quân Đức và chỗ đánh nhau cách đài quan sát chừng tám trăm đến chín trăm mét.
- Đơn vị bạn ở bên trái anh cũng báo cáo như vậy. Nhưng trận đánh xảy ra phía bên phải họ, tất cả đang diễn ra ngay trước mặt các anh, trong một mặt trận hẹp. Anh nhận định tình hình như thế nào và định hành động ra sao?
Klimôvíts trả lời theo những điều mà bản thân anh cũng như anh em trong tiểu đoàn quân báo đã suy nghĩ: ở khu vực mình có một đơn vị phá vây đang chiến đấu để thọc ra qua hỏa tuyến quân Đức. Anh xin phép dùng chiến đấu có sử dụng cả xe tăng để tiến hành trinh sát ở bên trái và bên phải khu vực nơi nghe thấy tiếng súng ở hậu tuyến quân Đức.
Ống điện thoại lặng im trong mấy giây, sau đó tư lệnh trưởng báo rằng theo ông biết, ở hậu tuyến gần nhất của quân Đức từ lâu đã không có đơn vị nào bị bao vây cả, và có thể đó là một vụ khiêu khích không ngờ nghệch gì, nhằm lúc đầu buộc chúng ta phải xông sang đón, rồi sẽ lật nhào chúng ta xuống và cưỡi ngay lên chính hai vai chúng ta mà tràn vào trận địa quân ta.
- Báo cáo tư lệnh trưởng, tôi đã tính đến khả năng đó. Tôi đã có những biện pháp phòng bị trước, đã cho xe tăng ba mươi tư phục kích sẵn.
- Hiện giờ cậu có bao nhiêu chiếc còn dùng được, mười một à? - tư lệnh trưởng ngắt lời Klimôvíts.
Trong những ngày này mỗi chiếc ba mươi tư là một viên châu báu của toàn tập đoàn quân, nên tư lệnh trưởng nhớ rõ từng chiếc không nhầm.
- Mười một ạ, - Klimôvíts xác nhận, - nhưng báo cáo tư lệnh trưởng, dù sao chăng nữa, nếu đó là quân ta phá vòng vây thì chẳng nhẽ chúng ta không giúp đỡ họ hay sao?
Trong ống lại bắt đầu im lặng. Klimôvíts nghe có nhiều tiếng nói lao xao nhưng không phân tích được từng câu từng chữ; hẳn là tư lệnh trưởng đang đứng ngay cạnh máy mà nói chuyện với ủy viên hội đồng quân sự hay tham mưu trưởng.
- Hành động đi, - một phút sau ông nói. - Cứ cách nửa giờ lại báo cáo nhé!
Klimôvíts đặt ống nghe xuống và không để mất thời gian, bắt đầu chuẩn bị tấn công; rồi anh lại cầm lấy ống diện thoại nói chuyện với các tiểu đoàn trưởng, ban bố mệnh lệnh, trong lúc đó, trận chiến đấu phía trước vẫn tiếp tục vang rền, khi lan sang trái, lúc chuyển sang phải, khi nhích lên trước, khi lùi ra xa một cách đáng lo ngại. Không, đây không thể là một vụ khiêu khích được: ở cách đây tám trăm thước, giữa tuyến thứ nhất và thứ hai của trận địa quân Đức, có những người đang tiến lên, đang gục ngã, đang xông ra, đang lùi lại phía sau và đang bị một vòng hỏa lực mỗi phút một dày đặc và cũng đang tiến lên của quân Đức dồn ép bốn bề. Hình như ở bên kia, giữa những vị trí của quân Đức có một trái tim sống rỉ máu đang lồng lộn, một trái tim bốn bề bị những ảnh lửa đạn băm chém, bị những băng tiểu liên xỉa xói, bị những loạt súng cối xâu xé...
Nếu như tư lệnh trưởng cấm Klimôvíts đưa quân đi ứng cứu những người bị vây đó, những người chắc hẳn đã vượt qua hàng trăm cây số mà giờ đây lại gục ngã cách quân mình có hai bước, thì đấy sẽ là ngày đen tối nhất trong cuộc đời bộ đội của Klimôvíts, và nếu như người ta dự đoán trước với anh rằng đi ứng cứu là bản thân anh cũng nhất định sẽ chết thì anh vẫn phải xông vào trận chiến đấu đó, không lưỡng lự một chút nào. Khi quả tim rách nát đầy thương tích đó giữa những vị trí của quân Đức đã đổ máu lần cuối cùng để văng mình một cách tuyệt vọng lên phía trước thêm hai trăm thước nữa tới gần tuyến công sự thứ nhất của quân Đức, và lúc bấy giờ tám chiếc xe tăng “BT-7” cùng một trăm rưỡi chiến sĩ của tiểu đoàn quân báo xông tới đón nó trong bóng tối, thì đó không đơn giản chỉ là một trận tấn công ban đêm táo bạo, mà còn là sự chuyển động tâm hồn một cách hài hòa và kiên cường của tất cả những con người hợp thành tiểu đoàn quân báo, cái tiểu đoàn mà hàng ngũ đã thưa thớt hẳn đi qua nhiều trận chiến đấu ròng rã.
Ý đồ của Klimôvíts - công kích vào bên trái và bên phải, nơi đang có quân ta từ hậu tuyến quân Đức đánh thọc ra - tỏ ra là đúng đắn và đã mang lại kết quả ngay tức khắc.
Bọn Đức theo các công sự và giao thông hào kéo đến chỗ dự đoán có đột phá khẩu, hòng dùng chiếc nút bằng xương thịt mà bịt cái cổ họng nhỏ hẹp ấy lại. Nhưng chúng bỗng nghe cả hai phía đều có tiếng động cơ xe tăng rú và tiếng thét “xung phong”, thì lại phải vội vàng theo đường công sự mà di chuyển sang trái và sang phải. Sự vận động đi lại hai lần như vậy vào ban đêm không thể không gây ra hỗn loạn; rồi quân ta vừa từ hậu địch thọc ra lại vừa từ ngoài mặt trận tấn công vào là một sự giáp công hết sức bất ngờ đối với quân Đức, khiến chúng càng đâm ra hỗn loạn hơn.
Một giờ sau trận chiến đấu kết thúc. Thỉnh thoảng nó còn bùng lên đây đó, về sau hoàn toàn im lặng, rồi đâu đấy trong bóng tối có lúc tại ùng ục vang lèn những tràng tiểu liên muộn màng nghe như tiếng gõ vào một chiếc thùng rỗng. Klimôvíts mất hai chiếc xe tăng vấp phải mìn nổ tung và mười lăm người ngã xuống trước làn đạn ở hai bên bờ suối. Tuy vậy, chỉ với theo sự tính toán đại thể trong ban đêm, đã có một tiểu đoàn - hơn ba trăm người, - trong khi hai bên đánh nhau hỗn loạn, đã đột phá được qua trận địa quân Đức và giờ đây đang mê lên vì sung sướng. Vừa rách rưới vừa đói khát, vừa lành lặn vừa bị thương, tay vẫn chưa buông vũ khí, tỏa vào các công sự và hầm ngầm của các chiến sĩ xe tăng.
Các đài phát thanh trên toàn thế giới đã theo dõi việc các tàu phá băng và máy bay của sáu nước đến cứu mười hai người của đoàn thám hiểm Nôbilê ra khỏi các tảng băng trôi; báo chí trên toàn thế giới đã viết về việc các phi công đến chở những người thám hiểm ra khỏi tàu “Trêliuxkin” đang bị cầm tù trong băng giá: hàng chục triệu người đã nín thở chờ đón những tin tức về ba đoàn công tác đã cùng một lúc đi đến băng đảo “Bắc cực” để đưa bốn người ra khỏi nơi đó.
Còn những việc xảy ra đêm ấy tại khu vực tiểu đoàn quân báo thuộc lữ đoàn xe tăng thứ mười bảy chỉ chiếm vẻn vẹn nửa trang trong bản thông báo chiến sự của mặt trận và thậm chí không được đăng vào bản thông cáo của Cục thông tin, nhưng niềm vui sướng cao nhất trong tất cả những niềm vui sướng của con người, niềm vui sướng của những người đã cứu sống người khác, thì đã không phải vì thế mà giảm sút đi chút nào.
Trong mỗi căn hầm thuộc lữ đoàn xe tăng của Klimôvíts, những người được cứu và những vị cứu tinh đến ngồi cạnh nhau, ôm hôn nhau, tranh lời nhau, và vừa kể lại tất cả những chuyện xảy ra một cách chẳng có mạch lạc gì vừa ăn bánh mì, cháo, thịt hộp đến no nê rồi ngủ lăn ra trên những chiếc giường đơn và phản, trên mặt đất, trên những cành lá thông sắc nhọn.
Lữ đoàn trưởng Xerpilin, người chỉ huy đội quân phá vây, đã bị thương ở cả hai chân trong trận chiến đấu cuối cùng. Người sĩ quan tùy tùng và hai xạ thủ tiểu liên dùng áo capốt khiêng ông vào căn nhà gỗ của Klimôvíts và đặt ông lên chiếc giường nông thôn có trải tấm chăn bông chần màu xanh lơ. Xerpilin nằm tựa lưng vào những chiếc gối cao màu trắng, người ông dài nghêu, bẩn thỉu, râu ria lởm chởm, mớ tóc bạc xòa ra trên cái đầu hói, nhưng ông vẫn ăn mặc chỉnh tề, đeo huân chương Cờ đỏ trên ngực áo và đôi phù hiệu hình thoi trên cổ áo: một bên là phù hiệu thật, có lớp mạ đã bong mất; còn một bên lại bằng len cắt ở vành mũ kêpi ra.
Hai chân Xerpilin trong cái quần bồng đã được rạch toang ra tới quá đầu gối đang đặt trên tấm chăn xanh lơ và rỉ máu qua lớp băng bê bết bùn đất. Các xạ thủ tiểu liên đặt ông lên giường xong, bước ra khỏi cửa nhà cùng với người cần vụ của Klimôvíts. Anh này cứ vội vàng muốn đưa họ đi nhanh để cho họ ăn uống, còn người sĩ quan tủy tùng của Xerpilin, - một chính trị viên cao lênh khênh đã mệt nhoài - thì cứ đứng như vị thiên thần hộ mệnh ở ngay phía trên đầu cấp chỉ huy của mình, và chống tay lên thành giường đăm đăm nhìn xuống mặt ông ta.
Klimôvíts ghé ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh giường:
- Đồng chí lữ đoàn trưởng, tôi đã gọi bác sĩ, một vài phút nữa đồng chí ấy sẽ đến. Trước khi nói chuyện, xin phép thay băng cho đồng chí.
- Đồng chí trung tá, thôi đừng gọi bác sĩ nữa, - Xerpilin mấp máy đôi môi một cách vất vả. - Cậu cứ đưa thẳng mình đến tiểu đoản quân y, dù sao ở đây cùng không làm phẫu thuật được. Nhưng trước hết cho mình nói chuyện với tư lệnh tập đoàn quân. Cậu có liên lạc trực tiếp chứ?
- Có.
- Ai là tư lệnh trưởng tập đoàn quân này?
Klimôvíts nói họ tên của tư lệnh trưởng ra.
- Xécgây Philipôvíts à? - Xerpilin hỏi, và trên bộ mặt phờ phạc của ông thoáng một nụ cười.
- Vâng.
- Bạn đồng môn với tớ ở học viện đấy, - Xerpilin nói. - Cho tớ nói chuyện đi!
Klimôvíts liền gọi ngay dây nói cho tư lệnh trưởng mà không phản đối gì. Vả lại chính anh cũng có nhiệm vụ phải báo cáo nữa, vì quá phấn khởi anh đã trễ mất mười phút rồi.
- Trung tá Klimôvíts báo cáo, - anh nói khi tư lệnh trưởng đã đến bên máy điện thoại. - Kết quả của trận chiến đấu vừa qua là đã có một đội quân gồm tới ba trăm người mang theo vũ khí thoát khỏi vòng vây về tới trận địa của chúng tôi. Đồng chí chỉ huy đội muốn nói chuyện với đồng chí.
- Cứ cho nói đi, - tư lệnh trưởng nói vào máy điện thoại.
Klimôvíts đi vòng qua bàn, kéo dây điện thoại từ dưới gầm bàn ra, để chuyển máy nói lại đầu giường. Lữ đoàn trưởng ngửa đầu lên, trông thấy người sĩ quan tùy tùng đang đứng phía trên đầu mình, bèn ra hiệu bằng mắt khiến anh ta hiểu ngay và chạy lại kê gối xuống phía dưới lưng để giúp lữ đoàn trưởng nhổm dậy.
- Đồng chí tư lệnh trưởng, - người lữ đoàn trưởng bị thương nay đã dùng hết sức nói oang oang vào máy điện thoại, chứ không nói khe khẽ như vừa nói với Klimôvíts nữa. - lữ đoàn trưởng Xerpilin báo cáo! Tôi đã đưa được sư đoàn bộ binh một trăm bảy sáu mà tôi được ủy thác ra khỏi vòng vây sang tới khu vực của đồng chí... Chào Xécgây Philipôvíts, Xerpilin đang nói đây...
Mãi tới lúc này, khi nói những câu cuối cùng ấy, giọng của ông mới lạc hẳn đi. Cơn nấc giật chẹn lấy cổ họng ông, rồi ông lăn kềnh ra một bèn, cùng với mấy chiếc gối mà người tùy tùng không sao giữ kịp vì quá bất ngờ. Chiếc ống nghe rơi xuống nền nhà. Khi nhặt nó lên. Klimôvíts vẫn nghe tiếng tư lệnh trưởng nói vì ông tưởng là Xerpilin vẫn ở đầu dây.
- Xerpilin à, Xerpilin nào nhỉ? Phêđôr Phêđôrôvíts, có phải cậu đấy không? - tư lệnh trưởng nói vào ống nghe mà lủc này Klimôvíts đang áp vào tai mình, bởi vì Xerpilin đã nằm ngất xỉu đi rồi.
Người bác sĩ quân у chạy vào, cúi xuống xem cho Xerpilin, còn cô у tá thì vội vã đặt những hộp đựng xơranh và thuốc tiêm lên chiếc ghế đẩu.
- Xerpilin, sao cậu không nói gì nữa? Có phải cậu đấy không? Xerpilin nào đấy? Sao cậu lại im lặng thế? - tư lệnh trưởng hét vào ống điện thoại.
Còn Klimôvíts thì đang mải nhìn Xerpilin đã bất tỉnh nhân sự, quên khuấy mất rằng lẽ ra từ lâu đã phải báo cáo cho tư lệnh trưởng biết không phải Xerpilin mà chính anh đang nghe ông nói.
- Báo cáo đồng chí tư lệnh trưởng, - cuối cùng anh rời mắt khỏi Xerpilin đang được cô y tá dùng bông thấm ête lau cánh tay cho trước khi tiêm thuốc, - trung tá Klimôvíts đây ạ, tôi đang cầm ống nghe đây ạ, lữ đoàn trưởng bị thương, đồng chí ấy đã ngất đi rồi ạ!
- Hình dạng ông ta ra sao? - tư lệnh trưởng căn vặn. - Cao, gầy, hơi hói phải không?
- Thưa đúng thế, - Klimôvíts trả lời, trong phút ấy anh không còn phải nhìn lại Xerpilin nữa.
Khỏi phải nhìn anh cũng đã đủ ghi nhớ suốt đời rằng Xerpilin cao, gày và hơi hói, rằng ông ta đeo một phù hiệu hình thoi có lớp mạ đã vỡ, còn chiếc phù hiệu bên kia thì cắt ở vành mũ kêpi ra, rằng trên ngực ông có tấm huân chương Cờ đỏ, và rằng ông là một người mà quân đội lúc nào cũng vẫn lả quân đội, dù cho nó có rút lui từ biên giới đến Ennha đi chăng nữa, một con người mà không phải nhìn tới lần thứ hai mới hiểu và ghi nhớ được đó là người như thế nào.
- Đúng là Xerpilin rồi! - tư lệnh trưởng mừng rỡ reo lên trong máy điện thoại. - Mà cậu ấy từ đâu ra thế nhỉ? Cậu ấy còn đang... - Suýt nữa tư lệnh trưởng buột mồm nói ra điều Klimôvíts hoàn toàn không cần biết tới, ông bèn nói thêm rằng ông sẽ thân hành xuống lữ đoàn ngay bây giờ. - Chỗ cậu có bác sĩ rồi đấy chứ? Anh ta nói sao?
- Báo cáo tư lệnh trưởng, có đây ạ. Tôi sẽ hỏi đồng chí ấy ngay bây giờ, - Klimôvíts quay lại phía bác sĩ: - Tư lệnh trưởng sẽ xuống đây ngay bây giờ, đồng chí ấy hỏi tình hình sức khỏe của lữ đoàn trưởng thế nào.
Bác sĩ vẫn đứng kế bên Xerpilin, đang xem mạch cho ông.
- Đến đây thì không nên đâu, - anh ta thậm chí không quay đầu lại mà nói vậy. - Bây giờ tôi đặt thêm miếng gạc nữa, rồi phải chở ngay đồng chí này đến tiểu đoàn quân y, đưa thẳng lên bàn mổ. Mỗi phút là một phút quý, đồng chí báo cáo với tư lệnh trưởng cho. - Đồng chí tư lệnh trưởng, - Klimôvíts lại cầm lấy diện thoại, - bác sĩ báo cáo rằng phải đưa lữ đoàn trưởng đến tiểu đoản quân y để cho lên bàn mổ ngay bây giờ.
Tư lệnh trưởng thở dài thẳng vào ống nghe và khe khẽ nguyền rủa có vẻ cay cú.
- Thế thì bảo bác sĩ cứ đưa đi. Nói là tớ sẽ thân hành đến tiểu đoàn quân y, may ra sẽ đến kịp trước khi mổ... Hay thôi, đừng nói nữa: biết đâu họ lại mất bình tĩnh, lại mổ lung tung ra. Nói là tớ sẽ đến tiểu đoàn quân y ngay sau khi mổ. Còn về những việc khác thì khi nào đưa đồng chí ấy đi, cậu cứ gọi dây nói cho tham mưu trưởng. Mình nói hết rồi đấy.
Mười phút sau, người ta đưa cáng vào và đặt Xerpilin lên. Klimôvíts đưa tiễn ra đến tận xe cứu thương. Người sĩ quan tùy tùng của Xerpilin theo anh đi ra. Anh ta muốn theo chân bác sĩ và y tá trèo lên xe, nhưng bác sĩ bảo rằng không có chỗ mà cũng không cần thiết nữa.
- Đồng chí bác sĩ quân y, dù sao tôi vẫn cừ đi. - Người tùy tùng nói và níu lấy thành xe.
- Báo cáo trung tá! - người bác sĩ quân y đành phải cầu cứu.
Nhưng bất ngờ thay cho người bác sĩ, Klimôvíts không ủng hộ anh ta, mà lại ủng hộ người sĩ quan tùy tùng kia. Trung tá cho rằng anh này muốn đi tới tiểu đoàn quân y cùng lữ đoàn trưởng của mình là hợp lý thôi.
- Đồng chí chính trị viên, không sao đâu, cứ trèo lên! Sẽ tìm ra chỗ đấy. Khi nào về thì cứ cái xe cứu thương này mà về nhé.
- Cái đó còn tùy lữ đoàn trưởng ra lệnh ạ, - người chính trị viên đáp.
- Cố nhiên. Nhưng nếu về thì đến thẳng chỗ tôi nhé.
- Đồng chí trung tá, nhờ đồng chí nói hộ với chính ủy Smakốp của chúng tôi rằng tôi đưa lữ đoàn trưởng đi! - người chính trị viên hét to khi xe đã chạy.
Chiếc xe cứu thương đã đi khuất.
Klimôvits thoáng nghĩ thầm rằng hình như trước kia mình đã trông thấy người chính trị viên cao kều này ở đâu đó thì phải, rồi anh quay vào ngôi nhà gỗ, đặt máy điện thoại trở lại chỗ cũ và quay máy gọi trợ lý hậu cần, dặn dò không nên cho những anh em đã kiệt sức ăn quá no và uống quá nhiều rượu vốtca trong những lúc liên hoan.
- Không thể đưa lòng hiếu khách của lính xe tăng vào khuôn khổ được đâu! - Trợ lý hậu cần định nói đùa trong máy.
- Thì anh phải đưa vào khuôn khổ đi chứ. - Klimôvít ngắt lời. - Và nội trong đêm nay hãy cho tất cả anh em tắm rửa xong cho tôi, thế mới là hiếu khách đấy.
Sau đó, anh gọi dây nói cho chính ủy lữ đoàn, hỏi xem hiện giờ chính ủy của đội quân phá vây là Smakốp có ở đằng ấy không.
- Có đấy. Đồng chí ấy hơi bị ù tai. Một quả mìn nổ ngay bên cạnh. Nhưng đồng chí ấy đã nằm nghỉ được một lát ổn rồi, bây giờ chúng tôi sắp ăn bữa tối đây.
- Được, cứ ăn đi, tớ cũng đến đằng cậu ngay bây giờ. - Klimôvíts nói vậy đoạn dặn dò người cần vụ chuẩn bị sẵn phòng khi đồng chí chính trị viên quay về đây ngủ, rồi bước ra khỏi nhà.
Những đám mây thấp xám xịt, rách nát, bị gió lùa chạy trên bầu trời, những ngôi sao mùa thu mờ nhạt nhấp nháy trong mây. Một bầu im lặng như tờ bao trùm lấy mặt trận, tựa hồ như trước đó không hề có một trận chiến đấu nào xảy ra cả.
...Còn Xintxốp lúc bấy giờ đang bị xóc mạnh trên chiếc xe ôtô dọc con đường rừng đầy ổ gà, ngồi xổm ở đằng đầu Xerpilin.
Được nửa đường thì Xerpilin hồi tỉnh, nhưng ông vẫn im lặng, chỉ thỉnh thoảng mới mím môi lại mà khẽ rên lên khi gặp ổ gà.
Mãi sau ông mới hỏi :
- Đi đâu thế này? Đến tiểu đoàn quân y hả?
Khi nhận ra tiếng Xintxốp, ông liền bảo anh rằng hễ đến nơi là anh phải quay về sư đoàn ngay. Đã hơn hai tháng nay, ông đã một mực gọi đoàn người cùng phá vây ra với ông là sư đoàn, và cả đến bây giờ vẫn tiếp tục gọi họ như thế.
- Tôi không muốn rời đồng chí. - Xintxốp nghĩ đến tiểu đoàn quân y và việc mổ xẻ sắp tới bèn nói.
Nhưng Xerpilin lại hiểu theo ý khác:
- Ấy ấy, chú ạ, thế thì có mà chú theo tớ đến tận Uran. Người ta sẽ cho tớ nằm điều trị không thiếu chỗ nào đâu! Vậy thì chiến đấu vào lúc nào? Chính bây giờ cuộc chiến tranh mới thực sự bắt đầu đấy.
- Tôi chỉ muốn đợi cho đến lúc mổ xong...
- Ờ, ờ, thế thì cứ đợi! - bây giờ Xerpilin đã hiểu ra, liền nói. - Theo sự hiểu biết trong nghề y sĩ trước đây của tớ thì vết thương không nặng lắm đâu, chỉ phải cái dở là máu ra nhiều quá.
Ông thở dài và bỗng hỏi :
- Cậu còn nhớ là cô bác sĩ nhà mình đã phát khóc lên vì thấy trong vòng vây không thể tiếp máu cho thương binh được không? Máu thì anh em sẵn sàng cho, cô ta lại khéo chân khéo tay, thế mà không có khả năng để tiếp máu! Không có dụng cụ, không có phòng hóa nghiệm... Đúng thế đấy, chú ạ, không có trang bị thì thật là khó, trên đời không còn gì khổ hơn! À này, cậu ở đằng ấy đừng quên cô ta nhé, nhớ săn sóc cô ấy đấy! Nói với Smakốp thế và cả bản thân cậu nữa... - nói những lời ấy, Xerpilin đưa bàn tay giá lạnh vì mất máu của mình đụng vào tay Xintxốp.
- Đồng chí lữ đoàn trưởng... - cử chỉ đó khiến Xintxốp cảm động, tiếng anh run lên và anh không biết nói thêm gì nữa cả.
Trong cuộc chiến tranh này. anh chẳng sợ mất ai như mất Xerpilin, nhưng anh vẫn sẽ không nói to lên được với ông: “Đồng chí lữ đoàn trưởng, mong sao đồng chí không bị chết!”.
Toàn tiểu đoàn quân y đang bận tíu tít. Trước khi Xerpilin tới, người ta đã chở tới đây nhiều thương binh loại nặng.
Trong phòng tiếp nhận và phân loại thương bệnh binh, cũng như trong phòng chờ mổ, đều không còn chỗ để chen chân nữa.
Anh em vội vàng kéo cái cáng khiêng Xerpilin ra khỏi xe, rồi mở vải bạt ra, đưa ông vào một chiếc lều tiếp nhận thương binh. Xintxốp len lỏi theo sau cái cáng và dưới ánh đèn vàng vọt tù mù, lần cuối cùng, anh trông thấy bộ mặt mất máu, trắng xanh của Xerpilin.
- Đừng sợ, tớ không chết đâu. Vượt vòng vây ra đây có phải để mà chết đâu. - Xerpilin nói, tựa hồ như để đáp lại cái nhìn lặng lẽ có vẻ cầu khẩn của Xintxốp.
Những người cứu thương khiêng chiếc cáng bằng những quai đeo vai bện bằng xà cạp, họ đã mệt mỏi, những đôi vai của họ rung rung nên bộ mặt của Xerpilin cùng rung theo.
Người ta khiêng ngược về phía họ một người đắp vải trải giường, hình như đã chết rồi. Anh em cứu thương bèn phải nép vào một bên ở lối ra vào để nhường chỗ khiến cho chiếc cáng trong tay họ bị lắc lư, họ vội vàng giữ lại cho yên, rồi đưa Xerpilin vào phòng mổ.
Xintxốp cứ lo lắng đi quanh quẩn bên phòng mổ tới gần hai tiếng đồng hồ: cuối cùng người bác sĩ quân y hồi nãy đưa Xerpilin từ lữ đoàn xe tăng đến đây, bước ra nói rằng lữ đoàn trưởng đã được tiếp máu và gắp ở chân ra hai viên đạn, tim ông đã chịu đựng nổi và bây giờ đã có thể coi là không lo nguy hiểm gì đến tính mệnh nữa.
- Trước mắt là như vậy, - người bác sĩ quá cẩn thận nói thêm, nhưng Xintxốp đã không nghe đến câu ấy nữa.
Anh chỉ cần hiểu một điều: đồng chí ấy vẫn sống!
Và niềm vui sướng được trở về với quân ta, trước đây bị nỗi lo ngại cho tính mệnh của Xerpilin nén xuống như một hòn đá, nay đã tràn ngập toàn bộ tâm hồn anh không sót chỗ nào. Anh cố xin bác sĩ nán lại cho mươi phút rồi đến chỗ tiểu đoàn trưởng quân y để nhờ gọi ngay dây nói cho Smakốp.
Tiểu đoàn trưởng toan từ chối, bảo rằng trung tá Klimôvíts, chỉ huy lữ đoàn xe tăng đã gọi dây nói tới đây, đã được biết hết tình hình và người ta cũng đã báo cáo lên cả tập đoàn quân nữa rồi! Nhưng Xintxốp cứ như người điếc, vẫn nằng nặc đòi được gọi dây nói, người ta đành phải bắt liên lạc với đơn vị xe tăng theo đường vòng, qua phòng tham mưu của sư đoàn bộ binh trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn quân y này, và cuối cùng đã lùng tìm được Smakốp.
Qua điện thoại, Xintxốp báo cáo cho Smakốp biết việc mổ xẻ tiến hành ra sao và hiện nay tình hình sức khỏe Xerpilin như thế nào, nhưng thực ra ông đã được nghe Klimôvits kể lại một lần đầu đuôi câu chuyện rồi. Và như thế vẫn chưa yên tâm, Xinxốp còn nói thêm rằng sẽ đến chỗ ông và trực tiếp kể lại lần nữa
- Được, nhưng để đến sáng mai nhé, - Smakốp cắt ngang cơn hăng say của anh, - của đáng tội, mình thì tháo ủng ra rồi, đang định đi nằm, mà cả anh cũng phải nghỉ ngơi đi thôi, hôm nay như thế là đủ mệt rồi đấy.
Nhưng Xintxốp đâu có thể nghỉ ngơi được.
Nuốt vội nuốt vàng chưa xong ít nước trà nóng với mấy chiếc bánh khô, anh nói là mình vội rồi đứng phắt dậy. Nhưng khi từ biệt thì anh đột nhiên níu lấy ống tay áo của ông tiểu đoàn trưởng quân y và sung sướng trình bày với ông ta trong năm phút liền rằng Xerpilin là người như thế nào và Xerpilin vẫn còn sống thì thật là tốt như thế nào.
Sau đó, vẫn với tâm trạng phấn khởi ấy, tựa hồ như có ai bôi mỡ vào lưỡi, suốt dọc đường về, anh cứ huyên thuyên kể cho người bác sĩ đang ngủ gật nghe rằng mình đã vượt vòng vây ra sao.
Thậm chí khi về đến căn nhà gỗ của Klimôvíts anh vẫn chưa buồn nằm xuống chiếc giường sắt đã dọn sẵn cho mình.
Không thấy Klimôvíts ở nhà. Anh chàng cần vụ ngái ngủ thì bực mình trả lời rằng trung tá đã ra tiền duyên để tiến hành kiểm tra việc kéo những chiếc xe tăng bị vướng mìn nổ về trước lúc trời sáng.
Vẫn trong tâm trạng xúc động phấn khởi như vậy, thoạt tiên không hiểu tại sao Xintxốp lại quyết định chờ cho đến lúc trung tá quay về, sau đó, vừa đi đi lại lại trong căn nhà, anh vừa căn vặn người cần vụ xem lữ đoàn xe tăng đã phải phá vòng vây bao giờ chưa và ở chỗ nào. Cuối cùng, anh đề nghị đồng chí kia đi hỏi xem phòng tắm đã đun nước nóng chưa, có kịp tắm ngay bây giờ mà không cần chờ đến sáng mai được không.
“Phòng tắm nào cho ông được bây giờ, cái lão ma còm này? Nằm xuống mà ngủ nhanh lên, kéo lại khuỵu xuống như con ngựa ốm bây giờ!” - anh cần vụ nghĩ thầm nhưng không nói ra, chỉ quay lưng lại, càu nhàu, vớ lấy chiếc mũ calô treo trên đinh, rồi đi hỏi tình hình.
Khi anh trở về thì thấy Xintxốp đang ngồi trên chiếc giường sắt, đầu ngoẹo sang một bên vai, ngủ say như chết.
Người cần vụ lắc đầu, kéo đôi ủng ướt sũng, rách nát từ chân người chính trị viên ra, tháo nốt đôi xà cạp đen như bồ hóng, rồi đỡ lấy hai vai anh, đặt cho anh nằm kê đầu lên chiếc gối.
Đến khi Xintxốp bừng mắt dậy thì thấy trong nhà đã sáng trưng. Klimôvíts đang ngồi trên ghế đẩu trước tấm gương nhỏ treo trên tường, cạo nốt râu trên mặt. Anh đi ủng, mặc quần bồng và áo sơ mi lót với chiếc khăn mặt tổ ong nhét trong cổ áo.
- Thế là tỉnh rồi đấy hả, - anh vừa quay nửa người lại với chiếc dao cạo trong tay vừa nói. Mặt anh đã cạo được một nửa còn một nửa đang phủ đầy bọt xà phòng.
- Đồng chí trung tá, - Xintxốp thõng chân xuống khỏi giường, chăm chủ nhìn ông chủ nhà của mình rồi nói: - Hôm qua. Tôi chưa nghe rõ, có phải tên đồng chí là Klímôvíts không ạ?
- Phải, mà sao?
-Thế tôi là Xintxốp đây. Đồng chí không nhận ra ư?
Klimôvíts lặng lẽ đặt dao cạo lên bậu cửa sổ, liếc nhìn từ đầu đến chân cái người râu ria xồm xoàm, gầy gò, vai rộng, vừa mới từ trên giường đứng dậy, tựa hồ như để thẩm tra lần cuối cùng xem có thể như thế không, rồi bước nhanh về phía anh ta.
Họ ôm chầm lấy nhau, thậm chí Xintxốp ứa cả nước mắt ra - đó là kết quả của sự mệt nhọc và nỗi xúc động.
- Thảo nào hôm qua mình cứ ngờ ngợ là đã gặp cái anh chàng chính trị viên này ở đâu rồi ấy! - Kliimôvíts vội mỉm một nụ cười.
- Còn mình, nếu cậu không xưng họ tên ra, với bộ mặt cạo nhẵn nhụi thế này mình cũng chẳng nhận ra cậu được đâu.
- Cạo râu mà cạo chưa xong đấy! - Klimôvíts sực nhớ ra liền quay về tấm gương để tiếp tục cạo nốt.
Có lẽ trong một tình huống khác, họ đã hân hoan với nhau hơn. Nhưng cuộc gặp gỡ hôm qua trong chiến đấu đã đưa niềm vui của con người lên đến cực điểm khiến người ta không thể cảm thấy hân hoan hơn được nữa. Hôm qua, cả hai người đã cảm thấy sung sướng thực sự, còn giờ đây họ chỉ thấy thú vị, vì đã gặp nhau và vẫn nhận ra nhau kể từ khi rời ghế nhà trường phổ thông cho đến nay, do đó câu chuyện của họ dễ dàng trở nên thân mật.
- Lữ đoàn trưởng của cậu ổn rồi, - Klimôvíts vừa bôi xà phòng lên mặt lần nữa trước khi cạo vừa nói. - Người ta đã đưa ông ấy ra khỏi tiểu đoàn quân y, và nghe nói sau đó sẽ đưa lên máy bay đi Maxcơva! Đến bộ tham mưu mặt trận cũng đã phải hỏi về ông ấy và suýt nữa thì cả Tổng hành dinh cũng hỏi nữa! Tư lệnh trưởng đã thân hành đến chỗ ông ấy từ sáng. Sao ông ấy lại là lữ đoàn trưởng nhỉ? Không kịp giám định để phong quân hàm à?
- Không kịp, - Xintxốp không muốn đi sâu vào chi tiết, nên chỉ trả lời có thế thôi. Anh đã được nghe nói về quá khứ của Xerpilin nhưng giờ đây, sau hai tháng chiến đấu, anh không còn muốn nói đến chuyện ấy nữa. - Ờ, thế nghĩa là lúc này sư đoàn chúng tớ không có người chỉ huy...
- Còn có sư đoàn thì sẽ có người chỉ huy thôi! - Klimôvíts đáp. - Cậu thế nào, ở sư đoàn ngay từ đầu à?
Tất cả câu chuyện của mình trước khi đến với đơn vị Xerpilin, Xintxốp đã kể lại chỉ bằng mấy câu vắn tắt đến nỗi chính anh cũng thấy ngạc nhiên.
- Thế nghĩa là cậu lạc ngũ mà trở thành lính chiến đấu. - Klimôvíts nói với giọng đùa cợt đượm vẻ tán thành, - Tớ cũng vớ được vô số lạc binh như vậy trong lúc vượt vòng vây, và có cả những tay chiến đấu cừ đến nỗi mình không hình dung nổi nếu không có họ thì sống làm sao đấy!
Xintxốp cảm thấy lòng mình ấm lên trước lời khen ngợi gián tiếp đó, và anh phát biểu với Klimôvíts điều mà trong lúc vượt vòng vây anh đã nghĩ đến nhiều lần: anh sẽ không xin trở về tòa báo nữa mà sẽ ở lại sư đoàn.
- Miễn sao người ta giữ sư đoàn lại, không phân tán các cậu đi. Việc này đã có cả trên tập đoàn quân và cả trên mặt trận cử người xuống nghiên cứu với các cậu, tớ chẳng biết ý định trên ấy ra sao...
- Còn nghiên cứu gì với chúng tớ nữa nhỉ? Chúng tớ đã ra khỏi vòng vây với tư cách là một đơn vị: có quân phục chỉnh tề, có vũ khí, có cả quân kỳ.
- Nếu không thế thì người ta đã nói chuyện với các cậu một cách khác rồi. Người ta đã đưa cái bầy nô lệ của Chúa trời ấy đi để thẩm tra theo như luật lệ đã quy định và người ta sẽ quần cho bã người ra: anh là ai, người ở đâu, sao lại sa vào vòng vây, sao lại vượt vòng vây? - Khi nói đến câu cuối cùng, Klimôvíts mỉm cười vẻ không vui.
- Thế mà còn cười được à! - Xintxốp bỗng phát khùng lên. - Thế là cái quái gì, tốt lắm hả?
- Nào có tốt đẹp gì cho cam! Nếu tốt đẹp thì bây giờ chúng ta đã không phải đánh nhau ở Ennha mả đánh nhau ở Kênicxbéc [thành phố trên bờ biển Bantích, thuộc nước Lítva bị Đức chiếm đóng, đặt tên là Kênicxbéc. Sau nước này giành được độc lập, gia nhập Liên bang Xô viết, thành phố mang tên Kaliningrát] kia, còn bọn Đức thì phải bị chúng ta vây và vượt vòng vây thay chúng ta kia chứ! Nhưng nói chung, rất có thể ông Xerpilin nhà cậu sẽ chứng minh được rằng phải giữ số hiệu cho sư đoàn và bổ sung thêm quân số, chứ không nên đem những phần còn lại của sư đoàn xé lẻ lung tung ra. Rất có thể là như thế, - Klimôvíts nhắc lại. Anh muốn an ủi Xintxốp khi thấy rõ ràng anh chàng đã sa sầm mặt xuống. - Vả lại, các cậu đã mang được cả quân kỳ ra khỏi vòng vây. Cách đây ít lâu, báo chí có nói tới một số anh em thoát khỏi vòng vây, ngoài một lá cờ ra chẳng đem theo được gì nữa cả, ấy thế mả người ta cũng làm ỏm tỏi lên rồi đấy.
- Thế thì có gì là xấu? - Xintxốp phật ý hỏi.
- Mà cũng có gì đặc biệt tốt không? - Đến lượt Klimôvíts hỏi lại. - Ngoài lá cờ ra còn phải cố gắng mang được cả xe tăng, cả pháo, cả những người còn tiếp tục chiến đấu được nữa! Cờ thì lúc nào anh cũng có bổn phận phải mang ra, nếu anh còn có lương tâm. Cánh tớ cũng đã mang được cờ ra khỏi Xlônim đấy, nhưng chẳng coi đó là công trạng gì, bởi vì có làm thế nào khác được đâu? Mà cũng bởi vì trong số một trăm bốn mươi chiếc xe tăng cánh tớ chỉ đưa ra được có bảy chiếc, thì còn có gì đáng để khoe khoang nữa cơ chứ! Nhưng cái thằng cha nhà báo nào cứ viết nhặng xị lên: “Lá cờ! lá cờ!”, lẽ ra cùng phải viết một chữ nào đó nói rằng ngoài lá cờ họ còn mang ra được bao nhiêu con người nữa chứ! Làm như cái đó là hoàn toàn không quan trọng gì ấy! Một thằng vua tán phét nào trong khi vui miệng đã ba hoa với gã này rằng hắn vừa thoát chết, thế là anh chàng bèn phết luôn một bài...
- Tớ hiểu, cậu khỏi phải than phiền về các nhả báo, - Xintxốp nói.
- Than phiền về họ làm quái gì? Nếu thằng cha ấy đã được nếm mùi, biết được tâm trạng của những ai tuy mang được cờ nhưng không mang được xe tăng ra thì có lẽ hắn đã viết theo kiểu khác,
- Như tớ chẳng hạn, tớ đã được nếm mùi rồi đó, - Xintxốp nói.
- Đối với cậu thì khỏi phải nói nữa, bây giờ cậu đã là lính rồi, - Klimôvíts cắt đứt câu chuyện và lôi ở dưới gầm bàn ra một đôi ủng mới tinh còn nguyên mùi hắc ín, buộc bằng một sợi dây nhỏ, rồi ném xuống dưới chân Xintxốp: - Này, ướm thử xem!
Đôi ủng chặt quá khiến Klimôvíts bực mình, vì anh không còn đôi nào khác nữa cả.
- Cậu có hai cái bánh xe khá thật! - Anh đưa mắt nhìn đôi bàn chân không giày của Xintxốp. - Cứ vào bộ binh mà cuốc là tốt.
- Có sao đâu, thì tớ đã cuốc rồi...
- Thế cậu tưởng là tớ không cuốc à? Khi không còn xe tăng nữa thì xin mời anh cứ cuốc bộ cho. Tóm lại. Tổ quốc ta vĩ đại tươi sáng biết bao này... [Một câu trong bài hát “Ca ngợi Tổ quốc” của Liên Xô] Giá năm ba mươi chín, sau chiến sự Khankhingôn có ai bảo tớ rằng sẽ phải cuốc bộ như vậy thì tớ đã coi là chế giễu và sẽ trần cho một mẻ ngay. Nhưng không sao. - Anh rảy nước hoa vào khăn mặt, lau mặt lau đầu sau khi cạo xong, rồi ra đứng trước mặt Xintxốp, giạng hai chân tựa hồ như thách ai đến đánh nhau với mình, mặc dù thân hình anh nhỏ bé nhưng vai anh rộng, những bắp thịt rắn chắc nổi lên cuồn cuộn dưới tấm áo sơ mi lót. - Đừng lo, cứ đợi đây, tớ sẽ còn cưỡi chiếc xe tăng ba mươi tư của tớ tiến vào nước Đức cho mà xem. Và tớ sẽ cho cậu ngồi trên thành xe, cố nhiên là nếu đến lúc ấy chúng mình chưa “yên giấc ngàn thu” và nằm trong “bốn dài hai ngắn”. Thế nào Khautxốp đã mang bữa sáng đến đấy hả? - nghe tiếng cửa mở ken két sau lưng mình, Klimôvíts hỏi.
- Thưa đúng thế! - Anh cần vụ vừa nói vừa đặt lên bàn chiếc ấm trà và mấy cái đĩa phủ khăn mặt.
- Thế phòng tắm có chỗ không?
- Tôi chưa dám báo cáo là có chỗ đâu ạ, thưa đồng chí trung tả...
- Bao giờ cánh tớ uống trà xong, anh đưa chính trị viên đi tắm nhé. Anh đã lấy cho đồng chí ấy bộ quần áo lót rồi chứ?
- Thưa đúng thế! Tôi chỉ sợ rằng... - anh cần vụ liếc nhìn cái tầm vóc dài nghêu của Xintxốp.
- Ta hẵng ăn sáng cái đã. - Klimôvíts vừa nói vừa kéo cho phẳng vạt áo quân phục. - Kẻo tớ lại bận mà cậu còn phải cạo râu nữa. Đúng mười một giờ cấp trên sẽ triệu tập sĩ quan đơn vị cậu. Thế mà cậu thì râu ria xồm xoàm như ông cố đạo ấy, chỉ thiếu có cây thánh giá trước ngực.
Trong khi ăn sáng. Klimôvíts không quay lại câu chuyện nghiêm trang nữa và nói chung có vẻ vội vàng.
Anh khuyên Xintxốp sau trận đói nên ăn chậm và nhai kỹ, rồi uống vội hai cốc trà và đứng dậy.
- Xin lỗi nhé, hết giờ rồi. Nếu cậu muốn viết thư báo cho người nhà biết là đã được Chúa Kitô phục sinh cho, thì cứ viết, rồi đưa ngay cho Khauxtốp, tức là cậu cần vụ ấy, cậu ta sẽ gửi đi cùng với bưu phẩm mặt trận ngay hôm nay.
- À mà gia đình cậu thế nào, ở đâu nhỉ? - Tựa hồ như bị ngứa miệng, Xintxốp bỗng hỏi.
- Tớ không có gia đình. - Klimôvíts trả lời rất nhanh, giọng lạnh lùng nghe đến là kỳ cục, rồi ra thẳng, không một lời từ biệt.
Xintxốp nín lặng nhìn cánh cửa đã đóng sập lại sau lưng Klimôvíts.
“Sao cậu ta lại trả lời bằng cái giọng lạnh lùng thế nhỉ? Hay gia đình cậu ta có chuyện gì: lục đục, ngoại tình, ly dị chăng?”. Xintxốp băn khoăn tự hỏi mình, và mãi khi bắt gặp cái nhìn cau có với vẻ trách móc của người cần vụ, anh mới sực hiểu ra câu chuyện của Klimôvíts không phải là về tình hình lục đục, ly dị hay ngoại tình, mà là cảnh chết chóc của gia đình...
Ba chục cán bộ quân sự và chính trị vừa thoát khỏi vòng vây cùng với Xerpilin đã tập trung trong nhà bạt của phòng chính trị lữ đoàn. Qua một đêm, ai nấy đều đã cạo râu, tắm rửa. thay giặt quần áo, đánh giày sạch sẽ. Một số người đêm trước hình dạng trông thật tả tơi, bây giờ đã mặc quân phục bộ đội xe tăng màu xám: trái tim đâu phải là gỗ đá - theo lệnh của Klimôvíts, người trợ lý hậu cần của anh đã hào phóng phát ra cho họ tới mười bộ.
Khi bước vào nhà bạt, mọi người vui mừng chào hỏi anh em mà đều không nhận ra nhau. Khó lòng tưởng tượng được rằng vẻn vẹn chỉ có một đêm sống trong những điều kiện bình thường của con người, việc tắm rửa và cạo râu lại có thể thay đổi người ta đến mức ấy.
Chính ủy tiểu đoàn Smakốp giới thiệu anh em đã cùng mình chiến đấu trong vòng vây với các vị thủ trưởng mới đến, rồi đặt lên bàn bản danh sách gồm ba trăm mười hai ngươi đã đột phá được ra khỏi vòng vây quân Đức.
Ba vị thủ trưởng mới đến gồm: một chính ủy trung đoàn thuộc phòng chính trị tập đoàn quân, một người đàn ông tóc đen, dịu dàng, hiền lành, do thiếu ngủ nên hay ngáp vặt, một trung tá thuộc phòng phiên chế các đơn vị của mặt trận - một người đứng tuổi, ngồi thẳng đờ như một cái gậy (“Đúng là mặt sắt đen sì”, - vừa trông thấy lần đầu, Xintxốp đã nghĩ thầm về ông ta như vậy), và một thiếu tá nhỏ bé thuộc phòng đặc biệt, không hiểu sao lại mặc quân phục biên phòng, với bộ mặt lầm lỳ và hai môi mím chặt một cách nghiêm nghị
Cuộc trò chuyện sáng nay với Klimôvíts đã khiến cho Xintxốp phải lưu tâm. Theo sự mong ước của anh, lẽ ra trước hết nên cho tất cả những người đã thoát khỏi vòng vây tập hợp lại một cách long trọng với quân kì và với vũ khí trong tay, rồi biểu dương về tinh thần chiến đấu của họ thì đằng này không hiểu sao người ta lại tập trung các cán bộ vào một túp lều, tách rời với các chiến sĩ... Và bỗng nhiên Xintxốp thấy hình nlư mọi việc nhất định sẽ diễn ra không đúng như ý anh muốn thậm chí ở một mức độ đáng bực nữa là khác.
Song trái lại, câu chuyện mở đầu có vẻ không đáng bực chút nào.
Người chính ủy trung đoàn dịu dàng kia của phòng chính trị tập đoàn quân đã phát biểu ý kiến đầu tiên và nói rằng việc tập hợp anh em một cách long trọng ở đây, nơi gần hỏa tuyến, là không hợp lý. Sau khi đến địa điểm mới ở huyện Iukhơnốp là nơi tất cả anh em sẽ được di chuyển tới ngay trong ngày hôm nay, ta sẽ làm việc đó cũng vẫn chưa muộn. Thay mặt bộ tư lệnh, ông chúc mừng các cán bộ quân chính, nhân dịp thoát khỏi vòng vây, và nói là các đồng chí cán bộ phải hiểu rằng việc giải quyết vấn đề có giữ số hiệu cho sư đoàn hay không, có để nguyên sư đoàn và bổ sung cho nó hay không - vấn đề mà đồng chí Smakốp đã nêu ra với ông - sẽ được giải quyết không phải trong vòng một hôm, hơn nữa không phải do ông mà thậm chí cũng không phải do bộ tư lệnh tập đoàn quân nữa. Còn trong lúc vấn đề đang được cấp trên giải quyết thì không thể coi tất cả những người đã vượt vòng vây là một đơn vị chiến đấu được, mà phải coi là một cánh quân tạm thời được thành lập trong điều kiện bị bao vây, cánh quân đó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mà nếu như vậy thì giờ đây nó không còn tồn tại như một đoàn quân nữa, những ai có nhiệm vụ quan tâm đến việc này, từ nay trở đi sẽ xem xét vấn đề của từng anh em ở đây một cách riêng biệt, có chú ý đến quân hàm, chức vụ và tinh thần của từng người biểu hiện trong khi bị bao vây.
- Vả lại, - chính ủy trung đoàn nói thêm, - theo tài liệu sơ bộ thì trong đoàn quân này chỉ có một trăm linh bảy người là thuộc sư đoàn 176, còn số hai phần ba còn lại là những người đã sát nhập vào trong những thời gian khác nhau.
Trong lúc chính ủy trung đoàn nói tất cả những điều kể trên thì Smakốp vừa dùng góc khăn mùi soa luồn dưới cặp kính mà lau đôi mắt toét nhoèn vì mất ngủ vừa luôn luôn chăm chú nhìn ông ta. Trước khi có cuộc nói chuyện chung này, hai ngươi đã từng hội ý sơ bộ với nhau một lần, và Smakốp luôn lo lắng chờ xem bây giờ chính ủy trung đoàn sẽ nói ra sao - nói đúng hay không đúng những điều mà theo ý Smakốp cần phải nói tới.
Sau đó, chính ủy trung đoàn quay sang ông trung tá của phòng phiên chế các đơn vị và, với giọng the thé, cứng đờ như que củi, ông trung tá này bảo rằng khi anh em đến địa điểm thuộc quyền ông chỉ huy, người ta sẽ tiếp tục nói chuyện thêm với họ, còn bây giờ các đồng chí cán bộ phải tập hợp anh em lại, chỉ huy việc đưa họ ra xe - xe đỗ trong một khu rừng nhỏ cách đây một cây số - và xếp cho họ lên xe, mỗi xe là hai chục chiến sĩ với hai sĩ quan. Địa điểm quy định phải đến - làng Liútcôvô ở gần Iukhơnốp, đường dài - một trăm bốn chục cây số, đường hành quân - hướng đông-nam theo đường Ennha - Xpaxơ Đêmenxk, sau đó theo đường ôtô ở Iukhơnốp mà đi về phía đông. Cự ly hành quân giữa các xe là ba chục mét, trong trường hợp bị máy bay đánh phá thì phải phân tán anh em ra cách xa trục đường. Bản thân ông sẽ đi trên chiếc xe con ở đầu đoàn. Nói lia lịa như gõ mõ một hồi về tất cả những điều ấy xong, ông trung tá lặng im, và hình như ông ta không buồn nói thêm gì nữa.
Khi ông trung tá đã kết thúc bài phát biểu của mình, chính ủy trung đoàn quay sang hỏi thiếu tá biên phòng thuộc phòng đặc biệt.
- Thế nào, đồng chí Đanilốp, đồng chí có thêm bớt gì nữa không, hay chúng ta bắt đầu lên đường?
Ông thiếu tá có cặp môi mím chặt một cách nghiêm nghị ấy rõ ràng là chưa vội trả lời ngay, nhưng rồi cuối cùng ông ta cũng đã chịu mở mồm ra, và bằng một giọng trầm đanh, ông nói là không thêm bớt gì, nhưng có vấn đề muốn hỏi người cao cấp nhất trong đoàn. Nói đến đó, ông quay sang phía Smakốp.
- Đã nộp vũ khí chưa?
- Vũ khi nào? - Smakốp hỏi lại.
- Vũ khí chiến lợi phẩm mà anh em trong đoàn vẫn đang giữ.
- Nhưng tai sao chúng tôi lại phải nộp nhỉ? - Smakốp ngạc nhiên. - Chiến lợi phẩm hay không, đó là vũ khí của chúng tôi, chúng tôi đã mang từ trong vòng vây ra, cớ sao chúng tôi phải nộp?
Mọi người ai nấy đều xao xuyến, bàn tán xôn xao cả lên
Thiếu tá biên phòng đợi cho lắng tiếng ồn, và không hề cất cao giọng, ông nói rằng trong quân đội không có vũ khí của các anh hay vũ khí của chúng tôi, mà chỉ có vũ khí được phát theo biên chế và chỉ trao cho cầm tay khi đã quy định được phép cầm vũ khí trong tay. Theo quy định thì những quân nhân đang được đưa đến chỗ phân loại và phiên chế nói chung đều không được cầm vũ khí, huống hồ đây lại là vũ khí chiến lợi phẩm. Phải nộp vũ khí chứ không được mang theo về hậu phương. Ở đây không có gì phải bàn nữa. - Chưa biết là có hay không có gì phải bàn! - Smakốp gay gắt nói. - Chúng tôi sẽ còn nộp báo cáo đề nghị giữ nguyên sư đoàn của chúng tôi. - Trong giây phút đó, ông đã quên mất rằng chính bản thân ông cũng chưa hề có tên trong biên chế của sư đoàn này.
- Đồng chí chính ủy tiểu đoàn, chúng tôi sẽ không tranh luận với đồng chí về vấn đề này ở đây, - thiếu tá biên phòng nói. - Còn sư đoàn hay không còn sư đoàn, việc đó không phải là do tôi và đồng chí giải quyết, nhưng trong lúc này bất kể là vấn đề đó sẽ được giải quyết ra sao, hẵng cứ phải nộp toàn bộ vũ khí chiến lợi phẩm đã.
- Trừ vũ khí cá nhân, vũ khí của cấp chỉ huy! - ông trung tá cứng như que củi thuộc phòng phiên chế các đơn vị, mà từ nãy đến giờ vẫn thấy thản nhiên ngồi im, bỗng nói tướng lên với vẻ thách thức nữa là khác, một điều khiến cho mọi người hết sức bất ngờ.
Rõ ràng là trong câu chuyện đang xảy ra đã có điều gì tác động sâu sắc đến tâm tư của con người khô khan này.
- Toàn những chuyện bực mình, - Smakốp vừa nói vừa đứng dậy, hai tay nắm lại vì tức giận. - Bực cả mình! - ông to tiếng nhắc lại, giọng ông vang lên lanh lảnh. - Rất bực mình, xấu hổ với anh em! Còn anh thì không biết xấu hổ hay sao? - ông bỗng quát thẳng vào mặt người sĩ quan biên phòng.
Ông này cũng đứng dậy và mặt hơi tái đi, thong thả cài cái nút đầu tiên rồi đến cái nút thứ hai ở trên tấm cặp bản đồ
- Đã có chỉ thị, - ông nói rất khẽ, và người ta cảm thấy rằng ông phải cố gắng lắm mới có thể nói được khẽ như vậy, - mà người ta đã đòi hỏi giải thích lý do của chỉ thị đó, và rồi cũng đã có sự giải thích rằng phải chấp hành những chỉ thị này, vì vậy phải nộp vũ khí chiến lợi phẩm, đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ.
Cuộc đấu khẩu đang sôi sục thì Klimôvíts mà ngay từ đầu đã biến đi đâu mất khá lâu, nay chợt bước vào nhà bạt.
- Đồng chí chính ủy trung đoàn, xin phép báo cáo. Tư lệnh trưởng gọi tôi đến máy nói và ra lệnh chuyển lời tới đồng chí rằng Hội đồng quân sự của tập đoàn quân ra lệnh tập họp liên hoan đoàn quân đã vượt vòng vây dưới sự chỉ huy của lữ đoàn trưởng Xerpilin và tổ chức một cuộc mít tinh ngắn nhân dịp này ngay tại đây, trong khu vực đơn vị do tôi phụ trách.
Tất cả những người có mặt đều đưa mắt nhìn nhau. Chính ủy trung đoàn trong thâm tâm cảm thấy hài lòng: sáng nay, trước khi lên đường, chính ông đã trình bày với trưởng phòng chính trị là nên chấn chỉnh đội ngũ và tổ chức mít tinh ngay tại lữ đoàn xe tăng, nhưng trưởng phòng chính trị lại bảo ông rằng làm việc đó ở gần hỏa tuyến là không phải lúc và không phải chỗ: nhỡ ra bị địch ném bom thì sao!
“Vậy rút cục lại hóa ra không đúng ý ông ta mà đúng ý mình, thế nghĩa là Hội đồng quân sự đã quyết định lại!”,- chính ủy trung đoàn nghĩ thầm.
Trung tá của phòng phiên chế các đơn vị cũng như thiếu tá Đanilốp đều trực thuộc mặt trận, họ không nhận được chỉ thị trực tiếp là nên tố chức mít tinh ở đâu và như thế nào, nhưng họ thấy không thể tranh cãi được với tư lệnh trưởng trong khi mình đang ở trong khu vực tập đoàn quân của ông ta. Họ đành chỉ im lặng đưa mắt nhìn nhau.
Trong khi ấy, Smakốp hân hoan ra mặt.
- Đồng chí chính úy trung đoàn, đồng chí cho phép chứ ạ? - ông hỏi trước khi chưa ai kịp đáp lại những lời của Klimôvíts.
- Vâng, tôi nghe.
- Đại úy Muratốp! Chính trị viên Xintxốp! Truyền lệnh tập hợp... sư đoàn đi! - ông ta hơi ngừng lại một tí rồi vẫn nhất quyết nói thêm cái chữ đã ăn sâu vào ý thức chung của họ
- Thế là phải! - Klimôvíts vừa nói vừa ngồi vào bàn. - Thực ra, tôi đã ra lệnh rồi, nhưng cứ để cho họ đôn đốc, thời giờ của chúng ta ít lắm, tư lệnh trưởng ra lệnh: cứ tiến hành nhưng đừng có lề mề.
Klimôvíts tỏ vẻ thông cảm đưa mắt nhìn ông chính ủy tiểu đoán đã tươi tỉnh hẳn lên; anh thầm gọi cái ông Smakốp có mái đầu bạc trắng không sót lại một sợi đen nào ấy là ông già bướng bỉnh, và thấy đã thích ông ta. Chính vì hiểu được rằng giờ đây Smakốp đang đau xót cho anh em trong đơn vị mình, nên anh bắt buộc phải phát huy tính chủ động.
Anh đã nói dối rằng tư lệnh trưởng gọi mình tới máy điện thoại. Không, chính anh đã tự ý bỏ ra ngoài, đi gọi dây nói cho tư lệnh trưởng, đề nghị cho phép chấn chỉnh đội ngũ và tổ chức mít tinh chớp nhoáng ngay tại chỗ, ngay ở trong lữ đoàn. “Tất nhiên rồi, - tư lệnh trưởng cáu kỉnh nói; hình như ông đang bận lắm, - Trên này đã cho phó phòng chính trị xuống chỗ anh rồi kia mà. Anh còn can thiệp vào làm gì? Ông ấy làm ăn ra sao, không tự mình cân nhắc được à?” - “Báo cáo tư lệnh trưởng, tôi không biết, chắc là ông ấy nhận được chỉ thị khác”.-“Còn chỉ thị khác nào nữa! Cứ tổ chức đi! Miễn là đừng có lể mề”.
- Thôi, thế nhé, - chính ủy trung đoàn vừa ấn hai nắm tay lên bàn vừa nói: - Còn vấn đề gì nữa không?
- Còn vấn đề cũ đấy, chuyện vũ khí ấy, - Smakốp nói.
- Đồng chí trung tá, - người sĩ quan biên phòng ngắt lời ông, nói vói Klimôvíts, - tư lệnh trưởng không ra lệnh gì về việc không giao nộp vũ khí chiến lợi phẩm à?
- Không, - Klimôvíts nói.
- Thế thì vẫn quyết định như trước thôi, - chính ủy trung đoàn vội nói để khỏi tái diễn ra cuộc đấu khẩu. - Chấn chỉnh đội ngũ và tổ chức mít tinh xong là nộp vũ khí chiến lợi phẩm và lên xe!
- Đồng chí chính ủy trung đoàn, hẵng gượm cho một phút, - ông trung tá cứng như que củi của phòng phiên chế các đơn vị đứng lên. Ông ta nhìn Smakốp, lạnh lùng gõ đốt xương ngón tay trỏ xuống bàn trong bầu không khi im lặng, rồi giận dữ nói. - Đồng chí chính ủy tiểu đoàn, đề nghị đồng chí trong khi mít tinh không nên dùng khái niệm “sư đoàn”, bởi vì vấn đề giữ nguyên số hiệu chưa được giải quyết và hiện giờ các đồng chí không phải là sư đoàn mà là một đoàn quân vượt khỏi vòng vây gồm những chiến sĩ và cán bộ của bốn sư đoàn khác nhau và của những đơn vị riêng biệt khác nữa.
“Đồ mặt sắt đen sì!” - Smakốp muốn quát vào mặt ông ta, nhưng nén được lại và nói:
- Xin tuân lệnh!
Điều chủ yếu nhất hiện nay theo lòng mong muốn của ông sẽ chỉ là: “Tập hợp và biểu dương anh em ngay bây giờ, còn việc khác thì mặc xác nó! Việc ấy sẽ xét sau”.
Ông đứng dậy, ra khỏi bàn, đang định đi theo những người khác thì thiếu tá biên phòng đã đến bên ông và khẽ đụng vào ống tay áo ông.
- Đồng chí chính ủy tiểu đoàn, xin đồng chí nán lại, ta trao đổi đôi chút!
- Đồng chí thiếu tá, tôi xin nghe đồng chí! - Smakốp nói vói vẻ ngỡ ngàng, ông tưởng rằng chẳng còn gì để nói thêm nữa.
- Vấn đề là như thế này, - thiếu tá kiên nhẫn chờ cho mọi người ra hết, chỉ còn mình ông với Smakốp ở lại trong nhà bạt, rồi mới nói: - Hiện thời chúng tôi chưa nắm được tình hình nhân sự trong đoàn quân của đồng chí, mà chỉ có đồng chí là biết rõ thôi. Vậy, theo ý đồng chí, đồng chí có thể hoàn toàn bảo lãnh cho từng người đã cùng với đồng chí vượt vòng vây không?
- Bảo lãnh ư? - Smakốp lập tức hỏi lại, giọng gay gắt. - Theo tôi, tự họ đã trả lởi câu hỏi của đồng chí rồi, cụ thể là họ đã không ở lại với quân Đức mà đã chiến đấu phá vòng vây để về với quân ta.
- Đồng chí chính ủy tiểu đoàn, tôi hiểu điều đó, - thấy Smakốp bẻ lại như vậy, thiếu tá nói. - Đối với tôi cũng như đối với đồng chí, việc họ vượt vòng vây về với quân ta là một sự việc có thật. Nhưng quân của đồng chí thoát khỏi vòng vây là có sự chỉ huy, trong những tinh huống đó thường có người tuy cùng vượt vòng vây với những người khác, nhưng không phải do họ chủ định vượt vòng vây, mà chỉ do bị chỉ huy nên mới đành phải cùng vượt vòng vây với mọi người mà thôi. Tuy nhiên. dù vì lý do này hay lý do khác, họ vẫn không làm cho bộ tư lệnh tin cậy được. Trong đoàn quân của đồng chí có ai như thế không?
- Thứ nhất, theo tôi thì không có ai như thế cả, - Smakốp trả lời nhanh gọn, còn thứ hai, chúng tôi đã vượt qua mặt trận, cuối cùng chúng tôi đã về đến nhà, và tôi không hiểu đồng chí lo ngại cái gì?
- Tôi chả lo ngại gì hết, đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ, - người sĩ quan biên phòng làm ra vẻ không nhận thấy thái độ nóng nảy của Smakốp và vẫn trả lời một cách ôn tồn, tỏ ra một sự nhẫn nại không phải xoàng. - Là một người phải chịu trách nhiệm về công việc của mình, tôi còn quan tâm đến một vấn đề nữa: biết đâu trong số người cùng vượt vòng vây với đồng chí lại chẳng có thể có những người gia nhập đoàn quân của đồng chí vì những mục đích riêng tư, trong khi cùng các đồng chí vượt qua mặt trận thì đã đạt được một phần những mục đích đó, rồi sau đây sẽ biến mất ở dọc đường trước khi gặp bất cứ một sự thẩm tra nào, để rồi sẽ hoàn toàn đạt được mọi mục đích của họ. Tôì không biết là ở chỗ các đồng chí có những kẻ đó hay không, nhưng kinh nghiệm cho biết là có thể có đấy. Và thà rằng nên nghĩ đến điều đó ngay bây giờ còn hơn là để sau này, khi đã muộn mất rồi.
- Ở chỗ tôi không có những kẻ như vậy, - Smakốp khăng khăng nhắc lại. - Chúng tôi đã phát hiện ra một tên mạt kiếp như thế và xử bắn rồi, không phải đợi tới lời khuyên của đồng chí. Một tên mạt kiếp khác thì đã tự sát. Còn về việc sớm hay muộn... - ông định nói: “Ôi chao, đồng chí thân mến ơi, thời gian vừa qua tôi với đồng chí đã suy nghĩ quá nhiều và quá sớm cho rằng người nọ người kia không đáng tin cậy, nhưng sau đó khi tỉnh ngộ rằng dù sao người ta vẫn đáng tin cậy thì lúc ấy đã quá muộn mất rồi!” - ông toan nói vậy, nhưng vừa được nửa chừng ông đã tự ngắt lời mình không nói như vậy nữa, mà bảo rằng trước kia ông cũng đã từng công tác trong ủy ban đặc biệt một năm trời, và cũng hiểu thế nào là tinh thần cảnh giác chẳng kém gì đồng chí thiếu tá...
- Nên hiểu câu đó như thế nào? - người sĩ quan biên phòng lạnh lùng hỏi.
- Nên hiểu như thế này, - Smakốp vẫn chưa nguôi cơn nóng nói, - phải tin vào anh em chiến sĩ của ta. Nếu thiếu lòng tin thì đó sẽ không phải là tinh thần cánh giác nữa, mà là thói da nghi, là sự hoang mang.
Lời nói của Smakốp có ý thách thức rõ rệt, nhưng viên thiếu tá biên phòng vẫn không muốn cho đó là nhằm ám chỉ mình, thản nhiên nói rằng vấn đề đúng là như vậy, nhưng hiện thời phải tính đến tình hình thực tế, mà tình hình thực tế lại vô cùng phức tạp, và không thể nhắm mắt làm ngơ được.
- Nhưng tôi có nhắm mắt làm ngơ đâu!
- Thế thì tôi xin hết ý kiến, - người sĩ quan biên phòng nói. - Tôi sẽ đi ở cuối đoàn xe. Trong chiếc “Emka” của tôi còn hai chỗ nữa. Tôi mời đồng chí cùng ngồi với tôi, - ông ta bỗng nói thêm như vậy, tựa hồ như muốn qua lời mời bất ngờ đó mà nhấn mạnh rằng thiếu tá Đanilốp đến đây làm công việc của mình, tự thấy mình lả đúng, đồng thời không một chút nào quan trọng hóa cuộc đấu khẩu với ông chính ủy tiểu đoàn nóng tính.
Con đường mở xuyên qua khu rừng thông lưu niên chạy xa tít mãi đến tận chân trời. Nắng thu lọt qua nhưng đám mây dày chiếu xuống lớp lá thông ẩm ướt sau trận mưa hôm qua thảnh những đốm mờ nhạt. Những chỗ nào cát trơ ra dưới lớp lá thông, mặt cát ở đó đều lỗ chỗ như tổ ong vậy. Khi một làn gió nhẹ thổi qua, những giọt nước mưa hôm qua còn đọng trên cành thông lại rơi xuống rào rào và các chiến sĩ đứng trong hàng lại cười rúc rích, co rúm người lại, thò ngón tay vào trong cổ áo quân phục...
Anh em vừa mới tập họp xong, cấp trên chưa đến, cho nên họ được lệnh đứng ở tư thế “nghỉ”.
Qua một đêm và một buổi sáng, người ta còn đưa thêm tới tiểu đoàn quân y ba chục người nữa, những người mà hôm qua đã hăng máu tự cho mình là còn ở lại đơn vị được. Có hai trăm tám mươi hai người tập họp dọc con đường xuyên qua rừng - đúng một nửa quân số trong danh sách của buổi tối hôm qua, ngay trước trận chiến đấu.
Tất cả anh em đã tập hợp lại đều mang theo vũ khí. Chỉ khoảng chừng năm chục người là mang súng trường ta, còn những người khác qua hai tháng rưỡi trời chiến đấu dần dần tự trang bị cho mình bằng vũ khí Đức - bằng cả súng trường và tiểu liên. Một số còn đeo cả lựu đạn Đức với những cái chuôi dài thò lò ra sau thắt lưng.
Ở sườn bên trái đặt sáu khẩu trung liên mà họ đã mang theo ra khỏi vòng vây - hai của ta và bốn của Đức, và xa hơn chút nữa, ở cuối cánh trái, là khẩu súng cối trợ chiến trung đoàn to tướng của Đức, bên cạnh có hai quả đạn còn nguyên vẹn. Đứng cạnh súng cối là khẩu đội xạ thủ - chính là ba người trong số những pháo thủ đã từ Brext chạy ra sát nhập với đoàn quân của Xerpilin ngay từ ngày đầu bị bao vây. Hôm qua trong cái cảnh âm ti địa ngục ấy, cái cảnh mà lúc gần kết thúc thì nói chung khó lòng hiểu được cái gì với cái gì nữa, thế mà làm thế nào họ đã mang cái nòng kếch xù, cái bệ và thậm chí cả những quả đạn kia ra được, thì đó vẫn là một điều bí mật của họ, và giờ đây họ đang tự hào về việc này và không che giấu lòng tự hào của mình trong khi đang đứng ở đây.
Ở sườn bên phải, cái anh chàng chuẩn úy Kôvantrúc đang đứng nhô lên cao hơn hẳn mọi người một nửa đầu, vẫn lực lưỡng như khi xuất hiện ra trước mặt đại tá cựu sư đoàn trưởng Daitrikốp hồi trước. Suốt cả trong thời gian bị vây, anh đã hai lần bị thương nhẹ và một lần bị thương khá nặng, giờ đây đang đứng trong hàng với cái đầu quấn băng sạch sẽ, ngực ưỡn ra như một lực sĩ, tay cầm lá cờ sư đoàn mở rộng, cờ có cán dài tới tận chân anh. Bất kể ra sao, từ đầu đến cuối: anh đã tự tay mình mang lá cờ đó và đã mang nó thoát ra khỏi vòng vây. Cách đây nửa giờ, khi được lệnh tập hợp, người ta liền bổ đi tìm Kôvantrúc và thấy anh ta ở cửa rừng: anh ta đang ngồi trên một gốc cây cụt dùng dao đẽo một cái cán cờ mới. Bây giờ anh đang đứng cầm lá cờ đã lồng vào cái cán vừa được đẽo chưốt tinh tươm và ai nấy đều có thể đọc trên mảnh lụa thấm đầy mồ hôi đã sờn mòn và đã ngả màu hung hung, đúng những dòng chữ mà cố sư đoàn trưởng Daitrikốp đã đọc hai tháng rưỡi trước đây: “Sư đoàn Cờ đỏ 176… của Hồng quân Công Nông…”.
Giống như tất cả những người khác đang sốt ruột chờ buổi lễ bắt đầu, Xintxốp đứng ở gần lá cờ và đang trò chuyện với một người quen mà anh thật không ngờ được gặp ở đây.
Số là trước lúc gọi dây nói cho tư lệnh trưởng, Klimôvíts đã phòng xa mời sẵn đồng chí tiểu đoàn trưởng quân báo của mình cùng những chiến sĩ xe tăng đã tỏ ra xuất sắc trong trận chiến đấu đêm qua đến để tham dự buổi lễ. Tiểu đoàn trưởng đã đến trên một chiếc xe vận tải; các chiến sĩ cùng đến với anh đang từ trên thùng xe đổ xuống, còn anh thì từ buồng lái nhảy phắt ra và đâm sầm phải một chính trị viên gầy gò, cao kều, đeo khẩu tiểu liên Đức. Cả hai người - đại úy xe tăng và chính trị viên - đều lặng lẽ nhìn nhau trong mấy giây.
- Có phải ta đã từng gặp nhau ở Bôbruixk đấy không nhỉ? - Cuối cùng Xintxốp đã mở lời, bởi vì trong hai người thì anh là người nhớ rõ cuộc gặp gỡ ấy hơn cả. - Anh đã giữ tôi lại, còn chính trị viên phó của tôi là cậu Liuxin ấy mà... thì anh còn bắt phải ở lại đơn vị anh nữa kia... Và cả anh phi công nữa cũng xin ở lại đấy...
- Đúng thế! - Viên đại úy vui vẻ đáp. - Tiếc rằng anh không ở lại với chúng tôi, nếu không, ta đã được cùng nhau chiến đấu rồi.
- Hồi ấy tôi bị thương, - Xintxốp nhắc.
- Thế bây giờ khỏi rồi chứ?
- Khỏi rồi.
- Chưa thêm vết thương nào chứ?
- Tạm thời thì chưa.
- Thế thì trời phù hộ anh đấy. Còn tôi trong suốt thời gian ấy bị chúng nó chọc vào xương bả vai, và nói vô phép anh chứ, cả cái mông cũng đứt mất một mẩu.
- Từ dạo ấy đến giờ anh vẫn ở lữ đoàn này sao? - Xintxốp hỏi.
- À vâng, mà sao kia chứ?
- Té ra lữ đoàn trưởng của anh... - Xintxốp toan nói là “bạn học của tôi”, nhưng lại nói chệch đi - là người quen cũ của tôi.
- À ra thế - người sĩ quan xe tăng mỉm cười. - hồi đó đúng lúc có mặt anh thì tôi đang nói chuyện với anh ấy bằng điện thoại đấy. Vậy mà anh chẳng cho tôi biết là thế nào nhỉ? Nếu cho biết thì tôi đã để hai anh nói chuyện với nhau nhau rồi!
- Úi chà, lại còn cho nói chuyện nữa kia! Lúc ấy thì đừng hòng! - Xintxốp cười phá lên.
- Cũng có thể là như vậy nữa, đại úy nhếch mép cười, - Lúc tình hình đâu đâu cũng gay go cả thì tự mình đành phải siết bù loong lại thôi. Nhưng đến đây thì tôi lại đã niềm nở tiếp đón các anh rồi, các anh đã thọc đúng vào tiểu đoàn quân báo của tôi đấy.
- Theo tôi nhớ thì hồi ấy anh là trợ lý hậu cần kia mà?
- À-à! - đại úy khoát tay. - Khi vượt vòng vây quân Đức thì còn kể gì được đâu là đầu, đâu là đuôi nữa. Lúc thì phải đấm vào mõm chúng, lúc lại phải đá hậu như ngựa ấy chứ. Tôi đã từng làm trợ lý hậu cần, thế mà lại trở thành quân báo đấy, nhưng còn phải giải thích gì cho các anh nữa nhỉ, chính các anh cũng đã vượt vòng vây rồi mà... Và vượt ngổ đấy, ngổ thật! Đã tới một tháng nay không thấy ai vượt ra, mọi người đều đã tưởng rằng sẽ không còn ai ra được nữa cả. Chắc hẳn ông chỉ huy của các anh là một tay ngổ lắm! - Anh ta nói thêm có vẻ tán thưởng. - Nghe nói ông ta bị thương?
Xintxốp gật đẩu.
- Tội nghiệp nhỉ!
- Này, - lại sực nhớ tới Liuxin, Xintxốp bèn hỏi, - thế còn cậu bạn tôi ở lại chỗ anh thì thế nào?
- À, cái cậu chính trị viên phó trẻ măng ấy phải không? Đội cái mũ kêpi oai ra dáng ấy chứ gì? - Người sĩ quan xe tăng cười phá lên. - Ấy, một con người lý thú đấy. Mới đầu cậu ta không muốn ở lại, giở bướng ra. Sau đó, xem chừng không gỡ ra nổi, ba hôm liền chiến đấu rất chững chạc, nhưng tới ngày thứ tư thấy tình hình hơi ổn một tí đã lập tức lên gặp cấp trên phàn nàn: nào là cưỡng bức tôi, nào là tự tiện, và vân vân. Rồi bỏ về tòa báo luôn. Sau mấy ngày đánh nhau đó, cánh mình đã định đề nghị thưởng huy chương cho cậu ấy đấy, nhưng cậu ta đã lại tếch đi mất, cố nhiên phải gạch tên đi thôi.
- Thế còn anh phi công?
- À, anh đó thì tôi không biết đấy, - người sĩ quan xe tăng nhún vai, - Hôm sau, anh ta đã bị thương ngay và bây giờ anh ta ở đâu, ở trên trời, trên mặt đất hay là dưới mặt đất rồi thì tôi cũng chịu.
- Thế còn anh, vậy là anh vẫn mang cái tên Ivanốp như trước và tất cả nước Nga vẫn nhờ ở anh mới đứng vững được đấy chứ?
- Không phải là nhờ ở tôi, mà là nhờ ở cái tên của tôi, - anh sĩ quan xe tăng mỉm cười.
Anh thân mật vỗ vai Xintxốp, rồi lùi lại sau chừng ba bước, khoanh tay lại trước ngực, trầm trồ ngắm nghía hồi lâu lá cờ mà chuẩn úy Kôvantrúc đang cầm.
- Thế này là phải quá rồi! Cảm động đến nổi cả gai ốc lên ấy chứ!
Khi Smakốp bước ra giữa lồi đi, hô “nghiêm” một tiếng, hai hàng ngang bộ đội giãn ra thẳng tắp, vũ khí kêu lách cách rồi mọi người đứng im phăng phắc. Anh em xe tăng thuộc tiểu đoàn quân báo thì đứng ở sườn bên phải đoàn quân, mỗi người cách nhau hai bước, có người chỉ huy đứng ở đầu.
Chính ủy trung đoàn đứng ra phát biểu trước tiên, với giọng dịu dàng, nhỏ nhẻ, ông nói rằng được sự ủy nhiệm của Hội đồng quân sự tập đoàn quân, ông thay mặt Hội đồng chúc mừng anh em đã vượt khỏi vòng vây một cách dũng cảm với vũ khí trong tay và mang theo cả lá cờ. Ông ta không dùng chữ “sư đoàn” cũng chẳng dùng chữ “đoàn bộ đội”, tránh mấy chữ đó mà nói thẳng: “Thưa các đồng chí! Tôi chúc mừng các đồng chí...”. Để đáp lại lời chúc mừng, trong hàng quân anh em hô: “Phục vụ Liên bang Xô viết!”, tiếng hô tuy không đều nhưng rất chân thành.
Sau đó, chính ủy trung đoàn lùi xuống một bước, còn trung tá Klimôvíts thì tiến lên một bước.
Khi phát biểu trước anh em, chính ủy trung đoàn đã không nói điều gì đặc biệt, đáng chú ý cả, chỉ là mấy câu tốt lành và đúng mức mà thôi. Nhưng khi Klimôvíts đưa mắt nhìn khắp hàng quân trước lúc bắt đầu nói, anh bất ngờ trông thấy những giọt nước mắt trên nhiều khuôn mặt.
- Các đồng chí chiến sĩ và cán bộ! - anh nói, giọng sang sảng, rành rọt của mình. - Lữ đoàn xe tăng thứ mười bảy sẽ không hao giờ quên chiến công của các đồng chí và tình anh em của chúng ta trong trận chiến đấu ban đêm, ở cao điểm hai trăm mười một, nơi chúng ta đã yểm trợ lẫn nhau theo tình bạn chiến đấu. Còn tiểu đoàn quân báo của chúng tôi, - anh trỏ tay vào đại úy Ivanốp đứng đằng trước các chiến sĩ tăng, thì sẽ luôn luôn tự hào, vì các đồng chí đã vượt vòng vây ra với quân ta ở trong khu vực chiến đấu của họ. Đại úy, cho bắn súng chào để mừng tinh bạn chiến đấu!
Các chiến sĩ xe tăng giương súng lên, bắn một loạt
Bắt đầu im lặng. Klimôvíts đợi cho qua một giây im lặng nữa, rồi mói nói lên điều duy nhất mà theo ý anh cần phải nói thêm:
- Tiêu diệt bọn phát xít xâm lược!
Smakốp nói thứ ba. Ông ta vớ phải cái thăm khó nhất: vừa phải bế mạc cuộc mít tinh, vừa phải nói những chuyện hoàn toàn tẻ nhạt sau cùng, tức là việc giao nộp vũ khí và trình tự hành quân về hậu phương.
Ông muốn nói nhiều, nhưng đã kìm được mình và chính nhờ thế mới cáng đáng nổi nhiệm vụ. Chỉ có một lần, khi ông giơ tay về phía lá cờ và nói rằng dưới sự chỉ huy của lữ đoàn trưởng Xerpilin là người đã tạm thời phải rời hàng ngũ, vì dưới chính lá cờ này của sư đoàn Cờ đỏ 176, họ sẽ còn đi ngược trở lại qua tất cả những con đường mà họ đã rút lui, thì trong giây lát giọng ông mới hơi lạc đi. Nhưng ông đã cố lấy lại cái giọng bình thường, hiểu rằng đây chẳng phải là nơi than khóc, rồi theo một trực giác nào đó, ông hăng hái hô vang cũng gần chính xác cái câu mả một năm sau đó Xtalin đã nói: “Các đồng chí, rồi đây trên đường phố chúng ta sẽ vẫn lại có hội hè!”.
Trong hàng ngũ vang lên tiếng “hoan hô” không ăn nhịp, hòa lẫn với những giọt nước mắt cảm động.
Smakốp ngưng lại một chút. Bề ngoài ông có vẻ rất bình tĩnh, nhưng bên trong thì ông đã phải vất vả lắm mới giữ nổi sự bình tĩnh ấy. Rồí như nói tới một điều gì hết sức hiển nhiên, ông tuyên bố rằng bởi vì anh em sắp đi về hậu tuyến của mặt trận nên ngay ở đây, trước khi lên đường, anh em cần phải giao nộp lại tất cả vũ khí chiến lợi phẩm hiện có cũng như đạn dược kèm theo. Sau khi nghỉ ngơi và phiên chế lại anh em sẽ được trang bị theo quy định, còn vũ khí chiến lợi phẩm thì ở đây, mặt trận đang cần tới.
- Chúng ta sẽ vẫn giữ lấy danh sách tất cả những gì chúng ta đã giao nộp, các đồng chí ạ, - Smakốp nói thêm, vì cảm thấy trong hàng ngũ có tiếng xôn xao bàn tán, - để nhớ rằng ai đã tước khí giới ai trong lúc chúng ta vượt vòng vảy: ta tước của quân Đức hay quân Đức tước của ta.
Sau đó, ông nói rằng đoàn xe tải đi hành quân về hậu phương đã tới, sau khi nộp vũ khi xong sẽ bắt đầu lên xe ngay, rồi ông hô “nghỉ”.
Các đại đội trưởng và trung đội trưởng chia nhau đi lo liệu việc giao nộp vũ khí, còn Smakốp thì quay lại nhìn chính ủy trung đoản.
“Thế nào? Tất cả mọi việc đều đã tiến hành như chúng ta thỏa thuận đấy chứ?” - cái nhìn của ông có ý hỏi như vậy.
Ông này gật đầu.
- Thế nhưng đồng chí vẫn còn cứ nói đến sư đoàn, chưa tránh được câu chuyện đó! - ông trung tá cứng như que củi cất giọng the thé, tỏ ý trách móc.
- Tôi không nói về sư đoàn, mà nói về lá cờ của sư đoàn! - Smakốp đã hằn học đáp lại, nhưng lại đổi giận làm lành ngay, và mỉm cười. - Tốt hơn hết là đồng chí đừng có dây vào với tôi, đồng chí trung tá ạ. Tôi là một cây biện chứng già đời rồi đấy, đã có cả học hàm về bộ môn này nữa kia; nếu đồng chí định tranh cãi với tôi về cách diễn đạt thì tôi sẽ đưa đồng chí vào xíếc ngay lập tức.
Việc giao nộp vũ khí chiến lợi phẩm chiếm mất một tiếng đồng hồ. Một số chiến sĩ thản nhiên giao nộp: đã quy định thì cứ theo quy định; một số khác lại cay cú lầu bầu chửi đổng; còn một số nữa thì đem súng lục chiến lợi phẩm giấu biến di, tiếc rẻ không muốn rời bỏ chúng.
Xintxốp không có súng lục mà chỉ có một khẩu tiểu liên Đức, nộp xong là hoàn toàn tay trắng. Nhiều sĩ quan khác cũng rơi vào tình trạng như anh, bởi vì trong thời gian vượt vòng vây họ không coi súng lục là một thứ vũ khí quan trọng gì, mà chỉ thích kiếm được khẩu tiểu liên hay khẩu cácbin.
- Các đồng chí, khẩn trương lên! - Klimôvíts bỗng tiến lại gần Smakốp nói vậy. - Đồng chí trực ban tác chiến vừa mới chạy lại chỗ anh báo cáo một điều gì đó khiến sắc thái của anh đột nhiên thay đổi. - Khẩn trương lên! Làm sao để sau đây năm phút là các đồng chí không còn ở đây nữa! - anh tóm tắt.
Rồi không giải thích dài dòng, anh bắt tay Smakốp, đưa tay lên mũ chào những anh em khác, đoạn gọi Ivanốp :
- Đại úy, ta đi thôi!
Xintxốp bèn đuổi theo.
- Đồng chí trung tá! - anh gọi Klimôvíts.
Klimôvíts dừng bước, quay lại bắt tay anh:
- Vania, từ biệt nhé! Các cậu đi đi, đừng chùng chình nữa! Còn tớ thì xin lỗi nhé, bận lắm.
Rồi anh tiếp tục đi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét