Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử
Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014
Chương 7: Quả bom không tồn tại và viên kỹ
sư cũng sắp thế
Nombeko trở lại bên trong hàng rào mười hai
ngàn vôn và cuộc sống tiếp tục. Cô nhận ra rằng, thực ra, cái án vô thời hạn
không làm cô khó chịu bằng thực tế là cô đã không nhận ra điều này ngay từ đầu.
Sau quả bom thứ nhất, quả bom thứ hai và ba
được chế tạo cùng lúc và hoàn thành vài năm sau đó. Hai mươi tháng sau, quả bom
thứ tư và thứ năm cũng sẵn sàng.
Những ngày này các nhóm đã hoàn toàn tách
riêng; không hề biết rằng nhóm kia tồn tại. Chỉ có viên kỹ sư là người kiểm tra
cuối cùng trên mỗi quả bom vừa hoàn thành. Vì chúng được cất giữ ở một trong những
nhà kho bọc thép trong văn phòng của kỹ sư, ông ta có thể ở một mình mỗi lần kiểm
tra. Như vậy ông ta có thể thoải mái cho phép mình có trợ lý là con bé dọn vệ
sinh. Mặc dù vấn đề là chẳng biết ai trợ lý cho ai.
Một lần nữa, một đơn đặt hàng tổng cộng sáu
quả bom ba megaton đã được thỏa thuận và lên ngân sách. Nhưng người đứng đầu dự
án, kỹ sư Engelbrecht van der Westhuizen, không còn kiểm soát nổi cái gì đang
diễn ra, nếu ông ta có bao giờ làm được thế từ hồi đầu, vì như thường lệ, đến
10 giờ sáng là ông ta say bí tỉ. Và nô lệ của ông ta thì quá bận rộn lau dọn và
lén lút đọc trong thư viện nên không thể bao che cho ông ta mọi lúc.
Hơn nữa, cô không bao giờ nhận được cái bàn
chải mới, do đó, việc cọ sàn mất nhiều thời gian. Kết quả là, tình cờ, việc sản
xuất gấp đôi tiếp tục sau quả thứ tư và năm, có nghĩa là quả bom sáu - và thứ bảy!
Một quả bom nguyên tử được sản xuất thừa do nhầm lẫn.
Đó là một quả bom nằm ngoài hợp đồng.
Một quả bom không tồn tại nhưng lại đang hiện
hữu.
Khi người dọn vệ sinh của viên kỹ sư phát
hiện ra vụ lộn xộn này, cô thông báo cho ông chủ, người có lý do để quan tâm đến
nó. Quả bom không tồn tại nên tiếp tục như vậy, nếu không có thể phát sinh rắc
rối. Viên kỹ sư không thể bắt đầu quá trình bí mật tháo dỡ sau lưng Tổng thống
và chính phủ. Dù sao, ông ta cũng chẳng biết tháo thế nào. Và ông ta không có ý
định tiết lộ sự tính toán sai lầm cho nhóm nghiên cứu.
Nombeko an ủi kỹ sư Westhuizen rằng những
quả bom khác có thể được đặt làm trong thời gian tới, và quả bom không tồn tại
kia cứ việc tiếp tục ở chỗ chẳng ai tìm ra nó cho đến khi nó được phép tồn tại.
“Tao cũng đang nghĩ thế”, viên kỹ sư đáp,
trong khi cái ông ta thực sự đang nghĩ là con bé dọn vệ sinh đã lớn phổng lên
và trông rất kháu.
Thế là quả bom chưa từng tồn tại bị cất
trong một buồng kho trống, bên cạnh sáu quả bom anh chị hoàn toàn hiện hữu của
nó. Không ai ngoài viên kỹ sư có thể vào đấy. Tất nhiên trừ Tên-nó-là-gì.
Sau hơn một thập kỷ trong hàng rào đôi của
cơ sở nghiên cứu, Nombeko đã đọc mọi thứ đáng đọc trong thư viện hạn chế của
Pelindaba. Và hầu hết những gì không đáng đọc.
Không tránh được là cô đã có thời gian để
phát triển thành một phụ nữ thực sự; và chẳng bao lâu nữa sẽ hai mươi sáu tuổi.
Đồng thời, như cô được biết, người da đen và da trắng vẫn không được phép pha
trộn, vì theo kinh Cựu Ước Tân giáo, Chúa đã quyết định điều đó. Không phải là
cô đã tìm thấy anh nào thú vị ở cơ sở để pha trộn, nhưng dù sao thì cô đã mơ mộng
về một người đàn ông, về những gì họ có thể làm cùng nhau. Không chỉ đơn thuần
là quan điểm nhất định. Cô đã nhìn thấy những hình ảnh của nó, trong cuốn sách
có chất lượng hơi nhỉnh hơn so với cuốn mà vị giáo sư người Anh về hòa bình
trên Trái đất đã viết năm 1924.
Chà, thà là sống thiếu cái gì đó như là
tình yêu bên trong hàng rào của cơ sở nghiên cứu còn hơn là ở bên ngoài hàng
rào đó mà chết ngỏm. Bằng không, cô sẽ chẳng còn được gần gũi với cái gì ngoài
lũ giòi bọ trong lòng đất nơi cô bị chôn. Vì thế Nombeko ngoan ngoãn vâng lời
và tiếp tục ngậm miệng không nhắc viên kỹ sư rằng bảy năm của cô đã biến thành
mười một năm. Cô cứ ở nguyên chỗ đó. Thêm một ít thời gian nữa.
* * *
Lực lượng vũ trang Nam Phi đã nhận được số
tiền tài trợ cao chưa từng có từ một nền kinh tế còn đủ khả năng chi trả. Cuối
cùng, một phần năm ngân sách không cân bằng một cách vô vọng của đất nước đổ
vào cho quân đội, trong lúc phần còn lại của thế giới đã đưa ra lệnh cấm vận mới.
Một trong những kết quả đau đớn nhất với tâm hồn người dân Nam Phi là nước này
phải chơi bóng đá và bóng bầu dục một mình, vì không ai muốn chơi với nó.
Nhưng Nam Phi vẫn cố gắng tiếp tục được, bởi
vì lệnh cấm vận thương mại không phải trên toàn cầu. Và có rất nhiều người phản
đối những biện pháp trừng phạt tăng lên. Thủ tướng Thatcher tại London và Tổng
thống Reagan ở Washington bày tỏ ý kiến nhìn chung khá giống nhau về vấn đề
này: mỗi lệnh cấm vận mới phải có ảnh hưởng lớn nhất lên những người dân nghèo
nhất. Hoặc như Ulf Adelsohn, lãnh đạo đảng Ôn hòa của Thụy Điển, đã nói rất
hay, “Nếu chúng ta tẩy chay hàng hóa từ Nam Phi, những người da đen nghèo dưới
đó sẽ bị thất nghiệp”.
Trong thực tế, mục tiêu là ở nơi khác. Vấn
đề gai góc cho Thatcher và Reagan (và cả Adelsohn nữa) không phải là chuyện
không thích phân biệt chủng tộc; phân biệt chủng tộc đã không còn ăn khách về
chính trị trong nhiều thập kỷ. Không, vấn đề là cái gì sẽ xuất hiện ở chỗ của
nó. Ví dụ, thật không dễ dàng để chọn giữa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cộng
sản. Hay đúng hơn: tất nhiên là thế, không chỉ với Reagan, người đã đấu tranh để
đảm bảo rằng Cộng sản không được lọt vào Hollywood trong suốt thời gian ông ta
lãnh đạo công đoàn ở Nghiệp đoàn Diễn viên Điện ảnh. Mọi người sẽ nghĩ gì nếu
ông tiêu hàng tỷ đô la vào chạy đua vũ trang đến chết với Cộng sản Liên Xô
trong khi đồng thời lại cho phép một biến thể tương tự chiếm lấy Nam Phi? Thêm
vào đó, Nam Phi hiện đã có vũ khí hạt nhân, bọn khốn kiếp, cho dù chúng cứ chối
là không.
Trong số những người không đồng ý chút nào
với kiểu ậm à ậm ừ của Thatcher và Reagan khi đối mặt với chính sách phân biệt
chủng tộc là Thủ tướng Thụy Điển, Olof Palme và Muammar Gaddafi, người đã dẫn dắt
Libya băng qua chủ nghĩa xã hội. Palme đã gầm lên, “Chế độ phân biệt chủng tộc
không thể cải cách; nó phải được loại bỏ!”. Ngay sau đó chính ông đã bị loại bỏ
bởi một gã loạn trí chẳng hiểu nổi mình đang ở đâu và tại sao mình đã hành động
thế. Hoặc bởi kẻ hoàn toàn trái ngược với gã đó; bí ẩn này chẳng bao giờ giải
được.
[Sven Olof Joachim Palme là một chính trị
gia đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển. Ông bị ám sát trên đường phố Stockholm ngày
28 tháng Hai năm 1986. Lập trường kiên định của Palme cực lực chống lại nạn
phân biệt chủng tộc đã dẫn tới giả thuyết cho rằng cái chết của ông có sự tham
gia của lực lượng an ninh Nam Phi]
Gaddafi, ngược lại, vẫn khỏe mạnh trong nhiều
năm nữa. Ông cho phép chuyển hàng tấn vũ khí đến phong trào kháng chiến giải
phóng dân tộc Nam Phi, và lớn tiếng khẳng định cuộc đấu tranh cao quý chống lại
chế độ áp bức của dân da trắng ở Pretoria, trong khi ẩn trong lâu đài riêng của
mình để tránh kẻ giết người hàng loạt Idi Amin.
Điều này ít nhiều là tình trạng khi thế giới
cho thấy một lần nữa là nếu muốn, nó có thể kỳ quặc đến thế nào. Ở Mỹ, đảng Dân
chủ và đảng Cộng hòa tham gia vũ trang và đứng về phe với Palme và Gaddafi, đồng
thời tạo ra một cuộc nổi dậy trong Quốc hội chống lại Tổng thống của mình. Quốc
hội thông qua một đạo luật cấm tất cả các hình thức thương mại với Nam Phi,
cũng như tất cả các loại đầu tư vào đó. Thậm chí không thể bay trực tiếp từ
Johannesburg đến Hoa Kỳ nữa; bất cứ ai cố gắng làm thế có thể lựa chọn giữa
quay trở lại hoặc bị bắn hạ.
Thatcher, các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu
và phần còn lại của thế giới nhận ra những gì sắp xảy ra. Không ai muốn vào một
đội thua, tất nhiên; ngày càng có nhiều quốc gia đứng sau Hoa Kỳ, Thụy Điển, và
Libya. Nam Phi, như thế giới biết, đã bắt đầu rạn vỡ.
Từ nhà tù tại gia của mình ở cơ sở nghiên cứu,
Nombeko khó có khả năng theo sát những phát triển ở thế giới bên ngoài. Ba cô bạn
Trung Quốc của cô vẫn chẳng biết gì nhiều hơn là các Kim tự tháp thì ở Ai Cập
và đã ở đó khá lâu. Viên kỹ sư cũng chẳng giúp đỡ gì. Phân tích về thế giới bên
ngoài của ông ta ngày càng hạn chế ở những càu nhàu ngẫu nhiên:
“Giờ đến lũ đồng tính ở Quốc hội Mỹ cũng bắt
đầu ra lệnh cấm vận nữa”.
Và đương nhiên, Nombeko chỉ có thể chà đi
chà lại cái sàn trong phòng, thỉnh thoảng hóng xem tivi được tí nào hay tí ấy.
Nhưng bên cạnh những gì gắng thu thập được
từ tin tức truyền hình, cô quan sát. Cô nhận thấy rằng có chuyện đã xảy ra. Nhất
là vì mọi thứ dường như ngừng trệ lại. Không ai vội vã đi qua các hành lang;
không có Thủ tướng, hay Tổng thống nào đến thăm. Một dấu hiệu khác là lượng rượu
viên kỹ sư nốc vào vốn đã rất nhiều giờ thậm chí còn nhiều hơn.
Nombeko tưởng tượng rằng chẳng bao lâu viên
kỹ sư sẽ hoàn toàn hiến mình cho rượu; ông ta có thể ngồi mơ trở lại những năm
xưa khi mọi người xung quanh còn tin rằng ông ta biết cái gì. Vì thế, Tổng thống
có thể đã ngồi ghế cạnh ông ta, lẩm bẩm rằng đấy là lỗi của bọn da đen làm đất
nước này bị lật úp và đi xuống. Trong tình huống đó, cô có thể phải đương đầu với
chính cái điều mà cô cố ngăn nó đừng xảy ra.
“Tôi bắt đầu tự hỏi có phải thực tế đang bắt
kịp Ngỗng và đồng bọn của ông ta”, một buổi tối Nombeko nói với ba cô bạn Tàu của
mình.
Cô nói điều này lưu loát bằng tiếng Ngô của
Trung Quốc.
“Có lẽ sắp đến lúc rồi đấy”, các cô Tàu
đáp.
Bằng tiếng Xhosa, không tồi chút nào.
* * *
Thời thế ngày càng khó khăn hơn cho P.W.
Botha. Nhưng là cá sấu lớn, ông có thể đứng được trong nước sâu, chỉ nhô lên
hai lỗ mũi và đôi mắt của mình.
Ông có thể tung hứng khái niệm về cải cách,
tất nhiên; ông phải theo kịp với thời đại chứ. Loài người đã bị chia thành người
da đen, da trắng, da màu và Ấn Độ trong một thời gian dài. Bây giờ ông đảm bảo
rằng hai loại sau có quyền bỏ phiếu. Và với người da đen cũng thế, nhưng không
phải ở Nam Phi - mà ở quê hương của họ. Botha cũng nới lỏng các nghiêm cấm về mối
quan hệ chung giữa các chủng tộc. Ngày nay, người da đen và người da trắng có
thể - ít nhất là về mặt lý thuyết - ngồi trên cùng một ghế đá công viên. Họ có
thể - ít nhất là về mặt lý thuyết - đi đến cùng một rạp chiếu phim và xem phim
cùng một lúc. Và họ có thể - ít nhất là về mặt lý thuyết - chia sẻ các chất dịch
trong cơ thể (họ cũng có thể làm điều này trong thực tế, nhưng trong trường hợp
đó sẽ phải dùng đến tiền hoặc bạo lực).
Ngoài ra, Tổng thống bảo đảm tập trung quyền
lực về tay mình, tước bớt một số nhân quyền, và áp dụng kiểm duyệt cho báo chí.
Các tờ báo chỉ có thể tự đổ lỗi cho mình nếu không biết viết điều gì hợp lý. Một
đất nước đang bị rung chuyển đến tận cốt lõi đòi hỏi phải có sự lãnh đạo rõ ràng,
không phải hết trang này đến trang khác Tất-cả-hãy-ôm-lấy-nhau theo nghề làm
báo này. Nhưng bất kể Botha xoay thế nào, mọi thứ hóa ra đều hỏng. Nền kinh tế
của đất nước hầu như bất động trước khi nó ngừng lại và rồi bắt đầu chuyển động
theo hướng khác. Quân đội tốn kém không ít để khắc phục từng bước tình trạng
náo loạn trên thực tế ở mỗi khu nhà ổ chuột. Bọn mọi đen chẳng bao giờ hài lòng
với bất cứ điều gì. Cứ nghĩ đến thời kỳ Botha đồng ý thả tự do cho tay Nelson
Mandela chết tiệt nếu hắn hứa tuân thủ chính phủ. “Chỉ cần ông đừng gây khó dễ
nữa”, là yêu cầu duy nhất của Botha.
“Không, tôi thà ở lại nơi tôi đang ở”, tay
đốn mạt ấy trả lời sau hai mươi năm bị cầm tù trên đảo, và hắn đã làm thế.
Thời gian trôi qua, nó trở nên rõ ràng rằng
thay đổi lớn lao nhất mà P.W. Botha mang lại được cho hiến pháp mới là biến
mình từ Thủ tướng thành Tổng thống.
Và Mandela thành một biểu tượng lớn hơn bao
giờ hết.
Ngoài ra thì mọi thứ vẫn y như thế. Không,
không đúng.
Ngoài ra, mọi thứ còn tệ hơn xưa.
Botha đã bắt đầu mệt mỏi với tất cả. Ông nhận
ra rằng mọi thứ có thể thực sự chấm dứt nếu Phong trào giải phóng dân tộc Phi
ANC chiến thắng. Và trong trường hợp đó... chà, ai sẽ tự nguyện nộp sáu vũ khí
hạt nhân vào tay của một tổ chức Cộng sản Da đen? Thà là tháo dỡ các vũ khí, và
thực hiện một cuộc PR về chuyện đó! “Chúng tôi đang gánh vác trách nhiệm”, và đại
loại thế, trong khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nhìn vào. Phải, cách
đó có thể thực sự được việc. Tổng thống vẫn chưa sẵn sàng để quyết định về việc
này, nhưng ông đã gọi riêng cho viên kỹ sư phụ trách tại Pelindaba để bảo hắn
ta tạm ngưng. Khoan đã, có phải mới chín giờ sáng mà giọng hắn đã lè nhè?
Không, không thể thế được.
* * *
Cái lỗi tính nhầm tí tẹo của kỹ sư van der
Westhuizen (người đã biến sáu quả bom thành bảy) đột nhiên biến thành một bí mật
vô cùng tồi tệ. Tổng thống đã đề cập đến khả năng rằng sáu quả bom nguyên tử sẽ
bị phá hủy. Sáu quả bom. Chứ không phải bảy quả. Bởi vì, tất nhiên, nó không tồn
tại. Bây giờ viên kỹ sư hoặc phải thừa nhận sai lầm của mình, thú nhận rằng ông
đã giữ bí mật trong hơn một năm, và bị sa thải nhục nhã với lương hưu tối thiểu
- hoặc ông có thể biến nó thành có lợi cho riêng mình. Và trở nên độc lập về
kinh tế.
Viên kỹ sư lo lắng lắm. Nhưng chỉ lo đến
khi nửa lít Klipdrift còn lại đã ngấm vào trong máu. Sau đó thì quyết định rất
dễ dàng.
Ông ta có thể tính giờ. Ông ta biết rằng thời
của mình đã tới. Thời gian để có một cuộc trò chuyện nghiêm túc với đặc vụ
Mossad A và B.
“Này, Tên-mày-là-gì”, ông ta lè nhè. “Mày
có thể đưa cả hai tay Do Thái vào đây, chúng tao có việc phải bàn!”.
Engelbrecht van der Westhuizen đã phát hiện
ra rằng nhiệm vụ của mình sắp kết thúc, rằng ANC sẽ sớm tiếp quản đất nước, và
rằng ông ta không thể trông mong còn có sự nghiệp gì. Vì vậy, ông ta phải sắp đặt
lại nhà cửa trong khi vẫn còn có một ngôi nhà.
Tên-nó-là-gì đi tìm hai đặc vụ, người đã thỉnh
thoảng giám sát cả quá trình, thay mặt Israel, đối tác của Nam Phi. Khi đi qua
các hành lang, cô nghĩ rằng viên kỹ sư sắp đi quá xa, ít nhất là một bước. Có lẽ
hai.
Đặc vụ Mossad A và B đã có mặt ở văn phòng
của viên kỹ sư. Nombeko đứng trong góc, nơi viên kỹ sư luôn luôn muốn cô ở đó
khi mọi thứ nóng lên.
Kỹ sư Westhuizen hắng giọng.
“A, Do Thái Một và Do Thái Hai, Shalom! Cứ
ngồi đi. Tôi có thể mời các anh chút rượu buổi sáng chứ? Này, Tên-mày-là-gì, mời
các anh bạn đây uống đi!”.
Nombeko thì thầm với hai đặc vụ rằng có nước
đây nếu họ thích. Họ chọn nước.
Kỹ sư van der Westhuizen nói sự thật, rằng
ông luôn luôn may mắn trong cuộc sống và rằng tình cờ mà vận may đã đặt một vũ
khí hạt nhân trong lòng ông ta, một quả bom nguyên tử mà không ai biết nó tồn tại
và do đó không ai có thể bỏ lỡ. Thực sự, viên kỹ sư nói, ông ta phải giữ nó cho
mình và bắn thẳng vào dinh tổng thống một khi Mandela đã được nhậm chức, nhưng
ông ta hơi quá già để một mình tiến hành một cuộc chiến tranh.
“Vì vậy, bây giờ tôi đang tự hỏi, Do Thái A
và Do Thái B, liệu các bạn có muốn kiểm tra với Người Do Thái đứng đầu ở
Jerusalem về việc mua một quả bom loại mạnh hơn. Tôi sẽ giảm giá hữu nghị cho
các bạn. Khoan, đợi chút, không sao. Tôi muốn ba mươi triệu đô la. Mười triệu
cho mỗi megaton. Uống mừng nào!”. Viên kỹ sư nói, và ông nốc cạn chỗ rượu của
mình rồi bực bội nhìn cái chai giờ đã rỗng không.
Đặc vụ Mossad A và B cảm ơn ông một cách lịch
sự về lời đề nghị và hứa sẽ kiểm tra với chính phủ ở Jerusalem để xem thế nào về
vụ mua bán kiểu này với ông Westhuizen.
“Chà, tôi không cầu cạnh ai hết”, viên kỹ
sư nói. “Nếu chỗ này không xong, tôi sẽ bán nó cho người khác. Bây giờ, tôi
không có thời gian để ngồi đây lảm nhảm với các anh”.
Viên kỹ sư rời khỏi văn phòng và cơ sở để
kiếm thêm rượu. Ông ta bỏ lại hai đặc vụ Mossad với Tên-nó-là-gì. Nombeko nhận
ra cái gì đang đe dọa hai người Israel.
“Xin thứ lỗi vì tôi nói ra”, cô nói, “nhưng
tôi tự hỏi liệu có phải vận may của ông kỹ sư vừa chấm dứt lúc này không”. Cô
không nói thêm “và của tôi cũng thế”. Nhưng cô đang nghĩ vậy.
“Tôi luôn luôn ấn tượng vì sự thông minh của
cô, cô Nombeko”, đặc vụ A Mossad nói. “Và tôi cảm ơn trước vì cô đã hiểu”.
Ông ta không nói thêm “Mọi chuyện có vẻ
cũng không hay cho cả cô nữa”. Nhưng ông ta nghĩ thế.
Không phải là Israel không muốn cái mà viên
kỹ sư định bán; họ muốn. Chỉ là người bán là một tay nghiện rượu nặng và rất thất
thường. Nếu họ thực hiện vụ mua bán, sẽ rất nguy hiểm nếu ông ta cứ tự do đi
lòng vòng trên các phố, lè nhè tán chuyện ông ta có tất cả tiền bạc này từ đâu
ra. Mặt khác, họ không thể cứ từ chối lời đề nghị, vì sau đó điều gì sẽ xảy ra
với các quả bom? Viên kỹ sư có khả năng bán nó cho bất kỳ ai.
Vì vậy, họ phải làm việc cần làm. Đặc vụ
Mossad A thuê một người ăn xin ở khu ổ chuột ở Pretoria ăn cắp một chiếc xe cho
ông ta vào đêm hôm sau; đó là một chiếc Datsun Laurel 1983. Để cảm ơn, người ăn
xin nhận được 50 rand (theo thỏa thuận của họ) và một phát súng vào thái dương
(theo sáng kiến riêng của đặc vụ). Đặc vụ A đã lên kế hoạch sử dụng chiếc xe để
chấm dứt may mắn bất tận của viên kỹ sư bằng cách cán qua người ông ta vài ngày
sau đó, khi ông ta đang trên đường về nhà từ quán bar mà ông ta thường xuyên
ghé khi nguồn rượu Klipdrift của mình đã cạn. Vận xui mới được phát hiện của
viên kỹ sư là ông ta bị cán lần thứ hai khi A dừng xe và chạy lùi, và lần thứ
ba khi viên đặc vụ rú ga chuồn nhanh nhất có thể. Trớ trêu thay, viên kỹ sư
đang đi bộ trên vỉa hè khi chuyện xảy ra.
Thế là hết à? ông ta nghĩ giữa lần thứ hai
và thứ ba bị cán, giống như Nombeko đã từng trong một tình huống tương tự mười
một năm trước đó.
Và nó hết thật.
* * *
Đặc vụ Mossad B đến tìm Nombeko ngay sau
khi tin tức về cái chết đến cơ sở nghiên cứu. Vụ việc vẫn đang được xếp là một
tai nạn, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi các nhân chứng và các nhân viên kỹ thuật
khác nhau tại hiện trường có lời khai.
“Có lẽ chúng ta cần trao đổi vài thứ, cô và
tôi, cô Nombeko ạ”, ông ta nói. “Và tôi e là nó khá khẩn cấp”.
Ban đầu, Nombeko không nói gì, nhưng cô đã
suy nghĩ rất lung. Cô nghĩ rằng người bảo lãnh phúc lợi vật chất của mình,
Westhuizen luôn say xỉn, bây giờ đã chết. Cô nghĩ rằng bản thân mình có thể
cũng sắp rơi vào tình trạng tương tự. Nếu cô không nghĩ cho nhanh.
Nhưng cô đã nghĩ ra. Thế là cô nói:
“Vâng, chúng ta cần nói chuyện. Vì thế, cho
phép tôi đề nghị ông, xin ông đặc vụ đưa đồng nghiệp của ông đến đây họp trong
văn phòng của ông kỹ sư, chính xác là ba mươi phút nữa?”
Đặc vụ B từ lâu đã biết rằng cô Nombeko có
cái đầu thông minh. Ông biết rằng cô hiểu tình trạng của mình là bấp bênh. Điều
này khiến ông và đồng nghiệp của ông ở vị thế quyền lực.
Cô Nombeko là người giữ các chìa khóa và được
phép vào hầu hết hành lang cấm. Cô là một trong những người sẽ đảm bảo rằng các
đặc vụ chạm tay được vào các quả bom. Đổi lại, họ sẽ cho cô một lời nói dối trắng
trợn.
Lời hứa rằng cô sẽ được phép sống.
Nhưng bây giờ cô lại cho mình nửa tiếng. Tại
sao? Viên đặc vụ hiểu hầu hết mọi thứ, nhưng không hiểu vụ này. Ôi dào, rốt cuộc
thì nửa giờ chỉ là nửa giờ, cho dù họ đang rất vội. Cơ quan tình báo Nam Phi có
thể nhận ra bất kỳ lúc nào, rằng viên kỹ sư đã bị sát hại. Ngay sau đó nó sẽ
khó khăn hơn rất nhiều để đưa một quả bom ba megaton ra khỏi cơ sở, ngay cả đối
với một đặc vụ từ cơ quan tình báo cộng tác.
Chà, nửa giờ vẫn chỉ là nửa giờ. Đặc vụ B gật
đầu đáp. “Thế thì chúng ta sẽ gặp nhau ở đây lúc mười hai giờ năm nhé”.
“Mười hai giờ sáu phút”, Nombeko đáp.
Trong ba mươi phút đó, tất cả những gì
Nombeko làm là chờ đợi cho thời gian trôi qua. Hai đặc vụ đã quay lại chính xác
giờ họ phải có mặt. Nombeko đang ngồi trên ghế của viên kỹ sư, và cô nhã nhặn
yêu cầu họ ngồi xuống ở phía bên kia của chiếc bàn làm việc. Đó là một cảnh tượng
kỳ lạ. Một người phụ nữ da đen trẻ tuổi ở ghế giám đốc, tại trung tâm của hệ thống
phân biệt chủng tộc Nam Phi.
Nombeko bắt đầu cuộc họp. Cô nói cô hiểu rằng
các đặc vụ Mossad đang muốn có quả bom nguyên tử thứ bảy, quả không tồn tại.
Hay là cô đã hiểu lầm?
Hai viên đặc vụ không nói gì; họ không hoàn
toàn muốn nói ra sự thật bằng lời.
“Chúng ta hãy trung thực trong cuộc họp này”,
Nombeko thúc giục họ. “Nếu không chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu trước khi quá muộn”.
Đặc vụ A gật đầu và nói rằng cô Nombeko đã
hiểu đúng. Nếu cô có thể giúp Israel lấy được quả bom, đổi lại, họ sẽ giúp cô
ra khỏi Pelindaba.
“Mà sau đó không kết liễu tôi giống như cán
qua ông kỹ sư ư?”, Nombeko hỏi. “Hay bắn và chôn vùi tôi trong thảo nguyên gần
nhất?”
“Sao lại thế, cô Nombeko, xin cô!”, Đặc vụ
A nói dối. “Chúng tôi không hề có ý làm tổn hại một sợi tóc trên đầu cô. Cô
nghĩ chúng tôi là gì chứ?”
Nombeko có vẻ hài lòng với lời nói dối của
viên đặc vụ. Cô nói thêm rằng theo hồ sơ, cô đã từng bị cán qua một lần trong đời,
và thế là đủ rồi.
“Các ông có kế hoạch đưa được quả bom ra khỏi
đây như thế nào, nếu tôi được phép hỏi? Giả sử tôi cho các ông vào lấy nó”.
Đặc vụ B trả lời rằng nó tương đối dễ dàng,
chỉ cần họ nhanh chân. Thùng chứa bom có thể được gửi đến Bộ Ngoại giao Israel ở
Jerusalem, và ở đây họ có thể cấp tài liệu xếp nó vào diện thư tín ngoại giao.
Thư ngoại giao được gửi thông qua các đại sứ quán ở Pretoria ít nhất một lần một
tuần; một thùng lớn cũng không có gì bất thường cả, theo đường đó. Miễn là cơ
quan tình báo Nam Phi không khiến đám an ninh của họ nhảy dựng lên và mở thùng
- mà Nombeko và hai đặc vụ có thể chắc chắn điều này sẽ xảy ra ngay sau khi họ
nhận ra viên kỹ sư thực sự đã bị giết như thế nào.
“Vâng, ông đặc vụ, tôi xin đặc biệt cảm ơn
ông về biện pháp đó”, Nombeko đáp, vừa trung thực vừa xảo trá. “Ai trong các
ông đã vinh dự làm vụ ấy?”.
“Tôi nghĩ nó không quan trọng”, đặc vụ A,
người gây tội, đáp. “Cái gì đã làm thì làm rồi, và chúng tôi biết cô hiểu rằng
đó là cần thiết, cô Nombeko ạ”.
Ồ vâng, Nombeko hiểu. Cô hiểu rằng hai đặc
vụ đã sa vào cái bẫy của mình.
“Thế thì, các ông có kế hoạch gì để đảm bảo
rằng tôi sẽ an toàn?”.
Kế hoạch của hai đặc vụ là giấu Nombeko
trong cốp xe của họ; sẽ không có nguy cơ phát hiện khi các biện pháp an ninh
duy trì ở mức hiện tại. Cơ quan tình báo Israel tại Pelindaba đã tồn tại mà
không bị nghi ngờ suốt nhiều năm nay.
Một khi đã ra bên ngoài, tất cả những gì họ
phải làm là lái xe thẳng vào bụi rậm, kéo người phụ nữ từ thùng xe ra, và cho
cô một phát vào trán, thái dương, hoặc gáy, tùy vào cô vật lộn thế nào. Cũng
hơi đáng buồn; cô Nombeko là một phụ nữ đặc biệt theo nhiều cách, và giống như
các đặc vụ, cô đã phải chịu sự khinh miệt được che giấu tệ hại của kỹ sư Westhuizen,
chỉ bởi ý tưởng mù quáng của ông ta rằng ông ta đại diện cho một chủng tộc cao
quý. Thật quá tệ cho cô, nhưng họ có những điều quan trọng hơn phải lo.
“Ý tưởng của chúng tôi là lén đưa cô ra khỏi
đây trong cốp xe chúng tôi”, đặc vụ A cho biết, bỏ đi những gì sẽ xảy ra sau
đó.
“Tốt lắm”, Nombeko nói. “Nhưng không đủ”.
Cô tiếp tục rằng mình không có ý định nhấc một ngón tay lên để giúp các ông đặc
vụ cho đến khi họ đưa cho cô một cái vé máy bay, Johannesburg - Tripoli.
“Tripoli ư?”, Đặc vụ A và B đồng thanh hỏi.
“Cô sẽ làm gì ở đó?”.
Nombeko không trả lời được. Trong suốt những
năm này, mục tiêu của cô là được vào Thư viện Quốc gia ở Pretoria. Nhưng cô
không thể đến đó ngay bây giờ. Cô phải rời khỏi đất nước này. Và Gaddafi ở
Libya đứng về phía Quốc hội Nam Phi, phải không?
Nombeko nói rằng cô muốn đi đến một đất nước
thân thiện để thay đổi, và rằng Libya có vẻ là một lựa chọn tốt trong tình huống
này. Nhưng bằng mọi cách, nếu các ông đặc vụ có một ý tưởng gì tốt hơn, cô xin
lắng nghe.
“Chỉ cần các ông đừng cố gắng nói đến Tel
Aviv hoặc Jerusalem. Bởi vì kế hoạch của tôi gồm cả việc phải sống sót tuần
này, ít nhất là thế”.
Đặc vụ Mossad A ngày càng bị người phụ nữ
trong chiếc ghế trước mặt ông ta mê hoặc. Họ phải cảnh giác để đảm bảo rằng cô
không trốn đi được. Cô đã nhận ra vị thế mặc cả của mình bị yếu - rằng để được
đưa ra khỏi cơ sở, cô không có sự lựa chọn nào khác ngoài tin tưởng hai đặc vụ
mà cô không thể tin tưởng. Nhưng sau đó, ít nhất, cô có thể xoay chuyển tình thế
có lợi cho mình. Vấn đề của cô là sẽ không bao giờ có được bước thứ hai hoặc thứ
ba. Ngay sau khi thùng xe đóng lại, cô sẽ trên đường xuống mộ của mình rồi. Và
thế thì cái gì ghi trên vé cũng chẳng sao. Tripoli, tại sao không. Hay mặt
trăng. Nhưng trước tiên họ phải chơi trò chơi này đã.
“Phải, Libya có lẽ được đấy”, đặc vụ A.
nói: “Cùng với Thụy Điển, đó là đất nước lớn tiếng nhất phản đối hệ thống phân
biệt chủng tộc Nam Phi. Cô sẽ được cấp giấy tị nạn trong vòng mười giây nếu cô
xin”.
“Chà, ông nói đúng quá!”, Nombeko nói.
“Nhưng Gaddafi cũng có mặt hạn chế của ông
ta”, viên đặc vụ tiếp tục.
“Hạn chế ư?”.
Đặc vụ A mừng rỡ nói với cô mọi thứ về gã
điên ở Tripoli, người đã từng tấn công Ai Cập bằng lựu đạn chỉ vì Tổng thống nước
này đã chọn cách đối thoại với Israel. Bày tỏ một số quan tâm với cô Nombeko
cũng không hại gì. Để xây dựng lòng tin cho đến khi cần phải bắn vào sau gáy.
“Vâng, Gaddafi đang săn tìm vũ khí hạt nhân
cũng nhiều như Nam Phi; chỉ là ông ta cho đến nay đã không thành công”.
“Trời ơi”, Nombeko nói.
“Dù sao, ông ta có thể được an ủi bởi thực
tế là ông ta phải có ít nhất hai mươi tấn khí mù tạt lưu trữ, và nhà máy sản xuất
vũ khí hóa học lớn nhất thế giới”.
“Ôi trời”, Nombeko nói.
“Và ông ta đã cấm tiệt bất kỳ sự phản đối,
đình công hay biểu tình nào”.
“Ồ không”, Nombeko nói.
“Và ông ta sai giết hết bất kỳ cứ ai không
đồng ý với ông ta”.
“Liệu ông có còn tí tính người nào không chứ?”,
Nombeko hỏi.
“Ồ, có đấy”, viên đặc vụ nói. “Ông ta đã
chăm sóc chu đáo cho tên cựu độc tài Idi Amin khi Amin khi bị buộc phải trục xuất
khỏi Uganda”.
“Phải rồi, tôi đã đọc về chuyện đó”,
Nombeko nói.
“Còn nhiều chuyện để kể lắm”, đặc vụ A nói.
“Hoặc là không”, Nombeko đáp.
“Đừng hiểu lầm tôi, cô Nombeko. Chúng tôi
quan tâm đến hạnh phúc của cô, và chúng tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra với
cô, ngay cả khi cô vừa bóng gió ám chỉ rằng chúng tôi không đáng tin cậy. Tôi
phải thừa nhận rằng cả hai chúng tôi đều bị tổn thương vì sự ám chỉ đó. Nhưng nếu
cô muốn đi đến Tripoli, chắc chắn chúng tôi sẽ sắp xếp chuyện đó”.
Nghe có vẻ hoàn hảo thật, đặc vụ A nghĩ.
Nghe có vẻ hoàn hảo thật, đặc vụ B nghĩ.
Đây là điều ngu ngốc nhất tôi từng nghe
trong suốt cuộc đời mình, Nombeko nghĩ. Và tôi đã từng có thời gian với tay trợ
lý vệ sinh môi trường của thành phố Johannesburg và viên kỹ sư say xỉn méo mó
hình ảnh. Các ông đặc vụ lo lắng về hạnh phúc của tôi ư? Cô có thể sinh ra ở
Soweto, nhưng không phải mới ngày hôm qua.
Libya có vẻ không còn thú vị nữa.
“Thụy Điển thì sao nhỉ?”, cô hỏi.
Phải, nó có lẽ sẽ thích hợp hơn, hai đặc vụ
nghĩ. Chắc chắn là người ở đó mới giết chết Thủ tướng của mình, nhưng ít nhất
thì những người bình thường có thể đi bộ trên phố mà không hề hấn gì. Và như họ
đã nói, người Thụy Điển đã nhanh chóng chấp nhận Nam Phi, miễn là họ nói rằng họ
chống lại chế độ phân biệt chủng tộc - và hai đặc vụ có lý do để tin rằng
Nombeko có.
Nombeko gật đầu. Rồi cô ngồi đó trong im lặng.
Cô biết Thụy Điển ở đâu. Gần như ở Bắc Cực. Xa Soweto, và đó rõ ràng là một điều
tốt. Xa tất cả mọi thứ đã từng là cuộc sống của cô cho đến nay. Tự hỏi cô có thể
sẽ thèm nhớ cái gì ở đó?
“Nếu có bất cứ thứ gì cô muốn mang theo đến
Thụy Điển, cô Nombeko, chắc chắn chúng tôi sẽ cố hết sức để giúp cô có được nó”,
đặc vụ B nói, để gây dựng lòng tin hơn với 0 phần trăm sự thật.
Nếu ông cứ tiếp tục thế này thì tôi gần như
có thể bắt đầu tin tưởng ông, Nombeko nghĩ. Nhưng chỉ gần như thôi. Nó sẽ là cực
kỳ không chuyên nghiệp nếu ông không cố gắng giết tôi ngay sau khi đã nhận được
những gì ông muốn.
“Một thùng thịt linh dương khô sẽ hay đấy”,
cô nói. “Tôi không thể tưởng tượng rằng họ có linh dương ở Thụy Điển”.
Không, A và B cũng không nghĩ thế. Hai đặc
vụ sẽ ngay lập tức thu xếp các nhãn địa chỉ cho một gói nhỏ và một gói lớn. Quả
bom trong thùng sẽ gửi đến Bộ Ngoại giao ở Jerusalem, thông qua đại sứ quán ở
Pretoria. Và chỉ trong vài ngày, cô Nombeko có thể ký nhận thùng thịt linh
dương tại Đại sứ quán Israel ở Stockholm.
“Thế thì chúng ta thỏa thuận chứ?”, Đặc vụ
A hỏi, nghĩ rằng mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp nhất.
“Vâng”, Nombeko nói. “Chúng ta thỏa thuận.
Nhưng còn một điều nữa”.
Còn một điều nữa ư? Đặc vụ A khá nhạy bén với
loại công việc mà ông ta làm. Ông ta đột nhiên nghi ngờ rằng mình và đồng nghiệp
đang đếm cua trong lỗ.
“Tôi nhận ra là chúng ta không có nhiều thời
gian”, Nombeko nói. “Nhưng có một thứ tôi cần phải chăm sóc trước khi chúng tôi
có thể rời đi”.
“Chăm sóc ư?”
“Chúng ta sẽ gặp nhau ở đây lần nữa trong một
tiếng, vào một giờ hai mươi phút; có lẽ các ông phải nhanh chân lên để kịp kiếm
được cả vé máy bay và thịt linh dương trước giờ đó”, cô nói, và rời khỏi phòng
qua cánh cửa phía sau bàn làm việc của viên kỹ sư, đi vào căn phòng mà hai đặc
vụ không vào được.
Hai đặc vụ bị bỏ lại một mình trong văn
phòng
“Chúng ta có đánh giá thấp cô ta không nhỉ?”,
A hỏi B.
B trông lo lắng.
“Nếu anh đi lấy vé thì tôi đi lấy thịt”,
ông ta nói.
* * *
“Ông thấy đây là cái gì?”, Nombeko nói khi
cuộc họp tiếp tục, và cô đặt một viên kim cương thô trên bàn kỹ sư Westhuizen.
Đặc vụ A là một tay trò nào cũng tỏ. Ông
đã, ví dụ, dễ dàng xác định niên đại một con ngỗng gốm từ thời nhà Hán thành những
năm 1970 ở Nam Phi. Và ông ngay lập tức có thể nói rằng vật trước mặt ông ta
bây giờ có lẽ trị giá khoảng một triệu đồng Shekel.
[Shekel: tiền Israel].
“Tôi thấy rồi”, ông ta nói. “Cô định đi đến
đâu với nó, cô Nombeko?”.
“Tôi định đi đâu ư? Tôi muốn đến Thụy Điển.
Chứ không phải đến cái huyệt đằng sau một bụi cây trên thảo nguyên”.
“Và đó là lý do cô muốn tặng cho chúng tôi
một viên kim cương ư?”, Đặc vụ B, không giống đặc vụ A, có thể vẫn còn đánh giá
thấp Nombeko, hỏi.
“Ông nghĩ tôi là loại người nào, ông đặc vụ?”.
Cô nói. “Không, tôi chỉ muốn sử dụng viên kim cương này để thuyết phục rằng tôi
có thể đưa được một gói nhỏ ra khỏi cơ sở kể từ lần cuối chúng ta gặp nhau. Bây
giờ ông phải quyết định liệu ông có tin rằng tôi đã thành công trong việc đó,
ví dụ với sự trợ giúp của viên kim cương khác như thế này. Và liệu sau đó tôi
đã được xác nhận rằng cái gói đó đến đích với sự trợ giúp của một viên kim
cương nữa. Và liệu ông có tin rằng một trong hai trăm năm mươi công nhân đầy tự
trọng và luôn bị trả lương thấp tại Pelindaba có thể đã đồng ý với một thỏa thuận
như vậy. Hay là các ông không tin điều đó”.
“Tôi chẳng hiểu gì cả”, đặc vụ B nói.
“Chà, tôi nghi ngờ điều tồi tệ nhất”, đặc vụ
A lẩm bẩm.
“Đúng vậy”, Nombeko nói, mỉm cười. “Tôi đã
ghi âm lại cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng ta, trong đó ông đã thú nhận giết
chết một công dân Nam Phi, cũng như hành vi trộm cắp một vũ khí hủy diệt hàng
loạt của Nam Phi. Tôi chắc chắn rằng cả hai ông hiểu những hậu quả ông và quốc
gia của ông sẽ phải đối mặt nếu cuốn băng đó được bật lên cho... chà, những người
hiểu biết. Tôi sẽ không để cho ông biết nơi tôi đã gửi nó. Nhưng người nhận đã
xác nhận qua sứ giả tôi hối lộ rằng đó là nơi tôi muốn nó đến. Nói cách khác,
nó không còn ở đây tại cơ sở này. Nếu tôi nhận lại nó trong vòng hai mươi bốn -
không, xin lỗi, hai mươi ba giờ và ba mươi tám phút; khi vui thì thời gian trôi
nhanh lắm - tôi cam đoan với ông rằng nó sẽ biến mất mãi mãi”.
“Còn nếu cô không đến nhận nó, nó sẽ được
công bố?”, A thêm vào.
Nombeko trả lời lập tức:
“Vâng, tôi nghĩ rằng cuộc họp này đã xong.
Thật hồi hộp để xem liệu tôi có sống sót qua chuyến du hành trong thùng xe
không. Chắc chắn là có vẻ như cơ hội của tôi đã tăng lên. Từ con số không”.
Rồi cô đứng dậy, nói rằng gói thịt linh
dương phải được gửi đến các bộ phận chuyển thư trong vòng ba mươi phút, còn
chính cô sẽ đảm bảo việc chuyển cái thùng lớn hơn; sau hết, nó ở phòng bên cạnh.
Ngoài ra, cô mong nhận được các giấy tờ thích hợp: tem, các mẫu đơn và bất cứ
thứ gì cần thiết khác để hai cái thùng hợp lệ, không ai được sờ vào nếu không
muốn gây khủng hoảng ngoại giao.
A và B gật đầu ủ rũ.
* * *
Hai đặc vụ Israel đã phân tích tình hình mới.
Họ cho rằng rất có thể người đàn bà dọn vệ sinh chết tiệt đã có băng ghi âm cuộc
trò chuyện trước đó của họ, nhưng họ không chắc chắn rằng cô ta đã lén tuồn được
nó ra khỏi Pelindaba. Không nghi ngờ gì là cô ta đã có ít nhất một viên kim
cương thô, và nếu có một thì cô ta có thể có nhiều. Và nếu cô ta có nhiều thì
có thể là một trong nhiều công nhân có đặc quyền miễn kiểm tra an ninh tại cơ sở
đã rơi vào sự cám dỗ và bảo đảm an toàn tài chính của gia đình mình đến hết đời.
Có thể, nhưng không chắc chắn. Một mặt, người phụ nữ dọn vệ sinh (họ không còn
gọi cô bằng tên vì đã quá khó chịu với nó) đã có mặt tại cơ sở được mười một
năm; mặt khác hai đặc vụ đã không bao giờ nhìn thấy cô với một người da trắng
nào, ngoại trừ chính hai đặc vụ. Có phải một trong hai trăm năm mươi công nhân
đã thực sự bán linh hồn mình cho người phụ nữ mà sau lưng cô họ gọi là Mọi đen?
Khi hai đặc vụ xét thêm về hướng tình dục -
có nghĩa là, khả năng, hay đúng hơn là nguy cơ, mà người phụ nữ dọn vệ sinh đã
hối lộ thêm cả cơ thể của mình - tỷ lệ cược chuyển thành bất lợi cho hai đặc vụ.
Bất cứ ai đủ đồi bại để chạy việc vặt cho cô ta kiếm một viên kim cương cũng sẽ
đủ đồi bại để tố giác cô ta. Nhưng bất cứ ai đang hi vọng kiếm chác phiêu lưu
tình dục trong tương lai sẽ chỉ thấy bứt rứt con cu của mình thôi. Hoặc ở một
chỗ khác, nếu như hắn có thể mó tới được.
Tóm lại, đặc vụ A và B đoán rằng khả năng
sáu mươi phần trăm là Nombeko thực sự đang nắm con át chủ bài, như cô đã tuyên
bố, và khả năng bốn mươi phần trăm là cô không có gì. Và tỷ lệ đặt cược quá thấp.
Tác hại cô ấy có thể mang lại cho họ và - trên hết! - cho tổ quốc Israel là
không thể đong đếm được.
Vì vậy họ quyết định là người phụ nữ dọn vệ
sinh sẽ đi cùng trong thùng xe, nhận được một vé đến Thụy Điển và 10kg thịt
linh dương sẽ được gửi đến Stockholm, tất cả đúng như kế hoạch - và cô ấy sẽ
không bị bắn vào gáy như kế hoạch. Hay trán. Hoặc bất cứ nơi nào khác. Chừng
nào còn sống, cô vẫn còn là một nguy cơ. Nhưng hiện thời, cô là một nguy cơ lớn
hơn nếu cô chết.
Hai mươi chín phút sau, Nombeko nhận được
vé máy bay và thịt linh dương như đặc vụ A đã hứa với cô, và cả hai bản sao của
các mẫu đơn đã điền sẵn hợp lệ cho thư ngoại giao. Cô cảm ơn họ và nói rằng
mình sẵn sàng ra đi trong vòng mười lăm phút; cô chỉ muốn chắc chắn rằng cả hai
gói đã được xử lý một cách chính xác. Điều cô ám chỉ - nhưng không nói ra - là
cô sẽ có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với các cô Tàu.
“Một gói lớn và một gói nhỏ ư?”. Cô út, người
sáng tạo nhất trong ba chị em hỏi. “Chị Nombeko có phiền nếu chúng em...”.
“Vâng, chỉ cần thế thôi”, Nombeko nói. “Hai
gói này không gửi đến mẹ các chị ở Johannesburg đâu. Gói nhỏ gửi đi Stockholm;
cho em, và em hy vọng thế là đủ để các chị không chạm vào nó. Gói lớn sẽ gửi đi
Jerusalem”.
“Jerusalem?”. Cô hai hỏi.
“Ai Cập”, cô cả giải thích.
“Chị sắp ra đi à?”. Cô em út hỏi.
Nombeko tự hỏi làm sao mà viên kỹ sư lại có
thể nảy ra ý tưởng để ba cô phụ trách thư tín.
“Vâng, nhưng đừng nói gì cho bất cứ ai nhé.
Lát nữa, em sẽ được tuồn khỏi đây. Em sẽ đi Thụy Điển. Chắc chúng ta phải nói lời
tạm biệt ngay bây giờ; các chị là những người bạn tốt”.
Và sau đó họ ôm nhau.
“Giữ gìn nhé, Nombeko”, các cô Tàu nói bằng
tiếng Xhosa.
“再见”[tái kiến], Nombeko trả lời. “Tạm biệt!”
Rồi cô đi đến văn phòng của viên kỹ sư, mở
ngăn kéo bàn và lấy hộ chiếu của mình.
“Xin cho tôi đến Nhà hát Chợ, chỗ cái chợ,
trung tâm Johannesburg ấy”, Nombeko nói với đặc vụ A khi bò vào cốp xe gắn biển
ngoại giao.
Cô nói như bất kỳ khách quen nào nói chuyện
với tài xế taxi quen. Có vẻ như cô biết rõ Johannesburg từ trong ra ngoài - như
thể cô biết nơi mình sẽ tới. Sự thật là một vài phút trước đó, cô đã giở lướt
qua một cuốn sách cuối cùng trong thư viện Pelindaba và tìm chỗ nào có lẽ là
nơi đông đúc nhất trong cả nước.
“Tôi hiểu”, đặc vụ A nói. “Được chứ”.
Rồi ông ta đóng cốp xe.
Ông ta hiểu rất rõ rằng Nombeko không định
để họ lái xe đưa cô đến người giữ cuốn băng để họ có thể giết cả hai.
Ông ta cũng hiểu rằng một khi họ đến đó,
Nombeko sẽ tìm cách biến mất trong đám đông trong vòng hai phút. Ông ta hiểu rằng
Nombeko đã giành chiến thắng.
Một hiệp.
Nhưng ngay sau khi quả bom đã đến
Jerusalem, sẽ chẳng còn bất kỳ bằng chứng hữu hình nào về vụ đánh cắp này. Sau
đó, cuốn băng có thể được tua đi tua lại, bất cứ lúc nào và ở đâu; họ chỉ việc
phủ nhận nó. Đằng nào thì mọi người cũng chống lại Israel; tất nhiên có những
cuốn băng thuộc loại đó trôi nổi loanh quanh. Tuy nhiên, tin tưởng vào chúng chỉ
vì chúng tồn tại sẽ là ngớ ngẩn. Lúc đó sẽ tới lúc cho hiệp hai.
Vì đừng ai gây chuyện với Mossad.
* * *
Chiếc xe của hai đặc vụ rời Pelindaba lúc
14:10 ngày thứ Năm 12 tháng Mười một 1987. Đến 03 giờ 01 cùng ngày, thư gửi đi
trong ngày đã được đưa qua cũng cổng đó. Nó bị muộn mười một phút vì họ phải đổi
xe do có một thùng lớn.
Vào 3:15, giám đốc cuộc điều tra xung quanh
cái chết của kỹ sư van der Westhuizen xác nhận rằng ông ta đã bị sát hại. Ba
nhân chứng độc lập đã đưa ra lời khai tương tự. Hơn nữa, hai trong số họ là người
da trắng. Lời khai của họ đã được chứng thực bởi các quan sát của giám đốc điều
tra tại hiện trường. Có vết cao su ở ba điểm cùng bị phá hủy trên khuôn mặt của
kỹ sư. Nó phải bị cán qua bởi ít nhất ba lốp xe - tức là, mỗi bên có nhiều hơn
một lốp xe so với chiếc xe bình thường. Như vậy, viên kỹ sư đã, hoặc là bị cán
bởi nhiều hơn một xe, hoặc - như các nhân chứng thống nhất - nhiều lần bởi cùng
một chiếc xe. Phải mất thêm mười lăm phút nữa nhưng đến 3:30, an ninh tại cơ sở
nghiên cứu đã được tăng lên một cấp. Người phụ nữ da đen ở vòng bên ngoài đã bị
sa thải ngay lập tức, cùng với người phụ nữ da đen dọn vệ sinh ở cánh G trung
tâm và ba người châu Á trong nhà bếp. Cả năm người sẽ bị bắt đưa đến cơ quan
tình báo phân tích rủi ro trước khi hầu hết có lẽ sẽ được thả. Tất cả các xe ra
vào đều bị kiểm tra, kể cả khi đích thân người chỉ huy quân đội ngồi sau tay
lái!
* * *
Nombeko tìm đường trong sân bay theo dòng
người, và đã qua kiểm tra an ninh trước khi cô thậm chí hiểu rằng nó tồn tại và
cô phải bị kiểm tra. Cô nhận ra sau khi thực tế là những viên kim cương trong
đường nối áo khoác không làm máy dò kim loại rú lên.
Vì các đặc vụ Mossad phải mua vé gấp như vậy
nên chỉ còn hạng ghế đắt tiền nhất. Do đó, chỗ ngồi của cô trên máy bay là chỗ
tốt. Các tiếp viên hàng không mất một lúc mới thuyết phục được Nombeko rằng ly
Champagne de Pompadour Brut mà cô được mời đã bao gồm trong giá. Cũng như thức
ăn sau đó. Cô cũng bị, nhã nhặn nhưng kiên quyết, mời trở lại ghế của mình khi
cô cố gắng giúp đỡ dọn sạch khay của các hành khách khác.
Nhưng cô chỉ phát hiện ra điều đó vào thời
điểm nhận được món tráng miệng, với mâm xôi hạnh nhân nướng, mà cô nhâm nhi với
một tách cà phê.
“Mời cô dùng thêm rượu với cà phê ạ?”. Tiếp
viên nhã nhặn mời mọc.
“Vâng, làm ơn”, Nombeko nói. “Bạn có
Klipdrift không?”.
Chẳng bao lâu sau, cô ngủ thiếp đi. Cô ngủ
yên giấc và ngon - trong một thời gian dài.
Khi đến sân bay Stockholm Arlanda, cô theo
các hướng dẫn của hai đặc vụ Mossad, những người đã bị lừa một cách ngoạn mục.
Cô đi đến chỗ cảnh sát biên phòng đầu tiên mà mình nhìn thấy và xin được tị nạn
chính trị. Cô viện lí do là thành viên trong tổ chức bị cấm ANC, nghe nó có vẻ ổn
hơn so với khai rằng cô vừa giúp cơ quan tình báo của một quốc gia khác ăn cắp
vũ khí hạt nhân.
Buổi thẩm vấn đầu tiên của cô với cảnh sát
biên giới Thụy Điển đã diễn ra trong một căn phòng sáng sủa với cửa sổ nhìn ra
đường băng. Một cái gì đó đã xảy ra ngoài đó, cái mà Nombeko chưa từng trải
nghiệm. Tuyết đang rơi. Đó là những bông tuyết đầu tiên của mùa đông, ngay ở giữa
mùa xuân của Nam Phi.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét