Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử - Chương 14

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử

Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014

Phần thứ tư

 Cuộc sống không dễ dàng, chỉ miễn là nó không trống rỗng.
- Lise Meitner -

Chương 14: Vị khách không mời và cái chết đột ngột

Vào mùa xuân năm 1994, Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên và cho tới lúc đó là duy nhất trên thế giới phát triển vũ khí hạt nhân cho chính mình rồi từ bỏ chúng. Họ tự nguyện đồng ý xóa bỏ chương trình hạt nhân của mình trước khi thiểu số da trắng buộc phải bàn giao quyền lực cho người da đen. Quá trình này mất nhiều năm và được thực hiện dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Khi mọi thứ chính thức kết thúc, cơ quan này xác nhận rằng sáu quả bom nguyên tử của Nam Phi không còn tồn tại.
Tuy nhiên, quả thứ bảy, cái quả không bao giờ tồn tại - lại vẫn còn tồn tại. Hơn nữa, nó sẽ sớm được chuyển đi.
Tất cả bắt đầu khi cô gái trẻ nóng tính cảm thấy mệt mỏi vì không bao giờ bị cảnh sát bắt. Họ đang suy nghĩ cái quái gì thế? Cô lái xe quá nhanh, vượt qua vạch liền, nhấn còi khi các bà già băng qua đường. Thế mà năm năm trôi qua, không có bất kỳ một cảnh sát nào tỏ ra quan tâm tí nào đến cô. Có hàng ngàn cảnh sát ở đất nước này, lũ đó đáng bị đày xuống địa ngục, và Celestine không có dịp nào để thông báo cho một người trong đám đó sự thực này.
Ý tưởng rằng mình có thể được hát Non, je ne regrette rien vẫn còn quá dễ chịu khiến cô chưa bỏ việc, nhưng một cái gì đó thực sự phải xảy ra sớm, trước khi cô thức dậy thấy mình đã bị hợp thức hóa. Cứ nghĩ đến chuyện Holger Hai đã đề nghị vài ngày trước đó: rằng cô sẽ nhận được giấy phép lái xe thật. Nó sẽ làm hỏng tất cả mọi chuyện!
Bực tức, cô đi đến gặp Holger Một ở Bromma và nói với anh rằng họ phải làm nên dấu ấn của mình bây giờ.
“Dấu ấn của bọn mình á?”, Holger Một hỏi.
“Đúng rồi. Quậy tung lên”.
“Chà, ý em là gì?”
Cô gái trẻ nóng tính không nói được chính xác. Nhưng cô đã đi đến cửa hàng gần nhất và mua một tờ Dagens Nyheter, báo của giai cấp tư sản cứt đái, thứ công cụ của chính quyền. Lũ chết tiệt!
Rồi cô lật qua các trang. Và giở thêm nữa. Cô tìm thấy rất nhiều điều khiến cô thậm chí còn tức giận hơn so với mức giận bình thường, mà trên hết là một bài viết ngắn trên trang mười bảy đã thực sự làm cô không chịu nổi.
“Đây!”, cô nói. “Chúng ta không thể chấp nhận điều này!”
Bài báo cho biết đảng Dân chủ Thụy Điển, mới được thành lập không lâu, đang lên kế hoạch biểu tình tại Sergels Torg ở Stockholm ngày hôm sau. Gần ba năm trước đó, đảng này đã nhận được 0,09 phần trăm số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội Thụy Điển, và theo cô gái trẻ nóng tính thế là nhiều phiếu phát tởm. Cô giải thích với bạn trai mình rằng đảng đó gồm bọn phân biệt chủng tộc ngầm và do một tên cựu phát xít dẫn dắt, và rằng tất cả bọn chúng đều phát điên về Hoàng gia!
Cô gái trẻ nóng tính cảm thấy rằng cái mà cuộc biểu tình của đảng Dân chủ Thụy Điển cần hơn bất cứ điều gì khác là... một cuộc biểu tình chống đối!
Phần quan điểm của đảng về vị thế của vua và hoàng hậu khiến cơn giận của Holger cháy bùng lên. Nó sẽ rất tuyệt vời để xây đắp ý kiến trong tinh thần của cha anh, Ingmar, sau ngần ấy năm.
“Phải đấy, ngày mai anh được nghỉ”, anh nói. “Đi, mình về nhà ở Gnesta để chuẩn bị sẵn sàng đi!”
Nombeko đi ngang Holger Một và cô gái trẻ nóng tính lúc họ đang làm biểu ngữ cho cuộc biểu tình ngày hôm sau. Biểu ngữ viết ĐẢNG DÂN CHỦ THỤY ĐIỂN CÚT KHỎI THỤY ĐIỂN, HOÀNG GIA CHẾT ĐI, TỐNG CỔ TÊN VUA LÊN MẶT TRĂNG VÀ ĐẢNG DÂN CHỦ THỤY ĐIỂN NGU XUẨN.
Nombeko đã đọc một chút về đảng này, và cô gật đầu công nhận. Là cựu phát xít tất nhiên không phải là một trở ngại để có sự nghiệp chính trị. Hầu như tất cả các Thủ tướng của Nam Phi trong nửa sau của thế kỷ XX đều có chính nền tảng đó. Sự thật là đảng Dân chủ Thụy Điển đã chỉ nhận được một phần nghìn số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, nhưng bài vận động bầu cử của họ được xây trên nỗi sợ hãi, và Nombeko tin rằng nỗi sợ có một tương lai tươi sáng phía trước; luôn luôn có.
Vì vậy, Nombeko thực sự không thể đồng ý với phần ĐẢNG DÂN CHỦ THỤY ĐIỂN NGU XUẨN. Thực ra, như một kẻ phát xít, nó khá khôn ngoan để tránh việc đề cập đến mình như vậy.
Khi nghe điều này, cô gái trẻ nóng tính đã tuôn ra một bài phát biểu, chủ đề là cô nghi ngờ chính Nombeko là một kẻ phát xít.
Nombeko bỏ lại hai nhà sản xuất biểu ngữ và đi tìm Hai, nói với anh rằng họ có thể phải đối mặt với rắc rối, vì ông anh thảm họa của Hai và bạn gái anh ta đang trên đường đến Stockholm để gây rối.
“Ôi chà, có nền hòa bình nào kéo dài được đâu”, Holger Hai nói, mà không biết mức độ khốn khổ đang chờ đợi.
* * *
Diễn giả chính tại cuộc biểu tình của đảng Dân chủ Thụy Điển là lãnh đạo đảng. Ông đứng trên một cái bục tự chế, micro trong tay, nói chuyện về các giá trị Thụy Điển và về những mối đe dọa đối với nó. Ông yêu cầu, trong số những thứ khác, chấm dứt nhập cư và tái áp dụng hình phạt tử hình đã không được thực hiện ở Thụy Điển kể từ tháng Mười một năm 1910.
Đứng trước ông ta là khoảng năm mươi người cùng chí hướng, đang vỗ tay hoan hô. Và ngay phía sau họ là cô gái trẻ nóng tính và bạn trai của cô với các biểu ngữ vẫn còn bọc kín. Kế hoạch là sau khi lãnh đạo đảng nói xong thì mới xen ngang biểu tình phản đối, như vậy không sợ bị át đi.
Tuy nhiên, khi bài phát biểu tiếp tục, hóa ra Celestine không chỉ trẻ và nóng tính mà còn cần đi vệ sinh. Cô thì thầm vào tai Holger rằng cô phải lẻn vào Kulturhuset [Nhà văn hóa] bên cạnh quảng trường, nhưng sẽ quay lại ngay.
“Và lúc đó họ sẽ mệt với mình đấy”, cô nói, tặng Holger Một một nụ hôn lên má.
Thật không may, diễn giả kết thúc sớm. Khán giả bắt đầu tản ra nhiều hướng khác nhau. Holger Một cảm thấy mình phải hành động một mình, và anh xé giấy bọc của biểu ngữ đầu tiên, lộ ra ĐẢNG DÂN CHỦ THỤY ĐIỂN NGU XUẨN. Thực ra anh có thích cái TỐNG TÊN VUA LÊN MẶT TRĂNG, nhưng anh phải dùng tạm cái này đã. Thêm vào đó, đây là cái Celestine thích.
Biểu ngữ vừa lộ ra chưa được vài giây thì hai thanh niên đảng Dân chủ Thụy Điển nhìn thấy. Họ không hài lòng.
Mặc dù cả hai đều tàn tật, họ chạy đến chỗ Holger, giật biểu ngữ trên tay anh, và cố gắng xé nó ra thành nhiều mảnh. Khi làm thế không được, một trong hai người bắt đầu cắn biểu ngữ, đâm ra như gợi ý rằng các từ trên biểu ngữ có một chút cơ sở thực tế.
Khi ngay cả điều này cũng không đạt được kết quả mong muốn, người kia bắt đầu lấy biểu ngữ đó đánh vào đầu Holger cho đến khi tấm biểu ngữ vỡ làm đôi. Sau đó họ nhảy lên người anh trên đôi ủng đen của mình cho đến khi thấy mệt. Holger nằm bẹp trên mặt đất, bị giẫm đạp nhừ tử nhưng vẫn còn đủ sức để rên rỉ “Vive la République” [Nền cộng hòa muôn năm (tiếng Pháp)] với hai người kia, khiến họ ngay lập tức cảm thấy bị khiêu khích một lần nữa. Họ không hiểu Holger nói gì, nhưng anh đã dám nói gì đó nên đáng bị đập cho trận nữa.
Khi tẩn xong trận thứ hai, họ quyết định tống khứ cái đống bèo nhèo này đi. Họ túm tóc và một cánh tay Holger, kéo xuyên qua quảng trường vào khu tàu điện ngầm. Ở đó, họ ném anh trên mặt đất trước cánh cửa quay bảo vệ và bắt đầu tẩn trận thứ ba, thậm chí còn đá dữ hơn, và bắt Holger, lúc này không còn nhúc nhích được nữa, phải tự bò xuống tàu điện ngầm và không bao giờ được thò cái mõm xấu xí của mình lên mặt đất nữa.
“Vive la République”, Holger bị đánh bầm giập nhưng vẫn dũng cảm lặp đi lặp lại trong khi hai gã đàn ông bỏ đi, lầm bầm “bọn ngoại quốc chết tiệt”.
Holger nằm bẹp tại chỗ, nhưng rồi anh được một phóng viên đài Truyền hình Thụy Điển đỡ dậy, anh ta đang cùng với người quay phim làm một đoạn phim bên lề về các đảng cực hữu đang lên.
Tay phóng viên hỏi Holger là ai và đại diện cho tổ chức nào. Nạn nhân thương tích đầy mình mụ mị nói rằng mình là Holger Qvist từ Blackeberg và đại diện cho tất cả các công dân của đất nước này đang phải chịu đựng dưới ách thống trị của chế độ quân chủ.
“Vậy ông là một người cộng hòa?”, phóng viên hỏi.
“Vive la République”, Holger nói lần thứ ba trong bốn phút.
Cô gái trẻ nóng tính đã xong việc và ra khỏi Kulturhuset, nhưng cô không tìm thấy Holger của mình cho đến khi theo dòng người vào tàu điện ngầm. Cô chen lấn đi tới, đẩy phóng viên truyền hình sang một bên, và kéo bạn trai của mình xuống tầng ngầm bắt tàu đến Gnesta.
Câu chuyện đáng lẽ kết thúc ở đây nếu người quay phim đã không quay được toàn bộ cuộc tấn công, bắt đầu từ trận đòn đầu tiên với Holger, kể cả phần cắn xé không có kết quả. Hơn thế nữa, ông còn phóng to khuôn mặt bị tra tấn của Holger tại thời điểm anh đang nằm trên mặt đất và thì thầm “Vive... la... République” sau lưng hai đảng viên đảng Dân chủ Thụy Điển khuyết tật nhưng khỏe như vâm.
Trong bản đã biên tập, cuộc tấn công dài ba mươi hai giây và được phát sóng cùng với cuộc phỏng vấn ngắn trong chương trình thời sự Bản tin tối hôm đó. Kịch tính của ba mươi hai giây này xuất sắc đến mức đài truyền hình bán được quyền phát sóng cho ba mươi ba quốc gia trong vòng hai mươi sáu giờ. Ngay sau đó, hơn một tỉ người trên toàn thế giới nhìn thấy Holger Một bị đánh đập.
* * *
Sáng hôm sau, Holger bị đánh thức vì đau đớn khắp người. Nhưng có vẻ không có gì gãy vỡ cả nên cuối cùng anh quyết định đi làm. Hai trong số ba máy bay trực thăng có nhiệm vụ buổi sáng hôm đó, có nghĩa là rất nhiều thủ tục giấy tờ.
Anh đã đến muộn giờ làm mất mười phút, và ngay lập tức nghe sếp, cũng là một trong các phi công, ra lệnh về nhà đi.
“Tôi thấy anh trên truyền hình đêm qua; làm sao mà anh thậm chí có thể đứng lên nổi sau khi bị đánh đập như thế? Về nhà nghỉ đi; quỷ tha ma bắt, lấy ngày nghỉ đi”, sếp anh nói rồi cất cánh trên một chiếc Robinson R66s, nơi đến: Karlstad.
“Đồ điên rồ này, mày làm người ta sợ phát khiếp, trông bộ dạng như thế”, phi công khác nói, cất cánh trên một chiếc Robinson R66 khác, nơi đến: Gothenburg.
Holger cô đơn bị bỏ lại phía sau, cùng với chiếc Sikorsky S-76 còn lại, không người lái.
Holger không lết về nhà nổi. Thay vào đó anh khập khiễng vào nhà bếp, lấy một ít cà phê sáng, và trở về bàn. Anh thực sự không biết mình nên cảm thấy thế nào. Một mặt, anh hoàn toàn bị đánh đến nhừ tử. Mặt khác, sao clip Bản tin lại thành công lớn thế! Biết đâu nó sẽ dẫn đến một phong trào cộng hòa trên khắp châu Âu!
Holger đã nhận ra rằng hầu như không một kênh truyền hình có tiếng nào lại không phát sóng clip anh bị đánh đập. Anh đã bị một trận đòn ra trò. Và đấy là một đoạn tivi hay. Holger không thể không cảm thấy tự hào về bản thân mình.
Vào lúc đó, một người đàn ông bước vào văn phòng. Không báo trước.
Vị khách nhìn Holger, anh lập tức cảm thấy muốn tránh né người đàn ông này và tình huống này. Nhưng không có cách nào chuồn khỏi ông ta, và ánh mắt ông ta quả quyết đến mức Holger đành ngồi yên.
“Tôi có thể giúp gì cho ông?”, anh lo lắng hỏi.
“Để tao tự giới thiệu”, người đàn ông nói bằng tiếng Anh. “Tên tao là gì không phải là việc của mày, và tao là đại diện của cơ quan tình báo nào cũng không liên quan gì tới mày. Khi người ta ăn cắp các thứ của tao, tao phải nổi giận. Nếu thứ bị đánh cắp là một quả bom nguyên tử, thậm chí tao còn giận hơn. Và thêm nữa, cơn thịnh nộ của tao đã xây lên từ lâu rồi. Tóm lại, tao vô cùng tức giận”.
Holger Qvist không biết chuyện gì đang xảy ra. Cảm giác này không lạ gì với anh, nhưng thế không có nghĩa là anh đã thoải mái với nó. Người đàn ông với ánh mắt quyết tâm (và giọng nói cũng quyết tâm như thế) lấy từ chiếc cặp của mình hai tấm ảnh phóng to và đặt chúng trên bàn làm việc trước mặt anh.
Tấm ảnh đầu tiên cho thấy rõ ràng Holger Hai trên một chiếc xe tải chở hàng, và tấm kia cho thấy Hai và một người đàn ông khác đang chuyển một cái thùng lớn lên xe tải với trợ giúp của một xe nâng. Cái thùng đó. Hai bức ảnh chụp ngày 17 tháng Mười một năm 1987.
“Đây là mày”, tay đặc vụ nói, chỉ vào em trai của Holger. “Còn cái này là của tao”, ông ta nói, chỉ vào cái thùng.
* * *
Đặc vụ Mossad A đã trải qua bảy năm đau khổ vì vũ khí hạt nhân bị mất tích. Ông cũng trải qua chừng ấy thời gian quyết tâm tìm ra nó. Ông lập tức bắt đầu truy tìm theo hai hướng song song. Một hướng tìm tên trộm và hy vọng rằng cả tên trộm và tài sản bị đánh cắp vẫn còn ở cùng một nơi. Hướng kia là áp tai xuống đất nghe ngóng cẩn thận, biết đâu có một quả bom nguyên tử ở Tây Âu hoặc trên thế giới được bán ra. Nếu không thể tìm ra quả bom thông qua tên trộm, biết đâu có thể tìm qua mối hàng đánh cắp.
Đầu tiên A đi từ Johannesburg đến Stockholm và bắt đầu bằng cách xem hết các băng từ camera an ninh tại đại sứ quán Israel. Trong camera ở cổng, dễ dàng thấy Nombeko Mayeki chính là người đã ký nhận hàng trước mặt người gác cổng.
Liệu nó có thể chỉ là nhầm lẫn hay không? Không, vì tại sao cô ta lại đến Đại sứ quán bằng xe tải? 10kg thịt linh dương thì chỉ cần cái giỏ xe đạp là đủ.
Nếu đó là một nhầm lẫn thì lẽ ra cô ta phải trở lại khi phát hiện ra nhầm lẫn, bởi vì cô ta có thể bào chữa là, theo băng ghi hình, cô ta không ở đó khi cái thùng được chuyển vào thùng sau xe tải. Vào thời điểm đó cô ta vẫn còn ở với người gác cổng ở góc bên kia, ký giấy tờ.
Không, không có gì phải nghi ngờ. Đặc vụ Mossad, người đã bao lần nhận huân chương, lại bị lừa lần thứ hai trong sự nghiệp của mình. Bởi một con bé dọn vệ sinh. Chính là con bé dọn vệ sinh đã lừa ông ta lần đầu tiên.
Chà, ông là một người kiên nhẫn. Một ngày, sớm hay muộn, họ sẽ gặp lại nhau.
“Và lúc đó, Nombeko Mayeki thân mến của tôi, cô sẽ ước mình là một người khác. Ở một nơi khác”.
Camera tại cổng Đại sứ quán cũng đã quay được biển số của xe tải màu đỏ được sử dụng trong vụ cướp vũ khí. Một camera khác ở chỗ giao nhận hàng của Đại sứ quán đã ghi lại vài hình ảnh rõ ràng của một người da trắng khoảng tuổi Nombeko đã giúp cô. Đặc vụ A đã in và copy ra vài bản.
Sau đó, ông lên đường với hết tốc lực. Điều tra tiếp tục cho thấy Nombeko Mayeki đã bỏ trốn khỏi trại tị nạn ở Upplands Väsby vào cùng ngày cô đã lấy được quả bom từ Đại sứ quán. Kể từ đó cô bị mất tích.
Những con số trên biển số xe đưa đến Salomonsson Agnes ở Alingsås. Ở đó hóa chiếc xe vẫn màu đỏ, nhưng không phải là xe tải mà là một chiếc Fiat Ritmo. Như vậy, tấm biển đã bị đánh cắp. Con bé dọn vệ sinh đã hành động hết sức chuyên nghiệp từ đầu đến cuối.
Trong giai đoạn tác nghiệp đầu tiên, đặc vụ A chỉ còn cách chia sẻ hình ảnh gần đây của người lái xe tải với Interpol. Nó cũng chẳng đi đến đâu. Người này không phải là một thành viên nổi tiếng của bất kỳ băng nhóm vũ trang bất hợp pháp nào. Nhưng anh ta đã lái xe chạy quanh với một quả bom nguyên tử. Đặc vụ A đến kết luận hợp lý nhưng không chính xác rằng ông đã bị lừa bởi một người biết tỏ tường mọi việc mình làm, rằng bom nguyên tử đã rời lãnh thổ Thụy Điển, và ông nên tập trung điều tra mọi dấu vết tối tăm trên thế giới mà mình đã có.
Thực tế là quả bom của Nam Phi, qua nhiều năm, đã cùng với những vũ khí hạt nhân khác bị mất khiến nhiệm vụ của đặc vụ A càng khó khăn hơn nhiều. Cùng với sự tan rã của Liên Xô, những quả bom nguyên tử thỉnh thoảng lại nảy ra ở đây đó - cả trong tưởng tượng và thực tế. Báo cáo tình báo đề cập đến một vũ khí hạt nhân mất tích ở Azerbaijan vào đầu năm 1991. Những tên trộm đã chọn giữa hai tên lửa có ở đấy và lấy đi cái nhẹ hơn. Vì lý do này, chúng chỉ lấy được cái vỏ. Đồng thời, chúng chứng minh rằng kẻ trộm vũ khí hạt nhân không nhất thiết có ưu thế hơn người thường, xét về não.
Vào năm 1992, đặc vụ A đang theo dấu Shavkat Abjoudaparov người Uzbek, một cựu đại tá quân đội Liên Xô đã bỏ lại một vợ và các con tại Tashkent, biến mất, và ba tháng sau xuất hiện tại Thượng Hải, tuyên bố có một quả bom bán giá 15 triệu đôla. Cái giá gợi ra một cái gì đó có thể gây thiệt hại đáng kể, nhưng trước khi đặc vụ A ra tay ở đó, đại tá Abjoudaparov đã được tìm thấy trong một vũng tàu ngoài bến cảng với một cái tuốcnơvít nhô ra khỏi cổ. Chẳng thể nào tìm thấy quả bom của ông ta ở đâu, và nó biến mất kể từ đó.
Đặc vụ A đã miễn cưỡng nhận nhiệm vụ ở Tel Aviv từ năm 1994 trở đi; nó không phải là một chức vụ không quan trọng, nhưng chẳng là gì so với cái đáng lẽ ông được nhận nếu sự cố bom Nam Phi đã không xảy ra. Đặc vụ A không bao giờ chịu thua; ông đã lần theo mọi dấu vết khác nhau từ căn cứ của mình, và luôn mang trong tâm trí hình ảnh của Nombeko và người đàn ông không rõ với chiếc xe tải.
Và rồi đột nhiên đêm trước, trong một chuyến công cán tạm thời và chán ngắt ở Amsterdam, sau bảy năm! Trên tin tức truyền hình. Hình ảnh từ một sự xáo trộn chính trị trên một quảng trường ở Stockholm. Các thành viên của đảng Dân chủ bài ngoại Thụy Điển lôi theo một người phản đối biểu tình. Kéo anh ta vào khu tàu điện ngầm. Đá anh bằng đôi giày. Và kìa! Cận cảnh của nạn nhân.
Chính là HẮN! Người đàn ông với chiếc xe tải màu đỏ!
Theo bản tin: Holger Qvist, Blackeberg, Thụy Điển.
* * *
“Xin lỗi”, Holger Một nói, “nhưng quả bom nguyên tử mà ông đang nói là cái gì thế?”
“Hôm qua mày bị tẩn chưa đủ à?”, đặc vụ A đáp. “Nếu muốn, mày có thể uống nốt chỗ cà phê của mày, nhưng uống ngay đi vì trong năm giây, mày và tao sẽ lên đường để gặp Nombeko Mayeki, dù con bé đó ở đâu”.
Holger Một nặn óc suy nghĩ đến nỗi cái đầu đã rất đau nhức của anh càng đau hơn. Tức là, người đàn ông ở mé bên kia bàn đang làm việc cho một cơ quan tình báo nước khác. Và hắn nghĩ Holger Một là Holger Hai. Và hắn đang tìm kiếm Nombeko. Người đã đánh cắp một... quả bom nguyên tử của hắn.
“Cái thùng!”, Holger Một đột nhiên thốt ra.
“Phải, nó ở đâu?”, đặc vụ A hỏi. “Nói cho tao biết cái thùng với quả bom ở chỗ nào?”
Holger chú ý đến sự thật vừa lóe ra với mình. Bà mẹ của tất cả những giấc mơ cách mạng đã có mặt tại kho hàng của họ ở Fredsgatan bảy năm rồi mà anh không biết. Suốt bảy năm qua, anh cận kề với thứ có lẽ là duy nhất có thể khiến nhà vua phải thoái vị.
“Mày sẽ chết thiêu trong địa ngục”, Holger Một buột miệng thì thầm bằng tiếng Anh.
“Cái gì?”, đặc vụ A hỏi.
“Ồ, không phải ông”, Holger xin lỗi. “Là Nombeko”.
“Tao đồng ý với mày ở điểm đó”, đặc vụ nói, “nhưng tao không định trông chờ bằng đức tin là nó sẽ xảy ra. Vì thế mày phải đưa tao đến chỗ nó bây giờ. Nó đâu? Trả lời tao đi!”.
Đặc vụ A nói giọng đầy tự tin. Hơn nữa, hiện giờ ông ta đang có một khẩu súng lục trong tay.
Holger nhớ về thời thơ ấu của mình. Về cuộc chiến của bố mình. Về cách bản thân anh đã trở thành một phần của cuộc chiến ấy. Về sự thiếu năng lực của mình để thực hiện nó.
Và bây giờ, ý thức rằng giải pháp đã có từ lâu.
Mối bận tâm chính của anh không phải là có một đặc vụ, từ một cơ quan tình báo không rõ đang đứng đó, sẵn sàng bắn anh nếu anh không đưa hắn đến chỗ Nombeko và cái thùng của cô ta. Thay vào đó, nó là về việc anh đã bị lừa bởi cô bạn gái Nam Phi của em trai của mình. Và bây giờ thì tất cả đã quá muộn. Trong bảy năm, ngày nào anh cũng có cơ hội để hoàn tất sứ mệnh cả đời của cha mình. Mà không biết.
“Có lẽ mày không nghe câu hỏi của tao à”, đặc vụ nói. “Một cú bắn vào đầu gối sẽ giúp mày nghe tốt chăng?”
Một cú bắn vào đầu gối, chứ không phải giữa hai mắt. Tạm thời, Một đang có ích. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Nếu anh đưa tên đặc vụ đến Fredsgatan, chẳng lẽ gã đàn ông với khẩu súng lục này chỉ cần kẹp cái thùng, nặng chừng một tấn, dưới nách và vẫy chào tạm biệt?
Không, hắn sẽ không thế. Ngược lại, hắn sẽ giết tất cả. Nhưng không phải trước khi họ giúp hắn đưa quả bom vào phía sau của chiếc xe tải màu đỏ.
Hắn sẽ giết tất cả trừ khi Holger làm điều anh đột nhiên nhận ra mình phải làm. Bởi vì điều duy nhất anh có thể làm là chiến đấu cho mạng sống của em trai và Celestine của mình.
“Tôi sẽ đưa ông đến chỗ Nombeko, ông đặc vụ”, cuối cùng Holger Một nói. “Nhưng phải bằng trực thăng nếu ông không muốn mất dấu cô ta. Cô ta và quả bom sắp rời đi”.
Lời nói dối về tình hình cấp bách này chẳng biết đến từ đâu. Thậm chí Một có thể nói rằng nó là một ý tưởng. Nếu vậy, nó là cái đầu tiên thuộc thể loại này, Holger nghĩ. Và là cái cuối cùng, bởi vì lúc này, cuối cùng anh sẽ làm một cái gì đó có ích với đời.
Anh sẽ chết.
Đặc vụ A không có ý định để mình bị lừa lần thứ ba bởi con bé dọn vệ sinh và bè lũ của cô ta. Cái bẫy ở đây là gì?
Có phải Nombeko đã nhận ra rằng sự xuất hiện trên truyền hình của Holger Qvist là một nguy cơ? Đấy có phải là lý do cô ta đang đóng gói các thứ để chuồn đi? Viên đặc vụ có thể phân biệt một con ngỗng đời Hán với đồ đồng nát, và một viên kim cương thô với thủy tinh rẻ tiền. Và rất nhiều thứ khác nữa.
Nhưng ông ta không thể lái máy bay trực thăng. Ông ta sẽ phải dựa vào phi công - đó là, người đàn ông đối diện với ông ta. Sẽ có hai người trong cabin: một người với bộ điều khiển, và người kia vũ khí trong tay.
A quyết định đi bằng máy bay trực thăng, nhưng ông ta cũng quyết định trước tiên báo tin cho B biết, trong trường hợp có điều gì xấu xảy ra.
“Cho tao tọa độ chính xác nơi con bé dọn vệ sinh đang ở”, ông ta nói.
“Con bé dọn vệ sinh á?”, Holger Một hỏi.
“Nombeko”.
Holger đã làm theo yêu cầu. Dùng máy tính của văn phòng và lập bản đồ chương trình, nó chỉ mất một vài giây.
“Tốt. Bây giờ ngồi yên trong khi tao gửi một thông điệp ra ngoài. Sau đó chúng ta sẽ cất cánh”.
Đặc vụ A dùng một thứ hiện đại như một cái điện thoại di động cao cấp, gửi một thông điệp được mã hóa cho đồng nghiệp B của mình với một bản cập nhật đầy đủ mình đang ở đâu, với ai, mình đang đi đâu, và tại sao.
“Đi thôi”, sau đó ông ta nói.
Nhiều năm qua, Holger Một đã tập ít nhất là chín mươi giờ thực hành với các phi công đồng nghiệp của mình ở hãng Trực thăng Taxi tại Bromma. Nhưng đây là lần tiên anh sẽ bay một mình. Anh biết mình sắp tận số rồi. Anh rất muốn mang theo Nombeko đáng nguyền rủa - có phải tên đặc vụ đã gọi cô ta là con bé dọn vệ sinh? - về cõi chết với mình. Chứ không phải em trai anh. Và không phải là Celestine tuyệt vời.
Ngay sau khi đạt đến khoảng không không kiểm soát được, anh chững lại ở độ cao hơn 600m, tốc độ 120 knot. Chuyến đi sẽ chỉ mất dưới hai mươi phút.
Khi Một và viên đặc vụ gần tới Gnesta, Holger đã không chuẩn bị hạ cánh. Thay vào đó, anh bật lái tự động, lập trình cho nó đi đúng hướng đông và duy trì độ cao 600m với tốc độ 120 knot. Rồi, như vẫn thường làm, anh mở khóa dây an toàn của mình, treo tai nghe lên, và bò về phía sau của cabin.
“Mày đang làm gì thế?”, đặc vụ hỏi Holger, nhưng anh không buồn trả lời.
Khi Một mở khóa cửa sau của trực thăng, đẩy nó sang một bên, viên đặc vụ vẫn ngồi ở ghế phía trước và không thể quay hẳn lại xem Holger làm trò gì nếu trước tiên không nới lỏng dây an toàn bốn điểm của mình. Nhưng cởi nó thế nào? Nó rất khó cởi và không có nhiều thời gian, nhưng ông ta vẫn cố gắng. Ông ta vặn vẹo người; dây an toàn vẫn chặt, và viên đặc vụ đe dọa Holger:
“Nếu mày nhảy tao sẽ bắn”.
Holger Một, bình thường vốn không bao giờ nhanh trí, làm chính mình phải ngạc nhiên:
“Đằng nào thì tôi cũng chết trước khi rơi xuống đất? Làm sao ông lại nghĩ sẽ cải thiện được tình hình, hả ông đặc vụ?”
A nhụt chí. Ông ta sắp bị bỏ một mình giữa không trung trong một chiếc máy bay ông ta không thể tự lái. Bị chế nhạo bởi một phi công đang sắp tự sát. Ông ta suýt chửi thề lần thứ hai trong đời mình. Ông ta vặn cơ thể bị buộc chặt của mình thêm một chút, cố gắng chuyển vũ khí từ tay phải sang tay trái, và - đánh rơi nó!
Khẩu súng đã rơi trên sàn đằng sau chiếc ghế sau và trượt đến tận chỗ Holger, đang đứng đó trong gió quất, sẵn sàng nhảy ra ngoài.
Một ngạc nhiên nhặt khẩu súng lục và nhét nó vào trong túi bên trong của mình. Rồi anh chúc viên đặc vụ may mắn với việc học cách lái trực thăng S-76.
“Không may là chúng ta đã bỏ lại cuốn sách hướng dẫn ở văn phòng”.
Holger chẳng có gì để nói nữa. Thế là anh nhảy xuống. Và trong một giây, anh cảm thấy một sự bình an trong tâm. Nhưng chỉ trong một giây thôi.
Sau đó, anh nhận ra rằng thay vì nhảy, mình đã có thể dùng khẩu súng lục xử tên đặc vụ.
Đặc trưng của mình, Holger Một nghĩ về bản thân. Thường suy nghĩ sai lầm, và luôn luôn là hơi quá chậm.
Cơ thể anh tăng tốc tới 150 dặm một giờ trong cuộc hành trình 600 mét đáp xuống Đất Mẹ đầy đá cứng.
“Vĩnh biệt, thế giới tàn nhẫn. Con tới đây, bố ơi”, Holger nói, thậm chí không nghe được tiếng mình trong gió ào ạt.
Đặc vụ A bị bỏ lại phía sau trong một chiếc trực thăng lái tự động, thẳng hướng đông ra biển Baltic với tốc độ 120 knot, không biết làm thế nào để hủy bỏ lái tự động hoặc làm gì nếu hủy bỏ được nó. Với nhiên liệu cho khoảng 80 hải lý. Và còn những 160 hải lý để đi đến biên giới Estonia. Ở giữa là biển.
Đặc vụ A nhìn vào mớ hỗn độn các nút, đèn, và các thiết bị trước mặt mình. Rồi ông ta quay lại. Cửa trượt vẫn còn mở. Không có ai ở lại để lái máy bay. Thằng ngốc đã bỏ túi khẩu súng lục và nhảy xuống. Mặt đất dưới máy bay trực thăng đã biến mất, thay bằng nước. Và càng nhiều nước hơn.
Trong sự nghiệp lâu dài của mình, đặc vụ A đã từng bị dồn vào chân tường nhiều lần. Ông đã được huấn luyện để giữ bình tĩnh. Vì vậy, ông từ từ đánh giá tình hình của mình và phân tích. Rồi ông nói với bản thân: “Mẹ ơi”.
* * *
Tòa nhà bị quy hoạch tại số 5 Fredsgatan ở Gnesta đã bị quy hoạch gần hai mươi năm trước khi thực tế bắt kịp với nó. Nó bắt đầu khi giám đốc Sở Môi trường dắt chó đi dạo. Bà đang ở trong một tâm trạng xấu vì đêm hôm trước mới đuổi ông bồ cùng chung sống, với lý do chính đáng. Và mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi con chó chạy đuổi theo một con chó cái bị sổng. Dường như tất cả giống đực đều giống nhau, dù hai hay bốn chân.
Thế là bà bỏ dở buổi đi dạo quan trọng sáng hôm đó, và trước khi bắt lại con chó đang động đực của mình, giám đốc Sở Môi trường đã khám phá ra rằng dường như có người sống trong tòa nhà bị quy hoạch tại số 5 Fredsgatan - chính là tòa nhà vài năm trước đây đã quảng cáo mở nhà hàng.
Chẳng lẽ giám đốc môi trường bị qua mặt? Có hai thứ bà ghét hơn bất cứ điều gì khác: ông bồ cũ và bị lừa dối. Sự kết hợp bị lừa dối bởi ông bồ cũ là điều tồi tệ nhất, tất nhiên. Nhưng chuyện này cũng rất tệ.
Từ năm 1992, khi Gnesta tách ra khỏi thành phố tự trị Nyköping thành một đơn vị riêng, thành phố đã quy hoạch khu vực này thành khu công nghiệp. Chính quyền đã lên kế hoạch làm gì đó với khu vực này, nhưng rồi có chuyện khác xen vào. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi người thích ở đâu thì ở. Hơn nữa, hình như có hoạt động kinh doanh không phép trong xưởng gốm cũ bên kia đường; nếu không tại sao thùng rác ngoài cửa lại đầy túi rỗng chứa đất sét vứt đi?
Giám đốc Sở Môi trường vốn coi kinh doanh không giấy phép là rất gần với dạng vô chính phủ.
Đầu tiên bà gác lại nỗi bực dọc về con chó của mình, quay về nhà, đổ ít thịt vào cái bát trong bếp, và tạm biệt Achilles, nó đang lăn ra ngủ sau khi thỏa mãn tình dục, hệt như bọn đàn ông. Chủ nó đi làm việc để cùng với các đồng nghiệp tiến hành chấm dứt những hoạt động hoang dã kiểu miền Tây ở Fredsgatan.
Một vài tháng sau, khi guồng máy xã hội và chính trị đã nghiền xong vấn đề này, chủ sở hữu của ngôi nhà, công ty Holger & Holger được thông báo rằng nhà số 5 Fredsgatan bị tịch thu, giải tỏa, và phá hủy theo chương hai, đoạn 15 của hiến pháp. Nghĩa vụ của chính quyền sẽ được thực thi ngay sau khi thông báo này xuất hiện trên Post och Inrikes Tidningar [Thư tín và tin tức trong nước], tờ báo của nhà nước. Nhưng vì nhân đạo, bà giám đốc có con chó nứng tình còn đảm bảo thư phải được gửi đến thùng thư cho ai đó sống trong tòa nhà.
Thư được gửi đến thùng thư sáng thứ Năm 14 tháng Tám 1994. Viện dẫn các văn bản pháp luật, thư nói rằng tất cả những cư dân của ngôi nhà, nếu có, phải dọn ra khỏi chỗ này trước ngày mồng Một tháng Chạp.
Người đầu tiên đọc thư là Celestine nóng tính. Sáng hôm đó, cô đã tạm biệt anh bạn trai thâm tím của mình, anh cứ nằng nặc trở lại Bromma để đi làm, bất chấp trận đòn ngày hôm trước.
Cô lại nổi điên lên và đâm bổ đến chỗ Nombeko, vẫy vẫy bức thư kinh khủng. Chính quyền nhẫn tâm ném những thường dân trung thực ra đường!
“Chà, chúng ta lại không thực sự bình thường hay trung thực”, Nombeko nói. “Hãy đi cùng Holger và tôi vào góc ấm cúng trong nhà kho thay vì đứng đó và tức giận về chuyện cỏn con này. Chúng tôi đang định uống trà buổi sáng; nếu cô thích, cô có thể uống cà phê vì lý do chính trị. Tốt hơn là nói chuyện này trong hòa bình và yên tĩnh”.
Hòa bình và yên tĩnh? Khi cuối cùng - rốt cuộc - có cái đáng để biểu tình? Nombeko và Holger cứ đi mà uống chỗ trà chết tiệt trong góc ấm cúng chết tiệt của họ, nhưng cô sẽ phản đối! Đồ khốn kiếp!
Cô gái trẻ nóng tính vò nát bức thư của chính quyền, rồi trong cơn cuồng nộ (còn gì nữa?) cô đi xuống sân, tháo biển số đánh cắp khỏi chiếc xe tải màu đỏ của Holger và Holger, vào ghế lái, lùi xe lại, và chặn lối vào nối giữa nhà kho ra phố và dẫn vào sân chung. Chưa hả, cô kéo mạnh phanh tay, vặn người leo qua cửa sổ, ném chìa khóa xuống giếng, và cẩn thận rạch cả bốn chiếc lốp để cái xe tải chắc chắn ở yên chỗ đó, ngăn chặn có hiệu quả mọi cố gắng vào hay ra khỏi nơi này.
Sau hành động mở đầu cuộc chiến chống lại xã hội này, cô cắp tấm biển số xe vào nách, đi tìm Holger và Nombeko để nói với họ rằng sẽ không có trà (hay cà phê gì sất) ở góc ấm cúng vì bây giờ đã đến lúc phải chiếm tòa nhà của họ! Trên đường đi, cô tóm lấy ông thợ gốm; cô muốn gom càng nhiều người càng tốt. Thật quá tệ là Holger thân yêu của cô lại ở chỗ làm. Chà, đành phải thế. Họ phải chiến đấu bất cứ khi nào nó xảy ra.
Holger Hai và Nombeko đang ngồi cạnh nhau phía trên quả bom khi Celestine chật vật lôi ông thợ gốm chẳng hiểu mô tê gì đến.
“Chiến tranh đang nổ ra!”, Celestine nói.
“Thế à?”, Nombeko đáp.
“CIA hả?”, ông thợ gốm hỏi.
“Tại sao cô lại cắp biển số xe tải của tôi dưới nách thế?”, Holger Hai hỏi.
“Chà, nó là đồ ăn cắp”, cô gái trẻ nóng tính nói. “Tôi nghĩ rằng...”
Đúng lúc đó, có tiếng răng rắc đột ngột vang lên trên đầu họ. Đó là Holger Một, rơi với tốc độ 190 cây số một giờ từ độ cao hơn 600 mét, xuyên qua mái nhà kho bị thủng - và đáp xuống trên 50.640 cái gối đang trong nhà kho lúc này.
“Sao thế, chào anh yêu!”, Cô gái trẻ nóng tính tươi hẳn lên. “Em tưởng anh đang ở Bromma”.
“Tôi còn sống à?”, Holger Một hỏi, sờ vai mình, bộ phận duy nhất trong người còn chưa bị tổn thương sau trận đòn và bây giờ đang phải chịu gánh nặng chủ yếu khi anh rơi xuống mái nhà gạch làm nó lập tức sụp đổ dưới trọng lượng và tốc độ của anh.
“Có vẻ như thế”, Nombeko nói. “Nhưng sao anh lại đi qua mái nhà?”
Holger Một hôn Celestine của mình lên má. Rồi anh xin em trai mình một ly đúp whisky. Không, một ly gấp ba.
Anh cần phải hồi sức, chắc chắn rằng không cơ quan nội tạng nào của mình bị xê dịch, tỉnh táo lại, và ở một mình một thời gian. Anh hứa sẽ giải thích sau.
Holger Hai làm theo lời Một, đi ra với những người khác, để lại ông anh một mình với rượu whisky, những chiếc gối, và cái thùng.
Cô gái trẻ nóng tính nhân thể kiểm tra xem có gì ồn ào trên lối phố do cuộc chiếm đóng không. Không có gì cả.
Và nó cũng chẳng lạ lắm. Vì thứ nhất là họ sống trên một con đường rất ít xe qua lại, ở rìa của một khu công nghiệp, cạnh mỗi một bãi phế liệu. Thêm nữa, chỉ có một chiếc xe tải xịt lốp chắn giữa lối xe đi thì cũng không rõ ràng cho mọi người thấy rằng có một cuộc chiếm cứ đang xảy ra. Một cuộc chiếm cứ không ai quan tâm thì tất nhiên, chẳng đáng gọi là chiếm cứ. Cô gái trẻ nóng tính quyết định thúc đẩy mọi việc đi đúng hướng.
Cô gọi vài cú điện thoại.
Đầu tiên là cho tờ Dagens Nyheter, rồi đến Đài phát thanh Sörmland, và cuối cùng cho tờ Södermanland News.
Ở tờ Dagens Nyheter, cô gặp một cái ngáp dài. Theo quan điểm của Stockholm, Gnesta đúng là ở phía bên kia thế giới. Tại Đài phát thanh Sörmland ở Eskilstuna, họ chuyển cuộc gọi của cô tới Nyköping, chỗ này đề nghị Celestine gọi lại sau bữa trưa. Södermanland News có vẻ quan tâm nhất. Cho đến khi họ nhận ra rằng hành động này không phải là của cảnh sát.
“Ai có thể gọi cuộc chiếm cứ của cô là chiếm cứ, nếu không có ai bên ngoài thấy có cái gì bị chiếm?”, Biên tập viên tờ báo vốn ưa triết lý (và có lẽ lười) vặn vẹo. Cô gái trẻ nóng tính lần lượt bảo cả ba cút xuống địa ngục. Và rồi cô gọi cảnh sát. Người chẳng may đang trực tổng đài ở Sundsvall trả lời:
“Cảnh sát đây, tôi có thể giúp gì cho bạn?”
“Chào, đồ cảnh sát khốn nạn”, cô gái trẻ nóng tính nói. “Chúng tao sẽ đè bẹp xã hội tư bản hám lợi. Quyền lực sẽ trở lại với người dân!”
“Chuyện này liên quan đến cái gì?”, nhân viên trực, không phải là cảnh sát, sợ hãi hỏi.
“Đó là cái tao sắp nói cho mày biết, đồ chó cái. Chúng tao đã chiếm một nửa Gnesta. Và nếu yêu cầu của chúng tao không được đáp ứng...”
Đến đây, cô gái trẻ nóng tính lạc mất ý tưởng. Từ đâu mà cô nói “một nửa Gnesta”? Và yêu cầu của họ là gì nhỉ?
Và họ sẽ làm gì nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng?
“Một nửa Gnesta ư?”, nhân viên tổng đài nói. “Để tôi chuyển máy...”
“Số 5 Fredsgatan”, cô gái trẻ nóng tính nói. “Mày điếc à?”
“Tại sao các bạn lại chiếm..., nhân tiện, các bạn là ai?”
“Quỷ tha ma bắt nó đi. Nếu nhu cầu của chúng tao không được đáp ứng, chúng tao sẽ nhảy từ trên mái nhà, từng người một, cho đến khi máu chúng tao chảy lênh láng khắp tỉnh này”.
Vấn đề là chẳng biết ai kinh ngạc hơn vì những gì Celestine vừa nói: người trực tổng đài hay chính Celestine.
“Ôi, Chúa ơi”, người trực tổng đài nói, “cứ giữ máy và tôi sẽ chuyển bạn đến…”
Mới nói đến đấy thì cô gái trẻ nóng tính đã cúp máy. Có vẻ là thông điệp của cô, cảnh sát đã nhận được. Hơn nữa, những lời vừa nói ra không hẳn là ý định của cô gái trẻ nóng tính, hay thậm chí gần gần như thế.
Chà, bây giờ là chiếm đóng thật rồi nhé, cảm giác thật tuyệt.
Đúng lúc đó, Nombeko gõ cửa phòng Celestine. Holger Một đã dốc hết ly whisky đúp hoặc gấp ba của mình và lại hồn. Bây giờ anh có chuyện muốn nói. Celestine được mời đến nhà kho, và cô cứ việc kéo theo ông thợ gốm.
“Tôi biết trong thùng kia có gì”, Holger Một bắt đầu. Nombeko, vốn hiểu gần như mọi thứ, không hiểu nổi chuyện này.
“Làm sao anh biết được điều đó?”, cô nói. “Anh rơi vào qua mái nhà và đột nhiên anh nói anh biết cái mà suốt bảy năm anh không hề biết. Anh đã đến thiên đường và trở lại à? Và nếu thế thì anh đã nói chuyện với ai?”
“Im đi, đồ dọn vệ sinh chết tiệt”, Holger Một nói, và thế là Nombeko lập tức nhận ra rằng Một đã liên lạc trực tiếp với Mossad, hoặc anh ta gặp viên kỹ sư trong chuyến đi đến thiên đàng. Điều duy nhất cho thấy khả năng sau không đúng là viên kỹ sư có lẽ đang tiêu thời gian ở một chốn khác không phải thiên đường.
Holger Một tiếp tục câu chuyện của mình, giải thích rằng anh đang ngồi một mình ở văn phòng, mặc dù đã được lệnh về nhà, thì một gã thuộc cơ quan tình báo nước ngoài bước qua cửa và yêu cầu đưa hắn đến chỗ Nombeko.
“Hay là con bé dọn vệ sinh?”, Nombeko nói.
Bằng súng lục, gã đã buộc Holger vào chiếc trực thăng duy nhất còn trống và ra lệnh cho anh bay đến Gnesta.
“Điều này có nghĩa là tên đặc vụ giận dữ của cơ quan tình báo nước ngoài có thể rơi qua mái nhà bất cứ lúc nào?”, Holger Hai thắc mắc.
Không, không phải thế. Gã đặc vụ này đang trên đường ra biển và sẽ rơi xuống biển ngay khi trực thăng hết nhiên liệu. Holger đã nhảy ra khỏi trực thăng để cứu mạng em trai và Celestine của mình.
“Và của tôi”, Nombeko nói. “Như một một tác dụng phụ”.
Holger Một nhìn chằm chằm vào cô và nói rằng anh thích rơi xuống ngay trên đầu Nombeko hơn là lên đống gối, nhưng anh chẳng bao giờ gặp may.
“Em nghĩ lần này anh hơi may mắn đấy”, Holger Hai nói, hoàn toàn bối rối với những tình tiết mới lộ ra. Celestine nhảy vào vòng tay người hùng của mình, ôm hôn anh, và nói rằng cô không muốn chờ đợi lâu hơn.
“Nói em biết trong thùng có gì. Nói đi, nói đi, nói đi!”
“Một quả bom nguyên tử”, Holger Một nói. Celestine buông đấng cứu thế kiêm người tình của mình ra. Rồi cô suy nghĩ một lúc trước khi tóm tắt tình hình bằng tiếng “ôi, chà”.
Nombeko quay sang Celestine, ông thợ gốm, và Holger Một, nói rằng dựa trên những gì họ vừa biết, điều quan trọng là họ phải đảm bảo đừng gây chú ý tới Fredsgatan.
Nếu mọi người bắt đầu chạy quanh trong kho, có thể gây tai nạn liên quan đến bom. Và không phải là tai nạn bình thường đâu.
“Một quả bom nguyên tử?”, ông thợ gốm hỏi, ông đã nghe chuyện nhưng không hiểu lắm.
“Theo như tôi biết, có lẽ tôi đã thực hiện một số biện pháp mà chúng ta có thể không nên làm”, Celestine nói.
“Như thế nào?”, Nombeko nói.
Lúc đó, họ nghe thấy từ ngoài phố tiếng loa.
“Cảnh sát đây! Nếu có bất cứ ai bên trong, đề nghị khai báo danh tính!”
“Như tôi vừa nói đấy”, cô gái trẻ nóng tính nói.
“CIA!”, ông thợ gốm thốt lên.
“Tại sao CIA lại đến chỉ vì cảnh sát có mặt?”, Holger Một nói.
“CIA!”, ông thợ gốm nhắc lại, và ngay lập tức nhắc lại lần nữa.
“Em nghĩ ông ấy bị ám ảnh”, Nombeko nói. “Có lần em gặp một phiên dịch cũng nói như thế khi bị con bọ cạp cắn vào ngón chân”.
Ông thợ gốm lặp đi lặp lại vài lần nữa, rồi trở nên im lặng. Ông cứ ngồi nguyên trên chiếc ghế của mình trong nhà kho, nhìn thẳng về phía trước, miệng há nửa chừng.
“Anh tưởng ông ấy đã khỏi rồi”, Holger Hai nói. Tiếng loa lại vang lên.
“Cảnh sát đang nói đây! Nếu có bất cứ ai bên trong, hãy thông báo! Lối vào bị chặn; chúng tôi đang có kế hoạch dùng vũ lực đột nhập. Chúng tôi đang nói về cuộc điện thoại chúng tôi đã nhận được cực kỳ nghiêm túc!”
Cô gái trẻ nóng tính giải thích với nhóm mình đã làm gì; tức là, bắt đầu cuộc chiếm đóng, một cuộc chiến tranh nhân danh nền dân chủ chống lại xã hội; cô đã dùng chiếc xe tải, bên cạnh những thứ khác, như một vũ khí. Vì mục đích thông tin, cô cũng đã gọi cảnh sát. Và cô đã khuấy động mọi thứ lên khá độc đáo, có thể nói thế về bản thân.
“Cô nói cô đã làm gì với cái xe tải của tôi?”, Holger Hai hỏi.
“Xe tải của em đâu?”, Holger Một nói.
Cô gái trẻ nóng tính nói rằng Hai không phải để ý vào chi tiết; đây là một vấn đề để bảo vệ những nguyên tắc dân chủ quan trọng, và trong bối cảnh này một vết rạch nhỏ lên lốp xe không là gì. Và làm sao mà cô biết được là hàng xóm của mình lại giữ mấy quả bom nguyên tử trong kho?
“Một quả bom nguyên tử. Số ít”, Holger Hai nói.
“Ba megaton”, Nombeko cho biết, để cân bằng việc Holger giảm thiểu vấn đề.
Ông thợ gốm rít lên một câu gì đó không ai nghe được, có lẽ là tên của cơ quan tình báo mà ông bị săn đuổi.
“Em không nghĩ là khỏi đâu”, Nombeko nói.
Holger Hai đã không muốn kéo dài cuộc tranh luận về cái xe tải, vì chuyện đã rồi, nhưng anh tự hỏi cái nguyên tắc dân chủ mà Celestine có trong đầu là kiểu gì. Họ cũng đang nói về bốn nhát rạch lốp chứ không phải một, nhưng anh không nói gì về điều đó cả. Dù sao, tình huống gay cấn rồi.
“Không thể tệ hơn thế này được”, anh nói.
“Đừng nói thế”, Nombeko thốt lên. “Nhìn ông thợ gốm kìa. Em nghĩ ông ấy đã chết”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét