Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 17

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Bảy

Mãi sau khi khám sức khỏe lần thứ hai, Xerpilin mới nhận được quyết định ra mặt trận, mà cũng chưa được đi ngay. Tiểu ban quân y khám vào ngày 25 tháng mười một, còn lệnh bổ nhiệm thì ông nhận được sau đó một tuần. Sáng hôm ấy, ông được gọi lên bộ Tổng tham mưu mà đến chiều là ông đã phải tiếp nhận một sư đoàn đang đánh nhau với quân Đức ở gần Maxcơva.
- Ở đây, chúng mình đã báo cáo lên đồng chí Xtalin về cậu, - Ivan Alếchxâyevíts nói, - và cả về lá thư của cậu nhất định xin ra mặt trận và vân vân... (Xerpilin gửi lá thư ấy sau khi khám sức khỏe lần thứ hai) Chả giấu gì cậu là chúng mình đã phản đối, muốn lưu cậu lại đây, chỗ chúng mình... Nhưng, - Ivan Alếchxâyevíts nhún vai, - ông ấy đã quyết định theo ý riêng và bây giờ đâm ra không phải chúng mình đúng mà cậu đúng đấy. Ông ấy bảo: đã muốn ra mặt trận thì cứ giao cho một sư đoàn. Chỗ anh em mình nói riêng thôi nhé, suýt nữa thì người ta tống cậu về mặt trận Karêli đấy. Chả là ông ấy không thích nhắc lại lần thứ hai; ông ấy sẽ hỏi: “Cậu ấy đi rồi chứ?” thì biết trả lời ra sao? Nhưng hôm kia ở chỗ chúng mình đây, ở gần Maxcơva đã xảy ra cả một tấn bi kịch. Chả ra làm sao cả, thật là ngớ ngẩn, một phát đạn cối bắn lạc đã vô tình giết chết mất một tay sư đoàn trưởng cứng. Orlốp, thiếu tướng. Cậu biết anh ta không?
- Có nghe tiếng, - Xerpilin đáp, - trước chiến tranh anh ta có công tác ở quân khu Xibêri.
- Ở quân khu Xibêri, sư đoàn Antai, - Ivan Alếchxâyevíts gật đầu. - Lúc đầu, người ta định cho tham mưu trưởng lên thay, nhưng về sau tư lệnh tập đoàn quân gọi điện thoại đề nghị chọn cho người vững hơn. Thế là người ta chọn cậu đấy.
- Cám ơn, - Xerpilin nói.
- “Chưa bắn được gấu thì chớ vội bán da gấu”! - Ivan Alếchxâyevíts nói. - Quả thực sư đoàn này là một đơn vị cứng, thuộc quân thường trực, nhưng đã bị quần ra trò, nói đúng hơn là quần không thương tiếc. Orlốp là một sư đoàn trưởng vững, phải đánh giá đúng anh ta, và qua sáu năm trời, anh em đã quen với anh ta rồi. Thế nghĩa là không phải cậu thừa hưởng sư đoàn của một thằng ngốc; ở đây cũng có lúc phải đổ vỏ, cũng có lúc được ăn ốc... Tóm lại, thôi đành nhỉ? Đã không muốn làm việc ở đây với chúng tớ thì chúc lên đường mạnh khỏe! - Ivan Alếchxâyevíts kết luận.
Giọng ông ta nói có ý giận dỗi. Các bạn cũ đều muốn lo liệu cho Xerpilin được tốt hơn, thế mà ông này lại cứ khăng khăng một mực và viết thư thẳng lên cho Xtalin qua đầu họ. Nhưng Xerpilin không cảm thấy mình có lỗi đối với anh em bạn bè. Ông muốn ra mặt trận, cho nên trong vấn đề này thậm chí không thể chú ý tới lòng tự ái của những người mà mình nặng ơn.
- Còn cậu thì hãy tiếp nhận lấy một tập đoàn quân, - ông nói đùa để khỏi sa vào một cuộc tranh cãi. - Lúc ấy mình lại sẽ công tác dưới quyền cậu.
- Tiếp nhận lấy, tiếp nhận lấy! - Ivan Alếchxâyevíts càu nhàu. - Cậu tưởng rằng ngồi đây là bở lắm sao? Trên đe dưới búa, có lẽ như thế cũng còn dễ chịu hơn! Giá được thế thì tớ cũng đã tiếp nhận rồi, nhưng không phải ai gửi thư lên cũng đều được thông đồng bén giọt như cậu vậy: tôi muốn đến đây, tôi không thích đến kia... Có thể bị sửa gáy kia đấy!
Xerpilin nghĩ thầm rằng ngay những lá thư của mình không phải bao giờ cũng được thông đồng bén giọt như vậy: trước kia, chính ông đã từng gửi đi những lá thư theo cùng một địa chỉ này mà không được trả lời. Thôi được, mặc xác những lá thư đó, còn đối với ý kiến quyết định về lá thư này thì xin cám ơn cho đến tận khi chui vào quan tài !
- Cậu đã biết thủ trưởng tương lai chưa? - Ivan Alếchxâyevíts đứng dậy rồi nói tên họ đồng chí tư lệnh của tập đoàn quân mà Xerpilin sắp đến nhận công tác.
Xerpilin nói rằng mình vẫn nhớ người đó. Người này đã cùng học một thời với ông trong học viện quân sự, nhưng học dưới hai năm.
- Trước học dưới hai năm, thế mà bây giờ lại cao hơn một sao đấy! - Ivan Alếchxâyevíts nhếch mép cười. - Nhưng mình có thể nói rằng anh ta được đề bạt là phải. Từ ngày đầu chiến tranh, số phận của anh ta thật là hẩm hiu: tiếp nhận một quân đoàn cơ giới ngay trong quá trình, như ta thường nói, đang còn thành lập. Xe tăng cũ thì sắp phải thải đi, còn xe tăng mới thì chưa được lĩnh. Nhưng anh ta với cái quân đoàn cơ giới ấy, trông bề ngoài cũng chả đến nỗi nào, nhất là so với những quân đoàn khác. Anh ấy đã chiến đấu phá được vòng vây. Rồi ngay ở gần Maxcơva đây, anh cũng tỏ ra xuất sắc… Vả lại, rồi bản thân cậu sẽ tự trông thấy; người ta bảo là ở dưới thường thấy rõ hơn.
- Thế ở trên thì làm sao, khó thấy rõ à?
- Biết nói thế nào với cậu nhỉ? Ở đời này, nhiều chuyện lắm. Cũng có kẻ lon to và đeo lon đó đã lâu, thế mà đến nay vẫn dùng có mỗi một ngón tay để chơi chiếc đàn quân sự;  y cứ bật bông mãi cái bài tủ giống như anh xẩm quay đàn hòm ấy, và cấp trung gian như bọn mình, những sĩ quan tác chiến, thì theo tình hình diễn biến của sự việc, đã nghe ra khúc nhạc đó là thứ nhạc gì, nhưng ở trên kia, - Ivan Alếchxâyevíts liếc nhìn nhanh lên trần nhà, - vẫn chưa chịu lắng tai! À, này nhân thể, - Ivan Alếchxâyevíts chìa tay cho Xerpilin và nói. - Bà vợ góa của Baranốp hôm qua có đến đây gặp mình. Mình nhớ lại câu chuyện mình với cậu trao đổi, cho nên đã bảo rằng bà ấy nên tìm cậu. Cậu hãy đích thân kể lại câu chuyện cho bà ta nghe, tớ không gánh lấy việc ấy đâu.
Xerpilin cau mày.
- Bao giờ cậu sẽ đi nhận sư đoàn?
- Bây giờ tớ sẽ đi thẳng đến tư lệnh bộ của mặt trận, nếu cậu cho chiếc xe, - Xerpilin trả lời. - Sau đó, tớ sẽ tạt về nhà một giờ để sửa soạn, và đến đêm là tới địa điểm. Tớ định thế đấy.
Ông không muốn nói chuyện với bà vợ góa của Baranốp và khoan khoái nghĩ thầm rằng hôm nay mình sẽ ra mặt trận, nên chắc là tránh được một điều tai bay vạ gió. Nhưng sự việc lại xảy ra khác thế. Ông đã giải quyết việc đi đến tư lệnh bộ mặt trận ở Perkhuskôvô nhanh hơn mình dự định. Ngay trong lúc đang còn ở Bộ tổng tham mưu, ông đã gọi điện thoại báo cho vợ biết về quyết định bổ nhiệm công tác cho ông. Khi ông ghé qua nhà để ăn trưa và lấy đồ đạc thì bà vợ đang đứng trước chiếc va li mở nắp, liền nói ra vẻ không bằng lòng:
- Có cái bà Baranôva nào đó nằng nặc gọi điện thoại tới đây cho mình hai lần. Em đã trả lời bà ta rằng hôm nay mình đi ra mặt trận, nhưng bà ta cứ tuyên bố là dù sao sẽ vẫn gọi nữa. Bà Baranôva nào thế nhỉ?
- Còn bà nào nữa. Vợ Baranốp.
Hai vợ chồng nhìn nhau. Bà Valenchina biết rằng chồng mình có căn cứ để coi Baranốp là một trong những kẻ đã gây ra cho mình những chuyện hồi năm ba mươi bẩy, biết ràng số phận thật là trớ trêu đã cho hai người chạm trán nhau khi ở trong vòng vây, thế mà giờ đây, - tệ đến nước ấy là cùng, - ngay trước khi lên đường ra mặt trận, ông lại sắp phải nói chuyện với vợ Baranốp. Nhìn nét mặt chồng, bà đã hiểu là sắp phải nói chuyện. Hễ bà Baranôva gọi điện thoại là nhất định ông sẽ bảo bà ta cứ đến; chỉ còn một hy vọng là bà ta sẽ không gọi nữa. Chính cả hai vợ chồng cũng vẫn hy vọng vào điều đó lúc này, trước khi chia tay.
Suốt bữa trưa hôm nay, Xerpilin nói nhiều, còn bà Valenchina thì lại trầm lặng. Từ lâu, bà đã biết rằng ông chồng muốn xuống sư đoàn, biết rằng ông đã viết thư đề nghị với Xtalin về việc này và bà tin là ông sẽ được toại nguyện.
Họ hiểu rõ nhau đến tận chân tơ kẽ tóc đã từ lâu. Cố nhiên, hiểu rõ nhau chưa phải là tất cả tình yêu, nhưng cái phần quan trọng ấy của tình yêu mỗi năm một trở nên quan trọng hơn, đến nỗi tình cảm nào mà thiếu sự hiểu nhau như vậy, thì nói chung, muốn cho đúng hơn, ta đừng gọi nó là tình yêu, mà là một cái gì khác đi. Sự hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về những điều gì khiến Xerpilin đau khổ và điều gì khiến ông vui mừng đã từ lâu trở thành bộ phận chủ yếu trong tình yêu của bà Valenchina đối với chồng và bà đã mừng thay cho chồng khi ông được tiếp nhận sư đoàn, mặc dầu trong thâm tâm bà, tất cả đều nổi lên phản đối: lại xa cách, lại mặt trận, lại cuộc sống căng thẳng, lại những đêm không ngủ với tình trạng sức khỏe của ông chưa bình phục được một nửa.
Nhưng bà không cho phép mình nói về việc đó, vì không muốn làm cho ông mất tinh thần phấn khởi ngay trước khi lên đường, còn nói chuyện khác thì chẳng có bụng dạ nào mà nói nữa. Suốt bữa ăn, bà cứ ngồi im lặng và sự im lặng gay cấn ấy không phải là hậu quả của sự bất hòa, như một người lạ nào đó chắc sẽ tưởng nhầm nếu bước vào đây, mà là kết quả của tình yêu và sự tự kiềm chế.
Còn có cả một tình cảm nữa, đó là sự lo lắng. Ngồi đối diện với chồng trước bữa ăn tiễn biệt này, bà Valenchina chợt nhớ ra rằng ông sẽ đến thế chân một người vừa chết trận. Quyết định điều động mới có thể báo điềm chết chóc cả cho ông nữa, nhưng trong gia đình họ, tuyệt nhiên không hề có cái lệ bàn tán về chuyện này.
- Này Valenchina. - Xerpilin đã toan uống trà, nhưng lại gạt chiếc chén ra, - mình có biết là tôi muốn nói gì với mình không?
Ông muốn nói với vợ là ngay sau khi ông ra đi, bà nên lập tức quay về với công tác nữ y tá mà bà tạm thời rời bỏ, khi ông ra viện để về nhà nghỉ. Ông biết rằng: ngay ngày mai bà sẽ trở về với công tác này, nhưng muốn làm cho bà cảm thấy rằng việc ấy không những quan trọng đối với bà mà cả với ông nữa.
Tuy vậy mãi về sau, tới phút chia tay cuối cùng, ông mới nói được với vợ điều đó; chuông điện thoại vang lên, rồi một giọng đàn bà đau khổ và có vẻ đòi hỏi, báo rằng đây là Baranôva gọi dây nói cho ông, rằng bà ta đã biết là Phêđô Phêđôrôvíts sắp ra mặt trận; nhưng bà gọi lần này là thứ ba, lần này là từ góc phố, từ trạm điện thoại tự động, nên ông không có quyền từ chối không nói chuyện với bà ta trong mười phút.
Xerpilin không thích người ta nhắc nhở mình rằng ông có quyền làm gì và không có quyền làm gì, nhưng một khi Baranôva đã gọi dây nói thì ông không cho phép mình được từ chối:
- Cứ đến, tôi sẽ đợi bà.
Ông treo ống nói lên móc và hỏi vợ có nhớ tên bà Baranôva là gì không.
- Nhưng nói chung tôi không nhớ ra cả bà ấy nữa kia, - Valenchina Egôrốpna nói, không che giấu ác cảm.
Cái chết của Baranốp không làm cho bà nguôi giận đối với hắn. Tất cả trong con người bà đểu sôi sục lên khi nghĩ rằng người cướp đoạt mất nửa giờ cuối cùng của bà, trước khi chia tay với chồng, lại chính là vợ của cái kẻ trước kia đã nhúng tay vào việc cướp đoạt người chồng của bà trong suốt bốn năm ròng, bốn năm lâu dài nhất và đáng sợ nhất trong đời bà.
- Dù sao thì mụ này cũng càn rỡ thật! - bà nói giọng không nhân nhượng và đúng hơn cả là không công bằng rồi không hề ngượng ngùng về sự bất công của mình, bà vớ lấy chiếc va li đi xuống bếp để sửa soạn đồ đạc cho chồng vì không muốn thấy mặt người đàn bà kia.
Xerpilin ngồi một mình uống nốt chén trà. không những cố nhớ lại tên và tên đệm của bà Baranôva mà còn cố nhớ lại hình dáng của bà ta: hình như còn trẻ, trẻ hơn Baranốp. Ông đã trông thấy bà này, nhớ rằng mình trông thấy bà này năm ba mươi sáu ở nhà ga, khi họ đáp xe lửa đi dự cuộc tập trận mùa thu ở Bêlôruxia: hình như chính lúc đó Baranốp đã giới thiệu hai người với nhau.
Người đàn bà mà mấy phút sau đó đã được ông mở cửa cho, quả thực chưa già. Bà ta mặc quân phục bác sĩ quân y, và nếu giây phút ấy, ông có suy nghĩ về điều này thì chắc hẳn ông phải tự nhủ thầm thêm rằng: “Và đẹp thật”.
Ông giúp bà ta cởi áo khoác, mời ngồi xuồng bên bàn và mời uống trà. Nhưng bà khách đã vội vàng từ chối, nhìn qua chiếc đồng hồ tay to lớn kiểu nam giới và nói rằng chỉ xin ông đúng mười phút thôi như đã báo trước bằng điện thoại.
Bà biết tin chồng mình chết cả tháng nay rồi. Thằng con trai đầu mười tám tuổi, khi nghe tin cha chết, đã tình nguyện ra trận được một tháng nay và bà đã tán thành việc đó. Người ta đã chính thức báo tin cho bà biết là chồng chết lúc nào - ngày 4 tháng chín - và báo rằng bà có thể đặt vấn đề xin tiền tuất. Nhưng bà vẫn chưa làm giấy tờ...
- Nói chung, cái chuyện tiền tuất lúc này chưa quan trọng lắm, - bà ta vội nói thêm. - Bác cũng thấy đấy, em đang công tác trong bộ đội, em làm bác sĩ trưởng về phẫu thuật trong quân y viện, thằng con đầu thì ở ngoài mặt trận, thằng bé thì ở với ông bà nội và hoàn toàn ổn định rồi, cho nên gia đình chúng em chả thiếu thốn gì cả. - Bà ta nói với giọng tựa hồ như muôn rào đón trước những sự nghi ngờ mà Xerpilin không hề có.
- Nhưng mãi hôm qua, sau nhiều lần gọi điện thoại, em mới đến gặp... - bà nói họ của ông Ivan Alechxâyevíts - với hy vọng rằng một người như bác có thể biết rõ hơn những người khác. Quả thực bác ấy đã báo ngay rằng nhà em vượt vòng vây cùng với bác và khuyên nên đến hỏi bác.
“Thật là đồ trời đánh! Buộc cái ách vào cả cổ mình cả cổ chị ta”, - Xerpilin nghĩ thầm, có phần thông cảm với người đàn bà có phong thái đường hoàng này.
Không dễ dàng gì làm cho Xerpilin xúc dộng, ông tin vào những tình cảm kín đáo nhiều hơn, nên bây giờ ông đọc thấy trong giọng nói rắn đanh căng thẳng và trong đôi mắt của người phụ nữ chứa chất nhiều đau khổ hơn là nếu bà ta khóc òa ra ngay ở đây, trước mặt ông.
- Vâng, - ông nói to lên, - quả thực chúng tôi đã cùng nhau vượt vòng vây.
Ông vừa chậm rãi nói, vừa suy nghĩ về hai câu hỏi cùng một lúc: nên nói gì với bà ta và người ta đã nói gì với bà ta rồi? Tin tức về cái chết của Baranốp chỉ có thể được phát ra từ miệng Smakốp và từ những bản danh sách quân số chiến đấu hiện diện mà Smakốp đã giao nộp ngay sau khi vượt khỏi vòng vây. Nhưng liệu Smakốp có thuyết minh thêm điều gì trong danh sách đó không, và người ta đã nói những gì với người đàn bà này: đó là những điều bà ta đang nói hay họ còn nói nhiều hơn thế nữa? Họ đã thương hại cho bà và quả tình bà không biết chăng? Hay bà ta biết nhiều hơn những điều mình đang nói mà muốn thông qua Xerpilin để thẩm tra lại? Tất cả những điều này đều có thể có cả và không mâu thuẫn với nỗi đau khổ chân thành mà ông nghe thấy trong giọng nói của người đàn bà.
- Quả thực là chúng tôi cùng nhau vượt vòng vây và quả thực ông nhà đã chết trận vào ngày mồng bốn tháng chín. - Xerpilin vẫn chưa quyết định dứt khoát rằng nên nói với bà ta như thế nào, nhưng bà ta đã thoáng nhận thấy vẻ ngập ngừng trong giọng nói của ông.
- Xin bác hãy kể cho em nghe tình thực, kể hết những sự việc đã xảy ra: đối với em, điều đó rất quan trọng, nhưng cái chính là mấy thằng con giai, trước hết là thằng con cả muốn biết điều đó. Em đã hứa sẽ viết thư ra mặt trận cho cháu.
Nhưng chính lúc này, lúc bà ta bảo: “hãy kể đúng tình thực” và lại nhắc đến đứa con trai thì Xerpilin quyết định không nói rõ sự thật với bà ta, - không nói tất cả, hoặc dù chỉ một nửa, hoặc dù chỉ một phần tư cũng không nói.
Ông nói rằng đã gặp chồng bà ta vào cuối tháng bảy khi đang cùng với đơn vị của mình vượt qua rừng từ Môghilép ra đến Trauxư, rằng trong hoàn cảnh bị bao vây chồng bà đã chiến đấu với cương vị là một chiến sĩ bình thường cũng giống như một số sĩ quan chỉ huy khác (Xerpilin phải chật vật lắm mới nói ra được câu này mặc dầu đó chỉ là lời dối trá một phần thôi) và đã chết trận ngày mồng bốn tháng chín, ngay từ khi mới bắt đầu trận đánh đêm hôm đó lúc vượt qua đường ôtô. Bản thân Xerpilin không được trông thấy sự việc xảy ra, nhưng người ta báo cho ông biết rằng Baranop đã chết một cách can đảm... Ông đã phải vận dụng nghị lực để nói lên điều đó cốt cho đứa con trai biết nhiều hơn là cho bà mẹ biết, vì bà ta sẽ viết thư ra mặt trận cho nó.
- Bà cũng thấy đấy, rất đáng tiếc là tôi chỉ kể thêm được rất ít. Ở đó, tôi đã phải chỉ huy năm trăm người, cho nên không thể nhớ hết mọi chi tiết về từng người được. Chúng tôi phải hành quân rất gian khổ, vừa đi vừa chiến đấu liên miên và thương vong nhiều, còn trong trận đánh cuối cùng, khi đã bắt liên lạc được với quân ta thì lại bị mất một nửa số người. Cố nhiên, không phải vì thế mà bà đỡ đau khổ hơn, nhưng trong bọn chúng tôi chỉ còn một số ít sống sót...
- Có lẽ bác còn có điều gì chưa nói hết? - bà ta soi mói nhìn Xerpilin.
Thoạt tiên, ông tưởng chừng như giọng nói khi nhắc đến Baranốp đã khiến mình bị lộ tẩy, nhưng hóa ra không, vẫn giữ kín được. Sau đó, ông nghĩ thầm: có lẽ bà ta sửng sốt về chuyện chồng bà là đại tá mà chỉ giữ chức lính trơn trong đơn vị Xerpilin à?
Nhưng khi tiếp tục nhìn thẳng vào đáy mắt bà ta thì ông đã hiểu rằng cả hai điều dự đoán đều không đúng. Chẳng qua là bà ta đã biết hay đoán biết chồng mình có điều gì đó khiến bà lo sợ thay cho chồng. Rõ ràng là bà yêu chồng, nhưng bà lại lo sợ không hiểu trong chiến đấu chồng mình xử sự ra sao?
Bà hy vọng được biết những điều tốt đẹp về chồng mình, vì thế cho nên mới đến đây và đồng thời trong thâm tâm lại sợ phải biết những điều xấu xa. Còn bây giờ, khi Xerpilin lặng thinh thì bà đâm ra nghi ngờ rằng rút cục vẫn xảy ra cái điều xấu xa đó và chỉ có cái là điều đó không được nói ra thôi.
- Có lẽ bác dù sao cũng còn điều gì chưa nói hết với em? - bà ta nhắc lại.
“Có lẽ, có lẽ...” - Xerpilin nhủ thầm, nhưng ông lại cao giọng trả lời rằng không, ông đã kể hết mọi việc xảy ra và bà ta có thể viết thư cho cậu con trai về việc này.
“Cái chính vẫn không phải là chị ta mà là cậu con trai !” - ông lại nghĩ thầm lần nữa.
Lần này hình như bà ta tin.
- Em sẽ viết thư cho con trai và lấy bác làm chứng đấy.
- Thôi được, bà cứ việc lấy tôi làm chứng, - ông nói.
Nhưng lại nghĩ thầm rằng có ma mà biết được, chắc là thằng cha Baranốp đáng ghét này có cái gì khiến cho người phụ nữ chắc là tốt bụng như vậy đến bây giờ vẫn còn yêu.
Ông tiễn chân bà ta ra phòng treo áo khoác và đưa áo capốt cho bà. Bà khách cám ơn rồi ra về. Khi Xerpilin quay trở vào và xem đồng hồ thì thấy bà ta chỉ quá giờ vẻn vẹn có bốn phút. Đối với một người đàn bà đến đây với mục đích như vậy thì đó đã là một chiến công rồi.
“Phải, một người có cá tính. Thế thì không hiểu chị ta yêu Baranốp về cái gì chứ? Hay như người đời vẫn nói là không về cái gì cả. Yêu là yêu thế thôi? Hình như cũng có trường hợp như thế...” - ông nghĩ thầm, tuy bản thân không thể hình dung được là sao lại có thể như thế.
- Về rồi à? - Valenchina Egôropna bước vào hỏi.
Mặc dầu Baranôva ra về nhanh như vậy, điều này thậm chí cũng chả làm cho bà nguôi giận. Bà chỉ đinh ninh rằng Xerpilin đã kể cho người đàn bà kia nghe hết mọi chuyện có thực, cho nên bà ta mới ra về nhanh như vậy.
- Thế nào, mình đã nói hết với mụ ấy rồi à? - bà không nén được.
- Tôi chẳng nói gì với bà ta cả! - Xerpilin trả lời có vẻ không bằng lòng. Ông không muốn bàn thêm về chuyện này nữa. - Tôi bảo là anh ta đã hy sinh một cách anh dũng.
- Trước đây tôi chưa hề thấy mình có thói quen nói dối. - Valenchina Egôrôpna nói gay gắt.
- Còn mình thì bớt lắm điều đi! - Xerpilin phát cáu. - Thằng con tình nguyện ra mặt trận để trả thù cho cha. Thế thì nên bảo nỏ phải trả thù cho ai? Cho một kẻ hèn nhát à?
- Thế thì phải chăng nó không biết báo thù cho ai nữa ngoài ông bố đáng quý ấy ra hay sao? Nếu bố nó còn sống thì có nghĩa là thằng con có thể không cần ra mặt trận và cứ tản cư về bên kia núi Uran chăng? Tôi không đồng ý như thế đâu!
- Nếu mình ở vào địa vị tôi, thì mình sẽ đồng ý... - Xerpilin có ý giải thích: lý luận cái gì đúng cái gì sai là một chuyện, mà nhìn thẳng vào hai mắt người vợ góa lại là chuyện khác.
Nhưng bà Valenchina Egôrốpna ngắt lời ông:
- Tôi chả cần ở vào địa vị mình để làm gì cả, ngay cứ ở địa vị tôi thì tôi cũng đã trông thấy đủ rồi!
Nếu cứ kéo dài câu chuyện này thêm chút nữa thì rút cục hai người sẽ có thể đâm ra giận nhau, nhưng cả hai đều đã kịp thời cảm thấy thế, cho nên liền nén lại và nói sang việc khác: Xerpilin thì nói về việc vợ mình nên lập tức trở lại công tác trong bệnh viện trước kia, còn Valenchina thì khuyên chồng là sau khi bị thương nên đi ủng ít chứ.
- Chẳng hạn như hôm nay khi đi đường là hoàn toàn có thể dùng bốt bằng dạ.
Từ những lời khuyên răn hợp lý đó, thế là họ đã bắt đầu câu chuyện hoàn toàn có tính chất tiễn biệt...
Sau đó nửa giờ, Xerpilin đã vượt qua khu vực bên kia sông Maxcơva và xuất trình giấy tờ ở chỗ cửa ô rồi đang đáp xe trên con đường ôtô chạy ra mặt trận.
...Xerpilin đến bộ tư lệnh Tập đoàn quân, tìm ra ngôi nhà gỗ, nơi tư lệnh trưởng ở. Người sĩ quan bí thư ra đón và đề nghị ông ngồi đợi.
- Tư lệnh trưởng đang nghỉ, nhưng có ra lệnh đánh thức mình dậy vào lúc hai mươi hai giờ đúng, mà nếu đồng chí đến sớm hơn thì đến lúc nào đánh thức ngay lúc ấy.
Người sĩ quan bí thư đi ra, còn Xerpilin thì liếc nhìn đồng hồ (thấy là 21 giờ 50), rồi đưa mắt quan sát khắp căn phòng.
Chỗ ở tạm thời của một quân nhân thậm chí cũng có thể cho ta một khái niệm nhất định về người chủ nhà. Căn phòng làm việc của tư lệnh trưởng trông rõ lạnh lẽo, sạch sẽ và trống trải, tất cả những cái gì thừa đều được dọn đi, chỉ còn lại một cái bàn, mấy chiếc ghế và cái giá ba tầng, tầng thứ nhất để một chồng sách, tầng thứ hai để một tập báo “Sao đỏ”, và trên tầng thứ ba là một xấp bản đồ. Chiếc bàn phủ giấy có đính đanh rệp, tờ giấy trắng tinh không có một vết bẩn nhỏ, chắc hẳn đã quy định là hàng ngày phải thay giấy.
Rõ ràng là người làm việc trong căn phòng này có tính quá cầu kỳ: Xerpilin bất giác sực nhớ lại câu nhận xét sơ qua của Ivan Alếchxâyevíts về tính tình nghiệt ngã của tư lệnh tập đoàn quân.
- Tôi đã dự tính là đồng chí sẽ đến muộn hơn. Xin lỗi! - một gíọng nói the thé vang lên sau lưng đã lôi ông ra khỏi những ý nghĩ đó.
Xerpilin đứng dậy, nhưng người vừa nói câu ấy đã không còn ở trong phòng nữa, ông ta đã thoăn thoắt đi qua từ cửa này sang cửa khác, chiếc khăn mặt vắt quanh cổ thấp thoáng trong bóng sáng mờ mờ.
Hai phút sau, ông ta quay trở lại, cũng nhanh như vậy, nhưng bây giờ chỉ im lặng, còn sau đó hai phút nữa thì ông từ trong bước ra về phía Xerpilin, vừa đi vừa đùng những ngón tay to lớn luồn vào trong chiếc thắt lưng to bản để nhét áo vào trong quần bằng một cử động dứt khoát cuối cùng. Xerpilin tự giới thiệu.
Tư lệnh trưởng đứng nghe ông báo cáo, bắt tay rất nhanh và mời ngồi.
- Hóa ra đồng chí là như thế đấy! - Ông ta ngắm nhìn Xerpilin - Khi trung tướng (ông gọi họ của Ivan Alếchxâyevíts ra) mai mối đồng chí cho tôi để phụ trách sư đoàn thì ông ta đã tô vẽ đồng chí đến nỗi tôi đã tự hình dung đúng như lời của Lermôntốp: “Nhà ngươi sẽ có hình dáng dũng sĩ và tâm hồn cô dắc...”, thậm chí tôi đâm ra lưỡng lự. Tôi chúa sợ những sự giới thiệu có tính chất bè bạn. Thế nào, trước đây đồng chí cùng công tác với ông ta à? - ông hỏi, có ý nói tới lvan Alếchxâyevíts.
- Cùng công tác đấy ạ. - Xerpilin nói mà không đi sâu vào chi tiết.
Chính cái đó làm vừa ý tư lệnh trưởng.
“Còn anh thì như thế đấy!” - Xerpilin liếc nhìn ông ta và nghĩ thầm.
Trước mặt ông là một con người tầm vóc không lấy gì làm cao lớn và hình dáng bình thường; cái đầu tròn trĩnh trên cái cổ ngắn chắc nịch, tóc cắt ngắn với cái bờm sắc trắng nhờ nhờ ở đằng trước. Bộ mặt còn trẻ lắm, hầu như chưa có nếp răn, nhẵn nhụi, chỉ có độc nhất mỗi một nét nổi rõ trên cằm. Ông ta mặc áo quân phục dã ngoại, không đeo huân chương, cổ đính phù hiệu dã ngoại màu vải kaki. Hình như tư lệnh tập đoàn quân có vẻ cố ý làm thế nào để không những trong phòng làm việc mà ngay ở hình dáng bề ngoài của mình đều không có một tí gì thừa. Xerpilin biết rằng ông ta đã bốn mươi tuổi, nhưng mái tóc cắt ngắn như trẻ con khiến cho ông ta trẻ lại thêm năm tuổi và giọng nói của ông cũng trẻ trung, lanh lảnh và the thé.
Xerpilin chờ đợi những câu hỏi về quá trình công tác, đó là điều tất nhiên trong trường hợp tìm hiểu một sư đoàn trưởng mới. Nhưng tư lệnh trưởng bắt đầu nói ngay là mình đã kịp tìm hiểu bản quá trình công tác của Xerpilin.
- Cứ cho rằng như vậy là chúng ta đã quen nhau rồi. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhau nốt trong chiến đấu, còn bây giờ thì tôi sẽ phổ biến ngắn gọn tình hình cho đồng chí biết.
Không thèm đưa mắt nhìn, ông ta giơ tay về phía giá sách và cầm lấy đúng tấm bản đồ cần dùng ở đúng cái chỗ để nó, không sai chút nào.
- Tôi với đồng chí đang ở chỗ này. - Đầu cây bút chì gọt nhọn của ông ta chỉ đúng vào một điểm trên bản đồ, không cần phải tìm kiếm gì cả.
Quả là ông ta khắc họa đặc điểm tình hình rất ngắn gọn, tựa hồ như nhẩm đếm từng từ trong óc, nhưng cũng đúng là nhờ có sự ngắn gọn đó mà thực trạng do ông miêu tả trở nên hết sức rõ ràng, không có một cái gì thêm thắt rườm rà.
Tất cả năm sư đoàn của tập đoàn quân đang chiếm lĩnh bảy chục cây số mặt trận và đều thuộc thê đội một. Trong những ngày gần đây quả thực tập đoàn quân không còn lực lượng dự bị nữa. Nhưng theo ý tư lệnh trưởng, ngay cả quân Đức cùng chẳng còn quân dự bị. Mặc dù trong những ngày vừa qua, chúng vẫn còn tấn công và đã thu được những thắng lợi cục bộ, nhưng nói chung những trận tấn công của chúng, như lời ông ta nói, đã mang “tính chất vô căn cứ”. Người ta cảm thấy rằng ít nhất thì cũng là ở đây, ở khu vực của tập đoàn quân, bọn chúng không có những lực lượng dự bị to lớn để phát huy chiến quả.
- “To lớn” đây là tôi nói cho nó thận trọng, chứ tôi vẫn nghĩ thầm rằng trong thực tế nói chung chẳng có lực lượng dự bị nào để chống lại chúng ta đâu.
Sau đó, ông ta chuyển sang nói về cuộc tấn công sắp tới sẽ diễn ra như thế nào trong phạm vi của tập đoàn quân này. Từ nay đến khi tấn công, chỉ còn đếm từng ngày nữa thôi, và các sư đoàn trưởng, trong đó có cả người chỉ huy cũ của sư đoàn Xerpilin đều đã biết việc đó.
- Trong trận tấn công này, chúng ta sẽ không phải là chủ công đâu, - tư lệnh trưởng nói. - Một tập đoàn quân mới toanh, - ông nói số hiệu, - sẽ chêm vào phía bên trái, giữa chúng ta và đơn vị láng giềng cũ. Nó sẽ chiếm lĩnh một phần địa bàn của đơn vị bạn và một phần của ta. Chúng ta sẽ rút sư đoàn ở cánh trái ra làm dự bị và như vậy thì đồng chí sẽ hóa ra ở sát nách đơn vị láng giềng mới, đơn vị chủ công. Nhưng cả chúng ta cũng được yêu cầu là sau một tuần đầu phải tiến đến đây này! - Khoảng cách mà ông ta chỉ ở trên tấm bản đồ thật quá xa: một phần ba cái bàn. - Cố nhiên là tiến trên tuyết dưới hỏa lực địch không phải như cầm bút chì vạch trên bản đồ, - ông vừa nói thêm vừa đặt bút chì xuống. - Như vậy là phải ra công vất vả đấy. Hiện giờ, tôi cũng chả giàu có gì, tính đến ngày hôm nay chỉ có... - Ông ta kể ra con số ít ỏi những người trực chiến đấu, khiến cho một kẻ từng trải như Xerpilin cũng phải sửng sốt. Tư lệnh trưởng nhận thấy dáng sửng sốt đó, nhưng chả nói gì cả: theo ý ông, bản thân Xerpilin phải tự hiểu rõ rằng không để cho quân Đức tiến đến Maxcơva là một việc không đơn giản và đòi hỏi phải trả giá không rẻ đâu.
- Hiện giờ, chúng ta chưa được giàu có lắm, - ông nhắc lại, lần này ông dùng đại từ số nhiều. Người ta hứa cho bổ sung quân số vào ngày mai lúc gần tối, nhưng không bở lắm đâu, bởi vì chúng mình không phải là chủ công. Tình cảnh sư đoàn đồng chí còn hơi khá hơn các sư đoàn khác: trước khi tuyển chuyển nó cho chúng tôi, người ta đã rút nó về và bổ sung quân số.
- Tôi đã trông thấy một trung đoàn của nó trong buổi duyệt binh ngày mồng bảy tháng mười một, - tranh thủ lúc tư lệnh trưởng tạm ngừng, Xerpilin liền nói.
- Thế mà hôm ấy tôi mong nó như lộc thánh, - tư lệnh trưởng nói và chuyển sang công việc của sư đoàn.
Ông coi kế hoạch tác chiến trong khu vực sư đoàn do cựu sư đoàn trưởng và tham mưu trưởng vạch ra trên cơ sở những chỉ thị chung của tập đoàn quân là có thể chấp nhận được, nhưng yêu cầu phải chỉnh lý thêm.
- Chính tướng Orlốp đã hy sinh đúng vào lúc đi nghiên cứu tại chỗ để chỉnh lý thêm, - tư lệnh trưởng nói. - Hồi đó, giữa lúc ban ngày đồng chí ấy đi đến đài quan sát tiểu đoàn để chỉnh lý thêm rồi không trở về nữa. Nghe nói là vì một phát đạn cối tình cờ. Nhưng có ai ghi trên đạn là phát nào tình cờ, phát nào cố ý. Tối mai, tôi sẽ triệu tập tất cả các sư đoàn trưởng đến đây. Đồng chí chỉ còn chưa đầy một ngày đêm để chỉnh lý thêm mọi vấn đề. Thời gian thì ít mà đồng chí thì mới tiếp nhận sư đoàn, nên hoàn cảnh cũng khó khăn. Nhưng tôi cho rằng bổ nhiệm sư đoàn trưởng mới ngay trước khi tấn công còn hơn là thay đổi trong khi đang tấn công. Trước kia, tôi cứ cho rằng căn cứ vào kinh nghiệm và kiến thức thì tham mưu trưởng, đại tá Rơchisép, có thể lên thay để chỉ huy sư đoàn; đáng tiếc là lẽ ra phải suy nghĩ từ trước xem nên chuẩn bị người nào để thay thế người nào, người anh em ạ...
Xerpilin gật đầu: chứ còn gì nữa!
- Nhưng khi tôi xuống sư đoàn thì gặp một con người đang thẫn thờ vì đau đớn. Anh ta đã cùng công tác với sư đoàn trưởng trong hai chục năm trời, cho nên đau đớn là điều dễ hiểu thôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng không cảm thấy trong con người anh ta có một chút gì tinh thần độc lập, tự tin rằng bây giờ mình vẫn gánh vác lấy sư đoàn và mình sẽ chỉ huy nó theo đầu óc hiểu biết của mình. Mà không có sự nhận thức như vậy thì nói chung không thể chỉ huy được, nhất là lại thừa kế một sư đoàn trưởng như Orlốp. Hồi mới bắt đầu lớn lên, tôi cũng có biết đồng chí ấy: tôi đã công tác trong đại đội của đồng chí ấy. Phải, với Rơchisép thì không được ổn... Nếu một người mà chỉ có sợ hãi, mong làm thế nào cho khỏi kém hơn trước thì ta có thể thấy trước kết quả: có bột mà chẳng gột nên hồ. Nói tóm lại, tôi cảm thấy đồng chí ấy không làm nổi chức sư đoàn trưởng, - tư lệnh trưởng nói giọng khắt khe và Xerpilin hiểu rằng cái cảm tưởng đầu tiên của mình tỏ ra không nhầm lẫn: con người này có tính khắc nghiệt. - Đồng chí cứ đến đấy và sẽ tự mình đánh giá lấy. Nếu đồng chí ấy ủng hộ những truyền thống của Orlốp, mà những truyền thống của Orlốp đều tốt dẹp, thì tôi nghĩ rằng ngay cả đồng chí hãy ủng hộ đồng chí ấy về mặt này, còn nếu đồng chí ấy vẫn cứ giữ tâm trạng truy điệu, thì đồng chí hãy báo cáo cho tôi, chúng tôi sẽ điều đồng chí ấy sang sư đoàn khác và sẽ lấy từ sư đoàn đó sang cho đồng chí... Còn nói về chính ủy, thì chính ủy là một người biết điều, gan dạ và thích hỏa tuyến. Tôi không thể nói thêm được nữa, vì biết đồng chí ấy còn ít lắm. Trước đồng chí này, sư đoàn đã có một chính ủy tốt, tôi có thể nói rằng xuất sắc nữa là khác, nhưng sư đoàn này thật không may: anh ta đã bị thương trước Orlốp một tuần. Còn muốn biết tỉ mỉ về vấn đề này thì đồng chí hãy ghé vào chủ nhiệm chính trị: ủy viên Hội đồng quân sự đã đi xuống các đơn vị rồi, còn đồng chí này thì ở đây và đã đề nghị đồng chí ghé qua. Thế nào, có thể uống một cốc trà trước khi lên đường chứ?
Xerpilin cám ơn. Ông ta đã rét run lên ở dọc đường và sẵn sàng uống một ly rượu vốt ca. Nhưng quả là trà ra trà thật. Ở phòng bên cạnh, trên chiếc bàn kê gần chiếc giường đơn giải thảm, đã đặt hai cốc trà đặc đang tỏa khói và một đĩa bánh bích quy có phủ khăn ăn.
- Thế anh có biết rằng tôi không nhớ ra anh hồi cùng học ở học viện đấy, - tư lệnh trưởng nói, tựa hồ như dùng những lời nói đó để đặt ranh giới giữa câu chuyện công tác và câu chuyện tâm tình.
- Thì tôi cùng vậy, - Xerpilin nói.
Bây giờ, khi bàn chuyện quá khứ, ông cảm thấy mình bằng vai bằng vế.
- Còn sau đó, căn cứ vào bản kê quá trình công tác của anh, thì lại quay về học viện và giảng dạy ở bộ môn chiến thuật.
- Vâng, cho đến năm băm bảy.
- Nghĩa là suýt nữa lại gặp nhau. Năm ba mươi sáu, người ta cũng đã tha thiết khuyên nài tôi về học viện làm công tác giảng dạy, nhưng sau đó bỗng được triệu tập trong 24 tiếng đồng hồ và đi sang Tây Ban Nha, như thiên hạ thường nói, ở đời ai học hết chữ ngờ...
- Thế sau khi ở Tây Ban Nha về? - Xerpilin hỏi.
- Làm ở Tổng tham mưu. Nhưng ngay hôm trước khi xảy ra chiến tranh, nhờ trời lại được về quân đoàn cơ giới. - Sau khi nói tới quân đoàn cơ giới, chắc hẳn tư lệnh trưởng chợt nhớ đến lần bị bao vây, cho nên liền hỏi rằng Xerpilin làm thế nào thoát được vòng vây ở Ennha.
- Tổn thất nhiều lắm ạ, - Xerpilin nói. - Hơn một nửa.
- Đơn vị tôi cũng bị gần như thế... - tư lệnh trưởng nói, lần đầu tiên, từ nãy đến giờ, ông không nhìn thẳng mà nhìn sang phía khác. - Bị bao vây thật là một chuyện cay đắng: rất gay go khi nhớ lại chuyện đó và không muốn nó tái diễn nữa. Thật là mâu thuẫn: một người hôm qua đã tình nguyện sát nhập vào đơn vị mình và cùng mình xông pha nguy hiếm, vượt qua bọn phát xít để về với quân ta. Nhưng hôm sau mình lại phải xử bắn người ấy trước hàng quân, chỉ vì lần đầu tiên anh ta không chấp hành mệnh lệnh, vả lại, mình không thể làm khác được, không có quyền làm khác, bởi vì trong hoàn cảnh bị bao vây chỉ cần vài ba vụ không chấp hành mệnh lệnh là tất cả đi đứt. Mặc dầu phần lớn anh em đều tự nguyện đến với mình. Họ có thể đi lung tung đến đâu tùy ý, thế mà họ đã đến với mình. Nhưng một khi đã đến tập trung thì sau đó mệnh lệnh phải phát huy hiệu lực. Có phải thế không nhỉ?
- Chứ sao nữa ạ! - Xerpilin nói.
- Sau đó có một đồng chí cùng vượt vòng vây với tôi, - tư lệnh trưởng hơi ngừng lại một chút trước chữ “đồng chí” - đã kết tội tôi là lộng quyền. Tôi không cãi lại, vì có lẽ là tôi cùng đã tàn nhẫn trong khi kiên quyết bắt mọi người phải chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: tại sao người ta không chấp hành mệnh lệnh? Thường thường bởi vì người đó sợ rằng chấp hành mệnh lệnh thì sẽ chết. Bây giờ chúng ta lại hỏi: thế thì dùng cái gì để khắc phục được lòng sợ chết đó? Phải dùng cái gì còn mạnh hơn cả lòng sợ chết nữa. Đó là cái gì? Trong những hoàn cảnh khác nhau thì cái đó cũng khác nhau: niềm tin vào thắng lợi, lòng tự trọng, sự e ngại không muốn tỏ ra hèn nhát trước mặt các đồng chỉ khác, nhưng đôi khi chỉ vì sợ bị xử bắn. Tiếc rằng sự thật là như thế. Cái người mà sau đó đã viết báo cáo về sự tàn nhẫn, sự lộng quyền vả vân vân của tôi đã vượt khỏi vòng vây một cách trong sạch, chả có gì đáng báo cáo về anh ta cả, vì chả có gì tốt mà cũng chả có gì xấu. Nhưng không phải anh ta đưa anh em ra khỏi vòng vây mà là tôi. Chắc rằng anh cũng vấp phải vấn đề này chứ gì? - Tư lệnh trưởng nhìn vào mắt Xerpilin.
Xerpilin lặng lẽ gật đầu.
- Thôi được... - Tư lệnh trưởng uống hết ngụm trà cuối cùng và đứng dậy. - Chúc đồng chí thắng lợi trong cuộc tấn công! Có lẽ cuối cùng chúng ta, những người đã từng bị bao vây, cũng sẽ được hả dạ, khi mà chúng ta sẽ đánh tan và đuổi được chúng về với quỷ sứ! Chúng ta sẽ trả thù về tất cả mọi việc và cho tất cả mọi người, kể cả những người đã vì hoàn cảnh lúc ấy mà bị chính tay mình xử bắn. Đồng chí hãy ghé qua phòng chính trị rồi lên đường. Đồng chí sĩ quan bí thư của tôi sẽ đưa đồng chí đến tận sư đoàn bộ. Chú nhiệm chính trị ở cách đấy ba nhà. Xerpilin mở cửa hỏi: “Vào được không ạ?” - và mừng rỡ nhận ra rằng người đang rời khỏi bàn đứng dậy đón mình chính là chính ủy trung đoàn Macximốp.
- Chào Mácximốp, con người vui tính! - Xerpilin bất giác thốt lên, trong khi đứng giữa phòng lắc mạnh bàn tay của anh chàng Mácximốp tươi cười.
- Nào, nếu anh đã đến, - Mácximốp vừa kéo tay Xerpilin vừa nói, - thì hãy ngồi đây với chúng mình dăm phút. Này, tôi sẽ giới thiệu anh với người ta.
- Đồng ý, nhưng quả tình là chỉ năm phút thôi nhé, - Xerpilin gõ vào đồng hồ và nói. - Người cấp cao hơn cậu đã ra lệnh cho mình đến sư đoàn ngay!
- Người ta xua anh hay tự anh vội? - Mácximốp mỉm cười.
- Vừa là người ta xua, vừa là chính mình cũng vội.
Xerpilin làm quen với bốn người đang ngồi với Mácximốp đã đứng ngay dậy, khi ông bước vào. Rồi ông ghé ngồi xuống cạnh bàn mà không cởi áo capốt, để tỏ ra rằng tuy rất sung sướng được gặp Mácximốp, nhưng năm phút nữa ông vẫn cứ phải lên đường.
Trong số bốn người mà Mácximốp giới thiệu với Xerpilin, một người là quân nhân hàm đại tá, còn ba người kia là dân sự, mặc dầu cũng ăn mặc kiểu quân sự: cũng đi ủng và mặc áo quân phục, thắt dây lưng sĩ quan, chỉ khác là không có phù hiệu và cấp hiệu. Hai người dân sự thì một là bí thư huyện ủy của một huyện ở phía trước đang bị quân Đức chiếm đóng và một là bí thư thị ủy của một thị trấn ở gần Maxcơva, lúc ấy vừa vặn đang nằm sau lưng tập đoàn quân. Trước đây một giờ, Xerpilin đã đi xe qua đó. Người dân sự thứ ba, một ông già có cái má sứt sẹo, là giám đốc nhà máy sản xuất đồ gỗ.
- Theo sự ủy nhiệm của Hội đồng quân sự, chúng tôi đang cùng với đồng chí chủ nhiệm hậu cần khai thác thêm vài thứ ở các đồng chí được bào chữa, - Mácximốp giải thích.
- Trông kìa, thật là một ông luật sư! - bí thư thị ủy nói.
- Không phải là luật sư mà là người bào chữa, - Mácximốp đùa lại.
- Những người bào chữa đang ngồi trong công sự, - bí thư thị ủy không buông tha anh, - còn anh thì chỉ là người phục vụ ở bên cạnh họ mà thôi. Khai thác chúng tôi ư, không được đâu, chúng tôi tự ý cung cấp đấy.
- Hừ, bác là một tay có thể nói là keo kiệt, - chủ nhiệm hậu cần nói.
- Bây giờ chúng ta đang thu nhận đồ cống nạp của hai xí nghiệp công nghiệp khổng lồ của bác ta, - Mácximốp cười phá lên, - của xí nghiệp may mặc và một xí nghiệp trước kia đóng đồ gỗ, nay sản xuất dụng cụ trượt tuyết. Họ may áo choàng ngụy trang cho ta và sản xuất ván trượt tuyết cùng với xe trượt tuyết để chở súng máy. Hôm nay chúng tôi muốn xin thêm một vài thứ và muốn để họ tin, nên đã mời họ đến đây.
- Này, thôi đi, - bí thư thị ủy xua tay, - nói thế mà chẳng biết ngượng! Ông không thuyết phục thì ở xí nghiệp may mặc chị em có đêm nào được ngủ đâu. Tốt hơn là hãy nói rằng lúc đầu tính nhầm, bây giờ xin thêm ba trăm đôi ván trượt tuyết nữa.
- Tôi không tranh cãi làm gì, - Mácximốp nói và hất hàm trỏ ông già có cái má sứt sẹo, -nhưng muốn thuyết phục được bác ấy thì cũng toát mồ hôi ra đấy! Chỉ mong bác làm cho những đôi ván trượt tuyết tôn tốt một chút!
- Nhưng với thứ gỗ chưa ngâm tẩm thuốc ấy, hơn nữa lại còn tươi nguyên, thì không thể có ván tốt được đâu, - ông già bình tĩnh nói. - Còn về số lượng thì chúng tôi sẽ cung cấp đủ. - Rồi ông quay sang bí thư thị ủy và gật đầu. - Tôi đã ước tính rồi: chúng tôi sẽ cung cấp đủ.
Xerpilin lấy làm mừng rằng trong chốc lát, ông đã đi sâu vào công tác hậu cần rối rắm của tập đoàn quân, từ một góc độ khác, không kém phần quan trọng, nó nhắc cho ta biết là cuộc tấn công đã ở sát ngay trước mắt. Nhưng thời gian không chờ đợi nữa.
- Xin chúc các đồng chí mọi điều tốt lành.
- Tôi sẽ tiễn anh ra tận xe. - Mácximốp đứng dậy.
Xerpilin lần lượt bắt tay những người có mặt ở đó, cuối cùng là ông giám đốc xí nghiệp ván trượt tuyết.
- Báo cáo thiếu tướng, tôi đã từng phục vụ trong đơn vị đồng chí đấy, - ông ta giữ lấy bàn tay Xerpilin và nói.
- Lúc nào nhỉ?
- Là lúc mà tôi cùng đồng chí đánh bọn tướng tá ấy, - ông giám đốc mỉm cười làm cho vết sẹo trên má uốn cong lại thành dấu phẩy. - Tôi đến đơn vị đồng chí trong đợt bổ sung gồm các công nhân Maxcơva để đánh Đênikin! Mà hồi ấy đơn vị đồng chí đóng hơi nhích về phía nam Navơlia, tỉnh Brianxk.
- Đúng là chúng ta đóng ở đó. Có như thế đấy. - Xerpilin nói. - Thế nghĩa là bây giờ tôi có thể yên tâm về món ván trượt tuyết cho sư đoàn mình đấy chứ?
- Đồng chí cứ cho rằng mình sẽ ung dung như cá dưới nước!
- Thế là chúng ta đã gặp nhau, tôi mừng lắm, anh Phêđô Phêđôrôvíts... - Mácximốp nói khi cùng Xerpilin đi ra đường phố ngập ánh trăng của làng quê. Không khí có vẻ thanh bình, nếu không có cái hố bom tuyết kịp phủ một lớp bụi mỏng.
- Mình cũng mừng lắm.
- Còn tôi thì mừng đến nỗi, - Mácximốp nhắc lại, - có trời chứng giám là chỉ muốn về chỗ anh làm chính ủy ở sư đoàn. Hơn nữa, tôi đã chiến đấu ở sư đoàn này, đã bị thương ở đó và đã quen biết và yêu quý người chỉ huy cũ của nó, và hôm qua chính tay tôi đã chôn cất anh ta. Thật thương tiếc Orlốp đến phát khóc lên! Nhưng một khi sự tình đã vậy thì cũng mừng rằng chính anh lại về sư đoàn này. Không nói đùa đâu, giá mà có quyền thì tôi sẽ đi với anh về làm chính ủy. Có một điều tai hại là: một khi người ta đã cất nhắc lên, nếu tôi không phạm lỗi, thì người ta không hạ xuống chức cũ đâu.
- Thế thì ông hãy phạm lỗi đi.
- Được! - Mácximốp nói nghiêm trang đến nỗi Xerpilin phải phì cười.
- Mình sẽ đợi, còn bây giờ thì hãy kể cho mình nghe về ông chính ủy hiện nay!
- Họ ông ta là...
- Vừa may là mình đã biết họ của ông ta là Permiakốp, còn tất cả những cái khác thì sao?
- Ông ta đến đây chưa đầy một tuần. Đã làm chính ủy quân đoàn ở Krưm. Nghe nói là ở Trôngar, quân đoàn làm ăn không nên chuyện, cho nên ông chính ủy, con chiên của Chúa, bị tước mất cành nguyệt quế và gắn thay vào đó mấy cái then. Tôi cũng chả biết vì tội của ai: tội của ông ta hay tội của người khác. Anh còn thắc mắc gì nữa không? - Mácximốp nói thêm nửa đùa nửa thật.
[Cành nguyệt quế tức là cấp hiệu của cấp tướng, then tức là cấp hiệu của cấp tá trong quân đội]
- Thắc mắc thì nhiều, nhưng thời giờ của ông và mình thì ít...
Họ vẫn cứ đứng bên xe ôtô và cả hai đều chẳng muốn chia tay.
- Chúng ta đang chuẩn bị những tiểu đoàn trượt tuyết, - Mácximốp nói. - Anh Phêđô Phêđôrôvíts, tôi tin rồi anh sẽ cất bỏ cả mũ lông cừu và cả áo capốt đi chứ? Nếu không thì trong bọn chúng có những tay bắn tỉa giỏi mà anh lại có cái tầm vóc cao gấp rưỡi người khác, vả lại, đội mũ che tai và mặc áo lông thú vẫn ấm hơn kia mà.
- Mình sẽ bỏ, - Xerpilin nói. - Trong xe có đủ các thứ dự phòng. Lại có cả bốt dạ nữa là khác. Yên trí, mình sẽ không lọt vào tầm súng của bọn bắn tỉa đâu. Điều đó không nằm trong phạm vi nguyện vọng của mình. Nhất là hiện nay.
- Thế phải chăng đã có lúc nó nằm trong nguyện vọng của anh?
- Biết trả lời với ông thế nào nhỉ... Thú thực là trong những ngày vừa qua, khi nằm quân y viện, mình đã đọc đi đọc lại Đôxtôiépxki. Này nhé, có lẽ ông còn nhớ nhân vật Raxkônhicốp lập luận về con người, một con người sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là được sống, dù cho sống suốt đời trên một tấc đất, sống một mình, không có ai khác nữa, sống trong bóng tối, lặng lẽ đứng yên, miễn là được sống, miễn là đừng chết! Chà, mình thì không đồng ý như vậy, mình chỉ đồng ý sống với những điều kiện nhất định.
- Cụ thể là gì chứ?
- Cụ thể là phải làm sao để đánh thắng quân Đức! Không có điều kiện đó thì sống thế nào được kia chứ? Sống trong bóng tối, trong khiếp sợ, sống lặng lẽ trên một tấc đất? Mình không đồng ý sống như vậy đâu! Chắc hẳn ông cũng thế.
Rồi ông ta siết chặt tay Mácximốp và lên đường.
Muốn mò đến được sư đoàn bộ thì phải bỏ con đường làng rẽ sang đường ôtô chạy chừng bảy cây số, rồi lại rẽ xuống con đường làng khác. Xerpilin đi xe đến đường ôtô khá nhanh, nhưng đến đó chiếc xe của ông bị mắc nghẽn lại hầu như ngay lập tức. Bộ binh đi ra mặt trận theo hai bên vệ đường, còn một trung đoàn lựu pháo dùng sức kéo cơ giới thì bị mắc nghẽn lại ở giữa lòng đường, chả biết nó kéo dài đến đâu. Sau đó, con đường leo lên núi và ở đằng ấy chắc hẳn bánh xe bị trượt trên đoạn đường lầy, cho nên xe cộ đâm ra ùn lại.
Anh lái xe vượt qua mấy chiếc xe tải, sạt xuống vệ đường, bị sa lầy, liền cầm xẻng nhảy xuống tuyết. Qua khỏi chỗ lầy, xe lại bò lên mặt đường, vòng qua một chiếc xe tải nữa và không dám thụt xuống vũng tuyết lần nữa, anh dừng lại.
Người sĩ quan bí thư của tư lệnh trưởng liền nhảy phắt ra khỏi xe và chạy tới trước, tới đằng đầu đoàn xe và pháo bị mắc nghẽn.
- Tay này sẽ quét sạch ngay bây giờ! - anh lái xe nói có vẻ ăn chắc.
Lời tiên đoán ấy không thành: hai mươi phút nữa trôi qua, đoàn bộ binh vẫn cứ ùn ùn kéo đi, vừa đi vừa tản ra thành một chuỗi dài, vòng tránh xe cộ, đi cả xuống hai bên vệ đường, cả xuống cánh đồng hoang, còn xe pháo thì vẫn chưa chuyển bánh.
Xerpilin bước xuống xe và đi đi lại lại không lấy gì làm sốt ruột lắm, đôi bốt dạ dẫm tuyết kêu lạo xạo. Sau khi trình diện với thủ trưởng xong, bây giờ ông lại đi bốt dạ, ông đã thay ủng ở dọc đường. Dù sao chăng nữa thì đêm nay mới đến được sư đoàn, ông định bụng sẽ đi xuống các trung đoàn ngay đêm ấy mà không ngủ nữa, và tình trạng có vẻ ách tắc ở dọc đường không làm cho ông đến nỗi bồn chồn lắm, còn cái cảnh tượng bộ đội và xe pháo kéo ra mặt trận thì lại một lần nữa nhắc ông nhớ tới cuộc tấn công.
Ông vừa mừng lại vừa lo. Nói thực tình, từ khi bắt đầu chiến tranh, ông chưa hề chỉ huy sư đoàn, còn cuộc vượt vòng vây với mấy trăm người, tuy có gian khổ, nhưng vẫn chỉ là một trường học phiến diện, cho nên bây giờ ông cứ hồi hộp khi nghĩ đến trận tấn công sắp tới.
“Nhưng hình như đám này còn mới toanh, - ông nghĩ thầm khi nhìn đoàn bộ binh thấp thoáng bên kia đường, giữa những khẩu lựu pháo và những chiếc xe. - Nói chung là chưa chiến đấu, vả lại, chắc là phần đông sĩ quan cũng chưa chiến đấu. Mà trong chiến tranh thì, muốn nói thế nào đi nữa ngày đầu tiên vẫn là ngày khó khăn...”
Xerpilin đang mải suy nghĩ như vậy và vẫn còn đi đi lại lại thì người sĩ quan bí thư của tư lệnh trưởng chợt chạy đến, thở hồng hộc trước mặt ông.
- Báo cáo thiếu tướng, đây ạ, - anh ta giơ tay trỏ vào một thiếu tá cao lớn đi cùng. - Đồng chí nảy chịu trách nhiệm về việc chuyển quân ở quãng đường này đây ạ. Tôi đã giải thích cho đồng chí ấy là thiếu tướng đang đợi, thế mà đồng chí ấy chẳng chịu thi hành biện pháp gì cả. Đành phải mời lại đây gặp thiếu tướng.
Xerpilin thẳng người lên và nhìn viên thiếu tá bướng bỉnh đang đứng trước mặt.
Thiếu tá đặt tay lên vành mũ che tai và báo cáo, giọng khản đặc vì cảm lạnh, nhưng vui vẻ, rằng anh ta là thiếu tá Artêmiép, trung đoàn trưởng thuộc sư đoàn đang hành quân nảy.
Mặc dầu giọng nói bị khản đặc và cổ phải quấn băng đến tận cằm, thiếu tá trông rất lực lưỡng: cao lớn, hai vai vuông vắn, bộ mặt dầu dãi nắng gió, thậm chí dưới ánh trăng mà vẫn giữ sắc da rám nắng ngả màu gạch.
Hình như viên sĩ quan bí thư vẫn hy vọng rằng thiếu tá sẽ bị xạc ngay lập tức, nhưng Xerpilin lại không mở đầu câu chuyện như vậy:
- Bị viêm họng hả?
- Đúng thế ạ, tôi bị viêm họng! - vẫn với cái giọng khàn khàn vui vẻ ấy, thiều tá rành rọt trả lời.
- Anh định làm nghẽn đường lại bao lâu nữa đấy?
- Báo cáo thiếu tướng, xong ngay bây giờ đây ạ, bộ binh đã đến đây rồi, chúng tôi còn phải khiêng bằng tay năm sáu chiếc xe tải lên núi, ở đằng ấy chúng tôi sẽ quy định cự ly, còn những chiếc khác sẽ lấy đà và tự chạy được thôi ạ. Mười phút nữa sẽ xin giải quyết hết. Tôi đã nói rõ với đồng chí thượng úy như vậy rồi đây ạ, - anh ta hất hàm chỉ viên sĩ quan bí thư ra vẻ không bằng lòng, vì người ta đã làm anh phải bỏ giở công việc một cách vô ích.
- Được, tôi cho đồng chí mười phút. - Xerpilin liếc nhìn đồng hồ và nói. - Nhưng không được quá hạn đâu đấy! Chưa tham gia chiến đấu hả?
- Báo cáo đồng chí thiếu tướng, đồng chí định hỏí về cái gì à? Cá nhân tôi ấy à?
- Tôi định hỏi về trung đoàn của đồng chí, bởi vì đồng chí đang chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đồng chí...
- Phần lớn anh em chiến sĩ đều chưa hề tham chiến, nhưng cán bộ chỉ huy thì đã dự trận Khankhingôn. Cố nhiên trận ấy... - Chắc hẳn anh ta muốn giải thích rằng những trận đánh ở Khankhingôn chẳng giống như những trận đánh trong cuộc chiến tranh này.
Nhưng Xerpilin đã ngắt lời anh:
- Thôi, tôi chẳng giữ chân đồng chí nữa đâu. Chúc đồng chí phát huy được truyền thống chiến đấu của sư đoàn.
- Xin cám ơn đồng chí thiếu tướng! Bây giờ tôi xin đi mở đường. - Thiếu tá rút bên tay đeo đồng hồ ra khói túi áo lông ngắn trong giây lát, rồi chạy men theo dọc đoàn xe.
Một giờ đêm, Xerpilin mới mò tới sư đoàn bộ. Chính ủy sư đoàn không có ở đó: ông ta đi xuống một trung đoàn từ trưa, còn tham mưu trưởng vẫn chưa đi ngủ để đợi sư đoàn trưởng mới tới.
Theo yêu cầu của Xerpilin, họ bắt đầu từ việc xem xét bản kế hoạch tác chiến đã được thảo ra. Đối với Xerpilin thì cái cảm tưởng đầu tiên là bản kế hoạch này có vẻ hợp lý, dù chưa ước tính được trên thực địa đi nữa.
Tham mưu trưởng là một đại tá nhỏ bé, vẻ mệt mỏi và ủ rũ. Hình như ông ta đã có định kiến từ trước rằng mình sẽ không và không thể nào ăn ý được với sư đoàn trưởng mới. Với vẻ bướng bỉnh của một con người không cần quan tâm rằng người ta có thích những điều mình nói hay không, hễ cứ nói được mười lời, ông ta lại nhắc tới ông sư đoàn trưởng đã chết trận bằng một giọng đều đều, khe khẽ: “theo yêu cầu của tướng Orlốp”, “theo chỉ thị của tướng Orlốp”, “theo dự định của tướng Orlốp”, “theo sự tính toán của tướng Orốp”... - và rút cục điều đó đã khiến cho Xerpilin phát ngấy.
- Này, đại tá Rơchisép! - ông ngắt lời tham mưu trưởng. - Bản thân đồng chí có tham gia vào việc vạch kế hoạch tác chiến không? Ai vạch kế hoạch này? Có phải là đồng chí hay không? Tôi vẫn quen cho rằng, đó là nhiệm vụ của tham mưu trưởng. Và hình như tôi với đồng chí đều đã cùng học trong các trường quân sự của ta cả. Nếu không phải vậy thì chúng ta hãy làm rõ điểm đó trước đã!
Rơchisép đợi một lát mới ngước mắt lên nhìn Xerpilin, tựa hồ như miễn cưỡng mà nói rằng: vâng, cố nhiên tất cả những việc tính toán tỉ mỉ đều do mình làm.
- Còn tôi thì cũng tin chắc như vậy. Thế nhưng tại sao đồng chí lại cứ luôn mồm nhắc lại với tôi “tướng Orlốp”, “tướng Orlốp”, khi cần thiết cũng như khi không cần thiết? - Xerpilin nói và không muốn dừng lại nửa chừng. - Tôi đã nghe nói rằng ở đây trước tôi đã có một ông sư đoàn trưởng rất giỏi, khi đến bộ tư lệnh mặt trận và bộ tư lệnh tập đoàn quân, tôi đã nghe nói thế. Tôi rất mừng vì được đến một sư đoàn có truyền thống. Nhưng tôi không cho phép người ta dùng ông chỉ huy cũ để dí vào mũi tôi. Bởi vì bây giờ tôi là sư đoàn trưởng, và điều này không cần phải bàn cãi gì nữa, đối với đồng chí cũng như đối với bất cứ ai, dù bàn cãi bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp! Từ nay, đồng chí hãy ghi nhớ lấy là đừng cố công nhắc nhở tôi rằng tướng Orlốp trước kia là một sư đoàn trưởng giỏi như thế nào. Bản thân tôi sẽ tìm được hoàn cảnh và hình thức thích hợp để nhắc nhở rằng sư đoàn trưởng mới có bổn phận phải như thế nào và phải làm gì đối với sư đoàn trưởng cũ và đối với đồng chí với tư cách là tham mưu trưởng, mặc dù người ta không quen khen những người còn sống. Thế nào, hỏi thật là đồng chí nghĩ sao về việc này? - sau giây lát tạm ngừng, Xerpilin bỗng hỏi một cách hoàn toàn đột ngột đối với Rơchisép.
Ông ta muốn ngay từ đầu làm cho con người này quen cách làm việc với mình, nên sau khi đã chủ động trình bày những cảm giác của mình, lúc mới gặp gỡ, thì bây giờ ông lại muốn tạo cho Rơchisép cơ hội để có thể thật lòng nói ra, nếu anh ta muốn nói. Nếu quả là Rơchisép muốn thế thì có nghĩa là hai bên sẽ ăn ý được với nhau, còn nếu ông này rụt vào trong chiếc vỏ ốc thì gay đấy.
- Báo cáo thiếu tướng, tôi biết nói gì với đồng chí về việc này đây? - Rơchisép lặng im trong giây lát, rồi lạí ngước nhìn Xerpilin bằng cặp mắt sầu thảm, buồn bã và nói, - tôi gọi tướng Orlốp như thế xin đồng chí cùng đừng trách cứ anh Orlốp - vì anh ấy đã chết và tôi cũng chẳng có gì gắn bó về mặt công tác với anh ấy nữa. - Dù sao, sau hai chục năm làm việc với nhau, tôi không bao giờ có thể quên được, Mà cũng chẳng muốn quên anh ấy. Và thật tình là...
- Chỉ cốt thật tình thôi!
- ...Và, thật tình là nếu như đồng chí cũng đã tự mình kêu gọi như vậy, thì tôi xin nói là đồng chí không thể thay thế đồng chí ấy trong lòng tôi được đâu.
“Thế thì ta có thể làm việc với nhau được đấy”, - Xerpilin nghĩ thầm.
- Tôi thấy rõ là đồng chí yêu mến sư đoàn trưởng, - ông cất tiếng. - Thế đồng chí có yêu mến sư đoàn không?
- Thì chính tôi đang muốn nói về sư đoàn. Tôi yêu mến sư đoàn và tôi chỉ mong muốn ở đồng chí một điều, nếu tôi có quyền mong muốn, là đồng chí sẽ thay thế sư đoàn trưởng cũ càng kết quả bao nhiêu thì càng tốt. Cá nhân tôi ở đây chẳng quan trọng gì lắm... - Ấy, nói thế là thế nào nhỉ! Đồng chí là tham mưu trưởng, - Xerpilin không nén được, nên phải ngắt lời Rơchisép.
- Chẳng quan trọng gì lắm, - Rơchisép bướng bính nhắc lại, - nhưng tôi xin nói để đồng chí biết rằng, mặc dầu bao lần thương vong, hiện nay trong sư đoàn này vẫn còn hơn ba chục cán bộ chỉ huy đã tốt nghiệp trường sĩ quan bộ binh Ômxk, nơi mà anh Orlốp đã từng công tác trong mười năm, trước khi về sư đoàn này, nghĩa là họ là học viên của anh ấy. Đây là, đồng chí biết không, là cái nòng cốt mà mình phải chú ý đến, chứ không thế đùa bỡn với truyền thống được đâu. Có lẽ thoạt tiên tôi cứ nhai đi nhai lại với đồng chí: “Orlốp và Orlốp” thì cũng thiếu tế nhị thật đấy! Thú thực là tôi muốn để đồng chí thông cảm. Đồng chí hãy bỏ quá đi cho! Nhưng tôi nói thế là vì lợi ích của sư đoàn.
- Đồng ý.
- Đó là thực chất của vấn đề, - Rơchisép nói và lại liếc nhìn Xerpilin bằng cặp mắt đã buồn bã nay lại càng buồn bã hơn, sau khi mất hết vẻ ác cảm. - Còn về phần cá nhân tôi thì chả là tôi không chịu đựng nổi cái chết của anh ấy, tất cả chỉ có thế thôi. Lòng tôi bị đè nặng vì cái chết đó.
- Hãy cứ cho là như vậy. Thế nhưng sau này, chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu ra sao?
- Thì chúng ta sẽ chiến đấu thôi, tôi chưa đến nỗi quên hết kiến thức quân sự cơ bản và cũng không sợ chết hơn những người khác đâu.
- Ta xuống các trung đoàn đi, - Xerpilin bảo.
- Nhưng có nên xuống không? - Rơchisép hỏi. - Hay là để sáng mai?
- Đến sáng thì còn lâu, những năm tiếng đồng hồ nữa kia. Chúng ta sẽ bò xem tiền duyên lúc trời còn tối, nhất là ở nơi nào ban ngày không đi qua được. Còn đến sáng thì chúng ta sẽ tới các đài quan sát. Nghe nói là tướng Orlốp hy sinh ở trên đài quan sát phải không? Ở trung đoàn nào nhỉ?
- Trung đoàn của Baglúk ạ, - Rơchisép đáp.
- Còn chính ủy thì đi xuống trung đoàn nào?
- Cũng xuống trung đoàn Baglúk ạ.
- Vậy thì ta cũng bắt đầu từ trung đoàn Baglúk, - Xerpilin quyết định.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét