Người Ở Đâu Về
(Wo warst du,
Adam)
Heinrich Theodor
Böll
Nobel 1972
Người dịch: Lý
Quốc Sinh.
Nhà xuất bản Nguồn
Sáng, Sài Gòn - 1972
III
Bộ đội Đức thuở đó
có vô vàn trung sĩ. Chỉ nguyên phù hiệu của họ cũng đủ kết thành sao cho sáng
vằng vặc cả vòm trời của một vương quốc phi lí nào nơi âm phủ. Và trong số vô
vàn trung sĩ ấy, một phần quan trọng mang họ Snaiđơ. Rồi trong số Snaiđơ ấy có
khá nhiều người mang tên là Êlôi. Nhưng lúc chuyện này đang xảy ra chỉ có độc
một trung sĩ mang tên họ Snaiđơ Êlôi trú đóng tại vùng Sdôcáchêli, một vùng quê
hẻo lánh của nước Hung Gia Lợi. Đất Sdôcáchêli này là một thị trấn nhỏ bé, bán
thừa lương địa, bán lâm tuyền. Lúc đó trời đang mùa hè.
Văn phòng của
Snaiđơ là một gian chật chội, tường dán giấy vàng. Ngoài cửa phòng có treo một
biển nhỏ bằng bìa màu hông trên có ghi hàng chữ mực Tàu: Giấy xuất Viện Trung
sĩ Snaiđơ. Bàn giấy được kê cố cho Snaiđơ ngồi làm việc, lưng quay ra cửa sổ.
Khi chẳng có chuyện gì làm, chàng đứng lên, ngoảnh đầu lại là tha hồ ngắm nghía
con đường nhỏ bụi bậm, bên phía trái thì dẫn đến ngôi làng và bên phía phải thì
đưa đi ra vùng rừng, qua các cánh ruộng ngô và vườn mơ. Công việc của chàng
không có gì là bận bịu. Bệnh viện chỉ còn lưu lại những người thương tích trầm
trọng. Các thương binh khác, những người ai cũng thấy còn chịu đựng nổi sự di
chuyển, thì đều đã được di tản rồi, những người còn lết nổi thì được trang bị
lại, dẫn đến một trung tâm lựa bệnh. Nên Snaiđơ có quyền bỏ hàng giờ ra ngó qua
khung cửa sổ. Trời bên ngoài thì nặng nề, không khí thì ẩm ướt. Phương thuốc
công hiệu nhất giúp chịu đựng khí hậu này là rượu mơ vàng nhạt pha vào nước
Sen. Rượu mơ hơi cay cay, không đắt đỏ là bao, lại thực hạt nên ngon. Và ngồi
lì cạnh cửa sổ, hết nhìn đất lại nhìn trời, để nghe mình dần ngấm hơi men, cũng
không phải không thú vị. Mà muốn ngà ngà say chẳng phải là chuyện chốc lát đâu.
Snaiđơ thường phải chiến đấu cam go mới đạt tới được tình trạng ấy. Ngay vào
buổi sáng, lúc còn thanh tâm, cũng cần tới một số lượng rượu mơ nào đó mới đủ
đạt tới trạng thái khiến người ta chịu đựng nổi sự trì độn. Snaiđơ có một
phương sách riêng; trong ly thứ nhất, chàng chỉ đổ một đốt rượu mơ thôi. Sang
ly thứ hai, mức rượu đã được gia tăng. Đến ly thứ ba thì mức rượu lên đúng nửa
ly. Ly thứ tư gồm rượu nguyên chất. Về ly thứ năm thì lại rượu một nửa, nước
Sen một nửa. Ly thứ sáu giống hệt ly thứ nhì về độ rượu, mức nước. Và đến ly
thứ bảy, rượu lại chỉ còn ít, y như ở ly đầu. Không bao giờ, Snaiđơ uống quá
bảy ly. Cứ lối mười rưỡi là chàng đã hoàn tất cuộc độc ẩm theo nghi thức ấy
rồi. Và, khi đó tinh thần chàng lâm vào một trạng thái được chàng mệnh danh là
sáng suốt khủng khiếp. Một niềm hăng say lạnh lùng xâm chiếm toàn thân và chàng
cảm thấy thừa sức chịu đựng áp lực làm trì độn của cả một ngày dài. Lối mười
một giờ, đúng ra thì là vào mười một giờ mười lăm, thường có vài ba chuyến xuất
viện phải ghi chép. Nhưng ngay khi ấy, chàng cũng vẫn còn dư cả gần một giờ để
ngắm nghía con đường, con đường mà rất họa hoằn, rất đặc biệt mới có lấy một
chiếc xe do những con ngựa gầy giơ xương kéo, phóng như bay về ngôi làng trong
bụi bốc thành mây. Hay chàng có thừa thời giờ để bắt ruồi, để theo đuổi những
cuộc đàm thoại hóm hỉnh với những thượng cấp vô hình, trong những cuộc đàm
thoại này, chàng luôn luôn có những câu đối đáp đã chua cay lại hàm xúc, để sắp
xếp lại những hộp mực dấu vứt lê la trên mặt bàn và sửa vị trí của một tài liệu
nào đó cho ngay ngắn lại.
Cũng hôm ấy, lối
mười rưỡi, bác sĩ Smítsơ đang ở trong phòng hai bệnh nhân ông mới vừa giải phẫu
xong ngay buổi sáng. Bên trái là trung úy Môn, hai người thuộc lòng chữ ấy.
Smítsơ liền ghé tai vào miệng bệnh nhân “Bieliôgóocsê”. Bệnh nhân đọc thế. Và
tinh thần căng thẳng, Smítsơ lắng tai nghe. Mặc dầu tuyệt không hiểu ý nghĩa
chữ này, ông lặng nghe mà lòng vui vui vì thấy rằng chữ đó đẹp, bằng một vẻ đẹp
huyền bí. Bốn bề đều vắng lặng. Vị bác sĩ nghe rõ hơi thở của viên đại úy chăm
chú nhìn vào tròng mắt trắng của ông và gần như nín hơi chờ đợi chữ
“Biêliôgóocsê”. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, ông thấy chiếc kim giây nhỏ xíu trên
mặt đồng hồ đang di chuyển với một tốc độ, theo ông, quá chậm chạp. Năm mươi
giây rồi. Tiếng “Biêliôgóocsê” lại vang lên. Với ông thời gian đã trở thành vô
cùng tận trước khi năm mươi giây nữa qua hết đi. Có tiếng nhiều xe vào sân.
Ngoài hành lang, có tiếng gọi ai ơi ới. Smítsơ sực nhớ rằng viên y sĩ trưởng đã
có cho người tới yêu cầu mình thay thế ông ta đi khám các bệnh nhân. Lại một
chiếc xe nào nữa vào sân. “Biêliôgóocsê” viên đại úy lên tiếng. Smítsơ tự nhủ:
“một lần nữa, mình gắng chờ nghe lần nữa”. Nhưng cánh cửa buồng bị một viên
thượng sĩ nóng nảy xô toang. Smítsơ vẫy tay làm hiệu cho hắn im tiếng, mắt vẫn
không rời chiếc kim giây. Ông thở phào một hơi dài khi chiếc kim chỉ đúng số ba
mươi. Viên đại úy thốt lên: “Biêliôgóocsê”.
- Chuyện gì đó? -
Smítsơ hỏi.
- Thưa đã tới giờ
đi khám bệnh. - Viên thượng sĩ đáp.
- Tôi đi liền, -
Smítsơ bảo.
Ông buông tay áo
xuống cho phủ kín mặt đồng hồ đúng lúc kim nhỏ chỉ số hai mươi. Viên đại úy lại
nằm bất động. Smítsơ thì vẫn đứng yên, mắt chăm chăm nhìn miệng viên đại úy.
Vừa lúc cặp môi bệnh nhân mấp máy, vị bác sĩ cầm cổ ống tay áo nâng lên rồi,
thật nhanh, lật cổ ống tay áo giơ đồng hồ lên xem khi thanh âm “Biêliôgóocsê”
vang lên. Chiếc kim giây chỉ vừa ngay đúng số mười.
Hôm đó, chẳng có
một vụ xuất viện nào để phải vào sổ cả, Snaiđơ chờ tới mức mười một giờ mười
lăm rồi bỏ đi kiếm thuốc lá. Chàng dừng bước trước một cửa sổ của hành lang:
trong sân có người đang rửa xe của vị y sĩ trưởng. Snaiđơ nghĩ thầm: “Thế là
thứ năm rồi”. Bao giờ xe của xếp lớn cũng đem rửa vào thứ năm.
Các trại của bệnh
viện xây theo một hình vuông trống ở một phía là phía quay ra sau, về hướng
đường xe lửa. Cánh Bắc dành cho khu giải phẫu. Trại giữa là khu quản lí và
quang tuyến. Cánh Nam gần nhà bếp, cư xá nhân viên và, ở tít đầu mỏm, là gia cư
viên hiệu trưởng cũ của trường học gồm sáu gian nối nhau thông thống. Trước
đây, toàn cơ sở này là một trường nông học. Ở phía sau. Trong khu vườn khoảng
khoát chạy nối dài ra ngoài bằng phía không xây cất, có dăm phòng tắm, vài
chuồng ngựa và vài khoảnh vườn kiểu mẫu góc cạnh được kẻ vạch trên đất thật
ngang bằng sổ ngay. Khu có giống cây ăn quả chạy dài ra mãi đến sát đường xe
lửa. Thỉnh thoảng, người ta thấy bà hiệu trưởng có thằng bé con trai đeo sát
tập cưỡi ngựa ở đó. Thằng con trai, nhóc tì lối sáu tuổi, luôn mồm kêu the thé
từ trên lưng con ngựa con của nó. Bà hiệu trưởng còn trẻ và đẹp. Và mỗi khi
thôi giỡn với con ở cuối vườn, bà lại đến phòng quản lí, kêu ca về chuyện có
một viên đạn đại bác thối nằm ì cạnh hố phân. Theo bà, viên đạn đại bác ấy là
một hiểm họa chết người. Lần nào thì người ta cũng đoan quyết sẽ tìm phương
sách nhưng rồi đâu cũng vẫn hoàn đó.
Đứng ở cửa sổ,
Snaiđơ nhìn người tài xế của xếp lớn cẩn trọng làm công việc của mình. Dù đã
lái và bảo trì chiếc xe từ cả hai năm trường, anh ta vẫn tuân theo từng li từng
tí quy tắc bảo trì, theo đó đồ bản chỉ dẫn cách tuần tự tra dầu mỡ phải được
trải ra, đặt trên một thùng gỗ trong khi anh tài, mặc quần choàng chéo go, lách
tới lách lui giữa các thùng nước và bình dầu mỡ. Xe xếp lớn được bao bên trong
bằng da thuộc màu đỏ và thấp lè tè. Snaiđơ bụng dạ bảo: Thứ Năm, thế mà đã thứ
Năm rồi. Chẳng là trong thời gian biểu những thói quan của chàng, thứ Năm là
ngày rửa xe xếp lớn. Snaiđơ chào một nữ y tá tóc vàng hối hả xẹt qua gần chàng
rồi đủng đỉnh đi qua dăm thước ngăn cách chàng với câu lại bộ. Nhưng cửa câu
lạc bộ khóa chặt cứng. Có hai cam nhông tiến vào sân, đến đậu cạnh xe xếp lớn.
Snaiđơ đứng im tại chỗ. Vừa khi ấy, cô bé bán quả tới. Vắt vẻo ngồi lên một
chiếc thùng úp sấp, cô nàng đích thân dong chiếc xe độc mã nhỏ thận trọng lách
giữa các xe đậu, tìm đường vào bếp. Tên cô ta là Sdácca. Thứ tư nào cô cũng từ
một làng lân cận đem hoa quả và rau đậu tới. Vẫn hay ngày nào cũng có nhiều
người mang hoa quả rau đậu tới đây (viên quản lý có nhiều nhà cung cấp lắm)
nhưng hôm thứ tư thì luôn luôn chỉ có độc Sdácca tới thôi và Snaiđơ nhớ rõ điều
này như chôn vào ruột. Đã nhiều bận, cứ thứ tư là chàng ngưng công việc vào lúc
mười một giờ rưỡi ra ngồi khư khư ở cửa sổ; chờ cho kì đến lúc đám bụi mù mà
chiếc xe độc mã khơi lên, hiện ra trên đường dẫn tới nhà ga. Chàng chờ thấy cô
ta tới gần, ban đầu mờ mờ dáng con ngựa nhỏ với một vầng bụi bao quanh rồi cuối
cùng nhìn rõ tường cô thiếu nữ, nét mặt xinh xắn mà sắc sảo với một nụ cười nở
ở góc môi. Snaiđơ châm điếu thuốc lá còn sót, ngồi lên khung cửa sổ. Chàng tự
nhủ: Hôm nay thì phải ngỏ lời với em bằng được trong khi chàng vẫn nhớ rằng thứ
tư trước nào chàng cũng đều luôn luôn tự nhủ có một điều ấy. Nhưng hôm nay
chàng quyết ý ngỏ lời. Sdácca có một vẻ đặc thù, chỉ tại nơi đây chàng mới nhận
ra, so với các thiếu nữ khác của cùng rừng, theo các phim ảnh diễn tả, đều chỉ
biết nhảy như choi choi với một vẻ hăm hở thực ngu xuẩn. Sdácca có vẻ lạnh
lùng, vẻ lạnh lùng khiến khó mà đoán ra được niềm trìu mến của nàng đối với con
ngựa và đối với hoa quả mơ và cà chua, mận và táo, dưa chuột với hồ tiêu chất
đầy trong các thúng. Sau khi dong chiếc xe diêm dúa lách qua đám thùng cáu ghét
và các bi đông dầu mỡ, thiếu nữ ngừng lại trước nhà bếp, dùng roi ngựa gõ vào
kính cửa.
Thời thường thì đó
là lúc yên tĩnh trong bệnh viện.
Cuộc đi khám bệnh
tiếp tục kèm theo một không khí kinh sợ thiêng liêng: mọi sự được sắp đặt ngăn
nắp và một niềm căng thẳng bàn bạc bao trùm các hành lang. Nhưng riêng hôm đó,
chỗ nào cũng ồn ồn, nào tiếng cửa sập, nào tiếng gọi, tiếng kêu của những người
sốt tiết. Snaiđơ nhận thấy điều đó một cách thật lờ mờ, như ở bên lề ý thức của
chàng. Và chàng vẫn tiếp tục hút điếu thuốc cuối cùng, mắt không rời Sdácca
đang tranh biện với viên thượng sĩ hoả thực. Theo thông lệ đúng ra nàng phải
tranh biện với phát ngân viên và anh này tìm đủ cách véo mông nàng. Nhưng
thượng sĩ hoả thực Prátki, dáng mảnh khảnh, hơi bẳn gắt lại là người rất trầm
mặc, nổi danh là đầu bếp cừ khôi và là người tuyệt nhiên không thèm lưu tâm đến
nữ sắc. Sdácca tranh luận thực hăng say, đồng thời làm thật nhiều điệu bộ, nhất
là điệu bộ đếm tiền. Nhưng tay đầu bếp chỉ nhún vai, đưa ngón tay chỉ về khu
trại chính, đúng về hướng Snaiđơ. Thiếu nữ ngoảnh đầu lại, nhìn gần như thẳng
vào mặt Snaiđơ. Chàng liền từ trên bờ cửa sổ mình phóng xuống thì lại nghe có
tiếng ai gọi tại hành lang “Snaiđơ ơi! Snaiđơ!” Rồi sau một giây im lặng, tiếng
gọi lại vang lên: “Trung sĩ Snaiđơ ơi!”
Một lần nữa,
Snaiđơ đảo mắt nhìn khắp sân: tay cầm cương dong con ngựa nhỏ. Sdácca đánh xe
lên phía trại chính trong khi người tài xế của xếp lớn đứng giữa vũng nước
rộng, đang gấp đồ bản tra dầu mỡ lại. Snaiđơ chầm chậm đi về phía phòng thư ký,
đầu ngổn ngang: hôm nay thế nào chàng cũng phải ngỏ lời với thiếu nữ, thứ tư
không phải là ngày rửa xe xếp lớn thế nhưng, nghĩ cho kỹ, thứ năm lại chẳng thể
là ngày Sdácca mang rau, trái tới…
Chàng đụng đầu với
toán đi khám bệnh. Rời bỏ căn phòng lớn gần hoàn toàn trống rỗng, vài nữ y tá,
những nam y tá, viên thượng sĩ quản lý họp thành một đám áo choàng trắng lặng
câm, dẫn đầu không phải bởi xếp lớn mà bởi Smítsơ, bác sĩ phụ tá giám đốc
Smítsơ, một người ít ai có dịp nghe nói tới xưa nay. Dáng người thấp lùn phục
phịch, vẻ người tầm thường, Smítsơ có đôi mắt xám với cái nhìn thật sâu sắc. Có
khi ông hạ rèm mi, trong giây lát, như để định nói điều gì nhưng rồi lại chẳng
bao giờ nói gì hết. Snaiđơ đến phòng thư ký thì đám khám bệnh rã ra. Lúc ấy, vì
Smítsơ vừa tới gần, Snaiđơ bèn mở cửa cho ông bước vào trước.
Viên chánh quản
cầm điện thoại áp vào tai. Khuôn mặt to của hắn biểu lộ vẻ bực bội. Hắn nói:
“Không, thưa bác sĩ y sĩ trưởng”. Trong ống điện thoại có tiếng xếp lớn ọ ẹ.
Viên thượng sĩ chánh nhìn Snaiđơ và viên bác sĩ phụ tá, quơ tay ra hiệu mời
Smítsơ ngồi trong khi chỉ mỉm cười với Snaiđơ. Rồi anh ta lại nói: “Vâng, thưa
bác sĩ y sĩ trưởng” và gác điện thoại lên máy.
- Chuyện gì thế? -
Smítsơ hỏi, - chúng mình cuốn gói phải không?
Có một tờ nhật báo
vứt trên bàn. Snaiđơ giở báo rồi gấp mạnh lại bằng một điệu bộ hơi sẵng. Rồi
sau khi nhìn chồm qua vai họa viên Fanhan ngồi gần đấy, chàng lạnh lùng nhìn
thẳng vào mặt viên thượng sĩ chánh. Chàng vừa nhận ra rằng Fanhan đang vẽ một
bản đồ vị trí hiện tại. Trên đầu tờ giấy vẽ có ghi: Điểm tựa Sdôcácchêli.
- Vâng, - viên
quản chánh đáp. - Chúng ta vừa được lệnh di tản vị trí.
Nét mặt anh ta cố
làm ra bình tĩnh nhưng đôi mắt lại bộc lộ một niềm bối rối rõ rệt mỗi khi anh
nhìn Snaiđơ và đôi bàn tay anh run run. Anh ta nhìn suốt lượt các thùng xanh
xám kê dọc theo bốn bức tường. Những thùng này được biến chế thành tủ treo quần
áo hay bàn giấy tuỳ theo nắp đóng hay mở. Anh ta vẫn không mời Snaiđơ ngồi.
- Cho xin một điếu
thuốc lá, Fanhan. - Snaiđơ bảo.
Fanhan nhổm dậy,
mở một bao xanh chuyền cho chàng. Smítsơ cũng lấy một điếu. Snaiđơ, lưng dựa
vào tường, bắt đầu châm thuốc.
Tiếng chàng vang
lên trong im lặng:
- Chắc chắn tôi sẽ
ở đội hậu tập. Lúc tới đây tôi đã ở tiểu đội tiên phong rồi mà.
Anh quản chánh đỏ
mặt. Ở phòng bên có tiếng máy chữ lách cách. Chuông điện thoại lại reo. Anh
quản nhắc ống lên, xưng danh và nói:
- Vâng thưa bác sĩ
y sĩ trưởng, tôi xin đệ ký liền.
Anh ta gác máy.
- Fanhan, - anh ta
bảo, - chạy đi xem nhật lệnh đã xong chưa?
Smítsơ và Snaiđơ
nhìn nhau. Rồi Smítsơ cúi mình xuống mặt bàn, giở tờ báo. Vừa đọc thấy: “Phiên
xử các công dân phản quốc đã khai mạc”, ông liền gấp tờ báo lại.
Fanhan từ văn
phòng chật hẹp trở về, có viên thư ký đi kèm.
Vừa thấy viên hạ
sĩ quan, Snaiđơ gióng tiếng hỏi ngay:
- Ốpten ơi, mở cửa
câu lạc bộ lấy một lần nữa được không?
- Thôi nhờ ông tí,
- viên thượng sĩ chánh giận dữ nói, - tôi còn nhiều chuyện quan trọng hơn phải
giải quyết.
Viên thượng sĩ
chánh liên miên gõ đầu ngón tay lên mặt bàn trong khi người thư ký sắp xếp tài
liệu, lật sấp các tờ đánh máy để gỡ những tờ các-bon ra. Có tất cả hai trang
đánh máy đánh thành ba và bốn tờ các-bon. Thoạt trông, đó có vẻ một danh sách.
Snaiđơ nhớ đến thiếu nữ. Lúc này, chắc nàng đang ở chỗ phát ngân viên, tìm cách
lấy tiền nợ. Chàng liền bước lại gần cửa sổ để kiểm điểm xe ra.
- Nhớ để lại cho
bọn tôi ít thuốc lá nhé. - Chàng bảo Ốpten thế.
- Im. - Viên
thượng sĩ quát lên.
Rồi chìa mớ giấy
cho Fanhan, anh ta bảo:
- Đệ lên cho xếp
lớn kí.
Fanhan ghim mớ
giấy lại với nhau rồi bước ra.
Anh quản quay lại
nhìn Smítsơ và Snaiđơ nhưng Snaiđơ vẫn không rời cửa sổ. Mặt trời gần đứng
bóng. Con đường vắng tanh. Bên kia đường là một bãi cỏ lớn chỗ người ta họp chợ
mỗi thứ tư. Các quán gỗ dơ dáy vẫn còn đó, chìm trong ánh mặt trời. “Hóa ra hôm
nay là thứ tư thật”. Chàng nghĩ thầm rồi ngoảnh lại với viên thượng sĩ chánh
đang cầm một bản sao nhật lệnh nơi tay. Fanhan đã trở về rồi và đang đứng ở cửa
ra vào:
- Các anh sẽ đóng
ở đây, - anh quản nói: - Fanhan có họa đồ vị trí. Lần này, chiến thuật tác
chiến sẽ được áp dụng. Các anh cũng thừa hiểu, làm cho đủ lệ ấy mà. Snaiđơ ạ,
tốt nhất là nên lập tức điểm danh và phái vài người đi lấy vũ khí để sẵn tại
khu bệnh này. Các đồn khác đều đã được thông báo rồi.
Snaiđơ hỏi:
- Vũ khí cũng là
làm cho đủ lệ phải không?
Viên thượng sĩ lại
đỏ mặt. Smítsơ lấy thêm một điếu thuốc lá trong bao của Fanhan.
- Cho xem danh
sách các thương binh nào, - ông bảo. - Phải xếp lớn chỉ huy đoàn khởi hành đầu
tiên không?
- Thưa phải, -
viên thượng sĩ đáp. - Vả chăng chính ông thiết lập bản danh sách ấy đó.
- Tôi muốn đọc
danh sách ấy một chút, - Smítsơ nói.
Viên thượng sĩ lại
đỏ mặt nữa.
Hắn rút trong ngăn
kéo ra một bản danh sách, trao cho Smítsơ. Vị bác sĩ môi mấp máy, cẩn thận đọc
từng tên một trong một vùng im lặng hoàn toàn. Ai nấy ngậm miệng, chăm chăm
nhìn ông. Chỉ có hành lang mới ồn ào. Và mọi người giật mình khi Smítsơ đột
nhiên lớn tiếng: “Trung úy Môn và đại úy Baoơ, chà chà!”. Ông dằn mạnh bản danh
sách xuống mặt bàn đánh bộp một cái, rồi nhìn anh quản.
- Bất cứ sinh viên
y khoa nào cũng phải bảo anh rằng không được di chuyển một bệnh nhân một giờ
rưỡi sau khi mổ óc hắn.
Ông ta lại nhặt
bản danh sách lên, đập đập ngón tay lên giấy.
- Cho họ một viên
đạn vào sọ hoặc nhét họ vào xe cứu thương thì cũng chẳng khác gì.
Ông ta lần lượt
nhìn Snaiđơ, Fanhan, viên chánh quản và Ốpten.
- Rõ ràng người ta
biết ngay từ hôm qua rằng hôm nay thì chúng mình phải bán xới. Vậy thì tại sao
không hoãn cuộc giải phẫu lại?
- Mãi đến sáng nay
mới có thượng lệnh cho rút, vừa cách đây nữa giờ thôi ạ. - Viên thượng sĩ đáp.
- Thượng lệnh!
Thượng lệnh! - Smítsơ mai mỉa ném trả bản danh sách xuống bàn.
Rồi ông bảo
Snaiđơ.
- Lại đây, chúng
mình đi thôi.
Sau khi ra khỏi
phòng, ông nói tiếp:
- Anh có nghe lời
hắn vừa nói không? Chính tôi chỉ huy tiểu đội hậu tập… để rồi mình bàn thêm
sau.
Ông hối hả đi lên
văn phòng y sĩ trưởng trong khi Snaiđơ lừng khừng về văn phòng mình.
Đến mỗi cửa sổ,
chàng lại liếc nhìn ra ngoài để biết chắc xe của Sdácca vẫn còn đậu trước lối
ra vào. Bây giờ thì sân đầy cam nhông và xe tải thương. Xe của xếp lớn ngự
chính giữa sân. Mọi người đang bắt đầu chất đồ lên các xe. Snaiđơ để ý thấy
rằng, gần nhà bếp, người ta khuân cả những cần xé trái cây và rằng người tài xế
của xếp lớn đang kéo qua sân một thùng thực phẩm lớn có đai sắt. Ở các hành
lang là tình trạng chen vai thích cánh. Về đến văn phòng, Snaiđơ liền đi lại
tủ, rót hết chỗ rượu còn lại vào một chiếc ly, pha vào một chút nước hơi sắp
đưa ly lên môi thì nghe chiếc xe đầu tiên nổ máy. Tay vẫn cầm ly, chàng bước ra
hành lang, đến đứng tại một cửa sổ.
Vừa nghe, chàng đã
đoán ra ngay đó là tiếng xe xếp lớn. Máy xe còn tốt lắm và mặc dầu mù tịt về
máy móc, chỉ nghe thôi chàng cũng biết máy xe còn tốt. Rồi vị y sĩ trưởng bước
tới, tay không hành lý, chiếc mũ cát két trên đầu hơi lệch lạc một chút. Thái
độ ông không có gì khác lệ thường. Chỉ có khuôn mặt ông mọi khi có vẻ cao sang trắng
xanh với một vài khoảng phơn phớt hồng thì lúc này đỏ ửng. Trông ông đúng là
một người đường bệ, cao lớn, thon dáng, kị sĩ có tài, mỗi sáng cứ mới sáu giờ
đã lên yên tay cầm hèo giục ngựa phóng về phía rừng, đều đặn tiến mỗi lúc một
xa hơn mãi, vào phía xa xăm đến nhòa vào chân trời. Nhưng lúc này xếp lớn mặt
mày đỏ ửng. Và Snaiđơ nhớ chỉ thấy màu đỏ ấy có một lần, vào hôm Smítsơ thành
công trong một cuộc giải phẫu mà chính xếp lớn cho là liều lĩnh quá. Bây giờ
thì Smítsơ đi bên cạnh xếp lớn với một dáng bộ vô cùng bình thản trong khi xếp
lớn khuỳnh hai tay bước đi mà như bơi. Nhưng kìa Snaiđơ nhác thấy Sdácca đang
đi ngược hành lang. Rõ ràng là thấy sự xáo trộn nơi đây, nàng đang quýnh lên
như muốn kiếm lấy một người còn bình tĩnh. Nàng nói với chàng bằng tiếng Hung
Gia Lợi. Chàng chẳng hiểu mô tê gì mà vẫn ra hiệu cho nàng bước vào văn phòng
mình. Cùng lúc ấy, bên ngoài, xe xếp lớn chuyển bánh, các xe khác chầm chậm
theo sau…
Cứ bề ngoài mà
xét, chắc thiếu nữ yên trí chàng thay thế phát ngân viên thường lệ. Nàng không
ngồi xuống ghế chàng chỉ. Và khi chàng đặt đít xuống mép bàn giấy, nàng đến
đứng trước mặt chàng vừa nói vừa khoa chân múa tay, cố gắng thuyết phục chàng.
Đối với chàng, quả thực là một niềm hoan lạc được ngắm nàng kì no mắt mà không
cần bận tâm nghe nàng nói.
Bởi vì dù cho có
cố gắng tìm hiểu ngôn ngữ của nàng thì đó cũng chỉ là công cốc. Chàng để mặc
nàng ba hoa chích chòe để tận hưởng khoái lạc ngắm nghía nàng. Thân hình hơi
mảnh dẻ, nàng có vẻ còn thật trẻ, quá trẻ, trẻ hơn là chàng tưởng tượng nữa.
Ngực nàng chỉ mới hơi nhú nhưng chiếc đầu nhỏ của nàng thì thực hoàn toàn xinh
đẹp và chỉ nguyên nghĩ chờ cho đến lúc cặp mày dài của nàng kê lên má nâu của
mình, khoảnh khắc thật ngắn ngủi trong đó nàng cũng ngậm cái miệng tròn nhỏ
hồng hồng và đôi môi mong mỏng, chàng cũng đủ thấy gần như tắc thở. Chăm chú
nhìn, chàng đành tự thú hơi thật vọng về tuổi tác của nàng tuy vẫn nhận rằng
nàng trông thật xinh xắn. Vừa bằng đầu, vừa bằng bàn tay, chàng cố ra hiệu là
chàng không có thẩm quyền. Lập tức, nàng ngưng bặt ánh mắt thành xa vời, nghi
ngại. Chàng hỏi thật nhỏ:
- Ta muốn hôn em,
em hiểu không?
Nói cho thật,
chàng không còn tin chắc mình vẫn còn niềm ham muốn trước. Và chàng ngượng
nghịu khi thấy nàng đỏ mặt và một vẻ gì sôi nổi dần dần lan trên làn da nâu sẫm
ấy. Chàng thấy nàng đã hiểu rồi. Hễ chàng tiến thì nàng lùi. Và thấy niềm kinh
hoàng trong cặp mắt nàng và vẻ gầy guộc của cổ nàng ở đó một động mạch đang
giật thình thịch chàng thấy lẽ ra phải tỏ tình từ ba tháng trước. Chàng liền
dừng lại, lắc đầu và thầm thì:
- Xin lỗi em. Bỏ
qua chuyện này đi. Em hiểu chứ?
Nhưng niềm kinh
hoàng trong ánh mắt nàng cứ gia tăng và chàng đâm lo không chừng nàng sẽ la
lên. Nàng không còn theo dõi được ý nghĩ chàng nữa. Chàng thở một hơi dài, tiến
lại cầm hai tay nàng. Và khi đưa đôi tay ấy lên môi, chàng ngửi thấy rõ ràng
đôi tay là dơ bẩn, rằng chúng toát ra một mùi đất và da thuộc, kiệu và hành.
Chàng hôn lướt qua và cố gắng mỉm cười.
Nàng nhìn chàng
với một vẻ còn bối rối hơn trước cho mãi đến khi chàng vỗ vai nàng:
- Nào thử xem có
cách gì đòi tiền dùm em chăng.
Nhưng chỉ có điệu
bộ đếm tiền mới bộc lộ được hết ý tứ khiến cho nàng theo ra hành lang, miệng
hơi chúm chím.
Tại đây cả hai gặp
Smítsơ và Ốptơn.
- Hai người tính
đi đâu thế? - Smítsơ hỏi.
- Lên chỗ phát
ngân viên. - Snaiđơ đáp. - Em bé này đòi tiền.
- Phát ngân viên
đi khỏi rồi. Đi từ chiều hôm qua tới Sdôlnốc kia. - Smítsơ đáp. - Từ nơi này,
hắn sẽ tới với đạo tiên phong của mình.
Saniđơ khép hờ đôi
mi rồi nhìn hai người đồng ngũ. Không ai thốt một lời nào. Thiếu nữ thì lần
lượt nhìn cả ba người với một vẻ dò hỏi.
- Ốptơn. - Bây giờ
Smítsơ mới nói, - hãy tập trung tiểu đội hậu tập. Tôi cần vài người để khuân đồ
xuống. Bọn họ quên phứt không để thức ăn lại cho chúng mình rồi.
Ông nhìn ra sân.
Chỉ còn độc một chiếc cam nhông.
- Thế còn thiếu nữ
này? - Snaiđơ hỏi.
Smítsơ nhún
vai:
- Tôi chẳng làm gì
có tiền trả cô ta.
- Hay mình hẹn cô
ta sáng mai trở lại?
Smítsơ nhìn thiếu
nữ; nàng mỉm cười với ông.
- Đừng, ông bảo cứ
hẹn cô ta chiều nay thì hơn.
Ốptơn chạy huỳnh
huỵch từ đầu nọ tới đầu kia hành lang, miệng hô:
- Tiểu đội hậu
tập, tập họp!
Smítsơ đi ra đứng
cạnh chiếc cam nhông trong khi Snaiđơ tiễn nàng thiếu nữ ra đến xe độc mã.
Chàng tìm đủ cách giảng giải rằng nàng nên trở lại chiều nay nhưng nàng cứ lắc
đầu. Cuối cùng, chàng đâm ngờ rằng chưa lấy được tiền chưa chắc gì nàng chịu ra
về. Chàng đứng gần nàng, nhìn nàng leo lên xe, lật nghiêng chiếc thùng và từ
trong đó, moi ra một gói bọc màu nâu. Sau khi treo một túi dết lên cổ ngựa,
nàng cởi gói đựng bữa ăn sáng ra: một mẩu bánh mì, một viên thịt ép dẹp và một
củ kiệu. Rượu vang thì đựng trong một chai xanh đáy phình. Bây giờ nàng mới mỉm
cười với chàng. Và bỗng nhiên, nàng ngưng nhai bảo: “Nagivarát”, đồng thời ra một
dấu hiệu đấm mạnh nắm tay từ trên xuống dưới. Lúc đó, nét mặt nàng thật đăm
chiêu. Snaiđơ đồ chừng rằng nàng đang mô tả lại một trận đấu quyền trong đó một
đấu thủ lừng danh nào bị bại trận. Hoặc giả đó là phương cách để bày tỏ rằng
nàng đã sạt nghiệp. Chàng không rõ Nagilavarát nghĩa là gì. Tiếng Hung Gia Lợi
là một thứ tiếng thật khó. Ngay chữ thuốc lá cũng còn khó mà đoán cho ra nữa
là.
Nàng thiếu nữ lại
lắc đầu “Nagilavarát, Nagilavarát”, nàng hăng say nhắc lại vừa khoa tay nắm đấm
từ trên ngực xuống dưới. Nàng lắc đầu, cười khanh khách, ngoạm những miếng lớn
và hối hả uống. Nàng bảo: “Ô, Nagilavarát, nha!”. Nàng chỉ ngón tay về hướng
Đông Nam rồi nhại tiếng ù ù của xe thiết giáp đang tiến đến gần “Bờ ru, bờ ru,
bờ ru…”
Snaiđơ, cuối cùng,
gật đầu. Thế là thiếu nữ phá lên cười, nhưng đột nhiên ngừng bặt, nét mặt thật
nghiêm trọng. Snaiđơ đã hiểu rằng Nagilavarát là tên một thị trấn và điệu bộ
đấm không còn cho phép hiểu lầm gì được nữa. Chàng quay về tiểu đội đang khuân
đồ trên cam nhông xuống. Smítsơ đứng cạnh tài xế đang ký một văn thư, Snaiđơ đã
kêu lớn:
- Bác sĩ có rỗi
một chút, xin mời đến đây được chăng?
Smítsơ gật đầu.
Ăn uống xong,
thiếu nữ gói ghém cẩn thận bánh, mẩu kiệu thừa và đậy nút chai lại.
Snaiđơ hỏi nàng:
- Em có cần nước
cho ngựa không?
Nàng nhún vai nhìn
chàng ngơ ngác.
- Nước, cho ngựa.
- Chàng vừa nói vừa khom mình bắt chước điệu bộ một con ngựa đang uống.
- Ô, - nàng kêu
lên, - ô, nước!
Bây giờ tia mắt
nàng thật dị kì, như hiếu kì lại đồng thời âu yếm.
Từ bên kia sân,
chiếc cam nhông bắt đầu nổ máy. Bên ngoài cả đoàn đang chờ đường hết kẹt.
- Gì đó? - Smítsơ
hỏi.
- Thiếu nữ này bảo
trận tuyến bị chọc thủng một chỗ gần một thành phố. Tên thành phố đó bắt đầu
bằng Nagi.
Smítsơ gật đầu:
- Tôi biết. Ở
Grôsơvácđen.
- Ông biết à?
- Đêm qua tôi nghe
thấy ở radio.
- Nơi đó xa đây
không?
Smítsơ đăm chiêu
nhìn đoàn xe dài đang tuôn vào sân.
- Xa. - Ông vừa
nói vừa thở dài. - Chữ này thật không còn ý nghĩa gì trong cuộc chiến tranh
chúng ta đang theo đuổi… chắc cách đây lối một trăm cây số. Hay chúng ta trả
thiếu nữ này bằng thuốc lá, ngay bây giờ?
Snaiđơ nhìn Smítsơ
và cảm thấy mặt mình nóng bừng.
- Để lát nữa. -
Chàng bảo - tôi còn muốn lưu nàng thêm một lát.
- Tùy ý anh. -
Smítsơ đáp rồi chậm chạp đi về cánh Nam.
Vừa lúc ông bước
chân vào phòng hai bệnh nhân còn lại, viên đại úy đang thì thầm bằng một giọng
nghẹn ngào: Biêliôgóocsê. Smítsơ biết ông không cần đem đồng hồ đo lại; nhịp
phát âm của viên đại úy còn chính xác hơn bất cứ một chiếc đồng hồ nào. Ngồi
trên mép giường với hồ sơ bệnh nhân trong tay, và gần như được ru bằng tiếng
luôn luôn lập lại ấy, vị bác sĩ cố tìm hiểu lấy chút ít sự thể, lòng thì tự hỏi
do cơ năng nào đã khiến phát sinh từ khối óc bị mổ xẻ rồi khâu lại một cách gặp
chăng hay chớ ấy cái thứ lời nguyện cầu một điệu này. Chuyện gì xảy ra trong
năm mười giây im lặng hoàn toàn chỉ dành để thở kia? Smítsơ gần như không hay biết
gì về thân thế bệnh nhân cả: ra đời tháng ba năm 1895 ở Vúppơtal, cấp bực đại
úy, binh chủng: bộ binh; nghề nghiệp: thương gia; tôn giáo: tin lành; cư sở,
đơn vị, thương tích, bệnh trạng, tính chất của vết thương. Không có lấy một
chút gì đáng chú ý: học sinh rất trung bình, hơi thất thường, chỉ có một lần
phải học lại và chứng chỉ mãn học còn ghi được “Bình” về địa lý, Anh văn, thể
dục. Ông chẳng vui thích gì khi bị gọi tòng quân và đã được thăng Trung úy năm
1915 mà lòng chẳng mảy may ham muốn. Ông ta không từ khước rượu nhưng không bao
giờ uống một cách vô độ. Sau này, khi đã lập gia đình, không bao giờ ông đành
tâm lừa dối vợ dầu sự thể thật dễ sắp xếp và được chúng nhân ưa thích. Ấy chỉ
vì ông không sao có can đảm lừa dối vợ, sự thể chỉ giản dị thế thôi.
Điều mà hồ sơ ghi
lại gần như hoàn toàn vô bổ đối với Smítsơ chừng nào mà ông còn chưa hiểu rằng
tại sao bệnh nhân luôn miệng nhắc đi nhắc lại Biêliôgóocsê, rằng tiếng đó có
quan hệ gì với bệnh nhân và điều đó có lẽ chẳng bao giờ Smítsơ tìm được ra hết.
Ấy thế nhưng ông có thể sẵn lòng qua mọi ngày còn lại của kiếp sống trên giường
này chỉ để nghe người bệnh lặp năm vần đó.
Bên ngoài sự yên
tĩnh thật hoàn toàn. Đầu óc bối rối và căng thẳng, vị bác sĩ lắng tai nghe sự
im lặng ở đó từng lúc từng lúc, âm thanh nặng nề kia rớt xuống. Nhưng rồi im
lặng vẫn chiếm phần ưu thắng. Nó trở thành ngột ngạt. Smítsơ, gần như miễn
cưỡng, từ từ đứng dậy bước ra ngoài.
Lúc Smítsơ vừa rời
đôi trai gái, thiếu nữ nhìn Snaiđơ và ra chiều bối rối. Nàng ra hiệu uống, bằng
một điệu bộ thật nhanh. À phải, nước nha! Snaiđơ nói rồi bước vào trong trại để
đi lấy nước. Đến cửa ngăn, chàng bắt buộc nhảy lùi lại sau một bước. Một chiếc
xe màu đỏ, khá hợp thời, lặng lẽ chạy vào, theo một tốc độ quá cao so với tốc
độ được chỉ định. Chiếc xe chạy theo một đường quẹo khéo léo và hướng về gia cư
của viên hiệu trưởng quá bên kia chỗ đậu của các xe tải thương.
Khi Snaiđơ trở lại
với một thùng nước, chàng lại phải né sang bên lần nữa. Người ta bóp còi inh ỏi
trong sân, đoàn công voa vừa chuyển bánh. Anh quản ngồi trên xe đầu, các xe
khác theo sau. Anh quản chẳng buồn để ý đến Snaiđơ. Snaiđơ chờ cho kỳ đến lúc
đoàn xe dài đi khỏi rồi mới trở vào sân lúc này trống rỗng và im lặng đến nghẹt
thở. Chàng đặt thùng nước xuống trước con ngựa, ngửng nhìn thiếu nữ đang chỉ
chỏ Smítsơ. Ông bác sĩ từ khu trại Nam ra, đi qua trước mặt họ ra khỏi cổng xe.
Hai người chậm chạp theo chân ông và cả ba đứng sững trước bệnh viện nhìn đoàn
công voa xa dần về phía nhà ga.
Smítsơ hạ thấp
giọng:
- Hai người tôi
phái tới phòng bệnh nay đã trở lại với vũ khí thật.
- À ừ, - Snaiđơ
đáp, - tôi quên phứt chuyện ấy rồi.
Smítsơ lắc đầu:
- Chúng ta sẽ
chẳng cần đến vũ khí, trái lại. Lại đây mình vào thôi.
Ông dừng lại trước
mặt thiếu nữ.
- Tốt nhất mình
nên trả bằng thuốc lá cho cô ta ngay bây giờ, phải không? Làm sao biết được sự
gì sẽ xảy ra…
Snaiđơ gật đầu.
- Họ không lưu lại
cho mình cam nhông nào à? Họ tính mình sẽ rút lui bằng cách nào?
- Sẽ có một xe
quay lại, - Smítsơ đáp. - Xếp lớn đã hứa với tôi thế rồi.
Hai người nhìn
nhau.
- Nhìn đằng sau
kia kìa, dân tị nạn đấy. - Smítsơ vừa nói vừa chỏ ngôi làng ở đó một đoàn xe
đang lắc lư đi tới. Dân tị nạn đang lũ lượt kéo qua trước mặt họ, chậm chạp,
mắt không buồn ngửng lên. Mệt rã rời, vẻ mặt u sầu, họ chẳng buồn chú ý đến một
ai, kể cả binh sĩ, đến người thiếu nữ.
- Họ từ xa đến, -
Smítsơ nhận xét. - Ngựa mệt lả rồi. Trốn tránh như vậy phi lý quá. Với tốc độ
hành trình này, họ sẽ không thoát được khỏi vùng chiến trận.
Một tiếng còi xe
thúc bách vang lên sau họ, một tiếng còi the thé, nóng nảy, hỗn hào. Họ thủng
thỉnh rẽ ra hai bên, Snaiđơ cùng một phía với Sdácca. Đó là xe viên hiệu trưởng
xin đường. Xe hẳn phải thắng gấp mới không đụng thẳng vào hông một xe bò của
dân tị nạn. Lúc ấy, cả ba mới nhìn được thật gần những người ngồi trong xe hơi,
y như đi xem chiếu bóng ngồi hàng đầu và phải chịu đựng nỗi khổ cực vì màn ảnh
quá cận. Nơi tay bánh, viên hiệu trưởng có khuôn mặt trông nghiêng thật thản
nhiên, xương xẩu và hơi ốm yếu. Trên chỗ ghế cạnh ông có cả một chồng có ngọn
những va li và chăn mền chằng bằng dây thừng. Sau lưng ông là bà vợ mà khuôn
mặt với những nét thật đều đặn cũng bình thản không kém chồng. Cứ bề ngoài mà
xét, cả hai đều đã định bụng không nhìn phải nhìn trái gì hết. Bà ta đặt một
đứa bé còn ẵm ngửa trên lòng và cạnh bà là thằng bé sáu tuổi là kẻ độc nhất từ
trong xe nhìn ra ngoài, khuôn mặt sáng sủa của nó dán lên kính xe cười với binh
sĩ. Đường kẹt mất lối hai phút dài. Ngựa của đoàn xe mệt lử và đoàn người bị
chôn chân tại chỗ. Bọn Snaiđơ thấy nơi tay bánh viên hiệu trưởng ra vẻ bồn
chồn. Mồ hôi ông đầm đìa, mắt ông chớp dồn và, từ phía sau lưng, bà vợ ông rỉ
tai bảo ông gì đó. Gần như không có lấy một tiếng động nào ngoại trừ tiếng gọi
mỏi mệt của một người tị nạn hay tiếng khóc của một đứa trẻ nào. Rồi, đột nhiên
một tiếng kêu vang lên từ trong sân, một tiếng gào trầm trầm làm cả ba người
quay phắt lại. Đồng thời một viên đá giáng xuống xe hơi nhưng lại trúng vào
chiếc lều vải cuốn thành bó. Viên đá thứ nhì đập bẹp một chiếc xoong được buộc
ở phía cán bằng một dây da y hệt những hôm gia đình này đi nghỉ cuối tuần. Kẻ
vừa chạy tới vừa gào là người gác cổng bệnh viện cư ngụ tại hai phòng sát buồng
tắm công cộng. Bây giờ thì anh ta đã chạy đến sát cổng nhưng anh ta hết cái ném
rồi. Nên mồm vẫn chửi rủa, anh ta phải cúi xuống, và đúng lúc ấy đường hết kẹt,
chiếc xe phóng đi giữa những tiếng còi ương ngạnh. Lọ hoa bay rớt đúng chỗ xe
vừa đậu một giây trước, trên một khoảng lát diêm dúa bằng đá xanh nho nhỏ. Lọ
hoa vỡ tan. Những mảnh vỡ tung ra thành một vòng tròn thật đều đặn chung quanh
cái vùng đất lúc đầu còn nguyên hình dáng rồi đột nhiên rời rã, phơi ra cả cụm
rễ của một cây phong lữ thảo: những đóa hoa vẫn còn đứng, đỏ au dựng thẳng một
cách thật ngây thơ ở chính giữa.
Người gác cổng đã
tới chỗ mấy binh sĩ. Anh ta không chửi thề nữa, chỉ đang khóc. Nước mắt vẽ
thành vệt thật rõ ràng trên khuôn mặt nhem nhuốc của anh ta. Anh khom mình về
trước trong một điệu bộ vừa bi thảm vừa ngơ ngác, hai bàn tay vặn vào nhau,
chiếc áo choàng cũ kỹ cáu ghét phật phờ bao quanh nửa người trên gầy guộc của
anh. Anh giật bắn mình khi có tiếng đàn bà léo nhéo gọi ở cuối vườn. Anh quay
ngược trở lại trở về nhà vừa đi vừa khóc nức nở. Sdácca đi theo anh tránh né
đôi cánh tay Snaiđơ chìa ra chực ôm nàng. Rồi nàng nắm dây hàm thiếc ngựa, dắt
nó chui qua cổng, trèo lên xe cầm lấy dây cương.
“Để tôi đi lấy
thuốc lá”, Smítsơ gọi lớn, “Giữ cô ta lại, chỉ một giây cũng đủ”.
Snaiđơ vồ lấy dây
hàm thiếc. Cô gái quật một nhát roi vào tay chàng. Chàng đau mà vẫn không
buông. Quay đầu nhìn, chàng ngạc nhiên thấy Smítsơ đang co cẳng chạy. Chàng
chẳng bao giờ ngờ rằng Smitsơ lại có thể chạy được.
Thiếu nữ lại giơ
roi nhưng không quật xuống. Rồi nàng xếp roi sát cạnh chỗ ngồi. Và Snaiđơ kinh
ngạc thấy nàng mỉm cười, nụ cười chàng đã từng bắt gặp nhiều lần, âu yếm mà lại
lạnh lùng. Bước đến gần chỗ ngồi trên xe, chàng dịu dàng kéo nàng lại, bế nàng
xuống. Nàng nói gì với ngựa chẳng hiểu, khi chàng vòng tay ôm nàng. Snaiđơ thấy
nàng vẫn còn hơi sợ sệt nhưng không biếu lộ một chút phản kháng nào, chỉ lo âu
nhìn tứ phía xung quanh. Chỗ cổng có vẻ tối sậm, Snaiđơ nhẹ nhàng hôn lên má,
lên mũi và rẽ mớ tóc đen và mịn màng của nàng, định hôn lên gáy. Chàng giật
mình khi nghe tiếng Smítsơ trở lại lúc nào đang ném thuốc lá vào bên trong xe
ngựa. Sdácca nhảy phắt lên xe, ngắm nghía các bao thuốc đỏ ấy. Vẫn làm lơ như
không thấy Snaiđơ, Smítsơ lầm lũi bước trở vào sân. Sdácca, má bừng bừng đỏ,
nhìn sững Snaiđơ nhưng vẫn tránh tia mắt chàng rồi đột nhiên, bằng một mệnh
lệnh gọi và giật giọng cho con ngựa, nàng giật mạnh dây cương. Snaiđơ tránh
sang bên, chờ nàng đi khỏi lối năm mười thước mới cất tiếng gọi lớn tên nàng
trong yên lặng. Nàng dừng xe, không ngoảnh lại chỉ quơ chiếc roi da lên bên
trên đầu, thành nhiều vòng tròn ra hiệu giã từ rồi tiếp tục lên đường. Snaiđơ
khi đó mới chậm chạp trở vào sân.
Bảy binh sĩ sẽ đi
hậu tập đang ngồi ngoài trời, gần nhà bếp cũ và đang ăn uống. Trên một chiếc
bàn có súp, có những khúc bánh mì lớn và cả thịt nữa. Snaiđơ bước đến gần và,
vì tai nghe có tiếng đập ầm ầm từ phía trong đưa ra, chàng hất hàm nhìn các bạn
đồng hành của mình.
- Đó anh chàng gác
cổng đang phá cửa buồng hiệu trưởng đấy, - Fanhan giải thích như vậy. Và giây
lát sau, hắn nói thêm. “Ít ra lẽ ra ông ta cũng nên để ngỏ cửa, không thế thì
cửa cũng bị phá kia mà”.
Có bốn người đi
theo Smítsơ trở vào trại để tập hợp bằng hết các thứ còn lại để mang theo.
Snaiđơ đứng im tại chỗ với Fanhan và Ốptơn.
- Tôi có một công
tác thật oai. - Ốptơn nói.
Fanhan uống một
hớp rượu mạnh màu hồng trong cái ca của mình rồi chuyền cho Snaiđơ mấy bao
thuốc lá.
- Cám ơn, - chàng
bảo.
Ốptơn tiếp tục:
- Tôi được giao
công tác ném khẩu đại liên, các khẩu tiểu liên và cả mớ giẻ lau súng vào hố
phân, chỗ viên đạn đại bác thối. Fanhan, anh sẽ giúp tôi một tay nhé.
- Ừ. - Fanhan nói
trong khi tay tinh nghịch dùng một chiếc muỗng nhỏ vét súp từ một vũng nâu lớn
nằm chình ình giữa bàn ra một mép bàn, thành những hình ngoằn ngoèo.
- Nào chúng mình
đi thôi. - Ốptơn bảo.
Liền sau đó,
Snaiđơ ngủ gục trên nắp chiếc gà mèn của anh. Điếu thuốc lá anh gác ở mép bàn
cứ nghi ngút cháy. Tro xám hiện thành đường, lửa gặm bàn thành một vết dài, đen
và hẹp trên gỗ. Và bốn phút sau, điếu thuốc chỉ còn là một mẩu dồi xám dính vào
bàn. Mẩu tro xám ở nguyên vị thật lâu, mãi gần một giờ sau khi Snaiđơ tỉnh giấc
vô tình quơ tay gạt nó xuống đất. Một tiếng cam nhông chạy đã đánh thức chàng.
Gần đồng thời với tiếng cam nhông vào sân, chàng nghe tiếng những xe thiết giáp
đầu tiên. Snaiđơ chồm lên. Mấy người khác đang đứng bao quanh chàng hút thuốc
suýt bật cười nhưng đều nín được: tiếng vo vo xa xôi kia đầy đủ ý nghĩa quá mà.
- Nào, - Smítsơ
bảo, - chiếc cam nhông hứa hẹn tới kia. Fanhan, hãy trèo lên mái nhà rồi báo
cho hay anh nhìn thấy những gì.
Fanhan tiến về khu
phía Nam. Nằm phục vị trên một cửa sổ phòng hiệu trưởng, người gác cổng đang
nhìn họ. Bên trong có tiếng vợ hắn ta đang sục sạo. Ly tách chạm nhau nghe lanh
canh, chắc mụ đang đếm chúng.
- Chúng mình
chuyển mớ đồ linh tinh kia lên xe thôi, - Smítsơ bảo.
Người tài xế quơ
tay tỏ vẻ phản đối. Anh ta có vẻ mệt đừ.
- Cóc khô, anh nói
lên xe đi và vứt mớ của nợ này lại đây cho rảnh.
Anh quơ một gói
thuốc trên bàn, xé bao lấy một điếu.
- Thôi, dù sao
cũng cứ chuyển đồ lên đi. - Smítsơ nói tiếp - đằng nào mình cũng phải chờ
Fanhan trở xuống kia mà.
Anh tài xế nhún
vai ngồi vào bàn, múc vào gà mèn của Snaiđơ một môi canh đựng trong một chiếc
thùng.
Những người khác
hì hụi khiêng lên xe bất cứ thứ gì còn tìm được trong các trại: vài chiếc
giường, một thùng thực phẩm của sĩ quan trên có kẻ tên người bằng sơn đen
“Trung uý Bác sĩ Grếch”, một mớ quân dụng: nào túi, nào túi dết, vài khẩu súng;
rồi một chồng quần áo: sơ mi, quần đùi, bít tất, gi lê hoặc gói hoặc lèn vào
với nhau.
Từ trên nóc nhà,
Fanhan gọi lớn:
- Chẳng thấy đếch
gì cả. Có một rặng bạch dương trong làng che mất tầm mắt. Các anh có nghe thấy
xe tăng không? Tôi thì nghe rõ mồn một à.
- Có. - Smítsơ đáp
lớn - Có nghe thấy. Bây giờ thì cậu xuống đi thôi.
- Lẽ ra một người
trong toán mình phải chạy ra chỗ gò đất. - Smítsơ bảo: - Ở đó chắc chắn có thể
thấy được xe tăng đấy.
- Vô ích, - người
tài xế bảo: - chưa làm sao mắt thấy nổi xe tăng đâu.
- Tại sao lại thế
nhỉ?
- Tôi nghe thấy
tiếng xe. Mà tai tôi cho hay chưa thể thấy chúng được. Vả chăng chúng từ hai
phía khác nhau tiến tới đây.
Anh ta chỏ một
ngón tay về phía Tây Nam. Và khác nào điệu bộ ấy đủ khiến phát sinh tiếng động,
quả nhiên họ nghe thấy một tiếng vo vo khác, từ phía ấy tới thật.
- Rắc rối to, -
Smítsơ nói, - vậy phải làm sao bây giờ?
- Mở máy chuồn lẹ,
- người tài xế đáp.
Anh ta bước sang
bên, mắt hoài nghi nhìn đồng bạn đang chất lên cam nhông cả đến cái bàn và cả
đến cái ghế từng dùng làm chỗ ngồi cho anh.
Fanhan từ trong
trại bước ra:
- Một trong hai
bệnh nhân đang kêu la, - anh bảo thế.
- Để đó cho tôi. -
Smítsơ đáp, - các anh đừng chờ tôi hãy đi đi.
Ban đầu, bọn họ
ngập ngừng rồi sau đó cả bọn theo chân bác sĩ, trừ anh tài xế. Smítsơ quay đầu
lại bảo:
- Thôi đi đi. Tôi
thì phải ở lại với các bệnh nhân.
Họ dừng bước lại
ngập ngừng giây lát rồi lại bước theo ông.
- Trời đất ơi! -
Ông năn nỉ. - Tôi đã bảo mấy người đi đi mà. Phải làm sao đi trước được khá xa
trên cánh đồng thổ tả chứ.
Họ lại dừng bước
lần nữa. Chỉ riêng Snaiđơ vẫn tiếp tục bằng bước đi chậm chạp trong khi Smítsơ
đã khuất dạng vào bên trong khu trại. Những người khác cũng chậm chạp không
kém, kéo nhau lại chiếc cam nhông. Nhưng Fanhan đổi ý, đứng bất động một khoảng
thật ngắn, rồi cũng trở vào găp Snaiđơ.
- Cậu cần gì
không? - Hắn hỏi. - Chẳng là mọi thứ đều đã chất hết lên xe rồi…
- Để lại cho ít
bánh mì, bơ… và thuốc lá.
Cửa phòng bệnh mở
ra. Fanhan liếc qua một chút, kêu:
- Trời ơi, ông đại
úy đây mà.
- Cậu biết ông ta
ư?
- Phải, - Fanhan
đáp, - tôi đã ở tiểu đoàn ông nửa ngày.
- Ở đâu?
- Tôi không biết
tên vùng ấy.
- Thế hả, nhưng
bây giờ thì cuốn gói đi thôi. - Smítsơ cao giọng bảo. - Đừng làm chuyện xuẩn
ngốc.
- Hẹn tái ngộ vậy.
- Fanhan vừa nói vừa quay ra.
- Tại sao cậu lại
ở đây? - Smítsơ hỏi. Snaiđơ không trả lời mà Smítsơ cũng như không đợi chờ một
câu trả lời nào hết.
Cả hai lắng tai
nghe chiếc xe cam nhông nổ máy. Tiếng máy càng ồn hơn, khi xe chạy qua dưới
chiếc cổng ngăn. Bây giờ thì xe đang chạy trên đường ra ga rồi. Rồi họ nghe
tiếng máy xe ở quá khỏi nhà ga nhưng lúc này tiếng máy xe gần như nghe không
còn rõ nữa.
Tiếng vo vo của
các xe thiết giáp đã ngưng bặt. Có tiếng súng nổ.
- Phòng không
nặng. - Smítsơ nói: - Có lẽ chúng mình phải trèo lên gò đất cao của đường sắt.
- Để tôi tới đó
cho. - Snaiđơ bảo.
Trong phòng, viên
đại úy vẫn lập lại chữ “Biêliôgóocsê” bằng một giọng gần như đều đều nhưng
không phải không pha ít nhiều thích thú. Ông ta đen sì, râu rậm, đầu quấn băng
thật chặt. Saniđơ nhìn Smítsơ. Ông này nói:
- Tuyệt vô hy
vọng. Cứ giả thiết rằng ông ta qua khỏi, còn sống được… thì khi ấy…
Ông nhún vai.
“Biêliôgócosê”,
viên đại úy nói, rồi bật khóc. Ông khóc thật im lặng, nét mặt không vì thế mà
biến đổi nhưng những dòng nước mắt cũng không ngăn được ông lặp lại
“Biêliôgóocsê”.
- Trường hợp ông
ta được đưa sang Tòa Mặt Trận. - Smítsơ nói tiếp: - Ông ta ngã từ mô tô xuống
mà đầu không đội mũ sắt. Trước đây ông ta là đại úy.
- Tôi ra trèo lên
gồ đất đây. - Snaiđơ bảo. - Nếu thấy còn có quân ta rút lui, tôi sẽ nhập với
họ, nhé?
Smítsơ đồng ý.
Ra đến sân, Snaiđơ
thấy người gác cổng đã thượng một lá cờ trước nhà ông hiệu trưởng, một mảnh giẻ
đỏ bẩn thỉu trên có đính một lưỡi liềm vàng và một chiếc búa trắng đều cắt một
cách vụng về từ khổ vải lớn để khâu lên mặt cờ. Chàng để ý thấy tiếng vo vo từ
Đông Nam lại trở thành rõ ràng. Không có tiếng súng bắn nữa. Chậm chạp bước,
chàng vượt qua các khu giống cây, dừng lại ngay hố phân. Viên đạn đại bác vẫn
nằm chỗ này từ mấy tháng trước đó rồi. Cách đây mấy tháng, những đơn vị S.S.
đóng trên đường sắt đã tấn công quân phiến loạn Hung Gia Lợi chiếm đóng trường
này. Nhưng trận đánh thật ngắn ngủi. Gần như không còn dấu tích các tràng đạn
đại liên trên mặt tiền trường. Riêng chỉ còn lại viên đạn trọng pháo, một khúc
sắt rỉ, dài bằng cánh tay, đầu vê tròn mà chẳng ai thèm lưu tâm đến nữa. Ai
không biết có thể ngỡ đó là một gốc củi mục. Có cỏ mọc cao bao quanh, nó không
còn làm bận tâm ai nhưng bà hiệu trưởng chẳng để lỡ dịp để phản kháng bao nhiêu
lần vì sự hiện diện của nó. Cũng đã có phúc trình được lập. Chắc hiện vụ đang
được chuyển theo đường lối thông thường nhưng vẫn chưa có lời phúc đáp nào gửi
xuống.
Snaiđơ chậm bước
chân lại khi phải đi vòng quanh viên đạn. Dưới cỏ chàng còn thấy vết chân của
Ốptơn và Fanhan lúc đi ném khẩu đại liên xuống hố phân. Nhưng bây giờ thì mặt
phân lại phẳng phiu như cũ, một nét phẳng phiu xanh và bóng như tráng dầu.
Snaiđơ men theo các luống rau, đi qua khu ươm cây, rồi một đồng cỏ và trèo lên
dốc gò. Gò cao lối một thước rưỡi mà chàng tưởng mình đứng trên một đỉnh cao vô
tận. Chàng đưa tầm con mắt khỏi quá làng, nhìn bình nguyên tăm tắp trải bên con
đường sắt mà chẳng thấy có gì. Nhưng tiếng động thì chàng nghe còn rõ ràng hơn
trước nữa. Chàng tự hỏi không rõ súng còn bắn không. Không, súng không bắn nữa.
Tiếng vo vo đến từ thẳng hướng đường xe lửa. Snaiđơ ngồi xuống đợi chờ. Ngôi
làng đang chìm đắm trong một vùng im lặng hoàn toàn. Mọi thứ ở đây, nào cây ,
nào cửa nhà thấp lè tè, nào gác chuông nhà thờ hình chữ nhật thây thẩy đều như
đã trở thành bất động. Làng có vẻ nhỏ nhoi vì dừng ngay ở dưới chân đường sắt
và vì ở phía trái, chẳng có gì hết. Snaiđơ ngồi xuống, lấy thuốc lá ra hút.
Smítsơ ngồi lại
cạnh người bệnh nhân cứ đều đặn nhắc lại Biêliôgóocsê. Nước mắt người bệnh đã
cạn. Ông ta nhìn thẳng trước mắt bằng đôi mắt âm u và chữ ông ta đọc lên tạo
thành như một bản ca đơn điệu không dứt nó làm Smítsơ thích thú. Ít nữa thì vị
bác sĩ cũng có thể nghe nó hoài hoài mà không chán. Bệnh nhân kia thì vẫn đang
ngủ.
Con người cứ luôn
miệng nhắc mãi một chữ Biêliôgóocsê này tên là Baoơ. Đó đại úy Baoơ, xưa từng
là người đi bỏ mối áo dệt, xưa nữa là sinh viên. Trước khi là sinh viên, ông đã
từng là thiếu úy trong gần bốn năm trời. Nhưng sau đó, một khi ông trở thành
người bỏ mối áo dệt rồi, cuộc sống của ông mới thật là cực nhọc. Mọi công
chuyện làm ăn dĩ nhiên tùy thuộc tình hình túi tiền của mọi người nhưng mọi
người lúc ấy đều không tiền cả. Hay đúng ra lớp người mà áo dệt của ông định
nhằm vào. Áo dệt ấy không quá đắt cũng chẳng quá rẻ. Áo dệt đắt vẫn có người
mua, áo rẻ cũng vậy. Nhưng loại áo người ta giao cho ông bỏ mối, tốt trung
bình, thì chẳng ma nào chịu mua cả.
Smítsơ nhìn ông
ta. Giá mình biết được ý nghĩ của con bệnh. Ông cảm thấy một niềm hiếu kỳ khó
cưỡng được biết hết thẩy về con người bộ mặt vừa phị vừa quắt lại mà râu ria
chơm chởm từng chỗ để lộ một mẩu da nhợt nhạt như da người chết trôi này, mà
đôi mắt bất động cũng như sắp đến lượt nhắc lại chữ Biêliôgóocsê vì đôi môi gần
như không còn mấp máy nữa. Rồi con người đó lại khóc. Những dòng lệ im lìm chảy
dọc trên má ông ta. Ông ta chưa từng bao giờ là bậc anh hùng. Ông đã khổ tâm vì
nghe viên trung tá quát trong điện thoại rằng ông nên săn sóc đến đại đội của
ông một chút, rằng sự việc không trôi chảy hoàn hảo ở cứ điểm Cứt Chó, khổ tâm
vì, sau đó, ông phải lên tuyến đầu, đầu đội chiếc mũ sắt nó khiến ông trông lố
bịch. Không, ông chưa từng bao giờ là một bậc anh hùng, chưa bao giờ lăm le
đóng vai anh hùng và biết thân biết phận lắm. Khi lên gần sát tuyến đầu, ông
nhấc mũ sắt ra vì sợ dáng dấp mình trông lố bịch vào lúc ông phải nạo binh sĩ
thuộc quyền. Cho nên ông tháo mũ sắt ra cầm tay, lòng tự nhủ lòng rằng: “Thôi
thì liều một chút, cứ xông đại lên xem sao”. Và niềm kinh hãi càng lúc càng tan
dần khi ông càng tới gần nơi xảy ra chuyện lộn xộn ngu ngốc đằng kia. Gớm! Dễ thường
tất cả binh sĩ còn có ai không biết rằng ông, đại úy Baoơ, ông tài thánh cũng
chẳng sao đối phó nổi, rằng không một ai trên đời này đối phó nổi với tình
trạng ấy vì thiếu đại pháo và thiết giáp! Tất cả các sĩ quan đều thừa biết rằng
quá nhiều đại pháo, quá nhiều thiết giáp được dùng để bảo vệ các bộ tham mưu
mà. “Bọn chúng làm khổ mình”, ông tự nhủ thế, bụng chẳng thèm nghĩ rằng mình
can đảm. Và, ông xông lên, bị đạn bẹp sọ. Thế là điều độc nhất còn lại ở đây là
chữ Biêliôgóocsê. Thế thôi.
Hình như vậy là đủ
cho ông giữ được cơ năng nói nguyên vẹn cho đến ngày chết. Đó là vũ trụ của ông
mà không một ai biết được hay có thể biết được bao giờ cả.
Dĩ nhiên ông không
hay rằng một cuộc thẩm cứu được mở ra chống ông tại Tòa án Quân sự Mặt trận, về
tội cố ý làm thành phế tật vì ông đã tháo mũ sắt ra trong lúc đang có tác chiến
nhất là lại ngồi xe máy dầu. Ông chẳng hay chuyện đó mà có lẽ sẽ mãi mãi chẳng
hay điều đó. Có một hồ sơ thiết lập với tên ông, với một số hiệu, với vô số
giấy chứng nhận mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ ông biết đến, mà có lẽ cũng sẽ chẳng
bao giờ làm ông bận tâm. Cứ mỗi năm mươi giây, ông lại nói Biêliôgóocsê và thế
là hết.
Smítsơ bình tĩnh
ngắm nghía ông. Giá ông loạn trí đi để biết được những gì đang xảy ra trong đầu
óc bệnh nhân mình thì ông cũng thích dấy. Ông đâm ra thèm tâm trạng bệnh nhân.
tâm trạng bệnh
nhân.
Smítsơ giật mình
khi Snaiđơ mở cửa.
- Gì thế? - Ông
hỏi.
- Chúng đang tới.
- Snaiđơ đáp. - Chúng ở ngoài kia kìa. Cứt quá! Không một bộ đội nào của mình
lọt thoát cả.
Trước đó, Smítsơ
không nghe thấy gì hết. Nhưng bây giờ thì ông nghe thấy chúng rồi, chúng đã
đang ở đó, ở phía trái trong làng. Nay thì ông hiểu thấu triệt được ý nghĩa câu
nói của người tài xế cam nhông lúc nãy: “Tai tôi cho biết mình chưa thấy được
chúng đâu”. Bây giờ tai ông cho biết có thể thấy chúng được rồi. Và thật ra có
thế thấy được chúng thật tỏ tường nữa.
- Lẽ ra trước đây
mình nên treo cờ Hồng thập tự. - Snaiđơ nói. - Ít ra cũng nên thử xem sao.
- Thì bây giờ cũng
chưa muộn đâu.
Smítsơ kéo một lá
cờ từ bên dưới chiếc va li đặt trên bàn ra. “Cờ đây” ông nói thế. Snaiđơ đón
lấy lá cờ.
- Đi, - chàng bảo.
Lúc đi ra, Snaiđơ
thò đầu qua cửa sổ nhưng lại thụt vào ngay. Chàng tái mặt.
- Chúng kia kìa, -
chàng bảo, - trên gò đất của đường xe lửa.
- Để tôi tới đó
cho, - Smítsơ nói.
Snaiđơ lắc đầu.
Chàng cầm dựng đứng lá cờ bước ra, đi xuyên sang phải và với một vẻ hung tợn
bước về đường xe lửa. Không có lấy một tiếng động. Ngay các xe thiết giáp đậu ở
ngay lối ra làng cũng im bặt. Trường học này là công trình kiến trúc cuối cùng
ở trước nhà ga. Cho nên họng súng các xe thiết giáp đều chĩa vào trường, nhưng
Snaiđơ không trông thấy những họng súng ấy. Chàng cũng chẳng thấy cả đến các xe
thiết giáp. Chàng chỉ cảm thấy mình lố bịch với cán cờ trên bụng như một cuộc
diễu binh và tràn ngập sợ hãi. Máu của chàng chỉ toàn là sợ hãi. Chàng đi thành
đường thẳng, mắt chẳng trông thấy gì, một cách chậm chạp, gần như một người
máy, với cán cờ trên bụng. Chàng tiến tới chậm chạp, trượt chân và tỉnh cơn mê
hoảng. Một sợi dây thép buộc dính các gốc nho lại với nhau đã làm chàng trượt
chân. Bây giờ thì chàng trông thấy hết thẩy. Có hai chiếc xe thiết giáp đậu
đằng sau gò đất của đường xe lửa và xe thứ nhất đang quay dần pháo đài vào
chàng. Rồi khi vượt khỏi các hàng cây cao, chàng thấy có nhiều xe thiết giáp
hơn nữa. Các xe thiết giáp này xếp thành nhiều hàng trước sau trên cánh bình
nguyên và những ngôi sao đỏ vẽ trên xe dồn chàng vào một tình trạng ngượng
nghịu kỳ lạ. Xưa nay chàng chưa thấy chúng bao giờ, đã tới hố phân rồi. Chàng
chỉ còn phải đi men theo các khuôn đất vuông, bước qua khu ươm cây và cánh đồng
cỏ là trèo lên gò đất được rồi. Nhưng chàng dừng lại cạnh hố phân. Niềm kinh
hoàng xâm chiếm chàng, tệ hơn trước nữa. Lúc trước chàng không ý thức được niềm
kinh hoàng ấy. Chàng chỉ có cảm giác như máu chàng đông đặc lại chứ chưa nhận
được ra rằng đó là niềm kinh hoàng. Bây giờ thì máu chàng như lửa đốt. Chàng
nhìn thấy toàn màu đỏ, không còn phân biệt gì khác, chỉ nhận thấy những ngôi
sao đỏ khổng lồ chúng làm chàng hết hồn. Và thế là chàng vấp phải quả đạn đại
bác làm nó nổ tung.
Ngay lúc đó thì
chưa có gì xảy ra cả. Tiếng nổ vang lên trong im lặng hoàn toàn. Bọn Nga chỉ
biết được rằng tiếng nổ không do bên phía chúng gây ra và kẻ đang vác cờ thì
đột nhiên biến mất trong một vùng bụi lớn như đám mây. Một chút sau, một loạt
tiếng lắc cắc điên cuồng khởi sự. Chúng chĩa tất cả các nòng súng, cải đổi lại
hàng lối để bắn. Trước hết chúng bắn vào cánh Bắc là nơi, ở một cửa sổ, có lá
cờ nhỏ của người gác cổng đang rũ xuống như một miếng giẻ. Lá cờ rụng theo vôi
vữa đang từ mặt tiền trường học rơi xuống từng mảnh nhỏ. Cuối cùng, chúng bắn
vào cánh Nam một cách hăng say. Đã lâu rồi chúng không bắn. Chúng bắn cho kì
bức tường mỏng bị xẻ ra và chỉ ngưng vào lúc cả cơ sở đổ sụp về đằng trước. Mãi
đến lúc ấy, chúng mới nhận ra rằng không có lấy một phát súng nào từ phía trước
mặt bắn sang chúng cả.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét