Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 12

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Hai

Chỉ những người đã kiệt lực đến mức tột cùng mới ngủ say, không ai đánh thức nổi như Xintxốp.
Anh về đây và lăn ra trên tấm đệm trần ngủ thiếp đi ít lâu trước lúc vợ đến.
Nhưng tám giờ đã trôi qua, kể từ lúc anh bị Liuxin tống ra khỏi xe, đứng một mình trên con đường ôtô cách Maxcơva hai chục cây số, đến lúc anh ngủ thiếp đi, và tám giờ đó anh phải trả giá quá đắt.
Khi còn lại một mình trên đường, anh tiếc rằng mình đã nén được và không đánh Liuxin. Anh biết làm gì bây giờ? Có lẽ tốt hơn cả là nên đến trạm kiểm soát và thử phân trần rằng tại sao anh lại ở đây và anh đang đi đâu. Nhưng người đời không phải lúc nào cũng làm cái việc đúng hơn cả.
Đứng một mình trên đường. Xintxốp vừa tự nguyền rủa mình đã đi xe cùng Liuxin, lại vừa không muốn rút lui. Một khi Maxcơva đã ở cạnh nách, dù sao anh vẫn cứ từ cái chỗ Liuxin đã quẳng anh mà đi tới tòa soạn cũ của anh.
Với tâm trạng tuyệt vọng và điên khùng ấy, Xintxốp vội vã quyết định là sẽ thử tránh khỏi tất cả các trạm kiểm soát để lần mò tới tòa soạn. Còn nếu không đạt được ý định đó, nếu anh bị bắt giữ ở dọc đường thì cũng không khác gì mấy: dù sao chăng nữa anh cũng vẫn phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ đào ngũ và không định đào ngũ!
Trước đó hoặc sau đó một hôm, nhất định anh đã không thể lọt vào Maxcơva được. Nhưng đúng cái hôm 16 tháng mười ấy, sau khi rời khỏi đường cái và tránh khỏi các trạm kiểm soát, anh lần mò tới vùng ngoại ô rất quen thuộc, sau đó vẫn không bị ai bắt giữ cả, anh đi đến tận trung tâm Maxcơva.
Sau này, khi tất cả những sự việc đã trở thành quá khứ và khi có kẻ nào độc mồm độc miệng mỉa mai nhắc lại ngày 16 tháng mười trước mặt anh, thì Xintxốp cứ im thít: anh thấy không thể chịu nổi, khi phải nhớ lại Maxcơva hôm ấy, như thông thường, người ta hết sức khó chịu, khi phải trông thấy gương mặt của người thân nhăn nhó vì khiếp sợ.
Cố nhiên không phải chỉ ở trước cửa ngõ thành Maxcơva, nơi mà hôm ấy các đạo quân đã chiến đấu và chết, mà ở ngay trong thành phố Maxcơva, cũng có đủ những người đã làm mọi việc theo sức mình để Maxcơva không đầu hàng. Chính vì vậy mà thành phố này đã không đầu hàng. Nhưng tình hình trên mặt trận gần Maxcơva quả thực đã trở nên nước sôi lửa bỏng hơn bao giờ hết trong suốt thời gian chiến tranh, và hôm ấy ở Maxcơva đã có nhiều người vì tuyệt vọng mà sẵn sàng tin là ngày mai quân Đức sẽ tiến vào đây.
Bao giờ cũng vậy, trong những giờ phút bi thảm, niềm tin vững chắc và việc làm thầm lặng của những người này chưa thể hiện ra trước mắt mọi người, mà chỉ mới hứa hẹn mang lại kết quả, thì sự bối rốí và cả nỗi đau, lẫn nỗi kinh hoàng, thất vọng của những người kia đã đập ngay vào mắt. Chính là như vậy, và xét bề ngoài thì không thể nào không xảy ra như vậy. Hôm ấy, hàng vạn và chục vạn người muốn trốn tránh quân Đức đã tràn lên và đâm bổ ra khỏi Maxcơva, kéo đi cuồn cuộn như nước lũ tràn ngập các đường phố và quảng trường, đổ xô tới các nhà ga và tới những con đường ôtô chạy về phía đông: tuy vậy công bằng mà nói thì trong hàng vạn và chục vạn người đó số người sau này đáng bị lịch sử lên án về tội chạy trốn cũng không nhiều.
Xintxốp đi trên đường phố Maxcơva, nơi mà không ai có việc gì dính dáng đến anh trong cái ngày khủng khiếp ấy ở Maxcơva, khi mà người ta lạc mất nhau phải tìm kiếm nhưng không thấy, và đấm cửa những căn hộ khóa kín, thất vọng chờ đợi ở các ngã tư dưới những chiếc đồng hồ đã không còn chạy nữa, kêu khóc giữa dòng người như luồng nước xoáy trên những quảng trường trước nhà ga.
Hình ảnh Liuxin đã bay khỏi đầu óc Xintxốp từ lâu: tức giận con người ấy cũng chẳng ích gì, mà còn là một ý nghĩ nhỏ nhen ở giữa dòng lũ đau khổ đang cuốn anh đi và đẩy trôi trên đường phố Maxcơva như một que củi khô. Anh đã không nguyền rủa Liuxin mà tự nguyền rủa mình; nếu anh hành động cách khác, nếu anh cứ đi đến phòng đặc nhiệm như đã quyết định lúc đầu thì có lẽ người ta đã giao cho anh khẩu súng trường ở cách Maxơva một trăm cây số, nơi quyết định số phận của thành phố này. Nhưng để có thể hy vọng được vào điều đó thì phải làm cho xong cái công việc đã bắt đầu: tìm đến tòa soạn. Cuối cùng, anh rẽ khỏi cửa ô Nhikixki bị tắc nghẽn người và xe cộ, đi vào ngõ Khơlưnốpxki, nơi tòa soạn báo “Còi tầm”, hồi trước chiến tranh có lần anh đã đến đây.
Cũng giống như ở các nơi khác, trong ngõ có mùi cháy khét, gió bốc tro tàn giấy lên khỏi mặt đường và bay liệng trong không khí. Tất cả các cửa sổ trong tòa soạn đều che rèm ngụy trang kín mít ở phía trong, ở cạnh cái cửa khóa bằng ổ khóa treo một ông già gác cổng cầm khẩu súng trường cỡ nhỏ mặc áo capốt công nhân đường sắt màu đen ngồi trên ghế đẩu. Ông ta ngồi mà không để ý đến những người tay xách nách mang đang nhốn nháo chạy trong ngõ phố trước mắt ông.
Xintxốp bước lại gần ông già và mặc dầu đã biết trước là có hỏi cũng vô ích, anh vẫn cứ hỏi rằng tòa báo mặt trận có về đây không. Người gác cổng lặng lẽ lắc đầu.
- Còn “Còi tầm” đi rồi à? - Xintxốp lại hỏi, mặc dầu đã rõ ràng “Còi tầm” đi rồi.
- Anh cần gì thế? - Mãi lới lúc ấy người gác cổng mới ngửng đầu lên hỏi. - Anh có những giấy tờ gì? Đưa đây xem!
- Cụ cần giấy tờ làm gì?
- Để biết là có được phép trả lời cho anh hay không! - ông già bực tức nói.
Phải, “Còi tầm” đã đi rồi, còn tòa báo mặt trận thì không về và không biết là có về không. Điều đó đã quá rõ. Nhưng Xintxốp vẫn quanh quẩn trong ngõ và nhìn vào cửa sổ tòa soạn vì không biết nên làm gì nữa.

Anh chợt nghĩ ra là nếu tòa soạn không ở Maxcơva thì ít nhất cùng phải tìm bằng được Xerpilin. Thì ông ta đã được chở về đây, về đúng Maxcơva để nằm bệnh viện mà lại...
“Nhưng mình làm thế nào để tìm ra ông ta? - Xintxốp tính lại, tự hỏi mình. - Bệnh viện nào? Trong tình cảnh này hôm nay ai sẽ trả lời cho mình là Xerpilin ở đâu?”
Tòa nhà của Cục chính trị tập đoàn quân ở cách đây không xa, ở quảng trường Arbátxkaia. Anh nhớ ra là năm bốn mươi, mình đã đến đó, trước khi đi nhận công tác ở Grốtnô và chợt nghĩ: “Hay mình đi đến đó nhỉ? Nhưng ai cho anh vào đó, nếu không có giấy tờ? Vả lại bây giờ liệu Cục chính trị còn ở đó không? Chưa chắc... Nhưng nếu không đi đến đó thì đi đâu. Đi đâu?...”.
Trong đầu anh lại lởn vởn ý nghĩ mà anh đã cố xua đuổi đi từ lâu: “Thế ngộ nhỡ Masa ở Maxcơva?”. Chính cái ý nghĩ viển vông ấy đã lôi anh từ ngõ Khơlưnốpxkaia đến phố Uxatrépca, về ngôi nhà mà từ đó anh đã đi ra mặt trận, mặc dầu anh vẫn cố cưỡng lại ý nghĩ đó.
Giữa đường, một lần nữa anh lại tự buộc mình không nghĩ đến điều không thể có: tất nhiên trong nhà anh chả có ai. Anh đi về nhà tuyệt nhiên chẳng phải vì hy vọng vào một cái gì hết! Chẳng qua là anh cần ngồi tạm ở nơi nào đó ít ra trong một giờ để trấn tĩnh lại, dù cho ngồi tạm trên cầu thang cũng được! Sau đó. anh sẽ đứng dậy và ra đi... Đi đâu chứ? Chỉ còn cách là đi đến ủy ban quân vụ. Đi đến đó và không cần phân trần gì hết mà chỉ nói rằng mình là chiến sĩ tình nguyện, đề nghị ghi tên vào... Người ta đang thành lập đơn vị ở đâu đây, đang ném thẳng người ra mặt trận mà lại! Rồi sau trận chiến đấu đầu tiên ở ngoài đó mình sẽ phân trần! Lúc ấy điều này sẽ không quan trọng nữa, điều quan trọng là làm thế nào để bây giờ họ thu nhận anh và cho ra mặt trận! Phải, cố nhiên là như vậy.
Nhưng vào giây phút cuối cùng khi đã đi gần đến cửa nhà mình và sực nhớ ra hết sức rô ràng rằng hồi tháng sáu Masa đã sửa soạn cho anh ra mặt trận ở đằng sau cái cửa sổ trên tầng gác hai kia thì mọi ý nghĩ đều bay ra khỏi đầu anh, trừ ý nghĩ về vợ và ý nghĩ cho rằng vợ anh bỗng nhiên đang ở đây.
Cửa ở lối ra vào mở toang, dưới cánh cửa có chèn gạch, những mảnh ghế bành gãy nằm lăn lóc trên vỉa hè. Khi đi qua phố xá Maxcơva, Xintxốp đã trông thấy tất cả, cho nên cảnh này không làm anh ngạc nhiên; anh lấy chân hất những mảnh ghế rồi trèo lên tầng gác hai và nắm tay đấm vào cửa.
Sau khi đã biết rõ đằng sau cửa chẳng có ai cả, anh vẫn vừa đấm thình thình vừa áp mặt vào cánh cửa và tất cả sức mạnh của nỗi tuyệt vọng đang tràn ngập lòng anh đều dồn vào những quả đấm vô hy vọng ấy,
Cuối củng, anh đứng thẳng lên, quay người lại, khoát tay rồi loạng choạng rời khỏi cầu thang.
Một chiếc xe vận tải chở các bao gói và đồ dùng lặt vặt trong nhà đang chạy giật lùi ra khỏi cổng. Đồ đạc chất quá cao đến nỗi vướng cả vào vòm cổng phía dưới. Một người nào đó nhảy choi choi giữa lòng đường, hoa tay trong không khí và hô: “Sang trái, sang trái, bây giờ thì trả lại, trả lại đi!...”. Cuối cùng chiếc xe lọt được ra ngoài; người kia dừng lại đưa ống tay áo varơi dạ lên lau bộ mặt đẫm mồ hôi và Xintxốp đã nhận ra anh ta. Đó là ông tổ trưởng dân phố, hình như tên là Klusơkin hay Krugiơkin gì đó, Xintxốp biết ông từ ngày còn theo đuổi Masa nhưng không nhớ tên họ ông.
- Này ông ơi! - Xintxốp gọi. - Này ông ơi! - Xintxốp nhấc lại to hơn và bước tới gần ông tổ trưởng, túm lấy cổ áo varơi khiến áo kêu răng rắc.
- Sao thế, anh điên à? - ông tổ trưởng vùng ra, quát lên và thậm chí vung tay chực đánh, nhưng sau đó thì nhận ra Xintxốp. - Chính anh đấm cửa đằng kia đấy à?
- Chính tôi.
- Chị ấy đi rồi!
- Đi đâu?
- Chả nhẽ nhớ được tất cả mọi người hay sao! - Ổng ta trèo lên xe vận tải. Mà danh sách thì đã đốt mất rồi, hôm nay đã đốt tất cả mất rồi, danh bạ điện thoại cũng đốt nốt. Tất cả đều đốt tuốt! - Khi đã ngồi trên xe rồi, ông còn nhắc lại và nhắc với giọng say sưa nữa là khác. - Chị ấy đi từ hồi tháng bảy, mặc áo quần bộ đội kia đấy.
- Thế cô ấy ở đâu ? - Xintxốp bước theo sau chiếc xe đã chuyển bánh và gào.
- Ấy, ấy. Hẵng gượm. - bỗng ông tổ trưởng quát lên và đập tay vào nóc buồng lái, - Này! - khi xe dừng lại, ông ta gọi Xintxốp. - Tôi giữ chìa khóa nhà anh đây, có hai chiếc mà…
Ông giật tung nắp chiếc cặp, lôi ra một cái vòng to uốn bằng dây thép cỡ lớn có treo lủng lẳng khoảng hai chục chiếc chìa khóa.
- Của anh cái nào? Cầm lấy, mà nhanh lên đấy?
Xintxốp bước lại gần và bắt đầu phân vân chọn tìm chìa khóa.
- Nào nào! - ông tổ trưởng giục, mắt liếc nhìn người lái xe đang sốt ruột thò đầu ra ngoài. - à, mà cứ cầm lấy cả cũng được! - ông ta kêu lên và buông cả chùm chìa khóa ra.
Xintxốp không giữ lấy chùm chìa khóa, nên nó rơi đánh xoảng xuống mặt đường.
- Thế còn ông thì đi đâu đây?-Xintxốp hỏi khi thành xe lướt qua trước mặt anh.
- Mọi người đi đâu thì tôi đi đấy! - ông tổ trưởng thét. - Tôi là đảng viên. Chả nhẽ tôi phải đợi ở đây cho quân Đức đến treo cổ lên hay sao?
“Ôi dào. Đảng viên gì mày!”, - Xintxốp nhặt chùm chìa khóa rơi dưới đường lên và tức giận nhớ tới bàn tay rắn chắc đầy lông lá vừa mới thò ra ngoài thành xe nắm chặt chùm chia khóa này.
Trong lúc lựa tìm chìa khóa, anh bỗng nghĩ rằng có thể Masa đã viết giấy để lại trong nhà để phòng xa... Rồi ý nghĩ đó đã choán lấy tâm trí anh đến nỗi đâm bổ lên cầu thang, mở cửa ra và chạy vào nhà, vẫn để chùm chìa khóa lại trong lỗ khóa ngoài cửa ra vào. Không có thư từ gì. Cả ở trên chiếc bàn nơi đặt cái đĩa gạt tàn thủ công quen thuộc hình con thuyền bằng gỗ có đầu thiên nga, cả trên giường trong phòng ngủ, nơi chỉ đặt tấm ruột đệm trần may bằng vải sọc và chiếc gối không lồng áo bọc đã lòi lông chim ra ngoài.
Tủ khóa chặt. Xintxốp vặn quả nắm: tủ không mở. Ở khắp nơi: trên nền nhà, trên ghế, trên bàn không trải khăn đều phủ một lớp bụi dày. Cánh cửa sổ thông hơi trong bếp với tấm kính nứt đang rung lên trước gió: anh đóng ập cánh cửa lại và ngồi xuống bên bàn, buông phịch hai bàn tay gày gò lên bàn.
Mọi điều gian khổ mà cả anh và tất cả những người đi cùng anh đã kiên cường chịu đựng kể từ khi ở Môghilép có ý nghĩa hay không là tùy theo lời giải đáp cho một câu hỏi đơn giản; trong cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh đã mở đầu thật đáng sợ đối với chúng ta, liệu chúng ta có thắng hay không? Không phải chỉ là trong bản danh sách tử sĩ mà anh đã nộp cho Smakốp ở Ennha, sau khi vượt khỏi vòng vây lần thứ nhất mà chính lòng anh cũng có một bản danh sách dài liệt kê tất cả những sự hy sinh mà mọi người đã sẵn sàng chấp nhận ngay trước mắt anh để giành thắng lợi bằng tính mạng của mình. Nhưng giờ đây ở trên đất Maxcơva này, cũng ngay trước mắt anh và đối diện với toàn bộ bản danh sách đẫm máu kia, đang hiện ra một cái dấu hỏi to đen sì sì như bản thân nỗi đau khổ.
Có lẽ, nếu ở tâm trạng khác thì trí óc anh đã tách rời cái khả năng vô cùng đáng sợ là có thể mất Maxcơva rồi thất bại hoàn toàn và mất hết. Nhưng bây giờ tâm hồn anh đang giống như một con thuyền mà người ta cứ xếp lên đó hết vật nặng này đến vật nặng khác khiến cho nó bắt đầu chìm. Thêm vào là một căn hộ lặng ngắt, vắng tanh - không vợ, không con.
Quẳng chiếc chìa khóa căn hộ vứt cho anh là một kẻ đã rời bỏ Maxcơva, vì kẻ ấy cho rằng, ngày mai quân Đức thế nào cũng vào đây. Kẻ ấy đã chuồn khỏi Maxcơva trên chiếc xe tải chất đầy những thứ vặt vãnh, tầm tầm. Xintxốp sẵn sàng cam đoan như vậy - nhất định là hắn chuồn mà không có lệnh, chuồn với cái cổ bò mộng và hai cánh tay lông lá rắn chắc vào giờ phút đó lẽ ra phải nắm chắc khẩu súng trường...
Không, Xintxốp không ghen tị với cái gã chạy làng kia nhưng anh bứt rứt vì chính mình không còn thẻ đảng viên trong túi, vì bây giờ anh không thể từ đây đi qua ba dẫy phố để vào đúng chỗ quận ủy, nơi mà trước kia anh đã gia nhập Đảng và nói rằng: “Tôi là đảng viên Xintxốp, đến để bảo vệ Maxcơva, hãy phát cho tôi khẩu súng trường và nói cho tôi biết cần phải đi đâu?”.
Anh suy nghĩ mãi về điều đó cho đến lúc bỗng nhiên (đúng là bỗng nhiên giống như những ý nghĩ quan trọng nhất trong đời ta đôi khi cũng bỗng nhiên xuất hiện như thế) trong óc anh nảy ra ý nghĩ: “Nhưng tại sao? Tại sao mình không thể đến quận ủy và nói “Tôi là Xintxốp, đảng viên cộng sản, tôi muốn bảo vệ Maxcơva?”. Thế nào, mình không còn là đảng viên nữa hay sao? Cái thằng hèn nhát ngồi trên xe vận tải kia mà còn là đảng viên. Thế mà mình lại không còn là đảng viên nữa? Mặc cho người ta đã không tin mình, dù cho có người nào đó nữa sẽ không tin, nhưng tôi biết rằng tôi là ai. Tại sao tôi đã định đi đến phòng đặc nhiệm, đến tòa soạn, đến ủy ban quân vụ mà lại sợ không dám đến chỗ quận ủy của mình, nơi tôi đã gia nhập Đảng? Ai có thể cấm tôi điều đó? Ai có quyền cấm tôi?”.
Anh rời khỏi bàn, đứng dậy và người lảo đảo vì yếu sức. Anh đi xuống bếp và mò mẫm mãi trên giá trong bóng tối cho tới lúc may quá, tìm được một nửa ổ bánh mi gối đã khô cứng lại như bánh bítcốt. Anh đến bên chậu rửa mặt và vặn thử xem vòi có nước không, vẫn có nước. Đứng dựa vào tường, anh bắt đầu mở vòi cho nước thấm vào bánh mì và nhai ngấu nghiến cái thứ bánh ướt trơn tuột trong tay ấy.
Tiếng súng cao xạ bắt đầu vang lên sau tường nhà lúc anh đang nhai nốt miếng cuối cùng. Luồng ánh sáng đèn chiếu lóe lên trong khung cửa sổ không che kín: bom nổ làm tòa nhà chao đảo.
Xintxốp đóng vòi nước và vừa nghe pháo cao xạ bắn vừa suy nghĩ lại cái điều đáng sợ nhất mà hôm nay anh đã nghĩ tới mấy lần, cái điều mà so với nó thì ngay cả cơn hoạn nạn của anh cũng không đáng kể chút nào. “Phải chăng chúng ta sẽ để mất Maxcơva?!”.
- Mình sẽ đi ngay bây giờ! - anh nhớ đến quận ủy và tự nhủ thầm nhưng khi rời khỏi bức tường anh cảm thấy bây giờ chưa đi đến đó được: phải nằm nghỉ một lát đã. Nằm một tí rồi đi. Anh vịn tay vào tường, đi được đến phòng ngủ, nắm lấy thành giường mạ kền lạnh ngắt và ngã sấp xuống tấm đệm trần.
- Bây giờ mình nằm một lát rồi sẽ đi, - anh bướng bỉnh nói thầm. - Nằm mười lăm phút rồi đi...
Khi Masa bắt đầu đánh thức anh, anh chưa tỉnh ngay, chỉ trở mình và rên rỉ, thoạt tiên rên hừ hừ và khàn khàn, về sau rên thảm thương đến nỗi Masa đau thắt cả tim. Bây giờ chị sẵn sàng ngồi bên cạnh anh dù mất một giờ nữa cũng được và thôi không định đánh thức anh dậy, nhưng anh đã tỉnh giấc. Từ dưới đáy bộ óc mệt mỏi của anh có một cải gì dâng lên làm cho anh tỉnh giấc. Tuy chưa tỉnh hẳn, anh đã cựa mình, dang rộng hai tay, nặng nề đặt tay lên hai vai Masa bóp mạnh và bỗng mở bừng mắt ra tựa hồ như bị ai đánh - trong đôi mắt anh không hề lộ vẻ ngái ngủ lẫn vẻ ngạc nhiên mà chỉ một niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc vô hạn mà trước đó cũng như từ đó về sau Masa suốt đời chẳng bao giờ được trông thấy trong cặp mắt của người nào khác nữa.
Nếu bắt Xintxốp suy nghĩ dù cho cả một thế kỷ để xem anh mong muốn một hạnh phúc thế nào thì rốt cuộc anh vẫn không nghĩ ra cái gì ngoài gương mặt thân yêu đẫm lệ đang lúng túng áp vào má anh. Tất cả sự khủng khiếp của nhiều ngày trước và của ngày khủng khiếp nhất là hôm nay, tất cả bỗng nhiên lùi ra xa hàng ngàn dặm. Bây giờ anh lại không sợ hãi gì nữa.
Vừa nắm lấy hai vai Masa anh vừa nâng mặt vợ lên phía trên mặt mình rồi mỉm cười. Nụ cười của anh không có vẻ đau khổ và đáng thương, đó vẫn là nụ cười bình thường trước kia của anh. Nhìn vào bộ mặt hốc hác đã thay đổi một cách đáng sợ của chồng, Masa nghĩ rằng hình dáng của anh tuy trong giây phút đầu đã khiến chị hoảng lên nhưng chẳng báo hiệu một điềm gì xấu.
Tính vốn thẳng thắn và tâm hồn trong sáng, không quen nghĩ ngợi miên man, chị vội vàng giải thích cho mình về mọi sự việc đã xảy ra: anh đang chỉ huy một đội du kích và người ta đã triệu tập anh về Maxcơva bằng máy bay. Tại sao anh lại chỉ huy và tại sao người ta lại triệu tập đúng anh và lại cho đi máy bay thì chị không hề suy nghĩ tới, vừa vặn hôm qua, trong trường chị, người ta đã kể chuyện rằng cách đây không lâu có mấy đồng chí chỉ huy các đội du kích được chở máy bay từ vùng địch về Maxcơva và, không thay áo, được đưa thẳng từ sân bay đến địa điểm báo cáo.
Trong suối mấy tháng qua, trí óc chị đã tưởng tượng thấy Xintxốp ở biết bao nhiêu nơi và làm biết bao nhiêu việc? Nhưng từ giây phút đầu tiên, sau khi đã tự giải thích cho mình như vậy vì sự xuất hiện của chồng, chị không còn suy nghĩ điều gì khác về anh nữa.
Xintxốp buông vợ ra, nhổm dậy và ngã khuỵu vào tường. Anh phải gắng sức mới cử động được, sắc mặt anh tái di
- Đầu anh làm sao thế, anh bị thương à?
Cứng người lại vì sợ đau, anh dùng hai tay tháo mũ bịt tai ra. Nhưng lần này băng không dính vào mũ và anh không thấy đau, cho nên Masa nhìn vào mắt chồng và tin lời anh nói rằng đó chỉ là một vết sây sát.
- Có lẽ em thay băng cho anh nhé?
Nhưng anh bảo không cần. Anh mới được băng đúng theo quy cách hơn hai hôm trước đây và tốt hơn là đừng đụng đến nó.
- Mẹ và Tanhia thế nào? - anh hỏi, và trước khi chị nói, anh đã đọc thấy câu trả lời trên nét mặt vợ.
Anh không hỏi gì thêm nữa - vả lại biết hỏi gì? - cho nên chỉ im lặng cầm tay vợ trong mấy phút, giống như giờ phút cuối cùng lúc từ biệt nhau qua hàng rào chấn song ở nhà ga Belôruxia...
Masa gầy đi, cắt tóc ngắn hơn trước và bộ quân phục với cái cổ áo hơi rộng bỗng nhiên biến chị từ một thiếu phụ trở thành một cô gái, và thậm chí không phải là cô gái hồi trước ngày cưới, mà là cô gái mà Xintxốp đã có lần tiễn chân lên đường đi Viễn Đông sáu năm về trước.
- Dù sao thì em cũng đã vào bộ đội, - cuối cùng anh nói.
- Em vào rồi.
- Anh cũng cho là như vậy. Thậm chí anh không ngờ rằng sẽ gặp em ở đây.
- Nghĩa là chính Chúa trời đã xui khiến chúng mình về, Masa sôi nổi nói. - Thì mãi hôm nay em mới được phép về nhà. Đã một tháng nay em không về. Và cả anh lẫn em đều về đúng một ngày...
- Thế nghĩa là chúng mình rất cần gặp nhau, - Xintxốp nói và một nụ cười hiền hậu, rất quen thuộc đối với Masa, nụ cười của một người lớn tuổi hơn và hiểu biết hơn chị nhiều, nở ra trên bộ mặt hốc hác của anh. - Đừng ngạc nhiên. Tốt hơn là em hãy kể cho anh nghe tại sao lại về đây và tại sao một tháng nay không về nhà và em đang làm công tác gì, ở đâu?
Masa hơi có ý phản đối: tất cả những việc đã xảy ra với chị không lấy gì làm thú vị lắm đâu. Tuy nhiên anh đã lặng lẽ khẽ nắm lấy cổ tay vợ, dịu dàng nhưng oai nghiêm ngăn chị lại.
- Anh sẽ kể cho em nghe tất cả, nhưng câu chuyện này dài lắm. Còn em thì hẵng nói cho anh ngay lập tức, vắn tắt thôi: em đang công tác ở đâu? Đã ra mặt trận chưa?
Masa ngắm bộ mặt gầy gò, mệt mỏi của chồng, ngắm những nếp răn mới xuất hiện, hằn rõ cạnh đôi môi nứt nẻ, nhìn thẳng vào mắt anh, trong đó cũng có một cái gì mà chị chưa thể hiểu được, nhưng là cái mà trước kia chưa có - và hiểu rằng hoặc anh phải nói ra tất cả hoặc không nên nói gì hết. Chị muốn nói ít thôi, bởi vì cảm thấy rằng việc quan trọng hơn cả là cho anh tắm rửa và đi nằm nghỉ ngay, cho nên chị kể chuyện mình một cách ngắn gọn, như vậy cũng đã vi phạm ngay một lúc tất cả những điều lệnh nghiêm khắc của nhà trường: không nói với bất cứ ai, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào... Thực tình mà nói thì lúc bấy giờ thậm chí chị chả nghĩ gì đến điều đó, bởi vì không có bản chỉ dẫn nào có thể nêu lên hoàn cảnh mà chị đang gặp cũng như con người mà chị đang thổ lộ mọi việc.
Xintxốp nghe vợ kể và vẫn nắm lấy tay vợ, và mỗi lần Masa định làm điệu bộ trong khi nói thì anh lại cảm thấy tay vợ giật nảy lên trong lòng bàn tay mình. Chị kể cho anh nghe tất cả, chỉ trừ hai việc: người ta sẽ thả dù chị trong những ngày sắp tới và đúng bảy giờ sáng mai chiếc xe vận tải sẽ đợi chị ở góc phố Pirôgốp.
Anh nghe vợ nói, sắc mặt không thay đổi, hình như chỉ hơi tái đi thôi. Nếu anh được nghe mọi chuyện đó ba tháng trước đây, nhất là trước chiến tranh, thì chắc hẳn anh đã hoảng hốt trước những việc Masa sắp phải làm và cũng sẽ nói thẳng điều ấy ra với vợ. Nhưng bây giờ, sau khi đã trải qua mọi gian khổ đó, mặc dầu lòng anh vô cùng lo lắng cho vợ, anh vẫn cảm thấy mình không có quyền nói với vợ một lời nào. Trong vòng vây. anh đã trông thấy những người phụ nữ làm những việc không kém gì cái việc mà Masa mới chỉ đang sửa soạn làm. Tại sao cô ấy lại không có quyền làm thế? Tại vì anh không yêu họ mà chỉ yêu vợ chăng?
- Thôi được! - khi Masa kể xong và lo lắng nhìn vào mặt anh. Xintxốp dằn lòng nói. - Có lẽ sang bên kia mặt trận em sẽ gặp ai đó trong số những người quen biết cũ của chúng mình ở Viadơma.
- Thế anh cho là Viadơma chưa kịp tản cư à? - Masa hỏi.
- Anh cho là chưa kịp, - Xintxốp trả lời giọng lạc hẳn đi, vì khi nghe câu hỏi đó, lòng anh đã bàng hoàng nhớ lại những chuyện cũ, - anh cho là chưa kịp, - anh nhắc lại. - Cũng giống như những thành phố khác. - Anh ghé mặt mình lại gần mặt vợ rồi đổi giọng, ôn tồn nói nhỏ với chị như nói với đứa bé: - Chắc là, nói chung em chưa hình dung được cái đó đến nơi đến chốn.
- Anh mệt lắm à? - Masa hỏi.
Xintxốp nhắm mắt rồi lại mở ra.
- Gian khổ lắm à?
Xintxốp khẽ gật đầu, - anh đang chóng mặt và cố tự chủ.
- Anh đáp máy bay về Maxcơva bao giờ, hôm nay à? - Masa hỏi nhỏ; chị có cảm tưởng rằng anh nhắm mắt để nhớ lại một cái gì.
Bởi vì chị hỏi nhỏ quá, cũng còn bởi vì trong giây phút đó anh phải vật lộn với chứng chóng mặt, thành thử anh không nghe thấy những tiếng có thể làm cho anh ngạc nhiên: “đáp máy bay” mà chỉ nghe thấy hai tiếng cuối cùng: “hôm nay” và anh đã khẽ gật đầu.
- Bây giờ em cởi quần áo cho anh, tắm rửa cho anh và dọn giường cho anh ngủ. - Masa nói. Chính vì chị sợ là mấy tiếng “tắm rửa” sẽ làm cho chồng nghĩ rằng chị không thích anh và lúc này trông anh thật là bẩn thỉu khó thương, do đó chị liền cuồng nhiệt nắm lấy bàn tay nặng nề, xây xát rớm máu của anh rồi hôn lia lịa một cách nồng nàn. - Chúng mình đi tắm anh nhé, đồng ý chứ? - chị ngước mắt lên hỏi.
Anh biết nói sao nhỉ?
- Ừ, đồng ý, cố nhiên là đồng ý! - Anh còn có thể mong muốn gì hơn nữa nếu không phải là mong hai bàn tay khỏe mạnh, dịu dàng và nhỏ bé kia, những bàn tay mà anh đã từng nhớ tới bao nhiêu lần, sẽ cởi quần áo cho anh, tắm rửa cho anh và xếp giường cho anh ngủ?
- Mới trông thấy anh là em đặt nước lên bếp đun ngay. - Masa nói.
- Đặt ngay à? Em đảm đang thật! - Xintxốp mỉm cười.
- Em không đảm đang đâu, chỉ vì em muốn giúp anh thôi, theo ý em thì anh rất yếu.
- Ừ, anh hơi yếu, - Xintxốp nắm lấy bàn tay xinh xắn sạch sẽ của vợ trong bàn tay to lớn bẩn thỉu của mình, anh thoáng có ý định bóp thật mạnh cho vợ phát đau.
- Em quên khuấy đi mất. Có lẽ anh đói lắm nhỉ? - chị hỏi.
- Không, bây giờ anh chưa muốn ăn đâu, - anh ngạc nhiên cảm thấy rằng thực tình bây giờ mình không muốn ăn và nói. - Em xuống bếp đi, còn anh thì sẽ cởi quần áo ở đây và xuống sau. Và nhìn qua cửa ra vào nhác thấy tấm áo capốt của Masa quàng trên bàn, liền nói thêm: - Chỉ cần em đưa cho anh cái áo capốt để anh khoác ngoài.
Trong lúc đợi vợ mang áo capốt vào và đi ra, anh đưa mắt trông theo chị, buông chân xuống nền nhà và bắt đầu rút ủng ra.
Sau đó anh đứng trong cái chậu thau bằng sắt tây ở dưới bếp, còn Masa thì tắm cho anh như mẹ tắm cho con, như các bà hộ lý già trong bệnh viện tắm cho người bệnh và người bị thương.
Khi Masa bắt đầu tắm cho anh, chị nhận thấy ngay là anh có hai vết sẹo đỏ bên sườn.
- Anh bị thương à? - chị hỏi khẽ và anh lặng lẽ gật đầu: “ừ, bị thương”.
- Cho anh một ca nước nhé! - Xintxốp nói khi Masa ôm anh ngang nách và cho anh tựa vào vai rồi dìu đến tận giường, đặt ngồi xuống như người ốm.
Trong lúc Masa đi lấy nước, anh nằm xuống, khăn trải giường sạch bóng, còn nguyên nếp gấp, chiếc áo capốt của Masa để ở trên giường và tấm chăn. Anh đưa tay sờ chiếc áo sơ mi lụa sạch sẽ vừa mới mặc vào sau khi tắm, rồi ngửi ngửi - mấy tháng trời được để chung với đồ đạc của Masa chiếc sơ mi đượm mùi nước hoa quen thuộc. Một chiếc sơ mi khác giống như thế được lồng vào gối thay cho áo gối.
Masa mang nước đến cho anh. Trong lúc anh uống chị đóng cửa ra vào lại và kéo rèm cửa sổ lên, sau đó đỡ lấy cái ca ở tay anh, nhanh nhẹn cởi quần áo ngoài ra và nằm xuống cạnh chồng, co ro nhét vạt áo capốt xuống dưới sườn.
- Tại sao anh không ngủ? Em thấy anh mệt lắm cơ mà!
- Mệt thật nhưng không ngủ được!
- Tại sao anh lại ngồi dậy thế?
- Ngồi thế này anh dễ kể chuyện hơn. Anh phải, anh muốn kể lại với em...
- Sau hẵng hay. Tốt hơn là nằm xuống. Anh mệt lắm. Em chỉ lo cho anh thôi, anh mệt thế kia mà. Có lẽ anh khó ngủ vì ánh đèn đây? Để em dậy hạ rèm xuống...
- Không có cái gì làm anh khó ngủ đâu.
- Nào, thế thì đắp vai lại. Áo capốt đây. Không thì anh sẽ lạnh đây. Anh nhất định cứ ngồi thế à?
- Ừ... Em không biết rằng việc anh gặp em hôm nay có ý nghĩa thế nào đối với anh đâu...
- Tại sao lại không biết nhỉ?
- Không, em không biết đâu. Nếu anh chưa kể cho em nghe tất cả câu chuyện xảy ra với anh thì em không thể biết được. Bao giờ anh kể, lúc ấy em mới biết được. Thậm chí em cũng không hình dung được rằng bây giờ anh đang thầm cám ơn em vô cùng.
- Cám ơn em? Về cái gì nhỉ?
- Về tình yêu của em đối với anh.
- Chuyện không đáng kể! Chả nhẽ thế mà cũng có thể cám ơn à?
- Ừ, có thể cám ơn đấy.
Chị cảm thấy rằng anh xúc động còn vì một cái gì đó nữa, chứ không phải chỉ vì cuộc gặp gỡ của hai người, nhưng chị không thể hiểu đó là cái gì. Chính chị cũng rất cám ơn anh, vì anh đã chiến đấu, đã bị thương mà vẫn còn sống, vì anh đã trở lại đây với chị... Nhưng anh phải cám ơn chị vì lẽ gì thì thực tình chị không hiểu. Có phải vì chị đã hôn tay anh và rửa chân cho anh, có phải vì chị vẫn yêu anh như xưa hay còn yêu hơn nữa chăng? Xét đến cùng, đó là lẽ đương nhiên, có thể nào khác được nhỉ?
Còn anh thì quả thực đang thầm cám ơn chị vô cùng về tình yêu mãnh liệt đối với anh và vì vừa mới được tiếp nhận thêm sức mạnh của tình yêu ấy mà bây giờ anh đã đủ sức kể lại cho chị nghe tất cả câu chuyện đang dày vò tâm hồn anh, dày vò đến nỗi tưởng chừng như tâm hồn ấy sắp chết.
Anh thở dài và mỉm cười trong bóng tối tựa hồ như cười để từ biệt tất cả những điều tốt đẹp và âu yếm đã diễn ra giữa hai người trong suốt đêm ấy. Chị không trông thấy nụ cười của anh, nhưng cảm thấy anh cười và hỏi:
- Anh mỉm cười đấy à? Anh mỉm cười cái gì thế?
- Mỉm cười với em.
Rồi anh lập tức trở nên nghiêm nghị, nói rằng trong giờ phút nặng nề này của anh, lòng tin và sự giúp đỡ của chị là điều quý báu nhất trên đời này đối với anh.
- Tại sao lại nặng nề?
- Nặng nề thật, - anh nhắc lại. Và bỗng nhiên anh hỏi: - khi trông thấy anh mặc áo bông và áo quân phục mùa nóng của người khác như thế này em nghĩ sao? Chắc là em nghĩ rằng anh từ căn cứ du kích về đây? Đúng không?
- Đúng.
- Không, tình cảnh anh còn gay hơn thế nhiều. - Và nhắc lại: - Ừ, còn gay hơn thế nhiều, gay lắm!
Chị rùng mình và đờ người ra. Anh tưởng vợ sẽ hỏi mình ngay rằng như thế là nghĩa làm sao. Nhưng chị không hỏi. Chị chỉ nhổm người lên và ngồi dậy.
Suốt trong thời gian anh kể, chị cứ toát mồ hôi lạnh, còn anh thì trái lại, vẫn luôn luôn nói bằng cái giọng đều đều, nho nhỏ mà nếu chị hiểu biết anh ít hơn một chút thì có thể ngỡ là cái giọng ấy có vẻ bình tĩnh. Anh kể một mạch từ đầu cho đến hết câu chuyện, bởi vì nếu không chị sẽ không hiểu anh, mặc dầu việc đó rất khó khăn đối với anh.
Anh kể cho chị nghe về cái đêm gần Bôritxốp và chiến sĩ Hồng quân phát điên; về con đường ôtô Bôbruixcơ và cái chết của Côdưrép; về những trận chiến đấu bảo vệ Môghilép và hai tháng rưỡi trong vòng vây. Anh nói tới tất cả những điều mà mình đã trông thấy và suy đi nghĩ lại: lòng ngoan cường và sự gan dạ của mọi người và sự kinh ngạc tột cùng của họ trước nỗi khiếp sợ và tính chất vô lý của những việc xảy ra; nói tới những câu hỏi đáng sợ đã nảy ra trong đầu óc họ; tại sao lại đến nông nỗi này và ai có lỗi trong việc nảy?
Anh nói với vợ hết cả mà không thương hại chị cũng như chiến tranh đã không thương hại bản thân anh. Trong suốt hai hay ba giờ đó, anh đã trút lên đầu chị tất cả nỗi cay đắng tột cùng và những thử thách nặng nề, những cái đã từng trút lên đầu anh trong bốn tháng ròng. Anh trút tất cả vào một lúc, không đối chiếu sức tác động của những lời mình nói với mức độ thiếu từng trải của vợ, mà mức độ đó rất lớn mặc dầu chị đã hiểu biết chiến tranh, qua báo chí và các bản thông cáo chiến sự, và chị có mắt, có tai, có bộ óc sáng suốt đang thầm nhắc chị rằng tất cả những việc xảy ra chắc hẳn còn đáng sợ hơn những điều mà người ta nói và viết. Nhưng hết thảy những cái đó là một chuyện mà những cái Xintxốp kể lại là chuyện khác, đáng sợ hơn và đáng xúc động hơn gấp bội.
Masa ngồi trên giường, cắn vào một góc chiếc gối lồng trong tấm áo sơ mi của chồng thay áo gối để nén cho khỏi run.
Giá anh có thể nhìn vợ thì đã trông thấy mặt chị cắt không còn giọt máu và chắp hai bàn tay vào sát trước ngực tựa hồ như lặng lẽ cầu khẩn anh hãy dừng lại, hãy thương hại chị, cho chị nghỉ lấy hơi. Nhưng anh không nhìn vào mặt vợ mà cứ nhìn trừng trừng vào tường, và một tay vịn vào lưng giường, còn tay kia nắm chặt lại và vừa chém không khí đằng trước mặt vừa nói mãi tất cả những gì đã chứa chất trong lòng anh, bây giờ anh không có ai để mà nói nữa ngoài chị ra.
Mãi tới khi anh kể về trận chiến đấu cuối cùng ở Ennha và về niềm hạnh phúc mà anh cảm thấy trong cái đêm chọc thủng vòng vây, lúc ấy bộ mặt căng thẳng rắn như đá của chị mới dịu đi và chị khẽ kêu lên một tiếng “ô”. Đó là phút đầu tiên mà chị thấy nhẹ nhõm.
- Em làm sao thế? - anh hỏi.
- Không sao đâu. nói đi, - chị cố tự kiềm chế vã nghĩ rằng sau đây không còn phải nghe điều gì khủng khiếp nữa, bèn nói thế.
Nhưng điều khủng khiếp nhất lại đang ở đằng trước và vì không nhận thấy tâm hồn chị đã bị mệt lả đến tột cùng, thành ra anh không hề thương hại chị, cứ nói luôn tới cái việc khủng khiếp nhất là những chiếc xe tăng trên đường ôtô Iukhơnốp, lần thứ hai bị sa vào vòng vây, bị bắt làm tù binh, chuyện chạy trốn và nói rằng bây giờ anh đang ngồi trước mặt chị mà vẫn là con người đó - con người đã chịu đựng nổi những điều phải chịu đựng, đã làm được những việc cần làm và không làm những việc không thể làm nổi. Nếu sau khi đã xảy ra tất cả những sự việc đó mà xét đến cùng anh vẫn phải chịu trách nhiệm về cái số phận đáng nguyền rủa của mình thì anh sẵn sàng chịu trách nhiệm ở bất cứ nơi nào, trước bất cứ người nào, không hề cúi đầu. Đặc biệt là sau khi gặp Masa!
- Số phận, số phận! Thật tớ muốn nhổ toẹt vào cái số phận của mình! - bỗng anh cất cao giọng nghẹn ngào nói. - Đã đến nước này thì tớ muốn nhổ toẹt vào nó! Dù số phận đến thế nào đi chăng nữa thì cũng phải đi đánh nhau để bảo vệ Maxcơva và thế là đủ! Ai bảo là tớ không có quyền làm thế? Nói láo, tớ có quyền! Và còn một vấn đề nữa, - giọng anh đã lạc hẳn đi, theo Masa nhớ lại thì đấy là lần đầu tiên anh mất bình tĩnh. - Tại sao cái thằng thượng úy kia, khi tớ đi đến đơn vị nó và kể hết sự thật với nó thì nó lại không tin tớ, mặc dầu nó chưa biết cóc gì cả, nó chưa giết một thằng Đức nào mà chỉ mới từ ủy ban quân vụ đến nhận công tác? Bởi vì nó không muốn tin! Tớ thấy rõ là nó không muốn! Thế thì tại sao? Tại sao chúng nó lại không tin tớ
- Bình tĩnh lại anh!
- Không thể bình tĩnh được! - anh quát lên và giật tay lại khi chị đang định vuốt tay anh.
Nhưng chị đã tha thứ cho anh về sự thô lỗ đó, vả lại lẽ nào chị nỡ không tha thứ cho anh trong giờ phút đó!
- Bình tĩnh lại anh! - Masa nhắc lạí.
Giờ đây, trong lúc Xintxốp phát khùng và quát tháo chị bỗng trở nên bình tĩnh, những thắc mắc của bản thân đều đã được nén sâu xuống đáy lòng, chị thôi không muốn thốt lên: thế nào? tại sao... nữa.  
- Bình tĩnh lại anh! - chị nói tới lần thứ ba, vì cảm thấy rằng tuy anh đã trải qua những giờ phút khủng khiếp của chiến tranh, nhưng trong giờ phút này chị vững vàng hơn và phải giúp đỡ anh. - Anh yêu, anh nói gì thế? Không nên nói thế, không nên!.. - chị không tranh cãi mà chị van xin chồng.
Sự dịu dàng của chị đã dập tắt cơn giận dữ của anh. Anh xẹp hẳn xuống, rời khỏi tường, úp mặt vào gối và cứ nằm yên như vậy hồi lâu.
Masa đụng tay vào vai chồng.
- Hẵng khoan, đừng đụng vào anh! - anh thều thào nói, mặt vẫn úp trên gối. - Anh sẽ trấn tĩnh ngay bây giờ!
Chị tưởng là anh khóc, nhưng anh không khóc.
- Họ không tin thì sao anh lại làm thế? - Masa không trả lời thẳng mà chỉ nói vậy. Những lời của anh nói rằng người ta không tin anh, khiến chị bị xúc động nhiều nhất, - Sao lại không tin nhỉ? Thế còn em?
- Xin lỗi... - Anh trở mình, nằm ngửa ra và bình tĩnh đụng vào tay Masa.
- Phải chăng là em đáng thế?
- Dù sao cũng cứ xin lỗi!
Anh lặng thinh. Masa cũng im lặng.
Anh thấy hình như chị đang suy nghĩ để trả lời câu hỏi của anh: bây giờ nên làm thế nào? Nhưng chị lại suy nghĩ về việc khác.
Chị suy nghĩ về tất cả những điều anh đã trải qua và tự hỏi mình: nếu ở vào địa vị anh thì liệu chị có chịu đựng nổi tất cả không? Chắc chắn là sẽ không chịu đựng nổi... Chị nhớ lại tất cả những đêm không ngủ, lúc đó chị cứ phỏng đoán là anh đang gặp cảnh ngộ như thế nào ngoài mặt trận; đã bao nhiêu lần, khi thì ngờ là anh bị bắt làm tù binh, khi thì tưởng là chúng nó bắn vào anh, khi thì thấy hình như anh bị thương ở đâu đó, và anh vừa dãy dụa trong cơn mê sảng vừa gáo thét gọi chị: “Masa! Masa!” - và hai hàm răng run lập cập va vào miệng chiếc ca bằng sắt tây. Nay hầu hết những điều mà chị nghĩ đều có thật: anh đã bị chúng nó bắn, anh đã bị thương, đã bị bắt làm tù binh, anh đã đòi uống nước và gào thét: “Masa! Masa!” - rồi thở hồng hộc vì khát và chẳng có ai để băng bó cho anh.
- Sao em lại im lặng, theo ý em thì anh nên làm thế nào? - Xintxốp hỏi.
Chị nhích lại gần, đặt cái đầu quăn băng của chồng lên đùi mình và nói:
- Em không biết. Chắc anh tự biết rõ hơn chứ.
Quả thực chị chưa biết rằng nên trả lời cho anh ra sao. Nhưng chị đã biết cái điều chủ yếu: anh phải cảm thấy rằng vợ yêu mình như thế nào. Đó chính là câu trả lời mà anh cần nhất, và anh cảm thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của vợ về mặt tinh thần nên bỗng nói với chị một cách vắn tắt và đơn giản về cái việc mà trước khi gặp chị anh đã hầu như quyết định sẽ làm: sáng mai anh sẽ đi đến quận ủy, nơi mà dạo trước anh đã vào Đảng, sẽ kể hết câu chuyện, rồi để cho họ quyết định phải đối xử với anh ra sao. Còn bây giờ anh chỉ sợ một điều: tới giây phút cuối cùng sẽ xảy ra một chuyện không may, dọc đường anh có thể sẽ bị đội tuần tra bẳt giữ.
- Em sẽ đi với anh, - Masa buột miệng nói ra mà chưa kịp suy nghĩ rằng không thể làm như thế được, vì từ giờ đến sáng là giờ giới nghiêm, còn đúng bảy giờ thì lại sẽ có chiếc xe chết tiệt kia tới đón chị!
- Nghĩa là em sẽ cầm tay anh dắt đi như đứa bé chứ gì? - anh mỉm cười trong bóng tối: - Thôi được, chúng mình sẽ bàn xem.
Anh lại trở thành con người như trước kia: to lớn. rắn rỏi và điềm tĩnh.
- Anh quên khuấy mất một việc. - hình như anh lại mỉm cười. - Em không còn gì ăn nữa à? Anh đói hoa cả mắt lên rồi đây này.
- Sao ban nãy anh không bảo? Thì chính em đã hỏi anh cơ mả!
- Nhưng lúc ấy anh không muốn. Khi em chưa về đã lục được một đầu mẩu bánh mì đâu từ hồi trước chiến tranh. Đành phải đắp nước máy.
- Ấy chết, khổ thân anh! Trong áo capốt của em có một ít lương khô và một hộp thức ăn, chỉ có cái là không biết thức ăn gì.
- Thức ăn gì cũng được! - Xintxốp cười phá lên. - Thậm chí nếu là cá mòi thì sau đó chúng ta sẽ uống mỗi người năm ca nước, chỉ đến thế là cùng.
- Anh cứ nằm xuống. - Masa thò chân không giày xuống nền nhà và nói. - Em sẽ đi lấy ngay.
- Thôi, không cần! - anh nói và cũng thò chân xuống
Cả hai đều đứng dậy. Chị khoác áo capốt lên vai, còn anh thì quấn chăn rồi cùng đi xuống bếp và ngồi vào bàn. Masa rút ra một gói lương khô đã nát vụn, còn Xintxốp thì chật vật móc một hộp thức ăn to tướng ra khỏi túi kia của cái áo capốt mà chị đang khoác.
- Thảo nào anh luôn luôn cảm thấy có vật gì nặng nặng ở chân! - anh bật cười.
- Em quên khuấy nó đi đấy.
Xintxốp dùng dao thái thức ăn để mở hộp.
Họ ngồi đối diện nhau, ăn món thịt hộp bằng cách chấm những miếng lương khô vào hộp thịt. Sau đó, Xintxốp húp hết chút nước xốt còn lại trong hộp và mỉm cười nhìn Masa.
- Ái chà, anh với em bây giờ chắc là trông cũng buồn cười đấy nhỉ! Chân đi đất, ngồi đối diện nhau trong bếp...
Anh ngáp và mỉm cười ra vẻ hối lỗi:
- Em biết không, dù có xấu hổ đi nữa nhưng ăn xong là buồn ngủ ngay như một con chó đói.
- Thế thì có gì là xấu hổ?
Để cho chồng đừng xấu hổ thực, chị vội vàng nói dối rằng mình cũng buồn ngủ.
Họ quay vào phòng và nằm xuống như hồi xưa họ vẫn thích nằm, khi ngủ chung: anh nằm ngửa duỗi tay phải về một bên, còn chị thì nằm nghiêng, áp má vào cái cánh tay to lớn khỏe mạnh đang lặng lẽ ôm lấy mình. Nhưng hai người vừa nằm xuống thì tiếng súng cao xạ đã bắt đầu theo nhau nổ ùng ục mỗi lúc một dồn dập hơn ở ngoài trời, sau cửa sổ.
- Ấy đấy, bây giờ đừng hòng ngủ. - Masa ngán ngẩm thốt lên, không có ý nói tới mình mà là nói tới chồng. Chị vẫn không buồn ngủ như trước.
- Tại sao đừng hòng ngủ? - Xintxốp nói giọng ngái ngủ. - Ngủ đúng lúc quá ấy chứ...
Và một phút sau Masa đã cảm thấy quả thực anh đã ngủ thiếp đi một cách mệt mỏi và say sưa. Trước kia, đôi khi anh cũng ngủ thiếp đi ngay như vậy. Chỉ có cái là hơi thở của anh trước kia khác hẳn: nhẹ nhàng và đều đặn hơn.
Trong suốt thời gian báo động có máy bay và một hai giờ sau đó nữa, Masa vẫn không ngủ mà cứ nằm áp má vào cánh tay to lớn ấm áp của chồng và suy nghĩ mãi về câu chuyện anh đã kể cho chị.
Không phải vì trước kia chị không biết tất cả những điều đó, không, chị biết rất nhiều hay đã nghe qua những người không trực tiếp tham gia kể lại từng mẩu, nhưng chắc hẳn cần phải nghe tất cả câu chuyện đó ngay một lúc và đúng là từ miệng con người đang nằm cạnh chị kia thì mới cảm thấy hết tất cả cái sức nặng không những đã đổ xuống đầu vợ chồng chị mà còn đổ xuống đầu hết thảy mọi người, cố nhiên là hết thảy mọi người, - đó mới thật là điều kinh khủng nhất.
- Thật đau khổ! - chị thốt lên thành tiếng, không phải nói về mình và về Xintxốp mà nói chung về tất cả, về chiến tranh.
Rồi chị suy nghĩ về việc để mất Viadơma và về bản thông cáo chiến sự cuối cùng, tự rủa mình thậm tệ rằng hôm nay sau khi kiểm soát giấy tờ ở trạm cửa ô, sao lại có thể trùm vải bạt lên mà nằm trong xe lúc xe chạy giữa Maxcơva, thậm chí không nhòm xem quang cảnh xung quanh ra sao...
“Rõ là tiểu tư sản!”
Qua câu chuyện của chồng kể, chị hiểu rằng trong suốt bốn tháng đó đã có rất nhiều người chết trước mắt anh. Họ suy nghĩ không phải về mình mà về việc phải chặn đứng quân Đức lại. Rốt cuộc quân Đức vẫn chiếm được Viadơma và đang tiến đến gần Maxcơva, nghĩa là muốn chặn đứng chúng lại, bây giờ cần phải làm nhiều việc hơn những người chết đã làm, những người này tuy hy sinh nhưng chưa chặn được chúng! Cả chị nữa cũng phải làm việc đó trong công tác mà mình sẽ nhận! Chị lo lắng nghĩ rằng câu chuyện chồng kể đã làm mình xúc động mạnh đến như thế nào, thế mà chị lại sắp phải tận mắt trông thấy tất cả những cái đó, mà có lẽ phải trông thấy những cái còn tệ hại hơn, trông thấy và không được run bắn lên.
Chị sực nhớ ra rằng mình vẫn chưa sửa soạn đồ đạc và nên làm việc đó trong khi anh đang ngủ, để khỏi làm mất của anh một phút nào.
Chị nhắc đầu mình lên khỏi tay chồng, và anh co duỗi cánh tay đã tê dại mà không hề tính giấc.
Chị đứng dậy, đi đến bên cửa sổ, kéo rèm lại cho kín và hé mở cánh cửa đi ra phòng ngoài và vẫn chưa đủ sức để làm bất cứ một việc gì khác, nên lại đi đến bên giường rồi ghé ngồi lên tấm áo capốt đã tụt xuống nền nhà, bắt đầu nhìn bộ mặt của chồng đang ngủ.
Trán anh đẫm mồ hôi, hai tay thì đặt trên chăn một cách yếu ớt. Hai nếp răn sâu, mới xuất hiện, chạy từ mép tới cằm, ngay trong khi ngủ cũng không biến đi tựa hồ như nói lên một điều gì đã từng một lần và mãi mãi thâm nhập thô bạo vào cuộc sống của con người hiền lành đó, đã thâm nhập vào và không thể nào mất đi được.
Masa nhớ lại rằng trong khi kể chuyện về quân Đức, anh đã nói với một giọng căm thù tàn nhẫn khiến chị lạnh toát cả người, chị chợt nghĩ tới cái đêm hôm nay vẫn chưa chấm dứt và khẽ thở dài. Ngày mai hay ngày kia, chị sẽ phải đáp máy bay vào vùng sau lưng địch, thế mà vẫn chưa nói được với anh để anh đề phòng có thai. Chị suy nghĩ giây lát và sau đó đã quên mất vì sung sướng. Thế nếu trong lúc ở trong vùng sau lưng địch làm công tác điệp viên mà bỗng đâm ra có thai thì biết làm thế nào! Mặc dầu nói điều ấy ra thật là xấu hổ, nhưng ngay hôm nay chị đành phải hỏi ông chính ủy nhà trường rằng nếu xảy ra việc đó thì phải làm thế nào.
“Ừ, đã ngay hôm nay rồi, - chị liếc nhìn đồng hồ và nghĩ thầm, - đã ngay hôm nay rồi, sắp đến giờ rồi”.
Đồng hồ đã chỉ sáu giờ; đã đến lúc phải sửa soạn ra di.
Masa mở tủ đứng ra và thoạt tiên móc từ trong góc đằng xa ra một vật mà chị đã nghĩ tới từ trước và cho là một thứ thích hợp nhất: chiếc áo măng tô bằng len thô từ Viễn Đông mang về sực nức mùi băng phiến. Sau đó, chị lục lọi trong các ngăn khác và lấy tấm khăn trùm đầu đã bị nhậy cắn và một vài thứ đồ lót của mẹ mà chị sẽ phải khâu cho hẹp bớt và ngắn bớt lại.
Sau khi gói tất cả những thứ ấy vào tấm khăn giải bàn cũ và đặt lên bàn, chị thong thả rửa mặt ở chỗ vòi nước dưới bếp rồi dùng chiếc khăn mặt bông lau cho đến đỏ cả da và ấm hẳn người lên.
Sau đó, chị cũng cứ thong thả như vậy mà mặc quân phục, chải tóc mò không cần soi gương rồi nhìn đồng hồ và ngồi xuống giường.
- Anh Vania! - Chị rúc mũi vào gối bên cạnh đầu chồng và dùng má mình khẽ đẩy má anh. - Anh Xintxốp!
Chị tưởng rằng còn lâu anh mới tỉnh giấc, nhưng anh đã tỉnh ngay và ngồi dậy.
- A! Em đấy à! - Và anh hiền lành mỉm cười với chị.
Rồi trông thấy vợ đã mặc quần áo ngoài, anh lo lắng hỏi:
- Em đi à? Đi đâu thế?
Chị giải thích cho anh rằng nửa giờ nữa, vào lúc bảy giờ xe sẽ đến đỗ ở góc đường và chị không thể để nhỡ chuyến xe này được, vì chỉ được nghỉ phép đến chín giờ sáng thôi.
- Thôi được... có lẽ thế mà lại hay cơ đấy, - anh nói. - Em cứ đi đi, còn anh thì sẽ đợi cho trời sáng hẳn rồi sẽ ra đi như hôm qua đã nói với em. Anh mặc quần áo đây. Em hãy ra ngoài một phút, có em anh thấy ngường ngượng.
- Em sẽ quay mặt đi. - Chị đi đến bên cửa sổ hé mở tấm rèm, nhòm ra ngoài. Ngoài phố trời vẫn còn tối - Anh thật lẩn thẩn. Hôm qua không ngượng, hôm nay lại ngượng.
- Ừ, quả là thế đấy. - anh vừa mặc quần áo vừa nói.
Anh đi xuống bếp, đôi ủng kêu lộp cộp, còn chị thì vẫn đứng bên cửa sổ lắng nghe anh rửa ráy chỗ vòi nước.
- Thôi được, - anh quay lên vừa nói vừa vắt chiếc khăn mặt ướt lên lưng giường. - Đến đằng ấy, dù bây giờ người ta có đối xử với anh thế nào chăng nữa, tin hay không tin, cho ra mặt trận hay tệ nhất là, - anh cố nén nên giọng nói vẫn ôn tồn, - không cho ra thì em cùng cứ để địa chỉ lại. Anh sẽ viết cho em biết tình hình.
Masa bối rối. Biết trả lời với chồng ra sao? Trả lời là mai hay ngày kia chị sẽ đáp máy bay đi à? Chị không muốn thế. Không trả lời ư? Chị không thể làm như thế được.
- Em còn ở trường bao lâu nữa? - Anh liếc mắt nhìn những thứ gói trong khăn bàn. - Cái gì đây?
- Em đã nhặt nhạnh đồ đạc, họ cho về phép cốt để lấy đồ đạc. - Masa nói vì không kịp nghĩ cách nói dối.
- À-à... thế thì hiểu rồi. Nghĩa là nay mai?
Chị gật đầu.
- Nhưng dù sao em cũng cứ cho anh biết địa chỉ. Địa chỉ của em là hòm thư hay bưu điện dã chiến?
Anh xé một góc tờ báo đã vàng khè để trên bậu cửa sổ ghi sổ hòm thư của Masa bằng cái mẩu bút chì đang nằm lăn lóc trên tủ chè, rồi bỏ mẩu giấy vào túi áo quân phục mùa nóng và nhếch mép cười.
- Giấy tờ duy nhất của anh cho ngày hôm nay.
Sau đó, anh im lặng chốc lát, và để cho Masa yên tâm, anh nói thêm:
- Có lẽ ở quận ủy sẽ có cách nào đó tìm được ông Xerpilin, anh đã nói với em về ông ta.
Masa gật đầu.
- Hễ nếu ông ta còn sống và ở đây thì ông có thể phát biểu ý kiến về anh. Bây giờ tất cả mọi cái đối với anh đều quý.
- Em không thể tưởng tượng được rằng có người không tin anh.
- Nhưng anh lại có thể tưởng tượng được. - Anh nhìn chòng chọc vào mắt chị bằng cặp mắt đã già đi, có vẻ là lạ, vừa hiền lành lại vừa dữ tợn. Rồi không muốn nói mãi về anh, anh liền hỏi chuyện về ông anh vợ: - Anh Paven ở đâu nhỉ? Vẫn ở Trita à?
- Ừ, anh ấy vừa gửi thư cho em cách đây ít lâu.
- Đang phát điên lên vì không được đánh nhau à?
- Đang phát điên... Anh Vania này, - Masa nói và giờ đây lại cảm thấy chồng khôn lớn còn mình thì bé dại, - Rồi đây Maxcơva sẽ ra sao nhỉ?
- Anh không biết. Anh không định phán xét, không muốn nói dối, không tưởng tượng. Nhưng em dừng nghĩ rằng chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến tranh này! Mà nếu có nghĩ vậy thì hãy quẳng ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc đi! Tất cả những chuyện anh kể cho em nghe đều là sự thật. Thì chính anh cũng bảo em rằng chúng ta sẽ không thua trận đâu! Không đời nào!
Anh nói điều đó hết sức đanh thép và hình như lo ngại cho Masa rằng có phải vì mình mà vợ đâm ra dao dộng không.
- Không, thì chính em cũng nghĩ vậy. - Masa nhìn thẳng vào mắt chồng nói. - Em chỉ muốn thẩm tra lại cảm tưởng của mình đấy thôi.
Bỗng vẻ mặt chị trở nên xa lạ và anh đã nhận thấy ngay điều đó.
- Em làm sao thế?
- Xe đã đến rồi, em nghe tiếng.
Chị vội vàng mặc áo capốt, ngoái nhìn quanh, sờ soạng trên bàn, tìm thấy chiếc đèn pin, luống cuống nhét nó vào túi và mãi tới lúc đó, lúc đã đội mũ che tai và mặc capốt xong xuôi, chị mới chạy tới ngã vào ngực Xintxốp và lặng người đi có tới cả phút, không đủ sức nói lên một lời nào.
Còn anh thì trong suốt cả giây phút đó vừa ôm vợ vừa cảm thấy mình hoàn toàn xa lạ đối với tất cả những gì đã có liên quan tới mình, đối với hết thảy những tai họa trong quá khứ và trong tương lai. Lòng anh chỉ còn thấy vô cùng lo sợ cho Masa, lo sợ rằng chị sẽ đáp máy bay vào vùng địch chiếm nay mai và không có một sức mạnh nào khiến anh có thể dò biết được là đến đó chị sẽ gặp chuyện gì, cũng như có thể động đậy dù chỉ một ngón tay thôi để giúp đỡ chị...
- Hay là anh tiễn chân em đến tận xe nhé? - chị rời khỏi tay anh và hỏi. - Xe đỗ ngay ở góc phố.
- Không. Anh không muốn các đồng chí của em sẽ trông thấy anh. Và nói chung không nên thổ lộ ra với ai rằng em đã gặp anh. Sau này, khi nào, như người đời thường nói, anh lại ăn nên làm ra, khi ấy nếu muốn thì cứ nói, còn bây giờ thì không nên. Công việc của các cô hóc búa đấy. Người ta có thể để em lại, vì có ông chồng như vậy. - Anh nhếch mép cười chua chát và trong giây lát thoáng có ý nghĩ phản trắc: “Giá mà để lại cũng hay”.
- Anh đừng nói thế!
Anh ôm nhanh vợ lần nữa, hôn xong buông ra và thậm chí còn đẩy chị tới cửa ra vào. Chị không hề quay lại, cầm lấy cái bọc trên bàn, rồi đi ra phòng ngoài.
Nhưng lúc chị đã mở cửa thì anh đuổi kịp, lại xoay người vợ về phía mình và hỏi:
- Em đi máy bay đến nơi nào thế? Anh muốn ít ra cũng hình dung được là em sẽ ở đâu.
- Ở khu vực Xmôlenxk, - chị nói.
- Hãy cẩn thận đấy nhé, - anh nói nghẹn ngào và tha thiết. - Phải tinh khôn như cáo, như ma, như quỷ ấy, chỉ cần là đừng sa vào tay chúng, anh van xin em đấy! Em nghe thấy không? Anh van xin em. Anh không muốn gì hết, tất cả đều không quan trọng... Tất cả đều không quan trọng... Anh không muốn gì hết, chỉ mong em đừng chết. Em hiểu không, hả?!
Như một thằng điên, anh lắc lắc vai chị và nhắc lại lời nói đó, lời nói mà giá vào giây phút khác thì cả hai người đều thấy có vẻ lố bịch.
Sau đó, anh bỗng im bặt, mỉm cười, chìa tay ra cho vợ và khi chị đặt tay mình vào đó, anh liền âu yếm siết chặt lấy nhưng không làm cho chị đau.
- Tạm biệt, Masa nhé! Em Masenka của anh... Masa, Masa...
Rồi anh buông tay ra, quay lại và trở vào phòng.
Chị đi ra, vội vàng khép cửa lại và chạy xuống phía dưới.
Lúc xuống đến sân, chị vừa chạy vừa nhìn lên cửa sổ nhà mình: cửa sổ đang mở toang. Chị lờ mờ trông thấy khuôn mặt của chồng trong ánh sáng rạng đông màu xam xám. Anh không vẫy tay và không gọi chị mà chỉ đứng bên cửa sổ lặng lẽ trông theo...
Mười giờ sáng hôm ấy, Masa bước vào căn buồng nhỏ bé của sĩ quan bí thư ở trước phòng làm việc của ông hiệu trưởng. Người sĩ quan không có ở đấy: anh ta đi đâu ra ngoài. Masa chờ đợi mất mấy phút, thở dài, xốc lại áo quân phục mùa nóng và gõ cửa.
- Cứ vào! - nghe có tiếng nói từ trong phòng.
Masa bước vào, khép cửa lại và nói cái câu mà chị đã quen nói trong suốt ba tháng ở nhà trường:
- Báo cáo đại tá, đồng chí cho phép hỏi chứ ạ?
- Chào đồng chí Artêmieva. - người đang ngồi sau bàn liền rời mắt khỏi giấy tờ để trước mặt. - Đồng chí có việc gì hỏi tôi đấy?
- Báo cáo đại tá, một vấn đề riêng.
- Hãy tới gặp chính ủy.
- Báo cáo đại tá, chính ủy đi Maxcơva mà vấn đề của tôi lại khẩn cấp.
- Thế thì ngồi xuống đợi chút nhé. - Và đại tá Smelép lại chúi mũi vào giấy tờ.
- Báo cáo đại tá, có lẽ tôi quấy rầy đồng chí ạ? Tôi xin ra ngoài. - Masa nói.
- Nếu đồng chí quấy rầy thì tôi đã bảo rồi, - Smelép trả lời, đầu vẫn không ngửng lên và Masa bèn ngồi xuống chiếc ghế cạnh tường, bắt đầu đợi.
Đại tá Smelép mới về trường. Ông hiệu trưởng trước đã biến khỏi trường cách đây một tuần. Người ta kháo nhau rằng ông ta đã đáp máy bay đi làm một nhiệm vụ đặc biệt. Sang ngày hôm sau, cái ông Smelép này đến thế chân. Ông này mới ở bệnh viện ra sau khi điều trị vết thương và cứ chống đôi nạng một cách vừa nhanh nhẹn vừa thành thạo, lăng xăng đi lại trong hành lang của nhà trường để luyện tập bên chân bị thương
Mới sang ngày thứ hai, ông đã khiến học viên sửng sốt về cái tài nhớ họ tên và nét mặt đến lạ lùng của ông, tuy vậy nói chung Masa không ưa ông: theo ý chị thì ông có vẻ quá vui nhộn, quá lém lỉnh và nói chung là có vẻ không chín chắn so với cái công việc mà ở đây các chị đang học tập để làm. Trong khi nói, thỉnh thoảng ông ngọ nguậy cái đầu, nháy nháy mắt và nói cà lăm rất ngộ nghĩnh. Masa biết rằng tật nháy mắt đó tuyệt nhiên không phải là trò đùa, mà là hậu quả của một chấn thương cũ. Chị đã trông thấy hai huân chương Cờ đó gắn trên ngực áo quân phục mùa nóng của đại tá và biết rằng ông bị thương ngoài mặt trận ngay trong cuộc chiến tranh này. Dầu sao chị vẫn không thích đến gặp ông hiệu trưởng. Nếu có thể hoãn câu chuyện chị muốn nói lại đến mai thì nhất định chị sẽ đợi chính ủy về. Đó là một con người ít cười ít nói. Ông ta làm cho chị tin tưởng hơn.
Chị ngồi đợi và nhìn Smelép. Bây giờ ông ta không cà lăm không nháy mắt, không cười đùa: ông đang im lặng ngồi viết bên bàn, mang cặp kính mà Masa chưa hề thấy ở ông. Trong mái tóc quăn và rậm của ông đã lộ ra những đám tóc bạc dầy còn nét mặt tươi cười hay thay đổi, khó căn cứ vào đó mà đoán được ý của ông, thì bây giờ có vẻ mệt mỏi, bất động và già đi.
Chắc hẳn vì quên mất là có Masa ở đó, nên Smelép thở dài hai lần rõ to, cau mày, xoa trán rõ mạnh tựa hồ như để xua đuổi những ý nghĩ nặng nề và tiếp tục viết.
Masa chưa nói với ai rằng mình đã gặp chồng. Khi Nhiuxa đang đứng đợi chị bên xe ôtô lo lắng hỏi có việc gì xảy ra chị chỉ nói là mình nằm xuống và ngủ quên cho đến sáng.
Ngay tới lúc này, chị cũng chưa thật hoàn hồn và thậm chí lấy làm mừng, vì ông hiệu trưởng đã vô tình để cho chị nghỉ lấy hơi một lát.
Smelép viết xong tờ giấy liền bỏ vào phong bì, dán lại rồi bấm chuông gọi người sĩ quan bí thư vào, ra lệnh đưa công văn đến đằng đồng chí hiệu phó là thiếu tá Cácpốp và bảo đồng chí ấy lên đường theo đúng mệnh lệnh đã nhận được trước đây.
Do tình hình mặt trận ở gần Maxcơva đâm ra gay go, nên thiếu tá Cácpốp đã được lệnh tiếp nhận một cơ sở dự bị cho nhà trường tại một nhà ga trên đường sắt Gorkốpxkaia. Masa chưa biết gì về việc ấy, nhưng Smelép đã nghiên cứu cách di chuyển nhà trường từ tối qua và đang ở trong tâm trạng khó chịu.
- Chị Artêmieva, ngồi lại gần đây, - sau khi người bí thư đi ra, ông liền nói và chuyển đôi nạng dựng phía bên phải bàn sang bên trái. Masa đẩy chiếc ghế lại gần hơn và ngồi xuống. - Tôi xin nghe chị.
Smelép lắc lắc cái đầu và nháy nháy con mắt bên trái, nhưng cái nháy mắt đó không có vẻ vui nhộn như thường ngày mà có vẻ mệt nhọc và âu sầu.
- Hôm qua, tôi có đi phép về Maxcơva và gặp nhà tôi... - Masa mở đầu.
- Chồng chị là Xintxốp phải không? - Smclép hơi nhăn trán lại và nói: - Ivan, Ivan...
- Pêtơrôvíts, - Masa đỡ lời ông với cái giọng lo lắng. Chị có cảm tưởng là Smelép đã biết một chuyện gì đáng sợ về Xintxốp mà chị chưa biết.
- Anh ta là chính trị viên, đã đi ra mặt trận và từ trước đến nay chị chưa hề biết tin tức gì về chồng, thế mà bây giờ nghĩa là lại gặp nhau, anh ấy đã trở về... - Smelép nói tiếp.
- Vâng, nhà tôi đã về, - Masa nói mà lòng băn khoăn suy đoán: Smelép đã biết chuyện gì về Xintxốp mà mình lại không biết nhỉ.
Nhưng Smelép chỉ biết những điều về Xintxốp đã được ghi trong hồ sơ lý lịch của Masa và hiện nay tập hồ sơ đó cùng hai tập khác đang nằm trong ngăn kéo bàn giấy của ông. Đêm nay, phải tung ba học viên vào vùng sau lưng địch và ông đã xem lại lần nữa hồ sơ lý lịch của họ để sắp sửa trò chuyện với họ trước lúc lên đường.
- Nghĩa là chồng chị trở về. Thế thì sao?
Người thiếu phụ đang ngồi trước mặt Smelép với bộ mặt cương quyết, tái xanh và còn có vẻ như cô gái chưa chồng, không phải là hạng phụ nữ lấy cớ chồng về mà đề nghị đừng cử mình đi công tác nữa. Nhưng nếu thế thì chị ta đến gặp ông làm gì và tại sao chị lại xúc động như vậy mặc dầu cố nén lại.
- Thứ nhất là, - Masa cất giọng run run nói cái câu đã chuẩn bị sẵn ở dọc đường từ Maxcơva tới trường: - tôi biết làm thế nào, nếu sau khi nhảy dù xuống lòng địch lại hóa ra có thai? Tôi biết rằng không có quyền như thế, nhưng nếu cơ sự sẽ xảy ra như thế thì tôi nên làm thế nào?
“Ra thế đấy, - Smelép thoáng thầm nghĩ. - Rút cục nghĩa là chị chàng đâm hoảng, không muốn đi nữa!”
Ông vốn tự hào là mình am hiểu lòng người, nên thấy khó chịu vì mình đã nhầm.
- Nghĩa là chị đặt vấn đề rằng không thể đi làm nhiệm vụ được chứ gì? - ông hỏi.
Masa đỏ bừng mặt.
- Đồng chí đại tá, sao đồng chí lại có thể nghĩ thế được?
- Tôi có thể nghĩ tất cả mọi thứ mà tôi cần nghĩ. - Smelép hiểu rằng cảm tưởng đầu tiên của mình là đúng, còn cảm tưởng thứ hai là nhầm nên lấy làm mừng.
- Tôi tình nguyện xin vào trường không phải để như thế đâu. - Masa cảm thấy mặt mình bốc lửa.
- Tôi hiểu là chị không phải để như thế. - Smelép ngắt lời chị. Bây giờ ông ta muốn giúp đỡ chị. - Nhưng nếu đã vậy, nếu chị vẫn định làm cái việc mà mình được đào tạo thì chị hỏi tôi về việc gì? Tôi không phải là bác sĩ hay thầy tướng.
Masa trở lại bình tĩnh chính vì cái giọng có vẻ gay gắt của Smelép và nói:
- Tôi hỏi bởi vì có thể cái đó sẽ bỗng dưng làm trở ngại cho tôi khi ở trong lòng địch. Lúc ấy tôi biết làm thế nào? Tôi sẽ làm đúng điều phải làm.
- Tất cả mọi việc đều có thể làm trở ngại cho một tình báo viên nếu người ấy đâm ra chịu khuất phục hoàn cảnh và không cái gì có thể cản trở người ấy nếu bản thân người ấy bắt được hoàn cảnh phải khuất phục mình. Tình báo viên có thể là một phụ nữ có con mọn, một ông già, một người mù, một người điếc, một người tàn phế, và có thể làm cho tất cả những điều đó quay mũi chống quân thù cũng như quay chống lại chính mình. Tất cả đều phụ thuộc vào con người và vào chỗ là người ấy đã sẵn sàng gánh thêm những khó khăn phụ như thế nào vì lợi ích của công việc. Tôi đã biết một trường hợp. - Smelép im lặng chốc lát và nói thêm, - một người tình báo phải làm gãy chân mình, vì người ta nghi ngờ rằng từ trước đến lúc đó anh ta giả vờ thọt.
Masa bất giác liếc nhìn đôi nạng của Smelép dựng bên bàn.
- Chuyện này đã lâu rồi và không phải chuyện của tôi đâu. - bắt gặp cái nhìn của chị, ông ta liền nói. - Với tư cách là hiệu trưởng, tôi không coi câu hỏi của chị có ý nghĩa về mặt công tác, còn nếu chị muốn hỏi ý kiến về vấn đề này như một việc riêng thì cứ hỏi đồng chí bác sĩ nhà trường ấy. Vừa may đồng chí ấy là phụ nữ.
Ông liếc nhìn Masa, nghĩ thầm: “Thật thà đấy, có thể phái đi được. Không phản bội đâu”.
Ông coi câu chuyện thế là xong và bảo Masa rằng sẽ còn gọi chị tới đây lần nữa để bàn chuyện công tác, sắp sửa cho việc chị đi ra, nhưng đối với Masa câu chuyện chỉ mới bắt đầu thôi.
Đáng lẽ đứng dậy để đi ra thì chị lại trả lời rằng chưa nói được vấn đề chủ yếu nhất.
Smelép liếc nhìn đồng hồ - thời gian quý lắm, - nhưng có cái gì đó trong giọng nói của chị học viên khiến ông không nỡ ngắt lời chị. Masa nhích chiếc ghế ngồi lại gần hơn, chắp hai bàn tay lại và bắt đầu nói.
Smelép là người chịu nghe chuyện và ít khi ngạc nhiên. Ông giỏi nghe chuyện đến mức vận dụng được cả nghị lực để nén cơn bệnh viêm thần kinh của mình, khi cảm thấy là nó có thể làm trở ngại cho câu chuyện. Cố nhiên Masa không thể khiến ông ngạc nhiên vì câu chuyện kể về người chồng lúc đầu đi tìm đơn vị mình, sau đó chiến đấu ở đơn vị khác, rồi vượt vòng vây, sau đó lại sa vào vòng vây lần nữa, bị bắt làm tù binh rồi chạy trốn được và cuối cùng quay về nhà gặp chị.
Chủ đề của câu chuyện ấy đã quá quen thuộc đòi với Smelép qua nhiều câu chuyện tương tự và qua kinh nghiệm bản thân của một con người vì nhiệm vụ mà đã hai lần vượt hỏa tuyến vào vùng địch rồi quay ra.
Nhưng ý nghĩ bi đát của câu chuyện mà người thiếu phụ ngồi trước mặt Smelép đang kể cho ông nghe gợi lên trong lòng ông một tiếng vang, bởi vì ông cùng đã từng được trông thấy trong vùng sau lưng địch những sự việc còn tệ hại hơn những điều mà người đàn bà này đã nghe chồng thuật lại và ông nhớ tới những phút giây chỉ nhờ vào sự tự chủ và kinh nghiệm, cho nên ông đã tránh được nhửng hành động sai lầm.
Theo ý của Smelép thì hoàn cảnh của chồng chị học viên này quả thật là khó khăn và mặc dầu về cuối anh ta đã xử sự không hoàn toàn đúng, nhưng vẫn không thể đổ tội cho riêng mình anh.
Tuy nhiên, khi Masa kể xong chuyện Xintxốp lọt về Maxcơva bằng cách nào và liếc nhìn Smelép với đôi mắt chờ đợi mong ông xác nhận rằng rút cục mọi việc đều sẽ tốt đẹp, thì ông lại không thể cam đoan như vậy. Phải, nếu chồng chị không sa vào tay những kẻ mặt sắt đen sì mà gặp được những con người thì tất nhiên họ sẽ cho anh ấy ra mặt trận và anh sẽ còn chiến đấu nữa. Nhưng nếu anh sa vào tay một kẻ cửa quyền nào đó thì thật là bắt chạch đằng đuôi. Gặp những kẻ như vậy thì đừng hòng biết được sự thể sẽ kết thúc ra sao!
Còn Masa vẫn vừa nói vừa nhìn Smelép và cảm thấy sự trải ngược kỳ lạ giữa những tiếng “phải-phải”, “thế đấy-thế đấy” mà thỉnh thoảng ông thốt lên tỏ ý tán thành lời chị nói, nhưng nét mặt trong lúc đó lại có vẻ không bằng lòng.
Khi chị nói hết tất cả câu chuyện, ông ta hỏi hết chưa, chị trả lời là hết, và ông nói gọn lỏn: “Thôi được, chị có thể về, tốt lắm”, thì chị cảm thấy: không, không tốt, ông cũng như chị đều muốn cho mọi việc đều tốt đẹp, nhưng chả biết rằng liệu có được như thế không, mặc dầu ông luôn miệng: “Phải-phải”, “thế đấy-thế đấy”.
Masa đã đi về phía cửa thì Smelép ngăn lại:
- Thế này nhé, - bỗng ông quyết định nói với chị cái điều mà ông suy nghĩ suốt trong thời gian ngồi nghe chị kể, - Chị đừng kể thêm cho ai nghe câu chuyện về anh ấy mà chị đã kể cho tôi. Tôi chính thức báo chị như vậy đấy. Tôi đã biết và chú ý đến chuyện này, còn ngoài tôi ra thì không ai cần biết nữa. Chị rõ không?
Masa chưa hiểu hoàn toàn tại sao ông ta lại nói thế, nhưng chị cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải nhắc lại những lời thú nhận của mình với ai nữa.
- Rõ!
- Mười bảy giờ cùng với đồng chí hướng dẫn viên của tổ đến gặp tôi nhé. Đi đi!
Masa đi ra. Người sĩ quan bí thư nhòm vào cửa.
- Đợi tí nhé! - Smelép nói.
Ông ta đang bị xúc động, cho nên muốn ngồi một mình trong mấy phút.
Smelép hầu như không khiếp sợ, khi chỉ phải tự chịu trách nhiệm về mình, nhưng ông lại không thích lắm mỗi khi phải chịu trách nhiệm về những người khác.
Suốt mấy giây đó, cả một chuỗi những sự đắn đo nhanh chóng nối đuôi nhau lướt qua đầu óc ông. Vì câu chuyện ấy, có nên cử chị học viên này vào vùng sau lưng địch nữa hay không? Bản thân ông tin tưởng vào chị và không thấy có lý do gì để đừng cử chị đi, nhưng cũng có thể không cử chị đi, bởi vì những người khác trong trường có thể có ý kiến khác về vấn đề này.
“Còn bản thân chị ta thì thế nào nhỉ? - ông nghĩ. - Người ta đã định cử chị đi rồi lại thôi và đối với chị thì việc này là cả một tấn bi kịch. Thậm chí nếu chị không biết mình sẽ được cử đi hôm nay thì chị sẽ đợi ngày một ngày hai rồi sẽ được cử di, nhưng người ta vẫn sẽ không cử chị đi và chị sẽ cả quyết rằng người ta không tin chị. Mà đó là điều tệ hại nhất đối với tình báo viên, nó có thể ngay lập tức biến người tình báo ấy trở thành vĩnh viễn không thích hợp đối với nghề nghiệp của mình”.
Nếu Smelép trao đổi về câu chuyện mà hôm nay ông đã nghe được ở nữ học viên Masa với chính ủy nhà trường (chính cái người mà Masa thích đến gặp hơn là gặp Smelép) thì ông kia, tuy có lẽ là một người không xấu, nhưng trong các vấn đề này thường tỏ ra hình thức đơn thuần và nhất định sẽ đề nghị đừng cử Masa đi. Vả lại, ông kia sẽ đề nghị một cách khiến cho Smelép không tiện khăng khăng giữ ý kiến mình. Nhưng nếu bản thân ông không nói cho chính ủy biết tí gì về việc này còn Masa lại để lộ ra thì ông sẽ lâm vào tình thế hoàn toàn khó xử, vì chẳng những đã không coi câu chuyện của chị học viên Masa là quan trọng mà còn không trao đổi với ai về chuyện đó.
Dù sao chăng nữa vẫn phải cử chị đi, phải cử đi vì công việc, vì bản thân chị, vì không có lý do gì để không cử đi được!
“Tôi sẽ cử đi! - Smelép nổi giận. - Tôi sẽ tự mình gánh lấy trách nhiệm và cứ cử đi mà không cần bàn ra tán vào ra, trước khi họ lên đường nữa!”
Việc ông gọi giật giọng để ngăn Masa lại, khi chị đã đi ra đến cửa, chính là kết quả của tất cả những suy nghĩ này. Bây giờ, lúc ông đã làm theo quyết định của mình và chị đã đi ra, ông lại bực bội tự cười mỉa mình. Hừ, can đảm thay ông hiệu trưởng, ông đã quyết định làm một sự nghiệp vĩ đại; cử một điệp viên mình tin cậy đi đến nơi mà mình cho là cần đến. Ông nhớ lại lời trách mắng của thủ trưởng trực tiếp hồi ở Khankhingôn, lời trách mắng đã làm chạm nọc ông:
“Ái chà, Smelép, Smelép, ngực thì đeo huân chương, ngực thì bị bắn thủng, lại còn con nhà lính, thế mà không có một chút gì là lòng dũng cảm của người công dân”.
Cứ giả dụ rằng “không có một chút gì” là sai sự thật ngay cả hồi ấy nữa, nhưng bây giờ, khi ta đã đeo hai huân chương Cờ đỏ trên ngực, đã trải qua muôn vàn nguy hiểm mới, còn quân Đức thì đang ở trước cửa ngõ Maxcơva, đại tá Smelép ạ, đã đến lúc ngài tỏ rõ tất cả lòng dũng cảm của một người công dân mà ngài có trong tâm hồn. Nếu không phải là bây giờ thì bao giờ nhỉ?
Khankhingôn! Số phận mới thật hẩm hiu sau khi đã tận mắt trông thấy quân Nhật ở đó bị nghiền thành cám, thì hai năm sau lại phải chịu đựng tất cả mọi điều mà ông đã chịu đựng trong cuộc chiến tranh này. Đáp máy bay vượt qua mặt trận vào chỗ các tập đoàn quân bị bao vây, bố trí mạng lưới điệp viên tại các thành phố mà ngay trong cơn ác mộng ghê gớm nhất cũng không thể nằm mơ thấy là chúng ta quẳng họ vào tay quân Đức! Rồi những đoàn tù binh Liên xô đông hàng ngàn người đi trên các nẻo đường và những chuỗi dài xe tăng bị bốc cháy, chính những chiếc xe tăng hồi trước đã quyết định thắng lợi ở gần Bain Xagan! - cảnh tượng đó làm cho lòng dạ rối bời.
Phải, bây giờ ông đã trông thấy nhiều điều trong số những sự việc xảy ra ở Khankhingôn dưới một thứ ánh sáng khác trước kia. Ngay cả bây giờ ông cũng không cho rằng lính Nhật kém lính Đức, nhưng dù thế nào dạo đó chúng ta cũng chiếm ưu thế nếu không gấp ba thì cũng gấp hai lần về trang bị kỹ thuật, và cái đó nghĩa là gì thì bây giờ bản thân chúng ta đã được nếm mùi kinh nghiệm xương máu.
Smelép nghĩ thầm: “Nói chung đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đã đến lúc từ lâu rồi. Nếu ngay sau cuộc chiến tranh Phần Lan, ta đã nhìn thẳng vào sự thật cho đến cùng mà chủ yếu là nếu rút ra được tất cả những kết luận thỏa đáng thì có lẽ bây giờ tình hình đã xoay chuyển theo cách khác. Nhưng ngay cả bây giờ cũng chưa muộn và không những là chưa muộn mà còn cần thiết phải tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật trong tất cả mọi trường hợp!”.
Ông lấy làm bực với bản thân mình, khi nghĩ rằng ở trong trường này, người ta vẫn chưa nói hết sự thật cần thiết về tình hình hiện nay. Chưa nói với ai? Với những người mà ngay ngày mai sẽ được tung vào vùng sau lưng địch, và ở đó, không những họ sẽ vấp phải tình hình thực tế mà còn vấp phải những tin đồn phóng đại về tình hình, kèm theo luận điệu tuyên truyền huênh hoang và đơm đặt. Trước tình hình đó, họ là những người được chuẩn bị tư tưởng kém cả người đàn bà vừa mới đi ra khỏi phòng làm việc của ông. Phải thay đổi tình trạng ấy, phải cho tình báo viên biết tin tức một cách khác - đúng sự thật hơn và mạnh đạn hơn.
Smelép cau mặt, nghĩ thầm rằng nếu làm như vậy, ông sẽ phải vượt qua bao nhiêu trở ngại đủ loại. Giá như chữa lành cái chân, bần cùng ông lại đích thân đáp máy bay vượt tuyến và hoàn thành thêm một nhiệm vụ mạo hiểm mà ông đã quen và nói chung không hề sợ, có phải đơn giản hơn biết bao!
Chiếc máy bay đã vượt qua hỏa tuyến từ lâu và đang tiến gần đến Xmôlenxk theo thời gian tính toán. Đêm nay gió lộng, máy bay bị gió đưa, khi luồn vào mây, khi lại ló ra.
Một màu đen kịt trải rộng ra ở phía dưới; tất cả đều tối om, và chỉ có mấy lần qua cửa kính bên thành máy bay, Masa trông thấy những chấm sáng lấp lánh phía dưới xa thẳm. Một lần chị thấy rất nhiều chấm sáng, cả chuỗi dài. Thoạt tiên, Masa nghĩ rằng đó là một làng quê, nhưng về sau chị đã hiểu ra đó là xe quân Đức đang chạy trên đường cái: đối với quân Đức vùng Xmôlenxk đã trở thành hậu phương xa, nên chúng không ngụy trang đèn ôtô.
Giờ đầu tiên khi bay về phía mặt trận và vượt qua mặt trận, Masa và hai người bạn đồng hành, một trai một gái, còn trò chuyện với nhau, nhưng sau đó đã lặng thinh. Hai người kia sẽ được tung xuống xa hơn. Không ai muốn tỏ ra mình hồi hộp, và rút cục họ ngồi riêng ra từng chỗ, giữa những chiếc hòm đựng thuốc nổ và những bao đựng dược phẩm chất đầy trong máy bay. Cô gái và chàng trai, bạn đồng hành của Masa cùng đáp máy bay và cùng nhảy dù cả đôi xuống một lúc. Masa nằm trên một bao thuốc và ghen tị ngầm: dù sao có đôi vẫn hơn là có mỗi một mình.
Đã mười hai giờ đêm. Từ cái phút mà chị bước vào nhà và trông thấy Xintxốp đến bây giờ mới vẻn vẹn có một ngày đêm!
Chị lim dim mắt thử thu lượm lại thành một mối trong trí tưởng tượng tất cả những việc đã xảy ra, những điều chị đã nói và những điều người khác đã nói với chị trong suốt hai mươi bốn giờ dài vô tận đó. Chị thử làm, nhưng không thể làm nổi: tất cả đều bị lẫn lộn và tan rã ra từng mảnh. Khi thì chị nhớ lại bộ mặt tàn nhẫn của Xintxốp mỗi lần anh nói tới quân Đức, khi thì chị nhớ lại cảnh hướng dẫn viên đang đọc cho mình học thuộc lòng những cứ liệu cuối cùng: đường phố, số nhà, mật khẩu; khi thì trước mắt chị hiện ra bộ mặt đăm chiêu của ông đại tá đang nói với chị: “Phải - phải”, “thế đấy, thế đấy”, khi thì nhớ lại những chướng ngại vật trên đường cái mà buổi sáng chưa có, nhưng buổi chiều đã được dựng lên, lúc họ từ trường đi xe ra sân bay và ánh sáng của chiếc đèn pin chiếu thẳng vào mặt chị.
Sau đó, chị lại nhớ ra là lúc trời đã tối và sắp lên đường, ông đại tá bỗng hỏi chị rằng người anh của chị trước kia công tác tại đơn vị của ông ở Khankhingôn bây giờ ở đâu. Chị nói là ông anh hiện ở Trita và ông đại tá chuyển cả hai chiếc nạng vào một bên tay, còn tay kia thì đặt lên vai chị, rồi nói rất khẽ cốt chỉ để một mình chị nghe thấy: “Còn về chồng chị thì đừng lo nhé. Đâu sẽ vào đấy cả thôi!”. Ông ta bắt tay chị khá lâu và chị thấy hình như có vẻ đầy ý nghĩa. Ông ta có ý gì mà lại bảo “đâu sẽ vào đấy cả thôi”? Chỉ cốt an ủi chị hay đã thăm dò và biết được điều gì chăng?
Còn chính ủy nhà trường, khi từ biệt, cũng lắc mạnh tay chị và nói bằng cái giọng nam trầm âm vang: “Artêmieva, cô nên nhớ rằng tất cả mọi người ở lại đây đều ghen với cô đấy. Thanh niên của chúng ta đều thế cả! Không tiếc mình, xông ngay vào khói lửa, không sốt ruột vì mọi người”. Mặc dầu thường chị vẫn thích cả ông chính ủy lẫn những lời ông ta nói, nhưng trong giờ phút này chị không thích cả ông ta lẫn lời nói của ông. Những lời đó hoàn toàn không đúng với tâm tư của chị tuy chị không hề muốn ở lại và sẵn sàng lên đường và không có ý tiếc tính mạng của mình. Nhưng tất cả những cái đó đều có nội dung khác hẳn với ý ông nói.
Lúc này là lúc chị cảm thấy đây là những phút cuối cùng mình ngồi trong máy bay, chị chỉ thấy sợ. Sợ kinh khủng! Từ trước đến nay, chị vẫn tự cho mình vốn có lòng can đảm và chưa bao giờ hình dung ra rằng khi nghĩ tới khoảng không đen kịt, xa lạ đang lướt qua dưới chân, khoảng không gian mà sau mấy phút nữa chị sẽ từ trên máy bay nhảy vào đó, sao chị lại có thể sợ đến thế.
Sau khi trao tay lái cho người phi công thứ hai, đồng chí chỉ huy máy bay đi ra khỏi buồng lái và bảo Masa rằng ba phút nữa, họ sẽ bay đến địa điểm.
Masa đang ngồi trên sàn liền đứng dậy.
Người phi công kiểm tra lại chiếc dù cho ngay ngắn và nói rõ to vào tận tai Masa: “Tên cô là gì?”, làm như đó là điều quan trọng nhất trong giây phút cuối cùng này.
“Vêrônika”, - Masa nhớ tới cái tên mới của mình, nhưng tựa hồ như để từ biệt quá khứ, chị nói: Masa.
Người phi công đi lại gần cửa, kéo cái chốt, cánh cửa mở toang ra và một luồng không khí lạnh ào ào tràn vào máy bay.
Masa tiến một bước về phía cửa, nhưng người phi công giơ tay ngăn chị lại và cứ đứng đặt tay trên vai chị trong mấy giây. Có tiếng chuông vang lên ròn rã trong máy bay: người cầm lái từ trong buồng lái phát tín hiệu ra, nhưng người phi công vẫn cứ để tay trên vai Masa.
Chuông reo lên lần thứ hai. Người phi công buông tay xuống và nói:
- Nhảy đi!
Masa đi lại gần cửa, suýt nữa ngã ngửa ra vì sức gió mạnh quá. Chị cúi gập người xuống và bước vào khoảng trống. Âm thanh cuối cùng mà chị nghe thấy trên máy bay là tiếng chuông thứ ba yếu ớt vừa khẽ vang lên trong tai và lập tức im bặt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét