Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 13

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Ba

Khi Xintxốp đi tới gần quận ủy thì trên đường phố vắng tanh và lạnh lẽo; ở phía tu viện Nôvô-Đêvitri có một luồng khói mỏng đang bốc lên trời: có cái gì đó đang cháy dở sau trận ném bom đêm qua.
Đến góc phố Xadôvaia, Xintxốp dẫm lên một cuốn danh bạ điện thoại. Nó nằm lăn lóc ngay giữa lòng đường, đã cháy mất một nửa và mở tung ra chỗ chữ cái “TX”.
“Txilôvít A.V, Txitôvít E.F, Txitôvít I.A...” - anh cúi xuống đọc trang sách đã mở rồi đá cuốn sách đi, ngước mắt nhìn lên. Trong cái chòi điện thoại cạnh đó, cửa kính đã vỡ và ống nghe đã bị đốt, chỉ còn một mẩu dây điện thoại thòi ra.
Làn gió lạnh cuốn những mảnh giấy cháy thành than bay qua phố. Một anh công an cùng hai người thường dân thắt dây lưng to và cầm súng trường đứng thường trực trước cửa hàng thực phẩm có một tủ kính bị nứt đôi và một tủ kính khác đã vỡ tan. Xintxốp toan đi đến chỗ họ, nhưng anh nhớ ra là mình không có giấy tờ và có thể bị giữ lại, nên vội vàng đi thẳng.
Năm phút sau, anh dừng lại trước một ngôi biệt thự hai tầng cổ kính xưa kia đã có thời quét vôi vàng với những cây cột màu trắng, còn bây giờ đã được phủ kín dưới màu ngụy trang xám lục, loang lổ.
Xintxốp kéo quả nắm cửa lạnh ngắt bằng đồng về phía mình và bước vào. Trước đó, anh đã kịp nhận thấy có một chiếc xe đỗ cạnh trụ sở quận ủy và hai người đang xếp những chiếc bao gắn xi lên xe.
Một đồng chí công an vác súng trường đứng trong gian phòng ngoài, cạnh cây xà chắn nhỏ bằng gỗ.
- Anh cần gì? - anh ta hỏi.
- Tôi cần vào quận ủy.
- Gặp ai chứ?
- Gặp đồng chí Gôlubép, - Xintxốp xướng tên họ ông bí thư quận ủy, người mà trước kia đã cấp thẻ đảng viên cho anh ở nơi này và lo lắng nghĩ rằng có thể ông bí thư đã thuyên chuyển đi rồi.
- Đồng chí Gôlubép không có đây. - anh công an nói. - đồng chí ấy đang xuống các đảng bộ.
- Thế thì cho tôi gặp một đồng chí nào đó vậy. Đồng chí nào cũng được. Tôi cần nói...
- Thế anh có giấy tờ sinh hoạt đảng không?
- Không... - Xintxốp nói sau giây lát im lặng nặng nề. - Nhưng tôi cần phải nói, đồng chí cứ gọi bất cứ ai ra đây hộ.
- Tôi không thể làm thế được, anh ạ! Tôi đang đứng gác. Anh cho biết là có việc gì, tôi sẽ gọi điện thoại theo đường dây nội bộ.
Ngay lúc đó, cánh cửa ra vào đóng ập lại sau lưng Xintxốp và một người có vẻ còn trẻ, nhỏ bé, tóc vàng hoe, mặc quần bó ống và chiếc áo quân phục mùa nóng vừa vặn, thắt chiếc dây lưng to bản của sĩ quan, chạy lên bậc thang. Áo quân phục của anh ta phồng lên và mũi bao súng thò ra ngoài.
- Éptignheép, xếp hồ sơ lưu trữ lên xe xong rồi đây. Thế mà cậu bảo là đến mai cũng chưa xong! - người ấy vui vẻ kêu lên khi chạy qua anh công an và không để ý đến Xintxốp.
- Đây là đồng chí Enkin, - anh công an chậm rãi nói với Xintxốp khi anh chàng tóc vàng hoe chắc nịch kia chạy qua họ, - trưởng phòng nhân sự của quận ủy đấy. Cứ nói với đồng chí ấy.
Nghe nhắc tới tên họ mình, người tóc vàng hoe dừng lại, quay sang và nhanh nhảu reo lên:
- Tôi là Enkin, có việc gì thế?
- Đồng chí Enkin, - Xintxốp tiến một bước về phía anh chàng tóc vàng hoe và nói giọng khàn khàn vất vả. Tôi không có một giấy tờ nào cả, nhưng tôi đã lĩnh cả giấy chứng nhận đảng viên dự bị lẫn thẻ đảng viên tại quận ủy này. Tôi cần nói chuyện với đồng chí, rất cần. - Anh vội vàng nói thêm, tựa hồ như sợ rằng cái anh chàng tóc vàng hoe nhanh thoăn thoắt như con quay này sắp sửa nhảy bật lên trên cặp giò có lò xo và lăn đi dọc hành lang.
Nhưng Enkin không lăn đi đâu cả mà tiến lên một bước về phía Xintxốp. Trong giây phút đầu tiên, anh ta có cảm tưởng là mình đã trông thấy con người phờ phạc này ở đâu đấy, sau đó lại nghĩ rằng mình chưa trông thấy, nhưng nói chung điều đó chả có ý nghĩa gì. Trong những ngày ấy, ít có ai đến quận ủy mà không có việc quan trọng.
- Thôi được, đồng chí đi theo tôi. - Enkin nói. - Cho đồng chí ấy vào, Éptignheép ạ!
Người công an lặng lẽ đứng tránh ra và Xintxốp đi theo sau Enkin.
Căn phòng mà họ bước vào là một căn phòng nhỏ có cửa sổ ngăn chấn song và chiếc tủ đựng phiếu treo trên tường mà hầu hết các ngăn kéo lúc này đều bị kéo ra và rỗng không.
Trong phòng kê hai chiếc bàn giấy, một chiếc giường đơn xếp và một cái phản gỗ lót đệm có. Một người đang nằm ngủ trên giường, đắp tấm áo bành tô thường phục màu đen kín cả đầu, và một khẩu súng trường dựa vào tường ở phía đầu giường.
Enkin ngồi xuống phản và chỉ cho Xintxốp chiếc ghế:
- Đồng chí ngồi xuống đây!
Khi nhìn gần hóa ra người tóc vàng hoe không có vẻ trẻ như ban nãy và nét mặt của ông tuy hoạt bát nhưng mệt mỏi. Vừa ngồi xuống là ông đã nhanh nhẹn rút phắt điếu thuốc lá, vê vê, đút vào mồm, sau đó sực nhớ ra, liền chìa bao thuốc cho Xintxốp, nhưng Xintxốp lắc đầu từ chối. Từ sáng, anh đã lại thấy đói vô cùng, cho nên sợ là nếu hút lúc chưa ăn uống gì thì sẽ buồn nôn.
- Tôi nghe đồng chí đây!
Enkin khẽ động đậy hai vai và nhắm mắt rồi lại mở ra mấy lần rất nhanh như một người đã từ lâu phải đấu tranh chống cơn buồn ngủ thường xuyên.
- Tên tôi là Xintxốp, - Xintxốp nói. - Tôi đã học ở trường báo chí cộng sản và đã được kết nạp vào đảng cũng như được công nhận là đảng viên chính thức tại quận ủy này...
- Điều đó thì tôi đã hiểu rồi, - Enkin sốt ruột ngắt lời. - Thế bây giờ anh đến đây có việc gì?
Nhưng muốn trình bày rằng tại sao mình đến đây lúc này thì nhất định Xintxốp phải trình bày tất cả câu chuyên đã xảy ra với anh trước đó.
- Tôi biết rằng đồng chí không có thời giờ, - anh nhìn vào mắt Enkin nói. - Nhưng đồng chí hãy nghe tôi kể trong mười phút. Cố nhiên là nếu có thể.
- Sao lại không có thể? Cứ nói đi. Đồng chí đến quận ủy chứ có phải đến nơi chữa cháy đâu...
Xintxốp cứ tưởng là mình có thể kể tất cả những sự việc chủ yếu trong vòng mười phút, nhưng lại nói mất gấp đôi. Nếu anh đến quận ủy tối qua hay đêm qua mà không phải sáng sớm như thế này thì mặc dầu có muốn nghe mấy đi nữa, Enkin cùng không đủ sức để nghe anh kể đến hết.
Xintxốp kể xong, lặng thinh và rút cục vẫn nhoài người tới bao thuốc để trên phản, châm hút một cách thèm thuồng.
Enkin lặng lẽ nhìn anh, trong lòng xen lẫn những cảm tưởng trái ngược. Con người này, nếu tin vào lời nói anh ta thì anh ta tuy vừa không có vũ khí vừa bị thương, nhưng dù sao cũng đã chịu cho quân Đức bắt làm tù binh, còn về sau tuy đã bỏ trốn, nhưng khi vượt qua được hỏa tuyến, đã không ở lại ngoài mặt trận, mà đi về nhà ở Maxcơva, nghĩa là nói chung đã có hành động đào ngũ. Đồng thời, Enkin lại muốn giúp đỡ con người đang ngồi trước mặt anh.
Vì sao? Chắc hẳn, trước hết là vì câu chuyện kể có vẻ thành thật mà trong đó không những có điều có lợi mà còn có điều bất lợi cho người này.
- Còn giấy tờ thì tôi chả có gì cả và cũng không có ai để chứng thực những điều tôi nói, - Xintxốp nhắc lại lời mớ đầu câu chuyện. - Lữ đoàn trưởng Xerpilin có thể chứng thực những việc xảy ra trước ngày mồng một tháng mười: dạo ấy ông ta được đưa về bệnh viện Maxcơva. Nhưng bây giờ ông ta có ở đấy không thì tôi không biết. Còn sau ngày mồng một tháng mười thì chả có ai để chứng thực cả.
Khi kể đến đoạn anh đã lọt về Maxcơva bằng cách nào, Xintxốp có nhắc qua tới Liuxin, nhưng anh không đủ sức để lần thứ hai gọi tên và bám lấy cái thằng hèn mạt ấy mong làm chứng cho lòng ngay thật của mình như người chết đuối vớ phải bọt.
- Chả có ai cả, - anh dứt khoát nhắc lại, đứng dậy dí đầu mẩu thuốc lá vào chiếc vỏ đồ hộp đặt trên bàn.
- Thế cái đầu anh bây giờ ra sao rồi? - Enkin nhớ đến bệnh viện, nên sực nghĩ ra, nhìn lên cái đầu quấn băng của Xintxốp và bỗng nhiên hỏi.
- Không sao, hơi ngứa một chút. Có lẽ đang lên da non.
Enkin nhảy phắt dậy và lon ton nhảy lui nhảy tới trong phòng trên cặp giò lắp lò xo của mình.
- Cố nhiên. - ông cất tiếng nói, - anh đến quận ủy là tốt rồi, nhưng làm sao mà để mất thẻ đảng viên được? - Enkin bực tức và ngạc nhiên nhún vai, chạy thêm một lần nữa trong phòng. - Người ta không phục hồi đảng tịch cho đâu, - ông dừng lại trước mặt Xintxốp và kiên quyết nói.
- Đồng chí Enkin, hiện giờ tôi chưa nghĩ đến điều đó đâu, - Xintxốp nói. - Tôi cũng hiểu rằng mất thẻ đảng viên là việc như thế nào. Đồng chí hãy nói cho tôi việc khác: bây giờ tôi còn nên đi đến đâu nữa để trình bày tất cả câu chuyện đã xảy ra với tôi và để xin chỉ có một điều là: thu nhận tôi và cho tôi làm chiến sĩ đi ra mặt trận? Tôi đã kể cho đồng chí nghe hết cả rồi, còn bây giờ đồng chí hãy bảo tôi là nên đi đâu và nên làm việc đó như thế nào? Quận ủy ở đây có thể giúp đỡ tôi việc này hay không?
Enkin nhún vai. Bản thân ông cũng chưa biết rằng nên giúp đỡ người này thế nào. Dù thế này hay thế khác, nhưng anh ta đã đánh mất thẻ đảng viên, và sau đó lại bị quân Đức bắt làm tù binh. Tuy vậy người ấy không đi đến nơi nào khác mà lại đến quận ủy và đang đứng không phải trước mặt ai khác mà lại là trước mặt ông Enkin.
- Có lẽ đồng chí Gôlubép có thể giúp đỡ tôi khi đồng chí ấy trở về đây? - sốt ruột vì sự im lặng của Enkin, Xintxốp bèn hỏi.
Enkin chỉ xua tay:
- Gôlubép... Chính tôi cũng đã một ngày đêm nay không trông thấy ông ấy. Bây giờ Gôlubép đang rối bời như thế nào anh biết không? Ngay tôi đây cũng năm đêm chưa ngủ... - Enkin xua tay lần nữa và cau mặt lại nói rằng có lê đúng hơn cả là nên đi đến gặp ủy viên quân vụ quận: - Còn ai có thể cử người ra mặt trận nữa? Ủy viên quân vụ chứ ai! - khi đã cầm lấy ồng nghe, ông vẫn tiếp tục nói, - Tôi cần nói chuyện với đồng chí Upherép. Enkin ở quận ủy đây. Thế ông ấy ở đâu bây giờ? Nói rõ hơn là ở đâu? Thôi được, tôi sẽ gọi điện nữa. Không có ủy viên quân vụ quận. - Ông bỏ ống nghe xuống. - Người ta bảo rằng bây giờ ông ấy đang ở chỗ đắp chướng ngại vật, ở đấy thôi, gần cầu Krưm. Quân hàm của ông ta là thiếu tá, họ là Upherép. Anh cứ đi đến đó tìm ông ta và kể cho ông ta nghe, có thể lý do là anh đã gặp Enkin ở quận ủy, Enkin bảo anh đến. Ông ấy biết tôi đấy.
Enkin bốc lên trước cái ý nghĩ này, cái ý nghĩ đã giải quyết được tất cả mọi vấn đề phức tạp ngay tức khắc.
- Còn nếu không tìm ra ông ấy hoặc có chuyện gì thì cứ đến đây lần nữa nhờ anh công an gọi tôi. Rồi tôi sẽ gọi dây nói cho Upherép lần nữa cho ăn chắc. Cứ thế cậu nhé! - Lần đầu tiên từ nãy đến giờ Enkin kết luận bằng cách xưng hô “cậu tớ”.
Xintxốp thở dài và đội mũ che tai vào. Chẳng hiểu tại sao anh không chờ đợi một điều gì tốt đẹp cho mình ở cái ông Upherép không quen biết kia và anh không muốn rời khỏi quận ủy.
- Cậu cứ tìm ông ta ở đằng ấy, ở cạnh cầu Krưm, - trong lúc đó Enkin nói. - Tìm ông ở bên trái và bên phải, xung quanh đều đang xây dựng chướng ngại vật, cả trên các phố Mêtrôxtrôépxkaia và Xađôvaia...
Rổi giữa lúc đang giải thích như vậy, trong óc ông ta bỗng nảy ra một ý nghĩ mà ban nãy chưa xuất hiện: “Ngộ nhỡ ra người này bây giờ sẽ rời khỏi quận ủy và không đi đến gặp ông Upherép mà biến mất thì sao? Anh ta đã bị quân Đức bắt làm tù binh kia mà, và nói chung hắn có thể làm được khối việc trong tình hình như thế này ở Maxcơva hiện nay!”. Tuy ý nghĩ ấy mâu thuẫn với tất cả những điều mà ông đã nghĩ trước đây, Enkin đâm ra do dự. Bây giờ ông muốn là có ai chứng thực rằng ông tin người này là đúng.
- Hay là thế này nhé, anh hẵng đợi tí đã, - bỗng ông lại xưng hô bằng “anh tôi” và bảo Xintxốp. - Đợi tí đã, ngồi xuống đây.
Xintxốp ngồi xuống.
- Này, Malinin! - Enkin gọi to.
- Cái gì thế? - một giọng nói ồ ồ cất lên.
Cái thân hình ở trên chiếc giường đơn động đậy, tấm áo bành tô tung sang bên để lộ ra một người đang nằm mở mắt gối đầu lên tay.
- Malinin này, có một câu chuyện thế này, cần phải hỏi ý kiến cậu. - Enkin nói và ngồi xuống phản. - Anh nhắc lại vắn tắt cho anh ấy nghe đi! - ông quay sang phía Xintxốp.
- Nhưng nhắc lại làm gì kia? - cái người tên là Malinin liền nói. - Tớ đã nghe hết cả, tớ có ngủ đâu...
- Thế cậu không ngủ trong bao nhiêu lâu? - Enkin vội hỏi.
- Chả ngủ tí nào cả, - Malinin đáp. - Tuy trùm áo bành tô lên đầu mà tớ vẫn không ngủ được.
Giọng nói của Malinin càu nhàu, trầm trầm như đi từ ống khói, ông ta bật ra từng tiếng nhát gừng, tựa hồ như đang bực tức vì người ta bắt ông phải mở mồm. Ông ta có bộ mặt tái xám, mệt mỏi, to lớn, nặng nề với những đường nét gãy góc, thô kệch, một bộ mặt có vẻ đẹp cau có riêng của nó. Mái tóc màu gio đã điểm bạc loăn xoăn uốn lượn trên vừng trán cao, dô và hói, còn cái miệng rộng thì mím chặt ra vẻ bực tức. Malinin im lặng nhìn Xintxốp trừng trừng không lấy gì làm niềm nở.
- Nếu đã nghe rồi thì cậu góp ý kiến ra sao? - Enkin hỏi.
- Hãy cho người ta ăn đi, - Malinin nói vẫn với vẻ cau có. - Bánh mì trên bậu cửa sổ, hộp cá cũng ở đó, còn dao...- Lần đầu tiên trong suốt thời gian ấy ông cử động, rút cánh tay to lớn vạm vỡ ở dưới đầu ra, rồi móc trong túi quần ra một con dao xếp, chìa cho Xintxốp. - Cầm lấy... - Và lại luồn tay xuống dưới đầu.
- Quả thực là anh đói lắm nhỉ! - Enkin sức nhớ ra.
Ông ta lao đến bậu cửa sổ, lấy một nửa ổ bánh mì lớn, một hộp cá để ở đó và đặt lên chiếc bàn giấy trước mặt Xintxốp. Xintxốp kéo lưỡi dao ra, định mở hộp cá nhưng tự kìm hãm được và chỉ cắt cho mình một khoanh bánh lớn rồi bắt đầu nhai, cố ăn một cách thong thả.
Malinin nhìn anh gần một phút, sau đó vươn mình tới bàn. cầm lấy con dao, gập lưỡi lại, kéo mũi dao mở đồ hộp ra, mở hộp cá, bẻ cong cái nắp lên, đặt hộp lên bàn, lại gập mũi dao mở đồ hộp lại, kéo cái lưỡi to mà Xintxốp đã dùng để cắt bánh mì ra và luồn tay xuống dưới đầu, trở về tư thế nằm như cũ.
- Enkin này, - ông ta nói, sau khi liếc mắt quan sát thêm, xem Xintxốp ăn bánh trong hai ba phút nữa. - Giá mà cậu cho anh ta uống trà thì tốt.
- Thế trà ở đâu? - Enkin đáp.
- Thế thì cho nước sôi vậy. Chắc là ở trong ấm chỗ bác Tanhia có đấy. Hay là nếu cậu ngại thì tớ dậy vậy?
- Thôi được, cứ nằm đấy. - Enkin nói và cầm lấy chiếc ca nhôm để trên bậu cửa sổ, đi ra.
- Sao, bản thân cậu đã giết được mấy tên Đức rồi phải không? - khi Enkin đã đi ra, Malinin bèn hỏi Xintxốp để tỏ ra rằng ông ta quả thực đã nghe hết câu chuyện anh kể. - Bản thân cậu trông thấy hay nghĩ ra thế?
- Tôi trông thấy chứ.
- Cứ ăn đi chứ, - nhác thấy Xintxốp đặt bánh mì sang bên, Malinin liền nói, nói xong ông ta nhắm mắt lại để Xintxốp hiểu là ông không hỏi gì thêm nữa.
Enkin quay vào và đặt một ca nước sôi xuống trước mặt Xintxốp. Xintxốp ăn ba miếng bánh mì, sau đó định thôi không ăn hết hộp cá, nhưng không nhịn nổi, nên đã ăn hết nhẵn và uống thứ nước sôi bỏng rộp cả lưỡi.
- Cám ơn, tôi đi đây, - anh đứng dậy nói.
- Malinin, cậu khuyên nên thế nào, - Enkin hỏi.
- Khuyên cái gì kia chứ? - Malinin không mở mắt đáp. - Cậu đã khuyên đầy đủ rồi, bây giờ nên làm đi!
- Xin tạm biệt! - Xintxốp nói.
- Chúc anh may mắn! - Malinin hé mở mắt ra trong giây lát rồi nhắm lại như trước và đáp.
Enkin cùng với Xintxốp đi ra ngoài.
- Nếu đồng chí này ghé vào đây lần nữa, - ông ta bảo người công an, - thì gọi tôi nhé! Nhớ là Upherép đấy! - Enkin nhắc lại lần nữa và Xintxốp rời khỏi quận ủy đi ra phố.
Bây giờ không còn là thời gian trời vừa mới sáng khi mà vẻ hoang vắng của thành phố là điều tự nhiên. Giò đây vẻ hoang vắng này khiến người ta chú ý. Anh công an vẫn đi đi lại lại trước cái tủ kính vỡ ở góc phố Dubốpxkaia, nhưng không thấy hai người mặc thường phục vác súng trường nữa. Những chiếc xe ôtô tải đang chạy trên đường vòng đai Xađôvôiê. Một chiếc vừa phóng sát sạt vào vỉa hè, nơi Xintxốp đang đi vừa rít lên. Nó chở sắt đường ray và dây thép; dây thép ở trong thùng xe thõng xuống và rạch nát mặt đường nhựa. Một số người xách vali đứng xếp hàng không dài lắm ở bến xe buýt. Hình như họ không còn mong gì đợi được xe. Một số người khác xách vali và đeo đẫy hoặc balô đang đi bộ trên đường vòng đai Xađôvôiê, nhưng hôm nay số người này chẳng lấy gì làm đông. Cũng không thể so sánh với hôm qua. Hôm nay, Maxcơva có vẻ ít nhốn nháo hơn và sẵn sàng chống trả hơn hôm qua.
“Ừ, người ta sẽ chiến đấu đến cùng cho thành phố, - Xintxốp nghĩ thầm. - Chính vì thế mà đang xây dựng chướng ngại vật. Cứ phát cho tôi khẩu súng trường thì tôi cũng sẽ chiến đấu trên các chướng ngại vật này; nếu cần tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ thành phố ngay cả ở đây, trong nội thành, - Xintxốp lại nghĩ tiếp. - Chính vì thế mà đang xây dựng chướng ngại vật. Thế mà lẽ nào người ta lại không phát cho tôi khẩu súng trường? Sao nhỉ, tớ là một con người hạng bét đến nỗi không được phát súng để chiến đấu sau những chướng ngại vật này à? Không thể như thế được”.
Ở quận ủy, họ đã đối xử với anh một cách đơn giản, không tỏ lòng thông cảm sâu sắc nhưng cũng không nghi ngờ, và cách đối xử như vậy đã khiến anh yên tâm. Nhưng cái điều khiến anh lại còn yên tâm hơn nữa, quả thực đó chỉ là vì vẫn có quận ủy, vì bí thư quận ủy ở đây vẫn chính là ông Gôlubép trước kia, vì có anh công an đứng bên cây xà chắn, vì hồ sơ lưu trữ được chở đến một nơi nào đó chắc chắn, máy điện thoại reo chuông và bắt được liên lạc, thậm chí chỗ bác Tanhia hóa ra vẫn có nước sôi trong ấm.
Sau cái thành phố Maxcơva rối tinh rối mù mà anh trông thấy hôm qua, còn có một Maxcơva khác của quận ủy vẫn bình tĩnh năng động, không hề sợ hãi. Trên đờị này không phải chỉ có một mình cái gã tổ trưởng dân phố hôm qua đã quẳng chùm chìa khóa cho anh, và nghĩ khác đi, thậm chí là hôm qua, cũng là điều ngu xuẩn!
Hai mươi phút sau, anh đã đi đến gần cầu Krưm. Quả thật bên cầu người ta đã đắp chướng ngại vật chắn ngang một phía là phố Mêtrôxtrôépxkaia, phía kia là đường vòng đai Xađôvôiê. Lúc ấy dây thép và những thanh ray đang được dỡ từ trên xe ôtô xuống. Đây chính là chiếc xe ôtô tải ban này đã chạy sát cạnh Xintxốp, quét dây thép kêu rèn rẹt trên đường nhựa. Những bao cát được ném từ trên những chiếc xe tải khác xuống đất. Mấy chục người đang cặm cụi cạy đá củ đậu giữa lòng một đường phố nhỏ chạy khuất vào sau ga tàu điện ngầm. Rõ ràng họ đã bắt đầu làm việc này từ đêm: đá củ đậu đã được lột lên xếp thành đống cao như núi. Một phần của phố Mêtrôxtrôépxkaia đã bị chắn ngang; người ta đã đặt những bao cát vào giữa hai hàng cọc gỗ đóng xuống đất, còn đằng trước thì người ta chôn nghiêng những thanh ray và những xà nhà hình chữ I như những chiếc răng nanh lợn lòi. Những xà nhà và thanh ray còn được dỡ từ trên mấy chiếc xe khác xuống và được chặt ra thành từng đoạn ngay tại đó - đằng xa nghe có những tiếng xì ngắn của máy hàn đang cắt kim loại.
Một trung úy đã đứng tuổi thuộc loại sĩ quan dự bị mới tái ngũ, đeo phù hiệu công binh có hình những chiếc rìu nhỏ trên cổ áo capốt, đang đứng cạnh chướng ngại vật và điều hành công việc. Xintxốp lại gần ông ta, hỏi:
- Báo cáo trung úy. Đồng chí có thấy thiếu tá Upherép đâu không?
- Ban nãy Upherép có ở đây, ông ta đưa người đến cho tôi và đi rồi. Ông ấy hứa là sẽ quay lại. - Trung úy trả lời mà không nhìn Xintxốp. Sau đó, ông ngửng đầu lên và hỏi: - Thế anh làm sao, ở đâu đến đây?
- Các đồng chí trên quận ủy cử tôi đến đây...
- Thế còn các vị? - ông sĩ quan công binh quay sang hỏi những người khác đã đi đến chỗ ông hầu như cùng một lúc.
 Trong đám này có hai người đàn bà, một thanh niên gầy nhom, cổ dài ngoẵng, đeo kính và hai người luống tuổi gầy gầy và không hiểu sao rất giống nhau, đội hai chiếc mũ tương tự như nhau, đã cũ, vành đã thõng xuống.
- Chúng tôi cũng do quận ủy cử đến, - một phụ nữ đáp, - nếu không thì còn ai cử đến nữa?
- Thế thì bà con hãy khênh những thanh sắt đường ray và xà nhà hình chữ L đến chỗ cắt, còn cái nào cắt rồi thì mang trở lại và đặt rải ra cách nhau từng quãng ở phía bên kia ở chỗ mà chúng ta sẽ chôn xuống.
Người sĩ quan công binh bước nhanh qua mặt đường, chỉ rõ nơi phải đặt những thanh ray và xà nhà đã được cắt khúc bằng máy hàn.
- Đi khênh nào! - cậu thanh niên cổ dài ngoẵng, đeo kính bảo Xintxốp.
Xintxốp lặng lẽ khom lưng xuống, nắm lấy thanh ray và vừa cùng với những người khác nhấc nó lên vừa khoan khoái cảm thấy rằng tuy có mệt nhưng tay anh vẫn khỏe gần như xưa. Thoạt tiên họ vác các thanh ray này, sau đó họ dùng giây thép to uốn thành những chiếc móc và bắt đầu khiêng bằng cách xỏ móc vào các lỗ đinh bù loong như anh em công nhân cầu đường vẫn thường làm.
Xung quanh, mỗi lúc một đông người. Trong lúc người này khiêng những thanh ray và xà nhà đã cắt đến và chưa cắt đi, ngược xuôi tất tả, thì kẻ khác dùng xà beng cạy, đục mặt đường, còn ở phía bên kia đường Xađôvôiê thì thậm chí nghe cả tiếng búa hơi gầm vang. Một anh chàng vai rộng, mặc áo quần làm việc của công nhân và áo bông, đang dùng máy hàn hơi để cắt các thanh ray và xà nhà, và mãi một giờ sau, khi người điều khiển máy cắt bỏ chiếc mặt nạ phòng hộ ra ngay trước mắt Xintxốp, anh mới ngớ ra đó là một phụ nữ mũi hếch tóc quăn.
- Các bố già ơi, khiêng lại đây, khiêng lại đây không thì vì các bố mà mọi việc phải dừng lại đấy! - chị ta quát Xintxốp và hai người anh em sinh đôi đội mũ trễ vành đang cùng anh khiêng cây xà. Hai người này đã kịp kể rằng họ đều là cán bộ thư mục ở Viện đăng ký sách. Tòa nhà cổ kính của Viện đăng ký sách ở cách đây không xa, tại phố Xađôvaia, đã bị bom phá sập, và trong khi làm việc, họ đã bàn tán mấy lần về việc này và không thể nào yên tâm được.
- Tôi thấy bất tiện quá, - anh thanh niên cao cao, đeo kính nói với Xintxốp, giọng nhỏ nhỏ, ngượng nghịu. - Đáng lẽ tôi phải ở ngoài mặt trận rồi, cố nhiên, và tôi sẽ có mặt ở ngoài đó, nhung tôi vừa mới ra bệnh viện được một tuần, tôi phải cắt chỗ ruột thừa viêm mủ; viêm ruột thừa đúng vào lúc này thì thật là vớ vẩn nhỉ? Anh thấy thế nào? - Và vừa khiêng anh ta vừa nhìn Xintxốp đăm đăm bằng cặp mắt cận thị, ngượng ngùng.
Xintxốp an ủi anh ta rằng viêm ruột thừa là một việc mà mình không thể ra lệnh cho nó lúc nào nên và lúc nào không nên xảy ra.
- Nói chung thì tốt hơn cả là anh đừng khiêng nếu không thì chỗ chỉ khâu còn bục ra nữa đấy...
- Hừ, không đời nào, - chàng thanh niên đeo kính kêu lên vẻ cáu kỉnh, tựa hồ như đường chỉ khâu vết thương của anh ta không có quyền bục ra.
Họ còn tiếp tục khiêng đường ray và xà nhà thêm một giờ hoặc giờ rưỡi nữa và sau đó đến nhập bọn với những người đang đào lỗ trên lòng đường.
- Ái chà, đất Maxcơva rắn nhỉ! - có người nói.
- Tiếc rằng bọn Đức không biết ở đây chúng ta đã đào cho chúng bao nhiêu tất cả rồi, nếu biết thì chúng đã rút lui ngay...
Việc đùa cợt không bị lên án nhưng cũng không được hưởng ứng. Mọi người đều tỏ thái độ nghiêm túc đối với công việc của mình. Mặc dầu không ai nói ra miệng, nhưng ai nấy đều hiểu rằng: phòng xa hay không phòng xa thì họ vẫn cứ đang chôn cọc chống xe tăng Đức, không phải ở đâu khác mà ở trên đường vòng đai Xađôvôiê, đối diện với cầu Krưm.
Sau đó, một đoàn ôtô vận tải chở đến những chạc gỗ quấn dây thép gai và những cọc sắt để làm hàng rào lông nhím. Những cọc này được hàn vội hàn vàng bằng những xà nhà hình chữ I.
- Nhà máy “Búa liềm” hàn đấy, - một phụ nữ trong số người cùng làm việc với Xintxốp nói. - Nhà tôi hôm qua bảo rằng ngày đêm ở đằng ấy họ hàn hàng ngàn bộ cọc lông nhím như thế này...
Xintxốp làm việc say mê, nhờ đó mà quên bẵng được nỗi băn khoăn là sau đây mình sẽ gặp chuyện gì. Anh vừa khoan khoái nhấc chiếc xà nhà lên vừa tự nhủ: “Muốn gì thì gì”. Anh đã thấy không muốn rời bỏ công việc này, để đi tìm ở đâu đó cái ông Upherép mà anh chả quen biết! Hơn nữa theo lời ông trung úy thì bản thân đồng chí ủy viên quân vụ quận cũng đã hứa là sẽ còn quay lại đây nữa.
Đến trưa một người dàn bà mặc áo bông và trùm chiếc khăn lông tơ màu xám đi tới nơi mọi người đang làm việc và thét to lên:
- Đợt một, những ai làm từ đêm, vào nhà trẻ ăn trưa! Chỉ những ai làm từ đêm thôi đấy! Ai đến làm muộn hơn thì hãy chịu khó đợi đấy đã! Đợt một đi vào nhà trẻ, theo tôi!
Xintxốp không vào cùng đợt một mà theo đợt hai đi vào ngôi biệt thự một tầng ẩn giữa sân sau của một tòa nhà lớn. Nhà trẻ đã tản cư từ lâu, còn biệt thự này đã được dùng làm trạm ăn uống và sưởi ấm cho những người làm việc trên công trường xây phòng tuyến.
Trong nhà trẻ chỉ có đồ gỗ trẻ em; bàn thì thấp lè tè cho nên đành phải hoặc ngồi xổm bên bàn, hoặc ngồi lên trên bàn hoặc dựa vào tường mà húp xúp trong đĩa sâu lòng. Ngoài xúp ra chẳng còn gì nữa; ai không mang bánh mì từ nhà đi thì những người lo xa hơn sẽ chia sẻ cho, nhưng xúp rất ngon, béo ngậy, nấu bằng thịt hộp với tấm lúa mạch.
Xintxốp nhớ đến cảnh ngộ mình làm tù binh lúc đi dọc đường, khi dừng lại ở trong nhà hộ sinh, và nghĩ tới bọn Đức, và nghĩ rằng không thể và không được để Maxcơva lọt vào tay chúng.
- Ai cần thêm nữa, ai cần thêm nữa nào? - chị mặc áo bông và trùm khăn vừa cầm muôi gõ xuống tấm vải nhựa trải trên chiếc bàn phát thức ăn vừa kêu lên. Bây giờ, chị ta vẫn ăn mặc như ban nãy khi đi ra ngoài đường; chỉ khoác thêm tấm áo tạp dề to và bẩn thỉu ở ngoài áo bông. - Bà con ơi, ai cần ăn thêm nữa không, kẻo đợt ba vào họ ăn hết đấy!
Xintxốp xin thêm và càng ăn anh càng cảm thấy đói và nói chung hình như là tỉnh hẳn người ra.
Sau khi ăn trưa, họ lại làm cho đến tối mịt. Trời vừa tối là có báo động máy bay ngay; đường tàu điện ngầm ở sát bên cạnh và Xintxốp cùng mọi người chạy xuống đó.
Phụ nữ với trẻ con mò xuống đây trước và đã thu xếp chỗ ăn ở như tại nhà mình: đệm, chăn, gối, chai sữa. Trẻ con đã quen với cảnh này, nên cứ ngủ thiếp đi trong chăn đệm như chẳng có việc gì xảy ra.
Xintxốp tìm được một chỗ trồng, liền ngồi dựa vào tường, vòng hai tay dài nghêu ôm lấy đôi chân cũng dài nghêu và gục mặt vào đầu gối. Hơi ấm và bụng no khiến anh thấy buồn ngú, hơn nữa anh cùng chẳng cố cưỡng lại. Ngày hôm nay, anh lại sống theo lối mà mình đã quen: cùng với những người khác làm một công việc chung.
“Còn bây giờ, khi nào hết bảo động, mình sẽ đi ra và thế nào cùng tìm được ông Upherép này...” - anh vừa thiu thiu ngủ vừa nghĩ thầm.
- Dịch sang một tí, - anh nghe tiếng phụ nữ nói, - cho tôi đặt cháu!
Anh nhích sang bên mà không mở mắt và nghe người ta đặt một đứa bé đang ngáy khò khò xuống ngay cạnh mình.
- Hôm qua có trận không giáp thứ chín trên trời Maxcơva, - một giọng đàn ông nói.
- Làm như thế thì làm sao được, cho máy bay mình đâm vào máy bay địch!
- Quả thế đấy, dùng cái chết để loại trừ cái chết, - một giọng thứ ba đáp lại.
Còn cái giọng một thiếu phụ thì khoái trá ngắt lời:
- Tôi có thể cho những người như vậy tất cả mọi thứ!
- Có thể cho, nhưng họ không có thì giờ nhận đâu, - có người đáp.
Xung quanh người ta kháo chuyện máy bay húc nhau, câu chuyện đó khiến mọi người đều xúc động.
- Bọn Đức bây giờ không dám bay láo bay lếu như trước nữa, - một giọng trầm ồm ồm nói, và mọi người đều đồng ý với lời nhận xét ấy.
- Đúng, đúng, không như trước...
- Đó là sau những lần bị húc.
- Chúng nó sợ bị húc...
Xintxốp đã chập chờn nửa tỉnh nửa mê, cho nên đầu óc đã hoàn toàn bị lú lẫn; anh có cảm tưởng là mình đang bay đi đâu, rồi cứ thế mà ngủ thiếp đi, sau khi đã cố hết sức ngẩng đầu lên khỏi đầu gối và ngả vào tường.
Anh thức giấc vì có ai thúc khẽ vào vai:
- Đồng chí, đồng chí ơi...
Anh mở mắt ra. Đường tàu điện ngầm hầu như vắng ngắt, chỉ đôi nơi thoáng thấy một bóng người. Người thiếu phụ đang cuộn tấm đệm nhỏ và dùng dây buộc lại. Một cậu bé lên năm đội mũ che tai đang đứng cạnh chị.
- Xin lỗi anh nhé, tôi lay anh đấy, - chị ta nói. - Nhưng anh ngủ từ hôm qua đến giờ lâu quá, nên tôi lo có lẽ anh ngủ quên mất cả công việc...
- Vâng, vâng, - Xintxốp nhảy vọt dậy. - Thế thì sao... thế mấy giờ rồi chị?
- Đã bảy giờ rồi đấy.
- Bảy giờ rồi à?
Anh ngạc nhiên nhìn chị và tới bây giờ mới hiểu là mình đã ngủ một lèo hết cả đêm qua.
Vừa đúng một ngày đêm đã trôi qua và Xintxốp lại đứng trước tòa nhà của quận ủy. Một nửa số cửa sổ đã bị bay mất kính và được bịt bằng gỗ dán sơn theo màu tường. Tòa nhà bốn tầng ở xế trước quận ủy bị chặt ngang như dao chém.
Xintxốp từ ga tàu điện ngầm đi thẳng đến đây vừa là vì anh rất muốn đến vừa là vì anh cũng có lý do: chính ông Enkin đã bảo anh cứ ghé vào lần nữa nếu không tìm được Upherép. Hôm qua, anh không tìm ra Upherép và bây giờ lại đến đây lần nữa. Anh mở cánh cửa ăn thông vào phòng ngoài. Anh công an vẫn ngồi ở chỗ cũ, chỉ có khác là quấn băng ở má và mắt. Xintxốp đoán thầm: “Chắc là mảnh kính vỡ làm bị thương”.
- Làm thế nào đó gọi đồng chí Enkin anh nhỉ? - anh đi lại gần người công an và hỏi. - Đồng chí ấy đã nói là có thể gọi được.
- Không có đồng chí ấy ở đây đâu. Đồng chí ấy bị thương đang ở trong bệnh viện, đang băng bó...
- Thế bao giờ đồng chí ấy sẽ đến đây?
Anh công an nhún vai.
Xintxốp đứng trước mặt anh ta, không biết làm thế nào nữa. Khi đi đến đây không hiểu sao anh tin chắc là sẽ có kết quả. Anh sẽ gặp Enkin; ông ta đã gọi điện thoại cho Upherép như lời hứa; ngay bây giờ anh sẽ từ đây đi thẳng đến gặp ủy viên quân vụ quận và số phận anh sẽ được giải quyết theo cách này hay cách khác. Thế mà bỗng nhiên mọi việc lại xảy ra không đúng như vậy.
Làm thế nào nhỉ? Đợi Enkin ở đây, đi tìm Upherép hay quay lại làm việc ở quảng trường Krưm?
Anh đứng tần ngần mất chừng một phút, nhìn xuống nền nhà phủ đầy mảnh kính nát vụn và khi ngẩng đầu lên thì trông thấy người bạn láng giềng ở cùng phòng với Enkin. ông Malinin đang đi dọc hành lang, qua gần chỗ đó, tầm vóc cao lớn, vẻ mặt cau có, mắt nhìn vào một điểm đằng trước và bưng chiếc ca nhôm có mùi soa quấn vào quai, ông ta cứ đi, chẳng nhìn ngó ai hết, nhưng khi đi ngang qua Xintxốp, ông bỗng quay sang tựa hồ như từ đằng xa đã nhìn về phía anh.
- Cậu lại đến đây làm gì thế? - ông ta hỏi với giọng càu nhàu. - Không tìm ra Upherép à?
Xintxốp im lặng lắc đầu.
- Cậu đến gặp Enkin à? Enkin không có đây. - Malinin nói tiếp với vẻ mặt tựa hồ như ông ta lấy làm thích thú được báo cho Xintxốp cái tin đó.
- Thế đồng chí có biết ông ấy đã nói về việc của tôi với ủy viên quân vụ chưa? - Xintxốp hỏi,
- Anh ta quên mất chả nói gì hết... - Malinin đáp như nói tới một điều gì tất nhiên. Rồi thật là bất ngờ đối với Xintxốp, ông ta càu nhàu bảo người công an: - Cho cậu ấy vào chỗ tớ nhé. Ta vào đây!
Thế là họ bước vào căn phòng hôm qua, Malinin đi trước, tay cầm ca nước sôi, còn Xintxốp thì đi sau, thắc mắc không hiểu cái ông cau có này gọi mình vào làm gì..
- Ngồi xuống! - Malinin hất hàm trỏ cho Xintxốp chiếc phản và đặt chiếc ca lên bậu cửa sổ rồi đứng tựa vào tường.
Chiếc giường đơn của ông ta đã được xếp dọn ngăn nắp theo tác phong quân sự, chăn đệm không có một nếp nhăn, chính vì thế ông không ngồi lên giường.
- Thế nào, anh ấy bị thương nặng hả đồng chí? - Xintxốp hất hàm trỏ chiếc phản trống có ý nói tới Enkin và hỏi.
- Bị rạch cổ... Sẽ lành trước ngày giỗ tổ! - Malinin đáp.
- Vì mảnh bom hay mảnh kính ạ?
- Vì dao găm. - Malinin đáp và nhác thấy ánh mắt của Xintxốp liền nói thêm ra ý không bằng lòng. - Sao cậu lại ngạc nhiên? Cậu tưởng là ở Maxcơva bây giờ người ta không giơ dao găm ra đấy hẳn? Bọn lưu manh ở Maxcơva có ngủ yên đâu, chúng nó cũng làm ăn... Mà cố nhiên là Enkin phải thò mũi vào... - Malìnin nói, chẳng ra buộc tội mà cùng chẳng ra khen ngợi. - Ban đêm khi anh ta đi xe qua cửa hàng thấy bọn ấy đang cạy cửa liền rút súng lục ra chĩa vào chúng: Giơ tay lên! Thế là chúng dùng dao găm đâm cho. May mà không đi một mình, nên đã hạ được bọn lưu manh ngay tại chỗ!
Bây giờ có thể hiểu rằng Malinin tán thành hành động của Enkin, nhưng ông ta nói mọi chuyện đó với cái giọng không bằng lòng chỉ là do thói quen.
- Thế thì sao cậu lại ngạc nhiên? - ông ta lại hỏi Xintxốp. - Theo quy luật tự nhiên thì cháy nhà mới ra mặt chuột. Đôi khi nhìn cảnh đó và tự hỏi: chả nhẽ cả nhà đều đầy chuột bọ hết hay sao? Không phải thế đâu, đừng hòng!
Rõ ràng là ông đang nhớ tới một việc gì khiến ông vô cùng xúc động và không thể dừng lại được:
- Và bọn sâu mọt của chế độ cũ cũng đang thập thò ở các khe hở để gặp cơ hội tốt là chui ra! Hôm qua, chính tay tớ đã quai cho một đứa vào mồm... - Ông ta giơ nắm đấm chắc nịch lên và ngắm quả đấm, tựa hồ như tự ngạc nhiên về mình. - Xin hỏi là sự tự chủ của tớ ở đâu? Tớ vốn có thể tự chủ được, thế mà có lúc lại không đủ tự chủ... Nghĩa là cậu không tìm ra ủy viên quân vụ à? - ông ta tự ngắt lời mình.
- Không, - Xintxốp nói và trình bày rằng hôm qua anh đã làm việc tại công trường xây dựng chướng ngại vật ở gần cầu Krưm, còn ban đêm thì ngủ dưới ga tàu điện ngầm.
- Thế mà hôm qua Enkin ngờ là cậu không đến... - Malinin nhếch mép cười. - Sợ cậu bỏ trốn.
- Trốn đi đâu và để làm gì kia chứ? - Xintxốp hỏi.
- Chính thế đấy, đi đâu và để làm gì? Còn tớ thì vẫn nhớ cậu. - bỗng Malinin lại tự ngắt lời mình: đó chung quy chỉ là phong cách trò chuyện của ông ta. - Hồi ấy tớ làm công việc của Enkin bây giờ và đã chuẩn bị hồ sơ lý lịch của cậu, khi cậu vào đảng. Trí nhớ của tớ như thế đấy: đã kết nạp chừng ba ngàn đảng viên mới, mà trông thấy những kẻ bị khai trừ cũng đã quá nhiều, nhưng nếu nhìn kỹ thì có thể nhớ được một nửa.
Xintxốp mừng rỡ vì con người cau có này hóa ra lại nhớ việc anh vào đảng và về phía mình cũng cố nhớ lại Malinin, nhưng không nhớ nổi.
- Còn cậu thì đừng cố nhớ ra tớ, - đoán được ý nghĩ của anh, Malinin nói. - Nhớ ra tớ cũng chả có ích gì, còn tớ nhớ ra cậu thì lại có ích đây. Này bạn thân mến, làm thế nào mà cậu lại gặp tai họa như vậy? - Malinin lắc đầu. Ông không có ý xem nhẹ cái tai họa đã xảy ra với Xintxốp. - Hôm qua, từ đầu đến cuối, cậu không nói dối chỗ nào đấy chứ? Tất cả đều đúng sự thật à?
-Tất cả, - Xintxốp nói.
 Anh còn có thể nói gì thêm, còn có thể phân trần gì thêm nữa?
Malinin im lặng nhìn anh hồi lâu.
Trái với ông Enkin vui tính, cái ông càu cạu, già đi khi làm việc trong phòng nhân sự quận ủy này, không bao giờ có một ý kiến nhận xét thứ hai, một ý kiến dự bị để phòng xa. Đối với mọi người, ông chỉ có một nhận xét độc nhất tức là tốt hay xấu, ông tin họ hoặc không tin. Nếu ông tin thì tin đến cùng, mà nếu không tin dù chỉ một việc nào đó thì không tin tất cả.
Nếu trong lòng ông còn một chút nghi ngờ rằng toàn bộ câu chuyện của Xintxốp chưa chắc là sự thật thì ông sẽ không nghĩ tới cái việc mà hiện giờ ông đang định làm. Ông chỉ còn phân vân một điều: liệu mình có toàn quyền làm như vậy không?
“Có chứ! - cuối cùng ông quyết định. Mình sẽ tiến hành, chính mình sẽ ở ngay bên cạnh... Và sẽ chứng minh cho Gube... Mà nếu không chứng minh được thì lúc ấy sẽ xem xem”.
- Vậy thì thế này nhé. - sau một lát im lặng, Malinin nói, - Hiện giờ một tiểu đoàn cộng sản đang được thành lập trong quận này, nhưng trong tiểu đoàn đó không phải chỉ có đảng viên và đoàn viên, mà còn có cả những anh em tích cực ngoài đảng. Tớ sẽ gia nhập tiểu đoàn đó. Đêm qua, tớ đã trình bày, người ta đã đồng ý... Nội trong một đêm đã thành lập thêm mấy trung đội nữa, hiện nay chưa có chỉ huy, tớ được coi là cấp bậc cao nhất trong trung đội; thế thì tớ sẽ ghi tên cậu vào trung đội mình. Sau đây một giờ nữa, chúng ta sẽ lên tiểu đoàn, tới phố Plusikha. Thế nào, ghi tên cậu nhé? - Malinin vừa hỏi vừa rút cuốn vở học sinh gấp đôi để trong túi quần sĩ quan ra.
- Đồng chí còn hỏi làm gì nữa?
Malinin đi lại gần bàn, rút trong túi áo quân phục mùa nóng ra một cặp kính không ăn khớp chút nào với bộ mặt to lớn đầy đặn của ông, mở cuốn vở ra và đưa ngón tay dò trên bản danh sách. Danh sách gồm hai mươi sáu người, ông ta nhúng bút vào mực, ghi thêm số thứ hai mươi bảy và viết nắn nót từng chữ đẹp như mẫu: “Xintxốp”...
- Tên, phụ danh?
- Ivan Pêtơtôvíts.
“I. P.” - Malinin viết xong, thấm khô, lại bỏ cuốn vở vào túi quần và tới lúc đó mới nói:
- Chúng mình đến ra mắt, rồi tớ sẽ báo cáo với chính ủy tiểu đoàn. Xem ông ta giải quyết ra sao... Còn tớ thì sẽ trình bày ý kiến mình.
Ông ta không nhấn mạnh câu nói này, tuy nó có rất nhiều ý nghĩa. Đã mười sáu năm, ông ngồi ở chiếc bàn nhân sự, và chỉ cách đây hai năm, vì hỏng mắt, nên ông mới chuyển sang làm chỉ đạo viên. Ở quận ủy này, ý kiến của ông rất có trọng lượng, nhất là trong những việc như thẩm tra cán hộ, nên tín nhiệm hay không tín nhiệm. Cố nhiên do đó mà trách nhiệm của ông về con người đang ngồi đối diện mình càng nặng hơn, và Malinin hiểu rõ điều đó tuy không nhấn mạnh.
Câu Malinin nói rằng ông sẽ còn báo cáo với chính ủy đã thoáng qua ngoài tai Xintxốp. Anh quá đỗi sung sướng về việc ngay hôm nay anh sẽ có thể cùng Malinin gia nhập tiểu đoàn cộng sản.
- Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên ơn đồng chí, - anh nói.
- Thế nhớ để làm gì? - Malinin đáp vẫn với cái tật cau có thường ngày của mình. - Giá mà tớ xoay được cho cậu cái vé để mang cả nồi niêu xoong chảo đi đến tận Cadan thì thật đáng nhớ ơn đấy, - ông ta nhếch mép cười. - Hôm qua đã có chừng hai chục người hứa là đến chết không quên. Còn đối với cậu thì sao nhỉ, tớ chỉ giúp cậu quay ra mặt trận! Rút cục rồi thế nào cậu cũng được ra đó. Khỉ thật, chỉ vì cái bệnh quá sính giấy tờ đâm ra gây phiền hà.
- Thôi được, tôi xin im lặng, - Xintxốp nói. - Chỉ vì tôi quá mừng về việc đồng chí đã tin tôi. Có thể không tin mà đồng chí vẫn tin. Chỉ có thế thôi.
- Nhưng không thể tin tất cả mọi người đâu nhé, - Malinin lại hiểu lời nhận xét của Xintxốp theo ý mình và tưởng đó là lời phê bình về ý thức cảnh giác nên bực tức đáp. - Bạ ai cũng tin thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn. Thôi mặc thây cậu đổ thóc giống ra mà ăn, làm cho chính quyển Xô viết vung tiền qua cửa sổ. Tớ định cạo râu nhưng nghĩ lại, - ông ta lại tự ngắt lời mình. - Nếu cậu muốn thì cứ cạo đi; dao cạo và chổi xoa xà phòng của tớ để trên bậu cửa sổ ấy. Còn ối thời gian...
Xintxốp vội vàng xoa xà phòng và bắt đầu cạo bộ râu quai nón rễ tre đã ba hôm chưa cạo.
- Tìm phèn chua ở đấy mà xoa; ấy chết, bật cả máu ra như là cạo lông con lợn hoạn ấy. - Malinin nhòm qua vai vào bộ mặt xây xát của Xintxốp và nói.
Nhưng ông ta không kịp chỉ rõ là phèn chua để ở đâu. Có người gõ cửa. Malinin lên tiếng thưa, không lấy gì làm niềm nở: “Cứ việc...”, - cánh cửa kêu ken két và mở ra. Xintxốp thôi tìm phèn và quay lại. Một người đàn bà cao, hơi gầy, tay cầm chiếc balô đang đứng trước cửa.
- Mình đấy à, tôi mang đến cho mình đấy, - bà ta gọi và Malinin bước tới đón bà..
Xintxốp hiểu rằng đó là vợ Malinin và để cố tránh không nghe họ chuyện trò, anh bèn thu dọn các đồ dùng sau khi cạo râu xong, nhưng một đôi câu nói vẫn vẳng đến tận tai anh.
- Thế thì tốt lắm, - Malinin nói. - Còn cáí này thì không cần. Tôi đã nói không cần là không cần mà lại, hai bộ thay đổi là đủ rồi.
- Mình cứ cầm lấy, em biết để nó vào đâu bây giờ. - bà vợ nằng nặc nói.
Nhưng Malinin càu nhàu rằng ông không phải là con lạc đà, mà sẽ không có người mang hộ đâu... Sau đó, Xintxốp không nghe rõ mấy câu, rồi Malinin nói:
- Cầm lấy, bốn trăm đấy.
- Sao lại đưa cả thế, còn mình? - bà vợ nói.
- Tôi bây giờ thì cần tiền làm gì? - ông đáp lại và hình như câu nói ấy làm bà ta đâm sợ, cho nên bà khóc nấc lên.
Xintxốp đã thu dọn xong mọi thứ và không biết làm gì nữa, thành ra vẫn cứ ngồi quay lưng về phía vợ chồng Malinin. “Chắc là bây giờ họ đang ôm hôn nhau để từ biệt và nếu họ có nói gì với nhau thì cũng nói rất khẽ...”, - anh nghĩ thầm.
- Cầm lấy bộ quần áo lót này, - bỗng Malinin nói to sau lưng Xintxốp, và một bộ quần áo lót cũ, đã phải mạng nhưng sạch sẽ, bay xuống đùi Xintxốp. - Tớ thấy là cậu không có gì thay. Bà vợ tớ đã mang đến đây thừa ra một bộ đấy.
Xintxốp quay lại và thấy rằng bà vợ Malinin đã không còn ở trong phòng nữa. Họ chia tay nhau lặng lẽ và kín đáo đến nỗi anh không nghe tiếng bà ta đi ra ngoài.
Malinin nhét hộp dao cạo vào balô, mặc chiếc áo bành tô bằng dạ đen cũ kỹ bên ngoài bộ quần áo nửa quân sự màu xanh và chụp lên đầu chiếc mũ lưỡi trai cũng bằng dạ đen rồi khoác lên vai khẩu súng trường đang dựng trong góc nhà.
- Đi nào!
Khi họ ra đến phố, Malinin dừng lại trên vỉa hè và ngửa đầu ra, đưa mắt ngắm tòa nhà quận ủy, tựa hồ như để ghi nhớ nó cho kỹ hơn trước lúc chia tay.
- Đồng chí đã làm việc ở đây được bao nhiêu lâu? - Xintxốp hỏi.
- Tôi làm việc ở quận ủy này từ năm hai mươi ba, còn làm trong ngôi nhà này thì từ sau khi chuyển tới đây, từ hai mươi sáu. Trước kia có cả kính dày nguyên tấm, - chợt ông nói thêm, - từ thời Nga hoàng còn lại, thế mà trong có một đêm một quả bom đã làm vỡ gần hết nhỉ? Đành phải bịt kín lại bằng gỗ dán như một quán hàng!
Hôm qua và hôm kia, Malinin cũng đã trông thấy đúng những cái mà Xintxốp trông thấy, nhưng với cương vị một cán bộ quận ủy ông còn biết nhiều hơn là trông thấy. Cố nhiên cả hôm qua lẫn hôm kia, bọt đã sủi lên trên mặt nước, nhưng quả thực tình hình dưới mặt nước này cũng đáng lo ngại. Cuộc tản cư đã diễn ra ồ ạt và tới giai đoạn cuối cùng trở thành quá ư vội vã đến nỗi tình trạng đó đáng lẽ còn gây ra nhiều hoang mang hơn trong thực tế. Mặt trận đã bị chọc thủng, và đã ba ngày đêm nay, người ta ném vào đó như ném vào cái thùng không đáy tất cả những gì có trong tay, nhưng tình hình đến bây giờ vẫn còn gay go lắm.
Năm giờ sáng hôm nay, khi Malinin tranh thủ một phút rỗi ghé vào từ biệt bí thư quận ủy Gôlubép, ông ta nhìn vào mắt Malinin và nói:
- Hôm qua vì bốc đồng nên tớ đã cho cậu gia nhập tiểu đoàn, nhưng hôm nay lại tiếc. Tớ lại cần có cậu ở đây...
- Thế ở đó? - Malinin hỏi và sẵn sàng làm theo lời Gôlubép, nhưng trong thâm tâm không muốn rằng đồng chí bí thư thay đổi ý định.
- Ở đó cũng cần. - Gôlubép nói. - Chắc là họ sẽ tung các cậu ra trận ngay.
Chỉ có hai người ở trong phòng làm việc, họ công tác với nhau đã được tám năm.
- Hôm nay, tình hình Maxcơva ra sao hở anh? Chỉ cần... - Malinin giơ bàn tay đồ sộ chặt ngang không khí để tỏ ra rằng hoặc đừng nói hoặc đã nói thì phải nói toạc móng heo ra.
Và Gôlubép đã nói toạc móng heo:
- Theo tớ thì ngày hôm kia không được sáng sủa lắm. Còn bây giờ thì đang dần dần trở lại bình thường rồi. Rõ ràng là không đời nào chúng ta chịu để mất Maxcơva, nhưng mong sao cho đừng phải đánh nhau ở ngay ngoại thành. Mà cùng đừng phải đánh nhau trong đường phố. Không loại trừ khả năng đó.
Tâm trạng của bí thư quận ủy là như vậy và Malinin không có lý do gì để không tin ông ta được. Đó là một con người mà Malinin biết rõ, một người biết cân nhắc lời nói của mình và không thích nói thừa.
“Có lẽ phải đánh nhau trên đường phố thật cũng nên, - Malinin suy nghĩ trong khi đi bên cạnh Xintxốp, trên đường phố Plusikha, - Nhưng đánh trên đường phố nghĩa là thế nào? Thế thì có nghĩa là đánh ở đây, trên đường Plusikha! Trong ngôi nhà này là quân Đức, còn trong nhà kia là quân ta. Hoặc sau cầu Krưm là quân Đức, còn phía bên kia cầu là chúng ta, chúng ta không cho chúng nó tiến vào trung tâm thành phố. Vậy có nghĩa là giống những trận chiến đấu đường phố năm mười bẩy với bọn học sinh trường sĩ quan Nga hoàng, chỉ có khác là nhân lên gấp trăm lần!”.
Ồng vừa đi vừa thử cho quen với ý nghĩ đó, nhưng rốt cuộc ông vẫn không thể quen nổi.
- Có lẽ ngày mai chúng mình sẽ ra mặt trận ngay, - sau một hồi lâu im lặng, ông bảo Xintxốp.
Xintxốp gật đầu. Anh đi và suy nghĩ rằng ở tiểu đoàn có súng trường phát cho anh không, hay họ sẽ được trang bị vũ khí ngay ở ngoài mặt trận. Trường dạy nghề nơi mà bây giờ tiểu đoàn cộng sản đóng quân, ở sâu trong góc sân, sau bức tường gạch cao. Có chừng hai chục người mặc thường phục đang xúm xít cạnh bức tường vậy.
- Đây chính là cái trung đội còn lại. - Malinin nói.- Thoạt tiên định họp mặt tại quận ủy, nhưng sau đó lại quy định địa điểm tập trung ở đây. Gần với công việc hơn.
Với một vẻ hiên ngang bất ngờ, ông xốc lại khẩu súng trường trên vai và tiến lại gần những người đang tập trung bên tường.
Hầu hết ở đây đều là những người có tuổi, nhiều người đeo kính, một số mang balô con cóc, số khác đeo balô thường, hai người xách vali con, còn một người nữa lại xách cả chiếc làn đựng quần áo lót buộc rất cẩn thận... Ba bốn người cầm súng săn, hai người có súng trường, một người đeo súng lục ở thắt lưng bên ngoài áo bành tô. Tất cả đều nai nịt chỉnh tề, và tuy ăn mặc linh tinh, nhưng cố sửa vuốt áo quần thế nào cho gọn gàng trong lúc hành quân.
Khi Malinin và Xintxốp đi đến thì họ đang đùa cợt người đàn ông tóc hơi bạc, có chiếc làn đựng quần áo lót.
- Lão Trôphimốp lại sửa soạn đi câu đây, ái chà trông bà xã gói ghém cho kìa! Trong đó nào là thức ăn nhậu trong hai hôm, nào chai rượu, nào gối thêu... Đủ lệ bộ!
- Thế cần câu của bác đâu, bác Trôphimốp? Quên rồi hả?
- A-a, Malinin, Malinin đây rồi! - có mấy người cùng lên tiếng gọi Malinin ngay lập tức.
Rõ ràng là hầu như mọi người đều biết ông.
- Cấp cao nhất đến đây rồi, nghĩa là đã tới lúc tập hợp, - một người nói.
- Thế Ikônnikốp ở đâu nhỉ? - Malinin đưa mắt đếm hết tất cả mọi người và hỏi. - Không đến à?
- Ikônnikốp sẽ không đến đâu, - người xách làn mà anh em gọi là Trôphimốp liền đáp. - Tôi đã ghé vào gọi bác ấy nhưng thấy đội cứu sập đang bới tầng hầm ở đó... Còn bác ấy thì đang ở dưới tầng hầm.
- Thế ở dưới hầm họ có báo hiệu gì không? - Malinin hỏi.
- Họ đang gõ để báo tin là còn sống.
Có người cười khẩy nói rằng không có gì tệ hại hơn các tầng hầm đó, thà chết ở nhà mình còn hơn!
- Nếu Ikônnikốp không đến thì đủ rồi đấy! - Malinin nói.
Họ xếp hàng đôi. Malinin đứng đầu còn Xintxốp thì đứng một mình ở cuối. Thế là họ đi thành đội ngũ vào cái sân rộng thênh thang của trường dạy nghề, ngang qua người lính gác mặc thường phục. Người ấy để họ đi qua và chào Malinin theo kiểu thân mật:
- Chào bác Alêcxây Đênhixứts!
- Chào đồng chí. - Malinin đáp lại có ý không bằng lòng với lối chào hỏi dân sự như vậy.
Ông để anh em đứng ngoài sân và đi vào nhà gặp chính ủy tiểu đoàn báo cáo là trung đội đã đến.
Lâu sau chừng hai mươi phút, ông vẫn chưa trở lại. Cuối cùng, ông quay ra và mặt còn cau có hơn thường ngày.
- Trôphimốp. - ông nói với người xách chiếc làn. - Tôi chỉ định đồng chí làm chỉ huy trong lức vắng mặt tôi. Xin thông báo rằng hôm nay đã quy định là ngày luyện tập. Nội trong ngày hôm nay, các đại đội trưởng sẽ phải đến. Hôm nay trung đội ta sẽ lĩnh mười lăm khẩu súng trường, còn sau đó sẽ hay. Việc luyện tập chung bắt đầu vào lúc mười giờ, còn bây giờ thì có thể vào trong doanh trại cho ấm. Chúng ta đã được phân chia phòng số mười chín, phòng thứ hai về bên phải. Còn cậu Xintxốp thì ở lại đây, - Malinin nhìn Xintxốp tựa hồ như ông ta bị đau răng và từng tiếng nói ra đều khiến ông đau nhức. - Chúng ta đi đến gặp chính ủy.
Xintxốp thoáng nghĩ: “Bắt đầu rồi đây”.
- Tôi dẫn vào đây rồi, đồng chí hỏi chuyện đi, - khi họ đã đi vào chỗ chính ủy tiểu đoàn, Malinin liền nói, vẫn với vẻ cau có như thế.
Chính ủy tiểu đoàn ngồi trong lớp học, sau chiếc bàn giáo viên; sau lưng ông là tấm bảng đen, trên đó chằng chịt những nét chữ và hình vẽ bằng phấn.
Malínin ghé ngồi xuống bên chiếc bàn học sinh. Xintxốp vẫn đứng.
Chính ủy tiểu đoàn là một người ăn mặc gọn gàng tuổi trạc năm mươi. Ông mặc cái áo len đan dày và bộ com lê màu xanh thẫm, đeo chiếc huân chương Cờ đỏ đã cũ. Cái áo măng tô bằng da và chiếc mũ bằng da lông hươu non quàng trên ghế bên cạnh. Một khẩu súng lục với tấm biển nhỏ bằng bạc gắn vào bao đang nằm trên bàn trước mặt chính ủy.
- Anh ngồi xuống đây, - ông ta không chào mà bảo Xintxốp như vậy. - Cần phải suy nghĩ xem là nên xử sự với anh ra sao. Vì tôi đã bảo rằng không nên nhận những người như thế, còn đồng chí Malinin đây lại không bằng lòng.
- Đồng chí cứ việc ra lệnh, tôi không bằng lòng thì có can hệ gì đâu! - Malinin nói.
- Tôi lại chưa nhớ được cách ra lệnh như thế nào. - Chính ủy nhếch mép cười. - Bao giờ mặc quân phục vào, tôi nhớ được, lúc ấy tôi sẽ bắt đầu ra lệnh. Còn bây giờ thì ta hẵng cứ bàn bạc xem. Đồng chí Malinin đã kể cho tôi nghe những nét lớn trong câu chuyện của anh. - ông ta lại quay sang Xintxốp. - Nhưng có lẽ anh cũng muốn tự mình thêm vào một số chi tiết nữa phải không?
Chính ủy có mái tóc rẽ lệch màu xám bạc nhuộm ánh thép. Khuôn mặt hẹp, thông minh, đôi môi mím lại, vẻ giễu cợt và đôi mắt cũng đượm vẻ giễu cợt sau cặp kính đắt tiền gọng vàng.
- Thêm gì nữa nhỉ. - Xintxốp vừa nói vừa nhìn vào đôi mắt giễu cợt ấy. - Hành nhau chỉ tổ đau lòng!
Vì thất vọng nên anh thốt ra những lời cục cằn đó nhưng vừa may giọng cục cằn này không hiểu sao lại làm cho chính ủy có ấn tượng tốt.
- Chà, giở lòng với ruột ra ngay nhỉ! - ông ta nói. - Mặc dầu họ của tôi là họ người Đức, nhưng đối với anh, tôi không phải là bọn Đức để làm cho anh đau lòng đâu. Theo lời kể lại của đồng chí Malinin thì anh đã bị đau lòng nhiều lắm rồi. Nhưng tôi lại nghi ngờ ở cái này cơ, nếu anh có khả năng giải quyết nó thì cứ phản đối! Giá mà anh là một người dân sự thì chỉ cần đặt vấn đề tin hay không: đồng chí Malinin tin vào anh, còn tôi lại tin vào đồng chí ấy. Nhưng anh lại là quân nhân thuộc quân số thường trực, biết đâu lại chẳng hóa ra như chúng tôi giấu anh ở chỗ mình.
- Ấy chết, bác Nhicôlai Lêôniđôvíts, sao lại nói chuyện che giấu thế nhỉ, nghe đến là kỳ quặc! - Malinin không nén được.
Chính ủy chiếu cặp kính sáng lóa về phía ông ta và vẫn nói:
- Anh là sĩ quan thuộc quân số thường trực, cho nên muốn giải thích những hành động trước đây của mình và được trở ra mặt trận thì phải đến gặp cơ quan có trách nhiệm. Theo tôi, những vấn đề này do phòng đặc nhiệm phụ trách, hay tôi cho rằng anh cần phải đến gặp viện kiểm sát quân khu, bởi vì anh thuộc quyền hạn của họ. Còn trụ sở của nó cách đây cũng không xa đâu, vừa đúng ở cạnh nhà tôi, phố Mônsanốpka. Tôi khuyên anh hãy đến đó. Tôi không đề nghị anh nhắc lại câu chuyện của mình, bởi vì cái đó dù sao chăng nữa vẫn không thay đổi được quyết định của tôi. Thế là hết đấy. - Ông ta kết luận giọng nhỏ nhẹ nhưng tàn nhẫn, và Xintxốp bắt đầu hiểu rằng cách ăn nói nhã nhặn trơn tru của ông ta bất quá chỉ là một hình thức đã quen dùng để diễn đạt mà thôi.
- Gube, ít ra cậu cùng viết cho cậu ấy một mảnh giấy kèm theo người chứ, - Malinin chợt đổi giọng xưng hô bằng “cậu tớ”. - Nếu không thì người ta chẳng có giấy tờ gì cả. May mà cậy ấy đã gặp tôi ở quận ủy, tôi còn nhớ mặt.
- Thôi được, - Gube nói cộc lốc, không ra vẻ không bằng lòng và giở cuốn sổ tay đặt trên bàn, rút bút máy trong túi ra, mở nắp rồi bắt đầu viết.
- Họ anh là Xinhép à? - viết xong hai giòng đầu tiên ông ta hỏi.
- Xintxốp, - Xintxốp chữa lại, - I.P.
- “Xintxốp I.P.” - Gube vừa nhắc lại vừa ghi họ tên, và sau khi viết được mấy dòng, ông ký tên, xé tờ giấy ra khói cuốn sổ, gập làm đôi và đưa cho Xintxốp. - Chúng tôi không có dấu đâu, tin nhau là chính! Nếu họ tin và chấp nhận thì tốt, bằng không thì... - Ông ta nhún vai.
- Đồng chí cho phép đi chứ ạ? - Xintxốp tái mặt hỏi.
- Xin mời.
Xintxốp giận dữ làm động tác bên trái quay rất dứt khoát, theo đúng tác phong quản sự và đi ra, nện mạnh đôi ủng rách.
Còn lại Gube và Malinin. Họ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Malinin thở dài sườn sượt, cơn giận làm ông nghẹt thở.
- Malinin, có gì cứ nói đi, nếu không thì chết ngạt đấy, ái chà, y như ai đang vặn cổ cậu thế. Cứ nói chuyện thân tình thôi, lệnh bổ nhiệm chưa có. Nhờ ơn quận ủy tớ mới tạm thời làm chính ủy, vả lại cậu với tớ là chỗ quen biết cũ...
- Cậu thật là một thằng mềm mỏng mà hình thức chủ nghĩa, - Malinin sa sầm mặt rít lên. - Tớ không hiểu sao trước kia cậu lại làm được chính ủy lữ đoàn.
- Phải nói là ở trong tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất [Tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất được thành lập từ hồi nội chiến, do Buđiônưi chỉ huy] nữa chứ. - Gube nhếch mép cười. - Nhưng, vả chăng đó chỉ là trước kia! Mà từ ngày ấy đến giờ, tớ đã ngồi mòn đũng chín chiếc quần ở trong tổng cục của mình. Mười lăm năm buôn bán với người nước ngoài nên đâm hư đốn ra... Tớ giải quyết các vấn đề như thế nào thì cậu thấy đấy.
- Cũng thấy rồi đấy. Bỏ quên tâm hồn ở trong cặp, mà cặp thì lại để ở nhà.
- Được nghe cậu nói thế cũng thú đấy, Mahnin ạ. Thế cậu có biết rằng chính cậu đã được đặt tên là gì không, đương nhiên là nói sau lưng thôi?
- Biết chứ, - Malinin nói, - Malinin và Burenin... [Tác giả của cuốn sách giáo khoa về số học cho các lớp một trường tiểu học ở nước Nga trước cách mạng]
- Chính thế, - Gube lại nhếch mép cười. Như thế là vì trong hai chục năm tất cả các bài tính toán của quận ủy đều nằm trong đầu cậu và tất cả câu hỏi cùng đáp số đều ăn khớp với nhau như trong quyển sách giáo khoa! Thế mà bây giờ bỗng dưng cậu định sống một cách hào phóng sởi lởi. Chiến tranh đang thanh lý hết mọi thứ, có phải thế không? Mọi trật tự đều bị vứt bỏ à? Tớ không ngờ cậu lại làm thế cơ đấy!
- Thôi được. - Malinin nói. - Cậu sợ rằng cậu ấy, - Malinin trỏ tay ra cửa tựa hồ như Xintxốp còn đứng đó, - lại kể hết cho cậu nghe, sợ rằng lúc đó cậu lại quyết định theo cách khác, còn bây giờ thì hãy im di! Hãy im đi cho khỏi thẹn và đừng có cà khịa với tớ...
- Nhưng thẹn vì cái gì chứ? - Gube nói, mặt bỗng đỏ bừng và mất cái vẻ chế giễu tự vệ của mình. - Tớ xử sự rất đúng: cậu ấy là quân nhân, phải đến gặp viện kiểm sát để họ giải quyết theo đúng thể thức.
- Hiện giờ ở khắp mọi nơi và tất cả mọi việc người ta đều giải quyết theo đúng thể thức à? - Malinin ngắt lời ông.
- Chà, tất cả hay không tất cả, - Gube nói. - nhưng tớ nghĩ rằng viện kiểm sát quân sự người ta có thể làm sáng tỏ vấn đề và không cần chúng ta thì cậu ấy vẫn được ra mặt trận một cách đường hoàng.
- Thôi được, vậy thì cậu im đi, đã làm rồi thì im đi đừng phân bua nữa, - Malinin lại xua tay và đứng dậy, đặt tay lên vành mũ lưỡi trai mau đen hình mỏ vịt, hỏi - Đồng chí cho phép đi về trung đội chứ ạ?
Trong lúc ấy. Xintxốp đã đi tới gần tòa nhà của viện kiểm sát quân sự ở phố Môntranốpka. Dọc đường, anh đã hai lần giở tờ giấy do Gube viết ra đọc lại. Nét chữ của Gube đẹp rắn rỏi và chữ ký của ông trang trọng đến nỗi quả thực tờ giấy đã có vẻ một chứng từ mặc dầu không đóng dấu. Trên đầu viết: “Kính gửi Viện kiểm sát quân khu Maxcơva” và ở dưới: “Giấy giới thiệu”. “Xin giới thiệu với quý cơ quan đồng chí Xintxốp I. P. đến để trình bày một việc riêng. Chính ủy tiểu đoàn cộng sản quận Phrundê, chính ủy lữ đoàn dự bị N. Gube”.
Một chiếc xe hơi cũ kỹ đỗ trước tòa nhà viện kiểm sát và người chiến sĩ lái xe đang ngủ gật. Cửa sổ tòa nhà dán đầy những băng giấy ngang dọc, nhưng cũng chả ăn thua gì: một nửa số cửa sổ đã bị vỡ kính. Xintxốp đẩy cửa bước vào. Có hai cửa lớn từ tiền sảnh ăn thông vào trong; một cửa có lính gác, cửa kia hé mở và không có ai cả. Xintxốp đi qua cửa này vào một căn phòng kê hai chiếc bàn tròn và ghế dựa cho khách ngồi đợi, trên tường có hai cửa tò vò bằng gỗ. Một cửa có chữ đề: “Phát thẻ ra vào”, cửa kia đề “Nhận bưu phẩm”, nhưng cả hai cửa đều đóng kín. Xintxốp gõ, lúc đầu nhẹ sau mạnh. Cửa lớn hé mở và người lính gác nhòm vào.
- Cái gì mà ồn thế? - anh ta gọi Xintxốp. - Đây không có ai đâu, gõ làm gì.
- Tôi cần vào viện kiểm sát. - Xintxốp nói.
- Ở đây không có ai đâu, đứng gõ nữa.
- Thế thì tôi đề nghị với đồng chí vậy.
- Cũng chẳng có gì mà đề nghị với tôi đâu, - người lính gác gạt phắt. - Anh ra khỏi nhà đi! Anh có thẻ ra vào không.
- Không.
- Thế thì anh chả có việc gì làm ở đây đâu, tôi không cho vào đâu... Ra đi, nào? - anh ta quát giọng đe dọa và đẩy nhẹ Xintxốp ra đường.
Chiếc xe hơi có người lái đã chạy rồi và đường phố trở nên vắng tanh vắng ngắt. Xintxốp hiểu rằng đề nghị lần nữa với người linh gác là vô ích, nên định bụng đợi ở ngoài phố. Nhất định sớm muộn thế nào cũng phải có một cán bộ ở viện kiểm sát đi xe hay đi bộ đến đây.
Suốt một giờ đằng đẵng, Xintxốp vừa run cầm cập trong gió lạnh và cứ băn khoăn không thể giải thích được là tại sao chả có ai ra vào viện kiểm sát, vừa đi đi lại lại trên vỉa hè trước tòa nhà đó.
Cuối cùng không chịu được, anh lại đi vào tiền sảnh; người lính gác nhìn anh bằng cặp mắt nặng nề, ngờ vực và tựa hồ như mới thấy anh lần đầu, hỏi với giọng bực tức.
- Anh cần gì?
- Hay là đồng chí gọi hộ cho tôi người thường trực!
- Tôi chẳng gọi ai cho anh đâu. Không được phép đi lại lảng vảng ở đây đâu, đi đi, nếu không tôi bắt giam đấy!
- Cứ bắt đi, - Xintxốp đáp với vẻ rất sẵn sàng.
Nhưng người lính gác lại không có ý định bắt anh.
- Đi đi, nếu không tôi dùng vũ khí đấy! - anh ta gầm ghè ra dáng lúng túng. - Mà đừng lảng vảng ở trước nhà: không được phép thế đâu!
Khi nói tới đây, thậm chí anh ta chĩa súng về phía trước. Xintxốp thản nhiên nhìn khẩu súng trường, nhìn cái lưỡi lê chĩa về phía mình, quay lưng lại phía người lính gác và đi ra ngay không nói một lời nào nữa. Chỉ còn cách là đợi: có lẽ dù sao cũng sẽ có ai ra vào chứ... Bây giờ anh không đi ngang qua trước cửa nữa mà dạo bước trên vỉa hè phía bên kia, xế cửa viện kiểm sát.
Đường phố tựa hồ như chết lặng. Xintxốp không biết là đã mấy giờ rồi và lại tạt vào tiền sảnh. “Mình sẽ tìm cách để họ bắt giam! Mình sẽ văng tục, không chịu di. Còn biết làm sao được nữa nhỉ?”
Anh đi vào với ý định đó, mong rằng mình sẽ va chạm lần thứ ba với người lính gác cau có đã từng kình địch nhau với anh, nhưng người ấy đã được đổi gác. Một chiến sĩ hồng quân nhỏ bé có bộ mặt con gái với hàng lông mày đen đang đứng gác.
- Đồng chí chiến sĩ, - Xintxốp vừa rút ngay tờ giấy ra khỏi túi, vừa đi thẳng đến người lính gác và cương quyết nói, - Giấy giới thiệu của tôi đây. Đồng chí hãy gọi hộ trực ban hoặc báo cáo với đồng chí ấy. Tôi có việc khẩn cấp.
Người chiến sĩ nhận tờ giấy ở tay Xintxốp, Xintxốp đưa giấy xong lùi lại một bước. Anh chiến sĩ nhận thấy điều đó và liếc mắt ước lượng khoảng cách giữa mình và người đưa giấy rồi bắt đầu xem. Mấy giây liền, trong lòng anh sự kính trọng đối với chữ ký “Chính ủy lữ đoàn dự bị”, đã đấu tranh với sự nghi ngờ đối với tờ giấy không đóng dấu. Cuối cùng, anh liếc nhìn Xintxốp lần nữa, cầm lấy ống nghe của chiếc máy điện thoại đặt trên cái bàn con.
- Trạm gác xin báo cáo với trực ban. Ở đây có một người cầm giấy giới thiệu của một chính ủy lữ đoàn để đến viện kiểm sát. Tôi đọc không ra họ tên của chính ủy. Người này để nghị đồng chí xuống đây một tí... Rõ! Tôi nghe đây... Đồng chí trực ban sắp xuống bây giờ đấy, - anh ta báo Xintxốp và trao trả tờ giấy.
Năm phút sau, một thượng úy quân pháp từ trong cửa bước ra. Đó là một người trẻ tuổi, hơi gầy gầy, có mái tóc vừa mới chải vội chải vàng còn bóng loáng những nước và một vết đỏ trên má bên phải. Hình như ngay trước khi nghe điện thoại, người sĩ quan quân pháp đã ngủ gục xuống bên bàn và tì má vào nắm tay. Anh ta xem xong giấy, liền trả lại và nhìn Xintxốp.
- Tại sao không có dấu? - anh ta hỏi.
Xinixốp trả lời là tiểu đoàn cộng sản không có dấu. Người trực ban gật đầu - lời giải thích đơn giản này trong những ngày ấy không làm cho anh ngạc nhiên.
- Này, hỏi thực là đồng chí cần gì mà đến viện kiểm sát? Tại sao họ lại giới thiệu đồng chí đến?
- Họ giới thiệu tôi đến về việc riêng của tôi. - Xintxốp nóị và ngoái nhìn quanh. Thế nào nhỉ, cứ đứng như thế này ở đây, ở nơi tiền sảnh mà kể ra hết mọi chuyện cần phải kể à? - Tôi đề nghị là đồng chí hoặc người được sự ủy nhiệm của đồng chí sẽ dành cho tôi nửa giờ.
Người trực ban lại nhìn Xintxốp lần nữa. Bộ mặt của anh khiến người ta tin cậy được: cởi mở, ngay thật, mệt nhọc. Quả thực quần áo có vẻ được thu nhặt ở đâu ấy, vừa không đúng cỡ vừa bẩn, còn ủng thì đã rách bươm. Nhưng sĩ quan trực ban nhớ rằng người này đến đây với giấy giới thiệu của tiểu đoàn cộng sản và nghĩ thầm là hy vọng sẽ được lĩnh quân phục, cho nên nhiều anh em, khi rời khỏi nhà ra đi, đã vớ được gì thì mặc nấy. Chắc đây là một người lương thiện: thời buổi này, những kẻ bất lương đều lánh xa các viện kiểm sát quân sự. Nhưng sĩ quan trực ban không thể nghe câu chuyện của người này kể, mà cùng không thể giới thiệu anh ta đến một cán bộ khác nữa, đồng thời không thể giải thích lý do tại sao mình không thể làm hai việc ấy.
Mà lý do là ngoài hai người lính gác - một đã được đổi gác, hiện đang ngủ và một đang đứng gác - thì anh, thượng úy quân pháp Pôlôvinkin là người độc nhất hiện nay còn lại trong tòa nhà của viện kiểm sát quân khu. Sau khi nhận được lệnh, viện kiểm sát đã di chuyển sang địa điểm khác ở một ga ngoại thành Maxcơva; tới hôm nay là ngày thứ ba. Hồ sơ lưu trữ đã được đưa đến chỗ tản cư, còn các hồ sơ đang giải quyết thì đã được chở sang địa điểm mới. Đã hai ngày đêm nay ở viện kiểm sát chỉ còn lại những chiếc tủ không, các máy điện thoại, hai người lính gác và anh là trực ban, có nhiệm vụ giới thiệu địa chỉ mới cho những người tìm đến đây hay gọi điện thoại đến đây và cho những người được phép biết địa chỉ đó. Người trực ban không thể nói chuyện với Xinixốp ở chỗ này được, bởi vì anh ta phải thường trực trên gác bên chiếc máy điện thoại. Đưa Xintxốp theo mình lên gác thì anh cho là không được, bởi vì bất cứ ai khi trèo lên tới tầng thứ hai của viện kiểm sát đều sẽ biết rõ rằng nó đã di chuyển. Mà người ngoài lại tuyệt nhiên không được phép biết việc ấy.
- Thế này nhé. - Pôlôvinkin cân nhắc trong đấu óc tất cả các khả năng và nói, - anh hãy ngồi đợi trong phòng cấp thẻ ra vào này. Tôi đang làm trực ban nên không thể bỏ việc để nghe câu chuyện của anh, còn những ai có thể nghe được thì hễ họ rỗi việc là tôi sẽ báo ngay. Hoặc là chúng tôi sẽ mời anh lên hoặc là họ sẽ xuống đây nói chuyện với anh. Hãy để cho anh ấy ngồi đợi ở đó nhé, - anh giơ tay chỉ cho người lính gác căn phòng có hai cửa tò vò. Tôi cho phép...
- Đồng ý, cám ơn. - Xintxốp nói. - Chỉ có điều là hình như tôi đã đợi mất ba giờ rồi.
- Thôi đành vậy, đành phải đợi nữa vậy.
Người trực ban chẳng biết rằng Xintxốp sẽ phải đợi mất bao nhiêu lâu, nhưng lời anh đề nghị nên đợi không phải là đạo đức giả. Cách đây một giờ, một thủ trưởng đã từ địa điểm mới gọi điện thoại đến và báo rằng ông sẽ cùng một đoàn cán bộ quay trở về đây. Vì nghĩ tới đoàn cán bộ đó, cho nên Pôlôvinkin mới dặn Xintxốp “cứ đợi”.
Anh ta đi về chỗ của mình trên gác, còn Xintxốp thì bắt đầu đợi. Thoạt tiên, anh vừa chờ đợi một cách sốt ruột vừa đếm từng phút. Về sau, anh đếm lẫn mất và ngủ thiếp đi, rồi khi tỉnh giấc, anh nhảy phắt vào tiền sảnh và bảo người lính gác với cái vẻ vội vàng của một kẻ vừa mới thức dậy:
- Cho tôi nói chuyện điện thoại với trực ban!
Cái giọng kiên quyết đã có tác dụng đối với người gác, anh ta quay số máy gọi trực ban và nói:
- Cái anh mà đồng chí bảo đợi ấy, đang đề nghị nói chuyện với đồng chí đấy. Có cho nói không?
Chắc hẳn người kia trả lời đồng ý, bởi vì anh ta đã trao ống nói cho Xintxốp.
- Cái gì thế hả? - nghe một giọng nói tỏ ý không bằng lòng.
- Báo cáo thượng úy quân pháp, - Xintxốp nói. - Thế là chả có ai gọi tôi cả!
- Cứ đợi đây rồi sẽ có người gọi, - người trực ban đáp.
- Nhưng tôi phải quay về đơn vị kia mà. - Xintxốp liền nói dối một cách thất vọng. - Nếu không, tôi sẽ hóa ra là tự do rời đơn vị..
Cái ống nói im lặng trong mấy giây.
- Thôi được, nếu anh đã nóng vội vậy thì hãy ngồi ở dưới đó mà viết hết tất cả những việc định thông báo với viện kiểm sát và để lại đây. Bao giờ viết xong thì báo người gác gọi điện thoại cho tôi xuống lấy nhé.
Xintxốp còn tiếp tục đứng áp ống nghe vào tai trong mấy giây nữa. Chỉ còn cách là làm theo lời người trực ban. Không thể nghĩ ra cách nào khác... Đành phó thác cho tờ giấy, đành gửi lại đây, rồi họ sẽ thấy rõ.
“Còn mình thì sẽ quay trở lại tiểu đoàn”, - bỗng anh nghĩ vậy một cách cương quyết và cảm thấy nhẹ nhõm
Anh sờ tay vào tập giấy gấp tư để viết thư cho Masa mà anh đã lấy ở chỗ Malinin, khi còn ngồi tại quận ủy. Tập giấy này hiện đang nằm trong túi áo bông. Rồi anh trở lại phòng cấp thẻ ra vào và tìm được một chiếc quản bút với cái ngòi đã cong nhưng còn dùng được. Sau khi thử ngòi bút và dốc mực còn lại ở hai cái lọ vào một, anh vuốt thẳng mấy tờ giấy, ngồi tì ngực vào bàn và bắt đầu viết lia lịa hết trang này sang trang khác, không hể dừng lại và suy nghĩ gì.
Khi anh viết xong trang thứ tám và trình bày hết mọi hoàn cảnh, ngoài phố trời đã bắt đầu tối.
Anh muốn đọc hết tất cả một lượt nhưng thoạt nhìn qua cửa sổ, liền xua tay và viết câu cuối cùng xuống phía dưới tờ giấy cuối cùng:
“Trong tất cả hành động của mình, tôi cho rằng có hai việc sau này là không đúng: không đến phòng Đặc nhiệm ở nơi tôi thoát khỏi vòng vây mà lại bỏ đi như tôi đã trình bày ở trên, và khi đi về gần đến Maxcơva đã không vào trạm kiểm soát giấy tờ mà lại đi vòng qua trạm. Nếu tôi trình bày tất cả những sự việc này sai sự thật thì xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quân pháp”.
Anh ký tên, đề ngày tháng rồi đọc lại những giòng cuối cùng và viết thêm: “và trước đảng” vào sau mấy từ “trước quân pháp”.
Trong tiền sảnh lại diễn ra những thủ tục ban nãy. Xintxốp đề nghị người gác gọi trực ban, anh này liền gọi điện thoại và mấy phút sau người trực ban đã hiện ra trong khung cửa.
- Anh viết xong rồi à? - Anh ta cấm lấy mấy tờ giấy ở tay Xintxốp với điệu hộ quen thuộc, trước hết nhìn vào đoạn đầu xem đề gửi cho ai có đúng không, sau mới lật lật và xem lướt qua đoạn cuối.
- Anh có ghi địa chỉ của anh để sau khi nghiên cứu người ta biết chỗ mà tìm không?
- Có chứ, ở đằng đầu ấy. - Xintxốp chỉ cho người trực ban cái chỗ có viết: “Tiểu đoàn cộng sản thuộc quận ủy Phrunde hiện nay đóng quân ở địa chỉ: phố Plusikha, số 2”, tòa nhà của trường dạy nghề.
Ghi xong, anh sực nhớ lại, liền móc từ trong túi ra tờ giấy mà Gube đã cấp cho anh.
- Báo cáo thượng úy quân pháp! Đồng chí ghi cho vào giấy giới thiệu này là tôi bị giữ lại đến tối, nếu không thì coi như trái phép đi ra ngoài doanh trại...
Anh hơi nói dối một chút: vấn đề không phải là ở chỗ anh về lúc nào mà là anh cần để cho Gube thấy rằng quả thực anh đã đến viện kiểm sát.
- Được, tôi sẽ viết là anh đã ở đây cho tới mười tám giờ. - người trực ban nói.
- Và nếu có thể thì đồng chí đóng dấu cho!
Người sĩ quan trực ban cau mày, nghĩ rằng sẽ phải trèo lên gác hai rồi lại đi xuống và trèo lên lần nữa, liền dặng hắng, định từ chối nhưng sau đó nghĩ lại (trái tim đâu có phải là gỗ đá!) nên cầm lấy tờ giấy của Xintxốp đi ra và hai phút sau đã quay xuống.
- Cầm lấy! - anh báo Xintxốp với vẻ bực tức của một người tốt bụng không bằng lòng với lòng tốt của mình.
Lúc đi ra tới đường phố đã tối, Xintxốp giở tờ giấy ra. Giấy không đóng dấu tròn nhưng có dấu vuông với tiêu đề: “Viện kiểm sát quân khu Maxcơva”. Dưới tiêu đề đó có ghi: “Đã ở viện kiểm sát tới mười tám giờ - ngày 18.X.1941”. Sau đó lá chữ “p” hoa rất đẹp và nét bút gạch nghiêng xuôi dưới chữ ký bằng họ mà Xintxốp không biết được là họ gì.
Sau lệnh báo yên của cuộc báo động đầu tiên trong suốt buổi tối hôm đó, khi đốc canh vào báo với Gube rằng có một người họ là Xintxốp đang đứng trước cổng và nói rõ là anh ta được phép ra ngoài doanh trại theo giấy của Gube, bây giờ đã trở về và phải trình diện chính ủy thì Gube nhếch mép cười, sửa lại cặp kính và bảo rằng cứ cho người ấy vào gặp ông, luôn tiện gọi cả Malinin nữa.
Xintxốp tới chỗ Gube trước tiên, Malinin chưa đến
- Đồng chí Xintxốp, thế nào? - Gube nói giọng chế giễu, - viện kiểm sát đóng cửa để sửa chữa hay đồng chí không tìm ra phố Môntranốpka, hay còn lý do nào khác nữa?
Xintxốp rút tờ giấy giới thiệu của Gube và đặt xuống trước mặt ông ta.
Gube chăm chú xem tờ giấy, tựa hồ như không phải tự tay mình viết, sau đó lật nghiêng nó ra và đọc to dòng chữ của trực ban viện kiểm sát ghi: “Đã ở viện kiểm sát đến mười tám giờ”.
- Thôi được, hóa ra họ đã phân tích xong vấn đề của đồng chí và giới thiệu trở về đây à? Có phải thế không? - Gube ngửng mặt lên và hỏi.
- Không, - Xintxốp trả lời. - Không phải thế đâu.
- Thế cụ thể là thế nào?
Xintxốp kể lại rằng anh đã viết lá đơn để lại ở viện kiếm sát.
- Và trong đó đồng chí cùng trình bày tất cả những điều mà Malinin đã nói với tôi về đồng chí à?
- Tất cả.
- Không giấu giếm cái gì à?
Xintxốp nhún vai và Gube tự nghĩ một cách thành thực rằng câu hỏi của mình ngớ ngẩn thật. Giấu giếm làm gì khi mà người này, nếu là một kè hèn nhát thì hôm qua hắn đã có thể dễ dàng đào ngũ về tận hậu phương xa, còn nếu hắn là một kẻ gian hùng thì chắc hẳn đã kịp nói phét về bản thân mình và luồn vào một đơn vị nào đó. Ở giữa Viadơma và Maxcơva hiện nay, số người bị lạc đơn vị và mất giấy tờ có phải là ít đâu!
Thậm chí lúc nghĩ rằng có bao nhiêu người, ông ta đã huýt sáo và bỗng mỉm cười với Xintxốp không có ý chế giễu như từ trước đến nay khi chẳng có ý gì, bởi vì ông cũng biết mỉm cười chẳng có ý gì, rồi nói:
- Anh ngồi xuống đây, Malinin sẽ đến bây giờ, chúng tôi sẽ bàn xem...
Gube đang ở trong tâm trạng phấn khởi. Tiểu đoàn đã được lĩnh năm trăm khẩu súng trường thêm vào số một trăm sáu mươi khẩu đã có từ sáng; bây giờ tiểu đoàn đã được trang bị ít ra cũng toàn bằng súng trường nhưng điều chủ yếu là ngày mai nó sẽ được xe ô tô chở đến gần mặt trận hơn.
Gube chưa biết là sau đó sẽ ra sao: hoặc tất cả các tiểu đoàn sẽ được phiên chế thành một sư đoàn, hoặc người ta sẽ dùng các tiểu đoàn này để bổ sung cho các đơn vị khác. Nhưng dù sao chăng nữa điều đó cũng giống cái công việc mà, vì nó nên Gube đã theo quyền hạn của một cựu cán bộ kỵ binh, để đòi được ở lại Maxcơva, sau khi cho tổng cục của mình tản cư dưới sự chỉ huy của đồng chí phó tổng cục trưởng.
Malinin bước vào, trông thấy Xintxốp và cứ hầm hầm nhìn anh rồi cau có gật đầu theo cái bản tính lạnh lùng của ông.
- Đây, mời cậu xem đi... - Gube vừa đẩy tờ giấy trên bàn về phía ông, vừa cố giấu vẻ mặt chế giễu. - Một ông quan liêu viết một tờ giấy quan liêu, một ông khác phê vào giấy, còn con người bằng xương bằng thịt, - ông ta hất hàm trỏ Xintxốp, - thì cứ đi lại theo cái vòng luẩn quẩn này và vì các ông quan liêu ấy nên không thể ra mặt trận được. Thế nào, theo ý cậu, - bỗng ông ta vui vẻ hỏi: - thế có thể chấm dứt cái bệnh quan liêu này đi, ghi tên chiến sĩ tình nguyện Xintxốp vào trung đội cậu và đến đây xin vĩnh biệt nền pháp chế và hô muôn năm tác phong du kích?! Hả?
Nhưng Malinin không hưởng ứng lời nói đùa.
- Thế họ quyết định ra sao? - ông sa sầm nét mặt hỏi.
- Quyết định ra sao à? - Gube hỏi lại vẫn với giọng vui vẻ như thế. - Tờ giấy này sẽ để lại ở chỗ tớ, còn đồng chí ấy, - Gube hất hàm trỏ Xintxốp, - thì sẽ ở chỗ cậu. Ngộ nhỡ ra có chuyện gì không hay thì tớ sẽ dùng tờ giấy này để tự biện bạch, còn cậu thì sẽ tự biện bạch bằng tinh thần thái độ của đồng chí Xintxốp trong chiến đấu!
Gube nói những lời cuối cùng một cách nghiêm trang và nhưng lời ấy nghe gần như thống thiết, trái ngược với giọng nói thường ngày của ông.
- Tôi sẽ không phụ lòng tin cậy, - Xintxốp nói. - Các đồng chí cứ yên tâm!
- Nhưng nói chung tôi ít khi lo lắng lắm, - Gube rời khỏi bàn, đứng dậy, với giọng giễu cợt như ban nãy. Ông ta là người có sợi dây đàn lãng mạn, nhưng thường vẫn nén nó lại trong lòng mình, cả bây giờ cũng vậy.
- Có thể về được rồi chứ? - Malinin cau có hỏi.
- Nếu cậu không muốn phát biểu ý kiến thì có thể về được.
- Nhưng phát biểu gì nhỉ? Nếu như bây giờ mà quyết định khác thì tôi sẽ đến quận ủy khiếu nại về đồng chí.
- Cậu sẽ sử dụng cái khả năng cuối cùng à? - Gube châm chọc.
- Chính thế. - Malinin nói và quay sang Xintxốp: - Ta đi thôi!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét