Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 1

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

Cuốn tiểu thuyết này dành tặng cho ba người không còn ở trên cõi đời này để đọc nó.

Cha tôi, Edgar, người cho tôi sức mạnh.
Mẹ tôi, Barbara, người cho tôi sự thấu hiểu.
Anh trai tôi, Ian, người đã dạy tôi leo núi, kí ức về anh vẫn giúp tôi tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
*
Trong sự thay đổi thời cuộc, họ như tiếng sét mùa thu, một hiện tượng trái mùa, một hứa hẹn sáo rỗng về cơn mưa sẽ âm thầm trút xuống những cánh đồng đã trơ gốc rạ.
- Shosaburo Abe, về các samurai thời Minh Trị -

Phần Một

Người thứ ba luôn đi bên cạnh anh là ai?
Khi tôi đếm, chỉ có anh và tôi cùng sóng bước
Nhưng khi tôi nhìn ra trước lên con đường màu trắng
Bên cạnh anh luôn còn một người nữa song hành
Mặc áo choàng nâu có mũ trùm đầu và lướt thật nhanh
Tôi không biết đó là đàn ông hay phụ nữ
... Nhưng ai là người đang ở phía bên kia của anh?
- T. S. Eliot, Đất hoang

1

Harry len lỏi qua đám đông trong giờ cao điểm buổi sáng như một chiếc vây cá mập lướt trên mặt nước. Tôi đang ở phía bên kia đường, đi sau cậu ta hai mươi mét, vã mồ hôi như tất cả những người khác trong cái nóng trái tiết của Tokyo tháng Mười, và không khỏi thán phục khi thấy cậu nhóc đã tiếp thu rất tốt những gì tôi đã dạy. Cậu ta giống như chất lỏng khi lách qua một khoảng trống ngay trước lúc nó khép lại, hoặc dạt sang bên trái để tránh một nút cổ chai mới xuất hiện. Những thay đổi trong nhịp bước của Harry nhịp nhàng đến nỗi sẽ không có ai nhận ra cậu ta đã thay đổi tốc độ để thu hẹp khoảng cách với mục tiêu của chúng tôi, người lúc này đang lộ rõ vẻ gấp gáp đi xuôi con phố Dogenzaka hướng ra ga Shibuya.
Tên của mục tiêu là Yasuhiro Kawamura. Y là quan chức chính phủ thuộc Đảng Dân chủ Tự do, hay LDP, liên minh chính trị đã điều hành Nhật Bản gần như liên tục suốt từ thời chiến. Vị trí hiện tại của y là thứ trưởng Đất đai và Cơ sở hạ tầng ở Kokudokotsusho, trước là Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông, nơi y hẳn đã làm việc gì đó xúc phạm nghiêm trọng đến ai đó, bởi vì sự xúc phạm nghiêm trọng là lí do duy nhất khiến tôi nhận được cuộc gọi từ khách hàng.
Tôi nghe thấy giọng nói của Harry trong tai: “Y đang vào cửa hàng hoa quả Higashimura. Tôi sẽ đợi ở phía trước”. Mỗi người chúng tôi đều đeo một thiết bị tiếp âm được điều khiển bằng vi xử lí của Đan Mạch, nhỏ đến mức có thể gắn vào trong ống tai, nơi anh phải dùng một cái đèn pin mới tìm ra nó. Một thiết bị truyền âm có kích cỡ tương tự nằm dưới ve áo khoác. Âm thanh được truyền dẫn qua sóng siêu cao tần UHF, rất khó bắt nếu anh không biết chính xác anh đang tìm kiếm cái gì, và cũng sẽ đổi tần số nếu bị bắt được. Thiết bị này giúp chúng tôi khỏi phải giao tiếp bằng mắt liên tục và cho phép chúng tôi đi tiếp một lúc nữa nếu mục tiêu dừng lại hoặc đổi hướng. Vì vậy mặc dù ở xa phía sau, tôi vẫn biết Kawamura vừa ở đâu, và tôi có thể tiếp tục đi thêm một lúc nữa trước khi phải dừng lại để giữ vị trí đằng sau y. Theo dõi một mình quả là khó, và tôi thấy mừng vì có Harry đi cùng.
Còn cách Higashimura chừng hai mươi mét, tôi rẽ vào một hiệu thuốc, một trong hàng tá tòa nhà có mặt tiền thoáng rộng nằm trên phố Dogenzaka, phục vụ cho nỗi ám ảnh của người Nhật về những loại thuốc bồi bổ sức khỏe và chống vi rút. Shibuya là nơi sinh sống của nhiều buzoku [tầng lớp xã hội] và đại diện của một vài nhóm có mặt ở đây sáng nay, tụ lại chốn này bởi cùng có nhu cầu về một loại nước tăng lực đóng chai phổ biến mà các cửa hàng này chuyên bán, loại nước tăng lực quảng cáo là có nhân sâm và những nguyên liệu ngoại nhập khác nhưng thực chất chỉ chứa một lượng caffeine thông thường. Chờ đợi trước quầy tính tiền là vài sarariman [Từ mượn từ “Salary man” trong tiếng Anh: có nghĩa là những người làm công ăn lương, nhân viên quèn] mặc com lê màu xám, khuôn mặt cau lại, những cái ca táp rẻ tiền đung đưa bên dưới những đôi bàn tay mệt mỏi, tiếp năng lượng cho một ngày đơn điệu nhàm chán nữa trong cái bụng của cỗ máy công việc. Đằng sau họ là hai thiếu nữ có khuôn mặt vô hồn, tóc vàng xác xơ như miếng giẻ sắt vì những loại thuốc nhuộm biến nó thành màu cam, mũi đeo những cái khuyên to quá cỡ, trang phục như muốn tuyên bố sự cự tuyệt với con đường truyền thống mà những sarariman trước mặt đã chọn, nhưng cũng chẳng khiến người khác hiểu được chúng đã chọn cái gì. Và một ông tóc bạc đã nghỉ hưu, da dẻ nhăn nheo nhưng khuôn mặt tươi tỉnh lạ thường, có lẽ đến Shibuya để sử dụng một trong những dịch vụ tình dục nổi tiếng của khu vực này bằng khoản lương hưu giấu giếm vợ, không nhận ra rằng bà ta thừa biết ông đang làm trò gì và đơn giản là không thèm quan tâm.
Tôi muốn cho Kawamura khoảng ba phút để mua hoa quả trước khi tôi ra ngoài, vì vậy tôi đến xem một bộ băng cứu thương nằm ở chỗ tôi có thể nhìn ra ngoài đường. Cái cách y lẩn vào trong cửa hàng giống như một hành động có tính toán nhằm làm lộ mặt kẻ theo dõi, và tôi không thích thế. Nếu chúng tôi không phối hợp với nhau như thế này, Harry sẽ phải dừng lại đột ngột để duy trì vị trí đằng sau mục tiêu. Cậu ta có thể sẽ phải làm một việc kì cục gì đó, như là cột dây giày hoặc dừng lại để đọc một tấm biển chỉ đường, và Kawamura, có lẽ đang nhòm ra qua lối vào của cửa hàng, có thể sẽ phát hiện ra cậu ta. Thay vào đó, tôi biết Harry sẽ tiếp tục đi qua cửa hàng hoa quả; dừng lại cách đó khoảng hai mươi mét, báo cho tôi biết vị trí của mình, và bám theo sau sau khi tôi nói “cuộc diễu hành” lại được tiếp tục.
Cửa hàng hoa quả là một địa điểm tốt để rẽ vào, được lắm - với một người quen thuộc con đường này, việc chọn nó hẳn không phải là tình cờ. Nhưng Harry và tôi sẽ không bị lộ vì những nước đi a-ma-tơ từ cuốn sách dạy chống khủng bố vỡ lòng của chính phủ. Tôi đã từng được huấn luyện như thế, vì vậy tôi biết nó thế nào.
Tôi ra khỏi hiệu thuốc và tiếp tục đi xuôi theo Dogenzaka, chậm hơn trước vì phải cho Kawamura thời gian để ra khỏi cửa hàng. Những ý nghĩ chớp nhoáng lướt nhanh qua tâm trí tôi: Số người đi giữa chúng tôi có đủ để che khuất tầm nhìn của y nếu y ngoảnh lại khi bước ra ngoài không? Tôi đang đi qua những cửa hàng nào phòng khi tôi cần lẩn vào đột ngột? Có ai quan sát những người đang tiến về phía nhà ga trên con đường này để giúp Kawamura nhận ra mình bị theo dõi không? Nếu tôi đã lọt vào tầm ngắm của một đội chống theo dõi thì lúc này họ có thể để ý đến tôi, bởi vì lúc trước tôi còn đang vội vàng để theo kịp mục tiêu, mà bây giờ lại nhẩn nha dạo bước, trong khi những người trên đường đi làm không thay đổi nhịp độ như thế. Nhưng Harry là người theo sát, nên dễ bị nghi ngờ hơn, và tôi chưa làm gì để khuấy động sự chú ý trước khi dừng lại ở hiệu thuốc.
Tôi lại nghe tiếng Harry: “Tôi đang ở 1-0-9”. Có nghĩa là cậu ta đã rẽ vào thương xá 109, nổi tiếng vì 109 nhà hàng và cửa hàng thời thượng.
- Không ổn, - tôi nói với cậu ta. - Tầng một là nơi bán đồ lót. Cậu định trà trộn vào năm mươi con nhóc mặc đồng phục kiểu thủy thủ màu xanh để chọn những cái áo lót có độn hả?
- Tôi định đợi bên ngoài, - cậu ta đáp, và tôi có thể hình dung ra khuôn mặt đỏ lựng của cậu ta.
Mặt tiền của thương xá 109 là một địa điểm gặp gỡ nổi tiếng, ở đó luôn có rất đông khách bộ hành với nhiều thứ tiếng khác nhau.
- Xin lỗi, tôi tưởng cậu định vào cửa hàng đồ lót, - tôi nói, nén cười. - Cứ ở yên đấy và đợi tín hiệu của tôi khi chúng tôi đi ngang qua.
- Vâng.
Chỉ còn mười mét nữa là đến cửa hàng hoa quả, mà vẫn chưa thấy bóng dáng Kawamura đâu. Tôi sẽ phải đi chậm lại. Tôi đang ở bên kia đường, nằm ngoài phạm vi Kawamura có thể để ý đến, vì vậy tôi có thể dừng lại, làm trò gì đó với cái điện thoại di động. Tuy nhiên, nếu nhìn, y sẽ để ý thấy tôi đứng đó, mặc dù, với những nét đặc trưng của người Nhật thừa hưởng từ cha, tôi trà trộn vào đám đông không khó khăn gì. Harry, tên thân mật của Haruyoshi, có bố mẹ đều là người Nhật, chưa bao giờ phải lo rằng mình bị để ý giữa những người khác.
Khi tôi trở về Tokyo vào đầu thập niên tám mươi, mái tóc nâu được thừa hưởng từ mẹ gây bất lợi cho tôi tựa như cái áo dạ quang gây bất lợi cho một tay thợ săn, và tôi phải nhuộm tóc đen để tạo cho mình cái vẻ ngoài bình thường đang bảo vệ tôi lúc này. Nhưng mấy năm nay, đất nước này đang phát cuồng vì chappatsu, hay tóc nhuộm màu trà, và tôi không còn phải quá thận trọng với chuyện nhuộm tóc nữa. Tôi muốn nói với Harry rằng cậu ta sẽ phải đi nhuộm chappatsu nếu cậu ta muốn hòa nhập với số đông, nhưng Harry hoàn toàn là một otaku, một kẻ lập dị, nên sẽ chẳng đoái hoài đến những vấn đề như ngoại hình cá nhân. Mà dù sao, tôi nghĩ cậu ta cũng chẳng phải làm gì nhiều: một nụ cười vụng về trông như đang đề phòng một cú đánh, thói nháy mắt liên tục khi phấn khích, khuôn mặt chưa hề mất đi nét bụ bẫm được tôn thêm bởi mớ tóc đen dày bù xù mà trong những ngày tệ nhất, nó gần như lơ lửng bồng bềnh bên trên khuôn mặt cậu ta. Chính những nét khiến cậu ta chẳng bao giờ được lên trang bìa tạp chí ấy lại mang đến sự kín đáo, giúp công việc theo dõi có hiệu quả.
Tôi đã bước tới nơi tôi chắc chắn sẽ phải dừng lại thì Kawamura bước ra từ cửa hàng hoa quả và lại hòa vào dòng người. Tôi bước chậm hết mức có thể để gia tăng khoảng cách giữa chúng tôi, quan sát đầu y nhấp nhô khi di chuyển trên đường. Y thuộc loại cao so với một người Nhật và điều đó thật có ích, nhưng y đang mặc một bộ com lê sẫm màu như chín mươi phần trăm những người khác trong đám đông này - dĩ nhiên bao gồm cả Harry và tôi, vì vậy tôi không thể để mình tụt lại quá xa.
Tôi vừa tạo được khoảng cách thích hợp thì y dừng bước và ngoảnh lại, châm một điếu thuốc. Tôi vẫn tiếp tục bước chầm chậm đằng sau, ở phía bên phải của nhóm người giữa chúng tôi, biết rằng y sẽ không thể phát hiện ra tôi trong đám đông. Tôi tập trung nhìn vào những lưng áo trước mặt, như là một người đi làm vào buổi sáng với tâm trạng chán chường. Một thoáng sau, y quay đi và bước tiếp.
Tôi cho phép mình khẽ nở một nụ cười thỏa mãn. Người Nhật không dừng lại để châm thuốc; nếu họ làm vậy, họ sẽ mất hàng tuần trong cuộc đời trưởng thành. Cũng không có lí do gì, như một cơn gió ngược thổi mạnh chực làm tắt diêm, để y phải quay lại và ngoảnh mặt về phía đám đông đằng sau. Nỗ lực theo dõi ngược rành rành của Kawamura lại càng khẳng định tội lỗi của y.
Tội lỗi gì thì tôi không biết, và tôi cũng không bao giờ hỏi. Tôi chỉ nhấn mạnh vài câu hỏi. Mục tiêu có phải là đàn ông không? Tôi không làm hại phụ nữ hay trẻ em. Anh có thuê ai nữa để giải quyết vụ này không? Tôi không muốn công việc của mình bị ngáng trở bởi một đội dự bị nào đó, và nếu anh thuê tôi, thì tôi là duy nhất. Mục tiêu có phải là đối tượng chính không? Tôi giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, như một người lính, chứ không phải bằng cách gửi thông điệp qua bên thứ ba không liên quan, như bọn khủng bố. Những mối bận tâm đằng sau câu hỏi cuối cùng là lí do vì sao tôi muốn nhìn thấy bằng chứng của tội lỗi: nó xác nhận rằng mục tiêu thực sự là đối tượng chính chứ không phải một người vô tội.
Mười tám năm qua, đã hai lần tôi ngừng ra tay vì thiếu cái bằng chứng đó. Lần thứ nhất là khi tôi được thuê xử anh trai của một biên tập viên, người đang cho đăng những bài báo nói về vấn nạn tham nhũng trong khu vực do một chính trị gia phụ trách. Lần thứ hai là cha của một nhà cải tổ ngân hàng, người quá nhiệt huyết với việc điều tra về quy mô và bản chất của các khoản nợ xấu trong cơ quan của ông ta. Tôi sẵn sàng ra tay trực tiếp với biên tập viên và nhà cải tổ đó, nếu tôi được thuê, nhưng rõ ràng những khách hàng nói trên có lí do để theo đuổi một lộ trình vòng vèo hơn, trong đó có cả việc lừa dối tôi. Họ không còn là khách hàng nữa, dĩ nhiên. Hoàn toàn không.
Tôi không phải một tên lính đánh thuê, mặc dù trước kia tôi từng là thế. Và mặc dù trong chừng mực nào đó, tôi sống một cuộc đời phục vụ người khác, nhưng tôi cũng không còn là một samurai. Đặc trưng của một samurai không chỉ là sự phục vụ, mà còn là sự trung thành với ông chủ, với một lí tưởng lớn lao hơn chính bản thân anh ta. Cái lòng trung thành ấy đã từng có thời cháy hừng hực trong tôi, khi mà, với tinh thần võ sĩ đạo ngấm từ những cuốn tiểu thuyết và truyện tranh hão huyền ở Nhật hồi còn nhỏ, tôi đã sẵn sàng chết để phục vụ ông chủ của tôi, nước Mỹ. Nhưng thứ tình yêu mù quáng và không được đền đáp như thế chẳng bao giờ kéo dài được, và thường đi tới một kết thúc đầy bi kịch, như tình yêu của tôi. Giờ tôi là người thực tế.
Khi đến tòa nhà 109, tôi nói, “Đang qua”. Không phải vào trong ve áo hay thứ gì ngớ ngẩn như vậy. Những thiết bị truyền âm đủ nhạy để anh không cần phải làm động tác nào tự lật tẩy mình trước một đội quân chống theo dõi lão luyện. Không phải là đang có một đội quân như thế ở ngoài kia, nhưng ta luôn phải lường trước những gì tồi tệ nhất. Harry sẽ biết tôi đang đi qua chỗ cậu ta và một lát sau sẽ đi theo.
Thật ra, sự phổ biến của điện thoại di động có tai nghe khiến loại công việc này dễ dàng hơn trước nhiều. Trước đây, người nào vừa đi bộ một mình vừa lẩm nhẩm thì hoặc anh ta bị điên, hoặc anh ta là một điệp viên hay người của cơ quan an ninh. Ngày nay, lúc nào ta cũng thấy loại hành vi này trong thế hệ keitai, hay điện thoại di động, của Nhật.
Đèn giao thông cuối phố Dogenzaka đang có màu đỏ, và đám đông ùn lại khi chúng tôi tiến tới ngã năm trước mặt nhà ga. Những tấm biển hiệu neon chói mắt và những màn hình video khổng lồ lóe sáng điên cuồng trên những tòa nhà xung quanh. Một chiếc xe tải chạy dầu về số khi ì ạch băng qua giao lộ, nặng nề như một chiếc sà lan trên dòng sông đầy bùn, những chiếc loa của nó om sòm phát những bài ca yêu nước hữu khuynh bị xuyên tạc, trong giây lát nhận chìm tiếng chuông mà những người đi xe đạp đang nhấn để cảnh báo những người đi bộ tránh đường. Một người bán hàng rong lách xe hàng qua đám đông, mồ hôi chảy tràn hai bên mặt, mùi cá hấp và cơm nóng bay theo chuyển động lắt léo của anh ta. Một người đàn ông vô gia cư không rõ tuổi, có lẽ là một sarariman bị mất việc làm và nhà cửa khi bong bóng kinh tế vỡ vào cuối những năm tám mươi, đang tựa vào một cái chân cột đèn để ngủ, mặc kệ sự huyên náo xung quanh ông ta nhờ rượu hoặc nỗi thất vọng.
Giao lộ Dogenzaka lúc nào cũng như thế này bất kể ngày đêm, và vào giờ cao điểm, khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, hơn ba trăm người cùng lúc bước khỏi vỉa hè, với hai mươi lăm nghìn người khác chờ đợi trong sự chen chúc chật chội. Từ đây, người ta sẽ phải đi trong cảnh vai chen vai, ngực kề lưng. Bây giờ tôi sẽ theo sát Kawamura, nhưng không quá năm mét, nghĩa là giữa chúng tôi sẽ có khoảng hai trăm người ngăn cách. Tôi biết y có vé tháng và sẽ không cần tới chỗ máy bán vé tự động. Harry và tôi đã mua vé trước vì vậy chúng tôi có thể đi theo y qua cửa soát vé luôn. Cũng không sợ nhân viên nhà ga sẽ để ý này nọ. Vào giờ cao điểm, họ gần như bị tê liệt bởi đám đông; anh có thể đưa ra bất cứ thứ gì, một cái thẻ bóng chày chẳng hạn, và thản nhiên đi qua.
Đèn giao thông đổi màu, những đám đông cuốn vào nhau như cảnh giao chiến trong một sử thi thời trung cổ. Một chiếc radar vô hình, mà tôi tin là chỉ những cư dân Tokyo mới có, ngăn chặn những va đụng ở giữa phố. Tôi quan sát Kawamura khi y băng chéo qua đường để đi về phía nhà ga, và khéo léo đi theo y. Có năm người giữa chúng tôi khi đi qua quầy soát vé. Lúc này tôi phải bám sát y. Nơi này sẽ trở nên hỗn độn khi tàu vào ga: năm nghìn người đổ ra, năm nghìn người đứng thành mười lăm hàng chờ đợi để lên tàu, ai cũng gắng giành được vị trí tốt. Những người nước ngoài nào nghĩ rằng Nhật Bản là một xã hội lịch sự chắc hẳn chưa bao giờ đi tàu Yamanote* vào giờ cao điểm.
* [Tuyến tàu điện chạy quanh vòng đai Tokyo]
Dòng sông người tràn lên các bậc thang và sân ga, những âm thanh và mùi của nhà ga dường như khuấy động thêm cảm giác hối hả trong đám đông. Chúng tôi đang bơi ngược dòng với những người vừa mới xuống tàu, và khi chúng tôi tới sân ga, những cánh cửa đang đóng lại, kẹp vào những cái túi và một cái khuỷu tay thòi ra lạc lõng. Lúc chúng tôi đi qua ki ốt ở khoảng giữa sân ga, toa cuối cùng đã băng qua và một lát sau nó biến mất. Chuyến tàu tiếp theo sẽ tới trong hai phút nữa.
Kawamura lê bước đến giữa sân ga. Tôi vẫn ở sau y nhưng không đi theo nữa, để tránh bị y phát hiện. Y đang nhìn quanh quất sân ga, nhưng cho dù trước đó y đã thấy tôi hay Harry, việc trông thấy chúng tôi đợi tàu sẽ không làm y lo lắng. Một nửa số người đang đợi cũng vừa mới đi trên phố Dogenzaka.
Tôi nghe thấy con tàu đang rầm rập lao tới lúc Harry đi ngang qua tôi như một chiến đấu cơ bay sát qua một đài không lưu, cái gật đầu nhẹ hết mức của cậu ta ngụ ý rằng phần việc còn lại là của tôi. Tôi đã nói rằng chỉ cần cậu ta giúp đỡ cho đến khi Kawamura lên tàu, nhiệm vụ của cậu ta luôn dừng lại ở đây như trong những lần theo dõi trước. Harry đã làm tốt công việc quen thuộc là giúp tôi đến gần mục tiêu, và, theo kịch bản của chúng tôi, bây giờ cậu ta sẽ biến khỏi hiện trường. Tôi sẽ liên lạc với cậu ta sau, khi đã hoàn thành nốt những phần việc của mình.
Harry tưởng tôi là một thám tử tư và tất cả những gì tôi làm là theo dõi những người này để thu thập thông tin. Để cậu ta không thấy tỉ lệ tử vong cao đến đáng ngờ ở những đối tượng chúng tôi theo dõi, tôi thường để cậu ta theo dõi những người tôi chẳng chút quan tâm, dĩ nhiên những người này sau đó sẽ tiếp tục sống hạnh phúc và vô tư, và điều đó tạo cho tôi chút vỏ bọc. Ngoài ra, khi nào có thể, tôi tránh cho Harry biết tên đối tượng để giảm thiểu khả năng cậu ta tình cờ gặp quá nhiều cáo phó trùng hợp. Tuy nhiên, một vài đối tượng của chúng tôi có thói quen chết vào cuối buổi theo dõi, và tôi biết Harry cũng tò mò. Tới giờ này cậu ta vẫn chưa hỏi gì, đó là một điều tốt. Tôi thích Harry là một món tài sản đáng giá và không muốn cậu ta trở thành một thứ của nợ.
Tôi tiến tới sát đằng sau Kawamura, chỉ như một người cố gắng kiếm được một vị trí tốt để lên tàu. Đây là phần tinh vi nhất của công việc. Nếu tôi làm hỏng, y sẽ phát hiện ra tôi và tôi sẽ khó mà tiếp cận y lần nữa.
Bàn tay phải của tôi thọc vào trong túi quần và chạm vào một miếng nam châm được điều khiển bằng vi mạch xử lí, có kích cỡ và trọng lượng khoảng chừng một đồng hai lăm xu. Một mặt nam châm được phủ lớp vải sợi len xe màu xanh dương, giống chất vải của bộ com lê Kawamura đang mặc. Nếu cần, tôi có thể lột lớp màu xanh để lộ ra một lớp màu xám, một màu sắc khác mà Kawamura yêu thích. Trên mặt bên kia của miếng nam châm là một lớp keo chưa được bóc.
Tôi lấy miếng nam châm ra khỏi túi và giấu nó khỏi bị để ý bằng cách nắm trong lòng bàn tay. Tôi sẽ phải đợi đến thời điểm thích hợp, khi sự chú ý của Kawamura bị phân tán. Chỉ cần một chút sao lãng là đủ. Có lẽ là khi chúng tôi lên tàu. Tôi bóc lớp giấy sáp phủ trên lớp keo và nhét nó vào túi quần bên trái.
Con tàu hiện ra cuối sân ga và lao ầm ầm về phía chúng tôi. Kawamura lấy điện thoại di động từ túi áo ngực ra. Bắt đầu bấm số.
Được rồi, làm thôi. Tôi đi sượt qua người y, gắn miếng nam châm vào áo khoác com lê của y, ngay bên dưới xương bả vai trái, và bước tiếp vài bước.
Kawamura chỉ nói chuyện điện thoại trong vài giây, quá khẽ đến mức tôi không nghe được gì trước tiếng phanh rít của con tàu đang từ từ dừng lại trước mặt, rồi y thả điện thoại vào túi áo ngực trái. Không biết y vừa gọi cho ai. Chẳng quan trọng. Còn hai ga nữa, cùng lắm là ba, và mọi chuyện sẽ kết thúc.
Con tàu dừng lại và những cánh cửa mở ra, tuôn trào một dòng sông người. Khi những người xuống tàu chỉ còn lại lác đác, những hàng người chờ đợi hai bên cửa lao lên và ùa vào bên trong, như thể ai đó đã bấm vào nút đảo ngược trên một cái máy hút bụi khổng lồ. Mọi người cứ chen nhau lên tàu bất chấp những lời cảnh báo rằng “Cửa đang đóng”, và lượng người trên tàu ngày càng đông hơn cho đến khi tất cả đều bị kẹt cứng tại chỗ, không cần bám vào những cái móc trên đầu vì chẳng còn chỗ nào mà ngã. Cửa đóng lại, toa tàu tròng trành tiến về phía trước, và chúng tôi lên đường.
Tôi thở ra chầm chậm và lúc lắc đầu, nghe tiếng xương cổ kêu răng rắc, cảm thấy chút căng thẳng còn sót lại tan biến khi sắp đi tới những khoảnh khắc cuối cùng. Với tôi luôn là như vậy. Hồi còn nhỏ, tôi từng sống gần một thị trấn có một hệ thống hẻm núi cắt qua, và từ một số hẻm núi đó ta có thể nhảy từ trên vách đá xuống những cái hố bơi sâu hoắm bên dưới. Anh có thể thấy những đứa lớn hơn làm thế suốt - từ dưới nhìn lên trông cũng không xa lắm. Tuy nhiên, lần đầu tiên trèo lên đỉnh và nhìn xuống, tôi không thể tin nổi là mình lại đứng cao như thế, và tôi cứng người lại. Nhưng những đứa trẻ khác đang nhìn. Và ngay lúc đó, tôi biết dù sợ tới mức nào, dù chuyện gì có thể xảy ra, tôi vẫn sẽ nhảy, và bản năng đã dập tắt nhận thức của tôi về mọi thứ, ngoại trừ cái hành động đơn giản và mang tính cơ bắp là chạy về phía trước. Tôi không có cảm giác hay nhận thức về bất cứ tương lai nào ngoài việc cất những bước chạy mau lẹ đó. Tôi nhớ là đã nghĩ rằng dù mình có chết thì cũng chẳng sao cả.
Kawamura đang đứng trước cửa ở một đầu toa, cách chỗ tôi khoảng một mét, bàn tay phải của y đang nắm một trong những cái thanh ngang trên đầu. Lúc này tôi cần ở gần y.
Tôi đã được dặn rằng cái chết phải có vẻ tự nhiên: đó là sở trường của tôi, và là lí do khiến những dịch vụ của tôi luôn được nhiều người ưa chuộng. Harry đã lấy được hồ sơ y tế của Kawamura từ bệnh viện quốc tế Jikei, nhờ đó tôi biết y mắc một chứng bệnh gọi là nghẽn tim hoàn toàn và phải sống nhờ một thiết bị điều hòa nhịp tim được gắn năm năm trước.
Tôi xoay người để lưng hướng về phía cửa - một sự vi phạm nho nhỏ phép tắc đi tàu tối thiểu của Tokyo, nhưng tôi không muốn một người biết tiếng Anh nào thấy được những chỉ dẫn sẽ xuất hiện trên màn hình chiếc PDA [Máy vi tính bỏ túi] mà tôi đang cầm. Tôi đã tải một chương trình kiểm tra tim mạch về máy, loại mà bác sĩ sử dụng để điều chỉnh thiết bị điều hòa nhịp tim của bệnh nhân. Và tôi đã trang bị để chiếc PDA gửi được các mệnh lệnh bằng tia hồng ngoại đến miếng nam châm điều khiển. Sự khác biệt duy nhất giữa đồ nghề của tôi và của một bác sĩ chuyên khoa tim mạch là đồ của tôi nhỏ xíu và không dây. Và tôi không tuyên thệ lời thề Hippocrates.
Chiếc PDA đã được bật sẵn và để ở trạng thái “ngủ”, vì thế nó hoạt động ngay lập tức. Tôi liếc xuống màn hình. Nó đang hiện lên dòng chữ “các thông số hoạt động”. Tôi nhấn phím “Enter” và màn hình thay đổi, cho tôi chọn giữa “kiểm tra ngưỡng kích thích” và “kiểm tra ngưỡng nhận cảm”. Tôi chọn cái đầu tiên và được đưa ra một loạt thông số: tốc độ, độ rộng xung, biên độ. Tôi chọn “tốc độ” và nhanh chóng chỉnh thiết bị điều hòa nhịp tim tới giới hạn tốc độ thấp nhất của nó là bốn mươi nhịp một phút, sau đó quay lại màn hình lúc trước và chọn “độ rộng xung”. Màn hình chỉ ra rằng thiết bị điều hòa nhịp tim được thiết lập để phát ra dòng điện trong khoảng thời gian là 0.48 phần nghìn giây. Tôi giảm độ rộng xung xuống hết mức có thể, sau đó chuyển sang “biên độ”. Đơn vị này đang được đặt ở mức 8.5 vôn, và tôi bắt đầu hạ nó xuống nửa vôn một. Khi tôi đã hạ được hai vôn, màn hình hiện lên dòng chữ, “Bạn đã hạ hai vôn đơn vị biên độ. Bạn có chắc là bạn muốn tiếp tục hạ đơn vị biên độ không?” Tôi nhấn “Có” và tiếp tục, lặp lại quy trình đó mỗi lần hạ được hai vôn nữa.
Khi tàu vào ga Yoyogi, Kawamura bước xuống. Y định xuống ở đây sao? Như vậy sẽ thật rắc rối: tia hồng ngoại của thiết bị này có phạm vi phủ sóng hạn chế, và việc vừa điều khiển nó vừa theo sát y sẽ là một thử thách khó nhằn. Chết tiệt, chỉ một vài giây nữa thôi, tôi nghĩ, định theo y ra ngoài. Nhưng y chỉ đang nhường chỗ cho những người ở đằng sau xuống tàu, và dừng lại bên ngoài cửa. Khi những hành khách xuống ga Yoyogi đã xuống hết, y lại leo lên, theo sát phía sau là vài người đã đợi ở sân ga. Cửa đóng lại, và con tàu tiếp tục di chuyển.
Khi chỉ còn hai vôn, màn hình cảnh báo rằng tôi đang tới gần những giá trị đầu ra tối thiểu và nếu giảm đầu ra hơn nữa sẽ gây nguy hiểm. Tôi chẳng thèm đếm xỉa đến lời cảnh báo và hạ đơn vị đó xuống nửa vôn nữa, vừa làm vừa liếc nhìn Kawamura. Y không thay đổi tư thế.
Khi tôi hạ đơn vị đó xuống còn một vôn và cố giảm hơn nữa, màn hình hiện lên dòng chữ, “Lệnh của bạn sẽ đặt đơn vị này ở giá trị đầu ra tối thiểu. Bạn có chắc là muốn nhập lệnh này?” Tôi nhấn “Có”. Nó nhắc tôi một lần nữa: “Bạn đã đặt đơn vị này ở giá trị đầu ra tối thiểu. Xin hãy xác nhận”. Một lần nữa tôi lại nhấn “Có”. Trì hoãn trong giây lát, rồi màn hình bắt đầu hiện lên những dòng chữ in đậm: Giá trị đầu ra không thể chấp nhận được. Giá trị đầu ra không thể chấp nhận được.
Tôi đóng nắp, nhưng không tắt chiếc PDA. Nó sẽ tự khởi động lại. Có khả năng chuỗi động tác vừa rồi không có kết quả ngay, và tôi muốn có thể thử lại lần nữa nếu cần.
Nhưng tôi không phải làm vậy. Khi tàu vào ga Shinjuku và dừng lại với một cú giật mạnh, Kawamura ngã nhào vào người phụ nữ bên cạnh y. Cửa mở ra và những hành khách khác ùa xuống, nhưng Kawamura vẫn ở lại, bàn tay phải tóm chặt một thanh cột bên cạnh cửa và tay trái siết chặt túi hoa quả, những hành khách khác xô qua người y. Tôi nhìn y xoay người ngược chiều kim đồng hồ cho đến khi lưng chạm vào bức tường bên cạnh cửa. Miệng y há hốc; trông có vẻ hơi kinh ngạc. Sau đó, dần dần, khá nhẹ nhàng, y tuột người xuống sàn. Tôi thấy một trong những hành khách lên tàu ở ga Yoyogi cúi xuống giúp y. Người đàn ông đó, một người phương Tây trên bốn mươi tuổi, cao và gầy đến mức khiến tôi nghĩ đến một cây lao, phảng phất vẻ quý phái với cặp kính không gọng, lắc vai Kawamura, nhưng Kawamura không còn biết gì về những nỗ lực giúp đỡ của người lạ đó.
“Daijoubu desu ka?” [Ông ta không sao chứ?] Tôi hỏi, bàn tay trái luồn xuống lưng Kawamura, dò dẫm tìm miếng nam châm. Tôi dùng tiếng Nhật vì có thể người phương Tây này sẽ không hiểu tôi nói gì và sự tiếp xúc giữa chúng tôi sẽ được giữ ở mức tối thiểu.
“Wakanarai”, [Tôi không biết] người lạ thì thào. Gã vỗ vào hai bên má đang ngày càng tím tái của Kawamura và lắc y lần nữa - hơi thô bạo, tôi nghĩ vậy. Vậy là gã có nói được một chút tiếng Nhật. Không sao. Tôi bấu vào mép miếng nam châm và bóc nó ra. Kawamura đã xong.
Tôi bước qua họ, đi xuống sân ga và những hành khách đang đợi lập tức tràn lên tàu sau lưng tôi. Liếc nhìn qua cửa sổ gần cửa nhất khi bước qua đó, tôi ngạc nhiên khi thấy người lạ đang lục túi Kawamura. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là Kawamura đang bị ăn trộm. Tôi tiến lại gần cửa sổ để nhìn cho rõ hơn, nhưng đám đông hành khách ngày càng lớn dần đã che khuất tầm nhìn của tôi.
Thôi thúc quay trở lên tàu nảy sinh trong tôi, nhưng đó sẽ là một việc xuẩn ngốc. Dù sao đi nữa, đã quá muộn rồi. Những cánh cửa đang đóng lại. Tôi thấy chúng tiến sát vào nhau và chẹt vào một thứ gì đó, có lẽ là một cái túi xách hay một bàn chân. Chúng khẽ mở ra rồi lại đóng vào. Đó là một quả táo, rơi xuống đường ray khi con tàu chuyển bánh.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét