Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 6

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Sáu

Đó là một buổi sáng trời nắng. Một trăm năm chục người còn lại của trung đoàn Xerpilin đang đi trong những khu rừng rậm bên tả ngạn sông Đniép, vội vã tránh xa càng nhanh càng tốt chỗ sang sông. Trong đám một trăm năm chục con người này có một phần ba bị thương nhẹ. Năm thương binh nặng được nằm trên cáng do hai chục chiến sĩ khỏe mạnh nhất mà Xerpilin đã cắt cử thay phiên khiêng. Thật là may mắn đến kỳ lạ mới lôi nổi những thương binh ấy sang bên tả ngạn.
Trong số này có cả ông Daitrikốp đang hấp hối. Lúc ngất đi lúc hồi tỉnh lại, ông nhìn lên bầu trời xanh, nhìn những ngọn cây thông và cây bạch dương lắc lư trên đầu. Ý nghĩ của ông lẫn lộn và ông thấy hình như mọi vật đều bập bềnh trôi: cả những tấm lưng của các chiến sĩ đang khiêng ông, cả cây cối, bầu trời. Ông cố lắng nghe sự yên tĩnh: khi thì ông tưởng chừng trong đó có tiếng súng đạn nổ, khi thì chợt tỉnh lại, ông chẳng nghe thấy gì và lúc ấy ông tưởng là mình đã hóa điếc - thực ra đó chỉ là một sự yên tĩnh thật sự.
Trong rừng rất im ắng, chỉ nghe có tiếng cây cối khẽ kẽo kẹt trong gió, nghe tiếng chân của những con người mệt mỏi hoặc thỉnh thoảng có tiếng cà mèn lách cách. Sự yên tĩnh có vẻ kỳ lạ không những đối với Daitrikốp đang ngắc ngoải mà cỏn đối với tất cả những người khác. Họ đã lãng quên sự yên tĩnh đến nỗi thấy nó có chứa chất một nguy cơ gì đó đối với mình. Như nhắc nhớ tới cuộc hỗn chiến rùng rợn vừa qua ở điểm vượt sông, một làn hơi nước mỏng manh vẫn còn bốc lên trên hàng quân, từ những bộ quân phục đang khô dần trong lúc đi đường.
Sau khi cho các đội xích hầu tiến lên đằng trước và tỏa ra hai bên sườn và để cho Smakốp đi với đội hậu vệ, Xerpilin tự mình dẫn đầu hàng quân. Ông cất bước khó khăn, nhưng những người đi sau vẫn tưởng là ông bước nhẹ và nhanh, với dáng đi vững chắc của một con người biết mình đi đến đâu và sẵn sàng đi như vậy nhiều ngày liền, Xerpilin không phải dễ dàng mà đi được như thế: ông chẳng còn trẻ trung gì, đã dãi dầu cuộc sống và mệt mỏi vô cùng vì những ngày chiến đấu vừa qua, nhưng ông biết rằng từ nay ở trong vòng vây, không có cái gì là không quan trọng và không có cái gì mà anh em không nhận thấy. Mọi việc đều quan trọng và dễ thấy, kể cả cái dáng đi của ông khi dẫn đầu hàng quân.
Xintxốp cũng ngạc nhiên vì thấy lữ đoàn trưởng đi nhanh và nhẹ quá. Vừa bước theo sau anh vừa luôn chuyển khẩu tiểu liên từ vai trái sang vai phải và ngược lại; lưng, cổ, vai anh đau nhừ vì mệt mỏi, tất cả những cái gì có thể đau được đều đau hết.
Khu rừng tháng bảy ngập nắng đẹp một cách kỳ diệu! Trong rừng sực nức mùi nhựa thông và mùi rêu được sưởi ấm. Ánh nắng xuyên qua cành lá đang đu đưa thành những đốm vàng ấm áp rung rinh trên mặt đất. Giữa đám lá thông, những khóm dâu đất xanh rờn đơm quả đỏ mọng như những giọt nước tươi vui. Thỉnh thoảng các chiến sĩ vừa đi vừa cúi xuống hái những quả dâu. Tuy rất mệt mỏi, nhưng Xintxốp vẫn đi và ngắm không chán mắt cảnh đẹp của rừng cây.
Anh nghĩ thầm: “Chúng ta vẫn sống, dù sao chúng ta vẫn sống!”. Cách đây ba tiếng, Xerpilin ra lệnh cho anh lập bản danh sách những người đã vượt được qua sông. Anh đã lập xong và biết là còn sống sót một trăm bốn mươi tám người. Cứ bốn người đi phá vòng vây trong đêm qua thì ba người đã chết trận hay chết đuối, chỉ còn lại một người - người thứ tư là còn sống sót, và bản thân anh cùng là một trong những người thứ tư đó.
Giá cứ đi mãi trong khu rừng này rồi đến tối không còn gặp quân Đức nữa mà tiến thẳng tới chỗ quân ta - được như vậy thì hạnh phúc biết bao! Mà lại sao lại không như vậy nhỉ? Xét cho cùng thì không phải ở đâu cũng có quân Đức, mà quân ta rút lui có lẽ cũng chưa đến nỗi xa lắm đâu!
- Thưa lữ đoàn trưởng, theo đồng chí hôm nay liệu chúng ta có thế đi đến chỗ quân mình được không ạ?
- Bao giờ đến thì tôi chịu không biết được, - Xerpilin vừa đi vừa hơi ngoái đầu lại, tôi chỉ biết rằng nhất định sẽ có lúc đi đến. Trong lúc này như thế là may phúc rồi.
Ông ta mở lời một cách nghiêm trang nhưng kết thúc với vẻ giễu cợt pha lẫn bực dọc. Ý nghĩ của ông hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ của Xintxốp. Căn cứ vào bản đồ thì có thể tránh đường cái và đi trong rừng rậm lâu nhất là hai chục cây số nữa và ông tính là đến tối sẽ đi hết quãng này. Muốn tiếp tục tiến về phía đông, nếu không vượt qua đường ôtô ở đó thì phải vượt ở đây, có nghĩa là phải chạm trán với quân Đức. Nếu không gặp chúng mà lại đi sâu được vào giải rừng xanh phía bên kia dường như đã được vẽ trên bản đồ thì thật là một điều may mắn quá kỳ lạ. Xerpilin không tin vào điều may mắn đó mà như thế có nghĩa là ban đêm, khi đi ra đường ô tô sẽ lại phải choảng nhau, ông vừa đi vừa suy nghĩ về trận đánh sắp tới đó giữa cảnh yên tĩnh và màu sắc xanh tươi của rừng cây, những cái đã đưa Xintxốp đến tâm trạng hân hoan và dễ tin.
- Lữ đoàn trưởng đâu? Đồng chí lữ đoàn trưởng! - một chiến sĩ trong đội xích hầu từ phía trước chạy tới hỏi và khi trông thấy Xerpilin liền vui vẻ kêu lên. - Trung úy Khôrưsép phái tôi đến để báo cáo ạ! Chúng tôi đã gặp anh em ở năm trăm hăm bảy.
- Thế kia à! - Xerpilin vui mừng đáp. - Vậy họ ở đâu?
- Kia kia! - người chiến sĩ trỏ tay về phía trước, nơi có những bóng quân nhân hiện ra trong lùm cây và đang đi đến.
Xerpilin quên hết mệt nhọc dấn hước lên.
Anh em trung đoàn 527 đo hai cán bộ dẫn đầu: một đại úy và một thiếu úy. Họ đều mặc quân phục và cầm vũ khí. Có hai người còn mang cả trung liên nữa.
- Xin chào đồng chí lữ đoàn trưởng! - người đại úy tóc quăn đội calô lệch, dừng bước cất giọng hiên ngang chào.
Xerpilin nhớ ra rằng đã gặp anh ta một lần nào đó ở phòng tham mưu sư đoàn, nếu trí nhớ của ông không nhầm lẫn thì đây là đặc phái viên của phòng đặc biệt
- Chào anh bạn thân mến! - Xerpilin nói. - Chúc mừng cậu và tất cả anh em nhân dịp các cậu trở về sư đoàn! - Rồi ông ôm hôn anh ta thật chặt.
- Chúng tôi đã đến đây đồng chí lữ đoàn trưởng ạ, - đại úy nói, có vẻ cảm động trước thái độ trìu mến mà điều lệnh không quy định, - nghe nói là sư đoàn trưởng ở đây với đồng chí?
- Ở đây đấy, - Xerpilin nói, - chúng tôi đã mang được sư đoàn trưởng ra, chỉ có điều... - Không nói hết câu, ông tự ngắt lời: - Chúng ta đến gặp đồng chí ấy ngay bây giờ.
Hàng quân dừng lại, mọi người mừng rỡ nhìn những anh em mới đến. Họ không đông lắm nhưng ai nấy đều có cảm tưởng rằng đây mới chỉ là bước đầu.
- Tiếp tục tiến, - Xerpilin bảo Xintxốp. - Đến chỗ nghỉ chân đã quy định, - ông nhìn vào chiếc đồng hồ tay to tướng của mình, - còn hai mươi phút nữa.
Hàng quân miễn cưỡng tiếp tục tiến lên, còn Xerpilin thì ra hiệu mời không những chỉ đại úy và thiếu úy mà tất cả những chiến sĩ mới đến với họ đi theo ông, rồi thong thả đi ngược trở lại tới chỗ cáng tải thương ở giữa hàng quân.
- Hạ xuống, - Xerpilin khẽ nói với các chiến sĩ khiêng Daitrikốp.
Các chiến sĩ hạ cáng xuống đất. Daitrikốp nằm không động đậy, mắt nhắm nghiền. Vẻ vui mừng biến mất trên mặt đại úy. Khi gặp nhau, Khôrưsép đã nói ngay với anh rằng sư đoàn trưởng bị thương, nhưng sắc diện của Daitrikốp đã khiến anh phải sửng sốt. Bộ mặt của sư đoàn trưởng mả anh vẫn nhớ là đẫy đà và rám nắng, bây giờ hóa ra gầy gò và xanh xao màu chết chóc. Mũi ông nhọn hoắt ra, như mũi người đã qua đời, còn ở vành môi dưới cắt không ra hột máu thì hằn lên những vết răng đen kịt. Một cánh tay trắng bệch yếu ớt duỗi ra cứng đơ ở ngoài áo capốt. Sư đoàn trưởng đang hấp hối và đại úy hiểu ngay điều đó khi mới trông thấy ông.
- Daitrikốp, Daitrikốp à, - Xerpilin chật vật gập đôi chân đã nhức nhối vì mệt mỏi, rồi quỳ một bên gối xuống cạnh chiếc cáng, khẽ gọi
Thoạt đầu Daitrikốp đưa tay sờ soạng khắp trên áo capốt rồi cắn môi, sau đó mới mở mắt ra.
- Chúng tôi đã gặp các anh em mình ở năm trăm hai bảy!
- Báo cáo sư đoàn trưởng, đặc phái viên phòng đặc biệt là Xưchin đến nhận lệnh của đồng chí. Tôi dẫn theo một phân đội gồm mười chín người.
Daitrikốp lặng lẽ nhìn từ dưới lên, rồi dùng những ngón tay trắng bệch đặt trên áo capốt làm một cử động yếu ớt.
- Anh cúi thấp xuống, - Xerpilin bảo đại úy. - Sư đoàn trưởng gọi anh đấy.
Lúc ấy, người đặc phái viên bèn quỳ xuống một bên gối giống như Xerpilin, còn Daitrikốp đã thôi cắn môi, thì thầm nói với anh ta điều gì mà anh chưa nghe ra ngay. Nhìn mắt anh và hiểu rằng anh chưa nghe rõ, Daitrikốp liền cố sức nhắc lại lần nữa điều vừa nói.
- Lữ đoàn trưởng Xerpilin đã tiếp nhận sư đoàn, - ông thều thào, - hãy báo cáo với đồng chí ấy.
- Xin báo cáo, - thế là người đặc phái viên vẫn quỳ như vậy và bây giờ đã nói với cả Daitrikốp và Xerpilin củng một lúc, - chúng tôi đã mang theo ra được lá cờ của sư đoàn.
Một bên má của Daitrikốp rung lên một cách yếu ớt. Ông muốn mỉm cười mà không sao mỉm cười được.
- Cờ ở đâu? - ông mấp máy môi. Không nghe thấy tiếng thì thào nhưng đôi mắt ông như có ý bảo: “Cho tôi xem!” - và mọi người đều hiểu như vậy.
- Chuẩn úy Kôvantrúc mang cờ ở trong người, - đặc phái viên nói. - Kôvantrúc, lấy cờ ra.
Nhưng không cần ra lệnh mà Kôvantrúc cũng chẳng chờ đợi gì đã cởi ngay thắt lưng quăng xuống đất, vén áo quân phục lên, tháo lá cờ quấn sát quanh mình ra. Tháo xong, anh nắm lấy mép cờ, căng rộng ra để cho sư đoàn trưởng trông thấy toàn bộ lá cờ đã nhàu nát, thấm đầy mồ hôi lính, nhưng đã được giữ gìn nguyên vẹn với những hàng chữ quen thuộc thêu kim tuyến trên nền lụa đỏ: “Sư đoàn bộ binh cờ đỏ số 176 của Hồng quân Công Nông”.
Nhìn lá cờ. Datrikốp khóc nức lên. Ông khóc theo kiểu một con người đã kiệt sức và đang hấp hối có thể khóc - khóc thút thít, không động đậy một thớ thịt nào trên mặt: từng giọt lệ theo nhau thong thả lăn ra từ cả hai con mắt ông, còn anh chàng Kôvantrúc cao lớn đang cầm lá cờ trong hai bàn tay to lớn vững chắc và qua phía trên lá cờ đỏ nhìn vào mặt ông sư đoàn trưởng đang nhỏ lệ trên mặt đất thì càng bật khóc lên theo kiểu một người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ, xúc động trước cảnh xảy ra mà khóc - cổ họng anh liên tục co bóp lại do những dòng nước mắt đang dâng lên, còn hai vai và đôi bàn tay to lớn giữ lá cờ thì lại lẩy ba lẩy bẩy vì những cơn nấc. Daitrikốp nhắm mắt lại và rùng mình khiến Xerpilin hoảng hốt nắm lấy tay ông.
Nhưng không, ông chưa chết: ở cổ tay ông mạch vẫn đập một cách yếu ớt - chẳng qua ông chỉ ngất đi thôi và không biết đây là lần thứ mấy trong một buổi sáng.
- Nhấc cáng lên và đi đi. - Xerpilin khẽ bảo các chiến sĩ khi ấy đang quay lại phía Daitrikốp, lặng lẽ nhìn ông.
Họ liền nắm lấy đòn cáng êm ái nâng lên rồi khiêng đi.
- Đồng chí cất lá cờ vào người. - Xerpilin nói với Kôvantrủc vẫn cứ đứng cầm lá cờ. - Đã đem ra được thì cứ tiếp tục đem đi.
Kôvantrúc nâng niu gấp lá cờ lại, quấn vào người. buông áo quân phục xuống rồi nhặt thắt lưng lên thắt lại như cũ.
- Đồng chí thiếu úy, đồng chí cùng anh em đi tiếp vào cuối hàng quân. - Xerpilin bảo người thiếu úy cách đây một phút cũng khóc và đang đứng cạnh ông với vẻ lúng túng.
Khi đuôi hàng quân đi qua trước mặt, Xerpilin níu lấy tay người đặc phái viên giữ lại, để cho những ngtrời đi cuối hàng quân đã cách khoảng mười bước rồì mới cùng anh ta song song cất bước.
- Bây giờ đồng chí báo cáo cho tôi biết những gì đồng chí đã thấy được và đã nắm được.
Người đặc phái viên bắt đầu kể lại trận đánh cuối cùng trong đêm qua. Khi tham mưu trưởng sư đoàn là Iuskêvít và trung đoàn trưởng 527 là Écsốp quyết định phá vây vào ban đêm để rút về phía đông thì trận chiến đấu đang ác liệt: họ chia làm hai tổ thọc ra định sau sẽ hợp lại nhưng rút cục đã không gặp được nhau, Iuskêvít đã hy sinh ngay trước mắt người đặc phái viên do đụng phải bọn xạ thủ tiêu liên Đức còn Écsốp chỉ huy tổ kia còn sống hay không và nếu sống thì vượt vòng vây đi đằng nào, điều đó anh không biết được. Đến sáng chính anh cũng đột phá ra và chạy được vào rừng với mười hai người, sau đó lại gặp sáu người do đồng chí thiếu úy dẫn đầu. Đó là tất cả những gì mà anh biết.
- Đồng chí đặc phái viên ạ, khá lắm ! - Xerpilin nói, - Đã mang được cờ sư đoàn ra khỏi vòng vây. Ai chăm lo việc này, cậu à?
- Tôi ạ!
- Khá lắm! - Xerpilin nhắc lại, - Cậu đã làm cho sư đoàn trưởng vui lòng trước khi nhắm mắt.
- Đồng chí ấy sẽ chết mất ư, - người đặc phái viên hỏi.
- Chả nhẽ cậu không thấy sao? - đến lượt Xerpilin hỏi lại, - vì vậy tôi mới phải nhận quyền chỉ huy thay đồng chí ấy. Dấn bước lên, chúng mình đuổi cho kịp đầu hàng quân. Cậu có thể đi nhanh hơn được không hay hết sức rồi?
- Còn đi nhanh được ạ, - đặc phái viên mỉm cười. - Tôi còn trẻ.
- Sinh năm nào?
- Mười sáu.
- Hăm nhăm tuổi, - Xerpilin khẽ huýt sáo miệng. - Cậu được lên cấp nhanh thật.
Buổi trưa, đoàn quân vừa mới dừng lại bố trí đợt nghỉ chân lâu lần thứ nhất thì lại có một cuộc gặp gỡ nữa khiến Xerpilin mừng rỡ. Vẫn cái anh chàng Khôrưsép tinh mắt đi xích hầu phía trước đã trông thấy một tốp người đang ngồi trong bụi cây rậm. Sáu người ngủ lăn ngủ lóc, còn hai người khác - một chiến sĩ mang tiểu liên Đức và một nữ bác sĩ quân y ngồi trong bụi với khẩu súng lục đặt trên đùi thì đang canh gác cho những người kia ngủ, nhưng lại canh gác quá chểnh mảng. Khôrưsép bèn tinh nghịch từ trong bụi bò thẳng đến trước mặt họ bất thình lình quát: “Giơ tay lên!”, và chỉ một suýt nữa thì cậu ta được ăn luôn một băng đạn vì cái trò nghịch ngợm này. Té ra cùng là những người cùng sư đoàn, thuộc đơn vị hậu cần. Một trong những người đang ngủ là kỹ thuật viên quân nhu, trưởng kho lương thực, ông ta dẫn đầu cả tổ gồm có ông ta, sáu thủ kho và giám mã cùng một nữ bác sĩ quân y tình cờ ngủ đậu trong căn nhà gỗ bên cạnh họ.
Khi họ được đẫn tớí gặp Xerpilin, người cán bộ quân nhu luống tuổi, đầu hói, được động viên khi đã nổ ra chiến tranh liền kể rằng cách đây ba đêm xe tăng Đức có bộ binh ngồi xe bọc sắt kèm theo đã tràn vào làng nơi họ đóng quân. Ông ta cùng với anh em lẻn ra vườn rau bằng cửa sau; không phải ai cũng đều có súng cả đâu, nhưng chẳng ai muốn đầu hàng quân Đức. Bản thân ông vốn là người Xibêri, xưa từng là du kích đỏ đã gánh trách nhiệm dẫn anh em theo đường rừng đi tìm quân ta.
- Thế là tôi đã dẫn ra được, - ông nói, - quả tình là cũng chẳng đủ: bị mất mười một người vì chạm trán với tổ lùng sục của quân Đức. Nhưng chúng tôi cũng giết được 4 thằng Đức và lấy được vũ khí. Chị này đã dùng súng lục bắn chết một thằng Đức, - ông ta hất đầu chỉ nữ bác sĩ.
Nữ bác sĩ còn trẻ lắm và nhỏ bé đến nỗi trông cứ như một cô bé con, Xerpilin và anh chàng Xintxốp đứng cạnh ông cùng tất cả mọi người xung quanh đều nhìn chị với vẻ ngạc nhiên và trìu mến. Họ càng ngạc nhiên và trìu mến hơn khi chị vừa nhai đầu mẩu bánh mì vừa bắt đầu kể chuyện mình để đáp lại những câu hỏi căn vặn.
Chị nói về mọi việc đã xảy ra như nói về một chuỗi sự việc, trong đó sự việc nào chị cũng đều phải làm hoàn toàn theo sự cần thiết cả thôi. Chị kể là mình tốt nghiệp trường cao đẳng nha khoa, sau đó người ta bắt đầu tuyển nữ đoàn viên vào quân đội và cố nhiên là chị xung phong đi; rồi về sau mới phát hiện ra là trong thời gian chiến tranh chẳng ai đến nhờ chị chữa răng cả, thế là từ bác sĩ nha khoa chị trở thành nữ y tá, bởi vì không thể ngồi rồi chả làm gì. Đến khi bác sĩ quân y bị chết trong một trận ném bom thì chị lại trở thành bác sĩ, bởi vì phải có người thay thế ông ta; thế rồi chị phải tự mình về hậu tuyến lấy thuốc, bởi vì cần đem thuốc đến cho trung đoàn. Rồi khi quân Đức tràn vào cái làng nơi chị ngủ nhờ thì cố nhiên chị phải cùng mọi người bỏ đi nơi khác, bởi vì chị ở lại cùng quân Đức thế nào được! Sau đó, khi gặp phải tổ lùng sục của quân Đức và bắt đầu bắn nhau thì phía tnước có một chiến sĩ bị thương, anh ta rên to lắm, và chị bò đến băng bó cho anh thì bỗng một tên Đức to tướng xông thẳng đến trước mặt chị, thế là chị rút súng lục ra bắn nó chết ngoẻo. Khẩu súng nặng đến nỗi chị phải cầm hai tay mới bắn được.
Chị kể những việc đó rất nhanh, với lời nói liến thoắng của trẻ con, rồi khi ăn xong miếng bánh, chị liền ngồi xuống một gốc cây cụt, bắt đầu lục lọi trong chiếc túi cứu thương. Thoạt đầu chị lôi ra mấy cuộn băng cá nhân, rồi đến một chiếc ví đầm nhỏ sơn đen. Từ chiều cao của tầm vóc mình Xintxốp thấy trong chiếc ví của chị còn có một hộp phấn và một hộp son đã đen lại vì bụi. Sau khi ấn hộp phấn và hộp son xuống sâu cho khỏi ai trông thấy, chị mới moi ra một tấm gương con đoạn bỏ mũ calô, bắt đầu chải mớ tóc trẻ con mềm mại như lông tơ của mình.
- Đàn bà như thế đấy! - Xerpilin nói khi chị bác sĩ nhỏ bé đã chải xong tóc đưa mắt nhìn những người đàn ông vây quanh mình rồi không hiểu sao lẳng lặng bỏ đi và biến mất vào rừng. - Đàn bà như thế đấy! - ông nhắc lại, vỗ vào vai Smakốp đã đuổi kịp hàng quân và vừa ngồi xuống cạnh ông để nghỉ chân. - Điều đó thì tôi hiểu được đấy! Trước mặt một người đàn bà như thế mà hèn nhát thì cũng đáng thẹn thật! - Ông nhoẻn miệng cười phô hàm răng thép lấp lánh, ngả lưng xuống, nhắm mắt lại rồi ngủ thiếp ngay trong giây lát.
Xintxốp trượt lưng vào thân cây thông, ngồi xổm xuống đưa mắt nhìn Xerpilin rồi ngáp dài.
- Thế cậu đã có vợ chưa? - Smakốp hỏi anh.
Xintxốp gật đầu và cố xua đuổi cơn buồn ngủ, thử hình dung xem sự thể sẽ ra sao, nếu hôm ở Maxcơva, Masa cứ đòi cùng đi với anh bằng được ra mặt trận, và nếu họ đã thực hiện điều đó... Thế là họ sẽ cùng nhau xuống tàu ở Bôrixốp... Rồi sao nữa nhỉ? Ừ, kể cũng khó hình dung thật đấy... Nhưng dù sao, trong thâm tâm, anh vẫn biết rằng trong cái ngày chia ly cay đắng ấy, người đã xử sự đúng lại chính là Masa, chứ không phải anh.
Sau mọi điều đã phải chịu đựng, anh nung nấu một mối căm hờn đối với quân Đức mà sức mạnh của lòng căm hờn này đã xóa nhòa nhiều ranh giới trước kia từng tồn tại trong ý thức anh, anh đã không sao có thể suy nghĩ gì về tương lai, nếu không suy nghĩ rằng bọn phát xít nhất định sẽ phải bị tiêu diệt. Vậy thì tại sao anh lại định tước của Masa cái quyền mả anh không cho phép ai tước của mình, cái quyền mà bạn hãy thử tước đi của người nữ bác sĩ nhỏ nhắn kia xem!
- Thế cậu có con chưa? - Smakốp làm cho dòng suy nghĩ của anh bị gián đoạn.
Suốt thời gian qua, suốt tháng qua, mỗi khi hồi tưởng lại là Xintxốp luôn một mực tự thuyết phục mình rằng mọi việc đều ổn thỏa cả, rằng con gái của mình đã về Maxcơva. Vì vậy, giờ đây anh chỉ trình bày một cách vắn tắt về cảnh ngộ của gia đình mình. Nhưng thực ra càng tự thuyết phục mình rằng mọi việc đều tốt đẹp một cách gượng gạo bao nhiêu thì anh lại càng ít tin tưởng vào điều đó bấy nhiêu.
Smakốp nhìn vào mặt Xintxốp và hiểu rằng lẽ ra mình không nên hỏi anh ta câu đó.
- Thôi được, cậu ngủ đi, nghỉ chân cũng ngắn thôi, cũng chẳng kịp thấy hết giấc mơ đầu tiên đâu!
“Bây giờ còn ngủ với nghê gì nữa kia chứ!” - Xintxốp bực bội nghĩ thầm, nhưng hai mắt mở thao láo ngồi được chừng một phút thì anh bỗng chúi mũi vào hai đầu gối, giật mình, mở choàng mắt ra, định nói điều gì với Smakốp, nhưng chưa kịp nói đã gục đầu xuống ngực, ngủ thiếp đi như chết.
Smakốp nhìn Xintxốp với vẻ thèm muốn, bỏ kính ra, đưa ngón trỏ và ngón giữa lên dụi mắt: mắt ông cay sè vì mất ngủ, ánh sáng ban ngày tưởng chừng như châm vào mắt, xuyên qua cả lớp mi mắt đã nheo lại, thế mà ông vẫn không tài nào ngủ được.
Trong ba ngày đêm vừa qua, Smakốp đã trông thấy biết bao nhiêu người chết cùng lứa tuổi với đứa con trai tử trận của mình, đến nỗi lòng đau xót của một người cha vốn bị nghị lực nén lại dưới đáy sâu tâm hồn ông đã thoát ra ngoài, phát triển thành một tình cảm không những chỉ riêng đối với con mình mà còn đối với những người khác đã hy sinh trước mắt mình, thậm chí cả những người tuy mắt ông không trông thấy nhung biết là họ đã chết. Tình cảm nảy cứ lớn lên thêm mãi và cuối cùng lớn tới mức mà đau xót đã biến thành căm thù. Chính lòng căm thù đó giờ đây đang khiến Smakốp nghẹn ngào. Ông ngồi nghĩ đến bọn phát xít lúc này đang dùng gót sắt của chúng chà đạp làm chết hàng ngàn vạn con người cùng tuổi với Cách mạng tháng Mười như con ông, người trước kẻ sau, hết mạng này sang mạng khác, ở khắp nơi, trên khắp các nẻo đường chiến tranh. Giờ đây, ông căm thù bọn Đức này như xưa kia đã căm thù bọn bạch vệ. Ông không thấy có lòng căm thù nào sâu sắc hơn thế nữa và chắc rằng trong thực tế cũng không có lòng căm thù nào như vậy.
Mới hôm qua, ông còn phải cố đấu tranh tư tưởng mới ra được mệnh lệnh cho đem bắn tên phi công Đức. Nhưng hôm nay, sau những cảnh tượng hết sức đau thương của lúc vượt sông, khi mà quân phát xít như những tên đổ tể, dùng tiểu liên quạt sủi nước quanh đầu những người bị thương nhưng chưa chết, đang chới với, thì trong tâm hồn ông có cái gì đã đảo lộn, cái mà đến giây phút chót ấy vẫn chưa muốn đảo lộn đến cùng. Và ông đã thề với mình một cách thiếu suy nghĩ rằng từ nay không thèm thương hại những tên sát nhân ấy bất cứ ở đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, cả trong chiến tranh, cả sau chiến tranh, bất cứ bao giờ!
Chắc hẳn bây giờ khi nghĩ tới điều đó, trên mặt ông, trên bộ mặt thường điềm đạm của con người trí thức đã luống tuổi, bản tính vốn hiền lành, đã hiện lên một vẻ quá khác thường cho nên ông đã chợt nghe tiếng Xerpilin hỏi:
- Smakốp! Cậu làm sao thế? Có chuyện gì vậy? - Xerpilin đang nằm trên vệ cỏ, mở to mắt nhìn ông.
- Chẳng có chuyện gì sất. - Smakốp đeo kính vào, và mặt ông đã lấy lại vẻ bình thường.
- Nếu không có gì thì xem hộ mấy giờ rồi, đã đến giờ chưa? Kẻo lại không buồn nhấc chân động tay nữa đâu. - Xerpilin nói đùa.
Smakôp liếc nhìn đồng hồ và nói là còn bảy phút nữa mới hết giờ nghỉ.
- Thế thì mình cứ ngủ thêm. - Xerpilin lại nhắm mắt lại.
Mặc dầu anh em đã mệt rã rời, nhưng Xerpilin vẫn không cho phép kéo dài thời gian nghỉ chân thêm phút nào hết. Sau một giờ nghỉ ngơi, họ lại tiếp tục hành quân, dần dần quay sang phía đông nam.
Cho tới khi nghỉ chân buổi tối đã có thêm ba chục người lang thang trong rừng sát nhập vào đoàn quân. Không còn gặp người nào cùng trong sư đoàn nữa. Tất cả ba chục người gặp sau lần nghỉ chân thứ nhất đều thuộc sư đoàn bên cạnh đóng ở phía nam bên tả ngạn sông Đniép. Họ là người thuộc nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, và đơn vị hậu cần khác nhau. Mặc dầu trong đám họ có ba trung úy và một chính trị viên trưởng, nhưng không một ai hình dung được là sư đoàn bộ của mình ở đâu và thậm chí cũng không hình dung được là nó đã đi về hướng nào. Tuy nhiên, theo những lời kể lại chắp vá và nhiều lúc mâu thuẫn của họ, cuối cùng cũng có thể mường tượng được ra đại thể cái khung cảnh của cơn tai biến.
Căn cứ vào tên các địa điểm mà từ đó những người bị bao vây chạy ra được thì cho tới lúc quân Đức chọc thủng mặt trận, sư đoàn họ đã bị rải mành mành trên một mặt trận dài gần ba chục cây số. Thêm vào đó, sư đoàn tại không kịp hoặc không biết củng cố phòng tuyến cho đúng cách. Quân Đức đã ném bom xuống đầu họ hai mươi giờ liền, sau đó chúng tung mấy đội nhảy dù xuống hậu tuyến sư đoàn làm cho hệ thống liên lạc và chỉ huy của sư đoàn bị rối loạn, rồi dưới sự yểm hộ của không quân, chúng bắt đầu vượt sông Đniep ngay tức khắc ở ba nơi cùng một lúc. Thế là các đơn vị của sư đoàn bị tan tác, nơi thì bỏ chạy, nơi thì chiến đấu ảc liệt, nhưng cũng đã không sao có thể xoay chuyển tình thế chung được nữa.
Anh em thuộc sư đoàn này kéo đi từng tốp nhỏ hai ba người một, người có súng, người không. Sau khi hỏi chuyện họ, Xerpilin xếp họ vào hàng ngũ lẫn lộn với các chiến sĩ của mình. Ông cứ để những người không có súng đứng vào hàng với hai tay không, nói rằng họ phải tự mình cướp lấy súng trong chiến đấu, chứ chẳng làm gì có súng dự trữ cho họ.
Xerpilin nói với anh em có vẻ gay gắt nhưng không xỉ vả. Chỉ riêng đối với anh chàng chính trị viên trưởng phân trần rằng tuy mình không mang súng nhưng quân phục chỉnh tề và còn thẻ đảng viên trong túi, thì Xerpilin đã bác bỏ một cách chua cay, nói rằng ở ngoài mặt trận người đảng viên phải giữ gìn vũ khí ngang với thẻ đảng viên.
- Anh bạn thân mến ạ, chúng ta không phải là đi đến nơi chịu nạn mà là đi chiến đấu, - Xerpilin nói. - Khi anh đã thấy được rằng thà để cho quân phát xít xử bắn còn hơn tự tay mình lột bỏ những ngôi sao chính ủy trên áo đi, thì điều đó chứng tỏ rằng anh còn có lương tâm. Nhưng đối với chúng ta chỉ có thế thôi thì chưa đủ. Chúng ta không muốn bị xử bắn mà muốn bắt bọn phát xít bị xử bắn, song nếu không có vũ khí thì đừng hòng làm việc đó. Thế kia đấy! Vậy anh hãy đứng vào hàng đi và tôi hy vọng rằng anh sẽ là người đầu tiên kiếm được vũ khí cho mình trong chiến đấu.
Khi anh chàng chính trị viên trưởng ngượng ngùng kia đã đi cách Xerpilin mấy bước, ông gọi giật anh ta lại và tháo một trong hai quả lựu đạn trứng gà đeo ở thắt lưng ra, rồi đặt trên lòng bàn tay, đưa cho anh:
- Cầm lấy để làm vốn lúc đầu!
Xintxốp, với tư cách là sĩ quan tùy tùng đang ghi tên họ, cấp bậc và số hiệu đơn vị vào sổ tay. Anh thầm vui sướng trước sự điềm đạm và nhẫn nại không mệt mỏi của Xerpilin trong khi nói chuyện với mọi người.
Tuy không thể đi sâu được vào tâm hồn con người, nhưng qua nhũng ngày này Xintxốp đã nhiều lần có cảm tưởng rằng bản thân Xerpilin không cảm thấy sợ chết. Chắc cũng chẳng phải hoàn toàn như vậy, nhưng trông có vẻ như vậy.
Đồng thời Xerpilin cũng không tỏ ra vẻ không hiểu tại sao người ta lại sợ, tại sao lại có thể bỏ chạy cuống quít quăng cả súng đi. Trái lại, ông cho họ cảm thấy rằng ông hiểu điều này, nhưng đồng thời lại kiên trì làm cho họ tin rằng nỗi hoảng sợ của họ và sự thất bại mà họ phải chịu - tất cả đều là quá khứ. Đã xảy ra như vậy nhưng sẽ không xảy ra như vậy nữa, họ đã mất vũ khí nhưng họ sẽ lấy lại được vũ khí. Chắc hẳn vì vậy nên anh em không rời khỏi Xerpilin với tâm trạng chán nản, ngay cả khi ông nói với họ với giọng gay gắt đi nữa. Ông đã tỏ ra công bằng: không miễn tội cho họ, nhưng cũng không đổ tất cả tội tình lên đầu họ. Họ cảm thấy được điều đó và họ muốn chứng minh rằng cách cư xử của ông như vậy là đúng đắn.
Ngay trước khi nghỉ chân buổi tối. lại có mộí cuộc gặp gỡ nữa không giống tất cả những cuộc khác. Một trung sĩ từ đội trắc vệ đang đi ở tận khu rừng sâu đã dẫn hai người mang vũ khí. Một người là một chiến sĩ hồng quân thấp bé mặc một chiếc bludông da đã sờn cũ ở ngoài chiếc áo quân phục mùa nóng, vai mang khẩu súng trường. Còn người kia là một tay cao lớn đẹp mã, tuổi trạc bốn mươi, có cái mũi diều hâu và mớ tóc trắng quý tộc lòi ra dưới mũ calô, khiến cho bộ mặt còn trẻ trung, sáng sủa, chưa có nếp nhăn của anh ta càng thêm trang trọng. Gã mặc một cái quần phăng, và đi đôi ủng da rất đẹp, vai đeo tiểu liên mới tinh có băng đạn hình đĩa tròn, nhưng cái mũ calô trên đầu thì lại bẩn thỉu, cáu ghét, và chiếc áo quân phục mùa nóng của chiến sĩ cũng bẩn thỉu, cáu ghét, không họp với tầm vóc gã, cổ quá chật và tay quá ngắn.
- Đồng chí lữ đoàn trưởng, - người trung sĩ tiến lại gần Xerpilin cùng với hai người lạ kia, đưa mắt lườm họ, tay lăm lăm khẩu súng trường, nói, - xin phép báo cáo. Tôi dẫn đến đây hai người bị bắt giữ, sở dĩ tôi phải giữ họ lại và áp giải đến đây, bởi vì họ không chịu trình bày rõ họ là ai, mà cũng bởi vì hình dạng của họ. Chúng tôi chưa tước được vũ khí của họ, bởi vì họ không chịu nộp vũ khí, mà chúng tôi thì không muốn nổ súng trong rừng khi chưa cần thiết.
- Phó phòng tác chiến của bộ tham mưu tập đoàn quân, đại tá Baranốp, - người mang tiểu liên đứng nghiêm trước mặt Xerpilin và Smakốp tay đặt lên vành mũ calô để chào rồi nói vói giọng nhát gừng, bực tức, có vẻ phật ý.
- Chúng tôi xin lỗi, - người trung sĩ vừa áp giải hai người bị bắt giữ đến, nghe câu ấy liền cũng đặt tay lên vành mũ calô mà nói vậy.
- Đồng chí xin lỗi cái gì? - Xerpilin quay về phía anh ta, - đồng chí bắt giữ lại thế là đúng và dẫn đến chỗ tôi cũng là đúng. Sau này cũng cứ thế mà làm. Đồng chí có thể đi được rồi. Đề nghị cho xem giấy tờ, - sau khi cho người trung sĩ đi rồi, ông quay sang nói với người bị bắt giữ.
Đôi môi gã này giật nảy lên, rồi anh ta lúng túng mỉm cười. Xintxốp cảm thấy rằng người này chắc hẳn có quen biết Xerpilin, nhưng chỉ đến bây giờ mới nhận ra ông và sửng sốt vì cuộc gặp gỡ này. Đúng là như vậy. Cái người tự xưng là đại tá Baranốp ấy quả thực có mang tên họ đó và quân hàm đó, quả thực có giữ chức vụ mà gã đã nói ra khi được dẫn đến gặp Xerpilin. Và quả thật anh ta không hề nghĩ rằng người đang mặc quân phục đứng trước mặt mình trong khu rừng này, xung quanh có các cán bộ chỉ huy khác, cái ông lữ đoàn trưởng cao lớn mang tiểu liên Đức trên vai này mà trong giây phút đầu tiên gã chỉ nhận xét thầm trong óc rằng ông ta rất giống một người nào đó, lại chính là Xerpilin.
- Xerpilin! - gã kêu lên, giang hai tay ra và khó mà hiểu được rằng đó là cử chỉ tỏ vẻ hết sức kinh ngạc hay là gã định ôm lấy Xerpilin.
- Phải, tôi là lữ đoàn trưởng Xerpilin. - Xerpilin đột nhiên nói bằng một giọng khô khan, lạnh như tiền, - chỉ huy trưởng của sư đoàn mà tôi được giao phụ trách, còn anh là ai thì tôi chưa thấy. Anh cho xem giấy.
- Xerpilin, tớ là Baranốp, cậu làm sao thế, điên rồi à?
- Lần thứ ba tôi đề nghị anh xuất trình giấy tờ, - Xerpilin vẫn nói với cái giọng lạnh như tiền ấy.
- Mình không có giấy tờ, - Baranốp nói sau một hồi lâu im lặng.
- Sao lại không có giấy tờ.
- Sự thể là như thế, tớ đã tình cờ đánh mất giấy tờ... Tớ để quên trong cái áo quân phục cũ khi đổi sang cái áo... chiến sĩ này, - Baranốp đưa mấy ngón tay sờ sờ chiếc áo quân phục không hợp với tầm vóc, quá hẹp và đã cáu ghét.
- Để quên giấy tờ trong cái áo cũ à? Thế cấp hiệu đại tá của anh cũng ở trong cái áo ấy à?
- Vâng, - Baranốp thở dài.
- Thế thì tại sao tôi lại cứ phải tin lời anh nói rằng anh là đại tá Baranốp, phó phòng tác chiến của tập đoàn quân?
- Nhưng chính cậu biết tớ cơ mà, chính tớ đã công tác cùng với cậu trong học viện cơ mà! - Baranốp lúng ba lúng búng với cái vẻ đã hoàn toàn bối rối.
- Cứ giả thiết là như vậy, - Xerpilin đáp, không hề dịu đi chút nào, vẫn cái giọng rắn lạnh như tiền mà Xintxốp chưa từng thấy, - nhưng nếu anh gặp không phải là tôi thì ai có thể chứng thực cho cá nhân anh, cho quân hàm và chức vụ của anh?
- Có cậu này. - Baranốp trỏ người chiến sĩ hồng quân mặc áo bludông da đứng bên cạnh mình. - Đây là người lái xe của tớ.
- Đồng chí chiến sĩ, thế đồng chí có giấy tờ không? - Xerpilin quay sang người chiến sĩ, không thèm nhìn Baranốp.
- Có ạ... - người chiến sĩ ngập ngừng mất một giây, chưa cả quyết được ngay là nên xưng hô với Xerpilin như thế nào, - Báo cáo thiếu tướng có ạ! - Anh ta cởi phanh chiếc áo da, lôi trong túi áo quân phục mùa nóng ra một cuốn sổ chứng minh nhỏ của chiến sĩ hồng quân bọc trong tấm giẻ rách và đưa cho Xerpilin.
- Thế đấy, - Xerpilin đọc to. - “Chiến sĩ hồng quân Dôlôtarép Piôtr Ilíts, đơn vị quân đội 22/14”. Rõ rồi. - Và ông trả giấy chứng minh cho người chiến sĩ. - Đồng chí Dôlôtarép, đồng chí có thể chứng thực nhân thân, quân hàm và chức vụ của người đã cùng bị bắt giữ với đồng chí không? - Và vẫn không thèm quay về phía Baranốp, ông đưa ngón tay chỉ vào gã.
- Báo cáo thiếu tướng, đúng thế, đây đích thực là đại tá Baranốp, tôi là lái xe của đồng chí ấy.
- Nghĩa là đồng chí chứng thực rằng đây đúng là cấp chỉ huy của mình.
- Báo cáo thiếu tướng, đúng thế ạ.
- Xerpilin, cậu đừng có nhạo báng nữa! - Baranốp gào lên một cách cáu kinh.
Nhưng Xerpilin thậm chí vẫn không thèm đưa mắt về phía gã.
- Được, vậy là dù sao đồng chí đã có thể chứng thực được cho nhân thân cấp chỉ huy của mình, nếu không thì không may người ta cũng đã có thể đem xử bắn anh ta rồi. Giấy tờ chẳng có, cấp hiệu thì không, áo thì đi mượn, quần và ủng lại của sĩ quan... - Càng nói thêm câu nào giọng nói của Xerpilin càng trở nên rắn đanh hơn. - Các anh đến đây trong hoàn cảnh nào? - ngừng một lát ông hỏi.
- Bây giờ tớ sẽ kể hết cho cậu nghe... - Baranốp đã định bắt đầu kể lể.
Nhưng Xerpilin ngắt lời gã đã quay nửa người lại:
- Bây giờ tôi chưa hỏi đến anh. Đồng chí nói đi... - ông lại quay sang phía người chiến sĩ.
Người chiến sĩ bắt đầu kể, mới đầu còn ấp úng, nhưng về sau mỗi lúc một vững tâm hơn, cố cho khỏi quên một điều nào. Anh ta nói là cách đây ba hôm họ từ tập đoàn quân đến ngủ đêm ở trụ sở phòng tham mưu sư đoàn, buổi sáng hôm sau, đại tá vừa đi sang cơ quan tham mưu thì xung quanh lập tức bị ném bom, một lát sau một người lái xe từ hậu tuyến đến nói rằng ở đó bọn Đức đã thả quân nhẩy dù, và khi nghe nói thế, anh ta bèn cho xe ra, sẵn sàng để đi bất cứ lúc nào. Rồi một giờ sau, đại tá chạy tới khen anh đã chuẩn bị sẵn ôtô, nhẩy phắt lên xe và ra lệnh lập tức cho xe chạy quay trở lại, chạy về Trauxư. Lúc ra đến đường cái thì đằng trước đã có tiếng súng bắn dữ dội và có khói bốc lên, họ liền rẽ xuống đường làng, chạy được một lúc thì lại nghe có tiếng súng và đã thấy xe tăng quân Đức đang ở ngã tư. Thế là họ bèn rẽ vào một con đường rừng vắng, kế đó bỏ con đường này chạy tuốt vào rừng, rồi đại tá ra lệnh dừng xe lại.
Vừa kể lại tất cả những việc ấy, người chiến sĩ thỉnh thoảng lại vừa liếc mắt nhìn ông đại tá của mình, tựa hồ như mong gã này xác nhận giúp cho, nhưng gã chỉ đứng im, đầu cúi gằm xuống. Cái điều nặng nề nhất đối với gã đã bắt đầu và gã cũng hiểu như vậy. - Ra lệnh đừng xe lại, - Xerpilin nhắc lại câu cuối cùng của người chiến sĩ, - rồi sau sao nữa?
- Sau đó đồng chí đại tá ra lệnh cho tôi lôi chiếc áo và chiếc calô cũ của tôi ở dưới ghế ra, tôi được lĩnh quân phục mới cách đây không lâu, nhung vẫn giữ áo mũ cũ lại để đề phòng lúc nào phải chui xuống dưới gầm xe. Đồng chí đại tá cởi áo quân phục và mũ kêpi của mình ra, mặc áo mũ của tôi vào, bảo rằng bây giờ phải cuốc bộ để thoát khỏi vòng vây, rồi ra lệnh cho tôi tưới xăng vào xe mà đốt. Nhưng chỉ có điều là tôi, - người lái xe ấp úng, - chỉ có điều là, thưa đồng chí thiếu tướng, tôi không biết rằng đồng chí đại tá đã bỏ quên giấy tờ trong đó, trong chiếc áo cũ của mình, chứ nếu biết thì cố nhiên tôi đã nhắc đồng chí ấy rồi, thành thử ra thế là tôi đã đốt ráo tất cả cùng với chiếc xe.
Anh ta cảm thấy mình có lỗi.
- Anh nghe thấy chứ? - ông quay sang phía Baranốp. - Chiến sĩ của anh tiếc rằng đã không nhắc anh về các giấy tờ của anh đấy. - Giọng ông có vẻ giễu cợt. - Nếu anh ta mà nhắc anh thì tình hình sẽ ra sao rồi nhỉ? Thú vị thật. - Ông lại quay sang người lái xe: - Rồi về sau ra sao nữa?
- Sau đó, chung tôi vừa đi vừa lẩn tránh trong hai hôm. Cho đến lúc gặp các đồng chí...
- Đồng chí Dôlôtarép, cảm ơn đồng chí nhé, - Xerpilin nói. - Xintxốp, ghi tên anh ta vào danh sách đi. Hãy đuổi cho kịp đoàn quân và đi vào hàng. Đến chỗ nghỉ, đồng chí sẽ nhận được thức ăn.
Người lái xe đã cất bước đi rồi, nhưng lại dừng chân, đưa mắt nhìn ông đại tá của mình ra ý hỏi, nhưng gã này vẫn đứng nguyên như trước, mắt nhìn xuống đất.
- Đi đi! - Xerpilin nói với giọng ra lệnh. - Đồng chí không còn việc gì nữa đâu.
Người lái xe đi ngay. Một bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm lấy xung quanh.
- Anh hỏi cậu ta ngay tnước mặt tôi như vậy để làm gì? Anh có thể hỏi tôi mà không làm tổn thương đến danh dự của tôi trước mặt một người chiến sĩ.
- Tôi hỏi cậu ấy là vì tôi tin vào lời của một chiến sĩ có giấy chứng minh hơn là lời của một đại tá đã đổi lốt, lột lon và không có giấy tờ, - Xerpilin nói. - Bây giờ ít ra tôi cũng đã rõ được sự thật. Anh xuống sư đoàn với nhiệm vụ theo dõi xem tình hình sư đoàn chấp hành mệnh lệnh của tư lệnh tập đoàn quân ra sao, có đúng thế không?
- Đúng, - Baranốp vẫn nhìn trừng trừng xuống đất, nói.
- Ấy thế mà mới gặp tình hình nguy hiểm đầu tiên, anh đã bỏ chuồn! Vứt bỏ ráo và chuồn. Có đúng thế không?
- Không hoàn toàn như vậy.
- Không hoàn toàn hả? Thế thì thế nào?
Nhưng Baranốp lặng thinh. Tuy gã сảm thấy rõ ràng mình bị sỉ nhục, nhưng không biết phản đối cái gì được.
- Tôi làm tổn thương danh dự của anh ta trước mặt một chiến sĩ! Smakốp, cậu có nghe thấy không? - Xerpilin quay sang phía Smakốp. - Buồn cười thật! Anh ta đã tỏ ra hèn nhát, trước mặt chiến sĩ đã cởi bỏ tấm áo sĩ quan, quẳng bỏ giấy tờ, còn tôi thì té ra lại làm tổn thương danh dự anh ta. Không phải tôi làm tổn thương danh dự của anh trước mặt chiến sĩ, mà chính anh đã làm tổn thương danh dự của cán bộ chỉ huy quân đội trước mặt chiến sĩ bằng một hành động nhục nhã của mình. Nếu trí nhớ tôi không nhầm lẫn thì anh đã từng là đảng viên. Thế nào, cả thẻ đảng viên cũng đốt nốt rồi chứ?
- Tất cả đều cháy hết, - Baranốp dang hai tay ra.
- Anh bảo là đã vô tình quên giấy tờ trong áo hả? - Lần đầu tiên tham gia vào câu chuyện, Smakốp khẽ hỏi.
- Vô tình thôi.
- Nhưng theo tôi, anh nói dối. Theo tôi thì dù người lái xe có nhắc anh về giấy tờ chăng nữa, anh vẫn sẽ quăng nó đi ngay khi có dịp.
- Để làm gì kia chứ? - Baranốp hỏi.
- Điều đó anh rõ hơn tôi.
- Nhưng tôi vẫn mang vũ khí kia mà?
- Khi tình hình nguy hiểm thực sự chưa đến gần mà anh đã đốt cả giấy tờ rồi anh cũng sẽ quẳng nốt vũ khí đi khi gặp tên Đức đầu tiên.
- Anh ta giữ vũ khí lại, vì sợ chó sói ở trong rừng, - Xerpiiin nói.
- Tôi giữ súng lại để đánh quân Đức, để đánh quân Đức! - Baranốp bực tức kêu lên.
- Tôi không tin, - Xerpilin nói. - Sĩ quan phụ trách tham mưu như anh có cả một sư đoàn trong tay, thế mà anh đã bỏ nó để chuồn! Vậy thì làm sao một mình anh chiến đấu với quân Đức được?
- Xerpilin, cứ nói mãi làm gì? Tôi không phải trẻ con, tôi hiểu hết, - Baranốp bỗng nói khẽ.
Nhưng chính cái lối đấu dịu bất ngờ đó chẳng khác nào một người vừa mới đây thấy cần hết sức tự biện bạch, nay bỗng xoay ra cho rằng đổi giọng là có lợi cho mình hơn, cái lối đó đã khiến Xerpilin càng thêm nghi ngờ tợn.
- Anh hiểu cái gì?
- Hiểu lỗi của mình. Tôi sẽ lấy máu để chuộc lỗi. Hãy cho tôi một đại đội, cùng lắm thì một trung đội, dù sao tôi cũng không đi đến chỗ quân Đức đâu, mà đến với quân ta, anh có thể tin điều đó được không?
- Tôi không biết, - Xerpilin nói. - Theo tôi anh chẳng đi đến với ai hết. Anh chỉ đi theo hoàn cảnh, theo gió xoay buồm...
- Tôi nguyền rủa cái giờ phút mà mình đốt mất giấy tờ... - Baranốp lại bắt đầu nói, nhưng Xerpilin ngắt lời :
- Anh nói là bây giờ anh hối tiếc, điều đó thì tôi tin. Bây giờ anh tiếc rằng mình đã quá vội vàng, đó là bởi vì anh đã gặp quân ta, nhưng nếu sự thể xảy ra khác đi thì tôi không biết anh có tiếc không. Thế nào chính ủy, - ông quay sang hỏi Smakốp, - chúng mình có nên cho ông cựu đại tá này chỉ huy một đại đội không?
- Không, - Smakốp nói.
- Một trung đội?
- Không.
- Ý kiến tôi cũng thế. Sau những việc đã xảy ra, tôi muốn giao cho người lái xe của anh chỉ huy anh hơn là để anh chỉ huy cậu ta! - Xerpilin nói, và lần đầu tiên dịu bớt giọng xuống nửa âm trình so với tất cả những câu đã nói từ nãy đến giờ, ông bảo Baranốp: - Hãy đi đi và đứng vào hàng ngũ với khẩu tiểu liên mới toanh này của anh, và như anh đã nói. hãy thử chuộc lỗi của mình bằng máu... của quân Đức. - ông ngừng lại một tí rồi nói thêm. - Mà nếu cần thì bằng cả máu của mình nữa. Tôi cùng đồng chí chính ủy dùng quyền lực được giao ở đây để hạ tầng anh xuống làm binh nhì cho đến khi nào gặp được quân ta. Đến đó anh sẽ giải thích về hành động của mình, còn chúng tôi thì sẽ giải thích về sự tự tiện của chúng tôi.
- Hết rồi chứ? Anh không còn gì để nói với tôi nữa chứ? - Baranốp ngước nhìn Xerpilin bằng đôi mắt dữ tợn và hỏi.
Có cái gì run lên trên mặt Xerpilin trước những lời nói đó; thậm chí ông đã nhắm mắt lại trong một giây để che giấu cảm xúc biểu hiện trong đôi mắt.
- Anh hãy nói một lời cảm ơn rằng chúng tôi đã không xử bắn anh về tội hèn nhát, - Smakốp xen lời thay Xerpilin.
- Xintxốp, - Xerpilin vừa mở mắt vừa nói, - anh hãy ghi tên chiến sĩ Baranốp vào danh sách của đơn vị. Đi cùng với anh ta đến chỗ trung úy Khôrưsép, - ông hất hàm về phía Baranốp, - và nói rằng chiến sĩ Baranốp thuộc quyền chỉ huy của đồng chí ấy.
- Xerpilin, quyền lực của cậu tớ chấp hành hết, nhưng đừng hòng tớ sẽ quên điều đó cho cậu đâu.
Xerpilin chắp tay ra sau lưng, bẻ đốt ngón tay kêu răng rắc và lặng thinh.
- Đi theo tôi, - Xintxốp nói với Baranốp, và họ cất bước đuổi theo đoàn quân đã tiến lên phía trước.
Smakốp đăm đăm nhìn Xerpilin. Bản thân bị xúc động trước việc đã xảy ra, ông cảm thấy là Xerpilin còn xúc động hơn. Rõ ràng lữ đoàn trưởng đã chịu đựng một cách khó khăn cái hành vi nhục nhã của người bạn đồng sự cũ mà chắc rằng trước kia ông đã đánh giá khác hẳn, đánh giá rất cao.
-Xerpilin!
- Cái gì? - Xerpilin tựa hồ như bừng tỉnh giữa cơn mơ màng và thậm chí giật mình, rồi cất tiếng đáp lời; ông mải suy nghĩ, nên quên mất rằng Smakốp đang đi cạnh mình, vai kề vai.
- Sao cậu buồn phiền thế? Trước công tác với nhau có lâu không? Có biết rõ hắn không?
Xerpilin lơ đãng nhìn Smakốp và trả lời với cái vẻ lảng tránh không giống với bản tính ông, khiến cho chính ủy ngạc nhiên.
- À, ở đời đã mấy ai biết được ai! Tốt hơn là ta dấn bước lên đến chỗ nghỉ chân!
Smakốp vốn không thích nài ép nên lặng thinh và cả hai người dấn bước lên, đi cạnh nhau mà không nói một lời nào cho đến tận nơi nghỉ, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng.
Smakốp đoán không đúng. Tuy Baranốp có cùng công tác với Xerpilin ở học viện thực, nhưng chẳng những Xerpilin không đánh giá cao về gã mà ngược lại, còn đánh giá rất thấp nữa là khác. Ông coi Baranốp là một kẻ không phải là không có năng lực, nhưng ham địa vị, không quan tâm tới lợi ích của quân đội mà chỉ quan tâm tới việc mình được thăng quan tiến chức. Trong khi giảng dạy ở học viện, Baranốp sẵn sàng hôm nay ủng hộ một học thuyết này, ngày mai lại ủng hộ một học thuyết khác, đổi trắng thay đen, thay đen đổi trắng. Khôn khéo uốn mình theo những cái có thể làm vừa lòng “trên” như gã tưởng, thậm chí gã không ngần ngại ủng hộ cả những ý kiến lầm lạc rành rành do thiếu am hiểu về những sự việc thực tế, mặc dầu chính bản thân gã biết rất rõ những sự việc này.
Gã chuyên nghề làm những bản báo cáo và thông báo về tình hình quân đội của các nước đối phương giả định; trong khi tìm bới những chỗ yếu có thực cũng như bịa đặt của kẻ thù tương lai, gã cứ lờ đi một cách xu phụ, không nói gì tới tất cả những mặt mạnh và nguy hiểm của nó. Mặc dầu hồi ấy những cuộc bàn cãi về những vấn đề đó đều có tính chất rất phức tạp, Xerpilin đã chửi Baranốp hai lẩn khi chỉ có hai người với nhau, và một lần thứ ba trước mặt mọi người, về thái độ của gã.
Sau đó, ông đã phải nhớ lại việc này trong những hoàn cảnh hết sức bất ngờ; và chỉ có trời biết được là ông đã phải vất vả như thế nào để khỏi biểu lộ ra tất cả những gì đột nhiên tới xáo động tâm hồn ông trong lúc hỏi chuyện Baranốp.
Ông không biết mình đúng hay sai khi nghĩ cho Baranốp những điều mà ông đã nghĩ về gã, tuy vậy điều ông biết chắc là bây giờ không phải lúc và cũng chẳng phải chỗ để ôn lại chuyện xưa, dù là chuyện hay hay chuyện dở cũng thế thôi.
Cái khoảnh khắc khó khăn nhất trong câu chuyện của họ là khi Baranốp thình lình nhìn thẳng vào mắt ông một cách ác độc pha lẫn ý dò hỏi. Nhưng dường như ông đã chịu đựng được cả cái nhìn đó, và Baranốp đã ra đi với vẻ yên tâm, ít ra thì cũng như vậy, nếu căn cứ vào câu nói càn rỡ của gã lúc chia tay.
Thôi, thế cùng được! Xerpilin, phải, chính Xerpilin chẳng muốn mà cũng không thể có một sự trả thù cá nhân nào đối với chiến sĩ Baranốp thuộc quyền mình. Nếu gã sẽ chiến đấu gan dạ thì Xerpilin sẽ tuyên dương gã trước hàng quân; nếu gã bỏ mạng mình một cách trung thực thì Xerpilin sẽ báo cáo việc đó; nếu gà hèn nhát và bỏ chạy thì Xerpilin sẽ ra lệnh xử bắn gã như bất cứ kẻ nào khác. Tất cả đều đúng cả thôi. Nhưng sao vẫn thấy nặng trĩu trong lòng!
Đoàn quân nghỉ chân bên cạnh một ngôi nhà có người ở, ngôi nhà mà họ gặp giữa rừng lần đầu tiên ngày hôm nay. Đứng bên rìa một mảnh đất trống trải đã được cầy xới thành vườn rau là căn nhà gỗ của người gác rừng. Ngay gần đó còn có cả một cái giếng, làm cho những con người đã kiệt sức vì nóng nực trông thấy ai nấy đều mừng rỡ.
Sau khi dẫn Baranốp tới chỗ Khôrưsép, Xintxốp ghé vào ngôi nhà gỗ đó. Căn nhà có hai phòng, cửa đi sang phòng thứ hai đang đóng; từ cửa phòng thấy vẳng ra tiếng đàn bà khóc rền rĩ. Trong góc bên phải treo một chiếc giá thờ với những bức tượng thánh nghèo nàn không mạ vàng. Một ông lão tám mươi tuổi nghiêm nghị, mặc quần áo rất sạch sẽ - áo cánh trắng, quần chùng trắng - ngồi yên không nói năng, không động đậy trên chiếc trường kỷ rộng cùng với hai cán bộ chỉ huy đã vào đây trước Xintxốp, cả bộ mặt ông lão đều chằng chịt những nếp nhăn sâu hoắm như những lỗ nẻ, còn cái cổ gày gò thì đeo một sợi dây chuyền bằng đồng đã mòn có treo cây thánh giá hộ mệnh.
Một bà già nhỏ nhắn hoạt bát, chắc hẳn là cùng tuổi với ông lão, nhưng do cử động nhanh nhẹn nên có vẻ trẻ hơn nhiều, ra cúi mình chào đón Xintxốp. Từ trên giá treo tường có che tấm khăn mặt, bà lấy xuống thêm một chiếc cốc nhiều cạnh nữa và đặt lên bàn trước mặt Xintxốp, ở đây đã có sẵn hai chiếc cốc và một cái liễn. Trước khi Xintxốp tới, bà lão đã đưa sữa ra thết các cán bộ chỉ huy ghé thăm nhà.
Xintxốp hỏi bà xem có thể xoay xỏa được cái gì cho sư đoàn trưởng và chính ủy ăn không và nói thêm là bánh mì thì đã có sẵn rồi.
- Biết lấy gì mà đãi các ông ấy bây giờ, chỉ có sữa thôi.
Bà lão buồn rầu dang hai tay ra. - Nếu có thời giờ thì nhóm lò lên mà luộc khoai tây vậy.
Xintxốp chẳng biết là thời gian có đủ không, nhưng cứ xin luộc khoai tây phòng sẵn.
- Khoai cũ vẫn còn, khoai năm ngoái đấy... - bà lão nói bắt đầu lúi húi bên bếp lò.
Xintxốp uống hết sữa: anh muốn uống nữa, nhưng nhìn vào liễn thấy chỉ còn non một nửa, nên đâm ngại. Hai người cán bộ kia chắc hẳn cũng muốn thêm mỗi người một cốc nữa, nhưng cũng đành chào từ biệt mà đi ra. Xintxốp ngồi lại với hai ông bà già. Sau một hồi tất tưởi bên lò, luồn xong mấy thanh đóm xuống dưới đống củi, bà lão đi sang phòng bên, rồi một phút sau cầm diêm quay ra. Cả hai lần, khi bà ta mở và đóng cửa, đều nghe tiếng khóc rền rĩ, nức nở trong phòng lọt ra.
- Nhà ta có chuyện gì, ai khóc vậy? - Xintxốp hỏi.
- Con Đunca nó gào đấy. Nó là cháu gái tôi. Người yêu nó chết. Thằng ấy nó bại liệt một tay, nên người ta không lấy ra trận. Nó cùng bà con lùa đàn súc vật của nông trang Nêliđôvô đi, khi vượt qua đường ôtô thì bị máy bay ném bom nên nó chết. Con bé gào thét đến hôm thứ hai rồi, - bà lão thở dài.
Bà châm đóm, đặt lên ngọn lửa cái chảo gang trong có khoai tây đã rửa sẵn từ trước, chắc là để luộc cho gia đình, rồi ngồi xuống trưởng kỷ bên cạnh ông lão, và chống tay xuống bàn, vẻ ủ ê.
- Cả nhà chúng tôi ra trận hết, cả mấy đứa con trai, cả mấy đứa cháu trai, đều đi ráo. Thế quân Đức sắp đến đây chưa, hả anh?
- Cháu không biết.
- Thế mà bà con từ Nêliđôvô đến, bảo rằng quân Đức đã ở Trauxư rồi đấy.
- Cháu không biết. - Quả thực Xintxốp cũng không biết trả lời ra sao.
- Chắc là sắp rồi, - bà lão nói. - Người ta lùa súc vật đi đã được năm hôm rồi, nếu không thì lùa đi làm gì. Còn chúng tôi ở đây, - bà giơ bàn tay khô khẳng trỏ vào cái liễn, - đang uống nốt chỗ sữa cuối cùng. Bò cái cũng cho đi rồi. Cứ để cho họ lùa đi, nhờ giời rồi cũng có ngày lại lùa về. Bà bên hàng xóm nói là ở Nêliđôvô chẳng còn mấy người, tất cả bỏ đi ráo...
Tất cả những điều đó đều do bà lão nói ra, còn ông lão thì cứ ngồi im, chẳng nói chẳng rằng, trong suốt thời gian Xintxốp ở trong nhà, chẳng thấy cụ nói một câu nào. Ông lão đã già lắm rồi và dường như chỉ muốn chết ngay bây giờ, khỏi phải đợi đến lúc bọn Đức kéo vào nhà sau khi những người mặc quân phục hồng quân này đã ra đi. Và một nỗi buồn đã xâm chiếm tâm hồn khi nhìn ông lão, một nỗi nhớ thương đã trào lên trong tiếng đàn bà nức nở nỉ non sau bức tường, khiến Xintxốp không chịu nổi, phải nói thác rằng mình sẽ quay lại, rồi bỏ đi ra. Vừa mới xuống khỏi bậc thềm anh đã trông thấy Xerpilin đang đi tới căn nhà.
- Đồng chí lữ đoàn trưởng... - anh cất tiếng.
Nhưng cô bác sĩ nhỏ nhắn đã vượt lên trước anh, chạy tới chỗ Xerpilin, xúc động nói rằng đại tá Daitricốp mời lữ đoàn trưởng đến gặp ông ấy ngay bây giờ.
- Tôi sẽ ghé lại sau, nếu còn kịp thời giờ, - Xerpilin phẩy tay để đáp lại lời Xintxốp đề nghị ghé vào nghỉ trong căn nhà gỗ, rồi bước những bước nặng như chì theo sau cô bác sĩ nhỏ nhắn.
Daitrikốp nằm trên chiếc cáng đặt dưới bóng râm một cây dẻ um tùm. Người ta vừa cho ông uống nước; chắc là chật vật lắm ông mới nuốt nổi hụm nước: cổ áo quân phục và hai vai ông đều ướt.
- Có tôi đây, Daitrikốp ạ, - Xerpilin vừa nói vừa ngồi xuống đất bên cạnh Daitrikốp.
Daitrikốp mở mắt ra chậm đến nỗi tựa hồ như chỉ nguyên một cử động đó cũng đòi hỏi ở ông một sự cố gắng không tưởng tượng nổi.
- Phêđia, cậu hãy nghe đây, - ông thều thào nói, lần đầu tiên xưng hô với Xerpilin như vậy, - bắn cho mình chết đi, nhé? Không còn sức để chịu đau đớn nữa, giúp mình với.
- Tớ chịu thôi, - Xerpilin nói, giọng run rẩy.
- Giá mà chỉ mình tớ bị dày vò, đằng này lại thành gánh nặng cho mọi người. - Daitrikốp dằn từng tiếng, mỗi tiếng lại thở dốc.
- Tớ không thể làm thế được, - Xerpilin nhắc lại.
- Đưa súng đây, mình tự bắn lấy.
Xerpilin lặng thinh.
- Cậu sợ trách nhiệm à?
- Không thể tự tử được, - cuối cùng, cố tập trung hết tinh thần, Xerpilin nói, - cậu không có quyền làm như thế. Sẽ ảnh hưởng tới anh em. Phải chi có hai đứa mình với nhau...
Ông không nói hết câu, nhưng đang lúc hấp hối Daitrikốp không chỉ hiểu mà còn tin thật rằng nếu chỉ có hai người với nhau thì chắc Xerpilin đã không khước từ cái quyền tự sát của ông.
- Ối, đau quá, - ông nhắm mất lại, nói, - mình đau quá, Xerpilin, phải chi cậu biết mình không còn sức nữa! Cho tớ thuốc mê đi, cậu ra lệnh bảo bác sĩ cho tớ thuốc mê đi, tớ đã hỏi mà cô ấy không cho, nói là không có. Cậu kiểm tra xem, có lẽ cô ấy nói dối!
Bây giờ ông lại nằm yên không nhúc nhích, mắt nhắm nghiền, môi cắn chặt. Xerpilin đứng đậy, lánh ra một bên, gọi cô bác sĩ đến chỗ mình.
- Không còn hy vọng gì nữa ư? - ông hỏi khẽ.
Cô bác sĩ chỉ chập hai bàn tay nhỏ bé lại.
- Đồng chí còn hỏi gì nữa? Đã ba lần tôi tưởng là đồng chí ấy đã thở hắt ra rồi. Lâu nhất cũng chỉ sống được mấy tiếng đồng hồ nữa thôi.
- Cô có cách gì để gây mê cho đồng chí ấy được không? - Xerpilin hỏi khẽ nhưng cương quyết.
Cô bác sĩ sợ hãi nhìn ông bằng cặp mắt trẻ con mở to.
- Không thể làm thế được!
- Tôi biết không thể làm thế được, nhưng trách nhiệm là ở tôi. Có cách gì hay không?
- Không ạ, - cô bác sĩ trả lời, và ông có cảm tưởng là cô ta không nói dối.
- Tôi không có can đảm để nhìn một người bị đau đớn dày vò như vậy.
- Vậy đồng chí cho là tôi có cái can đảm đó ư? - cô đáp, và thật bất ngờ đối với Xerpilin, cô khóc nấc lên, đưa tay giụi nước mắt đầm đìa khắp mặt.
Xerpilin quay đi, tiến lại gần Daitrikốp, và ngồi xuống bên cạnh, nhìn đăm đăm vào mặt sư đoàn trưởng.
Trước khi chết, khuôn mặt đó gầy rộc đi, và vì vậy mà đâm trẻ ra. Xerpilin sực nhớ ra rằng Daitrikốp trẻ hơn mình những sáu tuổi và tới khi chấm dứt nội chiến vẫn còn là một trung đội trưởng trẻ, lúc mà ông, Xerpilin, đã chỉ huy một trung đoàn. Trước cái hồi ức xa xôi ấy, giờ đây người lớn tuổi hơn trông thấy một người ít tuổi hơn chết trên tay mình thì thật đau đớn xiết bao, và chính nỗi đau ấy đã xâm chiếm tâm hồn của một người nay không còn trẻ trung gì nữa, bên cạnh thi thể của người kia.
“Ôi, Daitrikốp, Daitrikốp, - Xerpilin nghĩ, - khi cậu thực tập ở đơn vị mình thì cũng chẳng phải lấy đá vá trời được, phục vụ cũng có nhiều mức độ khác nhau: có giỏi hơn mà cũng có kém hơn những người khác, sau đó cậu chiến đấu trong cuộc chiến tranh với Phần Lan, chắc chắn là đã chiến đấu gan dạ: nếu không thì cũng chẳng ai cho không cậu hai tấm huân chương đâu, rồi ở Môghilép cậu đã không hèn nhát, không luống cuống, vẫn tiếp tục chỉ huy cho tới khi hai chân còn đứng vững được, thế mà bây giờ cậu đang nằm hấp hối ở đây, ở cái rừng mà không biết và sẽ không bao giờ biết cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc lúc nào và ở đâu..., một cuộc chiến tranh mà cậu đã nếm mùi cay đắng đến như thế ngay từ đầu...”.
- Mong sao giữ được số hiệu của sư đoàn, - Daitrikốp bỗng mở mắt và khi thấy Xerpilin ngồi bên cạnh liền thều thào nói vậy.
Không, ông chưa bất tỉnh nhân sự, ông đang nằm và đang nghĩ gần đúng với điều mà Xerpilin đang nghĩ.
- Tại sao lại không giữ được? - Xerpilin tin tưởng nói. - Chúng tớ sẽ mang được cờ ra, sẽ vượt khỏi vòng vây với cả vũ khí, sẽ báo cáo tình hình chúng ta đã chiến đấu ra sao. Sao lại không giữ được số hiệu sư đoàn! Chúng ta đã và sẽ không làm hoen ố nó, xin lấy tư cách một người cộng sản mà thề với cậu như vậy...
- Mọi sự đều không hề gì, - Daitrikốp nhắm mắt lại, - chỉ phải cái đau quá. Đi đi, cậu còn công việc! - Ông cố hết sức nói, giọng đã khẽ lắm, và lại cắn chặt lấy môi vì đau đớn.
Tám giờ tối, đội quân của Xerpilin đi đến gần bộ phận đông-nam của khu rừng. Căn cứ vào bản đồ thì sau đó còn hai cây số rừng cây nhỏ nữa, rồi tới một con đường ôtô nhất định phải đi qua không thể tránh khỏi được. Bên kia đường là một cái làng, một dải đất cày rồi sau đó mới lại bắt đầu có rừng. Trước khi đi đến khoảng rừng con, Xerpilin bố trí cho anh em nghỉ và dự đoán sẽ phải đánh nhau và phải vượt qua đường ban đêm, ngay sau trận đánh. Anh em cần ăn uống và ngủ. Nhiều người đã vất vả kéo lê đôi chân từ lâu, nhưng họ vẫn thu hết sức tàn mà đi, vì biết rằng nếu không ra tới đường ôtô trước khi trời tối và không vượt qua đường ban đêm thì tất cả mọi cố gắng trước đây của họ đều là công dã tràng: họ sẽ phải đợi tới đêm hôm sau.
Sau khi đi một vòng quanh nơi bố trí của đoàn quân, kiểm tra các tổ cảnh giới và phái tổ trinh sát ra đường ôtô. Xerpilin quyết định nghỉ ngơi một lát trong lúc đợi trinh sát quay về. Nhưng ông không ngủ ngay được. Ông vừa mới chọn cho mình một chỗ trên đám cỏ dưới gốc cây rợp bóng thì Smakốp đã ghé ngồi xuống bên ông, rút trong túi quần bồng ra một tờ truyền đơn Đức cứng cồm cộm, chắc đã mấy hôm lăn lóc trong rừng, rồi giúi vào tay ông.
- Này, xem tí cho đỡ tò mò. Anh em chiến sĩ họ nhặt được đem đến. Chắc là từ trên máy bay ném xuống.
Xerpilin giụi hai mắt đã ríu lại vì mất ngủ và cẩn thận đọc hết tờ truyền đơn, đọc tất cả, từ đầu đến cuối. Тгong truyền đơn loan báo rằng các tập đoàn quân của Xtalin đã bị đánh tan, rằng đã có sáu triệu người bị bắt làm tù binh, rằng các đạo quân Đức đã chiếm được Xmôlenxk và đang tiến đến gần Maxcơva. Sau đó là kết luận: tiếp tục chống cự nữa là vô ích, và sau kết luận là hai lời hứa: “bảo vệ tính mạng cho mỗi ai tự nguyện đầu hàng, kể cả cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị” và “tù binh được ăn ba bữa một ngày và được sinh hoạt trong những điều kiện chung thông thường của thế giới văn minh”. Mặt sau tờ truyền đơn có in một bản sơ đồ vẽ nguệch ngoạc: trong số tên các thành phố trong sơ đồ chỉ thấy có Minxk, Xmôlenxk và Maxcơva, nhưng theo tỉ lệ xích đại thể, thì mũi tên tấn công phía bắc của các tập đoàn quân Đức đã đi sâu vào quá Vôlôgơđa rất xa, còn mũi tên phía nam thì vòng xuống và dừng lại ở vào khoảng giữa Penđa và Tambốp. Trong khi đó, mũi tên ở giữa chỉ còn một tí tẹo nữa là đã chạm tới Maxcơva, - vậy là các nhà soạn ra tờ truyền đơn này dù sao vẫn chưa dám cả quyết chiếm đóng Maxcơva.
- Vâ-âng. - Xerpilin mỉa mai nói đay và gập tờ truyền đơn làm đôi, trả lại cho Smakốp. - Chính ủy ạ, té ra chúng hứa bảo toàn tính mạng cả cho cậu nữa kia đấy. Thế nào, có lẽ ta hàng quách đi nhỉ?
- Bọn Đênikin còn biết bôi bác các loại giấy lộn nảy một cách thông mình hơn. - Smakốp đáp và quay sang Xintxốp hỏi anh còn diêm không.
Xintxốp rút bao diêm trong túi ra định đốt ngay không đọc tờ truyền đơn mà Smakốp đưa cho, nhưng Smakốp đã ngăn lại:
- Cậu đọc đi chứ, nó không truyền nhiễm đâu!
Xintxốp đọc hết tờ truyền đơn với một vẻ dửng dưng mà chính anh cùng lấy làm ngạc nhiên. Hôm kia và hôm qua, chính anh đã tự tay mình giết hai tên phát xít, thoạt tiên bằng sủng trường, sau đó bằng khẩu tiểu liên Đức, mà có lẽ anh đã giết được nhiều hơn cũng nên, nhưng hai tên là cái chắc quá rồi; anh còn muốn tiếp tục giết chúng nhiều nữa kia, cho nên lá truyền đơn này chẳng ăn nhằm gì với anh cả...
“Bảo vệ tính mạng cho mỗi ai... Cho mỗi ai! Tiếng Nga đâu có viết như vậy”, - anh nghĩ thầm rồi quệt que diêm lên cái hộp chưa khô, châm vào một góc quăn vỏ đỗ của tờ truyền đơn.
Trong lúc ấy Xerpilin, theo tác phong con nhà lính, không bỏ phí một chút thời gian nào, đang thu xếp chỗ ngủ dưới gốс cây mà mình đã chọn. Thật đáng ngạc nhiên đối với Xintxốp. giữa những đồ đạc ít ỏi hết sức cần thiết trong chiếc xà cột của Xerpilin có cả một cái gối bằng cao su gấp làm tư, Xerpilin phồng đôi má hóp một cách ngộ nghĩnh để thổi căng nó lên và khoan khoái kê xuống dưới đầu.
- Đi đâu tớ cũng mang theo, quà của vợ tớ đấy! - Ông tủm tỉm cười nói với Xintxốp đang nhìn mình sửa soạn chỗ ngủ, nhưng ông đã không nói thêm rằng cái gói nhỏ ấy là một kỷ vật đặc biệt đối với ông: bà vợ ở nhà gửi nó cho ông cách đây đã mấy năm, nó đi chu du với ông đến tận vùng Kôlưma rồi lại trở về.
Smakốp không muốn rằng mình cùng ngả lưng trong lúc Xerpilin ngủ. nhưng Xerpilin đã thuyết phục được ông.
- Dù sao hôm nay tớ với cậu cũng không thể thay phiên nhau được đâu. Đêm nay, không thể ngủ được rồi, vì phải đánh nhau. Nhưng đánh nhau mà không ngủ tí nào thì chẳng ai chịu nổi, kể cả các chính ủy. Vậy cậu hãy chịu khó chợp mắt ít ra là một tiếng đồng hồ đi, như con gà đậu trên giàn ấy mà.
Sau khi ra lệnh hễ tổ trinh sát quay về là đánh thức mình ngay, Xerpilin thoải mái nằm duỗi dài trên vạt cỏ. Smakốp trở mình một lát, rồi cũng ngủ luôn. Xintxốp không nhận được mệnh lệnh gì của Xerpilin, nên đã phải vất vả lắm mới thắng được sức quyến rũ của giấc ngủ. Giá Xerpilin bảo thẳng vói anh rằng có thể đi ngủ được, thì anh đã không chịu nổi đâu và nằm lăn ra ngay. Nhưng Xerpilin chẳng nói gì cả nên để khỏi buồn ngủ, Xintxốp đã phải xoay ra đi đi lại lại trong khoảng rừng thưa bé nhỏ, nơi mà lữ đoàn trưởng và chính ủy đang nằm dưới gốc cây. Trước kia anh chỉ nghe nói là có lúc người ta vừa đi vừa ngủ, bây giờ bản thân anh mới được nếm mùi, thỉnh thoảng anh thấy mình tự nhiên đứng dừng lại và loạng choạng mất thăng bằng.
- Đồng chí chính trị viên, - anh bỗng nghe thấy giọng nói quen thuộc của Khôrưsép phía sau lưng mình.
- Có chuyện gì thế? - Xintxốp quay lại hỏi, lo lắng nhận thấy vẻ xúc động mạnh trên bộ mặt tré con thường vui vẻ một cách hồn nhiên của người trung úy.
- Có gì đâu. Chúng tôi phát hiện ra pháo ở trong rừng. Tôi định báo cáo với lữ đoàn trưởng.
Khôrưsép vẫn nói nhỏ như trước, nhưng chắc là chữ “pháo” đã làm cho Xerpilin tỉnh giấc. Ông chống tay ngồi dậy, liếc nhìn Smakốp đang ngủ và khe khẽ đứng lên, giơ tay ra hiệu đừng báo cáo to tiếng để khỏi làm chính ủy thức giấc. Xốc lại áo quân phục và vẫy tay ra hiệu cho Xintxốp đi theo, ông đi mấy bước vào sâu trong rừng. Mãi đến đây, ông mới cho Khôrưsép báo cáo:
- Pháo gì thế? Của bọn Đức à?
- Của ta. Có cả năm chiến sĩ theo pháo.
- Thế có đạn không?
- Còn một viên.
- Không nhiều lắm. Thế có xa đây không?
- Chừng năm trăm bước.
Xerpilin vươn hai vai để rũ hết vẻ ngái ngủ rồi bảo Khôrưsép dẫn ông đến chỗ để pháo.
Dọc đường, Xintxốp muốn tìm hiểu xem tại sao cái anh chàng trung úy luôn luôn bình tĩnh này lại có vẻ xúc động đến như vậy, nhưng suốt thời gian đó Xerpilin cứ lặng lẽ tiến bước, nên Xintxốp không tiện phá tan sự im lặng ấy.
Đi được năm trăm bước quả nhiên họ trông thấy một khẩu đại bác chống tăng bốn nhăm ly ở giữa đám cành lá rậm rạp của một rừng thông non. Các chiến sĩ của Khôrưsép cùng năm pháo thủ mà anh ta đã báo cáo với Xerpilin ngồi lẫn lộn với nhau bên cạnh khẩu pháo trên lớp lá thông già dày cộm đã nhuốm màu hung đỏ.
Khi lữ đoàn trưởng đến nơi, tất cả đều đứng dậy; các pháo thủ đứng dậy hơi chậm hơn anh em khác một chút nhưng vẫn là trước lúc Khôrưsép hô khẩu lệnh.
- Chào các đồng chí pháo thủ! - Xerpilin nói. - Тrong các đồng chí ai là người cấp bậc cao hơn?
Một chuẩn úy đội chiếc mũ kêpi với vành mũ màu đen của pháo binh và có lưỡi trai đã gẫy làm đôi, bước lên trước. Một bên mắt anh bị thương sưng húp, còn mi trên của mắt kia thì cứ giật giật vì quá căng thẳng. Nhưng anh ta vẫn đứng trên mặt đất một cách chắc chắn tựa hồ như hai chân đã được đóng đinh xuống đất trong đôi ủng rách nát; anh vung cánh tay với ống tay áo rách bươm và cháy sém lên vành lưỡi trai gẫy để chào bật nẩy lên như một chiếc lò xo; rồi với cái giọng chắc khỏe, anh báo cáo rằng anh, Sextacốp, chuẩn úy của tiểu đoàn pháo chống tăng độc lập thứ chín, hiện thời là người cấp bậc cao nhất trải qua nhiều trận chiến đấu, đã đưa được phần vũ khí khí tài còn lại từ thành phố Brext ra đây.
- Từ đâu, từ đâu? - Xerpilin hỏi lại và tưởng mình nghe nhầm.
- Từ thành phố Brext, nơi mà tiểu đoàn chúng tôi với quân số có mặt đầy đủ đã giao chiến với quân phát xít trận đầu tiên, - người chuẩn úy hô lên từng tiếng, chứ không phải là nói nữa.
Mọi người ai nấy đều im lặng.
Xerpilin vừa nhìn anh em pháo thủ vừa suy ngẫm xem điều ông vừa được nghe có thể có thật không. Và càng nhìn họ lâu bao nhiêu ông càng thấy rõ rằng chính câu chuyện khó tin đó lại là một sự thật hiển nhiên, còn điều mà bọn Đức viết trong những tờ truyền đơn về thắng lợi của chúng, tuy có vẻ giống như thật, nhưng chỉ là một điều bịa đặt giống sự thật, không hơn không kém.
Năm bộ mặt đen đủi, hốc hác vì đói khát; năm cánh tay mệt mỏi, rã rời vì làm việc quá sức; năm chiếc áo quân phục tả tơi, bẩn thỉu, bị cành cây quất cho rách bươm; năm khẩu tiểu liên Đức tước được trong chiến đấu và khẩu đại bác, khẩu đại bác cuối cùng của tiểu đoàn pháo, đã được kéo từ biên giới tới đây qua hơn bốn trăm dặm đường, không phải bằng một phép lạ mà là bằng những bàn tay người lính, không kéo trên trời mà là kéo dưới đất... Không, các ngài phát xít, các ngài nói dối, sự việc sẽ không như ý các ngài đâu!
- Khênh hay sao? - Xerpilin nuốt vội một cái gì nghẹn ngào ở trong cổ, gật đầu chỉ khẩu pháo mà hỏi.
Chuẩn úy trả lời, nhưng những anh em khác không nhịn được cũng đồng thanh xác nhận lời của người chuẩn úy, cho thấy rằng họ đã dùng nhiều cách: nào ngựa kéo, nào người kéo bằng tay, rồi lại xoay ra ngựa kéo, sau lại kéo bằng tay...
- Thế khi qua sông ngòi thì làm thế nào, như qua sông Đniép ở đây thì thế nào? - Xerpilin lại hỏi.
- Chúng tôi dùng bè, chúng tôi mới qua sông đêm hôm kia.
- Vậy mà chúng ta thì chẳng đưa qua sông được một cái gì cả, - Xerpilin bỗng nói vậy, và dù lúc đó ông đã đưa mắt nhìn khắp lượt tất cả các chiến sĩ của mình, họ vẫn cảm thấy rằng giờ đây ông chỉ chê trách có mỗi một người mà thôi, người đó chính là bản thân ông.
Sau đó, ông lại nhìn các pháo thủ.
- Nghe nói các đồng chí còn cả đạn nữa
- Còn một viên, viên cuối cùng, - chuẩn úy nói với giọng nhận lỗi, y như mình đã sơ xuất không kiểm tra kỹ và không kịp thời bổ sung cho đủ cơ số đạn.
- Thế viên đạn gần cuốí các đồng chí sử dụng ở đâu?
- Ở đằng kia. cách đây chừng mười cây số, - chuẩn úy trỏ tay về phía sau, về nơi mà con đường ôtô chạy qua phía bên kia rừng. Đêm qua chúng tôi kéo pháo vào bụi cây sát đường, ngắm thẳng và giã ngay vào pha đèn của chiếc ôtô chạy đầu một đoàn xe.
- Thế các đồng chí không sợ chúng nó sẽ càn quét trong rừng?
- Đồng chí lữ đoàn trưởng, chúng tôi đã chán sợ rồi, bây giờ phải để cho chúng sợ chúng ta.
- Thế chúng không càn ư?
- Không. Chúng chỉ vãi đạn súng cối ra xung quanh thôi ạ. Đồng chí tiểu đoàn trưởng của chúng tôi bị tử thương.
- Thế đồng chí ấy đâu? - Xerpilin vội hỏi. nhưng chưa kịp nói hết câu ông đã tự hiểu ra là ở đâu...
Theo hướng mắt nhìn của người chuẩn úy, dưới gốc cây thông già to lớn, trụi lá đến tận ngọn, nổi lên một nấm mộ mới vừa đắp, màu đất còn vàng khè. Thậm chí một chiếc rìu Đức to bản mà anh em vừa dùng để hót lớp đất cỏ đắp lên mộ cũng còn đang cắm trên mộ, chổng ngược chuôi lên như một cây mộ chí tình cờ.
Trên thân cây thông, nhựa còn rỉ ra từ vết đẵn phũ phàng hình chéo chữ thập. Còn hai vết đẵn dữ dội như thế nữa trên hai cây thông ở bên trái và bên phải ngôi mộ, như một lời thách thức với số phận, như một lời hẹn thầm là sẽ có ngày trở lại.
Xerpilin bước lại gần ngôi mộ, ngả mũ kêpi xuống, và lặng lẽ nhìn nắm đất hồi lâu tựa hồ như cố nhìn xuyên qua đất, để trông thấy được một bộ mặt mà không ai được thấy bao giờ nữa, bộ mặt của con người đã phải trải qua nhiều trận chiến đấu mới đưa được từ Brext đến tận khu rừng bên này sông Đniép tất cả những gì còn lại của tiểu đoàn mình: năm chiến sĩ và một khẩu đại bác với viên đạn cuối cùng.
Xerpilin chưa bao giờ được thấy người này, nhưng ông có cảm tưởng rằng mình đã biết rõ con người ấy là như thế nào. Đó là một người mà chiến sĩ sẵn sàng đi theo để xông vào nước sôi lửa bỏng, một người được anh em hy sinh tính mạng mang xác ra từ trong khói lửa, một người mà cả sau khi chết vẫn được anh em chấp hành mệnh lệnh. Đó phải là một người như vậy thì mới đưa nổi khẩu pháo kia và các chiến sĩ này thoát khỏi vòng vây. Nhưng ngay cả những chiến sĩ này, những chiến sĩ được anh dẫn ra khói vòng vây cũng lại xứng đáng với cấp chỉ huy của mình. Anh đã là người như vậy chính bởi vì anh đã cùng đi với họ...
Xerpilin đội mũ rồi lặng lẽ lần lượt bắt tay từng pháo thủ. Sau đó ông trỏ vào ngôi mộ, hỏi nhát gừng:
- Tên đồng chí ấy là gì?
- Đạí úy Guxép.
- Khỏi phải ghi nữa. Như thế cũng đủ để tôi nhớ cho đến giờ phút thở hơi cuối cùng rồi, - thoáng thấy Xintxốp cầm lấy chíếc cặp đựng bản đồ, Xerpilin liền nói vậy. - Nhưng dù sao tất cả chúng ta cũng chẳng có ai sống mãi được, vậy cứ ghi đi! Ghi luôn cả tên các pháo thủ vào danh sách chiến đấu đi! Các đồng chí, xin cảm ơn tinh thần phục vụ của các đồng chí! Còn viên đạn cuối cùng thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ dùng ngay trong trận đánh đêm nay.
Từ lâu, Xerpilin đã nhận thấy cái đầu bạc của Baranốp giữa đám chiến sĩ của Khôrưsép đang đứng với các pháo thủ, nhưng chỉ tới bây giờ ông mới đột nhiên bắt gặp cặp mắt của gã - mắt nhìn mắt và trong khi gã chưa kịp giấu đi thì ông đã đọc thấy trong dôi mắt ấy một nỗi sợ hãi đối với trận chiến đấu sắp tới.
- Đồng chí lữ đoàn trưởng, - từ sau lưng các chiến sĩ đã hiện ra cái thân hình nhỏ bé của nữ bác sĩ, - đại tá gọi đồng chí!
- Đại tá à? - Xerpilin hỏi lại. Lúc này ông mải nghĩ tới Baranốp nên chưa hiểu ngay là đại tá nào gọi mình. - Vâng, tôi đến, tôi đến ngay. - Sau khi hiểu ra là nữ bác sỉ nói về Daitrikốp, ông liền bảo vậy.
- Chuyện gì thế này? Tại sao không gọi tôi? - nhận thấy đông người đứng xúm xít quanh một ngôi mộ mới, nữ bác sĩ bèn kêu lên, haì tay chắp lại trước ngực tỏ vẻ buồn phiền.
- Không có gì đâu, chúng ta đi thôi, gọi cô thì đã muộn mất rồi! - Với một vẻ trìu mến hơi cục mịch, Xerpilin đặt bàn tay to lớn của mình lên vai cô, gần như dùng sức mạnh để xoay người cô lại rồi cùng đi, tay vẫn đặt lên vai cô.
“Chẳng có lòng tin. Chẳng có danh dự, mà cũng chẳng lương tâm nữa, - vừa bước bên cạnh nữ bác sĩ ông vừa tiếp tục suy nghĩ về Baranốp. - Khi chiến tranh tưởng như còn xa thì hắn gào thét huênh hoang rằng địch đánh ta khác gì châu chấu đá voi. Nhưng khi chiến tranh xảy đến thì chính hắn lại bỏ chạy đầu tiên. Làm như là một khi hắn đã hoảng sợ, hắn thấy kinh hãi thì có nghĩa là tất cả đều đã mất hết rồi, chủng ta không chiến thắng được nữa rồi ấy. Chẳng phải thế đâu! Ngoài mày ra, chúng tao còn có đại úy Guxép và cả các pháo thủ của anh ấy, còn có cả chúng tao, những người rất bình thường, những người đang sống và những người đã chết, lại còn có cả cô bác sĩ nhỏ bé này đây, đã phải cầm súng lục bằng hai tay...”.
Xerpilin bỗng cảm thấy bàn tay nặng nề của mình vẫn còn đặt trên một bên vai gày gò của nữ bác sĩ, và không những là đặt mà thậm chí còn vịn vào cái vai ấy. Thế mà cô ta vẫn cứ tiến bước, tựa hồ như không nhận thấy, thậm chí hình như lại cố ý hơi nhô vai lên. Cô tiến bước và chắc hẳn không ngờ trên đời này lại có những kẻ như Baranốp.
- Cô thấy không, tôi quên, cứ vịn vai cô mãi đấy, - ông nói với nữ bác sĩ bằng cái giọng trìu mền hơi ồ ồ, rồi bỏ tay xuống.
- Không sao đâu ạ, nếu mệt thì đồng chí cứ vịn đi. Đồng chí biết không, tôi khỏe lắm kia.
“Phải, cô khỏe thật đấy, - Xerpilin nghĩ thầm, - với những người như cô thì chúng ta không toi mạng được đâu, đúng thế!”. Ông muốn nói với người đàn bà nhỏ nhắn này một điều gì trìu mến và tin tưởng, điều đó sẽ trở thành lời giải đáp đối với những ý nghĩ riêng của ông về Baranốp, nhưng ông tìm mãi không ra cái điều nên nói, vì vậy họ cứ im lặng tiến bước cho đến tận nơi Daitrikốp nằm.
- Đồng chí đại tá, tôi đã đưa đồng chí ấy đến, - nữ bác sĩ quỳ xuống trước tiên bên cạnh chiếc cáng của Daitrikốp, khẽ nói.
Xerpiỉin cũng quỳ xuống cạnh cô, và cô tránh sang một bên để ông có thể cúi xuống gần mặt Daitrikốp hơn.
- Cậu đấy à? Xerpilin? - Daitrikốp hói, giọng thều thào nghe không rõ.
- Mình đây.
- Cậu nghe mình nói câu này nhé, - Daitrikốp nói càng khẽ hơn nữa, rồi im bặt.
Xerpilin đợi một, hai rồi ba phút, nhưng số phận đã không cho ông được nghe những điều mà người sư đoàn trưởng cũ định nói với người sư đoàn trưởng mới.
- Tắt thở rồi, - cô bác sĩ nói rất khẽ, chỉ như một hơi thở.
Xerpilin từ từ bỏ mũ, để đầu trần quỳ chừng một phút, rồi phải cố sức lắm mới thẳng gối lên được, đoạn đứng đậy, quay bước trở lại mà không nói một lời nào.
Các chiến sĩ quân báo quay về báo cáo rằng ngoài đường cái có các đội tuần tra Đức và có xe cộ chạy về phía Trauxư.
- Đành vậy thôi, rõ ràng là phải đánh nhau rồi, - Xerpilin nói. - Đánh thức anh em đậy và cho tập hợp đi.
Giờ đây, khi thấy rằng những điều mình giả định đã được xác nhận và biết rằng vị tất đã vượt qua được đường cái mà không phải đánh nhau, ông liền dứt khoát rũ sạch cái cảm giác mệt mỏi về thể xác nó vẫn đè nặng lên ông từ sáng tới giờ. Lòng ông đầy quyết tâm dẫn dắt tất cả những người vừa thức giấc và đang cầm súng trong tay đi tới đích mà ông phải dẫn họ tới - tới chỗ quân ta! Ông không nghĩ và khòng muốn nghĩ tới một việc nào khác hơn, bởi vì giờ đây không có một việc nào khác hợp với ý của ông cả.
Đêm ấy, ông chưa biết và chưa có thể biết được đầy đủ giá trị của tất cả những việc mà anh em trong trung đoàn ông đã làm. Và giống như ông cùng cấp dưới của ông, hàng ngàn người khác ở hàng ngàn nơi khác, những người đang chiến đấu sống mái, chiến đấu với một ý chí ngoan cường mà quân Đức không sao tính trước được, cũng chưa biết được đầy đủ giá trị của những công việc mình làm.
Họ không biết và không thể biết rằng mười lăm năm sau bọn tướng tá của cái quân đội Đức hồi ấy đang còn tiến công một cách đắc thắng vào Maxcơva. Lêningrát và Kiép sẽ gọi cái tháng bảy năm bốn mươi mốt này là tháng của những đợi chờ hụt, của những thành tựu mà không thể trở thành thắng lợi.
Họ không thể thấy trước được những sự thừa nhận cay đắng ấy của quân thù trong tương lai, nhưng hầu hết mỗi một người trong số đó lúc bấy giờ, vào tháng bảy, đều đã góp một tay làm cho tất cả những gì phải xảy ra thì đã xảy ra đúng như thế.
Xerpilin đứng lắng nghe những tiếng hô khẩu lệnh khe khẽ bay đến tai ông. Trong màn đêm đã buông xuống khu rừng, đoàn người từng nơi từng chỗ rục rịch. Một vừng trăng đỏ quạch và phẳng lặng đang mọc lên trên những ngọn cây lởm chởm trong rừng. Hai mươi bốn giờ đầu tiên thoát khỏi vòng vây đang đi tới chỗ chấm dứt...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét