Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử - Chương 5

Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử

Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014

Phần thứ hai

Càng hiểu con người, tôi càng yêu con chó.
- Madame de Stael -

Chương 5: Lá thư nặc danh, hòa bình trên trái đất, và con bọ cạp đói

Nô lệ của kỹ sư Westhuizen dấy lên hy vọng xa xôi rằng một sự thay đổi xã hội nói chung sẽ diễn ra và giải cứu cô. Nhưng cô chẳng dễ gì dự đoán được bất kỳ cơ hội nào có thể cho mình một tương lai, dù tương lai đó thế nào đi nữa.
Tất nhiên, những cuốn sách trong thư viện nghiên cứu của cơ sở đã mở ra cho cô một tí bối cảnh chung, nhưng hầu hết những gì trên kệ đều đã mười năm hoặc hơn. Bên cạnh những thứ khác, Nombeko đã lướt qua một tài liệu hai trăm trang từ năm 1924, trong đó một giáo sư London tự thấy mình đã chứng minh được rằng sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa, nhờ sự kết hợp của Liên đoàn các quốc gia và sự lan tỏa ngày càng phổ biến của nhạc jazz.
Theo dõi những gì đang xảy ra trong hàng rào và các bức tường của cơ sở thì dễ hơn. Thật không may là báo cáo mới nhất cho biết các đồng nghiệp thông minh của viên kỹ sư đã giải quyết được vấn đề tự xúc tác và những thứ khác, họ đã sẵn sàng cho một vụ nổ thử nghiệm. Thử nghiệm thành công sẽ thúc đẩy toàn bộ dự án sớm hoàn thành, chấm dứt những ngày thoải mái của Nombeko, vì cô muốn tiếp tục sống lâu hơn. Điều duy nhất cô có thể làm là cố gắng để làm chậm tiến độ của họ xuống một chút. Tốt nhất là theo cách mà chính phủ ở Pretoria sẽ không bắt đầu nghi ngờ rằng Westhuizen là thứ đồ vô dụng. Có lẽ tạm thời chấm dứt thử nghiệm vừa mới bắt đầu ở sa mạc Kalahari là đủ.
Bất chấp mọi chuyện đã xảy ra về vụ chất chống đông, Nombeko một lần nữa quay sang nhờ các cô Tàu giúp đỡ. Cô hỏi liệu cô có thể nhờ họ gửi thư, qua mẹ các cô không. Nhân tiện, làm thế nào để gửi được? Chẳng phải là các thư gửi đi đều bị kiểm tra hết?
Vâng, tất nhiên là như thế. Rõ ràng là các lính canh chẳng làm gì mà chỉ lục soát những thứ không được gửi đến các địa chỉ đảm bảo an ninh. Nếu nghi ngờ, ít nhất hắn sẽ mở lá thư gửi đi. Và sẽ thẩm vấn người gửi, không có trường hợp ngoại lệ.
Tất nhiên, điều này là một vấn đề không thể vượt qua nếu vài năm trước, giám đốc an ninh đã không có một buổi tập huấn ngắn cho những người chịu trách nhiệm về thư từ. Một lần, ông đã nói với các cô Tàu rất chi tiết về các biện pháp an ninh tại chỗ, bổ sung rằng các biện pháp như vậy là cần thiết vì không một ai có thể tin được, ông xin lỗi để đi vệ sinh. Thế là các cô Tàu đã lập tức chứng minh rằng ông ta đúng: ngay khi được ở một mình trong phòng, họ vòng qua bàn làm việc, nhét tờ giấy thích hợp vào máy đánh chữ, và thêm một địa chỉ được phép miễn kiểm tra an ninh vào 114 cái đã tồn tại.
“Mẹ các chị”, Nombeko thốt lên.
Các cô gái mỉm cười, gật đầu. Để an toàn, họ đã cho mẹ một chức danh đẹp trước cái tên. Cheng Lian có vẻ đáng ngờ. Giáo sư Cheng Lian gây cảm giác tự tin hơn. Logic của phân biệt chủng tộc không phức tạp hơn thế.
Nombeko nghĩ rằng một tên Trung Quốc phải khiến ai đó phản ứng, ngay cả với chức danh giáo sư, nhưng chấp nhận rủi ro và sống chung với nó dường như luôn là một phần bản chất tự nhiên của các cô gái - ngoài lý do họ đang bị giam cầm giống như cô. Và cái tên này mấy năm nay đã được việc. Thế nghĩa là Nombeko có thể gửi một bức thư trong lá thư gửi cho giáo sư Cheng Lian, và mẹ các cô gái sẽ chuyển tiếp nó?
“Chắc chắn rồi”, các cô gái nói, không hề tỏ ra tò mò xem Nombeko muốn gửi thư cho ai.

Gửi:
Tổng thống James Earl Carter Jr,
Nhà Trắng, Washington.

Xin chào, ngài Tổng thống. Có thể ngài quan tâm để biết rằng Nam Phi, dưới sự lãnh đạo của một gã ngu thường xuyên say xỉn, đang có kế hoạch để kích nổ một quả bom nguyên tử khoảng ba megaton trong vòng ba tháng tới. Điều này sẽ diễn ra vào đầu năm 1978 tại sa mạc Kalahari, cụ thể hơn, tại những tọa độ chính xác: 26044’26” Tây, 22011’32” Đông. Sau đó, kế hoạch của Nam Phi là tự trang bị sáu quả bom nữa cùng loại, để sử dụng khi nào phù hợp.

Trân trọng,
Một người bạn

Đi găng tay cao su, Nombeko dán phong bì, ghi địa chỉ, điền thêm “Cái chết dành cho Mỹ!” vào một góc. Rồi cô đặt nó vào một phong bì khác, ngay ngày hôm sau nó được gửi cho một giáo sư ở Johannesburg, người được phép miễn kiểm tra an ninh và có cái tên có vẻ Tàu.
* * *
Nhà Trắng ở Washington đã được xây dựng bởi những người nô lệ da đen nhập khẩu từ châu Phi của Nombeko. Ngay từ đầu, nó là một tòa nhà hùng vĩ và một trăm bảy mươi bảy năm sau thậm chí còn ấn tượng hơn.
Tòa nhà có 6 tầng, 132 phòng, 35 phòng tắm, sân chơi bowling và một rạp chiếu phim. Và vô số nhân viên, chỉ riêng họ đã nhận được hơn ba mươi ba nghìn lá thư mỗi tháng.
Mỗi lá thư đều được soi X-quang, cho chó huấn luyện đặc biệt đánh hơi và kiểm tra bằng mắt trước khi đi đến tay người nhận.
Thư Nombeko đã vượt qua cả X-quang và chó, nhưng khi viên thanh tra còn ngái ngủ quan sát thấy “Cái chết dành cho nước Mỹ” trên chiếc phong bì gửi đích danh tổng thống thì báo động đã vang lên. Mười hai tiếng sau, lá thư đã được chuyển tới Langley, Virginia, cho giám đốc CIA Stansfield M. Turner. Nhân viên điều tra mô tả chiếc phong bì và thông báo với ông rằng căn cứ vào giới hạn của phạm vi và chỗ có dấu vân tay thì chúng có vẻ như chỉ của những nhân viên bưu điện khác nhau; rằng lá thư đã không gây phản ứng cảm biến bức xạ; dấu bưu điện có vẻ thật; rằng nó đã được gửi từ vùng bưu điện 9 ở Johannesburg, Nam Phi, tám ngày trước đó; và một máy tính phân tích chỉ ra rằng văn bản đã được hình thành từ các từ cắt ở cuốn sách Hòa bình trên trái đất, được viết bởi một giáo sư Anh, người đầu tiên lập luận rằng sự kết hợp của Hội Quốc Liên và nhạc jazz sẽ mang lại may mắn cho thế giới và sau đó, năm 1939, đã tự vẫn.
“Nhạc Jazz có thể mang lại hòa bình trên trái đất ư?”, là bình luận đầu tiên của giám đốc CIA.
“Như tôi đã nói, thưa sếp, ông ta đã tự sát”, người nhân viên đáp.
Giám đốc CIA cám ơn nhân viên và ngồi một mình với lá thư. Ba cuộc điện thoại và hai mươi phút sau, nó trở nên rõ ràng rằng nội dung của bức thư hoàn toàn trùng hợp với những thông tin ông đã, thật đáng xấu hổ, nhận được từ Liên Xô ba tuần trước nhưng lúc đó ông đã không tin.
Sự khác biệt duy nhất là tọa độ chính xác trong lá thư nặc danh. Nhìn chung, thông tin có vẻ cực kỳ đáng tin cậy. Bây giờ có hai suy nghĩ chính trong đầu giám đốc CIA:
1. Đứa quái nào đã gửi thư?
2. Thời gian để liên lạc với Tổng thống. Sau cùng thì bức thư đã được gửi cho Tổng thống.
Stansfield M. Turner không được yêu mến ở hãng vì ông đã cố gắng đổi đồng nghiệp lấy máy tính càng nhiều càng tốt. Và một trong số chúng - không phải là người - đã có thể phát hiện ra các từ được cắt rời từ cuốn sách Hòa bình trên trái đất.
“Jazz có thể mang lại hòa bình trên trái đất ư?”, Tổng thống Carter nói với Turner, bạn học cũ của mình khi họ gặp nhau ngày hôm sau trong phòng Bầu dục.
“Ông ta đã tự sát vài năm sau đó, thưa Tổng thống”, Giám đốc CIA cho biết.
Tổng thống Carter - người yêu nhạc jazz - vẫn không thể thôi suy nghĩ đó. Nếu vị giáo sư tội nghiệp đã đúng? Sau đó The Beatles và Rolling Stones đã xuất hiện và phá hủy mọi thứ?
Giám đốc CIA đáp, có thể đổ lỗi cho The Beatles rất nhiều thứ, nhưng không phải về chuyện bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam. Rồi ông nói rằng ông hoài nghi lý thuyết này, bởi vì nếu Beatles và Rolling Stones đã không phá hủy hòa bình trên trái đất thì luôn luôn có Sex Pistols.
“Sex Pistols ư?”, Tổng thống thắc mắc.
Chúa cứu vớt Nữ Hoàng, ngài nhớ không?”, Giám đốc CIA trích dẫn.

[Sex Pistols là một ban nhạc punk rock thành lập tại London vào năm 1975, bị coi là đe dọa đến “chuẩn mực” xã hội và thậm chí bị cấm biểu diễn ở Anh. Đĩa đơn Chúa cứu vớt Nữ hoàng (God save the Queen) của họ ra đời năm 1977]

“Ồ, tôi nhớ rồi”, tổng thống nói.
Bây giờ đến câu hỏi tiếp theo. Lũ ngốc nào ở Nam Phi sắp phát nổ một quả bom nguyên tử? Và có phải việc này do một thằng ngu chỉ đạo không?
“Tôi không biết nó ngu đến đâu, thưa ngài. Chúng tôi có dấu hiệu cho thấy công việc đang được giám sát bởi kỹ sư Westhuizen, người tốt nghiệp với điểm cao từ một trong những trường đại học tốt nhất của Nam Phi. Ông ta chắc chắn đã được lựa chọn cẩn thận”.
Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy phần còn lại của thông tin là chính xác. Tất nhiên KGB đã tử tế mách với họ về những gì đang xảy ra. Và đến bức thư này, được soạn theo cách mà giám đốc CIA dám cá cả tính mạng mình là lần này KGB không đứng đằng sau nó. Cộng thêm với các hình ảnh từ vệ tinh riêng của CIA cho thấy hoạt động trong sa mạc chính xác ở nơi người gửi thư bí ẩn chỉ ra.
“Nhưng tại sao lại ghi “cái chết dành cho nước Mỹ” trên phong bì?”, Tổng thống Carter hỏi.
“Nó để thư hạ cánh trên bàn của tôi ngay lập tức, và tôi nghĩ đó là vấn đề. Người viết thư dường như rất am hiểu cách hệ thống an ninh xung quanh Tổng thống hoạt động. Điều đó làm cho chúng ta càng thêm tò mò người đó là ai. Thực hiện rất thông minh, trong mọi trường hợp”.
Tổng thống hầm hừ. Ông chẳng thấy có gì là thông minh ở “cái chết dành cho nước Mỹ” cả. Nó cũng như là khẳng định rằng Elizabeth II thuộc về bất kỳ loài nào khác chứ không phải là một con người.
Tuy nhiên, ông cám ơn ông bạn cũ của mình và bảo cô thư ký gọi cho Thủ tướng Vorster ở Pretoria. Tổng thống Carter chịu trách nhiệm trực tiếp cho ba mươi hai ngàn tên lửa hạt nhân đang hướng về nhiều hướng. Brezhnev ở Moskva cũng thế. Thế giới không cần thêm sáu món vũ khí lớn tương tự. Ai đó sắp bị lôi ra nói chuyện!
* * *
Vorster rất tức giận. Tổng thống Hoa Kỳ, gã nông dân nhãi nhép theo phái Baptist, đã cả gan gọi và khẳng định việc chuẩn bị thử nghiệm vũ khí ở sa mạc Kalahari đang được tiến hành. Hơn nữa, hắn đã đọc chính xác các vị trí tọa độ của khu vực thử nghiệm. Lời buộc tội là hoàn toàn vô căn cứ và vô cùng, vô cùng xúc phạm! Trong cơn thịnh nộ, Vorster dập điện thoại xuống trong lúc Jimmy Carter còn nghe, nhưng ông đủ tỉnh táo để không đi xa hơn nữa. Thay vào đó ông gọi Pelindaba ngay lập tức để ra lệnh cho kỹ sư Westhuizen thử nghiệm vũ khí của mình ở một nơi khác.
“Nhưng ở đâu?”, Kỹ sư Westhuizen hỏi trong lúc cô gái dọn vệ sinh đang lau sàn xung quanh chân ông ta.
“Bất cứ nơi nào không phải là Kalahari”, Thủ tướng Vorster đáp.
“Điều đó sẽ trì hoãn chúng ta một vài tháng, có thể là một năm hoặc hơn”, viên kỹ sư cho biết.
“Cứ làm như tôi nói, mẹ kiếp”.
* * *
Đầy tớ của viên kỹ sư đã khiến ông ta mất nguyên cả hai năm suy nghĩ xem nơi nào có thể thử nghiệm vũ khí khi bây giờ sa mạc Kalahari không còn dùng được nữa. Ý tưởng tốt nhất Westhuizen có được là bắn nó ở một trong mấy quê hương của tụi da đen, nhưng thậm chí chính ông ta cũng nghĩ rằng nó không phù hợp. Nombeko cảm nhận được rằng uy tín của kỹ sư đang trên đà xuống thấp nữa, và sắp đến lúc phải đẩy giá của ông ta lên lại. Nhưng rồi một điều may mắn đã xảy ra - một yếu tố bên ngoài đã cho viên kỹ sư, và đến cả con bé dọn vệ sinh của ông ta, sáu tháng nghỉ ngơi.
Hóa ra là Thủ tướng B.J. Vorster đã quá mệt mỏi trước các khiếu nại và thói vô ơn bạc nghĩa khắp nơi nơi trên đất nước mình. Vì vậy, với một chút giúp đỡ, ông đã làm bảy mươi lăm triệu rand biến mất một cách kỳ diệu khỏi kho bạc nhà nước, và ông bắt đầu tờ báo Công dân.
Không giống như hầu hết các công dân, công dân này đã có một thái độ đặc biệt, hoàn toàn tích cực đối với chính phủ Nam Phi và khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát chặt chẽ người dân địa phương và phần còn lại của thế giới.
Chẳng may, một công dân cực kỳ xảo trá đã đưa chuyện này ra trước công chúng. Khoảng thời gian này, lương tâm chết tiệt của thế giới đang gọi cuộc hành quân thành công tại Angola là cuộc tàn sát sáu trăm dân thường - và do đó đã đến lúc Vorster ra đi. Ồ, đ.m nó, ông nghĩ lần cuối cùng, và rời khỏi thế giới chính trị vào năm 1979. Ông chỉ còn mỗi việc là về nhà ở Cape Town, ngồi trên sân thượng ngôi nhà sang trọng của mình với một ly whisky trong tay và nhìn ra đảo Robben, nơi mà kẻ khủng bố Mandela đang ngồi.
Mandela lẽ ra phải là người chết rục đi, chứ không phải mình, Vorster nghĩ khi ông ta chết dần chết mòn.
Thủ tướng kế nhiệm, P.W. Botha, được gọi là Die Groot Krokodil - Cá Sấu Lớn - và làm viên kỹ sư sợ mất vía ngay trong cuộc điện thoại đầu tiên của họ. Nombeko nhận ra rằng việc thử nghiệm vũ khí không thể đợi lâu hơn. Vì vậy, cô đã lôi nó ra trong một buổi chiều muộn khi viên kỹ sư vẫn có thể nói chuyện.
“Ừm, ông kỹ sư...”, cô vừa nói vừa với tay lấy cái gạt tàn trên bàn.
“Cái gì?”, viên kỹ sư hỏi.
“Vâng, tôi chỉ nghĩ...”, Nombeko bắt đầu, mà không bị ngắt lời. “Tôi chỉ nghĩ rằng nếu cả Nam Phi quá đông đúc, ngoại trừ sa mạc Kalahari, thì tại sao không thể kích nổ quả bom trên biển?”.
Nam Phi được biển cả vô tận bao quanh theo ba hướng. Nombeko từ lâu đã cho rằng lựa chọn nơi thử nghiệm tốt nhất thì lẽ ra đứa trẻ con cũng rõ, khi mà sa mạc không được nữa. Chắc chắn, thằng cu Westhuizen đang sáng ra. Trong một giây, sau đó, ông ta nhận ra rằng cơ quan tình báo đã cảnh báo ông không được hợp tác với hải quân trong bất kỳ trường hợp nào. Sau khi Tổng thống Carter ở Hoa Kỳ rõ ràng đã được thông báo về kế hoạch thử nghiệm ở Kalahari, đã có một cuộc điều tra chi tiết và nó đã chỉ ra Phó Đô đốc Johan Charl Walters là nghi phạm chính. Phó Đô đốc Walters đã đến thăm Pelindaba ba tuần trước cuộc gọi điện thoại của Carter, và ông đã có một bức tranh rõ ràng của dự án. Ông ta cũng đã từng một mình trong văn phòng của kỹ sư Westhuizen ít nhất là bảy phút trong khi viên kỹ sư bị kẹt trong dòng xe đông đúc một buổi sáng (viên kỹ sư đã sửa đổi đoạn cuối cùng này trong cuộc thẩm vấn, vì ông ta đã ngồi hơi lâu ở quán bar nơi ông luôn dùng bữa sáng). Giả định hàng đầu là Walters đã trở nên bất mãn và bép xép với Hoa Kỳ khi biết rõ rằng ông ta sẽ không được phép trang bị tàu ngầm của mình bằng đầu đạn hạt nhân.
“Ta không tin vào bọn hải quân”, viên kỹ sư lầm bầm với con bé dọn vệ sinh của mình.
“Thế thì kiếm người Israel giúp đỡ”, Nombeko nói.
Đúng lúc đó, chuông điện thoại reo.
“Vâng, thưa Thủ tướng... tất nhiên tôi nhận thức được tầm quan trọng của... vâng, thưa Thủ tướng... không, thưa Thủ tướng... Tôi không hoàn toàn đồng ý với điều đó, nếu ngài thứ lỗi, thưa Thủ tướng. Đây trên bàn của tôi là một kế hoạch chi tiết để thực hiện cuộc thử nghiệm ở Ấn Độ Dương, cùng với người Israel. Trong thời hạn ba tháng, thưa Thủ tướng. Cảm ơn Thủ tướng, ngài thật quá tử tế. Cám ơn ngài lần nữa. Vâng, xin tạm biệt”.
Kỹ sư Westhuizen cúp máy và nốc sạch ly rượu ông ta vừa rót ra. Rồi ông ta bảo Nombeko:
“Đừng có đứng ì ra đó. Kiếm cho tao hai người Israel”.
Chắc chắn cuộc thử nghiệm được thực hiện với sự giúp đỡ của người Israel. Kỹ sư Westhuizen phóng một ý nghĩ tử tế về phía cựu Thủ tướng - cựu phát xít Vorster - vì thiên tài của ông ta trong việc xây dựng hợp tác với Jerusalem. Đại diện của Israel trong vùng là hai điệp viên tự đắc.
Thật không may, viên kỹ sư sẽ phải gặp họ thường xuyên hơn cần thiết, và ông ta không bao giờ chịu nổi nụ cười kẻ cả của kẻ đã nói “Làm sao ông có thể ngu thậm tệ đến mức mua một con ngỗng đất sét còn chưa khô hẳn và tin nó hai ngàn năm tuổi?”
Khi kẻ tình nghi phản bội - Phó Đô đốc Walters - đã bị gạt khỏi vòng, Mỹ không thể theo kịp. Ha! Chắc chắn, vụ nổ sẽ bị vệ tinh Mỹ Vela ghi nhận nhưng lúc đó thì đã hơi quá muộn rồi.
Tân Thủ tướng P.W. Botha rất vui vì những kết quả của vụ thử nghiệm vũ khí nên đã đến thăm cơ sở nghiên cứu và mang theo ba chai rượu vang từ Constantia. Sau đó, ông đã mở tiệc cổ vũ và cảm ơn tại văn phòng của kỹ sư Westhuizen, cùng với viên kỹ sư, hai điệp viên của Israel, và một người phục vụ da đen địa phương. Thủ tướng Botha sẽ không bao giờ cho phép mình gọi một đứa nhọ là nhọ; vị trí của ông đòi hỏi phải khác. Nhưng không có quy tắc cấm nghĩ những gì mình suy nghĩ.
Dù sao, con bé phục vụ làm những gì nó được yêu cầu và gắng hết sức hòa mình vào nền giấy dán tường màu trắng.
“Ly này cho ông, ông kỹ sư”, Thủ tướng Botha nói, nâng ly của mình. “Đây là cho ông!”.
Kỹ sư van der Westhuizen nom xấu hổ một cách thích hợp vì thành một anh hùng, và ông kín đáo yêu cầu Tên-nó-là-gì rót đầy ly trong khi Thủ tướng trò chuyện thân thiện với hai điệp viên Mossad. Nhưng sau đó, ngay lập tức, tình hình đang khá dễ chịu đột nhiên đảo ngược. Thủ tướng lại quay sang Westhuizen và hỏi:
“Nhân tiện, ý kiến của ông về vấn đề tritium là gì?”.
* * *
Xuất thân của Thủ tướng P.W. Botha không khác lắm với người tiền nhiệm. Có thể là nhà lãnh đạo mới của đất nước thông minh hơn một chút, vì ông đã từ bỏ chủ nghĩa phát xít ngay khi nhìn thấy hướng nó đang đi, và thay vào đó, bắt đầu đề cập đến niềm tin của mình là “chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc”. Vì vậy, ông đã tránh được việc bị giam giữ khi quân Đồng minh có một chỗ đứng vững chắc trong chiến tranh, và có thể bắt đầu sự nghiệp chính trị ngay không cần chờ đợi.
Botha và giáo hội Cải cách của ông biết rằng sự thật có thể đọc thấy trong Kinh Thánh, nếu đọc rất cẩn thận. Sau cùng thì Tháp Babel - nỗ lực của con người để xây đường đến thiên đàng - đã được nhắc tới trong Sáng thế ký. Chúa Trời thấy nỗ lực này kiêu ngạo; Người đâm phẫn nộ và rải con người ra khắp nơi trên thế giới và tạo ra sự nhầm lẫn ngôn ngữ để trừng phạt.
Những người khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Đó là ý định của Chúa Trời để giữ mọi người riêng biệt. Đó là tín hiệu của đấng tối cao cho phép phân chia con người theo màu da.
Cá Sấu Lớn cũng cảm thấy Chúa đã giúp mình leo cao trong sự nghiệp. Chẳng mấy chốc ông đã là Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của người tiền nhiệm Vorster. Từ vị trí này, ông đã chỉ huy cuộc không kích vào những kẻ khủng bố đang trốn ở Angola, vụ việc mà phần còn lại ngu ngốc của thế giới gọi là tàn sát người vô tội. “Chúng tôi có bằng chứng hình ảnh!”, Thế giới tuyên bố. “Những gì bạn không thể nhìn thấy mới quan trọng”, Cá Sấu đáp lại, nhưng lập luận này chỉ thuyết phục được người duy nhất là mẹ ông ta.
Dù sao, vấn đề hiện tại của Kỹ sư Westhuizen là cha của P.W. Botha đã là sĩ quan chỉ huy trong cuộc Chiến tranh người Bua lần thứ hai và chính Botha đã vạch chiến lược quân sự và đổ máu. Do đó ông cũng có một số kiến thức về tất cả những công cụ kỹ thuật mà kỹ sư Westhuizen là đại diện cao nhất về chương trình vũ khí hạt nhân. Botha không có lý do để nghi ngờ rằng viên kỹ sư gian lận. Ông chỉ hỏi vì tò mò trong lúc nói chuyện.
[Người Bua (Boer): người Phi gốc Hà Lan]
* * *
Kỹ sư Westhuizen im tịt mất mười giây, tình hình sắp trở thành khó xử cho ông ta - và hết sức nguy hiểm cho Nombeko, cô nghĩ rằng nếu gã ngốc này không sớm trả lời câu hỏi đơn giản nhất thế giới này thì toi rồi. Cô đã quá mệt mỏi vì phải cứu ông ta hết lần này đến lần khác, nhưng ngay lúc ấy, cô móc chai Klipdrift màu nâu dự phòng từ trong túi ra, bước đến chỗ viên kỹ sư, và nói cô nhận thấy rằng ông Westhuizen lại bị lên cơn hen suyễn rồi.
“Đây, hãy uống một ngụm lớn và ông sẽ lại nói chuyện được ngay, để ông có thể nói với ngài Thủ tướng rằng chu kỳ bán hủy ngắn ngủi của tritium không phải là vấn đề vì nó không liên quan đến hiệu ứng nổ của quả bom”.
Viên kỹ sư dốc tuột toàn bộ chai thuốc và ngay lập tức cảm thấy khá hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Botha trố mắt nhìn cô đầy tớ.
“Cô biết về vấn đề tritium?”
“Chúa ơi, không ạ”. Nombeko cười. “Ngài thấy đấy, tôi dọn vệ sinh căn phòng này mỗi ngày và ông kỹ sư dành gần như tất cả thời gian của mình vạch ra các công thức và những thứ lạ lùng khác một mình. Và hình như vài thứ nó mắc kẹt ngay cả trong cái não nhỏ của tôi. Ngài có muốn rót thêm không ạ, thưa Thủ tướng?”.
Thủ tướng Botha đồng ý thêm rượu vang nổ và nhìn theo Nombeko một lúc khá lâu khi cô quay trở lại mớ giấy dán tường của mình. Trong khi đó, viên kỹ sư hắng giọng và xin lỗi cơn hen suyễn đột ngột và cho đứa đầy tớ hỗn xược dám mở miệng.
“Thực tế là, thời gian bán hủy của tritium không liên quan đến hiệu ứng nổ của quả bom”, viên kỹ sư cho biết.
“Phải, tôi vừa nghe đứa phục vụ bàn nói thế”, Thủ tướng mỉa mai.
Botha không hỏi câu khó nào nữa; ông đã sớm vui vẻ trở lại nhờ chỗ vang nổ Nombeko hăm hở rót đầy. Kỹ sư Westhuizen lại thoát hiểm một lần nữa. Và cả con bé dọn vệ sinh của ông ta.
Khi quả bom đầu tiên đã sẵn sàng, giai đoạn tiếp theo của việc sản xuất như sau: nhóm làm việc cao cấp, độc lập, mỗi nhóm chế tạo một quả bom, dùng quả bom đầu tiên như một mô hình. Các nhóm được hướng dẫn cực kỳ chính xác khi phải tính toán các bước mà họ thực hiện. Bằng cách này, việc sản xuất quả bom thứ hai và thứ ba có thể so sánh chi tiết - trước tiên là so sánh với nhau và sau đó so sánh với quả thứ nhất. Đích thân viên kỹ sư, và không ai khác (trừ một con bé không tính), chịu trách nhiệm so sánh.
Nếu các quả bom giống hệt nhau thì chúng cũng sẽ chính xác. Rất khó có chuyện hai đội độc lập lại có thể phạm sai lầm giống hệt nhau ở mức độ cao. Theo Tên-nó-là-gì, khả năng thống kê đó là 0,0054 phần trăm.
* * *
Nombeko tiếp tục tìm kiếm cái gì đó sẽ đem lại hy vọng cho mình. Ba cô Tàu biết vài thứ, như là các kim tự tháp Ai Cập là ở Ai Cập, làm thế nào hạ độc chó, và phải đề phòng cái gì khi ăn cắp ví từ túi bên trong áo khoác. Đại loại như thế.
Viên kỹ sư thường xuyên lẩm bẩm về sự tiến bộ ở Nam Phi và trên thế giới, nhưng thông tin từ ông ta đã bị sàng lọc và hiểu theo cách nào đó, vì hầu hết các chính trị gia trên trái đất đều ngu ngốc hoặc là Cộng sản, và tất cả các quyết định của họ đều ngu hay theo Cộng sản. Và khi họ là Cộng sản, họ cũng ngu.
Khi người dân chọn một cựu diễn viên Hollywood thành tổng thống mới của Mỹ, viên kỹ sư lên án không chỉ tổng thống đắc cử mà cả mọi người dân của ông ta. Tuy nhiên, Ronald Reagan không bị dán nhãn Cộng sản. Thay vào đó, viên kỹ sư tập trung vào xu hướng tình dục giả định của tổng thống, dựa trên giả thuyết rằng tất cả những người đàn ông ủng hộ bất cứ cái gì khác với cái ông ta ủng hộ thì đều đồng tính.
Dù các cô Tàu và viên kỹ sư đáng tôn trọng thế nào thì nguồn tin tức từ họ không thể cạnh tranh với chiếc tivi trong phòng chờ bên ngoài văn phòng của viên kỹ sư. Nombeko thường lén lút bật nó lên, theo dõi tin tức và các chương trình tranh luận trong khi cô giả vờ cọ sàn. Hành lang này đến giờ là sạch nhất trong cơ sở nghiên cứu.
“Mày lại ở đây cọ lần nữa à?”. Một lần, viên kỹ sư bực bội nói khi tạt vào chỗ làm lúc 10g30 sáng, sớm hơn Nombeko tưởng 15 phút. “Mà ai bật tivi thế?”
Điều này có thể đã kết thúc một cách tồi tệ, từ góc độ thu thập thông tin, nhưng Nombeko biết tính viên kỹ sư. Thay vì trả lời câu hỏi, cô đã đổi chủ đề.
“Tôi thấy một nửa chai Klipdrift trên bàn của ông khi đang lau dọn ở đó, thưa ông kỹ sư. Tôi nghĩ có thể là rượu cũ và tôi nên đổ nó ra. Nhưng tôi không chắc lắm; Tôi muốn kiểm tra với ông trước đã, thưa kỹ sư”.
“Đổ ra? Mày điên à?”, viên kỹ sư đáp, đâm bổ vào văn phòng của mình để đảm bảo rằng những giọt sự sống vẫn còn ở đó. Để đảm bảo Tên-nó-là-gì sẽ không có bất kỳ ý tưởng ngớ ngẩn nào khác, ngay lập tức ông chuyển chúng từ chai vào máu của mình. Và chẳng bao lâu ông quên tiệt cả truyền hình, cái sàn, và con bé giúp việc.
* * *
Rồi một ngày, cuối cùng nó đã hiện ra.
Cơ hội.
Nếu Nombeko chơi mọi lá bài của cô hợp lý, và cũng phải vay một chút may mắn của viên kỹ sư, cô sẽ sớm trở thành người phụ nữ tự do. Tự do và bị truy nã, nhưng vẫn hơn. Cơ hội - mà Nombeko chưa hề biết - bắt nguồn từ phía bên kia Trái đất.
Người thực sự nắm quyền lãnh đạo của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, đã sớm hiển thị tài năng loại bỏ đối thủ cạnh tranh của mình - thậm chí trước cả khi ông già Mao Trạch Đông có thời gian để chết. Có lẽ tin đồn ngoạn mục nhất là ông đã không để cho cánh tay phải của Mao Trạch Đông - Chu Ân Lai - được điều trị khi bị ung thư. Là một bệnh nhân ung thư không được điều trị thì hiếm khi dẫn đến kết quả tích cực. Tất nhiên còn tùy vào cách bạn nhìn vào nó. Dù sao, Chu Ân Lai qua đời hai mươi năm sau khi CIA thất bại trong việc làm ông ta tan xác.
Sau đó, Bè lũ Bốn Tên đã nhảy vào, đứng đầu là bà vợ cuối của Mao Trạch Đông. Nhưng ngay sau khi ông già rốt cuộc cũng trút hơi thở cuối cùng, cả bốn bị bắt và nhốt lại, mà Đặng Tiểu Bình lại quên chỗ để chìa khóa, một cách cố tình.
Trên mặt trận ngoại giao, ông cực kỳ khó chịu với gã đần Brezhnev ở Moskva, người được kế tục thành công bởi kẻ còn đần hơn nữa là Andropov, người được kế tục thành công bởi Chernenko, kẻ đần nhất. Nhưng may mắn thay, Chernenko không có thời gian để làm gì nhiều hơn là nhận văn phòng trước khi mất chức vĩnh viễn. Tin đồn là Ronald Reagan đã làm ông ta sợ chết khiếp với kế hoạch Chiến tranh giữa các vì sao của mình. Bây giờ một gã tên là Gorbachev thay thế, và... chà, hết mấy gã đần lại đến một kẻ nhâng nháo. Gã mới lên chắc chắn có rất nhiều thứ để chứng minh chứng tỏ.
Bên cạnh nhiều thứ khác, vị trí của Trung Quốc ở châu Phi là một mối quan tâm thường trực. Trong nhiều thập kỷ, Liên Xô đã từng thò mũi vào các phong trào giải phóng châu Phi khác nhau. Cam kết mới đây của Nga ở Angola là một ví dụ điển hình. Đảng MPLA nhận được vũ khí của Liên Xô, đổi lại họ phải lái kết quả theo đường hướng tư tưởng đúng. Hướng của Liên Xô, tất nhiên. Tức chết được!
Liên Xô đã xúi giục Angola và các nước khác ở Nam Phi theo hướng ngược lại những gì Hoa Kỳ và Nam Phi muốn. Thế còn vị trí của Trung Quốc trong cả cái đống lộn xộn này là gì? Để dự phòng những tên Cộng sản phản bội trong điện Kremlin? Hay bắt tay đi với đế quốc Mỹ và chế độ phân biệt chủng tộc ở Pretoria? Lại tức chết đi nữa!
Cũng có thể không đứng về bất kỳ bên nào cả, để mặc nó tự xử, như bọn Mỹ chết tiệt thích nói. Nếu không phải vì Nam Phi hình như là đã có liên lạc với Đài Loan.
Bí mật mà ai cũng biết là Hoa Kỳ đã chặn đứng một thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở sa mạc Kalahari. Vì vậy, mọi người đều biết Nam Phi đang có ý đồ gì. Trong trường hợp này, “mọi người” có nghĩa là tất cả các tổ chức tình báo có uy tín.
Vấn đề quan trọng là, ngoài các thông tin về Kalahari trên bàn của Đặng Tiểu Bình, đã có một báo cáo tình báo lưu ý rằng Nam Phi đã liên lạc về chuyện vũ khí với Đài Bắc. Thật không thể chấp nhận được nếu Đài Loan mua tên lửa nhắm vào Trung Quốc đại lục. Nếu điều này xảy ra, sẽ dẫn đến một cuộc leo thang trong biển Đông, và không thể lường được kết thúc có thể thế nào. Và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngay ở góc bên. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, Đặng Tiểu Bình phải dạy bảo được chế độ phân biệt chủng tộc đáng ghét. Giám đốc cơ quan tình báo của ông đã đề nghị họ không làm gì cả, cứ để cho chính phủ Nam Phi tự chết. Vì lời khuyên đó, giám đốc cơ quan tình báo đã mất chức - liệu Trung Quốc có được an toàn hơn nếu Đài Loan cứ tự do làm ăn với một quốc gia hạt nhân? Cựu giám đốc cơ quan tình báo có thể suy nghĩ về điều này trong lúc làm công việc mới của mình là nhân viên phục vụ dự khuyết của trạm tàu điện ngầm Bắc Kinh.
“Kiểm soát” là tên của trò chơi. Bằng cách này hay cách khác.
Đặng Tiểu Bình không thể đích thân đến đó và để bị chụp ảnh bên cạnh tay cựu phát xít Botha (cho dù ý tưởng đó cũng hơi cám dỗ, phương Tây suy đồi cũng có sự quyến rũ của nó, với liều lượng nhỏ). Và ông không thể cử bất kỳ thủ hạ thân tín nào của mình. Tuyệt đối không được lộ ra rằng Bắc Kinh và Pretoria có quan hệ thân thiện.
Mặt khác, không có lý gì lại cử một viên chức cạo giấy vớ vẩn, không có khả năng lẫn sự nhạy cảm để quan sát. Tất nhiên, một điểm quan trọng nữa là đại diện của Trung Quốc phải đủ quan trọng để được phép tiếp kiến Botha.
Tức là: một người có thể làm mọi việc - nhưng đồng thời lại không gần với Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và không được xem là một đại diện rõ ràng của Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình tìm thấy giải pháp ở viên bí thư trẻ của tỉnh Quý Châu, nơi các nhóm dân tộc thiểu số trên thực tế còn nhiều hơn cả số đầu người. Anh ta vừa chứng minh rằng các sắc dân thiểu số hay cáu kỉnh như Dao, Miêu, Di, Khương, Đồng, Choang, Bố Y, Bạch, Thổ Gia, Ngật Lão, và Thủy có thể nhóm lại được với nhau. Bất cứ ai có thể giữ mười một quả bóng trong không khí như thế cũng phải có khả năng trị gã cựu phát xít Botha, Đặng Tiểu Bình nghĩ, và quyết định cử người đàn ông trẻ này đi Pretoria. Nhiệm vụ của anh ta là: mang thông điệp đến Nam Phi, ẩn ý rằng hợp tác về vũ khí hạt nhân với Đài Loan là không thể chấp nhận, và làm cho dân Nam Phi hiểu rằng họ đang định gây chiến với ai, sẽ vớ phải chiến tranh đấy.
* * *
P.W. Botha không mặn mà gì tiếp lãnh đạo của một tỉnh Trung Quốc; quá thấp so với vị thế của ông ta. Hơn nữa, vị thế của Botha vừa mới tăng cao - chức danh Thủ tướng Chính phủ đã được thay thế bằng Tổng thống. Người ta sẽ nghĩ gì nếu ông - Tổng thống! - lại chào đón bất kỳ người Trung Quốc nào như vậy? Nếu ông tiếp tất bọn họ, mỗi người vài giây thôi, thì cũng mất hơn mười ba ngàn năm. Botha không nghĩ rằng ông sẽ sống lâu đến thế. Trong thực tế, bất chấp chức danh mới của mình, ông cảm thấy khá rệu rã. Đồng thời, ông hiểu lý do tại sao Trung Quốc đã chọn chiến thuật gửi qua một đứa nô tài. Bắc Kinh không muốn bị buộc tội gần gũi chính quyền ở Pretoria. Hay ngược lại, cũng về vấn đề đó.
Câu hỏi đặt ra vẫn là: Họ đang có ý đồ gì? Có liên quan gì với Đài Loan không? Thế thì thật buồn cười, bởi vì sự hợp tác của họ với Đài Loan đã kết thúc chẳng đi đến đâu.
Ồ, sau cùng thì có lẽ Botha sẽ đi gặp thằng nhóc chạy việc kia vậy.
Tại sao ư, vì tôi tò mò như một đứa trẻ, ông ta tự nhủ, mỉm cười mặc dù thực sự chẳng có gì để cười.
Để giảm bớt sự vi phạm lớn về lễ nghi khi tổng thống lại tiếp kiến đứa chạy cờ, Botha có ý định gian lận bày ra một cuộc gặp và ăn tối ở cấp của người đàn ông Trung Quốc - và Botha sẽ tình cờ tạt vào. Ồ, anh ở đây à? Tôi ngồi xuống được chứ?
Đại loại thế.
Thế là Botha gọi giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân tối mật và ra lệnh cho ông ta tiếp vị khách người Trung Quốc đã yêu cầu họp với tổng thống. Ông nói rằng viên kỹ sư và vị khách sẽ đi săn với nhau, sau đó có một bữa ăn ngon, ấn tượng vào buổi tối. Trong bữa ăn tối, viên kỹ sư phải làm cho người đàn ông Trung Quốc hiểu rằng người ta không nên đánh giá thấp kỹ thuật quân sự Nam Phi, mà không được nói trực tiếp đến sự thật về hạt nhân. Điều quan trọng là thông điệp này phải được hiểu rõ. Họ phải cho thấy sức mạnh mà không cần nói điều gì cả. Và tình cờ làm sao Tổng thống Botha lại ở ngay gần đó, và là người thì phải ăn, vì vậy ông sẽ vui lòng ngồi cùng viên kỹ sư và người đàn ông Trung Quốc.
“Tất nhiên, nếu ông không phiền, kỹ sư Westhuizen”.
Đầu viên kỹ sư quay cuồng. Nghĩa là ông ta bị yêu cầu phải tiếp một vị mà khách tổng thống không muốn gặp. Ông ta sẽ bảo vị khách sự thật của vấn đề mà lại không nói bất cứ điều gì, và ở giữa cái mớ bòng bong này, tổng thống, người không muốn gặp khách, sẽ xuất hiện để gặp khách.
Viên kỹ sư nhận ra rằng mình đang lâm vào một tình huống trong đó người ta dễ biến mình thành kẻ ngu. Thêm nữa, ông ta chẳng hiểu mô tê gì ngoài việc ông phải ngay lập tức mời tổng thống dự bữa tối mà chính tổng thống vừa quyết định sẽ diễn ra.
“Tất nhiên xin mời ngài đến ăn tối, thưa tổng thống!”. Kỹ sư Westhuizen nói. “Ngài thế nào cũng phải có mặt đấy! À nhân tiện, nó là vào lúc nào? Và ở đâu ạ?”.
Chuyện bắt đầu từ mối quan ngại của Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh lại hóa thành rắc rối cho viên kỹ sư Westhuizen ở Pelindaba theo cách như thế. Thực tế là, tất nhiên ông ta chẳng biết gì về dự án mà mình đang chỉ đạo. Chẳng dễ dàng gì mà ngồi và trò chuyện tỏ ra có năng lực lắm trong khi mình thì ngược lại. Giải pháp là mang theo Tên-nó-là-gì như một đứa phục vụ và khuân vác vali. Sau đó, nó có thể kín đáo mớm cho viên kỹ sư những lập luận thông minh về dự án, để ý cẩn thận là ông đừng nói quá nhiều. Hoặc quá ít.
Những lưu ý kiểu này Tên-nó-là-gì sẽ làm được rất khéo. Cũng như mọi thứ khác mà con người đáng nguyền rủa kia bày ra phải làm.
* * *
Con bé dọn vệ sinh của viên kỹ sư nhận được những chỉ thị nghiêm ngặt trước cuộc đi săn với người khách Trung Quốc và bữa ăn tối sau đó, mà đích thân Tổng thống sẽ tham gia. Để được an toàn, Nombeko giúp viên kỹ sư qua những hướng dẫn sao cho họ ứng xử thật đúng.
Cô phải luôn ở cách viên kỹ sư một tầm tay. Mỗi lần có cơ hội, cô rỉ tai ông ta lời đáp khôn ngoan thích hợp. Thời gian còn lại, cô sẽ giữ im lặng và hành động đúng như thân phận vô danh tiểu tốt của cô.
Nombeko đã bị kết án bảy năm phục vụ cho viên kỹ sư từ chín năm trước. Khi bản án kết thúc, cô chẳng buồn nhắc nhở ông ta, vì cô quyết định thà bị giam cầm mà được sống còn hơn tự do mà chết ngỏm. Nhưng chẳng bao lâu nữa, cô sẽ ở ngoài hàng rào và bãi mìn; cô sẽ cách xa các lính canh và lũ chó chăn cừu Đức mới của họ hàng dặm. Nếu tìm được cách thoát khỏi kẻ đi kèm, cô sẽ trở thành một trong những người bị Nam Phi muốn bắt nhất. Cảnh sát, nhân viên tình báo, và quân đội sẽ tìm kiếm cô khắp nơi. Ngoại trừ vào Thư viện Quốc gia ở Pretoria. Và đó là nơi cô sẽ đi đầu tiên. Đấy là nếu cô tìm được cách trốn ra.
Viên kỹ sư đã tử tế thông báo với cô rằng tài xế kiêm hướng dẫn đã mang theo một khẩu súng trường và được hướng dẫn để bắn không chỉ con sư tử đang tấn công mà cả những đứa dọn vệ sinh bỏ trốn, bất kỳ đứa nào xuất hiện. Và để phòng ngừa thêm, viên kỹ sư không quên mang theo một khẩu súng lục trong bao da. Một khẩu Glock 17, chín nhân mười chín mm với mười bảy viên đạn trong ổ. Không phải là loại có thể hạ một con voi hay tê giác, nhưng là đủ cho một đứa đầy tớ 60kg.
“Năm bảy cân rưỡi, thưa ông”, Nombeko đáp.
Cô đã định đợi đến thời điểm thuận tiện để mở khóa két an toàn trong văn phòng của viên kỹ sư nơi ông giữ khẩu súng lục của mình và tháo bỏ mười bảy viên đạn, nhưng lại thôi. Cô sẽ phạm sai lầm nếu gã say kia tình cờ khám phá nó kịp thời, và sau đó cuộc đào tẩu của cô sẽ chấm dứt trước khi nó thậm chí được bắt đầu. Thay vào đó, cô quyết định không được quá háo hức, chờ đợi thời điểm thích hợp - nhưng khi nó đến, cô sẽ chuồn vào bụi rậm nhanh hết sức mình. Mà không phải lĩnh một viên đạn vào lưng từ tay tài xế hoặc viên kỹ sư. Và tốt hơn cả là đừng gặp phải bất kỳ con thú nào đang bị săn.
Thế thì khi nào là thời điểm thích hợp? Không phải vào buổi sáng, khi người tài xế đang nhanh nhẹn và viên kỹ sư vẫn còn đủ tỉnh táo để có thể bắn một cái gì đó khác hơn là bàn chân mình. Có lẽ ngay sau khi đi săn, ngay trước khi ăn tối, khi Westhuizen đủ say mèm và lo lắng về cuộc gặp với tổng thống? Và khi người tài xế đã mệt với việc hướng dẫn sau nhiều giờ làm việc.
Phải, lúc đó là đúng nhất. Cô chỉ cần có để nhận ra thời điểm này và nắm bắt nó khi nó đến.
* * *
Họ đã sẵn sàng để bắt đầu đi săn. Vị quan chức Trung Quốc mang theo người phiên dịch riêng của mình. Mọi sự bắt đầu không thể tồi tệ hơn khi người phiên dịch ngu ngốc đi bộ vào đám cỏ cao để tè. Thậm chí còn ngu hơn nữa là đi xăng-đan vào đó.
“Cứu tôi với, tôi chết mất”, anh ta kêu lên khi thấy một vết cắn trên ngón chân cái bên trái của mình và nhìn thấy một con bọ cạp bò trong bụi cỏ.
“Ông không nên bước vào đám cỏ cao hơn mười phân mà không đi giày cẩn thận - hoặc thực sự là chẳng nên vào đó chút nào. Nhất là lúc có gió”, Nombeko nói.
“Cứu tôi với, tôi chết đây”, người phiên dịch nhắc lại.
“Tại sao lại không được khi có gió?”, viên kỹ sư thắc mắc, chẳng quan tâm đến sức khỏe của người phiên dịch mà chỉ tò mò.
Nombeko giải thích rằng bọn côn trùng trú trong cỏ khi gió thổi, và điều này có nghĩa là bò cạp bò ra khỏi lỗ của chúng để tìm mồi. Và hôm nay mồi là một ngón chân cái bự.
“Cứu tôi với, tôi chết mất”, người phiên dịch lại nói.
Nombeko nhận ra rằng người phiên dịch rên rỉ đang thực sự tin điều mình nói.
“Không, tôi chắc chắn là ông không chết đâu”, cô nói. “Con bọ cạp thì bé, ông thì to. Nhưng chúng tôi cũng có thể đưa ông đến bệnh viện để họ rửa vết thương của ông sạch sẽ. Ngón chân của ông lát nữa sẽ sưng lên đến to gấp ba bình thường và thành bầm tím, đau thấy ông bà ông vải, xin lỗi vì tôi lỡ lời. Dù sao ông cũng khó mà làm tốt việc phiên dịch được nữa”.
“Cứu tôi với, tôi sắp chết rồi”, người phiên dịch nhắc lại lần thứ tư.
“Tôi sắp phải ước là ông nói đúng đấy”, Nombeko nói. “Thay vì sụt sịt rằng mình đang hấp hối trong khi ông không phải thế, hãy nhìn vào mặt tốt - đó là một con bọ cạp chứ không phải là một con rắn hổ mang. Và bây giờ ông biết rằng ở châu Phi, ông không thể cứ đi tiểu bất cứ kiểu nào và bất cứ nơi nào ông muốn mà không bị trừng phạt. Có nhà vệ sinh ở khắp mọi nơi. Ở quê tôi, chúng thậm chí còn xếp thành hàng”.
Người phiên dịch im lặng trong vài giây, bị sốc rằng con bọ cạp làm mình suýt chết đã có thể là một con rắn hổ mang làm mình chết thật. Trong khi đó, người hướng dẫn tìm được một chiếc xe hơi và tài xế đưa anh ta đến bệnh viện.
Người đàn ông bị bọ cạp cắn được đặt ở ghế sau chiếc Land Rover, nơi anh ta tiếp tục lặp đi lặp lại dự đoán sức khỏe của mình sẽ đi đến đâu. Tài xế trợn tròn mắt lái đi.
Để lại viên kỹ sư và người đàn ông Trung Quốc đứng đó và nhìn nhau.
“Làm thế nào bây giờ?”. Viên kỹ sư lẩm bẩm bằng tiếng Phi.
“Làm thế nào bây giờ?”. Vị quan chức Trung Quốc lẩm bẩm bằng tiếng Ngô, phương ngữ Trung Quốc của mình.
“Có lẽ ông người Giang Tô, thưa ông sếp Trung Quốc?”. Nombeko nói bằng chính phương ngữ đó. “Thậm chí có thể từ Khương Yển?”.
Vị quan chức Trung Quốc, sinh ra và lớn lên ở Khương Yển, tỉnh Giang Tô, không tin nổi vào tai mình.
Làm thế nào mà cái con Tên-nó-là-gì đáng nguyền rủa này lúc nào cũng đáng ghét kinh khủng như vậy được? Kỹ sư Westhuizen nghĩ. Giờ thì con nhỏ đang đứng đó nói một ngôn ngữ hoàn toàn lạ hoắc lạ huơ với vị khách Trung Quốc, và viên kỹ sư đã không thể kiểm soát những gì đang được nói.
“Xin lỗi, nhưng chuyện gì đang diễn ra đây?”, ông hỏi.
Nombeko giải thích rằng tình cờ mà cô và vị khách mời nói cùng một ngôn ngữ, vì vậy nếu người phiên dịch cứ nằm trong bệnh viện rên rỉ với cái ngón chân bầm tím thay vì làm công việc của mình thì cũng không sao. Nếu viên kỹ sư sẽ cho phép họ nói chuyện, tất nhiên. Hay là ông thích họ ngồi trong im lặng suốt ngày đêm?
Không, viên kỹ sư sẽ không im lặng. Nhưng ông sẽ yêu cầu Tên-nó-là-gì chỉ được phiên dịch mà không nói gì khác. Cô ta không được phép nói chuyện tí nào với vị quan chức Trung Quốc.
Nombeko hứa sẽ hết sức tránh không tán chuyện. Cô chỉ hy vọng rằng ông kỹ sư hiểu nếu vị quan chức Trung Quốc nói chuyện với cô thì cô phải trả lời. Chính ông kỹ sư đã luôn luôn bảo rằng cô phải làm thế. Hơn nữa, có thể nói rằng mọi thứ hóa ra không thể tốt hơn:
“Bây giờ ông có thể nói gì tùy thích về công nghệ vũ khí tiên tiến, thưa ông kỹ sư, và những thứ khác mà ông chẳng biết gì. Kể cả nếu ông nói sai - và chúng ta không thể tránh được, đúng không? - Chà, thế thì tôi có thể chỉnh nó lại trong bản dịch”.
Về cơ bản, Tên-nó-là-gì đã đúng. Và vì cô chắc chắn là thấp kém hơn viên kỹ sư nên ông ta không việc gì phải cảm thấy chán ghét. Người ta phải làm mọi cách để tồn tại, viên kỹ sư nghĩ. Ông ta cảm thấy vận may đang làm tăng cơ hội mình có thể trót lọt qua bữa ăn tối nay với vị quan chức Trung Quốc và Tổng thống.
“Nếu mày lo được vụ này, tao sẽ liệu xem có thể mua cho mày một cái bàn chải mới, khi mọi thứ xong xuôi”, ông ta nói.
Chuyến đi săn thành công; họ đã chạm trán cả năm loại thú lớn. Giữa chừng, họ có thời gian uống cà phê và tán chuyện. Nombeko nắm lấy cơ hội để nói với vị quan chức Trung Quốc rằng năm tiếng nữa, Tổng thống Botha sẽ tình cờ gặp họ. Vị quan chức Trung Quốc cảm ơn cô về thông tin và hứa sẽ tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Nombeko không nói rằng có lẽ tất cả bọn họ sẽ còn ngạc nhiên lắm khi cô phiên dịch dzỏm đột nhiên biến mất vào giữa bữa ăn tối tại nhà nghỉ khu đi săn. Để tất cả bọn họ ngồi đó, nhìn chằm chằm vào nhau.
Nombeko trèo từ chiếc Land Rover xuống để đi bộ vào nhà hàng với viên kỹ sư. Cô hoàn toàn chú tâm vào việc tìm cách tẩu thoát. Cô có thể đi qua nhà bếp và thoát ra phía sau? Vào lúc nào đó giữa món chính và món tráng miệng? Suy nghĩ của cô bị gián đoạn khi viên kỹ sư chợt dừng lại và chỉ vào cô.
“Cái gì đấy?”, ông hỏi.
“Đây ạ?”, Nombeko đáp. “Đây là tôi. Dù tên tôi là gì đi nữa”.
“Không, đồ ngu, cái mày đang mặc ấy”.
“Đó là một chiếc áo khoác”.
“Thế tại sao mày mặc nó?”.
“Vì nó là của tôi. Hôm nay ông hơi bị quá chén hay sao, ông kỹ sư, nếu tôi được phép hỏi?”
Viên kỹ sư không còn hơi sức đâu để khiển trách con bé dọn vệ sinh của mình.
“Tao thấy, nếu mày thậm chí đủ trí khôn để lắng nghe, là chiếc áo khoác trông tởm quá”.
“Đây là chiếc áo khoác duy nhất tôi có, ông kỹ sư ạ”.
“Kệ mày. Nhưng mày không thể trông giống như từ khu ổ chuột chui ra khi sắp gặp Tổng thống của nước này”.
“Dù sao thì chính xác là tôi từ đó mà ra”, Nombeko đáp.
“Cởi cái áo đó ra ngay và để nó trong xe! Và nhanh lên, Tổng thống đang đợi đấy”.
Nombeko nhận ra rằng kế hoạch đào tẩu của cô vừa bị hủy bỏ. Đường may nối của chiếc áo khoác duy nhất của cô chứa đầy kim cương, đủ để cô sống đến cuối đời - nếu hoàn cảnh cho phép cô được sống. Nếu không có chúng, chạy trốn bất công của Nam Phi... không, cô cứ ở lại nơi mình đang ở cũng vậy. Giữa các tổng thống, các quan chức Trung Quốc, bom, và các kỹ sư. Chờ số phận đến.
* * *
Bữa ăn tối bắt đầu với việc kỹ sư Westhuizen giải thích sự cố bọ cạp trong ngày cho Tổng thống của mình; cũng không sao, ông nói thêm, vì viên kỹ sư có tầm nhìn xa đã mang theo một trong những người giúp việc, tình cờ biết nói tiếng của vị quan chức Trung Quốc. Một đứa con gái Nam Phi da đen nói tiếng Trung Quốc? Và có phải đó chính là con bé vừa phục vụ vang nổ vừa thảo luận về các vấn đề tritium trong chuyến thăm gần đây nhất của Tổng thống ở Pelindaba không? P.W. Botha quyết định không điều tra chuyện này thêm nữa; ông ta đã đủ đau đầu rồi. Thay vào đó ông cho phép mình hài lòng với lời của viên kỹ sư rằng người phiên dịch không phải là một nguy cơ an ninh, lý do rất đơn giản là cô ta không bao giờ rời khỏi cơ sở.
P.W. Botha điều khiển cuộc trò chuyện trong bữa tối, Tổng thống mà. Ông bắt đầu bằng cách kể với họ về lịch sử tự hào của Nam Phi. Thông dịch viên Nombeko chẳng thiết dịch vì còn đang mải nghĩ rằng chín năm tù của cô sẽ chưa chấm dứt ở đây. Thế là, trong đầu chẳng có bất kỳ ý tưởng tự phát, mới mẻ nào, cô dịch từng chữ một.
Tổng thống tiếp tục nói thêm về lịch sử tự hào của Nam Phi. Nombeko dịch từng chữ một. Tổng thống tiếp tục nói nhiều hơn về lịch sử tự hào của Nam Phi. Đến lúc đó, Nombeko phát mệt vì cứ phải cung cấp thêm cho vị quan chức Trung Quốc cái mà ông ta cũng chẳng cần. Thay vào đó cô quay sang ông ta và nói:
“Nếu ông muốn, ông quan chức Trung Quốc ạ, tôi có thể nói nhiều hơn nữa những thứ hợm hĩnh vô nghĩa của Tổng thống. Còn không thì tôi có thể nói với ông rằng họ đang định ám chỉ là họ rất giỏi xây dựng vũ khí tiên tiến và người Trung Quốc các ông phải tôn trọng họ vì lý do đó”.
“Cảm ơn cô về sự trung thực của cô, thưa cô”, vị quan chức Trung Quốc đáp - “Và cô hoàn toàn đúng là tôi không cần phải nghe thêm về sự xuất sắc của đất nước này. Nhưng bây giờ xin cô dịch cho rằng tôi rất cảm ơn những miêu tả sống động về lịch sử của các bạn”.
Bữa ăn tối tiếp tục. Khi món chính dọn ra, đó là lúc để kỹ sư Westhuizen nói điều gì đó về tài năng của ông ta thế nào. Những gì ông ta tung ra là một mớ hỗn độn những lời dối trá về kỹ thuật hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng Westhuizen quá mải mê với những gì mình nói đến nỗi ngay cả Tổng thống cũng không thể theo kịp nữa (vận may của viên kỹ sư có đặc điểm là nó cứ kéo dài suốt đến khi hết hẳn). Câu chuyện lộn xộn của kỹ sư khiến Nombeko khó dịch, cho dù cô đã cố gắng. Thay vào đó, cô nói, “Tôi sẽ miễn cho ông khỏi phải nghe những điều vô nghĩa mà ông kỹ sư vừa nói hùng hồn, ông sếp Trung Quốc ạ. Về cơ bản, nó là như thế này: họ đã tìm ra cách xây dựng vũ khí hạt nhân, và họ đã sản xuất được vài quả bom - cho dù có ông kỹ sư. Nhưng tôi không thấy bất cứ người Đài Loan nào rình rập xung quanh và tôi cũng không nghe bất cứ ai nói rằng họ sẽ xuất khẩu quả bom nào. Tôi có thể khuyên ông bây giờ nên trả lời một cách lịch sự, rồi gợi ý rằng nên cho người phiên dịch ăn chút gì? Vì tôi sắp chết đói rồi”.
Vị sứ giả Trung Quốc thấy Nombeko thật hết sức quyến rũ. Ông nở một nụ cười thân thiện và nói rằng ông rất ấn tượng bởi kiến thức của ông Westhuizen, và nó thật đáng tôn trọng. Ngoài ra, ông không muốn tỏ ra không tôn trọng truyền thống của Nam Phi, tuyệt đối là không, nhưng ở Trung Quốc đơn giản là nó thật không nên không phải nếu một người nào đó ngồi cùng một bàn mà lại không được phục vụ như mọi người khác. Vị quan chức Trung Quốc cho biết ông ta cảm thấy không thoải mái vì cô phiên dịch tuyệt vời lại không có gì để ăn, và ông tự hỏi liệu Tổng thống có cho phép ông ta chia sẻ một chút thức ăn của mình với cô.
Tổng thống Botha búng tay gọi một đĩa cho con bé bản xứ. Thế giới chẳng tận diệt nếu cô ta có chút gì đó trong dạ dày, miễn là nó làm cho khách của họ vui vẻ. Hơn nữa, cuộc trò chuyện dường như đang theo hướng tốt nhất; tay Trung Hoa trông có vẻ khá ngoan ngoãn.
Cho đến khi bữa tối kết thúc, một vài điều đã xảy ra:
- Trung Quốc biết rằng Nam Phi là một quốc gia hạt nhân
- Nombeko sẽ mãi mãi có một người bạn trong Ban bí thư của tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc
- Kỹ sư Van der Westhuizen lại sống sót qua một cuộc khủng hoảng nữa, bởi vì...
- P.W. Botha nói chung là hài lòng với cách mọi thứ xảy ra, bởi vì tổng thống chẳng biết gì hơn.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng:
Nombeko Mayeki hai mươi nhăm tuổi vẫn còn là một tù nhân tại Pelindaba, nhưng lần đầu tiên trong đời, cô được để ăn cho đến khi no.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét