Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 1

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Một

Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh ập đến với gia đình Xintxốp cũng bất ngờ như hàng triệu gia đình khác. Hình như ai nấy từ lâu vẫn nơm nớp chờ đợi cuộc chiến tranh, nhưng cuối cùng nó vẫn giội xuống đầu như một thùng nước lạnh. Rõ ràng với một tai họa lớn như vậy, nói chung không ai có thể chuấn bị hết được.
Xintxốp và Masa biết tin chiến tranh bùng nổ khi hai vợ chồng đang ở Ximphêrôpôn, trên khoảng đất hẹp nóng bức gần nhà ga. Họ vừa xuống tàu và đang đứng gần một chiếc “Lanhcôn” mui trần cũ kỹ, chờ những người đi cùng đường đế góp tiền thuê xe đến nhà an dưỡng của quân đội ở Guốcdúp.
Họ đang hỏi thăm người lái xe xem ở chợ có trái cây và cà chua không, loa phóng thanh bỗng cắt đứt câu chuyện của họ, lè nhè vang lên khắp quảng trường, báo tin chiến tranh đã bùng nổ, và cuộc sống lập tức bị chia ra làm hai phần tách rời, không sao gắn lại được với nhau: phần trước chiến tranh cách đây một phút và phần hiện tại.
Xintxốp và Masa xách vali tới chiếc ghế dài gần nhất. Masa ngồi xuống, gục đầu vào hai bàn tay và cứ ngồi nguyên không động đậy, y như kẻ mất hồn, còn Xintxốp thì cũng chẳng hỏi han gì vợ, đi thẳng đến quân vụ trưởng để xin chỗ trên chuyến tàu khởi hành đầu tiên. Bây giờ, thì từ Ximphêrôpôn họ lại phải quay trở lại Grốtnô vì đã một năm rưỡi Xintxốp vẫn làm thư ký tòa soạn cho tờ báo của tập đoàn quân.
Thêm vào mối tai họa chiến tranh nói chung, trong gia đình họ còn có điều bất hạnh riêng: chính trị viên Xintxốp đang cùng với vợ ở thành phố Ximphêrôpôn này, cách xa chiến tranh hàng ngàn dặm đường, còn đứa con gái một tuổi của họ thì lại ở Grốtnô sát ngay cạnh nách chiến tranh. Nó ở đó, họ ở đây và ít nhất là phải bốn ngày đường nữa họ mới có thể đi tới chỗ nó được.
Trong lúc đứng xếp hàng vào gặp quân vụ trưởng, Xintxốp thử hình dung ra tình hình hiện nay ở Grôtnô: “Gần quá, gần biên giới quá, và không quân, chủ yếu nhất là không quân... Thực ra. người ta có thể cho trẻ con đi ngay khỏi những nơi đó...”. Anh đã bám chặt lấy ý nghĩ này vì cho rằng nó có thể làm cho Masa yên tâm.
Anh quay lại chỗ Masa để báo với chị rằng tất cả đều ổn: mười hai giờ đêm, họ sẽ đáp xe lửa trở lại. Chị ngẩng đầu lên và nhìn anh như nhìn một người xa lạ.
- Cái gì ổn kia chứ?
- Anh bảo rằng việc lấy vé tàu đều ổn cả. - Xintxốp nhắc lại.
- Tốt. - Masa nói, rồi lại gục đầu vào hai bàn tay.
Chị không thể tha thứ cho mình về việc đã bỏ con đấy mà đi. Chị đã làm việc đó vì những lời khuyên nhủ dài dòng của bà mẹ. Bà cụ đã đến nhà họ ở Grốtnô cốt để cho Masa và Xintxốp có thể cùng nhau đi an dưỡng. Xintxốp cũng khuyên Masa đi, và hôm lên đường, khi chị ngước nhìn anh và hỏi: “Hay là thôi đừng đi nữa vậy?”, thì anh lại còn bực mình nữa chứ. Lúc ấy giá chị đừng nghe lời cả hai người thì giờ nảy chị đã ở Grôtnô. Chị không thấy sợ khi nghĩ rằng mình đang ở đó trong lúc này, cái đáng sợ chính là chị đã không ở đấy. Chị cảm thấy minh có lỗi đối với đứa bé bị bỏ lại Grốtnô, cảm giác đó đã làm cho chị hầu như không nghĩ đến chồng.
- Nhưng việc gì phải nghĩ đến anh nhỉ? - Xintxốp nói. - Và nói chung tất cả sẽ ổn kia mà.
Masa không thể chịu nổi khi anh nói như vậy: bỗng dưng lại an ủi chị một cách ngớ ngẩn, không đâu vào đâu về những việc không thể nào an ủi được.
- Thôi đừng nói nhảm nữa! - chị nói. - Cái gi ổn? Anh biết gì nào? - Đôi môi chị thậm chí run lên vì tức giận. - Em không có quyền đi nghỉ mát! Anh nên hiểu là em không có quyền! - chị nhắc lại, tay nắm chặt đấm mạnh xuống đầu gối mình.
Khi hai người đã lên tàu, chị lặng thinh và thôi không tự trách mình nữa, nhưng đáp lại tất cả những điều Xintxốp hỏi chị chỉ ừ hữ. Nói chung, suốt dọc đường cho tới khi đến Maxcơva. Masa đã hành động gần như một cái máy. Chị uống trà, lặng lẽ nhìn qua cửa sổ. rồi trèo lên tầng giường trên nằm úp mặt vào vách hàng tiếng đồng hồ liền.
Suốt dọc đường, xung quanh người ta chỉ bàn tán về chiến tranh, nhưng Masa thì tựa hồ như không nghe thấy gì cả. Tâm trí chị đang bận nhiều điều suy nghĩ nặng nề mà chị không thể cho ai biết, kể cả Xintxốp.
Mãi khi đến Xerpukhốp, gần Maxcơva, tàu vừa đỗ lại, chị mới nói với Xintxốp câu đầu tiên trong suốt thời gian đi đường:
- Ta xuống dạo một lát đi...
Họ ra khỏi toa tàu và chị khoác lấy tay anh
- Anh biết không, bây giờ em đã hiểu là tại sao ngay từ đầu em hầu như không nghĩ đến anh. Chúng ta sẽ tìm ra Tanhia, sẽ cho nó đi với bà ngoại, còn em sẽ ở lại công tác với anh trong quân đội.
- Em đã quyết định rồi sao?
- Vâng.
- Nhưng nếu quyết định như thế cũng không xong thì sao?
Chị im lặng lắc đầu.
Anh cố giữ bình tĩnh nói với chị rằng việc tìm Tanhia và việc chị có vào bộ đội hay không là hai vấn đề cần tách biệt...
- Em sẽ không tách hai việc đó ra đâu! - Masa ngắt lời anh.
Nhưng anh vẫn kiên nhẫn giải thích cho chị rằng tốt hơn cả là anh đến Grôtnô, nơi làm việc của anh, còn chị cứ ở lại Maxcơva. Nếu các gia đình đã tản cư khỏi Grôtnô (và chắc người ta đã làm việc đó) thì mẹ Masa tất nhiên là cùng Tanhia sẽ cố lần về tới Maxcơva, về căn nhà riêng. Đế tránh tình trạng không gặp nhau trên dọc đường thì hợp lý hơn cả là cứ chờ hai bà cháu ở Maxcơva.
- Chưa biết chừng trong lúc chúng ta rời Ximphêrôpôn, thì hai bà cháu bây giờ cũng rời Grốtnô về tới Matxcơva rồi cũng nên!
Masa nhìn Xintxốp tỏ vẻ không tin, rồi lại lặng thinh cho tới khi về tới Maxcơva.
Họ về căn nhà cũ của Artêmiép ở phố Uxatsépka, nơi mà mới đây thôi, trên đường đi Ximphêrôpôn, lúc đầu óc còn thanh thản, họ đã ghé lại đó hai ngày.
Không có ai ở Grốtnô về cả. Xintxốp lại hy vọng vào một bức điện, nhưng điện cũng không có nốt.
- Bây giờ anh ra ga, - Xintxốp nói. - May ra lấy được vé. anh sẽ đi chuyến tàu tối. Còn em cứ thử gọi dây nói xem, chưa biết chừng gọi được cũng nên.
Anh rút quyển sổ tay trong túi áo quân phục mùa hè, xé một tờ và ghi cho Masa mấy số dây nói tòa soạn ở Grốtnô.
- Khoan đã, anh hãy ngồi xuống đây một lát đã nào, - chị ngăn chồng lại. - Em biết rằng anh phản đối việc em đi với anh. Nhưng làm thế nào để em đi được?
Xintxốp nói rằng làm thế không được đâu. Ngoài những điều anh đã nói còn thêm một lý do mới nữa: nếu lúc này người ta có thể cho chị tới Grốtnô đi nữa thì vị tất ở đấy người ta đã tiếp nhận chị vào bộ đội, điều này anh không tin, và chả nhẽ chị không hiểu rằng như vậy chỉ làm cho anh nặng gánh gấp đôi lên hay sao?
Masa nghe anh nói, sắc mặt mỗi lúc một tái nhợt thêm.
- Nhưng làm sao mà anh không hiểu, - chị bỗng tru tréo lên. - Sao anh không hiểu rằng em cũng là một con người?! Em muốn anh ở đâu thì em cùng ở đấy chứ?! Tại sao anh chỉ nghĩ đến anh thôi?
- Sao lại “chỉ nghĩ đến anh thôi”? - Xintxốp sửng sốt hỏi.
Nhưng chị không nói gì, mà chỉ khóc, khóc thảm thiết. Khi nước mắt đã làm cho lòng dịu đi đôi chút, chị lại lấy giọng đảm đang quán xuyến bảo chồng ra ga lấy vé kẻo muộn.
- Lấy cho cả em nữa. Anh hứa đi.
Phát cáu vì cái tính ương ngạnh của vợ, cuối cùng anh chẳng thương hại gì chị và dứt khoát bảo rằng lúc này người ta không xếp chỗ đi Grốtnô cho thường dân đâu, chứ đừng nói là phụ nữ, ngay từ hôm qua bản thông cáo chiến sự có nói đến hướng Grốtnô, và cuối cùng cũng phải tỉnh táo mà nhìn xem sự thể ra sao chứ.
- Được. - Masa nói. - Xếp hay không thì mặc họ, nhưng anh cứ cố nài xem! Em tin anh. Phải thế không?
- Phải. - anh cau có đồng ý.
Tiếng “phải” lúc này biết bao dụng ý. Anh chưa bao giờ nói dối vợ. Nếu quả là người ta cho chị vé đi Grốtnô thì anh đành sẽ đưa chị đi theo thôi.
Một giờ sau, anh thở phào nhẹ nhõm gọi dây nói từ nhà ga về báo cho chị biết anh đã lấy được vé trên chuyến tàu đi Minxk vào hồi mười một giờ đêm - không có tàu chạy thẳng Grốtnô và quân vụ trưởng đã bảo rằng ngoài quân nhân ra không được phép xếp chỗ cho bất kỳ ai đi về hướng đó.
Masa chẳng nói chẳng rằng.
- Sao em lại im lặng thế? - anh quát vào ống nói.
- Không sao cả. Em đã thử gọi dây nói đến Grốtnô, người ta bảo rằng hiện nay chưa liên lạc được.
- Vậy em hãy xếp tất cả đồ đạc của anh sang một chiếc vali đi nhé.
- Được rồi, em sẽ xếp.
- Để anh thử vào Cục chính trị хеш sao. Có thể tòa soạn đã dời đi đâu rồi cũng nên, anh thử hỏi хеm sao. Chừng hai giờ nữa anh sẽ về. Đừng buồn!
- Nhưng em có buồn đâu kia chứ, - Masa trả lời, giọng vẫn hững hờ và treo ống nghe lên trước.
Masa đã thu xếp xong đồ đạc cho Xintxốp và cứ băn khoăn mãi về một điều: làm sao mà chị lại có thể rời Grốtnô và bỏ con lại đó nhỉ? Chị đã không nói dối Xintxốp, quả thực chị không thể tách biệt những ý nghĩ về con và những ý nghĩ về bản thân mình: phải tìm nó, gửi nó về đây, còn bản thân minh thì sẽ ở lại chiến trường với chồng.
Đi bằng cách nào? Làm sao để đi được? Đến phút cuối cùng khi đã đóng vali của Xintxốp lại, Masa mới sực nhớ ra là có lần chị đã ghi vào một mẩu giấy số dây nói cơ quan của đại tá Pôlưnin, một người bạn của anh trai Masa, đã cùng công tác với anh ấy ở Khankhingôn. Dọc đường đi Ximphêrôpôn, đúng vào hôm họ dừng chân lại đây, thì ông Pôlưnin này bỗng gọi dây nói đến báo rằng ông vừa từ Tsita đáp máy bay về ông đã gặp anh Paven của Masa ở đó và đã hứa với anh là sẽ đích thân báo cáo lại với mẹ anh.
Lúc ấy, Masa đã báo ông ta là bà Tachiana Xtêpanôpna ở Grốtnô và đã ghi lại số dây nói của cơ quan ông để khi mẹ về mẹ sẽ gọi dây nói cho ông ở Tổng nha thanh tra Hàng không. Nhưng số dây nói đó ở đâu bây giờ? Chị cuống cuồng lục tìm mãi, rồi cũng đã tìm thấy và gọi dây nói.
- Đại tá Pôlưmin đây! - một giọng gắt gỏng vang lên trong ống nghe.
- Chào anh! Tôi là em gái của anh Artêmiép đây. Tôi cần gặp anh. - Masa nói.
Nhưng hình như Pôlưnin thậm chí cũng chưa hiểu ngay chị là ai, và chị cần gì đến ông. Rồi cuối cùng ông đã hiểu ra, và sau một hồi lâu im lặng, không lấy gì làm niềm nở, ông báo nếu gặp trong một thời gian ngắn thì được, sau một giờ nữa chị cứ đến. Ông sẽ ra ngoài cửa để gặp chị.
Quả thực Masa cũng không biết rõ là ông Pôlưnin này có thể giúp chị được việc gì. Nhưng đúng một giờ sau, chị đã có mặt trước cửa một tòa nhà lớn của quân đội. Chị có cảm tưởng rằng mình vẫn nhớ hình dáng của Pôlưnin, thế nhưng lại không thấy ông ta trong đám người qua lại xung quanh. Bỗng cửa bật mở và một trung sĩ trẻ măng đến gặp chị.
- Chị cần gặp đồng chí đại tá Pôlưnin phải không? - Anh hỏi Masa và lúng túng giải thích rằng đồng chí đại tá vừa được gọi lên bộ quốc phòng. Đồng chí ấy vừa ra đi cách đây mười phút và dặn chị đợi. Tốt hơn hết là chị cứ ngồi chờ trong vườn hoa nhỏ đàng kia, bên kia đường tàu điện. Khi nào đại tá về sẽ có người đến tìm chị.
- Thế bao giờ đồng chí ấy về? - Masa hỏi khi sực nhớ ra rằng Xintxốp sắp quay về nhà.
Người trung sĩ chỉ nhún vai.
Masa chờ đợi suốt hai giờ và đúng vào lúc chị định thôi không đợi nữa và đã chạy qua đường sắt để nhảy lên tàu điện thì từ trên một chiếc xe “Emka” vừa chạy tới, Pôlưnin bước xuống. Mặc dầu khuôn mặt đẹp của ông đã thay đổi nhiều, hình như già đi và lộ vẻ đăm chiêu, nhưng Masa vẫn nhận ra được.
Người ta cảm thấy là ông đang tính từng giây.
- Đừng giận nhé. - ông nói. - ta tạm đứng nói chuyện ngay tại đây thôi kẻo trong phòng tôi khách đã kéo đến rồi... Chị gặp chuyện gì không lành sao?
Masa cố trình bày hết sức vắn tắt về sự việc đã xảy ra với chị và điều chị mong muốn. Họ đứng cạnh nhau trên bến tàu điện, người qua đường xô đẩy nhau, huých cả vai vào họ. Nghe chị kể xong, Pôlưnin bảo:
- Biết làm sao được. Tôi cho là anh ấy nói có lý đấy: người ta đang cố gắng cho các gia đình rời khỏi những nơi đó. Trong số này có cả các gia đình bộ đội không quân chúng tôi. Nếu biết tin gì mới qua các gia đình đó, tôi sẽ gọi dây nói cho chị. Còn việc chị đến đó bây giờ thì không phải lúc rồi.
- Dù sao tôi vẫn cứ rất mong anh giúp đỡ! - Masa vẫn một mực nói.
Pôlưnin bực bội khoanh tay lại trước ngực.
- Này, chị yêu cầu cái gì vậy, nói vô phép chứ chị định đâm đầu vào đâu thế! Tình hình ở Grốtnô lúc này rất hỗn loạn, chị có thể hiểu được điều đó chứ?
- Không.
- Nếu không hiểu thì hãy nghe những người hiểu biết chứ!
Ông sực nhớ rằng vì muốn khuyên chị ta đừng làm những điều dại dột mà mình lại buột miệng hở ra tình hình hỗn loạn ở Grốtnô trong lúc này: chị ta còn con thơ và mẹ già ở đó kia mà.
- Cố nhiên tình hình ở đó nói chung rồi sẽ sáng sủa hơn, - ông liền chữa lại một cách vụng về. - Và nếu mặt trận đến gần thì tất nhiên việc tản cư các gia đình sẽ được thu xếp chu đáo. Nếu biết được một chút tin tức gì tôi cũng sẽ gọi dây nói cho chị ngay! Được chứ?
Ông rất vội và hoàn toàn không thể giấu nổi điều đó.
… Khi về nhà không thấy Masa. Xintxốp không còn biết nghĩ sao nữa. Ít ra thì cũng để lại một mảnh giấy chứ! Anh cảm thấy giọng nói của Masa qua máy điện thoại có vẻ kỳ lạ, nhưng chị không thể cãi nhau với anh hôm nay khi anh sắp ra đi.
Ở Cục chính trị, người ta không nói gì với anh ngoài những điều mà chính anh cũng đã biết: ở khu vực Grốtnô hiện đang diễn ra những trận chiến đấu, còn tòa soạn tờ báo tập đoàn quân của anh có di chuyển địa điểm hay không thì ngày mai đến Minxk mới có thể biết được.
Trước đây, mối lo âu canh cánh bên lòng về đứa con gái, và tâm trạng hoàn toàn rối bời của Masa đã buộc Xintxốp phải quên bẵng mình đi. Nhưng bây giờ anh lại thấy khiếp sợ nghĩ đến chính bản thân mình, khi nghĩ rằng đó là chiến tranh, rằng chính anh chứ không phải ai khác hôm nay sẽ đi tới nơi mà cái chết đang chờ đợi.
Anh vừa nghĩ tới đây thì tiếng chuông điện thoại đường dài đã đổ hồi. Anh chạy qua phòng giật lấy ống nghe ra khỏi giá, nhưng điện thoại không phải từ Grốtnô mà là từ Tsita gọi tới.
- Ai đấy? Mẹ phải không? - giọng nói xa lắc xa lơ của Artêmiép vẳng lại qua tiếng lao xao của trăm ngàn giọng nói khác.
- Không, em đây, Xintxốp đây!
- Thế mà tôi cứ tưởng là chú đang chiến đấu rồi cơ đấy.
- Hôm nay em đi đây.
- Còn vợ con chú đâu? Mẹ đâu?
Xintxốp kể hết sự tình.
- Ờ, ờ, tình cảnh chỗ chú chẳng vui vẻ gì! - Artêmiép nói giọng khàn khàn rất khó nghe ở tít tận đằng kia đường dây dài sáu nghìn dặm. - Dù sao chăng nữa cũng đừng để cho Masa tới đó. Còn tôi thì ma dắt lối quỷ đưa đường đến tận cái vùng xứ Zabaican này! Thật là như cụt tay.
- Tôi cắt đây! Tôi cắt đây! Thì giờ của các anh hết rồi! - người nữ điện thoại viên gõ vào ống nghe tới tấp như con chim gõ kiến và trong ống nghe tất cả đều im bặt: cả tiếng nói lẫn tiếng lao xao, chỉ còn là tĩnh lặng.
Masa lặng lẽ bước vào, đầu cúi gầm. Xintxốp không hỏi ngay xem chị đi đâu. anh chờ cho chị tự nói ra, và anh nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường: chỉ còn một giờ nữa đã phải lên đường rồi.
Chị bắt gặp đôi mắt của anh, cảm thấy vẻ trách móc, liền nhìn thẳng vào mặt anh và nói:
- Anh đừng giận! Vừa rồi em đi hỏi xem có thể tìm cách nào để đi với anh.
- Thế người ta khuyên em như thế nào?
- Họ trả lời rằng lúc này chưa thể được.
- Chao ôi, Masa, Masa! - Xintxốp chỉ nói được với vợ bấy nhiêu lời.
Chị không đáp lại, cố tự chủ và cố nén để giọng nói khỏi run. Rút cục chị cũng đã làm được và trong giờ phút cuối cùng trước khi chia tay, chị có vẻ gần như bình tĩnh.
Nhưng lúc ra đến ga, dưới ánh đèn ngụy trang xanh lét như trong bệnh viện, chị thấy nét mặt chồng có vẻ ốm yếu và buồn; chị nhớ lại lời Pôlưnin: “Ở Grôtnô lúc này rất hỗn loạn...” - chị rùng minh và lật bật nép mình vào áo capốt của anh.
- Em làm sao thế? Em khóc đấy à? - Xintxốp hỏi.
Nhưng chị không khóc. Chỉ vì chị thấy mủi lòng thế thôi, và chị đã nép mình vào chồng như thường tình mỗi khi người ta khóc.
Vì chưa ai quen với chiến tranh, với tình trạng phải che bớt ánh sáng, nên ban đêm ở ga đã diễn ra cảnh xô đẩy và hỗn độn,
Xintxốp hỏi thăm mãi mà vẫn chưa biết chuyến tàu Minxk khi nào thì chạy. Thoạt tiên người ta báo rằng nó đã chạy rồi, đến khi có người nói gần sáng mới chạy, thỉ lập tức lại có tiếng kêu lên rằng năm phút nữa tàu Minxk sẽ chuyển bánh.
Không hiểu sao những người đi tiễn không được vào ke, thành thử trước cửa liền xảy ra một cuộc chen lấn, và trong cảnh hỗn độn, bị bốn phía xô đẩy, cả Masa lẫn Xintxốp đều không kịp ôm hôn nhau lần chót. Một tay kéo Masa lại (vì tay kia đang bận xách vali), tới phút cuối cùng Xintxốp vừa mới ghì chặt mặt vợ vào hai cái móc khóa dây da bắt chéo trên ngực đến phát đau, thì đã vội vàng bứt ra và biến vào cửa ga.
Masa chạy vòng qua nhà ga tới một hàng rào chấn song cao gấp hai đầu người ngăn sân ga với ke. Chị không còn hy vọng trông thấy Xintxốp nữa, chỉ mong nhìn xem đoàn tàu của anh rời khỏi ga ra sao. Chị đứng nửa tiếng bên hàng rào mà đoàn tàu vẫn chưa chuyển bánh. Bỗng trong bóng tối, chị nhận ra Xintxốp từ một toa nọ chui ra để đi sang toa khác.
- Vanhia! - Masa gọi nhưng anh không nghe thấy và không ngoảnh lại.
- Vanhia! - chị hét to hơn, níu chặt lấy song sắt.
Anh đã nghe thấy tiếng gọi, ngạc nhiên quay lại, ngơ ngác nhìn bốn phía mất mấy giây, và mãi khi chị gọi lần thứ ba. anh mới nhận ra và chạy lại chỗ hàng rào.
- Anh chưa đi à? Khi nào tàu chạy? Có lẽ chưa chạy ngay phải không?
- Anh không rõ, - anh nói. - Lúc nào người ta cũng báo là tàu sắp chạy.
Anh đặt vali xuống, chìa tay ra, và Masa cũng chìa tay cho anh qua hàng rào. Anh hôn hai bàn tay ấy rồi nắm lấy chúng và cứ thế giữ mãi trong suốt thời gian họ đứng bên hàng rào, không buông ra được nữa.
Nửa giờ nữa trôi qua mà đoàn tàu vẫn chưa chuyển bánh.
- Hay là anh cứ đi kiếm chỗ ngồi đi, để đồ đạc lại đấy rồi ra đây? - Masa chợt nhớ ra, bảo vậy.
- Ồ, ồ! - Xintxốp lắc đầu tỏ vẻ không cần thiết và vẫn không buông tay vợ. - Anh sẽ ngồi trên bậc toa!
Hai ngươi đang bận tâm với phút chia ly đang xích lại gần, chẳng để ý đến những người xung quanh, và họ muốn làm dịu bớt đi nỗi buồn ly biệt bằng những lời lẽ quen thuộc của cái thời bình đã chấm dứt từ ba hôm nay.
- Anh chắc rằng gia đình ta đều bình yên cả.
- Nhờ trời được như thế!
- Chưa biết chừng anh lại gặp hai bà cháu ở một ga nào đó nữa kia: hai bên đi ngược chiều nhau mà.
- Chao, được thế thì còn nói gì nữa!,,,
- Hễ đến nơi là anh sẽ viết thư cho em ngay.
- Anh sẽ không còn bụng dạ nào mà nghĩ đến em nữa đâu, chỉ cần gửi một bức điện là đủ.
- Không, thế nào anh cũng sẽ viết. Em hãy đợi thư anh.
- Nhất định rồi!
- Nhưng cả em cũng phải viết cho anh đấy, được chứ?
- Tất nhiên!
Cả hai người đều chưa hiểu rõ ngọn ngành cuộc chiến tranh đã bước sang ngày thứ tư khiến cho Xintxốp phải ra đi là như thế nào. Họ vẫn chưa thể hình dung được rằng trong một thời gian dài và có thể là mãi mãi không một việc nào trong số những việc họ bàn tính với nhau sẽ còn xảy ra trong đời họ nữa: dù là thư từ, điện tín, hay hẹn hò.
- Tàu chạy đấy! Ai đi thì lên cho! - có tiếng người nào kêu lên phía sau Xintxốp.
Xintxốp siết chặt đôi tay Masa lần cuối cùng, vớ lấy vali, xoắn chiếc quai xà cột vào tay, chạy theo đoàn tàu vì đoàn tàu đã từ từ chuyển bánh bò đi bên cạnh anh, và nhảy lên bậc toa.
Ngay lập tức có người theo sau Xintxốp nhảy tiếp lên bậc toa, che lấp anh khiến Masa không còn nhìn thấy anh nữa. Đứng ở xa, khi thì Masa tưởng đó là tay anh nắm chiếc mũ kêpi vẫy chị, khi thì chị lại cho đó là tay một người khác, và sau đấy chẳng còn thấy gì nữa. những toa khác lướt qua; những người khác gào thét điều gì với ai đó. còn chị thì đứng đó một mình, mặt áp vào chấn song sắt. rồi vội vã cài cúc áo mưa. Vì chị bỗng thấy ngực mình lạnh buốt.
* * *
Không hiểu sao đoàn tàu gồm toàn những toa xe chuyên chạy quanh vùng ngoại ô, qua vùng phụ cận Махсơvа và Xmôlenxk, đến ga nào cùng đỗ lại lâu đến bã người. Trong toa Xintxốp ngồi, cũng như trong các toa khác, phần lớn hành khách là các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của Quân khu đặc biệt miền Tây đang nghỉ phép nay phải cấp tốc trở về đơn vị. Mãi tới giờ, khi tất cả cùng ngồi trên những toa chuyên chạy quanh vùng ngoại ô này để đi Minxk, họ mới ngạc nhiên nhìn thấy nhau.
Vì đi phép lẻ tẻ nên từng người không hình dung ra là tất cả bọn họ, khi tập hợp lại, thì trông sẽ ra sao. Nhưng, lúc này, đó là cả một thác người lẽ ra phải chỉ huy các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn chiến đấu, vậy mà ngay từ ngày đầu của cuộc chiến tranh, họ đã bị cắt khỏi các đơn vị chắc là đã bắt đầu tham chiến của mình.
Xintxốp cũng như những người đi phép khác đều không hiểu nổi tại sao lại có thể xảy ra tình trạng này, khi mà hồi tháng Tư ai nấy đều đã linh cảm thấy không khí của một cuộc chiến tranh đang nhích lại gần. Trong toa tàu, những cuộc bàn luận về vấn đề đó chốc chốc lại nổ ra, lặng đi rồi lại bùng lên sôi nổi. Những con người không phạm lỗi gì hết lại cảm thấy minh có tội và phát cáu mỗi khi tàu đỗ lại lâu.
Tàu chạy không có thời gian biểu, mặc dầu suốt ngày đầu tiên trên đường không xảy ra một lần báo động phòng không nào. Chỉ tới đêm hôm đó, khi tàu đỗ ở Orsa, mới thấy các đầu máy xung quanh bắt đầu rống lên và những tấm kính rung chuyến: bọn Đức ném bom nhà ga chuyển hàng Orsa.
Nhưng ngay cả lúc này, khi nghe tiếng bom nổ lần đầu tiên, Xíntxốp vẫn chưa hiểu là đoàn tàu chuyên chạy quanh vùng ngoại ô của họ đang tiến sát sạt tới gần chiến tranh như thế nào. Anh nghĩ thầm: “Hừ, đêm nào mà bọn Đức chả ném bom các đoàn tàu ra mặt trận, cái đó có gì là lạ”. Anh cùng với một đại úy pháo binh ngồi đối diện và cũng đang trên đường đi về đơn vị mình đóng ở biên giới, tại Đômatsevô, đều cho là bọn Đức đã cất cánh từ Varsava hoặc từ Kenhixbe. Nếu người ta bảo họ rằng đây đã là đêm thứ hai bọn Đức cất cánh đến Orsa ngay từ sân bay quân sự của ta ở Grốtnô, ở ngay cái thành phố Grốtnô mà Xintxốp phải đến để trở về tòa soạn tờ báo của anh, thì hẳn là họ sẽ không sao tin được điều đó!
Nhưng đêm hôm ấy qua đi, và họ buộc phải tin vàọ những sự việc còn tệ hại hơn nhiều. Sáng hôm sau, đoàn tàu lết được đến Bôrixôp, và quân vụ trưởng nhà ga nhăn nhó như bị đau răng, tuyên bố rằng đoàn tàu không thể đi tiếp được nữa: con đường giữa Bôrixốp và Minxk đã bị giội bom và đã bị xe tăng Đức cắt đứt.
Ở Bôrixốp, bụi mù và ngột ngạt: máy bay Đức nhào lộn phía trên thành phố, trên đường bộ đội và xe cộ đi nườm nượp, kẻ xuôi người ngược; người chết nằm trên những chiếc cáng đặt ngay trên đường rải đá gần quân y viện.
Một thượng úy đứng trước trụ sở quân vụ quát tháo một người nào đó, giọng oang oang: “Chôn đại bác đi!”. Đó là viên tư lệnh thành phố. Vì không mang theo vũ khí khi đi phép nên Xintxốp đề nghị phát cho anh một khẩu súng lục. Nhưng tư lệnh trưởng không còn súng: một giờ trước đây, anh ta đã phân phát hết sạch cả kho vũ khí rồi.
Xintxốp cùng viên đại úy pháo binh chặn chiếc xe tải đầu tiên gặp trên đường. Người lái xe đang rong ruổi khắp thành phố cố tìm ông phụ trách kho của mình đã biến mất đâu không biết. Xintxốp cùng với đại úy lên xe tìm chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú. Đại úy không hy vọng trở về trung đoàn mình đóng ở biên giới nữa, anh muốn được phiên chế vào một đơn vị pháo binh nào đó ngay tại đây. Xintxốp thì hy vọng tìm được Cục chính trị mặt trận, nếu không thể đến được Grốtnô nữa thì người ta cứ việc điều anh tới một tờ báo nào khác của tập đoàn quân hay sư đoàn. Cả hai đều sẵn sàng đi bất cứ đâu và làm gì cũng được, nghĩa là sớm chấm dứt cái cảnh lang thang màn trời chiếu đất trong chuyến nghỉ phép chết tiệt này. Người ta bảo rằng thủ trưởng đơn vị đồn trú đang ở đầu bên kia thành phố Bôrixốp, trong khu bộ đội.
Ra đến ngoại thành, một máy bay tiêm kích Đức lướt qua trên đầu họ, xả súng máy xuống. Họ không việc gì, nhưng những mảnh gỗ thùng xe bay tung tóe. Xintxốp hoảng hốt ngã chúi mặt xuống sàn xe sặc mùi xăng. Sau khi định thần lại, anh ngạc nhiên rút ra một cái dằm dài bốn phân đã xuyên qua áo quân phục, cắm phập vào cánh tay anh.
Rồi thấy chiếc xe vận tải gần hết xăng, họ liền cho xe chạy theo đường cái về phía Minxk, đến kho xăng, trước khi đi tìm chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú.
Ở đó, họ đã bắt gặp một cảnh tưởng kỳ lạ: trung úy trưởng kho xăng và một chuẩn úy đang chĩa súng lục vào một thiếu tá mặc quân phục công binh. Trung úy quát ầm lên rằng anh sẽ cho thiếu tá một viên đạn trước khi để cho ông ta dùng mìn phá kho nhiên liệu. Ông thiếu tá đứng tuổi với tấm huân chương trên ngực hai tay giơ lên trời và người run bắn lên vì tức giận, giải thích rằng ông đến đây không phải để nổ mìn phá kho xăng mà chỉ tìm hiểu là có thể phá nó hay không. Cuối cùng hai khẩu súng đã hạ xuống, thiếu tá giận ứa nước mắt, bắt đầu quát ầm lên rằng chĩa súng vào một cán bộ chỉ huy cấp trên là một điều sỉ nhục. Xintxốp cũng không kịp biết là cảnh tượng này kết thúc ra sao nữa. Sau khi cau có đứng nghe lời khiển trách của thiếu tá, viên trung úy càu nhàu bảo rằng chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú đang ở doanh trại trường huấn luyện xe tăng, trong khu rừng cách đây không xa, và thế là Xintxốp đi đến đó.
Ở trường xe tăng, cửa rả toang hoang, vắng tanh vắng ngắt. Trên thao trường chỉ thấy hai chiếc xe tăng loại nhỏ cùng với hai tổ trực chiến. Họ phải ở lại đây cho đến khi có lệnh mới. Nhưng đã hai mươi bốn giờ qua mà chẳng thấy lệnh nào cả. Không ai biết được điều gì rõ ràng. Người thì bảo trường đã di chuyển, kẻ thì nói là trường đã ra trận. Theo tin đồn thì chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú của thành phố Bôrixốp đang ở một nơi nào đó trên đường đi Minxk, nhưng không phải ở phía bên này, mà ở phía bên kia Bôrixốp.
Xintxốp và đại úy lại quay về Bôrixốp. Ban quân quản đã chất đồ đạc lên xe. Tư lệnh trưởng thì thầm, giọng khàn khản bảo rằng đã có lệnh của nguyên soái Timôsenkô cho bỏ Bôrixốp để rút về bên kia sông Bêrêdina, và sẽ chống cự đến giọt máu cuối cùng ở đó, không để cho bọn Đức tiến xa hơn nữa.
Đại úy pháo binh nghi hoặc cho là tư lệnh trưởng tự ý nói bịa. Tuy nhiên, Ban quân quản đang dọn dẹp lên xe, chá nhẽ người ta lại làm việc đó mà không có lệnh của ai cả sao? Họ lại lên chiếc xe tải của mình để đi ra ngoại thành. Người và xe cộ đi lại trên đường làm cho bụi bốc lên mù mịt. Nhưng bây giờ cảnh tượng lại không còn nhớn nhác đi về khắp ngả nữa, mà đều theo một hướng, rời Bôrixốp về phía đông.
Một người tầm vóc cao lớn, đầu không mũ, tay cầm súng lục đứng giữa đám người chen chúc ở lối lên cầu. Anh ta đã nổi khùng lên, vừa chặn người và xe cộ lại vừa gân cổ lên khoác lác rằng anh là chính trị viên Dôtốp, có nhiệm vụ giữ bộ đội lại đây và sẽ giữ bằng được, anh sẽ bắn chết bất cứ kẻ nào định rút lui.
Nhưng người ta vẫn đi và đi qua ngay trước mặt chính trị viên, người cuốc bộ kẻ đi xe, và anh đã bỏ mặc số người này nhằm chặn những người sau, anh giắt khẩu súng lục vào thắt lưng, túm lấy ngực một người rồi lại buông ra, sau đó anh lại rút súng ra, quay lại giận dữ túm lấy áo một người khác nhưng đều vô hiệu...
Xintxốp và đại úy dừng xe trong một khoảng rừng thưa ở ven sông. Trong rừng lố nhố những người. Người ta bảo Xintxốp rằng gần đâu đây có các cán bộ chỉ huy gì đó đang thành lập đơn vị. Quả thực ở cửa rừng, có mấy viên đại tá đang điều hành công việc. Trên ba chục xe tải hạ thành đằng sau, người ta đang lập danh sách để phiên chế thành các đại đội và các đại đội này lập tức xuất phát về hai phía: bên phải và bên trái dọc theo sông Bêrẻdina dưới quyền chỉ huy của các cán bộ được chỉ định ngay tại chỗ. Những khẩu súng trường chất đống trên các xe vận tải khác đều được đưa ra phân phát cho tất cả những ai xin ghi tên mà không có vũ khi. Xintxốp cũng xin ghi tên: anh nhận được một khẩu súng trường có cắm sẵn lưỡi lê nhưng lại không có quai đeo, nên cứ phải giữ suốt trong tay.
Trong số các đại tá chỉ huy ở đây có một đại tá xe tăng hói trán, đeo huân chương Lênin, là người đã đi cùng toa vởi Xintxốp từ Maxcơva tới đây. Sau khi xem giấy phép và giấy chứng minh của anh, ông khoát tay vẻ độc đoán như muốn nói rằng vào lúc này mà báo với chí quái gì, nhưng ngay sau đó ông lại hạ lệnh cho Xintxốp không được đi đâu xa, vì với người trí thức như anh thì sẽ có lúc cần đến. “Một người tri thức như anh”, quả là đại tá đã nói năng kỳ lạ như vậy đấy. Mãi hôm sau, Xintxốp mới rõ ý nghĩa câu nói này của ông. Sau khi đứng quanh quẩn tại đó một lát, anh lánh đi, và ngồi cách đại tá một trăm bước, cạnh chiếc xe tải ba tấn của mình.
Một giờ sau, người đại úy pháo binh chạy đến xe, lôi ba lô ra khỏi buồng lái và chạy biến mất sau khi đã sung sướng kêu lên với Xintxốp rằng anh đã gặp may là tạm được giao nhiệm vụ chỉ huy hai khẩu pháo. Xintxốp chẳng bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Trong rừng, người vẫn đông nghìn nghịt, và dù họ đã được lệnh triển khai về các ngả bao nhiêu đi nữa, thì ở đây dường như cũng sẽ chẳng bao giờ vợi bớt người.
Một giờ nữa trôi qua và những chiếc máy bay tiêm kích Đức đã bắt đầu xuất hiện trên khoảng rừng thông thưa thớt này. Cứ nửa giờ, Xintxốp lại phải bổ nhào xuống đất nép đầu vào thân một cây thông mảnh khảnh có chòm lá lơ thơ đu đưa cao tít trên trời. Hễ máy bay đến oanh kích là tất cả khu rừng lại bắt đầu bắn lên trời. Người đứng bắn, kẻ quỳ bắn, nằm bắn, thôi thì đủ, súng trường, súng máy, súng lục…
Nhung máy bay vẫn cứ bay qua bay lại mãi, và đó toàn 1à máy bay Đức.
“Thế máy bay ta đâu cả rồi nhỉ?” - Xintxốp chua chát tự hỏi mình, như tất cả mọi người xung quanh anh: người thì nói ra miệng, kẻ thì tự nhủ thầm.
Mãi gần tối, một tốp ba máy bay tiêm kích của ta với những ngôi sao đỏ trên cánh mới bay qua khu rừng. Hàng trăm người nhảy chồm lên reo hò, vẫy tay vui sướng. Nhưng chỉ một phút sau ba con “diều hâu” đã quay lại xả súng máy xuống.
Một cán bộ hậu cần có tuổi đứng bên cạnh Xintxốp bỏ mũ kêpi ra che nắng đế ngắm máy bay của ta cho rõ hơn đã ngã gục chết tươi. Cạnh đó, một chiến sĩ vừa bị thương, ngồi bệt trên mặt đất, cứ cúi gập người xuống rồi lại ưỡn người lên, hai tay ôm bụng. Nhưng đến lúc này, người ta vẫn cho đó là một sự tình cờ, một sự nhầm lẫn, và mãi khi chính những chiếc máy bay ấy bay sát trên ngọn cây lần thứ ba, người ta mới xả súng vào chúng. Chúng bay thấp đến nỗi một chiếc đã bị súng máy bắn rơi. Nó đâm sầm vào cây, vỡ tan ra từng mảnh, rơi cách Xintxốp chỉ có một trăm thước. Xác tên phi công mặc quân phục Đức mắc giữa những mảnh vụn của buồng lái. Và tuy thoạt tiên toàn thể khu rừng ai nấy đều hân hoan trước chiến thắng: “Rút cục, chúng ta đã hạ được chúng!”, nhưng rồi khi nghĩ rằng bọn Đức đã cướp được máy bay của ta ở đâu đó, thì mọi người lại thấy hoảng sợ.
Cuối cùng bóng tối mà mọi người đang mong ngóng cũng đã đến. Người lái xe tải thân ái chia sẻ với Xintxốp những miếng bíchcốt và lôi từ dưới ghế ngồi ra một chai nước ngọt dịu mua ở Bôrixốp. Tuy con sông cách đây không quá năm trăm thước, nhưng sau một ngày đầy lo âu xúc động, cả Xintxốp cũng như người lái xe không ai còn đủ sức mò tới đó nữa. Cùng nhau uống nước ngọt xong, người lái xe nằm trong buồng lái thò chân ra ngoài, còn Xintxốp thì nằm kềnh trên mặt đất ghếch chiếc túi dết vào bánh xe để gối đầu; mặc dù trong lòng sợ hãi và hoang mang, anh vẫn một mực nghĩ rằng: không, không thể thế được. Những gì anh đã trông thấy ở đây không thế xảy ra ở khắp mọi nơi được!
Anh ngủ thiếp đi với ý nghĩ đó, nhưng rồi một tiếng súng nổ sát bên tai làm anh tỉnh giấc. Một người nào đó đang ngồi trên mặt đất cách anh hai thước, giơ súng lục bắn lên trời. Trong rừng bom nổ và đằng xa thấy có ánh lửa bom đỏ rực; khắp rừng xe cộ gầm rủ và chuyển động trong bóng tối, húc cả vào nhau và húc cả vào cây.
Người lái xe cũng vùng dậy cho xe chạy, nhưng Xintxốp lập tức ra lệnh hãy đợi cho hết cơn hoảng loạn đã, và đây cũng mới là lần đầu tiên trong suốt ngày qua, anh hành động theo tác phong quân sự. Mất một giờ sau, khi tất cả đã lặng im, cả người lẫn xe cộ đều biến mất, anh mới trèo lên ngồí cạnh người lái xe và bắt đầu tìm đường ra khỏi khu rừng.
Ra tới cửa rừng, Xintxốp nhận thấy ở phía trước có một tốp người in hình trên nền ánh lửa thành những bóng đen. Anh bảo dừng xe lại và cầm súng tiến về phía họ. Hai quân nhân đứng bên vệ đường đang giữ một người mặc thường phục lại, để đòi xét giấy tờ.
- Tôi không có giấy! Không có đâu!
- Sao lại không? - một quân nhân khăng khăng đòi. - Hãy xuất trình giấy tờ ra đây!
- Xuất trình giấy tờ cho các anh hả? - người mặc thường phục la lên, giọng run run, dữ dội. - Nhưng các anh cần giấy tờ làm cái thá gì chứ? Các anh cho tôi là hạng người thế nào? Là Hítle hả? Lúc nào cũng đòi bắt Hítle! Bắt thế quái nào được nó kia chứ!
Người lính vừa đòi xuất trình giấy liền đưa tay rút súng.
- Này, có đủ can đảm thì cứ việc bắn đi! - người mặc thường phục hét lên một câu thách đố vô vọng.
Chắc gì người đó đã phải là một tên biệt kích, có chăng anh ta chỉ là một người được động viên, đã phát khùng lên, vì đi tìm mãi trạm tuyển binh của mình mà chẳng thấy. Tuy vậy, đối với những người cũng đã phát điên lên vì phải chịu đựng nhiều nỗi khổ sở thì anh ta không nên quát tháo, cùng chẳng nên nói tới Hitle làm gì...
Nhưng tất cả điều đó sau này Xintxốp mới nghĩ tới, còn lúc ấy anh có kịp nghĩ gì đâu: một chiếc pháo sáng trắng lóa cháy trên đầu họ. Xintxốp bổ nhào xuống, và khi đã nằm xuống rồi, anh mới nghe thấy tiếng bom nổ. Anh chờ một phút rồi đứng dậy thì đã thấy ba cái xác méo mó nằm cách anh có hai chục bước; chiếc pháo sáng còn cháy thêm vài giây nữa như muốn bắt anh nhớ mãi cánh tượng này, rồi sau khi vạch thành một vệt sáng ngắn trên nền trời, nó mới rơi mất tăm xuống một nơi nào đó.
Khi quay lại xe, Xintxốp thấy người lái đã rúc đầu dưới gầm máy, hai chân thò ra ngoài gầm xe. Cả hai người lại chui vào buồng lái và đi thêm vài cây số nữa về phía đông, lúc đầu đi trên đường cái, sau đó thì đi theo đường rừng, Xintxốp mới biết rằng hồi đêm đã có lệnh cho rút khỏi khu rừng mà họ đã trú hôm qua, rời về một phòng tuyến mới, ở phía sau, cách đó bảy cây số.
Để cho chiếc xe chạy không đèn khỏi đâm vào cây, Xintxốp ra khỏi buồng lái và đi bộ ở phía trước. Giá có ai hỏi anh cần chiếc xe đó làm gì và tại sao anh lại cứ đeo đẳng nó thì anh cũng chả biết trả lời thế nào cho rõ ràng, câu chuyện chẳng qua chỉ là thế này thôi: người lái xe bị lạc mất đơn vị và đã quen với Xintxốp nên không muốn rời anh ra, còn Xintxốp không về được tới đơn vị thì cũng mừng vì nhờ chiếc xe đó mà ít ra là có một người luôn luôn gắn bó với mình.
Mãi đến lúc rạng đông, sau khi dừng xe lại trong một khu rùng khác - ở đây hầu như dưới gốc cây nào cũng có xe tải đỗ, còn người thì đào giao thông hào và đắp công sự - cuối cùng Xintxốp đã tìm được cấp chỉ huy. Đó là một buổi sáng u ám và mát mẻ. Trước mặt Xintxốp là một người tương đối trẻ đứng trên con đường mòn, râu ông ta có lẽ đã ba ngày chưa cạo, đầu đội chiếc mũ calô kéo sụp xuống đến tận mắt, mặc áo quân phục đính phù hiệu hình quả trám, trên vai khoác chiếc capốt Hồng quân và không hiểu sao tay lại cầm xẻng. Nguời ta bảo Xintxốp rằng hình như đó là chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú của thành phố Bôrixốp.
Xintxốp đến gần ông ta, đưa tay lên chào theo đúng điều lệnh và đề nghị đồng chí chính ủy lữ đoàn cho biết anh, chính trị viên Xintxốp, có thể được bổ nhiệm theo chức vụ phóng viên quân đội hay không, và nếu không thì chính ủy sẽ ra lệnh thế nào. Chính ủy đưa cặp mắt thẫn thờ thoạt tiên nhìn vào giấy tờ của anh. Rồi nhìn anh và nói buồn bã, hững hờ:
- Dễ thường đồng chí không thấy tình hình công việc ra sao à? Đồng chí nói đến tờ báo nào vậy? Lúc này mà báo với chí gì ở đây?!
Ông ta nói với một giọng mà Xintxốp cảm thấy như mình có lỗi.
- Đồng chí phải đến bộ tham mưu, hay đúng hơn là đến Cục chính trị mặt trận, ở đó người ta sẽ cho đồng chí biết nên đến trình diện ở đâu, - chính ủy lữ đoàn nói sau một lát im lặng.
- Nhưng bộ tham mưu và Cục chính trị ở đâu ạ?- Xintxốp hỏi, lòng đầy hy vọng.
Nhưng chính ủy lữ đoàn chỉ nhún vai, rồi quay sang nói chuyện với những người khác.
Xintxốp bỏ đi và chưa kịp suy nghĩ xem sau đó nên lảm gì, thì lại đụng phải ông đại tá xe tăng quen biết.
- Tôi tìm anh mãi! Anh đi lang thang tận đâu thế? - đại tá nghiêm giọng kêu lên. - Anh có trông thấy gì đằng kia không? - ông trỏ một đám người ngồi trên hai cây thông đã bị đổ. - Chúng tôi đã thành lập một tòa án bộ ba lâm thời. Anh đã từng làm thư ký tòa soạn, vậy anh hãy đến giúp họ ghi biên bán đi!
Ngồi trên những cây thông đổ là một luật gia quân pháp bậc hai tóc đen, một chính trị viên tóc vàng hoe mang phù hiệu không quân, một thiếu tá bộ đội thuộc Bộ dân ủy nội vụ mang phù hiệu đỏ sẫm và bốn chiến sĩ Hồng quân thuộc quyền chỉ huy của họ, cả bảy người đều đang ngồi nghỉ, mấy chiếc xẻng vứt lăn lóc dưới chân và cạnh đó là hai đường hào tránh máy bay đang đào dở. Xintxốp tự giới thiệu.
- Có sổ tay chứ? - Viên luật gia quân pháp hỏi.
- Có.
- Được. Bây giờ chúng ta sẽ đào nốt hào tránh bom và sau đó sẽ bắt tay làm việc, - viên luật gia nói.
Một giờ sau. họ đã đào xong hào. Xintxốp ngồi trên mặt đất, hai chân bỏ thõng xuống hào. Vì mệt mỏi và đói, nên anh thấy buồn ngủ, và chính anh cũng không biết là mình đã ngủ gật từ lúc nào.
Thoạt tiên anh mơ thấy khu vườn, thấy Masa mặc quân phục, mang phù hiệu luật gia quân pháp đang đi trong vườn rồi anh mơ thấy căn nhà ở phố Uxatsépka, thấy một người, với bộ mặt của Hítle và với giọng nói của người mặc thường phục bị chết bom hôm qua bước vảo nhà, hắn hỏi có gì ăn không. Xintxốp liền sờ vào sườn tìm khẩu súng lục đế bắn hắn nhưng không thấy...
Anh tỉnh dậy vì có người nào đẩy anh xuống hào và ngã đè lên trên. Hào đào thật kịp thời, máy bay lượn cao tít trên ngọn thông và trút bom xuống khu rừng.
Vì mệt, vì đói, và vì hầu như đã ba ngày đêm không ngủ nên suốt ngày hôm đó, Xintxốp đã mê muội như lạc giữa đám sương mù. Khi thì anh bò xuống hào chờ cho ngớt trận bom và đôi lúc ngủ thiếp đi luôn dưới đó, khi thì anh trèo lên ngồi buông thõng chân xuống hào để sưởi nắng, và cũng lại ngủ thiếp đi luôn, khi thì anh đặt cuốn sổ tay lên đùi, lập biên bán, khó nhọc ghi từng chữ một trong lúc viên luật gia quân pháp, chính trị viên trưởng cùng thiếu tá hỏi cung những người bị giải tới.
- Viết ngăn ngắn thôi, ngắn gọn, chỉ viết điểm chính! - lần nào viên luật gia quân pháp cũng bảo thế.
Nhưng cái điểm chính là hầu hết những người bị giữ nào có phải là biệt kích, gián điệp hay đào ngũ gì đâu, chẳng qua họ cũng là những người đi lại lung tung, tìm kiếm một người hoặc một vật gi đó, mà không tìm thấy vì tất cả đã bị xê dịch và xáo trộn lẻn hết cả rồi. Sa vào lưới đạn với mưa bom, tai nghe rặt những chuyện khủng khiếp về quân nhảy dù và xe tăng Đức, một số người trong bọn họ, vì sợ bị bắt làm tù binh, nên đã chôn vùi và đôi khi đã xé sạch cả giấy tờ.
Lấy khẩu cung xong, thường thường người ta cũng thả họ ra, rồi chỉ đường đại khái cho một số người, số còn lại thì tự tìm lấy đường mà đi, vì chính những người này cũng chẳng biết gì mà nói cả. Nhiều người trong số được thả không muốn đi tiếp nữa, họ sợ rằng đến chỗ khác lại bị giữ và lại bị tình nghi là đào ngũ nữa cũng nên.
Có hai tên đặc biệt khả nghi, chúng mặc quân phục nhưng không có một thứ giấy tờ nào cả, và lời khai của chúng cũng chẳng làm ai tin được chúng là ai, đi đâu và từ đâu tới, nên đã bị coi là biệt kích và bị tuyên án tử hình. Những người áp giải đã đem chúng ra bắn ở cửa rừng, về sau có người kể lại rằng một tên khóc lóc và xin đợi cho một lát, cam đoan sẽ trình bày hết, còn tên thứ hai lúc đầu cũng xin hoãn lại, nhưng đến phút cuối cùng, khi đã đứng trước họng súng, lại mở miệng hô: “Hailơ Hítle!”
Trong số những người bị bắt giữ hôm đó còn có một người điên, một chiến sĩ Hồng quân trẻ, chân tay như hộ pháp, nhưng cái đầu húi cua lại bé như đầu trẻ con gắn vào một cái cổ trẻ con dài ngoẵng. Không chịu đựng nổi những trận bom, anh ta cứ tưởng mình bị bọn phát xít đội lốt Hồng quân bắt làm tù binh, bèn nhảy ra giữa đường vẫy tay kêu gọi lũ máy bay Đức đang lướt qua trên đầu:
- Bắn đi! Bắn đi!
Trong khối óc điên dại của anh, tất cả đều bị đảo lộn cả rồi: những người xung quanh anh hóa ra bọn Đức, còn máy bay Đức lại thành máy bay ta. Chật vật lắm mới bẻ quặt được tay anh ta lại.
Anh đứng đó, mặt tái nhợt, run lẩy bẩy, hết nhìn trừng trừng vào luật gia quân pháp lại nhìn Xintxốp, rồi quát:
- Lũ phát xít, chúng mày cải trang hả? Dù sao tao cũng cứ nhận ra chúng mày! Chúng mày cải trang để làm gì?!
Mọi cố gắng khuyên giải để anh hiểu rằng anh đang đứng giữa quân ta, đều vô ích, càng thuyết phục, ngọn lửa điên khùng càng rực cháy trong đôi mắt anh.
Bỗng anh đảo mắt nhìn quanh, rồi vùng ra được, đâm bổ sang bên cạnh vớ lấy khẩu sủng trường của Xintxốp dựng ở gốc cây, nhảy ba bước rõ dài vọt ra giữa đường.
- Chạy đi! - anh thét lên bằng cái giọng lanh lảnh thất thanh của kẻ mất trí, thét to đến nỗi mọi người quanh đấy đều nghe thấy tiếng rú man rợ ấy. - Trốn đi! Bọn phát xít bao vây chúng ta rồi! Trốn đi! - khi thì cúi lom khom, khi thì vươn thẳng mình, anh vừa nhảy choi choi trên đường vừa khoa khẩu súng trường lên.
Thấy có kẻ nhảy cẫng trên đường và kêu lên những lời khủng khiếp hoang mang như vậy, một người nào đó không cần suy nghĩ lôi thôi đã liên tiếp bắn mấy phát súng lục vào anh chàng điên này nhưng không trúng. Rồi một người khác nổ súng cũng lại trượt nốt.
Xintxốp hiểu rằng nhất định người ta sẽ giết chết anh lính đó ngay tức khắc, anh ta không thể không bị giết khi đã kêu lên những lời hoang mang kinh khủng như vậy. Quyết cứu anh ta và không nghĩ ngợi gì khác trong giây phút ấy, Xintxốp bèn nhảy xổ tới người chiến sĩ điên dại này. Nhưng nhác thấy Xintxốp chạy tới, người đó quay ngay lại, nắm chắc khẩu súng trường và xông về phía anh. Xintxốp thấy cặp mắt điên dại long lên vì căm hờn của anh ta đã ở ngay sát trước mặt, liền nhảy tạt sang một bên làm cho nhát lưỡi lê đâm trượt, rồi đưa cả hai tay ra nắm lấy khẩu súng: tay phải nắm báng, tay trái nắm nòng. Lúc này không ai dám bắn nữa vì sợ trúng phải Xintxốp và anh với người chiến sĩ mất trí cứ lồng lộn giằng giật khẩu súng trong suốt mấy giây. Trong cuộc giằng co đó, dần dần Xintxốp nắm chắc được báng súng bằng cả hai tay, còn người kia lúc ấy chỉ còn níu được cái nòng. Xintxốp gắng hết sức bình sinh, giằng lấy khẩu súng về phía mình và chưa hiểu ngay được việc gì đã xảy ra: anh chỉ thấy người chiến sĩ nọ buông tay ra, quờ quạng trong không khí tựa hồ như muốn ôm lấy đầu, nhưng chưa sờ tay được tới mặt thì đã ngã sấp xuống lòng đường.
Mãi khi anh ta ngã xuống, Xintxốp mới hiểu rằng tiếng súng mà anh đã nghe thấy một giây trước đấy, chính là của anh chứ không phải của ai khác. Khi giật khẩu súng, anh đã chạm vào cò và bây giờ người bị anh bắn chết đang nằm dưới chân anh, trên mặt đường.
“Đúng là chết rồi, chứ không phải chỉ bị thương”, - anh đã nghĩ như vậy trước khi quẳng khẩu súng đi và ngồi thụp xuống bên xác chết. Người chiến sĩ này nằm sấp, cái đầu trẻ con húi cua ngoẹo đi nom vụng về và thảm hại. Máu chảy qua cổ xuông mặt đất đầy bụi. Viên đạn trúng ngay vào yết hầu ở cổ họng.
- Suýt nữa thì hắn làm loạn hết, đồ khốn kiếp! - một đại úy cao lớn có bộ râu xồm không cạo, vừa nói vừa dừng lại bên xác chết. Tay anh ta cầm một khẩu súng lục, chính anh ta đã bắn trước tiên. - Một thằng gieo hoang mang, một thằng khốn kiếp! - đại úy nhắc lại. - Chó thì lại chết như chó!
Nhưng dù anh ta có nói cục cằn và quả quyết thế nào thi chính cặp mắt anh ta mói là cặp mắt chó má và đầy tội lỗi.
Hình như anh ta muốn dùng cái giọng cục cằn để thuyết phục mình và những ngươi xung quanh rằng việc anh ta bắn vào người chiến sĩ kia là đúng.
Xintxốp thì như kẻ mất hồn. Cái việc đầu tiên anh làm trong chiến tranh là đã giết một người mình. Muốn cứu anh ta mà hóa ra giết anh ta!... Còn gì vô tích sự và khủng khiếp hơn thế nữa kia chứ?!
Thế là suốt ngày hôm đó anh không biết được tường tận những gì đã xảy ra xung quanh. Khi thì người ta bảo rằng Minxk vẫn còn trong tay quân ta, khi thì ngược lại, người ta báo rằng cả Bôrixốp cũng bị bọn Đức chiếm mất rồi; đến gần tối, người ta bắt đầu kháo nhau rằng đã chặn đứng được chiến xa Đức ở một nơi nào đó cách đây bảy cây số. Quả thực phía trước đã vang lên tiếng đại bác dồn dập không gần hơn mà cũng chẳng lùi xa hơn... Tất cả những tin tức rời rạc đó đến với Xintxốp tựa như qua lớp sương mù, xen kẽ giữa những trận bom, những ý nghĩ nặng nề về vụ giết người vừa phạm phải và những cuộc hỏi cung mới.
Khi mặt trời sắp lặn, một chiến sĩ đến báo với Xintxốp rằng đại tá cho gọi anh.
Đại tá xe tăng đã điều khiển tất cả mọi người chỉ bởi lẽ ông là một người cương nghị nhất trong số những người có mặt ở đây. Ông đang đứng ở cửa rừng, cạnh một chiếc lều vải ngụy trang bằng cành cây. Chính lúc ấy, hai chiến sĩ thông tin đang mắc dây máy điện thoại dã chiến đến chiếc lều này. Bên cạnh đại tá là một chính ủy tiểu đoàn mặc quân phục bộ đội biên phòng.
- Anh có hỏi về Cục chính trị mặt trận, - Xintxốp vừa dừng lại trước mặt hai người thì đại tá đã nói luôn với anh, không cần mào đầu gì cả. - Đây, đồng chí này biết Cục chính trị mặt trận đấy. - ông chỉ vào người sĩ quan biên phòng. - Đâu như ở gần Môghilép đấy. Đồng chí ấy sẽ lên đó và có thể đưa đồng chí đi theo đến đấy.
Người sĩ quan biên phòng lặng lẽ gật đầu.
- Ngay bây giờ, tôi chỉ đi lấy ít đồ là xong! Đồng chí chờ cho ba phút có được không?
Người sĩ quan biên phòng lại gật đầu và nhìn đồng hồ tay.
- Tôi sẽ lấy rất nhanh! - Xintxốp chạy vội tới chiếc xe tải để lấy chiếc vali trong thùng xe.
Nhưng chiếc xe tải không còn ở chỗ cũ nữa. Sau một hồi lùng xục làm như chiếc xe đã biến mất ấy lại có thể từ dưới đất mọc lên, Xintxốp sực nhớ ra rằng người ta đang đợi anh, liền khoát tay và chạy trở lại.
Người sĩ quan biên phòng vẫn đứng cạnh lều, chân cứ nhấp nhổm, vẻ sốt ruột.
- Thế đồ đạc của anh đâu? - ông ta hỏi.
- Để trong xe, nhưng xe đã chạy đằng nào chẳng biết nữa… - Xintxốp nói. - Đành cứ vậy mà đi thôi.
Anh còn lấy làm mừng được một điều là một giờ trước đây, khi trời đổ tối, đã lấy được tấm áo capốt ở xe ra mà khoác lên vai.
- Phải, - người sĩ quan biên phòng nói và lấy tay vỗ vào chiếc túi dết lép kẹp của mình. - Tất cả đồ đạc của tôi cũng chỉ có thế này thôi, đến capốt cũng cháy ở trong xe mất rồi.
Lẽ ra anh có thể nói với Xintxốp rằng anh đã trắng tay: ngôi nhà anh ở đã bị thiêu hủy, gia đình anh đã chết hết, nhưng anh chỉ vẻn vẹn nhắc đến chiếc áo capốt đã cháy, rồi bảo:
- Ta đi thôi.
Qua hai cây số đường rừng, họ gặp con đường cái đi Minxk. Xintxốp vẫn hy vọng là hai người sẽ dừng chân cạnh một trong những chiếc xe đang ẩn náu dưới gốc cây để rồi lên xe đi; anh đã bỏ ngoài tai câu chuyện của chính ủy tiểu đoàn về tấm áo capốt bị cháy trong xe. Mãi tới khi họ đang trên con đường đi Minxk, chốc chốc lại có những chiếc xe tải phóng vút qua, và khi người sĩ quan biên phòng nói: “Bây giờ chúng ta sẽ xin đi nhờ xe tới Orsa”, Xintxốp mới hiểu rằng chính ủy chẳng có xe cộ gì, và họ sẽ lần mò tới đích bằng cách ngồi nhờ xe gặp trên đường mà thôi.
- Anh hãy đi vượt lên phía trước hai trăm bước, còn tôi sẽ đứng lại đây, - người sĩ quan biên phòng nói. - Nếu tôi không vẫy xe lại được thì đến lượt anh vẫy nó nhé!
Cách xa hai trăm bước, Xintxốp trông thấy rõ là chính ủy đã nhiều lần định vẫy xe lại. Cả Xintxốp cũng giơ tay lên, nhưng các xe cứ phóng như bay. Cuối cùng anh thấy người sĩ quan biên phòng vẫy được một chiếc xe tải và mở cửa buồng lái, nói gì với những người ngồi trong xe.
Xintxốp vội rời khỏi chỗ, chạy tới chiếc xe. Ngay lúc đó vang lên tiếng rú của một chiếc máy bay đang bổ nhào. Theo thói quen, Xintxốp lao mình xuống đất, vừa kịp ngửi thấy mùi nhựa đường cháy khét lẹt. Nằm trong mấy giây, ngoái đầu lại thì đã thấy trên đường không còn chiếc xe tải mà cũng chẳng còn người sĩ quan biên phòng đứng bên xe nữa. Quả bom đã rơi trúng vào chiếc xe, cái hố bom đang bốc khói nghi ngút trên mặt đường nhựa, xung quanh chỏng chơ những mảnh sắt cong queo và một chiếc bánh xe văng ra vẫn lăn trên đường về phía Xintxốp. Nó lăn thêm vài vòng nữa tựa hồ như muốn chạy đến tận chỗ chân anh rồi lảo đảo đổ xuống, tiếng sắt va vào mặt đường nhựa kêu loảng xoảng.
Xintxốp đứng một mình trên con đường đi Minxk, trước mặt anh xe cộ cứ vùn vụt phóng qua, anh thấy buồn, nhưng không sao gào thét hoặc òa khóc lên được, chỉ vì anh đã mệt mỏi quá mức chịu đựng của con người.
Lợi dụng lúc trời còn sáng đi thêm vài cây số nữa, rồi đêm đó Xintxốp đã đặt chiếc calô dưới đầu làm gối, kéo cổ áo capốt lên che mặt và ngủ trong cái rãnh bên đường như hàng ngàn người khác. Anh ngủ như chết mấy giờ liền không nghe thấy cả tiếng gầm rú của xe cộ phóng trên đường, cũng như tiếng ầm ầm của trận bom đêm và chỉ bừng tỉnh dậy vì có người đến lật cổ áo capốt, đưa tay sờ lên mặt anh.
- Không, chú này còn sống, - có tiếng người nói.
Xintxốp mở mắt ra và ngồi dậy. Đứng trước mặt anh là hai chú bé tuổi chừng mười sáu, mặc những tấm áo capốt sạch sẽ của trường pháo binh với những khẩu pháo màu vàng nho nhỏ bắt chéo nhau trên những chiếc phù hiệu nơi cổ áo. Chắc là cũng như Xintxốp, đã lâu rồi các chú chưa được ăn uống gì: những khuôn mặt trẻ con của các chú gầy xọp đi, đôi mắt thì đầy vẻ mệt mỏi. Cả hai đều giống những con chim non đã bị hất thẳng từ trên tổ ấm xuống mặt đường.
- Gì thế, các em? - Xintxốp vừa hỏi vừa đứng dậy. - Các em đi đâu thế?
Hai chú bé bảo rằng các chú đi Xmôlenxk để chuẩn bị cho đại hội thể thao mùa hè và bây giờ trở về trường của các chú ở Bôrixốp.
- Thế trường ở đâu? - Xintxốp hỏi. - Ngay tại Bôrixốp à?
Các chú bảo rằng không phải, còn xa hơn nữa kia, quá mười sáu cây số về phía Minxk.
- Theo anh thì bây giờ ở đó có bọn Đức. Hôm qua anh đã ở đó.
Hai chú bé ngờ vực nhìn anh, rồi một chú quay nhìn đi chỗ khác. Xintxốp ngó theo mắt nó và thấy ngay mấy xác chết nằm lăn lóc bên vệ đường cách đó hai trăm thước. Giữa đường là một hố bom, một chiếc xe đi về phía đông lúc ấy đang lượn vòng để tránh. Hôm qua, khi anh bắt đầu ngủ thiếp đi, không thấy ai nằm ở đấy cả, thế nghĩa là hồi đêm một quả bom đã rơi xuống sát bên anh, giết chết mất mấy người mà anh vẫn không hề tỉnh giấc.
- Chúng em tưởng rằng anh cũng chết rồi, - một chú bé nói, - Chúng ta đi đâu bây giờ?
- Dù sao thì chúng mình cũng trở về trường, - cậu kia nói. - Lẽ nào bọn Đức đã đến đấy được.
Thế là Xintxốp không sao can nổi hai đứa bé. Chúng không tin anh, nhưng chúng lại thấy rất hớn hở khi Xintxốp lần tìm trong túi capốt lấy ra một hộp thức ăn mà người luật gia quân pháp mới cho chiều qua và mời hai chú bé cùng ăn trước khi lên đường. Đó là hộp cá mòi, và cả ba cùng nhau ăn vã không bánh mì và không nước uống.
Các chú lên đường. Xintxốp còn đứng hồi lâu, lo lắng nhìn theo hai đứa trẻ.
Rồi anh rũ áo capốt, phủi mũ calô và theo đường Minxk đi về hướng đông, tiến tới Orsa.
Vào những ngày ấy, đã mấy ai đi trên con đường này mà không phải rẽ vào rừng, lăn mình dưới những hố rãnh bên đường để tránh bom, để rồi lại đứng dậy và lại lê đôi chân mệt mỏi đo bước trên đường dài! Đông nhất là những người Do Thái từ Xtônbtsư, từ Baranôvitsi, từ Môlôđênô, từ các thành phố nhỏ và các thị trấn khác thuộc miền tây Bêlôruxia chạy loạn ùn ùn kéo qua đây. Bây giờ mới là ngày thứ tám có chiến tranh mà họ đã vượt khỏi Bôrixốp rồi, và như vậy là họ đã lên đường từ lâu, ngay từ ngày đầu tiên… Hàng ngàn con người ngồi trên những chiếc xe bò, xe ngựa, xe thổ mộ đủ kiểu kỳ quái; đó là những cụ già râu rậm với những mái tóc mai dài lòa xòa, đầu đội những chiếc mũ quả dưa của thế kỷ trước; đó là những người đàn bà Do Thái hốc hác, già trước tuổi; đó là những trẻ em - mỗi xe chở sáu - tám - mười đứa trẻ, da ngăm đen, nhem nhuốc, với những cặp mắt nhớn nhác sợ sệt. Nhưng số người cuốc bộ bên các cỗ xe lại còn đông hơn.
Đặc biệt kỳ dị là giữa đám bà già, ông già và trẻ con rách rưới này, đôi khi trên đường người ta còn thấy những phụ nữ trẻ khoác những chiếc áo măng tô hợp thời trang đã trở nên tang thương và lấm láp sau mấy ngày đi đường, với những bộ tóc tân thời xệch xoạc và bụi bặm, trên tay họ xách những bọc lớn, bọc nhỏ đủ loại; những ngón tay họ co quắp, run rẩy vì mệt và đói.
Tất cả dòng người đó đổ về phía đông, còn đi hai bên vệ đường, ngược chiều từ hướng đông đến là những chàng trai mặc thường phục với những chiếc hòm nhỏ bằng gỗ dán, những chiếc vali bằng vải giả da, những chiếc balô. Đó là những người mới được động viên đang vội vàng đến các trạm tuyển binh đã quy định, không muốn người ta coi mình là những kẻ đào ngũ, đang đi vào chỗ chết, tiến về phía bọn Đức. Lòng tin và nghĩa vụ thúc đẩy họ tiến lên: họ không biết đích xác là bọn Đức đang ở đâu và không tin rằng bọn Đức lại có thể đã đến sát nách, trước khi họ kịp khoác bộ quân phục và cầm lấy vũ khí… Đó là một trong những thảm kịch bi đát nhất của những ngày này - tấn thảm kịch của những người chưa kịp tới các trạm tuyển binh đã chết gục dưới bom đạn trên các ngả đường và đã bị bắt làm tù binh.
Nhưng những dải rừng và những lùm cây thanh bình vẫn trải dài hai bên đường. Ngày hôm đó, một cánh tượng đơn sơ đã khắc sâu vào trí nhớ Xintxốp. Lúc gần tối, anh trông thấy một thôn nhỏ, hiện ra trên một quả đồi thấp; những khu vườn xanh sẫm nhuộm ánh hoàng hôn đỏ ối, khóí tỏa trên mái nhà gianh và những đứa trẻ men theo đỉnh đồi lùa ngựa đi ăn đêm, in hình trên ráng chiều tà. Nghĩa trang của thôn chạy xuống tận sát đường cái. Thôn thì nhỏ mà nghĩa trang thì rộng. Cả một quả đồi phủ kín những cây thập tự gẫy nát, xiêu vẹo, cũ kỹ, dãi dầu mưa tuyết, cả cái thôn bé nhỏ ấy, cả cái nghĩa trang lớn ấy, cả tình trạng không tương xứng giữa cái nọ với cái kia, tất cả gộp lại đã làm cho Xintxốp thấy nao nao trong lòng. Cái cảm giác xót xa đau đớn thấy mảnh đất quê hương đã bị gót giày quân Đức giày xéo ở nơi nào đằng sau lưng và ngày mai cả nơi này cũng có thể bị mất nốt, cảm giác ấy khiến lòng anh rối như tơ vò. Những điều mà Xintxốp trông thấy hai ngày vừa qua đã mách bảo anh: đúng, bọn Đức có thể tới cả đây, mặc dầu anh vẫn không sao tưởng tượng được rằng đất đai này lại là của bọn Đức. Bao nhiêu vị tổ tiên vô danh: các bậc cha ông, cụ kỵ - người trước kẻ sau đã nằm xuống dưới những cây thập tự kia qua bao nhiêu thế kỷ, khiến cho mảnh đất này sâu xuống đến tận ngàn thước, vẫn là của mình, không thể nào và không bao giờ có thể là của kẻ khác.
Sau này, Xintxốp không bao giờ còn thấy một nỗi kinh hoàng như vậy nữa: rồi sẽ ra sao đây?! Nếu tất cả đã bắt đầu như thế này thì tất cả những gì anh yêu mến, cái đã ấp ủ anh khôn lớn, cái lẽ sống của anh, đất nước, nhân dân, quân đội mà anh đã quen coi là vô địch, chủ nghĩa cộng sản mà bọn phát xít này đã thề tiêu diệt, cái bọn phát xít mà mới gây chiến được bảy ngày đã tiến đến tận giữa Minxk và Bôrixốp, tất cả những cái đó rồi sẽ ra sao?
Anh không phải là kẻ hèn nhát, nhưng cũng như hàng triệu người khác, anh không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự việc đã xảy ra. Phần lớn cuộc đời anh cũng như cuộc đời của nhiều người kia đã trôi qua trong cánh thiếu thốn, trong thử thách, đấu tranh, và do đó, sau này mới rõ gánh nặng khủng khiếp của những ngày đầu chiến tranh đã không thể đè bẹp được tâm hồn họ. Nhưng trong những ngày đầu tiên, nhiều người đã tưởng chừng như gánh nặng đó là không sao chịu đựng nổi, mặc dầu về sau chính họ vẫn cứ chịu đựng được.
Trước đây một năm rưỡi, khi người ta đề nghị Xintxốp đừng phục viên, ở lại làm sĩ quan chuyên nghiệp, anh đã chẳng thấy phấn khởi gì nhưng anh đã nhận lời: sư đoàn của anh lúc ấy đóng bên sông Bugơ, bên kia là bọn phát xít, không khí thì đã sặc mùi chiến tranh, và anh cho rằng trong những trường hợp như vậy người cộng sản không được từ chối việc phục vụ trong quân đội.
Và giờ đây, khi xảy ra cái việc đã khiến anh ở lại quân đội, khi cuộc chiến tranh với bọn phát xít đã bùng nổ, bỗng dưng anh lại không có mặt ở đơn vị mình, ngay từ phút ban đầu, không có mặt ở vị trí của mình, hóa thành một kẻ phiêu bạt, ngớ ngẩn chìa giấy tờ ra cho người ta xem, để đi tìm tòa soạn của mình không biết đang ở đâu, và lúc này thì vừa tìm kiếm vừa lang thang lủi khỏi mặt trận như một tên đào ngũ nữa là khác.
Mặc dù người sĩ quan biên phòng đã chết, anh vẫn nhất quyết đi tới Môghilép, đúng như lời người ta đã bảo là Cục chính trị mặt trận đang ở đó. Nhưng nếu đây là một tin vịt thì anh cũng nhất quyết không tìm kiếm gì nữa và xin làm chính trị viên ở bất cứ đơn vị bộ binh đầu tiên nào anh gặp.
Cũng như chiều qua, ngay từ sáng sớm, nhiều lần anh đã giơ tay vẫy xe nhưng vẫn không một xe nào đỗ lại. Anh đâm ra phớt tỉnh và không thiết nhìn ngó gì đến xe cộ nữa, cứ cuốc bộ tràn trên đường cho đến hết ngày hôm đó, khi thì đắm mình trong những ý nghĩ nặng nề, khi thì chẳng nghĩ gì hết, uể oải lê đôi chân nặng như chì mà đi.
Chắc là anh sẽ cứ thế kéo bộ tới tận Orsa, nếu một chiếc xe vận tải không đỗ lại bên anh khi trời đã xế chiều.
- Đồng chí đi đâu thế, đồng chí chính trị viên? - một đại tá ngồi trong buồng lái hỏi.
- Đi Orsa! - Xintxốp cau có đáp.
- Sao lại đi bộ thế?
- Tôi đã vẫy xe phát chán rồi. - Xintxốp trả lời vẫn với cái vẻ cau có. - Bọn khốn nạn chúng không cho đi!
- Đúng, bọn khốn nạn không phải là ít, - đại tá nói - tuy nhiên vẫn còn ít hơn là người ta có thể tưởng trong hoàn cảnh này. Đồng chí cho xem giấy nào!
Xintxốp thản nhiên chìa giấy cho đại tá. Ông liếc nhìn qua và đưa trả lại anh ngay.
- Trèo lên đằng sau.
Sau một giờ phóng như điên, họ đã có mặt tại Orsa. Chiếc xe đại tá đi là mượn của người khác kèm theo lời hứa danh dự là chỉ dùng tới Orsa thôi. Ông cũng đang lần mò tới Môghilép như Xintxốp, và dự định từ Orsa đến Môghilép sẽ đi bằng xe lửa. Xintxốp cùng đại tá ghé vào cơ quan tư lệnh thành phố ở dưới tầng hầm của một trường học. Trên bàn có đặt mấy chiếc máy điện thoại. Ngồi sau bàn là thiếu tá tư lệnh trưởng thành phố với hai thiếu tá đường sắt nữa, cả ba đều đã mụ người đi vì hò hét.
- Có tàu đi Môghilép không? - đại tá hói.
Tư lệnh trưởng mà ông hỏi lúc đó vừa quẳng ống nghe này xuống và đâm bổ tới một ống nghe khác, nhưng đại tá đã đưa bàn tay chắc nịch túm lấy vai ông ta, kéo giật lại và vặn người ông ta bắt quay mặt về phía mình.
- Trả lời đi: có tàu đi Môghilép không và bao giờ có?
- Báo cáo đại tá, tôi xin trả lời ngay bây giờ ạ! - thiếu tá nói, giọng khản đặc. - Chắc phải có... - rồi xông tới chiếc máy nói đang réo chuông. Ông càng nghe thì bộ mặt càng lộ ra vẻ giận dữ. Cuối cùng, mặt hầm hầm, ông chửi rủa và ném ống nghe xuống. - Thưa đại tá, không có tàu đâu ạ! Xin đồng chí thấy vui lòng chưa, người ta vừa báo tin là trên chặng đường đi Môghilép, một đoàn tàu chở đồ quân dụng đã bị ném bom. Cả hai đường tàu đều đã bị phá hủy. Không có tàu nào đi Môghilép nữa.
- Thôi được, kệ xác anh ta, - đại tá bình tĩnh nói với Xintxốp. - Dù sao bản thân bọn họ cũng chằng biết quái gì đâu. Cứ theo họ thì tất cả đều lung lung xòe hết rồi, nhưng chắc chắn là có thể đi một cách hết sức yên ổn. Chúng mình ra ga đi, ở đó ta sẽ hỏi cho ra nhẽ.
Nhưng cả ở ga cũng không dễ gì mà hỏi cho ra nhẽ được: đèn không đỏ, quân vụ trưởng và trưởng ga thì thầm có vẻ bí mật rằng hiện nay họ không biết gì cả. Cuối cùng, đại tá tóm được một viên chức đường sắt, người này cũng thì thầm ra vẻ hết sức bí mật rằng một đoàn tàu chở hàng đi Môghilép đang được tổ chức trên đường sắt phia sau tháp nước.
- Ta đi đi! - đại tá bảo.
Rõ ràng là không những chỉ mình Xintxốp mà cả con người đứng tuổi, từng trải và dày dạn nắng mưa ấy cũng thấy đơn độc và muốn có sự thông cảm của một người khác. Ông kể với Xintxốp rằng ông đã đáp máy bay từ quân khu Privôngiê về Maxcơva, được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng một quân đoàn, lồng đến tận Bôrixốp tìm quân đoàn của mình, suýt nữa thì rơi vào tay bọn Đức, và hôm qua đã chỉ huy một đại đội bị rớt lại không người chỉ huy chiến đấu suốt ngày, đến hôm nay được biết quân đoàn không còn ở vùng này mà đã hành quân sang vùng Ôxipôvilsi - Bôbruixk, vì vậy ông phải qua Môghilép để đi tới đó.
- Tất nhiên tôi có thể tiếp tục chỉ huy đại đội, - ông nói giọng giận dữ, - nhưng dù sao cũng phải có trật tự chứ! Lạy Chúa, chúng ta đã chiến đấu được tám ngày rồi, đã đến lúc phải trở lại trật tự chứ. Một khi tôi đã được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng quân đoàn thì tôi phải đi tới địa điếm công tác, chứ không phải chỉ nằm bẹp trong một tuyến tán binh với khẩu súng trường. Thế mà lúc tôi trao quyền chỉ huy đại đội cho một trung úy, một thằng ngớ ngẩn còn dám trách tôi là hèn nhát!
- Thế đồng chí đã làm thế nào? - Xintxốp hỏi.
- Làm thế nào à? Tôi đã tặng cho hắn một quả vào mõm vì cái từ hèn nhát ấy để cho hắn sáng mắt ra, rồi tôi đi.
Chỉ nhớ đến chuyện ấy thôi mà đại tá cũng đỏ mặt tía tai lên, khiến cho bộ mặt râu ria xồm xoàm của ông bình thường vốn đã càu cạu, nom càng dữ tợn.
Họ lang thang hồi lâu giữa các đường ray để tìm đoàn tàu, và trò đời vẫn thế, hễ vớ được một người tự tin vào sức mình và biết mình muốn gì thì y như rằng dần dần có cả chục người nữa muốn đi theo đến Môghilép vì những lý do khác nhau.
Trong khi họ tìm đoàn tàu thì những máy bay ném bom Đức lao tới nhà ga. Những đầu máy kế tiếp nhau rú lên trên các đường ray đã bị tắc nghẽn của nhà ga.
Trên đầu mối đường sắt Orsa có đến mấy chục chiếc đầu máy. Chúng rống lên, hòa giọng với nhau, phun ra những đám hơi nước trắng xóa; tiếng rống của chúng nghe hãi hùng và thảm thiết đến rợn người, nghe còn khủng khiếp hơn là tiếng bom nổ ầm ầm mà Xintxốp đã quen tai trong những ngày này; hình như các đoàn tàu đang ráng hết sức gào thét với ai đó không rõ; với trời, với người, chúng than thở và cầu cứu, nhưng trời vẫn cứ từ trên cao trút mãi, trút mãi xuống đất đen những quả bom nổ tung ra giữa những nhà cửa, những đường ray và giữa những con người nằm trên đường sắt đang váng đầu nhức óc, đang trở nên dữ tợn, khổ sở và căm giận đến bầm gan tím ruột đối với tất cả những việc đang xảy ra.
Sau lần báo động, khi đã mò được đến tháp nước và không tìm thấy ở đây một đoàn tàu nào, cả đoàn liền ngồi xuống nghỉ trên những đống than xỉ chất bên đường tàu. Không ai muốn nói nữa, nhưng lặng thinh thì cũng không thể được, bởi vì ai cũng thấy có nhiều điều chứa chất trong lòng.
- Thật là chẳng ngờ, không sao nghĩ tới được, - một người nào đó buồn rầu nói từ trong bóng tối, Xintxốp không sao trông rõ mặt anh ta trong cái đêm hôm ấy.
- Nếu không nghĩ tới, không đoán ra thì còn khá, - ông đại tá lên tiếng sau một hồi yên lặng. - Đằng này đã nghĩ tới và đoán được, thế mà đến lúc xảy ra thì lại lộn tùng phèo hết.
- Mất trật tự đến khiếp lên được! - một người khác, cũng ngồi khuất trong bóng tối, phụ họa với một giọng cao lanh lảnh đượm vẻ ngạc nhiên. - Lạ thật!
- Còn tiểu đoàn công binh của tôi thì đóng ở Bêlôxtốk, - một giọng trầm ồ ồ nói. - Bây giờ không biết là rút đi đâu…
- Đáy bể mò kim thôi! - miệng lưỡi ác khẩu của người nào đó lạnh lùng và gay gắt đáp lại.
Mọi người đều im lặng mấy phút.
- Trong các học viện quân sự, chúng ta đã nghiên cứu vụ tai biến tháng Tám năm Mười bốn, chúng ta đã chế nhạo Xamxônốp. Thế mà chính chúng ta lại... - cái giọng lạnh lùng chua chát ban nãy đã trả lời người công binh thì lúc này lại nói cạnh khóe một cách thô lỗ. - Nói chung là mình cứ chủ quan khinh địch, cứ nói nào là “tiến sang lãnh thổ nước khác”, nào là “ít đổ máu”... Rồi lại “được hoan hô”, vân vân. - gã nói tiếp.
- Chúng ta vẫn sẽ còn tiến sang lãnh thổ nước khác, đồng chí nào đó trong bóng tối mà tôi không trông thấy cấp bậc là gì, hãy khắc lời nói ấy lên trán nhé, - đại tá tức giận lên tiếng. - Nhưng cái gì đúng thì vẫn đúng: thật là rối như canh hẹ, như canh hẹ. Và điều chủ yếu là bản thân chúng ta phải xực món canh hẹ này đây!
Lời nói ấy khiến nhiều người nhao nhao đáp lại. Có người phát biểu rằng người Nga chúng ta thắng ngựa vào xe chậm thật đấy, tuy vậy sau đó lại phóng nhanh. Nhưng ý kiến đó không được tán thưởng.
- Bây giờ có phải là năm tám trăm mười hai nữa đâu, chính lúc này vừa phải thắng ngựa vào xe vừa quay ngoắt lại! Nếu không chúng ta sẽ cứ thắng xe mãi cho đến tận Xmôlenxk đấy!
Đại tá cho rằng luận điệu đó là do bọn Đức bịa đặt ra. Thế là mọi người tranh cãi nhau, giọng người nào người nấy đều run lên vì giận dữ và tủi nhục. Họ uất ức không những vì tình trạng lộn xộn đã quá rõ ràng, mà lại càng uất ức hơn khi thấy ở đâu đó những trận chiến đấu đang diễn ra, đơn vị của họ đang giao chiến, còn họ thì đến bây giờ vẫn chưa tìm được tới nơi và không biết làm sao mà tới được!
- Còn tôi thì hôm qua tí nữa bị xử bắn như một tên biệt kích! - một người nói. - Chúng nó đã gí súng lục vào mồm tôi như gí vào mõm ngựa. Tôi đã từng đánh chiếm Pêrêcốp, thế mà bọn nhãi ranh khốn nạn đó lại dám gí súng lục vào mồm tôi đấy!
- Này anh, con người của vụ tai biến tháng Tám! - tựa hồ như chợt nhớ ra điều gì, đại tá gọi người có cái giọng lạnh như tiền khiến ông không ưa. - Anh cùng đi với chúng tôi tới tận Môghilép đấy chứ? Anh đi tìm đơn vị của anh hả?
Nhưng không có ai trả lời câu hỏi đó. Người mà ông ta hỏi, hoặc là không muốn trả lời, hoặc là đã đi mất rồi... Trong bóng tối nghe có tiếng người ngoái đi ngoái lại để hỏi nhau.
- Hình như chuồn rồi thì phải, - cuối cùng người sĩ quan công binh đã cất lên cái giọng ồ ồ. - Cậu ta vừa ngồi đây, cạnh tôi.
- Cố nhiên là cũng có những kẻ hoang mang đấy, - đại tá nói sau giây phút trầm ngâm như đáp lại lời nói của người sĩ quan công binh, hoặc như trả lời cho những ý nghĩ của chính mình. - Kẻ gí súng lục vào mồm người ta thì có. Có điều là có khi kẻ không đáng gí thì lại bị gí... Đứng dậy thôi! - Ông đứng lên trước tiên. - Biết đâu đấy, có khi còn có một tháp nước nào ở đây nữa cũng nên. Ta đi tìm thử xem!
Họ tìm không ra tháp nước nào khác nữa cả. Nhưng một giờ sau, họ đã lần mò được tới chỗ người bẻ ghi. Người này chỉ cho họ những toa đen lù lù không có đầu máy đang đỗ ở đằng xa và nói chắc với họ rằng thế nào người ta cũng mắc những toa này vào đoàn tàu đi Môghilép.
Mệt nhoài vì cuộc đi lang thang vô tích sự, mọi người kéo nhau đến các toa tàu. Họ thấy có hai chiếc xe buýt mới tinh của cơ quan tham mưu đặt trên hai chiếc toa trần xen giữa các toa hàng hóa.
- Ta cứ lên xe di, - đại tá vừa nói vừa trèo lên toa trước và thử mở cửa xe. Cửa bật mở. - Nếu họ kéo theo thì ta di, còn họ không kéo theo thì ít ra ta cũng đánh được một giấc tới sáng.
Xintxốp cũng trèo lên xe, ngồi vào chiếc đệm vải sơn mới tinh, đưa tay sờ mó, hình như sau những ngày vừa qua đã bắt đầu nghi ngờ vị tất còn có thể có một cái gì mới tinh và sạch bóng được như thế. Anh tựa đầu vào tấm cửa kính giá lạnh và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau. trong những phút đầu tiên hãy còn ngái ngủ. anh không tài nào hiểu được mình đang ở đâu. Anh thấy minh đang ngồi trên xe buýt, ở những hàng ghế bên cạnh thấy có những quân nhân không quen biết đang ngủ, còn ở ngoài cửa sổ thì thấy cả hai bên đều có rừng xanh ấm áp chan hòa ánh nắng bay vùn vụt. Anh tưởng là mình đang đi xe trên đường cái, mãi sau khi ôn lại tất cả những sự việc đêm qua, anh mới hiểu ra rằng chiếc xe buýt đặt trên toa trần và tàu đang chạy. Quả là người bẻ ghi đã không nói dối, đoàn tàu đang tiến lại gần Môghilép.
Quân vụ trưởng thành phố Môghilép cầm giấy tờ của Xintxốp, đưa cặp mắt sưng mọng đỏ ngầu đọc đi đọc lại mấy lần liên tiếp. Chắc là vì quá mệt mỏi, nên khi đọc lần đầu ông trông vào tờ giấy một cách ngây dại, lần thứ hai ông chỉ thấy được những chữ nổi bật lên trước mắt, mãi đến lần thứ ba ông mới bắt đầu hiểu những điều viết trên giấy. Ông bảo Xintxốp rằng Cục chính trị mặt trận ở cách Môghilép mười ba cây số.
- Đi qua cái cầu kia kìa, cái cầu mà đồng chí trông thấy trong khung cửa sổ ấy, rồi rẽ sang trái theo con đường cái đi Orsa. Đến cây số mười ba, ngay trong rừng, đồng chí sẽ tìm được...
Xintxốp đã gặp may. Trên cầu, anh vẫy được một chiếc xe tải nhỏ. Một trung úy thông tin ngồi với người lái xe trong buồng lái, còn hòm xe thì chất đầy lựu đạn. Xintxốp ngồi ghé lên đống lựu đạn, người sĩ quan thông tin chở anh tới một khu rừng rậm. cho anh xuống cửa rừng. Có mấy con đường mòn mới mở chạy sâu vào trong khu rừng.
Xintxốp đi sâu vào rừng. Thời tiết bỗng xấu di, trời mưa lất phất. Trên những sườn đồi rậm rạp, giữa các gốc cây chỗ nào cũng thấy đang đào hầm trú ẩn và giao thông hào, lác đác thấy có đặt những khẩu súng máy phòng không bốn nòng. Hình như Bộ tham mưu và Cục chính trị mặt trận mới bắt đầu đến đóng ở đây. Ở ngay cạnh đường, Xintxốp bắt gặp một chính ủy sư đoàn, dáng người dong dỏng, mặc chiếc măng tô da màu vàng đã sẫm lại vì ướt nước mưa, ông ta có khuôn mặt dẹp, hiền hậu và bộ ria nhỏ màu rơm. Trông ông ta giống Tsapaép.
Xintxốp đến báo cáo với chính ủy. Ông ta giữ tờ giấy phép của anh mấy giây dưới trời mưa. Một hạt mưa rơi xuống tờ giấy làm cho nét bút gạch dưới chữ ký nhận thực của Cơ quan hành chính Maxcơva nhòa đi thành một vệt tím nhạt.
- Rất tiếc là tôi không biết tòa soạn của đồng chí bây giờ ở đâu, - chính ủy vừa nói vừa gấp đôi tờ giấy lại. - Thú thực rằng hiện nay tôi cũng chưa biết cả phòng chính trị của tập đoàn quân thứ ba của đồng chí ở đâu nữa. Và nói chung... - Chắc là ông muốn nói rằng nói chung ông không biết cả tập đoàn quân thứ ba ở đâu nữa kia, nhưng ông đã không nói hẳn ra, mà chỉ mỉm cười với vẻ không vui. - Đồng chí đành phải tạm công tác ở đây, ở chỗ chúng tôi vậy... - Nói đoạn, ông không trao lại giấy tờ cho Xintxốp mà lại đưa cho một chính ủy tiểu đoàn dáng người to béo, hồng hào đứng bên cạnh, có nét mặt mà Xintxốp thấy quen quen. - Đồng chí nhận chính trị viên về đơn vị mình đi, - chính ủy nói. - Ở chỗ đồng chí, cậu Turmatsép còn phải vắng mặt lâu chứ?
Chính ủy tiểu đoàn xác nhận rằng Turmatsép còn phải vắng mặt lâu. Anh xin phép được nghỉ, rồi dẫn Xintxốp đi.
- Thế là từ nay đồng chí sẽ làm việc với chúng tôi, - nửa giờ sau anh mới nói như vậy với Xintxốp đang ngồi bên cạnh anh trong một chiếc xe hơi “Emka” giấu dưới rặng thông.
Trên sàn xe có sẵn một phích nước trà, còn trên đùi chính ủy đã thấy trải một tờ báo với một đống bánh bíchcốt có tẩm vani. Hai người thay phiên nhau uống trà.
- Nhà tôi gói cho, lúc còn ở Maxcơva đấy, - chính ủy nói. - Tôi đã gắt lên với cô ấy: “Sao lại nhét đủ thứ như thế cho anh làm gì? Anh đã có khẩu phần quân đội rồi!”, nhưng bây giờ mới thấy khoái.
Bánh bíchcốt này là bánh Maxcơva. Chính ủy tiểu đoàn là tổng biên tập tờ báo mặt trận, cũng là người Maxcơva. Hồi năm ngoái, khi Xintxốp về Maxcơva theo lớp huấn luyện báo chí ngắn hạn thì chính ủy có đến giảng môn sinh hoạt Đảng. Đây chính là người đầu tiên có đôi chút quen biết mà Xintxốp đã gặp trong suốt năm ngày gần đây; nhưng điều chủ yếu là rút cục anh đã khỏi phải lang thang, khỏi phải xuất trình giấy tờ và khỏi phải nghe những câu trả lời “không biết” với “không có” nữa. Cuối cùng anh đã đến được một đơn vị, cỏ lẽ không cần tim kiếm gì khác nữa mà có thể ở lại đây, nhận mệnh lệnh và thực hiện mục đích ra đi chiến đấu của minh.
Những tình cảm ấy dồn dập dâng lên cùng một lúc khiến Xintxốp buông ra một tiếng thở dài.
- Đồng chí làm sao thế?
- Đi lang thang mãi mệt bã cả người ra rồi.
- Vất vả thật, - chính ủy tiểu đoàn nói. - Hôm qua bọn biệt kích đã làm Turmatsép bị thương. Đồng chí có biết anh ấy không?
- Không biết.
- Một dạo, anh ấy đã công tác ở tờ “Ngọn cờ chiến đấu” của các đồng chí đấy. Hồi đêm, anh ấy đi chiếc xe vận tải của tòa soạn để lên đây, vào Cục chính trị, có kẻ cầm đèn pin giữ anh lại để kiểm tra giấy tờ, vừa đưa giấy tờ ra thì đã bị một phát súng lục vào sườn! Rồi chúng trốn mất. Chẳng còn rõ kẻ nào, chuyện gì và tại sao nữa. Hôm nay, chúng ta đã ra được báo, nhưng cũng chẳng biết chở báo đi đâu được. - Nghe qua thì có vẻ chính ủy nói lan man từ vấn đề này sang vấn đề khác, nhưng thực ra ông ta vẫn tiếp tục nói về tình hình gian khổ ra sao. - Quân bưu chưa hoạt động, hiện nay chúng ta chưa biết đơn vị nào đóng ở đâu. Sáng nay, tôi đã phái tất cả cán bộ đáp xe tỏa đi nhiều ngả đường, cứ vớ được đơn vị nào là phát cho đơn vị ấy một tập báo. Rất là gay go, - anh kết luận, rồi lệnh cho Xintxốp đến nhà in ở Môghilép để giúp đỡ việc ra số báo mới. - Ở đó, bây giờ chỉ có ba người: một thư ký, một chị đánh máy và một người biên tập đưa in.
- Nhưng có tài liệu đấy chứ? - Xintxốp hỏi.
- Có cái gì thì dùng cái ấy đã. Tôi sẽ đến giúp sau. À, mà anh có tài liệu gì thế nhỉ? - chính ủy nhún vai. - Có lẽ đến tối anh em sẽ mang về. Anh em đi phân phối báo xong rồi đưa tài liệu về. Thế đồng chí có tài liệu gì không? - anh ngước mắt nhìn Xintxốp hỏi.
Nhưng Xintxốp chỉ lặng thinh nhìn anh ta và nghĩ: “Mình còn có tài liệu gì được nữa kia chứ! Ừ, phải, mình cũng có tài liệu đấy! Phải rồi. những ngày vừa qua mình đã thấy được bao nhiêu việc mà từ thuở bé đến giờ chưa thấy. Nhưng có lẽ nào lại đăng được tất cả những cái đó song song với bản thông cáo chiến sự vừa mới ghi được qua máy thu thành mà người tổng biên tập đang đặt trên đùi cùng với những chiếc bánh bíchcốt kia? Bản thông cáo thì nói là có những trận đánh nhau to ở biên giới, thế mà ba hôm trước dây mình không sao lần mò nổi từ Bôrixốp đến Minxk. Vậy phải tin vào cái gì đây: vào bản thông cáo đó hay vào điều chính mắt mình đã trông thấy? Hay có lẽ cả hai đều đúng, có thể là ở phía trước mặt, ở sát biên giới quả thực đang diễn ra những trận chiến đấu phòng ngự gian khổ nhưng thắng lợi, còn mình chỉ là nằm trong một khu vực phòng tuyến bị bọn Đức chọc thủng, rồi mụ người đi vì khiếp sợ và không thể hình dung được việc đang xảy ra ở những nơi khác chăng?
Nhưng dù cho cả hai cái đều đúng đi chăng nữa thì điều đó cũng chẳng thay đổi gì tình hình trong tờ báo cả. Trên các trang báo, bản thông cáo nhận được qua máy thu thanh lại tự cho nó là sự thực duy nhất kia! Chính là như thế đấy. Và không thể nào khác được”.
- Không, tôi không có tài liệu nào cả, - sau một hồi lâu im lặng, Xintxốp nhìn thẳng vào mắt tống biên tập mà nói vậy, và hai bên đã hiểu ý nhau.
Xintxốp trở về Môghilép khi trời đã tối, cũng trên chiếc xe vận tải tấn rưỡi của tòa soạn trên đó có Turmatsép, một người anh không quen biết, đã bị bắn bị thương đêm hôm trước. Cũng vẫn người lái xe ấy. Dọc đường, anh này luôn mồm nói đến chuyện đã xảy ra hôm qua, và mỗi lần bị những trạm kiểm soát chặn lại để xét giấy tờ thì Xintxốp, trong lúc tay trái chìa giấy tờ ra, tay phải cứ siết chặt lấy báng khẩu súng lục mà người tổng biên tập chu đáo đã xoay cho anh ở Cục chính trị.
Suốt đêm trong cái nhà in cũ kỹ của thành phố Môghilép, người ta đã lên khuôn và xuất bản một cách chật vật số báo thường kỳ của mặt trận. Choán mất nửa tờ báo là hai bản thông cáo cuối cùng của Cục thông tin đã được in bằng cỡ chữ to để chiếm nhiều chỗ hơn. Phần còn lại là số tài liệu đã được lượm lặt tới nửa đêm theo lời các phóng viên đi phân phát số báo hôm qua về. Đó toàn là những đoạn tường thuật vắn tắt về những câu chuyện anh dũng của các chiến sĩ ta qua lời kể lại của những người hoặc đã vừa rút lui vừa chiến đấu từ một tuần lễ nay, hoặc mới đột phá ra khỏi vòng vây của quân Đức. Thoạt tiên, những bài đó do ngòi bút của các phóng viên viết ra, sau đó cây bút chì đỏ của Xintxốp đã làm cho chúng ăn khớp với các bản thông cáo, thế là dần dần những bài tường thuật đã mất hết tất cả những gì có thể khiến người ta hình dung được là hiện nay các trận chiến đấu đang diễn ra ở những địa điếm nào. Được đăng bên cạnh các bản thông cáo nói về những trận giao chiến ở biên giới thi những bài tường thuật đó có lẽ còn có thêm tính chất trấn an nữa là khác. Các chiến sĩ đã chiến đấu, đã tỏ ra dũng cảm, đã tiêu diệt bọn phát xít. Ở đâu vậy? Ở những địa điểm đã được nói tới trong các bản thông cáo.
Chỉ qua những câu chuyện thật nghèo nàn do các phóng viên trở về tòa soạn trong đêm đó kể lại, Xintxốp cũng đã biết: những điều mà anh trông thấy trên đường đi Minxk không phải chỉ xảy ra ở đó mà thôi. Quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến ở nhiều chỗ. Tình hình khắp nơi trên mặt trận miền tây đều nghiêm trọng và rối ren, nhưng việc làm sáng tỏ tình hình đó lại không phải là thẩm quyền của một tờ báo thuộc mặt trận này! Vì hiểu được như vậy nên anh đã không ngần ngại gì khi điều khiển cây bút chì đỏ của minh. Anh chỉ không hiểu một điều là tại sao tất cả những việc đó lại có thể xảy ra được? Anh không hiểu nổi và day dứt với câu hỏi: chẳng lẽ chúng ta lại không xoay chuyển được tình thế trong những ngày sắp tới hay sao? Tất cả những điều mắt anh trông thấy dường như trả lời rằng không, chúng ta sẽ không xoay chuyển được! Nhưng trong lòng, anh không cam chịu điều đó, anh có một niềm tin khác. Mặc dù anh có quyền tin vào mắt mình, niềm tin của lòng anh vẫn mạnh hơn tất cả mọi điều trông thấy hiển nhiên. Không có niềm tin đó, anh đã không sao chịu đựng nổi những ngày vừa qua, và cũng nhờ niềm tin đó mà vô hình trung anh đã quen với cuộc chiến tranh ròng rã bốn năm, như hàng triệu quân nhân và thường dân khác vậy.
Lúc trời gần sáng, trước khi đưa số báo lên bàn in, Xintxốp còn thờ thẫn đọc lại tất cả một lần nữa, từng dòng, từng dòng  một, và chỉ sau đó mới trải áo capốt ra nằm ngủ trên nền nhà in lát đá lành lạnh. Những chiếc máy in cũ kỹ ra sức rú ầm ầm, nền nhà rung lên nhè nhẹ dưới đầu anh.
Trong lúc ngủ thiếp đi, Xintxốp mơ màng nghĩ đến con gái và với một tâm tư phẫn uất mà bất lực, anh hình dung được rằng giờ đây, khi anh đã phiêu bạt tới một tòa báo khác, tới một khu vực khác của mặt trận, anh sẽ không còn cách nào biết được tí gì về nó nữa cả. Dù sao chăng nữa, cũng phải đợi cho đến khi toàn bộ tình hình thay đổi một cách hết sức cơ bản...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét