Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử
Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014
Chương 2: Ở một thế giới khác, mọi thứ lộn
nhào
Một ngày sau sinh nhật mười lăm tuổi,
Nombeko bị xe đâm. Nhưng cô sống sót. Mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Và tệ đi.
Nhưng hơn hết, chúng khác lạ.
Ingmar Qvist từ Södertälje, Thụy Điển -
cách đây sáu ngàn dặm, không nằm trong số đàn ông mà cô sẽ phải chịu đựng trong
những năm tới. Nhưng cũng thế cả, số phận của ông sẽ đâm sầm vào cô với tất cả
sức mạnh của nó.
Thật khó để nói chính xác Ingmar mất trí
khi nào, vì triệu chứng lẻn vào âm thầm. Nhưng rõ ràng là đến mùa thu năm 1947
nó đã bắt đầu đeo bám. Và cũng rõ ràng là cả hai vợ chồng ông đều không ý thức
những gì đang xảy ra.
Ingmar và Henrietta đã kết hôn giữa lúc gần
như cả thế giới vẫn còn chiến tranh và chuyển đến một lô đất trong khu rừng bên
ngoài Södertälje, gần hai mươi dặm về phía nam Stockholm. Anh là một công chức
quèn; cô là một thợ may siêng năng làm việc tại nhà.
Họ gặp nhau lần đầu tiên bên ngoài phòng 2
Tòa án quận Södertälje, nơi đang xử tranh chấp giữa Ingmar và cha của
Henrietta: một đêm, Ingmar đã sơn chữ ĐỨC VUA VẠN TUẾ cao gần 1 mét dọc theo một
bức tường hội trường của Đảng Cộng sản Thụy Điển.
Tất nhiên, Chủ nghĩa cộng sản và Hoàng gia
thường không đi đôi với nhau, nên bình minh ngày hôm sau náo động khi người Cộng
sản trụ cột ở Södertälje - cha của Henrietta - phát hiện ra chuyện. Ingmar đã
nhanh chóng bị bắt giữ - đặc biệt nhanh vì sau trò đùa của mình, anh nằm xuống
ngủ trên ghế đá công viên không xa đồn cảnh sát, với sơn và cọ trong tay. Trong
phòng xử án, lửa tình đã nhen giữa bị cáo Ingmar và Henrietta, người dự phiên
tòa. Có lẽ một phần vì cô bị cám dỗ bởi trái cấm, nhưng hơn hết là vì Ingmar thật...
đầy sức sống... không giống như cha cô, cứ đi lòng vòng chờ đợi mọi thứ rơi xuống
địa ngục để ông và chủ nghĩa cộng sản có thể chiếm quyền, ít nhất là ở
Södertälje. Cha cô luôn là một nhà cách mạng, nhưng sau ngày 7 tháng Tư 1937,
khi cái ông đã ký hóa ra là giấy phép phát thanh thứ 999.999 của nhà nước thì
ông trở nên cay đắng và đầy những suy nghĩ u ám. Một gã thợ may ở Hudiksvall,
cách đấy hai trăm dặm, được tung hô ngay ngày hôm sau vì đã ký giấy phép thứ một
triệu. Gã thợ may không chỉ nổi tiếng (được lên đài phát thanh) mà còn nhận được
một chiếc cúp bạc kỷ niệm trị giá sáu trăm krona. Trong khi cha Henrietta chẳng
có gì hơn ngoài khuôn mặt dài thuỗn.
Ông không bao giờ quên nổi sự kiện này; ông
mất luôn khả năng nhìn thấy sự hài hước (vốn đã rất ít ỏi) ở bất cứ điều gì, nhất
là những trò đùa tôn vinh vua Gustaf V trên bức tường hội trường của Đảng Cộng
sản. Ông tự tranh cãi cho trường hợp của đảng mình tại tòa án và yêu cầu mười
tám năm tù cho Ingmar Qvist, thế mà anh ta bị kết án phạt có 15 krona. Nỗi bất
hạnh của cha Henrietta thật vô bờ bến. Đầu tiên là cái giấy phép đài phát
thanh. Rồi sự thất vọng tương đối ở Tòa án quận Södertälje. Và con gái ông sau
đó lại rơi vào vòng tay của một đứa Bảo hoàng. Và, tất nhiên, chủ nghĩa tư bản
đáng nguyền rủa lại dường như luôn hạ cánh an toàn.
Khi Henrietta đi đến quyết định rằng cô và
Ingmar sẽ kết hôn trong nhà thờ, nhà lãnh đạo Cộng sản Södertälje đã cắt đứt
liên lạc với con gái mình vĩnh viễn, và vì thế mẹ Henrietta cũng cắt đứt liên lạc
với cha cô và gặp người đàn ông mới - một tùy viên quân sự Đức - tại ga
Södertälje, chuyển đến Berlin với ông ta ngay trước khi chiến tranh kết thúc,
và bặt tin từ đó.
Henrietta muốn có con, càng nhiều càng tốt.
Ingmar nghĩ về cơ bản đây là một ý hay, nhất là anh rất khoái phương pháp sản
xuất. Cứ nghĩ đến lần đầu tiên làm chuyện đó, ở thùng sau chiếc xe của cha
Henrietta, hai ngày sau phiên tòa. Thật đã đời, mặc dù Ingmar đã phải trả giá
cho chuyện đó - anh ta trốn trong hầm nhà bà dì mình trong khi ông bố-vợ-tương-lai
lùng sục anh ta khắp Södertälje. Lẽ ra Ingmar không nên bỏ quên cái bao cao su
đã sử dụng trong xe. Chà, việc đã rồi. Và dù sao, cũng may mà anh đã tình cờ
mang theo hộp bao cao su cho lính Mỹ, vì mọi thứ mà được thực hiện theo thứ tự
thích hợp thì sẽ không có gì sai.
Nhưng nói thế Ingmar không có ý tạo lập sự
nghiệp để nuôi sống gia đình. Anh làm việc tại bưu điện Södertälje, hay “Dịch vụ
Thư tín Hoàng gia,” như anh thích nói. Tiền lương của anh làng nhàng, và nhiều
khả năng nó sẽ mãi như vậy.
Henrietta kiếm được gần gấp đôi chồng, vì
cô thông minh và nhanh tay kim chỉ. Cô có một lượng lớn khách quen; cả gia đình
đã có thể sống rất thoải mái nếu không vì Ingmar ngày càng có năng khiếu vung
phí hết mọi thứ Henrietta cố gắng dành dụm.
Lại nói, con cái là tuyệt vời, nhưng trước
tiên Ingmar phải hoàn thành sứ mệnh của đời mình đã, và nó đòi hỏi phải tập
trung. Cho đến khi nhiệm vụ của anh hoàn thành, không được có bất kỳ dự án phụ,
không liên quan nào.
Henrietta phản đối lựa chọn của chồng. Con
cái chính là cuộc sống và tương lai - không phải là dự án phụ.
“Nếu anh thấy thế thì cứ lấy cái hộp bao
cao su lính Mỹ của anh ra và ngủ trên ghế sofa trong bếp”, cô nói.
Ingmar quằn quại. Tất nhiên anh không định
nói con cái không liên quan, chỉ là... chà, Henrietta thừa biết mà. Nó là, tất
nhiên, vấn đề về Đức vua. Anh chỉ phải giải quyết xong việc đó cái đã. Nó sẽ
không kéo dài mãi mãi.
“Henrietta ngọt ngào yêu dấu. Đêm nay mình
không thể ngủ chung lần nữa sao? Và có thể luyện tập tí chút cho tương lai?”
Trái tim của Henrietta tan chảy, tất nhiên.
Như rất nhiều lần trước và nhiều lần sau nữa.
Cái Ingmar gọi là sứ mệnh cuộc sống của
mình là được bắt tay nhà vua Thụy Điển. Nó bắt đầu chỉ là mong muốn, rồi phát
triển thành một mục tiêu. Thời điểm chính xác mà nó trở thành một nỗi ám ảnh thực
sự thì, như đã nói ở trên, không dễ biết. Dễ hơn là giải thích toàn bộ điều này
bắt đầu ở đâu và khi nào.
Vào thứ Bảy, mười sáu tháng Sáu năm 1928, Đức
vua Gustaf V kỷ niệm sinh nhật thứ bảy mươi của mình. Ingmar Qvist, lúc đó mười
bốn tuổi, đã đi cùng bố mẹ đến Stockholm để vẫy cờ Thụy Điển bên ngoài cung điện
rồi tới Bảo tàng Skansen và Sở thú - nơi có gấu và chó sói!
Nhưng kế hoạch của họ thay đổi một chút.
Hóa ra ở cung điện quá đông nên cả gia đình chuyển sang đứng cách đó một vài
trăm mét, dọc theo tuyến đường rước, nơi nhà vua và hoàng hậu Victoria dự kiến
sẽ đi qua trong một chiếc xe mui trần. Và đúng thế thật. Lúc đó mọi thứ hóa ra
tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng của bố mẹ Ingmar. Bởi vì đứng ngay cạnh gia
đình Qvist là hai mươi sinh viên trường nội trú Lundsbergs; họ đến để tặng hoa
cho Đức vua, cám ơn về sự hỗ trợ mà nhà trường đã nhận được, nhất là vì sự tham
gia của Thái tử Gustaf Adolf. Người ta quyết định là chiếc xe sẽ dừng lại một
lát để Đức vua có thể bước xuống, nhận hoa, và cảm ơn bọn trẻ. Mọi thứ diễn ra
theo kế hoạch, Đức vua nhận hoa, nhưng khi quay lại để bước lên xe, ngài chợt
nhìn thấy Ingmar. Và dừng lại một lát.
“Cậu chàng đẹp trai quá,” ngài nói, bước
hai bước đến chỗ cậu bé và xoa đầu cậu. “Chờ một giây nhé - cho cháu này”, ngài
tiếp tục, và lấy từ túi bên trong một tờ tem kỷ niệm vừa mới được phát hành
nhân ngày đặc biệt của nhà vua. Ngài trao tem cho cậu bé Ingmar, mỉm cười, và
nói: “Ta có thể chén sạch cậu đấy”; rồi vò bù mái tóc của cậu bé một lần nữa
trước khi leo lên chỗ nữ hoàng đang giận dữ trợn mắt.
- Con có nói “cám ơn” không, Ingmar? - mẹ cậu
hỏi khi sực tỉnh khỏi thực tế là Đức vua đã chạm vào con trai mình - và cho nó
một món quà.
- Khô... ông, - Ingmar lắp bắp, đứng đó với
con tem trong tay. - Không, con không nói gì cả. Kiểu như ngài... vĩ đại quá,
con không dám nói.
Con tem ấy thành báu vật yêu thích nhất của
Ingmar, tất nhiên. Và hai năm sau đó, anh bắt đầu làm việc tại bưu điện
Södertälje. Anh bắt đầu làm một nhân viên bậc thấp nhất trong bộ phận kế toán;
mười sáu năm sau đó, anh vẫn chẳng đi tới đâu. Ingmar cực kỳ tự hào về Đức vua
oai vệ, cao ráo của mình. Mỗi ngày, Gustaf V uy nghi nhìn qua anh ta từ những
con tem mà thần dân của ngài đang phải xử lý tại nơi làm việc. Ingmar nhìn lại
một cách khiêm nhường và yêu thương trong lúc ngồi đó, mặc bộ đồng phục của Dịch
vụ Thư tín Hoàng gia, mặc dù ở bộ phận kế toán thì hoàn toàn không cần đồng phục.
Nhưng chỉ có một vấn đề này: Đức vua đã
nhìn qua Ingmar. Như thể ngài không thấy thần dân của mình và do đó không thể
nhận được tình yêu của thần dân. Ingmar mong muốn kinh khủng được nhìn vào mắt
Đức vua. Để xin lỗi vì đã không nói “cảm ơn” thời điểm đó khi anh mười bốn tuổi.
Để công bố lòng trung thành vĩnh cửu của mình.
Đúng là kinh khủng. Nó ngày càng trở nên
quan trọng hơn... cái khao khát được nhìn thẳng vào mắt, nói chuyện với ngài, bắt
tay ngài.
Càng lúc càng quan trọng.
Và thậm chí trở nên quan trọng hơn nữa.
Đức vua, tất nhiên, ngày càng già đi. Chẳng
bao lâu nữa sẽ là quá muộn. Ingmar Qvist không thể cứ chờ đợi một ngày kia nhà
vua xa giá vào bưu điện Södertälje. Bao nhiêu năm qua, đó từng là giấc mơ của
anh, nhưng bây giờ anh sực tỉnh.
Nhà vua sẽ không tìm kiếm Ingmar.
Ingmar không có cách nào khác ngoài phải
tìm ra Đức vua.
Sau đó, anh và Henrietta sẽ có con, anh hứa.
* * *
Gia đình Qvist vốn đã nghèo lại ngày càng
nghèo hơn. Tiền bạc bốc hơi hết, do những nỗ lực của Ingmar để gặp nhà vua. Anh
đã viết bức thư tình thật sự (dán một đống tem nhiều không cần thiết vào
chúng); anh gọi điện (mà tất nhiên chẳng tiến xa hơn khỏi vài thư ký hạng bét của
hoàng gia); anh đã gửi những món quà dưới hình thức sản phẩm thợ bạc Thụy Điển,
đó là thứ nhà vua rất thích (và nhờ thế đã giúp đỡ ông bố không trung thực lắm
của năm đứa con, người có nhiệm vụ đăng ký tất cả các quà tặng gửi đến Hoàng
gia). Hơn thế nữa, anh đã đến dự các trận đấu quần vợt và gần như tất cả các buổi
lễ mà người ta nghĩ rằng Đức vua có thể tham dự. Mất bao nhiêu chuyến đi tốn
kém và tiền vé vào cửa, nhưng Ingmar chẳng bao giờ tiến gần được tới chỗ gặp Đức
vua của mình.
Kinh tế gia đình càng thêm sa sút khi
Henrietta, vì lo lắng, bắt đầu giống như hầu hết mọi người ở thời điểm đó - hút
một vài bao thuốc John Silvers mỗi ngày.
Sếp của Ingmar tại phòng kế toán của bưu điện
quá mệt với những câu chuyện về ông vua chết tiệt và các phẩm hạnh của ông ta.
Vì vậy, bất cứ lúc nào anh nhân viên quèn Qvist xin nghỉ, ông duyệt ngay, thậm
chí trước khi cả Ingmar viết xong đơn xin phép.
- À, sếp ơi, liệu sếp có thể cho em nghỉ
hai tuần ngay lập tức được không ạ? Em định...
- Được.
Mọi người bắt đầu gọi Ingmar bằng chữ viết
tắt thay vì tên của anh ta. Trong mắt cấp trên và đồng nghiệp, anh ta là “IQ”.
- Chúc cậu may mắn trong bất cứ loại ngu si
nào mà cậu đang lập kế hoạch để đạt được lần này, IQ, - nhân viên trưởng nói.
Ingmar chẳng thèm để ý rằng mình đang bị
đem ra làm trò cười. Không giống như các nhân viên khác tại trụ sở bưu điện
Södertälje, cuộc sống của anh có ý nghĩa và mục đích.
Phải mất ba cú quyết tâm đáng kể về phía
Ingmar trước khi tất cả mọi thứ đảo lộn tùng phèo.
Đầu tiên anh tìm đường đến cung điện Drottningholm,
đứng nghiêm trong bộ đồng phục bưu điện của mình, và bấm chuông.
- Xin chào. Tên tôi là Ingmar Qvist; Tôi đến
từ Dịch vụ Thư tín Hoàng gia, và chuyện là tôi cần phải gặp mặt chính Đức vua.
Xin ông làm ơn thông báo cho Ngài? Tôi sẽ đợi ở đây, - Ingmar nói với người bảo
vệ ở cổng.
- Anh bị mát dây hay làm sao thế? - Bảo vệ
đáp lại.
Sau một hồi nói đi nói lại vô ích, cuối
cùng Ingmar bị buộc phải biến đi ngay lập tức; nếu không ông bảo vệ đảm bảo rằng
ông Thư ký Sở Bưu chính sẽ được đóng gói và gửi trở lại chính bưu điện của
mình.
Ingmar thấy bị xúc phạm và buột mồm nói đến
kích thước ước tính cho cậu nhỏ của ông bảo vệ, thế là bị bảo vệ đuổi chạy quắn
đít.
Anh đi thoát, một phần vì nhanh chân hơn
ông bảo vệ tí chút, nhưng cơ bản là vì bảo vệ được lệnh không bao giờ rời khỏi
cổng nên phải quay trở lại.
Sau đó, Ingmar dành cả hai ngày rình mò
loanh quanh bên ngoài hàng rào cao ba mét, tránh khỏi tầm nhìn của gã vô dụng ở
cổng, người không chịu hiểu điều gì là tốt nhất cho nhà vua. Sau đó anh chịu
thua và trở về khách sạn, cơ sở hoạt động của mình.
- Tôi chuẩn bị hóa đơn cho anh nhé? - nhân
viên tiếp tân hỏi, từ lâu đã nghi ngờ rằng vị khách đặc biệt này có kế hoạch
làm gì đó không đàng hoàng và quỵt tiền.
- Vâng, anh làm giúp cho, - Ingmar đáp rồi
đi vào phòng mình, đóng gói vali, và chuồn ra qua cửa sổ.
Nỗ lực đáng kể thứ hai trước khi mọi thứ đảo
lộn bắt đầu khi Ingmar đọc một mẩu tin trên tờ Dagens Nyheter [Tin tức hàng
ngày] lúc đang trốn việc ngồi trong nhà vệ sinh. Mục tin tức nói rằng nhà vua
đang ở Tullgarn vài ngày thư giãn, săn nai sừng tấm. Ingmar tự hỏi một cách văn
hoa, nai sừng tấm ở đâu nếu không phải trong thiên nhiên xanh tươi của Chúa, và
người được quyền đi vào thiên nhiên xanh tươi của Chúa chẳng phải là... bất kỳ
ai hay sao! Từ Đức vua cho đến anh nhân viên quèn ở Dịch vụ Thư tín Hoàng gia.
Ingmar xả nước bồn cầu cho phải phép và đi
xin nghỉ thêm lần nữa. Sếp cho phép anh ta kèm theo nhận xét thẳng thắn rằng
ông thậm chí không nhận thấy là Mr. Qvist đã trở lại từ lần nghỉ trước.
Đã lâu lắm rồi Ingmar không còn đủ tín nhiệm
để thuê xe trong vùng Södertälje, vì vậy trước tiên anh phải đi xe buýt đến tận
Nyköping, nơi mà vẻ trung thực của anh còn đủ để thuê được một chiếc Fiat 518
cũ nhưng còn tốt. Sau đó anh khởi hành đi Tullgarn với hết tốc lực của cỗ máy bốn
mươi tám mã lực.
Nhưng chưa đi quá nửa đường thì anh bắt gặp
một chiếc Cadillac V8 màu đen đời 1939 đến từ một hướng khác. Đức vua, tất
nhiên rồi. Đã săn bắn xong. Sắp trượt khỏi tay của Ingmar một lần nữa. Ingmar
quay ngoắt đầu chiếc Fiat thuê nhanh trong nháy mắt, lại nhờ đường đổ dốc liên
tiếp nên bắt kịp với chiếc xe Hoàng gia mạnh hơn hàng trăm mã lực. Bước tiếp
theo sẽ là cố gắng vượt qua chiếc xe và có thể giả vờ chết máy giữa đường.
Nhưng viên tài xế hoàng gia lo lắng tăng tốc để không phải chịu cơn thịnh nộ nếu
vua chứng kiến họ bị một chiếc Fiat vượt qua. Thật không may, ông ta nhìn vào
gương chiếu hậu nhiều hơn nhìn về phía trước, đến một khúc đường cong, tài xế,
cùng với chiếc Cadillac, Đức vua và những người cùng đi, tiếp tục đi thẳng, xuống
một cái hố ngập nước.
Không ai bị thương, kể cả Gustaf V, nhưng
Ingmar không có cách nào biết được điều này từ phía sau tay lái của mình. Ý
nghĩ đầu tiên của anh là nhảy ra ngoài và giúp đỡ, và bắt tay nhà vua nữa.
Nhưng ý nghĩ thứ hai của anh là: Nếu anh đã giết chết ông già? Và ý nghĩ thứ
ba: ba mươi năm lao động khổ sai - đó có lẽ là cái giá đắt cho một cái bắt tay.
Đặc biệt nếu tay ở đây lại là của một xác chết. Ingmar cũng không nghĩ rằng
mình sẽ được ưa chuộng trong nước. Kẻ giết vua hiếm khi được thế.
Vì thế, anh quay xe lại.
Anh để chiếc xe thuê bên ngoài hội trường của
những người Cộng sản ở Södertälje, hy vọng bố vợ mình sẽ bị đổ lỗi. Từ đó anh
đi bộ về tận nhà gặp Henrietta và nói với cô rằng có lẽ anh đã giết chết vị vua
mình vô cùng yêu quý.
Henrietta an ủi anh bằng cách nói rằng có lẽ
mọi chuyện ở chỗ khúc quanh đó không sao đâu, và nếu cô sai thì dù sao nó cũng
tốt cho kinh tế gia đình.
Ngày hôm sau, báo chí đưa tin Vua Gustaf V
lao xuống mương sau khi chiếc xe ngài chạy tốc độ cao, nhưng ngài không hề hấn
gì. Henrietta có cảm xúc lẫn lộn khi nghe tin này, nhưng cô nghĩ có lẽ chồng
mình đã học được một bài học quan trọng. Và vì vậy cô hỏi, tràn đầy hy vọng, liệu
Ingmar đã chừa đuổi theo Đức vua chưa.
Anh không chừa.
Cố gắng đáng kể thứ ba trước khi mọi thứ đảo
lộn là Ingmar làm một cuộc hành trình đến Riviera bên Pháp; anh đã đến Nice,
nơi Gustaf V, tám mươi tám tuổi, thường ở vào dịp cuối mùa thu để điều trị chứng
viêm phế quản mãn tính của mình. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, nhà vua đã
nói rằng khi nào không đi dạo nhàn tản dọc khu Promenade des Anglais thì ngài
ngồi cả ngày trên sân thượng căn hộ bề thế của mình tại khách sạn d’Angleterre.
Thế là đủ thông tin cho Ingmar. Anh sẽ tới đó, chạy ngang qua Đức vua trên đường
ngài đi dạo, bước lên, và tự giới thiệu.
Không thể biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Có lẽ hai người sẽ đứng đó một lúc, trò chuyện, và nếu tâm đầu ý hợp, biết đâu
Ingmar có thể mời Đức vua uống gì đó tại khách sạn tối hôm đó. Và sao lại không
chơi tennis với nhau vào ngày hôm sau nhỉ?
- Lần này không thể trượt được. - Ingmar
nói với Henrietta.
- Thế thì tốt, - cô vợ đáp. - Anh có thấy
bao thuốc của em đâu không?
Ingmar đi nhờ xe xuyên qua châu Âu. Phải mất
cả tuần, nhưng một khi đã ở Nice, anh chỉ mất hai tiếng ngồi trên một chiếc ghế
băng ở Promenade des Anglais thì đã nhìn thấy người đàn ông uy nghiêm, cao ráo
với mái tóc bạc, đeo kính một mắt. Chúa ơi, ngài thật vĩ đại! Ngài đang từ từ
đi đến. Và ngài chỉ có một mình.
Nhiều năm sau đó còn Henrietta có thể mô tả
rất chi tiết những gì xảy ra tiếp theo, bởi vì Ingmar cứ lải nhải về nó suốt phần
đời còn lại của cô.
Ingmar đứng dậy khỏi băng ghế của mình, đi
đến chỗ Đức vua, tự giới thiệu mình là thần dân trung thành từ Dịch vụ Thư tín
Hoàng gia và đề cập đến khả năng uống gì đó và có thể chơi tennis với nhau - rồi
kết luận bằng cách gợi ý rằng hai người hãy bắt tay.
Tuy nhiên, phản ứng của nhà vua không được
như Ingmar mong đợi. Thoạt tiên, ngài đã từ chối bắt tay người đàn ông xa lạ.
Thêm nữa, ngài chẳng thèm hạ cố nhìn anh. Thay vào đó ngài nhìn qua Ingmar vào
khoảng không, hệt như đã nhìn từ các hàng chục ngàn con tem mà Ingmar phải xử
lý trong quá trình làm việc của mình. Rồi ngài nói rằng ngài không có ý định,
trong bất kỳ trường hợp nào, kết giao với một kẻ đưa thư của bưu điện. Nói đúng
ra, Đức vua quá uy nghiêm để nói những gì ngài nghĩ về thần dân của mình.
Từ thời thơ ấu, ngài đã được rèn luyện nghệ
thuật cho mọi người thấy sự tôn trọng mà họ thường không đáng nhận. Tuy nhiên,
giờ gì ngài nói điều mình nghĩ, một phần vì ngài bị tổn thương hơn hết và một
phần vì cứ giữ nó cho mình suốt cả đời đã làm ngài mệt mỏi.
- Nhưng tâu bệ hạ, ngài không hiểu, -
Ingmar cố gắng.
- Nếu tôi không đi một mình, tôi sẽ nhờ người
đi cùng tôi giải thích cho tên vô lại đứng trước mặt tôi rằng chắc chắn tôi hiểu,
- Đức vua đáp, và theo cách đó cố gắng tránh nói chuyện trực tiếp với kẻ thần
dân không may.
- Nhưng, - Ingmar nói - và mới chỉ nói được
đến thế thì Đức vua đã dùng cây gậy bạc của mình đập vào trán anh và nói:
- Này, này!
Ingmar ngã ngửa ra, vì thế Đức vua vượt qua
một cách an toàn. Kẻ thần dân vẫn nằm trên mặt đất khi Đức vua bỏ đi.
Ingmar đã bị nghiền nát.
Trong hai mươi nhăm giây.
Rồi anh thận trọng đứng dậy và nhìn chằm chằm
theo nhà vua một lúc lâu. Và nhìn thêm một lúc nữa.
- “Kẻ đưa thư? Tên vô lại?”. Tôi sẽ cho ông
thấy thế nào là kẻ đưa thư và tên vô lại.
Và thế là mọi thứ đã lộn nhào.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét