Những người sống và những người chết
Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987
Chương Chín
Sang buổi tối thứ ba sau mọi việc xảy ra
trên đường ôtô Iukhơnốp, có ba người đang đi trong rừng rậm cách nơi xảy ra tai
biến chừng năm chục cây số. Nói đúng hơn thì chỉ có hai người trong bọn họ đi
bằng hai chân của mình, đó là chính trị viên Xintxốp và chiến sĩ Dôlôtarép. Còn
người bạn đường thứ ba là bác sĩ quân y Opxianhicôva mà trong lúc đi đường
Xintxốp đã bắt đầu gọi một cách đơn giản hơn nữa là Tanhia, bây giờ đây kể từ
hôm nay đã hoàn toàn không thể tự mình đi được nữa rồi. Vì vậy, hai người đàn
ông đã phải thay phiên nhau địu cô trong tấm áo mưa bằng vải bạt như khoác một
chiếc đẫy trên vai vậy.
Bây giờ đang đến lượt Xintxốp. Anh vừa đi
vừa cúi lom khom thật thấp và nhẩm đếm một ngàn bước cuối cùng còn lại trước
khi tới chỗ nghỉ chân. Anh cuộn chặt góc tấm áo choàng mưa vào nắm tay để nó
đừng tuột ra khỏi những ngón tay đã mỏi rời và để cho cô bác sĩ khỏi rơi xuống
đất. Cái đầu nóng như lửa đốt của cô gục trên vai anh như một vật vô tri vô
giác, cứ lắc lư mỗi khi anh bước hụt chân. Thỉnh thoảng anh cúi gập người để
đưa nắm tay quệt dòng mồ hôi nóng hổi chảy vào mắt, anh lại trông thấy đôi chân
của nữ bác sĩ lủng lẳng thò ra khỏi áo ở dưới cùi tay bên phải của anh: một bàn
chân đi ủng, còn chân kia để trần, không ủng vì đã bị sai khớp; bàn chân của cô
nhỏ xíu như chân trẻ con. Nếu vào lúc khác, dù chỉ một mình Xintxốp thôi thì
cái địu này cũng chả đến nỗi đáng sợ, nhưng bây giờ cả hai người đàn ông mệt
nhoài sau bốn giờ cuốc bộ như thế đã cảm thấy mình kiệt sức rồi, nên Xintxốp
tiếc rằng ngay lúc đầu đã không dừng lại để đẵn cành cây làm cáng. Dù sao, tới
chỗ nghỉ chân cũng không thể bỏ qua việc đó được.
Giờ đây, tất cả những ai đã thoát trong mấy
phút đầu ở trên đường ôtô, dù đi về phía nào cũng có thể gặp những rủi ro và
nguy hiểm khác, cũng có thể sẽ gặp một cuộc sống khác hay một cái chết khác
cũng nên.
Những người đã lủi vào khu rừng rậm bên
trái đường trông chờ trời tối, đều đã bị bọn xạ thủ tiểu liên đi càn quét trong
rừng bắn chết hết trước lúc mặt trời lặn. Có lẽ trong trường hợp khác bọn Đức
đã bắt họ làm tù binh, nhưng không biết một viên đạn lạc của ai đó, hay chỉ là
một viên đạn điềm tĩnh hiếm có của một người nào đó đã giết chết tươi tên trung
đoàn trưởng trung đoàn xe tăng SS đang đứng trên tháp súng xe tăng của mình để
quan sát chiến trường, nên bọn Đức đã thẳng tay thanh toán cái món nợ máu bất
ngờ này.
Trái lại, những ai chạy vào chỗ tưởng như
không an toàn gì hết, vài cái bụi cây nhỏ bé bên phải đường, thì lại vẫn sống
sót; bọn Đức không sục tìm họ ở đây và ngay đêm ấy họ đã chạy thoát ra được
phía ngoài vòng vây của quân Đức.
Sau khi xảy ra tai biến được một giờ, có
mấy chiến sĩ đã tập trung lại được xung quanh trung úy Khôrưsép và không để mất
thời gian, dưới sự chỉ huy của Khôrưsép họ đã quay trở lại ngay phía sau và đến
tối đã gặp được các chiến sĩ xe tăng của lữ đoàn Klimôvíts và cùng các anh em
chiến sĩ xe tăng, họ lại phải vượt ra khỏi một vòng vây mới.
Những người nào đã lủi được vào rừng rồi
băng qua rừng hòng tiến thẳng về phía bắc, tưởng là để lánh xa quân Đức thì
ngược lại, đã sa đúng vào tuyến vận động của các đoàn xe tăng và bộ binh Đức
đang gấp rút khép chặt một vành đai lớn xung quanh Viadơma.
Xintxốp chính là ở trong số này. Sau khi
nhẩy vọt xuống xe. anh đâm bổ vào rừng và lúc đầu anh đi suốt một giờ liền
không nghỉ, chỉ mong sao lánh đi càng xa càng tốt! Thoạt đầu khi mới nghe tiếng
súng, trông thấy xe tăng và thấy bọn Đức đang từ xe bọc sắt nhẩy ra, hai tay
anh liền vồ vào khoảng không trước ngực là nơi thường vẫn đeo khẩu tiểu liên...
Nhưng tiểu liên không có, chẳng có cái gì hết, kể cả súng lục. Thế là anh bèn
nhẩy qua thành xe, chạy vọt vào rừng.
Một giờ sau, anh gặp Dôlôtarép. Sau khi vừa
chạy vừa đi được vài cây số. Cuối cùng anh dửng lại, tựa vào gốc cây tùng già
để thở lấy hơi, thì đúng lúc đó Dôlôtarép mặc chiếc áo da rách nát và điều chủ
yếu là có khẩu súng trường khoác trên vai đã tiến lại bên anh.
- Đồng chí chính trị viên, đồng chí có ra
lệnh gì không ạ?
Những lời nói đầu tiên này của Dôlôtarép,
hơn tất cả mọi lời nói khác trên đời, đã có thể lấy lại tinh thần cho một con
người không có vũ khí và đã ngã lòng, một con người suốt một giờ qua đã quên
mất rằng không những mình đã là người chỉ huy mà vẫn còn có trách nhiệm là
người chỉ huy.
- Chúng mình sẽ quyết định ngay bây giờ, -
Xintxốp vừa đáp vừa cố tỏ ra bình tĩnh, và trong phút ấy, anh nhìn vào khẩu
súng trường của Dôlôtarép nhiều hơn là nhìn vào đồng chí đó.
“Thế là chúng mình đã có hai người, và ít
ra cũng đã có một khẩu súng trường”, - anh nghĩ thầm như vậy, và để hoàn toàn
trấn tĩnh lại, anh bảo Dôlôtarép:
- Ngồi xuống, hút điếu thuốc cái đã.
Họ ngồi xuống ngay dưới gốc thông, Xintxốp
móc một bao “Kadơbếch” vừa mới bóc, rồi hai người châm thuốc hút.
Theo lệnh của Klimôvíts, trong thời gian
giao nộp vũ khí, người trợ lý hậu cần của anh đã phát loại thuốc lá “Kadơbếch”
này cho tất cả những cán bộ chỉ huy vừa thoát khỏi vòng vây.
- Đồng chí chính trị viên, chúng mình sộp
thật, - Dôlỏtarép khoái chí rít một hơi thuốc lá.
- Ờ, sộp vô song! - Xintxốp nói. - Hai
người mới có độc một khẩu súng trường!
- Thế đồng chí không có súng lục à? -
Dôlôtarép hỏi.
- Tớ có cái phiếu lĩnh tiểu liên của lão
trưởng ban quân nhu phát cho đây! - Xintxốp nói, vẫn với vẻ dữ tợn. - Có chuyện
gì thì tớ sẽ mang cái phiếu ấy ra để bắn vậy!
- Không sao, đồng chí chính trị viên ạ, sẽ
tìm được thôi! - Dôlôtarép tỏ vẻ thông cảm và trình bày thêm rằng anh ta đã đi
theo sau Xintxốp được gần nửa giờ: đồng chí chính trị viên đi đâu là anh đi
đấy, nhưng chưa vội đến gặp ngay.
Trong lúc đang ngồi hút thuốc, Xintxốp lại
nhớ tới lúc hai người đã cùng ngồi như thế này cách đây tháng rưỡi, vừa hút
thuốc vừa liếc nhìn Baranốp. “Thế là cậu chiến sĩ này một lần nữa lại được vượt
vòng vây tay đôi với thủ trưởng, - anh nghĩ như vậy về Dôlôtarép và cảm thấy vô
tình mình phải chịu lấy cái trách nhiệm chua xót về những hành vi của lão
Baranốp đáng nguyền rủa kia. - Mà tại sao lại tay đôi nhỉ? - Anh lại lập tức
nghĩ ngay như vậy. - Trong rừng đâu phải chỉ có một mình chúng ta, biết đâu là
trước khi trời tối chúng ta còn tập hợp được cả một lô nữa kia”.
Nhưng những niềm hy vọng đó chỉ là bão
huyền. Nửa giờ sau khi hút thuốc, họ đã vớ phải cô bác sĩ nhỏ nhắn, từ đó cho
đến tối mịt chẳng gặp thêm một người nào nữa cả.
“Ờ, mà đây quả thực đã có người để mình
phải săn sóc rồi!” - khi trông thấy cô bác sĩ nhó bé, Xintxốp lại sực nhớ đến
lời dặn dò của Xerpilin.
Một điều rõ ràng là bất kỳ ai cũng sẽ có
lúc cạn hết mọi sức lực mà mình có thể có. Chính đó là tình cảnh của người phụ
nữ nhỏ nhắn dẻo dai kia trong lúc này. Cô đã làm biết bao nhiêu việc trong suốt
thời gian bị bao vây, cô đã bò qua biết bao nhiêu thước đất để băng bó cho
thương binh ở những nơi dễ sợ đến nỗi không ai dám ngóc đầu lên!... Thế mà lúc
này cô đang đi tập tễnh một cách khó nhọc, bộ mặt cô hốc hác, đỏ bừng lên vì
sốt. Và thậm chí khẩu súng lục mà thường khi cô vẫn đeo bên sườn bây giờ cũng
có vẻ nặng trĩu xuống. Sáng nay, Smakốp đã định điều cô sang tiểu đoàn quân y
nhưng cô đã đòi đi theo anh em cho bằng được. Đấy thế là cô đã đòi được rồi đấy
nhé!
Nhác thấy Xintxốp và Dôlôtarép, cô mừng lắm
và khập khiễng bước nhanh về phía họ đến nỗi suýt ngã lăn ra
- Ôi, tôi mừng quá! - Cô vừa nhắc lại như
trẻ con vừa níu lấy vạt áo capốt của Xintxốp. - Thế không còn ai nữa à? Chỉ có
hai anh thôi ư? Không thấy ai nữa à?
- Còn chị, chị có thấy ai không? - Đến lượt
Xintxốp hỏi lại.
- Tôi cũng không. Chỉ thấy anh em chạy tán
loạn trong rừng. Sau đó, tôi bị trẹo
chân, cứ thế đi một mình. May mà đồng chí Smakốp đã kịp thời ngồi sang xe tải!
- Bỗng cô vui mừng reo lên.
- Đồng chí ấy sang ngồi xe khác là tốt,
nhưng còn chị lại không sang ngồi...
- Nếu đồng chí ấy biết thế thì cũng chẳng
sang ngồi xe khác đâu, - cô bác sĩ nói tựa hồ như sợ Xintxốp có thể nghĩ xấu về
chính ủy.
- Cố nhiên rồi, - Xintxốp nhếch mép cười. -
Nếu chúng ta mà biết thì nói chung...
Anh khoát tay trước những ý nghĩ chua chát
và nói rằng chị còn sống và hai người đã gặp chị, như thế dù sao cũng là tốt
rồi.
- Còn tốt cái nỗi gì! - cô nói và trỏ xuống
một bên chân. - Tôi bị trẹo chân đây này, lại còn bị sốt nữa. - Cô áp lòng bàn
tay của Xintxốp vào trán mình. - Thấy không?
- Không sao, cô em ạ! - Dôlôtarép nói, anh
thấy hình như nữ bác sĩ Ốpxianhicôva quá trẻ và quá bé bỏng, nên không tiện gọi
là bác sĩ. - Không sao, cô em ạ! - Anh ta nhắc lại với vẻ thông cảm. - Dù có
phải cõng nữa thì chúng tôi vẫn đưa cô về đến nơi đến chốn! Chúng tôi đã trông
thấy tất cả những việc cô làm cho anh em, thằng nào không cõng cô đi, thằng ấy
là đồ chó!
Và hôm nay đây, sang tới ngày thứ ba, tình
hình đã xảy ra đúng như lời Dôlôtarép đã thề nguyện theo tấm lòng tốt của anh.
Buổi trưa, cô bác sĩ đã bước hụt phía bên chân trẹo, lại bị sai khớp cả bàn
chân, và thế là họ đã phải thay phiên nhau cõng cô ta đã hơn bốn tiếng đồng hồ
liền.
Thực vậy, sau khi bị sai khớp, cô vẫn cố
tìm cách chữa chạy để đi cho được, đã bắt tháo ủng ra cho mình và bảo Xintxốp
thử kéo giúp xương chân cho hết sai khớp. Cô ngồi xuống hai tay bám vào những
rễ cây từ dưới đất chồi lên. Dôlôtarép ở đằng sau ôm lấy ngang thắt lung, còn
Xintxốp thì làm theo lời chỉ dẫn của cô: anh toát cả mồ hôi, cố sức vặn và kéo
chân cho cô. Nhưng mặc dầu cô đã chỉ dẫn cho anh với giọng thều thào, nghẹn
ngào vì đau đớn, anh vẫn không giúp gì cho cô được. Thế là đành phải buộc túm
tấm áo mưa vải bạt lại, xốc cô lên lưng.
Và đây, anh đang cõng cô, vừa đi vừa đếm từng
bước khoảng cách từ đây đến chỗ nghỉ chân mà họ tự quy định, đã mỗi lúc một gần
lại - ba trăm... hai trăm... một trăm năm mươi...
Còn cô thì cảm thấy anh đi vất vả quá, sau
khi đã thức dậy khỏi cơn nửa mê nửa tỉnh, qua hơi thở nóng hổi thì thầm vào tận
tai anh:
- Bỏ tôi lại!... Nghe thấy không, bỏ tôi
lại đi... Anh khổ sở vì tôi thế này, tôi lại càng đau thêm... Để tôi ở lại đây
một mình tôi sẽ đỡ đau hơn...
Làm sao có thể trách mắng cô về những câu
nói ấy được, bởi vì cô nói thật lòng. Và ngay cả bây giờ, cô vẫn nghĩ tới người
khác nhiều hơn nghĩ tới mình.
Cuối cùng cũng đã tới chỗ nghỉ chân.
Dôlôtarép trải lên một mô đất tấm áo capốt của Xintxốp mả anh tạm khoác lên
người mình trong khi Xintxốp cõng cô bác sĩ, rồi đến giúp chính trị viên đặt
cái địu xuống.
Người ốm bắt đầu động đậy. Trong khi cô
được vác như một cái bị, toàn thân cô đã tê dại đi.
- Sao, ngủ lại đây ư? - cô khẽ hỏi.
- Chưa đâu, - Xintxốp đáp. - Nằm tạm đây
nhé. Để chúng tôi bàn xem sao đã.
Anh vẫy tay ra hiệu cho Dôlótarép, rồi cùng
nhau đi ra một phía.
- Làm thế nào bây giờ? Hồi trưa cánh mình
vội vàng quá. Lẽ ra phải làm cáng ngay mới phải.
- Đồng chí chính trị viên, còn vội mới vàng
gì nữa nhỉ? - Dôlôtarép phản đối, - Lúc bấy giờ đường cái thông thống ra, mà xe
cộ thì chạy rầm rập. Nếu dừng lại làm cáng ở đó thì đồng chí thử nghĩ xem, có
lẽ bọn phát xít đã đến “chào” chúng ta rồi.
- Cứ cho là như vậy đi, - Xintxốp tán
thành. Nhưng bây giờ thì thế nào? Vẫn phải buộc cáng thôi.
- Đồng chí chính trị viên, không cần buộc
cáng, mà phải làm sao cứ xẩm tối đến được chỗ có người, rồi để cô ấy ở lại đấy
với họ, như thế là hay hơn cả, - Dôlôtarép nói với vẻ tin chắc. - Nếu mang đi
nữa e cô ấy chết mất.
- Nhỡ gặp quân Đức thì sao? Chúng ta đã mò
đến ba làng rổi, mà làng nào cũng toàn bọn Đức.
- Làm thế nào được, đành cứ tiếp tục tìm
thêm trong rừng vậy thôi. Biết đâu cũng sẽ tìm được ngôi nhà nào đó trong rừng,
chẳng có lẽ rừng này lại không có người.
- Để cô ta lại một mình thì gay go lắm.
- Sao lại một mình, mà là cùng ở với người
ta chứ.
- Dù sao cũng vẫn gay go lắm.
- Thế nếu để cho cô ấy chết trên tay chúng
ta thì lại không gay go à? - Dôlôtarép lắng tai nghe ngóng rồi nói. - Cô ấy gọi
đấy.
Vậy là chưa bàn định xong, họ đã phải quay
lại chỗ cô bác sĩ. Cô ta vẫn nằm, chỉ chống khuỷu tay, hơi nhổm dậy chút ít.
Mặt đỏ bừng, cô lo lắng nhìn họ.
- Sao các anh thình lình bỏ đi thế?
- Tanhia, nào chúng tôi có bỏ cô đi đâu kia
chứ? - Xintxốp nói.
Nhưng cô đâu có nghĩ như anh nói, cô không
hề lo lắng về việc đó.
- Sao các anh bàn định mà không cho tôi tham
gia? Đã cùng đi thì phải cùng bàn định chứ?
- Được, nào ta bàn đi. - Xintxốp thấy đã
đến lúc phải hoàn toàn sòng phẳng với cô. - Tôi có bàn với Dôlôtarép chuyện làm
cáng, tìm cách tiếp tục mang chị đi, nhưng sau đó lại nghĩ rằng đi xa chị không
chịu nổi
- Thế là phải rồi. - cô đáp vậy, tuy chưa
biết họ tính chuyện gì, nhưng cô cũng đã sẵn sàng giúp họ giải quyết được dễ
dàng bất kỳ bằng cách nào.
- Chúng tôi tính là sẽ tìm người gửi chị ở
lại đây, còn chúng tôi thì tiếp tục vượt vòng vây.
Cô thở dài.
- Ngu khổ, ngu sở, ngu quá, thật là ngu khổ
ngu sở!
Đó là cô tự mắng mình đã để sai khớp chân
đến nỗi không sao đi cùng với hai anh được, cô cũng hiểu là họ nói đúng, nhưng
cô thấy bây giờ dù mình có phải chết chăng nữa thì cũng còn không đáng sợ bằng
ở lại một mình mà không có họ.
Nghỉ chân xong, họ lại lên đường, và khi
trời gần tối, họ chợt thấy một con đường mòn đi sâu vào rừng và là con đường ít
người qua lại.
Xintxốp liền quyết định rẽ vào con đường
đó, và họ rẽ ngay không để mất hút con đường, nhưng luôn luôn đi cách nó một
quãng để đề phòng.
Một giờ sau, con đường đã dẫn họ đến một
khoảng rừng thưa có mấy ngôi nhà nhỏ và một dãy lán dài của xưởng cưa gỗ. Trong
khoảng rừng này không thấy có xe cộ mà cũng chẳng thấy người. Xưởng cưa không
làm việc nữa. Nhưng những chồng gỗ súc và ván xẻ cho biết rằng cách đây không
lâu công việc của xưởng vẫn còn tấp nập lắm.
Dôlôtarép đi trinh sát, còn Xintxốp ở lại
với cô bác sĩ.
- Anh Xintxốp ơi, - cô khẽ nói,- nếu gặp
người xấu thì đừng để tôi lại nhé. Anh trả khẩu súng lục lại cho tôi, thà tôi
tự sát còn hơn
- Người xấu là thế nào? - Xintxốp bực mình
đáp. - mọi người đều xấu cả, chỉ có tôi với chị là tốt thôi hay sao?
- Anh với Dôlôtarép là tốt đấy, các anh đã
cõng tôi đi bao nhiêu lâu đây! Tôi đâm xấu hổ ra nữa ấy.
- Thôi đi chị! - Xintxốp vẫn bực dọc nói -
Chị nói với ai chứ nói với tôi thế mà được à! Chúng tôi đã được biết chị ba
tháng trời, hiểu chị là người thế nào rồi. Đừng cho chúng tôi đi tầu bay nữa!
Nếu không phải chị, mà là tôi bị sai khớp chân, thì thử hỏi chị có phải cõng
tôi đi không nào?
- Cõng anh thì khó thật đấy, anh cao lênh
khênh như thế kia cơ mà! - cô nói và mỉm cười, không phải cười vì Xintxốp cao
lêu đêu, mà là vì cái anh chàng chính trị viên cao kều và thường hay cau có
này, bây giờ đang nói với cô một cách bực tức như vậy chỉ là do lòng tốt, chứ
không phải do một nguyên nhân nào khác. - Thế anh có vợ chưa? - cô im lặng giây
lát rồi hỏi. - Tôi muốn hỏi anh từ lâu nhưng thấy anh cứ cáu kỉnh đến lạ...
- Thế bây giờ thì sao, tôi hiền lành đi rồi
hả?
- Không, chẳng qua là tôi định hỏi thế
thôi.
- Tôi có vợ rồi. Có cả một đứa con gái nữa.
Nó cũng tên là Tanhia như chị, - anh cau có nói.
- Thế việc gì anh cứ phải cáu kỉnh như vậy?
Nào tôi có đến dạm hỏi anh làm chồng đâu!
Nghe nói thế, anh nhìn vào khuôn mặt phờ
phạc của cô hồi lâu, mà nghĩ rằng người ta thường vẫn không hiểu ý nhau như thế
đấy. Rồi anh ôn tồn và dịu dàng nói, như nói với một đứa trẻ thơ:
- Chị ngốc lắm, ngốc lắm!... Chẳng qua là
tại tôi không biết nhà tôi và cháu gái hiện nay ở đâu thôi, rất có thể là nhà
tôi cũng đang ở ngoài mặt trận như chị. Và tôi vừa sực nhớ mọi việc. Còn về chị
thì tôi nghĩ rằng chị là một người đàn bà tốt nhất trên đời này, và là một
người đàn bà nhẹ nhất nữa, - anh tủm tỉm cười nói thêm. - Chị tưởng là cõng chị
nặng lắm sao? Bây giờ chị chẳng được bao nhiêu cân đâu!
Cô ta không trả lời, chỉ thở dài, và trong
khóe mắt cô ứa ra một giọt lệ nhỏ.
- Thế đấy, - Xintxốp nói - Tôi tưởng nói
đùa cho chị vui, vậy mà chị... À mà Dôlôtarép về kia rồi.
Dôlôtarép cho biết rằng những cảm tưởng ban
nãy của họ là hoàn toàn đúng: không thấy có quân Đức, nhưng trong xưởng cưa vẫn
có người. Suốt trong mười lăm phút nằm quan sát ở cửa rừng, anh thấy từ trong
ngôi nhà nhỏ ở ngoài cùng có một người tàn tật hai lần chống nạng đi ra trông trời.
Sau đó thấy một cô bé chạy ra rồi lại chạy vào nhà.
- Ngoài ra không thấy ai nữa!
- Vậy thì ta vào đi, - Xintxốp nói.
Anh bế cô bác sĩ cùng với cả tấm áo mưa
lên, không cõng mà ẵm cô như một đứa trẻ.
- Hay là để tôi vào nhà dò xét thêm xem sao
đã? - Dôlôtarép ngăn lại.
Nhưng Xintxốp đã nhất quyết.
- Nếu không có bọn Đức thì mình cứ vào
thẳng. Mình cũng là người chứ sao?
Anh bỗng cảm thấy nhục nhã mỗi khi cứ phải
tiến hành trinh sát ở ngay trên đất nước mình, phải trinh sát cả đến một cái
nhà mà trước kia, trước chiến tranh, anh và bất cứ ai cũng đều có thể không
ngần ngại bế một người đàn bà đau ốm vào đó bất kỳ giờ phút nào.
- Mình không tin là ở đó có những kẻ khốn
nạn, - anh nói. - Mà nếu có bọn khốn nạn, thì chúng ta đã có khẩu súng trường
này rồi.
Thế là hai tay bế cô bác sĩ, anh bước tới
ngôi nhà ở ngoài cùng và lấy chân thúc thúc vào cửa.
Cô bé mười lăm tuổi vừa sợ hãi mở then cửa
ra đã trông thấy một người cao lớn, vai rộng, có bộ mặt dữ tợn và hốc hác đang
bế một người đàn bà bọc trong tấm áo mưa. Hai cánh tay to lớn của người ấy run
lên vì mệt mỏi, còn trên hai ống tay áo - điều này đập ngay vào mắt cô bé - là
những ngôi sao đỏ của chính ủy quân đội.
Người thứ hai, thấp lùn, mặc chiếc áo da
rách rưới, cầm khẩu súng trường đứng sau lưng người cao lớn kia.
- Cô bé, dẫn tôi vào, - người cao lớn nói
với giọng như ra lệnh, - chỉ chỗ cho tôi đặt người ốm nằm! - Và, thoáng thấy
đôi mắt hãi hùng của nó, người đó bèn nói thêm với vẻ dịu dàng hơn: - Đây, em
xem các anh có khổ không nào?
Cô bé mở rộng cửa, Xintxốp bế cô bác sĩ
bước vào ngôi nhà gỗ, đưa mắt nhìn quanh; căn phòng trông nửa quê nửa tỉnh: một
bếp lò kiểu Nga, một chiếc trường kỷ rộng kê dọc tường, một tủ chè, một chiếc
bàn trải vải sơn, những cái giá treo tường với diềm hoa giấy...
-Ngoài em ra, ở đây còn ai không? - anh hỏi
cô bé.
- Có chứ, sao lại không, - một giọng nói
hơi khàn khàn vang lên sau lưng anh.
Xintxốp ngoái đầu lại và trông thấy người
cụt chân chống nạng đúng như Dôlôtarép đã nói, đang đứng ở khung cửa ăn thông
sang căn phòng bên cạnh. Người ấy đã đứng tuổi, đẫy đà, với mớ tóc rũ rượi và
bộ râu rậm cứng, màu nâu nhạt, trên khuôn mặt phát phì.
Thoáng thấy Xintxốp đang định đặt cô bác sĩ
nằm lên trường kỷ, bác ta liền giơ tay ngăn lại:
- Hẵng gượm... Lenka, lấy cái đệm trên
giường bên phòng ngủ sang đây, đừng lấy chăn và vải trải giường, chỉ lấy đệm
không thôi!... Mà nhanh tay lên! Chú ấy chờ hết hơi rồi kia!
Xintxốp nhìn chòng chọc vào người chủ nhà
và hẳn là vẻ mặt anh đã biếu lộ những gì anh nghĩ trong lòng mặc dầu đang có
chiến tranh và đang bị bao vây, anh cương quyết đòi hỏi ở đây cũng phải có đầy
đủ tất cả những gì mà một người Xô viết lâm nạn có quyền được hưởng ở một người
Xô viết khác.
- Cậu nhìn gì? Tớ không vui vẻ gì với các
cậu hả? - Người chủ nhà hỏi. - Nhưng vui vẻ nỗi gì kia chứ? - Đường ngay lối
thẳng, nếu bọn Đức kéo đến thì chúng tớ và các cậu đi đời ráo. Lúc ấy biết làm
thế nào?... Đây, đây, đặt vào bên mép này, rồi gập bớt đằng đầu lại, chiều dài
đủ đấy, - bác quay sang bảo cô bé đang hối hả đặt tấm đệm lên chiếc trường kỷ.
Xintxốp đặt cô bác sĩ xuống, rồi ưỡn thẳng
lưng lên một cách khó khăn. Anh tưởng chừng như tất cả những đường gân của mình
đều đã bong ra hết.
- Anh cũng to gan đấy! - thoáng thấy những
ngôi sao trên ống tay áo Xintxốp, người chủ nhà đã chuyển sang xưng hô bằng
“anh”, nửa ra vẻ giễu cợt, nửa ra vẻ kính trọng. - Bọn Đức kéo đến xung quanh
đây đã sang ngày thứ hai rồi: thế mà anh vẫn nghiễm nhiên làm chính ủy...
Lenka. mang nước ra uống đi! Không thấy các cô chú ấy mệt nhọc, khát nước à!...
Thôi được, ngồi xuống đây, tôi sẽ tiếp đãi các anh. - Bác dựa đôi nạng vào
tường, đưa một tay vịn mép bàn rồi ngồi xuống một cách nặng nề khiến chiếc ghế
đẩu kêu lên ken két. - Giá có việc gì tôi sẽ giấu các anh xuống hầm nhà, tính
tôi thế đấy: sợ thì ra sợ, mà đã không sợ thì ra không sợ!
- Các anh ngủ lại chứ?
Ximxốp gật đầu.
- Còn sau đó?
Xintxốp trả lời là tờ mờ sáng mai hai anh
sẽ lại lên đường vượt vòng vây ra với quân ta, còn cô bác sĩ thì các anh muốn
gửi lại đây; cô ấy bị sốt và đau chân, phải nằm nghỉ cho khỏi; nếu quân Đức có
đến đây chăng nữa thì một người đàn bà cũng không thể gây ra sự nghi ngờ gì đặc
biệt cả, nhất là không phải cô ta bị thương gì, mà chỉ bị ốm thôi.
- Hóa ra là bác sĩ. - bác chủ nhà nói. -
Thế mà tôi cứ tưởng là vợ anh.
- Tại sao vậy? - Xintxốp hỏi.
- Có phải người đàn ông nào cùng đi ẵm một
người đàn bà trên tay như vậy cả đâu. Hóa ra là bác sĩ, - bác chủ nhà nhắc lại
rồi cầm lấy nạng, đến cạnh đầu giường người ốm. - Chà, cô ốm nặng quá rồi! -
bác ta nói và đặt bàn tay lên trán cô. - Nóng như lửa đốt. Không phải thương
hàn chứ?
- Không, chỉ bị cảm lạnh, có lẽ là viêm
phổi. - cô bác sĩ nghẹn ngào trả lời.
- Dù thương hàn tôi cùng chẳng sợ. Tôi đã
bị đủ mọi loại thương hàn rồi. Còn chân thì sao?
- Sai khớp.
- Mai ta sẽ xem cái chân thế nào, có lẽ
phải chườm nước nóng. Không thể nuông chiều cái chân được đâu. Một lần tôi cũng
đã nuông chiều nó rồi đâm ra đi cà nhẳc suốt tới giờ. Chúng ta làm quen với
nhau đi: tôi là Biriukốp Gavrila Rômanôvíts. Bố tôi tên là Rôman, còn họ thì
ông cụ đổi đi cho hợp với vùng rừng núi ở đây. - bác nhếch mép cười và bắt bàn
tay nóng bỏng của cô bác sĩ, sau đó bắt tay Xinxốp và Dôlôtarép.
Cô bé bước vào, tay xách thùng nước và cái
ca.
- Đem lại cho cô ấy uống trước... - bác chủ
nhà hất hàm chỉ cô bác sĩ với vẻ săn sóc cục mịch, một nét đặc biệt trong cách
cư xử của bác ta. - Các anh từ đâu tới đây? Đi được mấy hôm rồi?
Xintxốp nhếch mép cười chua chát với số
phận của mình và trả lời rằng nếu tính gộp cả lại thì tới hôm nay đã đi được ba
mươi ba hôm.
Và để đáp lại câu hỏi “Sao lại thế?” anh
vắn tắt kể lại câu chuyện đã xáỵ ra.
Biriukốp thậm chí phải huýt sáo miệng lên
vì kinh ngạc:
- Ờ!
Số các anh long đong thật! Có thể nói là vừa về tới nhà thì lại lộn tùng phèo
lên hết. Này, Lenka, nghe thấy không, - bác đâm ra tốt bụng hẳn lên và nói. -
cứ để cái đệm đấy, mày vào nằm với cô ấy ở nhà trong. Còn cánh đàn ông chúng
tao nằm cả ngoài này.
Cô bé vui sướng, lon ton chạy vào chuẩn bị
giường nằm. Nó lấy làm hãnh diện về quyết định của bố nó, và chỉ mấy phút sau
Xintxốp đã chuyển cô bác sĩ vào căn phòng bên cạnh, đặt cô nằm lên một chiếc
giường đôi rộng thênh thang có đủ cả màn và đệm lỏng chim.
- Ôi, tốt quá, thật không ngờ! - cô bác sĩ
thều thào, - Em bé, giúp cô cởi áo tí nào. - Cô tưởng cánh đàn ông đã ra hết,
nhưng họ vẫn còn ở đó, và khi nghe cô nói thế họ liền bước ra khỏi phòng.
- Lenka, ra đây tí! - Biriukốp quát.
- Cái gì cơ ạ? - Lenka thò đầu ra khỏi cửa
có vẻ sốt ruột.
- Không ạ iếc gì cả, cứ ra đây cái đã! Ra
rồi khép cửa lại!
Cô bé tiến lại gần bác ta:
- Mày phải cởi quần áo cho cô ấy, nếu quần
áo lót kiểu bộ đội thì cũng phải cởi bỏ luôn. Lấy cái sơmi của mẹ mày cho cô ấy
mặc. Tất cả những gì trên người cô ấy là bộ đội thì thu nhặt tất mang xuống kho
củi. Mày biết giấu vào đâu rồi chứ gì? Vào cái chỗ để bộ quân phục của cái
người hôm qua đã đến đây ấy. Nếu không thì chúng nó cũng không coi cô ấy là đàn
bà đâu. Lấy giấy tờ ra đưa cho tao, tao sẽ tự tay đi chôn lấy. Hay là các anh
cầm đi theo vậy? Bác ta quay sang hỏi Xintxốp.
- Cứ để lại cho cô ấy thì tốt hơn. Sau này
có lúc còn cần đến.
- Ờ, thế là thế nào nhỉ! - Biriukốp nhếch
mép cười. - Hôm qua cũng đã có một người đi qua ghé vào nhà tôi, tôi sẽ chẳng
nhắc đến cấp bậc của anh ta làm gì, kệ xác anh ta. Nhưng anh ta thậm chí lại
chẳng đòi ăn uống gì cả, chỉ lo thay đổi quần áo! Có bao nhiêu tiền trong túi
anh ta móc ra hết, và dí vào mặt tôi: “Đây, biếu bác tất, chỉ cốt bác cho tôi
bộ quần áo nào ranh rách ấy!”. Tôi bèn cho anh ta một tấm áo sơmi và một chiếc
quần chùng, thực ra là còn lành lặn bởi vì oái oăm một nỗi là tôi chẳng còn bộ
nào nữa. Thế rồi tôi cùng để kệ cho anh ta muốn đi đâu thì tùy. Khi người ta đã
sợ đến nỗi mồm cứ lắp ba lắp bắp nói không thành tiếng nữa thì còn lấy của
người ta làm gì nữa kia chứ! Tôi đem bộ quân phục của anh ta chôn ráo cùng với
cả giấy tờ. Thế đấy, vậy mà các anh lại định cứ mặc thế mà đi à?
Xintxốp gật đầu.
- Ờ, nhỡ ra gặp quân Đức?
- Chúng tôi sẽ chiến đấu, - Dôlôtarép từ
nãy vẫn chưa góp chuyện bây giờ mới nói.
- Với cái của kia thì bây giờ cậu đánh nhau
được khối ra đấy! - Người chủ nhà hất hàm chỉ khẩu súng trường đang dựng ở chân
tường. - Nhưng dù sao tôi vẫn nhận thấy là đánh nhau với bọn Đức cũng đáng sợ,
đáng sợ quá.
- Mà đáng sợ thật! - Xintxốp nói.
- Đúng thế đấy, - bác ta đăm chiêu nói. - Ở
gần cũng đáng sợ mà ở xa lại càng đáng sợ hơn.
Rồi thấy cô con gái chạy qua phòng, bác ta
thét bảo là khi thu xếp cho bác sĩ xong thì phải sửa soạn bữa ăn.
Trong lúc cô bé lăng xăng chạy đi chạy lại,
mang mấy chiếc bao tải ra che cửa sổ. rồi chuẩn bị bữa ăn, thì Xintxốp và
Dôlôtarép được nghe bác chủ nhà vắn tắt kể lại cái mà bác ta gọi là “câu chuyện
đời mình”.
- Đại để là các anh không có quyền lục vấn
tôi là ai và tôi như thế nào? - bác ta chủ động mở đầu câu chuyện. - Các anh
đến nhà tôi, chứ có phải tôi đến nhà các anh đâu. Nhưng các anh còn để lại ở
đây một người, nghĩa là lương tâm đòi hỏi các anh phải biết rõ xem mình đã phó
thác lại cho ai. Có phải thế không nhỉ?
Xintxốp đáp là chính thế.
- Ấy đấy! Còn “chính thế” nữa kia! - bác
chủ nhà nhếch mép cười.
Bác ta kể lại đời mình một cách khá lộn
xộn: khi thì kể chuyện này, lúc lại xoay sang chuyện khác. Cuộc đời bác quả là
không may mắn, con người bác thì thật ba chìm bẩy nối.
Hồi nào đấy trong thời gian nội chiến, bác
đã từng chiến đấu. rồi giải ngũ về nhà với chức vụ trung đội trưởng. Bác đã
từng ở trong Đảng, đã làm đội trưởng sản xuất một thời gian khá lâu ở lâm
trường. Chính ở đấy, vì say rượu mà bác đã bị tê cóng trong tuyết giá mà hỏng
mất một chân. Vì không có bác sĩ phẫu thuật, người y sĩ đã cưa đứt cái chân của
bác đi như cưa một khúc gỗ vậy. Sau đó, do không chịu đựng được cảnh tàn tật,
bác lại càng xuống dốc, rượu chè be bét, phá tán hết mọi vốn liếng và ra khỏi
Đảng. Thậm chí bác đã từng lê la khắp đầu đường xó chợ. Rồi cách đây sáu năm
bác trôi giạt đến đây, đến với người vợ góa của một bạn đồng sự cũ...
Hất hàm về phía căn buồng mà cô bé đang
đứng bên trong, bác bảo:
- Mẹ nó có hai con, cả hai đứa đều là con
riêng của bà ấy.
Bác đang lao mình xuống hố sâu thì người
đàn bà ấy đã lôi bác ra khỏi hố và bác đã ở lại đây, sống với người đàn bà đó,
rồi trở thành thợ cơ khí ở xưởng cưa này, và trở thành ông bố hờ của hai đứa
con người khác.
Cách đây bốn hôm, một tai họa đã xảy tới với
gia đình này. Nghe các chiến sĩ làm việc trong xưởng cưa kháo nhau đủ thứ
chuyện về chiến tranh, thằng bé mười bốn tuổi, con riêng của bà chủ, bỗng dưng
biến mất. Chắc là nó đi theo cái đơn vị đã đi qua đây trong ngày hôm ấy rồi.
Thế là tối đến, mẹ nó chẳng nói gì với ai cả, bỏ đi theo để gọi con về.
- Và bây giờ mọi chuyện đã đến nông nỗi ấy
đấy! Tứ phía đều rặt là quân Đức, thế mà tôi đã ba hôm nay vẫn chẳng thấy mẹ
chúng nó đâu cả. Khi các anh đập cửa, tôi cứ tưởng là mẹ chúng nó về. Bao lâu
nay không uống rượu, thế mà hôm qua buồn quá đã lại nốc vào rồi. Chả là anh em
bộ đội còn để lại một chai lít mà! Lenka đã đến cất đi đấy, nhưng tôi vẫn còn
nhớ, thậm chí tôi đã đánh nó. Vì say rồi mà lị. Nó chẳng nói ra, nhưng tôi cảm
thấy là mình có đánh nó thật. Mà nó thì có bị đòn bao giờ đâu... Thế nào Lenka,
dọn lên di, dọn lên đi mà trong chai lít còn một ít rượu đấy, hôm qua mày chả
cất đi là gì…
Trong chai lít quả là có còn một ít rượu.
Mấy người đàn ông uống mỗi người một nửa cốc nhắm với khoai tây muối mặn chát.
- Cô ấy thế nào rồi? - bác chủ nhà hất hàm
về phía cửa mà hỏi. - Mày đã đưa vào cho cô ấy chưa?
- Con đã đưa vào cho cô ấy ăn trước rồi ạ,
- cô bé trả lời.
- Thế, thế, thế là đúng đấy...
Ăn uống xong, Dôlôtarép ợ lên một tiếng
thỏa mãn và chẳng nói lôi thôi dài dòng, đặt luôn khẩu súng trường bên mình,
trùm tấm áo da lên nằm ngủ ngay ở chân tường trên lớp cỏ khô mà cô bé đã đem
đến. Xintxốp định vào thăm cô bác sĩ, nhưng cô bé đã giữ anh lại ngay trước
cửa, bảo rằng bác sĩ vừa mới ngủ thiếp đi xong.
Xintxốp bèn quay ra ngồi xuống bên bàn.
- Anh có ăn thêm chút gì nữa không? - bác
chủ nhà hỏi.
- Cám ơn bác. Sau khi bị đói lâu, ăn no
quá, sợ không tốt.
- Có lẽ thế mà đúng đấy.
Bác Biriukốp cho xuống bấc đèn một lát rồi
chống khuỷu tay lên bàn, nói:
- Đồng chí chính trị viên, đồng chí nói cho
tôi biết: tại sao tình hình lại xảy ra như vậy? Bây giờ đây đồng chí ngồi trước
mặt tôi, đồng chí là Hồng quân Công Nông, một khi đồng chí đã không cởi bỏ quân
phục thì tuy tôi kính trọng đồng chí, nhưng tôi cũng lại phải chất vấn đồng
chí. Tại sao tình hình lại xảy ra như vậy và nó còn kéo dài đến bao giờ? Đừng
tưởng rằng tôi hỏi đồng chí là người đầu tiên đâu nhé. Tôi đã nói chuyện cả với
anh em chiến sĩ, lại với cả một thượng úy đã ở ngay đây để theo dõi xưởng cưa,
nhưng thực ra anh ta cũng chẳng biết được gì nhiều... Lại còn cả một ông tướng
chí huy sư đoàn nữa kia. Ông ấy đến đóng quân ngay trong rừng này trước khi ra
trận. Tướng chiến đấu hẳn hoi đấy nhé, không chê vào đâu được, vì ông đã từng
cùng anh em phá vòng vây ra khỏi vùng biên giới, thu nhặt xong sư đoàn rồi lại
xông ngay ra mặt trận... Tôi cũng hỏi ông ta như thế này: “Đồng chí thiếu
tướng, chắc đồng chí nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được, cũng không đoán ra
được là mình phải rút lui đến tận đây, tuy đồng chí không nói với tôi điều đó
nhưng tôi thừa hiếu rằng đồng chí đã không sao tưởng tượng như vậy được! Vậy mà
mọi việc đã xảy ra không như ý đồng chí. Thế bây giờ đồng chí nghĩ sao, đồng
chí cứ nói thật đi, đồng chí không bỏ đây mà đi nữa chứ? Bọn Đức sẽ không đến
được cái lều này của tôi chứ?”.
Nói đến những câu này, bác Biriukốp ngẩng
đầu lên thong thả đưa mắt nhìn quanh căn nhà một lượt tựa hồ như sắp phải từ
biệt nó.
- Ông ta trả lời thế nào nhỉ? Ông ta bảo:
“Lẽ cố nhiên! Ngày mai chúng tôi sẽ tiến quân, sẽ tự tay nện cho chúng bò lê bò
càng và trước tiên sẽ tống cổ chúng ra khỏi Ennha”. Rồi sao nhỉ? Đúng thế, họ
đã tiến quân, họ đã nện cho chúng bò lê
bò càng và đã tống cổ được chúng ra khỏi Ennha! Nhưng bây giờ thì sao? Ông
tướng ấy đã rời khỏi đây mà tiến quân lên phía trước, đã chiếm được Ennha,
nhưng thế nào mà hôm qua quân Đức lại thọc được vào sau lưng chúng tôi. Mà thọc
đến tận đâu ấy nữa kia! Nghe nói hôm qua có một cô điện thoại viên từ Ugra gọi
dây nói đến Dnamenka, thế mà ở Dnamenka chúng nó đã xì xồ với cô bằng tiếng Đức
rồi, mà đó là còn cách đây những năm mươi cây số về phía đông nữa kia!
- Không thế như thế được! - Xintxốp nói.
- Thì những việc kia cũng không thể như thế
được đấy! Ông tướng nói đã chiếm được Ennha mà bây giờ quân Đức lại lù lù ở
Dnamenka. Vậy cái ông tướng ấy bây giờ ở đâu rồi? Anh hãy cho tôi biết đi!
- Ở đâu, ở đâu cái gì! - Xintxốp bỗng nổi
khùng lên. - Ông ta đang chiến đấu ở một nơi nào đó trong vòng vây chứ còn ở
đâu nữa. Mà chúng tôi cũng chiến đấu như vậy thôi, nếu không bị đánh bất thình
lình... Gì thì gì, chúng tôi cũng đã từ Môghilép về đến được Ennha. Đã có lúc
tưởng chừng phải hạ vũ khí trước kẻ thù, thế mà chúng tôi vẫn không chịu hạ
đấy! Những người khác cũng thế thôi, họ cũng chẳng kém chúng tôi đâu!
- Có thể là không kém đâu, nhưng quân Đức
lại vẫn cứ bao vây được các anh! Vậy có nên chờ đợi để rồi bị bao vây như thế
không? Hay là chính mình phải đến lôi cổ chúng ra khỏi nơi đây và những nơi
khác nữa. Nếu không thế chúng ta sẽ cứ đứng đợi để chúng đến bạt tai mình
trước. Mà ở đây còn có một vấn đề nữa là: liệu mình có đứng vững được không?
Nếu không đứng vững được thì dù anh có nằm xuống rồi, chúng vẫn cứ đánh mãi nữa
kia! Anh và cậu chiến sĩ của anh đang là gì vậy? Các anh chính là những kẻ đang
nằm rồi đấy.
- Không đâu, - Xintxốp nói.
- Vậy thì các anh đang bò...
- Không, chúng tôi cũng chẳng bò, chúng tôi
đang đi đến chỗ quân ta và sẽ đi đến nơi đến chốn.
- Thế nhỡ ra gặp lính Đức?
- Chúng tôi sẽ giết chúng.
- Thế gặp xe tăng? Cũng giết à? Theo tôi
thì tốt hơn hết là đừng có gặp ai cả, cứ lặng lẽ mà đi cho tới khi đến được chỗ
quân ta. Bởi vì nếu bây giờ gặp quân Đức thì không phải các anh giết chúng mà
đúng hơn cả là chúng sẽ giết các anh.
- Điều đó thì tôi chưa biết. - Xintxốp nín
lặng, thầm điểm lại tất cả những gì mình đã trải qua kế từ ngày vượt qua cầu
Môghilép và ở lại với đơn vị Xerpilin. - Nhưng tôi biết một điều là: chúng tôi
có khả năng tiêu diệt được chúng bao nhiêu thì chúng tôi đã tiêu diệt được hấy
nhiêu, mặc dù có thể là vẫn còn ít.
- Đó là điều anh đã biết. Vậy còn điều gì
anh chưa biết? Anh đã mào đầu là “tôi chưa biết”.
- Điều tôi chưa biết là không hiểu vũ khí,
khí tài của chúng ta đi đâu mất. Tựa hồ như nó đã tự thu vào một cái hố, kể cả
trên trời và dưới đất!
- Trong khi đó thì máy bay của chúng. -
Biriukốp im lặng giây lát rồi nói, - cứ ầm ầm bay qua đây để đến đánh phá
Maxcơva. Chiều chiều bay đi, nửa đêm lại bay về. Ngày nào tôi cũng phải ra mái
hiên, lắng nghe xem: chúng trở về có nhiều không, tiếng máy bay ầm ì như thế
nào ở trên trời... Biết vậy thôi, anh đi ngủ đi! Chớ bực mình là tôi đơm chuyện
quấy rầy anh thế, nhưng có lẽ anh là người chính trị viên cuối cùng tôi được
nói chuyện, còn ngày mai tôi đã phải nói chuyện với bọn Đức rồi. Khi nào anh
đến chỗ quân ta và báo cáo tình hình thì nhờ anh nói hộ tôi là: có thể kế hoạch
của các anh là rút lui đến tận Maxcơva như Cutudốp, nhưng cũng phải nghĩ đến
nhân dân nữa. Cố nhiên không phải bất cứ con gián nào trong khe tường cũng đều
yêu mến chính quyền Xô viết, nhưng tôi không nói chuyện con gián, tôi nói
chuyện con người. Giá cứ nói toạc cho tôi biết rằng sẽ rút lui, rằng kế hoạch
là như vậy, thì tôi cùng đã cuốn gói đi nơi khác rồi. Còn bây giờ thì sao? Bây
giờ tôi cứ phải sống ở đây và đến than thân trách phận với quân Đức chăng? Đến
trình với chúng rằng mình là người như thế này, như thế kia, tốt lắm, đã bị
tống cổ ra khỏi Đảng, không đồng ý với chính quyền Xô viết... Thế chứ gì? Đem
con bỏ chợ như vậy để làm gì nhỉ? Thà tôi cứ bỏ đi nơi khác còn hơn. Anh chính
trị viên ơi, cứ nói thế nhé! Chao ôi, mà rồi anh cũng chả nói đâu! Hễ đi đến
nơi là anh sẽ chỉ nói: “Báo cáo, tôi đã có mặt để nhận lệnh của đồng chí”. Thế
là hết đấy.
- Sao lại thế được?
- Nó thế đấy. Còn về cô bác sĩ thì anh đừng
lo. Tôi không đem nộp một người đàn bà cho chúng giết đâu.
- Tôi không sợ thế, tôi tin ở bác.
- Thôi, với anh tôi chẳng còn gì nói thêm
nữa đâu, - bác Biriukốp nói, vẻ mỉa mai, sự cau có đã trở lại trong con người
bác, và khi bện xong cái bấc đèn, bác nằm phịch xuống trường kỷ, trở mình một
lát rồi ngáy ầm ầm.
Xintxốp nằm nhìn lên trẩn nhà, và anh tưởng
chừng như không có trần nhà, mà chỉ thấy một bầu trời đen, trong đó nghe có
tiếng ẩm ì đứt đoạn của những chiếc máy bay ném bom đang kéo tới Maxcơva. Anh
vừa bắt đầu thiếp đi thì chợt một bàn tay trẻ con đụng vào mặt anh.
- Đồng chí chính trị viên, - cô bé ngồi xổm
xuống đất, thì thẩm nói, - cô ấy gọi đồng chí.
Xintxốp bèn cất mình đứng dậy và không xỏ
ủng, cứ để chân đất theo sau cô bé sang phòng bên cạnh
- Sao, cô thế nào rồi? - Anh cúi xuống bên
nữ bác sĩ và hỏi: - Khó chịu lắm ư?
- Không, tôi đỡ rồi, nhưng cứ sợ thình lình
bị mê man hay ngủ thiếp đi rồi các anh đi mất mà chẳng chia tay.
- Chúng tôi không bỏ đi mà chẳng chia tay
đâu. Chúng tôi phải vào từ biệt cô chứ.
- Anh để khẩu súng lục của tôi tại cho tôi.
Nhét xuống dưới gối. Được chứ? Rất muốn đưa cho anh, nhưng tôi cũng cần đến nó.
Song Xintxốp đã không ngần ngại trả lời
rằng anh sẽ không trả lại cho cô bởi vì, quả thực, khẩu súng lục đó đang rất
cần cho anh, còn đối với cô thì nó chỉ có thể làm hại cô mà thôi.
- Chị cứ tự nghĩ mà xem: bộ quân phục của
chị cũng phải đem giấu đi, thậm chí còn phải đổi cả áo sơ mi khác cho chị nữa,
thế mà dưới gối lại để khẩu súng lục! Nếu quân Đức không đến thì chị chẳng cần
gì đến súng lục, còn nếu chúng đến thì khẩu súng sẽ trở thành mối nguy cho chị
và... cho cả những người chủ nhà của chị nữa, - Xintxốp nói thêm như vậy khiến
cô không sao phản đối được. - Ngủ đi. Có thực là đỡ hơn không?
- Thực đấy... Nếu anh gặp đồng chí Xerpilin
thì kể chuyện về tôi nhé. Được không?
- Được.
Anh khe khẽ siết bàn tay nóng như lửa của
cô.
- Theo tôi thì chị sốt nặng hơn rồi đấy.
- Tôi khát nước luôn, còn nói chung thì chả
sao đâu.
- Đồng chí chính trị viên, - cô bé níu anh
lại nơi ngưỡng cửa, - cháu muốn nói với chú một việc... - cô nín lặng, lắng
nghe tiếng ngáy của ông bố. - Chú đừng lo ngại gì về cô Tanhia. Chú cũng đừng
nghĩ gì về bố cháu cả, - cô gọi đúng chữ “bố”, chứ không gọi là “dượng”, - đừng
nghĩ tại sao bố cháu lại dữ tợn đến như vậy. Bố cháu đang khổ sở về mẹ cháu và
thằng em trai cháu đấy... Chú đừng sợ, đừng để tâm những chuyện bố cháu nói,
chuyện bố cháu bị khai trừ ra khỏi Đảng, đó toàn là những chuyện từ bao giờ bao
giờ rồi ấy! Thế rồi khi chiến tranh bắt đầu, bố cháu đã lên ngay huyện ủy đề
nghị xin được vào Đảng trở lại. Đảng ủy lâm trường người ta đã nghiên cứu về bố
cháu, nhưng sau đó mọi người đều đi bộ đội ráo cả, cho nên không sao họp hội
nghị được. Chú đừng lo ngại gì về bố cháu cả nhé!
- Chú chẳng lo ngại gì đâu!
- Còn cháu thì cháu cũng sẽ làm hết mọi
việc! - cô bé lại sốt sắng tiếp tục thì thào. - Cháu sẽ nhận cô Tanhia là có họ
hàng với nhà cháu! Cháu đã bàn xong với cô ấy rồi. Cháu lấy danh dự đoàn viên
hứa với chú như vậy!
- Cháu đã là đoàn viên rồi kia ư? - Xintxốp
hỏi.
- Vâng, từ tháng năm.
- Thế thẻ đoàn viên của cháu đâu?
- Đưa chú xem nhé? - cô bé hỏi và tỏ vẻ sẵn
sàng.
- Thôi đừng. Chỉ cốt sao cháu tìm được một
người y sĩ nào đến nắn lại chân cho cô ấy thì tốt quá. Chú không biết cách nắn
xương, phải biết cách mới nắn được.
- Nhất định cháu sẽ tìm được, cháu sẽ tìm y
sĩ, bác sĩ đến! - cô bé vẫn nói với cái vẻ sẵn sàng ấy. - Cháu sẽ làm tất!
Và Xintxốp tin rằng nhất định cô bé sẽ tìm
được y sĩ, bác sĩ thực, sẽ dẫn đến thực và sẽ làm tất cả mọi việc, sẽ hy sinh
cả tính mệnh cho cô bác sĩ nhỏ nhắn này.
Anh lại đặt mình nằm xuống, và lần này
trong nháy mắt đã ngủ lịm đi, không hề nghĩ ngợi một điều gì nữa.
Ánh sáng đã làm anh thức giấc, giữa lúc mơ
màng, anh tưởng trời đã sáng, nhưng khi mở mắt ra thì thấy trong nhà vẫn tối
om. Anh lại toan nhắm mắt, nhưng một luồng ánh sáng rộng đã loang loáng quét
lên khung cửa số. Đây chỉ có thể là ánh đèn pha của một chiếc xe đang chạy vào
xưởng cưa mà thôi. Xintxốp nhảy bật dậy và chưa kịp xỏ ủng đã lay gọi Dôlôtarép
và bác chủ nhà.
Ánh sáng lại lướt qua cửa sổ.
- Quân Đức đi xe đến! Đợi quá lâu rồi! -
bác Biriukốp khàn khàn nói. - Chạy đi thôi!
Vừa nhảy lò cò bằng một chân, vừa đưa hai
tay vịn tường, bác lần đến ô cửa sổ trông ra sân, giật tung cánh cửa mở toang
nó ra.
- Chạy đi! Qua sân, tắt qua vườn rau mà
thoát vào rừng. Chúng không thấy đâu. Nhanh lên!
Qua cửa sổ mở rộng đã nghe thấy tiếng nổ
của mấy chiếc xe. Xintxốp để cho Dôlôtarép ra trước, rồi vẫn chưa kịp xỏ ủng,
anh vớ luôn lấy nó cùng với đôi xà cạp mà trèo qua cửa sổ.
Và thật là vừa đúng lúc. Những chiếc xe
khác đang còn chạy, nhưng một chiếc đã đỗ lại bên cạnh nhà, đã nghe tiếng bọn
Đức nói oang oang. Chiếc xe này chở đầy lính.
Sau khi vượt qua vườn rau và chạy giữa
những đống gỗ ra đến cửa rừng, Xintxốp cùng Dôlôtarép ngồi tạm xuống để thở.
Vừa đi ủng vào chân, Xintxốp vừa ngoái lại nhìn phía đằng sau, nơi mấy chiếc xe
Đức đang vòng trở lại, chiếu đèn pha ra bốn phía. Còn trong căn nhà mà Xintxốp
và Dôlôtarép vừa chạy ra cách đây năm phút, thì lúc đầu thấy ánh sáng nhen lên
trong một ô cửa sổ, sau đó đến ô cửa sổ thứ hai. Ánh sáng xuyên qua lớp bao tải
che không kín khung cửa sổ mà lọt ra ngoài, thậm chí đứng đây nhìn cũng thấy
được.
Nhìn làn ánh sáng đó, Xintxốp đau xót cảm
thấy mình bất lực. Mới cách đây một giờ, ít ra họ còn có thể bảo vệ người đàn
bà đang nằm ở đấy, dù là bằng khẩu súng trường và khẩu súng lục này. Nhưng giờ
đây cô ta đã bị bỏ lại một mình, không gì che chở, phó thác cho lương tâm của
con người và lòng nhân từ của quân địch.
Dôlôtarép cũng nghĩ đúng như thế.
- Chỉ mong sao trong cơn sốt, cô ấy đừng có
nói nhảm điều gì! - anh nói rồi đế thêm: - Chúng mình tranh thủ rít vài hơi chứ
đồng chí chính trị viên? Trong bụng thấy bồn chồn quá.
- Sợ chúng trông thấy mất!
- Không sao, chúng không thấy được đâu. Ta
lấy áo capốt che đi chứ...
Thế là họ chỉ còn lại có hai người chứ
không phải ba nữa, và họ cũng sẽ chỉ đi với nhau thêm sáu ngày đêm nữa, cho đến
lúc số phận lại ném tung cả hai người về hai phía khác nhau.
Trong sáu ngày đêm đó, họ đã phải chịu đựng
tất cả những gì có thể trút xuống số phận của hai người mặc quân phục và cầm
súng trong tay đang đi qua dinh lũy của quân thù để về với quân ta. Họ đã nếm
đủ mùi đói rét, đã bao phen kinh hoàng trước cái chết. Đã mấy lần tính mạng họ
chỉ treo đầu sợi tóc, suýt bị chết hoặc bị bắt làm tù binh, và họ đã từng nghe
thấy tiếng quân Đức nói, tiếng súng ống Đức va nhau lách cách, tiếng gầm rú của
xe cộ Đức và ngửi mùi xăng Đức chỉ cách mình có hai chục bước.
Bốn lần họ đã ngủ đêm trong khu rừng tháng
mười ẩm ướt, tê cóng vì lạnh, và hai lần đã ghé vào nhà dân để ngủ nhờ.
Ở một nhà dân, người ta mừng rỡ khi thấy
họ, còn ở nhà kia, người ta lại hoảng sợ, không phải sợ họ mà sợ là quân Đức
biết rằng họ đến ngủ nhờ ở đây. Nhưng cả hai nơi họ ngủ nhờ, ai nấy đều đặc
biệt chú ý tới việc họ vẫn mặc quân phục mà đi. Ở nhà thứ nhất thì người ta tự
hào về họ, còn ở nhà thứ hai, người ta kinh sợ cho bản thân mình.
Và khi rời khỏi ngôi nhà thứ nhất lúc trời
tảng sáng, Dôlôtarép đã bảo Xintxốp:
- Đây mới chính là những người Nga! Phải
không, đồng chí chính trị viên?
- Đúng!
Còn khi họ rời khỏi ngôi nhà thứ hai cũng
vào lúc trời tảng sáng thì Xintxốp lại báo Dôlôtarép:
- Đã thế thì cho đến chết cánh mình cũng sẽ
không cởi bỏ quân phục, dù chỉ để chọc vào mắt những kẻ bo bo ích kỷ kiểu đó.
Còn Dôlôtarép thì đáp rằng, đồng chí chính
trị viên thuận trả cho họ một trăm rúp về khoản thức ăn thì thật phí hoài. Đáng
lẽ ra cứ nhổ toẹt vào mõm chúng nó!
- Thì tớ đã nhổ rồi đấy, nhổ bằng cách trả
cho chúng một trăm rúp đó. Cứ để cho chúng nuốt lấy cái nhục ấy.
- Thế mà chúng còn mở mồm bảo là con trai
chúng nó ở trong quân đội! - Dôlôtarép vẫn chưa thôi bứt dứt. Thật kẻ mạt kiếp
mới phải đi đổ máu cho những thứ bố mẹ như vậy!
- Ngoài bố mẹ ra, còn có chính quyển Xô
viết nữa chứ.
- Có thì cùng có đây, nhưng dù sao vẫn rất
khổ tâm! - Dôlôtarép không chịu đồng ý với Xintxốp.
Và cuộc trò chuyện đó cũng suýt nữa trở
thành lần trò chuyện cuối cùng của họ, bởi vì nửa giờ sau họ vừa leo lên khỏi
một khu rừng dốc đứng thì chạm trán ngay với hai tên lính thông tin Đức đang
kéo cuộn dây điện thoại. Cuộc gặp gỡ này là bất ngờ đối với cả hai bên, nhưng
hai người Nga đang vượt vòng vây vốn tinh khôn như thú rừng, nên dù sao vẫn xử
trí nhanh hơn là hai tên Đức vừa mới uống cà phê buổi sáng xong và đang huýt
lên một điệu sáo với cái dạ dày no căng.
Dôlôtarép giương súng trường bắn vào một
tên Đức trước khi hắn kịp giật súng trường ra khỏi vai. Còn tên Đức thứ hai
hoảng quá, bỏ chạy lẩn vào bụi cây, Xintxốp đuổi theo dùng súng lục bắn, mãi
đến viên đạn thứ bảy, viên đạn cuối cùng, mới giết được nó.
Sau đó, họ thu lấy một khẩu súng trường và
một bao đạn rồi cứ xuyên rừng mà chạy để xa lánh nơi bắn nhau đó, chạy mãi cho
đến khi mệt nhoài, ngã khuỵu xuống trong một bụi rậm. Mãi tới đây họ mới nằm ôn
lại mọi sự việc vừa xảy ra.
“Thế là chúng mình đã giết được chúng nó
rồi đây”,- Xintxốp nghĩ thầm và nhớ tới câu bác Biriukốp hỏi hôm trước, nơi
xưởng cưa: “Thế nhỡ ra gặp lính Đức?” - và câu mình trả lời: “Chúng tôi sẽ giết
chúng”.
- Đi thôi, - Dôlôtarép nói, - kẻo chúng nó
lại vào càn quét trong rừng đấy, chúng mình chạy chưa xa lắm đâu...
- Ừ, phải, - Xintxốp nói đoạn khoác khẩu
súng trường Đức lên vai, rồi lại nói thêm: - Có vẻ nặng. Lâu không mang súng
trường đến nỗi không quen vác nó nữa.
Dôlôtarép bèn khuyên anh quẳng khẩu súng
lục đi, vì dù sao cũng đã bắn hết nhẵn đạn rồi. Song Xintxốp thấy tiếc, báo
rằng sẽ còn tìm ra đạn và rút cục vẫn giữ khẩu súng lục.
Nhưng sau đó, anh lại chỉ còn trơ mỗi khẩu
súng lục không đạn ấy mà thôi. Số là ban đêm họ phải qua sông, trong khi lội
nước ngập đến cổ thì thình lình anh bị thụt xuống cái hố sâu, đánh rơi xuống
nước mất cả áo capốt lẫn khẩu súng trường Đức mà anh đã dùng thắt lưng buộc lại
với nhau và giơ lên cao khỏi đầu. Rồi hết lặn lại mò mà anh vẫn không sao tìm
thấy một thứ gì cả. Thế là cả hai người chỉ còn có một khẩu súng trường với một
tấm áo da.
Qua sáu hôm, họ đã gặp đủ mọi điều, chỉ
thiếu mỗi một điều là không thể làm thế nào để đến được chỗ quân ta, họ càng
thọc sâu về phía đông bao nhiêu thì té ra quân Đức lại còn tiến sâu hơn cả họ.
Cuối cùng, cái ước mơ tìm đến tuyến mặt
trận của họ dường như đã bắt đầu tỏ ra không sao thực hiện nổi. Nỗi cô đơn đã
đè nặng lên lòng họ nhiều hơn cả. Đôi khi trò chuyện với nhau về điều đó, họ
lại nẩy ra cảm tưởng hình như quãng đường gian khó cùng đi với Xerpilin từ Môghilép
tới Ennha vẫn còn là sung sướng hơn, nếu đem so với những điều mà họ phải chịu
đựng trong lúc này. Giá mà gặp được một đơn vị đang phá vây để cùng đi với nhau
thì sướng biết bao.
Thực ra, có một lần gần tối, họ đã gặp được
một thượng úy mặc quân phục với bảy chiến sĩ có vũ khí. Xintxốp và Dôlôtarép tỏ
ý muốn nhập bọn với họ và viên thượng úy không phản đối việc ấy. Nhưng qua một
đêm anh ta đã nghĩ lại, có lẽ là sau khi nghe Xintxốp kể lại rằng hai người
vượt vòng vây suốt từ dạo tháng bảy tới giờ, thì anh ta đâm ra nghi ngờ. Gần
sáng Dôlôtarép chỉ còn nghe thấy tiếng những bụi cây chớm phủ tuyết đọng đầu
mùa đang gãy, kêu răng rắc. Tám người kia đã dậy kéo nhau đi riêng mà không
đánh thức họ.
- Sao, ta đuổi theo chứ? - Dôlôtarép hỏi
Xintxốp.
Nhưng Xintxốp trả lời:
- Họ đã không tin mình thì cứ kệ cho họ đi.
Và hai anh đã tìm mãi, tìm mãi mà không
thấy một đơn vị nào vừa thoát vòng vây vừa chiến đấu, để có thể nhập bọn được.
Rõ ràng là các đạo quân từ Viadơma vượt ra đã đột phá theo các hướng khác...
Lần cuối cùng họ đã phải ngủ dêm trong
rừng. Mép rừng lượn quanh theo đường ôtô mà trên đó dòng xe cộ của quân Đức qua
lại hầu như không ngớt.
Nhân cơ hội thuận tiện, họ chạy vụt qua
đường, tiến sâu vào rừng thêm chừng hai cây số nữa, bẻ những cành thông và chui
vào giữa đám cành lá rậm rạp, lấy tấm áo da rách của Dôlôtarép trùm lên đầu.
Mấy hôm trước, trời còn khô ráo, nhưng hôm nay vào lúc gần tối, lần đầu tiên
trời lại đổ mưa. Dù đã phải nằm sát vào nhau cho ấm, họ vẫn bị lạnh và bị ướt
trong khi ngủ. Thêm nữa cái đói lại còn hành hạ: sáng nay đã vừa hết nhẵn thức
ăn cuối cùng mà họ đã xoay được khi ngủ nhờ lần cuối cùng trong nhà dân.
Cả hai đều không sao ngủ được.
- Tiếc quá, cái thắt lưng rơi xuống sông
mất, - Xintxốp nhếch mép cười ỉu xìu. - Nếu không thì cũng thắt chặt được bụng
lại cho dễ chịu hơn.
- Chúng mình dại, không lục lọi túi dết của
mấy thằng Đức xem có thức ăn gì không.
Dôlôtarép đã tỏ ý tiếc rẻ việc này không
phải lần đầu.
- Con đường ta vừa chạy qua lại là đường
rải dá, - Dôlôtarép lặng im chốc lát rồi hỏi: - Không biết nó là con đường nào
nhỉ?
- Hình như đường đi Vêrêa, còn Mêđưn thì đã
ở về phía nam. Có thể đấy chính là con đường từ Mêđưm đến Vêrêa.
- Thế từ Vêrêa đến Maxcơva bao nhiêu cây?
- Gần một trăm cây.
- Ờ... - Dôlôtarép trầm ngâm nói. - Nghĩa
là chỉ còn gần một trăm cây số nữa thì sẽ đến được Maxcơva, thế mà cánh mình
vẫn ở trong hậu tuyến của bọn Đức. Chịu, không sao tin nổi nữa... - Anh lắng
nghe tiếng gầm rú thấp, nặng nề rền rĩ trên trời. - Chúng kéo đến Maxcơva đấy.
Còn phải bay thế này nghĩa là chưa chiếm được Maxcơva đâu!
Họ lại nằm im lặng mấy phút.
- Xintxốp, Xintxốp ơi! - Dôlôtarép gọi.
Họ đều là những người cùng một thế hệ:
chính trị viên Xintxốp đang độ ba mươi, còn chiến sĩ hồng quân Dôlôtarép thì
chưa đến hăm bảy tuổi; cảnh hoạn nạn đã kết họ thành anh em, và giữa cuộc sống
hiện nay họ đang trải qua một cuộc sống mà đôi lúc họ tưởng như đã ruồng bỏ hai
người họ với nhau trên toàn bộ quá đất này, họ đã bắt đầu gọi nhau bằng “cậu
tớ” lúc nào mà không hề hay biết.
- Cái gì vậy?
- Thế là rút cục tớ với cậu đã phải để cô
bác sĩ lại, không cứu được cô ấy.
- Vậy cậu định cứu bằng cách nào? Nếu chìm
xuống nước, thì còn nâng cô ta lên trên đầu được. Chứ như thế này thì còn làm
gì được nữa? Để cô ta chết dọc đường thì tốt hơn à?
- Ừ, thực thế đấy, - Dôlôtarép đồng ý. Rồi
anh thở dài nhắc lại: - Nhưng rút cục cánh mình đã bỏ cô ta lại!
- Vậy cậu còn muốn gì nữa nào? - Xintxốp
đáp với vẻ không bằng lòng.
- Tớ thì muốn nhiều thứ... Muốn mà không
được. Thế mới bực... Nhưng cậu có biết là tớ muốn gì không?
- Nào, muốn gì?
- Giá người ta bảo tớ: “Dôlôtarép, chúng tớ
sẽ ném cậu như một quả bom vào đầu thằng Hítle, nhưng có điều là nếu cậu khử
được nó thì cậu cũng ra tro, vậy cậu có bằng lòng không?!”, thì tớ sẽ hỏi:
“Nhưng liệu ném có trúng không?”, và nếu họ cam đoan “Trúng chứ”, thì tớ sẽ đáp
“Ném đi!”. Cậu có tin không?
- Tin chứ.
- Mà đôi khi tớ còn nghĩ: tại sao số mình
lại hẩm hiu thế, chui đi làm lái xe? Tớ hoàn toàn có thể lái được xe tăng cơ
mà!
- Thế thì sao?
- Chả sao cả. Tớ chỉ muốn ít ra cũng được
một lần giã chúng không phải bằng súng trường, mà bằng đại bác, và tự tay mình
giã cơ! Dùng sức của mình nghiền nát ra như cám một cái gì đó, một chiếc xe
tăng hay là một chiếc ôtô của chúng cũng được! Khi nào ra khỏi vòng vây tớ cóc đi
làm lái xe nữa. Quẳng mẹ cái nghề này đi.
- Họ biết cậu là lái xe là họ vẫn sẽ điều
động cậu thôi.
- Tớ sẽ giấu chứ! Tớ sẽ giấu chứ! -
Dôlôtarép ngừng nói. - Xintxốp, Xintxốp này!
- Cái gì?
- Cậu bảo liệu quân Đức có chiếm được
Maxcơva không?
- Tớ không biết.
- Nhưng cậu nghĩ thế nào chứ?
- Tớ không tin.
Một loạt tiếng gầm rú trầm trầm lại rền rĩ
kéo qua bầu trời.
- Chúng nó lại bay đấy...
- Xintxốp, thế trước cậu học ở đâu?
- Lúc đầu học ở trường cấp hai, sau học ở
trường dạy nghề.
- Tớ cũng vậy. Cậu học ở trường nào.
- Trường chế biến gỗ. Còn cậu?
- Tớ học nghề thợ nguội, thuộc công ty máy
móc nông nghiệp Rôxtốp. Thế sau đó?
- Sau đó mình đi làm. Rồi lại đi học.
- Ở đâu?
- Ở ĐABACÔ.
- ĐABACÔ là cái gì?
- Trường đại học báo chí cộng sán chủ
nghĩa.
- Còn tớ thì công tác suốt, lái máy kéo và
xe tải, chỉ khi vào bộ đội mới chuyển sang lái xe con. Nhưng cậu nghĩ thế nào,
liệu ông Xerpilin có khỏi không?
- Tớ chả biết. Bác sĩ bảo là sẽ khỏi.
- Giá mà lại được về đơn vị ông ta thì hay
quá nhí?
- Bao giờ thoát vòng vây chúng mình sẽ viết
thư cho ông ấy.
- Cậu bảo tớ là trước cậu công tác ở
Viadơma phải không? - Dôlôtarép chợt hỏi.
- Ừ, ở Viadơma, - Xintxốp đáp, và sau đó
anh im lặng hồi lâu.
Bản thân anh cũng đã nhiều lần nhớ tới
Viadơma, và bây giờ, sau câu hỏi của Dôlôtarép anh nhẩm tính xem từ đây đến đó
bao nhiêu cây số, rồi quyết định nếu không thể vượt qua được vòng vây thì đành
phải rẽ sang Viadơma, tìm người quen mà tham gia đánh du kích ở đó.
Đêm ấy, cả anh lẫn Dôlôtarép đều nghĩ rằng
Viadơma đã nằm lại sâu trong hậu tuyến của quân Đức thì tất nhiên đã bị chúng
chiếm từ lâu. Dù sao chăng nữa, chắc là hai anh vẫn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn,
nếu được biết những việc đã xảy ra ở đó trong thực tế.
Vành đai xung quanh Viadơma ngay trong đêm
đó cũng vẫn mỗi lúc một khép chặt thêm mà không sao có thể khép chặt đến cùng
được, các đạo quân bị bao vây của ta đang bỏ mạng ở đó trong những trận chiến
đấu cuối cùng, những trận chiến đấu tuyệt vọng với các quân đoàn xe tăng và bộ
binh Đức. Nhưng chính do đó mà mấy hôm sau, ở trước thành Maxcơva, Hítle đã
thấy thiếu những quân đoàn đã bị giam chân tại Viadơma ấy.
Tình trạng bị bao vây và phải rút lui từng
mảng lớn một cách bi thảm trên mặt trận miền tây và mặt trận Brianxk trong
tháng mười, đồng thời cùng lại là một chuỗi xích liên tiếp của những trận phòng
ngự, đã khiến người ta sửng sốt về tính chất ngoan cường. Nó tựa hồ như một thứ
cát, khi thì từng hạt khi thì từng núi, đổ ra dưới bánh xe không để cho cái
dòng thác lũ sắt thép của quân Đức thừa thắng tràn đến Maxcơva.
Hai con người đêm đó đang nằm trong khu
rừng gần Vêrêa và đang tự cảm thấy mình vừa nhỏ bé, vừa hẩm hiu, vừa hầu như
không có vũ khí gì, tuy vậy cũng vẫn là hai hạt cát đã tự ý mình tung ra dưới
bánh xe bộ máy chiến tranh của quân Đức.
Họ cũng không để cho bọn Đức tiến đến tận
Maxcơva, mặc dầu đúng vào đêm ấy, chính họ đã rùng mình khi nghĩ rằng phải
chăng chúng ta có thể để cho thủ đô lọt vào tay quân thù, và họ cũng chưa được
biết là Maxcơva sẽ không bao giờ bị bỏ rơi vào tay quân thù cả.
Gẩn sáng, tiếng súng của một trận chiến đấu
ác liệt ở gần đó đã đánh thức họ dậy. Trong rừng mới hơi mờ sáng. Họ đứng lên
và đi về phía những tiếng súng ấy, vì họ biết rõ một điều: nếu đó là một trận
đánh thì có nghĩa rằng ở đó không chỉ có quân Đức mà còn có quân ta, và may ra
còn có hy vọng vượt được vòng vây đến với quân ta.
Chiến tranh lại có cách đo lường riêng của
chiến tranh, và họ đã đi đến những âm thanh chết chóc của những quả đạn pháo
đang nổ tung và những tràng súng máy quạt lia lịa ấy, cùng với tâm trạng sốt
ruột, chẳng khác nào lúc người ta đi theo tiếng gọi của cuộc sống, đi đến ngọn
đèn biển, đi đến làn khói cùa một ngôi nhà giữa vùng tuyết giá.
- Có lẽ chính đấy là hỏa tuyến chăng? -
Dôlôtarép hỏi.
Xintxốp cũng muốn tin là như vậy, nhưng suy
nghĩ giây lát anh cho rằng chưa chắc đã phải thế. Nếu hỏa tuyến chạy qua đây
thì ban đêm đã không yên tĩnh như vậy. Chắc hẳn đây là quân ta đang đột phá
vòng vây qua hậu tuyến quân Đức.
Họ đi về phía trước và hình như trận đánh
cũng tiến lại phía họ; đã có thể phân biệt được rằng đây không phải là loại
súng máy nào khác mà chính là loại “Mácxim” của ta đang nã từng loạt ngắn ở đâu
rất gần đây.
- Họ bắn tiết kiệm đạn, - Dôlôtarép nói.
Xintxốp gật đầu.
Họ đi thêm hai trăm bước nữa. Trong rừng đã
sáng hẳn. Càng đi, họ càng phải thận trọng hơn, sợ vấp phải quân Đức trước khi
gặp quân mình.
Bỗng một quả đại bác nổ tung cách họ một
trăm thước, họ vọt tiến rồi nằm ngay vào cái hố đạn còn đang bốc khói, trong
lúc ấy đạn pháo bắt đầu nổ hết quả này đến quả khác ở cả bên trái lẫn bên phải
họ.
Ít ra thì cũng có tới mấy đại đội pháo cùng
phát huy hóa lực.
Thoạt tiên Xintxốp nghĩ rằng quân Đức không
tính toán gì, bắn bừa vào chỗ trống. Anh đã mừng thầm trong bụng, do vậy trong
chốc lát đã quên khuấy mất sự nguy hiểm.
Nhưng đạn pháo vẫn tiếp tục rơi đúng vào
dải đất đó một cách có hệ thống, khiến Xintxốp hiểu rằng bọn Đức đang dựng lên
một bức tường lửa thép ở đây để chặn đường không cho quân ta mở đột phá khẩu về
phía này.
- Thế nào, nằm chờ hay đi? - Xintxốp hỏi
Dôlôtarép.
Đằng trước vẫn nghe có tiếng súng máy ròn
rã.
- Đi thôi.
Họ bắt đầu vọt tiến, khi thì nằm xuống hố
đạn, khi thì nằm xuống khe rãnh, khi thì chỉ chúi đầu xuống đất.
- Chả có lẽ chúng mình sắp đến chỗ quân ta
thật sao? Không thể tưởng tượng nổi nữa, - Xintxốp nói vậy trong khi phải thở
hồng hộc sau một lần vọt tiến mau lẹ, và trong khi lại một lần nữa họ phải lăn
kềnh xuống cạnh gốc một cây thông cao lớn.
Và đó là những lời nói cuối cùng của
Xintxốp mà Dôlôtarép còn được nghe thấy.
Một quả đạn nổ. Khi Dôlôtarép ngóc đầu dậy
thì thấy chính trị viên đã nằm dang rộng hai tay, còn đầu và trán thì máu đã
chan hòa.
- Xintxốp, Xintxốp! - Anh lay hai vai
Xintxốp. - Xintxốp!
Nhưng Xintxốp không đáp.
Dôlôtarép bèn xốc cái thân hình vô tri vô
giác của Xintxốp lên vai mình, rồi tiếp tục đi về phía có tiếng súng máy ở đằng
trước.
Đi được bốn chục bước, anh khuỵu xuống vì
vác quá nặng nhưng đứng dậy ngay, lại xốc Xintxốp lên vai rồi lại ngã lăn ra.
Anh nằm và cảm thấy rằng dù sao mình cũng không thể cõng nổi Xintxốp đến chỗ
quân ta.
Trong khi ấy, những giây đồng hồ cứ trôi
qua, và anh thấy hình như tiếng súng máy bắt đầu xa dần.
Anh liền quyết định chạy đến chỗ quân ta
càng nhanh càng tốt để lấy một người giúp sức, rồi sẽ cùng quay trở lại đón
Xintxốp.
Sau khi nhét giấy tờ của Xintxốp vào túi áo
bằng những ngón tay run lẩy bẩy, anh lưỡng lự một giây rồi cầm lấy ống tay tấm
áo quân phục đã rách nát, dứt khuy mà kéo ra khỏi người Xintxốp.
Tuy anh quyết định sẽ quay trở lại đón
Xintxốp nếu gặp được quân ta, nhưng anh tính rằng cuộc gặp gỡ đó cũng có thể
không xảy ra, do đó anh không muốn để quân phát xít thấy tấm áo quân phục mà
nhận ra chính trị viên và sẽ làm nhục anh, dù là khi anh còn sống hay đã chết.
Chạy được một lúc, Dôlôtarép quẳng chiếc áo
vào đám cành lá rậm rạp của một cây thông nhỏ, và chạy được hai trăm bước nữa
thì anh bắt gặp bốn chiến sĩ hồng quân đang vọt tiến, kéo cả khẩu “Mácxim” theo
sau. Ba người trong số đó mặc quân phục lính xe tăng, còn người thứ tư thì
chính là trung úy Khôrưsép bằng xương bằng thịt hẳn hoi, với món tóc bạch kim
lòi ra dưới chiếc mũ calô đội lệch.
Dôlôtarép bắt gặp trung đội trưởng của mình
đúng vào giây phút mà anh ta, sau khi vọt tiến, đang phục xuống đằng sau khẩu
súng máy. Anh ta là người đầu tiên trông thấy Dôlôtarép đâm bổ về phía mình, và
mỉm cười, không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, tựa hồ như chính mình đang đợi người
chiến sĩ này, anh kêu to:
- Thế là Dôlôtarép đã hiện ra đây rồi, từ
trên trời rơi xuống hả! Có đạn không?
- Có.
- Thế thì nằm xuống, bắn đi! Bọn “phritx”
sắp thò mặt ra bây giờ đấy.
Còn có mấy chiến sĩ nữa mặc quân phục lính
xe tăng và quân phục lính bộ binh chạy ngang qua họ và nằm xuống giữa những gốc
cây. Ai nấy đều nhớn nhác ngoái nhìn lại đằng sau, phía rừng rậm nơi mà
Khôrưsép đã quay mũi súng chĩa vào đó.
Không nhìn Dôlôtarép, anh hỏi:
- Một mình à?
- Cùng với Xintxốp.
- Thế chính trị viên đâu rồi?
- Anh ấy bị thương nặng. Nằm ngay gần đây
thôi. Anh cho tôi một người. Chúng tôi sẽ cõng anh ấy về!
- Thế cậu để anh ấy lại chỗ nào?..
Dôlôtarép giơ tay trỏ áng chừng về phía mà,
theo anh, anh đã để Xintxốp nằm lại đó.
- Anh ấy bị thương vào đầu? - chắc là
Khôrưsép đang thầm tính xem nên mang chính trị viên ra bằng cách nào thì tốt
hơn. nên đã hỏi Dôlôtarép như vậy, nhưng đang nói nửa chừng thì anh đã phải dán
mình xuống đất: những tràng tiểu liên đã quạt vào đám cành cây trên đầu họ,
khiến những chiếc lá úa rơi lả tả. - Chúng mày quạt chúng ông thì chúng ông lia
lại chúng mày! - Khôrưsép chửi rủa, hét lên như vậy, rồi lia ngay một băng đầu
tiên trước khi Dôlôtarép trông thấy mục tiêu mà Khôrưsép bắn vào.
Sau đó, Dôlôtarép cũng đã trông thấy bọn
Đức đang luồn qua các gốc cây để vọt tiến.
Khẩu súng máy của Khôrưsép vừa lên tiếng
thì cạnh đó một khẩu trung liên cũng cất tiếng và xa hơn về phía bên phải là
một khẩu đại liên.
Còn các loạt đạn tiểu liên Đức vẫn quạt vào
đám cành cây trên đầu.
Dôlôtarép đã mấy lần kịp thời nổ súng vào
bọn Đức đang vọt tiến. Sau đó thấy bọn chúng nằm rạp cả xuống.
Khôrưsép liền ra hiệu vọt tiến. Họ vọt tiến
lên chừng một trăm thước rồi lại chiếm lĩnh vị trí.
Nhưng quân Đức cũng không hề chờ đợi: những
quả đạn súng cối hạng nhẹ của chúng đã bắt đầu nổ giữa các gốc cây nhưng bóng
lính Đức đang vợt tiến lại đã thấy hiện ra ở đằng trước
Khẩu súng máy của Khôrưsép và những khẩu
khác ở bên phủi anh lại nhả đạn, ép chặt quân Đức xuống đất, và các anh lại
thay đổi vị trí.
- Làm thế nào bây giờ? - Dôlôtarép bò lại
gần Khônrưsép hỏi. - Cho tôi một chiến sĩ để tôi đi tìm, đem chính trị viên
về...
- Cậu đi đâu được bây giờ? - Khôrưsép ngắt
lời, - Ngốc hết sức. Nào, cậu định đi đâu, chỉ xem nào, đi vào chỗ nào?
Dôlôtarép cũng đành đưa tay chỉ vu vơ,
nhưng bản thân cũng đã thấy được rằng bây giờ do diễn biến của trận đánh, quân
Đức đã nằm chắn ngang giữa mình với nơi mình định đến để tìm Xintxốp.
- Đáng lẽ phải cõng đi ngay lúc ấy, chứ bây
giờ còn làm thế nào được nữa! - Khôrưsép giận dữ nói.
- Thì tôi đi một mình vậy! - Dôlôtarép nói.
- Đừng có đâm đầu vào thòng lọng! Kìa, nổ
súng đi! Thấy không, bọn “phritx” đang tiến kia!
Quả là bọn Đức lại đang len lỏi chạy giữa
những gốc cây, và lần này chúng đã tiến lại gần hơn trước. Mặc dầu tuyệt vọng
trong lòng, nhưng vẫn tỏ ra cố gắng và thành thạo như khi làm bất cứ việc gì
trong đời lính, Dôlôtarép bắt đầu nổ súng vào những bóng màu xanh lục đang vọt
tiến phía trước mặt mình.
Trung úy Khôrưsép cùng mười chiến sĩ của
mình và mười chiến sĩ xe tăng, trong một khu vực nhỏ hẹp đêm ấy, vẻn vẹn chỉ có
thế mà yểm hộ cả một bên sườn cho lữ đoàn xe tăng của Klimôvíts chọc thủng hậu
tuyến quân Đức.
Về phần mình, lữ đoàn Klimôvíts cũng chỉ là
một trong những đơn vị thuộc mặt trận phía tây, sau khi đi qua hậu tuyến của
quân Đức vẫn tiếp tục chiến đấu, vừa rải xác quân mình và xác quân địch trong
các khu rừng vùng lân cận Maxcơva, vừa công phá vành đai quân Đức suốt đêm hôm
ấy, suốt ngày hôm sau và cả một nửa đêm sau nữa, bị mất tới nửa quân số, nhưng
dù sao vẫn đột phá ra được khỏi vòng vây.
Họ lập nên chiến công thần kỳ đó bằng hỏa
lực ít, máu nhiều. nhưng sau khi đã phá vây, họ vẫn không hề được nghỉ ngơi và
bổ sung thêm, mà vẫn phải ở lại nguyên tại chỗ.
Hỏa tuyến vẫn mỗi lúc một nhích lại gần
Maxcơva, và trong những ngày ấy, tiền duyên của quân ta chốc chốc lại vỡ ra
trước những đòn công kích của quân Đức. Người ta đã lấp ngay một trong những lỗ
hổng đó bằng những đơn vị vừa ra khỏi vòng vây, sau khi đã tiếp tế lương thực,
lựu đạn và đạn súng bộ binh cho họ.
Ngay tối hôm ra khỏi vòng vây, những chiến
sĩ đó đã lại phải chiến đấu, nhưng bây giờ mặt trận của họ không quay về hướng
đông mà quay về hướng tây, Maxcơva không ở đằng trước họ nữa mà ở đằng sau họ,
và họ đã có một ít pháo binh cùng các bạn láng giềng bên phải và bên trái. Và
mặc dầu đã mệt mỏi quá mọi sức chịu đựng của con người, họ vẫn vui mừng về việc
đó.
Nhưng Dôlôtarép vẫn cảm thấy mình là một
con người bất hạnh, và mặc dầu anh chỉ là một con người bé nhỏ, một binh nhì
không hơn không kém, ngay buổi sáng hôm thứ hai sau khi ra khỏi vòng vây, anh
đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng anh cần phải được gặp lữ đoàn trưởng
xe tăng, trung tá Klimôvíts.
Nhờ một sự tình cờ hoàn toàn, Klimôvíts vừa
thoát chết trong một trận pháo kích dầy đặc của địch. Anh mới từ đài quan sát
trở về chỉ huy sở và đang đứng bên một ngôi trường làng đã bị đạn đại bác hủy
hoại. Anh bỏ mũ, giơ cái đầu nhẵn nhụi ra hứng lấy những giọt mưa thu đang đều
đặn rơi xuống, như người ta gội đầu dưới cái hương sen, trông thật khoan khoái.
- Cứ mưa thế này cho một tuần là thấy nhau
ngay, đường sá sẽ ngập hết, hai bên đều vất vả nhưng bọn Đức vẫn sẽ gay hơn, -
anh vừa nói với một đại úy xe tăng đứng cạnh mình, vừa liếc mắt nhìn Dôlôtarép
mới bước tới.
- Gì thế đồng chí?
Dôlôtarép báo cáo đầu đuôi sự việc. Anh
thấy rõ là lữ đoàn trưởng không có thời giờ nói chuyện với mình lâu, nhưng
Klimôvíts đã nghe anh nói mà không tỏ vẻ sốt ruột gì. Trung tá chỉ ngắt lời một
lần, khi Dôlôtarép nói rằng mình có nghe chính trị viên bảo là đồng chí ấy có
quen biết đồng chí trung tá.
- Chuyện quen biết thì không dáng kế! -
Klimôvíts cắt ngang. - Ngày nào chúng ta cũng bỏ mình cho cả những người quen
và không quen, có phân biệt gì đâu! Trong chiến tranh thì quen với biết mà làm
gì?!
Và giọng nói của anh đượm nỗi chua xót của
một người đã chính mắt mình trông thấy biết bao con người tốt chết đi, đến nỗi
không phải do dửng dưng mà là vì lòng công bằng anh đã không thể thương tiếc
một người nào nhiều hơn tất cả mọi người khác được.
Khi Dôlôtarép nói xong và móc giấy tờ của
Xintxốp ở trong áo quân phục ra, anh có nói thêm, nhưng cũng chỉ vẻn vẹn mấy
câu thôi.
- Sao, cậu đã không quay lại tìm anh ấy nên
bây giờ lương tâm cắn rứt lắm hả?
- Vâng.
- Thế cậu, khi đi, tưởng là sẽ quay trở về
được đấy hả?
- Vâng.
- Thế thì chẳng có gì phải tự trách mình cả
đâu. Mình muốn làm cho thật tốt, nhưng sự việc lại xảy ra theo mệnh lệnh của
chiến tranh kia! Có nhiều trường hợp cả ông trời cũng chẳng đoán ra nữa! - Ngay
phút đó, Klimôvíts sực nhớ rắng nếu chính mình không quyết định làm thế nào cho
tốt hơn, không để cho gia đình đi từ Xlônin đến Xlútxk bằng xe ôtô thì họ đã
không bị chết trong trận ném bom đó, mà nếu cứ để sáu giờ sau mới ra đi bằng xe
lửa thì họ lại vẫn còn sống sót như nhiều gia đình khác.
- Đưa đây!
Anh cầm mọi giấy tờ của Xintxốp từ tay
Dôlôtarép trao cho người đại úy đứng cạnh mà báo:
- Ivanốp, cậu cất vào chỗ các giấy tờ của
chúng ta ấy.
Anh không nói rõ ý của mình. Nhưng cả hai
người đều hiểu rõ: giấy tờ của tất cả những người đã bỏ mình trong chiến đấu
đều lần lượt được xếp vào một chiếc hòm sắt như táng vào một nấm mồ chung, và
chiếc hòm sắt ấy đã đi theo họ trong suốt thời gian vượt vòng vây...
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét