Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử
Tác giả: Jonas Jonasson
Người dịch: Phạm Hải Anh
Nhà xuất bản Trẻ - 2014
Chương 3: Một bản án nghiêm khắc, một đất
nước bị hiểu lầm, và ba cô Tàu lắm mặt
Theo luật sư của Engelbrecht van der
Westhuizen, cô gái da đen đã đi bộ ngay vào trong phố, và thân chủ của ông
không có lựa chọn nào ngoài việc phải đổi hướng. Do đó, tai nạn là lỗi của cô
gái, không phải của ông. Kỹ sư van der Westhuizen là nạn nhân, không hơn. Thêm
nữa, cô lại đi bộ trên vỉa hè dành cho người da trắng. Luật sư chỉ định của cô
gái không phản đối vì quên có mặt tại tòa. Còn chính cô gái cũng không nói gì,
chủ yếu là vì cô bị gãy xương hàm không nói chuyện được.
Thay vào đó, thẩm phán là người bảo vệ
Nombeko.
Ông thông báo với ông van der Westhuizen rằng
ông ta đã có ít nhất là gấp năm lần giới hạn cho phép của rượu trong máu, và chắc
chắn người da đen được phép sử dụng vỉa hè, ngay cả khi nó được xem là không
phù hợp. Nhưng nếu cô gái đã lang thang ra đường - và không có lý do gì để nghi
ngờ điều này, vì ông van der Westhuizen đã tuyên thệ đúng thế - thì lỗi thuộc về
cô gái. Ông van der Westhuizen được bồi thường năm ngàn rand vì những chấn
thương cơ thể và hai ngàn rand nữa vì các vết lõm cô gái đã gây ra trên chiếc
xe của ông.
Nombeko có đủ tiền để nộp phạt và chi phí
cho bao nhiêu vết lõm cũng được. Cô cũng có thể mua cho ông ta một chiếc xe mới,
nếu cần. Hay mười chiếc xe mới. Thực tế là, cô đã vô cùng giàu có, nhưng không
có ai trong phòng xử án hay ở bất cứ đâu có lý do để giả định điều này. Trở lại
bệnh viện, cô đã dùng một cánh tay còn cử động được của mình để đảm bảo chỗ kim
cương vẫn còn trong đường may áo.
Nhưng lý do chính khiến cô giữ im lặng
không phải vì cái hàm bị gãy. Theo nghĩa nào đó, sau cùng thì đấy là những viên
kim cương ăn cắp. Đằng nào thì cũng của một người đàn ông đã chết. Và vì nó vẫn
là kim cương, chứ không phải tiền mặt. Nếu lấy một viên ra, cô sẽ mất hết. May
thì cô sẽ bị tống giam vì tội trộm cắp; còn tồi nhất là tội âm mưu cướp và giết
người. Tóm lại, cô thấy mình sa vào một tình thế không đơn giản.
Thẩm phán quan sát Nombeko và nhận thấy điều
gì đó khác qua biểu hiện của cô tại tòa. Ông tuyên bố cô gái không có tài sản
gì nên ông có thể kết án cô trả nợ bằng cách phục vụ ông van der Westhuizen, nếu
ông kỹ sư thấy đây là một sắp xếp phù hợp. Thẩm phán và viên kỹ sư đã từng có một
thỏa thuận tương tự lần trước, và nó đã rất tốt đẹp, phải không?
Engelbrecht van der Westhuizen rùng mình nhớ
lại những gì đã xảy ra khi ông phải nhận ba cô người Tàu vào làm, nhưng thời buổi
này, họ vẫn có ích ở mức độ nhất định - và dù sao, có lẽ ném một người da đen
vào nhóm đó sẽ làm mọi thứ sinh động lên. Cho dù với ca đặc biệt này, một chân
què, cánh tay bị gãy, và hàm vỡ vụn, có thể chỉ tổ ngáng đường.
“Chỉ một nửa tiền lương, trong trường hợp
này”, ông nói. “Cứ nhìn cô ta xem, thưa quý tòa”. Kỹ sư Engelbrecht van der
Westhuizen đề nghị mức lương năm trăm rand mỗi tháng trừ đi bốn trăm hai mươi
rand tiền ăn ở. Thẩm phán gật đầu đồng ý. Nombeko suýt cười phá lên. Nhưng chỉ
suýt thôi, vì cô đang bị thương khắp nơi. Điều mà lão thẩm phán sệ đít và tay kỹ
sư dối trá vừa đề nghị có nghĩa là cô làm việc miễn phí cho tay kỹ sư hơn bảy
năm. Như thế đấy, thay cho việc trả khoản tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với
tài sản khổng lồ đến phi lý mà cô gom nhặt được.
Nhưng có lẽ sắp xếp này lại là giải pháp
cho tình trạng khó xử của Nombeko. Cô có thể dọn đến chỗ tay kỹ sư đó, chữa
lành vết thương của mình, và bỏ trốn vào ngày cô cảm thấy Thư viện Quốc gia ở
Pretoria vẫy gọi. Sau cùng thì cô sắp bị kết án phục vụ ở nhà chứ không phải
vào tù. Cô định chấp nhận đề nghị của thẩm phán, nhưng rồi tự cho mình suy nghĩ
thêm vài giây bằng cách tranh luận một chút, bất kể cái hàm đang đau: “Thế có
nghĩa là trả tám mươi rand mỗi tháng sau thuế. Tôi sẽ phải làm việc cho ông kỹ
sư suốt bảy năm, ba tháng, hai mươi ngày để bồi thường hết số đó. Thưa quý tòa,
ngài không nghĩ đó là một bản án khá khắc nghiệt đối với một người bị tông xe
trên vỉa hè bởi một người thậm chí không nên lái xe trên đường phố vì đã uống
rượu?”
Thẩm phán hoàn toàn bật ngửa. Cô gái đã
không chỉ bày tỏ bản thân. Và bày tỏ tốt. Lại còn đưa được tuyên thệ trước tòa
của viên kỹ sư về sự kiện liên quan. Cô cũng đã tính toán mức độ của bản án trước
khi bất kỳ ai khác trong phòng tính xong. Ông phải trừng phạt cô ta, nhưng...
ông quá tò mò muốn biết liệu cô ta tính có đúng không. Vì vậy, ông quay sang trợ
lý tòa án, anh này xác nhận, sau một vài phút, rằng quả thật, có vẻ như chúng
ta đang nói về - như cô ta nói - bảy năm, ba tháng, và... vâng... khoảng hai
mươi ngày, đại loại thế.
Engelbrecht van der Westhuizen uống một ngụm
từ chai thuốc ho nhỏ màu nâu ông luôn mang theo trong tình huống không thể điềm
nhiên uống rượu được. Ông giải thích ngụm này là do cú sốc vì vụ tai nạn khủng
khiếp chắc đã làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn của mình.
Nhưng thuốc đã làm ông khá hơn: “Tôi nghĩ
chúng ta sẽ làm tròn xuống”, ông nói. “Chính xác là bảy năm. Và dù sao, các vết
lõm trên xe có thể đập phẳng ra”.
Nombeko quyết định là ở vài tuần hoặc lâu
hơn với tay Westhuizen này còn tốt hơn là ba mươi năm tù. Đúng là rất tiếc phải
hoãn đi thư viện, nhưng đi bộ đến đó rất xa, và chẳng ai muốn thực hiện hành
trình như vậy với một chân bị gãy. Đấy là chưa kể đến tất cả các thứ còn lại. Kể
cả những vết rộp lên vì mười sáu dặm đi bộ đầu tiên.
Nói cách khác, nghỉ ngơi một chút không hại
gì, nếu ông kỹ sư không cán lên cô lần thứ hai.
“Cảm ơn, ông thật hào phóng, kỹ sư van der
Westhuizen”, cô đáp và chấp nhận quyết định của thẩm phán. Gọi “Kỹ sư van der
Westhuizen” là được rồi. Cô không có ý định gọi ông ta là “Ông chủ”.
* * *
Phiên tòa vừa xong, Nombeko đã ngồi trên ghế
hành khách cạnh kỹ sư van der Westhuizen, ông ta lái xe về phía bắc bằng một
tay, còn tay kia khư khư một chai rượu Klipdrift. Rượu này có mùi và màu giống
hệt như thứ thuốc ho Nombeko đã nhìn thấy ông ta uống trong phiên tòa.
Đấy là ngày 16 tháng Sáu năm 1976.
Cùng hôm đó, một loạt thanh thiếu niên độ
tuổi đi học ở Soweto đã mệt mỏi với ý tưởng mới nhất của chính phủ: rằng nền
giáo dục vốn thấp kém của họ từ nay về sau cần được tiến hành bằng tiếng Phi.
Thế là sinh viên xuống đường phố để phản đối. Họ cho rằng sẽ dễ học hơn khi hiểu
người hướng dẫn nói gì. Và đọc văn bản dễ hiểu hơn nếu người ta có thể dịch văn
bản đó.
Do đó - các sinh viên nói - nền giáo dục của
họ nên tiếp tục được tiến hành bằng tiếng Anh.
Cảnh sát đứng xung quanh chăm chú lắng nghe
lý luận của giới trẻ, rồi họ tranh luận quan điểm của chính phủ theo cách đặc
biệt của các nhà chức trách Nam Phi. Bằng cách bắn luôn.
Thẳng vào đám đông người biểu tình.
Khoảng hai mươi ba người biểu tình đã chết
ngay lập tức. Ngày hôm sau, cảnh sát tăng cường tranh luận của mình bằng máy
bay trực thăng và xe tăng. Trước khi sự hiểu lầm tan biến, một trăm mạng người
đã bị tiêu diệt. Do đó, Sở Giáo dục thành phố Johannesburg có thể điều chỉnh
phân bổ ngân sách cho Soweto thấp hơn, vì lý do thiếu sinh viên.
Nombeko không được chứng kiến chuyện này.
Cô đã bị nhà nước bắt làm nô lệ và đang ở trong xe hơi trên đường đến nhà chủ mới.
“Còn xa không ạ, ông kỹ sư?”, Cô hỏi lấy lệ.
“Không, không xa lắm”, kỹ sư van der
Westhuizen đáp. “Nhưng mày không nên nói khi chưa đến lượt. Chỉ nói khi người
ta nói với mày thì tốt hơn”.
Kỹ sư Westhuizen không hề đơn giản. Ngay từ
phòng xử án, Nombeko đã thấy rõ ông ta là một kẻ nói dối. Ở trong xe sau khi rời
khỏi phòng xử án, rõ ràng ông ta là một kẻ nghiện rượu. Ngoài ra, ông ta còn
gian lận về nghề nghiệp. Chẳng hiểu công việc của mình, nhưng ông ta giữ vị trí
hàng đầu bằng cách nói dối và khai thác những người biết việc.
Điều này lẽ ra chẳng liên quan gì đến toàn
bộ câu chuyện nếu viên kỹ sư không giữ một trong những nhiệm vụ bí mật và ấn tượng
nhất trên thế giới. Ông là người sẽ biến Nam Phi thành một quốc gia vũ khí hạt
nhân. Tất cả đang được xây dựng ở cơ sở nghiên cứu Pelindaba, khoảng một giờ về
phía bắc Johannesburg.
Nombeko, tất nhiên, không biết gì về điều
này, nhưng khi họ đến văn phòng của kỹ sư thì cô có ý niệm mơ hồ đầu tiên rằng
mọi thứ phức tạp hơn mình tưởng.
Khi chai Klipdrift vừa cạn, cô và viên kỹ
sư đến vòng ngoài của cơ sở. Sau khi chìa thẻ nhận dạng, họ được phép vào cửa,
đi qua một hàng rào điện mười hai nghìn vôn, cao 3 mét. Sau đó là một quãng 15
mét được kiểm soát bởi lính canh và chó trước khi vào vòng bên trong và hàng
rào 3 mét nữa cũng mười hai nghìn vôn. Chưa hết, ai đó đã cài một bãi mìn xung
quanh cả cơ sở, trong khu vực giữa hai hàng rào 3 mét.
“Đây là nơi mày sẽ chuộc tội”, kỹ sư nói.
“Mày sẽ sống ở đây, nên không chuồn đi được”.
Hàng rào điện, lính canh với chó, và bãi
mìn là những thứ Nombeko không tính đến trong phòng xử án vài giờ trước đó.
“Trông ấm cúng nhỉ”, cô nói.
“Mày lại nói khi chưa đến lượt đấy,” viên kỹ
sư đáp.
* * *
Chương trình vũ khí hạt nhân của Nam Phi được
bắt đầu vào năm 1975, một năm trước khi kỹ sư say rượu van der Westhuizen tình
cờ cán phải cô gái da đen. Có hai lý do khiến ông ngồi ở khách sạn Hilton và nốc
brandy cho đến khi bị nhẹ nhàng mời ra. Một phần vì nghiện rượu. Viên kỹ sư cần
ít nhất ngày một chai Klipdrift để có thể làm việc. Phần nữa vì tâm trạng tồi tệ.
Và chán nản. Viên kỹ sư vừa bị Thủ tướng Vorster gây áp lực với phàn nàn rằng một
năm đã trôi qua mà chẳng có tiến bộ gì.
Mặt khác viên kỹ sư đã cố gắng cầm cự. Về mặt
kinh doanh, họ đã bắt đầu có những trao đổi với Israel. Chắc chắn, điều này do
Thủ tướng đích thân khởi xướng, nhưng dù sao uranium đang trên đường đến
Jerusalem, đổi lại họ đã nhận được tritium. Thậm chí còn có hai điệp viên
Israel thường trú tại Pelindaba để lo cho dự án.
Không, Thủ tướng không phàn nàn về sự hợp
tác của họ với Israel, Đài Loan và những chỗ khác. Bản thân những việc đó đã nhúc
nhích được rồi. Hoặc, như Thủ tướng đã nói: “Đừng cho chúng tôi một lô những lời
bào chữa hết lần này tới lượt khác. Cũng đừng đưa ra hết đội làm việc này đến đội
kia. Cung cấp cho chúng tôi một quả bom nguyên tử, đ.m. nó chứ, ông van der
Westhuizen. Rồi cho chúng tôi năm quả nữa”.
* * *
Trong khi Nombeko trú ngụ đằng sau hàng rào
kép Pelindaba thì Thủ tướng Balthazar Johannes Vorster ngồi thở dài trong cung
điện của mình. Ông bận quay cuồng từ sáng sớm đến đêm khuya. Vấn đề bức xúc nhất
phải giải quyết bây giờ là sáu quả bom nguyên tử. Có lẽ gã khúm núm Westhuizen
kia không phải là người thích hợp với việc này? Gã cứ nói và nói mà chẳng bao
giờ nộp được.
Vorster lẩm bẩm một mình về Liên Hợp quốc
chết tiệt, tụi Cộng sản ở Angola, Liên Xô và Cuba gửi cả đám cách mạng đến Nam
Phi, và tụi Mácxít đã chiếm được Mozambique. Lại thêm bọn CIA khốn kiếp lúc nào
cũng khui ra mọi chuyện và sau đó không thể im mồm về những gì họ biết. Ồ, đ.m
nó, B. J. Vorster tổng kết về cả thế giới. Các quốc gia bị đe dọa từng giờ, thế
mà tay kỹ sư chưa lần nào định thôi mấy trò dán bùa lồn mèo vô tích sự.
Thủ tướng đã leo lên ghế của mình bằng một
con đường ngoạn mục. Vào cuối những năm 1930, hồi còn thanh niên, ông quan tâm
đến chủ nghĩa phát xít. Vorster nghĩ rằng Đức Quốc xã có những phương pháp thú
vị để phân biệt chủng tộc. Ông cũng thích truyền bá nó cho bất cứ ai lắng nghe.
Thế rồi chiến tranh thế giới nổ ra. Thật
không may cho Vorster, Nam Phi chọn về phe quân Đồng minh (vì nó là một phần của
Đế chế Anh), và những kẻ phát xít như Vorster bị nhốt vài năm cho đến khi chiến
tranh thắng lợi. Sau khi lại được tự do, ông đã thận trọng hơn trước, và từ đấy
về sau chẳng bao giờ những ý tưởng phát xít được phát triển dưới đúng tên gọi của
chúng nữa.
Đến những năm 1950, Vorster vẫn bị xem là
chỉ biết ị đái đúng quy tắc. Năm 1961, năm mà Nombeko sinh ra trong một căn lều
ở Soweto, ông được thăng đến chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Một năm sau, ông và cảnh
sát của ông săn được con cá lớn nhất - kẻ khủng bố Đại hội Dân tộc Phi Nelson
Mandela Rolihlahla. Mandela đã nhận án chung thân, tất nhiên, và đã được gửi đến
một nhà tù trên đảo phía ngoài Cape Town, nơi ông ta có thể ngồi đến mục xương.
Vorster nghĩ rằng có lẽ cũng chẳng mấy chốc. Trong khi Mandela bắt đầu mục nát
đi theo kế hoạch thì Vorster tiếp tục leo lên bậc thang sự nghiệp. Ông đã được
giúp đỡ ở nấc thang cuối cùng, quan trọng nhất, khi một người Phi bị một vấn đề
rất đặc biệt, cuối cùng đã suy sụp. Người đàn ông đó được hệ thống phân biệt chủng
tộc phân loại là da trắng, nhưng có thể họ đã nhầm, bởi vì ông ta trông đen nhẻm
- và do đó ông ta chẳng phù hợp ở đâu cả. Giải pháp cho nỗi đau khổ nội tâm của
ông ta hóa ra là tìm người tiền nhiệm của B. J. Vorster và đâm mười lăm nhát
dao vào bụng. Người đàn ông vừa da trắng vừa da màu khác đó bị nhốt trong bệnh
viện tâm thần, nơi ông ta ngồi suốt ba mươi ba năm mà không bao giờ tìm ra mình
thuộc chủng tộc gì.
Tận lúc đó ông ta mới chết. Không giống như
Thủ tướng với mười lăm vết đâm vào người và một nhát vào mặt, chắc trăm phần
trăm là da trắng nhưng lại chết ngay.
Do đó, đất nước này cần một Thủ tướng mới.
Tốt nhất là người cứng rắn. Và chẳng mấy chốc, nhà cựu phát xít Vorster đã ngồi
ghế đó.
Về chính trị trong nước, ông bằng lòng với
những gì ông và đất nước này đã đạt được. Với luật chống khủng bố mới, chính phủ
có thể gọi bất cứ ai là kẻ khủng bố và nhốt người đó bao lâu tùy thích, vì lý
do gì cũng được. Hoặc không vì lý do nào cả.
Một dự án thành công nữa là tạo ra quê hương
cho các nhóm dân tộc khác nhau - mỗi nước một loại người, chỉ trừ Xhosa, vì có
đông người quá nên họ có hai quê. Tất cả những gì họ phải làm là gom hết loại
người da đen lại, tống tất lên xe buýt về quê hương được chỉ định, tước bỏ quyền
công dân Nam Phi của họ, và cấp cho họ một cái mới trên danh nghĩa quê hương. Một
người không còn là dân Nam Phi thì không thể yêu cầu phải có các quyền của một
người Nam Phi. Bài toán rất đơn giản.
Về chính sách đối ngoại, mọi thứ phức tạp
hơn một chút. Thế giới bên ngoài liên tục hiểu lầm tham vọng của nhà nước này.
Ví dụ, đã có một số rất lớn khiếu nại vì Nam Phi áp dụng chính sách đơn giản rằng
người nào không phải da trắng sẽ cứ giữ nguyên như vậy vĩnh viễn.
Dù sao, cựu phát xít Vorster có chút hài
lòng nhất định với sự hợp tác của Israel. Chắc chắn họ là người Do Thái, nhưng
theo nhiều cách họ đã bị là hiểu lầm như chính Vorster.
Ô, đ.m nó, B. J. Vorster nghĩ lần thứ hai.
Thằng cha vụng về Westhuizen đi đến đâu rồi nhỉ?
* * *
Engelbrecht van der Westhuizen hài lòng với
người đầy tớ mới Thượng đế ban cho ông ta. Cô có khả năng làm được vài thứ ngay
cả khi còn khập khiễng đi với chân đóng nẹp và cánh tay phải bị treo lên. Chẳng
biết tên cô là cái quái gì. Đầu tiên ông đã gọi cô là “Mọi Hai” để phân biệt với
một phụ nữ da đen khác tại cơ sở, dọn vệ sinh ở vòng ngoài. Nhưng khi vị giám mục
của Giáo hội cải cách địa phương biết được cái tên này, viên kỹ sư đã bị khiển
trách. Người da đen đáng được tôn trọng hơn thế.
Hơn một trăm năm trước đây, lần đầu tiên,
nhà thờ đã cho phép người da đen tham dự các buổi lễ như người da trắng, cho dù
người da đen phải đợi đến lượt của mình ở tít phía sau cho đến khi họ đông đến
mức cũng có thể có nhà thờ riêng của mình. Giám mục cảm thấy rằng nó không phải
là lỗi của giáo hội mà do người da đen đẻ như thỏ.
“Tôn trọng”, ông lặp đi lặp lại. “Hãy suy
nghĩ về điều đó, ông kỹ sư”. Giám mục đã tác động tới Engelbrecht van der
Westhuizen, nhưng điều đó không làm cho cái tên Nombeko dễ nhớ hơn chút nào. Vì
vậy, khi nói chuyện trực tiếp, cô được gọi là Tên-mày-là-gì, và gián tiếp
thì... về cơ bản không có lý do để nói về cô như một cá nhân.
Thủ tướng chính phủ Vorster đã đến thăm hai
lần rồi, luôn luôn nở nụ cười thân thiện, nhưng thông điệp ngụ ý là nếu không sớm
có sáu quả bom tại cơ sở thì kỹ sư Westhuizen có thể cũng biến.
Trước cuộc họp đầu tiên của mình với Thủ tướng,
viên kỹ sư định nhốt Tên-nó-là-gì trong tủ đựng chổi. Dùng người da đen và da
màu giúp việc tại cơ sở chắc chắn không vi phạm quy tắc gì, miễn là họ không
bao giờ được cấp phép, nhưng viên kỹ sư nghĩ rằng trông nó bẩn.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc nhốt con bé
trong tủ quần áo là sau đó nó không thể quanh quẩn gần viên kỹ sư, và ông sớm
nhận ra rằng có con bé gần đó cũng không tệ. Vì những lý do không thể hiểu được,
trong não con bé luôn luôn diễn ra cái gì đó. Tên-nó-là-gì trơ tráo vượt xa mức
cho phép, và nó phá vỡ nhiều quy tắc nhất có thể. Trong số những điều hỗn xược
nhất nó đã làm là vào thư viện nghiên cứu của cơ sở mà không được phép, thậm
chí lại còn mang sách theo khi bỏ đi. Bản năng đầu tiên của viên kỹ sư là cấm
tiệt chuyện này và cho bộ phận an ninh vào cuộc điều tra kỹ hơn. Con bé mù chữ
từ Soweto muốn gì ở những cuốn sách?
Nhưng sau đó, ông nhận thấy rằng con bé thực
sự đọc những gì nó mang theo. Điều này khiến mọi việc đáng chú ý hơn - biết chữ,
tất nhiên, không phải là một đặc điểm người ta thường thấy ở những kẻ mù chữ của
nước này. Rồi viên kỹ sư thấy những gì con bé đã đọc, gồm tất cả mọi thứ, cả
toán học cao cấp, hóa học, kỹ thuật điện tử, luyện kim (có nghĩa là, tất cả những
gì chính viên kỹ sư cũng phải ôn lại). Có một lần, kinh ngạc bắt gặp con bé mải
chúi mũi vào một cuốn sách thay vì cọ sàn, ông có thể thấy rằng nó đang mỉm cười
với một con số trong công thức toán học.
Tìm kiếm, gật đầu, và mỉm cười.
Thật đáng bực mình. Viên kỹ sư chưa bao giờ
thấy hứng thú nghiên cứu toán học. Hoặc bất cứ điều gì khác. May thay, ông ta vẫn
nhận được điểm cao ở trường đại học mà cha ông là nhà tài trợ quan trọng nhất.
Viên kỹ sư biết rằng người ta không cần phải biết hết về mọi thứ. Leo lên đứng
đầu thật dễ dàng nếu có điểm cao, một ông bố chuẩn, và lợi dụng hết cỡ năng lực
của người khác. Nhưng để khỏi mất việc lần này, viên kỹ sư sẽ phải làm được việc.
Ờ thì không phải theo nghĩa đen là tự ông ta làm, mà là các nhà nghiên cứu và kỹ
thuật viên mà ông đã thuê và đang vất vả ngày và đêm dưới cái tên ông ta.
Và cả nhóm thực sự đã có tiến bộ. Viên kỹ
sư chắc chắn rằng trong tương lai không-quá-xa, họ sẽ giải quyết những rắc rối
kỹ thuật còn lại trước khi vụ thử vũ khí hạt nhân có thể bắt đầu. Giám đốc
nghiên cứu không ngu dốt. Tuy nhiên, ông ta thật rầy rà - hơi có tí tiến triển
xảy ra, dù nhỏ xíu, cũng báo cáo báo cò và lần nào cũng chờ đợi phản ứng của
viên kỹ sư.
Đó là nơi mà Tên-nó-là-gì bước vào. Bằng
cách cho phép con bé tự do lật giở sách trong thư viện, viên kỹ sư đã để lại
cánh cửa toán học mở rộng, và con bé hấp thụ mọi thứ có thể về đại số, toán
siêu việt, số ảo, những con số phức tạp về hằng số Euler, về phương trình vi
phân và Diophantine, về số vô cực (∞) của những thứ phức tạp khác, phần lớn
chính viên kỹ sư cũng không thể hiểu được.
Dần dần, Nombeko đáng lẽ có thể được gọi là
cánh tay phải của ông chủ, nếu cô không phải là chính cô và hơn hết không có
màu da sai. Thay vào đó cô chỉ giữ danh hiệu mơ hồ “giúp việc,” dù cô là người
(vừa vẫn lau dọn vệ sinh) đọc những pho sách to như cục gạch của giám đốc
nghiên cứu, trong đó mô tả các vấn đề, kết quả kiểm tra và phân tích. Có nghĩa
là, những gì viên kỹ sư không thể tự làm.
“Đống cứt này là gì?”, một hôm, kỹ sư
Westhuizen hỏi, tống một đống giấy tờ vào tay con bé dọn vệ sinh của mình.
Nombeko đọc và trả lời lại.
“Đó là một phân tích về hậu quả của áp lực
tĩnh và động quá cao của bom với lượng kiloton khác nhau”.
“Nói cho ta biết bằng ngôn ngữ đơn giản
thôi”, viên kỹ sư bảo.
“Quả bom càng mạnh thì càng nhiều tòa nhà bị
thổi bay”, Nombeko giải thích.
“Thôi nào, khỉ đột bình thường trên núi
cũng biết thế. Ta toàn bị những đứa ngu vây quanh sao?”. Viên kỹ sư nốc một ngụm
rượu mạnh và đuổi con bé dọn vệ sinh đi.
* * *
Nombeko thấy Pelindaba như một nhà tù kiểu
ngoại lệ. Cô có giường riêng, được vào phòng tắm thay vì chịu trách nhiệm về bốn
ngàn nhà xí bên ngoài, ngày hai bữa, bữa trưa có trái cây. Và thư viện riêng.
Hoặc... nó không thực sự của riêng cô, nhưng chẳng có ai ở cạnh Nombeko thèm
quan tâm đến nó. Và nó không quá lớn; nó khác xa mức độ mà cô hình dung về một
thư viện ở Pretoria. Một vài cuốn sách trên kệ đã cũ hay không phù hợp, hoặc cả
hai. Nhưng thế cũng còn hơn.
Vì những lý do đó, cô khá vui vẻ tiếp tục
phục vụ nốt hạn tù của mình do phán xét tệ hại rằng cô đã tự cho mình bị người
đàn ông say chẹt qua trên vỉa hè vào một ngày đông ở Johannesburg năm 1976. Những
gì cô trải qua bây giờ dẫu sao vẫn tốt hơn so với đổ thùng phân ở bãi rác người
lớn nhất thế giới.
Nhiều tháng trôi qua, giờ bắt đầu phải tính
bằng năm. Chắc chắn, một hai lần cô đã nghĩ làm thế nào để giải phóng mình ra
khỏi Pelindaba sớm. Thật là thách thức để tìm đường qua những hàng rào, bãi
mìn, chó bảo vệ và báo động.
Đào một đường hầm ư?
Không, đó là một ý nghĩ ngu ngốc đến mức cô
bỏ nó ngay lập tức.
Đi nhờ xe?
Không, đi nhờ xe kiểu gì cũng bị lũ chó
chăn cừu Đức canh gác phát hiện, và đến lúc đó thì chẳng có thể làm gì ngoài
mong là chúng đớp vào cổ họng trước để phần còn lại không quá thê thảm.
Hối lộ ư?
À, có thể... nhưng cô chỉ có một cơ hội, và
thử nó với ai thì có lẽ họ cũng lấy mất chỗ kim cương rồi tố giác cô, theo mốt
Nam Phi.
Ăn cắp thẻ của người khác, rồi sao?
Phải rồi, cái đó có thể được. Nhưng phần
xương xẩu là phải ăn cắp cả màu da của người khác. Nombeko quyết định tạm dừng
suy nghĩ về việc tẩu thoát. Dù sao, có thể cơ hội duy nhất của cô là tàng hình
và mọc cánh. Chỉ có cánh không thôi cũng chưa đủ; cô sẽ bị tám lính canh trong
bốn tháp canh bắn hạ.
Cô mới ngoài mười lăm tuổi khi bị nhốt
trong hàng rào kép và bãi mìn, và sắp mười bảy khi viên kỹ sư long trọng thông
báo với cô rằng ông ta đã thu xếp một hộ chiếu Nam Phi hợp lệ cho cô, mặc dù cô
là người da đen. Thực tế là, nếu không có nó, cô không có quyền đi qua tất cả
các hành lang mà viên kỹ sư lười biếng thấy cô phải vào. Các quy tắc đã được cơ
quan tình báo Nam Phi ban hành, và kỹ sư Westhuizen biết phải chọn trận chiến
cho mình thế nào.
Ông ta giữ hộ chiếu trong ngăn kéo bàn
mình, và nhờ nhu cầu luôn luôn áp chế người khác, ông đã đay đi đay lại về việc
ông buộc phải cất nó đi.
“Thế thì đầu mày sẽ không nảy ra ý đồ chuồn
đi, Tên-mày-là-gì ạ. Nếu không có hộ chiếu mày không thể rời khỏi đất nước này,
và chúng ta lúc nào cũng có thể tóm được mày, sớm hay muộn”, viên kỹ sư nói, nở
nụ cười xấu xí.
Nombeko đáp trong hộ chiếu có Tên-cô-là-gì,
nếu ông kỹ sư tò mò, và cô nói thêm rằng từ lâu ông đã giao phó cho cô trách
nhiệm với phòng hồ sơ quan trọng của ông. Trong đó bao gồm cả chìa khóa ngăn
kéo bàn ông.
“Và tôi đã không chạy đi vì thế”, Nombeko
nói, thầm nghĩ chính là vì đám lính canh, bầy chó, chuông báo động, bãi mìn và
hàng rào mười hai ngàn vôn thì mới giữ được cô ở đây. Viên kỹ sư nhìn chằm chằm
vào con bé dọn vệ sinh của mình. Nó lại hỗn xược nữa. Đủ để làm người ta phát
điên.
Nhất là vì nó luôn luôn đúng.
Con ranh chết tiệt.
Hai trăm năm mươi người đang làm việc, ở
các cấp độ khác nhau, trên dự án bí mật nhất trong số các dự án bí mật. Ngay từ
đầu, Nombeko đã có thể khẳng định chắc chắn rằng người đàn ông đứng đầu thiếu
tài năng trong mọi lĩnh vực, ngoại trừ vặt lông làm tổ cho chính mình. Và ông
ta đã may mắn (cho đến ngày không còn may nữa).
Trong quá trình phát triển dự án, một trong
những vấn đề khó khăn nhất cần được giải quyết là các thí nghiệm với uranium
hexafluoride bị rò rỉ liên tục. Trên tường văn phòng của viên kỹ sư có một cái
bảng đen, vạch vòi vài dòng và vẽ các mũi tên, dò dẫm tìm đường qua các công thức
và những thứ khác để làm ra vẻ ông ta đang suy nghĩ. Viên kỹ sư ngồi trong cái
ghế bành, lầm bầm “khí gas chứa hydrogen”, “uranium hexafluoride” và “rò rỉ”
xen với chửi thề bằng cả tiếng Anh và tiếng châu Phi.
Lẽ ra Nombeko nên để kệ ông ta lầm bầm; cô
đang lau dọn ở đó. Nhưng cuối cùng cô nói, “Này, tôi chẳng biết “khí gas mang
hydrogen” là cái gì, và cũng hầu như chưa nghe nói về uranium hexafluoride.
Nhưng tôi có thể nhìn thấy qua những cố gắng hơi khó-giải-thích trên tường rằng
ông đang có một vấn đề xúc tác tự động”.
Viên kỹ sư không nói gì, nhưng ông ta nhìn
sang Tên-nó-là-gì đang đứng cửa, ra hành lang để đảm bảo rằng không có ai đứng
đó và lắng nghe, vì ông sắp bị con bé kỳ lạ này làm mê mụ đi không biết bao
nhiêu lần liên tiếp.
“Tôi có nên hiểu sự im lặng của ông có
nghĩa là tôi được phép tiếp tục không? Sau cùng thì ông vẫn muốn tôi chỉ được
trả lời khi được hỏi đến thôi”.
“Được, mày nói tiếp đi!”, viên kỹ sư đáp.
Nombeko nở một nụ cười thân thiện và nói rằng
theo như cô hiểu, gọi các biến số khác nhau là gì không thành vấn đề, vẫn có thể
làm toán với chúng. “Ta sẽ gọi gas mang khí hydro là A, và uranium hexafluoride
là B”, Nombeko nói. Và cô bước tới cái bảng đen trên tường, tẩy xóa những thứ
vô nghĩa của viên kỹ sư, viết phương trình bậc nhất về tốc độ cho phản ứng xúc
tác tự động. Khi viên kỹ sư cứ nhìn chằm chằm trống rỗng vào bảng đen, cô giải
thích lý do của mình bằng cách vẽ một đường cong sigmoid. Làm xong, cô nhận ra
rằng kỹ sư van der Westhuizen hiểu những gì cô đã viết không hơn bất kỳ người đổ
thùng vệ sinh nào trong tình trạng tương tự. Hay là một trợ lý ở Sở vệ sinh môi
trường thành phố Johannesburg.
“Xin ông kỹ sư hãy cố mà hiểu”, cô nói.
“Tôi còn phải cọ sàn. Khí gas và fluoride không hợp nhau và tình duyên của
chúng thế là tự vỡ tan”.
“Giải pháp là gì?”, viên kỹ sư hỏi.
“Tôi không biết”, Nombeko đáp. “Tôi không
có thời gian để suy nghĩ về nó. Như đã nói, tôi là người dọn vệ sinh ở đây”.
Đúng lúc đó, một trong các đồng nghiệp giỏi
của kỹ sư Westhuizen bước qua cánh cửa. Giám đốc nghiên cứu cử ông ta tới để
chia sẻ một số tin tốt: nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vấn đề là tự xúc
tác trong tự nhiên; điều này tạo ra các tạp chất hóa học trong bộ lọc của cỗ
máy đang vận hành, và chẳng bao lâu nữa họ sẽ có thể trình bày một giải pháp.
Người đồng nghiệp thấy không cần phải nói những điều này nữa, vì phía sau đứa
da đen với cái giẻ lau, ông ta nhìn thấy những gì viên kỹ sư đã viết trên bảng
đen của mình.
“Ồ, tôi thấy rằng ông đã tìm ra những gì
tôi đã nói với ông, thưa sếp. Thế thì tôi sẽ không làm phiền ông nữa”, người đồng
nghiệp nói rồi quay đi ở ngưỡng cửa.
Kỹ sư van der Westhuizen im lặng ngồi sau
bàn làm việc và đổ một cốc đầy Klipdrift. Nombeko nói rằng điều này chắc chắn
là ăn may, hẳn thế? Một phút nữa, cô ta sắp bỏ ông lại một mình, nhưng trước
tiên cô ta có vài câu hỏi. Đầu tiên là liệu viên kỹ sư có nghĩ rằng cô thích hợp
để giải thích về mặt toán học làm sao nhóm có thể tăng công suất từ mười hai
ngàn SWU mỗi năm lên đến hai mươi ngàn, với thử nghiệm chót là 0,46 phần trăm?
Viên kỹ sư đồng ý.
Một câu hỏi khác là liệu viên kỹ sư có vui
lòng đặt mua một cái bàn chải cọ mới cho văn phòng, vì con chó của ông đã nhai
cái cũ ra từng mảnh. Viên kỹ sư trả lời rằng ông không hứa gì cả, nhưng sẽ xem
mình có thể làm gì.
Nombeko nghĩ mình cũng có thể đánh giá cao
những điểm sáng trong đời sống hiện tại, khi bị nhốt mà không có khả năng tẩu
thoát. Ví dụ, thật thú vị để xem liệu kỹ sư Westhuizen còn giả dối được bao
lâu.
Và như đã nói, cô đã sống khá ổn. Cô đọc
sách, thú nhất là khi không bị ai tìm; cô lau chùi vài cái hành lang và đổ vài
cái gạt tàn; và cô đọc phân tích của nhóm nghiên cứu và giải thích chúng cho
viên kỹ sư một cách rõ ràng nhất có thể.
Cô đã dành thời gian rảnh của mình với những
người khác. Họ thuộc về một thiểu số mà chế độ phân biệt chủng tộc thấy khó
phân loại hơn; theo luật thì họ là dân “châu Á linh tinh”. Chính xác hơn, họ là
người Tàu.
Giống người Tàu đã đến sống ở Nam Phi gần một
trăm năm trước đó, vào thời gian nước này cần lao động giá rẻ (mà lại không lải
nhải phàn nàn quá nhiều) trong các mỏ vàng bên ngoài Johannesburg. Chuyện đó giờ
đã xưa rồi, nhưng khu Hoa kiều vẫn còn, và ngôn ngữ vẫn phát triển.
Ba cô Tàu (em út, chị hai và và chị cả) đã
bị nhốt với Nombeko vào ban đêm. Đầu tiên họ khinh khỉnh, nhưng vì chơi mạt chược
bốn người thì thích hơn tay ba nhiều, nó đáng để thử, đặc biệt là khi họ có lý
do để tin rằng cô gái từ Soweto có vẻ không ngu, dù cô không phải da vàng.
Nombeko rất thích chơi, và chẳng bao lâu cô
đã học được gần hết thế nào là phỗng, coong, và phu, cũng như mọi loại gió ở mọi
hướng có thể tưởng tượng [Tên gọi của ba bộ quân cờ mạt chược (mahjong), xuất xứ
từ Trung Quốc. Thông thường có bốn người chơi ngồi ở bốn hướng quy ước
Đông-Tây-Nam-Bắc, được gọi là bốn hướng gió và thường hướng gió Đông đi trước tiên].
Cô có lợi thế là có thể ghi nhớ tất cả 144 quân, vì vậy cô đã thắng ba trong bốn
lượt và để cho một trong các cô gái giành chiến thắng thứ tư.
Hàng tuần, các cô Tàu và Nombeko thỉnh thoảng
cũng ngồi với nhau và Nombeko kể với họ tất cả những gì đã xảy ra trên thế giới
kể từ lần trước, theo những gì cô đã nghe lỏm chỗ này chỗ kia ở các hành lang
và qua tường. Một mặt, nó không phải là một bản tin trọn vẹn; mặt khác, tiêu
chuẩn của thính giả chẳng cao gì lắm. Ví dụ, khi Nombeko báo cáo rằng Trung Quốc
vừa quyết định rằng Aristotle và Shakespeare sẽ không còn bị cấm ở trong nước,
các cô gái trả lời rằng thế thì chắc hai tay đấy hạnh phúc lắm.
Mấy chị em bất hạnh đã trở thành bạn bè nhờ
các báo cáo tin tức và trò chơi. Và nhờ các nhân vật và biểu tượng trên mọi
quân bài, các cô gái có hứng dạy Nombeko phương ngữ Trung Quốc khiến mọi người
cười vui vì cô học rất nhanh chóng, còn ba chị em kia thì cố gắng ít thành công
hơn với tiếng Xhosa mà Nombeko đã học được từ mẹ cô.
Từ góc độ lịch sử, hạnh kiểm của ba cô Tàu
còn mơ hồ hơn Nombeko nhiều. Họ đã rơi vào tay viên kỹ sư theo cách tương tự,
nhưng là mười lăm năm thay vì bảy năm. Họ tình cờ gặp viên kỹ sư tại một quán
bar ở Johannesburg; ông ta gạ gẫm cả ba cô cùng lúc và họ bảo ông ta rằng họ cần
tiền cho một người thân bị bệnh và muốn bán... không phải cơ thể mình, mà là một
báu vật gia truyền. Ưu tiên số một của viên kỹ sư là cơn hứng tình, nhưng ưu
tiên thứ hai là ngờ rằng ông có thể vớ bẫm, vì vậy ông đã đi theo các cô gái về
nhà. Ở đó, họ cho ông xem một con ngỗng gốm có hoa văn từ thời nhà Hán, khoảng
một trăm năm trước Công nguyên. Các cô gái đòi hai mươi ngàn rand cho ngỗng;
viên kỹ sư nhận thấy nó phải có giá trị ít nhất gấp mười lần, có khi cả trăm lần!
Nhưng các cô gái không chỉ là gái - họ còn là người Tàu, thế nên ông trả giá mười
lăm ngàn tiền mặt bên ngoài ngân hàng vào sáng hôm sau (“mỗi em năm ngàn, không
thì thôi!”). Và ba đứa ngu đồng ý. Con ngỗng quý hiếm chiếm một vị trí danh dự
trên chiếc bệ trong văn phòng của viên kỹ sư suốt một năm trời, đến khi một đặc
vụ Mossad người Israel, cũng tham gia dự án vũ khí hạt nhân, quan sát kỹ hơn và
mười giây sau tuyên bố nó là rác rưởi. Viên kỹ sư có cặp mắt sát nhân tiến hành
cuộc điều tra sau đó, phát hiện ra con ngỗng đúng là được sản xuất không phải
do thợ thủ công ở tỉnh Chiết Giang thời nhà Hán khoảng một trăm năm trước khi
Chúa Kitô ra đời, mà là do ba cô gái trẻ người Tàu ở vùng ngoại ô Johannesburg,
chẳng thuộc triều đại nào cả, khoảng một nghìn chín trăm bảy mươi nhăm năm sau
Chúa Kitô. Các cô gái đã hớ hênh để ông ta xem con ngỗng trong nhà riêng của họ.
Vì vậy, viên kỹ sư và hệ thống pháp luật đã tóm cả ba cô. Mười lăm ngàn chỉ còn
lại hai rand, đó là lý do tại sao các cô gái đang bị nhốt tại Pelindaba ít nhất
hơn mười năm. “Trong nhà với nhau, bọn chị gọi Kỹ sư là 鹅”, một trong ba cô nói. “Con ngỗng”, Nombeko dịch.
Các cô Tàu muốn nhất là được trở về Khu Tàu
ở Johannesburg, tiếp tục sản xuất ngỗng niên đại trước Công nguyên, nhưng làm
nó tinh xảo hơn một chút so với lần trước.
Trong khi chờ đợi, họ có chỗ hơi phàn nàn,
như Nombeko. Việc của họ, ngoài những thứ khác ra, là phục vụ đồ ăn cho viên kỹ
sư và các lính canh, cũng như xử lý thư đến và đi. Đặc biệt là các thư gửi đi.
Tất cả mọi thứ lớn nhỏ, đều có thể ăn cắp được mà không bị thiếu hụt quá nhiều,
bằng cách đơn giản là ghi địa chỉ mẹ các cô và đặt trong hộp gửi đi. Mẹ các cô
hân hoan nhận hết và bán tất, hài lòng với bản thân vì đã chịu khó đầu tư cho
con gái học đọc và viết tiếng Anh.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ cũng làm mọi thứ
rối tung lên, vì cách thức của họ thật cẩu thả và nguy hiểm. Như có lần một cô
dán nhầm nhãn địa chỉ và đích thân Thủ tướng gọi cho kỹ sư Westhuizen hỏi tại
sao ông lại nhận được tám ngọn nến, cái máy khoan hai lỗ, và bốn cái bơm keo
trám lỗ hổng trong gói của mình - trong khi mẹ các cô Tàu lại nhận được và đốt
phứt đi một báo cáo kỹ thuật dày bốn trăm trang về những nhược điểm của việc sử
dụng neptuni như một nền tảng để phân hạt nhân.
* * *
Nombeko bực bội vì cô đã mất quá nhiều thời
gian để nhận ra mình bị mắc kẹt. Trong thực tế, cứ theo cách mà các thứ lộ ra,
cô đã không bị kết án bảy năm phục vụ viên kỹ sư. Cô sẽ ở đó cả đời. Không giống
như ba cô Tàu, cô đã hiểu biết thấu đáo và đầy đủ dự án bí mật nhất trên thế giới.
Miễn là có hàng rào mười hai nghìn vôn giữa cô với bất kỳ ai mà cô có thể bép
xép, thì không sao. Nhưng nếu cô được thả? Cô là một sự kết hợp của đứa con gái
da đen vô giá trị và nguy cơ bảo mật. Vì vậy, cô sẽ được phép sống bao lâu? Mười
giây. Hay hai mươi. Nếu cô may mắn.
Tình hình của cô có thể ví như một phương
trình toán học vô nghiệm. Bởi nếu cô giúp viên kỹ sư thành công trong nhiệm vụ
của mình, ông ta sẽ được ca ngợi, nghỉ hưu, và nhận lương hưu hạng nhất của nhà
nước, trong khi cô - người biết tất cả mọi thứ không nên biết - nhận được một
phát đạn vào gáy.
Còn nếu cô cố hết sức để làm cho ông ta thất
bại, viên kỹ sư sẽ bị nhục, bị sa thải, nhận lương hưu khiêm tốn hơn nhiều,
trong khi bản thân cô vẫn sẽ lĩnh một phát đạn vào gáy.
Tóm lại: đây là phương trình cô không giải
được. Tất cả những gì cô có thể làm là cố gắng đi trên dây - đó là, cố hết sức
để đảm bảo rằng viên kỹ sư không bị lộ mặt giả dối, trong khi cố gắng kéo dài
thời gian dự án càng lâu càng tốt. Điều này tự nó sẽ không giúp cô khỏi bị bắn
vào sau gáy, nhưng càng trì hoãn được nó thì càng có cơ hội cho điều gì đó xảy
ra trong thời gian ấy. Như một cuộc cách mạng hay thay đổi nhân sự hay cái gì
đó khó tin khác.
Giả sử, rốt cuộc cô không thể tìm đường
thoát.
Chẳng nghĩ ra được ý tưởng nào, cô cố gắng
ngồi bên cửa sổ trong thư viện thường xuyên, để nghiên cứu hoạt động ở cổng. Cô
lảng vảng ở đó vào những thời điểm khác nhau trong ngày và lưu ý thói quen của
lính canh.
Bên cạnh những thứ khác, cô nhanh chóng
phát hiện ra rằng, mỗi chiếc xe đi vào hoặc đi ra đều bị kiểm tra bởi cả lính
canh và chó - trừ khi viên kỹ sư đang ngồi trong. Hoặc ông giám đốc nghiên cứu.
Hoặc một trong hai điệp viên. Rõ ràng bốn người trên không bị nghi ngờ. Thật
không may, họ đều có chỗ đỗ xe tốt hơn so với những người khác. Nombeko có thể
tìm đường đến garage lớn, bò vào một thùng xe - rồi bị lính canh và chó phát hiện.
Con chó đã được huấn luyện là cắn trước và hỏi chủ sau. Nhưng cái garage nhỏ,
nơi VIP đậu xe, thùng xe này có thể trú được mà sống sót - thì cô lại không vào
được. Chìa khóa nhà để xe là một trong vài thứ viên kỹ sư không giữ trong chiếc
tủ mà Nombeko chịu trách nhiệm. Ông ta cần nó mỗi ngày nên giữ nó bên mình.
Nombeko còn quan sát thấy bà dọn vệ sinh da
đen ở vòng ngoài thực sự đã đặt chân vào trong ranh giới của Pelindaba mỗi lần
bà ta phải đổ thùng rác màu xanh lá cây ở ngay cạnh phía trong của hai hàng rào
mười hai nghìn vôn. Điều này diễn ra mỗi ngày, và nó thu hút Nombeko, vì cô khá
chắc chắn rằng bà dọn vệ sinh không được phép đến đó nhưng các lính canh cứ mặc
kệ để đỡ phải tự dọn chỗ rác của mình.
Điều này làm nảy ra một ý đồ táo bạo.
Nombeko có thể lẻn qua garage lớn mà không bị nhìn thấy, tới thùng rác, chui
vào đó, rồi đi nhờ bà da đen qua các cổng ra ngoài, đến Dumpster, phía tự do.
Bà ta đổ thùng theo lịch chính xác vào 04:05 mỗi ngày, và bà sống sót là nhờ những
con chó bảo vệ đã được huấn luyện không cắn xé người da đen đặc biệt mà không
được lệnh. Mặt khác, lần nào chúng cũng nghi ngờ đánh hơi chiếc thùng.
Như vậy, cô sẽ phải khiến những con chó
không làm phận sự vào một buổi chiều, hay đại loại thế. Thế thì, và chỉ như thế,
kẻ đi lậu mới có một cơ hội chạy trốn sống sót. Đánh một tí thuốc độc vào đồ ăn
- có thể được việc chăng?
Nombeko lôi kéo ba cô Tàu vì họ chịu trách
nhiệm lo ăn cho toàn bộ lính canh và tất cả nhân viên lẫn thú vật của Quân khu
G.
“Tất nhiên!”. Cô chị cả đáp khi Nombeko đặt
vấn đề. “Bọn chị là chuyên gia hạ độc chó, cả ba chị em. Hoặc ít nhất là hai”.
Đến lúc này, Nombeko chẳng còn ngạc nhiên bởi
bất cứ điều gì các cô Tàu làm hoặc nói, nhưng điều này vẫn khá đặc biệt. Cô hỏi
cô chị cả chi tiết về những gì vừa được nói để Nombeko khỏi phải băn khoăn đến
hết đời. Bất kể đời còn được bao lâu.
Phải, trước khi mẹ con các cô Tàu bắt đầu
làm việc trong ngành công nghiệp làm hàng giả nhiều lợi nhuận, mẹ họ đã mở một
nghĩa trang chó ngay cạnh khu da trắng của Parktown mé Tây, bên ngoài
Johannesburg. Kinh doanh ế ẩm; chó cũng như người ở khu đó ăn ngon và bổ nên sống
quá lâu. Nhưng rồi bà mẹ nhận ra rằng cô cả và cô hai có thể tăng doanh thu bằng
cách đặt bả chó chỗ này chỗ kia ở các công viên xung quanh, nơi chó xù và chó Bắc
Kinh của dân da trắng chạy tự do. Lúc đó, cô út còn bé quá và rất có thể sẽ định
nếm thử thức ăn cho chó nếu cũng được làm.
Trong một thời gian ngắn, chủ nghĩa trang
chó có gấp đôi việc làm. Và gia đình có thể kiếm ăn rất khấm khá theo cách này
đến tận hôm nay, nếu họ đã không trở nên, nói thật là, hơi quá tham lam. Bởi vì
khi chó chết trong công viên nhiều hơn chó sống thì những kẻ da trắng phân biệt
chủng tộc nhắm thẳng vào người Tàu duy nhất trong vùng và các cô con gái.
“Vâng, chắc chắn đó là thành kiến của họ”, Nombeko nói. Bà mẹ đã phải nhanh
chóng đóng gói đồ đạc của mình rồi cùng các con trốn ở trung tâm Johannesburg
và thay đổi nghề nghiệp.
Đó là một vài năm trước, nhưng có lẽ các cô
gái vẫn nhớ được những cách đánh bả chó khác nhau.
“Chà, giờ chúng ta đang nói về tám con chó
- và phải đầu độc chúng vừa đủ”, Nombeko nói. “Sao cho chúng hơi ốm trong một
hoặc hai ngày. Không nhiều hơn thế”.
“Có vẻ giống như trường hợp ngộ độc chất chống
đông điển hình”, cô hai nói.
“Chị cũng nghĩ y như thế”, cô cả nói. Rồi họ
tranh luận về liều lượng thích hợp. Cô hai nghĩ rằng một chén rưỡi là vừa,
nhưng cô cả chỉ ra rằng họ đang đối phó với bọn chó béc-giê Đức lớn chứ không
phải vài con Chihuahua bé tẹo. Cuối cùng, mấy chị em đồng ý rằng hai chén là vừa
đủ để khiến lũ chó lâm vào tình trạng khủng khiếp đến ngày hôm sau. Các cô tiếp
cận vấn đề một cách vô tư đến mức Nombeko đâm hối tiếc vì đã yêu cầu họ giúp đỡ.
Họ có nhận ra mình sẽ gặp rắc rối đến thế nào nếu bị lần ra dấu vết là đã hạ độc
chó?
“Ôi chào”, cô út nói. “Tất cả sẽ ổn thôi.
Mình phải bắt đầu bằng cách đặt mua một chai chất chống đông, nếu không thì chẳng
đầu độc được cái gì”.
Giờ thì Nombeko hối hận gấp đôi. Chẳng lẽ họ
không nhận ra rằng các nhân viên an ninh sẽ tìm ra họ chỉ trong một vài phút, một
khi họ phát hiện ra những gì đã được thêm vào danh sách mua sắm thông thường của
họ?
Và bỗng Nombeko nghĩ ra cái gì đó.
“Chờ một phút”, cô nói. “Đừng làm bất cứ điều
gì cho đến khi tôi trở lại. Đừng làm gì!” Các cô gái ngạc nhiên nhìn Nombeko
đi. Cô định làm gì vậy?
Thực tế là Nombeko đã nghĩ đến cái cô đã đọc
trong một trong vô số báo cáo của giám đốc nghiên cứu gửi viên kỹ sư. Nó không
phải về chất chống đông, mà là ethylene glycol. Báo cáo cho biết rằng các nhà
nghiên cứu đã thử nghiệm với các chất lỏng sôi ở nhiệt độ hơn một trăm độ C để
có được một vài phần mười giây tăng đến nhiệt độ mà khối lượng tới hạn sẽ đạt
được. Đó là chỗ liên quan đến ethylene glycol. Chẳng phải chất chống đông và
ethylene glycol có tính chất tương tự sao?
Thư viện nghiên cứu của cơ sở rất dở về những
tin tức mới nhất nhưng lại rất tốt về thông tin chung. Ví dụ như nó xác nhận rằng
ethylene glycol và chất chống đông không chỉ tương tự như nhau. Chúng là một.
Nombeko mượn hai trong số chìa khóa cất
trong tủ của viên kỹ sư rồi lẻn xuống garage lớn và vào tủ hóa chất bên cạnh trạm
điện. Ở đó cô tìm thấy một thùng 30 lít gần như đầy ethylene glycol. Cô đổ chừng
4 lít vào cái xô mang theo và mang đến cho mấy chị em.
“Đây nhé - nhiều cực luôn, còn để dành được
nữa”, cô nói.
Nombeko và các cô Tàu quyết định sẽ bắt đầu
bằng cách trộn một liều rất nhẹ vào thức ăn cho chó để xem chuyện gì xảy ra, rồi
họ sẽ tăng liều cho đến khi cả tám con chó này đều ốm mà không làm cho bọn lính
gác nghi ngờ.
Do đó, các cô Tàu giảm liều từ hai chén xuống
một và ba phần tư chén, theo gợi ý của Nombeko, nhưng họ đã sai lầm khi để cho
cô út chịu trách nhiệm về liều lượng - chính là cô bé còn quá nhỏ trong thời
oanh liệt ngày xưa. Do đó, cô trộn một và ba phần tư chén ethylene glycol cho mỗi
con chó ở lượt thử nghiệm dè dặt đầu tiên. Mười hai giờ sau, cả tám con chó lăn
ra chết, y như lũ chó ở mé Tây Parktown một vài năm trước đó. Thêm nữa, con mèo
ăn vụng của tay chỉ huy lính canh cũng trong tình trạng nguy kịch.
Một đặc điểm của ethylene glycol là nó
nhanh chóng đi vào máu qua đường ruột. Sau đó gan biến nó thành glycolaldehyde,
axit glycolic, và oxalate. Nếu đủ các chất này, nó làm suy thận trước khi ảnh
hưởng đến phổi và tim. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở tám con chó là ngừng
tim.
Hậu quả trực tiếp do tính toán sai lầm của
cô út là tình trạng báo động, các lính canh đề cao cảnh giác, và thế là, tất
nhiên Nombeko không thể trốn ra trong một thùng rác. Chỉ còn ngày một ngày hai
là các cô Tàu bị lôi ra để thẩm vấn, nhưng trong khi họ đang ngồi ở đó và chối
bay chối biến thì nhân viên an ninh tìm thấy một cái xô ethylene glycol gần như
rỗng không trong thùng xe của một trong hai trăm năm mươi chiếc xe của nhân
viên. Nombeko đã lẻn vào garage, tất nhiên bằng chìa khóa trong tủ của viên kỹ
sư, cái thùng xe đó là chiếc duy nhất tình cờ không khóa, và cô phải để chiếc
xô ở đâu đó. Chủ chiếc xe là một chàng trai thuộc dạng đạo đức nửa vời - một mặt,
anh ta sẽ không bao giờ phản bội đất nước mình; Mặt khác, run rủi làm sao, anh
ta đã chọn chính ngày đó để cuỗm chiếc cặp của giám đốc bộ phận mình với tất cả
tiền mặt và sổ séc bên trong. Nó được tìm thấy cùng với cái xô, và rốt cuộc,
người đàn ông bị bắt giữ, thẩm vấn, sa thải... và bị kết án sáu tháng tù giam
cho hành vi trộm cắp, cộng với ba mươi hai năm vì hành động khủng bố.
“Tí chết nhé”, cô út nói khi ba chị em
không còn bị nghi ngờ nữa.
“Chúng ta sẽ thử lần nữa chứ?”, Cô hai băn
khoăn.
“Nhưng thế thì mình phải chờ cho họ có chó
mới đã”, cô cả nói. “Chó cũ chết hết rồi còn đâu”.
Nombeko không nói gì. Nhưng cô nghĩ triển vọng
tương lai không sáng sủa gì hơn so với con mèo của viên giám đốc đang bắt đầu bị
co giật.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét