Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 4

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Bốn

Khi Xintxốp tỉnh giấc thì đã thấy bầu trời trên đầu mình xanh ngắt, mặt trời rực sáng, và chỉ có tiếng đại bác ầm ì từ rất xa vẳng lại là còn nhắc nhở tới chiến tranh mà thôi. Xintxốp nằm rốn thêm mấy phút, hết nheo mắt lại mở mắt ra, rồi mới nhảy phắt dậy được. Miska ngồi trên đám cỏ bên cạnh, đang lắp phim vào máy “Lâyka”.
- Cậu xem kìa, trời đẹp quá! - Xintxốp hớn hở nói.
Lữ đoàn trưởng khom lưng thật thấp từ trong cửa hầm chui ra. Trong ánh sáng ban ngày, té ra ông ta hoàn toàn không phải là một người trẻ trung như đêm qua Xintxốp tưởng. Trông bề ngoài, ông trạc độ năm mươi tuổi, nếu không phải là hơn. Ông từ trong hầm ra mà không đội mũ. Những mớ tóc vàng hoa râm rẽ lệch chỉ che lấp được một nửa chỗ đầu hói. Ông ta có khuôn mặt xấu xí, dài như mặt ngựa, chằng chịt những nếp nhăn sâu hoắm và hai hàm răng màu thép trong mồm.
- Các đồng chí nghỉ ngơi ra sao? - Xerpilin vừa vuốt lại mái tốc vốn đã phẳng phiu vừa hỏi. Ông nhoẻn cái miệng thép ra cười cởi mở và khuôn mật xấu xí của ông lập tức trở nên hiền lành và trẻ trung với nụ cười đó.
- Cảm ơn đồng chí, tốt lắm, - Xintxốp đáp.
- Chúng tôi muốn mau chóng chụp được ảnh xe tăng, - Miska sốt ruột nói, - ở tòa soạn đang cần ảnh xe tăng như cần bánh mì!
- Đại úy tiểu đoàn trưởng Plốtnhikốp sẽ ra đây ngay bây giờ, các đồng chí sẽ đi cùng anh ta về tiểu đoàn: hôm qua, anh ấy diệt được nhiều xe tăng nhất đấy. Các đồng chí có hỏi gì tôi không? Không thì tôi sẽ bận việc đấy.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, - Miska nhanh nhẩu hỏi, - đồng chí cho biết tại sao ban đêm, khi đi xe qua cầu, chúng tôi không trông thấy một khẩu cao xạ nào ở dó?
- Thế chúng tôi cần cái cầu này để làm gì nhỉ? - Xerpilin hỏi với một giọng mà Xintxốp nhớ suốt đời.
- Sao lại để làm gì ạ? - Miska nhún vai. - Nhỡ sau này sẽ phải trở lại bên kia thì sao? - Và anh trỏ tay về phía sông Đniép.
- Sẽ không phải trở lại đâu, - Xerpilin nói. - Người lính đào công sự không phải để rời bỏ nó ngay trước yêu cầu đầu tiên của quân thù. Câu chuyện quen thuộc rồi, nhưng người ta vẫn cứ hay quên: đào, đào mãi và sau đó... - Ông phẩy tay. - Còn chúng tôi thì đã đào là sẽ không bỏ. Người khác làm thế nào thì kệ họ!
Ông nói câu cuối cùng với giọng cay đắng; câu nói này không dúng, bản thân ông cũng không nghĩ như thế, nhưng lại nói ra điều đó, vì những tình cảm mà ông không lấy làm hổ thẹn. Xerpilin biết cái điều mà cả Xintxốp lẫn Miska đều chưa biết. Ông biết rằng ở bên trái và bên phải Môghilép quân Đức đều đã vượt qua sông Đniép và nếu trong những giờ sắp tới mà không có lệnh rút lui thì ông ta với trung đoàn của mình sẽ không sao thoát khỏi số phận phải chiến đấu trong vòng vây. Nhưng lúc này, không những ông không chờ đợi mà còn không mong có lệnh rút lui nữa là khác. Lòng ông tràn ngập niềm tự hào của một người lính không muốn tin rằng bên cạnh mình có người nào đang chiến đấu tồi, đang rút lui hoặc bỏ chạy. Chính trong ý nghĩ đó mà ông đã phát biểu rằng ông không dính dáng đến người khác. Ông đã hết lòng hết dạ xây công sự mười ngày và mười đêm, hôm qua trung đoàn của ông đã chiến đấu giỏi và cả từ nay về sau cũng nhất định sẽ chiến đấu giỏi. Ông tin vào điều đó và cho rằng những người khác cũng phải làm đúng như thế thì mới chiến thắng được.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, đồng chí nghĩ thế nào, - Xintxốp hỏi, - hôm nay sẽ ra sao: sẽ có đánh nhau hay sẽ yên tĩnh? - nỗi xúc động kín đáo của Xerpilin đã truyền sang anh và một sự phỏng đoán lờ mờ đang lởn vởn trong tâm trí anh.
- Tôi nghĩ rằng sẽ yên tĩnh đấy, - Xerpilin suy nghĩ chốc lát rồi đáp, - e rằng hôm nay chúng sẽ chọc thử vào nơi nào núng hơn. Tôi đã và vẫn đánh giá khá cao chiến thuật của bọn Đức, chúng nó là những nhà chiến thuật không tồi đâu, - ông nói thêm với một giọng hơi thách thức một cách khó hiểu đối với Xintxốp, rồi cười gằn về một điều gì đó mà ông sực nhớ tới nhưng không nói ra. - Đại úy Plốtnhikốp, đồng chí lại không cạo râu rồi, - ông có nhận xét như vậy đối với một đại úy vừa bước tới và bắt tay anh ta.
Người đại úy này có đôi mắt mệt mỏi, đỏ ngầu, còn nét mặt thì lộ vẻ sẵn sàng hoàn thành bất cứ việc gì nếu được lệnh, cũng như sẵn sàng ngủ ngay nếu được phép.
- Xin lỗi lữ đoàn trưởng. Mười ngày đêm đào bới dưới đất, sau đó choảng nhau, đến đêm thì lại sửa sang công sự.
- Tôi biết cả, - Xerpilin nói, - nhưng gì thì gì vẫn nên cạo râu. Đồng chí phóng viên sẽ chụp ảnh đồng chí, một tiểu đoàn trưởng cừ khôi nhất, thế mà đồng chí lại không cạo râu. Hãy dẫn các đồng chí phóng viên này đi theo, đảm bảo cho các đồng chí ấy chụp được ảnh xe tăng rồi đến tối đưa họ về đây. - Xerpilin khẽ hất đầu rồi đi vào hầm.
Đại úy Plốtnhikốp dõi nhìn theo ông ta, đưa tay quệt bộ râu xổm xoàm và nói cộc lốc:
- Đi thôi!
Anh tiến lên trước, Xintxốp và Miska theo sau.
Quả thực người tiểu đoàn trưởng này có cái vẻ tựa hồ như mười ngày đêm liền không chui ra khỏi công sự: mũ kêpi đã nhầu nát, chắc là anh đội cả mũ mà ngủ, ủng không lau chùi, trên bộ quân phục còn những vết đất sét chỉ được phủi qua loa.
Nếu Xerpilin có nói rằng trung đoàn mình đã bám giữ được tốt thì cũng không phải là điều phóng đại, dọc đường đi đến tiểu đoàn, đâu đâu cũng thấy công sự cố thủ và các công sự này đều được nối liền với nhau bằng các giao thông hào chính và phụ khiến cho ngay cả hỏa lực mạnh của pháo binh cùng khó lòng phá được hệ thống chỉ huy trong trung đoàn. Các chỉ huy sở đều có hầm kiên cố, có mái lót mấy tầng ván rầm, có súng máy đặt trên những ụ đất tròn.
- Đào y hệt bọn Nhật, - Miska nói có vẻ tán thưởng.
- Cái gì cơ? - Plốtnhikốp ngoái đầu hỏi lại.
- Giống hệt như bọn Nhật ở Khankhingôn vậy, - Miska nhắc lại, - nếu không móc được từng thằng trong lỗ ra thì đừng hòng xơ múi gì.
- Anh đã từng ở Khankhingôn đấy à? - Plốtnhikốp hỏi.
- Phải!
- Còn chúng tôi thì hôm qua mới chiến đấu ngày đầu tiên, - Plốtnhikốp nói và tiếp tục đi.
Tiền duyên trận địa tiểu đoàn lượn quanh một khoảng rừng sồi non; tiếp đó là cánh đồng lúa mạch rồi đến khu rừng thông rậm - bọn Đức đang chiếm giữ ở đấy. Con đường sắt chạy từ trong rừng ra, và hầu như ngay sát cạnh nó là đường ô tô. Cả đường sắt lẫn đường ô tô đều chạy ngang qua trận địa tiểu đoàn, rồi đi sâu vào hậu tuyến của trung đoàn. Trên cánh đồng lúa mạch, phía trước các công sự, người ta thấy có những hố chiến đấu của tuyến cảnh giới có giao thông hào chạy tới. Những chiếc xe tăng Đức bị hạ trong trận đánh hôm qua đang nằm trong vạt lúa mạch, đằng trước những hố chiến đấu ấy.
- Thế còn ở đâu, ở đâu có xe tăng nữa? - Miska thèm khát hỏi Plốtnhikốp. - Người ta báo tôi rằng có mười bốn chiếc xe tăng bị diệt trước trận địa của các anh. Tôi đã trông thấy chín, thế còn năm chiếc nữa đâu?
- Còn năm chiếc nữa cũng nằm bên kia tuyến cảnh giới, nhưng ở trong thung lũng, đứng đây không thấy được.
- Được, rồi tôi sẽ nhót tới mấy chiếc đó, - Miska nói, - còn bây giờ ta hẵng đến chỗ những chiếc trong ruộng lúa mạch đã.
- Thế đứng đây không chụp được những chiếc đó sao? - Plốtnhikốp hỏi.
- Có việc gì đâu nhỉ? Bây giờ đang tạm lắng tiếng súng cơ mà?
- Tạm lắng à? - Plốtnhikốp hỏi lại có vẻ nghi hoặc rồi gọi một đại đội trưởng lại, đó là một anh chàng trung úy tuổi trạc hai mươi, tóc màu vàng hoe. - Khôrưsép, đồng chí đi với đồng chí này, - Plốtnhikốp hất đầu chỉ Miska, - đồng chí ấy muốn chụp ảnh xe tăng. Đồng chí lấy khoảng năm người trong đội cảnh giới, bảo họ bò tới chỗ xe tăng, nằm đó đề phòng bất trắc rồi hẵng dẫn phóng viên tới.
Anh ta nói những điều đó một cách uể oải, mệt mỏi. Anh muốn nhanh chóng tống khứ cái ông phóng viên ồn ào này đi để chợp mắt một lát.
- Còn đồng chí thì đến chỗ tôi mà chờ chứ? - anh ta quay sang hỏi Xintxốp.
- Không, tôi cũng đi, - Xintxốp đáp. Anh muốn được tận tay sờ mó những chiếc xe tăng Đức bị diệt.
- Được, tùy đồng chí thôi, - Plốtnhikốp đồng ý, cũng vẫn với cái giọng uế oái ấy. - Còn tôi sẽ ở lại đây, ngủ một lát. - Anh tỏ thái độ của một con người vừa rất gan dạ nhưng lại vừa rất mệt mỏi nên hết sức thản nhiên đối với những điều mà người ta có thể suy nghĩ về mình.
Té ra những chiếc xe tăng nằm cách xa hơn là người ta tưởng. Phải bò khá lâu mới tới nơi.
Nhưng trong ruộng lúa mạch, không có các tay súng máy của quân Đức, mà từ trong rừng cũng không thấy chúng bắn ra.
Thoạt tiên Miska nằm chụp và ngồi xổm mà chụp, về sau đâm bạo, anh đứng thẳng cả người dậy. Anh muốn chụp tuốt cả chín chiếc. Nhưng không thể nào thu tất cả chín chiếc vào ống kính: chỉ được bảy, còn hai chiếc nằm quá xa. Nét mặt Miska lộ vẻ rất muốn tìm cách gì đó để kéo hai chiếc đó lại gần những chiếc kia, một ý muốn không sao thực hiện được.
Trong lúc Miska chụp ảnh thì Xintxốp lượn vòng quanh mấy chiếc xe tăng. Chúng nằm chết dí trong đám lúa mạch, trông không có vẻ to lớn và dễ sợ như trước đây người ta vẫn tưởng. Trông chúng nhem nhuốc, với những ụ súng tròn mà thấp, giống như những cái nắp đậy biđông nước khổng lồ. Có mấy tên Đức chết nằm gần xe tăng, xác chết bốc lên một mùi lờm lợm.
Sau khi làm xong công việc, Miska xin lấy người dẫn đường và sang đại đội bên cạnh để chụp ảnh những xe tăng còn lại, còn Xintxốp thì cùng với trung úy Khôrưxép quay lại đài quan sát của đại đội. Căn hầm kiên cố nhỏ bé này đào sâu vào nền đường sắt, cảch chòi canh đường khỏng xa.
- Cánh mình lại ngồi bên chòi canh đi, - Khôrưsép chuyển sang xưng hô “cậu tớ” với Xintxốp, - ở đó tớ có một ít lương khô và nước uống. Ông già gác đường vẫn ở lại đó cho đến hây giờ đấy,
- Sao thế? - Xintốp hỏi.
- Nào ai biết được, lão cứ ở, cóc sợ! Lính của tớ đã phải đến làm làm lao công cho lão, đào cho lão một hố cá nhân, còn cái chòi canh thì suốt cả trận đánh chẳng bị một viên đạn đại bác nào, y như là được trừ ra ấy.
Khi họ đến chỗ chòi canh thì ông lão gác đường đang ngồi trên nền đường, cạnh cái hố và xắn quần lên tận đầu gối, sưởi nắng cho đôi chân già gày gò, gân xanh nổi hằn lên chằng chịt. Đôi ủng để ở bên cạnh lăo và bộ xà cạp cũng đang được phơi nắng. Ông lão ngồi lim dim hai mắt và khẽ động đậy những ngón chân không xỏ giầy. Ngoài chiếc áo sơ mi chui cổ xẻ lệch bằng sa tanh đen, ông lão lại đánh một bộ quân phục Đức màu lục thẫm.
- Hôm qua, anh em tặng lão bộ quân phục tước của tên trung úy Đức, - Khôrưsép mỉm cười, ngồi xuống nền đường bên cạnh ông già, - thế là ông già diện vào ngay, chỉ tháo lon đi thôi.
Nghe lời Khỏrưsép nói, ông ta quay nửa người lại, hé mở một con mắt với vẻ ngái ngủ, đưa ngón tay sở vào ống tay áo quân phục, rồi nói ra ý tán thành:
- Thứ dạ này được, tốt đấy.
- Thế không nóng hả cụ?
- Nóng thì có gãy xương mất đâu.
- Sao cụ không chạy về Môghilep? - Xintxốp hỏi.
- Còn thiếu cái gì ở đó mà lão không thấy nữa chứ? - ông già uể oải đáp. - Chính các anh cũng bảo là không rời khỏi nơi này kia mà? - ông ta quay sang hỏi Khôrưsép.
- Chúng cháu không đi đâu.
- Thế thì lão cũng ở đây với các anh, lão đang làm công tác mà lại.
- Chúng con nuôi bố, - Khôrưsép nói.
- Cũng là việc không tồi lắm, - ông già lại uể oải hé một mắt ra, đáp lại. - Bọn trẻ tốt lắm, chỉ tội một nỗi là hôm qua tụi Đức đã hạ các anh nhiều... quá đỗi!
- Hôm qua thương vong nhiều à? - Xintxốp hỏi.
Khôrưsép nheo mắt lại vì chói nắng, kéo mũ calô xuống tận mắt và nói rằng đại đội đã bị tổn thất khá đậm: cả chết và bị thương tới ba mươi người.
- Chúng mình cũng tháo ủng ra đi, - anh ta nói. - Cứ đi, đi mãi, bỏng cả chân.
Anh lôi đôi ủng ra, đặt xà cạp lên tà vẹt, rồi cũng ngọ nguậy các ngón chân đã tê dại một cách khoan khoái.
- Đôi ủng bằng vải bạt từ hồi ở nhà trường, chưa có đôi khác. Anh em tháo đôi ủng của một thằng Đức, thằng sĩ quan, cho tôi nhưng không vừa, mu bàn chân bị bóp chặt quá, cổ giầy lại cứng. Chúng nó lót cái gì ở trong ấy thì phải.
- Như thời Nga hoàng đó thôi, - ông già gác đường nói. - Loại ủng của sĩ quan thường có tẩm hồ.
Xintxốp cũng cởi giầy. Khôrưsép đi chân đất vào trong chòi của người gác rồi quay ra, mang theo một cà mèn nước, bánh mì và ba con cá bơn khô.
- Đừng dẫm lên đường ray, nóng đấy! - ông già nói và liếc mắt nhìn mấy con cá. - Ăn vào rồi chỉ tổ uống nước đẫy!
Tuy vậy, khi Khôrưsép không trả lời mà chìa cho ông lão một con cá thì ông cũng chẳng bàn cãi gì, cầm lấy cá và bắt đầu róc vẩy.
Trong lúc ba người ngồi bên nhau ăn uống, Xintxốp thỉnh thoảng lại liếc nhìn Khôrưsẻp. Anh lấy làm lạ rằng cái anh chàng trẻ măng, lém lỉnh và đảm đang này vừa mới choảng nhau lần đầu tiên với quân Đức ngày hôm qua, thế mà bây giờ đã nói tới chuyện đó như là một việc gì quen thuộc, một việc mà anh ta chẳng lấy gì làm sợ hãi ngay cả trong tương lai.
Họ ngồi chơi thêm nửa giờ nữa, sau đó thấy có ba người quân báo tiến đến chỗ họ, mỗi người dắt hai chiếc xe đạp Đức. Những chiếc xe đạp này là do bọn quân báo Đức đã quẳng lại trên đường cái từ sáng sớm. Bọn này từ trong rừng phóng ra. Bị bắn rát, hai tên Đức chết, những đứa còn lại chuồn vào rừng. Khôrưsép hạ lệnh thu nhặt lấy mấy chiếc xe đạp, nên anh em quân báo mới mang xe đến đây.
- Để lại đại đội ba chiếc, còn ba chiếc nộp lên tiểu đoàn, - Khôrưsép ra lệnh.
Một cậu quân báo nhăn trán lại.
- Tôi đã bảo nộp thì cứ nộp đi. - Khôrưsép nhắc lại, - nếu không thì Plốtnhikốp lấy ráo cả sáu chiếc đấy.
Anh em quân báo vừa đi khỏi thì một chiếc “Métxersmít” đã lượn tròn trên đồng lúa mạch, khi thì lao vút lên trời, khi thì cứ bổ nhào mãi quanh một chỗ.
- Nó bắn bạn anh đấy, - Khôrưsép thản nhiên nói. - Xe tăng nằm đúng chỗ đó.
Chiếc “Métxersmít” quay tròn trên cánh đồng một lúc rồi bay đi. Xintxốp đã đâm lo, nhưng cái thân hình béo ị của anh chàng Miska đã hiện ra đằng chân trời. Anh ta tiến lại, nhổ phẹt xuống nền đường, trông thấy con cá bơn đang ăn dở trong tay Xintxốp liền nói: “Cho tớ”, rồi ngoạm lấy ngoạm để. Khôrưsép bèn vào chòi canh đem ra mấy con cá nữa.
- Máy bay nó bắn cậu đấy à? - Xintxốp hỏi.
- Bắn tớ đấy, - Miska cười phá lên. - Tớ liền nằm sấp xuống ngay rồi chui béng vào gầm xe tăng! Còn nó thì như con muỗi cứ vo ve xung quanh mà chẳng làm quái gì được cả.
- Chụp hết rồi chứ? - Xintxốp hỏi.
- Hết rồi. Có thể đi được rồi đấy.
Miska ăn hết con cá của Xintxốp, sau đó lại còn ăn thêm hai con nữa cũng nhanh như vậy, rồi uống một cà mèn nước. Xintxốp xỏ giầy, từ biệt ông lão gác đường rồi cả ba người - anh, Miska cùng Khôrưsép - quay trở về tiểu đoàn của Plốtnhikốp.
Plốtnhikốp đang ngồi trong hầm, bên cạnh máy điện thoại và cứ đều giọng trả lời:
- Rõ, tôi hiểu rồi... Rõ, tôi hiểu rồi. Tôi sẽ làm. - Anh đặt ống nghe xuống bàn và đứng dậy.
- Thế nào, chợp mắt được một lúc rồi chứ? - Xintxốp hỏi.
- Có chợp mắt được chút ít. Công việc thế này làm sao ngủ đẫy giấc được?
- Bây giờ tôi chụp ảnh anh đấy, - Miska nói.
Họ đi ra ngoài trời và Miska đưa mắt nhìn Plốtnhikốp với vẻ phê phán vì thấy: bộ mặt anh ta không cạo thì chớ chiếc mũ kêpi còn nhầu nát, bộ quân phục đã cháo lòng, khẩu “para-benlum” của Đức lại đeo trễ quá rốn.
- Không được rồi, - Miska thở dài.
Anh thích chụp những bức ảnh trang trọng mà Plốtnhikốp lại không phù hợp với ý thích của anh.
- Thiết chặt thắt lưng vào, - Miska bắt đầu ra lệnh. - Mà tại sao không có quai đeo nhỉ? Đồng chí có quai đeo không?
- Có, ở trong hầm ầy.
- Vào lấy quai đeo đi, để cho nó chỉnh tề một chút.
Plốtnhikốp miễn cưỡng quay vào hầm, mang quai đeo ra, vắt qua vai rồi móc vào thắt lưng.
- Cài móc ở cổ áo vào! - Miska đòi hỏi ráo riết.
Plốtnhikốp sờ tìm cái móc rồi bực bội nói :
- Rơi mất rồi!
Miska thở dài.
- Thế có mũ sắt không?
- Không có mũ sắt.
- Không có là thế nào nhỉ?
- Khôrưsép, đồng chí bảo cậu chiến sĩ nào cho mình mượn cái mũ sắt, - Plốtnhikốp nói. Anh đã quá ngán và không che giấu điều đó. Khôrưsép đem mũ sắt tới, Plốtnhikốp cất mũ kêpi và đội mũ sắt thay vào.
- Đồng chí có tiểu liên không?
- Có tiểu liên. Khôrưsép, đồng chí lấy khẩu tiểu liên của tôi trong hầm ra đây.
Khôrưsép đem tiểu liên ra. Plốtnhikốp khoác súng vào cổ, Miska sửa lại cách đeo súng, ngắm nghía lần cuối cùng rổi mới chụp cho Plốtnhikốp. Thật ra thì cả chiếc mũ sắt, cả khẩu tiểu liên, và nói chung tất cả những sự thay đổi bề ngoài của Plốlnhikốp do Miska nằng nặc yêu cầu đều chẳng thích hợp mấy tí với Plốtnhikốp.
Sau đó chỉ trong nháy mắt, Miska chụp được ảnh cho Khôrưsép. Anh chàng này không được mời mọc, tự mình nhanh nhẹn tiếp nhận khẩu tiểu liên và chiếc mũ sắt trong tay đại úy, đội và khoác vào người, vươn thẳng toàn thân, mắt không chớp, đứng nghiêm trước chiếc máy ánh.
- Tôi sẽ phái một trung sĩ tới đưa các anh về đến trung đoàn. - Plốtnhikốp nói. - Lữ đoàn trưởng gọi điện thoại ra lệnh nội trong đêm nay phải đào xong chiến hào dưới gầm những chiếc xe tăng Đức và đặt ổ phục kích. Tôi phải đi thi hành đây. Công việc phải làm xong tối nay. - Anh ta mệt mói vươn vai, quay lưng lại rồi đi thẳng.
- Thế nào, Plốtnhikốp có cho các đồng chí ăn gì không, hay là không nghĩ tới? - Xerpilin hỏi khi Xintxốp và Miska đã đứng trước mặt ông.
- Đại thể thì cũng có cho ăn đây... - Miska mở đầu một cách mập mờ, nhưng Xerpilin lại coi câu trả lời đó là đã đầy đủ rồi và không để cho nói thêm gì nữa, hỏi luôn:
- Nghĩa là công việc đã xong xuôi, có thể lên đường được rồi chứ?
- Vâng. Ngày mai phải kịp về Maxcơva nộp tài liệu cho số báo mới, nhưng tôi còn muốn được chụp ảnh đồng chí nữa.
- Chụp tôi để làm gì? Đi đi, thời gian quý báu lắm đấy.
Trong giọng nói của ông ta có cái gì khiến Xintxốp phải chú ý. Hình như Xerpilin muốn họ nhanh chóng rời khỏi nơi này. Suốt cả ngày tiếng đại bác đã vẳng lại cả từ phía bắc lẫn phía nam, bây giờ, tối đến, nó lại đã tiến vào sâu hơn về phía đông, phía sau lưng họ.
- Đồng chí lữ đoàn trưởng, dù sao cũng xin phép được chụp ảnh đồng chí, - Miska khẩn khoản.
- Vậy thì chụp cả ba, cả với trung đoàn phó chính trị và tham mưu trưởng nữa. Để lưu niệm về các bạn cùng trung đoàn, - Xerpilin nói. - Đồng chí sẽ in ảnh lấy à?
- Tôi in lấy, - Miska nói dối, vì chưa bao giờ anh làm ảnh cả. - Tôi sẽ in và gửi đến đây.
- Đừng gửi đến đây, - Xerpilin nói, và trong giọng nói của ông lại vang lên cái âm sắc đã từng làm cho Xintxốp chú ý. - Hãy gửi cho vợ chúng tôi, chúng tôi sẽ cho địa chỉ.
Ông ta gọi đồng chí cần vụ đến và bảo đi mời trung doản phó chính trị và tham mưu trưởng.
- Vợ các đồng chí ấy ở đâu? - Miska hói.
- Vợ hai đồng chí kia ở Riadan, còn nhà tôi thì ở Maxcơva. Anh có sổ tay không?
Miska lôi trong cặp bản đồ ra một cuốn sổ tay đã cáu bẩn, Xerpilin lật giở từng trang, rồi trên một trang giấy còn bỏ trắng, bằng nét chữ to và cứng, ông ghi: “Valentina Egôrốpna Xerpilina, Pirôgốpxkaia, 16, căn hộ số 4”.
Pirôgôpxkaia... Thế là sát ngay cạnh căn hộ nhỏ hẹp của Artêmiép ở phố Uxatrépca, nơi Masa đã tiễn chân Xintxốp lên đường về Grốtnô.
“Grốtnô, Grốtnô...” - anh nghĩ vậy và đây đã là đến lần thứ một trăm trong những ngày đó anh lại vẫn tự đặt ra cho mình câu hỏi này một cách vô mục đích: “Con gái mình ra sao rồi?”
Một phút sau, trung đoàn phó chính trị và tham mưu trưởng trung đoàn đã đến.
- Kia, họ đề nghị chụp ảnh đấy, - Xerpilin hất đầu về phía Miska, - và hứa là sẽ gửi ảnh cho vợ chúng mình.
Và đây cũng là lần thứ ba Xintxốp lại cảm thấy trong giọng nói của ông ta có một cái gì không nói được ra, một lòng kiên quyết trang trọng mà u buồn.
Xerpilin đứng giữa, bên trái là trung đoàn phó chính trị, bên phải là tham mưu trưởng, một người trẻ tuổi, đẹp trai, tóc nâu, với đôi mắt đen buồn bã.
- Cậu cũng đứng vào đây đi, - Miska bảo Xintxốp, - miễn là đừng đứng sát quá, để sau tớ sẽ cắt riêng cậu ra và in ảnh về cho vợ cậu. - Anh ta không muốn lắp phim mới, mà cuộn phim này thì đã sắp hết rồi.
Xintxốp đứng vào. Miska bấm xong rút sổ tay ra, sửa soạn ghi địa chỉ hai người kia, nhưng Xintxốp muốn rằng vợ của ba người này chắc chắn sẽ nhận được ảnh nên khuyên là cả ba người nên viết mỗi người một mánh giấy ngắn về nhà để đồng chí Miska chuyển cả giấy Iẫn ảnh về nhân thể.
Xintxốp hy vọng rằng dù cho có không thích in ảnh đến đâu chăng nữa, Miska cũng không sao ỉm được những lá thư từ mặt trận gửi về hậu phương.
- Ờ, thư từ làm cái gì! - Xerpilin toan từ chối, nhưng nhác thấy đôi mắt trẻ trung ủ dột của tham mưu trưởng bèn vội đồng ý: - Thôi được, chúng tôi sẽ viết ngay. Không giữ các anh lại lâu đâu, các anh còn phải lên đường.
- Tai hại thật! - Khi mọi người đã đi viết thư, Miska nói. - Phải lên đường, phải lên đường! Thế là cũng chả cho được bữa cơm chiều nữa. Bản thân mình cũng biết là mình phải lên đường rồi, nhưng cố tranh thú lấy độ một giờ để chén bữa cơm chiều thì sao chẳng được! Thế mà không, lão cứ đuối ồi ồi, đồ bủn xỉn.
- Ấy, cậu chả hiểu gì hết! - Xintxốp chợt hình dung ra một cách hoàn toàn rõ ràng rằng những tấm ảnh và những lá thư này có ý nghĩa như thế nào. Rồi trong lòng anh nẩy ra một quyết tâm đột ngột nhưng sắt đá, đó là sự tổng kết tất cả những điều mà anh đã nếm trải trong suốt ba tuần qua.
- Đợi tớ ở đây nhé, tớ quay ra ngay, - nói đoạn anh mở cánh cửa ăn thông vào căn hầm của Xerpilin. - Báo cáo lữ đoàn trưởng, có thể vào được không ạ?
- Cứ vào đi.
Xerpilin ngồi trước bàn và đang phóng bút viết lên một tờ giấy xé trong cuốn sổ dã chiến.
- Cái gì thế? - ông rời mắt khỏi mảnh giấy, hỏi Xintxốp và trỏ vào chiếc ghế đẩu cạnh bàn. - Đồng chí ngồi xuống đây.
Xintxốp ngồi xuống. Chắc hẳn nét mặt anh lộ ra một vẻ gì đặc biệt, khiến Xerpilin phải chú ý.
- Anh có chuyện gì thế?
-  Tôi sẽ không cùng đi với anh bạn tôi nữa. Tôi xin phép đồng chí được tạm thời ở lại trung đoàn đồng chí.
- Tạm thời làm sao? - Xerpilin vội hỏi.
- Tôi không muốn rời khỏi trung đoàn đồng chí, - Xintxốp không trả lời vào câu hỏi của Xerpilin mà chỉ nhắc lại ý mình.
- Tại sao vậy?
- Tôi thấy hình như các đồng chí không định rút lui. Tôi muốn ở lại với các đồng chí. - Và Xintxốp nhìn thẳng vào đôi mắt của Xerpilin.
- Quả thực chúng tôi không định rút lui, - Xerpilin nói, - nhưng chỗ chúng tôi đâu phải là duy nhất trên đời này, anh đã thấy tình hình ở đơn vị chúng tôi, vậy hãy đi đi và xem tình hình ở nơi khác ra sao, phóng viên thì ít mà đơn vị thì nhiều. Đi đi, - ông ta kết luận cố làm ra vẻ phấn chấn mà không được. - Tôi không cho phép ở lại, anh chẳng có việc gì làm ở đây đâu. - Rồi ông lại cúi xuống bức thư.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, - Xintxốp nói bằng một giọng bẳt buộc Xerpilin lại phải nhìn thẳng vào mắt anh ta, - tôi đã chán cái cảnh cứ chạy dài như con thỏ mà không biết viết cái gì. Chiến tranh đã sang tuần thứ tư mà tôi chưa viết lách được gì cả. Không biết thế nào, nhưng hẳn là tôi không được may mắn lắm hay sao ấy, nhưng hôm nay lần đầu tiên tôi đã đến được một trung đoàn mà đúng là ta đã diệt tới ba mươi chín chiếc xe tăng Đức, và cuối cùng tôi cũng đã được tận mắt trông thấy những chiếc xe tăng đó. Nếu ngày mai các đồng chí lại xuất trận, tôi cũng sẽ được tận mắt trông thấy trận đánh và sẽ viết về trận đó. Tôi là cán bộ của tờ báo mặt trận, ở chỗ các đồng chí là mặt trận, nếu tôi không ở đây thì còn ở đâu nữa?
- Thế này nhé, đồng chí gì... tôi quên mất, hôm qua đồng chí đã xưng tên là...
- Xintxốp.
- Thế này nhé, đồng chí Xintxốp ạ! - vẻ mặt Xerpilin trở nên nghiêm trang. - Tôi đã hiểu nguyện vọng của đồng chí xin ở lại chiến đấu rồi. Nhưng có khi vì tình hình mà chỉ có những người qui định theo biên chế mới được ở lại đơn vị, ngoài ra không cần có một người nào khác chiến đấu và hy sinh trong đơn vị cả. Giá như trước mắt chúng tôi chỉ đơn giản là chiến đấu thôi thì tôi đã để đồng chí ở lại, nhưng rõ ràng trước mắt chúng tôi không phải chỉ đơn giản là chiến đấu mà là chiến đấu trong vòng vây. Sáng nay, tôi mới giả thiết thế thôi, còn bây giờ tôi đã tin chắc như vậy rồi. Đồng chí có nghe tiếng pháo bắn đấy chứ?
- Có nghe ạ.
- Đồng chí nghe chưa rõ đấy. Bây giờ bọn Đức đã kẹp hai bên sườn chúng tôi, đã ở sâu bên kia sông Đniép rồi. Dọc đường các đồng chí có thể gặp chuyện phức tạp đấy, dù cho các đồng chí có lên đường ngay bây giờ đi nữa. Ra ngoài đi, cho tôi viết nốt lá thư, cả tôi lẫn đồng chí đều còn ít thời gian quá rồi.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng! - Xintxốp nói. - Báo cáo lữ đoàn trưởng! - anh khăng khăng nhắc lại, và đã lớn tiếng hơn để làm cho Xerpilin phải chú ý, vì ông ta đã lại cầm lấy bút chì.
- Sao? - Xerpilin rời khỏi lá thư với vẻ không bằng lòng.
- Tôi là đảng viên, chính trị viên có quân hàm, và tôi đề nghị đồng chí để tôi ở lại đây. Chuyện gì sẽ xảy ra với đồng chí thì sẽ xảy ra với tôi. Nếu chúng ta còn sống, tôi sẽ viết tất cả mọi chuyện xẩy ra, tôi sẽ không trở thành gánh nặng cho đồng chí đâu; còn nếu cần, tôi sẽ hy sinh không kém gì người khác.
- Xintxốp, cậu thử nghĩ lại xem, sau này đừng oán hối đấy! - Xerpilin chăm chú nhìn Xintxốp từ đầu đến chân hồi lâu, rồi chợt chuyển sang “cậu tớ” mà bảo anh như vậy.
- Tôi sẽ không hối tiếc đâu, - Xintxốp nói và trong giây phút đó anh tin chắc là quả thật mình không hối tiếc gì hết, và hiểu rằng vấn đề như vậy là đã giải quyết xong, không còn gì để nói nữa.
- Báo bạn cậu rằng một phút nữa tớ sẽ viết xong, cứ sửa soạn đi, - Xerpilin dặn với theo anh.
- Ở ngoài này người ta đã cấp lương khô cho chúng ta đi đường rồi đấy, - Miska vui vẻ nói, vừa vỗ vỗ vào chiếc túi dết đã phải dùng hết sức mới cài nổi khuy. - Lữ đoàn trưởng không nói với chúng mình, nhưng tớ cứ tự ý ra lệnh.
- Tớ không đi với cậu nữa đâu. Tở còn phải ở lại đây vài ngày. - Xintxốp nói, không đi sâu vào chi tiết.
- Ở lại là thế nào? Ở lại đến bao giờ? Tinh hình của cậu ra sao, tài liệu ít quá à?
- Ít quá.
- Ít thì lần sau lại đi, sẽ thu lượm nhiều hơn, còn tạm trong lúc này thì thế cũng đú khá rồi!
- Không, Miska ạ, tớ sẽ ở lại, - Xintxốp khăng khăng nhắc lại.
- Cậu nghe đây, thế là đểu giả nhé! - Miska đỏ mặt tía tai, phát cáu mà kêu lên. - Cậu cũng thừa biết rằng tớ không thể ở lại với cậu được, chả ai mang hộ ảnh về tòa soạn thay cho tớ cả!
- Đúng, bởi thế cậu cứ về đi.
- Chả hóa ra tớ bỏ cậu lại đây một mình à!
- Thôi đừng có nói bậy! Cậu cứ đi đi, thế là xong!
- Thôi được, - Miska nói vì vừa nẩy ra trong óc một ý nghĩ nó giải thoát anh ngay lập tức khỏi cái tình thế khó xử này. - Tớ sẽ nhót về Maxcơva, nộp ảnh rồi quay trở lại đây với cậu. Lâu nhất là ba hôm nữa! Nhưng chỉ cốt là cậu đừng đi đâu cả. Phải đợi ở đây, tại chỗ! Cam đoan chứ?
- Cam đoan! - Xintxốp vừa nói vừa đáp lại cái bắt tay nồng nhiệt của Miska.
Miska lập tức trở lại vui vẻ sau cái ý nghĩ cứu nguy đó vừa nẩy ra trong óc mình.
- Mà này, - anh sực nhớ ra, - cậu hãy viết cho tớ một trăm giòng ngay bây giờ. Để cho có bài tường thuật việc tiêu diệt những chiếc xe tăng này. Tớ bảo đảm là nó sẽ được đăng cùng với bức ảnh của tớ. Bài của cậu sẽ được đăng lên báo “Tin tức”, có hại gì đâu nhí?
Xintxốp lo lắng nhớ lại lời Xerpilin nói rằng thời giờ rất quý và lưỡng lự là có nên làm cho Miska chậm trễ không.
Ngay lúc đó, Xerpilin đã bước ra khỏi hầm, tay cầm chiếc phong bì chưa dán và nói với Miska:
- Đây. Tôì đã viết xong, anh bỏ ảnh vào và dán lại cho. Sửa soạn xong rồi, bây giờ anh lên đường chứ?
- Tôi đi ngay bây giờ, chỉ còn chờ cậu ấy viết cho bài tường thuật nữa là tôi lên đường. - Miska hất hàm chỉ Xintxốp.
Xintxốp xin phép Xerpilin vào trong hầm để viết vài dòng dưới ánh nến.
- Cứ vào, - Xerpilin bảo, - tôi cũng đi bây giờ. Các đồng chí kia đã đưa thư cho anh chưa?
- Đưa rồi ạ.
- Lên đường bình an nhé. - Xerpilin bắt tay anh rồi đi luôn, ông không từ biệt Xinlxốp, bởi vì lẽ đã coi anh là người nhà.
Miska cùng Xintxốp bước vào hầm, vì đứng đợi một mình cũng buồn. Xintxốp ngồi xuống viết, còn Miska thì mở khuy túi dết, lôi ra một khúc dồi khô, bắt đầu tập trung vận động đôi quai hàm.
Xintxốp viết nhanh và thậm chí viết với nỗi bực dọc, vì cần phải vội vàng. Anh viết về những chiếc xe tăng Đức bị diệt, về những tên Đức chết lăn trong ruộng lúa mạch, về Xerpilin, Plốtnhikốp, Khôrưsép, và nhấn đi nhấn lại một điều chủ yếu nhất là: có thể đốt cháy xe tăng Đức được, miễn là đừng rút lui khi nó xông tới.
Anh viết vội vàng mà trong óc thì vẫn thấp thoáng hiện ra tất cả những hậu quả của sự quyết định mới đây của mình. Anh có cảm tưởng rằng nếu ban nãy anh không hạ quyết tâm như vậy và không kịp thời nói với Xerpilin thì bây giờ anh đã là kẻ nhát gan và đã ra đi. Anh hổ thẹn suy nghĩ về sự yếu đuối của mình, không hiểu rằng các cá tính khác nhau thường mạnh mẽ một cách khác nhau, và đôi khi sức mạnh của chúng là ở chỗ tuy khiếp sợ những hậu quả của quyết định của mình, nhưng vẫn không hề thay đổi quyết định. Theo đúng đồng hồ thì anh viết xong toàn bộ bài tường thuật trong có hai mươi lăm phút, rồi thuận tay viết thêm luôn vào tờ cuối cùng mấy giòng cho Masa.
- Cầm lấy, - anh vừa nói vừa gấp mấy tờ giấy làm tư. - Đánh máy xong thì trao bản nháp lại cho vợ tớ. Có thể cô ấy còn ở Maxcơva, số điện thoại của cô ấy đây. Khi nằm bệnh viện, tớ đã viết cho cô ấy hai lần rồi, nhưng tớ hy vọng vào cậu hơn vào bưu điện.
- Đã hẳn là thế! - Miska thở dài nhét khúc dồi đang ăn dở vào túi dết, rồi cầm lấy mấy tờ giấy của Xintxốp.
Họ cùng nhau ra khỏi căn hầm. Miska vốn không thích nghĩ ngợi lâu về những quyết định của mình cũng như của người khác, nhưng dù sao trong tâm hồn tuy không nhạy bén nhưng hiền hậu của anh, giữa giây phút đó, vẫn nao nao một nỗi lo âu mà bản thân anh cũng chưa hiểu được tường tận. Anh không bằng lòng về việc anh đi mà Xintxốp thì ở lại. Anh không bằng lòng, rất không bằng lòng!
- Khỏe nhé, - anh vừa nói vừa bắt tay Xintxốp, - khỏe nhé. Tớ sẽ nhót tới chỗ cậu đấy. Cam đoan đấy! - Rồi bóng dáng vuông vắn của anh hòa lẫn vào bóng tối.
Ghé ngồi xuống mép công sự và ngước nhìn bầu trời đầy sao, Xintxốp suy nghĩ là ngày mai, lúc trời xẩm tối, Miska sẽ ngồi xe ô tô bon tới Maxcơva, sẽ tự mình tráng phim, in ảnh rồi mang những tấm ảnh còn ướt đó đến tận bàn tổng biên tập. Và chỉ sau đó (Xintxốp biết trước như vậy) Miska mới gọi điện thoại cho Masa. Lúc ấy sẽ là ban đêm, nếu Masa còn ở Maxcơva, cô ta sẽ nhắc ống nghe lên và Miska sẽ bảo cô ta rằng mới cách đây có một ngày đêm, anh ta đã gặp chồng cô, anh ấy còn sống và khỏe mạnh...
Còn anh trong lúc ấy, sẽ qua một ngày đêm nữa... Anh chưa biết qua một ngày đêm nữa sẽ có chuyện gì xẩy ra với mình, và anh không muốn nghĩ tới việc đó bây giờ. Anh chỉ biết một điều: sự yên tĩnh hôm nay không phải là vô tận, nó sẽ chấm dứt vào đêm nay hay sáng mai, và lúc ấy trận chiến đấu sẽ bắt đầu. Còn cái gì sẽ xẩy ra với anh trong trận chiến đấu này thì anh không biết, cũng như tất cả những người lính khác đều không biết, những người ấy hợp thành trung đoàn Xerpilin và đang ngồi đây, ngay bên cạnh, trong công sự, và xa hơn - cách một hai cây số - trong các hầm trú ẩn và giao thông hào, rồi xa hơn nữa, trong những hố chiến đấu mà chắc hẳn anh chàng Plốtnhikốp cần cù đã cho đào xong trên cánh đồng lúa mạch, dưới gầm xe tăng Đức.
* * *
Miska đã kịp phóng qua cầu sông Đniép và bây giờ về phía mình cũng đang nghĩ đến anh bạn Xintxốp mà mình đã bỏ lại. Cả Xintxốp lẫn Miska, cả hai người cũng đều không biết là sau đây một ngày đêm họ sẽ gặp chuyện gì. Miska băn khoăn với ý nghĩ là đã bỏ bạn ở lại hỏa tuyến, còn chính mình thì quay về Maxcơva, nhưng anh không biết được là sau đó một ngày đêm Xintxốp vẫn không bị giết, cũng không bị thương, chẳng sây sát, mà vẫn sống và khỏe mạnh, chỉ phải cái mệt tưởng chết và sẽ nằm ngủ mê man dưới đáy cái công sự này.
Còn Xintxốp tuy ghen tị rằng sau một ngày đêm nữa Miska sẽ được ở Maxcơva, trò chuyện với Masa, nhưng anh lại không biết được rằng một ngày đêm sau, Miska sẽ chẳng tới được Maxcơva, sẽ không trò chuyện được với Masa, bởi vì anh đã bị tử thương từ buổi sáng tại Tsauxư, vì một băng đạn súng máy từ chiếc xe mô tô Đức quạt tới. Băng đạn này đã xuyên thủng cái thân hình to lớn và khỏe mạnh của anh ở mấy chỗ và anh cố thu hết sức tàn, bò vào bụi cây bên đường, rồi mặc cho máu chảy, sẽ tháo cho ánh sáng vào cuộn phim có hình ảnh xe tăng Đức, có anh chàng Plốtnhikốp mệt mỏi mà Miska đã bắt đội mũ sắt, khoác tiểu liên, có anh chàng Khôrưsép đứng nghiêm một cách hiên ngang, có Xerpilin, Xintxốp và người tham mưu trưởng ủ rũ. Sau đó, phục tùng cái ý muốn cuối cùng theo bản năng, anh sẽ dùng những ngón tay mập mạp đã yếu sức để xé vụn mấy lá thư mà những người kia gửi nhờ anh chuyển về cho vợ. Những mảnh thư vụn ấy thoạt tiên sẽ bay rải rác trên mặt đất bên cạnh cái thân hình mất máu đang hấp hối của Miska, sau đó rời khỏi chỗ và bị gió cuốn đi, vừa bay vừa quay tít, lướt trên con đường tắm bụi dưới bánh xe vận tải Đức, dưới vòng xích của những chiếc xe tăng Đức đang bò về phía đông.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét