Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 8

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Tám

Đoàn xe gồm mười ba chiếc xe tải, và hai chiếc “Emka” một đi đầu và một đi ở cuối - đã chạy được hơn một giờ trên con đường rừng mà theo lời của những người thông thuộc thì nó sẽ gặp con đường ôtô đi Iukhơnốp ở đâu đằng trước.
Sau trận mưa hôm qua, trời lại hanh và lộng gió. Hai bên đường, những triền rừng thu vàng và đỏ dài hàng cây số xen kẽ với những dải đồng ruộng mùa thu màu xám chạy xa tít đến tận chân trời. Những chiếc lá khô bị gió cuốn lên luôn chạy qua đường, luồn dưới bánh xe. Thỉnh thoảng mặt trời lại ló ra qua lớp mây đen, khiến cảnh vật trở nên hoàn toàn ấm áp, tươi vui.
Khì chưa lên xe, trong lúc còn giao nộp vũ khí, Xintxốp đã hỏi Smakốp rằng bây giờ anh giữ nhiệm vụ gì và nên ngồi xe nào.
Trước đây anh giữ luôn một lúc ba chức ở bên Xerpilin - vừa là sĩ quan tùy tùng, vừa là cần vụ, vừa là thư ký, nên sau khi bất ngờ phải xa ông ta, anh cảm thấy mình nhàn rỗi khác thường.
- À, cậu đừng vội! - Smakốp dịu dàng nói, chuyển sang xưng “tớ cậu” với Xintxốp. Sau cuộc míttinh, tâm hồn ông đã dịu lại và trở nên hiền từ đối với mọi người xung quanh. - Đến nơi chúng mình sẽ bàn xem. Ngồi lên xe nào cũng được. Cậu sẽ còn tha hồ mà chỉ huy!
Thế là Xintxốp ngồi lên chiếc xe mà anh gặp đầu tiên, ở khoảng giữa đoàn xe.
Ngồi bên cạnh anh trong hòm xe té ra lại là chiến sĩ Dôlôtarép, cái anh chàng trước kia đã cùng đại tá Baranốp chạy đến với các anh. Thậm chí Dôlôtarép vẫn mặc nguyên chiếc áo da ấy, chỉ khác là bây giờ nó đã bị sờn rách và bạc trắng cả ra. Và anh vẫn gíữ được cả khẩu súng trường cũ mà anh đã mang đến hồi bấy giờ. Khi còn ở trong vòng vây, anh đã không ham mê vũ khí chiến lợi phẩm, bây giờ lại hóa hay.
Ngồi cạnh Dôlôlarép về phía bên kia là một người lái xe của lữ đoàn xe tăng. Anh xin đi nhờ xe đến cơ sở sửa chữa ở hậu phương, vì chiếc xe tấn rưỡi của anh ta đang sửa ở đó.
Lúc đầu, câu chuyện trên xe xoay quanh vấn đề giao nộp vũ khí chiến lợi phẩm. Anh lái xe của lữ đoàn xe tăng đùa mãi không chán về chuyện này.
- Cố nhiên, - anh ta nói, - đối với súng cối và súng máy chiến lợi phẩm của các anh, ngay cả các anh có tước được đại bác đi chăng nữa, cũng chả ai dòm ngó đâu. Nhưng còn về những khẩu tiểu liên ấy thì rồi sẽ có cả một cuộc chiến tranh đấy. Chả hiểu thế nào mà ban chỉ huy của các anh lại chịu nộp một món chiến lợi phẩm béo bở như vậy nhỉ? Giá mà tôi chỉ huy các anh thì không đời nào tôi chịu nộp.
- Chả nhẽ lại mang chúng về hậu phương à? Ngoài mặt trận cần hơn chứ, - Xintxốp bác lại, cốt để giữ nguyên tắc nhiều hơn là do tự đáy lòng mình.
- Ngoài mặt trận à! Thì các anh cũng có đi Xibêri đâu, các anh sẽ còn ra mặt trận nữa chứ!
- Sẽ ra, nhưng chưa ra ngay!
- Đồng chí chính trị viên ạ, đồng chí giải thích thì đúng đấy, - người lái xe đáp, bề ngoài có vẻ cung kính, song trong đôi mắt ranh mãnh của anh ta lại ánh lên vẻ giễu cợt. - Nhưng gặp phải tay tôi, không đời nào tôi nộp! Ôi, vì những khẩu tiểu liên này của các anh mà sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh đấy! Ông lữ đoàn trưởng nhà tôi nhất định sẽ nhúng tay vào, bảo để lại cho lữ đoàn! Rồi cơ quan hậu cần của tập đoàn quân nhất định sê mò đến nơi, bảo “đưa đây”! Rồi sư đoàn bên cạnh cũng lần sang, lấy tình nghĩa láng giềng đề nghị: có thể nhường cho một ít được không? Thế còn bộ tham mưu tập đoàn quân, cánh ấy họ cứ là “đè bẹp ráo”! Họ sẽ xuống và nẫng hết! Vả lại họ sẽ bảo, này các ông xe tăng, ở Ennha các ông đã vớ bẫm một món chiến lợi phẩm rồi. Nhưng nói chung, ở cái đất Ennha ấy... đánh nhau thì ra trò, mà chiến lợi phẩm lại không sộp đâu... Không, không sộp đâu...
Cảu chuyện chuyển sang những trận đánh mới đây ở Ennha. Theo Xintxốp hiểu được thì bản thân người lái xe này tuy không tham gia vào những trận đánh, nhưng chắc hẳn đã nhắc lại nguyên những câu chuyện mình được nghe. Anh ta ba hoa kể lại rằng bọn Đức ở Ennha có đến tám sư đoàn. Nghĩa là có trong tay cả một tập đoàn quân, và nói chung ta đã nện chúng ra trò, nhưng lúc cuối chầu thì có hơi bị sơ hở. Theo lời người lái xe, giá mà các “ông bạn láng giềng”, không chơi khăm (cụ thể là những ông bạn láng giềng nào và họ đã chơi khăm về việc gì thì anh ta không nói đích xác), thì có thế đã nhét tất cả bọn Đức vào chai và đút nút lại rồi.
Tất cả những ai ngồi trên xe đều chăm chú lắng nghe, khi xe qua ổ gà bị xóc mạnh, nếu bỏ sót mất chữ nào, câu nào, là họ vội hỏi lại ngay.
- Thế nghĩa là rút cục để sổng mất à? - Khi anh lái xe nói về cái chai thì một người nào đó cay cú hỏi.
- Không phải là để sổng hết đâu, - anh lái xe trả lời, - nhưng súng ống chúng nó lôi đi mất... Thì tớ vừa nói là chiến lợi phẩm không sộp đâu mà lại.
Và tất cả những người nghe anh lái xe kể, mặc dù vui mừng thấy ta đã đánh bại bọn Đức ở Ennha, hơn nữa đánh bại được những tám sư đoàn địch, nhưng đồng thời cùng lại coi cái việc bên ta không lảm được đến nơi đến chốn, không nhét được địch vào chai là một điều lăng nhục riêng đối với mình. Tất cả mọi người đi trên xe đều rất muốn cho bọn Đức bị bao vây, bị rơi vào tình trạng như họ đã bị trước đây.
Rồi sau một lát im lặng, có người hỏi là trong những trận chiến đấu ở Ennha có thiệt hại nhiều không.
- Mà biết nói thế nào nhỉ...- anh lái xe thuộc lữ đoàn xe tăng đó trả lời một cách mơ hồ. - Mỗi bên đều có sự thiệt hại khác nhau, hơn nữa là nếu tính thiệt hại về người hay thiệt hại về vũ khí, thì cũng phải xem cách tính như thế nào.
Và Xintxốp hiểu được rằng thiệt hại như vậy là nặng, nhưng người lái xe không muốn nói đến điều đó trong lúc này.
- Còn không quân thì thế nào? - một người nào đó lại hỏi.
- Trông đấy thì biết, có gì đâu! - anh ta buông tay khỏi thành xe, trỏ lên trời mà đáp. - Chúng ta đang đi thế này mà có thấy gì đâu. Nếu có thì thường là đừng hòng thò đầu ra khỏi chiến hào. Còn bây giờ tôi có thể nói là thậm chí chúng ta đi bạo phổi quá đấy. Thực ra, những ngày vừa qua cũng có yên tĩnh, chúng nó bay ít quá. Thậm chí lại đâm lo nữa. không biết tại sao lại như thế.
- Vậy nếu chỉ tính thương vong không thôi thì thế nào? - cái anh chàng chiến sĩ đã hỏi lần đầu bây giờ vẫn cứ đai lại. - Ví dụ như trong lữ đoàn các anh: từ đầu chiến tranh có bao nhiêu người, bây giờ còn bao nhiêu...
- Thế thì biết nói sao nhỉ... - anh chàng lái xe lại đánh trống lảng. - Trong những trận chiến đấu đầu tiên có mất một số người, sau đó khi đột phá vòng vây cũng lại có mất một số nữa. Quả thực, dọc đường chúng tôi cũng có thêm được một số...
- Thì chúng tôi cũng thế, - mấy người cùng lên tiếng đáp lại một lúc.
- Nghĩa là ở đơn vị chúng tôi ai lạc ngũ thì cũng có thể theo vào đơn vị khác, - người lái xe nói tiếp một cách chín chắn. - Cũng là anh nọ chạy sang anh kia thôi mà. Sau đó, phiên chế lại thì lại thành quân số mới. Rồi đánh nhau ở Ennha, và bây giờ chúng tôi lại đang đợi bổ sung... Vậy thì tính thế nào đây? Ví dụ như tôi chẳng hạn, tôi ở lữ đoàn này từ những ngày đầu, từ hồi ở Xlônim.
- Thế những người như cậu có nhiều không?
- Tói không tính, tôi chả biết! - anh lái xe hằn học nói.
Và Xintxốp lại nghĩ thầm: “Không nhiều đâu!”.
- Còn thư từ thì bây giờ thế nào, các anh có nhận được không? - Xintxốp hỏi - Bưu điện dã chiến làm việc có tốt không?  
- Thư từ thì vẫn có đấy, nhanh hay chậm thì tôi chẳng nói được, cái đó là tùy xem gia đình từng người ở chỗ nào. Đồng chí chính trị viên, ví dụ như gia đình đồng chí ở đâu?
- Tôi không biết! - Xintxốp nhăn nhó đáp.
Anh không muốn nói sang câu chuyện đó.
- Chính thế đấy, bực nhất là không biết ở chỗ nào, - người lái xe đáp lại, thở dài rồi im lặng.
“Có thể là gia đình cậu ta cũng mất tích rồi chăng? - Xintxốp nghĩ thầm khi nghe tiếng thở dài ấy. - Mà cùng có thể ngược lại, biết đâu gia đình cậu ta mất tích, còn trong lúc ấy mình lại tìm thấy gia đình? Vả lại, trong chiến tranh đâu phải chỉ rặt những điều bất hạnh, còn có cả sự may mắn nữa chứ!...”
Rồi anh chống cùi tay lên thành xe, nhìn xuống cái dải mờ xám của con đường đang chạy loang loáng dưới bánh xe, quay ra suy nghĩ xem hiện nay cái gì đang chờ đợi mình: sự may mắn hay điều bất hạnh? Con gái mình bây giờ ra sao? Trong lúc anh ở ngoài mặt trận, có khi bà mẹ vợ đã cùng nó quay về được Maxcơva rồi cũng nên? Hay là hai bà cháu vẫn ở lại Grốtnô và thế nghĩa là hiện nay không có tin tức gì, mà tương lai cũng sẽ không có tin tức gì... Còn Masa thì ra sao? Cô ấy đã đi bộ đội hay chưa? Thế là suốt từ sáng tới giờ, anh vẫn chưa kịp viết bức thư cho cô ấy và anh tính là sẽ viết ngay chiều nay khi đến địa điểm.
- Rút cục lại là thế nào?... - Xintxốp hỏi. - Nếu gia đình ở Maxcơva thì thư từ đây đi, một tuần có đến nơi không?
- Cũng phải một tuần nưỡi.
- Còn nếu gửi đến Viadơma chẳng hạn? - Xintxốp lại hỏi.
- Đến Viadơma thì lâu hơn. - anh lái xe nói. - Tuy gần hơn nhưng lại phải đi đường vòng, phải qua Maxcơva. Viadơma thuộc tỉnh Xmôlenxk mà Xmôlenxk lại nằm trong tay tụi “Phritx”.
Xintxốp suýt nữa lại hỏi “Sao?”. Lần đầu tiên anh nghe thấy chữ “Phritx”.
- Bây giờ ngưòi ta gọi bọn phát xít là “phritx”, - thấy Xintxốp hỏi có vẻ ngơ ngác, anh lái xe liền vui lòng giải thích. - Trong vòng vây, các anh không nghe nói à?
- Không nghe nói. - Dôlôtarép đỡ lời cho Xintxốp.
- Nghĩa là đã hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài rồi. - anh lái xe cười phá lên.
- Cậu nói bị cắt đứt là chính xác đấy. - Dôlôtarép vỗ vào đùi anh lái xe của lữ đoàn xe tăng và nói - Cứ lấy tớ làm ví dụ: đã gần ba tháng nay tớ chưa hề cầm đến tay lái.
- Khối người ba tháng nay chưa cầm đến tay lái và còn hơn nữa kia! - một giọng thanh thanh và  vui vẻ của ai trong góc hòm xe đáp lại. - Nhưng cánh mình chưa kêu ca gì đâu. Cánh mình cứ đi và cứ chịu đựng. Thế mà cậu ấy đã rơi nước mắt vì cái tay lái của cậu ấy rồi.
Những người ngồi trên chiếc xe tải cười rộ, đế thêm mấy câu nữa đậm đà hơn khiến câu chuyện rôm rả hẳn lên, trở thành cuộc đấu khẩu tập thể trong mấy phút, nhưng sau đó lại lắng hẳn xuống.
- Mình nhớ tay lái quá. - Dôlôtarép vừa níu lấy ống tay áo anh chàng lái xe của lữ đoàn xe tăng vừa xoay vào câu chuyện nghề nghiệp lái xe của mình. - Giá bây giờ được ngồi vào kia. - anh ta hất hàm chỉ vào buồng lái. - mà phóng nhỉ.
- Cậu lái xe tải à?
- Không, mình lái xe con thôi. Một chiếc Emka xinh xắn mới toanh, vừa mới bóc tem ngay trước khi xảy ra chiến tranh.
- Thế sao, bị ném bom hay là phải quăng đi.
- Tớ đốt đi... có lệnh phải đốt...
- Cậu chở ai thế? - anh lái xe của lữ đoàn xe tăng hỏi.
- À, chở một… - Dôlôtarép nói, nhưng khi bắt gặp cái nhìn của Xintxốp thì không nói thêm gì nữa.
Hoàn cảnh run rủi đã khiến cả hai người được chứng kiến cái chết của một kẻ mà bây giờ Dôlôtarép không muốn gọi tên ra. Lúc đã sang tháng thứ hai ở trong vòng vây, một buổi chiều kia, Xintxốp đang sảỉ đôi chân cò hương của mình đi tới trung đội của Khôrưsép để truyền đạt một lệnh thường lệ của Xerpilin.
Tình hình chiều hôm đó cũng đại thể như những hôm đầu bị bao vây... Đến đêm sẽ phải vượt qua đường ôtô, và nói cho đúng hơn là sắp phải đánh nhau, không còn cách mào khác.
Trao đổi với Khôrưsép xong, Xintxốp ngồi xuống tranh thủ rít vài hơi thuốc trước khi quay về. Khôrưsép đã hào phóng đến kỳ lạ - đổ cho anh một lô thuốc lá vụn trộn lẫn với lá cây khô nát để anh quấn một điếu sâu kèn.
Các chiến sĩ của trung đội tản vào các bụi cây xung quanh; người nào súng đạn đã ổn rồi thì nghỉ, những người khác đang lau chùi vũ khí, chuẩn bị chiến đấu.
Dôlôtarép ngồi cạnh Xintxốp và Khôrưsép vừa lau khẩu súng trường vừa than thở rằng nòng súng mà lau khô không có dầu mỡ thì chẳng khác gì lấy vỏ bánh mì mà cọ vào họng người ta.
Baranốp ngồi trên một mô đất cách đấy chừng hai chục bước, đang lúi húi với khẩu súng “Parabenlum” chiến lợi phẩm.
Vừa đúng ngày hôm nay, được sự ủy nhiệm của Xerpilin, Xintxốp đang hỏi Khôrưsép về Baranốp, và Khôrưsép tỏ ý không hài lòng, đáp rằng Baranốp chiến đấu kiểu làng nhàng. Gã chuyên tìm việc nhẹ...
- Cách đây ít lâu, gã lại đem đục đổi lấy dùi, nghĩa là đem khẩu tiểu liên đổi lấy khẩu “Parabenlum” của một chiến sĩ, - Khôrưsép cắt nghĩa. - Đối với gã, khẩu tiểu liên xem ra nặng lắm thì phải! Giá như tớ hoặc cậu thì liệu mình có đổi thế không nhỉ? Tớ thì tớ nện cho ấy chứ lại đổi kiểu thế à! Có thằng nào tính chuyện đánh nhau cho ra trò mà lại đem thứ thật đi đổi lấy thứ đồ chơi kia chứ?
Và kia, Baranốp đang ngồi lúi húi với chính cái khẩu “Parabenlum” ấy trên mô đất cách xa những anh em khác.
Lúc ấy, Xintxốp còn nghĩ thêm rằng: tại sao gã lại ngồi riêng biệt ra như thế? Và anh tự trả lời: chắc là vì gã vẫn không cam chịu phục tùng hoàn cảnh của mình. Còn anh em thì cũng cảm thấy thế nên xa lánh.
Xintxốp nghĩ về Baranốp như vậy, sau đó anh rít một hơi thuốc lá, đưa mắt liếc nhìn Dôlôtarép, và sau khi nhác thấy cậu ta thèm thuốc đến nỗi phải nhìn đi nơi khác thì bèn đưa điếu thuốc quấn cho Dôlôtarép: “Này, rít đi!”.
Dôlôtarép thận trọng giơ hai ngón tay nhón lấy điếu thuốc rít một hơi rõ sâu nhưng ngắn để khỏi hút quá mức rồi trao trả lại điếu thuốc cho Xintxốp.
Ngay lúc ấy, một phát súng nổ đánh đọp.
- Ai bắn đấy? - Khôrưsép nhảy phắt dậy, rít lên, giọng dữ tợn. Đơn vị đang nghỉ chân ở ngay sát đường ôtô, không thể vãi đạn ra như thế được. Nhưng té ra nào có còn ai để trách mắng nữa đâu: Baranốp đã nằm chết quay lơ. Phát đạn đó là từ khẩu “Parabenlum” bay ra, nó nổ thẳng vào mặt gã, hớt của gã mất nửa cái đầu.
Hồi ấy, Xintxốp nghĩ rằng Baranốp tự tử vì đã quá ngán ngẩm với những nỗi nguy hiểm hàng ngày, hay vì khiếp sợ trước trận chiến đấu sắp tới, hoặc còn vì một lý do nào đó mà chẳng ai biết được, bây giờ không sao hỏi gã được nữa rồi...
Nhưng khi Xintxốp báo cáo với Xerpilin về việc này thì ông ta lắc đầu:
- Tớ không tin là hắn đã tự tử, - ông nói. - Đó là một phát đạn tình cờ, tuy vậy những trường hợp tình cờ thường cũng có lý do: hắn đã thoái hóa, tự coi thường cả chính mình; khi lau súng cũng cẩu thả mà súng thì chưa quen. Thế là ăn đạn vào trán thôi. Cậu nghĩ thế nào tùy cậu: tình cờ hay không tình cờ cũng được.
Xintxốp vẫn giữ ý kiến của mình, nhưng nói chung anh cũng chẳng để bụng lâu về việc này. Trận chiến đấu ác liệt đêm hôm đó có rất nhiều người chết đã làm lu mờ ngay sự việc xảy ra.
Như trong tất cả các trường hợp tổn thất khác, Xintxốp đã xóa tên Baranốp trong danh sách đi, và câu chuyện đến đó coi như chấm dứt...
Và mãi đến lúc này, khi bắt gặp cái nhìn của Dôlôtarép, cả hai người mới lại nhớ đến phát súng nổ đánh đọp một cách lạnh lùng ở trong rừng, phát súng đã chấm dứt cuộc đời của một kẻ mà người lái xe cho gã không muốn nhắc tới tên họ của gã nữa.
- Làng tôi đây, nhà bố mẹ tôi đây rồi! - anh chàng lái xe của lữ đoàn xe tăng vui vẻ kêu lên rồi lấy tay gõ dồn dập vào nóc buồng lái. - Chạy chậm lại tí, tở phải xuống đây để rẽ vào trạm sửa chữa.
Nơi anh ta nhảy xuống có một lối mòn mới mở chạy sâu vào rừng, ở cửa rừng thấy có những khẩu pháo cao xạ đặt trong các công sự hình vuông phủ lưới ngụy trang, còn trên lối mòn di sâu vào rừng thì có hai chiếc xe tăng “T-34” đang bò, vừa bò chúng vừa gầm rú, để lại đằng sau hai vệt sẹo dài song song như hai đường chỉ khâu.
“Chắc là mới sửa xong và đang chạy thử”, - Xintxốp nghĩ thầm, vì nhớ đến lời người lái xe nói về trạm sửa chữa
Họ bỏ qua lối mòn, tiếp tục tiến lên gặp một đoàn xe tải mới tinh màu xanh lá cây chất đầy những hòm đạn đại bác đi ngược chiều. Trước đó, lúc chạy ra tới đường ôtô, họ cũng đã từng gặp một đoàn xe tải khác giống hệt như vậy. Cũng không phải lần đầu tiên họ được trông thấy những khẩu pháo cao xạ: cách đây nửa giờ, chúng thấp thoáng trong khu rừng nhỏ cạnh một cái cầu mà họ vừa chạy qua.
Đây đó thấy có khói từ trong rừng bốc lên cao. Có nơi Xintxốp trông thấy một đại đội trọng pháo. Ở các đầu cầu đều có lính gác.
Ba tốp - mỗi tốp chín chiếc máy bay ném bom của ta có máy bay tiêm kích yểm hộ đang lướt về phía tây - bay cao tít ở ngay trên đầu.
Và đến bây giờ có ai hỏi Xintxốp rằng sau những nỗi chịu đựng trong vòng vây, cái gì đã làm cho anh yên tâm nhất, thì chắc hẳn anh sẽ trả lời rằng: chính những dấu hiệu của quân đội và của trật tự quân sự điểm xuyết cho phong cảnh hòa bình này đã khiến cho anh yên tâm. Những dấu hiệu đó dường như hứa hẹn rằng những việc anh từng chứng kiến sẽ không bao giờ tái diễn nữa, quân đội đã vươn mình đứng dậy ở đây, đứng dậy từ lâu, đứng dậy vững chắc, và sẽ không còn phải rút lui trước bước tiến của quân Đức nữa.
Lại nhớ tới bọn Đức, Xintxốp bây giờ chỉ mong muốn có một điều: chúng ta sẽ đối xử với chúng y hệt chúng đã đối xử với chúng ta - cũng sẽ rượt đuổi chúng như chúng đã rượt đuổi ta, cũng sẽ ném bom và từ trên trời bắn xuống đầu chúng, cũng sẽ đánh vu hồi và đè bẹp chúng bằng xe tăng, cũng sẽ bao vây và bắt chúng phải thiếu ăn thiếu đạn, cũng sẽ bắt chúng làm tù binh và cũng sẽ không thương hại gì chúng cả. Đó là điều anh đang mong muốn, và mong muốn tha thiết đến nỗi sẽ phá lên cười vào mặt người nào lúc này dám cả gan bảo anh rằng rồi có lúc chí phục thù của anh sẽ nguội lạnh, lòng hận thù của anh sẽ tiêu tan.
Anh ngồi trên xe mà lòng suy nghĩ về cuộc tấn công tương lai của quân ta, một cuộc tấn công nhất định sẽ diễn ra vào một lúc nào đó!
Nhưng cùng một lúc anh còn có một cảm giác khác: cảm giác của sự nghỉ ngơi, của một niềm sung sướng thanh thản. Qua hai tháng rưỡi, anh đã ngắm nhìn thỏa thuê cả đất, cả trời, cả những cây tùng và cây bạch dương, cả những khoảng rừng quang và rừng trống, cả khu rừng thông nhỏ um tùm giờ đây đang chạy lan ra tới đường cái kia nữa. Và nhiều lúc bốn chung quanh sao yên tĩnh đến thế, yên tĩnh đến nỗi nghe thấy cả hơi thở của chính mình... Nhưng rõ ràng là dù sao ở kia, ở trong vùng địch hậu kia, tất cả đều lạ, đều khác: cả những cây bạch dương, cả những cây tùng, cả đất đai cho đến cả sự yên tĩnh cũng đều không phải như thế này...
Còn ở đây, tất cả những gì đang chạy loang loáng trước mắt ta kia đều làm cho ta vui mừng, đem lại cho ta hạnh phúc. Tất cả đều là hạnh phúc: từ chiếc xe mà ta đang phóng, từ mái tóc quăn mầu lanh quen thuộc của anh chàng Khôrưsép đang bay tung trước gió, khi anh ta thò đầu ra ngoài buồng lái chiếc xe tải chạy đằng trước, cho tới những cây thông xanh, những cây bạch dương vàng, những lối mòn xuyên rừng và những cánh đồng, những làn khói từ ống khói bay lên, cho tới những con người, những khẩu pháo cao xạ, những máy bay của ta trên trời và cho tới cả những câu hát đứt đoạn từ chiếc xe đi trước vọng lại.
Xintxốp đắm mình trong tất cả niềm hạnh phúc đó, thèm khát nhìn tất cả bằng cặp mắt sung sướng đã đỏ hoe lên vì gió, và tự dưng anh mỉm cười, cảm thấy hơi lạnh của mùa thu đang lọt vào trong cổ áo capốt.
Và chính ủy tiểu đoàn Smakốp cũng đang có những cảm giác giống hệt như anh. Ông ngồi trong chiếc xe “Emka” chạy cuối cùng, ngồi ở ghế sau, giữa thiếu tá Đanilốp và cô bác sĩ nhỏ bé, vừa đi vừa nhìn qua tấm kính cửa sổ bên thành xe, thỉnh thoảng lại lặng lẽ mỉm cười với ý nghĩ của mình. Chốc chốc ông rời mắt khỏi cửa kính, liếc nhanh về phía trước, nhìn vào những tấm lưng rộng của đồng chí lái xe và đồng chí cần vụ đang ngồi trên ghế đằng trước cũng mặc những bộ quân phục biên phòng giống như ông thiếu tá của họ.
Nỗi bực ban sáng của Smakốp về việc giao nộp vũ khí chiến lợi phẩm, nếu chưa hoàn toàn mất hẳn thì ít ra cũng đã nguôi đi; sở dĩ có nguôi đi như vậy một phần vì sự việc đã thuộc về quá khứ và giờ đây cũng không có vẻ quan trọng gì lắm nữa, một phần vì đến khi đành phải giao nộp vũ khí thì anh em chiến sĩ đã tỏ thái độ bình tĩnh hơn là Smakốp tưởng. Điều chủ yếu khiến ông sở dĩ phải xông vào cuộc đấu khẩu, chỉ vì ông sợ làm cho anh em bực tức thôi, cho nên bây giờ chính ông cũng đã tự dưng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Cô bác sĩ nhỏ bé trong suốt thời gian ở trong vòng vây chưa lần nào kêu đau kêu ốm, bỗng nhiên sáng nay cảm thấy mình khó ở, rồi suốt dọc đường lên cơn sốt nóng hầm hập, cứ nằm co trong xó mà ngủ rền, còn Smakốp vừa ngồi trên xe vừa nhìn qua cửa sổ, khoan khoái rít hết điếu này sang điếu khác thứ thuốc lá “Kadơbếch” lấy trong cái hộp thuốc mà Đanilốp lần nào cũng lách cách mở sẵn ra trước mặt ông.
Lúc đầu, khi người sĩ quan biên phòng mời ông ngồi vào chiếc “Emka”, Smakốp đã toan từ chối, vì cơn giận của ông còn sôi sục chưa nguôi. Sau đó, khi đã lên xe và xe đã chạy, ông lại định tiếp tục tranh cãi với Đanilốp về tinh thần cảnh giác thực sự và những đa nghi vô tích sự, song ông đành phải hoãn lại, vì thấy không phải chỉ có một mình họ ngồi trên xe, đi cùng với ông còn có cô bác sĩ và đi cùng với thiếu tá biên phòng còn có hai chiến sĩ nữa. Nhưng rồi nửa giờ sau thì chính bản thân ông đã thôi không muốn tranh luận nữa.
Xe đi càng xa, ông càng cảm thấy trong tâm hồn và thể xác mệt mỏi của mình một niềm vui và thậm chí một niềm cảm kích lớn hơn, bởi lẽ nhờ một điều kỳ diệu nào đó sau bao nỗi hiểm nguy đã sống sót và lành lặn thoát ra khỏi vòng vây, thoát ra bằng chiến đấu và trong danh dự.
Cuối cùng, khi đã đi được một giờ thì ông không còn giận Đanilốp nữa và phá tan sự im lặng. Trong xe, chính ông là người đã gây nên sự im lặng này, nhưng cũng chính ông lại là người đầu tiên thấy khó chịu về sự im lặng ấy.
- Hậu tuyến của mặt trận các anh cũng khá xa đấy, - Smakốp nói.
- Sao lại xa? - Đanilốp phản đối nhưng hài lòng thấy rằng cái ông chính ủy tiểu đoàn mà sáng nay đã khiến mình ưa thích vì cái tính nóng nảy cương trực ấy cuối cùng đã hết giận. - Thường thôi! Mặt trận rộng lắm, chúng tôi lại ở một bên sườn. Nếu các cơ quan hậu cần đóng gần sườn bên này thì lại sẽ xa sườn bên kia.
- Ờ, mà thôi, mặc xác những cái cơ quan hậu cần ấy, - Smakốp kêu lên cho Đanilốp hiểu rằng ông nói đến hậu tuyến chẳng qua là cốt để gợi chuyện. - Tốt hơn là anh cho biết tình hình ở Maxcơva ra sao. Nó có bị sứt mẻ đi nhiều không?
- Bản thân tôi chưa hề về Maxcơva. Nhưng cách đây hai hôm có nghe kể lại chuyện người thật việc thật. Tàn phá không nhiều. Ta không để cho chúng hoành hành đâu.
- Thế thì tuyệt! - Smakốp mừng rỡ. - Anh ạ, khi tôi ra đến mặt trận vào hồi giữa tháng bảy, chính tôi đã an ủi anh em người Maxcơva, và cũng không chỉ riêng anh em quê Maxcơva là: không, chúng không dám bay đến Maxcơva đâu, mà nếu có bay đến thì ta cũng chẳng để cho vào! Nhưng sau đó, đến lúc bị bao vây, tôi đã đọc chán vạn thứ truyền đơn... Anh em nào nhặt được truyền đơn thì đưa đến cho ai? Lại đưa đến chính ủy thôi... Thế là tôi cứ phải đọc hoài! - Ông cười khẩy. - Thế mà đôi lúc cũng lo ngại cho Maxcơva đấy. Theo lời chúng thì Maxcơva không còn viên gạch nào nguyên vẹn nữa. Cố nhiên tôi hiểu là chúng nói láo, nhưng vấn đề là láo đến mức độ nào?
- Láo đến mức độ rất lớn, - Đanilốp nói. - Nghe nói là Maxcơva bị tàn phá chưa đến hai phần trăm.
- Thế à, tuyệt thật! - Smakốp vui sướng nhắc lại.
Bắt đầu từ câu hỏi về Maxcơva, bây giờ ông đã không dừng lại nữa, ông hỏi dồn hỏi dập Đanilốp về mọi chuyện khác: về hậu phương, về tiền tuyền, về tổn thất, về tinh thần, nghĩa là đủ mọi thứ chuyện mà ông chợt nghĩ ra và là những chuyện mà ông chưa kịp hỏi trong suốt đêm qua, cái đêm hầu như không ngủ ở lữ đoàn xe tăng.
- Có thể nói rằng quả thật đồng chí đã đột kích tôi, không cho tôi kịp chuẩn bị tinh thần chiến đấu nữa, - cuối cùng không chịu nổi. Đanilốp vốn tính không hay cười mà đã phảị mỉm cười.
- Không sao, cố chịu đi! - Smakốp cười phá lên. - Tôi đã phải chịu đựng lâu rồi. Suốt hai tháng rưỡi trời, ngoài luận điệu lừa bịp của bọn phát xít ra, tôi chả được đọc một chữ nào trên sách báo cả.
Ông còn hỏi thêm Đanilốp vài câu nữa, câu cuối cùng là thư gửi ra mặt trận, và từ mặt trận gửi về mất bao lâu. Ai cũng là người cả, nên cũng đều có một mối lo lắng như nhau thôi...
Trả lời xong câu hỏi cuối cùng, Đanilốp đã kéo sụp chiếc mũ kêpi xuống tận mũi, vừa gãi gáy vừa đợi câu hỏi tiếp theo thì bỗng ông nghe thấy không phải là tiếng nói mà là tiếng ngáy khò khò mệt nhọc. Đang nói nửa chừng, Smakốp đã ngủ thiếp đi ngay như một người bị đánh gục xuống vậy. Nỗi mệt nhọc pha lẫn sung sướng rút cục đã quật ngã cả ông...
- Nào, nào, chui ra, chui ra, tỉnh dậy đi!..
Smakốp mơ mơ màng màng nghe có tiếng gọi, nhưng không thể nào tỉnh dậy được.
- Có dậy ngay không nào!..
Ông cố mở mắt ra. Chiếc xe đã dừng lại. Người lái xe và người cần vụ đã không còn ở đằng trước nữa, cô bác sĩ cũng không, chỉ thấy Đanilốp đã mở cửa xe đứng ở ngoài, ra sức kéo tay ông.
- Chạy xuống rãnh đi!.. Máy bay! - Đanilốp bực tức quát, nhưng cũng không có vẻ lo sợ gì lắm.
Smakốp bèn chui ra khỏi xe, nhảy phắt xuống rãnh, cô bác sĩ đã ngồi dưới rãnh vừa tủm tỉm cười ra ý nhận lỗi vừa đưa nắm tay lên giụi mắt. Do còn ngái ngủ, cô ta chưa hình dung nổi xe đã đi được bao nhiêu cây số và mình đã ngủ được bao lâu.
Xung quanh toàn là rừng. Cả đoàn xe đã dừng lại im phăng phắc trên đường cái. Không còn ai trên xe nữa cả, ho đã kịp chạy tản ra hai bên vệ đường. Chỉ ở đằng trước có hai, ba người còn đang chạy qua đường.
Máy bay từ phía tây kéo đến; chúng bay cao và đã tới gần. nhưng chưa ở trên đỉnh đầu.
- Hay là mảy bay ta kéo về chăng? - Smakốp nói dè chừng cốt để cho cô bác sĩ yên tâm, mặc dầu khi nghe tiếng gầm rú rền rĩ từng đợt quen thuộc, ông biết là không phải như vậy. Nhưng cô bác sĩ cùng chẳng tỏ vẻ lo sợ gì.
- Rồi sẽ thấy ngay bây giờ đây, - Đanilốp mỉa mai nói. - Ta tạm ngồi xuống một tí chứ nhỉ?
Ông ta nhìn Smakốp với vẻ chế giễu rồi ngồi xổm xuống trước tiên, một bàn tay hơi chạm phải đất, nên ông cẩn thận phủi những hạt cát dính vào đầu ngón tay.
Mấy giây căng thẳng nữa trôi qua; đó là những chiếc máy bay Đức, nhưng bây giờ chúng đã ở ngay trên đỉnh đầu và dù chúng có ném bom chăng nữa thì cũng chẳng trúng được, Smakốp nói điều đó với Đanilốp.
- Ừ, nếu chúng không trông thấy chúng ta và không lộn trở lại, - Đanilốp đáp. - Nên đợi thêm ba bốn phút nữa.
Nhưng đàn máy bay không lộn trở lại, chúng vẫn bay theo hướng cũ và độ cao cũ, và rồi ở đâu phía trước, pháo cao xạ bắt đầu bắn lên, tuy bắn không rát nhưng khá trúng. Những làn khói trắng của đạn cao xạ thoạt tiên bùng ra thành mấy đám mây nhỏ phía dưới máy bay, sau đó xuất hiện ở phía trên và ở bên sườn các máy bay. Rồi thấy một chiếc bốc khói, tạt sang bên theo một đường xiên dài, và mỗi lúc một tuôn khói dầy đặc. Trong khi đó đạn cao xạ tuy vẫn nổ thành những cuộn khói tròn nhảy nhót trên bầu trời, nhưng bây giờ đã ở khá xa đằng sau các máy bay.
- Ối kìa, trượt mất rồi! Họ ngắm đi đâu thế nhỉ? - Cô bác sĩ thất vọng kêu tướng lên và nhảy ra khỏi rãnh trước tiên. Vẻ sung sướng trên mặt cô đã biến thành vẻ bực tức một cách nhanh chóng như trẻ con.
- Gớm, sao cô tham lam thế! Trị được một chiếc thế cũng đã là khá rồi! - Đanilốp nói. - Thôi nhé, có thể lên xe được rồi đấy!
Ông ta cất chiếc mũ kêpi biên phòng màu lục ra khỏi đầu, và bắt đầu hoa lên cho mọi người trèo lên xe,
- Này anh ạ, - san khi thấy máy hay Đức xuất hiện, Smakốp đã không còn giữ được niềm vui sướng trọn vẹn trước đó nữa và lại cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về anh em. - Tôi phải tạm xa anh vậy, tôi sang ngồi một chiếc xe tải khoảng giữa đoàn. Chính ủy trung đoàn  đi đầu, anh đi cuối còn tôi ở giữa. Như thế hay hơn. Còn đồng chí bác sĩ thì tôi để lại nhờ anh trông nom hộ đấy, - ông mỉm cười rồi chạy dọc theo những chiếc xe đang có người trèo lên.
Khi Xintxốp đã ngồi lên xe thì thấy Smakốp chạy ngang qua. Ông chạy đều bước, theo kiểu vận động viên, người ông to ngang, tóc bạc, còn nhanh nhẹn so với tuổi tác,
- Tim còn chịu được, không sao đâu! - Smakốp không hề thở mạnh, vui vẻ thét to với Xintxốp và tất cả những anh em khác đang từ trên xe vận tải nhìn xuống. - Ấy thế mà năm mươi hai rồi đấy!
Ông còn chạy ngang qua một chiếc xe nữa rồi mới trèo lên chiếc kế sau đó. Ông không ngồi vào buồng lái mà trèo lên ngồi hòm xe, khiến các chiến sĩ ngồi trong đó đều hài lòng. Nhìn về phía trước, Xintxốp luôn luôn trông thấy cái đầu bạc tròn trĩnh không đội mũ của Smakốp.
Khi đoàn xe đã lại lên đường thì thấy mặt đất và không khí rung chuyển mấy lần do những tiếng bom nổ ở đâu phía trước mặt.
Ai nấy đều đợi những tiêng nổ tiếp theo nhưng rồi không nghe có gì thêm nữa.
- Hình như chúng không ném hết, - Dôlôtarép nói. - Chỉ vãi vài ba quả thế thôi! Đồng chí chính trị viên, đồng chí nghĩ sao?
Xintxốp cũng nghĩ như vậy. Và anh thấy tinh thần của anh em trong đoàn không hề giảm sút. Các chiến sĩ pháo cao xạ của ta đã bắn lên và đã hạ máy bay địch ngay trước mắt họ, điều đó đã làm cân bằng nỗi lo ngại do sự xuất hiện của máy bay ném bom Đức gây ra.
Qua mấy cây số nữa lại gặp phải trở ngại. Đoàn xe đi đúng đến chỗ bị ném bom ban nãy. Phát khùng lên vì bị tổn thất, bọn Đức đã tương mấy quả bom xuống trận địa pháo cao xạ đặt ở bên chiếc cầu bắc qua một con sông nhỏ.
Súng cao xạ không việc gì, nhưng một quả bom rơi sát cạnh cầu đã phá hỏng quãng đường đi lên cầu và sức ép đã bóc mất lan can cùng một phần ván lót cầu.
Mới đầu đoàn xe dừng lại, nhưng từ đằng xa Xintxốp trông thấy thoạt tiên là chiếc “Emka” thận trọng bò qua cầu, sau đó đến các xe tải lần lượt chạy qua.
Khi chiếc xe của mình đến gần sát bên cầu, Xintxốp liền đứng lên trong hòm xe, quan sát xem những chiếc đằng trước chạy qua như thế nào. Bây giờ vừa đúng lúc chiếc xe tải của Smakốp vượt qua cầu. Toàn bộ một nhịp cầu dải chừng bốn thước bị lột mất ván, chiếc xe tải đang chạy trên hai thanh xà gỗ to nằm đỡ lấy sàn cầu. Nó chạy thong thả và chính xác. Chỉ cần bánh trước hay bánh sau trật ra, dù chỉ một chút thôi là chiếc xe sẽ lăn nhào xuống sông.
Chính tai nạn đó đã xảy ra với chiếc xe chạy tiếp theo sau có Khôrưsép ngồi trong buồng lái. Cậu lái chiếc xe này chắc không có kinh nghiệm như những cậu khác, lái hơi lệch đi một chút, thế là bánh sau trượt ngay khỏi xà và chiếc xe chao đi, trục các đăng treo lủng lẳng ở một cái xà và may quá, hai bánh trước còn móc được vào cái xà kia.
Không ai việc gì cả, trừ một chiến sĩ bị hất tung qua thành xe rơi xuống sông và bây giờ ướt như chuột lột đang lóp ngóp bò lên bờ giữa tiếng cười của đồng đội.
Một phút sau, Khôrưsép đã đứng trên cầu điều khiển công việc. Những anh em ngồi trên chiếc xe của anh và chiếc xe của Xintxốp đều nhảy xuống, cùng hợp sức để làm sao đặt lại chiếc xe lên hai xà cho thật khéo. Smakốp bắc tay lên miệng làm loa, từ bờ bên kia hỏi chõ sang xem có cần đợi hay không? Nhưng Đanilốp men theo vệ đường đi vòng qua đoàn xe, đứng sát bên cầu, vừa hoa hoa chiếc mũ kêpi xanh lục của mình vừa trả lời rằng chẳng nên co cụm lại làm gì.
- Đi đi! Từ đây đến đường ôtô Iukhơnốp không còn xa nữa: qua năm cây số nữa là đến ngã tư, cứ rẽ sang trái, chúng tôi đi sau. Mà bên đó có chiếc “Emka” đi đầu, nỏ sẽ chỉ đường! - ông thét.
Smakốp liền trèo lên xe đuổi theo các xe tải khác, còn trên cầu, công việc vẫn phải tiếp tục thêm mười lăm phút nữa.
Cuối cùng, chiếc xe tải chạy qua cầu một cách thuận lợi. Đanilốp bèn ra lệnh chỉ trừ lái xe, còn tất cả mọi người ở các xe sau đều phải xuống xe, rồi cho từng chiếc một chạy qua dưới sự giám sát của chính ông.
Khi chiếc xe vận tải cuối cùng đã sang tới bờ bên kia, ông mới cho chiếc “Emka” của mình chuyển bánh. Đuôi của đoàn xe tải tiếp tục tiến về phía đường ôtô Iukhơnốp, ra sức đuổi theo những chiếc đằng đầu đã vượt khá xa về phía trước.
Nhưng cả chính ủy trung đoàn thuộc phòng chính trị tập đoàn quân, cả trung tá trưởng phòng phiên chế các đơn vị, cả Smakốp là những người đi ở đầu và ở giữa đoàn xe và cả Đanilốp đi đoạn hậu toàn đoàn - không một ai trong số họ biết rằng cách đây mấy tiếng đồng hồ các quân đoàn xe tăng Đức đã chọc thủng mặt trận miền tây, cả ở phía bắc lẫn phía nam Ennha, và hiện nay đang vừa đè bẹp hậu cần của tập đoàn quân vừa khoan thêm lỗ thủng vào sâu tới hàng chục cây số.
Và không hề một ai trong số họ biết rằng việc bất đắc dĩ phải dừng lại bên cầu đã cắt đôi đoàn xe ra làm hai phần như vậy, thực chất là đã phân chia tất cả hay hầu như tất cả bọn họ thành ra người sống và kẻ chết.
Smakốp không thể biết rằng chiếc xe tải mà ông đã chuyển sang ngồi đó sẽ là chiếc cuối cùng đã rẽ từ lối đi xuyên rừng Ennha sang đường ôtô Iukhơnốp một cách bình yên.
Còn Đanilốp thì không thể biết rằng con đường xuyên rừng gần như song song với mặt trận ấy, sau mười phút nữa sẽ đưa nửa sau đoàn xe của họ tới chỗ ngã tư gặp đường ôtô Iukhơnốp đúng vào lúc đội dẫn đầu của đoàn xe tăng lẫn xe bọc sắt Đức chọc thủng hậu tuyến của ta mà tiến đến đó.
Vì không biết như vậy, nên ông ta cứ yên trí tiến lên phía trước, tiến vào chỗ chết.
- Bây giờ chúng ta còn đi khoảng bốn cây số nữa thì tới đường ôtô, thế là sẽ được một phần ba đường rồi, - Đanilốp quay sang nói với cô bác sĩ. - Chị thấy trong người thế nào?
- Không sao đâu, - cô bác sĩ vừa nói vừa sờ lên vầng trán còn đang nóng hầm hập. - Tôi chỉ hơi sốt một chút, nhưng rồi sẽ qua thôi. Không sao, đồng chí cứ hút thuốc - thấy Đanilốp đã rút hộp thuốc lá ra lại nhét vào túi, cô liền nói thêm. - Tôi không hút, nhưng thích ngửi khói thuốc lá, - cô đã nói dối theo tinh thần xả thân sẵn có của mình, và để cho thiếu tá khỏi lưỡng lự, cô liền nhắm mắt lại mặc dầu không buồn ngủ nữa.
Cô bác sĩ cử nhắm mắt ngồi trên xe, còn Đanilốp thì cứ hút thuốc và một lần nữa lại tự vấn mình về cuộc đấu khẩu ban sáng với Smakốp. Chế độ là chế dộ, và một khi đã quy định thành chế độ rồi thì trong quân đội không ai được vi phạm nó, mặc dầu thực ra trong trường hợp này chính ông cũng chẳng nỡ lòng nào thu lại vũ khí của anh em. Ông thầm tự đặt mình vào địa vị Smakốp: hai người thử đổi địa vị cho nhau xem - nếu là ông thì sáng nay ông cũng chẳng hài lòng đâu. Nếu thoát ra khỏi vòng vây lẻ tẻ từng người hay hai - ba người một, không mặc quân phục, không giấy tờ, thì đó là một chuyện; đằng này khi cả một đơn vị quân đội phá vây ra ngoài với vũ khí trong tay, có đủ cả giấy tờ và cấp hiệu, thì đó lại là một chuyện khác. Trong trường hợp này, nếu hoàn toàn theo lương tâm thì cứ để chiến lợi phẩm cho anh em, dù họ có về hậu tuyến đi chăng nữa; bất kỳ thế nào cũng hãy cứ để họ đi, cứ để cho họ tự hào. Còn sau đó ta phải tiến hành công việc như đã quy định, ta phải kiểm tra mà không để chạm lòng tự ái của anh em, và nếu trong đám họ chẳng ngờ lại có một tên khốn kiếp nào đó ta phải thanh trừ, thì đó lại là việc của chúng ta.
Câu chuyện ngày hôm nay đã không làm cho Đanilốp vừa lòng, cũng như vài việc khác mà ông đã phải va chạm kể từ ngày ông từ đơn vị biên phòng chuyển sang làm ở cơ quan đặc biệt. Chẳng phải bánh mì nào cũng ngon ngọt cả đâu.
Đanilốp được đào tạo trong công tác biên phòng lâu dài, đã từng bị thương ở Khakhingôn, đã rút lui từ Lômgia với số chiến sĩ còn lại trong đội quân của mình, sắc sảo, nhớ dai, tỉ mỉ, biết cách tin cậy và không tin cậy, ông là một trong số những người đã được đặt đúng chỗ trong cơ quan đặc biệt. Ông vốn không ưa tính hiếu thắng, nhưng bản thân cũng cảm thấy rằng mình có vị trí của mình, và cũng nhận thức được ưu thế của một người đã từng nhiều năm săn bắt bọn gián điệp và biệt kích thực sự. Đối với một số bạn đồng sự không biết phân biệt việc thực với việc giả, thậm chí có khi còn không quan tâm lắm đến điều đó, thì Đanilốp thường “ăn miếng trả miếng” - theo thành ngữ ông vẫn dùng -  và qua một thời gian công tác chưa lâu lắm trong phòng đặc biệt, ông đã vạch mặt được một tay như vậy, không hề nhân nhượng.
Vậy mà giờ đây chính ông thiếu tá Đanilốp ấy đang đưa những người vừa thoát khỏi nanh vuốt của thần chết đi về phía cái chết, mà bản thân ông cũng không hề hay biết
- Sắp tới chỗ ngã tư mà tôi đã nói rồi đấy. - Đanilốp ngoái lại nhìn cô bác sĩ và thấy cô không ngủ, liền vừa nói vừa mở cửa kính ra.
Đúng lúc đó, quả đại bác đầu tiên nổ tung, và Đanilốp đã trông thấy những chiếc xe tăng Đức đang chạy tắt qua cánh đồng cắt ngang đường ôtô Iukhơnốp.
Quay xe trở lại thì đã muộn rồi, vả lại Đanilốp cũng không đành lòng bỏ cả đoàn để trốn thoát lấy một mình, ông giật tung cánh cửa nhảy phắt xuống đường trước tiên với khẩu tiểu hên mà ông vẫn luôn luôn mang theo trong xe. Các chiến sĩ biên phòng cũng nhảy ra theo ông, cầm tiểu liên trong tay.
- Xuống đi! - Đanilốp quát cô bác sĩ và cầm tay lôi cô ra khỏi xe.
Trên đường đã xảy ra một quang cảnh không sao tưởng tượng nổi.
Chiếc xe tải đi đầu đã bốc cháy, quay ngang ra giữa đường. Những chiếc xe sau hãm lại, húc vào nhau. Đạn đại bác nổ trên mặt đường và ở cả hai bên vệ đường: mọi người lao ra khỏi xe, lăn xuống mặt đường, lăn xuống rãnh, chạy ra cánh đồng. Xe tăng cứ nhè họ mà nã đại bác và súng máy. Một chiếc xe tăng xông thẳng lên đường, đi dọc theo đoàn xe rầm rầm hất hết chếc xe tải này đến chiếc xe tải khác đổ nhào xuống rãnh để đè bẹp những người vừa từ trong xe nhảy ra. Còn bọn xạ thủ tiểu liên Đức thì đã từ những chiếc xe bọc sắt theo sau xe tăng nhảy bổ xuống, chạy tỏa ra như hình rẻ quạt, cắp tiểu liên ngang bụng lia vào tất cả những cái gì là vật sống.
Trong giây phút đó, làm sao tập hợp được đám người mà ba phần tư là không có vũ khí đó lại, rồi dùng mệnh lệnh để chỉ huy họ, nhưng đã muộn rồi và không sao có thể thực hiện được; chỉ còn mỗi cách là ra sức dùng hỏa lực để yểm hộ cho những anh em đang chạy trốn, rồi đổi tính mạng mình lấy một giá càng cao càng tốt.
Đanilốp cùng với hai chiến sĩ biên phòng đã làm đúng như vậy.
Ông nằm xuống rãnh dằng sau một chiếc ôtô và mừng thầm - nếu phút ấy vẫn có thể nói tới một niềm vui - về một điều duy nhất là trong khi say sưa trước thắng lợi quá dễ dàng, bọn Đức đã nhảy ra khỏi xe bọc sắt và khi chúng chạy đến gần, ông sẽ hạ ít ra được vài thằng.
Đanilốp ngoái nhìn lại. Đằng sau, bên kia đường đã thấy có một bụi cây. Mấy người đã chạy được tới đó dưới làn đạn.
- Chạy về phía sau, chui vào bụi cây thì sẽ còn sống được đấy! - ông thúc cùi tay lên vai cô bác sĩ đang nằm trong rãnh cạnh ông mà bảo vậy. - Nhanh lên, không muộn mất!
Nhưng cô bác sĩ chỉ im lặng nhìn ông rồi quay mặt đi; cô chẳng muốn gì nữa cả, chẳng muốn chạy, cũng chẳng muốn sống sót, - cô chỉ muốn dùng khẩu súng lục bắn được vào quân Đức, sau đó sẽ chết, không còn hay biết gì, không còn trông thấy gì nữa cả - thế là đủ!
Đanilốp bèn nắm lấy hai vai dựng cô ta dậy, xoay người cô lại và đẩy ra khỏi rãnh. Khi đã đứng bên trên rãnh, cô ngơ ngác nhìn quanh: hai chiến sĩ chạy ngang qua, được dòng người lôi cuốn, cô bèn chạy theo họ.
Mong sao không một ai trong những giây phút cuối cùng trước khi chết lại phải trông thấy những điều mà Đanilốp thấy, và nghĩ những điều mà Đanilốp nghĩ. Ông trông thấy những con người cuống cuồng chạy trên đường và bị quân Đức bắn thẳng vào lưng, những người chỉ có hai bàn tay trắng, những người đã bị chính tay ông tước vũ khí. Chỉ có một vài người trước khi lăn ra chết là có bắn được đôi ba phát súng tuyệt vọng, còn phần lớn đều chết không có vũ khí, họ đã bị tước đoạt mất niềm vui cay đắng cuối cùng của con người là dù chết cũng phải giết được quân thù. Họ chạy trốn thì bị bắn đằng sau lưng. Họ giơ tay lên trời thì bị bắn phía trước mặt.
Thậm chí trong cơn ác mộng khủng khiếp nhất cũng không thể tưởng tượng ra được một trách nhiệm nào tàn nhẫn hơn cái trách nhiệm, tuy vô tình mà không kém phần khủng khiếp, như bây giờ Đanilốp đang phải gánh vác: nếu có đem so trách nhiệm này với cái chết, thì bản thân cái chết chỉ là rất tầm thường và không có gì đáng sợ cả.
Và ông đã nhận lấy cái chết ấy mà không hề xao xuyến trong lòng. Sau khi đã đẩy cô bác sĩ lao lên khỏi rãnh, ông nổ súng vào bọn Đức và đã bắn chết năm tên, trước khi bị một viên đạn Đức bắn thủng đầu.
Cái thanh âm cuối cùng ông còn nghe thấy được trên đời là băng tiểu liên mà người cần vụ sống lâu hơn ông một giây đã quạt lia lịa vào quân Đức lúc bây giờ chỉ còn cách đó có ba bước.
Rồi mấy giây sau, bọn xạ thủ tiểu liên Đức đã đứng trên bờ cạnh ba cái xác chết nằm dưới rãnh, và tên thượng úy Đức vừa áp chiếc khăn mùi xoa đẫm máu vào bên má bị đạn bắn rách toạc vừa cúi xuống xem xét những chiếc phù hiệu sáng ngời một màu xanh trên cổ áo của người thiếu tá Nga đã chết nằm dưới chân hắn.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét