Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 14

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Bốn

Tuyết xuống đã được hai hôm. Hôm nay là một ngày nắng ráo, giá rét và quang đãng.
Malinin đi từ đại đội xuống trung đội, thoạt tiên ông cúi lom khom, chạy qua chỗ trống theo đường giao thông hào tuyết phủ trắng xóa, sau đó leo thẳng lên cái gò đất có nhà máy gạch đã đổ nát; chính trung đội đang bố trí ở chỗ gạch ngói đổ nát này. Tuy trời giá rét, nhưng hơi ấm của mặt trời vẫn thấm qua cả mũ che tai, nhất là khi lên dốc.
Ông dừng lại để thở lấy hơi, quay người lại và nhìn về phía sau.
Phong cảnh thông thường của ngoại thành Maxcơva trải rộng ra ở đằng sau: phong cảnh ở địa hình gò đồi nhấp nhô với những đám rừng nhỏ màu đen và những giải rừng xanh ở chân trời. Gần đó là cơ sở của trạm máy nông nghiệp đã bị cháy thành một mảng màu đen hình vuông - tiểu đoàn bộ đóng ở đó, xa xa thấy những mái nhà của một làng quê - trung đoàn bộ đóng ở đó. Trên nền tuyết nổi bật lên từng lối mòn mới mở, từng công sự và giao thông hào. Dù cho ngụy trang thế nào đi nữa, bây giờ từ trên cái gò nhỏ bé này vẫn trông thấy rõ những thứ đó. Tuyết làm lộ ra tất cả.
Ngay cái hôm mà các chiến sĩ của tiểu đoàn cộng sản đến để bổ sung cho sư đoàn bộ binh số 31, Malinin đã được phong quân hàm và được chỉ định làm chính trị viên đại đội. Bây giờ, sau mười ngày chiến đấu, ông vẫn giữ chức vụ này.
Các trận chiến đấu diễn ra liên miên và đều đẫm máu; sau đợt bổ sung trong đó có Malinin, sư đoàn lại được bổ sung thêm lần nữa. Thực ra, lần này bổ sung một cách dè sẻn, người ta cảm thấy chưa thể cho đủ, cốt để dành cho tương lai.
Bọn Đức vẫn dành được thắng lợi và hôm nay sư đoàn đã quay lưng về phía Maxcơva mà chiến đấu, lại còn lùi thêm hai mươi cây số về phía đông của phòng tuyến, nơi mà Malinin đã đến gia nhập sư đoàn.
Trong suốt thời gian đó sư đoàn đã rút lui ba lần khỏi trận địa đang chiếm lĩnh. Hai lần vì để cho mặt trận của mình được cân bằng với sư đoàn bạn và tránh khỏi bị bao vây. Còn lần thứ ba là vì một trung đoàn của nó hầu như hoàn toàn bị tiêu diệt, còn hai trung đoàn khác thì không thể chốt giữ được. Mãi đến sáng hôm sau, sư đoàn mới chặn được quân Đức lại ở xa trong hậu tuyến, trên các trận địa dự bị và đánh gục được chúng ngay trước công sự bằng hỏa lực của chính mình và bằng một đòn công kích với cấp tập hỏa lực của trọng pháo từ trong tung thâm bắn ra. Sư đoàn đã bám chặt lấy những trận địa này và không rút lui nữa, mặc dầu ba ngày đêm trước đó đã trôi qua trong những trận tấn công ác liệt. Giờ đây, Malinin đang đi trên tiền duyên của trận địa đó.
Tình hình tại khu vực của sư đoàn đã diễn biến như vậy, còn tình hình chung trên địa bàn của toàn mặt trận ngoại thành Maxcơva là một cuộc giao chiến phòng ngự lớn kéo dài, trong đó hình như lực lượng của cả bên tấn công lẫn bên phòng ngự đều sắp cạn, nhưng mà mãi vẫn không cạn. Những trận chiến đấu vẫn cứ tiếp diễn một cách ác liệt như trước và cán cân vẫn nghiêng về phía quân Đức. Bọn này tuy thắng thế, nhưng càng ngày lại càng phải trả giá đắt hơn cho từng cây số chiếm được.
Malinin cũng có những cảm tưởng như nhiều người đang chiến đấu ở gần Maxcơva trong những ngày ấy. Những mũi thọc sâu của xe tăng Đức đã không chọc thủng mặt trận của chúng ta giống con dao thọc vào bơ như dạo mùa hè và như những ngày đầu tiên vỡ mặt trận ở Viadơma và Brianxk. Bây giờ lòng người đã dần dần mang một tâm trạng khác, tâm trạng của chiếc lò xo bị một sức mạnh kinh khủng đè nén đến hết nấc, nhưng dù bị dồn ép đến thế nào chăng nữa, khi xuống gần đến nấc cuối cùng, nó vẫn giữ được khả năng tiềm tàng để bật trở lên. Những con người mà trong những ngày ấy bị quân Đức dồn ép bằng cách dần dần và hung hãn, từ phòng tuyến này sang phòng tuyến khác, mỗi lúc một gần Maxcơva hơn, đã có chính cái cảm giác đó cả về thể lực lẫn tinh thần, đã cảm thấy cái khả năng tiềm tàng có thể bật trở lên và đánh trả.
Bản thân họ đã dốc hết sức mình, họ biết rằng sau lưng họ là Maxcơva, không cần giải thích cho họ điều này. Nhưng ngoài ra, căn cứ theo những đợt bổ sung quân số đúng vào những giờ phút nguy kịch nhất, theo số lượng pháo binh ngày càng kéo ra mặt trận đông hơn rõ rệt và theo những dấu hiệu khác, kể từ những thứ quà cáp, thư từ cho đến giọng ăn nói của báo chí, họ còn cảm thấy rằng ở đằng sau họ cả nước đang dốc sức ra để Maxcơva khỏi phải rơi vào tay quân địch.
Nếu một lúc nào đó có cái cớ là Maxcơva có thể lọt vào tay quân Đức thì thời điểm đó cũng đã qua rồi. Người ta chưa chờ đợi chiến thắng ở cửa ngõ Maxcơva, nhưng người ta đã không còn tin vào khả năng chiến bại nữa. Hình như địa lý đang ủng hộ bọn Đức: trên mấy con đường ôtô, chúng nó đã tiến tới những địa điểm cách Maxcơva dưới trăm cây số. Nhưng cái quy luật số học sơ đẳng của chiến tranh mà theo đó những chiếc xe tăng, sau khi chọc thủng mặt trận, có thể vượt qua khoảng cách ấy trong vòng một vài ngày đêm, hiện nay không còn phát huy tác dụng ở vùng lân cận Maxcơva nữa. Xe tăng có thể chọc thủng mặt trận ở chỗ này chỗ kia, nhưng chỉ sau dăm bảy cây số, rồi chúng cũng bị chận lại bằng cách này hay cách khác. Nhưng theo cái quy luật số học đáng sợ kia thì một mình địa lý cũng không thể đè bẹp được tâm hồn.
Hiện nay, lợi dụng lúc tạm im tiếng súng, trạm bưu điện dã chiến liền đưa thư đến. Malinin nhận được thư vợ. Quen sống với ông đã suốt hai mươi ba năm trời nay đến nỗi cái tính dè sẻn của chồng về mặt bộc lộ tình cảm tựa hồ như đã trở thành bản tính thứ hai của mình, bà vợ viết cho ông một cách kín đáo là luôn luôn nghĩ tới chồng và cứ lo rằng người ta có phát quân phục mùa đông cho ông kịp thời không: nghe nói là sắp có những đợt rét sớm. Ngoài ra bà báo hai tin mới
Tin thứ nhất liên quan đến cậu con trai. Nhà trường đã tản cư về vùng gần Cadan và ông hiệu trưởng viết thư báo rằng cậu Víchto Malinin, con trai ông bà, học sinh lớp chín, đã biến mất, sau khi để lại mảnh giấy nói là cậu ta ra đi bảo vệ Maxcơva và mặc dầu truy lùng mãi, nhung đến nay vẫn không bắt được.
“Làm gì mà bắt được nó, thằng hủi!”, - Malinin dịu dàng nghĩ về đứa con trai.
Bà vợ viết về cậu con với nỗi đau đớn sâu sắc, điều đó lúc đầu đã không khiến cho Malinin thông cảm. “Thôi đành vậy, thằng thanh niên đó mười bảy tuổi rồi” - ông nghĩ thầm ra vẻ can đảm, nhưng sau đó sực nhớ lại buổi tối hôm qua và ngôi mộ tập thể chưa đắp đất trong đó chôn bảy người của đại đội, những tử sĩ đã hy sinh chỉ trong vòng một ngày; ông nhớ lại và đâm buồn, tuy niềm tự hào về hành động của thằng con trai vẫn còn lại trong tâm hồn.
Tin thứ hai có liên quan tới bà vợ: phòng nhà cửa quận, nơi bà làm cán bộ thanh tra lại đang bắt tay vào công tác và bà đã được đề bạt làm trưởng phòng, bởi vì thủ trưởng của bà là ông Kukuskin, mà Malinin có quen, đã từ thành phố Gorki quay về, sau khi ông ta tự ý bỏ chuồn tới đó, và đã bị cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, tước quyền miễn động viên và bị đưa ra mặt trận làm lính. Tin này khiến Malinin vui mừng. Cái việc ở Maxcơva người ta đang xử lý với những kẻ như Kukuskin càng khiến ông thêm tin chắc rằng cuối cùng nói chung sẽ đâu vào đấy cả: không những Maxcơva không đầu hàng, mà còn có thể chúng ta sẽ không rút lui đến tận đó nữa kia.
Đối với bản thân Kukuskin, con người mà theo ông là một thằng đại xỏ lá, Malinin tức giận nghĩ rằng thằng cha này sẽ tìm được cách thoát nạn. Hắn sẽ bị tống ra mặt trận, nhưng rút cuộc hắn vẫn bật trở lại như cái nút chai về một nơi nào đó tại hậu phương. Sau khi nghỉ lấy hơi, Malinin đi đến tận cái gò, nơi trung đội của ông đang bố trí. Hôm qua, trận chiến đấu đã diễn ra tới mức mà cả ngày cả đêm ông đều không có mặt ở đây và cảm thấy mình vô cớ mà có lỗi. Ông đã đặt ra tục lệ là mỗi ngày ít ra một lần đến thăm từng chiến sĩ của mình anh em trong đại đội không còn nhiều lắm nữa. Hơn nữa, sự đời là thế đó - hôm qua chưa kịp đến thăm thì hôm nay đã không thể gặp mặt nữa; hôm qua, trung đội lại bị tổn thất và theo số liệu ban sáng thì trong trung đội chỉ còn vẻn vẹn mười một chiến sĩ, kể cả trung đội trưởng là trung sĩ Xirôta. Anh chàng Xirôta này chỉ huy trung đội đã được một tuần, sau khi cả hai trung úy đều chết trận trong một hôm: buổi sáng là người đã chiến đấu từ ngày đầu chiến tranh, còn buổi chiều là người kia, một người mới được giới thiệu thẳng từ nhà trường đến thay thế người thứ nhất.
Đống đổ nát của nhà máy gạch nói thực ra chẳng phải là đổ nát, vì ở đây chẳng có gì để mà đổ nát đâu. Nhà máy mới được bắt đầu xây dựng và đã bị bỏ dở. Đã đắp nền, xây bệ lò và bắt đầu xây tường đến những độ cao thấp khác nhau, nhưng chả có ở đâu cao quá nửa cửa sổ, ống khói tương lai của nhà máy cũng đã được xây bệ ở ngay đây, hơi xa hơn một chút. Cái bệ tròn đồ sộ nhô lên khỏi mặt đất một thước, còn trong lòng thì được khoét sâu để thông khói ngầm dưới đất. - Nó tựa hồ như một lô cốt thiên nhiên hình tròn mà bây giờ chỉ cần sửa sang cho thích hợp với một ổ súng máy.
Ngay từ ba hôm trước đây, khi chiếm lĩnh trận địa này, vì bản thân vốn là một xạ thủ súng mảy cũ, Malinin đã khuyên nên lợi dụng triệt để cái ống khói và hôm kia đã trông thấy Xintxốp vác khẩu đại liên đến bố trí ở đây; anh đã được phiên chế vào đại đội của Malinin từ khi bắt đầu đánh nhau, một phần do sự tình cờ, bởi vì nói chung anh rất có thể rơi vào một trung đoàn và tiểu đoàn khác, còn một phần do ý muốn của Malinin, bởi vì khi đã phiên chế vào tiểu đoàn này rồi thì Malinin đã nói giúp một lời, và trong lúc phân phối lực lượng bổ sung, người ta đã sắp xếp Xintxốp vào đại đội của ông.
Chả mấy chốc đã phát hiện ra rằng Xintxốp quả thực là một người từng trải và biết cách sử dụng vũ khí. Như thường tình trong những ngày đánh nhau to, con nhà lính được thăng chức nhanh vùn vụt, buổi sáng đầu tiên anh giữ chân đâm băng, buổi chiều đã làm xạ thủ số hai của khẩu “Macxim” nhưng sang ngày hôm sau đã thay thế ngườị số một bị chết trận. Cách đây bốn hôm, khi rút lui từ trận địa cũ đến trận địa nơi này, Xintxốp đã cùng xạ thủ số hai dùng hỏa lực súng máy bắn yểm hộ mãi đến tận tối cho đại đội rút lui và theo ý kiến của trung úy đại đội trưởng Iônốp thì trong lúc đó anh đã tỏ ra gan dạ và chịu đựng.
Trung úy Iônốp thậm chí còn nói rằng nên đề nghị thưởng huy chương “Dũng cảm” cho xạ thủ số một, nhưng Malinin vẫn nhớ câu chuyện cũ của Xintxốp, thành ra ông đã tránh được sự vội vàng. Bản tính nghiêm khắc và tinh thần trách nhiệm của ông đối với Xintxốp không cho phép ông vội vàng trong việc này. Ông chỉ tỏ ý khen ngợi và nhắc đến tên họ của các xạ thủ trong bản báo cáo công tác chính trị thường kỳ về hoạt động của khẩu đội súng máy, còn đối với lời đề nghị viết tờ trình để tặng huy chương thì ông cứ làm thinh. Rồi đại đội trưởng vì bận rộn công kia việc nọ, cho nên chính mình cũng quên mất Xintxốp.
Bây giờ Malinin muốn đến thăm Xintxốp, nhưng ông không đi đến ổ súng máy mà thoạt tiên đi đến chỗ gạch ngói đổ nát của nhà máy, nơi trung sĩ Xirôta bố trí quân.
Trung sĩ Xirôta cố nhiên cũng giống như mọi người, không tránh khỏi được cảm giác sợ hãi trước sự nguy hiểm, nhưng cảm giác đó không đóng một vai trò đặc biệt trong những suy nghĩ của anh về công tác. Anh cũng có thể bị giết như bất cứ người nào khác - nói chung tất cả, kể cả công tác trong quân đội, đều kết thúc như thế, tuy nhiên ý nghĩ về cái chết không thể ảnh hưởng đến tinh thần nghiêm túc hoàn thành công tác.
Nhác thấy chính trị viên đại đội từ đằng xa, Xirôta đã siết chặt thắt lưng ngoài tấm áo bông, kiểm tra xem ngôi sao trên mũ che tai có nằm đúng vào giữa trán không và khoác lên vai khẩu tiểu liên K-50 mới toanh vừa lau dầu.
Sư đoàn bắt đầu lĩnh những khẩu tiểu liên nay vào tuần trước; Xirôta là người đầu tiên trong trung đội được trang bị loại súng ấy và anh đã thử lửa nó; mặc dầu khẩu tiểu liên không có thước ngắm độ chính xác như khẩu súng trường, nhưng nó có thể bắn gục hàng loạt tên địch cùng một lúc và bây giờ, trong thời gian đầu, Xirôta đã tỏ thái độ chú ý, thậm chí quá mức, đối với khẩu K-50 của mình.
Mang khẩu K-50 lên vai xong, anh liền chạy qua lỗ cửa trên tường ra đón chính trị viên. Để đáp lại cái chào nghiêm túc hoàn toàn đúng tác phong của Xirôta, thoạt tiên Malinin đặt tay lên vành chiếc mũ che tai, nhưng sau đó lại chìa tay ra cho trung sĩ bắt.
- Xirôta, sinh hoạt ra sao? - Ông ta vừa hỏi vừa dùng bàn tay nặng trịch của mình siết chặt lấy bàn tay cũng nặng trịch như vậy của Xirôta.
- Báo cáo chính trị viên, ăn uống thất thường lắm ạ! - Xirôta liền kêu ca.
Theo kinh nghiệm đời lính của mình, anh thừa biết rằng lúc nào có thể và lúc nào không nên kêu ca với cấp trên và lúc nào có thể thì bao giờ anh cũng kêu ca.
- Tại sao lại thất thường? - Malinin đã biết là vấn đề gì rồi, nhưng cứ làm ra vẻ không đoán được.
- Báo cáo chính trị viên, thế chứ sao nữa ạ, mờ sáng hôm nay, anh em mang phích đến, nhưng chỉ lĩnh được một số đủ đựng hết trong cà-mèn...
- Quy định bao nhiêu thì phát bấy nhiêu chứ, - Malinin nói, - theo quân số có mặt. Như vậy thì có gì đáng bực mình?
- Tôi có bực mình đâu, - Xirôta nói, mặc dầu đúng là anh ta không bằng lòng về việc đó; anh ta không cho biết số thương vong và tính toán rằng hôm nay sẽ được lĩnh thực phẩm theo mức hôm qua.
- Còn cái gì không tốt nữa? - Malinin hỏi.
- Thì chính đồng chí cùng biết đấy, - Xirôta nhún vai và vẻ mặt của anh có ý nói “Trời không mây, ai dám đòi ngay mưa rào”. - Không chở đến thì biết làm thế nào nhỉ?
- Đó là câu nói về chuyện thuốc hút phải không?
- Báo cáo chính trị viên, còn về chuyện gì nữa chứ? Tình hình cung cấp đạn dược bình thường, chúng tôi không kêu ca gì.
Malinin nhếch mép cười, móc túi dết và móc ra bốn gói thuốc sợi rời.
- Này, cầm lấy chia cho anh em. Hôm nay vừa đúng lúc nhận được quà của những người đỡ đầu từ Maxcơva gửi đến thế là mình cầm luôn thuốc đi. Đằng mình có cả thuốc lá điếu rồi sau đây sẽ đem tất cả đến cho các cậu, chiều nay...
Xirôta cầm lấy thuốc ở tay Malinin và thậm chí thở dài vì sung sướng; cứ nhìn mặt anh ta cũng thấy là từ lâu anh ta nhịn hút.
- Hút đi! - thoáng nhận thấy vẻ mặt đó, Malinin liền nói, - mình cũng hút đây. - Rồi ông móc bao thuốc sợi rời bóc dở ở trong túi ra, đổ thuốc cho mình và cho Xirôta, xong bắt đầu quấn một điếu.
- Có lẽ ta vào trong kia nhỉ? - Xirôta nói. - Trong đó, chúng tôi đã đào hàm ếch ở một bức tường và căng một tấm áo choàng mưa lên che.
- Được đấy, ở đây gió thật, - Malinin nói. - Thời tiết tốt lắm.
- Báo cáo chính trị viên, thế thì ngay bây giờ! Nếu đồng chí cho phép, tôi sẽ chia thuốc cho anh em chiến sĩ ngay.
- Tất nhiên rồi...
Xirôta biến vào trong lỗ cửa, gọi ai đó và chắc là ra lệnh chia thuốc sợi rồi quay ra chỗ Malinin.
Xirôta vào bộ đội từ khi còn theo luật nghĩa vụ quân sự cũ, nghĩa là không phải lúc mười chín tuổi mà lúc hăm hai tuổi. Bây giờ anh ta mới hai mươi tám, nhưng vì luôn luôn có dáng bộ đăm chiêu cho nên trông có vẻ già trước tuổi. Tuy vậy lúc bây giờ, khi anh đang quấn điếu thuốc, một nụ cười nở rộng trên mặt anh.
- Cậu có gì mừng thế? - Malinin hỏi.
- Báo cáo chính trị viên, thời tiết ạ. - Xirôta khéo léo khum bàn tay lại che ngọn lửa và châm điếu thuốc. - Giá mà băng giá thêm nữa thì tốt.
- Tốt cái gì kia chứ? - Malinin hỏi. - Băng giá nhiều thì ở dã ngoại gay đấy.
- Thế mà tôi lại thấy trước là đối với chúng mình gay thật nhưng đối với bọn Đức còn gay hơn. - Xirôta vừa nói vừa tủm tỉm cười tựa hồ như nhờ quyền lực cá nhân của mình nên đã chơi khăm bọn Đức một vố. - Trong trung đội tôi có một sinh viên hóa chất năm thứ tư, cậu ấy nói là dầu mỡ của không quân bọn hắn không chịu nổi băng giá cho nên bị đông lại. Đồng chí trông xem, - Xirôta hất hàm trỏ lên trời. - Đây là hôm thứ hai thật sự mùa đông và là hôm thứ hai mà máy bay bọn Đức ít cất cánh. Có lẽ nếu trời cứ giá rét hơn nữa thì dầu mỡ trong xe tăng của chúng nó cũng đông lại đấy nhỉ?
- Còn cậu thì đừng sợ xe tăng.
- Nhưng tôi có sợ đâu. Chúng tôi đã đốt cháy hai chiếc...
- Hai chưa phải là tất cả.
- Đối với một trung đội kia mà! - Xirôta bực mình phản đối. - Đồng chí hãy tính xem, nếu chỉ lấy các trung đội bộ binh thôi: một trung đội là hai chiếc, một đại đội là sáu chiếc, một tiểu đoàn là mười tám chiếc. Một trung đoàn là năm mươi tư chiếc, - anh ta bấm đốt ngón tay, tính tiếp, - một sư đoàn là một trăm sáu mươi chiếc, mà mười sư đoàn vị chi đã là một ngàn sáu trăm... Xem này, giá mà bọn Đức khi đến gần Maxcơva đã không còn xe tăng nữa. Giá mà tất cả đều như thế nhỉ! Nhưng phải chăng mỗi trung đội trong tất cả các trung đội quân ta đều đốt cháy được hai chiếc xe tăng? Cứ lấy tiểu đoàn ta làm thí dụ thôi. Tôi chưa biết một trung đội nào đã dốt cháy được hai chiếc xe tăng, trừ trung đội chúng tôi! - anh ta kết luận ra vẻ tự ái.
- Thế nghĩa là cậu đã tính hết rồi, tính hộ cho cả một mặt trận, - Malinin nhếch mép cười. - Cậu đã làm xong việc của chính mình rồi, đã đốt cháy hai chiếc xe tăng phần mình rồi và có thể rúc vào bếp mà sưởi ấm: bây giờ để cho người khác làm, bây giờ đến lượt họ phải không?
- Tại sao kia? Tôi không quen lập luận như vậy đâu. Tôi chỉ vì sự thật mà nói rằng hai chiếc xe tăng đối với một trung đội không phải là ít.
- Mình không nói là ít, - Malinin nói, - mà mình nói là không nên đặt hy vọng vào dầu mỡ. Băng giá làm hỏng dầu mỡ của bọn Đức, pháo sẽ ngừng bắn, tiểu liên sẽ bị tắc và chỉ còn cách là cào lại và xếp thành đống như đống củi! Tinh thần đó không đúng đâu, đừng vì thế mà yên trí.
- Nhưng quả thật chúng tôi có yên trí đâu? - Xirôta nói. Khi ở tư thế “nghỉ” anh ta không quen nót năng hoạt bát. Anh dang tay rồi ngửa đầu lên nhìn trời. - Tất cả những điều đó đều là sự lừa dối, - anh ta vừa nheo mắt vì chói nắng vừa nói. - Nếu chúng nó định trả đũa thì tất cả thời tiết này cũng sẽ chỉ còn lại khói bụi...
- Thôi được, chúng ta đi thăm trận địa của cậu đi. - Malinin vứt đầu mẩu thuốc lá, di chân lên và nói, rồi chui vào lỗ cửa trước tiên.
Mười phút sau, ông ta đã ngồi trò chuyện với anh em chiến sĩ, như lệ thường trong những giờ phút tạm im tiếng súng. Có sáu người quây quần xung quanh ông, những anh em còn lại đang ở tại vị trí của mình, trong số đó có cả Xintxốp, nhưng Malinin đã quen vớì tình hình là không thể tập trung tất cả mọi người cùng một lúc nên cũng bằng lòng với đám thính giả hiện có.
- Này, Mikhnexốp, - anh bảo người chiến sĩ trẻ tuổi gầy gò, đang ra sức rít điếu thuốc lá quấn, - cố nhiên cậu là nhà hóa học còn mình thì không, cậu am hiểu vấn đề lắm; này cậu nói là chất đốt của máy bay quân Đức không chịu được băng giá, còn trong xe tăng của chúng thì dầu mỡ cũng bị đông lại và theo cậu thì có lẽ hệ thống đại bác của chúng nó sẽ ngừng hoạt động và các khẩu tiểu liên sẽ bắt đầu tắc. - Câu chuyện này đã khiến Malinin lo lắng và bây giờ ông ta đang kiên quyết xoay chuyển câu chuyện bằng mọi cách, định bụng rốt cuộc sẽ xoay chuyển được nó theo ý mình và đặt vấn đề theo cách mà ông cho là đúng. - Mình nhắc lại rằng có thể như thế: cậu là nhà hóa học, cậu thấy rõ hơn, nhưng riêng mình đây thì không hy vọng vào tất cả những điều đó. Cậu hy vọng, còn mình thì không. Hơn nữa, mình nói rằng: cậu hy vọng là lúc thời tiết băng giá, vũ khí và phương tiện của quân Đức sẽ ngừng hoạt động, còn mình thì không hề hy vọng một chút nào vào điều đó, mình chỉ hy vọng vào cậu, vào Mikhnexốp. Mình hy vọng vào cậu, hy vọng rằng bất cứ thời tiết nào, tâm hồn cậu cùng sẽ không run và cả khẩu súng trường, cả quả lựu đạn, tất cả những gì cậu có trong tay đều không ngừng hoạt động, bởi vì nếu tâm hồn cậu không run thì dù cho tất cả vũ khí và phương tiện của quân Đức vẫn hoạt động như chiếc đồng hồ ngay cả trong thời tiết băng giá ba mươi độ âm, thì dù sao chúng vẫn không tiến đến Maxcơva được. Nhưng nếu tâm hồn cậu ngừng hoạt động thì lúc đó chúng sẽ tiến vào Maxcơva được trong mọi hoàn cảnh, có vũ khí và phương tiện hay không có vũ khí và phương tiện, trời băng giá hay không băng giá đằng nào cùng vẫn cứ vào được! Thế nào, nhà hóa học, cậu sẽ nói sao về điều đó?
Rõ ràng Mikhnexốp không phải là một thanh niên ngờ nghệch; anh ta hiểu ngay rằng chính trị viên sẽ lái câu chuyện về hướng nào. Tuy nhiên, anh vẫn hết lòng mong sao cho tất cả ba mươi ba điều bất hạnh sẽ trút xuống đầu bọn Đức đang tấn công Maxcơva, và anh bắt đầu hăng hái nêu lên những lý lẽ mới khác nhau về thời tiết băng giá ở nước ta và vũ khí, phương tiện của quân Đức.
- Được, cứ giả thiết là như vậy, - vì cảm thấy rằng mình đã đánh bại được giọng lưỡi chủ quan đáng lo ngại, cho nên Malinin nói ra vẻ hiền hòa, - để cho chúng nó tối tăm mặt mũi lại! Nhưng cậu đã hiểu rằng vấn đề chủ yếu không phải ở chúng nó mà là ở cậu chứ? Không phải ở chỗ dầu mỡ của chúng sẽ đông lại, mà là ở chỗ cậu sẽ chiến đấu ra sao chứ? - Malinin bắn liên hồi vào một điểm.
- Vâng, báo cáo chính trị viên, cố nhiên chúng tôi hiểu điều đó, - mấy người cùng trả lời một lúc.
- Xirôta này, - Malinin ngừng lại trong chốc lát rồi nói, - hôm nay là thứ mấy nhỉ, thứ năm à?
- Thứ năm ạ.
- Cậu hãy chú ý là ngày thứ bảy sẽ có cuộc họp đảng ủy trung đoàn. Hôm ấy sẽ có vấn đề của cậu, cậu sẽ được kết nạp vào đảng.
- Tôi rất sợ bị hỏi, - Xirôta nói. - Tôi thì bao giờ cũng vẫn thế: khi chưa hỏi gì thì tôi hiểu tất, hễ có người hỏi là quên tuốt. Thật là trớ trêu!
- Từ sáng hôm nay, cậu ấy đã đọc thêm một lượt nữa cả Điều lệ lẫn “Giáo trình cơ sở”, cậu ấy đang chuẩn bị đấy. - một chiến sĩ đã có tuổi nói như kiểu bố với con. Đó chính là Trôphimốp, người mà trước khi vào doanh trại của tiểu đoàn cộng sản đã bị các đồng chí khác đùa là ông ta làm y như sửa soạn đi câu cá. Bây giờ ông đội mũ che tai, mặc áo bông, khoác capốt bên ngoài áo bông, trông ra vẻ một người lính chính cống và chỉ có bộ ria bàn chải bạc trắng là làm lộ ra tuổi tác của ông. Ông đã đến đại đội này cũng một đợt bổ sung với Xintxốp và sau bao nhiêu lần thương vong, chỉ còn lại một mình ông là đảng viên ở trong trung đội.
“Nếu không tính Xintxốp”, - Malinin nhớ ra và ngay lúc đó lại nghĩ rằng không thể tính Xintxốp được: nếu đã bị mất thẻ đảng viên trong những hoàn cảnh không được xác minh thì thậm chí dù có lập được chiến công chăng nữa vẫn có thể không được phục hồi đảng tịch.
- Còn bác, Trôphimốp ạ, - Malinin nói. - bác hãy giúp Xirôta chuẩn bị. Tuy cậu ấy là trung đội trưởng còn bác là chiến sĩ, nhưng bác là đảng viên cũ và trong vấn đề này bác là bề trên đối với cậu ta.
- Vâng, đồng chí ấy đang giúp đấy, - Xirôta lên tiếng,- và cuốn “Giáo trình cơ sở” là của đồng chí ấy, tôi chỉ có cuốn Điều lệ thôi.
- Bác mang theo từ Maxcơva đi à? - Malinin nhìn Trôphimốp.
Trôphimốp gật đầu và nói:
- Tất cả bọn trẻ cứ tra khảo tôi về Maxcơva. Maxcơva ra sao và, phải, nghe nói là ở đó hoang mang lắm... bác hãy kể xem tình hình ra sao. Còn tôi thì trả lời; nếu có chuyện gì thì tôi cũng đã quên mất rồi. Bây giờ cũng như Lermontốp, tôi còn nhớ câu nói: “Anh em ơi, có phải Maxcơva ở đằng sau lưng chúng ta không? Chúng ta sẽ chết ở ngay gần Maxcơva!...”. Tôi học câu đó từ thời Nga hoàng. Từ đầu thế kỷ này, hồi ở trong trường xứ đạo, thế mà vẫn không quên kia đấy!
- Thôi được, - Malinin nói. - Nếu các đồng chí muốn biết tin tức Maxcơva thì tôi có thể kể những tin mới nhất. Tôi vừa nhận được thư của nhà tôi...
Ông ta kể nào chuyện thằng con trai đã trốn ra mặt trận, nào chuyện bà vợ quay về làm việc ở phòng nhà cửa quận và chuyện Kukuskin bị tước quyền miễn động viên và bị đưa ra mặt trận.
Các chiến sĩ nghe chuyện có vẻ đồng tình; ai nấy đều bằng lòng vì Kukuskin đã bị tước quyền miễn trừ: đối với hắn phải thế, đồ quỷ!
- Nghĩa là trật tự đang được lập lại ở Maxcơva. - Trôphimốp nhếch mép cười, - thế là tốt. Còn chuyện thằng con ông bỏ trốn thì giận hay không giận là tùy ý ông, Alếcxây Đênixứts, còn nếu trước kia nó là thằng du côn thì nghĩa là nó vẫn như thế. Mình ở cách nhà ông hai phố, nhưng cũng có biết những trò ma mãnh của nó...
- Không sao, - Malinin nói có ý hơi tự ái về ý kiến đó, - Chính mình vào lứa tuổi nó cũng đã từng là một thằng du côn loại cứng...
- Nhưng mà thế nào, - người chiến sĩ trẻ, xanh xao, từ nãy đến giờ vẫn ngồi im lặng, chống tay vào cằm, bỗng hỏi. - Sau những trận ném bom thì quang cảnh Maxcơva thế nào chứ nhỉ? Chính tôi đây là người Maxcơva, nhà tôi ở Côrôvi Van.
- Côrôvi Van của cậu vẫn nguyên vẹn, - Malinin nói. - Mà chắc là Trôphimốp đã kể chuyện cho các cậu nghe hàng chục lần rồi. Các cậu cứ tin vào bác ấy, bác ấy là một lão nông nghiêm túc, không rượu chè và không nói dối, dù là dân chài cũng vậy thôi!
Mọi người cười rộ.
- Nhưng dù sao, - anh chàng người Maxcơva ở Côrôvi Van chưa chịu yên, - chả nhẽ ở Maxcơva lại ít bị tàn phá như đăng trên báo ấy à... Thì đêm nào chúng nó cũng bay trên đầu ì ầm, ì ầm...
- Bay nhưng không bay đến nơi. - Malinin nói. - Không phải viên đạn nào cũng bay đến cậu đâu! Đối với Maxcơva cũng vậy. Ở đây, cậu có cảm tưởng rằng ở đó, mỗi trận ném bom là một chuyện ghê gớm, còn tôi khi đi ra mặt trận thì đầu gối cứ run lẩy bẩy, nhưng khi đi đến nơi thì hình như chẳng sao cả.
- Ái chà, đồng chí chính trị viên, đồng chí có nói thật đâu: đầu gối run lên kìa ạ! - Xirôta tỏ vẻ không tin một cách lễ phép.
Malinin lườm anh có ý chế giễu.
- Thì chính thế đấy, run mà lại! Cậu làm sao thế, cậu cứ tưởng rằng tớ không biết sợ hay sao? Sợ quá đi chứ lại, - Malinin cúi xuống trước tiếng rít của viên đạn đại bác bay qua rất thấp rồi vẫn đủ sức để đùa: - Thấy không, tớ cúi chào đạn pháo...
Vài ba người mỉm cười, nét mặt của những người kia có vẻ nghiêm trang: quả đạn nố quá gần nên không thể đùa được. Phát đạn thứ hai, cũng là phát bắn thử như phát đầu, nổ tung ở đằng trước. Mọi người chạy tản ra nấp dưới chân tường. Còn pháo binh Đức thì bắt đầu bắn hết phát này đến phát khác, như điên như cuồng, giã vào khắp cái gò có nhà máy gạch. Mùi khói bốc lên khét lẹt.
- Bọn khốn nạn, chính hôm qua chúng nó đã bắn thử, khi chúng ta đánh trả lại cuộc tấn công của chúng! - Xirôta thét vào tai Malinin. - Hôm qua dội nhưng chẳng cứu vãn được gì! Nhưng rồi hôm nay lại sẽ còn dội nhiều hơn... Chúng bắt đầu đụng ngay vào chỗ chúng ta.
Chẳng có ai và chẳng có thì giờ để suy nghĩ xem hoặc là quả thật quân Đức đã bắn thử hôm qua rồi chăng, hay hôm nay chúng mới bắn hú họa mà trúng chăng. Sau khi rải một chục quả đạn ra xung quanh, gần đến nỗi sức ép quá mạnh làm cho đất chao đi đảo lại mấy lần, bọn Đức rót một quả đạn thẳng vào trong lòng tòa nhà xây dở.
Trước đó, Malinin đang nằm dưới chân tường như mọi người để tránh những mảnh đạn đại bác nổ ở bên ngoài, cảm thấy cùng một lúc cả sức công phá, tiếng nổ rền, sức ép và nghẹt thở. Những mảnh tường đổ và những cục đất đóng băng bị đạn pháo tung lên vùi lấp người ông.
Vừa thở hồng hộc vừa dùng hết sức, Malinin đã ngoi được lên khỏi lớp gạch ngói và đất cát phủ lên người. Ông ngồi được là vì trước khi đạn pháo nổ ông đã dùng hai tay che đầu cho nên tay nằm ở trên.
Ông đã rút được tay ra và sờ bộ mặt đẫm máu rồi bắt đầu điên cuồng bới tất cả những thứ gì cản trở ông đứng dậy và cuối cùng chui ra khỏi nấm mồ bằng gạch vụn đó, tuy tai ù nhưng còn sống, lảo đảo đứng hẳn dậy được.
Xung quanh mọi vật đều tiêu tan. Quả đạn pháo hạng nặng đã đào xới lên từng tấc đất của một khu vực rộng lớn Trên lớp tuyết lẫn với đất bị xới tung và những mảnh nền nhà đã in thẫm những vết máu, ngổn ngang những mảnh quân phục, những mẩu thân người không còn ra hình thù gì nữa, chiếc ủng của ai đó với cả cái cẳng chân bị chặt ngang phía trên đầu gối.
Malinin thẫn thờ tiến lên mấy bước và giật mình, đứng lại. Có cái gì gãy răng rắc dưới ủng ông ta: ông nhìn xuống và trông thấy cặp kính của Trôphimốp có bộ gọng buộc chỉ quen thuộc.
Ông quay lại chỗ góc tường, nơi chính mình bị vùi lấp rồi hiểu ra rằng mình còn sống sót chính là vì đã bị gạch ngói vùi lấp đi. Gạch đổ sập xuống do một phát đạn nổ dưới chân tường phía bên ngoài, còn quả đạn rơi vào phía trong thì nổ chậm hơn một chút khi Malinin đã bị những mảnh gạch rơi xuống che đỡ cho.
- Này, có ai đây không, có ai đấy không! - Malinin vừa kêu lên vừa bắt đầu nhớ lại xem cụ thể là ai đã ở cạnh mình trong giây phút cuối cùng.
Đó là Xirôta, là anh chàng sinh viên hóa chất Mikhnexốp, họ ở đâu rồi nhỉ? Ở phía bên này đống tường đổ nát không thấy xác người, thậm chí không có cả những gì còn lại của xác người khi đạn rơi đúng vào chỗ ấy.
“Có lẽ họ bị đạn pháo hất tung đi”, - Malinin nghĩ thầm và ngay giây phút đó ông nghe có tiếng rên vẳng lên từ dưới lớp gạch vùi lấp một góc tòa nhà. Ông liền bới đống gạch đến xước cả móng tay và cuối cùng lôi được Xirôta ra khởi lớp gạch vụn. Xirôta còn sống, thậm chí còn có những cử động tựa hồ như đang cố sức để đứng dậy, nửa dưới của mặt anh đã biến thành một mảng lầy nhầy những máu đỏ lòm. Anh ta không rên bằng mồm mà bằng cố họng và thậm chí hình như không phải bằng cổ họng mà bằng bụng; tiếng rên đó từ bụng thoát ra ngoài qua cái mồm đã bị dập nát.
Malinin bốc một nắm tuyết và lau bộ mặt gớm ghiếc của Xirôta, làm cho tuyết cũng đỏ lòm. Sau đó, ông móc gói băng cá nhân trong túi dết ra và nâng đầu Xirôta lên, bắt đầu băng phần dưới mặt cho anh ta. Thoạt tiên, ông quên mất rằng anh phải thở cho nên băng kín tất cả, đến nỗi Xirôta đâm ra thở khò khè. Đành phải băng lại từ đầu, quấn bộ mặt của người trung sĩ bằng cuộn băng đã bê bết máu. Băng cho Xìrôta xong, Malinin liền kéo anh tới dựa vào tường cho đầu cao hơn để anh đừng bị sặc máu và mãi tới lủc đó ông mới trông thấy một bàn chân thò ra ngoài đống gạch ở nơi mà ông đã lôi Xirôta lên.
Trước đó một giờ, ngay từ khi mới đến đây, ông đã nhận thấy anh sinh viên hóa chất Mikhnexốp có đôi bốt bằng dạ đã cũ nhưng còn tốt, lót hai lớp nỉ. Mikhnexốp nói rằng vừa nhặt được nó mấy hôm trước trong một ngôi nhà gỗ bỏ hoang và Malinin còn định nóỉ đùa rằng nhà hóa học đã chuẩn bị cho mùa đông tốt nhất trong trung đội. Ông ta định đùa rồi quên đi, nhưng bây giờ khi nhác thấy đôi ủng dạ lót nỉ, ông hiểu ngay là Mikhnexốp đang nằm đó.
Không để mất thời gian, ông liền vội vàng moi Mikhnexốp lên: ông bắt đầu từ đằng chân, sau đó to tiếng tự rủa mình và ước tính bằng mắt xem cái đầu của Mikhnexốp ở chỗ nào dưới lớp gạch rồi bò sang moi ở đó. Phải bắt đầu từ đằng đầu để trong trường họp anh ta còn sống thì không bị ngạt thở. Vừa tiếp tục tự rủa mình đã không nghĩ ngay ra cái điều đơn giản như vậy, Malinin vừa cuống cuồng bới gạch. Cuối cùng, hai vai của Mikhnexốp đã lòi ra. Malinin đưa tay sờ: vai vẫn còn nóng dưới lớp áo bông. Mikhnexốp còn sống. Malinin càng vội hơn nhưng khi ông đã đưa được cổ và đầu Mikhnexốp ra một cách cẩn thận hon thì bỗng ngừng phắt lại, cầm trong tay hòn gạch vừa mới nhặt lên ở sau gáy Mikhnexốp. Thân thể còn nóng nhưng anh ta đã chết. Tất cả phần trên sọ não của anh đã bị chính mảnh gạch này phạt mất.
Malinin ưỡn thẳng lưng dậy, giận dữ ném hòn gạch xuống đất, và ngay giây phút đó, ông nghe có tiếng súng máy gõ nhát gừng ở gần đấy. Ở trong khoang nền của cột ống khói nhà máy cách ông bốn chục bước, anh em vẫn còn sống và đang chĩa hỏa lực vào quân Dức. Malinin cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, ông cứ tưởng còn lại một mình.
Malinin đi đến bên Xirôta, nhấc cái thân hình nặng nề của anh lên lần nữa và chuyển chỗ để đề phòng trường hợp đạn pháo có bắn nữa thì anh ta cũng được che kín hơn. Tuy nhiên, hỏa lực pháo binh Đức bây giờ đã bắn xa tung thâm. Khi Malinin chuyển chỗ cho Xirôta thì anh ta làm mấy cử động yếu ớt dưới lớp băng đẫm máu, tựa hồ như toan kêu lên điều gì, sau đó anh xòe hai bàn tay đang nắm chặt giống như ngạc nhiên trước tình trạng bất lực của mình rồi nắm tay lại như cũ và lặng thinh. Chỉ có bộ ngực của anh ta nặng nề phồng lên, xẹp xuống với tiếng thở khò khè. Malinin lại nhìn anh lần nữa, trèo qua bức tường và theo giao thông hào nhỏ sâu bằng nửa người, dẫn tới ống khói mà đi về phía đang có tiếng súng máy tiềp tục nổ ròn rã.
Khi pháo bắt đầu bắn thì Xintxốp đã cùng với xạ thủ số hai của mình, một chiến sĩ trẻ đã làm nghĩa vụ quân sự được hơn một năm tên là Kôlia Baiukốp, ngồi sau khẩu súng máy, bên cạnh một trong hai lỗ châu mai khoét trên ống khói. Họ không bắn mà cứ giả chĩa súng vào những vật chuẩn đã bắn thử từ trước và đảo lộn vị trí cho nhau trong khi luyện tập: Xintxốp làm số hai còn Baiucốp thì làm số một.
Trước lỗ châu mai là bắt đầu sườn đồi dốc đứng, một phần dốc khuất không trông thấy và nằm trong tử giác; sau đó dốc nghiêng thoai thoải và đổ xuống một khu đất hình lòng chảo phủ tuyết. Khu lòng chảo này nằm cắt ngang trận địa của quân ta, còn đằng sau nó là bắt đầu một cái gò đất khác, nơi mà các trung đội kia của đại đội đang bố phòng gần ba ngôi nhà nhỏ cách biệt nhau, Không có công sự ngay trong lòng chảo, nó đã được bắn thử kỹ càng từ hai phía và được ngăn giữ bằng lưới lửa của hai khẩu súng máy. Hôm qua, quân Đức đã toan tấn công đúng theo lòng chảo đó, nhưng vì hai làn đạn bắn chéo cánh sẻ, nên không thọc qua được và thậm chí không thể lôi được xác chết về, mặc dầu thường thường chúng vẫn làm như vậy, dù có phải liều mạng. Hôm qua, nghe nói rằng trong lòng chảo còn lại đến ba chục xác người nhưng từ lỗ châu mai này trông ra chỉ thấy có mấy cái xác đen lù lù trên tuyết ở phía dưới. Trong khi cùng với Baiukốp ngắm thử, Xintxốp bây giờ đang dùng cái cột mốc trồng xuống tuyết và hai cái xác bên ngoài cùng, một ở lối đi vào và một ở lối ra khỏi lòng chảo, làm vật chuẩn.
Baiukốp cùng chiến đấu với Xintxốp đã được một tuần. Trông anh ta có cái gì giống như người chiến sĩ hồng quân mà hôm ở Maxcơva đã đồng ý gọi người sĩ quan trực ban trong viện kiểm sát cho Xintxốp. Baiukốp cũng có cặp lông mày đen và bộ mặt con gái nhẵn nhụi, hồng hào như vậy. Khi anh ta bỏ chiếc mũ che tai xuống thì người ta thấy rằng mái tóc bù xù lông dím của anh ta đúng là màu nâu nhạt như vải lanh
“Chắc là khi chưa vào bộ đội, cậu để tóc bồng hẳn?”, - ngay từ ngày đầu, Xintxốp đã hỏi anh ta; Baiukốp mỉm cười và nói: “Chứ gì nữa!”, - còn Xintxốp thì nghĩ thầm rằng với đôi lông mày đen và bộ tóc màu hạt dẻ nhạt kia, chắc hẳn cậu ta là một anh chàng đẹp trai hiếm có. Bây giờ anh đã cắt tóc ngắn đội chiếc mũ che tai quá rộng của người khác mà anh là người sử dụng thứ hai. Anh khoác tấm áo capốt tùm hụp ở ngoài áo bông, vả lại cả hai người đã nằm ở đây ba bốn ngoài trời, thoạt tiên trên bùn lầy và sau đó trên băng tuyết; ở đây quả thật không còn bụng dạ nào nghĩ đến đẹp xấu nữa.
Mối quan hệ tốt đẹp nhất đã được thiết lập giữa hai người ngay từ ngày đầu quen biết, nếu nói đúng hơn thì ngay từ cái phút mà Xintxốp bảo rằng cả haí xạ thủ súng máy đều phải biết làm động tác của cả số haí lẫn số một và anh chứng minh luôn lời nói bằng việc làm, ngay trong giờ phút đầu tạm im tiếng súng, anh đã cùng Baiukốp tiến hành tính toán các góc bắn, góc tà và hiệu chỉnh tầm xa...
Baiukốp nguyên là nông trang viên ở bản Xôlôtra thuộc vùng rừng núi bên kia sông Ôka gần thành phố Riadan. Bản này nổi tiếng về khoai tây và nghề đánh cá trên dòng cũ của con sông Ôka là Xtarixa.
Dù sao chăng nữa thì con người không phải lúc nào cùng chỉ có chiến đấu. Baiukốp là người có thể vừa trầm lặng vừa mồm mép, tùy theo trường hợp anh thích hay không thích người nào đó. Trong vòng một tuần, anh đã kịp kể lại cho Xintxốp nghe rằng anh chưa thi đỗ lớp bảy do hoàn cảnh gia đình: bố chết, còn mẹ thì bị ốm, và trước khi vào bộ đội, anh là đội trưởng đội thanh niên cộng sản trồng khoai tây một năm, còn sau khi phục viên thì dù sao anh vẫn muốn đi học làm kỹ sư nông nghiệp.
- Chỉ cần trước hết phải thì đỗ lớp bảy, tôi đã tưởng là sẽ thi trong quân đội, - Baiukốp nói. - Thế mà ở đây lại có cái việc này...
“Cái việc này” tức là chiến tranh.
Baiukốp là một thanh niên dễ tin và cái gì cũng muốn biết, Trong cuốn vở cất trong balô, anh ta đã ghi lại tên tất cả những cuốn sách mà anh đã đọc trên đời này. Đối với lứa tuổi anh, số sách đó không phải là ít: một trăm linh bốn cuốn và phần lớn đều là sách hay. Buổi tối, nếu hoàn cảnh cho phép, anh ta lại hồi tưởng tới những cuốn sách này và kể lại bằng tiếng địa phương Riadan hơi trọ trẹ cho Xintxốp nghe nội dung của những cuốn sách ấy.
Trong chiến đấu, Baiukốp thường hoàn toàn bị thu hút vào nhiệm vụ của mình. Anh ta tâm đầu ý hợp với Xintxốp về điểm đó và hai người hiểu rõ nhau.
Xintxốp cũng để hết tâm trí vào chiến đấu, anh không tỏ ra nể nang đối với bản thân mình và không xây dựng một kế hoạch cá nhân nào cả; bây giờ anh đã hình dung ra tất cả quãng đời tương lai của anh trong chiến tranh - đến lúc chết hay đến lúc chiến thắng chăng nữa - là cuộc đời binh nhất binh nhì. Trong một tuần qua, Baiukốp đã tỏ ra là một người phối hợp tay đôi giỏi, điều ấy giờ đây đối với anh là quan trọng nhất trên đời này và không những vì vậy anh quý trọng Baiukốp mà còn sẵn sàng làm cho cậu ta nhiều hơn là đối với nhiều người khác mà anh đã quen biết trong nhiều năm.
Khi cuộc pháo kích bắt đầu, Xintxốp và Baiukốp kéo khẩu súng máy lùi xa lỗ châu mai về phía sau một chút để những mảnh đạn lạc khỏi va vào nòng súng, còn bản thân họ thì chuyển chỗ ngồi xuống thấp hơn, ở dưới đáy ống khói lát bằng gạch chịu lửa chắc chắn. Họ hiểu ngay rằng pháo bắn ác liệt và chính xác. Tất cả xung quanh đều rung chuyền ầm ầm vì những phát đạn nổ gần, nhưng mặc dầu bị pháo bắn như vậy, ở đây họ vẫn cảm thấy hầu như an toàn trong cái ống khói này; chỉ có một quả đạn hạng nặng bắn thẳng từ một cự ly gần mới có thể chọc thủng nổi nhiều lớp gạch chịu lửa ấy, hơn nữa đạn không được rơi chéo góc mà phải rơi thẳng góc. Các mảnh đạn khó mà lọt được vào ống khói từ hôm kia, Xintxốp đã cùng Baiukốp đậy ống khói bằng những tấm sắt nồi hơi. Trung đội trưởng Xirôta nói rằng số sắt đó được chuẩn bị để làm các cánh cửa lò. Sắt rất dày những mười ly, và hai tấm sắt đã che gần kín hết ống khói chỉ còn một khe hở nhỏ. Đường dẫn khói chạy qua nền và bây giờ anh em chui theo đường này để vào ống khói từ phía dưới.
- Quả thật là một cái lô cốt, - hôm qua Xirôta nói và chính Xintxốp cùng Baiukốp cũng nghĩ như thế về cái ống khói.
Chỉ có thể giết chết tươi họ trong trường hợp: một quả đạn rơi thẳng từ trên xuống những tấm sắt che ống khỏi; khi ấy cố nhiên không có chỗ nào mà nấp nữa, cả hai người sẽ chỉ còn là một đám bầy nhầy. Nhưng thậm chí giờ đây khi bị pháo bắn họ cũng chẳng tính đến chuyện không may đó nhiều hơn bất cứ một khả năng tử vong nào, những khả năng luôn luôn tồn tại trong chiến tranh bằng cách này hay cách khác.
Hỏa lực của quân Đức mỗi lúc một mạnh thêm, Baiukốp bắt đầu dốc hết túi này sang túi khác và cứ mỗi túi đổ được một dúm thuốc sợi rời, vướng trong đường chỉ khâu, xuống lòng bàn tay. Hôm qua, thuốc sợi cũng không có: anh ta đã làm cái thao tác này một lần, nhưng hôm nay vẫn cố làm lại. Dù sao pháo bắn cũng rất ác liệt, cho nên anh thấy bồn chồn.
Xintxốp đứng dậy, đi đến bên lỗ châu mai và nhìn ra khu đất hình lòng chảo phủ tuyết nằm phía trước lô cốt.
Những quả đạn cũng đang nổ ở chỗ trống trong khu lòng chảo nhưng thưa thớt hơn, trong khi đó, một màn khói dày đặc đang bao phủ trận địa của các trung đội láng giềng ở trên điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ, ở đó, đạn pháo nổ hàng loạt thành một bức tường, và một trong ba ngôi nhà đã biến mất tựa hồ như trước kia chưa hề có nó.
Xintxốp cảm thấy đau nhói trong lòng không phải vì anh sợ pháo địch tiếp tục bắn phá mà vì một suy nghĩ không xua đuổi được: “Hễ pháo bắn xong là bắt đầu tấn công ngay đấy”. Anh ngồi xuống bên tường cạnh Baiukốp và bắt đầu đợi cho pháo ngừng bắn. Bỗng thấy ngứa đầu, anh liền bỏ mũ bịt tai xuống trong chốc lát và thận trọng dùng tay xoa xoa vết sẹo ở trên thái dương. Hai tuần lễ trước đây, Dôlôtarép tưởng rằng đây là một vết tử thương thế mà bây giờ chỉ còn lại vết sẹo nhỏ với lớp da mịn và trơn trơn cùng với món tóc lởm chởm chưa mọc hết ở hai bên mép.
Trong những giây phút đó, không phải bao giờ con người cùng suy nghĩ những điều giống nhau. Đôi khi đó là điều quan trọng, đôi khi lại là điều không quan trọng, đôi khi lại xen lẫn cả những điều quan trọng và không quan trọng, khi thì con người suy nghĩ một cách tự nhiên xuôi theo dòng suy tưởng, khi thì nghĩ cách miễn cưỡng - nghĩ một điều gì mà họ tưởng là có thể xua tan lòng sợ chết.
Xintxốp không cưỡng bức mình. Anh suy nghĩ về những điều nẩy ra trong óc nhưng ý nghĩ của anh cứ thay đổi và thúc đẩy lẫn nhau, tựa hồ như sợ rằng anh không kịp suy nghĩ mọi việc còn cần suy nghĩ.
Trong những ngày ấy, đã mấy lần có cái gì thúc giục anh ngồi xuống và viết thư cho Masa để báo tin là anh đang ở đâu và làm gì. Anh muốn vợ biết việc này, nhưng ý muốn đó càng mãnh liệt bao nhiêu anh lại càng tự hỏi mình một cách gay gắt bấy nhiêu: mà gửi đi đâu chứ? Vợ mình ở đâu? Phải, anh có số hòm thư của nhà trường, nhưng Masa không còn ở đó nữa. Chị đã sang phía bên kia hỏa tuyến từ lâu và từ nơi này gửi thư cho vợ thì cũng chẳng khác gì định dùng chiếc phong bì bộ đội bằng giấy hình tam giác để chọc thủng bức tường gạch của cái ống khói này.
Anh nhớ lại đêm ấy ở Maxcơva chị đã ngồi xổm để rửa chân cho anh trong chiếc chậu, cạy ra từng tảng bùn và nương nhẹ tay khi rửa chỗ xây xát, và trong lòng anh chợt bừng lên tình cảm trìu mến nao nao đối với hai bàn tay âu yếm của vợ, đến nỗi anh đâm hoảng sợ nỗi nhớ nhung mãnh liệt đó, cho nên anh đã lẩm bẩm tự rủa mình để dập tắt ngay ngọn lửa vừa bừng lên ấy.
- Ông làm sao thế? - Baiukốp hỏi, sau khi đã vét mãi được mấy dúm thuốc lá rời và cuộn thảnh một điếu bé tí xíu.
- Có sao đâu, - Xintxốp xua tay.
- Thế mà tôi lại tưởng là nhớ bà nhạc, - Baiukốp đùa không đúng lúc.
Với nỗi đau xót quen thuộc và âm ỉ, Xintxốp nhớ tới Grốtnô và tất cả những gì có liên quan tới nó trong trí nhớ đã chằng chịt vết thương và rắn lại như gỗ của anh. Rồi anh lắc đầu lia lịa như con ngựa bị đàn mòng đốt mà bản thân anh cũng không để ý. Sau đó, anh nghĩ về Malinin mà anh đã trông thấy đằng xa một giờ trước đây, khi ông ta trèo lên dốc, và nhớ lại câu chuyện trao đổi giữa hai người hôm đầu tiên mà Malinin được chỉ định lảm chính trị viên đại đội. Sau khi làm quen với anh em, Malinin đi một vòng xem những ngôi nhà gỗ còn nguyên vẹn của làng Klinxư mà bây giờ đã nằm lại từ lâu trong vùng sau lưng địch. Đêm ấy, đại đội đã ngủ ở đó. Trò chuyện với các chiến sĩ xong, Malinin vẫy gọi Xintxốp ra khỏi nhả và đứng dạng rộng hai chân ra, đút hai tay vào túi theo kiểu đứng quen thuộc của mình, rồi cau có nói:
- Xintxốp ạ, cậu hãy viết đi, trình bày lại quá khứ của cậu. Cậu đã được phiên chế vào một đơn vị thường trực, ở đây phải hoàn toàn đúng nguyên tắc.
- Còn phải viết cho ai nữa kia? Tôi đã viết... - Xintxốp buồn bã nói.
Malinin nhìn anh vẫn với vẻ cau có và nói vẫn với cái giọng bực mình:
- Viết cho tớ. Tớ sẽ đích thân nộp cho chính ủy hay nộp lên phòng chính trị sư đoàn. Còn lên đến đó thì tùy họ quyết định xem nên gửi đi đâu theo sự cẩn thiết. Cậu chỉ cẩn nêu lên những sự việc và những người có thể xác nhận sự việc đó, hãy nêu rõ là ai. Họ muốn thẩm tra thì cứ để cho họ thẩm tra. Hôm nay, còn ở trong nhà thì hãy viết đi, ai mà biết được rằng ngày mai chúng mình sẽ ngủ ở đâu! Thôi, tạm biệt nhé! - Malinin cau có gật đầu chào, bước trên đường phố đến ngôi nhà gỗ tiếp theo sau, nhưng bỗng dừng lại và gọi: - Xintxốp!
Xintxốp đi tới gần Malinin:
- Trong đó, cậu hãy nêu lên rằng tôi biết hết mọi chuyện ngay từ đầu. Hãy mở đầu như thế này: “Như đồng chí đã biết về tôi...”, còn sau đó thì hãy viết: “nhưng tôi muốn trình bày bằng giấy để phòng chính trị và bộ chỉ huy đơn vị...”. Hiểu không?
- Hiểu.
Đêm ấy, anh lại viết bản trần tình lần nữa, anh viết ngắn có viện dẫn thêm tên người như lời Malinin bảo.
Nhưng dù anh có viết ngắn đến thế nào, việc viết bản đó lần nữa, sau khi anh đã kể chuyện cho Masa, cho Enkin và Malinin nghe, sau khi anh đã viết lại tất cả trong viện kiểm sát, sau khi anh đã nhiều lần ngồi một mình một bóng nhớ lại tất cả chuyện này, phải viết lại lần nữa thì thật chẳng khác gì bị tra tấn, vả lại thế nào nhỉ, xét cho cùng đúng là anh ra đi để chiến đấu hay để viết những bản trần tình? Nhưng rốt cuộc anh vẫn viết và nộp cho Malinin, đó là vào hôm sau lúc hành quân. Để khép bên sườn hở lại. sư đoàn vội vã rút lui về trận địa dự bị và ông Malinin, cứ lội bì bõm trong bùn đặc sệt, càng cau có hơn ngày thường, khi đi ngang với Xintxốp, lặng lẽ cầm lấy lá đơn ở tay anh và nhét vào túi áo capốt. Mặc dầu về sau Xintxốp có trông thấy Malinin nhiều lần, nhưng họ không nói tới việc này nữa.
Giờ đây, khi nghe những tiếng đạn nổ nặng trình trịch làm rung chuyển mặt đất, Xintxốp cố tưởng tượng xem Malinin đã chuyển lá đơn của anh cho ai và chuyển như thế nào, trong lúc ấy ông ta nói gì và bây giờ anh phải đợi để được gọi lên đâu: lên phòng chính trị hay phòng Đặc nhiệm? Tuy anh đã cho rằng sau mười ngày chiến đấu, người ta sẽ không gọi anh rời hỏa tuyến, cái cảnh mà số phận chưa được giải quyết đang dày vò anh. Thêm vào đó, còn có một ý nghĩ không vui nữa là mình có thể bị thương, bị đưa về hậu phương, và lúc đó thì hãy vĩnh biệt cả bản trần tình này lẫn Malinin. Anh sẽ ra viện, sẽ rơi vào một đơn vị khác và sẽ phải viết lại tất cả từ đầu...
- Này! - Baiukốp thét vào tai Xintxốp, át cả tiếng gầm của đại bác. - Theo tôi thì chúng bắn trúng anh em đằng kia đấy !
Xintxốp đến gần lỗ châu mai dự bị, và qua đám khói đang tàn, anh trông thấy một trong những bức tường xây dở của nhà máy hình như đã trở nên thấp hơn.
- Ừ, hình như thế, - anh lo lắng nói.
Lúc đó, pháo binh Đức đã bắt đầu bắn được chừng mươi phút. Cuộc pháo kích liếp tục thêm nửa giờ nữa rồi chuyển sâu vào tung thâm, vào hậu tuyến; bây giờ không nghe tiếng nổ nữa mà chỉ nghe tiếng rít liên tục của những quả đạn bay vút qua trên đầu.
- Kôlia, cậu hãy trông về phía này, nếu có ai xuất hiện thì bắt liên lạc nhé, - anh hất hàm trỏ cho Baiukốp cái lỗ châu mai ở đó trông thấy được nhà máy gạch, còn mình thì đi trở lại lỗ châu mai kia, nơi đặt súng máy.
Từ chỗ này có thể quan sát rất rõ; trong hậu tuyến của ta, đạn pháo nổ thảnh một bức tường, còn xe tăng Đức thì đang tiến theo khu lòng chảo phủ tuyết giữa điểm cao có nhà máy gạch và điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ. Những chiếc đi đầu đã trèo lên dốc, đến chỗ trước kia có ba, nay chỉ còn lại vẻn vẹn một ngôi nhà xiêu vẹo, và ở đây theo như Xintxốp biết thì có hai trung đội quân ta bố trí trong hầm nhà và trong các công sự quanh nhà.
Chiếc xe tăng đi đầu dừng lại, bắn đại bác và căn nhà cuối cùng đã xiêu vẹo liền đổ nghiêng xuống như một ngôi nhà bằng giấy. Một ngọn lửa bùng lên dưới chiếc xe tăng và nó quay tròn tại chỗ. Sau đó, lại một ngọn lửa nữa bùng lên và một luồng khói đen đặc phụt ra từ chiếc xe tăng. Những bóng đen nhảy vọt qua cửa nắp phía trên xe tăng xuống tuyết; những phát súng trường thưa thớt nã vào chúng. Gió từ đó thổi lại, cho nên nghe rất rõ và như vậy chỉ càng làm nổi rõ thêm súng trường thưa thớt đến mức đáng lo ngại. Ở nơi có hai trung đội quân ta bố trí, hầu như không có tiếng súng. Một chiếc xe tăng khác chạy ngang chiếc đang cháy, trèo qua điểm cao và khuất sau đỉnh đồi. Những chiếc xe tăng đang chạy trong khu lòng chảo cũng đường hoàng tiến về phía trước.
Một phút nữa trôi qua và bộ binh Đức xuất hiện trong tầm mắt của Xintxốp. Những bóng đen đang tiến trên mặt tuyết thành một chuỗi dài đằng sau xe tăng.
- Baiukốp, về chỗ! - Xintxốp hô và nhìn qua rãnh ngắm bắt được chiếc cọc chuẩn đã được bắn thử, nó còn ở cách những tên Đức đầu tiên chừng bốn chục mét.
Baiukốp chạy lại, sửa băng đạn, thoạt tiên nhìn vào lỗ châu mai, sau đó từ dưới, hồi hộp ngước nhìn lên trên, lên mặt Xintxốp. Cái nhìn ấy muốn nói: “Sao ông chưa nổ súng?”. Nhưng Xintxốp còn đợi thêm nửa phút nữa: vật chuẩn đã được bắn thử chính xác và anh muốn tận dụng điều đó.
Hàng quân Đức đã tiến đến ngang cọc chuẩn. Anh bắn một băng ngắn, rồi một băng dài và lại thêm một băng ngắn nữa, khi bọn Đức nằm bên cạnh cọc chuẩn đã nhảy vọt dậy. Hình như băng đạn cuối cùng này là có hiệu quả nhất: năm tên trong số bọn Đức vừa nhảy dậy lại gục xuống và đã không thể đứng dậy cũng như bò đi được nữa.
- Sao? - anh rời mắt trong một giây, vội vàng ghé sát mặt mình vào mặt Baiukốp. - Quân ta đằng kia thế nào, trong nhà máy ấy?
- Chẳng trông thấy ai cả. - Baiukốp nói, - tôi sợ rằng họ đã bị pháo diệt hết rồi.
Nghe nói thế, Xintxốp liền bắn tiếp băng sau ngắn hơn dự định, cốt để hà tiện đạn, tính hà tiện này sinh ra khi người lính chỉ còn lại một mình.
Anh cùng Baiukốp phát huy hỏa lực trong năm phút, chốc chốc lại bắt bọn Đức nằm xuống tuyết và hãm bước tiến của chúng. Sau đó, bọn Đức bèn sắp xếp lại đội ngũ và vọt tiến trên rìa phía xa của khu lòng chảo; súng máy bắn đến tận nơi đó, nhưng hiệu quả của hỏa lực ít hơn. Hàng quân màu đen của bọn Đức đã vượt qua điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ. Từ phía đó không có ai bắn vào bọn chúng. Nghĩa là tất cả quân ta đều đã bị tiêu diệt.
Một tên xạ thủ súng máy Đức cùng với tên số hai nằm xoài xuống ngay trên tuyết, xoạc rộng hai chân. Từ chỗ này, Xintxốp và Baiukốp trông thấy tất cả những điều đó. Hắn bắt đầu bắn trả lại vào khẩu súng máy của họ. Đạn va chan chát vào gạch, sát cạnh lỗ châu mai. Thằng Đức bắn chính xác, nhưng ở trong tình thế không ngang bằng: nó nằm tênh hênh ở chỗ trống, cho nên sau ba băng đạn bắn trượt, Xintxốp đã quạt băng thứ tư trúng thẳng vào nó. Thậm chí anh thấy khẩu súng máy đổ chổng kềnh xuống tuyết: hoặc là do loạt đạn hất đổ hoặc là do bàn tay của tên Đức lôi đổ trước khi chết. Hình như tên số hai cũng nằm chết trên tuyết. Nhưng mấy phút sau, trong lúc Xintxốp và Baiukốp bắn vào mục tiêu khác thì Baiukốp kéo tay Xintxốp và nói:
- Thằng số hai kia thì...
Xintxốp đưa mắt nhìn và thấy chỉ có một hình người nằm trên tuyết, bên cạnh khẩu súng máy.
- Nó bò đi chỗ khác... - Baiukốp nói. Trong lời nói của anh không những có ý bực mình mà còn có ý lên án: nếu ở vào địa vị tên Đức thì Baiukốp sẽ không bò đi mà sẽ tiếp tục một mình phát huy hỏa lực.
Lúc đầu, do không khí sôi sục chung của cuộc tấn công, cho nên rõ ràng là quân Đức không chú ý đặc biệt đến khẩu súng máy quấy rối chúng, nhưng cuối cùng chúng đã quyết định thanh toán với khẩu súng máy này, cho nên đã thông báo cho bọn lính xe tăng. Xe tăng đã bắt đầu chạy sang phải, ra ngoài tầm mắt của Xintxốp, nhưng một chiếc bỗng nhiên vòng trở lại. Lúc đầu, Xintxốp cứ tưởng là nó bị hỏng, nhưng nó nhanh chóng chạy thẳng lên điểm cao của họ. Chạy đến chân gò, nó giảm tốc độ và dừng lại.
- Bây giờ nó sẽ giã vào chúng ta đây, - Baiukốp nói. Xintxốp gật đầu.
- Cậu đi nghe xem, quân ta đằng kia thế nào.
Cánh cửa nắp trên chòi súng được đẩy lên và tên lính xe tăng nhô ra. Chắc hẳn nó muốn quan sát tình hình cho rõ hơn.
Xintxốp quạt một băng - tên này biến mất, cửa đóng sập lại, nhưng một phút sau một quả đạn đại bác đã giáng vào sát bên lỗ châu mai. Cũng ngay lúc đó, để chứng tỏ rằng mình còn sống, khẩu súng máy của Xintxốp quạt luôn một băng dài dữ dội vào bọn Đức đang tiếp tục vọt tiến qua lòng chảo.
“Chúng tiến đông thật, những mấy tuyến”, - Xintxốp nghĩ thầm. Ở chỗ này anh thấy rất rõ mọi việc, lần đầu tiên trong đời anh trông thấy rõ một trận chiến đấu đang diễn ra chung quanh như vậy.
- Tôi đã nghe rồi, nghe rồi mà chả thấy động tĩnh gì cả, không một tiếng súng, không có gì... Hay là tôi đi xuống chỗ họ? - Baiukốp hỏi.
- Đi xuống cũng được, - Xintxốp nói, - nhưng tôi e rằng một mình ở đây không trụ nổi...
Chiếc xe tăng bắn đại bác vào gần lỗ châu mai, còn Xintxốp thì lại quạt một băng nữa vào bộ binh. Tựa hồ như anh muốn nói: “Nói láo, tao vẫn sống!”
- Có lẽ nó muốn lại gần hơn, - Xintxốp nói giọng khản đặc. - Chuẩn bi lựu đạn!
Baiukốp im lặng nâng từ dưới nền và giơ cho xem những quả lựu đạn đã được buộc thành chùm bằng dây thép.
Chiếc xe tăng còn bắn thêm mấy phát nữa và đúng như Xintxốp đoán trước, nó quyết định đến gần hơn để bắn vỗ mặt. Đi chậm, nó vừa gầm rú, - tiếng gầm đó làm cho người ta hoảng vì nó đến gần quá, - vừa chuyển bánh, thong thả bò chéo trên sườn đồi phủ tuyết, rồi đổi hướng, trèo lên cao theo hình chữ chi và lọt vào tứ giác. Bây giờ Xintxốp và Baiukốp nghe tiếng rống hồng hộc của nó.
- Hễ lại gần là nó sẽ bắn vào lỗ châu mai. - Xintxốp nói.
- Thế thì ông hãy nã vào khe nhòm của nó, - Baiukốp nói, - còn tôi thì sẽ bò ra ngoài và dùng lựu đạn!
Nhưng Xintxốp không đáp và bắn vào một toán quân Đức nữa đang vọt tiến qua khu lòng chảo.
Chiếc xe tăng thoát khỏi tầm mắt đang tiếp tục gầm rống đâu đây ở bên ngoài. Xintxốp tưởng chừng như nó đang đứng một chỗ, không tiến đến gần mà cũng không lùi ra xa. Cuối cùng, chiếc xe tăng lại xuất hiện, nhưng không phải là ngay trước ống khói, sát bên lỗ châu mai như họ lo sợ mà lại là ở phía dưới, ở chỗ cũ.
- Nó không thể chạy lên dốc trên lớp váng băng được, - Xintxốp mừng rỡ nói và đưa ống tay áo lên quệt mồ hôi.
Nắp cửa trên xe tăng lại hé nâng lên, cái đầu của tên lính xe tăng thò ra trong một giây, sau đó cánh cửa đóng lại, chiếc xe tăng hơi di chuyển một chút để thay đổi vị trí. Khẩu pháo nghển lên và hạ xuống giống như một ngón tay trỏ, chĩa vào lỗ châu mai. Xintxốp bắt đầu thấy bối rối. Phát đạn pháo nã vào sát bên lỗ châu mai, làm cho gạch vỡ vụn. Lại phát khác - bụi gạch lại bay mù. Thêm một tiếng nổ nữa inh tai nhức óc, những tấm sắt bật tung lên kêu vang rền như sấm - chà, hai tai bỗng điếc đặc vì đầu bị va vào tường. Xintxốp tưởng chừng như quả đạn rơi vào lỗ châu mai và nổ tung ở bên trong tuy rằng nếu quả là như vậy thì anh và Baiukốp đã không còn gì nữa.
Thực ra thì quả đạn chỉ nã vào mép lỗ châu mai ở bên ngoài và chỉ có mấy mảnh đạn cùng với sức ép lọt vào trong ống khói. Cảm thấy đau ê ẩm đằng sau gáy, Xintxốp liền đâm bổ tới khẩu súng máy, trông thấy tên lính xe tăng Đức đã mở nắp cửa sập, yên trí đứng thẳng người lên trong chòi súng và che mắt với bàn tay cho khỏi chói nắng, ngắm nghía kết quả của phát đạn.
Xintxốp khẽ động đậy nòng súng máy, ngắm vào mép trên của chòi súng xe tăng, vào hai vai tên Đức và bóp cò, trút vào cái động tác yếu ớt đó tất cả sức mạnh của lòng căm thù đối với quân Đức. Tên lính xe tăng gãy gập làm đôi ở ngang thắt lưng và suýt nữa rơi ra ngoài chòi súng, nhưng một tên nào đó ở bên trong đã kéo chân thằng chết - Xintxốp tin chắc rằng hắn đã chết - lôi vào trong xe tăng và đóng sập cửa lại. Chiếc xe tăng bắn liền ba phát đại bác nữa và vòng trở lại, chạy xuống phía dưới. Lần này nó bắn đã không trúng nữa, chỉ có một quả đạn rơi đúng ống khói.
Mãi tới bây giờ Xintxốp mới rời khẩu súng máy và cúi xuống trên mình anh chàng Baiukốp đang nằm yên không động đậy. Anh ta nằm rên khe khẽ.
- Cậu làm sao thế, Kôlia? - Xintxốp hỏi và cảm thấy một nỗi cô đơn đáng sợ.
- Đạn trúng vào lưng... gần thắt lưng, - Baiukốp nói khẽ.
Anh chống tay nhổm dậy, hai chân anh không tuân theo anh nữa.
Vén áo capốt và áo bông lên, Xintxốp trông thấy sau lưng Baiukốp có một vết máu nhỏ. Mánh đạn chỉ nhỏ thôi, nhưng đúng vào xương sống và Baiukốp không thể cử động được.
- Nhưng hai tay lại không việc gì, - trong khi Xintxốp băng bó cho anh, Baiukốp vừa nói vừa động đậy ngón tay. - Ông cứ nhích tôi đến gần súng, mình có thể đâm băng đạn được.
Xintxốp lật ngửa người anh ta lại và chuyển đến gần súng. Baiukốp rên lên một tiếng ngắn, nhưng dù sao vẫn với tới băng đạn và đút nó vào súng máy bằng một động tác yếu ớt.
- Mình còn có thể làm được. Cái gì thế này nhỉ hai chân làm sao...
- Cậu chỉ bị choáng đấy thôi, - Xintxốp nói mà không đi sâu vào ý nghĩa lời giải thích của mình. Anh chỉ muốn an ủi Baiukốp, - Sẽ khỏi thôi...
Anh lo lắng nhòm qua lỗ châu mai. Anh không muốn cho quân Đức tiến qua, nếu chúng lại mò vào vùng hỏa lực trong khu lòng chảo, mặc dầu đồng thời anh cũng cảm thấy rằng họ càng hành tội quân Đức bao nhiêu thì chắc hẳn anh cùng Baiukốp và khẩu súng máy càng chóng đến giờ tận số bấy nhiêu.
Anh nghĩ rằng quân Đức có thể trèo lên theo sườn dốc khác, còn anh với Baiukốp thì bây giờ thậm chí không thể bảo vệ cả hai lỗ châu mai cùng một lúc.
Anh rời khỏi khẩu súng máy, chạy tới lỗ châu mai thứ hai. Khói trên nhà máy gạch đã tan đi từ lâu và đằng ấy tất cả đều im lặng; chắc là mọi người đều đã chết, nếu không thì tại sao như thế? Anh chạy trở về và lại nhòm vào lỗ châu mai có bắc súng máy.
- Cậu trông kìa, trông kìa! - anh khoái trá reo lên, mặc dầu Baiukốp đang ở bên cạnh và không việc gì mà phải reo to lên như vậy.
Những cột lửa lẫn khói đen đặc đang phụt lên với tiếng ầm ầm khủng khiếp ở đằng kia, đằng sau, ở rìa phía đông của khu lòng chảo và ở xa hơn nữa, cạnh hàng rào của trạm máy nông nghiệp, nơi mà bọn Đức đã tràn vào và ở bên phải trên điểm cao gần kề đó, nơi mà hai trung đội đã hy sinh. Hình như chính mặt đất đang tự nổ tung dưới chân quân Đức. Có những bóng người lồng lộn giữa những quả đạn nổ tung, ngã xuống tuyết rồi lại chạy... Trong lúc đó, đạn vẫn tiếp tục nổ tung, thành một dải rộng mỗi lúc một lan ra những khu vực khác.
Baiukốp biết rằng đó là cái gì; Xintxốp không biết nhưng đã đoán ra.
- “Kachiusa” đấy, - anh nói trước tiên. - “Kachiusa”...
- Ừ. Tôi đã trông thấy chúng ở trận Ennha, - Baiukốp nói.
Cả hai người, một lành lặn một bị thương, đều ngây người ra nhìn cảnh tượng khủng khiếp đó, cái cảnh tượng trận pháo kích đã lập tức gây rối loạn trong hàng ngũ quân Đức mà từ nãy đến giờ vẫn triển khai tiến công một cách tốt đẹp. Bộ binh của chúng dẫm chân tại chỗ, bắt đầu tháo chạy trở lại và trong lúc đó không phải là đạn pháo hỏa tiễn “Kachiusa” nữa mà là đạn đại bác thông thường bắt đầu nổ tung trên khắp một vùng đất rộng vừa bị quân Đức chiếm, làm phụt lên trời những luồng khói đen.
Xe tăng Đức liền quay trở lại, tiến đến điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ đã biến mất và bắt đầu đứng tại chỗ đó mà bắn. Nhưng bảy chiếc xe tăng của quân ta đã từ khu rừng nhỏ bên phải hàng rào trạm máy nông nghiệp bò ra cửa rừng và bắt đầu phát huy hỏa lực vào xe tăng Đức. Kia một chiếc xe tăng Đức bốc cháy. Lại thêm chiếc nữa... Kìa một chiếc của ta bốc cháy, lại thêm chiếc nữa... Xintxốp vừa nắm chặt bàn tay đến phát đau, vừa quan sát cuộc quyết đấu ấy, còn pháo binh ta thì vẫn giã mãi, giã cả vào khắp cánh đồng trước trạm máy nông nghiệp, cả vào khu lòng chảo, cả vào điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ và còn xa hơn nữa, đằng sau điểm cao... Những quả đạn pháo nổ mãi và quân Đức đang rút lui, bây giờ điều đó đã rõ rồi.
Sau đó, Xintxốp chợt trông thấy một toán quân Đức đã rút khỏi trạm máy nông nghiệp, khoảng sáu chục tên, kéo theo một khẩu đại liên, không mò vào khu lòng chảo bị đạn quét mà rẽ sang trái và dàn thành tuyến rộng, bắt đầu trèo lên dốc của điểm cao nơi anh bố trí. Anh quạt vào chúng một băng, thêm băng nữa; chúng nằm rạp xuống, vùng chạy sang trái, rồí lại sang trái nữa và cuối cùng đã ở ngoài tầm mắt của anh.
Baiukốp mấy lần giúp anh đâm băng bằng những động tác không chính xác. Xintxốp thôi không bắn nữa, bây giờ phải nhanh chóng lôi khẩu súng máy tới lỗ châu mai kia.
- Kôlia, phải kéo súng máy… - anh bắt đầu nói và trông thấy cái đầu của Baiukốp đã rũ rượi gục xuống gạch.
Tay Baiukốp vẫn còn đặt trên băng đạn, nhưng bản thân anh ta thì đã ngất di.
Xintxốp gạt anh ta sang bên và cầm lấy khẩu súng máy và hồi hộp nghĩ rằng không có số hai thì một mình anh bây giờ sẽ phát huy hỏa lực liên tục làm sao được đây. Ngay trong giây phút đó, khi anh toan rống lên vì bất lực, Malinin từ trong lỗ ống dẫn khói bò ra với bộ mặt lấm láp, sây sát đầy máu và khẩu súng trường trong tay.
- Cậu bắn đã lâu chưa? - Malinin hỏi.
- Hơn một giờ.
- Hơn một giờ, sao lại thế nhỉ? - Malinin hỏi lại.
Ông cứ tưởng chừng như mình chỉ ngất đi trong một giây, nhưng ông đã nằm bất tỉnh trong nửa giờ; ông tưởng chừng như mình chỉ đào bới Xirôta và Mikhnexốp mất mấy phút, nhưng ông đã đào bới họ ngót một giờ. Rồi khi ông nghe những loạt đạn của Xintxốp thì đó tuyệt nhiên không phải là những loạt đạn đầu tiên mà là những loạt đạn cuối cùng do Xintxốp vừa mới quạt vào bọn Đức đang bò lên cao điểm.
Xintxốp nhìn vào mặt Malinin: không còn bụng dạ nào để giải thích là anh đã bắn trong bao nhiêu lâu và bắn như thế nào.
- Vào kéo súng máy đi! - chẳng giải thích gì, anh chỉ nói với Malinin, tựa hồ như trong giây phút đó không phải ông mà anh là cấp trên. - Lại đằng lỗ châu mai kia! Bọn Đức đang bò lên phía ấy!
Họ kéo khẩu súng máy đi. Malinin không nói một lời nào, nằm xuống làm số hai và một phút sau số quân Đức đang vội vã nhoài lên núi đã xuất hiện trong tầm mắt của họ.
- Bắn đi! - Malinin khẽ nói.
Nhưng Xintxốp đã quen với công việc của mình nên dơ tay ra hiệu: hãy gượm đã! Bọn Đức tiến hấp tấp, không ẩn nấp và hy vọng (anh cảm thấy thế) là sẽ đánh vòng từ sau lưng và từ phía này sẽ không sợ bị súng máy quét nữa. Tuy nhiên, bọn xạ thủ súng máy của chúng vẫn chiếm lĩnh vị trí ở đằng sau để phòng xa và sẵn sàng dùng lưới lửa yểm hộ bọn tấn công, nếu phía trên có cái gì động đậy.
- Chúng đã đặt súng máy yểm hộ, - Malinin nói khẽ.
Xintxốp lặng lẽ gặt đầu; anh đã nhận thấy điều đó.
Bọn Đức trèo lên dốc, mỗi lúc một lọt sâu vào khu vực hỏa lực có hiệu quả, hỏa lực tiêu diệt và đồng thời cứ thêm mỗi bước chúng lại đến gần đường ranh giới thiêng liêng đối với chúng, sau ranh giới đó là bắt đầu cái khoảng tử giác mà Xintxốp và khẩu súng máy của anh không thể đụng chạm tới được. Phía sau, đằng sau lưng chúng, pháo binh gầm rống.
- Pháo ta à? - Malinin hỏi, chỉ động đậy đôi môi.
Xintxốp gật đầu, mặc dầu bây giờ, trong giây phút đó, anh không trông thấy cái gì ngoài bọn Đức đang leo lên đồi, và mảnh ruộng phủ tuyết đằng sau chúng nó. Bọn Đức chỉ còn vẻn vẹn hai chục bước là đến vùng tử giác thì Xintxốp bóp cò và nắm lấy báng khẩu súng máy mà quay đảo mũi súng từ phải sang trái với động tác dứt khoát, theo một xạ giới rộng rồi lại quay sang phải, vẽ thành một chiếc quạt bằng chì gieo rắc cái chết vào những kẻ chưa ngã xuống. Đó là trường họp ít có trong chiến tranh, khi một băng đạn bất ngờ và lạnh lùng bắn vỗ mặt cách chưa đầy trăm thước, chém ngang cả một tuyến bộ binh như lưỡi liềm cắt cỏ.
Tuyến quân ngã gục, vài tên vùng dậy, vội vàng cố chạy tới vùng tử giác. Một băng!... Thêm băng nữa! Tên đầu tiên trong bọn Đức đang chạy lên hầu như đã chạy tới tử giác. Để lia gục luôn cả tên này, Xintxốp phải chúc đứng mũi súng máy xuống đến hết mức. Khẩu súng máy của quân Đức bắn chan chát vào lỗ châu mai nhưng lỗ châu mai bên này hẹp lắm, và đạn chỉ làm nát gạch ở xung quanh lỗ nảy mà thôi.
- Bây giờ chúng sẽ đến nữa, - Xintxốp nói.
Quả thực một hàng quân Đức nữa đã từ sau khẩu súng máy đứng dậy và tiến lên. Xintxốp không bắn chúng mà tập trung chú ý vào khẩu súng máy của chúng. Một loạt đạn Đức bắn trả làm cho những mẩu gạch vụn bắn thẳng vào mặt anh, vào con mắt bên trái đang nheo lại và vì đau nên anh càng nheo mắt nhiều hơn, tuy vậy vẫn lia một băng cuối cùng vào khẩu súng máy bọn Đức, trúng cả hai tên Đức đang nằm sau súng. Một tên đổ nghiêng sang bên sườn, tên kia nhảy vọt dậy và ngã lộn ngửa ra, lăn xuống dốc. Nghe đằng sau mình im lặng, hàng quân không giữ nổi bình tĩnh liền dừng lại và chạy trở xuống.
Thậm chí Xintxốp đâm luống cuống trước sự bất ngờ.
Anh cứ tưởng là bọn Đức sẽ tiến về phía anh hết hàng này đến hàng khác như thế cho tới khi anh cùng Malinin chết gục sau khẩu súng máy, thế mà bỗng nhiên quân Đức quay đầu bỏ chạy, cho nên anh đâm ra bắn vuốt đuôi, đạn trượt qua phía trên đầu chúng. Anh bèn sửa lại thước ngắm nhưng bây giờ đã muộn quá mất rồi. Anh buông báng súng máy ra và quay bộ mặt đẫm mồ hôi về phía Malinin.
- Đồng chí Malinin, đồng chí xem hộ con mắt cho tôi một tí... Mắt tôi làm sao thế?
- Nhưng cậu phải mở mắt ra chứ, sao cứ nheo lại thế?
- Tôi không mở được, đau lắm...
Malinin ghé mặt mình vào sát mặt anh và nói rằng không có gì đặc biệt, đó chẳng qua chỉ là một vết sây sát ở dưới lông mày.
Xintxốp mở mắt ra, dùng hai ngón tay phanh mi mắt. Mắt đau nhưng vẫn thấy được.
- Hình như mình đánh lui chúng rồi, - Malinin nói.
Xintxốp không trả lời gì cả, anh cũng cảm thấy là đã đánh lui chúng rồi.
Sau này ra sao chưa biết, còn lúc này thì bọn chúng đã bị quật lui. Tình hình thất bại chung rõ ràng là đã làm bọn Đức mất tinh thần, cho nên chúng đã bỏ dở công việc.
- Thế số hai của cậu chết rồi à? - Malinin hỏi - Baiukốp ấy mà?
- Không. Cậu ta bị ngất.
Malinin quỳ xuống bên cạnh Baiukốp:
- Bị thương vào đâu?
- Vào vùng thắt lưng.
Malinin vén áo capốt và áo bông, kéo áo quân phục mùa nóng của Baiukốp lên như Xỉntxốp ban nãy rồi cắn môi nhìn một hồi lâu vào lớp băng đã bị máu thấm ướt thành một vết sẫm ở chỗ buộc chéo.
- Rõ ràng là gay đấy. Cậu còn gói bông băng cá nhân nào không?
Không rời khẩu súng máy, Xintxốp móc trong túi áo capốt ra một gói bông băng cá nhân và ném cho Malinin. Ông giật sợi chỉ, dùng răng xé gói băng và cẩn thận nâng cái thân hình vô tri vô giác của Baiukốp lên rồi bắt đầu băng thêm cho anh lượt nữa ngoải lớp băng cũ.
Malinin băng bó cho Baiukốp, anh này thì rên khe khẽ tuy vẫn không tỉnh.
- Đang rên, - Malinin nói. - Có lẽ vẫn còn sống được... Này, quân Đức ngoài kia thế nào?
- Tôi không trông thấy.
- Theo mình thì quân ta đang đuổi chúng.
- Bác hãy nhòm qua lỗ châu mai đằng kia.
Malinin nhòm qua lỗ châu mai và đâm bổ tới khẩu súng máy.
- Nào, nào! - ông ta quát lên the thé.
Họ kéo khẩu súng máy tới lỗ châu mai lớn, nhưng trong khi họ lấy thước ngắm thì toán quân Đức rút lui qua khu lòng chảo đã chuồn khỏi vùng hiệu lực của lưới lửa. Trận chiến đấu đã lắng lại, quân Đức bị đánh bật đi ở khắp nơi, trừ chỗ điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ mà chúng đã chiếm ngay từ đầu. Bây giờ pháo binh ta đang giã vào điểm cao này nhưng quân Đức đã kéo được súng cối tới đấy và bắn trả lại dữ dội.
Qua hai giờ đó, Xintxốp đã quen với ý nghĩ là tất cả quân ta bố trí trên điểm cao đều đã bị tiêu diệt và hiện nay quân Đức đang ở đó. Nhưng bây giờ Malinin mới hiểu điều ấy. Ngay sáng nay, đại đội của ông vẫn còn tất cả là bốn mươi hai người. Phần lớn những người này bây giờ đã chết ở đằng kia, trên điểm cao đã bị quân Đức chiếm và ở đây, trong đống đổ nát tan hoang cửa nhà máy gạch.
- Đại đội đi đứt rồi. - Ông lắc đầu và nói thêm, có ý khinh bỉ, không đúng đối với chính mình: - Mình đã nướng mất đại đội, thế mà chính mình thì vẫn sống!...
- Mà bác làm sao thế, Alếcxây Đênixứts! - Xintxốp nói.
- Im di, đừng nói nữa! Mình cũng tự biết... - Bị chấn dộng đến tận đáy sâu tâm hồn, Malinin điên tiết lắc đầu lia lịa. - Cậu hãy nhòm qua lỗ châu mai kia xem. Quân Đức có tiến không?
Xintxốp cảm thấy hai chân anh xiêu vẹo đi vì mệt mỏi.
- Không, không tiến nữa, - anh đáp và ngồi xuống bên tường.
Ngay lúc ấy cả hai người, cả Xintxốp và Malinin đồng thời đều nghe có tiếng sột soạt. Malinin túm lấy quả lựu đạn đeo trên thắt lưng, nhưng lại buông tay xuống ngay.
Cái đầu và hai vai của trung sĩ Xirôta thò ra từ cái lỗ ngách ở phía dưới. Anh trung đội trưởng hồi tỉnh và bò đến đây là nơi có tiếng súng nổ, vừa bò vừa lôi theo khẩu súng trường, không biết anh ta lấy đâu ra sức lực mà bò, bởi vì sau khi được Malinin giúp cho chui ra khỏi lỗ ngách, không những anh không thể đứng được mà còn không thể ngồi được nữa kia: đành phải để anh dựa vào tường như cái bao tải. Nửa mặt dưới của anh quấn băng, có màu đỏ bầm, còn trán và hai quầng dưới mắt thì không còn một hạt máu nào, trắng nhợt như tờ giấy. Anh ngồi yên không quay đầu mà chỉ liếc mắt hết nhìn Malinin lại nhìn sang Xintxốp và cố sức để nói điều gì. Chắc hẳn anh ta cứ tưởng chừng như mình đang nói, nhưng từ dưới lớp băng chỉ bật ra những tiếng ăng ẳng không thể phân biệt nổi.
- Hiểu rồi, đồng chí trung đội trưởng, hiểu rồi, - Malinin vừa nói vừa dừng lại bên cạnh anh ta và gật đầu để an ủi. - Mình hiểu ý cậu. Mọi việc đều thuận lợi cả, quân Đức đã bị đánh lui. Chắc rằng quân ta sắp kéo đến, chúng ta sẽ được tăng viện...
Tuy vậy, Xirôta vẫn cứ cố sức để nói điều gì và một lần nữa người nghe vẫn không thể hiểu một từ nào trong những lời anh nói. Cuối cùng, Malinin không thể nén nổi nữa và chấm dứt cái cực hình đó cho cả hai bên :
- Xirôta, thôi đừng cố nữa, dù sao thì mình cũng chẳng hiểu đâu: mồm cậu bị vỡ toác... Chỉ có âm thanh mà không có tiếng nói. Cậu sẽ nằm bệnh viện, sẽ lành, còn bây giờ thì đừng thử sức, đừng tự làm khổ mình...
Xirôta giương to mắt nhìn ông, tựa hồ như không tin, nhưng Malinin lại gật đầu và Xirôta liền với tay cầm lấy khẩu súng trường, cố sức đặt nó lên đầu gối mình, ngả người dựa vào tường và nhắm mắt lại.
- Phía cậu không trông thấy gì à? - Malinin hỏi Xintxốp lúc ấy đã lại đứng vào gần lỗ châu mai.
- Không thấy, - Xintxốp trả lời như một tiếng vang
- Nếu trước lúc trời tối quân ta không đến thì mình sẽ ở lại đây với họ. - Malinin hất hàm chỉ hai người bị thương và nói, - còn cậu thì sẽ đi bắt liên lạc. Không thể bỏ trận địa này được. Chúng ta sẽ còn có thể từ đây đánh bật bọn kia đi nếu ta không phải là đồ ngốc, - ông nhòm qua lỗ châu mai sang điểm cao bên cạnh và nói. - Không hiểu Iônốp ra sao nhỉ? - sau chốc lát im lặng, ông chợt nhớ tới đại đội trưởng. - Cậu ta không thể là hạng người có thể bỏ đại đội mình mà chạy... Sao im lặng thế, Xintxốp? - sau mấy phút im lặng, ông hỏi.
- Tôi đang nghĩ.
- Cậu nghĩ gì thế? Nếu không phải là bí mật...
- Nghĩ tới một điều không có ở đây…
- Nói rõ hơn nào?
- Nghĩ tới nhà tôi.
- Hừ, ở đây không cho phép ai có vợ cả, - Malinin cau có nói đùa. - Cho nên nghĩ tới vợ là vô ích. Còn nếu viết thư cho vợ sau một ngày như hôm nay thì lại rất nên! Viết rằng cậu còn sống, lành lặn nhờ lời cầu nguyện của một nữ đoàn viên như cô ta.
Xintxốp lặng thinh, không trả lời gì cả.
Mãi một giờ sau, khi trời đã sắp nhá nhem, quân ta mới đến. Thoạt tiên có ba người quân báo đến trước. Họ được thông báo rằng căn cứ theo trận đánh thì quân ta đã trụ giữ trên điểm cao nhưng không rõ tình hình ra sao, tất cả mọi việc đều có thể xảy ra. Họ bò vòng quanh ống khói từ các phía khác nhau và bò cẩn thận đến nỗi mãi tới giây phút cuối cùng Xintxốp mới trông thấy một trong ba người đó.
- Quân ta đây, đừng nấp nữa! - anh khoan khoái reo lên và giọng anh nghe thật vui, làm cho người quân báo tin ngay, cho nên đã đứng thẳng dậy.
Sau anh em quân báo lại có một trung đội tiến lên điểm cao, rồi khi trời đã tối mịt, thượng úy tiểu đoàn trưởng Riáptrencô xuất hiện cùng với các chiến sĩ thông tin chuyên trách mắc dây điện thoại. Anh đã nhận được nhiệm vụ đánh bật quân Đức ra khỏi điểm cao bên cạnh, trước lúc trời sáng: dù sao chăng nữa, bây giờ ngọn đồi này vẫn được gọi là điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ. Trước khi bước vào trận chiến đấu ban đêm, Riáptrencô đã chuyển sở chỉ huy của mình tới đây, tới nhà máy gạch, bởi vì nơi này là tuyến xuất kích thuận tiện nhất cho cuộc tấn công ban đêm.
Malinin báo cáo tình hình diễn biến của trận đánh tại nhà máy và nói rằng các xạ thủ súng máy Xintxốp và Baiukốp trong trận đánh không ngang sức đó đã chiến đấu thật xứng đáng. Malinin không hé miệng nói thêm điều gì nữa, nhưng chính tiểu đoàn trưởng cũng tự hiểu là các xạ thủ súng máy đã chiến đấu thật xứng đáng.
Từ trên chỉ huy sở của mình, anh đã trông thấy cánh quân Đức ngã gục xuống khi tiến qua khu lòng chảo, và chiếc xe tăng Đức đã toan chạy lên điểm cao, rồi sau đó trên đường rút lui, bọn bộ binh Đức định trèo lên mà không được, vả lại, sự tổn thất của quân Đức cũng đã tự nói lên điều đó, cả ở trên trung đoàn cũng như trên sư đoàn đều coi trận tấn công hôm nay của chúng là có ý đồ lần mò chỗ yếu núng của ta, và trong trường họp thành công thì sẽ chọc thủng phòng tuyến. Nhưng chúng đã không thành công, cho nên cũng không chọc thủng được.
Malinin hỏi về tình hình đại đội trưởng Iônốp. Hóa ra Iônốp đã bị thương ngay trong những phút đầu của trận đánh, đã được khiêng ra và đưa tới đội điều trị. Riáptrencô giải thích rằng sở dĩ quân Đức đã nhanh chóng chiếm được điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ một phần là nhờ có hỏa lực mạnh, còn phần nữa là do lúc chúng bắt đầu tấn công ở đó không có cả đại đội trưởng lẫn chính trị viên. Mặc dầu nếu khiển trách Malinin về điều đó thì thật là lạ lùng, vì ông ta đã có mặt ở đây trong thời gian diễn ra trận tấn công, vả lại tiểu đoàn trưởng cũng không hề có ý trách móc ông, nhưng Malinin dù sao vẫn cứ xem ý kiến nhận xét đó là lời khiển trách đối với mình, cho nên xin phép Riáptrencô tham gia trận phản công chiếm lại “điểm cao cũ của chúng tôi”. Ông diễn đạt ý mình như vậy là muốn nhấn mạnh trách nhiệm của mình về việc đã để mất điểm cao ấy. Tiểu đoàn trưởng nhìn bộ mặt ông đầy những vết sây sát sưng húp và lấy làm ngạc nhiên, sự ngạc nhiên của một người trẻ, rằng cái ông này cái ông đáng tuổi bố anh đó, lấy đâu ra sức lực nhỉ.
- Ít ra thì trước hết đồng chí nên băng bó lại đã, - anh góp ý nhưng không bác bỏ lời đề nghị.
Malinin sang chỗ người cứu thương. Người này thoạt tiên băng bó bộ mặt sây sát cho ông khá lâu, sau đó băng bó hai bàn tay bị gạch cứa rách toạc ra. Trong lúc người cứu thương làm những việc này, Malinin vẫn cứ suy nghĩ về đại đội của mình đã hy sinh: nó sẽ được thành lập lại hay cấp trên sẽ không làm như vậy và sẽ thuyên chuyển ông tới một đơn vị nào hôm nay đã mất cán bộ chính trị ?
Malinin đang được băng bó, còn tiểu đoàn trưởng thì gọi Xintxốp đến và đặt ra cho anh mấy câu hỏi. Riáptrencô hỏi: ngay từ đầu quân Đức có định tiến lên điểm cao không? Xintxốp trả lời rằng không, anh cùng Baiukốp chỉ bắn tạt sườn vào khu lòng chảo. Sau đó, tiểu đoàn trưởng hỏi tại sao chiếc xe tăng quay trở lại mà không chạy đến tận ống khói. Xintxốp trả lời rằng chiếc xích xe bị trượt, rồi nhắc đến tên Đức đã chui ra khỏi chòi súng xe tăng và bị bắn chết.
- Chắc là một tên sĩ quan, - tiểu đoàn trưởng gật đầu, - sau khi cậu đã lia nó thì chúng không dám thò ra nữa!
Rồi trung đoàn trưởng và sư đoàn trưởng gọi điện thoại cho tiểu đoàn trưởng và anh ta bắt đầu báo cáo trước tiên với trung đoàn trưởng, sau đó với sư đoàn trưởng về trận đánh bảo vệ điểm cao có nhà máy gạch. Anh nói một cách mạch lạc và lưu loát, mạch lạc hơn nhiều so với lời Malinin và Xintxốp đã kể lại cho anh ta nghe tất cả những việc đó. Chính trị viên Malinin, các xạ thủ súng mảy Xintxốp và Baiukốp đã tổ chức một trận chiến đấu, đánh lui được cuộc tấn công của bộ binh phối hợp với xe tăng Đức và trụ giữ được điểm cao cho tới lúc quân ta đến tăng viện. Xintxốp và Baiukốp không phải chỉ bắn vào quân Đức mà đã mở một trận đánh, không phải chỉ chiến đấu mà đã trụ giữ được điểm cao.
Xintxốp mệt mỏi ghé ngồi xuống gạch, anh lấy làm lạ khi nghe nói rằng mình đã mở một trận chiến đấu và trụ giữ được điểm cao, tựa hồ như đó không phải là anh mà là một người nào khác.
Cả hai người bị thương, cả Baiukốp và Xirôta, đều đã được đưa về hậu phương; chỉ còn lại những người chết. Người ta đã đào huyệt cho họ ngay ở đây, ở sau bức tường của nhà máy gạch, trong lớp đất chưa kịp đóng băng hẳn, nhưng quyết định là khi trời rạng sáng mới chôn, bởi vì trong đêm tối không thể thu nhặt tất cả những gì còn lại của những người đã chết, sau đợt pháo địch dội thẳng vào đây.
Xintxốp ngồi suy nghĩ xem bây giờ ai sẽ làm số hai cho khẩu súng máy của anh, và Baiukốp có quay về đơn vị nữa hay không, nếu cậu ấy lành vết thương. Sau đó, hình như anh ngủ gật mất một phút, bởi vì thậm chí anh đã giật nẩy mình khi bỗng nhiên nghe tiếng Malinin nói sát bên tai.
- Ta đi nào. Sư đoàn gọi điện thoại. Mình với cậu được gọi lên gặp chính ủy sư đoàn...
Malinin không bằng lòng, bởi vì ông muốn tham gia vào trận tấn công ban đêm để chiếm lại điểm cao có ba ngôi nhà nhỏ, nhưng không để lộ tâm tư mình ra: mệnh lệnh là mệnh lệnh.
Trên nền đen của đống đổ nát hoang tàn nổi bật lên ba vết trắng: bộ mặt quấn băng và hai cánh tay trắng mập mạp của Malinin.
- Báo cáo chính trị viên, đồng chí hiện ra như một bóng ma, - Xintxốp nói.
- Mình được quấn tã lót như trẻ con! - Malinin bực tức đáp. - Đi thôi, chả có việc gì mà ngồi đây!
- Nhưng họ gọi chúng ta lên làm gì nhỉ? - Xintxốp hỏi và theo Malinin bước xuống dốc.
- Đến đó sẽ biết. Chúng ta sẽ đi bộ tới trung đoàn bộ, còn từ đó đến sư đoàn thì nghe nói có xe tải chở đi. Như vậy có nghĩa là người ta cần chúng ta...
- Tôi biết là gọi lên làm gì rồi, - Xintxốp nói sau hồi lâu im lặng, khi họ đã xuống được hết dốc và tới khu đồng ruộng bằng phẳng ở trước dãy nhà của trạm máy nông nghiệp và bắt đầu vượt qua cánh đồng trên lớp tuyết không sâu lắm.
- Để làm gì? - Malinin hỏi.
- Về việc cái đơn của tôi đây. - Xintxốp nói.
Khi Malinin nói rằng họ được gọi lên cấp trên thì anh đã nghĩ ngay tới việc này. Tình trạng mệt mỏi về thể xác và tinh thần phấn khởi của anh sau trận chiến đấu đều đã nhường chỗ cho tâm trạng hồi hộp chờ đợi.
- Hừ, - Malinin nói, - đừng tưởng bở! Sao lại lôi thẳng đi một cách khẩn cấp như vậy ngay khi đang chiến đấu!
- Lôi đi khi đang đánh nhau thì sao! - Xintxốp nói. - Người ta đã xem lá đơn và chuyển cho những người có trách nhiệm. Sao lại thế nhỉ, một kẻ như vậy mà bỗng nhiên lại ở ngoài hỏa tuyến! Phải đưa ngay hắn về hậu phương để thẩm tra.
Anh không tin chắc vào điều đó, nhưng sẵn sàng chờ đón những chuyện không hay.
- Còn gọi mình thì để làm gì? - Malinin hỏi.
- Thì tôi đã hoàn toàn dựa vào đồng chí để làm chứng mà lại!
- Chuyện nhảm! - Malinin quả quyết nói.
Ông ta biết rằng quả thực đó là chuyện nhảm, chỉ vì một lẽ giản đơn: ông vẫn chưa gặp dịp thuận tiện để đích thân chuyển lá đơn của Xintxốp cho phòng chính trị sư đoàn, và đã hơn một tuần nay hết ngày này sang ngày khác, ông vẫn đang chờ dịp đó và vẫn mang theo bức thư trong túi áo capốt. Nhưng trong lúc này, ông không muốn nói điều đó với Xintxốp: được gọi lên sư đoàn là ông được tạo ra cơ hội không những để chuyển lá đơn mà còn để nói chuyện với chính ủy trong một hoàn cảnh thuận lợi nhất cho Xintxốp, tức là sau trận chiến đấu hôm nay.
- Chuyện nhảm, - Malinin nhắc lại và vừa đi vừa quay về phía Xintxốp. - Mình thì nghĩ ngược lại: cậu được gọi lên để thưởng huy chương về thành tích trong trận chiến đấu này.
Xintxốp im lặng. Anh không tin như vậy.
Thực ra thì tuy Malinin gần với sự thật hơn Xintxốp, nhưng trong hai phỏng đoán ấy không có cái nào là đúng cả. Họ được khẩn cấp triệu tập từ hỏa tuyến lên vì một lý do khác hẳn.
Hôm nay, một nhà văn từ tòa soạn của một tờ báo ở Maxcơva đã lên đây và ngồi ở sư đoàn bộ trong thời gian diễn ra trận đánh. Ông là một người nổi tiếng và không trẻ trung gì nữa. Ngay khi cho ông tới sư đoàn, người ta đã cau mày: mong cho đừng chết để sau này chúng tôi khỏi phải chịu trách nhiệm. Nhưng bây giờ, buổi chiều, khi được sư đoàn trưởng cho biết rằng ở phía trước, dưới tiểu đoàn có một chính trị viên và một xạ thủ súng máy đã từng đánh bật mấy đợt tấn công của quân Đức và đã hạ năm mươi tên Đức, ông bèn kiên quyết đòi thân hành xuống tiểu đoàn trò chuyện với anh em. Người ta cũng kiên quyết khước từ lời để nghị ấy của ông và khước từ một cách không thật là triệt để, tuy nhiên trong lúc nóng vội, ông không nhận thấy điều đó. Họ nói rằng bây giờ ông không thể xuống tiểu đoàn được, nhưng có thể gọi lên đây những người mà ông định hỏi chuyện. Ông toan phản đối: làm đặc biệt như vậy để làm gì chứ? Nhưng người ta lại giải thích cho ông theo kiểu mà họ thường giải thích trong những trường hợp tương tự, đằng nào cũng phải gọi anh em lên, nếu không gọi bây giờ thì sau cũng gọi, và đối với anh em, điều đó chả có gì khác nhau hết!
Để chấm dứt cuộc tranh cãi ấy, chính ủy liền vớ lấy ống nghe của máy điện thoại: tuy ông cũng không định cho nhà văn xuống tiểu đoàn, nhưng lại rất muốn cho ông này viết về người của sư đoàn mình.
Và thế là Malinin cùng Xintxốp, mệt mỏi sau trận đánh, đang lội trong tuyết từ điểm cao có nhà máy gạch tới khu nhà của trạm máy nông nghiệp. Tuyết lất phất rơi những đợt cuối cùng, qua lúc này cũng đã tạnh. Trăng đã mọc trên bầu trời. Tuyết ngả màu bàng bạc, lóng lánh và cảnh vật hình như trở nên vui mắt hơn.
- Thời tiết tốt nhỉ! - Xintxốp nói.
- Ô kìa, một thằng Đức đang nằm. - Malinin hất hàm trỏ cái xác chết với hai tay dang rộng đang in thành một vết màu thẫm bên cạnh con đường mòn.
Khi đi ngang tên Đức chết, họ dừng lại trong giây lát, liếc nhìn nó rồi lại đi tiếp.
- Còn cậu thì quả là một tay cừ đấy, - bỗng Matinin nói mà không mào đầu gì hết,
Họ lặng lẽ đi thêm khoảng ba chục bước nữa.
- Giá cậu lại vào Đảng lần nữa thì tớ sẽ vẫn giới thiệu cậu ngay không cần suy nghĩ. - đột nhiên Malinin lại nói rồi lại lặng thinh.
- Cám ơn.
Họ lại im lặng đi được chừng năm chục bước.
- Chúng ta sắp đến nơi. - Xintxốp nói.
Vừa nói xong thì một quả đạn súng cối rơi xuống đằng sau, rồi quả nữa...
Xintxốp và Malinin nằm xuống bên nhau trên lớp tuyết trắng lóng lánh, trên đó chắc hẳn tấm áo capốt của họ đã nổi rõ lên, khiến cho người ta có thể trông thấy ở xa hàng cây số. Trong lúc đó, đạn súng cối vẫn tiếp tục nổ theo ô vuông bàn cờ, rải ra trên khắp cánh đồng phủ tuyết, không dầy mà cũng không thưa. Những phát đạn đó dựng lên những cột khói đen, hình nón và gieo rắc cái mùi khét lẹt ra xung quanh.
- Không phải nhằm bắn chúng mình, - Malinin nót, - chúng bắn quấy rối vào khoảng trống.
- Ư hử. - Xintxốp nói qua kẽ răng.
Nhắm bắn họ hay không nhắm bắn họ, thế mà họ đã nằm được năm rồi mười phút, còn đạn súng cối thì cứ hết phát nay sang phát khác rơi xuống cánh đồng, lúc bên phải, lúc bên trái, lúc đằng trước, lúc đằng sau và cái cảm giác sợ nguy hiểm không những không dịu đi mà trái lại còn tăng lên trong lòng những người vừa mới trải qua một trận chiến đấu ác liệt. Nỗi sợ hãi đó đã chiếm mất tâm trí của cả Malinin lẫn Xintxốp. Cả hai đều nằm im, họ cũng chả buồn nói năng hoặc nghĩ ngợi, hoặc động viên nhau mà chỉ muốn mỗi một điều là mau chóng kết thúc để cho họ khỏi chết và có thể đi tiếp.
Đợt pháo kích chấm dứt cũng đột ngột như lúc bắt đầu. Cánh đồng trắng xóa vừa mới được cơn mưa tuyết buổi chiều kịp xóa bớt cho những dấu vết của trận chiến đấu ban ngày, giờ đây lạỉ bị những vết đạn pháo nổ làm nham nhở. Cánh đồng ấy lại có vẻ chiến tranh và nồng nặc mùi chiến tranh.
Malinin và Xintxốp đứng dậy tiếp tục đi. Họ chưa đến số phải chết trên cánh đồng ban đêm tuyết phủ này. Nhà văn đang đợi họ ở chỗ chính ủy sư đoàn với cuốn sổ tay, chiếc bút máy và những câu hỏi căn vặn nửa như bất lực, nửa như ân hận của một người dân sự. Lá đơn của Xintxốp đang nằm trong túi áo capốt của Malinin, còn tờ giấy đề nghị khen thưởng Xintxốp về thành tích chiến đấu hôm nay thì đang được soạn thảo trên ban tham mưu trung đoàn, nhưng cả cái này lẫn cái kia đều còn phải hợp nhất lại với nhau về sau
Chiến tranh cứ diễn biến tuần tự. Lại kết thúc một ngày chiến tranh nữa. Điều chủ yếu trong ngày đó không phải là lá đơn đang nằm trong áo capốt của Malinin và cũng không phải là tờ giấy đề nghị khen thưởng đang được thảo ra trong ban tham mưu trung đoàn, cũng như không phải là những điều ghi chép vội vàng trong cuốn sổ tay của nhà văn, mà là một sự việc đơn giản nhưng trọng đại: một lần nữa, lại thêm một khu vực mặt trận nữa ở gần Maxcơva, suốt cả ngày tới khi trời tối, quân Đức chỉ làm được một phần tư những việc chúng định làm từ sáng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét