Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 18

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười Tám

Klimôvíts ngồi trong phòng mổ đợi người ta chuẩn bị thạch cao. Một ngày đêm trước đó, anh bị trúng đạn ở phía trên cổ tay, theo anh thì vết thương này cũng chả mùi mẽ gì, nhưng qua một đêm, cánh tay đau tấy lên, nên anh ghé vào đội điều trị của sư đoàn bộ binh láng giềng. Hóa ra vết thương lại nặng hơn là anh tưởng: xương bị nứt rạn và tuy chưa đến nỗi phải rời khỏi đơn vị chiến đấu vì vết thương đó, nhưng anh đành chịu để cho người ta bó bột. Mặc tấm áo quân phục với ống tay xắn lên tận bả vai, anh ngồi nhìn ra đường phố qua ô cửa sổ vỡ, cảm thấy cánh tay để trần đã nổi gai ốc vì lạnh. Từ đây, có thể trông thấy ngôi nhà đối diện với những khung cửa sổ cũng bị vỡ và thấy phần trên của chiếc xe ca màu đen của cơ quan tham mưu Đức đang dừng trước lối vào đội điều trị.
Cuộc phản công của quân ta ở vùng phụ cận Maxcơva đã diễn ra được hai hôm trên toàn tuyến mặt trận; đội điều trị đóng trong ngôi nhà bệnh viện của một thị trấn nhỏ vừa mới được giải phóng mờ sáng hôm nay.
“Ấy thế mà họ bám theo nhanh đáo để!”, - Klimôvíts nghĩ thầm về đội điều trị này với ý khen ngợi.
Trái lại, đội điều trị của lữ đoàn anh thì đã bị mắc nghẽn lại ở đâu trong tuyết đêm qua, nên anh em đành phải sang băng bó nhờ ở đơn vị bạn.
Thị trấn này thật là nhỏ bé, trong thời bình, nếu nghe nói đến tên nỏ chắc hẳn người ta phải hỏi đi hỏi lại và cố nhớ ra xem nó ở đâu, ở gần Maxcơva hay đâu như ở ven sông Vônga thì phải... Nhưng giờ đây, vào đầu tháng chạp năm bốn mươi mốt, tên nó đã lừng vang như một khúc nhạc. Một thành phố được giành lại từ tay quân Đức! Điều này đang còn là quá mới mẻ với mọi người.
Hai trung đoàn của sư đoàn bộ binh thứ 31 đã chiếm được thị trấn nhỏ ấy sau một trận đánh đêm ngắn gọn. Sở dĩ họ lập được thành tích như vậy chủ yếu là nhờ ở các đơn vị bạn: sư đoàn Viễn Đông đã thọc sâu vào khoảng mười lăm cây số về bên trái họ và các chiến sĩ xe tăng của Klimôvíts ngay từ chiều đã cắt đứt đường rút lui của quân Đức, buộc chúng hoặc phải chiến đấu trong vòng vây hoặc phải lập tức rút chạy, quẳng lại tất cả những thứ gì không thể lập tức di chuyển ngay đi được. Trong thị trấn và ở các vùng lân cận đều đầy những xe cộ của quân Đức bỏ lại. Đây là các đơn vị hậu cần của một sư đoàn cơ giới hóa.
Klimôvíts nhắm mắt lại trong khi chờ đợi người ta chuẩn bị băng gạc. Ban đầu, anh tưởng chừng như mình sẽ cứ ngồi nguyên trên ghế đẩu và đặt bàn tay bị thương trên bàn như thế này mà ngủ thiếp đi ngay bây giờ. Điều đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: suốt một tháng ròng, trong khi lữ đoàn anh bị ném hết nơi này sang nơi khác, khi thì để lấp lỗ hổng này khi thì để lấp lỗ hổng khác, anh chỉ ngủ bằng cách tranh thủ lúc được hai, lúc được ba giờ, còn trong những ngày gần đây thì chưa lần nào được ngủ hơn một giờ liền. Phải, đã đến lúc chợp mắt, nhưng giấc ngủ chỉ chập chờn mà không thực: tâm hồn anh đã bị hút chặt vào những việc xảy ra và mặc dù anh đã được bọc bằng chiếc vỏ thép không gì xuyên thủng với những thói quen của nghề quân sự, nhưng dầu sao, sau khi cuộc tấn công bắt đầu thì hóa ra con người không chỉ khó chịu đựng nỗi đau, mà một niềm vui to lớn quá cũng khó mà chịu đựng nổi đấy! Nó cũng đòi hỏi mình phải dốc hết nghị lực và mình cũng mệt với nó nữa kia!
Cố nhiên là những anh chàng từ Viễn Đông đến, lần đầu tiên xuất trận hôm qua đã dồn luôn bọn Đức chạy một mạch mười lăm cây số, trên đường tiến của họ, họ cảm thấy ngay được một niềm sung sướng mà bất cứ quân nhân nào cũng thèm khát, nhưng dù sao họ vẫn không thể hiểu hết được những điều mà Klimôvíts cảm thấy. Chỉ những ai đã từng phải chịu đựng cái nhục rút lui và bị bao vây, chỉ những ai đã từng dốc nốt những giọt xăng cuối cùng lên chiếc xe tăng cuối cùng của mình và để lại đằng sau lưng một cột khói đen cấu xé tâm can như lời vĩnh biệt, rồi đeo khẩu tiểu liên lên cổ và hàng tuần liền đi len lỏi qua rừng, men theo những con đường mà xe tăng Đức đang gầm thét tiến về phương Đông - chỉ người đó mới hiểu thấu nỗi lòng Klimôvíts, mới hiểu hết mức độ của niềm khoái trá tàn nhẫn mà anh đã cảm thấy trong suốt một ngày rưỡi nay, kể từ cái phút tảng sáng hôm qua, khi anh chọc thủng phòng tuyến quân Đức và tiến vào nghiền nát các đơn vị hậu cần của chúng, cho đến cái phút, khi mà dọc đường đi đến tiểu đoàn quân y này, anh phóng xe như bay, khắp cái thành phố đầy rẫy những xe cộ của quân Đức bỏ lại và những giấy tờ của các cơ quan tham mưu Đức bay tơi tả trước gió.
Mờ sáng hôm qua, sau khi phòng tuyến quân Đức đã bị chọc thủng, khi kết quả của trận đánh đã được quyết định và khi cái lò lửa của nó đã bắt đầu lắng xuống thì một quả đại bác cuối cùng vẫn cứ bay tới giáng vào chòi súng trên chiếc “KV” của anh chàng Klimôvíts đã bị ù tai. Anh chui ra ngoài và thấy chiếc xe tăng của mình đã đen xì cả lại, hết thảy những gì chất lên xe trước trận đánh như: dụng cụ, dây xích và mắt xích dự trữ đều đã bay đâu mất cá. Bốn bề đều chỉ một màu sắt ám khói đen xịt. Một tên xạ thú tiểu liên Đức từ trên mái nhà đã bắn anh bị thương đúng vào lúc anh đang đứng nhìn chiếc xe tăng của mình. Nó đã bị giết chết. Klimôvíts được băng bỏ cánh tay; anh chuyển từ chiếc “KV” sang chiếc “Ba mươi tư” và tiếp tục tiến.
Buổi trưa, anh cùng với mấy chiếc xe tăng xông vào một đoàn xe pháo binh địch đang rút lui và, bằng những phát đạn chính xác đầu tiên, anh đã chặn đầu khóa đuôi được chúng lại trên đường. Thoạt tiên, bọn Đức bỏ chạy tán loạn, nhưng về sau, nói của đáng tội, chúng cũng đã định thần lại được, triển khai được mấy khẩu pháo và dưới sự yểm hộ của pháo, chúng còn định bò lại gần những chiếc tăng của ta nữa kia đây. Đành phải làm tất cả mọi việc cùng một lúc: vừa tiêu diệt nốt đoàn xe, vừa bắn đối pháo, lại vừa phải tự vệ. Ngồi trong xe tăng không thể thấy được gì, chúng có thể bò lại gần và đốt cháy xe. Klimôvíts bèn điều các chiến sĩ phụ trách chòi súng ra khỏi xe và bố trí họ dùng súng máy dàn thành một tuyền phòng ngự vòng tròn ở giữa các xe tăng. Rút cục toán Đức xung phong đã bị quét sạch, các khẩu pháo của chúng bị bắn vỡ, đoàn xe tải của chúng đã bị đốt cháy và, sau đó, tính sơ qua thì té ra đã tiêu diệt được cả một trung đoàn pháo binh địch. Từ ngày đầu chiến tranh đến nay, Klimôvíts chưa bao giờ thấy như vậy cả.
Đến đêm hôm đó, anh lại còn vớ được một đoàn xe ôtô Đức đang chiếu đèn pha bò trong bão tuyết. Bọn lái xe bỏ chạy tán loạn vào rừng, quẳng xe lại chẳng kịp tắt đèn tắt máy, còn bọn lính sư đoàn SS thì từ trên thùng xe xô nhau nhảy xuống tuyết và giơ hai tay lên trời. Hồi tháng sáu, chúng đã tưởng rằng chẳng bao giờ đến nỗi như vậy, ấy thế mà đến tháng mười hai này rút cục chúng cũng đành phải học cái động tác đó! Còn sáng hôm nay, khi anh đang đánh chiếm cái cứ điểm nút ở sâu trong tung thâm phòng tuyến Đức, chính mắt anh đã thấy bọn bộ binh Đức chui ra khỏi công sự và ba chân bốn cẳng bỏ chạy ngay trước mũi xe tăng của quân ta. Chính anh đã có mặt trong cuộc công kích này và trông thấy rõ ràng những thằng phát xít Đức đang chạy dài trước mặt, cách anh hai trăm thước cũng có, hai chục thước cũng có; anh đã xả súng máy vào lưng chúng và trông thấy cả những bộ mặt của chúng ngoảnh lại trong khi đang chạy...
Sau quãng thời gian chiến tranh, trong óc anh đã trĩu nặng một mớ ký ức kinh khủng, đến nỗi một người nào khác, nếu chưa trải qua những cảnh mà anh đã trải, chắc hẳn chỉ cần một trong những ký ức này thôi cũng đủ để nhớ đời rồi. Thực tình thì một số ký ức đó đã khiến chính anh cũng phải rùng mình; vả lại, không rùng mình sao được khi nhớ lại những lần mai táng các chiến sĩ trong đơn vị xe tăng, sau trận chiến đấu, phải moi tất cả những gì còn lại trong xe tăng ra ngoài và những cái ấy ở trong hình dạng thế nào thì không một lời nào tả xiết!... Thế nhưng, nếu thấy chiếc xe tăng còn dùng được thì sau đó, người ta sẽ rửa ráy kỳ cọ kỹ càng trong lòng xe, rồi một tổ chiến đấu khác lại ngồi vào đó mà xuất trận...
Người ta thường bảo là những điều đó tôi luyện tâm hồn. Cố nhiên nói vậy là đúng. Nhưng trong khi tôi luyện thì đồng thời nó cũng làm thương tổn tâm hồn. Về sau, con người ấy sống và chiến đấu với một tâm hổn vừa được tôi luyện vừa bị tổn thương. Đó là hai mặt của một tấm huy chương, và dù nói thế nào đi chăng nữa thì cũng không sao tránh khỏi được điều này. Thậm chí cả những ký ức như buổi sáng hôm nay và cảnh tượng bọn Đức bỏ chạy trước mũi xe tăng, vừa chạy vừa ngoái lại, xem cái chết đã kề sát sau lưng chưa, tất cả những điều đó cũng không chỉ tôi luyện mà còn làm thương tổn cả tâm hồn nữa. Bởi vì dù sao ký ức vẫn còn ghi lại bộ mặt của một con người đột ngột hiện ra trước mũi chiếc xe tăng, rồi lại đột ngột biến mất với lời kêu la thầm lặng: “Ấy chớ!... Tôi sợ lắm!...”. Hình ảnh ấy lưu lại trong ký ức, không tan biến đi, nó cũng là một bộ phận của những cảm giác chiến thắng mà Klimôvíts mang trong lòng từ hôm qua đến hôm nay. Đôi khi người ta tưởng như chiến tranh không hề để lại những dấu vết không thể phai mờ nào trong con người, nhưng nếu anh ta quả thật là một con người, thì đó chỉ là do anh ta tưởng như vậy thôi...
Chắc cùng vì thế nên khi nhận tấm băng bột đã chuẩn bị xong từ tay chị y tá, người nữ bác sĩ quân y trẻ tuổi có nét mặt hiền hậu nhưng không đẹp ấy đã nhìn vào mặt Klimôvíts, xoay cánh tay anh lại thật gượng nhẹ cho khỏi đau, rồi bỗng tỏ vẻ thông cảm một cách không đúng lúc:
- Đồng chí đại tá, thế gia đình đồng chí ở đâu, có xa không?
- Xa lắm. - Klimôvíts giật mình trước sự bất ngờ này và thuận miệng trả lời bừa để tự bảo vệ trước sự đột nhập một cách sỗ sàng như vậy vào nội tâm chưa lành khỏi vết thương của anh. Để khỏi suy nghĩ về cái việc mà lúc này anh không muốn nghĩ tới, anh bèn nghĩ sang việc khác: không biết cậu lái xe mới của mình trên chiếc “Ba mươi tư” thế nào rồi, anh đã đưa cả cậu ta đến đội điều trị để băng bó chỗ đầu mưng mủ sau khi bị bỏng, nay không biết cậu ta ra sao rồi.
- Không hiểu đâu là tuyết, đâu là kính vỡ nữa, - Klimôvíts vừa bước ra khỏi đội điều trị vừa nói, mắt anh nheo lại vì chói ánh sáng và đôi bốt dạ của anh dẫm lên lớp kính vỡ vương vãi đầy mặt đường.
Anh mặc tấm áo lông ngắn, chỉ xỏ một tay, khuy cài ở ngoài cánh tay quấn băng. Đại úy Ivanốp đang đợi anh ở ngoài phố. Sau lần phiên chế lại lữ đoàn, anh chàng này vẵn giữ chức trợ lý hậu cần của lữ đoàn trưởng. Vì biết rằng một người đáng tin cậy sẽ có giá trị như thế nào ở chức vụ đó, nên Klimôvíts đã thuyết phục anh ta cứ giữ chức này theo tình bạn cũ từ hồi ở Khankhingôn. Rồi giờ đây, Ivanốp cũng lại lấy tình nghĩa cũ buộc Klimôvíts phải đi băng bó, luôn tiện tham quan thành phố và đã chở anh từ hỏa tuyến tới đây trên chiếc xe của mình.
- Đồng chí đại tá, thế này thì đồng chí không chui vào xe tăng được đâu!
- Không sao, tôi vẫn sẽ chui được. Còn anh thì sao? - Klimôvíts quay sang phía Dôlôtarép. Sáng hôm qua, sau khi bị thương, anh đã chuyển sang ngồi chiếc “Ba mươi tư” của cậu này.
- Báo cáo đại tá, ổn cả ạ, chỉ phải bị cạo trọc mất nửa đầu.
Một cái mũ bằng bông băng tròn đã úp chụp trên đầu Dôlôtarép khiến cho chiếc mũ lính xe tăng của anh cứ chênh vênh trên đỉnh đầu.
- Về nhà thôi, - Klimôvíts báo. Anh có ý nói là về lữ đoàn.
- Ta hãy ghé qua chỗ sư đoàn trưởng cái đã! - Ivanốp dề nghị.
- Để làm gì vậy?
- Tôi định kiếm chác tí tỉnh! - Ivanốp giơ tay ngoáy trong không khí một cách ý nhị và trỏ vào những chiếc xe quân sự nằm ngổn ngang trên đường phố. - Tôi chỉ sợ cánh bộ binh nẫng hết. Chúng mình ghé vào một lát đi!
- Chưa kịp thu những chiến lợi phẩm đầu tiên đã tính chuyện buôn bán! - Klimôvíts cau mày, nhưng hiểu rằng Ivanốp lo lắng cho lữ đoàn nên không trách mắng nữa.
Ivanốp ngồi đằng sau hướng dẫn cho lái xe, bảo anh ta đi lối này rẽ chỗ kia và đồng thời vẫn không quên lưu ý lữ đoàn trưởng tới những chiến lợi phẩm thu được.
- Anh thấy không, đây là điện đài dã ngoại của trung đoàn xe tăng. Còn đây là công trường xa của chúng. - Anh ta trỏ vào chiếc xe mà đằng mũi có hai chiến sĩ xe tăng đang mở nắp xe lên và hí hoáy làm gì đó.
- Lính của cậu đấy à? - Klimôvíts không trả lời mà hỏi vậy.
- Chứ gì nữa! Anh em đơn vị tôi đấy! Mà nói cho cùng thì chiến lợi phẩm là của ai? Không phải của chúng ta sao?
- Chao ôi, - Klimôvíts bực tức càu nhàu trong khi chiếc xe của họ đã tiến lại gần sư đoàn bộ, - giá mà chúng mình mở đầu chiến tranh bằng những quang cảnh như thế này...
Anh lái xe hãm xe lại trước một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Các đường dây liên lạc đã được kéo tới đây, còn trước cổng thì thấy có một chiếc xe hơi sơn màu trắng đang đỗ.
Chính bằng chiếc xe hơi này Xerpilin đã trở về sư đoàn bộ của mình trước đây năm phút. Trong một căn phòng thấp lè tè bày đầy những chậu cây si, ông đang đi đi lại lại, vừa phanh áo lông khiến tà áo quét lê trên sàn nhà, vừa sôi nổi nói với Rơchisép đang ngồi bên bàn về lòng hăng say của anh em chiến sĩ đang muốn tiến công. Ngay từ ngày hôm qua, lòng hăng say đó đã bốc lên rồi, nhưng đặc biệt là hôm nay, sau khi chiếm được thành phố thì cơn hăng đó lại càng thể hiện rõ nét.
- Chỉ cần đi qua thành phố và nhìn thấy thì họ đâm ra vui nhộn hẳn lên! Tuy vẫn còn phải đánh nhau nữa và họ đều biết rằng ngày mai có người trong bọn họ sẽ không còn sống nữa, thế mà họ vẫn cứ tiến lên như vậy đấy! Nói thật ra là từ sáng tôi cứ e rằng rồi sẽ phải lôi các trung đoàn ra khỏi thành phố để cho họ khỏi tự mãn vì thắng lợi. Nhưng không! chiếm xong thành phố là họ lại vẫn tiếp tục tiến lên! Đồng chí có biết là Đôbrôđêđốp đã tiến tới đâu rồi không?
- Lúc mười bốn giờ thì ở Darubin, - Rơchisép nói. - Hiện nay chưa có liên lạc, chúng tôi đang mắc đường dây!
- Còn lâu đồng chí mới kéo được đường dây tới đó: bây giờ anh ta đã ở mãi tận đây rồi này! - Xerpilin chọc ngón tay vào bản đồ, chỉ một chỗ xa hơn Darubin chừng bốn cây số. - Tôi vừa ở đó về!
Ông đã xuống cả hai cái trung đoàn đêm qua đánh chiếm được thành phố, rồi mới tạt qua về sư đoàn bộ. Và bây giờ ông định đi đến trung đoàn Baglúk là đơn vị đã tiến vòng qua thành phố ở cánh phải.
Do nắm được tình hình chung, nên Xerpilin hiểu rằng sở dĩ chiếm được thành phố nhanh như vậy là nhờ có các chiến sĩ xe tăng và các đơn vị bạn ở cánh trái đã buộc quân Đức phải cấp tốc rút lui. Nhưng dầu sao thì thành phố này vẫn do những trung đoàn của ông, những trung đoàn của Xerpilin chiếm được, và nếu như ta muốn rằng giữa bầu không khí tấn công sôi nổi này, Xerpilin phải nghĩ tới công trạng của đơn vị bạn nhiều hơn là thành tích của chính đơn vị mình, thì thật là ta đã đòi hỏi ở ông quá nhiều. Ông đã làm việc hết sức căng thẳng để chuẩn bị cho cuộc tấn công và giờ đây, khi gặt hái những chiến quả đầu tiên, ông tự hào là chính sư đoàn của ông đã giải phóng được một trong những thành phố đầu tiên ở vùng phụ cận Maxcơva, và may mắn biết bao, số thương vong trong những ngày đầu tiên hóa ra cũng ít hơn là sự dự tính của mọi người.
- Báo cáo thiếu tướng, xin phép tự giới thiệu: tôi là lữ đoàn trưởng lữ đoàn xe tăng thứ mười bảy, đại tá Klimôvíts!
Xerpilin quay lại, cười nhe hai hàm răng bóng loáng như ánh thép và bắt tay Klimôvíts.
- Lên đại tá đã lâu chưa?
- Được một tháng ạ. Hôm đồng chí hỏi chuyện tôi ở trước sở điện báo thì đã có lệnh rồi, nhưng tôi chưa biết.
- Thế còn tôi thì vẫn cứ nghe nói rằng, - Xerpilin nói, vẫn với giọng vui vẻ như thế, - đơn vị xe tăng của đại tá Klimôvíts đang hiệp đồng tác chiến với đơn vị láng giềng. Đáng tiếc là bộ đội xe tăng của chúng ta còn hiếm lắm, thành ra tôi cứ nghĩ rằng chả nhẽ cùng một lúc mà ở vùng cửa ngõ Maxcơva lại có hai ông lữ đoàn trưởng đều tên là Klimôvíts!
- Báo cáo đồng chí thiếu tướng, còn tôi thì xin nói thực là không ngờ lại được gặp đồng chí, - Klimôvíts nói. - Tôi cứ tưởng là sẽ gặp anh Orlốp: hồi đầu tháng mười một, tôi đã hiệp đồng tác chiến với anh ấy...
- Phải, - Xerpilin nói, nụ cười trên môi ông vụt tắt, tựa hồ như trước đó ông không hề cười, - thiếu tướng Orlốp trước đã có ở đây và đã mơ ước được chỉ huy sư đoàn mình mở trận tấn công hơn cả mơ ước lên thiên đàng, thế mà thiếu tướng đã không sống được đến hôm nay và bây giờ Xerpilin lại tấn công thay cho Orlốp. Trong chiến tranh cũng lắm chuyện lạ, chẳng có ai phòng bị trước được.
Ông thở đài, nghĩ bụng đêm nay phải tranh thủ thời gian viết một lá thư, dù ngắn cũng được, cho người vợ góa của Orlốp biết rằng sư đoàn đang tấn công và truy kích bọn phát xít để giữ gìn truyền thống của chồng bà và báo thù cho tướng Orlốp.
Tuy trong bụng nghĩ thế, nhưng ông lại cất tiếng hỏi về một việc khác hẳn: phải chăng Klimôvíts đã được chuyển sang phối hợp tác chiến với sư đoàn 31 của ông?
Klimôvíts đáp là không, anh vẫn phụ thuộc vào đơn vị bạn bên cánh trái như trước, nhưng anh có việc ghé vào đội điều trị ờ đây và luôn tiện xem qua thành phố.
- Tôi chiến đấu đã lâu, thế mà ngoài Ennha ra thì chưa hề trông thấy thành phố nào được giải phóng khỏi tay bọn Đức!
- Phải, - Xerpilin nói, - thành phố đầu tiên, thành phố đầu tiên đấy, cứ nghĩ mà xem! Đồng chí vớ được Ennha cũng còn là may, chứ tôi thì đánh nhau sáu tháng trời nay mới chiếm được thành phố đầu tiên! Mà lại còn nhờ có đồng chí và nhờ trời phù hộ nữa chứ.
Mặc dầu Xerpilin nói với vẻ rộng lượng như vậy, nhưng ông ta vẫn không sao giấu nổi cái giọng hả hê tự mãn: dù sao chăng nữa thì thành phố này vẫn do sư đoàn ông chiếm được.
- Có lẽ ta uống tí trà theo tình hàng xóm láng giềng chứ? Hay là lính xe tăng không uống trà?
Nhưng Klimôvíts từ chối. Anh đã thấy nóng ruột vì lữ đoàn mình. Quả thật, ở nhà đã có cả chính ủy lẫn tham mưu trưởng, đã ban bố đầy đủ tất cả các mệnh lệnh và bây giờ còn đang cho xe ăn xăng để chuẩn bị tác chiến ban đêm, thế mà sao anh thấy bồn chồn trong dạ.
- Thưa thiếu tướng, xin cám ơn. - anh nói, - tôi xin phép đi. Nhưng xin đề nghị đồng chí một điều. Nếu đồng chí cũng đã thừa nhận là chúng tôi có góp phần vào chiến thắng, vậy thì đồng chí trợ lý hậu cần của tôi sẽ ở lại đây để xin được sứ dụng một số chiến lợi phẩm, nhất là xe cộ... Nói tóm lại, xin đồng chí hãy thương tình kẻ mồ côi mồ cút! - Nói đến đó, anh ta gật đầu trỏ đại úy Ivanốp đang đứng nghiêm và Xerpilin phải mỉm cười, vì thấy mấy chữ “mồ côi mồ cút” chẳng ăn khớp gì với cái vẻ tự tin của người trợ lý hậu cần này.
- Chả nhẽ lại làm phật lòng trẻ mồ côi của anh hay sao... Anh nghĩ thế nào, - khi chia tay, ông nói, - anh thấy được rõ hơn chúng tôi, hôm qua anh đã thọc sâu được vào các đơn vị hậu cần của chúng, chúng nó có ngờ rằng mình tấn công hay không? Bọn tù binh ở chỗ tôi đứa thì khai rằng không ngờ, đứa khác lại bảo là có nghe nói rằng sắp phải rút lui.
Klimôvíts suy nghĩ và nói rằng cảm tưởng của anh thì cũng có những đơn vị quân Đức đã nhận được lệnh rút lui, mà cũng có những đon vị không nhận được lệnh này. Nhưng nói chung thì có một cái gì đó không rõ ràng lắm...
- Chắc hẳn là đúng như thế đấy, - Xerpilin đồng ý. - Nhưng riêng tôi có cảm tưởng là nếu chúng ta kéo dài thêm một tuần lễ nữa mà không nắm vững thời cơ thì sẽ gặp phải một cuộc rút lui có trật tự của chúng. Tôi có cảm giác là ta đã đánh hơi được thời cơ dó! - ông ta khoái chí trầm trồ và thậm chí dùng mũi hít hít không khí.
Cùng vui mừng trước sự việc xảy ra, cả hai người đồng thời lại cùng suy nghĩ về một điều; ta đã đập tan được một phần sức chống cự của quân Đức, nhưng ngày mai ta còn phải đối phó với những gì nữa thì vẫn chưa rõ. Khi từ biệt, họ đã đọc thấy vẻ lo lắng đó trong con mắt của nhau.
- Tôi đã thoát ra khỏi vòng vây đúng vào khu vực của lữ đoàn cậu ta đấy, - sau khi Klimôvíts ra về. Xerpilin liền nói với Rơchisép như vậy, bởi vì trong lúc hai người nói chuyện, Rơchisép vẫn lặng lẽ tiếp tục làm việc.
Rơchisép gật đầu. Nói chung, ông ta làm nhiều và nói ít, tựa hồ như muốn dùng sự im lặng của mình để báo cho Xerpilin biết rằng: “Tâm trạng tôi ra sao thì cùng chẳng việc gì đến ông cả. Còn về công việc của tôi thì ông hãy cứ tự suy xét lấy: tôi đang làm việc trước mắt ông”.
Mối quan hệ đối xử như vậy tuy không khiến Xerpilin vui, nhưng cũng vẫn làm cho ông vừa ý, vả lại, ông cũng chẳng có thời gian để suy nghĩ nhiều về việc này.
Ông hỏi Rơchisép mấy câu hỏi thông thường mà một người sư đoàn trưởng sau nửa ngày xuống các trung đoàn ở phía trước thường vẫn hỏi người tham mưu trưởng của mình ở lại sở chỉ huy: có tin tức gì của các đơn vị láng giềng bên phảỉ và bên trái không? Việc tiếp tế đạn dược ra sao? Các cơ quan hậu cần bám theo như thế nào và cấp trên có gọi dây nói đến không?
Ở tập đoàn quân láng giềng phía bên trái, mọi việc đểu trôi chảy. Còn đơn vị bạn phía bên phải thì đã tụt lại sau: chỗ lõm này có cơ biến thành một lỗ thủng. Tham mưu trưởng tập đoàn quân cũng có gọi dây nói xuống hỏi tình hình. Căn cứ vào việc ông ta không hề trách cứ một người nào mà cũng chẳng nêu gương ai, thì có thể nghĩ rằng trong tập đoàn quân hiện nay chưa có ai đáng được nêu gương cho họ cả; ngày hôm qua và cả ngày hôm nay nữa, họ vẫn là đơn vị đạt được nhiều thành tích nhất.
Nghe những tin tức ấy xong, Xerpilin cứ để nguyên cả áo lông như vậy, vội vàng ngồi xuống uống trà.
- À ra thế? - một giọng nói gay gắt và mỉa mai vang lên trên ngưỡng cửa. - Còn phải giành lại đến một nửa nước Nga từ tay quân Đức, thế mà sư đoàn trưởng lại cứ chiếm lĩnh mãi một điểm trên bản đồ và ngồi ung dung uống trà!
Tư lệnh trưởng đang đứng ở cửa; mặc dầu trời rất giá lạnh, ông ta vẫn ăn mặc hết sức đúng điều lệnh ủng da, áo capốt và mũ lông có chỏm cao, mặt ông ta đỏ gay lên vì lạnh, và Xerpilin thấy hình như nét mặt ấy có vẻ dữ dội
- Báo cáo tình hình đi! - tư lệnh trưởng nói rồi bước tới bên bàn, vừa đi vừa hất tấm áo capốt và chiếc mũ lông vào tay người sĩ quan bí thư.
Cúi mình xuống bên cạnh ông trên tấm bản đồ, Xerpilin báo cáo tình hình và dùng bút chì vạch rõ đường tiến của hai trung đoàn ở sườn bên trái. Rơchisép vốn tính chi li, nên trong lúc chưa nhận được báo cáo viết của các trung đoàn trưởng thì chỉ mới đánh dấu đường tiến cuối cùng bằng những dấu chấm mà thôi.
- Thế nào, chỗ đồng chí chỉ cho tôi là đã tiến đến đó rồi.
- Tôi sẽ đi xuống chỗ Baglúk ngay bây giờ. - Xerpilin quay sang nói với Rơchisẻp: - Đồng chí báo cáo xem Baglúk tiến như thế nào.
- Nhưng cho uống trà chứ? - Tư lệnh trưởng nghe Rơchisép báo cáo xong liền nói và ngồi xuống. - Để cho các đồng chí khỏi xấu hổ vì uống một mình.
Rồi để tỏ ra là mình đùa, ông hơi nhếch mép mỉm cười.
- Thưa đồng chí tư lệnh trưởng, xin đồng chí cho biết tình hình ở các sư đoàn khác ra sao? - Xerpilin hỏi khi tư lệnh trưởng vừa uống xong một ngụm trà.
Tư lệnh trưởng đưa mắt lườm Xerpilin. Giá như Xerpilin làm không được việc thì ông ta đã trả lời cách khác ngay. Nhưng lúc này Xerpilin vẫn làm được việc, nên tư lệnh trưởng đã trả lời một cách thân mật trên tình đồng chí
- Vừa phải, anh Xerpilin ạ, tình hình vẫn đòi hỏi phải khá hơn. Khả năng của các cán bộ chỉ huy chưa kịp tinh thần chiến đấu của bộ đội. Ta vẫn chưa quen, chưa quen tấn công! - ông bực bội nhắc lại. - Phải đốc thúc một số người, mà thúc đến đau cả tay, chứ có phải không đâu.
Ông ta giơ cả hai tay lên trời để cho thấy một cách cụ thể rằng mình đã phải thật sự thúc vào đít những người tiến chậm như thế nào. Có những chỗ đã tiến lên được nhưng chỉ gặp một sự chống cự yếu ớt là người ta bỗng dừng ngay lại, vì lo bị hở sườn. Những chỗ nào vấp phải các đầu mối phòng ngự mạnh, thì người ta chỉ lập lại các đợt công kích tuyệt vọng, không dám đánh vu hồi sâu, rút cục cũng là do bị hở sườn.
May mà sư đoàn Xerpilin hôm nay đã tiến nhanh hơn và làm cho tư lệnh trưởng ít lo lắng hơn các sư đoàn khác; lúc đầu đấy hả? - thấy Xerpilin vạch một đường chì đỏ thật đậm nét lên trên đường chấm, tư lệnh trưởng liền hỏi ra ý không tin. Ổng có cảm tưởng là vì có mặt ông, nên sư đoàn trưởng đã vội biến ước mơ thành hiện thực. - Đã tiến đến đó rồi hay giả định rằng đã tiến đến đó?
- Đã tiến đến rồi, - Xerpilin đáp.
- Hơi khó tin đấy.
- Nhưng tôi thì lại quen tin vào con mắt mình! - Xerpilin cả quyết nói, vì biết rõ toàn bộ tầm quan trọng của giây phút đó đối với mối quan hệ từ nay về sau giữa mình với tư lệnh trưởng. - Tôi cho là, - ông nói thêm, - bây giờ họ đã tiến đến đây và đây nữa rồi... - Ông vẽ hai đường chấm. - Còn ở đây, - ông ấn mạnh bút chì vào đường vạch đỏ đậm, - thì chính tôi đã đến. - Ổng liếc nhìn đồng hồ và xác định đúng từng phút cái lúc mà chính bản thân ông đã ở nơi này hay nơi khác.
Tư lệnh trưởng thường hay nói với cấp dưới bằng cái giọng lạnh lùng, gay gắt như đã bắt đầu câu chuyện với Xerpilin. Ông ta biết cách nói khích người ta thật đau, khi ông không bằng lòng họ và ông không cho họ có quyền được mất lòng, nếu như họ bề ngoài có vẻ bị trêu chọc, nhưng thực ra lại không phải thế. Nhưng trong cái tính nghiệt ngã của ông vẫn có một điểm vớt vát lại được và phân biệt được ranh giới giữa uy quyền và sự độc đoán. Ông cho người ta quyền được cãi lại về thực chất vấn đề, và chính lúc này ông đang vấp phải một sự cãi lại như vậy.
- Thế đấy, - ông nói, tuy nhiên vẫn không hề thay đổi cái giọng gay gắt ấy. - Tình hình ở đây thì rõ rồi. Còn về phía bên phải, ở trung đoàn Baglúk thì sao? Ông định đi ngay đến sư đoàn bên cạnh, nhưng sau đó, không nén được, ông cũng nóng lòng muôn ghé mắt xem qua cái thành phố đầu tiên do tập đoàn quân của mình chiếm được và ông đã đi thăm sư đoàn Xerpilin.
- Đốc thúc, đốc thúc mãi, - và rồi ông đã nói đúng cái điều mà mình đang suy nghĩ, nói một cách thẳng thắn, như những người tự tin vào mình thường có khả năng nói thẳng như vậy hơn những người khác, - rồi sau tôi định bụng xem qua chiến lợi phẩm để cho lòng nhẹ nhõm hơn! Phải nói rằng chiến lợi phẩm ra trò đấy, cũng có cái để mà báo cáo.
Ông uống nốt cốc trà, đứng dậy và hỏi Xerpilin:
- Đến chỗ Baglúk hả?
- Thưa đúng thế!
- Đồng chí hãy nghe lời dặn này của tôi. Dù có phải nện tím bầm lưng anh chàng láng giềng Đavưđốp của đồng chí thì nhất định tôi vẫn phải đốc thúc được anh ta tiến lên thôi. Nhưng đồng chí đừng có lợi dụng sự chậm trễ của anh ta! Hãy giao nhiệm vụ cho Baglúk là đến tối phải tiến đến chỗ này! - Tư lệnh trưởng trỏ cái nhà ga ở trên bản đồ, cách chỗ họ đang ờ hiện nay mười hai cây số. - Đến tối phải có mặt ở đó. Nội đêm nay phải chiếm được ga và tiếp tục tiến! Còn đến sáng thì đồng chí phải chuyển đài quan sát lên đây, mà nếu lôi được cả sư đoàn bộ lên càng tốt!
Nói tới đó, tư lệnh trưởng thoáng liếc nhìn Rơchisép, Rồi hơi ngoảnh đầu lại, và người sĩ quan bí thư đã tiến đến với tấm áo capốt trên tay.
Chuông điện thoại reo, Rơchisép cầm lấy ống nghe, cho biết rằng bộ tham mưu tập đoàn quân đang gọi.
- Đồng chí báo cáo là tôi đã đi đến chỗ Đavưđốp. Báo là một giờ nữa cứ gọi dây nói tới đó. - tư lệnh trưởng nói xong liền bước nhanh ra ngoài, có Xerpilin theo sau.
Ra tới ngoài bậc thềm, ông co rúm người lại vì lạnh và Xerpilin không đừng được, bèn thưa rằng dù sao áo lông vẫn chắc chắn hơn áo capốt.
- Tôi không quen mặc bất cứ thứ nào khác, - tư lệnh trưởng đáp. - Cố nhiên đồng chí đừng chạnh lòng, - ông liếc nhìn đôi bốt dạ và chiếc áo lông của Xerpilin rồi nói thêm. - Nếu đồng chí cứ đi bốt dạ mà tiến đến tận nhà ga thì tôi sẽ xin cám ơn. Còn nếu đi ủng da mà cứ dẫm chân tại chỗ thỉ ủng da cũng chả cứu vớt được mình dâu.
Ông cười khảy, vì ông còn nhớ ra rằng đôi ủng da nhất định sẽ không cứu vớt nổi cái anh chàng đại tá Đavưđốp ăn mặc khá diêm dúa, chỉ huy sư đoàn bên cạnh. Sau khi nhắc lại lần nữa một cách cương quyết là hết đêm nay phải đánh chiếm được nhà ga Vôxkrêxenxkôiê, ông ta lên đường trước Xerpilin một phút.
- Tôi e rằng đến tối có thể tất cả đều phải cuốc bộ tuốt, không phân biệt cấp nào, - Xerpilin lên ôtô, ngồi vào bên cạnh người lái xe, hất hàm trỏ những cụm tuyết đang tới tấp rơi ngoài cửa kính mà nói vậy.
* * *
Trung đoàn Baglúk mà Xerpilin đang đi tới đã tấn công về phía bên phải của cái thành phố mới lấy lại được đêm qua.
Anh em trong trung đoàn cứ tiếc rẻ về việc đó, ghen tị với các đơn vị bạn, nhưng nói chung thì cũng chẳng còn thời giờ đâu để mà tiếc cũng như ghen tị. Qua những ngày đêm đầu tiên, trung đoàn đã giải phóng sáu làng, còn hôm nay, kể từ sáng, lại thêm năm làng nữa. Nhưng nếu hôm qua chữ “giải phóng” còn có vẻ giống như thật, thì hôm nay tất cả các làng chiếm lại được đều hầu như đã bị quân Đức đốt cháy sạch. Chúng bắt đầu đốt cháy làng xóm ngay từ đêm và suốt đêm qua, ở chân trời phía trước mặt trung đoàn, cứ liên tục bập bùng lên tới mấy vừng ráng đỏ.
Trong những ngày đêm đầu tiên, tiểu đoàn Riáptrenkô đã tiến ở đầu mũi nhọn đột phá, nhưng từ sáng hôm nay họ vấp phải cái làng Matsekna nhỏ bé ở ngã tư đường, cái làng mà bọn Đức cố sống cố chết không chịu nhả ra và cho tới khi chiếm được những đầu mẩu gỗ cháy dở còn lại của làng này, tiểu đoàn đã mất bốn chục người vừa chết vừa bị thương trong suốt năm giờ chiến đấu.
Bây giờ Riáptrenkô đang cùng một đại đội cấp tốc đuổi theo các tiểu đoàn tiến trước, còn Malinin thì cố kéo những đại đội còn lại bám theo sau, các đại đội này đang rải dài ra trên con đường phủ đầy tuyết thẳng băng. Như anh em chiến sĩ thường nói, lại chiếm thêm được một làng nữa phía trước, nhưng nó cũng lại bị đốt cháy trụi mất rồi, đám khói lửa của làng này lại càng nhắc nhở mọi người phải nhanh bước tiến lên hơn nữa.
- Xung quanh toàn khói. - Xintxốp tiến lên ngang hàng với Karaulốp mà nói. Từ nãy anh vẫn đi sau Karaulốp.
Chân bước lún sâu trong tuyết, gió thốc thẳng vào mặt, phải cố sức lắm anh mới dấn bước được lên để đuổi kịp Karaulốp.
- Cái gì? - không nghe rõ, Karaulốp hỏi lại.
- Mình nói là xung quanh toàn khói.
Karaulốp gật đầu, đưa bao tay lên chùi tuyết dính bết trên lông mày và ria mép.
- Tớ vẫn đang vừa đi vừa tính nhẩm, - anh ta nói mà không ngoái đầu lại, - là ban sáng đã có năm đám cháy, còn đến bây giờ thì đã là tám rồi. Mỗi lúc chúng đốt một nhiều hơn. Tám làng! Mà phải tính thêm cả cái làng mà chúng mình vừa chiếm lại được, nó tên là làng gì đó...
- Matsekha, - Xintxốpnói.
- Đúng là bà dì ghẻ thật! Tính xem, thế là chín rồi! Trước có làng Matsekha, mà nay không còn làng Matsekha nữa! Thế mà người ta đã sống ở đó... Tôi không biết bọn phát xít chúng tính kế gì: để cho chúng ta không có nơi chui ra chui vào hay sao? Thế thì chúng ta sẽ ngủ tạm trên tuyết vậy, nhưng dù sao vẫn đuổi kịp được bọn chúng! Và nếu chúng đã dở trò khốn nạn ấy ra, phải tay tớ thì tớ đã ra lệnh cho toàn tập đoàn quân là: chừng nào chúng đốt sạch thì mình sẽ giết sạch. Hễ cứ đốt nhà là cho một phát đạn vào trán! Cậu nghĩ thế nào?
[Matsekha, tiếng Nga có nghĩa là “dì ghẻ”]
Xintxốp cũng nghĩ như Karaulốp, vả chăng ở cái làng Matsekha bị đốt trụi ấy chính bản thân Karaulốp đã xử trí đúng như thế với bọn đốt nhà mà anh em ta đã tóm cổ được Nhưng vốn là người quen giữ nền nếp, nên anh muốn rằng mọi điều mình đã làm trước đây và sắp sửa làm, từ nay về sau, đều không phải chỉ do sự hờn giận của mình, mà là để chấp hành mệnh lệnh.
- Cậu nào khử tên sĩ quan ở cạnh tàu ngựa đấy? - Karaulốp hỏi.
- Kômarốp.
- Ấy thế mà tớ thấy là sau khi cậu đã cùng với tiểu đội đi khỏi rồi, tớ chả còn nghe gì nữa, chỉ nghe tiếng tiểu liên của bọn chúng. Tớ cứ nghĩ chả nhẽ chúng nó hạ các cậu rồi à? Nhưng sau nghe có tiếng lựu đạn nổ, rồi thấy chúng nó thôi bắn!
- Chính là Kômarốp ném lựu đạn đấy, - Xintxốp nhắc lại.
- Ờ, - Karaulốp nói. - Tớ tưởng là bọn chúng đã diệt hết tiểu đội cậu rồi.
Hiện nay, trong tiểu đội của Xintxốp chỉ còn vẻn vẹn có hai người: anh và Kômarốp, nhưng đối với Karaulốp thì tiểu đội vẫn là tiểu đội, bất kể là hôm nay nó còn lại bao nhiêu người...
- Đây lại có một xác chết nữa, - Karaulốp nói và dừng lại bên cái xác tên Đức đang nằm cạnh đường và đã bị bão tuyết vùi lấp mất một nửa.
Tên Đức nằm ngửa tênh hênh, hai tay ôm lấy đầu, một chân gập lại dưới thân mình, còn chân kia thì ghếch ngay lên lòng đường.
Karaulốp lấy mũi ủng dạ đá vào cái chân đó, nhưng nó chỉ nhúc nhích chút ít rồi đâu lại hoàn đấy.
- Thế ra mùa đông xác chết cũng khác mùa hè đấy, - Karaulốp nói. - Có thằng lại giống hệt như con búp bê, trông không ra hình người nữa!
Bây giờ Karaulốp lại đi đầu, còn Xintxốp tiến theo sau trông thấy cái tướng to bè của anh ta ở đằng trước và nghe tiếng Kômarốp vừa đi vừa thở hồng hộc ở đằng sau. Hôm sắp sửa tấn công thì Kômarốp bị phát bệnh: anh ta đau ngực và ho, chắc là đã bị nhiễm lạnh trong lúc cùng anh em kéo Lêônhiđốp ra ngoài. Thế mà giờ đây anh ta vẫn hành quân với chứng cảm lạnh này, đã hai ngày đêm nay chẳng nghỉ ngơi ngủ ngáy gì, cứ đi mà không kêu ca, chỉ thỉnh thoảng lại như rặn ra mà ho.
“Còn Lêônhiđốp thì giờ đây đang nằm bệnh viện có lẽ ở Maxcơva cũng nên, mà có lẽ xa hơn nữa cũng nên, nằm giữa đệm êm chăn ấm”, - trong giây lát thoáng nghĩ tới anh chàng Lêônhiđốp bị cụt mất bàn chân đang nằm giữa chăn đệm mà sao Xintxốp cảm thấy thèm muốn lạ lùng.
Chính bản thân anh cũng lại muốn bị thương, nhưng đừng bị nặng như Lêônhiđốp, mà đại để như Baiukốp ấy thôi. Dù sao Malinin cùng đã giữ đúng lời hứa và đã tìm ra được anh ta. Baiukốp gửi thư về cám ơn là anh em đã báo tin cho anh biết về việc được tặng thưởng huân chương và nói là mình đã bắt đầu bình phục. Đấy, giá mà giờ đây Xintxốp cũng được nằm và bình phục như vậy nhỉ, như Baiukốp, trên đệm ấm trong quân y viện...
Anh phải vất vả lắm mới xua đuổi được ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc, cái ý nghĩ thường xâm chiếm tâm trí người ta trong thời buổi chiến tranh, mặc dầu ít khi người ta chịu thú nhận. Anh xua đuổi được ý nghĩ ấy ra khỏi đầu óc không phải vì liên hệ thấy nó hèn nhát và đáng xấu hổ, mà vì đau lòng sực nhớ tới bốn cái xác mà cách đây một giờ các anh đã tháo xuống khỏi giá treo cổ ngay trong cái làng Matsekha đó. Một cái là xác phụ nữ. Xintxốp phải cắt sợi dây điện thoại xanh đỏ của Đức bện làm bốn mà chúng đã dùng để treo cổ người con gái này.
Xintxốp đùng dao cắt dây, đỡ lấy cái thây người mà đặt xuống tuyết. Cô gái mặc áo măng tô bằng len thô màu đen, mở phanh cúc ngực để lộ ra chiếc áo len đan ngắn: một bên chân cô ta xỏ vào chiếc bốt dạ cũ cắt nham nhở ở phía trên với cái đế khâu ở phía dưới, còn chân kia thì chỉ đi bít tất, và ở chỗ bít tất ngang đầu gối có một lỗ thủng lớn, qua đó thấy rõ cả lớp da thịt đã chết lạnh trắng bệch. Sợi dây điện thoại siết sâu vào cái cổ trắng dài. Đầu cô gái ngoẹo sang một bên, vì thế trông vẻ mặt cô ta tựa hồ như còn đang nói: “Các người muốn gì tôi, các người quấy rầy gì tôi thế?”
Những người này bị treo cổ đã lâu, nên khi tháo xuống thì họ đã chết cứng queo, da thịt ngả màu trắng như sứ, khiến cho ngươi ta có cảm tưởng rằng khi gỡ họ xuống, nếu không cẩn thận hay va chạm vào đâu thì có thể làm cho mặt hoặc tay họ mẻ ra từng mảnh. Xintxốp đôi khi vẫn nhớ lại tất cả những chi tiết của cái hôm anh đã nâng cô gái kia xuống khỏi giá treo cổ và anh luôn trạnh lòng nghĩ ngay đến Masa với một cảm giác gần như khủng khiếp. Chắc hẳn vì cô gái bị treo cổ đi một chiếc ủng và một chiếc bít tất rách, nên có lần anh chợt nhớ ra rằng hồi nào anh đã từng ẵm cô bác sĩ nhỏ nhắn và khi nhớ tới cô bác sĩ, anh lại kinh hoàng nghĩ đến Masa. Bây giờ Masa ở đâu? Liệu Masa có còn sống không? Giờ đây sau bao cảnh ngộ đã trải qua kể từ ngày đó, anh thấy là hết thảy những lời mình đã nghẹn ngào vì lo sợ mà dặn dò vợ trong giây phút cuối cùng ấy đều có vẻ ngớ ngẩn và lố bịch. Lần cuối cùng ư? Hay đó chưa phải là lần cuối cùng? Điều đó anh không biết được, cũng như hàng triệu con người đã từ biệt hàng triệu con người khác mà cũng không sao biết được.
- Thế nào? - Malinin từ nãy vẫn đi trên đường cùng với hàng quân kéo dài lê thê của tiểu đoàn, bây giờ đã bắt kịp đằng đuôi rồi vượt lên đằng đầu và cất tiếng hỏi, làm ngắt quãng những ý nghĩ không vui của Xintxốp. - Tình hình đánh đấm ra sao?
- Báo cáo chính trị viên trưởng, đánh đấm cũng không đến nỗi tồi, - Xintxốp đáp, vừa đi vừa ngoái lại nhìn Malinin. - Chỉ tiếc một điều là chúng ta tiến vẫn chưa kịp. - Anh hất hàm về phía trước chỉ vào một đám khói.
Cách đây không lâu, những đám khói khác còn vươn lên cao khắp cả chân trời, giống như những cánh tay đen của đau khổ. Nhưng nay chúng đã bị màn bão tuyết che phủ, chỉ còn lại đám khói gần đó thì vẫn bốc lên mỗi lúc một đen kịt ở phía trước mặt.
- Sao nhỉ, cứ thế này mãi ư? - Chờ cho Malinin đã bước sóng đôi bên cạnh mình, Xintxốp hỏi.
- Cái đó cũng là tùy ở chúng ta, - Malinin nói.
Ông là người không thích lặp lại những chân lý cũ rích nhưng biết trả lời ra sao với câu hỏi đó của Xintxốp? Đúng thế cái đó là tùy ở chúng ta. Chớ còn tùy ở ai được nữa? Xét cho cùng thì đúng là như vậy đấy, mặc dầu thoạt nghĩ thì tưởng như điều đó không tùy thuộc gì vào cả Karaulốp lẫn Xintxốp, cũng như những chiến sĩ đang bước đằng sau họ, mà cũng chẳng tùy thuộc gì vào cả Malinin lẫn Riáptrenkô là những người mà hôm qua cũng như hòm nay đều đã làm tất cả mọi việc mà họ có thể làm, đồng thời vẫn tiếp tục gắng hết sức tiến lên một cách nhanh chóng.
- Thế mà mình vẫn bắt gặp được hai người dân ở đây kia đấy. - Malinin nói. Theo âm sắc quen thuộc trong giọng nói ấy, Xintxốp hiểu rằng không phải vô cớ và cũng không phải lần đầu tiên Malinin nói lên điều này, mà chính là ông ta đang đi dọc hàng quân, nhắc đi nhắc lại câu chuyện đó với tất cả anh em. - Họ kể rằng thậm chí đêm qua quân Đức còn bắn lẫn nhau trên đường cái, ở chỗ có hai chiếc xe tăng bị bỏ lại ấy. Cậu có thấy không?
- Có thấy.
- Đoàn xe cơ giới của chúng đang rút lui thì hết xăng. Thế là chúng xoay ra ẩu đả với bọn lính xe tăng, ẩu đả ra trò rồi đi đến chỗ bắn nhau! Rút cục. chúng vẫn hút được xăng từ xe tăng sang xe tải, rồi cút mất. Một sự việc hay ho đấy chứ?
Sở dĩ Malinin hỏi Xintxốp điều đó là vì bây giờ Malinin đang coi anh là một cựu chính trị viên và dường như muốn trao đổi ý kiến với anh rằng: đây chính là một sự việc hay ho để tuyên truyền, đúng thế không?
Xintxốp cũng nhớ lại được hai chiếc xe tăng Đức bị bỏ lại bên đường và hình dung rõ cái cảnh tượng ban đêm, vì thiếu xăng mà bọn lính xe tăng và bọn lính bộ binh Đức đã choảng nhau giữa trời tuyết...
- Sự việc hay thật, chỉ có cái là...
- Cái gì? - Malinin vội hỏi.
- Chỉ có cái là nếu quân ta cũng có nhiều xe pháo hơn thì tốt quá!
- Thời tiết như thế này thì chân lý là thuộc về đôi chân.
- Thì hẳn là thuộc về đôi chân rồi! - Xintxốp vừa nói vừa vất vả lê đôi chân đó trên tuyết và cảm thấy mỗi bên chân nặng có đến hàng chục cân.
Nói xong, anh lặng thinh: anh đã mệt đến mức không buồn trò chuyện nữa. Nhưng Malinin lại hiểu sự im lặng ấy theo kiểu của mình: “Chắc là cậu ta đang thắc mắc!”
Ngay hôm trước khi tấn công, người ta mang đến tiểu đoàn năm tấm thẻ đảng và đã trao cho tất cả các đảng viên, trừ Xintxốp. Vì không tìm được dịp hội ý với chính ủy sư đoàn về việc này và nghĩ thầm rằng mình cũng như mọi người đều có thể chết, nên đúng cái đêm trước trận tấn công, Malinin đã phải vất vả lắm mới tranh thủ được mười phút viết một lá thư ngắn nói về Xintxốp gửi thẳng lên phòng chính trị tập đoàn quân. Với thái độ gay gắt hết mức mà ông thường có mỗi khi tin là mình đúng, ông viết rằng: cho tới trước trận tấn công, đảng ủy sư đoàn vẫn chưa quyết định vấn đề sinh mệnh đảng của một người mà bất cứ ngày nào giờ nào cũng có thể bỏ mạng trong khi chưa khôi phục được sự thật, đó là do đảng ủy sư đoàn đã trì hoãn quyết nghị của thường vụ đảng ủy trung đoàn một cách vô lý.
Bây giờ ông không muốn nói trước với Xintxốp về bức thư này mà ông chắc là nó chưa tới nơi, nhưng ông cảm thấy mình vẫn cần phải làm một việc gì đó để giữ vững tinh thần cho Xintxốp.
- Cậu đừng nghĩ là tớ quên đâu nhé. Và nói chung đừng suy nghĩ nhiều về việc này. Bây giờ tớ sẽ nghĩ thay cho cậu.
Những lời vụng về ấy Malinin đã nói ra tự đáy lòng mình, nhưng Xintxốp bất giác phải nhếch mép cười. Mặc dầu tin vào Malinin, nhưng bản thân anh không thể không suy nghĩ về việc này. Những lúc như vậy, Malinin chẳng còn quyền lực gì để giúp đỡ anh nữa. Anh đã một mình suy nghĩ về vấn đề này, anh đã suy đi nghĩ lại nhiều lần hôm qua cũng như hôm nay, tuy nhiên chính trong lúc này, trong khi anh đang đi bên cạnh Malinin, thì anh lại đã nghĩ về một việc khác hẳn mà chỉ vừa rồi anh mới sực nhớ tới.
- Cố nhiên, lúc này ta còn đang hành quân... - Malinin nói, và theo thói quen, ông thường bỏ lửng những câu mà căn cứ vào đoạn đầu người ta có thể đoán được đoạn cuối. - Nhưng đến chỗ nào tạm dừng chân thì...
- Ôi chà, anh Malinin! - Xintxốp còn đang cúi đầu nhìn xuống đất bỗng ngẩng ngay lên nhìn vào đám khói phía trước mặt với vẻ dữ tợn rồi nói: - Ông nói gì tôi đồng ý tất, miễn là đừng có dừng chân lại lâu!
- Máy muốn chạy tốt cũng phài có lúc dừng lại nghỉ nữa là, cậu đừng nói nhảm. - Malinin nhăn nhó nói, - Thế cậu định tiến đến tận Berlin mà không nghỉ hay sao?.
- Cứ thế tiến đến Viadơma cái đã.
Malinin hừm một tiếng lửng lơ không ra tán thành mà cũng không ra phản đối. Cố nhiên, Viadơma cũng chẳng phải là cách ba bốn núi chín mười đèo gì, nhưng nếu không nghỉ để lấy hơi và để bổ sung thì có lẽ cũng khó lòng mà tiến đến Viadơma được...
- Này, tránh ra! - có tiếng Kômarốp thét ở đằng sau.
Malinin và Xintxốp ngoái nhìn lại, tránh sang bên để cho chiếc xe trượt tuyết của Baglúk chạy qua. Con ngựa phi nước kiệu toát mồ hôi đang bổ móng làm tuyết bắn tung lên. Một chiến sĩ xạ thủ tiểu liên ngồi phía trước xe còn đằng sau thấy có một vị tướng mặc áo lông, đi bốt dạ, ngồi cạnh Baglúk.
Chiếc xe chạy qua. Malinin lại bước lên mặt đường và cứ tưởng là Xintxốp vẫn đi bên cạnh mình bèn bảo rằng đó là sư đoàn trưởng mới của sư đoàn mình, ông đã trông thấy ông ấy một lần ở trung đoàn bộ trước lúc tấn công.
Nhưng Xintxốp không đi cạnh Malinin mà vẫn còn đứng lại bên vệ đường, nơi hai người vừa né tránh chiếc xe. Anh đứng trong tuyết ngập đến đầu gối dõi trông theo chiếc xe, mà trên đó ông Xerpilin bằng xương bằng thịt - không, anh không thể nhận nhầm được - đang ngồi cạnh Baglúk và lướt qua trước mặt anh.
- Thế nào, sao tụt lại thế? - Malinin gọi anh.
Xintxốp bèn rút chân ra khỏi đống tuyết, chật vật bước lên lớp băng rắn rồi đuổi kịp Malinin và lại đi cạnh ông ta.
- Anh có biết ai đi qua đấy không? - sau giây lát im lặng, Xintxốp hỏi.
- Có biết. Sư đoàn trưởng mới.
- Thế họ ông ta là gì? -  Malinin cau mày cố nhớ lại. Họ tên của sư đoàn trưởng như quay cuồng trong trí nhớ. Ông đã ghi vào quyển sổ nhỏ, quyển sổ cũng đang nằm trong chiếc cặp bản đồ, nhưng ông ngại tháo bao tay ra giữa trời giá lạnh.
- Mình còn nhớ khi nghe nói đến họ tên ông ta thì mình đã cảm thấy quen thuộc quá đi mất, nhưng sau đó lai quên bẵng đi
- Xerpilin. - Xintxốp nói.
- Phải rồi. - Malininn gật đầu và chăm chú nhìn Xintxốp. Bây giờ ông mới sực nhớ ra tại sao cái họ đó mình nghe lại quen thuộc như vậy.
- Chính ông ấy đấy hả?
- Chính ông ấy đấy!
- Cha mẹ ơi. cái cậu này! Lẽ ra phải chạy ngay theo xe đi chứ. - Malinin nói với vẻ thông cảm.
Ông mừng thay cho Xintxốp, cho rằng sự có mặt trong sư đoàn này, hơn nữa lại trên cương vị sư đoàn trưởng, của chính cái người mà Xintxốp đã vượt vòng vây dưới quyền chỉ huy của ông ta, chắc sẽ có thể làm cho việc giải quyết vấn đề của Xintxốp trở nên đơn giản hơn nhiều.
“Thế nhưng tôi lại chẳng chạy theo!”, - Xintxốp nghĩ thầm trong bụng như vậy và đó là điều hoàn toàn trái ngược với những ý nghĩ trước đây thường nảy ra trong đầu óc anh, mỗi lần anh mơ ước được gặp Xerpilin như là mơ ước một điều gì hết sức viển vông. Chính anh cũng không nhận thấy rằng mình đã dần dần quen với cách suy nghĩ tuy vất vả nhưng rất đỗi tự hào, cho rằng tất cả mọi việc về số phận của anh nhất định sẽ được giải quyết đúng đắn mà chẳng cần phải gặp Xerpilin, tất cả sẽ được giải quyết không phải vì đã tìm ra được một người chứng kiến quá khứ của anh mà là vì đã có nhiều người đang biết rõ hiện nay anh chiến đấu ra sao: trong đó kể cả Malinin, cả tiểu đoàn trưởng, cả Karaulốp và kế cả cái anh chàng Kômarốp hiện giờ đang ho húng hắng ở đằng sau ấy nữa...
Có lúc anh đã van xin số phận nới tay cho mình, và lần ấy anh tưởng chừng như cuộc gặp gỡ với Liuxin đã là món quà số mệnh đem lại cho mình, nhưng kỳ thực về sau, té ra đó không phải là món quà mà lại là cái tát của số phận. Mặc dầu vậy, anh vẫn không thôi mơ ước rằng tất cả mọi điều sẽ được xác minh ngay một lúc, và trong những lúc như thế, anh thường hay nhớ tới Xerpilin hơn cả.
Nhưng giờ đây, anh lại muốn rằng tất cả mọi việc sẽ cứ tuần tự diễn biến theo tiến trình của nó, sẽ cứ diễn biến như hiện nó đang diễn biến, và muốn rằng trong khi giải quyết vấn đề của anh, người ta sẽ không phải tin vào tướng Xerpilin là người đã quen biết chính trị viên Xintxốp từ hồi trong túi áo anh ta còn có tấm thẻ đảng, mà muốn rằng người ta sẽ tin tưởng hoàn toàn, tin tưởng tuyệt đối vào chính bản thân anh, là một chiến sĩ hồng quân và bây giờ là hạ sĩ Xintxốp, đã cùng với hàng ngàn vạn người khác cũng như anh, không chịu để cho Maxcơva lọt vào tay bọn Đức và giờ đây đang đuổi chúng chạy bật trở lại...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét