Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 10

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Mười

Xintxốp không biết là mình đã nằm ngất đi trong bao lâu, trong năm phút hay một giờ, nhưng cảm giác đầu tiên mà anh thấy sau khi hồi tỉnh là sự yên tĩnh.
Anh ngẩng đầu rồi chống tay ngồi dậy, đưa lòng bàn tay quệt lớp máu đã dính kín hai mắt. Sau đó, anh đưa mắt nhìn quanh. Xung quanh chẳng có một ai.
- Dôlôtarép! - Anh cất tiếng gọi yếu ớt, và lần thứ hai anh gọi to hơn: - Dôlôtarép!
Anh tưởng Dôlôtarép đã hy sinh, nên chỉ đành đưa mắt để tìm kiếm. Nhưng khắp bốn xung quanh đều không thấy Dôlôtarép đâu cả, dù là còn sống hay đã chết.
Xintxốp sờ lên đầu. Khắp mái đầu toàn là máu, nhưng anh chỉ thấy đau một bên đầu ở phía trên thái dương. Anh để cho ngón tay móc phải lớp da toạc và bỗng rú lên. Một dòng máu lại trào xuống trán.
Anh cất mình đứng dậy, Anh không hiểu tại sao trong người thấy ớn lạnh, nhưng anh cảm thấy mình chưa đến nỗi yếu lắm và còn có thể đi được. Theo bản năng, anh áp lòng bàn tay vào ngực và hoảng sợ buông ngay tay xuống. Thoạt tiên anh trông thấy hai vết máu trên chiếc sơ mi lót và sau đó mới hiểu ra rằng trên người mình không còn có áo quân phục nữa.
Anh không tài nào suy đoán nổi những việc đã xẩy ra trong thực tế. Anh nghĩ khác, tưởng là trong lúc hôn mê mình đã cởi áo quân phục ra và nhét nó vào đâu đó cùng với giấy tờ. Anh đã từng suy tính nhiều lần rằng trong trường hợp không tránh khỏi chết thì phải kịp xé nát hoặc cất giấu giấy tờ đi. Có lẽ anh đã làm việc ấy trong lúc mê man.
Anh ngồi phịch xuống đất, bắt đầu lục lọi khắp xung quanh và trông thấy những vết đen kéo thành một vệt dài trên cỏ úa. Đó là máu của anh. Anh vừa ngồi lê dưới đất, vừa lấy tay vạch những bụi cây nhỏ mọc xung quanh, lần mò ngược trở lại theo vết máu của chính mình. Nhưng trong các bụi cây không thấy có áo quân phục, cũng chẳng thấy những giấy tờ mình đã quẳng đi, tóm lại là không tìm thấy gì cả.
Cuối cùng, anh lần được đến cây thông và nhận ra nó ngay, chính là anh đã ngã xuống chỗ này khi quả đạn nổ, không còn hồ nghi gì nữa cả.
Đúng là chỗ ấy đây rồi! Có cả một vết máu to đã thấm xuống đất. Anh lại áp tay lên ngực tựa hồ như chỉ tại mình có cảm tưởng là mình mặc áo sơ mi lót. Nhưng không có áo quân phục thật.
“Có lẽ, đây là Dôlôtarép tưởng mình chết rồi, nên lột áo mình ra...” - lần đầu tiên Xintxốp nghi nghi hoặc hoặc nghĩ thầm như vậy.
Xa xa, nghe có những tiếng vang của một trận đánh. Ở đó, súng vẫn đang nổ. Ta phải đến đó! Anh lại lắng tai nghe ngóng, lảo đảo đứng thẳng lên và trông thấy hai tên Đức đang đi về phía mình. Một tên cầm súng trường ở cách anh chừng ba chục bước, còn tên kia thì đã tới gần sát, chĩa khẩu tiểu liên vào anh:
- Hantơ! (Đứng lại!)
Xintxốp trông thấy cái miệng điên cuồng há hoác đến tận mang tai của tên Đức đang sẵn sàng xả đạn vào bụng anh. Anh thản nhiên nghĩ tới khẩu súng lục nằm trong túi quần đã hết đạn từ lâu và giơ tay lên, cảm thấy rằng nếu chúng cứ bắt mình đứng như thế hồi lâu thì mình sẽ quay lơ ra mất.
Từ lúc Xintxốp bị thương ngất đi cho tới lúc ấy đã được hơn một giờ, và quân Đức đã càn quét khu rừng này một cách có hệ thống, sau khi trận đánh lan ra đến đây rồi chuyển về phía đông.
Tên Đức cầm khẩu súng trường cùng những tên Đức khác ở phía xa hơn tiếp tục tiến qua rừng, còn tên cầm tiểu liên lấy mũi súng chỉ đường rồi dẫn Xintxốp quay lại phía mà sáng nay anh đã cùng Dôlôtarép từ đó đi ra.
Xintxốp đi từ từ, mặc cho tên Đức cứ bực mình quát tháo và thậm chí một lần đã lấy tiểu liên thúc nhẹ vào ngang thắt lưng anh.
Xintxốp đã đỡ chóng mặt và có thể đi nhanh hơn, nhưng anh không đi nhanh, vì cóc sợ gì tên Đức đang đi đằng sau mình cả.
“Kệ cha nó, cứ cho nó bắn đi”, -anh vừa thản nhiên nghĩ thầm vừa lắng nghe tiếng súng nổ đang xa dần.
Tên Đức cầm tiểu liên dẫn Xintxốp tới toán tù binh ngồi ở cửa rừng, rồi vừa nói gì với hai tên Đức đã luống tuổi đang cầm súng trường đứng gác, vừa trỏ vào anh. Một tên rút cuốn sổ ra, thoạt tiên ghi dấu chữ thập, sau đó hi hoáy viết những gì đấy, có lẽ là họ tên của thằng Đức đã dẫn Xintxốp đến, và thằng này còn ngoái nhìn lại một lần nữa rồi mới quay đi. Tên Đức già cầm sổ nhìn vào đầu đẫm máu của Xintxốp mà nói:
- Dêtx đikh! [Ngồi xuống!]
Xintxốp ngồi xuống cạnh bốn tù binh khác: một người bi thương ở tay, một người quấn băng ở cổ, một ngươi nữa luôn luôn nhổ ra máu, anh ta bị rách má và mồm.
Xintxốp nom nét mặt người chiến sĩ bị thương ở tay có vẻ quen quen, thế mà đúng thật.
- Đồng chí chính trị viên, - người chiến sĩ đó nhích tại gần anh thì thầm, - té ra lại phải gặp nhau ở chốn này. May mà đồng chí đã kịp cởi bỏ áo quân phục!
- Tôi cũng chả nhớ cởi ra lúc nào.
- Có sao, cởi được ra là tốt rồi, - người chiến sĩ vẫn thì thầm với cái giọng thông cảm ấy. - Tội gì để chúng xử bắn mình một cách vô ích!
Về sau đã nhiều lần Xintxốp còn phải nhớ lại câu nói đó.
- Thế mà chúng mình cứ mơ tưởng là đã hoàn toàn thoát nạn rồi! - Người kia im lặng chốc lát rồi nói tiếp. - Không ngờ lại thế này!
Té ra hôm ấy, ở trên đường ôtô, anh này đã cùng Khôrưsép quay lại chỗ đơn vị xe tăng và cùng họ vượt vòng vây trong chín hôm. Nhưng hôm nay, trong khi đánh nhau, anh bị thương, đang phải băng bó thì bị tụt lại sau và rơi vào tay bọn Đức.
- Cách xa đây không?
- Chừng ba cây số.
“Thế nghĩa là dù sao Klimôvíts cũng đã đưa được anh em lính xe tăng chạy thoát ra khỏi Ennha”, - Xintxốp nghĩ thầm, vừa kính phục vừa thấy thèm muốn một cách đắng cay.
- Từ giờ tôi sẽ không gọi đồng chí theo cấp bậc nữa, - người chiến sĩ lại thì thầm. - Kẻo chúng nghe lỏm được.
Quả thực bọn Đức đang nghe ngóng, mặc dầu hình như chúng chẳng hiểu gì hết.
- Svaigân! Svaigân! - một tên cố làm ra vẻ hung dữ quát lên. [Im lặng! Im lặng!]
Bọn chúng không muốn tù binh trò chuyện với nhau.
Ba giờ sau, bọn Đức tập trung ở cửa rừng tất cả những ai bị bắt làm tù binh trong khu rừng này sau khi bộ đội Nga đánh thọc qua, và chúng lùa họ đi thành đoàn về phía Bôrốpxk, mới đầu theo đường rừng, sau đó theo đường ôtô.
Đoàn gồm khoảng bốn mươi người, một nửa là thương binh nhẹ. Không có ai phải khiêng cả. Theo lời tù binh thì thầm kháo nhau thì tất cả những người bị thương nặng đều đã bị bọn Đức bẳn chết tại chỗ ngay trong rừng. Nếu không kể cái đó thì bọn áp giải cũng không tỏ vẻ tàn ác lắm, chỉ thỉnh thoảng lại thúc giục đoàn tù và quát lên: “Svaigân! Svaigân!” khi nhận thấy có người nói chuyện.
Có thể là đến đây quyển sổ áp giải có những chữ thập hay nói đúng ra là con số tổng cộng các tù binh, đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quyển sổ này bây giờ đã chuyển từ tay tên lính Đức già sang tay một tên trung úy Đức cũng đứng tuổi, có đôi chân sếu dài nghêu, đang đi áp giải toàn đoàn. Hắn đang ủ rũ bước bên vệ đường, mặt cúi gằm xuống đất, không trông coi mấy tên lính áp giải mà cũng chẳng nhìn ngó anh em tù binh.
- Cứ thế này chúng lùa đi đến tận tối, đến nơi phân loại của chúng đấy, - người chiến sĩ quấn lớp băng bẩn ở cổ, vừa tập tễnh đi bên cạnh Xintxốp vừa thì thầm, sau đó chúng sẽ bắt xếp hàng rồi lắc đầu hồi: “Nikht ôphitxir? Nikht politruk? Nikht iuđe?...”, “iuđe” theo tiếng của chúng nghĩa là người Do Thái.
[Có ai là sĩ quan không? có ai là chính trị viên không? có ai là Do Thái không?]
- Làm sao cậu biết? - Xintxốp hỏi.
-Tôi đã bị chúng bắt một lần rồi. Đã bỏ trốn, bây giờ lại bị một mẻ nữa! Mà bao giờ lục vấn tất cả mọi người xong đâu đấy rồi chúng mới thí cho ăn.
Người chiến sĩ có cái cổ quấn băng này là một trong bốn người mà tên Đức đã dẫn Xintxốp đến nhập bọn khi ở trong rừng. Lúc họ còn đang ngồi đó, Xintxốp đã lén rút được khẩu súng lục không có đạn của mình ra khói túi và nhét vào đám rễ cây tùng, bởi vì khẩu súng đó cộng với chiếc áo quân phục đã cởi bỏ, sẽ có thể làm mình lộ chân tướng.
Nhưng liệu có kẻ nào trong số bốn người kia sẽ phản anh không? Một người đã biết anh là chính trị viên, còn ba người kia thì có thể là đã nghe thấy người nọ xưng hô với anh theo cấp bậc, lúc còn ngồi ở trong rừng.
Mãi đến bây giờ, khi người chiến sĩ quấn băng ở cổ sực nói tới việc phân loại, Xintxốp mới nẩy ra ý nghĩ kể trên, nhưng anh suy nghĩ rồi lại xua đuổi ngay cái ý nghĩ này ra khỏi đầu óc: “Họ sẽ không khai đâu, cả cái cậu quấn băng ở cổ kia cùng sẽ không khai đâu. Anh ta nói tới việc phân loại không phải để ám chỉ việc ấy đâu, mả ngược lại, để báo cho mình biết trước mà đề phòng thôi...”.
Sau khi đi được hai giờ, đoàn tù rời đường ôtô rẽ vào con đường nhánh, rồi lại rẽ sang một con đường khác. Con đường này bị một đường hào chống tăng cắt ngang, lúc này thấy có một đám đàn bà đang bị bọn Đức ốp ra lấp cái hố đó bằng xẻng và tay không.
- Thật là chẳng coi công lao động của người ta ra cái quái gì cả! - một người nào đó trong đoàn kêu lên.
- Chúng trừng trị mà lại! - một người khác cũng đáp lại rõ to. - Chắc chúng bảo: chúng mày tự tay đào ra để đánh chúng tao thì bây giờ phải tự tay lấp lấy!
- Svaigân!
Chị em phụ nữ chỉ hơi chểnh mảng cái công việc khổ sai của mình một chút để lấm lét nhìn anh em tù binh thì bọn lính ốp họ đã trông thấy và quát tháo họ bằng cái giọng thô bạo và khản đặc như bị cảm lạnh.
- Chắc chúng lại văng cha chửi mẹ theo cái tiếng Đức nhà chúng nó đây, - anh chàng quấn băng ở cổ nói với Xintxốp.
Đi khỏi cái hố chống tăng được một cây số, bọn áp giải bắt đoàn tù đứng lại cạnh một cái làng hoang vắng đã bị đại bác tàn phá nặng, ở rìa làng có một tòa nhà xây bằng đá hầu như không bị hư hỏng gì với biển đề: “Nhà hộ sinh”.
Mặc dầu xung quanh là cảnh chiến tranh tàn phá, tòa nhà này vẫn phảng phất còn lại một nét gì mới mẻ. Có lẽ nó mới được xây xong vào mùa xuân hay đầu mùa hè năm nay, ngay trước khi nổ ra chiến tranh.
Té ra chúng dừng đoàn tù lại trước tòa nhà này để cho ăn uống và để băng bó cho những người bị thương, cả hai việc đó đều do những bàn tay người Nga làm. Hàng núi khoai tây và củ cải nuôi gia súc đổ đầy trên sàn bếp của nhà hộ sinh. Hai người đàn bà đang nấu mì trong một chiếc thùng và một chiếc chảo tráng men to bắc trên lò. Trong bếp bốc lên mùi khói, mùi đất và mùi vỏ khoai, vỏ củ cải. Ở đây người ta nấu nướng không phải để cho tù binh mà là cho đám dân chúng bị lùa đi làm công việc đất đá ăn; nhưng rõ ràng là tên trung úy áp giải đoàn tù đã nắm được tình hình, nên đã sải đôi chân sếu dài ngoẵng của hắn mà đưa cả đoàn đi thẳng đến đây.
Trong bếp vẻn vẹn chỉ có mười cái đĩa sâu bằng nhôm; tù binh phải xếp hàng nối đuôi nhau để bà nấu bếp múc vào đĩa cho mỗi người một muôi cái thứ chất lỏng đục ngầu hăng hắc, lổn nhổn khoai tây và củ cải giở sống giở chín. Và mỗi khi trông thấy trong số người bước đến có những anh quá hom hem hốc hác thì lần nào bà ta cũng khóc nức lên vì thương hại.
Thứ canh này nóng như lửa, nhưng ai nấy đều phải ăn vội ăn vàng đến phát bỏng mồm để cho bạn khỏi chờ lâu. Còn tên Đức thì đứng bên bà nấu bếp theo dõi, để bà ta khỏi múc thêm và để không một tù binh nào được lĩnh lần thứ hai.
Xintxốp ăn hết đĩa xúp của mình, phát bỏng mồm lên và suýt nữa thì nôn tháo ra. Lấy tay bưng miệng, anh phải nuốt chửng cơn buồn nôn đang dâng lên cổ, rồi bước sang phòng bên cạnh bếp, nơi băng bó cho thương binh.
Có lẽ trước kia đây là phòng đẻ, nhưng bây giờ chỉ còn thấy chỏng chơ có một cái bàn với hai chiếc ghế đẩu. Sát chân tường có mấy thân hình đắp những vật linh tinh đang nằm dài trên lớp cỏ khô trải vải bẩn. Một người đang rên rỉ não nuột. Hình như đó là một người đàn bà.
Có hai người băng bó cho thương binh: một nữ y tá đã luống tuổi bị tàn phế, vẹo hẳn một bên sườn và một bác sĩ già rất to béo, có bộ mặt sư tử, với hai bàn tay còn khỏe và rất thành thạo, nhưng chốc chốc hai bàn tay đó lại run bắn lên, hoặc do tuổi già, hoặc bởi vì ở đây cũng có một thằng Đức đứng ốp như ở trong bếp. Chỉ có cái khác là tên Đức trong bếp luôn mồm kêu: “Hênúc! Hênúc!” [Đủ! Đủ!], còn tên này thì cứ giục: “Snelơ! Snelơ!” [Nhanh hơn! Nhanh hơn!]
- Cố chịu đau nhé, - ông bác sĩ bảo Xintxốp khi anh ngồi lên ghế đẩu và chìa đầu ra.
Sau khi phun nước hiđrô perôxít vào vết thương kêu xèo xèo, ông ta mạnh tay móc vào những mẩu da toạc, đưa mấy nhát kéo xén trụi tóc quanh mép vết thương, rồi bôi iốt vào xót đến nỗi Xintxốp phải kêu rú lên. Đoạn ông ta đặt một cái gì lên trên, lại lấy ngón tay ấn vào vết thương một lần nữa làm anh đau điếng người, rồi đẩy anh ngồi sang chiếc ghế đẩu tiếp theo mà bảo bà y tá:
- Băng lại!
Người đến sau với những ngón tay dập nát đã ngồi vào chỗ Xintxốp.
Bà y tá hơi khập khiễng trên cái chân thọt và vặn vẹo một bên vai, bắt đầu băng đầu cho Xintxốp, mồm lẩm bẩm ra ý bực tức. Thoạt tiên Xintxốp không thể hiểu nổi bà ta nói gì, nhưng sau đó hiểu là bà đang chửi bọn Đức cứ đứng ốp ông Nicôlai khiến ông ta không thể làm việc bình tĩnh được. Chắc là cả hai ông bà bác sĩ và y tá già này đã cùng làm việc với nhau từ đời nảo đời nào, cho nên bây giờ bà ta mới tỏ vẻ thương hại ông bác sĩ của mình hơn là thương hại anh thương binh như thế.
Lúc này Xintxốp mới trông thấy gương mặt của ông bác sĩ phẫu thuật, gương mặt mà anh không thể trông thấy khi còn ngồi trên ghế đẩu bên cạnh ông, và mới hiểu rằng con người ấy phải chịu đựng một cực hình như thế nào khi bị bắt ép làm việc như một lão lang băm chữa bệnh cho ngựa. Tên Đức sẽ không chịu đợi gì ai, mà ông thì chỉ muốn cho thật nhiều thương binh đi qua bàn tay bắt buộc phải tàn nhẫn nhưng thành thạo của mình! Khuôn mặt sư tử của ông, với hai hàng lông mày bạc, và với cái mũi tẹt rộng và bộ ria cứng vênh lên như ria mèo, đã ướt đẫm mồ hôi vì căng thẳng, trông thật khổ sở và hung dữ. Nếu có thể được, chắc hẳn ông đã dùng con dao mổ chọc thẳng vào họng cái tên Đức khốn kiếp kia đang hối thúc ông như một cái máy: “Snelơ! Snelơ!...”
Đúng một giờ sau, đoàn người đã phải tập hợp lại. Một bộ phận thương binh còn chưa được băng bó nhưng tên trung úy chân sếu đã nhìn vào chiếc đồng hồ của hắn, và sau đó thì bất kỳ những việc gì còn lại cũng đều không có nghĩa lý gì nữa cả. Bọn áp giải có vẻ muốn đưa bằng được tù binh đến đúng địa điểm đã định, do đó mỗi lúc chúng một quát tháo dữ dội hơn và dấn bước nhanh hơn.
Nhưng bỗng nhiên tất cả những việc ấy đã dừng cả lại và đoàn người phải đứng lại rất lâu.
Té ra đằng trước có một đoàn xe Đức chạy qua làm nghẽn mất đường, và chỉ đứng đây nhìn cũng đủ thấy dường như đoàn xe đó là vô cùng tận. Cố nhiên, đoàn tù có thể rẽ sang bên cạnh để đi vòng qua, nhưng ở nơi này rừng cây kéo tới sát hai bên đường, và hình như tên trung úy chân sếu không hề có ý cho đi vòng vào rừng để vượt chỗ nghẽn.
- Thế là đứng rồi nhé! - Anh chiến sĩ quấn băng ở cổ nói với Xintxốp; họ lại đi bên nhau.
- Vậy cậu không được băng bó à, không kịp à? - Xintxốp hỏi.
- Mình có bị thương đâu, chỉ bị nhọt thôi... Bây giờ chúng mình sẽ đứng chơi thôi, - anh nói tiếp. - Cậu cho là chúng nó có trật tự à? Chúng nó chả có trật tự gì, cũng loạn xị thôi. Lần trước, khi mình bị lùa vào trại, trong suốt hai ngày chưa trốn được, mình đã ngắm chán cái cảnh mắc nghẽn này rồi, và lần nào mình cũng nghĩ thầm: không quân ta đâu rồi nhỉ? - Anh im lặng giây lát rồi nói vẻ mơ ước: - Chà, giá bây giờ có thuốc hút cho đỡ buồn nhí!
Xintxốp không trả lời, nhưng ông bạn đồng hành vẫn không nín lặng được:
- Khi người ta băng cho cậu, cậu có thấy những người nằm trên nền nhà không?
- Có thấy, - Xintxốp nói. - Theo tớ thì một người là đàn bà...
- Không phải một mà là tất cả! Khi múc xúp cho tớ bà nấu bếp bảo thế đấy. Tất cả đều là các bà, và tất cả đều bị cụt tay ráo. Quân ta có gài mìn ở một chỗ bên cạnh hố chống tăng, thế là chúng bắt các bà dùng tay bới mìn. Còn những ai bị nổ mìn chết thì chúng đã vùi ngay dưới hố chống tăng ấy rồi.
Suốt ngày hôm nay, từ những phút đầu tiên bị bắt, Xintxốp đã đâm ra rất chán nản, nhưng bây giờ bỗng nhiên anh lại trở nên không thờ ơ, bất kể là quân Đức có mang bắn anh hay không, anh có đi đến nơi không, hay ngã xuống và bị bắn chết dọc đường... Anh lại muốn dùng bất cứ cách gì để trốn thoát và không phải chỉ trốn thoát thôi, mà trốn thoát để sau này tiêu diệt quân Đức, bắt chúng phải đền tội về việc chúng đã bắt phụ nữ dùng tay không mà lấp hố chống tăng, về việc chúng đã khiến cho họ bị mìn nổ cụt mất tay...
Khi hai chiếc máy bay “IL” đầu tiên gầm rú và lao vút phía trên đường, cả Xintxốp lẫn anh em tù binh khác vẫn chưa hiểu việc gì đã xảy ra. Chính nhờ bọn Đức nên lát sau họ đã hiểu: bọn Đức thi nhau từ trên ôtô nhẩy bổ xuống rãnh, bọn lính áp giải cũng lăn nhào xuống đất, trong lúc mỗi lúc một thêm nhiều máy bay lao vun vút phía trên đường...
Có ai kêu thất thanh như đang rãy chết, một phần tù binh nằm lăn ra đường, còn mấy người khác lại vẫn đứng trơ ra mà nhìn lên trời như bị thôi miên.
- Niđer! Txu bôđen! Zêchtơ ôikh!... - Tên trung úy Đức nằm bò ra đất, quát tháo tù binh.
[Nằm xuống! Nằm xuống đi!]
Mọi vẻ bình tĩnh của hắn đã biến mất, hắn gào thét và luống cuống giật khẩu “Parabenlum” đang bị vướng trong bao. Chắc là hắn thấy kinh khủng và nhục nhã vì phải chui rúc trên đường như con sâu, con bọ, còn những người tù này thì lại đứng thẳng cả người lên ngay trên đầu hắn. Nhưng máy bay vẫn tiếp tục lướt qua, nã súng máy xuống, và hắn chẳng còn hơi sức đâu để bắt buộc mình phải đứng dậy cũng như bắt buộc anh em tù phải nằm xuống. Không, hắn vẫn bắt họ nằm xuống.
- Txu bôđen! - hắn lại quát, rồi dùng khẩu “Parabenlum” bắn vào đám đông tù binh vẫn đang còn đứng túm tụm trên đường.
- Các đồng chí, chạy đi! - Xintxốp nhác thấy anh chiến sĩ quấn băng ở cổ ôm đầu gục xuống chân mình, liền thét lên một cách đột ngột mà chính mình cũng không ngờ tới nữa. - Chạy đi! - anh lại thét lên lần nữa, nhảy phắt qua rãnh, rồi đạp gẫy bụi cây và đâm bổ vào rừng, tai nghe tiếng mấy người nữa cùng chạy, đạp gãy cành cây kêu răng rắc. Trên đầu có tiếng súng máy nổ tới tấp, còn đằng sau thì nghe tiếng nổ và tiếng tiểu liên bắn hàng tràng.
Xintxốp không sao biết được có bao nhiêu người đã chạy thoát trong hôm ấy: anh em chạy tán loạn vào rừng, tỏa ra nhiều phía khác nhau, thành thử không gặp được nhau nữa. Anh đi, đi hầu như không nghỉ, chỉ thỉnh thoảng ghé ngồi tạm vài phút để lấy hơi thở, đi suốt cả phần thời gian còn lại của cái ngày tháng mười ngắn ngủi ấy cho tới lúc trời tối hẳn, và rồi đi suốt cả đêm nữa. Anh đi qua rừng, qua một cái làng bị đốt trụi nào đó rồi lại qua rừng, lần qua hai đường hào chống tăng và những công sự đã bỏ hoang. Anh vấp phải các xác chết trong một công sự và cũng nhờ đó anh mới sống sót được, nếu không có lẽ anh cũng chết cóng mất rồi. Anh cởi lấy một áo quân phục và một áo lót bông gần như mới chỉ hơi vấy máu, ở mép của người đã chết cạnh xác một người khác, anh lại nhặt được một chiếc mũ trùm tai của người đó văng ra, và anh nghiến răng lại ấn chiếc mũ vào đầu mình, trùm lên cả đám bông băng. Anh định cầm lấy khẩu súng trường nằm lăn lóc ngay đó, nhưng té ra súng đã mất khóa nòng, anh đã lần mò sờ soạng khắp xung quanh mà vẫn không tìm thấy. Sau đó, anh vượt qua hai con đường, một con đường vắng tanh vắng ngắt, còn con đường kia anh vượt qua vừa đúng được một phút thì có một đoàn môtô Đức chạy qua.
Anh luôn ngửi thấy mùi cháy khét lẹt, thấy những ánh lửa và thấy súng nổ khi ở bên trái, khi ở bên phải mình. Lúc ấy anh đã có cảm giác mình đang vượt qua mặt trận, và tình hình quả thực là như vậy...
Nhưng khi trời vừa hửng sáng, lúc anh bị kiệt sức ngã gục xuống đất trong khoảng rừng rậm thì anh lại thấy tiếng đạn pháo nổ vang rền, không ở bên phải, bên trái, hay đằng sau mình nữa, mà ở đằng xa, phía trước mặt. Vì quá mệt mỏi, nên anh không thể suy xét được và anh không hề nghĩ ra rằng những tiếng nổ xa xa đó có thể chỉ là máy bay Đức ném bom xuống hậu phương của ta mà thôi. Thậm chí ngược lại, anh nghĩ rằng trước đó mình chỉ tưởng là đã vượt qua mặt trận, chứ thực ra chiến tuyến vẫn ở đằng trước như cũ.
Quyết tâm tìm mọi cách để trốn thoát, nhưng không muốn liều mạng vô ích. anh bèn uống mấy vốc nước đầm rồi chui vào bụi nằm. Tốt hơn hết là đợi đến tối và tìm cách vượt qua mặt trận vào ban đêm: anh trông mong vào ban đêm hơn là ban ngày. Sau khi quyết định như vậy, anh ngủ thiếp đi mấy tiếng đồng hồ liền. Anh ngủ say như chết và khi tỉnh dậy thấy trời đã bắt đầu hơi ngả màu xám.
Anh đứng dậy rồi lại lên đường, và còn đi được thêm năm cây số nữa trong khu rừng vô tận đó. Có một lần anh nghe thấy tiếng người, thậm chí còn nghe cả một phát súng nổ rất gần khiến anh giật cả mình. Kể ra nếu anh đi ngay đến chỗ có tiếng người và tiếng nổ đó thì anh đã lọt vào khu vực của một tiểu đoàn quân y đóng ở đấy rồi. Nhưng anh vẫn đinh ninh là mình chưa vượt qua mặt trận, cho rằng cả tiếng nói lẫn tiếng súng ấy đều là của quân Đức, nên cứ tiếp tục đi hoài.
Cuối cùng, khi trời đã hầu như tối hẳn, anh từ trong rừng đi ra một cảnh đồng có một đường hào chống tăng đào lổn nhổn. Anh lần qua cái hào chồng tăng đó và đi đến một xóm nhỏ mới lập gồm ba căn nhà nhỏ có những hàng dậu chạy dài phía sau.
Anh trèo qua gò đất, tiến lại gần ngôi nhà ngoài cùng, bốn bề im lặng như tờ. Anh nghĩ là ngôi nhà không có người ở, nhưng khi bước lại gần hơn thì thấy có một người chiến sĩ đã đứng tuổi, xách thùng từ một góc nhà đi ra về phía anh
Và chính việc đó đã diễn ra như một chuyện thần kỳ ! Chính cái việc người chiến sĩ xách thùng đi ra giếng một cách thoải mái như vậy đã khiến Xintxốp không nghi ngờ gì nữa : anh đã về tới chỗ quân ta.
Xintxốp nhìn người chiến sĩ, còn người chiến sĩ thì nhìn Xintxốp. Xintxốp trẻ hơn người chiến sĩ xách thùng bởi vì người này trông trạc độ bốn mươi, nhưng Xintxốp không hình dung được rằng bây giờ với bộ râu mười hai ngày không cạo xổm xoàm như thế thì trông mình ra thế nào. Do đó anh rất ngạc nhiên khi người chiến sĩ xách thùng kia chăm chú nhìn anh và hỏi:
- Bố cần gì thế hả bố?
Anh lặng lẽ tiền lên hai bước về phía người chiến sĩ xách thùng, khiến người ấy thậm chí phải thụt lùi lại mà hỏi:
- Cụ đến tìm ai?
Nhưng Xintxốp vẫn im lặng như trước, giơ cả hai bàn tay ra và bắt đầu lắc mạnh bàn tay của người chiến sĩ cùng với cái thùng, khiến nó kêu loảng xoảng trên tay anh ta.
- Ra đến nơi rồi!... - mãi sau anh mới thốt nên lời.
- Ra đến nơi rồi thì cứ ra, - người chiến sĩ nói, chiếc thùng trong tay vẫn lúc lắc vì Xintxốp vẫn tiếp tục lay mạnh. - Lắc gì mà lắc khiếp thế! Từ đây đến hỏa tuyến còn những hai chục cây số. Vậy mà không gặp ai trước tôi hay sao?
- Không. Tôi đi ban đêm còn ban ngày thì nằm trong rừng. Tôi cứ tưởng là còn phải đi một đêm nữa...
- Thế cấp bậc của đồng chí là gì ạ? - người chiến sĩ ngó nhìn bộ râu muối tiêu của Xintxốp chăm chú hơn trước, rồi đã chuyển sang gọi anh bằng “đồng chí” mà hỏi vậy.- Chắc cũng phải là đại tá rồi chứ ạ? Hay còn cao hơn nữa ạ?
Trong cặp mắt anh ta thậm chí còn ánh lên một vẻ hài lòng: biết đâu mình lại chẳng gặp đúng một vị tướng vừa ra khỏi vòng vây cũng nên? Mặc dù tình hình chung là rất nặng nề, nhưng giá có một câu chuyện như vậy thật thì anh cũng sẽ phấn khởi không ít.
Nhưng Xintxốp đã làm cho anh ta cụt hứng:
- Tôi là chính trị viên.
- Thế thì, đồng chí chính trị viên ạ, hoặc đồng chí đợi tôi, bây giờ tôi còn ra giếng lấy nước, hoặc đồng chí cùng đi với tôi, rồi tôi sẽ đưa đồng chí đến chỗ chính trị viên trưởng của chúng tôi. Đồng chí đã từ vòng vây chạy ra vừa vặn đúng cái nhà của anh ấy đấy!
Xintxốp đi theo anh ta ra giếng, đợi anh ta múc nước xong rồi quay lại ngôi nhà, lòng vẫn chưa tin hẳn vào niềm sung sướng của mình.
- Ờ... đồng chí để được bộ râu hợp đấy. - Người chiến sĩ dẫn Xintxốp vào nhà, đặt thùng xuống, rồi mở một trong hai cái cửa ăn thông vào buồng trong: - Đồng chí chính trị viên trưởng, xin phép báo cáo! Tôi đã đưa đến đây một đồng chí chính trị viên vừa mới thoát khỏi vòng vây!
Trong nhà có một người trạc trung niên đang ngồi sau bàn và húp xúp trong chiếc cà mèn đặt trên tờ báo. Ông ta ngồi húp xúp với dáng rầu rĩ, tay chống vào má theo kiểu đàn bà, và rồi vẫn để tay như thế ông quay người nhìn ra phía cửa. Bộ mặt ông trông phúc hậu, dịu dàng, hơi có vẻ đàn bà; những phù hiệu có một vạch trên cổ áo ông đều màu xanh, rõ ràng là của không quân, do đó Xintxốp kết luận rằng mình đã lọt vào một đơn vị không quân.
Một chân của chính trị viên trưởng xỏ vào ủng, còn chân kia thì đi bít tất len. Một chiếc ủng nằm trên nền nhà, cạnh bàn dựng chiếc ba toong tự tạo chạm trổ rất khéo.
“Chắc là cậu chiến sĩ này đã chạm trổ cho ông ta”, - không hiểu sao Xintxốp lại nghĩ vậy, mặc dầu lúc này anh có thể nghĩ đến hàng nghìn việc khác quan trọng hơn nhiều.
- Thế hả, vào đây, - chính trị viên trưởng nói và hơi nhổm dậy, chìa tay ra. - Chà, khổ quá nhỉ! - ông nói, giọng thông cảm. - Đói lắm hả?
- Trước hết xin cho uống trà! - Xintxốp đáp; mặc dù đã hai ngày hai đêm nay không có tí gì vào bụng, nhưng anh muốn uống cho ấm người lên cái đã.
- Trà thì sẽ có trà, - chính trị viên trưởng gật đầu chỉ cái ấm đặt trên bàn, nói vậy. -Nhưng hẵng tạm chén cái này đi đã. - Rồi ông lấy ruột bánh mì lau sạch chiếc thìa, đẩy cà mèn với cả tờ báo về phía Xintxốp.
Xintxốp cầm thìa và bắt đầu ăn, còn chính trị viên trưởng thì ngồi đối điện và nhìn anh, không phải nhìn anh ăn mà nhìn thẳng vào mặt anh.
Khi trong cà mèn còn lại vài thìa, Xintxốp đã bắt gặp cái nhìn đó và sực nhớ ra là mình vẫn đội mũ. Anh liền buông thìa và cà mèn ra một cách chật vật, rối dùng cả hai tay nắm lấy mũ, lôi nó ra, miệng kêu ối lên một tiếng vì đau. Ở bên trong, có chỗ mũ hơi dính vào băng.
- Đồng chí bị thương à? - chính trị viên trưởng nhác thấy lớp băng có vết máu xẫm bèn hỏi.
Nhưng Xintxốp cố húp nốt hai thìa cuối cùng rồi trả lời:
- Không nặng lắm. Tôi bị choáng đến nỗi phải chật vật lắm mới tỉnh lại được; còn vết thương thì chỉ là mất một mảng da với ít tóc...
- Thế đồng chí được băng bó ở đâu? - chính trị viên trưởng rót một ca trà và đẩy về phía Xintxốp.
Câu hỏi cũng là tự nhiên thôi: khi đi đường Xintxốp không hề bỏ mũ ra lần nào nên lớp băng hầu như còn mới tinh. Anh kể lại mình đã được băng bó ở đâu và như thế nào, rồi từ chuyện đó anh kể lại tất cả những chuyện khác.
Hồi tháng sáu và tháng bảy ông chính trị viên trưởng ngồi trước mặt anh cũng đã từng phải vượt vòng vây từ tận biên giới, sau đó ông phải nằm viện rồi xin ra viện trước thời hạn, và mới trở lại mặt trận vẻn vẹn được có ba hôm. Ông nghe Xintxốp kể lại với vẻ thông cảm và không thấy trong câu chuyện của anh có gì đáng lạ lùng cả, có chăng chí trừ một điều là một người đã gặp bao nỗi gian nan như vậy, mà nay vẫn lại đang ngồi trước mặt ông, vẫn còn sống và nói chung là còn mạnh khỏe.
- Tôi có ngờ đâu là mình vượt quá mặt trận những hai chục cây số và chạy ra đúng vào chỗ anh em phi công như thế này? - Xintxốp vừa nói vừa đẩy cái ca không sang bên cạnh.
Rõ ràng là chính trị viên trưởng đã nhiều lần bị hiểu nhầm như vậy lần giải thích này không phải là lần đầu tiên. Ông nhếch mép cười:
- Đừng căn cứ vào phù hiệu. Số là những ngày đầu chiến tranh tôi làm chính ủy một tiểu đoàn bảo vệ sân bay. Chúng tôi không phải là phi công, mà chỉ là tiểu đoàn công binh. Tiểu đoàn trưởng và chính ủy cũ đã chết vì một quả bom Đức. Tôi từ quân y viện đến thẳng đây, còn tiểu đoàn trưởng mới thì do ủy ban quân vụ huyện cử đến. Chúng tôi đào hầm suốt ba ngày đêm nay. Cái phòng tuyến chúng tôi đào hầm đầu đã bị người ta bỏ lại rồi. - Ồng bực tức lắc đầu. - Theo tôi, nếu cứ đào bới rồi lại bỏ đi thì thà ném quách ra trận đánh nhau như bộ binh để báo vệ Maxcơva còn hơn! Mặc dù người ta bảo là thiếu cả súng trường đi nữa. Súng nằm ở đâu chẳng biết, còn chúng tôi thì phát khóc lên vì súng.
- Thế nghĩa là tình hình gần Maxcơva gay lắm sao? - Xintxốp hỏi với một giọng đau khổ.
Từ khi chiến tranh bắt đầu đến nay đã bao lần anh tưởng rằng cái gay go nhất đã lùi lại phía sau, thế mà té ra nó lại vẫn ở đằng trước! Và ngay cả bản thân mấy tiếng Maxcơva mà lần đầu tiên anh nói ra cửa miệng bỗng nhiên làm anh xúc dộng, mặc dầu mấy tiếng ấy cũng chí do chính anh nói ra mà thôi. Gần Maxcơva!... Không có gì kinh khủng hơn thế nữa!
- Dĩ nhiên chúng tôi chỉ là những con chuột chũi, công việc của chúng tôi là đào đất, nhưng cũng thật là gay go, - chính trị viên trưởng im lặng chốc lát rồi bất đắc dĩ thốt lên như vậy, đoạn ông nhìn bộ mặt tái nhợt của Xintxốp, nhìn vào lớp băng buộc trên đầu anh, nói thêm: - Tiểu đoàn quân y ở cách đây không xa lắm đâu.
Xintxốp lắc đầu:
- Không, tình hình đã như vậy thì tôi chỉ muốn được chiến đấu ngay. Nếu đồng chí cho phép, tôi sẽ ngủ lại ở đâu đây, rồi sáng mai lại lên đường.
- Đi đâu?
- Ra mặt trận, theo bất cứ đợt bổ sung nào và vào bất cứ đơn vị nào. Không có giấy tờ trong lúc này thì chẳng hòng làm gì nhiều hơn được, nhưng nếu chỉ xin làm chiến sĩ thôi thì tôi chắc người ta sẽ nhận!
Chính trị viên trưởng không hề ngạc nhiên: từ lúc Xintxốp kể được nửa chừng câu chuyện, ông ta đã chờ đợi sự thú nhận đó, bởi vì những ai thoát khỏi vòng vây có đủ giấy tờ thì thường thường ngay từ đầu họ đã lập tức xuất trình giấy tờ với vẻ tự hào. Xintxốp bèn kể lại tỉ mỉ vì sao đến nỗi anh không còn giấy tờ gì. Anh kể xong, nhưng bỗng cảm thấy hình như lần đầu tiên người tiếp chuyện đã nhìn mình với vẻ nghi ngờ, tựa hồ muốn nỏi: “Thôi anh bịa ra làm gì? Thôi, thấy quân Đức đến anh lại đem giấy tờ xé đi hay chôn quách đi rồi... Thôi, thế là đủ rõ rồi! Cũng là chuyện thường tình. Thế thì nói dối làm gì?”.
- Thôi nhé. - chính trị viên trưởng nói to, - đã vậy thì cứ ngủ ở đây với cậu chiến sĩ đã gặp anh lúc nãy, cậu Ephrêmốp ấy mà, còn tôi thì phải đi đây. Nghe như chiếc xe tải đã đến đón tôi rồi.
Quả thực mấy phút trước đó có tiếng ôtô bóp còi, rồi tắt máy phía ngoài cửa sổ.
- Ở đây công việc của chúng tôi thật ngập đầu: hết đào hố, lại đến đắp ụ... Mà cũng chẳng còn cách nào khác... - Ông ta định nói tiếp nhưng lại ngừng lời. Sau khi nghe Xintxốp kể lại điều mà ông không tin được thì ông không còn muốn cởi mở nữa. - Ừ, đồng chí ngủ đi, - ông nhắc lại. Đến sáng mai, tôi với đồng chí tiểu đoàn trưởng sẽ giới thiệu để đồng chí đi... Ephrêmốp này, Ephrêmốp!
- Báo cáo chính trị viên trưởng, tôi xin nghe lệnh đồng chí! - Ephrêmốp hiện ra trên ngưỡng cửa và nói.
- Ephrêmốp, nhờ cậu giúp tớ xỏ chiếc ủng... Sau khi bị thương thì lắm chuyện lôi thôi quá... - Câu này chính trị viên trưởng có ý nói với Xintxốp, ông ta ngượng vì phải nhờ người khác xỏ ủng giúp.
Ephrêmốp cúi lom khom giữ chiếc ủng, còn chính trị viên trưởng thì nhăn mặt lại vì đau, ấn chân vào ủng. Sau đó, ông cầm cây gậy dựng cạnh bàn, khập khiễng đi ra.
Xintxốp đi theo sau chính trị viên trưởng, nhưng ông ta chỉ vừa đi vừa dặn dò Ephrêmốp, rồi không quay người lại nữa, trèo vào buồng lái chiếc xe tải tấn rưỡi.
- Đồng chí có tự cạo râu lấy bằng dao được không? - Ephrêmốp dõi theo chiếc xe và hỏi Xintxốp.
- Tôi cạo được.
- Hay là để tôi cạo cho nhé?
Xintxốp không còn đủ sức để từ chối mà cũng không muốn từ chối nữa. Ngồi trên ghế đẩu, ngửa đầu ra để cho người ta cạo râu cho mình thì thật là một cảm giác kỳ lạ !
Ephremốp cạo râu cho anh mà anh thì mỗi lúc một buồn ngủ, và qua cơn mơ màng phải chật vật lắm anh mới loáng thoáng nghe và hiểu rằng tiểu đoàn này đã xây dựng phòng tuyến lần này là lần thứ ba, thế mà quân ta vẫn cứ lùi hoài, rằng Xintxốp gặp chính ủy chứ không gặp tiểu đoàn trưởng là may, và rằng trưa nay quân Đức đã ném bom xuống hố chống tăng làm cho hai chục người bị tàn tật, tuy rằng đó chỉ là những anh em bộ đội hậu phương, nhưng quả bom nó có phân biệt ai đâu, đối với nó thì ai cũng đều là người được việc tất...
Sau đó, Xintxốp bỗng ngủ lịm hẳn đi, gục đầu xuống một cải, khiền lưỡi dao cứa phải gò má đau điếng người.
- Ấy đấy! Chớ ngủ, không thì tôi cứa đứt mặt ra bây giờ. - Ephrêmốp nói có vẻ trách móc rồi cấu một mẩu báo lót dưới cái cà mèn, dán vào vết đứt.
Anh ta cạo mặt cho Xintxốp xong, rồi ra sân và dội mấy ca nước vào tay cho anh hứng. Xintxốp rửa mặt, cố tránh không làm ướt băng.
- Có lẽ thay băng mới đi nhỉ? - Ephrêmốp hỏi.
Nhưng Xintxốp từ chối.
- Tôi sợ lại trầy mất vết thương. - Và anh ngáp một cách mệt mỏi.
Họ bước vào một căn buồng xép có để một số dụng cụ nhà bếp và lương thực dự trữ, mấy bao khoai tây và bắp cải, trên chiếc trường kỷ hẹp đã thấy trải một tấm nệm cỏ rộng, xòa cả ra ngoài.
- Đồng chí nằm đây, - Ephrêmốp trỏ cho Xintxốp chiếc trường kỷ.
- Thế còn đồng chí?
- Tôi thì là việc con nhà lính trơn, có lẽ còn có ông tiểu đoàn trưởng ông ấy về nữa cơ đấy.
Xintxốp ngủ thiếp ngay đi trước khi đặt được cái đầu xuống trường kỷ, và khi tỉnh dậy thì đêm đã khuya.
- Dậy, dậy đi chứ cậu! - Ephrêmốp lay Xintxốp dậy, cho là không cần gọi một người chưa tỉnh bằng “anh”, - Dậy đi anh! - Xintxốp vừa buông chân khỏi trường kỷ là anh ta lại chuyến ngay sang gọi bằng “anh”. - Tiểu đoàn trưởng bảo anh đến gặp đồng chí ấy đấy.
Xintxốp bắt đầu xỏ ủng, còn Ephrêmốp đi sang phòng bên cạnh.
- Đã chấp hành xong mệnh lệnh của đồng chí! - khi Xintxốp đi qua phòng ngoài, anh nghe có tiếng nói vẳng ra.
- Được. Bảo vào đây, - một giọng nói trẻ trung và bực dọc cất lên. - Mình đã mệt như con chó, thế mà lại còn...
Một thượng úy người nhỏ bé, chắc nịch, có khuôn mặt tròn trĩnh, tái nhợt, cặp lông mày đẹp như vẽ và đôi mắt hơi lồi, đang ngồi bên bàn trước ngọn đèn dầu hỏa. Anh ta co ro khoác một tấm áo capốt lấm tấm bùn đến tận cổ. Một chiếc mũ kêpi cũng lấm tấm bùn đặt trên cái ghế đẩu đối diện.
Xintxốp đụng phải Ephrêmốp ở cửa, vì thượng úy đã bảo ngay anh ta: “Đồng chí có thể nghỉ”. Xintxốp đành phải hỏi: - Đồng chí cho phép vào chứ ạ? Chào đồng chí!
- Xưng hô theo đúng điều lệnh! - thượng úy nói cộc lốc và giận dữ.
Xintxốp lẳng lặng nhìn anh ta, nhấc chiếc mũ kêpi của anh ta trên ghế đẩu mà đặt lên bàn, rồi ngồi xuống.
- Đứng dậy! - thượng úy quát.
Xintxốp cứ ngồi nguyên và vẫn im lặng nhìn anh ta.
- Đứng dậy! - thượng úy lại quát.
Xintxốp vẫn ngồi.
Thượng úy liền đưa tay sờ vào bao súng lục.
- Đừng dọa, tôi đã bị dọa nhiều lần rồi, - Xintxốp không nhúc nhích, nói. - Tôi là chính trị viên, cấp bậc tôi ngang anh, còn đứng thì tôi bị yếu không đứng nổi. Cho nên tôi phải ngồi. Hơn nữa, chính anh cùng ngồi kia mà.
- Giấy tờ của anh đâu?
- Tôi không có giấy tờ.
- Thế thì trong lúc không có giấy tờ, đối với tôi, anh không phải là chỉnh trị viên! Đứng dậy!
Câu chuyện không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp giữa hai người đã bắt đầu như vậy. Họ nhìn nhau hồi lâu và hình như thượng úy cùng hiểu rằng dù mình có bắn vào người này đi nữa thì vẫn không đủ sức để bắt anh ta đứng dậy.
- Tôi đã gặp chính ủy của tôi ở đây, - cuối cùng thượng úy đưa mắt nhìn đi chỗ khác trước tiên và nói về chính ủy với giọng chỏng lỏn giống như nói về cấp dưới. - Nhưng, trái với ông ta, tôi không phải là con chiên của Chúa Lời. Hãy kể lại lần nữa những câu chuyện hoang đường của anh cho tôi nghe!
Điều này thật bất ngờ đến nỗi Xintxốp chưa hiểu được ngay.
- Được, tôi sẽ kể lại cho anh nghe những câu chuyện hoang đường của tôi, - sau một hồi lâu im lặng, anh đáp lại, giọng điên khùng nhưng khe khẽ.
May sao anh đã kịp thời sực nhớ ra rằng dù thế nào cả hai người vẫn đều là quân nhân, mình đã thoát ra khỏi vòng vây và rơi đúng vào khu vực của cái đơn vị do chính anh chàng thượng úy này chỉ huy, và mặc dầu mình đã kể hết tất cả với chính ủy đơn vị rồi, nhưng người chỉ huy đơn vị vẫn có quyền hỏi lại mình. Vì vậy, Xintxốp đành cố nén giận, thành thực nhắc lại từ đầu chí cuối.
Xintxốp cứ nói, còn viên thượng úy thì ngồi nghe mà vẫn cứ không tin. Gã còn trẻ, xấu bụng và có vẻ hoang mang. Và như người ta thường thấy ở những kẻ yếu đuối và hay tự ái, sở dĩ gã không muốn tin vào người khác một cách có ác ý là vì gã đã hoang mang một cách đáng xấu hổ. Chính gã đã tự mình xin ra mặt trận, nhưng sau khi sa vào cuộc hỗn chiến kinh khủng này ở cửa ngõ Maxcơva, ngay ngày đầu tiên gã đã cảm thấy khủng khiếp dưới những trận mưa bom trên cánh đồng trống trải, và nỗi khủng khiếp này cứ ám ảnh gã mãi suốt ba ngày đêm nay. Gã đã cố sức làm ra vẻ bình thường theo đúng bổn phận mà bộ quân phục của gã đòi hỏi, và gã nhạo báng, trách mắng cấp dưới là hèn nhát để hòng che giấu sự khiếp sợ của chính gã. Nhưng gã không thể tự lừa dối lòng mình được. Và giờ đây, ngồi trước mặt Xintxốp, trong thâm tâm đã cảm thấy rằng không bao giờ mình lại có thể chịu đựng được tất cả những điều mà người này đang kể cho mình nghe: không chịu nổi ba tháng bị bao vây, không thể mặc nguyên bộ quân phục chính ủy mà đi cho đến giờ phút cuối cùng, không chạy trốn khỏi đoàn tù dưới làn đạn địch trong khi vẫn mang thương tích trên mình. Và vì biết rằng bản thân mình không thể làm được như vậy nên do bản năng tự vệ gã không muốn tin là những người khác có thể làm được như vậy.
Thượng úy nghe Xintxốp kể mà không tin, không phải vì không thể tin Xintxốp mà trái lại là vì gã rất muốn thuyết phục mình rằng cái anh chàng ngồi trước mặt gã đang nói dối, và hơn nữa, đây có thể là một tên biệt kích Đức, và tên biệt kích này sẽ bị bắt giữ không phải do tay ai khác mà chính do tay thượng úy Kruchikốp là người mới ra mặt trận vẻn vẹn ba hôm nay, nhưng đã thông thạo tình hình hơn một số người khác, mặc dù họ đã từng ở cả ngoài mặt trận lẫn trong quân y viện. Qua mấy ngày ấy, gã đã nhiều lần cố nén cơn run sợ trong lòng mà rúm mình lại dưới cái nhìn hiền hậu, thấu hiểu mọi điều của người chính ủy, song lại rất vui mừng có cơ hội thắng thế ông ta ít ra là ở đây, như bây giờ chẳng hạn, bằng sự soi mói, thái độ gây khó dễ, bằng lòng hăng say thi hành công vụ một cách tàn nhẫn, một thứ lòng hăng say mà những hạng người như vậy thường rất sẵn sàng biểu lộ trong những lúc họ không phải lo sợ cho tính mạng của mình.
Mấy lần gã chặn họng Xintxốp bằng những câu hỏi hoài nghi ra mặt:
- Không còn một tí giấy tờ nào, sao lại thế được nhỉ? Chẳng những thế, anh đi đường bao nhiêu lâu mà chiếc áo bông vẫn gần như mới toanh là thế nào!
Ngay cả lần này nữa Xintxốp cũng vẫn nén giận và kiên nhẫn giải thích rằng anh lột áo bông của người chết.
Nhưng khi viên thượng úy bỗng nói với anh :
- Chuyện lạ nhỉ: bị thương ở đầu, ngã xuống ngất đi, mà sau đó lại cuốc bộ được những gần bốn chục cây số! - thì Xintxốp không chịu nổi nữa. Anh đứng hẳn dậy, thong thả cởi áo bông, vén chiếc áo quân phục và chiếc áo sơ mi lót lên.
- Anh thấy không? - anh dí ngón tay vào hai vết sẹo ở bên sườn. - Tôi đã lấy đinh chọc thủng sườn để cốt làm cho anh tin đấy. Còn cái này, - anh trỏ lên cái đầu quấn băng - cũng là để hóa trang. Trong đó chẳng có gì đâu. Có cần tháo băng cho anh xem không?
- Tôi không phải là bác sĩ, không hơi đâu mà khám cho anh, đừng có vớ vẩn! - gã thượng úy bối rối nói luôn cái câu đầu tiên vừa nảy ra trên đầu lưỡi hắn.
Xintxốp còn nhìn gã mấy giây nữa với vẻ chờ đợi rồi nói: “Chà, cải anh này!” - đoạn anh buông áo quân phục xuống, bắt đầu mặc áo bông vào một cách cũng thong thả như khi cởi ra.
Thượng úy bỗng thoáng nghĩ rằng tất cả những điều mà từ nãy đến giờ người này nói với gã đều hoàn toàn đúng sự thật, và gã phải chật vật lắm mới xua đuổi được cái ý nghĩ chân thực đó đi. Gã xua đuổi nó đi, vì thấy khó chịu trước ý nghĩ đó. Gã không muốn tin Xintxốp và Xintxốp cũng cảm thấy như vậy.
- Thôi được, anh đi ngủ. Sáng mai chúng tôi sẽ gặp anh để xem xét thêm sau! - cuối cùng gã thượng úy nói với anh một cách có ngụ ý.
Xintxốp đứng dậy, lặng lẽ nhìn xuống gã từ cái tầm vóc cao lớn của mình, rồi bước ra phía cửa, không chào hỏi gì cả.
Còn lại một mình, thượng úy Kruchikốp liền đứng lên, im lặng chừng một phút, nghe ngóng xem bên kia vách Xintxốp đã nằm xuống chưa, rồi vừa đi dạo trong phòng, vừa mưu tính xem sau đây nên làm thế nào.
Có lẽ ngay bây giờ phải cho Ephrêmốp cầm giấy chạy sang làng bên cạnh. Vừa đúng hôm nay có một sư đoàn bắt đầu chiếm lĩnh phòng tuyến này, và vừa may phòng đặc biệt của sư đoàn ấy lại dồn bớt tiểu đoàn công binh mà đóng quân trong hai ngôi nhà gỗ ngoài cùng của làng đó. Phải phái Ephrêmốp sang đó ngay bây giờ, để các cán bộ đặc biệt đến bắt tên này ngay khi trời còn tối!
Dĩ nhiên hoàn toàn có thể gác tất cả những việc đó đến sáng mai cũng được, nhưng con quỷ hiếu danh cộng thêm với cái tính thiếu tự tin khốn kiếp ấy đã thúc vào lưng thượng úy Kruchikốp: gã rất muốn mau chóng thấy được rằng những giả thiết của mình là đúng đắn. Gã cầm chiếc cặp bản đồ trên bàn, rút cuốn sổ tay, viết một mẩu thư cho các sĩ quan đặc biệt rồi gấp tờ giấy lại, gọi Ephrêmốp.
Ephrêmốp đang ngồi thiu thiu ngủ trên chiếc ghế đẩu ở phòng ngoài liền chạy vào với bộ mặt ngái ngủ và bực bội. Trước khi ngủ gật, anh ta đã cảm thấy thượng úy lồng lộn từ góc này sang góc khác trong phòng như thế là một triệu chứng chẳng lành.
Nghe xong lệnh và cầm tờ giấy, Ephrêmốp thở dài, nói: “Rõ”. Vì cho mọi mưu toan này chỉ là những chuyện không đâu, anh đưa mắt lườm viên thượng úy rồi khoác khẩu súng trường lên vai, giận dữ đóng sầm cửa lại bước ra đường.
Còn viên thượng úy thì sau khi đã đi đi lại lại chán chê trong phòng liền ngồi xuống bên bàn, buông phịch cái đầu mệt nhọc của mình lên chiếc cặp bản đồ.
Đã ba ngày đêm nay gã hầu như không ngủ và khổ sở vì phải đấu tranh với nỗi khiếp sợ, nhưng dù sao vẫn ra công cố sức nào đắp ụ nào đào hẩm hố, công sự, nào chôn cọc chống tăng và cũng mệt mỏi như mọi người khác, để rồi hễ cứ nhắm mắt lại giây lát là thiếp đi ngay vào một giấc ngủ say sưa của tuổi trẻ.
Và trong những cơn mộng mị mê mệt, trong đầu óc gã đã không hề có cả công sự, cả cọc chống tăng, cả những quả bom nổ ngay trước mặt gã, không hề có cả anh chàng chính trị viên gầy gò với bộ mặt dữ tợn đã đòi lột băng trên đầu ra ấy. Trong những giấc mơ của gã vẫn chỉ thấp thoáng khi ẩn khi hiện mỗi một khuôn mặt đàn bà xinh xắn và đáng thương, lộ vẻ hoảng hốt trước cảnh chia ly đột ngột, và lúc bây giờ đôi môi mê ngủ khó điều khiển của gã bất giác mấp máy lẩm bẩm điều gì. Đang áp một bên má đầy lông măng xuống mặt bàn, thấy mặt cô ta trong mơ, gã bỗng tủm tỉm cười, và nét mặt gã cũng đột nhiên thay đổi khác hẳn với lúc gặp Xintxốp...
- Đồng chí thượng úy, xin phép báo cáo...
Đứng trước mặt gã thượng úy vừa giật mình tỉnh giấc là Ephrêmốp với bàn tay đưa lên vành mũ bịt kín tai, với khẩu súng trường khoác trên vai. Anh ta đứng nghiêm ngay ngắn, nhưng trong đôi mắt hiền hậu thấy lóe lên những ánh chế giễu:
- Xin phép báo cáo! Họ bảo là nếu người ấy đã tự ý đến đây thì chưa chắc đã bỏ trốn, cứ để anh ta ở lại đây cho đến sáng. Sau đó, họ lại bảo là họ nhiều việc lắm. Nếu ta muốn thì mai ta đưa lại đằng ấy, mà nếu không muốn thì cũng tùy ta. Họ bảo: “Các anh có cấp trên trực tiếp của các anh, đi mà hỏi ý kiến cấp trên của mình đi!”. Rồi họ còn báo: “Báo cáo lại với đồng chí thượng úy bên anh rằng, - đến đây ánh mắt chế giễu của Ephrêmốp bộc lộ rõ ràng, - trường hợp này không có vẻ là biệt kích đâu, đồng chí ấy cứ ngủ yên, đừng sợ!”.
- Anh có thể ra được rồi đấy! - thượng úy tức giận nói.
Nhưng Ephrêmốp vẫn chưa chịu đi ra. Anh thong thả bỏ mũ, moi trong mũ ra đúng mảnh giấy xé ở sổ tay thượng úy đã đưa cho anh ban nãy, đặt lên bàn.
- Họ bảo tôi trả lại giấy này. Họ nói: “Mang về cho văn phòng nhà các anh đóng lại thành tập. Chúng tôi cũng đủ giấy tờ rồi!”.
Thượng úy Kruchikốp cảm thấy trong lời nói của Ephrêmốp có ý chế giễu, nhưng không thể kết tội anh, liền quát:
- Thôi đi, người ta đã bảo mà!
Ephrêmốp bèn đi ra phòng ngoài, cười mát trong bóng tối rồi bước vào căn buồng của mình.
“Giá mà kể lại cho chính trị viên nghe nhỉ! Một trò cười! - Anh vừa nghĩ vừa tiếp tục cười mát. - Tiếc rằng anh ấy đang ngủ”.
Nhưng Xintxốp đâu có ngủ. Và khi Ephrêmốp đã nhường lại trường kỷ cho Xintxốp, thu xếp nằm dưới nền nhà ngay cạnh đó, rồi với giọng chế nhạo thì thầm kể lại cho anh nghe tỉ mỉ chuyện đi lên phòng đặc biệt và chuyện mình báo cáo lại với ông thượng úy, thì Xintxốp cũng chẳng lấy gì làm khoái trá cả.
Một người hôm qua còn chưa quen biết và xa lạ với mình mà lại có thể mang đến cho mình biết bao đau xót như vậy! Viên thượng úy không tin Xintxốp nên Xintxốp cảm thấy khổ sở, mặc dầu anh không yêu mến và không kính trọng gì viên thượng úy đó, và không cảm thấy mình có lỗi với bất kỳ ai huống chi là với anh ta.
Xintxốp nằm mở mắt trừng trừng, suy nghĩ tới Dôlôtarrép: “Không biết cậu ta còn sống hay chết mất rồi, ngoài cậu ta chẳng còn ai có thể cho biết rằng hôm ấy đã xảy ra việc gì ở trong rừng, khi mình đã ngất đi. Cậu ấy đã chăm lo cho mình hay chính mình đã làm việc ấy trong khi mê man: cởi áo chôn áo đi rồi sau đó không tìm thấy nữa? Hay đã xảy ra việc gì khác nữa mà mình chưa biết và không sao đoán ra được Nhưng nếu thế thì mình biết nói sao với những người không tin mình? Mình sẽ chỉ nói những việc gì mình biết hay mình phải cố bịa đặt ra những việc mà mình không biết?...”.
Anh tự hỏi đi hỏi lại mình, và trong đáy ký ức của anh chợt lại hiện ra vẫn cái câu nói ấy mà chắc hẳn nó đã vĩnh viễn khắc sâu vào trí nhớ của anh, đó là câu nói của Xerpilin sau khi sang sông, vào hôm thứ nhất bị bao vây: thà bị xử bắn còn dễ chịu hơn là tự tay mình phải rứt bỏ những ngôi sao chính ủy trên ống tay áo của mình.
Anh lại nhớ tới người chiến sĩ đã hỏi anh trong những giờ phút đầu tiên bị bắt làm tù binh: “Đồng chí đã kịp cởi bỏ áo quân phục rồi sao?”. Rồi anh lại nhớ tới đôi mắt bỗng trở nên nghi ngờ của người chính trị viên trưởng, và vẫn chưa nguôi căm giận nhớ lại cả những câu hỏi của viên thượng úy; từ đáy lòng mình, anh đột nhiên bình tĩnh hạ quyết tâm là phải ra đi, không lùi bước, vì anh nghĩ rằng, nếu ở đây người ta đã không tin mình thì phòng đặc biệt chính là nơi mình cần phải đến. Cuộc nói chuyện với gã thượng úy đã như một ngọn roi quất mạnh vào mặt anh, đến nỗi bất giác anh đã thấy trong óc mình hiện ra những bộ mặt khác, những câu hỏi ngờ vực khác, những cặp mắt đắc thắng một cách ngu ngốc: “A-ha! Bây giờ tao đã bắt quả tang mày rồi nhé!”. Không, anh sẽ đi đúng đến chỗ mà người ta có trách nhiệm phải thẩm tra tất cả từ đầu chí cuối và phải đi ngay bây giờ, không thể trì hoãn được nữa! Hãy cứ để cho họ thẩm tra! Nếu họ có thể thẩm tra được. Mà nếu không thể thẩm tra được thì họ hãy cứ cho mình về đơn vị và thẩm tra mình ngay trong chiến đấu!
Anh thò chân ra khỏi trường kỷ, xỏ ủng, mặc áo bông và đội mũ, rồi bước qua người Ephrêmốp đang vừa ngủ vừa thở như huýt sáo một cách yên lành, và đi ra buồng ngoài.
Vệt ánh sáng yếu ớt từ trong cửa buồng thứ hai lọt ra in xuống nền nhà. Xintxốp mở tung cửa, bước vào. Viên thượng úy nằm sấp mà ngủ, mặt úp vào gối, để đôi ủng bẩn trên mảnh báo. Chiếc thắt lưng đeo bao súng lục đặt trên ghế đẩu bên cạnh gã, còn tấm cặp bản đồ thì trên mặt bàn. Cây đèn dầu vẫn cháy ám khói đen kịt cả bóng đèn.
- Thượng úy! - Xintxốp gọi, và không hạ bớt giọng, anh gọi tiếp: - Thượng úy!
Nhưng viên thượng úy vẫn ngủ say như chết.
Thoạt tiên Xintxốp toan đánh thức gã dậy, nói rằng mình định đi đến phòng đặc biệt ngay bây giờ, còn việc có lính áp giải hay không là do đồng chí thượng úy tự cân nhắc lấy. Nhưng sau khi gọi hai lần mà gã không tỉnh giấc, anh liền nghĩ lại. Anh đi đến bên bàn, thong thả mở cặp bản đồ ra, xé một tờ giấy của cuốn sổ tay cất trong cặp, rút luôn cả cây bút chì gọt rất khéo cắm ở đó, viết mấy chữ, rồi cầm lấy khẩu súng lục trên ghế đẩu mà trong khi nói chuyện với anh gã thượng úy đã nắm lấy báng, đặt khẩu súng lên trên mảnh giấy. Khi đã ra đến cửa, anh còn đưa mắt chế giễu nhìn tất cả cái cảnh tượng ấy một lần nữa: gã thượng úy ngủ quên cả trời đất, ngọn đèn cháy sắp tàn, mảnh thư với khẩu súng lục chặn ở trên...
“Hừ, nếu quả có tên biệt kích thực thụ lọt vào đây thì mày đã gay to rồi!”
Bên ngoài, trời đã hửng sáng, con đường từ xóm mới men theo sườn núi chạy ngược lên phía trên, và cách đó chừng một dặm rưỡi đã thấy ẩn hiện những ngôi nhà mờ xám ngoài ria làng. Ephrêmốp đã kể lại tình hình anh phải lặn lội leo núi trong đêm tối ra sao, do đó Xintxốp không còn phải lưỡng lự gì nữa cả.
Đi gần được một cây số, Xintxốp tránh sang bên để cho chiếc xe tấn rưỡi đi ngược chiều phóng qua.
“Có lẽ chính cái xe này đến đón gã thượng úy”, - anh nhếch mép cười tưởng tượng đến cái cảnh huyên náo sẽ xảy ra khi gã thượng úy tỉnh giấc và rồi anh lại tiếp tục đi.
Ephrêmốp nghe tiếng còi xe inh ỏi cạnh nhà liền thức giấc ngay. Anh đứng phắt dậy, kéo cái bao tải che cửa sổ ra. - bên ngoài trời đã sáng. - và khi quay lại nhìn thì anh không thấy chính trị viên nằm ở chỗ cũ nữa. Anh lại đến nhòm vào phòng bên cạnh xem chính trị viên có sang gặp thượng úy không? Nhưng anh thấy gã thượng úy đang nằm trong phòng một mình, cũng vừa nghe tiếng còi xe mà vẫn còn kêu lên ư ử qua con mơ màng và đưa hai tay lên giụi mắt.
Cho rằng có lẽ chính trị viên vừa ra sân để “hóng gió”, Ephrêmốp liền vọt ra đường, đi vòng quanh nhà, thậm chí còn cất tiếng khẽ gọi mấy lần: “Đồng chí chính trị viên, đồng chí chính trị viên!”, nhưng không ai trả lời anh ta cả.
Lúc ấy, anh ta đã dùng dằng một lát ở buồng ngoài, nhưng biết rằng thế nào cũng phải báo cáo ngay không thể tránh được, nên không dám dùng dằng lâu, bèn phải bước vào phòng. Thượng úy ngồi trên chiếc giường sắt và vẫn lấy tay giụi mắt.
- Thế nào, xe đến rồi hả! Tôi không nghe nhầm chứ!
- Báo cáo, không thấy chính trị viên đâu nữa rồi ạ, - Ephrêmốp đứng nghiêm báo cáo.
- Không thấy là thế nào?
- Không thấy ạ! Cả ngoài đường cũng không, không thấy đâu nữa cả ạ, - Ephrêmốp nói.
- Đấy! Thế mà cũng gọi là phòng đặc biệt đấy. Nó chuồn rồi! Quân khốn kiếp, đồ biệt kích, nó chuồn mất rồi! - thượng úy Kruchikốp thét lên, giọng đắc thắng vì cảm thấy mình đúng, và trong giây phút đó, nét mặt của gã càng vui sướng bao nhiêu thì nét mặt của Ephrêmốp càng thiểu não bấy nhiêu.
Trong lúc này, cả hai đều chưa trông thấy lá thư của Xintxốp.
Lá thư chỉ được phát hiện ra lúc Ephrêmốp đã ra khỏi phòng sau khi bị mắng nhiếc thậm tệ, còn viên thượng úy thì vớ lấy khẩu súng lục. Hoảng hốt đẩy khẩu súng sang bên, gã đọc mánh giấy luôn mấy lần liền, và gã chỉ khấp khởi mừng thầm vì mỗi một điều là: nhờ trời Ephrêmốp đã ra khỏi phòng. Trong mấu giấy chỉ vẻn vẹn có năm chữ: “Tôi đến phòng đặc biệt”, nhưng khẩu súng lục của chính Kruchikốp chặn lên mẩu giấy đó lại là một lời chú thích độc địa đến nỗi viên thượng úy suýt phát khóc lên vì bị sỉ nhục.
Còn Xintxốp thì vẫn tiếp tục đi trên đường. Mặc dầu mới sáng sớm, anh đã gặp mấy quân nhân, nhưng không ai tỏ vẻ chú ý đặc biệt gì đến anh, bởi vì anh được cạo râu, cũng ăn mặc giống như mọi người khác. Anh đội chiếc mũ bịt tai có đính ngôi sao nhỏ, dưới vành mũ chỉ hơi lòi ra lớp băng trắng, anh mặc tấm áo bông và đi đôi ủng rách nát, nhưng cũng không phải ai ai cũng đều đi ủng mới cả; anh không có súng trường, nhưng không phải ai ai cũng đều có súng trường. Tóm lại, anh chẳng khác gì bao nhiêu so với những quân nhân khác đang đi bộ và đi xe trên đường vào giờ này.
Hạ được một quyết tâm sắt đá thật là một việc to tát. Vì vậy, mặc dầu còn mệt mỏi, dáng đi của anh cũng vẫn trở nên khang khác... Nếu đứng ở xóm mới mà nhìn thì cứ tưởng cái làng Xintxốp đang đi đến là ở sát cạnh đường. Nhưng thực ra nó hơi cách đường một quãng. Phía trước mặt anh là một chiếc cầu nhỏ đã bị bom ném gãy tan và một lối đi vòng. Sau lối vòng ấy, con đường tiếp tục chạy thẳng, nếu muốn vào làng thì phải rẽ sang phải.
Xintxốp đi đến quãng đường vòng vừa đúng lúc một chiếc “Emka” ban nãy vượt qua anh bây giờ đang bị sa lầy giữa vũng bùn sâu do bánh xe vận tải cày lên. Người lái xe và người sĩ quan từ trong xe nhảy ra đang ra sức đẩy xe; người lái xe mở cửa xe, vừa dùng một tay vặn lái vừa đẩy, còn người sĩ quan thì đẩy ở đằng sau.
- Này, đồng chí chiến sĩ! - Người sĩ quan quay lại thấy Xintxốp liền gọi to. - Lại đây! Giúp chủng tôi đẩy xe một tí! Nào, nhanh lên chứ!...
Xintxốp bất đắc dĩ phải vâng theo tiếng quát hách dịch đó và bước lại gần, đẩy phía sau. Họ cùng ra sức đẩy và chiếc xe đã ra thoát khỏi vũng lầy.
- Được rồi, cám ơn, - người sĩ quan đứng thẳng người lên, vừa rũ vạt áo capốt vừa nói.
Xintxốp cũng đứng thẳng người lên và bốn mắt gặp nhau.
Té ra đứng trước mặt anh là Liuxin, Liuxin vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, và vẫn y hệt như xưa, đúng là Liuxin, chỉ khác cái là ở cấp hiệu trên cổ áo không phải chỉ có hai mà đã có ba khối vuông rồi.
Cả hai đều ngạc nhiên và hình như Liuxin còn ngạc nhiên hơn Xintxốp nữa là khác.
- Liuxin! Chào cậu!
Họ bắt tay nhau mà vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
- Thế mà cánh mình tính xóa tên cậu đi và liệt vào danh sách những người mất tích...
- Và báo cho cả vợ tớ nữa chứ!
- Cái ấy mình không biết đấy... Mấy lâu nay cậu ở đâu?
- Mới thoát khỏi vòng vây hôm qua... Cậu đi đâu thế? Về tòa soạn à? Bây giờ tòa soạn ở đâu rồi?
Cuối cùng Liuxin buông tay Xintxốp ra. Cái vẻ cảm động ban đầu đã mất trên mặt anh ta và thay bằng cảm giác thắng thế.
- Khi tớ đi ra hỏa tuyến thì tòa soạn ở Perkhuskôvô.
- Thế là ở ngay sát Maxcơva rồi còn gì! - Xintxốp kêu lên, vì thậm chí tới bây giờ anh vẫn chưa nhận thức được dứt khoát rằng mặt trận đã tiến đến ngay cửa ngõ Maxcơva.
- Thế chứ gì! Còn ở đâu nữa bây giờ? Nhưng mình ở ngoài hỏa tuyến đã năm hôm nay, và đêm qua ở phòng chính trị tập đoàn quân người ta bảo rằng tòa soạn không ở Perkhuskôvô nữa rồi. Bây giờ có thể nó ở ngay Maxcơva, ngay tòa soạn báo “Còi tầm”, mà cũng có thể là nó ở phía sau Maxcơva trên đường đi Gorki. Thời gian vừa qua, cánh mình phải làm việc trên toa xe lửa, có thể là người ta lùa cả xe lửa đi rồi cũng nên. Nhưng có thể là tòa soạn vẫn còn ở Maxcơva cũng chưa biết chừng. Tình hình là như vậy đấy! - Liuxin phấn chấn nói.
Sở dĩ anh ta phấn chấn như vậy, là vì đã mấy hôm liền, anh ta phải ở lì ngoài hỏa tuyến, và bây giờ đã hết sợ nguy hiểm, rũ lông rũ cánh như một con chim sẻ, anh trở lại tòa soạn với chiếc cặp đầy ắp những tài liệu.
- Còn cậu thì đi đâu bây giờ? - Liuxin hỏi và nhìn vào bộ mặt hốc hác của Xintxốp, nói thêm: - Ờ, có thể nói là cậu chỉ còn lại một nửa thôi!
- Đi đâu ấy à? - Xintxốp hỏi lại. - Bây giờ đã gặp được cậu thì cậu đi đâu mình đi đó, nghĩa là về tòa soạn thôi. Cậu cho mình đi nhờ xe chứ?
Mới cách đây có năm phút anh tin chắc rằng con đường của anh phải đi tới là hai ngôi nhà ở rìa làng đã trông thấy ngay trước mắt kia, chứ không phải đi đâu nữa, nhưng giờ đây anh thấy bất cứ một ý định nào khác đều hình như đã trở nên kỳ lạ, ngoài cái ý định đáp xe về tòa soạn của mình cùng với cái anh chàng Liuxin từ trên trời rơi xuống này. Cuộc gặp gỡ với Liuxin chính là số phận, và cố nhiên là một số phận may mắn. Có ai ở vào địa vị anh trong giây phút đó mà lại hoài nghi điều này không?
- Cố nhiên. Ngồi lên đi. - Liuxin thoáng ngập ngừng trong giây lát và nói. - Thực tình thì chiếc “Emka” này không phải là của tớ, mà là của phòng chính trị tập đoàn quân nên tớ cũng chỉ đi nhờ... Mà thực ra thì mới đây anh em lải xe có nhận được mệnh lệnh rất nghiêm ngặt là không được cho ai đi nhờ. nhưng tớ nghĩ là chả sao nhỉ?... - Anh ta quay sang hỏi người lái xe đang đứng bên cạnh và đang dùng giẻ lau tay.
- Có gì mà không được! - người lái xe vui mừng trước sự may mắn của con người không hẹn mà nên này liền mỉm cười. - Vả lại, nếu có việc gì thì đồng chí sẽ chịu trách nhiệm kia mà! - Bác ta nói thêm và mở cửa xe, xếp cho Xintxốp một chỗ ngồi bên cạnh những đồ đạc sinh hoạt dọc đường đang chiếm hết một nửa ghế sau.
Người lái xe ngồi vào tay lái, Liuxin ngồi cạnh bác. còn Xintxốp thì co hai vai lại, lách mình vào ghế sau: một chìếc cà mèn dựng cháo cháy ăn thừa, một cái thìa và một pha đèn ôtô từ đống đồ đạc phủ tấm áo mưa bằng bạt rơi xuống đầu gối anh kêu loảng xoảng.
- Đồng chí cứ nhét xuống dưới chân ấy, - nghe tiếng loảng xoảng người lái xe quay lại nói. - Chả là có một chiếc xe bị trúng bom. nên tôi vớ được một ít quả thực.
Họ đi khá nhanh và Xintxốp nghĩ thầm rằng cứ thế này thì chỉ chừng ba tiếng đồng hồ nữa mình có thể ở ngay Maxcơva rồi. Mới cách đây hai ngày, buổi sáng, cũng vào giờ này, mình còn đang bị bắt làm tù binh, - câu chuyện ấy tưởng chừng như không có thật nữa... Vậy mà giờ đây, sau ba tiếng nữa mình sẽ ở Maxcơva... Điều này thì lại gần như khó tin, cũng giống như cái việc Liuxin đang ngồi đằng trước anh và chiếc xe đang chở cả hai người về tòa soạn của mình vậy.
Thậm chí trong đầu óc anh còn nảy ra một niềm hy vọng tuy chắc sẽ không sao thực hiện được, nhưng vẫn làm cho người anh nóng bừng như lửa đốt là: biết đâu Masa vẫn chưa đi đâu cả, và chỉ sau vài tiếng đồng hồ nữa, anh sẽ được gặp Masa?
- Này, cậu ạ! - Xintxốp gọi Liuxin. Mặc dầu, thực ra trước kia họ chỉ quen biết nhau vẻn vẹn chưa đầy một ngày đêm, nhưng tất cả những điều họ trải qua trong chiến tranh, từ đó đến nay, đã làm cho một ngày một đêm ấy có ý nghĩa như một quãng thời gian dài đến nỗi ngay từ phút đầu, cả hai người đều bắt buộc phải gọi nhau “cậu tớ”. - Này, cậu ạ! - Xintxốp vốn tính thẳng ruột ngựa trong những vấn đề như thế này. - Hồi ấy ở Bôbruixk cậu không giận tớ chứ?
Từ dạo đó đến nay, bản thân anh đã nếm trải biết bao cay đắng đến nỗi anh không thể không ngược dòng thời gian tự cảm thấy mình đã từng đối xử không đúng với Liuxin, nhưng bây giờ anh đã càng hiểu rõ hơn lúc ấy rằng Liuxin đã gặp tình cảnh khó khăn như thế nào ở Bôbruixk, và anh không muốn giữa hai người còn có một điều ân hận nào dù là nhỏ.
Liuxin cười phá lên mà không quay lại nhìn Xintxốp; có lẽ anh ta cười hơi quá lâu so với mức cần thiết của một người quả thực không hề có ân hận điều gì.
- Cậu còn nhắc đến chuyên ấy nữa kia ư? - anh ta vừa cười vừa nói. - Thứ nhất là tớ đã quên từ lâu rồi, vì từ dạo ấy đến giờ mình đã gặp không biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn phức tạp mà kể. Và thứ hai là, trái lại, chính nhờ ở cậu mà tớ đã được thử lửa đấy.
Chính mấy tiếng “nhờ ở cậu” ấy chứng tỏ Liuxin vẫn chưa thôi ân hận, nhưng trong giây phút đó, Xintxốp đã không để tâm đến điều nảy.
- Cậu biết không, về sau tớ lại gặp tay đại úy xe tăng ấy, và anh ta...
- Một lão to gan, nhưng cũng chúa gây sự! - Liuxin ngắt lời.
- Không, cậu ạ! Anh ta còn nói với mình rằng họ đã đề nghị trên tặng thưởng huy chương cho cậu, nhưng cậu trở về tòa soạn mất, nên họ đành phải gạch tên đi.
- Tớ cũng cứ nhổ toẹt vào! - Liuxin nói vậy, tuy chẳng phải là anh ta hoàn toàn muốn nhổ toẹt đâu. Rồi quay lại phía Xintxốp, anh ta phanh tà áo capốt ra. - Cậu thấy không?
Trên ngực anh đeo một tấm huy chương “Dũng cảm” mới tinh.
- Chẳng khiến họ đề nghị tớ vẫn cứ được huy chương như thường!
- Về thành tích gì đấy!
- Về thành tích chiến đấu ở Ennha. Từ đầu chí cuối, tớ chỉ ngồi lì ở một sư đoàn thôi. Và thế là trúng tủ, chính sư đoàn này đã đánh chiếm lại được Ennha. Sư đoàn trưởng được phong Anh hùng Liên Xô, còn tớ thì được huy chương.
Anh ta nói đến sư đoàn trưởng và đến bản thân mình một cách tự nhiên, tựa hồ như chỉ cần nói đến hai người ấy là đủ rồi.
- Thế nghĩa là bọn lính xe tăng không chửi tớ chứ hả? - Rút cục Liuxin không nhịn được, vẫn phải quay trở lại cái đề tài mà anh thích thú.
- Không.
- Thế chúng nó còn nói gì nữa không?
- Cũng chẳng nói gì nữa đâu. Chỉ nhắc tới cậu qua qua thôi, - Xintxốp nói mà không để ý rằng chữ “qua qua” đã làm phật lòng Liuxin. - Cũng chẳng kịp trò chuyện gì nhiều, hai giờ sau đã lại rơi vào vòng vây rồi.
Và anh lần lượt kể lại chuyện hai lần mình bị hãm trong vòng vây, cả lần thứ nhất và lần thứ hai.
Liuxin mấy lần không ngoái cổ lại, nhưng vẫn ngắt lời anh bằng những câu hỏi và những ý kiến nhận xét, rồi mãi đến khi Xintxốp nói tới những lá thư nhờ Miska Vainơstên chuyển hộ thì anh ta quay hẳn cả người lại:
- Thế à? Té ra cậu ta ở đấy! Thế mà sau này người ta cứ đi tìm cậu ấy mãi, tìm hoài... Không thấy tăm hơi đâu cả! Mất tích!
- Mất tích... - Xintxốp nhắc lại với giọng thều thào như một tiếng vang. Trong giây lát, anh vẫn còn trông thấy Miska một cách rõ ràng như anh ta đang còn sống, đang cẩn thận nhét mấy tờ giấy vào túi áo quân phục, và thế nghĩa là bức thư đã không đến nơi. Mất tích... Thế mà dạo đó cứ tưởng là mọi việc sẽ không thể xảy ra như thế được...
- Mất tích! - Liuxin nhắc lại. - Thế sao, cậu không biết à?
- Làm thế nào mà mình biết được chứ?
- Ờ phải, cố nhiên rồi.
- Thôi được, hãy phó mặc trời đất những câu chuyện hoang đường của tớ! - Đang nửa chừng câu chuyện Xintxốp bỗng tự ngắt lời mình, sực nhớ lại câu nói của gã thượng úy và nhẹ nhõm nghĩ thầm về sự thay đổi trong địa vị của cái anh chàng Xintxốp đêm qua đã ngồi trong ngôi nhà gỗ để nghe những câu hỏi nghi ngờ của gã thượng úy với cái anh chàng Xintxốp hôm nay đang đáp xe cùng Liuxin về Maxcơva. - Cậu kể cho tớ nghe tình hình ở tòa soạn đi mà cái chính là tình hình mặt trận, cả tình hình Maxcơva nữa và nói chung...
- Ở ngoài mặt trận, theo tớ hiểu thì người ta vẫn đánh, - Liuxin nói. - Bọn Đức dồn ép, còn ta thì tiếp tục đánh. Chúng ta biết làm gì hơn nữa!
Tuy tình hình của tập đoàn quân mà Liuxin mới từ đó quay về thực ra là rất gay go và nó vẫn đang rút lui trước những đòn công kích của quân Đức, nhưng sau những ngày vừa qua ngoài hỏa tuyến, dẫu sao chăng nữa, anh ta vẫn trở về tòa soạn với tâm trạng phấn khởi hơn lúc ra đi. Khi ra đi là anh đi về nơi vô định, đi vào cái vực thẳm đầy những tin đồn đại về tai biến đã xảy ra, nhưng đến lúc lại gần thì té ra thực tế nặng nề của sự rút lui, dù là thực tế nặng nề nhất, dù sao củng vẫn khá hơn so với lúc mình đứng đằng xa mà tưởng tượng. Ngoài ra, anh ta đã trở về mạnh khỏe và vẫn còn sống... Câu mà anh đã trả lời Xintxốp cũng là đúng sự thật thôi, tuy rằng sự thật đó đã được trình bày với vẻ hơi ngông nghênh của một con người đang quá vội vàng nhấn mạnh sự từng trải của mình.
- Còn tình hình ở Maxcơva thì tớ không biết. Hồi tớ ra đi cũng có thể có một vài người chân trước chân sau định chuồn, cũng đã từng có cái tâm trạng như thế đấy. Nhưng lần này về đến nơi thì ta sẽ thấy thôi, - anh ta nói thêm với giọng điệu của một quan chức thanh tra.
Lúc đó, họ đang đi qua một cái cầu hai bên có những lôcốt bêtông chôn chìm xuống đất, rồi đi qua cạnh một đường hào chống tăng và một dãy những chạc chướng ngại vật bằng đường ray chạy hút vào chân trời, sau đó là mấy dãy cọc để chăng dây thép gai, rồi lại đến những lôcốt bêtông sắp được chôn chìm xuống đất.
- Ở đâu cũng xây công sự. Hôm qua, thoát khỏi vòng vây ra, mình cũng rơi đúng vào chỗ một tiểu đoàn công binh, - Xintxốp nói.
Nếu không biết được là tình hình sẽ xoay chuyển ra sao thì Xintxốp đã không đả động tới câu chuyện này, nhưng anh đã chót khơi mào ra mất rồi, mà đã khơi mào thì thế tất phải nói tới cái đoạn khiến cho Liuxin biết dứt khoát rằng mình đang chở về Maxcơva một người không có giấy tờ.
Cố nhiên Liuxin đã phải có mặt ngoài mặt trận ngay từ những ngày đầu chiến tranh, nên không lạ gì những trường hợp như thế này nữa, nhưng anh ta lấy làm lạ ở chỗ chính mình, chứ không phải ai khác, vào chính lúc này, lúc quân Đức đang ở cửa ngõ Maxcơva, lại đi ôm lấy cái trách nhiệm chở về Maxcơva một người vừa thoát khỏi vòng vây không có giấy tờ gì cả. Của đáng tội, thoạt đầu anh ta cùng đã thoáng nghĩ tới khả năng này ngay khi Xintxốp hỏi: “Cậu cho mình đi nhờ chứ?”, và chính vì nghĩ vậy nên Liuxin mới có ngập ngừng tí chút trước khi trả lời: “cố nhiên!”. Nhưng khi Xintxốp đã ngồi lên xe thì Liuxin lại không đủ can đảm để hỏi ngay việc đó: trong thái độ của Xintxốp có một cái gì vững vàng đến nỗi anh ta không sao mở mồm ra hỏi được. Nhưng bây giờ thì Xintxốp đã tự mình nghiễm nhiên nói toạc ra rằng anh chẳng có giấy tờ gì hết. Hơn nữa, Xintxốp lại còn chửi bới cái anh chàng thượng úy kia mà theo ý Liuxin thì có thể là anh ta hơi thộn đấy, nhưng hành động nói chung cũng là đúng đắn.
Xintxốp không nhận thấy rằng cái cổ của Liuxin ở trước mặt mình bỗng đã trở nên cứng đờ ra như gỗ, nên anh vẫn tiếp tục kể. Liuxin không ngoái đầu lại nữa, còn những lúc Xintxốp ngừng kể thì anh ta cũng không trầm trồ và hỏi thêm như ban nãy, mà chỉ ậm ừ cộc lốc: “Ờ, ờ”.
Thế mà Xintxốp vẫn chưa nhận thấy điều ấy và cứ kể tiếp. Anh đã từng hình dung được, đặc biệt là sau vụ xảy ra hôm qua với viên thượng úy, rằng không có giấy tờ là một tai họa lớn mà rồi đây mình sẽ còn phải nếm mùi nữa. Nhưng nguyên cái việc là hiện giờ anh đang ngồi xe cùng Liuxin, một người khác với viên thượng úy là đã biết rõ lai lịch anh, và lại ngồi xe để đi về tòa soạn, nơi mọi người cũng đều biết rõ anh, và có lẽ anh vẫn đã công tác ở đó cho đến nay nếu họ đừng bỏ quên anh trong bệnh viện ở Môghilép, - tất cả những sự việc đó gộp lại đã lấn át mất trong anh cảm giác về những hậu quả thực tế của tai họa đã giáng xuống đầu anh.
Anh vẫn cứ nói mãi nói hoài, nói một cách mải mê, mà hoàn toàn không nhận thấy rằng Líuxin đã thôi không phản ứng gì nữa cả. Anh cũng không hề nghĩ tới những điều mà bây giờ Liuxin đang suy nghĩ, vậy mả trong lúc ấy Liuxin lại đang suy nghĩ về những điều có liên quan đến toàn bộ số phận tương lai của Xintxốp.
Trước khi bắt đầu câu chuyện về giấy tờ, họ đã từng đi qua một trạm kiểm soát mả không bị kiểm tra kỹ càng gì. Chiếc xe vừa hãm lại, người chiến sĩ cầm cờ chỉ liếc nhìn vào xe thấy toàn bộ đội ngồi trên liền cho đi luôn.
Nhưng bây giờ họ sẽ phải dừng lại ở cây số mười chín sắp tới đây, ở trạm kiểm soát đầu tiên đặc biệt nghiêm ngặt của chính thành phố Maxcơva. Liuxin nhớ điều đó từ hồi mới lên đường ra khỏi Maxcơva, và bây giờ anh ta đang tự rủa thầm mình thậm tệ vì cái tội đã nhẹ dạ để cho Xintxốp ngồi nhờ xe.
“Ngốc thế đấy! Lẽ ra phải hỏi ngay lúc bấy giờ chứ, - anh ta tự dằn vặt và sẵn sàng đấm cho mình một quả vào trán. - Phải hỏi và không cho lên xe, chỉ khuyên là nên đi đến chỗ nào, rồi hứa là sẽ báo tin cho tòa soạn biết! Nhưng bây giờ thì sao đây?”.
- Đồng chí chính trị viên, - người lái xe đâm lo một phần vì câu chuyện của Xintxốp vừa kể, phần lớn hơn là vì bộ mặt sa sẩm của Liuxin, bèn nói, tựa hồ như đáp ứng với những ý nghĩ của Liuxin. - Chúng ta đã đi qua cây số hăm hai, bây giờ sắp qua cây số hăm mốt, đến chỗ cây số mười chín đằng kia lại có trạm kiểm soát...
Liuxin chẳng nói chẳng rằng, ngồi im thêm gần nửa cây số nữa, đấu tranh tư tưởng rồi bỗng nghiêm chỉnh nói:
- Dừng xe lại! Chúng mình ra ngoài một tí đi! - anh ta quay lại bảo Xintxốp.
Xintxốp xuống xe, không hiểu tại sao họ lại dừng xe ở một chỗ như thế này.
Chính lúc bấy giờ trên quãng đường này không có một ai cả. Bên phải là rừng, bên trái là cánh đồng và những ngôi nhà nhỏ theo kiểu biệt thự ngoại thành. Anh cố nhớ xem cái địa điểm ngoại ô Maxcơva này tên gọi là gì, nhưng không tài nào nhớ ra được.
- Chúng mình lại đằng kia, ra xa hơn chút nữa đi, - Liuxin nắm tay dắt anh đi cách khỏi xe mấy bước. Anh ta không muốn nói chuyên trước mặt người lái xe, bởi vì tuy cho mình đúng, anh ta vẫn thấy xấu hổ về câu chuyện mình sắp nói.
- Thế này nhé! - Liuxin ngượng ngùng nói. - Tình hình ở cửa ngõ Maxcơva rất căng thẳng, bây giờ sắp tới trạm kiểm soát mà cậu thì không có giấy tờ.
Nhưng Xintxốp đã hiểu hết sự tình trước khi Liuxin nói hết câu.
Liuxin đợi cho Xintxốp trả lời ít ra là một câu gì, nhưng Xintxốp lại chỉ nhìn thẳng vào mặt gã với cái nhìn nặng nề, để cho gã thấy nếu cần thì cứ việc nói tiếp, nếu thấy không cần thì cứ dừng lại ở điều vừa nói cũng là đủ.
- Thế nào, sao cậu lại im lặng? - cuối cùng Liuxin hỏi.
- Thì tớ biết nói sao nữa?
- Giá mà khi mới lên xe cậu bảo ngay tớ là cậu không có giấy tờ...
Xinuốp lặng thinh, và nét mặt của anh lúc ấy khiến Liuxin tưởng chừng như anh sắp dang tay ra đánh gã.
Thậm chí Liuxin còn hơi né sang bên một chút, nhấp nhổm hai chân, rồi sau đó mới hỏi:
- Vậy thế nào nhi?
- Được, - Xintxốp nói giọng khàn khàn. Chở tớ đến trạm kiểm soát rồi tớ sẽ xuống xe.
- Đây cũng đã gần đến rồi, - Liuxin ngập ngừng nói. - Dĩ nhiên tớ có thể chở cậu thêm một quãng nữa, nhưng đến tận trạm kiểm soát thì không thể được, ít nhất cũng phải cách nửa cây số...
- Vậy tại sao lại phải cách nửa cây số, tại sao lại không đến tận trạm kiểm soát? - Xintxốp đã bắt đầu hiểu tại sao không thể đến tận trạm kiểm soát, nhưng anh thấy không có lý do gì để thương hại Liuxin.
- Tại vì... - Liuxin ấp úng. Anh ta sắp phải nói ra cái điều gay go nhất. - Tại vì người ta đã nghiêm cấm không được chở những người lạ, hơn nữa lại không có giấy tờ. Cậu cứ tự nghĩ lấy mà xem, chúng ta đang làm cho cả đồng chí lái xe cùng khó xử mà cả tớ cũng sẽ gặp những chuyện rầy rà vô nghĩa lý. Còn cậu thì dù sao họ vẫn giữ lại, có tớ hay không có tớ đi chăng nữa, họ cũng sẽ cứ bắt cậu dừng lại ở trạm kiểm soát... Mà tớ lại đang mang tài liệu. Tớ cần đi gấp không phải vì bản thân tớ mà là vì tài liệu! Nhưng người ta có thể giữ tớ lại ngay tại chỗ này trong năm ngày đêm, vì đã chở cậu mà không có giấy tờ như kiểu thế này. Họ được quyền làm như vậy đấy! Còn đối với cậu thì đi xe hay đi bộ đến trạm kiểm soát cũng có khác gì đâu nào?
- Cậu cứ nghĩ mả xem, năm ngày đêm có phải chuyện to tát gì! - Xintxốp nhếch mép cười, mặc dầu hoàn cảnh của anh rất gay go. - Theo ý cậu thì chả khác gì nhau, nhưng theo tớ thì khác lắm chứ: nếu tớ đi xe với cậu đến trạm kiểm soát, cậu sẽ giao tớ cho họ, đó là một việc, còn tớ đi bộ một mình thoát khỏi vòng vây đến đây, lại là một chuyện khác! Có ma biết được tại sao đùng một cái tớ lại hiện ra ở đây ngay sát nách Maxcơva! Anh từ đâu đến đây? Tại sao đến? Đừng hòng phân trần rằng anh không phải là tên đào ngũ!
- Không sao cả! - Liuxin nói. - Trong lúc người ta giữ cậu lại và bắt đầu điều tra, thì tớ đã về tới tòa soạn rồi chúng tớ sẽ liên lạc bằng đường dây trục tiếp với cái trạm kiểm soát này...
-Cậu mà còn đòi liên lạc nữa à! - Xintxốp khinh bỉ nói. - Thôi được, cứ đi đi! - Anh cắt ngang rồi không thèm nhìn Liuxin nữa, trừng trừng ngó xuống đất.
- Cậu làm sao đấy? - Liuxin cố làm dịu bớt tình hình.
- Đáng lẽ ra không nên cho tớ lên xe. - Xintxốp phải khó nhọc lắm mới nói nên lời, mắt vẫn không thèm nhìn Liuxin. - Nhưng đã cho đi thì hãy chở đến nơi. Đừng sợ năm ngày đêm. Nếu sợ thì trước đây đừng cho đi...
Lúc này Liuxin không hề nghĩ rằng Xintxốp sẽ đánh gã. Nhưng chính lúc này Xintxốp sắp sửa đánh gã thật.
- Mày là đồ khốn kiếp! Cái thằng thượng úy kia dù sao nó cũng không biết tao, còn mày... Mày chỉ là đồ mạt kiếp! Đồ bần tiện!
Anh ngước đôi mắt căm hờn lên nhìn Liuxin trong giây lát, rồi quay lưng lại và chắp tay ra sau lưng, nắm chặt bàn tay kêu răng rắc.
- Thế thì tùy cậu đấy! - Không tìm ra câu để trả lời. Liuxin kêu lên, kêu lên tựa hồ như gã có đề nghị Xintxốp lựa chọn điều gì nhưng Xintxốp đã không chịu làm theo.
Liuxin chui vào xe, đóng sập cửa lại, và xe chuyển bánh. Xintxốp vẫn đứng quay lưng lại, nghe tiếng xe chạy xa dần.
Trong đời anh, chưa bao giờ ngần ấy niềm hy vọng lại đổ sụp trong chốc lát như vậy!
Anh quay lại và vẫn chắp tay sau lưng dõi theo chiếc xe hồi lâu cho tới khi nó khuất khỏi tầm mắt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét