Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Những người sống và những người chết - Chương 5

Những người sống và những người chết

Tác giả: Kônxtantin Ximônốp
Người dịch: Trọng Phan & Hà Ngọc
Người biên tập: Lê Anh Hiền
Nhà xuất bản Cầu vồng - Maxcơva - 1987

Chương Năm

Phêđô Phêđôrôvích Xerpilin, người chỉ huy cái trung đoàn mà Xintxốp ở lại đó, là một trong những con người có những trang tiểu sử bị bẻ quẹo nhưng không hề chịu khuất phục. Trong bản ghi quá trình công tác của ông đã nhiều sự đổi thay, nhưng xét về thực chất thì suốt đời ông vẫn chỉ làm có một việc là hết lòng phục vụ cách mạng, theo tác phong người lính. Ông đã phục vụ trong cuộc chiến tranh với Đức, trong cuộc nội chiến, phục vụ khi chỉ huy trung đoàn và sư đoàn, phục vụ lúc học và giảng bài trong các học viện, phục vụ ngay cả khi số phận ném ông đến Côlưma không phải vì thiện ý.
Ông xuất thân trong một gia đình y sĩ nông thôn, cha là người Nga, còn mẹ là một người Tácta ở Caximốp, đã trốn khỏi nhà và theo đạo Kitô để được lấy cha Xerpilin. Đến bây giờ ông cụ vẫn còn làm y sĩ ở Tuma, bên con đường goòng chạy qua những khu rừng hoang rậm miền trung lưu sông Mesera. Thời thơ ấu của Xerpilin đã trôi qua ở đó, rồi ông đã nối gót cha, năm mười tám tuổi rời quê hương đến Riadan vào học trường y tế trung cấp. Trong trường này, ông đã gia nhập nhóm cách mạng, bị cảnh sát theo dõi và chắc hẳn đã bị đi đầy nếu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất không bắt ông cạo trọc đầu, mặc áo lính.
Mùa đông năm 1917, y sĩ Xerpilin đã từng tham gia vào những vụ phản chiến đầu tiên và mùa thu ông đã choảng nhau với quân Đức đang tấn công thành phố Pêterbua đỏ với tư cách là tiểu đoàn trưởng được bầu lên. Khi thành lập Hồng quân, ông vẫn giữ nguyên cái chức vụ chiến đấu thích hợp với tâm tính mình, và khi nội chiến chấm dứt, ông chỉ huy một trung đoàn ở Pêrêcốp.
Các bạn đồng đội biết rõ quãng đầu của tiểu sử ông thường đùa bỡn, gọi trộm ông là y sĩ. Việc đó đã lâu lắm rồi, đã đến lúc nên quên bẵng đi, nhưng chính bản thân ông trong lúc vui đùa cũng vẫn nhắc tới cái nghề y sĩ thời xưa cũ của mình. Như Xerpilin vẫn nhớ thì sau cuộc nội chiến hầu như lúc nào ông cũng học: học theo lớp bổ túc quân nhu rồi lại chỉ huy trung đoàn, sau đó chuẩn bị vào học viện rồi tốt nghiệp học viện, kế đó lại học sang nghề xe tăng, phục vụ trong các đơn vị cơ giới đầu tiên, rồi lại quay trở về bộ binh và chỉ huy sư đoàn trong hai năm, nhận chức giáo sư chủ nhiệm bộ môn chiến thuật ngay trong Học viện Phrunde ấy, nơi mà chính ông đã tốt nghiệp trước đó năm năm. Nhưng ở đây ông vẫn tiếp tục học tập, tất cả thời giờ nghỉ thì nghiền tiếng Đức, thứ tiếng của một đối thủ rõ rệt nhất.
Khi ông thình lình bị bắt năm 1937 thì, lạ thật, chính cái tiếng Đức này và những nguyên bản điều lệnh của quân đội Đức mà người ta lấy được ở nhà riêng của ông trong khi lục soát đã khiến ông bị buộc tội.
Lý do trực tiếp để bắt giam là việc ông đã nêu lên trong bài giảng của mình những ý kiến đề phòng trước về các mặt mạnh trong quan điểm chiến thuật của nước Đức do Hítle làm sống lại, mà những ý kiến này lại không hợp mốt lúc bấy giờ.
Ngày hôm qua, chính ông đã suy nghĩ về những việc này sau khi đã đánh giá đúng mức chiến thuật quân Đức một cách chua chát và lạnh lùng, cười khẩy vói những hồi ức của mình mà Xintxốp không sao hiểu nổi.
Sau việc bắt giam khiến ông vô cùng sửng sốt thì ngoài lời buộc tội ban đầu cho ông một cách hết sức ngu xuẩn về việc tuyên truyền ưu thế của quân đội phát xít, nói chung người ta còn ghép cho ông biết bao nhiêu tội trạng mà chỉ có ma quỷ mới hiểu nổi. Chính Êgiôp đã hai lần đích thân xem xét lời khai của ông và suốt nửa năm ròng ba viên thẩm phán đã thay phiên nhau chờ đợi một cách uổng công, mong ông ký nhận cho những điều hoàn toàn không có thực.
Cuối cùng, người ta tuyên án ông mười năm tù mà thực ra là chẳng có xét xử gì. Thế rồi nửa năm sau, trong khi đang ngồi tù, chẳng cần tranh cãi dài dòng, ông đã nện tóe máu một tên trốtkít vốn là bạn đồng đội cũ của ông hồi nội chiến, vì tên này tưởng nhầm ông là kẻ cùng hội cùng thuyền và trao đổi với ông những ý kiến bảo rằng đảng đã hoàn toàn biến chất, còn cách mạng thì đã sụp đổ rồi.
Theo nhận thức của Xerpilin thì thời gian ngồi tù trước hết là thời gian bị mất đi một cách vô ích. Bây giờ đang lúc chiến tranh, mỗi khi nhớ tới bốn năm trời uổng phí đó, ông lại nghiến răng ken két lên vì tức giận. Nhưng suốt trong bốn năm ấy, ông chưa bao giờ kết tội chính quyền xô viết về những việc đã gây ra đối với ông: ông coi đó chỉ là một sự hiểu nhầm kỳ quái, một sai lầm, một điều ngu ngốc. Còn đối với ông, chủ nghĩa cộng sản đã và vẫn là một sự nghiệp thiêng liêng và không gợn vết nhơ.
Khi ông được thả ra một cách đột ngột giống như khi bị bắt giam thì ông đã già sọp đi và đã kiệt quệ đi về thể lực nhưng tâm hồn ông vẫn không hề hằn lên những nếp nhăn của tuổi già và của lòng hoài nghi. Ông quay trở lại Maxcơva vào đúng ngày đầu tiên của chiến tranh và chỉ mong có mỗi một điều là được nhanh chóng ra mặt trận.
Những người bạn cũ của ông đã từng hết lòng xoay xỏa cho ông được tha, giờ đây lại đến giúp đỡ ông: ông đã đi ngay ra mặt trận, không chờ đợi một cuộc giám định lại, thậm chí không đợi phục hồi đảng tịch, - ông chỉ đến nộp hồ sơ cho quận ủy rồi ra đi tiếp nhận trung đoàn. Ông đã sẵn sàng phụ trách dù chỉ một trung đội, miễn sao sớm được trở về với công tác cũ, công tác đó lại một lần nữa từ nghĩa vụ quân sự trở thành chiến trận. Ông muốn nhanh chóng chứng minh khả năng của mình. Chứng minh không chỉ cho bản thân mình: người ta đã trao trả ông vũ khí và quân hàm, người ta đã hứa khôi phục đảng tịch và đã cho ông đi đánh quân phát xít, - ông còn mong gì hơn được nữa? Nhưng ông muốn nêu gương mình để chứng minh rằng người ta đã làm một việc lố bịch đối với cả nhiều người khác đang còn ở lại cái nơi mà từ đó ông quay trở về đây. Đó đúng là một việc lố bịch không hơn không kém.
Thêm một ngày ở ngoài mặt trận thì cảm giác đó càng lớn thêm lên trong lòng ông: quân Đức mạnh thật - không thể có hai ý kiến về điều này được. Cuộc chiến tranh thật là nghiêm trọng, và sau những thất bại đầu tiên, nó lại càng trở nên nghiệt ngã.
Người ta tự hỏi rằng: ngay trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh ấy, ai là kẻ thấy cần phải tước đoạt khỏi quân đội những người như Xerpilin? Cố nhiên là những người như họ, không phải là duy nhất trên đời này. Không có họ, quân đội vẫn chiến thắng. Nhưng tại sao lại thiếu họ? Ý nghĩa của việc này là gì?
Hôm nay trước lúc bình minh, nằm trên mớ cỏ khô do người cần vụ đưa đến, ông đang suy nghĩ về việc đó. Trận đánh thắng đầu tiên đã làm cho lòng ông tràn ngập một niềm tin, không, không phải niềm tin rằng trung đoàn mình sẽ lập nên những chiến công kỳ diệu, mặc dầu ông cũng muốn tin như vậy, mà là niềm tin rằng nói chung sự việc diễn biến không đến nỗi tồi tàn như người ta tưởng lúc ban đầu.
Tất nhiên bộ đội đã chiến đấu khá hơn, đã gây cho bọn Đức nhiều tổn thất hơn là ta tưởng tượng, khi chỉ trông thấy những người bị bao vây thất thểu đi qua trận địa của mình. Chắc hẳn là ở hàng trăm nơi, bộ đội cũng đã đánh y như trung đoàn ông đã đánh ở đây trong trận đầu, và nếu như thế mà quân Đức vẫn tiến lên được, vẫn bao vây và dồn ép chúng ta thì cố nhiên chúng đã đạt được điều đó một cách không đơn giản và với cái giá không rẻ mạt gì đâu. Quy mô đồ sộ của chiến trường, việc ném các lực lượng dự bị của chúng ta vào vòng chiến và việc tăng cường trang bị cho quân ta những trang bị mà, khỉ thật, đáng lẽ phải được đưa ra mặt trận với những số lượng bình thường, - tất cả mọi việc đó rút cục sẽ chặn quân Đức lại ở một giới hạn nào đó. Vấn đề chỉ là giới hạn đỏ sẽ nằm ở đâu.
Tình trạng tạm lắng tiếng súng hôm qua không làm cho Xerpilin vui mừng. Ông hiểu rằng quân Đức để cho ông yên không phải tại vì chúng đã mất hy vọng nghiền nát trung đoàn ông mà tại vì, - thật đáng tiếc, - chúng biết cách điều động lực lượng của mình. Kết quả của sự điều động đó đã bắt đầu biểu lộ ra. Quân địch đã chọc thủng mặt trận cả ở bên trái lẫn bên phải Môghilép. Người ta đã nhận thấy rõ điều này căn cứ vào tiếng súng đã lan xa về phía đông. Chỉ có người điên mới không hiểu điều này. Thế mà ông đang cùng với trung đoàn ngồi bó tay ở đây và đợi đến lượt mình.
Mệnh lệnh cuối cùng mà sư đoàn nhận được trước khi đứt liên lạc với tập đoàn quân là: giữ vững trận địa. Ồ, phải, đối với những con người đang sẵn sàng đổi tính mạng của mình với một giá đắt và biết cả cách thực hiện việc ấy thế nào thì đây chẳng phải là một mệnh lệnh tồi, nhất là nếu sau đó không có thêm mệnh lệnh rút lui, khi rút lui đã là quá muộn. Nhưng người ta tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra với các sư đoàn bạn, và những chuyện vỡ mặt trận, bị bao vây liên miên còn sẽ tiếp diễn đến bao giờ, những chuyện đã làm cho tai người ta phát nhức lên vì phải nghe kể mãi rồi?!
Khi suy nghĩ về tình hình trước mắt, Xerpilin sợ nhất là sẽ phải nhận một mệnh lệnh rút lui đã quá muộn. Vả lại, nếu trận đánh bắt đầu từ sáng thì dù ta muốn, nhưng vẫn không tránh được quân Đức. Dù thế nào cũng phải đánh thôi. Sư đoàn bảo vệ Môghilép, các ngả đường đều đổ về đây, ở đây có cầu qua sông Đniép - tất cả gộp lại thành một đầu mối không còn ở trong hậu phương của chúng, mà chúng đã không tìm cách gỡ ra được.
“Thật là ma dắt lối, quỷ đưa đường, chắc hẳn cậu này sẽ bỏ mạng ở đây mất! - với mối thiện cảm, Xerpilin suy nghĩ về anh chàng Xintxốp đang ngủ trên vệ cỏ bên cạnh ông, - Cậu ta còn trẻ, như anh chàng tham mưu trưởng của mình vậy. Chắc là cũng có cô vợ trẻ...”. Rồi Xerpilin liên tưởng tới vợ mình trước đây đã sống ở Maxcơva trong một căn hộ cũ kỹ của học viện cấp cho, do nhà nước quản lý. Khi ông bị bắt, người ta vẫn phải để lại cho bà một phòng, chắc có kẻ nào đã bị lương tâm cắn dứt rồi đó. “Ôi chao, bà nó già rồi, già rồi! - Xerpilin trìu mến suy nghĩ. - Tóc bạc hết cả rồi. Kiệt cả sức đi vì thư từ, vì chuyển quà bánh, đồ đạc, vì chạy vạy khắp các bạn đồng sự và các cấp thủ trưởng, mà hồi nào xưa kia cô ta đã từng đẹp xiết bao, và không biết bao nhiêu thằng cha nông nổi và ngu ngốc trong các đơn vị đồn trú đã phải ngạc nhiên tại sao cô ta lại đi lấy cái lão xấu xí cao lêu đêu này, và tại sao lại không phản bội lão ta”.
Ở phía tây có tiếng nổ rền nghe rõ mồn một: bọn Đức bắn liền một lúc mấy phát đại bác.
“Ở chỗ Plốtnhikốp, - Xerpilin thầm nhận xét và điềm tĩnh suy nghĩ: - Chúng nó bắt đầu rồi đấy”.
Xintxốp bật dậy sờ quáng sờ quàng chung quanh mình để tìm mũ calô.
- Vậy là dứt khoát ở lại hả? - Xerpilin vừa thong thả rũ những cọng cỏ khô trên người vừa bảo Xintxốp. - Bây giờ có oán hối cũng chẳng kịp nữa đâu...
Xintxốp im lặng.
- Thôi được, đi với tớ xuống các tiểu đoàn đi. Cậu muốn xem đánh nhau thì bây giờ sẽ thấy...
Trận chiến đấu lại nổ ra trên mặt trận của trung đoàn Xerpilin và tiếp diễn hầu như liên tục trong ba ngày.
Tới giữa ngày thứ nhất, quân Đức hầu như không tiến lên được ở một nơi nào cả, mặc dầu chúng phát huy hỏa lực pháo binh rất mãnh liệt, bắn không tiếc đạn và mở cả mấy cuộc tấn công bằng xe tăng phối hợp với bộ binh ngồi trên xe bọc sắt. Trước phòng tuyến trung đoàn lại có thêm hai chục chiếc xe tăng và xe bọc thép bị bắn cháy và bắn hỏng. Theo lời anh em thống nhất nói lại thì có năm trăm, còn theo lời của Xerpilin. con người vốn không ưa phóng đại, báo cáo lên sư đoàn thì đã có ba trăm xác quân Đức nằm lại trên cánh đồng lúa mạch. Sự tổn thất trong trung đoàn lại còn nhiều hơn - nào vì hỏa lực pháo binh, nào vì xe tăng, nào vì hỏa lực của bọn xạ thủ tiểu liên Đức, một đại đội chạy ra khỏi công sự đã bị bọn này quạt gục sạch không sót người nào. Có tới một nửa số đại đội đã mất đại đội trưởng hay chính trị viên, cái cậu Plốtnhikốp chưa kịp ngủ đẫy giấc ấy cũng đã hy sinh, trung đoàn phó chính trị thì bị xé tan thành từng mảnh vì một phát đạn súng cối rơi đúng vào đài quan sát.
Buổi chiều đại tá sư đoàn trưởng Daitrikốp lần mò tới chỗ Xerpilin, tới người cuối cùng trong ba người trung đoàn trưởng của mình. Từ sáng, ông ta đã ở bên kia sông Đniép và khi hiếu rằng mình đã bị bao vây thì liền xoay cái trung đoàn đang nằm ở thê đội hai đó lại cho mặt quay về phía đông và lưng quay về phía sông. Sau đó, ông vượt sông, ngồi nửa ngày ở cái trung đoàn bảo vệ ngoại thành Môghilép, ở đây pháo binh Đức hoạt động ác liệt, nhưng chúng tấn công yếu hơn ở chỗ Xerpilin. Chắc là quân Đức tính không mở những trận đánh trên đường phố nội thành mà thoạt tiên nhằm tiêu diệt Xerpilin, rồi vòng qua Môghilép tiến đến cầu sông Đniép. Ít ra thì sư đoàn trưởng đã nói với Xerpilin như vậy, khi ông đến gặp Xerpilin trong chỉ huy sở mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì nóng bức và bàn tay của ông thò vào trong áo quân phục mùa hè để nắn bóp quả tim đang đau nhói. Sau một ngày lặn lộn ở khắp các trận địa, quả tim ấy đã giở chứng. Béo phục phịch, mí mắt dưới hum húp, sư đoàn trưởng đứng cạnh Xerpilin trong công sự, hớp lấy hớp để không khí mà vẫn không sao hớp được nhiều.
- Chỗ tớ Glusencô chết mất rồi, - sư đoàn trưởng chua xót nói tới người sư đoàn phó chính trị của mình. - Chết một cách ngớ ngẩn vì một viên đạn đại bác lạc ở gần cầu.
- Nào có ai chết một cách thông minh? - Xerpilin đáp. - Tôi đã báo cáo đồng chí lả trung đoàn phó chính trị của tôi cũng chết rồi, tôi cũng đang mồ côi nốt.
- Tớ biết rồi, - sư đoàn trưởng nói, - và tớ dẫn người đến thay đây.
Ông ta quay về phía một thiếu tá chính ủy đeo cặp kính dày có hai tròng, lông mày bạc, mặt đỏ, người thấp bé, đi cùng với ông. Từ trước tới nay, Xerpilin chưa hề thấy người này trong sư đoàn.
- Thuyết trình viên từ tận Cục chính trị Hồng quân công nông phái về đấy, - sư đoàn trưởng vừa tiếp tục thở hổn hển vừa nói nhát gừng. - Đồng chí ấy đến đây giảng chính trị, mà cậu thấy đấy, ở đơn vị chúng mình thì còn giảng với dạy gì...
- Tôi là Smakốp, - thiếu tá chính ủy đặt tay lên vành mũ và nói.
- Chính đồng chí Smakốp đã tỏ ý muốn đến trung đoàn cậu. Đồng chí ấy đã rõ tình hình. Đã ra thông tri trong toàn sư đoàn rồi, - sư đoàn trưởng nói, - vậy tớ chúc mừng cậu đã có chính ủy trung đoàn.
Xerpilin đưa mắt nhìn Daitrikốp có ý hỏi lại. Ông ta bèn đáp:
- Chính thế đấy! Cậu đã có chính ủy trung đoàn. Mệnh lệnh cuối cùng mà trước lúc hy sinh và trước khi đứt liên lạc, Glusencô nhận được từ phòng chính trị tập đoàn quân là đã có pháp lệnh khôi phục lại chế độ chính ủy trong quân đội. Cậu ta định thân hành mang mệnh lệnh đó xuống các trung đoàn mà không kịp. Tội nghiệp...
- Phải rồi, - Xerpilin nói sau một lát im lặng, - lại như hồi nội chiến, vừa có chỉ huy, vừa có chính ủy. Càng chứng tỏ tình hình của chúng ta là hết sức nghiêm trọng...
- Đồng chí trung đoàn trưởng, xin nói để đồng chí biết, - Smakốp nói, - là trước đây vào hồi động viên lực lượng đánh Đênikin, tôi đã làm chính ủy sư đoàn khinh binh bốn hai được gần một năm. Nhưng quả thực sau nội chiến, tôi được điều ngay sang công tác chính trị, và mới mặc lại quân phục có một tuần nay thôi.
- Cậu này cũng mới mặc lại quân phục chưa đầy một tháng, - Daitrikốp hất đầu chỉ Xerpilin. - Trước cũng đã từng chỉ huy sư đoàn, còn tôi thì sau khi tốt nghiệp học viện đã từng đến tập sự ở sư đoàn cậu ta. Vậy thì các anh đều là hai cấp to tình cờ gặp nhau, - ông ta nói đùa nhưng đùa không xong: hình ảnh Glusencô tử trận đã không sao rời khỏi đầu óc ông.
- Thế nào thủ trưởng, còn nhiều quân dưới trướng nữa không? - nén lòng mình, sư đoàn trưởng vẫn cố nói đùa.
Xerpilin báo cáo về số thương vong.
- Đơn vị nào cũng thương vong nhiều cả, - Daitrikốp nói. - Thương vong lớn! - ông nhắc lại và lại nghĩ đến Glusencô.
Thời gian xả hơi ngắn ngủi đã chấm dứt và bọn Đức lại xông lên tấn công trước khi Xerpilin kịp trò chuyện cặn kẽ với Smakốp. Trận tấn công vừa bắt đầu, chính ủy mới đã lấy người dẫn đường đi xuống các tiểu đoàn tìm hiểu tình hình.
- Bắt đầu từ sườn bên trái, từ tiểu đoàn ba ấy, - Xerpilin khuyên. - Tiểu đoàn đó gần hơn. - Và ông tự nói thêm với mình: “Mà cũng tĩnh hơn nữa”.
Chính ủy không mò lên sở chỉ huy ngay, điều đó khiến Xerpilin vừa ý, vả lại chính ông cũng muốn tận dụng khả năng bảo vệ chính ủy được an toàn.
Trong khi đợt tấn công lần thứ sáu trong ngày ấy đang tiếp diễn thì Daitrikốp vẫn lưu lại trung đoàn, luôn luôn ở bên cạnh Xerpilin. Sự có mặt của ông ta tại trung đoàn không khiến cho Xerpilin bị gò bó, vả lại trong suốt thời gian đó sư đoàn trưởng chỉ ra có hai ba mệnh lệnh, hơn nữa lại là những mệnh lệnh mà chính Xerpilin cũng sắp sửa ra vào giây phút sau đó. Điều này chứng tỏ rằng họ nhìn sự việc diễn biến trên trận địa bằng con mắt giống nhau.
Mặc dù hai tuần trước đây khi Xerpilin tiếp nhận trung đoàn thì sư đoàn trưởng hoàn toàn không vui, vì thấy mình phải chỉ huy một người quân hàm cao hơn mình, nhưng giờ đây trong chiến đấu, chính bản thân ông cũng đã quên khuấy điều đó đi rồi. Tuy trước đây nhiều năm ông đã từng tập sự ở đơn vị Xerpilin và về thực chất hai bên chưa biết rõ nhau lắm. song trong tình hình trầm trọng hiện nay thì sự quen biết trước chiến tranh thật là quan trọng đối với cả hai người, và nó khiến họ tỏ lòng thành thực đối với nhau.
Trận tấn công thứ sáu vừa bị đánh lui một cách dễ dàng hơn những trận trước nhiều - hình như quân Đức đã bắt đầu kiệt sức, - sư đoàn trưởng đã tất tưởi định sang trung đoàn bên cạnh.
- Xerpilin ạ, về cậu thì tớ chẳng lo ngại gì, - lúc chia tay chỉ có hai người với nhau, ông bảo Xerpilin. - Tất nhiên tớ vui mừng là cấp trên đã giao cho cậu một trung đoàn của tớ, mặc dầu nói thật ra thì đáng lẽ cậu với tớ phải chỉ huy hai sư đoàn ở cạnh nhau, ít ra thì hai bên đều yên tâm không lo hở sườn, đằng này chúng mình cứ đánh mà không có trắc vệ. Mới sáng hôm qua ít ra còn tiếp giáp được với ông láng giềng bên trái, nhưng bây giờ thì trơ trụi rồi!
- Không sao đâu, - Xerpilin nói, - công việc là công việc chung của chúng ta. Tôi với anh, chúng mình chỉ huy bất cứ cái gì trời trao cho chúng ta. Nếu còn sống, chúng mình sẽ phục vụ trong quân đội lên đến cấp tướng, mà nếu chết ở cấp đại tá và lữ trưởng thì cứ đành chết sao chôn vậy, thế thôi.
- Mong sao đào sâu chôn chặt được nhiều quân phát xít hơn, - sư đoàn trưởng đáp, - còn bản thân ta không được ăn bánh thánh thì cũng đành thôi. Sao mà hôm nay máy bay chúng không bay nhỉ, - lúc chia tay với Xerpilin, ông ta ngẩng trông trời và nói thêm.
Nhưng ông ta đã nói gở: chưa đầy nửa giờ sau, quân Đức giáng một đòn oanh tạc nặng vào chỗ tiếp giáp giữa Xerpilin với trung đoàn láng giềng. Bốn chục chiếc máy bay ném bom nối đuôi nhau bổ nhào xuống, tựa hồ dùng lưỡi dao rạch ra cả một vạch đến bờ sông. Một màn khói dầy đặc bao phủ phần chân trời phía bắc.
Thế rồi một giờ nữa trôi qua sau khi trận ném bom đã chấm dứt, người ta đã khiêng sư đoàn trưởng trở lại bằng cáng, ông đã kiệt sức, bị thương nặng vì một mảnh bom xuyên trúng bụng, và bác sĩ phẫu thuật chạy tới sở chỉ huy đã cùng với chị y tá phẫu thuật loay hoay hồi lâu mới gắp được mảnh bom ra trong tiếng rên rỉ nặng nhọc của ông. Ngay sau khi bị thương, sư đoàn trưởng đã cương quyết hạ lệnh không đưa mình đến trạm quân y mà đưa đến đây, đến chỉ huy sở, đến với Xerpilin.
Người bác sĩ bất đắc dĩ phải tuân theo mà trong bụng cứ rủa thẩm. Anh ta còn trẻ và nhút nhát, bởi vì trong sư đoàn này người ta sợ đại tá Daitrikốp như sợ cọp, và cái cảm giác đó vẫn ám ảnh người bác sĩ ngay cả lúc này, khi mà cái ông Daitrikốp dữ tợn ấy đang nằm rũ ra không động đậy trước mặt anh.
Sau khi máy bay ném bom Đức đã xới tung khoảng đất ở chỗ tiếp giáp giữa hai trung đoàn đến tận sông Đniép thì xe tăng Đức lại đánh ngay vào chỗ đó trong khi khói bom còn chưa tan, thọc tới cầu sông Đniép, kịp thời chiếm lấy chiếc cầu còn nguyên vẹn. Bọn xạ thủ tiểu liên Đức ngồi trên xe bọc sắt, tràn sang cùng với xe tăng. Chúng không đông gì, vẻn vẹn có một đại đội, nhưng trận ném bom và tấn công bằng xe tăng thật bất ngờ, trong bóng tối hỏa lực của bọn xạ thủ tiểu liên Đức lại rền vang tưởng chừng như dầy đặc lắm khiến cho cả Xerpilin lẫn trung đoàn trưởng của cái trung đoàn bên cạnh, trong giờ phút đầu tiên của tai biến, đều chưa dám quyết định đánh vào chuỗi xích còn mỏng manh của bọn Đức đang thọc tới sông Đniép.
Tối đến, họ cũng chưa dám liều mạng, đó vừa là do thiếu kinh nghiệm, vừa là do đánh giá quá cao quân số của địch, - nhưng để đến sáng hôm sau thì đã muộn mất rồi.
Khi Daitrikốp được đưa đến sở chỉ huy trung đoàn thì Xerpilin không có ở đó. Xerpilin không gặp sư đoàn trưởng ở dọc đường, ông đi xuống tiểu đoàn ở sườn bên phải vừa bị tấn công, để điều khiển việc chuẩn bị cho trận đánh sáng mai.
Sư đoàn trưởng hạ lệnh đưa thẳng mình tới sở chỉ huy của Xerpilin, bởi vì ông có cảm tưởng rằng đây là một vết tử thương và ông muốn kịp giao quyền chỉ huy sư đoàn cho Xerpilin. Lúc người bác sĩ rửa xong vết thương, chuẩn bị gây mê cho ông, ông liền phản đối vì sợ mình ngất đi dù chỉ là một phút; ông thấy hình như thể là mình sẽ đi vào cõi chết mà chưa kịp bàn giao sư đoàn lại Xerpilin...
Khi còn ở dưới tiểu đoàn, Xerpilin đã biết tin sư đoàn trưởng bị thương nặng. Ra xong những mệnh lệnh cần thiết nhất, ông vội vàng đến trạm quân y trung đoàn, hy vọng sẽ gặp sư đoàn trưởng ở đó. Nhưng ở trạm quân y không có cả sư đoàn trưởng lẫn người bác sĩ phẫu thuật, anh ta đã được gọi tới chỉ huy sở.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, - người bác sĩ mặc chiếc áo choàng bê bết máu bên ngoài áo quân phục đang đứng ở cửa hầm thì thầm nói, - không phải lỗi tại tôi, tôi muốn theo đúng điều lệnh, chạy chữa vết thương trong những điều kiện tốt nhất, nhưng sư đoàn trưởng ra lệnh...
- Ủa, cái anh này, ra lệnh cho anh là thế nào! - Xerpilin giận dữ phẩy tay. - Có những trường hợp không phải chúng tôi ra lệnh cho bác sĩ mà bác sĩ phải ra lệnh cho chúng tôi. Thế nào? Liệu có sống được không?
- Tất cả việc gì có thể làm được đều đã làm rồi, nhưng vết thương nặng lắm mà điều kiện cứu chữa thì...
- Than vãn thì cũng muộn rồi! Bây giờ còn làm gì được nữa không?
- Lúc này tôi không thể lảm gì hơn được nữa.
- Thế thì đi đi, ở chỗ anh, đằng trạm quân y thương binh đang nằm xếp hàng la liệt dưới đất đấy, - Xerpilin nói đoạn bước vào hầm.
Daitrikốp nằm trên chiếc giường sắt với đôi mắt mở to, đôi môi giật giật, ông cố nén cho khỏi rên.
Xerpilin kéo chiếc ghế đẩu lại để ngồi, hai đầu gối đụng phải mép giường đau điếng.
- Cậu Xerpilin ạ, thế là tớ hết đánh nhau rồi, - sư đoàn trưởng nói và một giọt lệ từ mắt ông ứa ra lăn trên gò má. Ông lau nước mắt rồi lại đặt tay xuống vải trải giường, dọc theo thân mình. - Đắp áo capốt vào cho tớ, người thấy ớn lạnh rồi.
Xerpilin lấy tấm áo capốt của mình treo trên đinh xuống đắp thêm lên cho sư đoàn trưởng bên trên tấm vải trải giường.
- Quân Đức ngoài ấy thế nào? - sư đoàn trưởng hỏi.
Che giấu sự thật đối với người bị thương thật chẳng ích gì, mà chính Xerpilin cũng cho là mình không có quyền làm như vậy. Daitrikốp tuy bị thương, nhưng vẫn còn là sư đoàn trưởng. Xerpilin báo cáo rằng quân Đức đã cắt rời ông ra khỏi trung đoàn bên cạnh, tiến đến sông Đniép và chắc chắn đã chiếm được cầu. Sư đoàn trưởng nằm im lặng mấy phút, suy ngẫm tin đó và cố tập trung tư tưởng. Nhưng khó lòng mà tập trung tư tưởng được, nó cứ tản ra tứ phía: nếu quân Đức chiếm được cầu thì có nghĩa là chỉ một đòn, chúng đã cắt rời được tất cả ba trung đoàn ra khỏi nhau. Ông nghĩ tới đại tá Iuskêvít, tham mưu trưởng của mình, giờ đây đã trở thành cấp cao nhất ở bờ sông bên kia.
- Tan tác ráo cả rồi, - ông nói to.
Theo ông thì Iuskêvít là một tham mưu trưởng giỏi, nhưng số phận của ông ta bây giờ thật là hẩm hiu. Sau khi cầu bị mất, ông đã lâm vào cái cảnh nằm giữa hai làn đạn, bị găm chặt vào giải đất chật hẹp ven sông, đằng sau lưng là quân Đức. Nếu ngay đêm nay mà Iuskêvít đoán ra được và thử đột phá về phía đông thì may ra còn có thể vớt vát được chút gì, còn nếu không đoán ra được thì chỉ còn một nước đi đứt!
Thiếu tá Lôskarép, người chỉ huy cái trung đoàn bám giữ ngoại thành Môghilép mà giờ đây đã bị cắt đứt, thật là một người gan dạ, gan dạ đến liều lĩnh, nhưng anh ta còn non nớt quá. Daitrikốp tin chắc là anh ta không hèn đớn đâu, nhưng khó mà nói được rằng Lôskarép gánh vác một trung đoàn ra sao, nếu anh cứ hành động theo kiểu giơ đầu chịu báng như vậy. Thậm chí Daitrikốp còn tiếc rằng sao mình lại bị thương ở đây, ở trung đoàn Xerpilin, chứ không phải ở đằng kia, ở chỗ Lôskarép, nếu ở đằng ấy ông sẽ có ích hơn ngay cả lúc này, lúc ông đã nằm liệt.
Sau đó, ông nghĩ tới vết thương của mình và tới gia đình - tới người vợ và mấy đứa con gái của mình - mà cảm thấy tủi thân. Toàn là con gái với con gái, đến nỗi lần cuối cùng vợ ông đã phát khóc lên vì không đẻ được thằng con giai.
“Năm đứa con gái thì gay go thật”, - ông nhớ tới gia đình tựa hồ như bản thân ông đã không còn sống nữa rồi.
- Này Xerpilin, - cuối cùng ông đã tập trung được tư tưởng, - cậu chuẩn bị tiếp nhận lấy sư đoàn. Viết lệnh đi.
- Nếu sau này cần thì tớ sẽ xin sẵn sàng, nhưng mệnh lệnh thì hẵng khoan đã! Không ai bàn giao sư đoàn trong khi sư đoàn trưởng còn sống cả. Cậu cứ chịu khó nằm nghỉ ít hôm thì sẽ lành thôi, cậu khỏe thế kia mà. - Và Xerpilin thận trọng đưa tay đụng vào vai ông.
Daitrikốp đưa mắt liếc nhìn Xerpilin rồi lặng thinh, vả lại biết nói gì đây? Nếu ở vào địa vị Xerpilin thì ông cũng sẽ trả lời như vậy.
- Dù sao cậu cũng cứ chuẩn bị đi, - im lặng một lát, ông nói rồi nhắm mắt lại.
Bây giờ ông đang ở chỗ Xerpilin mà không ở trạm quân y, điều đó đã an ủi ông: nếu ở trạm quân y thì ông sẽ cảm thấy mình chỉ là một người bị thương giữa những người bị thương khác, còn ở đây ông vẫn là sư đoàn trưởng. Ông nằm nhắm mắt mấy phút và khi mở mắt ra thì thấy người chính trị viên cao lênh khênh đã từ tòa báo đến gặp ông ở trong rừng cách đây không lâu, lúc này đang đứng sau lưng Xerpilin. Người chính trị viên ấy mặc chiếc áo quân phục bẩn thỉu, lấm láp, và đeo khẩu tiểu liên Đức.
Hầu như suốt ngày Xintxốp cứ quanh quẩn bên cạnh Xerpilin, mới đầu ở tiểu đoàn này sau đó ở tiểu đoàn khác; chính mắt anh đã thấy xe tăng tràn vào khu vực bố trí của tiểu đoàn Plốtnhikốp; một chiếc chồm lên nền đường sắt, hất tung cái chòi canh của ông lão gác đường, rồi cứ đứng cách Xintxốp năm chục thước mà nã đại bác hồi lâu, đạn đại bác rít ngay trên đầu. Rồi anh thấy Plốtnhikốp xông ra khỏi công sự, ném vào gầm xe tăng một chùm lựu đạn. Chiếc xe tăng bốc cháy, nhưng một giây sau Plốtnhikốp đã bị một băng súng máy từ trên chiếc xe tăng khác quạt chết.
Sau đó, Xintxốp trông thấy một đại đội bỏ chạy. Bọn xạ thủ tiểu liên Đức bắt đầu quét đại đội này, nhưng Xerpilin đã chỉ huy các chiến sĩ ở cạnh mình dùng súng và lựu đạn đánh bật cuộc tấn công của bọn xạ thủ tiểu liên, trong đó chính anh thỉnh thoảng cũng ngắm mục tiêu và bắn bằng súng trường.
Cách chỗ Xintxốp không xa, ông già gác đường dùng súng trường bắn vào quân Đức; nhưng sau đó khi Xintxốp ngoái nhìn lại lần nữa thì thấy ông già đã nằm chết dưới đáy công sự, mặc bộ quân phục Đức khuy cởi phanh trên bộ ngực lông bạc trắng, đẫm máu.
Xintxốp cũng bắn bằng súng trường và chính mắt anh thấy rõ mình bắn trúng một tên Đức tựa hồ như vừa từ dưới đất chồm lên cách anh có mười bước.
- Ấy đấy, cậu cũng đã bắn được một thằng Đức rồi, - khi đã đánh lui được cuộc tấn công, Xerpilin nói với Xintxốp như vậy. Y như là ông ta không bỏ sót một việc gì xẩy ra chung quanh mình. Sau đó, ông ra lệnh đưa cho Xintxốp khẩu tiểu liên tước của thằng Đức tử trận, với hai băng đạn dự trữ dài kèm theo đựng trong cái túi bằng vải gai. - Cầm lấy, của cậu đấy, đúng luật lệ đấy!
Tất cả nhưng việc đó xẩy ra đã lâu rồi, từ lúc ban ngày kia, còn đến chiều khi trời đã tối hẳn thì Xintxốp cùng Xerpilin đi tới chỗ quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến của ta sau trận ném bom. Ở đó, anh đã để mất hút Xerpilin, phải tìm mãi, cứ sợ rằng ông ta chết mất, và khi quay về sở chỉ huy được biết là Xerpilin còn sống và lành mạnh thì anh rất mừng.
Xintxốp cứ thế tươi cười bước vào hầm, và bỗng nhiên cùng một lúc anh đã trông thấy tất cả, thấy cái lưng gầy, còng của Xerpilin đang ngồi trên ghế đẩu và thấy ông đại tá sư đoàn trưởng đang nằm trên chiếc giường sắt của Xerpilin với đôi mắt nhắm nghiền. Mặt đại tá tái xanh, đến nỗi thoạt tiên Xintxốp ngỡ là ông ta đã chết. Sau đó, ông mở mắt ra và im lặng nhìn Xintxốp hồi lâu.
Xintxốp cũng đứng im, không biết là bây giờ nên làm gì và nói gì. Xerpilin cảm thấy có ai đằng sau lưng bèn quay lại.
- Thế nào, chính trị viên, được đánh nhau thỏa thích rồi chứ? Bây giờ cậu sẽ hết kêu ca là không có gì để viết nữa chứ?
Xintxốp sực nhớ tới cuốn sổ tay nằm trong xà cột, thế mà cả ngày hôm nay anh chưa hề đụng đến nó lần nào. Anh đói rồi, nhưng anh thấy mình còn thèm ngủ hơn là thèm ăn.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, tôi xin phép đi ra ạ, - anh không trả lời mà nói thế, vì cảm thấy một sự mệt mỏi âm ỷ không phải ở tay cũng chẳng phải ở chân mà ở đâu tận trong phủ tạng, một thứ mệt mỏi âm ỷ do tất cả những sự nguy hiểm đã lần lượt trải qua trong suốt một ngày nay chất chứa lại.
- Buồn ngủ hả? - Xerpilin nhìn anh từ đầu đến chân bằng cặp mắt thấu hiểu. - Đi đi, cậu là người được tự do.
- Tôi sẽ nằm ngay cạnh đây, gần hầm, - Xintxốp nói, tự thấỵ xấu hổ vì mình buồn ngủ, trong khi Xerpilin chắc hẳn còn mỏi mệt hơn nhiều mà vẫn ngồi đây và vẫn tỉnh táo như thường. Xerpilin không quay lại, gật đầu.
- Tại sao anh ta lại ở đây với cậu? - Daitrikốp khẽ hỏi, nhưng Xerpilin chỉ nhún vai vì thấy khó trả lời.
Xintxốp vừa ra khỏi thì Smakốp bước vào hẩm: ông ta cũng đeo một khẩu tiểu liên Đức. Vào đến nơi, ông bỏ súng xuống đặt vào góc hầm, mệt mỏi ngó ngoáy cổ rồi bước lại gần giường. Ông đã được biết rằng Daitrikốp bị thương và nằm ở đây. Hỏi cũng chẳng để làm gì, mà cũng chẳng có gì để hỏi nữa. Ông đứng im lặng.
- Lấy được nhiều tiểu liên không? - Daitrikốp nhìn ông, hỏi.
- Hai chục.
- Tiểu liên của chúng nó bắn rất thật, - Daitrikốp nói. - Hồi còn đánh nhau ở Phần Lan đã thấy rõ ràng phải trang bị thật nhiều tiểu liên, thế mà người ta vẫn gãi gáy. Thế là cứ gãi mãi cho đến tận lúc có chiến tranh. Bên ta nếu mỗi trung đoàn có được mười khẩu tiểu liên là tốt rồi, thế mà chúng nó có hàng trăm! - Giọng nói khàn khàn đã yếu nhược của ông lộ vẻ bực tức.
Smakốp bắt đầu kể lại những việc xảy ra ở tiểu đoàn sườn bên trái. Xerpilin cùng sư đoàn trưởng nghe ông kể: Xerpilin còn chăm chú nghe được, chứ Daitrikốp thì mười câu chỉ nghe được năm, cách nửa phút ông lại phải nheo mắt lại vì đau ở bụng.
- Cứ như trở dạ đẻ, - cuối cùng ông cố hết sức mím cười và nói.
- Đồng chí Smakốp, tôi sẽ chuyển sang hầm đồng chí, - Xerpilin nói, - còn ở đây sẽ đặt nhân viên quân y chăm sóc cho sư đoàn trưởng.
Lúc đầu, ông còn muốn khẩn khoản đưa sư đoàn trưởng sang trạm quân y, nhưng về sau đành phải thôi ỷ định đó. Xét cho cùng, bây giờ đang trong vòng vây, ở trung đoàn chẳng còn biết đâu là hậu tuyến, đâu là tiền tuyến. Cứ để ông ấy nằm đây vậy, dù sao cũng chẳng thuyết nổi ông ấy, còn nếu cứ gây tranh cãi mà biết là chẳng ăn thua thì Xerpilin không thích thú gì.
- Chẳng cần cắt đặt gì cho mình cả, - Daitrikốp nói. - Hóa ra mình lại dồn cậu ra khỏi hầm.
- Phải đặt! - Xerpilin cương quyết nói. - Về mặt này thì đừng tranh cãi với tớ, dù sao trước kia tớ cũng đã từng là y sĩ, tớ có kinh nghiệm.
Daitrikốp bất giác mỉm cười. Ông vụt nhớ lại cái biệt hiệu “y sĩ” của Xerpilin và thời gian mình tập sự ở sư đoàn Xerpilin vào cái năm ba mươi ba xa xôi ấy.
- Daitrikốp ạ, nếu có thể thì cậu hãy cố tranh thủ chợp mắt một lát. - Xerpilin đứng dậy nói. - Tớ cùng với chính ủy đi tổng kết tình hình trong ngày, rồi sau sẽ quay lại nhận lệnh của cậu.
“Sao nhỉ, bây giờ cậu vẫn cần tới những mệnh lệnh của mình kia ư! - Daitrikốp trông theo Xerpilin và nghĩ thầm một cách thành thật, không chút ác ý. - Cậu đâu phải là Lôskarép. Nếu cuộc đời cậu chuyển biến khác đi thì bây giờ cậu đã chỉ huy sư đoàn và có khi cả quân đoàn chưa biết chừng và chính cậu sẽ ra lệnh cho tớ ấy chứ... Nếu lúc ấy, giữa tớ và cậu vẫn còn liên lạc được với nhau”, - ông nhớ đến việc đứt liên lạc với tập đoàn quân và nhếch mép cười chua chát.
Trong căn hầm của Smakốp, mà bây giờ chính Smakốp đã bước vào lần đầu tiên, hai người ngồi đối diện nhau trên hai chiếc giường - Smakốp ngồi trên giường của người chính ủy đã chết buổi sáng, còn Xerpilin thì ngồi trên giường của người tham mưu trưởng chết buổi chiều, - họ tổng kết tình hình trong ngày và nhằm vá víu những chỗ tổn thất trong trung đoàn ngày hôm nay như thể giật gấu vá vai một bộ áo quần rách như tổ đỉa, họ bàn xem nên điều động ai đi đâu để bịt cho hết mọi lỗ hổng. Nội trong đêm nay họ phải chỉ định xong một tiểu đoàn trưởng, hai đại đội trưởng và ba chính trị viên để thay thế những người đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu trong ngày hôm đó. Vì lúc ấy Smakốp mới tạm tìm hiểu được anh em trong một tiểu đoàn mà cũng chỉ thoáng qua thôi, do đó Xerpilin đã nêu tên hầu hết những người được đề cử. Khi bàn đến vấn đề chính trị viên, Xerpilin đã nhớ tới Xintxốp.
Khi thấy Smakốp nhún vai, ông nói :
- Thế việc gì mà cậu ấy cứ phải theo sau tôi như cái đuôi cho đến khi bị hy sinh? Đã có quân hàm chính trị viên thì cứ để cho làm chính trị viên đại đội, chẳng kém người khác đâu mà dù có kém người khác thì cũng chẳng còn ai nữa.
Năm phút sau, Xintxốp đã được dựng dậy, lấy tay dụi dôi mẳt ngái ngủ, đứng trước mặt Xerpilin và Smakốp, người mà anh hoàn toàn không ngờ lại gặp ở đây, và lắng nghe lời dặn dò của hai ông. Anh được phái xuống đại đội ngay bây giờ lúc trời còn tối, xuống chính chỗ cái anh chàng Khôrưsép mà hôm qua đã tháo ủng, ngồi với anh trên nền đường sắt, vừa sưởi nắng vừa nhá cá bơn.
- Chỉ phải cái tôi chưa chỉ huy bao giờ cả, - anh rụt rè trả lời, khi Xerpilin đặt cho anh một câu hỏi tuy đúng điều lệnh, nhưng trong hoàn cảnh đó có lẽ không có ý nghĩa gì cho lắm: “Thế nào, kham nổi chứ?”
- Cậu cứ chỉ huy đi, - Xerpilin nói với ý căn dặn, chỉ dẫn. - Cậu đeo một ngôi sao trên ống tay áo và ba khối vuông [trong quân đội Liên Xô hồi bấy giờ, quân hàm đeo ở cổ áo không biểu hiện bằng những ngôi sao nhỏ, mà bằng những khối vuông nhỏ] trên cổ áo, nghĩa là tớ có quyền đòi hỏi cậu theo đúng quân hàm. - Ông ta nói tất cả những điều đó với vẻ khá giận dữ, không phải vì ông thật sự bực mình với Xintxốp mà là vì ông muốn cho anh thấy được sự thay đổi trong địa vị của anh. - Bây giờ điều lệnh không cho phép cử người đưa đường cho cậu nữa đâu, nếu cậu không lần mò đến nơi được là coi như đào ngũ đấy! - Và Xerpilin tủm tỉm cười để cho anh ta hiểu rằng câu cuối cùng chỉ là câu nói đùa.
Xintxốp vẫn chưa tỉnh hẳn, nắm lấy hai bàn tay của Xerpilin và Smakốp chìa ra cho mình bắt để từ biệt. Từ nay đối với anh, cả hai người này đều đã khác hẳn trước. Mới hôm qua, anh còn là khách trong trung đoàn của cái ông lữ đoàn trưởng cao lênh khênh có bộ mặt ngựa hiền lành này, và cách đây không lâu, anh còn là người bạn đồng hành tình cờ trên đường ra mặt trận của cái ông chính ủy tiểu đoàn bé nhỏ tóc bạc này, thế mà bây giờ họ đã là vị chỉ huy và là chính ủy của anh, còn anh đã là chính trị viên của một đại đội dưới quyền chỉ huy của họ. Và giờ đây, người ta không còn chờ đợi xem anh viết lách chuyện người khác chiến đấu ra sao nữa, mà mong chờ chính bản thân anh chiến đấu được như những người khác. Trong đời chưa bao giờ anh gặp một sự biến đổi đột ngột và khó khăn hơn thế.
Khi Xintxốp đã lui ra, Xerpilin và Smakốp đưa mắt nhìn nhau.
- Tớ từ một anh thầy thuốc nhảy ngay lên làm tiểu đoàn trưởng đấy, - Xerpilin nói, - thế mà chẳng sao cả, làm được tuốt. Vậy thì tại sao mình lại hoài nghi cậu ta? - ông hất hàm ra phía cửa. - Sao nhỉ, chẳng lẽ qua hai mươi ba năm dưới chính quyền Xô viết họ lại đâm ra tồi hơn chúng mình à? Hay là chúng mình chỉ biết tán dóc với họ thôi, chứ không làm cho họ thành người được? Tớ không tin! Và mặc dầu hiện nay chúng ta đang gặp mọi tai họa đen tối, tớ vẫn cứ không tin! Có thể không phải là bao giờ chúng ta cũng đều giáo dục được đúng yêu cầu cả, nhưng cũng chẳng sao cả đâu, tớ cho rằng chúng ta giáo dục một cách chắc chắn hơn là bọn phát xít dạy dỗ con em chúng. Ngay cả trong tù, chúng ta giáo dục con người cũng không đến nỗi xoàng đâu. Tớ nói đến nhà tù, cậu không ngạc nhiên chứ?
- Không ngạc nhiên đâu. Daitrikốp đã kể chuyện anh cho tôi nghe rồi, - Smakốp đáp, ông ta còn giữ kẽ, chưa dám chuyển ngay sang lối xưng hô “mày tao cậu tớ”. Nhưng Xerpilin lại hiểu cách xưng hô bằng “anh, tôi” đó của Smakốp theo ý mình.
- Anh Smakốp ạ, anh thật không may đấy, số phận đã ném anh tới làm chính ủy bên cạnh thằng này: trách nhiệm nặng gấp hai, có thể coi là gấp bốn nữa đấy, - ông nói, tự mình chuyển sang xưng “anh” và không che giấu vẻ giễu cợt chua chát.
Smakốp có thể trả lời được nhiều về điều đó. Ông có thể nói rằng chẳng phải là số phận đã ném ông vào quân đội mà chính ông đã tự ý tòng quân. Ông có thể trả lời được rằng ông đã yêu cầu Daitrikốp sử dụng ông vào bất kỳ chức vụ nào cũng được, nhưng không phải là trước mà là sau khi ông đã hiểu rõ tình hình sư đoàn. Cuối cùng, ông còn có thể trả lời được rằng ông cũng tin tưởng vào chính quyển Xô viết và vào khả năng của chính quyền đó trong việc giáo dục những người trung thành với mình đến hơi thở cuối cùng chả kém gì Xerpilin và chính vì vậy mà ông tin vào Xerpilin như tin vào chính bản thân vậy.
Nhưng cái ông Smakốp trước là giáo sư, hiện nay là chính ủy tiểu đoàn, thường ngày vốn mồm mép, thế mà khi bị bắt buộc phải giải thích thì lại không sao giải thích được. Do đó, chẳng trả lời được một điều nào trong số những điều mình có thể trả lời, ông chỉ im lặng, nhìn thẳng vào mắt Xerpilin qua đôi mắt kính dầy cộp và nói vẻn vẹn mỗi một câu:
- Đồng chí Xerpilin, tôi không quen chuyển sang “mày tao, cậu tớ” một cách nhanh quá. Mong đồng chí tuyệt nhiên đừng lấy đó làm điều.
Ông chỉ hơi nhấn mạnh chữ “tuyệt nhiên” để cho Xerpilin cảm thấy rằng ông đã hiểu và bác bỏ lời trách móc của Xerpilin.
- Nếu tôi hiểu đồng chí đúng thì đồng chí không quan tâm gì đến cái quá khứ của tôi, - Xerpilin vốn tính thẳng ruột ngựa liền nói vậy.
- Vâng, đồng chí hiểu tôi đúng đấy.
- Nhưng tôi thì vẫn chưa quên được đâu, thỉnh thoảng lại sực nhớ tới. Đồng chí hiểu điều đó chứ?
- Tôi hiểu.
- Tên đồng chí là gì?
- Xécgây Nhicôlaevít.
- Tên tôi là Phêđô Phêđôrôvít.
- Thế là chúng ta đã quen hẳn nhau rồi đấy! - Smakôp cười phá lên, vui mừng trước kết cục của câu chuyện căng thẳng. - Nếu không, nhỡ có ai trong hai đứa mình lăn cổ ra chết, lại đâm ra bất tiện nữa là khác: lúc ấy lại không biết đầy đủ họ tên để đề lên mộ chí.
- Ôi, anh Smakốp, anh bạn nối khố và bạn đồng sự chỉ huy trung đoàn của tôi! - Xerpilin lắc đầu. - Biết cách chết vẫn chưa phải là tất cả công việc quân sự mà nhiều nhất cũng chỉ mới là một nửa công việc thôi. Phải làm cho bọn Đức chết, đó mới là điều yêu cầu đối với chúng ta. - Ông đứng dậy, vươn thắng tất cả cái thân hình dài ngoẵng ra và nói là đã đến lúc phải sang báo cáo với sư đoàn trưởng.
- Có lẽ cứ để cho ông ấy được yên tĩnh thì hơn, ông ấy đang mệt tợn. - Smakốp can ngăn.
- Chúng ta đến báo cáo thì sẽ làm cho ông ấy dễ chịu hơn đấy. Vết thương quá nặng, không thể cứ nằm vậy mả chờ chết được. Còn ra lệnh được thì ông ấy còn sống!
- Vị tất các bác sĩ đã đồng ý với quan điểm ấy của anh đâu. - Smakốp cũng cất mình đứng dậy.
- Nhưng tôi cũng có hỏi ý kiến của họ đâu, chính tôi là y sĩ cơ mà.
Smakốp bất giác mỉm cười. Xerpilin cũng mỉm cười về câu nói đùa của mình, nhưng đột nhiên ông lại trở nên nghiêm nghị.
- Anh vừa bàn đến cái chết thì nhân thể tôi cũng nói với anh để sau này ta không phải bàn lại nữa và để anh hiểu đến tận ruột gan tôi. Tôi không sợ chết trước mặt mọi người đâu. Nhưng tôi không có quyền mất tích! Anh hiểu chứ?
Ngày hôm sau lại đánh nhau từ sáng đến tối. Dần dần phần lớn các đại bác dã chiến và đại bác chống tăng của ta đều đã bị hỏng, xe tăng Đức thỉnh thoảng lại thọc sâu vào tung thâm trận địa, bò lổm ngổm hồi lâu giữa các công sự, dùng xích sắt hất tung các hầm trú ẩn, dùng đại bác nã đạn rồi lại từ sườn chọc sang, dùng súng máy bắn xối xả dọc theo các công sự và giao thông hào. Đôi lúc tưởng chừng như các vị trí của trung đoàn đã bị địch chiếm cả rồi, nhưng suốt cả ngày bộ binh Đức đã không tài nào theo sau xe tăng để thọc sâu vào được, mà kbông có bộ binh thì xe tăng không thể làm gì nên hồn: chiếc thì bắn hết cả đạn dự trữ phải rút ra ngoải vòng chiến, chiếc thì bốc cháy trong tung thâm trận địa vì bị ném lựu đạn chùm và xăng chai.
Do thiếu đại bác và thiếu đạn, nên anh em đánh được ít xe tăng địch hơn những hôm trước, nhưng dù sao vẫn có chín chiếc bốc cháy rải rác ở nhiều nơi. Thậm chí có một chiếc đã lù lù bò lên cả hầm trú ẩn của Xerpilin, nơi hiện nay Daitrikốp đang nằm. Nó đã bị đốt cháy tại đây, ngay trên nóc hầm và đứng khựng ở đó như một cái đài kỷ niệm, phần đuôi rệ xuống công sự, nòng súng đại bác chổng lên trời.
Trong suốt một ngày, trước sau anh em đã lần lượt đánh lui tất cả tám trận tấn công của quân Đức.
Xintxốp đến đại đội Khôrưsép từ chiều tối, suốt hai mươi bốn giờ qua chỉ liếc nhìn đồng hồ tất cả có hai lần. Anh chẳng còn thì giờ đâu mà suy nghĩ xem mình là một chính trị viên đại đội giỏi hay kém; suốt ngày anh chỉ ở dưới công sự với anh em chiến sĩ và cố gắng ra lệnh thật cụ thể cho đám người ít ỏi ở sát ngay cạnh mình về những điều mà anh cho là cần thiết trong từng lúc. Anh ra lệnh không được bắn khi cảm thấy nên để cho mũi tấn công của quân Đức tiến lại gần hơn nữa, và đã ra lệnh bắn khi hiểu rằng đã tới lúc phải nổ súng, rồi tự mình cũng nổ súng mà hẳn là đã giết chết được những tên Đức.
Vì vậy, khi chấm dứt đợt tấn công cuối cùng của quân Đức (tính ra là đợt thứ tám), khi trời bắt đầu tối, và Khôrưsép, đầu quấn băng dưới mũ calô, tiến lại gần anh thét to vào tai anh như nói với người điếc: “Làm ăn khá đấy, chính trị viên ạ!” - thì Xintxốp chỉ nhún vai. Chính anh cũng chẳng biết rằng mình làm ăn khá hay kém, mà chỉ biết có mỗi một điều là ta vẫn ở y nguyên trong những công sự mà ta đã ở từ sáng, và chắc chắn như vậy là khá.
Suy nghĩ như thế xong, anh bỗng ngạc nhiên thấy mình vẫn còn sống: có quá nhiều người đã chết và bị thương xung quanh anh trong một ngày. Khi họ chết và bị thương từng người một. anh không nghĩ đến mình, nhưng giờ đây sau trận chiến đấu, khi nhớ tới tất cả anh em, tới toàn bộ những người đã chết và đã bị thương, anh lấy làm lạ rằng tại sao tất thảy những anh em đó đều đã bị giết và bị thương mà mình thì suốt cả ngày cũng chẳng bị sây sát gì.
- Cậu nghĩ sao, ngày mai chúng lại xông sang nữa chứ? - Xintxốp hỏi Khôrưsép.
Cậu ta không nghe ra, phải hỏi lại. Xintxốp mệt mỏi nhắc lại câu hỏi và Khôrưsép cũng trả lời một cách mệt mỏi giống như anh:
- Tất nhiên, chúng sẽ xông sang, chúng còn làm gì hơn được nữa!
Khi Xerpilin tới căn hầm chỗ sư đoàn trưởng thì trời đã tối hẳn. Xà lót trên nóc hầm đã xiêu vẹo, và một khúc gỗ tụt ra, rệ xuống thành hình gãy góc. Đất từ trên xà đổ xuống hàng đống trên nền hầm ngay bên cạnh giường Dartrikốp nằm.
- Suýt nữa thì xe tăng nó đè bẹp tớ. - Daitrikôp nhếch mép cười. - Tớ tưởng quân Đức xông đến, đã chuẩn bị đâu vào đấy để tự tử. - ông sờ vào khẩu súng lục thò ra ở dưới gối. Có động tĩnh gì bên phía Lôskarép không ?
- Mấy tiếng đồng hồ vừa qua không nghe thấy gì cả, - Xerpilin nói. - Yên tĩnh lắm!
- Ấy đấy, mình cũng cứ lắng nghe mãi: từ trưa trở đi là bắt đầu thấy yên tĩnh. Tớ ngại cho Lôskarép quá. - Daitrikốp lo lắng nói.
Xerpilin im lặng. Ông đã thôi không ngại cho Lôskarép nữa: phía đó trở nên yên tĩnh đến mức mà lo sợ thì cũng đã muộn rồi.
- Chính ủy sắp sửa về bây giờ, ta sẽ hỏi xem, - ông nói, - ở đằng ấy có cái kho thóc cao, có thể trèo lên nhìn tứ phía được, đồng chí ấy có báo tôi là muốn bò lên nhìn xem sao.
Nửa giờ trôi qua. vẫn chưa thấy Smakốp đâu cả. Mãi sau mới thấy ông ta về đến nơi, chiếc áo quân phục đẫm mồ hôi đã đen sẫm lại. Chưa kịp nói gì, ông uống liền hai ca nước múc trong cái thùng đặt ở góc hầm; nước trong thùng đã đục, pha cặn vàng do đất trên trần hầm rơi xuống. Rót xong ca nước thứ ba, ông bỏ mũ kêpi, tháo kính ra, dội nước vào cái cổ chắc nịch, đỏ gay, phủ lông bạc của mình.
- Chạy cả ngày nóng máy quá rồi hả? - Xerpilin hỏi nửa đùa nửa thật.
- Vâng, ngột ngạt quá, lại thêm tuổi già cũng giở chứng ra nữa, - Smakốp nói với cái giọng như nhận lỗi, rồi lại ngồi xuống ghế đẩu, kể lại rằng trong suốt thời gian ông ở trên kho thóc, bọn Đức không hề nã đạn vào đó lần nào cả. Toàn bộ cái tháp đều thủng lỗ chỗ như tổ ong vậy, - ông giải thích.
- Chắc là chúng tưởng rằng chúng ta đã dời đài quan sát đi rồi. Tin tức cũng chẳng có gì vui: phía bên phải chúng ta hoàn toàn im lìm không có lấy một tiếng súng. Thật vậy, tôi không dám chắc về sự quan sát của mình đâu vì trời đã tối rồi, nhưng theo anh em chiến sĩ xác nhận, và mắt họ dĩ nhiên là tốt hơn mắt tôi, - ông tháo cặp kính lấy ngón tay lau rồi lại đeo vào, - cách đây một tiếng đồng hồ quân Đức đã giải một đoàn tù binh từ Môghilép đi về phía tây theo đường ô tô.
- Nhiều không? - Daitrikốp hỏi.
- Anh em nói là khoảng ba trăm người.
- Phải, trung đoàn Lôskarép đi đứt rồi. - Daitrikốp nói xong rồi lại nhắc lại lần nữa. sau mấy phút im lặng: - Trung đoàn Lôskarép đi đứt rồi.
Trong hầm im lặng hồi lâu. Cả ba người đều im lặng và cả ba đều cùng suy nghĩ về một điều: ngày mai hoặc ngày kia, tất sẽ đến lượt họ. Đạn pháo đã hết, lựu đạn tuy còn nhưng rồi cũng sẽ có lúc hết, chai xăng không còn nữa. Ngày mai, quân Đức sẽ bắt đầu những đợt tấn công mới, cứ giả dụ rằng còn có thể giữ thêm được một hôm nữa, nhưng rồi sau đó sẽ ra sao? Cố nhiên cũng có cách rút lui vào ban đêm, đột phá về phía đông, qua sông Đniép. Nhưng rút bằng cách nào, liệu có rút được không và nếu rút thì tổn thất bao nhiêu - tất cả những dấu hỏi đó dẫn đến những ý nghĩ nặng nề. Tiếc quá, tiếc đến rơi nước mất nếu phải bỏ những trận địa này, nơi mà đã mấy hôm nay họ đã từng đánh lui quân Đức một cách thắng lợi và đã tiêu diệt tới ngót bảy chục xe tăng địch. Nếu chui ra khỏi công sự thì đừng hòng đốt được nhiều xe tăng nữa...
Cả ba người đều hầu như cùng chung những ý nghĩ này, nhưng không ai muốn phát biểu đầu tiên. Xerpilin đợi xem sư đoàn trưởng nói sao. Daitrikốp đợi xem Xerpilin nói sao, còn Smakốp thì cứ quay đi quay lại mái đầu bạc tròn xoe hết liếc nhìn người nọ lại liếc nhìn đến người kia, cho rằng mình là người mới đến trung đoàn, chắc hẳn nên nói cuối cùng trong những vần đề như vậy. Thế là chẳng ai nói ra cả: mọi người đành im lặng gác việc giải quyết vấn đề này đến mai.
Khoảng nửa đêm thì có tiếng súng nổ dữ dội từ bên kia sông Đniép vẳng sang, nhưng tới gần sáng cả bên đó cũng im lặng nốt. Vị tất đấy đã là trận tấn công ban đêm của bọn Đức. Xerpilin đã kịp nhận thấy rằng thường là bọn chúng không thích đánh đêm. “Ban ngày chúng làm cũng kịp chán rồi”, - ông chua chát cười với những ý nghĩ của mình. Có lẽ hơn thì đó là Iuskêvít đã tìm cách để đột phá về phía đông với những đơn vị của sư đoàn này còn sót lại bên tả ngạn sông.
Khó mà nói được rằng cậu ta có làm được việc đó hay không. Dù sao chăng nữa, bên tả ngạn cùng đã im hơi lặng tiếng rồi, mọi chuyện đã chấm dứt cả rồi, tới sáng ngày chiến đấu thứ năm, trung đoàn Xerpilin đã lâm vào cảnh hoàn toàn cô độc. Từ lúc rạng đông, Xerpilin đã chờ đợi những cuộc tấn công mới của quân Đức, không nghi ngờ mảy may gì về việc chúng sẽ bắt đầu tấn công vào bất kỳ giây phút nào. Nhưng một giờ rồi hai giờ trôi qua, vẫn chưa thấy quân Đức ra tay. Ngược lại, các đài quan sát phi báo rằng đội cảnh giới Đức đã biến mất trong đêm, và đã rút vào rừng. Đó là một điều bí hiểm, nhưng chỉ một giờ sau điều bí hiểm đó đã được cắt nghĩa ngay. Không quân Đức đã lại xuất hiện trên trời, mà ta nhớ rằng trong suốt bốn ngày qua bọn này chỉ oanh tạc có một lần vào lúc xe tăng của chúng cắt đứt trung đoàn Xerpilin ra khỏi trung đoàn Lôskarép. Hẳn là chúng đã bị hút vào những hướng khác quan trọng hơn và bây giờ Xerpilin cùng trung đoàn ông sắp được nếm toàn bộ sức mạnh của những ngón đòn của chúng.
Sau khi để cho trung đoàn Xerpilin được hưởng ba giờ yên tĩnh đầu tiên trong buổi sáng, bọn Đức đã tự đền bù lại trong suốt cả ngày. Đúng mười hai tiếng đồng hồ liền - từ chín giờ sáng cho đến chín giờ tối - những chiếc máy bay ném bom Đức thay phiên nhau bổ nhào xuống trận địa trung đoàn và cái trò giã gạo chết người đó đã không lúc nào ngừng được lấy quá nửa giờ. Những quả bom cỡ lớn nửa tấn và một phần tư tấn, những quả bom một tạ, năm mươi và hăm nhăm cân, những quả bom thùng chứa những quả bom con chừng hai ba cân, vãi tung ra như những hạt đậu, tất cả ngần ấy thứ từ trên trời trút xuống trận địa trung đoàn Xerpilin từ sáng đến tối. Có lẽ bọn Đức cũng chẳng tung ra nhiều máy bay lắm đâu - chỉ khoảng hai ba chục chiếc thôi - nhưng chúng cất cánh từ một sân bay nào rất gần đấy và hoạt động liên tục. Một bộ chín chiếc này vừa đi khỏi là bộ chín chiếc khác đã tới thay ngay, thế là chúng lại trút bom và trút bom.
Bây giờ đã có thể hiểu ra tại sao bọn Đức lại rút tuyến cảnh giới: chúng không muốn thí thêm xe tăng và bộ binh cho trung đoàn Xerpilin nữa. Không quân của chúng đã rảnh tay và chúng bèn dành cho nó vai trò của một tên giết người không bị trừng trị quyết làm cỏ trung đoàn Xerpilin mà mình không bị tổn thất, sau đó dùng tay không chiếm lấy những gì còn lại. Chắc hẳn, cả đến ngày mai chúng cũng chưa tấn công đâu mà sẽ còn tiếp tục ném bom và ném bom - ý nghĩ ấy khiến Xerpilin kinh hoàng. Chẳng có gì gay go bằng việc phải chết mà không được lấy mạng đổi mạng. Nhưng linh tính lại báo trước rằng tình hình sẽ diễn ra đúng như thế.
Khi đợt ném bom cuối cùng đã kết thúc và bọn Đức đã bay về để ăn uống ngủ ngáy, thì trận địa của trung đoàn đã bị sắt thép trên trời trút xuống xới tung đến nỗi không sao tìm được lấy một đoạn giây điện thoại nguyên vẹn dài chừng năm, mười mét. Trong suốt cả thời gian đó chỉ hạ được một chiếc “Junkers” nhưng sự tổn thất của trung đoàn thì lại suýt soát bằng ngày hôm qua, một ngày đẫm máu nhất trong tất cả các ngày. Lúc bắt đầu chiến đấu, trung đoàn có hai ngàn một trăm người. Bây giờ tính sơ qua cũng không còn tới sáu trăm nữa.
Xerpilin bước vào hầm Daitrikốp với bản báo cáo không lấy gì an ủi được đó. Trong một ngày mà đã mấy lần ông không hy vọng được thấy sư đoàn trưởng còn sống sót nữa: ít ra cũng có mười quả bom đủ các cỡ đã nổ quanh hầm vào nhiều thời gian khác nhau, chẳng biết một sự may mắn kỳ diệu nào đã biến căn hầm thành một hình nội tiếp nguyên vẹn trong cái vòng tròn chết chóc này.
- Báo cáo sư đoàn trưởng, tôi có ý kiến là đêm nay ta thử chọc thủng vòng vây xem sao, - mới bước vào hầm là Xerpilin nói phăng ngay. Hôm nay, ông đã tin chắc là không còn lối thoát nào khác, mà đã tin chắc thì ông lập tức phát biểu không rụt rè. - Nếu chúng ta không phá vây ra, ngày mai chúng sẽ tiếp tục tiêu diệt chúng ta từ trên không.
Daitrikốp, người xanh nhợt vì vết thương bắt đầu mưng mủ, với giọng nói đã yếu hẳn đi kể từ hôm qua, nói rằng ông đồng ý, rồi cùng với Smakốp mới tới, cả ba người liền bàn bạc để lựa chọn hướng phá vây tiến ra sông Đniép.
Nửa giờ sau, mọi việc đã được quyết định xong xuôi: Smakốp vốn thông thạo tiếng Đức nên đã về hầm mình để hỏi cung tên xạ thủ súng máy từ trên chiếc “Junkers” nhảy dù xuống, còn Xerpilin thì đi xuống các đơn vị. Để tiện việc quản lý người trong trận chiến đấu đêm nay ông quyết định sát nhập tất cả những ai còn sống lại thành một tiểu đoàn, và để khỏi mất thời gian, ông làm luôn việc đó, chỉ định cấp chỉ huy ngay trong công sự và chỉ rõ địa điểm tập trung trước khi đột phá vòng vây. Rõ ràng không thể hoãn lại dù chỉ là hai mươi bốn giờ nữa, mà đêm thì cũng không sao kéo dài thêm được: đêm tháng Bảy thường rất ngắn. Sau khi phiên chế tiểu đoàn Plốtnhikốp thành đại đội và chỉ định Khôrưsép làm trung đội trưởng, Xerpilin đưa mắt liếc nhìn anh chàng Xintxốp vừa được thôi giữ chức chính trị viên đại đội rồi ra lệnh cho anh ta đi theo mình.
Về tới sở chỉ huy, Xerpilin bỏ qua căn hầm của Daitrikốp mà ghé vào chỗ Smakốp trước đã.
Đầu tóc bù rối và nom bộ dữ tợn, Smakốp đang ngồi sau bàn, một tên Đức trẻ tuổi cao lớn mặc quần áo phi công thì đang đứng nghiêm trước mặt ông; hắn giần giật những thớ thịt trên mặt một cách căng thẳng tựa hồ như để xua ruồi. Một bên má hắn xanh nhợt, còn bên kia lại có những vệt đỏ tía.
- Thế nào, chưa xong à? - Xerpilin hỏi từ ngoài ngưỡng cửa.
- Đã phải cho một bạt tai và bắt đứng nghiêm rồi đấy, - nhìn nét mặt cũng đủ thấy là Smakốp không lấy gì làm hài lòng cả, - hắn cứ ngồi vắt chéo chân, lại giở giọng cam đoan bảo toàn tính mạng cho tôi khi bị chúng bắt làm tù binh, nếu tôi thân hành đưa nó đi qua trận địa của ta! Nghĩa là định đổi công đấy! Lại còn hòng mua chuộc cả tôi nữa, đồ du côn.
- Thế hỏi cung có kết quả gì cụ thể không?
- Ít lắm. Hắn hầu như không biết gì về tình hình ở đây: bọn chúng mới được điều động từ Bréxt tới đây sáng nay. Hắn xác nhận rằng, hắn mới đi ném bom thành cổ Bréxt-Litốpxk cách đây có hai hôm.
Smakốp tạm ngừng và hồi hộp đưa mắt nhìn Xerpilin, hai người lại một lần nữa cảm thấy hoàn toàn hiếu biết lẫn nhau.
- Nó không biết tình hình mà bản đồ cũng không có, nó bảo là theo điều lệnh thì xạ thủ máy bay không được phát bản đồ. - Smakốp sực nhớ tới con trai của mình bèn nói thêm: - Hình như tình hình quả có như vậy thật. Nói chung lại, đối với chúng ta, nó chẳng qua chỉ là một cái rễ thối. Tuy nhiên về mặt tâm lý...
- Về mặt tâm lý thì chúng ta bây giờ không có thời gian đâu. anh Smakốp ạ, - Xerpilin sốt ruột nói. - Nếu đã rõ cả rồi thì thôi, bây giờ thời giờ quý lắm. Tôi đi đây. Tôi sẽ chờ ở chỗ Daitrìkốp.
Từ hầm Smakốp đến hầm Daitrikốp chưa đầy một trăm bước.
- Báo cáo lữ đoàn trưởng, - Xintxốp vội vàng hỏi vì sợ không kịp, - đồng chí có cho rằng đoạn nó nói về thành Bréxt là đúng sự thực không?
Xerpilin rất vội, nhưng câu hỏi của Xintxốp khiến ông phát cáu và ông buộc phải dừng bước.
- Tớ thì tớ cho rằng đó là một trăm lần đúng sự thực! - ông gay gắt nói. - Thế tại sao cậu lại nghi ngờ điều đó là thế nào? Nếu cậu tưởng tượng rằng chỉ có một mình chúng ta ở đây mới là những kẻ không thích giơ hai tay lên trời thì thật là nghĩ bậy!
Sau sự va chạm ấy, cả hai người im lặng đi chừng hơn chục bước.
- Anh là người có học đấy, - cuối cùng Xerpilin phá tan sự im lặng nặng nề ấy đối với Xintxốp và nói: - Mặc dầu rằng theo con mắt tôi thấy thì anh học cũng chưa đến nơi đến chốn đâu. Bao giờ ra khỏi vòng vây là ta phải theo dõi chặt chẽ quân số hàng ngày, cả người đi và người đến, đại để là anh sẽ luôn ở cạnh tôi để giúp tôi.
“À ra thế, nghĩa là chúng ta sẽ phá vây!” - Xintxốp nghĩ thầm và tiếc rằng Xerpilin đã lấy anh đi theo. Qua hai ngày, anh đã quen với ý nghĩ rằng mình sẽ kề vai sát cánh với Khôrưsép và anh em trong đại đội chiến đấu đến cùng.
- Một giờ nữa chúng ta sẽ lên đường, - khi cùng Xintxốp bước vào hầm, Xerpilin nói.
- Cậu cứ lên đường đi, - Daitrikốp nói, còn tớ thì khiêng đi khiêng lại lích kích lắm. Tớ sẽ thành gánh nặng cho các cậu, làm tốn công tốn sức... ông yếu ớt siết nắm tay của mình đang đặt trên áo capốt.
- Không sao, chúng tôi còn sống thì chúng tôi sẽ khiêng được anh ra... Anh có một mình, mà chúng tôi thì những sáu trăm.
- Cuối cùng đã xác định được là sáu trăm rồi à?
- Còn thêm ra được mấy người nữa là khác, - Xerpilin nói. - Nếu cắm được mũi nhọn thì sẽ qua được, mà mũi nhọn thì đã có rồi, - ông nói thêm.
- Còn việc này nữa nhé, - Daitrikốp báo, - không thể trì hoãn được nữa đâu. Xerpilin, cậu ngồi xuống đây và thảo mệnh lệnh chỉ định cậu làm sư đoàn trưởng đi. Rồi có đưa tớ đi được hay không thì tùy, nhưng cậu phải chỉ huy lấy, tớ không phải là chỉ huy nữa đâu.
Xerpilin nhún vai.
- Tùy theo lệnh anh.
Ông không muốn phản đối vì cho rằng Daitrikốp nói đúng, đã đến lúc làm việc này rồi.
- Vả lại, - Daitrikốp nói, - trong khi vượt vòng vây chúng ta còn có thể gặp những anh em thuộc những đơn vị khác trong sư đoàn, mà ở trong vòng vây thì cần có một bàn tay vững vàng hơn bất cứ ở nơi nào!
Xerpilin lặng lẽ gật đầu. Theo ông thì như thế cũng đúng thôi.
- Cậu ngồi xuống, viết mệnh lệnh đi, - Xerpilin bảo Xintxốp và lại xưng hô với Xintxốp bằng “cậu tớ”, tựa hồ như muốn xí xóa hẳn câu chuyện ban nãy giữa hai người. Ông ta không muốn chính tay mình lại viết mệnh lệnh đề bạt mình.
- Viết thế nào kia ạ? - Xintxốp ngồi vào bàn và hỏi.
- Cứ mực đen trên giấy trắng mà viết thôi, - Daitrikốp nghiến răng ken két lên vì cơn đau và nói.
- Tôi hỏi vậy bởi vì tôi chỉ có bút chì thôi ạ, - Xintxốp vừa nói vừa rút cây bút chì ra khỏi túi áo quân phục rồi nhìn nó với vẻ hoài nghi, - té ra nó lại gãy mất rồi!
Xerpilin bèn đưa cho anh con dao díp.
Trong lúc Xintxốp gọt bút chì, Daitrikốp vẫn nằm yên lặng nhìn lên nóc hầm. Xintxốp vừa gọt xong, ông bắt đầu đọc ngay:
- “Mệnh lệnh số... - ông cau trán lại trong gần một phút cố nhớ xem mệnh lệnh cuối cùng ban bố trong sư đoàn là số bao nhiêu rồi sực nhớ ra, ông nói: - Số mười một. Vì bị thương không thể chiến đấu được, - ông đọc, - tôi ra lệnh cho lữ đoàn trưởng Xerpilin, chỉ huy trưởng trung đoàn bộ binh năm trăm hăm sáu, tiếp nhận quyền chỉ huy tất cả các đơn vị thuộc sư đoàn mà tôi phụ trách”. Cậu đề cho đủ họ tên vào đấy nhé! - Xintxốp còn đợi đọc tiếp, nhưng Daitrikốp đã nói: - Xong. - và đưa tay lau vầng trán đẫm mồ hôi vì yếu mệt, rồi lả đầu xuống gối. - Cậu đưa cho tôi ký, mà thôi, hẵng gượm, tôi có một cây bút chì đỏ trong cái cặp bản đồ ấy, lấy ra đây.
Xintxốp lấy chiếc cặp bản đồ của Daitrikốp treo ở một chiếc đinh trên tường hầm xuống, rút ra cây bút chì đỏ gọt nhọn và đặt bản mệnh lệnh lên chiếc cặp, đi đến chỗ Daitrikốp.
Daitrikốp chống cùi tay, hơi nhổm đầu dậy, đưa mấy ngón tay yếu ớt kẹp lấy cây bút chì bắt đầu ký. Đang khi ký họ của mình đến chữ thứ hai thì cây bút chì run run rồi gãy gục, để lại trên trang giấy một nét đỏ ngoằn ngoèo trông thật chán.
- A, khỉ thật! - Daitrikốp văng tục. - Gọt lại bút chì đi.
Xintxốp lại cầm lấy con dao díp ở tay Xerpilin hí hoáy gọt bút chì và lần này Daitrikốp nắm cây bút trong tay với vẻ cố gắng rõ rệt, cẩn thận ký nốt họ của mình rồi đề ngày tháng ở bên dưới.
- Cầm lấy, Xerpilin.
Xerpilin đọc bản mệnh lệnh, gấp làm tư và cất vào túi áo quân phục.
Khi đi ra mặt trận để chỉ huy một trung đoàn, ông đã tin rằng rồi đây đời ông sẽ có lúc tất cả mọi cái hoàn toàn trở lại đâu vào đấy, và rồi người ta sẽ còn ra lệnh cho ông bàn giao trung đoàn để tiếp nhận một sư đoàn. Nhưng ai mà có thể thấy trước được rằng ông sẽ phải tiếp nhận một sư đoàn như thế này và trong một hoàn cảnh như thế này!
- Đồng chí cho phép đi chuẩn bị xuất kích chứ ạ? - ông đưa tay lên vành mũ nói với Daitrikốp, không phải do thói quen mà tại vì trong lúc này chính ông muốn nói đúng những lời như thế một lần chót.
Daitrikốp cũng hiểu rõ ý ông, chìa bàn tay yếu ớt đẫm mồ hôi ra tỏ vẻ cảm ơn để thay thế cho câu trả lời. Xerpilin siết chặt bàn tay ấy rồi đi ra khỏi hầm.
- Các đại đội trưởng đã đến đủ cả chưa? Tất cả đến gặp tôi! - cái giọng kim oai vệ của ông đã vang lên ở ngoài kia.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét