Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 3

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

3

Dặn dò Harry cảnh giác khiến tôi nghĩ về Jimmy Calhoun, bạn thân của tôi hồi học trung học, trước khi cậu ta trở thành Jake Khùng.
Jimmy và tôi cùng gia nhập quân đội khi chúng tôi mới mười bảy tuổi. Tôi nhớ nhà tuyển dụng đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi cần có sự cho phép của cha mẹ. “Có nhìn thấy người phụ nữ ngoài kia không?”. Ông ta đã hỏi chúng tôi. “Hãy đưa cho bà ta hai mươi đô, hỏi xem bà ta có thể kí thay mẹ các cậu không”. Bà ta đã đồng ý. Sau đó, tôi nhận ra bà ta kiếm sống bằng cách này.
Jimmy và tôi đã gặp nhau, có thể nói như vậy, qua em gái của cậu ta, Deirdre. Cô ấy là một đóa hổng Ireland xinh đẹp có mái tóc đen nhánh, và là một trong số ít người đối xử tử tế với đứa trẻ lạc lõng, vụng về là tôi khi ấy ở Dryden. Một thằng ngớ ngẩn nào đó đã mách với Jimmy rằng tôi thích cô ấy, dĩ nhiên đó là sự thật, và Jimmy quyết định rằng cậu ta không thích một gã mắt một mí tán tỉnh em gái mình. Cậu ta đô con hơn tôi, nhưng tôi đã đánh cậu ta đến mức nằm bẹp gí một chỗ. Sau đó, cậu ta quay sang khâm phục tôi, và trở thành trợ thủ đắc lực của tôi trong những cuộc chiến với bọn đầu gấu ở Dryden, và là người bạn thực sự đầu tiên của tôi. Deirdre và tôi bắt đầu hẹn hò, và đáng thương thay cho bất cứ kẻ nào quấy rầy Jimmy về chuyện đó.
Tôi dặn Deirdre trước khi chúng tôi ra đi rằng tôi sẽ lấy cô ấy khi chúng tôi trở về. Cô ây nói sẽ chờ tôi. “Anh hãy trông nom Jimmy, nhé?”. Cô ấy bảo tôi. “Anh ấy luôn thích chứng tỏ mình”.
Jimmy và tôi đã nói với nhà tuyển dụng rằng chúng tôi muốn ở cùng một đơn vị, và ông ta nói sẽ sắp xếp việc đó. Tôi không biết liệu nhà tuyển dụng có nhúng tay vào không, trên thực tế có lẽ ông ta chỉ nói đãi bôi thế thôi, nhưng chúng tôi đã được như ý. Jimmy và tôi cùng tập huấn trong Lực lượng Đặc biệt ở Fort Bragg*, sau đó được phân về cùng một đơn vị, trong một chương trình hợp tác chung giữa quân đội và CIA có tên là Nhóm Nghiên cứu và Quan sát, hay SOG. Cái tên Nghiên cứu và Quan sát chỉ là một trò hề, một nỗ lực ngớ ngẩn của chính quyền để tạo cho tổ chức này một vỏ bọc tránh thu hút sự chú ý. Theo cách này, anh có thể đặt tên cho một con chó sục là Ẻo Lả.
* [Căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở North Carolina]
Nhiệm vụ của SOG là bí mật do thám và phá hoại vào Campuchia và Lào, đôi khi cả miền Bắc Việt Nam. Các đội quân bao gồm các LRRP *, một từ viết tắt để gọi những người chuyên tuần tra do thám sâu trong lòng đối phương. Ba người Mỹ và chín binh sĩ Toán Dân sự Phòng vệ Không chính quy, hay Xít-gi**. Các Xít-gi thường là lính đánh thuê người Khmer được CIA tuyển lựa, đôi khi là người Thượng. Mỗi lần sẽ có ba người đi vào rừng rậm trong một, hai, ba tuần, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, không liên lạc gì với MACV, Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam.
* [Viết tắt của “Long Range Reconnaissance Patrol”: Lực lượng viễn thám]
** [Cách đọc của từ CIDG, viết tắt của Civilian Irregular Defense Group]
Chúng tôi là những kẻ tinh nhuệ nhất trong số những kẻ tinh nhuệ, nhỏ và cơ động, len lỏi như những hồn ma lặng lẽ qua khu rừng rậm. Tất cả những bộ phận chuyển động của vũ khí đều được cột lại để giảm âm. Chúng tôi hoạt động về đêm nhiều đến nỗi có thể nhìn được trong bóng tối. Chúng tôi thậm chí không thoa thuốc diệt côn trùng bởi vì Việt Cộng có thể ngửi thấy. Chúng tôi đã nghiêm túc như vậy đó.
Chúng tôi đang hoạt động ở Campuchia lúc Nixon công khai cam kết tôn trọng thái độ trung lập của Campuchia. Nếu các hoạt động của chúng tôi bị lộ, Nixon sẽ phải thừa nhận rằng ông ta đã nói dối không chỉ công chúng, mà còn cả Quốc hội nữa. Vì vậy các hoạt động của chúng tôi không chỉ bí mật, mà còn bị phủ nhận thẳng thừng, từ trên xuống dưới. Với vài nhiệm vụ, chúng tôi phải di chuyển trần truồng, không được mang theo một món vũ khí hay trang thiết bị nào khác của quân đội Mỹ. Những lần khác chúng tôi thậm chí không nhận được hỗ trợ từ trên không vì sợ rằng phi công sẽ bị bắn hạ và bắt giữ. Khi chúng tôi mất đi một người, gia đình anh ta sẽ nhận được một bức điện tín nói rằng anh ta đã bị giết ở “phía tây Đắk Tô” hoặc “gần biên giới” hay một dòng mơ hồ nào đó tương tự như thế.
Chúng tôi khởi đầu một cách thuận lợi. Trước khi đi, chúng tôi nói về những gì sẽ làm và sẽ không làm. Chúng tôi đã nghe các câu chuyện. Ai cũng biết về vụ Mỹ Lai. Chúng tôi sẽ giữ sự điềm tĩnh, chuyên nghiệp. Hay đúng ra là sự ngây thơ của chúng tôi. Tôi gần như bật cười, khi bây giờ nghĩ về nó.
Jimmy bắt đầu được biết đến với cái tên “Jake Khùng” vì cậu ta đã ngủ giữa trận hỏa lực đầu tiên của chúng tôi. Những tràng đạn lửa lao về phía chúng tôi từ bên kia rặng cây, mọi người ngồi chồm hỗm sát mặt đất, bắn trả vào những người mà chúng tôi thậm chí không thể nhìn thấy, và trận chiến diễn ra hàng tiếng đồng hồ bởi vì chúng tôi không thể kêu gọi hỗ trợ từ trên không vì vị trí bất hợp pháp của mình. Jimmy nói “mẹ kiếp” giữa trận chiến và lăn ra đánh một giấc. Mọi người đều bị ấn tượng. Trong lúc họ nói, “Cậu thật điên khùng, anh bạn, cậu thật điên khùng”, thì Jimmy nói, “Ôi dào, tôi biết mọi chuyện sẽ ổn mà”. Vậy là sau đó cậu ta trở thành Jake Khùng*. Ngoài hai chúng tôi, tôi không nghĩ có ai đó biết tên thật của cậu ta.
* [Jake có nghĩa là “Ổn”]
Jimmy không chỉ hành động điên rồ; ngoại hình của cậu ta cũng dị hợm không kém. Một vụ tai nạn xe máy hồi niên thiếu suýt chút nữa đã khiến cậu ta mất một mắt. Các bác sĩ đã lắp nó trở lại thành công, nhưng không thể làm cho nó cân đối với con mắt lành, vì vậy lúc nào Jimmy cũng như đang nhìn thứ gì đó bên cạnh trong khi cậu ta nói chuyện. “Nhìn được mọi hướng”, cậu ta thường nói, với một nụ cười, khi bắt gặp ai đó đang lén liếc trộm nó.
Jimmy khá hòa đồng ở trường học nhưng trở nên trầm lặng khi sang Việt Nam, cậu ta luyện tập liên miên, nghiêm túc với công việc. Tuy không phải là một kẻ to lớn, nhưng ai cũng e sợ cậu ta. Có lần, một gã quân cảnh dắt theo một con chó béc giê đã cà khịa với Jimmy vì thái độ ương ngạnh ở một quán bar. Jimmy không thèm nhìn gã, như thể gã không có mặt ở đó. Thay vào đó, cậu ta trừng trừng nhìn con chó. Có thứ gì đó diễn ra giữa họ, một thứ chỉ có ở loài động vật, thế rồi con chó rên ư ử và lùi lại. Viên quân cảnh kinh hãi và quyết định một cách khôn ngoan là bỏ qua mọi chuyện, và sự kiện này trở thành một phần của cái huyền thoại đang được dệt nên về Jake Khùng, rằng ngay cả những con chó cảnh vệ cũng e sợ cậu ta.
Nhưng khi ở trong rừng rậm thì không ai hơn được cậu ta. Cậu ta giống như một con thú mà anh có thể trò chuyện cùng. Cậu ta khiến mọi người không thoải mái với con mắt nhìn về mọi hướng cùng sự trầm lặng. Nhưng khi tiếng những chiếc trực thăng gài chúng tôi xuống địa điểm trinh sát lùi xa dần, mọi người đều muốn có cậu ta ở đó.
Những kí ức, đổ xô vào tôi như một tiểu đoàn những tử thi bất ngờ sống dậy.
Khử chúng nghĩa là khử chúng. Num Suyn! [Nằm xuống]
Chúng ta không có nơi nào là nhà, John ạ. Sau những gì chúng ta đã làm.
Quên chuyện chết tiệt đó đi, tôi tự nhủ, câu điệp khúc an ủi này thật quen thuộc. Những gì đã làm thì cũng đã làm rồi.
Tôi cần thư giãn, và quyết định đến xem một buổi biểu diễn nhạc jazz ở Câu lạc bộ Alfie. Jazz là chốn nương náu của tôi mỗi khi muốn lánh xa thế giới xô bồ từ hồi tôi mười sáu tuổi và nghe đĩa nhạc Bill Evans* đầu tiên, và một chốn nương náu có vẻ là thứ thích hợp với tôi lúc này.
* [Bill Evans (1929 - 1980): nghệ sĩ piano nhạc jazz người Mỹ]
Alfie là thứ được gọi là raibu hausu, hay câu lạc bộ nhạc sống - một câu lạc bộ nhỏ chuyên mời các nhóm tam tấu và tứ tấu đến biểu diễn nhạc jazz và phục vụ cho những người mê nhạc jazz của Tokyo. Alfie quả là một câu lạc bộ jazz đích thực: tối tăm, chật chội, với một cái trần thấp và tình cờ lại có độ vang thật tuyệt vời, chỉ đủ chỗ cho khoảng hai mươi lăm người và chuyên mời những nghệ sĩ trẻ đang bắt đầu được chú ý. Nơi này luôn kín chỗ và anh cần đặt chỗ trước, một sự xa xỉ nho nhỏ mà cuộc sống trong bóng tối của tôi không cho phép. Nhưng tôi quen với bà chủ của Alfie, một bà già béo lùn với những ngón tay nhỏ mập mạp và dáng đi lạch bạch mà có lẽ đã từng rất nhanh nhẹn. Bà ta đã qua độ tuổi tán tỉnh nhưng vẫn thả lời ong bướm với tôi, và muốn tôi bỡn cợt lại. Alfie sẽ chật như nêm, nhưng nếu Mama muốn xếp chỗ cho một người nữa thì điều đó chẳng thành vấn đề.
Đêm đó tôi đi tàu điện ngầm đến khu Roppongi, nơi Alfie tọa lạc, trên đường đi thực hiện một LPT mức trung bình. Như mọi khi, tôi đợi cho đến khi sân ga vắng bóng người mới bước ra. Không ai đi theo tôi, và tôi bước lên những bậc thang để hòa mình vào buổi tối của Roppongi.
Roppongi là một li cocktail pha trộn những thành phần bản địa và ngoại quốc sặc sỡ nhất của Tokyo, với tình dục và tiền bạc tạo nên hương vị chính cho nó. Ở đó đầy rẫy những nữ tiếp viên phương Tây đến Nhật với ý nghĩ sẽ trở thành người mẫu nhưng lại thấy mình bị mắc kẹt vào một thứ khác, bán những cuộc trò chuyện lả lơi và thường là còn hơn thế cho những khách hàng sarariman, sải bước qua lại trên đường trong những bộ cánh cầu kì, kiểu cách và những đôi giày cao gót tôn thêm chiều cao nổi trội, thái độ kiêu kì nhằm mục đích chứng tỏ thành công và địa vị nhưng thường thể hiện một điều gì đó giống với sự phẫn chí hơn; những cô gái người Nhật kiều diễm, làn da nhuộm nâu, mái tóc dài nhuộm sọc buông xõa ngang lưng như đôi cánh gấp lại của một con chim săn mồi đói khát, đang tìm kiếm những anh bạn trai giàu có, những người sẵn sàng cho họ những bộ đồ Chanel, những cái túi Vuitton và những món đồ khác mà họ thèm muốn để đổi lấy tình dục hoặc chỉ đơn giản là cơ hội được nhìn thấy đi cùng những “chiến lợi phẩm” như thế ở nơi công cộng; những người nước ngoài da đen bán những chất bị pháp luật kiểm soát không biết là thật hay rởm; những mụ tú bà lớn tuổi lố bịch lôi kéo khuỷu tay của khách qua đường, cố gắng nài ép họ chọn một “bạn đồng hành’ từ một quyển album; những người bước đi thật nhanh, như thể đang tới một nơi nào đó quan trọng, hoặc đứng lãnh đạm, như thể đang đợi gặp một người nổi tiếng; tất cả đều đói khát và đang kiếm mồi, một thế giới của những con mồi và những kẻ săn mồi tô điểm kĩ càng.
Alfie nằm bên trái nhà ga, nhưng tôi rẽ phải khi lên đến đường, tính toán rằng tôi sẽ đi vòng ra đằng sau nó. Những tay chèo kéo khách của các hộp đêm đã ùa ra ngoài, vẫy vẫy những tờ rơi trước mặt tôi, cố gắng thu hút sự chú ý. Tôi lờ họ và rẽ phải vào đường Gaienhigashi, ngay trước mặt tiệm cà phê Almond, rồi lại rẽ phải vào một con ngõ dẫn tôi đi song song với đường Roppongi và đưa tôi đến đằng sau Alfie. Một chiếc Ferrari màu đỏ gầm gừ phóng qua, một di vật từ những năm bong bóng, khi những kẻ ưa khoe mẽ đua nhau vơ vét những bức tranh nguyên bản thuộc trường phái Ấn tượng có giá hàng triệu đô la mà chẳng hiểu gì về chúng, và những bất động sản xa xôi như Pebble Beach mà họ chỉ mới nghe tên chứ chưa bao giờ nhìn thấy; khi người ta đồn rằng đất đai dưới lòng Tokyo còn có giá trị hơn cả ở Hoa Kỳ đại lục; khi những người giàu mới phất tổ chức ăn mừng ở những quán bar có nữ tiếp viên phục vụ tại Ginza bằng cách gọi hết chai này đến chai nọ loại sâm banh hảo hạng nhất có giá hàng nghìn đô la, để rồi làm hỏng vị của nó bằng những viên đường và uống nó trong những cái li thủy tinh chân cao dát vàng 14 ca-ra.
Tôi tạt vào bên phải đường và đi thang máy lên tầng năm, quét mắt 180 độ lần cuối trước khi cửa thang máy đóng lại.
Đúng như dự đoán, có một đám đông bên ngoài cánh cửa dán đầy những tấm áp phích của câu lạc bộ, vài tấm còn mới, vài tấm đã bạc màu, quảng cáo cho những màn biểu diễn đã xuất hiện ở đây trong những năm qua. Một gã thanh niên mặc bộ com lê cắt kiểu Âu rẻ tiền với mái tóc vuốt ngược đứng ở cửa và kiểm tra xem mọi người đã đặt chỗ chưa. “Onamae wa?[ Tên anh là gì?]”. Gã hỏi tôi, khi tôi bước qua đoạn đường ngắn ngủi từ thang máy tới chỗ gã. Tôi nói với gã rằng tôi không đặt chỗ trước, và gã có vẻ khó chịu. Để miễn cho gã khỏi phải nhọc công giải thích rằng tôi sẽ không thể xem buổi biểu diễn, tôi nói tôi là một người bạn lâu năm của Mama và cần gặp bà ấy, gã có thể thông báo với bà ấy được không? Gã gật đầu, bước vào trong, và biến mất đằng sau một tấm rèm. Hai giây sau, Mama bước ra. Điệu bộ của bà ta đầy vẻ nghiêm chỉnh, rõ ràng đang chuẩn bị đưa ra một lời xin lỗi cực kì lịch sự nhưng kiên quyết, nhưng khi thấy tôi, đôi mắt bà ta tít lại vì cười.
- Jun-chan!* Hisashiburi ne!** - Bà ta chào tôi, tay vuốt lại chiếc váy. Jun là tên thân mật mà Mama gọi tôi thay cho Junichi, tên tiếng Nhật của tôi, phiên ra từ John trong tiếng Anh. Tôi cúi đầu chào bà ta theo nghi thức nhưng vẫn đáp lại nụ cười niềm nở của bà ta. Tôi giải thích rằng tôi chỉ tình cờ đến khu này và chưa kịp đặt chỗ trước. Tôi có thể thấy họ đang đông khách và không muốn làm phiền...
*[Trong tiếng Nhật, khi gọi tên một người một cách thân mật, họ thêm từ “chan” vào ngay sau tên gọi]
**[Lâu quá không gặp anh]
- Tonde mo nai!* - Bà ta ngắt lời tôi. Bà ta đẩy tôi vào trong, lẹ làng chui vào sau quầy bar, với tay lên giá để lấy chai Caol Ila** mà tôi gửi ở đó xuống. Chộp lấy một cái li, bà ta quay lại chỗ tôi đang đứng và ra hiệu cho tôi ngồi xuống một cái bàn trong góc phòng.
*[Chúa ơi, đừng có ngớ ngẩn như thế!]
**[Một loại whisky Ireland]
Bà ta ngồi với tôi một lúc, rót rượu cho tôi, và hỏi tôi có đi cùng ai không - tôi không hay đến Alfie một mình. Tôi nói với bà ta rằng hôm nay chỉ có mình tôi, và bà ta mỉm cười. “Un ga yokatta ne!*”, bà ta nói. Gặp Mama khiến tôi thấy dễ chịu. Tôi đã không tới đây mấy tháng rồi, vậy mà bà ta vẫn biết chính xác chai rượu của tôi được cất ở đâu; bà ta quả thực vẫn có những mánh lới.
*[Quả là may mắn cho tôi!]
Bàn của tôi nằm gần cái sân khấu nhỏ. Căn phòng tối mờ mờ, nhưng trên trần có một ngọn đèn rọi thẳng vào một chiếc dương cầm và khu vực ngay bên phải nó. Không phải một chỗ ngồi tốt để quan sát lối ra vào, nhưng được cái này thì phải mất cái nọ.
- Tôi nhớ bà, Mama ạ, - tôi nói với bà ta bằng tiếng Nhật, cảm thấy thư thái. - Nói tôi nghe tối nay ai biểu diễn đi.
Bà ta vỗ vỗ lên tay tôi.
- Một nghệ sĩ dương cầm trẻ. Kawamura Midori. Cô ấy sẽ là một ngôi sao sáng, cô ấy sẽ biểu diễn ở Blue Note vào cuối tuần này, nhưng anh có thể khoe là anh đã thấy cô ấy ở Alfie trong những ngày đầu.
Kawamura là một cái tên thông dụng ở Nhật, và tôi không nghĩ gì về sự trùng hợp này.
- Tôi nghĩ tôi đã nghe tên cô ấy, nhưng chưa nghe cô ấy chơi bao giờ. Cô ấy như thế nào?
- Tuyệt vời - cô ấy chơi như một Thelonious Monk* giận dữ. Và hoàn toàn chuyên nghiệp, không như vài nghệ sĩ trẻ biểu diễn ở đây. Cha cô ấy mới mất được một tuần rưỡi, thật tội nghiệp, nhưng tối nay cô ấy vẫn giữ đúng cam kết.
*[Thelonious Monk (1917 - 1982): nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc jazz người Mỹ, được coi là “một trong những người khổng lồ của âm nhạc Mỹ”]
Đó là lúc tôi chú ý đến cái tên cô ấy.
- Rất tiếc khi nghe được chuyện đó, - tôi chậm rãi nói. - Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Bị đau tim vào sáng thứ ba, ngay trên chuyến tàu Yamanote. Cô Kawamura đã nói với tôi đó không phải là một điều bất ngờ cho lắm - bố cô ấy vốn bị bệnh tim. Chúng ta phải quý trọng từng khoảnh khắc chúng ta được trao tặng trong cuộc đời này, ne*? Ồ, cô ấy đến rồi kìa. - Bà ta lại vỗ vỗ lên bàn tay tôi và rời đi.
*[Đúng không?]
Tôi quay lại và thấy Midori cùng nhóm tam tấu của cô đang sải bước mau lẹ về phía sân khấu, khuôn mặt không chút biểu cảm. Tôi lắc lắc đầu, cố gắng tiếp nhận chuyện này. Tôi đến Alfie để tránh xa Kawamura và mọi thứ liên quan đến y, thế mà lại gặp “bản sao” của y ở đây. Đáng lẽ tôi nên đứng dậy và rời đi, nhưng điều đó sẽ gây nghi ngờ.
Đồng thời có một chút tò mò, như thể tôi đang lái xe ngang qua hiện trường của một vụ tai nạn mà tôi đã gây ra, không thể ngoảnh đi.
Tôi ngắm nhìn khuôn mặt Midori khi cô ấy ngồi vào vị trí bên chiếc dương cầm. Cô ấy khoảng ba mươi lăm tuổi và có mái tóc dài chấm vai suôn thẳng và đen nhánh đến mức nó có vẻ ánh lên lấp lánh trong ánh đèn rọi từ trên xuống. Cô ấy mặc chiếc áo len chui cổ cộc tay, có màu đen như mái tóc cô, làn da trắng ngần mịn màng ở cổ và hai cánh tay tựa hồ như đang bồng bềnh, lơ lửng bên cạnh nó. Tôi cố gắng nhìn vào mắt cô ấy nhưng chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ trong bóng tối hắt xuống bởi ánh đèn trên đầu. Ngoài đôi mắt được kẻ chì đen, tôi thấy cô ấy hoàn toàn không trang điểm. Đủ tự tin để không phải cất công làm việc đó. Mà cô ấy cũng chẳng cần làm thế. Trông cô ấy thật xinh đẹp và hẳn là cô ấy cũng ý thức được điều này.
Tôi có thể cảm thấy một sự căng thẳng ở khán giả, ai cũng vươn người ra đằng trước. Midori giơ những ngón tay bên trên bàn phím, để chúng lơ lửng ở đó trong một giây. Giọng cô ấy cất lên, khẽ khàng: “Một, hai, một hai ba bốn”, và rồi bàn tay cô ấy hạ xuống và căn phòng bừng lên sức sống.
Đó là My man’s gone now, một bản nhạc cũ của Bill Evans, không phải của cô ấy. Tôi thích bản nhạc này và tôi thích cách cô ấy chơi nó. Cô ấy mang lại cho nó một sự sinh động khiến tôi vừa muốn nhìn lại vừa muốn nghe, nhưng tôi thấy mình ngoảnh đi.
Tôi đã mất cha ngay sau khi lên tám. Ông bị một kẻ cánh hữu giết hại trong những cuộc biểu tình trên đường phố làm rung chuyển Tokyo khi chính quyền Kishi phê chuẩn Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ 1960. Hồi còn sống, bố tôi luôn giữ khoảng cách với tôi, và tôi có cảm giác tôi là ngọn nguồn của sự căng thẳng giữa ông và mẹ tôi. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được điều đó. Còn lúc ấy, tôi chỉ biết khóc ròng hằng đêm như bất kì cậu bé nào trong một thời gian dài sau khi ông qua đời.
Mẹ tôi không giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn sau đó, mặc dù tôi tin rằng bà đã cố hết sức. Bà từng là một luật sư cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Tokyo hồi vẫn còn bị chiếm đóng, dưới trướng MacArthur, Tư lệnh tối cao của các lực lượng Đồng Minh, chịu trách nhiệm soạn thảo một hiến pháp mới để hướng dẫn nước Nhật thời hậu chiến bước vào Thế kỉ của nước Mỹ*. Bố tôi thuộc ban tham mưu của Thủ tướng Yoshida, chịu trách nhiệm biên dịch tài liệu và đàm phán các điều khoản có cho Nhật lợi Bản.
*[Thuật ngữ được dùng để chỉ sự thống trị của nước Mỹ trong phần lớn thế kỉ 20, về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa]
Chuyện tình của họ, được công khai ngay sau khi hiến pháp mới được kí thành luật vào tháng Năm năm 1947, làm cho cả hai phe chướng tai gai mắt, bên nào cũng tin rằng người đại diện của mình hẳn đã nhượng bộ trên gối, một việc không bao giờ có thể xảy ra trên bàn đàm phán. Tương lai của mẹ tôi với Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực sự kết thúc, và bà vẫn ở lại Nhật với tư cách vợ của bố tôi.
Ông bà ngoại tôi đã đoạn tuyệt quan hệ với bà vì cuộc hôn nhân dị chủng, dị văn hóa mà bà đã bước vào bất chấp sự cấm cản của họ, vì vậy, để phản ứng với cảnh mồ côi không chính thức ấy, mẹ tôi đã chọn sống ở Nhật Bản, và học tiếng Nhật đến mức thành thạo để nói chuyện với bố con tôi ở nhà. Khi bà mất ông, bà mất đi cả những sợi dây tình cảm ràng buộc bà với cuộc sống mới mà bà đã xây dựng.
Midori có gần gũi với cha cô ấy không? Có lẽ là không. Có lẽ giữa họ đã có những giây phút khó xử, thậm chí là những cuộc cãi cọ, vì thứ mà có thể ông ta cho là một sự lựa chọn nghề nghiệp ngớ ngẩn. Và nếu giữa họ có những trận cãi cọ, những lúc im lặng đầy đau khổ, và những nỗ lực chật vật để hiểu nhau, thì họ đã có cơ hội để hòa giải chưa? Hay cô ấy bị bỏ lại với quá nhiều điều mà cô ấy mong có thể nói với ông ta?
Mày bị làm sao vậy? Tôi nghĩ. Mày chẳng liên quan gì đến cô ta hay bố cô ta. Cô ta hấp dẫn, điều đó thu hút mày. Được thôi. Nhưng bỏ đó đi.
Tôi nhìn quanh phòng, và tất cả mọi người dường như đang đi theo từng cặp hoặc từng nhóm đông.
Tôi muốn ra ngoài, để tìm một chỗ không gợi nhắc đến kí ức nào cả.
Nhưng đó là nơi nào?
Vậy là tôi nghe nhạc. Tôi cảm thấy những nốt nhạc đang tinh nghịch uốn éo chạy trốn khỏi tôi, và tôi tóm chặt lấy chúng để chúng kéo tôi ra khỏi thứ tâm trạng đang dâng lên quanh mình như những luồng nước thải đen ngòm. Tôi tập trung hết sức vào tiếng nhạc, vị của Caol Ila trong họng tôi, giai điệu trong tai tôi, cho đến khi đôi bàn tay Midori dường như nhòa đi, cho đến khi khuôn mặt trông nghiêng của cô ấy chìm lấp trong mái tóc, cho đến khi những cái đầu mà tôi thấy quanh tôi trong cảnh tranh tối tranh sáng và màn khói thuốc mịt mờ cứ say sưa gật gù và lắc lư, và những bàn tay gõ nhịp lên mặt bàn và thành cốc, cho đến khi đôi bàn tay cô ấy lướt đi nhanh hơn rồi ngừng lại, tạo ra một khoảnh khắc im lặng tuyệt đối trước khi nó được lấp đầy bằng một tràng pháo tay vang lên.
Một lát sau Midori và nhóm tam tấu của cô ấy đi đến một cái bàn nhỏ được dành riêng cho họ, và căn phòng nổi lên những tiếng lầm rầm trò chuyện và những tiếng cười rúc rích. Mama gia nhập với họ. Tôi biết tôi không thể lẻn về mà không chào tạm biệt Mama, nhưng tôi không muốn ghé qua bàn của Midori. Hơn nữa, việc ra về sớm sẽ có vẻ kì cục. Tôi nhận ra mình sẽ phải ở lại.
Thừa nhận đi, tôi nghĩ. Mày muốn nghe tiếp màn biểu diễn thứ hai. Và đó là sự thật. Âm nhạc của Midori đã làm lắng dịu những cảm xúc hỗn loạn trong tôi, như nhạc jazz luôn luôn làm thế. Tôi không còn khó chịu trước viễn cảnh phải nán lại đây thêm nữa. Tôi sẽ thưởng thức màn biểu diễn thứ hai, lặng lẽ rời đi, và nhớ về nó như một buổi tối lạ lùng bỗng nhiên trở nên tuyệt diệu.
Tốt thôi. Chỉ cần đừng nghĩ gì đến bố cô ta nữa, được chứ?
Từ khóe mắt, tôi nhận thấy Mama đang bước về phía mình. Tôi ngẩng lên và mỉm cười khi bà ta ngồi xuống bên cạnh tôi.
- Sao? Anh nghĩ thế nào? - Bà ta hỏi.
Tôi cầm cái chai lên, nó đã vơi đi đáng kể so với lúc tôi mới tới, và rót cho chúng tôi mỗi người một li.
- Một Thelonious Monk giận dữ, giống như bà đã nói. Bà đúng đấy, cô ấy sẽ là một ngôi sao sáng.
Đôi mắt bà ta long lanh.
- Anh có muốn gặp cô ấy không?
- Điều đó thật tuyệt, Mama ạ, nhưng tôi nghĩ tối nay tôi muốn lắng nghe hơn là nói chuyện.
- Vậy à? Vậy thì cô ấy có thể nói, còn anh có thể lắng nghe. Phụ nữ thích những người đàn ông biết lắng nghe. Họ là những loài chim quý hiếm, ne?
- Tôi không nghĩ cô ấy sẽ thích tôi, Mama ạ.
Bà ta ngả người về phía tôi.
- Cô ấy đã hỏi về anh.
Chết tiệt.
- Bà đã nói gì với cô ấy?
- Tôi nói rằng nếu tôi trẻ hơn một chút, tôi sẽ không nói gì với cô ấy hết. - Bà ta đưa tay lên che miệng và rung cả người vì cười không thành tiếng. - Nhưng vì tôi già quá rồi, tôi đã nói với cô ấy rằng anh là một kẻ mê nhạc jazz và là một người rất hâm mộ cô ấy, và tối nay anh đến đây chỉ để nghe cô ấy.
- Bà thật tử tế, - tôi nói, nhận ra rằng tôi đang mất kiểm soát tình huống này, và không biết lấy lại nó bằng cách nào.
Bà ta ngả người vào ghế và cười.
- Thế nào? Anh không nghĩ anh nên giới thiệu bản thân mình sao? Cô ấy nói với tôi cô ấy muốn gặp anh.
- Mama, bà đang lừa tôi. Cô ấy không hề nói như thế.
- Anh không tin à? Cô ấy đang đợi anh đấy - nhìn xem. - Bà ta quay lại và vẫy tay với Midori, cô ấy nhìn về phía chúng tôi và vẫy tay đáp lại.
- Mama, đừng làm thế, - tôi nói, biết rằng không thể từ chối được nữa.
Bà ta đột ngột ngả người về phía trước, tiếng cười biến mất như mặt trời khuất sau một đám mây.
- Đừng làm tôi mất mặt. Đến chào cô ấy đi.
Quỷ tha ma bắt. Dù sao thì tôi cũng phải đi giải quyết nỗi buồn.
Tôi đứng dậy và bước tới bàn của Midori. Tôi có cảm giác cô ấy biết tôi đang đến gần, nhưng cô ấy chẳng tỏ vẻ gì cho đến khi tôi đến đứng trước mặt cô ấy. Sau đó cô ấy ngẩng lên, và đôi mắt cô ấy khiến tôi sửng sốt. Chúng thật khó đoán định, ngay cả khi đang nhìn thẳng vào tôi, nhưng không dè dặt, cũng không lạnh lùng. Thay vào đó chúng như tỏa ra một luồng nhiệt năng vừa phải, một thứ lan tỏa tới anh nhưng anh không thể chạm vào được.
Tôi biết ngay là Mama đã chơi xỏ tôi. Midori chẳng hề biết tôi là ai.
- Cảm ơn vì âm nhạc của cô, - tôi nói với cô ấy, cố gắng nghĩ ra một điều gì đó khác. - Nó đã cứu tôi thoát khỏi một thứ.
Tay chơi bass, trông cực kì ngầu với y phục đen tuyền từ đầu đến chân, bộ râu quai nón dài, và cặp kính kiểu Âu hình chữ nhật, cười phì thành tiếng, và tôi tự hỏi liệu giữa họ có gì với nhau không. Midori nở một nụ cười nhẹ nhàng ám chỉ rằng cô ấy đã từng nghe những lời như thế, và chỉ đơn giản nói, “Domo arigato*”, sự lịch sự trong lời cảm ơn của cô ấy là một hình thức đuổi khéo.
*[Cảm ơn rất nhiều]
- Không, - tôi nói với cô ấy, - tôi nói thật đấy. Âm nhạc của cô thật chân thực, nó là liều thuốc giải hoàn hảo cho những lời nói dối.
Trong thoáng chốc, tôi tự hỏi mình đang nói cái quái gì vậy.
Tay chơi bass lắc đầu, như thể ghê tởm.
- Chúng tôi không chơi nhạc để cứu người. Chúng tôi chơi vì nó làm chúng tôi vui.
Midori liếc nhìn gã, đôi mắt cô ấy lãnh đạm và biểu lộ sự thất vọng nhẹ nhàng nhất, và tôi biết hai người này đang bước trên những bước nhảy mà họ đã quá quen thuộc, những bước nhảy không bao giờ dẫn tới sự hài lòng của tay chơi bass.
Nhưng dù sao tôi cũng phải chơi lại gã.
- Nhưng nhạc jazz cũng giống như tình dục, đúng không? - Tôi nói với gã. - Cần phải có hai người mới thưởng thức được trọn vẹn.
Tôi thấy gã trợn trừng mắt trong khi Midori mím môi như thể đang nén cười.
- Chúng tôi rất vui lòng được tiếp tục cứu anh, nếu đó là điều mà chúng tôi đang làm, - cô ấy nói với giọng điệu đều đều như một cái điện tâm đồ thẳng băng.
Tôi bắt lấy ánh mắt cô ấy trong một thoáng, cố gắng đọc nó nhưng không thành công, rồi cáo lui. Tôi lẩn vào nhà vệ sinh bé như cái mắt muỗi của Alfie, mỉa mai nghĩ rằng tôi đã sống sót qua vài trận giao tranh ác liệt nhất ở Đông Nam Á, hay vài cuộc xung đột tồi tệ nhất trên thế giới, thế mà vẫn không tài nào vượt qua được bẫy mai phục của Mama.
Tôi ra khỏi nhà vệ sinh, gật đầu trước nụ cười thỏa mãn của Mama, rồi quay lại chỗ ngồi. Một lát sau, tôi nghe tiếng cửa câu lạc bộ mở ra và liếc ra đằng sau như thể vô tình để xem ai sẽ bước vào. Đầu tôi tự động quay lại đằng trước chưa đầy một giây sau, theo hướng dẫn của nhiều năm rèn luyện - sự rèn luyện đó cũng ngăn chặn vẻ ngạc nhiên hiện lên trên khuôn mặt tôi.
Đó là người lạ trên tàu. Kẻ mà tôi đã thấy lục lọi người Kawamura.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét