Đất Dữ
Nguyên tác: Terras do sem fim (1943)
Tác giả: Jorge Amado
Dịch giả: Dương Tường & Hà Huy Thái
NXB Văn học - 2016
Các Thành Phố Ra Đời
1
Xưa có ba chị em: Maria, Lúcia, Violeta. Ba
chị em tuy ba mà một do cách sống giống nhau và tiếng cười vô tư lự của họ.
Lúcia có bím tóc đen, Violeta có đôi mắt đắm đuối, và Maria là cô trẻ nhất. Xưa
có ba chị em, tuy ba mà một vì cùng chung một số phận đang chờ đợi họ.
Người ta cắt những bím tóc của Lúcia, vú cô
tròn ra, hai bắp đùi màu vỏ quế giống như hai cây cột nâu. Ông chủ tới và lấy
cô đi. Nào giường gỗ bá hương, nào nệm lông vũ, nào chăn, nào gối.
Xưa có ba chị em.
Mắt Violeta mở to trước cuộc đời, vú cô nhọn,
khi cô bước đi cặp mông trẻ và khỏe uốn éo như sóng lượn. Quan thanh tra tới và
lấy cô đi. Nào giường sắt, nào nệm lông, chăn trải giường và tượng Đức mẹ đồng
trinh.
Xưa có ba chị em.
Maria, cô trẻ nhất, có cặp vú nhỏ, cái bụng
nhẵn và êm ái.
Ông chủ tới; ông không đoái hoài đến cô. Quan
thanh tra tới; ông không lấy cô đi. Còn lại Pedro, công nhân đồn điền. Giường bằng
da, khăn trải giường chẳng có, chăn đắp cũng không, chẳng có gỗ bá hương cũng
chẳng có nệm lông. Chỉ có Maria và mối tình của cô.
Xưa có ba chị em: Maria, Lúcia, Violeta. Ba
chị em tuy ba mà một do cảnh sống giống nhau và tiếng cười vô tư lự của họ.
Lúcia với ông chủ của cô, Violeta với quan thanh tra của cô, Maria với mối tình
của cô. Xưa có ba chị em mà số phận đã chia lìa ba ngả.
Những bím tóc của Lúcia lại mọc, cặp vú
tròn của cô chảy xuống, hai bắp đùi giống như hai cột tròn nay đầy những vết
tím bầm. Ông chủ cưỡi ô tô ra đi, mang theo giường nằm bằng gỗ bá hương, cả gối,
cả chăn.
Xưa có ba chị em.
Cặp mắt mở to của Violeta nhìn ra thế giới
chung quanh nay nhắm lại vì kinh sợ; vú cô nhẽo đi, cô có một con phải cho bú.
Cưỡi trên mình con ngựa hồng, một hôm quan thanh tra ra đi để không bao giờ trở
lại. Cả cái giường sắt cũng ra đi.
Xưa có ba chị em.
Maria, cô trẻ nhất trong số ba cô, đi làm đồn
điền ca cao với chồng. Ở đất ca cao trở về, cô là người già nhất trong ba chị
em. Một hôm, Pedro ra đi; anh không phải là ông chủ cũng chẳng phải là quan
thanh tra, anh ra đi trong một chiếc áo quan, một cỗ quan tài bằng gỗ tạp, để lại
cái giường da và cô Maria với mối tình của cô.
Xưa có ba chị em.
Nào đâu, giờ đây, những bím tóc của Lúcia,
cặp vú của Violeta, mối tình của Maria?
Xưa có ba chị em trong một nhà chứa hạng
bét. Ba chị em, tuy ba mà một do cùng chung một nỗi đau đớn và tuyệt vọng.
Maria, Lúcia, Violeta: Ba chị em tuy ba mà một, cùng chung một số phận đang chờ
họ.
2
Đến cửa căn nhà tường đất sét, một căn nhà
không quét vôi màu mà cũng chẳng quét vôi trắng, ba người dừng lại. Gã trai trẻ
và người đàn ông miền Ceará khiêng võng mang cái xác chết, còn ông lão thì tì
vào cây gậy đứng nghỉ. Họ đứng yên như thế một vài phút. Còn sớm lắm; không có
một dấu hiệu sinh hoạt nào trong cái phố nhà thờ này.
- Có lẽ các cô ả còn đang ngủ với khách. Ta
làm gì bây giờ? - Gã trai trẻ nói.
Ông già giơ hai tay lên trời.
- Dù sao ta cũng cứ phải đợi họ thôi.
Họ gõ cửa, nhưng không có tiếng trả lời. Phố
xá lặng ngắt. Một phố ngoại ô Ferradas; những căn nhà đất sét nhỏ bé, cái lợp rạ,
cái lợp ngói, phần lớn là mái tôn. Bọn gái điếm của thành phố sống ở đây; và
nơi đây, những ngày hội hè, phu đồn điền thường đến tìm thú vui xác thịt.
Chốc chốc, ông lão lại lấy gậy đập cửa.
Cuối cùng, bên trong có người nói lớn:
- Ai đấy? Các người muốn cái quái quỷ gì thế?
Đó là một giọng đàn bà, một giọng còn ngái
ngủ. Một tiếng đàn ông đế vào:
- Đi đi thôi, đây chật rồi. - Và tiếp theo
là một tiếng cười thỏa mãn.
- Quả là họ đang có khách thật, - gã thanh
niên nhận xét. Gã không rõ rồi sẽ làm thế nào để trao trả người chết cho các
con gái ông ta nếu như các ả này đang ngủ với khách làng chơi.
Ông già suy nghĩ một lát.
- Phải trả về cho họ, - lão nói. - Muốn thế
nào thì thế cũng phải trao trả lại.
- Ta đợi một chút có hơn không? - Người đàn
ông ở Ceará nói.
Ông già có bộ râu xám chỉ cái xác hỏi:
- Thế ta sẽ làm gì với cái này bây giờ?
- Thế ta sẽ làm gì với cái này bây giờ? Ông
ta từ bỏ cõi trần đã khá lâu rồi. Tội nghiệp ông lão cần được yên nghỉ. - Rồi
ông lại gọi:
- Lúcia, Violeta, Lúcia.
- Các người muốn gì? - Lại một giọng đàn
ông hỏi vậy. Ông lão bèn gọi cô con gái thứ ba.
- Maria! Ớ này! Maria!
Ở cửa ngôi nhà bên cạnh hiện ra một mụ già
còn đang mắt nhắm mắt mở. Mụ sắp cự bọn người làm huyên náo thì trông thấy xác
chết.
- Ai vậy? - Mụ hỏi.
- Bố của các cô ấy đấy, - người đàn ông miền
Ceará vừa đáp vừa chỉ vào căn nhà anh ta đang đứng đợi ở trước cửa.
- Ông ta bị giết chết à? - Mụ già muốn biết
rõ.
- Ông ta chết vì sốt.
Người đàn bà rời ngưỡng cửa và lại gần. Mụ
nhìn cái xác chết, vẻ mặt kinh tởm.
- Các cô ấy có ở đây không? Chẳng thấy ai
trả lời cả.
- Các cô ả vừa chè chén phè phỡn tối qua.
Hôm qua là sinh nhật Juquinha, cái anh chàng phải lòng Violeta ấy. Cuộc vui kéo
dài đến tận sáng. Thế cho nên các bác mới không đánh thức nổi họ.
Mụ cùng với ông già đồng thanh gọi:
- Violeta, Violeta.
- Ai đấy? Các người muốn cái quái quỷ gì vậy?
- Bố chị đấy, - người đàn bà kêu lớn, giọng
the thé.
- Ai kia? - Vẻ ngạc nhiên lộ trong giọng
nói.
- Bố chị.
Im lặng một lát, chỉ nghe thấy có tiếng người
lục đục trong nhà. Cửa mở và Violeta ló đầu ra ngoài. Mắt ả nhìn vào tốp người;
ả vươn cổ lên và khi nhận ra xác chết, ả rú lên một tiếng. Trong nhà càng xôn
xao ồn ào. Cả phố náo động lên. Có những người đàn bà chạy ra khỏi nhà, theo
sau là bọn đàn ông đã ngủ với họ, bước chậm rãi hơn. Phần lớn các ả đều mặc đơn
sơ một bộ đồ ngủ, chỉ có vài ả khoác vội một chiếc áo ngủ dài để che đậy sự lõa
lồ của mình. Đứng quây lấy xác chết, mọi người đều nói nhỏ.
- Sốt đấy.
- Không có cách nào chữa được đâu.
- Mà bệnh này hay lây lắm phải không?
- Nghe nói là chỉ hít thở cũng đã đủ lây rồi.
- Vậy thì tốt hơn hết là đem chôn ông ta
đi.
- Đã bao năm nay, ông ta không gặp các con
gái. Người ta nói rằng ông ta xấu hổ nên không bao giờ dám về Ferradas nữa. Ông
ta giận vì các cô ấy đã hư hỏng.
Những người đàn bà mặt mày tàn tạ, những ả
lai đen, những ả da đen, đây đó, một phụ nữ da trắng mà chân tay họ và thường
khi cả mặt nữa đều mang sẹo. Không khí sặc mùi rượu hòa với mùi nước hoa loại tồi.
Một ả tóc rối bù thành một mớ to xù, lại gần xác chết.
- Mình đã ngủ với lão ta một lần ở Tabocas
đấy.
Ả nói vậy, mọi người lặng thinh. Violeta vẫn
đứng ì ở cửa, không đủ can đảm tiến lên.
- Mang ông ta vào trong nhà. - Một ả lai
đen ra lệnh.
Lúcia và Maria bây giờ đã ra ngoài đường.
Lúcia khóc:
- Bố ơi! Bố của con ơi!
Maria từ từ lại gần xác chết, vẻ kinh hãi.
Nhiều gã đàn ông theo sau họ.
- Này Juquinha, bố vợ anh ngoẻo rồi, - một
người trong đám đàn bà mỉm cười nói.
- Xin chị hãy kính trọng những người đã chết,
- ông già van vỉ.
- Mày chỉ là một con đĩ đốn mạt, - một ả
khác nói.
Những người khiêng võng nhấc võng lên và
mang vào trong nhà; tất cả đám người vào theo họ. Một vài gã đàn ông vừa kịp
cài xong khuy quần, toán phụ nữ đi theo vẫn ăn mặc hở hang như thế. Những ả này
chừng như đều cùng một lứa tuổi và cùng một màu da. Da dẻ họ đều ốm o bệnh tật.
Đám đàn bà này là cặn bã của cuộc đời, là lớp mạt lưu của xã hội.
Nhà không có phòng khách và chỉ có tất cả
năm ngăn nhỏ cho năm người đàn bà ở đó, nên họ phải đặt người chết lên giường
Violeta trong buồng phía trước. Ông già cầm lấy mẩu nến còn lại, lúc này đã
cháy gần hết. Trên đầu giường có một tấm ảnh thánh Senhor do Bonfim, vị thánh
ban cho người ta cái chết yên lành. Một trang họa báo dán trên tường phô ra bức
tranh khỏa thân của một cô gái tóc vàng. Lúcia khóc nức nở. Maria đứng cạnh xác
chết và Violeta đi tìm một cây nến khác. Những người đứng xem tản ra phòng
ngoài. Juquinha lúc đó liền bước vào với một chai rượu rum và bắt đầu rót mời
những người khiêng xác chết. Maria cất cây đàn ghi ta ở đầu giường đi.
Ông lão chỉ Maria tay cầm cây ghi ta đi
ngang qua, nói với người đàn ông ở miền Ceará:
- Tôi biết cô ta từ lúc còn bé tí tẹo, xinh
hết sức là xinh. Khi lấy Pedro, cô ta đã trở thành một trong những thiếu nữ đẹp
nhất. Trông cô ta bây giờ chẳng ai dám bảo thế.
- Cứ trông cũng biết là khi xưa cô ta đã có
một thời xuân sắc.
- Chao! Cái đời gái điếm đã mau chóng cướp
mất sắc đẹp của họ. Trong vài ngày thôi.
Gã thanh niên nhìn Maria bằng con mắt thích
thú.
Một vài ả đã rút lui để mặc thêm quần áo, một
gã đàn ông trước khi đi đưa tiền cho Lúcia. Violeta và Juquinha tính toán tiền
mua áo quan và tiền tang lễ. Cũng tốn khá của đấy. Họ trở lại căn phòng, chỗ
Lúcia và Maria đang đứng cạnh cái xác và cả bốn người bắt đầu bàn bạc.
Juquinha, như người trong gia đình, tính toán mọi khoản. Không, chả mua nổi một
chiếc áo quan đâu. Ngay cả một chỗ trong nghĩa địa cũng đắt lắm.
- Phải bọc bố trong cái võng mà chôn thôi,
- Lúcia nói. - Ta có thể phủ lên một tấm chăn trải giường.
Sau những tiếng kêu khóc đầu tiên, Violeta
đã tương đối bình tĩnh. Ả nói:
- Tôi không hiểu tại sao ta không chôn bố
ngoài đường, và thế là xong nợ. Bố có bao giờ chăm lo gì đến chúng ta đâu.
- Chị thật vô tình quá, - Maria ngắt lời.
- Tôi cứ tự hỏi tại sao chị lại gào lên như
thế khi chị vừa mới trông thấy bố. Hóa ra chị đóng kịch.
- Bố là một người tốt.
Violeta toan đáp lại, nhưng Maria nói tiếp:
- Bố xấu hổ vì nỗi chúng mình sống như thế
này, có thế thôi. Bố là người có tình cảm. Không phải là bố không thương yêu
chúng ta đâu.
Trong hành lang, ông cụ mang xác chết về
đang kể cho các người đến thăm nghe chuyện người kia đã chết như thế nào, cơn sốt
trong ba ngày đã đưa ông ta về chầu giời như thế nào.
- Chẳng có thuốc nào lại được. Có hàng đống
thuốc ở cửa hàng đồn điền Baraúnas đấy, nhưng chẳng có gì làm ông ta đỡ được cả.
Trong buồng, Lúcia, vốn rất ngoan đạo, đề
nghị nhờ người mời ông thầy dòng Bento đến đọc một vài bài kinh. Juquinha không
tin là ông ta nhận lời mời đến.
- Ông ta không muốn đặt chân vào cái loại
nhà này đâu.
- Ai bảo anh là ông ta không đến? - Violeta
nói - Hồi Isaura chết, ông ta chả đến là gì. Có điều là phải mất nhiều tiền.
Ả không muốn mọi người cho là mình kình địch
với bố nên lại nín lặng; Juquinha bèn thay lời ả nói tiếp:
- Phải có một món tiền lớn ông ta mới chịu
đến - kém hai mươi milreís là không được.
Lúcia sẵn sàng từ bỏ ý định ấy:
- Nếu như vậy, ta sẽ không mời thầy dòng đến
nữa.
Ả đứng ngắm bộ mặt hốc hác của người chết với
nước da xanh nhợt; dường như ông ta đang mỉm cười trước cái cảnh huống cuối
cùng này, nỗi đau khổ lần chót của ông. Lòng ả ngậm ngùi một nỗi buồn sâu sắc
khi nghĩ phải xa lìa bố như thế này.
- Ta sẽ chôn bố, không có cả một bài kinh,
tội nghiệp cho ông cụ. - Ả thầm thì qua hàng nước mắt - Bố chả bao giờ làm hại
ai. Bố là một con người trung hậu. Thế mà bây giờ chẳng có ai đến cầu nguyện lấy
một lời cho vong linh bố được siêu độ. Có bao giờ tôi lại nghĩ rằng... Ôi! Bố
ơi!...
Violeta nắm lấy tay chị; ả chỉ biết có cái
cử chỉ ấy là trìu mến nhất.
- Chúng ta sẽ tự cầu nguyện lấy. Chị còn nhớ
một bài kinh.
Nhưng người đàn bà lai đen đã từng có một lần
ngủ với người chết, đứng ở hành lang nghe thấy câu chuyện, bèn lấy trong bít tất
ra hai mươi milreís và bước vào phòng đưa cho Lúcia:
- Đừng để cho ông ấy đi mà không được một lời
cầu nguyện nào, - chị ta nói.
Cử chỉ ấy khiến Juquinha nảy ra ý nghĩ tổ
chức một cuộc quyên góp; anh đi khắp lượt những người có mặt để nhận phần đóng
góp của họ. Một người đàn ông không có gì cho cả, bèn tình nguyện đi tìm thầy
dòng Bento và lên đường đi ngay; đó là cách anh ta đóng góp vào cuộc nghĩa
quyên.
Bấy giờ, Lúcia chợt nhớ đến chuyện đãi
khách.
- Phải mời những người này uống cà phê, - ả
nói vậy, có ý chỉ ba người đã khiêng xác chết về.
Maria liền đi về phía sau nhà, và khi cô gọi
ông già, gã thanh niên và người đàn ông ở vùng Ceará, những người khác bèn theo
họ vào bếp. Trong phòng, bên xác chết, chỉ còn có Violeta và người phụ nữ lai
đen đã giúp hai mươi milreís. Mụ này, trước nay, chưa bao giờ có dịp ngắm một
người đàn ông xưa kia từng ngủ với mình, nay yên nghỉ trong giấc ngủ của cái chết.
Mụ rất xúc động và coi ông ta như một người thân, một người bà con gần gũi.
Trong bếp, ông già vừa uống cà phê vừa cố
lái sang chuyện khác.
- Các anh có biết là hôm qua gia đình
Badaró đã tìm cách giết Firmo không? - Ông nói.
Tất cả đều dỏng tai lên.
- Cụ nói cái gì vậy? Họ có giết được hắn ta
không?
- Không, giết hụt thôi. Mà thật là lạ, vì
chính là thằng da đen Damião bắn.
Một trong những người có mặt ở đấy huýt sáo
để biểu lộ nỗi kinh ngạc.
- Damião da đen mà bắn trượt à? - Một người
khác xướng lên - Nếu vậy thì quả thật đã đến ngày tận thế rồi đấy, về chuyện
này tôi chỉ có thể nói thế được thôi.
Ông già thích chí vì đã làm cho mọi người
chú ý đến như thế. Ông lấy một ngón tay cạy răng, gỡ ra một cái xơ sắn rồi nói
tiếp:
- Firmo đã gặp tụi tôi trên đường cái; hắn
chạy như bị ma đuổi. Hắn đi về phía nhà đại tá Horácio. Người ta đồn rằng rồi
lão sẽ trả miếng ra trò.
Quên bẵng người chết, tất cả xúm xít quanh
người đang nói; một vài người trong bọn nằm bò lên chiếc bàn nhỏ làm bếp không
để sót một lời nào; những người khác nghển đầu lên trên những người đứng trước.
Tò mò tràn ngập trong mọi cặp mắt. Lúc này, ông lão giải thích cái điều mà ai nấy
đều biết cả.
- Đó là vì chuyện khu rừng Sequeiro Grande.
- Giờ là bắt đầu có chuyện đấy.
Người kể chuyện yêu cầu im lặng rồi tiếp:
- Phải, bắt đầu rồi đấy! Đi được một quãng
nữa, tụi tôi lại bắt gặp Firmo trở về với hai tay chân của Horácio, và đại tá
Maneca cùng đi với họ. Họ theo con đường sắt dẫn đến cái đồn điền Baraúnas. Họ
phóng nước đại.
Juquinha vốn là người của Badaró, xen vào một
câu:
- Đại tá Horácio tưởng Teodoro sẽ về phe với
lão. Người ta có thể dùng một que kẹo mạch đánh lừa lão ta dễ như đánh lừa một
đứa con nít vậy. Lão ta không thấy rằng đại tá Teodoro và gia đình Badaró ăn
cánh với nhau như các ngón tay trong bàn tay ấy.
Lúcia ngắt lời hắn:
- Thằng ấy, nó là một thằng khốn nạn, một
thằng kẻ cướp. Ai cho nhiều tiền thì nó theo người ấy.
- Chị thì hẳn là phải biết rõ, - một người
đàn bà mỉm cười nói - bởi vì có thể nói là xưa kia nó mê chị và nó là người đầu
tiên chiếm được chị mà.
Lúcia rướn thẳng người lên, mắt long lanh:
- Đó là điều ghê tởm nhất đã xảy ra. Trên đời
này không có thằng đàn ông nào đốn mạt hơn nó.
- Nhưng nó được cái can trường, - một trong
những người đàn ông có mặt nói.
- Ồ, cái đó thì nó có thể thật, nhất là đối
với một phụ nữ; nhưng khi nó theo đuổi tán tỉnh ai, thì nó biết cách làm ra bộ
nhu mì như một con chim non ấy. Tôi còn nhớ nó đã đối xử với tôi như thế nào.
Ngày nào nó cũng đến với một món quà: một chiếc áo mới, một đôi giày, một chiếc
khăn tay thêu. Và nó hẹn non thề biển với tôi. Này nhé, nó đã hứa cho tôi một
ngôi nhà ở Ilhéus, nó đã hứa may quần áo đẹp cho tôi, thậm chí nó còn hứa mua
cho tôi một chiếc nhẫn kim cương nữa kia. Nó đã hứa với tôi đủ mọi thứ - cho đến
khi nó chiếm được tôi - thế là bao nhiêu lời hứa hẹn bay qua cửa sổ hết và giờ
thì tôi ra nông nỗi này, trong cái phố này, chẳng được bố ban phước cho nữa.
Tất cả đều lặng thinh. Người đàn ông miền
Ceará có vẻ kinh hãi. Lúcia đưa mắt nhìn quanh mọi người và thấy họ đang chờ đợi
ả nói thêm.
- Và các người tưởng chỉ có mình tôi ư? Khi
nó chán tôi rồi, nó bèn ngấp nghé Violeta, và nếu tên cai Ananias không tới trước
nó, không xí chỗ rồi thì... Phải, sở dĩ nó không theo đuổi Violeta, chính là vì
nó sợ Ananias.
Ông lão lúc đó bèn lên tiếng:
- Một người da đen có con gái, nuôi nó lớn
lên chỉ để làm thú vui cho người da trắng.
Nhưng Lúcia còn muốn nói nữa.
- Khi Pedro, cái cậu lấy Maria ấy, chết đi,
ngay tối hôm đưa ma, tên đại tá đến nhà xin giúp đỡ Maria. Nó không tôn trọng nỗi
đau buồn của con bé đáng thương mà leo phắt lên giường còn ấm hơi chồng nó. Thật
không còn gì đê tiện hơn.
Lại một lát im lặng tiếp theo. Gã trai trẻ
khiêng giúp xác chết, từ lúc tới đây vẫn không rời mắt khỏi Maria; sự thèm khát
của hắn thật đã rõ ràng. Nếu không phải là ngày tang tóc thì gã đã ngỏ lời muốn
ngủ với cô ta rồi. Đã hai tháng nay, gã chưa trông thấy đàn bà và nhan sắc còn
sót lại của Maria khiến gã để ý ngay. Trong tất cả câu chuyện, gã chỉ quan tâm
đến cái đoạn nói về việc tên đại tá Teodoro đã ngủ với cô ta như thế nào, hôm
đưa ma chồng cô thôi.
Ông già, bị Lúcia ngắt lời, mất vai trò chủ
chốt trong cuộc nói chuyện, lúc này bèn gợi lại những sự việc xảy ra khi đêm:
- Một tay jagunco bây giờ thật đáng giá vàng cân, - lão nói. - Nếu bắt đầu có
chuyện đánh nhau, cứ anh nào bắn cừ là sẽ giàu to, sẽ có tiền tậu trại ca cao.
- Tôi đứng về phe Badaró, - Juquinha nói. -
Họ chiếm ưu thế về chính trị và tôi tin chắc họ sẽ thắng. Sinhô và Juca quả là
hai tay hảo hán.
- Họ chẳng bén gót đại tá Horácio đâu, - một
người khác nói. Một người đàn ông đứng lên và rời khỏi căn phòng.
- Chico đi xin một chân đấy, - Juquinha nhận
xét. - Không có cuộc đánh nhau nào mà nó không dính vào. Nó về phe đại tá
Horácio.
Lúc này, một số khách cáo lui; họ vội đi để
truyền những tin tức ông già mang đến. Họ tản về các phố của Ferradas, phố xá ở
đây cũng chả nhiều nhặn gì; họ đi từ nhà người quen này sang nhà người quen
khác. Người đàn ông miền Ceará không biết nói sao về những điều vừa nghe thấy.
- Ở cái xứ này, chỉ thấy nói toàn chuyện chết
chóc, - anh ta nói.
- Cái chết ở đây thật rẻ, - ông lão trịnh
trọng tuyên bố.
- Anh đã kịp thời thoát khỏi cái cảnh ấy thế
là may lắm đấy.
- Anh đã bỏ trốn, - một người đàn bà nói.
- Còn có thể bỏ đi được thì tôi đi.
Juquinha bật cười:
- Anh bỏ đi đúng lúc sắp sửa có nhiều chuyện
hay.
Những người đàn bà lúc nãy trở về kiếm quần
áo mặc thêm, đã quay lại. Một ả trong bọn mang tới mấy bông hoa đã héo mà một
khách chơi thỉnh thoảng vẫn đến thăm vừa cho ả hai hôm trước; ả đặt hoa dưới
chân xác chết. Cả nam giới cũng đến mỗi lúc một nhiều, vì muốn biết tin tức; bởi
chưng trong thành phố mọi người đã bàn tán và phóng đại câu chuyện lên rồi. Người
ta đồn cái xác đó là một trong những gã đi theo Firmo đã chết vì viên đạn dành
cho lão chủ trại. Thật là kỳ lạ. Firmo đã thoát khỏi viên đạn của Damião. Lại
có người khác nói đó chính là xác Firmo. Thầy dòng Bento bước vào căn nhà chứa
và một ả chỉ mang trên mình độc một chiếc áo ngủ bèn chạy đi kiếm một bộ quần
áo chỉnh tề hơn.
- Cầu Chúa đến với các con, - từ chỗ cửa ra
vào, người thay mặt Chúa nói vậy với cái giọng lơ lớ. Rồi ông ta tiến vào trong
hành lang, bởi vì trước hết ông ta muốn biết tin tức ra sao. Sau khi ông lão đã
kính cẩn nhắc lại tất cả câu chuyện, thầy dòng bèn bước vào căn phòng phía trước,
nơi đặt xác chết. Violeta lúng túng trình bày về nỗi đồng tiền eo hẹp và sau đó
thu xếp với người giữ đồ thánh, đưa cho lão này tờ giấy bạc hai mươi milreís,
là tiền quyên góp của người phụ nữ lai đen, với vài đồng tiền lẻ nữa. Thầy dòng
Bento bắt đầu đọc kinh cầu hồn, và đàn ông, đàn bà rì rầm họa lại:
- Ora
pro nobis*.
[Ora pro nobis: chữ La tinh, nghĩa là “cõi trời trước mặt
chúng ta”]
Lúcia sụt sùi khóc; ba chị em đứng sát vào
nhau. Gã thanh niên khiêng võng vẫn chằm chằm nhìn Maria. Liệu cô ta có bằng
lòng ngủ với gã ngay hôm nay, sau khi đưa đám không? Cô ta đã chẳng ngủ với đại
tá Teodoro cái đêm sau đám tang Pedro đó sao? Gã nhắc lại với những người khác
như cái máy: “Ora pro nobis.”
Thầy dòng đang lầm rầm đọc kinh cầu nguyện
thì ngoài cửa ra vào, có người kêu lớn:
- Juca Badaró kìa.
Tất cả chạy ùa ra phố; Juca, theo sau là
Antônio Vítor và hai gã thanh niên khác, đang phóng ngựa nước đại giữa một đám
bụi mù đi về phía Tabocas. Hầu hết, kể cả người giữ đồ thánh, đều hối hả muốn
trông thấy đoàn người ngựa. Thầy dòng Bento đang cúi xuống xác chết, vươn cổ
nhìn qua cửa sổ, miệng vẫn không ngừng cầu kinh. Bên cạnh xác chết, chỉ còn lại
có ba chị em và anh chàng trai trẻ đang thèm muốn Maria. Juca Badaró và bọn cabra của hắn lúc này đã tới phía bên
kia thành phố; phóng qua cái kho lớn chứa ca cao khô của Horácio, chúng giơ
súng trường bắn chỉ thiên trong khi mọi người ngoài phố bỏ chạy tán loạn, trốn
vội về nhà. Tiếng ồn ào át cả tiếng kinh cầu hồn.
Gã trai trẻ tiến sát lại Maria.
3
Nhiều năm sau, khi một người khách đến thăm
đi ngang qua thành phố Ferradas cùng với một người dân cũ ở đây, một người nông
dân già am tường mọi chuyện về vùng đất ca cao, người đó hẳn sẽ chỉ những ngôi
nhà, những dãy phố, nơi bùn lầy đã biến mất dưới những phiến đá tròn lát đường,
mà rằng:
- Ngày xưa, cái thành phố này là sào huyệt
ghê gớm nhất của bọn cướp trong rừng. Biết bao máu đã đổ ở Ferradas những ngày
năm xưa khi người ta mới bắt đầu trồng ca cao.
Thành phố Ferradas vốn là căn cứ địa của
Horácio, nằm chính giữa những đồn điền của lão. Trong mấy năm, thành phố này
đánh dấu giới hạn của vùng ca cao. Khi bắt đầu trồng ca cao ở Rio do Braço, người
ta đâu có ngờ rằng việc trồng những cây này chẳng bao lâu sẽ tiêu diệt những đồn
điền mía, những xưởng cất rượu rum, những đồn điền cà phê hồi đó ở quanh vùng
Rio do Braço, Banco da Vitória và Água Branca, ba vùng khai khẩn trên bờ sông
Cachoeira chảy ra biển ở Ilhéus. Và ca cao chẳng những đã giết chết những xưởng
cất rượu rum, những đồn điền mía nhỏ, đồn điền cà phê mà còn tràn lấn vào rừng
nữa. Và theo sau sự xâm lấn của ca cao, mọc lên những thành phố như Tabocas và
xa hơn nữa là Ferradas, khi tay chân của Horácio đã phát rừng trên tả ngạn con
sông.
Trong một thời gian, Ferradas là một thị trấn
cách xa Ilhéus. Bọn conquistador* đi
chiếm đoạt những đất đai mới thường xuất phát từ cái thành phố nhỏ này. Thỉnh thoảng,
có những lữ khách từ Itapira, từ Barra do Rio de Contas bên kia biên giới vùng
ca cao, lách một lối mòn xuyên rừng tới. Ferradas trở thành một trung tâm kinh
doanh, không rộng mấy nhưng rất ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, sự phát triển của
thành phố này đã ngừng lại sau khi khu rừng Sequeiro bị chinh phục; ở ven rừng
này, về sau mọc lên thành phố Pirangi, xây dựng trong hai năm.
*[Conquistador: tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “người đi
chinh phục”]
Mãi về sau, theo đà phát triển của công việc
trồng ca cao, Baforé (hồi đó chỉ là một xóm nhỏ trên con đường mòn trong nội địa)
mới trở thành một thành phố và đổi sang một cái tên du dương hơn là Guaraci.
Nhưng vào thời kỳ chiếm rừng, Ferradas rất quan trọng, có lẽ còn quan trọng hơn
cả Tabocas nữa kia. Người ta bàn đến việc nối một nhánh đường xe lửa đến
Ferradas, dự định này đã khuấy lên nhiều cuộc tranh cãi trong các quán rượu và ở
cửa hàng bào chế thuốc. Đường xe lửa không bao giờ tới đó, vì Ferradas nằm
trong khu vực chính trị của Horácio, lão là chúa tể vùng này; và bởi chưng lão
là Seabrista - tức là người của phe Seabra - lão nằm trong phe đối lập nên
chính phủ không chấp thuận đề nghị của người Anh làm một con đường xe lửa liên
lạc với thành phố này. Cuối cùng, khi Seabra nắm được chính quyền và Horácio có
ưu thế trong tay, quyền lợi của lão lại càng thúc lão xúc tiến việc kéo dài đường
xe lửa đến tận Pirangi ở ven rừng Sequeiro Grande.
Cho nên Ferradas vẫn là một đồn tiền tiêu
trên biên giới. Nhưng vào thời kỳ ta đang nhắc đến, phố xá ở đây tấp nập ngựa
xe đi lại, việc buôn bán thật phồn thịnh; các hãng buôn xuất khẩu lớn ở Bahia đều
biết tiếng thành phố này và các khách thương ghi tên nó vào hành trình của
mình. Những người này đi ngựa tới, các hòm mẫu hàng do một đoàn lừa chở, và
trong một vài ngày những bộ y phục bằng vải trắng của họ nổi bật lên giữa những
bộ quần áo ka ki của người bản xứ, hay, như người ta thường gọi, của bọn grapiúnas*. Các khách thương tán tỉnh những
cô gái đến tuổi lấy chồng, nhảy múa khi có hội khiêu vũ, vừa uống bia nóng vừa
lớn tiếng phàn nàn về nỗi thiếu nước đá và “làm ăn” những chuyến thật bẫm.
*[Grapiúnas: tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “dân bản xứ”]
Sau đó, khi quay về, trong các tiệm cà phê ở
Bahia, họ kể lại những câu chuyện kỳ dị về những thành phố ấy, nơi chỉ có toàn
bọn tứ chiếng giang hồ và jagunco, chỉ
có một cái khách sạn, phố xá thì ngập bùn, nhưng dân cư ngày nào cũng đi chân đất
mà tiền bạc đầy túi. Họ nói:
- Bởi tôi chưa bao giờ thấy nhiều giấy năm
trăm milreís đến thế.
Giấy năm trăm là loại giấy bạc lớn nhất hồi
ấy. Theo lời các khách đến thăm, ở thành phố này không ai có tiền đồng cả và có
thể nói là không hề có tiền lẻ. Họ còn kể nhiều chuyện khác, như tất cả những
tay chào hàng thường vẫn làm thế.
- Khi một du khách tới Ferradas, Chico
Martins, người chủ khách sạn, thường để đường vào giường khách ngủ.
Người nghe chuyện ngạc nhiên:
- Đường à? Tại sao vậy?
- Để dử kiến đến; kiến chả ăn rệp còn gì.
Ở đây, bệnh đậu mùa và thương hàn tồn tại
trong tình trạng thường xuyên và nói cho đúng thì, ngôi nhà tốt nhất ở Ferradas
không phải ở trong thành phố mà lại ở tận trong rừng. Đó là nhà điều trị bệnh
truyền nhiễm, nơi những người bị đậu mùa được đưa vào cách ly. Người ta nói
không có ai đến đây mà lại trở về được bao giờ.
Bệnh xá do một người da đen trông coi, người
này đã bị đậu mùa và đã khỏi. Không ai đặt chân đến vạt rừng nơi có nhà điều dưỡng.
Tất cả dân cư khiếp sợ nơi ấy.
Ferradas lớn dần lên xung quanh cái kho
hàng mà Horácio đã xây ở đó. Lão cần có một chỗ chứa cái khoản mùa màng thu hoạch
được ở các đồn điền của lão. Và vì thế những tòa nhà đã mọc lên khắp chung
quanh kho hàng; rồi, chẳng bao lâu, một dãy phố với hai ba con đường giao nhau,
đã được vạch ra giữa bùn lầy. Những gái điếm đầu tiên và những khách thương đầu
tiên bắt đầu tới đó.
Một gã người Syria đã mở quán ăn, hai người
thợ cạo từ Tabocas đến mở cửa hiệu; thứ bảy có phiên chợ, Horácio giết một đôi
bò và cho người đem thịt đi bán. Những gã giữ la từ những đồn điền hẻo lánh tới,
đêm ngủ lại ở Ferradas phải trông coi lừa ngựa thật cẩn thận vì bọn ăn trộm ca
cao.
Nhưng đến khi một viên sĩ quan cảnh sát mới
được bổ nhiệm về đây, thì thành phố này mới thu hút sự chú ý của đông đảo quần
chúng. Theo sự khẩn khoản của Juca Badaró, tỉnh trưởng Ilhéus đã cử một chánh
án dân biểu đến Ferradas, việc này tự bản thân nó đã là một thóa mạ đối với
Horácio, vì nó biểu hiện một sự can thiệp vào quyền tài phán của lão. Các nhà
chức trách nhấn mạnh vào việc Ferradas là một thành phố, nó có nằm trong địa hạt
của Horácio thì điều đó cũng chẳng hệ trọng gì. Phải thiết lập nền hành chính
tư pháp ở đây và cần gấp rút chấm dứt mọi vụ án mạng, ăn trộm, ăn cắp thường
xuyên xảy ra.
Viên chánh án dân biểu xuất đầu lộ diện vào
một buổi chiều, có ba tên sen đầm hộ tống; trông hắn có vẻ xanh xao và tiều tụy.
Cả bốn đều đi ngựa tới, nhưng ngay tối hôm ấy, họ đã phải đi bộ trở về, quần áo
mất hết, sau khi bị một trận đòn dữ dội.
Tờ báo ở Ilhéus, vốn ủng hộ chính phủ, đã
đăng một bài công kích Horácio về vụ này; báo của phe đối lập bèn yêu cầu “cho
biết lý do bổ nhiệm một viên chánh án dân biểu về Ferradas trong khi chính phủ
không hề làm gì để lát đường hoặc mắc đèn chiếu sáng các góc phố”. Những việc sửa
sang thành phố đều nhờ ở thiện tâm của đại tá Horácio da Silveira. Nếu như
chính phủ muốn xen vào công việc của địa phương thì tại sao không góp phần nâng
cao đời sống của nhân dân thành phố? Ferradas là một thành phố tôn trọng luật
pháp, hoàn toàn không cần đến một viên sĩ quan cảnh sát; trái lại, nó cần được
lát đường, cần có ánh sáng và cống thoát nước.
Nhưng những lý lẽ báo chí phái đối lập, đại
diện cho quyền lợi của Horácio nêu lên, đã tỏ ra vô hiệu quả.
Tỉnh trưởng luôn luôn bị Juca thúc, đã bổ
nhiệm một đại diện khác; và lần này là một tay nổi tiếng du côn: Vicente
Garangau, đã từng làm jagunco lâu năm
cho nhà Badaró. Hắn đến cùng với mười hai tên lính và thở ra rất nhiều lời hăm
dọa về chuyện mai sau. Hôm sau, hắn bắt giam một công nhân của Horácio đã làm
huyên náo trong một nhà chứa. Horácio gửi giấy đến đòi phải thả người bị bắt
giam. Vicente trả lời là đích thân Horácio phải đến mà thả tù ra. Lão này đến,
tên người làm được tha, và Vicente Garangau bị giết chết trên đường đi qua “Bầy
khỉ” trong khi hắn định trốn đến đồn điền của Maneca Dantas. Người ta lột da hắn,
cắt tai, cắt dái và gửi những vật kỷ niệm ấy cho tỉnh trưởng Ilhéus. Từ hôm đó
trở đi, không còn có sĩ quan cảnh sát nào ở Ferradas nữa vì lý do chủ yếu là
Juca Badaró không kiếm đâu ra người đưa vào cái chân ấy.
Horácio đã cho xây một nhà thờ nhỏ và cho mời
một thầy dòng đến để hành lễ. Thầy dòng Bento trông giống một conquistador hơn là một bầy tôi của Chúa
Cơ Đốc. Cái mê say duy nhất của ông ta là trường học cho con gái do các bà xơ
cai quản, trường này khó khăn lắm mới xây dựng được ở Ilhéus; tất cả tiền bạc
thầy dòng vơ vét được đều dành cho việc thiện ấy. Cho nên trong thành phố, người
ta chả ưa gì ông ta. Dân trong giáo khu muốn ông ta chú ý đến Ferradas hơn;
theo họ, đáng lẽ ông ta phải nghĩ đến việc xây dựng một ngôi nhà thờ đẹp hơn
nhà thờ ở Tabocas, để thay vào cái nhà thờ nhỏ kia. Nhưng thầy dòng Bento chỉ
nghĩ đến trường học cho con gái, một tòa nhà đồ sộ trên đồi Conquista trong thị
trấn Ilhéus. Đó là cái say mê của thầy dòng và ông ta đã phải vất vả lắm mới
thuyết phục Đức giám mục ở Bahia phái các nữ tu sĩ về. Sở dĩ ông ta nhận trông
coi nhà thờ ở Ferradas hoàn toàn chỉ là vì mục đích quyên lấy thật nhiều tiền.
Ông lấy làm bất bình về nỗi các ông đại tá thường tỏ ra hờ hững đối với việc học
hành của con gái họ. Họ suy nghĩ rất nhiều để hướng con trai họ vào các ngành
y, ngành luật, hoặc cho chúng trở thành kỹ sư, ba cái nghề đó đã thay thế các
chức vụ của giai cấp quý tộc cũ; nhưng còn đối với con gái, họ cho rằng chỉ cần
cho học đọc, học kim chỉ và may vá là đủ rồi.
Nói tóm lại, Ferradas không tha thứ cho thầy
dòng Bento cái tội thiếu quan tâm đến thành phố. Vậy cho nên người ta bắt đầu
thêu dệt về ông thầy dòng, trong đó có một chuyện kể là ông ta đã ngủ với chị bếp,
một cô gái trẻ lai đen từ đồn điền của Horácio đến. Khi chị ta đẻ con, mặc dầu
biết bố nó là Virgulino làm công cho gã người Syria, mọi người vẫn quả quyết khẳng
định rằng thầy dòng Bento đã có một đứa con hoang. Ông thầy dòng biết chuyện
nhưng chỉ nhún vai; điều ông ta muốn là có tiền cho cái trường học kia. Nói
chung, ông ta thầm khinh dân trong địa phận mình. Ông coi họ là đồ bỏ đi không
sao cứu vớt được, là một bầy kẻ cắp, giết người, những quân vô đạo, vô pháp, chẳng
kính Chúa cũng chẳng trọng người. Theo ông, từ lâu rồi không có một người dân
nào ở đây là không đáng bỏ địa ngục đời đời, mãi mãi. Và ông thường quen nói vậy
trong những bài thuyết giáo buổi lễ chầu ngày chủ nhật, khi giảng cho số tín đồ
ít ỏi còn thấy cần phải đến chịu lễ. Ý kiến của thầy dòng ít nhiều cũng là ý kiến
của tất cả dân cư vùng ca cao, nơi đây cái tên Ferradas đã trở nên đồng nghĩa với
cái chết hung bạo. Nhưng nếu như hình thức Gia Tô giáo do thầy dòng đại diện,
ít lôi cuốn được dân thành phố này thì trái lại, cái món đồng cốt ở đây lại rất
thịnh hành. Các “tín đồ” thường tụ tập ở nhà mụ Eufrosina, một bà đồng bắt đầu
nổi tiếng lừng lẫy trong vùng; tại đây, người ta được nghe những lời nhắn nhủ của
bà con hoặc bạn bè đã quá cố. Ngồi trong chiếc ghế tựa, Eufrosina bắt đầu lầm rầm
những câu không ai nghe rõ cho đến khi những người ngồi dự nhận ra tiếng nói
quen thuộc của họ hàng hoặc bạn bè mình. Người ta bảo rằng các hồn ma - nhất là
hồn một người da đỏ làm “hướng đạo” cho Eufrosina - từ lâu đã tiên đoán là tai
họa sẽ giáng xuống vùng này vì khu rừng Sequeiro Grande. Những lời tiên tri ấy
rất được mọi người quan tâm và ở Ferradas, không một ai được người khác tôn
kính như người ta tôn kính cái bóng gầy còm của mụ lai đen ấy mỗi khi mụ đi lại
trong các phố lầy lội của thành phố.
Sau những buổi gọi hồn thành công rồi,
Eufrosina bắt đầu chữa bệnh bằng thuật chiêu hồn khá có kết quả; việc này lấn
sang địa hạt của ông bác sĩ Jessé. Mỗi tuần, ông bác sĩ đến Ferradas thăm bệnh
nhân một lần; người ta cũng gọi ông đến khi có chuyện nổ súng bắn nhau; cho nên
ông ta góp sức với thầy dòng Bento chống lại Eufrosina, kẻ đã cướp khách của
ông; bây giờ những người bị sốt cứ đến bà đồng chứ không đi khám bác sĩ nữa. Thầy
dòng bèn nói chuyện đó với Horácio, nhưng lão này chẳng hành động gì cả. Người
ta kể lại rằng cái thái độ làm ngơ không hành động ấy đã thúc đẩy ông thầy dòng
bịa đặt một câu chuyện về Horácio với một cuộc gọi hồn. Bởi vì, theo những lời
đồn đại ở Ferradas thì ông thầy dòng này vốn độc mồm độc miệng. Dù sao đi nữa,
đúng là ông ta đã tung ra chuyện ấy sau buổi gặp gỡ với Horácio.
Câu chuyện ấy như thế này: Trong một buổi
lên đồng nào đó ở nhà Eufrosina, người ta gọi hồn của Mundinho de Almeida, một
trong những conquistador đầu tiên ở
vùng này, một tay ghê gớm nhất trong tất cả, đến nay vẫn còn khét tiếng mặc dầu
đã chết từ bao năm trước. Người ta coi hắn là tượng trưng cho sự gian ác;
Eufrosina đã ráng sức “triệu” hắn, nhưng không có kết quả. Cuộc vật lộn xem ra
kéo dài và mệt nhọc cho bà đồng; mụ đã cố gắng hết sức, lắc lư đảo đồng mãi, tưởng
chừng đến sắp gãy rời cả chân tay. Cuối cùng, sau hơn một giờ quằn quại như thế
và khi tất cả mọi người dự đều đã mệt nhoài vì phải tập trung tư tưởng cao độ,
Mundinho de Almeida hiện lên, vẻ rất mệt nhọc và rất vội vàng. Ai hỏi gì thì hỏi
đi, nhanh lên, bởi vì hắn phải về ngay lập tức.
- Nhưng tại sao lại vội vã thế, người anh
em? - Mụ đồng ngọt ngào hỏi.
- Suốt mấy ngày nay, bọn tôi ở dưới âm phủ
rất bận; mọi người đều bận cả, - linh hồn càu nhàu trả lời, và những người cao
tuổi nhất đều cả quyết rằng họ đã nhận ra Mundinho de Almeida ở cái tính cục cằn
của hắn.
- Nhưng tại sao các người lại bận đến thế?
- Eufrosina gặng hỏi, nói lên sự tò mò chung của mọi người.
- Bọn tôi chất củi suốt ngày. Tất cả mọi
người đều tham gia vào việc ấy: kẻ có tội và quỷ sứ, tất cả đều cùng làm.
- Thế tại sao lại chất nhiều gỗ thế, anh bạn?
- Chúng tôi sửa soạn đốt lửa liên hoan mừng
ngày Horácio xuống.
Người ta kể câu chuyện này trong thành phố
Ferradas, cứ địa của Horácio và sào huyệt của bọn cướp. Những kẻ thèm khát đất
đai, một bọn người đặc biệt, cổ sơ và man rợ, chỉ có một tham vọng duy nhất là
tiền bạc, từ Ferradas xuất phát tiến vào rừng. Mỗi ngày lại có thêm những người
ở những nơi khác đến, chạy theo thần tài. Từ Ferradas mở ra những con đường mới
chạy ngang dọc khắp vùng đất ca cao.
Từ Ferradas, người của Horácio lên đường
xâm nhập khu rừng Sequeiro Grande.
Ngày hôm ấy, thành phố xôn xao vì cái tin
do những người khiêng xác chết mang đến. Juca Badaró đã qua đó trên đường đi tới
Tabocas, nhưng hắn sẽ không trở về bằng đường này được, hắn sẽ phải theo một đường
khác để trở về nhà.
Trong khoảng thời gian từ sáng đến chiều,
Ferradas chuẩn bị sẵn sàng giao chiến. Bọn jagunco
đổ về canh giữ kho hàng của Horácio; trong các quán rượu, người ta uống nhiều
rum hơn thường ngày. Vào lúc bắt đầu tối thì Horácio đến.
Lão mang theo một lũ bộ hạ rất đông, chừng
hai mươi con ngựa và một đoàn lừa để chở hành lý. Họ đến Tabocas, ở đó hôm sau
Ester sẽ đáp xe lửa đi Ilhéus. Nàng cưỡi ngựa theo kiểu thời bấy giờ, ngồi trên
một cái yên viền bạc, tay cầm một chiếc roi ngựa cán cũng bằng bạc. Bên cạnh
nàng, Virgílio rong ruổi trên mình một con ngựa xám đốm trắng. Đằng sau họ, bên
cạnh Horácio mặt vằn sẹo, thân hình béo mập đè nặng lên mình ngựa, là ông bạn
Braz của họ, chủ một cánh rừng ở ven khu rừng lớn, được khắp vùng kính nể. Hắn
để một khẩu súng tự động trước mặt, trên yên ngựa chỗ tì tay cầm cương. Đội hậu
vệ gồm một số trai tráng trong đồn điền và bọn dắt la, vai mang súng trường,
lưng đeo súng lục. Cuối cùng, đến Maneca Dantas.
Maneca đã thất bại trong sứ mệnh thuyết phục
đại tá Teodoro Martins, chủ đồn điền Baraúnas; lão này đã đứng về phe anh em
Badaró.
Họ đi thành từng nhóm dày đặc, làm bốc lên
một đám mây bụi đỏ. Nghe bọn dắt la quát tháo những con vật và tất cả sự náo động
ồn ào của thành phố, có thể tưởng tượng như một đội binh mã đang đến đánh chiếm
Ferradas vậy. Họ phóng nước đại vào thành phố. Đến cuối phố, Horácio đi lên đầu
rồi bất thình lình dừng lại trước cửa nhà lão Farhat người Syria, nơi họ sẽ ngủ
lại đêm nay; con ngựa chồm chân trước lên. Con ngựa đang chồm chân trước và đá
hậu, định hất người cưỡi khỏi yên, và người cưỡi, tay cầm roi, giữ chắc cương
ghìm ngựa lại, cả hại cùng tạo nên hình ảnh một pho tượng kỵ mã của một chiến
sĩ thời cổ. Bọn người của đồn điền và bọn dắt la tản ra khắp thành phố đang xáo
xác vì sự náo động này.
Đêm ấy, ở Ferradas, người ta ngủ rất ít.
Thành phố giống như một nơi đóng quân trước trận chiến đấu hôm sau.
4
Quất roi ngựa đen đét lên mặt đất, bọn dắt
la đi ngang qua các phố lầy lội của Tabocas, và la hét, không cho những con vật
đi lạc vào trong những con đường xiên ngang hoặc những con đường mới.
- Hầy! Diamante! Dianho! Hầy! Mày lại đây! Đi
thẳng đường vào, cái con la cái chết tiệt kia!
Dẫn đầu đoàn lừa ngựa, bộ ức đeo đầy những
nhạc loảng xoảng, con la cái thuộc đường, “mẹ yêu của cả bầy”, đang tiến bước.
Các ngài đại tá coi việc trang sức thật lộng lẫy cho những “bà mẹ yêu đó”, chứng
cớ của sự phú quý và uy lực của họ, là một vấn đề thể diện phải chú ý.
- Thế! Piranha! Đi nào, Borboleta! Quỷ ám
cái con la này!
Và những chiếc roi ngựa của họ lại quất đen
đét trong không khí, trong khi trên mặt đất, những con vật chân bước chắc chắn
và chậm rãi, đang khuấy lộn lớp bùn của đường phố. Trên một ngưỡng cửa, một người
quen thốt ra câu nói đùa cũ kỹ nhất của thành phố:
- Thế nào, vợ chồng dắt la có khỏe không?
- Tao đang trên đường đến thăm mẹ mày đây.
Thỉnh thoảng có những đàn bò, từ những miền
đất vùng trong tới, kêu rống và ở lại Tabocas để được đem bán cho lò sát sinh,
hoặc tiếp tục đi đến tận Ilhéus. Những người chăn bò mặc quần áo da, từ trên những
con ngựa tơ hăng hái, nhảy xuống trà trộn vào đám dắt la để đến tửu điếm uống
rượu rum, hoặc đến nhà chứa tìm sự vuốt ve của đàn bà. Thỉnh thoảng những kỵ sĩ
với súng lục giắt ngang lưng, phóng ngựa qua thành phố, và bọn trẻ con đang
chơi nghịch trong lớp bùn vội chạy nháo nhào đi kiếm chỗ nấp. Mỗi ngày lớp bùn
đó bị khuấy tung lên có tới hàng nghìn lần vào những lúc người ta mang ca cao tới,
hết kiện này đến kiện nọ, để đưa vào những nhà kho lớn. Ấy, thành phố Tabocas
là như thế đấy.
Mới đầu nó không có tên gì cả, bởi vì nó chỉ
gồm lèo tèo có mấy nếp nhà ở ven sông. Sau này, lần lần từng ngôi nhà một nối
nhau dựng lên và bước chân của những con lừa chở nặng ca cao khô dần dần mở ra
những đường phố xiên xẹo thì Tabocas mới trở thành một thành phố.
Người ta bắt một nhánh đường sắt từ Ilhéus
tới tận đây, kéo theo cả việc xây thêm nhiều nhà mới. Nhưng những ngôi nhà ấy
không có những cửa sổ bằng ván gỗ như nhà ở Ferradas: Những cấu trúc mỏng manh
dựng vội vàng; những túp lều dùng làm nơi trú ẩn thì đúng hơn là nhà ở. Ở
Tabocas nhà cửa đều bằng gạch hoặc bằng đá và bằng thạch cao, mái lợp ngói, cửa
sổ lồng kính, đồng thời một phần đường phố chính lại lát sỏi tròn nữa.
Thật ra những phố khác chỉ là những cái lỗ
ngập bùn hàng ngày bị cày lên bởi những đoàn lừa từ các vùng lân cận tới, chở
những bị nặng hàng nửa tạ đựng cái khoản thu hoạch quý báu, đem chất vào các
kho hàng. Một số hãng xuất khẩu đã đặt chi nhánh tại Tabocas, nơi mà ca cao được
đưa thẳng từ đồn điền tới; và nếu như ở đây chưa thiết lập một chi nhánh của
ngân hàng Brazil, thì ít ra cũng có một nhân viên đỡ cho các ngài đại tá khỏi
phải đi Ilhéus để gửi hoặc rút tiền về.
Ở giữa một bãi cỏ rộng, sừng sững ngôi nhà
thờ Thánh José, thánh bảo trợ của vùng này; và ngay trước mặt, tại một trong những
tòa nhà hai tầng - niềm kiêu hãnh của thành phố - là trụ sở hội Tam điểm, phần
lớn hội viên là các tay địa chủ; hội thường tổ chức khiêu vũ và có trường học
riêng.
Nhà cửa mọc lên ở cả bên kia sông; người ta
đã tính đến chuyện xây một cái cầu để nối liền hai phần của thành phố, bởi vì
dân Tabocas kiên quyết muốn rằng làng họ phải được nâng lên hàng thị trấn, có
trụ sở chính quyền, có tòa án, có thị trưởng, có chánh án, biện lý, có sĩ quan
cảnh sát. Người ta gợi ý đặt tên cho thành phố mới là Itabuna, theo tiếng người
da đỏ Guarani có nghĩa là “tảng đá đen”, ngụ ý nhắc đến những tảng đá to tướng ở
ngoài sông và giữa sông thường vẫn dùng làm chỗ cho các bà, các cô giặt giũ.
Nhưng vì Tabocas nằm dưới quyền tài phán của Horácio, lão lại là điền chủ lớn
nhất vùng, nên chính phủ liên bang làm ngơ trước những yêu sách của dân chúng.
Anh em Badaró thì khẳng định rằng những yêu
sách ấy chỉ là một âm mưu của Horácio để nắm lấy quyền kiểm soát chính trị
trong vùng. Cho nên, Tabocas vẫn là một khu ngoại ô bình thường của đô thị São
Jorge dos Ilhéus. Tuy nhiên, trong thư từ nhiều người vẫn dùng cái tên Itabuna
- chứ không phải Tabocas - để chỉ thành phố của mình. Và ở Ilhéus, khi có ai hỏi
một người trong bọn họ ở đâu đến, anh ta bèn trả lời bằng một giọng rất tự hào:
“Tôi ở thị trấn Itabuna”.
Sự thật thì ở Tabocas cũng có một viên sĩ
quan cảnh sát đại diện cho quyền lực lớn nhất của thành phố, ít ra cũng là về mặt
danh nghĩa, vì quyền lực tối cao là ở trong tay Horácio. Viên sĩ quan ấy, một
thầy cai cũ trong quân đội chính quy, là một người bé nhỏ, gầy và khô đét,
nhưng rất cứng cựa nên mới đứng vững ở cương vị của mình, mặc kệ mọi sự hăm dọa
của những tên đầu trộm đuôi cướp tay sai của Horácio. Y thông minh, luôn luôn
chú ý không lạm quyền; không bao giờ y mó tay đến một vụ xô xát nào, trừ phi thực
sự có chuyện đổ máu hẳn hoi hoặc có người bị giết chết. Horácio tàm tạm quen dần
với y, và đã nhiều lần bênh vực y chống lại bọn jagunco của chính lão. Tất cả những lần lão đại tá tới Tabocas,
viên cai Esmeraldo bao giờ cũng thu xếp để đến nói chuyện với lão và không bao
giờ quên đưa đẩy câu chuyện đến chỗ bàn xem có thể hòa giải với gia đình Badaró
được chăng. Horácio vẫn cười cái điệu cười ồm ồm trong bụng của lão và vỗ vai
y:
- Ông có tính nói thẳng đấy, ông Esmeraldo ạ.
Tại sao ông vẫn tiếp tục làm việc cho bọn Badaró, điều đó thật không hiểu được.
Nhưng bất cứ lúc nào ông cần đến một người bạn, tôi xin sẵn sàng giúp ông.
Esmeraldo, tuy vậy, vẫn hết sức kính nể
Sinhô Badaró; mối tình cảm ấy có từ những ngày cả hai cùng sục sạo trong rừng
trên đất ca cao này. Người ta bảo rằng người của Sinhô trung thành với lão là
do tình gắn bó thân thiết, và ai đã làm việc với lão đều không bỏ lão bao giờ;
lão không phải là người phản bội bạn bè như Horácio.
Ở Tabocas, ai muốn xưng là bạn và đồng minh
chính trị với Horácio thường phải chú ý phô ra một thái độ đối địch với gia
đình Badaró và bọn thích khách của chúng. Vô luận cuộc bầu cử nào cũng đều đưa
đến những vụ xô xát, những vụ nổ súng bắn nhau, những án mạng; Horácio bao giờ
cũng thắng phiếu, vì sự gian lận đã thành lệ ở Ilhéus. Ở đấy, người ta bắt cả
người sống và người chết bỏ phiếu, và khá nhiều người sống đã đi bỏ phiếu dưới
sự hăm dọa của những tên kẻ cướp tay sai của Horácio.
Những ngày ấy, Tabocas đầy ứ bọn jagunco canh gác quanh nhà những tay có
vai vế ở địa phương: trước cửa nhà bác sĩ Jessé, người bao giờ cũng là ứng cử
viên của Horácio; nhà Leopoldo Azevedo, thủ lĩnh đảng đang nắm chính phủ; nhà
bác sĩ Pedro Mata, và bây giờ thêm nhà luật sư Virgílio, viên thầy cò mới. Mỗi
phe phái có hiệu thuốc riêng, và không một bệnh nhân nào bỏ phiếu cho anh em
Badaró lại nghĩ đến việc làm đắt khách cho bác sĩ Jessé, mà trái lại chỉ tìm đến
bác sĩ Pedro. Hai ông thầy thuốc vẫn giữ quan hệ cá nhân với nhau, nhưng sau
lưng thì lại nói những điều gớm ghiếc về nhau. Bác sĩ Pedro cho rằng bác sĩ
Jessé chểnh mảng không chăm nom bệnh nhân mà quan tâm đến chính trị cùng đồn điền
ca cao của ông ta hơn nhiều. Về phía bác sĩ Jessé, ông ta cả quyết rằng - và
dân chúng cũng đồng ý với ông như thế - bác sĩ Pedro không hề kính trọng đàn bà
một chút nào, và không một người chồng, người cha trong gia đình nào có thể tin
cẩn giao vợ hoặc con gái mình cho ông ta khám bệnh được. Thậm chí, mỗi phe phái
còn có cả một nha sĩ riêng. Nói tóm lại, cả thành phố chia làm đôi và hai phái
thóa mạ nhau một cách thô tục trên các báo ở Ilhéus. Horácio vừa đặt mua một
chiếc máy in để tung ra một tờ tuần báo ở Tabocas, do luật sư Virgílio làm chủ
bút.
Có khá nhiều thầy cò, chừng sáu hoặc bảy
người, và tất cả đều sống nhờ vào những cuộc “tiếm đoạt” trứ danh gây nhiều tai
tiếng; bởi vì cái hình thức tố tụng hợp pháp này ở Tabocas lại còn thịnh hành
hơn ở Ilhéus. Có những người suốt bao nhiêu năm vẫn có đất và đồn điền, trong một
đêm bỗng bị mất sạch, do một sự “tiếm đoạt hợp pháp” tài tình. Không một tay đại
tá nào xử lý một việc mà thoạt tiên không hỏi ý kiến viên thầy cò của mình để tránh
mọi nguy cơ thuộc loại này.
Có một người da đen ở Tabocas tên là
Claudionor, thường thu hoạch được một tấn rưỡi ca cao, một lần đã tiến hành một
cuộc “tiếm đoạt hợp pháp” hơi khác thường khiến hắn trở thành nổi tiếng - thậm
chí cả báo chí ở Bahia cũng nói đến hắn. Nạn nhân của hắn là đại tá Misael mà sự
giàu có đã được khắp nơi truyền tụng. Là điền chủ mỗi năm thu hoạch hàng bao
nhiêu tấn ca cao, lão ta đồng thời còn là chủ nhà băng ở Ilhéus và cổ đông của
công ty hỏa xa và thương cảng; tóm lại, một tay thần thế đáng gờm về phương diện
kinh tế, lại có con trai làm thầy cò. Mặc dầu thế, gã da đen Claudionor đã thắng
trong cuộc tranh chấp. Claudionor rút về khu đồn điền nhỏ của mình, nghiền ngẫm
mưu đồ thật chín và trạng sư Rui đã giúp hắn thực hiện công việc.
Một hôm, hắn đến trình diện đại tá Misael
và vay của lão bảy mươi conto để mua một khóm rừng nhỏ. Misael ứng cho hắn món
tiền, hẹn một thời gian ngắn phải trả: sáu tháng. Bởi vì lão đại tá cũng dự định
chiếm đồn điền của Claudionor, trong trường hợp gã này không thể trả đủ những
trái khoán của mình.
Gã da đen thất học ký vào tờ giấy bằng một
dấu hiệu. Rồi trên đường về, hắn dừng lại ở Tabocas và mướn một ông thầy giáo,
đưa về để dạy hắn đọc và biết ký tên mình. Sáu tháng sau, đến lúc hết hạn,
Claudionor chối bay là không nhận tiền của Misael; hắn nói là không bao giờ vay
tiền của Misael, lão này kiếm cách chơi khăm hắn một vố đấy thôi. Và cái lý cứng
nhất mà thầy cãi của hắn, trạng sư Rui, đưa ra là Claudionor hoàn toàn biết đọc
và ký tên mình. Thế là đại tá Misael mất bảy mươi conto, Claudionor mở rộng đất
đai của mình và còn kiếm thêm một món lễ phụ vào ngày hội thánh José năm ấy.
Không thể nói đích xác là ở thành phố có
sáu hoặc bảy viên thầy cò, bởi vì con số này chỉ bao gồm những tay ở hẳn đây. Nhưng
những tay ở Ilhéus cũng hành nghề ở Tabocas, trong khi đó những tay ở Tabocas,
cũng vẫn có khách hàng ở Ilhéus. Đi xe lửa mất có ba tiếng rưỡi đồng hồ; một
ngày kia, cuộc hành trình sẽ chỉ hết bốn mươi lăm phút khi xây dựng xong con đường
mới, bớt dốc hơn.
Như vậy là, với những vụ “tiếm đoạt hợp
pháp”, những mưu gian, những ngày hội của tôn giáo và của hội Tam điểm, Tabocas
vẫn tiếp tục cuộc sống của cái thành phố nhỏ không tên đang muốn được gọi là
thành phố Itabuna. Máu của những vụ án mạng luôn luôn hòa lẫn với lớp bùn của
đường phố, sau đó lại bị những con lừa bước đi chậm rãi, xéo lên. Trong một số
trường hợp, bác sĩ Jessé mang túi thuốc chạy đến, cũng không thể xác định được
vết thương ở chỗ nào vì bùn phủ khắp mình mẩy kẻ bị nạn... Tuy nhiên, tiếng tăm
của Tabocas lan đi rất xa; ở những vùng hẻo lánh nhất trong nội địa, người ta
cũng nhắc đến nó, và một tờ báo nào đó ở Bahia đã coi nó như “một trung tâm văn
minh và tiến bộ”.
5
Margot đưa tay lên, chỉ về quãng phố có thể
trông thấy được từ khung cửa sổ mở rộng, có ý nhằm vào cả thành phố Tabocas.
- Kia đúng là cái xó heo hút nhất trần đời.
Thật là một bãi tha ma.
Virgílio kéo nàng lại phía mình; nàng bĩu
môi và đến ngồi trên đầu gối gã.
- Em là một cô gái nhỏ xấu tính.
Nàng giận dữ đứng phắt dậy.
- Ấy đấy, bao giờ anh cũng chỉ nói thế -
bao giờ cũng chỉ là em sai thôi. Trước khi đến đây, anh đã biết thành phố này
thế nào. Em còn nhớ là Juvenal đã bảo anh đi Rio de Janeiro nếu anh muốn nổi tiếng.
Em chẳng hiểu tại sao anh lại thích đến đây hơn.
Virgílio mở miệng toan nói, nhưng ngừng lại,
xét thấy có cố gắng giảng giải cũng vô ích. Giá là một tháng trước đây, thì hẳn
gã đã bỏ nhiều thì giờ để cắt nghĩa cho Margot hiểu rằng tương lai của gã là ở
Tabocas, rằng nếu phe đối lập thắng thế trong cuộc tuyển cử - và rất có thể sẽ
như vậy - gã sẽ được đưa ra ứng cử nghị sĩ cho vùng này, vùng trù phú nhất của
bang Bahia. Gã sẽ cố cắt nghĩa cho nàng hiểu rằng muốn tới Bahia thì con đường
mới của vùng đất ca cao còn gần hơn nhiều so với một cuộc đi dọc biển trên một
con tàu buôn. Tabocas là đất vàng đất bạc; trong vài tháng ở đây, gã có thể kiếm
được nhiều hơn mấy năm hành nghề ở thủ đô.
Gã đã giải thích tất cả những điều đó cho
nàng nghe nhiều lần; nhưng Margot nhớ hội hè, nhớ những tiệm cà phê, những rạp
hát ở Bahia. Gã cũng hiểu đến một mức nào sự hy sinh của nàng. Hai người bắt đầu
dan díu với nhau từ khi gã còn học năm thứ tư trung học. Gã biết nàng trong một
nhà chứa và đã ngủ với nàng nhiều lần. Chẳng bao lâu, nàng say mê gã và khi gã
sắp phải bỏ học vì cha chết để lại công việc gia đình trong một tình trạng khốn
quẫn, nàng đã cho gã tất cả những gì nàng có, kể cả những khoản kiếm được mỗi tối.
Gã hết sức cảm động về chuyện đó và khi một thủ lĩnh chính trị kiếm được cho gã
một chân trong văn phòng của đảng và trong ban giám đốc tờ báo của phái đối lập,
gã vẫn giữ quan hệ với Margot, vì lòng thương mến đối với nàng. Gã đã quen lệ
trả tiền thuê phòng cho nàng và đêm nào cũng ngủ lại đấy. Hai người còn cùng đi
xem hát nữa. Virgílio chỉ tránh không công khai sống với Margot trước mặt mọi
người, vì cái tai tiếng do chuyện đó gây nên có thể phương hại đến bước đường
công danh của gã. Tuy nhiên, Juvenal, Virgílio và các bạn học khác đã từng tụ tập
ở chỗ Margot để tổ chức cuộc vận động đã đưa Virgílio trở thành quán quân hùng
biện của khóa học và chính ở bên Margot, gã đã thảo bài luận văn thi tốt nghiệp.
Khi gã nhận cái chân luật sư của đảng ở
Tabocas theo lời khuyên của thủ lĩnh phái đối lập, Virgílio đã bỏ hàng giờ để dỗ
Margot đi theo. Nàng từ chối, không muốn rời bỏ những thú vui và tất cả cuộc sống
náo nhiệt ở Bahia. Nàng vẫn đinh ninh rằng, sau khi đỗ, Virgílio sẽ đi Rio de
Janeiro, điều mà Virgílio cũng đã dự định trong khi còn học. Tuy nhiên, các thủ
lĩnh của đảng, nhằm vào lợi ích con đường công danh của gã, đã thuyết phục được
gã đến làm việc vài năm ở vùng ca cao mới. Thế là gã tới đó, mặc dầu Margot đã
dọa cắt đứt quan hệ. Họ đã qua một đêm nặng nề ở nhà chứa Mỹ. Nàng đã khóc, đã
níu lấy gã, đổ tội cho gã định bỏ nàng; chắc chắn là gã không yêu nàng nữa. Thực
ra, nàng sợ.
- Anh sắp đến nơi đó, anh sẽ lấy một cô gái
giàu có nào đó ở nông thôn và anh sẽ bỏ mặc em, ở giữa rừng rậm. Em chẳng đi
đâu.
- Em không yêu anh. Nếu em yêu anh thì em sẽ
đến.
Họ đã ân ái với nhau giữa những lo lắng bồi
hồi và những cãi cọ của cái đêm đó mà họ tưởng là đêm chung sống cuối cùng. Họ
đã giở hết những ngón trò chơi tình ái để giữ một kỷ niệm quý báu về nhau.
Virgílio ra đi một mình; nhưng được vài tuần,
Margot đột nhiên mò đến làm cho cả thành phố Ilhéus xôn xao dị nghị về những bộ
quần áo kiểu mới nhất, những cái mũ rộng vành và bộ mặt tô son điểm phấn của
nàng. Cái đêm nàng tới đó, tất cả các phố trong thành phố bỗng tràn ngập những
tiếng thở dài say mê. Sau đó, nàng theo gã tới Tabocas và mới đầu còn xử sự khá
biết điều. Nàng như đã quên cuộc sống hào hoa và vui tươi ở Bahia, và thậm chí
còn tỏ ra có khả năng trở thành một nội trợ tốt, chăm lo quần áo của gã và
trông nom việc bếp núc.
Tóm lại, nàng tỏ ra hết sức tận tụy, ít chú
ý đến ăn mặc hơn, để xõa tóc xuống vai và thậm chí thôi không phàn nàn về nỗi
thiếu thợ uốn tóc có đủ tài dựng những kiểu tóc phức tạp mà trước kia nàng vẫn
để.
Họ sống riêng rẽ để khỏi vấp phải những
thành kiến của địa phương. Dù sao, Virgílio cũng là đại diện hợp pháp của một đảng
phái chính trị; gã có những trách nhiệm của gã. Cho nên Margot ở một biệt thự
nhỏ xinh xinh cùng với một cô gái do một lão lái buôn trong thành phố bao.
Virgílio thường ở đó phần lớn thời gian
trong ngày. Thậm chí đôi khi, trong trường hợp cần kíp, gã còn tiếp khách hàng
tại đây nữa. Gã ăn ở đó, ngủ ở đó, thảo những bản biện hộ cho những vụ án gã nhận
cãi cho tòa án Ilhéus cũng ở đó.
Margot có vẻ sung sướng lắm; những chiếc áo
dài mốt nhất của nàng bị lãng quên, treo rũ trong tủ; nàng không nhắc tới Bahia
nữa. Nhưng dần dà, nàng thấy chán, khi nhận ra là nàng phải ở lại Tabocas lâu
hơn dự đoán. Hơn nữa, Virgílio thường đi Ilhéus luôn nhưng tránh không đưa nàng
đến đó, để khỏi gây những chuyện thị phi độc địa. Mỗi khi đến đó, nàng lại phải
đi một chuyến tàu khác và ít được gặp gã trong thành phố. Nhưng điều tệ nhất là
nàng đã trông thấy gã mải mê trò chuyện với những cô gái đến tuổi lấy chồng,
con gái bọn điền chủ giàu có. Thế là Margot la hét ầm cả nhà; tha hồ cho
Virgílio nói là bước tiến thủ của con đường danh vọng của gã buộc phải thế, những
lý lẽ đó vẫn không có tác dụng gì cả. Do đó, đã xảy ra một cuộc cãi nhau gay gắt
trong đó Margot trách móc gã kịch liệt về nỗi nàng đã hy sinh ở lại đây, tù hãm
trong rừng như thế này, trong khi nàng có thể sống một cuộc đời phong lưu phú
quý ở Bahia, ở đó thể nào chả có một nhà buôn giàu có hoặc một chính khách đã
hiển đạt, lấy làm sung sướng tậu nhà cho nàng ở và bao nàng, ối người đã hỏi
nàng, nhưng nàng đã rời bỏ tất cả để chạy theo Virgílio, nàng là một con ngốc,
có thế thôi.
- Cleo khuyên tôi không nên đến đây là rất
phải; chị ta biết rõ những điều sẽ xảy tới.
Những cuộc cãi lộn ấy bao giờ cũng kết thúc
bằng một chai sâm banh và những cái hôn trong đêm ái ân điên cuồng. Nhưng sau mỗi
lần, Margot lại càng thấy thèm khát cuộc sống vui tươi ở Bahia; nỗi thèm khát
này càng tăng thêm vì nàng biết chắc rằng Virgílio sẽ không bao giờ muốn rời
vùng này. Những cuộc cãi cọ vì những cớ khác nhau càng ngày càng xảy ra luôn,
bây giờ cứ hai hoặc ba ngày lại một lần, vì Margot bắt đầu phàn nàn là thiếu
các cô thợ may hoặc những bất tiện tương tự khác, mớ tóc thưa thớt của nàng rụng
dần, nàng béo ra, chẳng bao lâu nàng sẽ không biết khiêu vũ nữa..., đã bao
nhiêu lâu nay nàng không có dịp nhảy.
Chiều nay, tình hình trở nên nghiêm trọng
hơn, khi Virgílio báo cho nàng biết gã sẽ đi Ilhéus độ hai, ba tuần; mới đầu
nàng tỏ vẻ rất hài lòng. Muốn nói gì thì nói, Ilhéus vẫn là một thành phố thực
sự; Margot sẽ có thể đến nhảy ở tiệm cà phê Nhozinho và ở đó còn có một vài phụ
nữ khả dĩ chuyện trò được. Họ không như những đồ đĩ bẩn thỉu ở Tabocas, phần lớn
từ những rừng ca cao đến và đã bị bọn đại tá hoặc giám thị phá tân trước khi
hòa vào đời sống thị thành.
Ngay cả con bé ở cùng với nàng, nhân tình của
lão lái buôn, cũng là một con lai đen không biết chữ, mặt thì xinh nhưng cười
thì thật thộn; nó đã thất thân với con trai một tên điền chủ, và lão lái buôn
đã chuộc nó ra khỏi phố Do Poço, phố của bọn nhà thổ. Ở Ilhéus có những cô gái
đã từng ở Bahia, ở Recife, và cả ở Rio de Janeiro nữa; với bọn này, có thể nói
chuyện ăn mặc và chuyện các kiểu tóc được. Cho nên chẳng có gì lạ là Margot mừng
rơn khi Virgílio nói đến chuyện đi Ilhéus. Nàng chạy đến quàng tay ôm lấy gã,
hôn hoài, hôn mãi lên miệng:
- Thích quá, anh thật là đáng yêu.
Nhưng niềm sung sướng của nàng chẳng được bao
lâu, vì gã cho biết là không thể đưa nàng đi theo được. Không để cho viên thầy
cò kịp phân trần, nàng òa lên nức nở.
- Anh xấu hổ vì tôi chứ gì, - nàng tru
tréo, - hay là anh đã có người khác ở Ilhéus. Anh hoàn toàn có thể để cho một
con mặt dày mày dạn nào đấy bám lấy. Nhưng tôi có thể nói với anh một điều: Tôi
sẽ móc mắt nó ra và tôi sẽ làm rầm rĩ lên cho cả thiên hạ biết. Anh chưa bao giờ
thấy tôi nổi giận đấy.
Virgílio để mặc cho nàng la hét. Khi nước mắt
và những cơn nức nở của nàng đã nguôi nguôi, gã mới bắt đầu giải thích tại sao
gã không đưa nàng đi theo được, bằng một giọng mà gã cố làm cho có vẻ hết sức
vuốt ve. Gã đi có công việc, những công việc rất quan trọng; như vậy gã sẽ
không có thì giờ trông nom nàng. Chắc chắn nàng đã biết chuyện tranh chấp rắc rối
về khu rừng Sequeiro Grande giữa Horácio và anh em Badaró rồi chứ gì? Nàng gật
đầu, phải, nàng có biết. Nhưng nàng thấy đó không phải là lý do để nàng phải ở
lại Tabocas. Và nếu gã không có thì giờ dành cho nàng thì đã sao! Hẳn gã cũng
chẳng đến nỗi phải làm việc suốt đêm, thế thì trong khi ở Ilhéus, gã vẫn có thể
cùng đi với nàng đến tiệm cà phê.
Virgílio vẫn còn tìm thêm lý lẽ. Gã cảm thấy
rõ là thái độ của Margot cũng có phần đúng; cái vẻ nghi ngờ thoáng trong giọng
nói, những lời buộc tội mơ hồ về một người đàn bà khác, cái nhìn nửa giận dữ, nửa
sợ hãi của nàng - không một dấu hiệu nào lọt khỏi mắt gã. Sở dĩ dịp này gã
không đem nàng đi theo, đó không phải là vì gã chỉ đi lo việc của Horácio mà
thôi.
Gã còn rắp tâm dành thì giờ đến với Ester nữa.
Bởi vì gã không tài nào xua đuổi được Ester ra khỏi ý nghĩ. Ngày đêm, gã vẫn
còn nghe thấy tiếng kêu gọi cầu cứu, thì thầm bên tai gã trong khi chồng nàng
đang ở ngoài hiên.
- Hãy mang em đi khỏi nơi này, đi xa, thật
xa...
Virgílio biết rằng nếu Margot cùng đi
Ilhéus với gã thì chẳng phải đợi lâu la gì, nàng sẽ nghe thấy một chuyện ngồi
lê mách lẻo ác độc nào đấy, và cuộc sống của gã sẽ trở thành cái địa ngục; nàng
có thể gây chuyện rầm rĩ làm Ester bị xấu lây. Ester và Margot, gã không thể
nào hình dung hai người cùng một lúc được; tên của hai người không thể cùng nói
lên được trong một hơi thở. Một người là cô nhân tình nhỏ thời thanh niên ngông
cuồng khi gã còn là sinh viên. Người kia là tình yêu phát hiện ra giữa rừng,
cái tình yêu xuất hiện trong một ngày và mạnh hơn cả vũ trụ. Không, gã không muốn
Margot cùng đi với gã, quyết định của gã về điểm này đã dứt khoát rồi. Nhưng gã
không muốn xúc phạm nàng, gần như không thể xúc phạm một người đàn bà. Gã gắng
tìm một lý lẽ không thể cãi được; gã tưởng đã tìm ra được lý lẽ ấy bằng cách
nói với Margot rằng gã không muốn để nàng ở Ilhéus một mình ban ngày vì gã
ghen; khách sạn Machadão mà mọi lần nàng vẫn trọ, là nơi bọn đại tá giàu có nhất
hay lui tới. Phải, đúng lý quá rồi: tính gã hay ghen. Khi nói với nàng cái cớ
này, gã cố gắng hết sức mình làm cho giọng nói có sức thuyết phục. Giờ thì
Margot mỉm cười qua hàng nước mắt; gã cảm thấy mình đã thắng. Gã đang hi vọng
câu chuyện thế là kết thúc thì nàng đến ngồi lên lòng gã.
- Vậy ra anh ghen vì con bé của anh ư? -
Nàng nói - Tại sao? Anh biết rất rõ rằng em chẳng bao giờ để ý đến bất cứ lời gạ
gẫm nào của ai cả. Sở dĩ em bằng lòng chịu bị đày ải ở đây, chính là vì anh. Thế
thì có lý nào em lại lừa dối anh được?
Nàng lại hôn gã lần nữa và nói tiếp:
- Đưa em đi cùng với, anh yêu quý! Em thề với
anh sẽ không đặt chân ra đến ngoài nếu không phải là để đi với anh đến tiệm cà
phê. Em sẽ không rời khỏi phòng; em sẽ không nói chuyện với một người đàn ông
nào. Trong khi anh bận, em sẽ đóng kín cửa ở trong phòng cả ngày.
Virgílio cảm thấy mình đuối lý. Gã quyết định
đổi chiến thuật.
- Anh chẳng thấy ở Tabocas có gì gớm ghiếc
đến nỗi em không thể ở đây mười ngày vắng anh được. Chỉ là vì em tha thiết với
Ilhéus thôi.
Chính lúc đó nàng đã đứng dậy và trỏ ra phố:
“Đây là một bãi tha ma”.
Rồi nàng lại bắt đầu than tiếc về cái sai lầm
mà cả hai đã phạm phải, gã thì hy sinh sự nghiệp, nàng thì hy sinh cuộc đời. Và
Virgílio lại phải cố phân trần một lần nữa; nhưng gã nhận thấy là vô ích, sự
dan díu của gã với Margot đến đây đã hết rồi. Từ khi biết Ester, gã không còn để
mắt đến một người đàn bà nào khác nữa. Đối với Margot, gã không còn là người
tình xưa đầy nhục dục và thèm khát thể xác nàng một cách mê say nữa. Gã đã nhìn
những nét quyến rũ của nàng một cách dửng dưng: cặp đùi tròn, đôi vú thanh tân
và tất cả những cái thuật nho nhỏ nàng biết dùng để tô điểm cho những giờ ái ân
và thú yêu đương thêm đẹp. Con tim gã cháy bỏng dục vọng, nhưng là vì Ester
kia, gã muốn chiếm được Ester, muốn Ester hoàn toàn là của mình, cả tư tưởng, cả
thể xác, cả tâm hồn, tóm lại là tất cả. Cho nên gã cứ há hốc mồm như sắp sửa định
nói gì. Margot đợi, nhưng khi thấy gã nín thinh và chỉ giơ tay lên như để tỏ ra
là mình đã cố gắng vô ích, nàng lại tấn công:
- Anh coi tôi như một con nô lệ, anh tự cho
mình cái thú đi chơi Ilhéus và bỏ mặc tôi ở đây. Thế mà anh lại còn bày chuyện
ghen tuông để phỉnh phờ tôi. Dối trá! Tôi thật là một con ngốc bị người ta lừa
gạt. Nhưng thế là đủ rồi, tôi sẽ không thế nữa, anh có thể tin chắc chắn như vậy.
Lần sau có ai xin đưa tôi đi Ilhéus hoặc Bahia, tôi sẽ chuồn ngay.
Virgílio cảm thấy giận sôi lên:
- Về phía tôi, cô bạn thân mến ạ, cô có thể
chuồn được đấy. Cô tưởng tôi sẽ chết vì phiền muộn sao?
Nàng nổi cơn thịnh nộ:
- Ôi! Sao mà tôi ngu ngốc đến thế. Vậy mà
có biết bao nhiêu đàn ông theo đuổi tôi. Juca Badaró chỉ chờ tôi ra hiệu một
cái... Thế mà tôi lại ở đây với anh làm con ngốc, trong khi anh chỉ nghĩ đến
chuyện lỉnh đi Ilhéus. Chắc chắn là anh đang chạy theo một con nhà giàu, có của
thừa tự, rồi lấy nó vì tiền.
Virgílio đứng dậy, mắt long lên giận dữ:
- Cô có im đi không?
- Không, tôi không im. Muốn sao thì sao, hẳn
là đúng như thế thật. Anh đang phỉnh phờ lừa gạt một con nhà quê nào đó để làm
tiền nó.
Virgílio tát trái vào miệng nàng. Máu ở môi
tóe ra, đồng thời một vẻ sợ hãi và kinh ngạc hiện rõ trên mặt Margot. Nàng đã
toan chửi vào mặt gã, nhưng lại òa lên nức nở:
- Anh không yêu tôi nữa, nếu không thì anh
đã không đánh tôi.
Gã cũng thấy bối rối vì việc mình đã làm.
Gã không thể hiểu tại sao gã có thể hành động như thế. Gã thấy hình như chính
cái không khí của xứ này đã thấm vào máu gã làm cho gã thay đổi. Gã không còn
là người đàn ông mấy tháng trước đây từ Bahia tới, quý phái từ đầu đến chân và
hẳn không bao giờ nghĩ đến chuyện giơ tay đánh một người đàn bà. Miền đất ca
cao này cũng đã bắt đầu trở thành nặng nề, khó chịu đối với gã, một con người
văn minh từ nơi khác đến. Gã hổ thẹn cúi đầu, ân hận nhìn bàn tay mình, rồi lại
bên Margot, rút khăn tay lau giọt máu trên môi nàng.
- Tha lỗi cho anh, em yêu. Anh chẳng còn biết
ra sao nữa. Anh đang có nhiều điều lo nghĩ quá nên sinh ra cáu bẳn. Thế mà em lại
nói đến chuyện bỏ anh để đi với Juca Badaró, đi với một gã đàn ông khác... Quả
tình anh không muốn...
Nàng nấc lên một tiếng, và gã nói thầm:
- Đừng khóc nữa, em yêu, anh sẽ đưa em đi
Ilhéus.
Margot ngẩng đầu lên; nàng đã nhoẻn miệng
cười; bởi vì nàng tưởng gã đánh mình vì ghen. Hơn bao giờ hết, nàng thấy mình
thuộc về gã: Virgílio quả đúng là ý trung nhân của nàng. Nàng thu mình nép người
vào gã. Và lòng cháy bừng lửa dục, nàng kéo gã vào buồng.
6
Tiếng mấy người thợ may gọi lớn, đập vào
tai bác sĩ Jessé trong khi ông đi xuống phố:
- Bác sĩ, bác sĩ Jessé! Mời bác sĩ lại đây.
Bốn người thợ may đang đứng trước cửa hiệu
“Tesoura de Paris” (kéo Paris), hiệu may nam phục cừ nhất ở Tabocas. Chủ hiệu,
Tonico Borges, lúc đó một tay cầm một cái quần, còn bên tay kia là chiếc kim đã
xỏ chỉ.
Hiệu “Tesoura de Paris” không phải chỉ là
hiệu may khá nhất mà thôi, đó còn là nơi được mọi người công nhận là trạm tổng
phát hành những chuyện ngồi lê đôi mách độc địa nhất. Tại đây, không có gì người
ta không biết, kể cả đồ ăn thức uống trong nhà anh, và mọi chuyện xảy ra đều được
đương nhiên bàn luận.
Hôm đó, cửa hiệu nhộn nhịp hẳn lên, không
lúc nào ngớt tiếng ồn ào do cái tin từ Ferradas đến cùng một lúc với Horácio và
đoàn tùy tùng. Bởi thế Tonico Borges mới gào thật lực gọi bác sĩ Jessé lại. Sự
có mặt của ông bác sĩ là tối cần thiết để làm sáng tỏ một vài điểm trong cái
tin đó.
Vóc dáng lủn củn, mập mạp, mũ lật ra đằng
sau gáy, cặp kính ngật ngưỡng trên sống mũi, đôi ủng bê bết bùn, ông thầy thuốc
tiến lại gần, hỏi những người kia muốn gì ông. Một bác thợ may đẩy cho ông một
cái ghế tựa:
- Mời bác sĩ ngồi cho thoải mái đã.
Bác sĩ Jessé ngồi xuống và đặt túi thuốc xuống
nền nhà lát gạch. Cái túi thuốc ấy vốn đã nổi tiếng trong thành phố, vì trong
đó có đủ bộ các thứ linh tinh nhất không thể tưởng tượng được: từ con dao mổ, đến
những hạt ca cao khô, từ những ống tiêm đến những quả chín, từ những lọ thuốc đến
những biên lai thu tiền những ngôi nhà mà ông bác sĩ cho thuê. Tonico Borges vừa
ra đằng sau cửa hàng, lúc này đã trở lại, mang theo một trái lê:
- Tôi để dành cho ngài đấy, bác sĩ ạ, - lão
nói.
Jessé cảm ơn lão và bỏ quả lê vào trong túi
thuốc để dành. Những người thợ may kéo ghế ngồi thật sát bên ông bác sĩ, vây
quanh ông ta thành một vòng tròn nhìn ra đường phố.
- Thế nào, có gì mới không? - Bác sĩ Jessé
nói.
- Chính ngài mới là người nói cho tụi tôi
hay tin mới, bác sĩ ạ. Bác sĩ mới là người biết.
- Tôi biết cái gì kia chứ?
- Thế này, ở đây người ta bảo là sắp có
chuyện gay go giữa đại tá Horácio và anh em Badaró, - một bác thợ may mào đầu.
- Và Juca Badaró đã tập hợp phe cánh, -
Tonico bổ sung.
- Các ông gọi đó là tin mới ư? - Bác sĩ
nói. - Tôi có thể...
- Nhưng có một điều mà ngài không biết,
thưa bác sĩ, tôi xin cuộc vậy.
- Nói xem nào!
- Là Juca Badaró đã cử người tìm một kỹ sư
để đo đạc khu rừng Sequeiro Grande.
- Ông nói gì vậy? Ông nghe thấy chuyện ấy ở
đâu?
Tonico khoát tay ra vẻ bí mật:
- Một con chim nhỏ nói với tôi thế, thưa
bác sĩ. Có chuyện gì ở Tabocas mà mọi người không biết? Khi người ta không có
gì để nói thì người ta phịa ra!
Nhưng bác sĩ Jessé không chịu dừng ở đó.
- Ta hãy nói chuyện nghiêm chỉnh, - ông
nói. - Ai nói với ông thế?
Tonico Borges hạ giọng:
- Azevedo, lão bán hàng sắt. Chính Juca
Badaró đã viết điện tín mời kỹ sư đến trong nhà lão ta.
- Tôi không biết chuyện ấy đấy. Ngay hôm
nay, tôi phải gửi giấy báo cho đại tá Horácio mới được.
Những người thợ may nhìn nhau; họ không
thích câu chuyện lại xoay ra như thế.
- Nghe nói đại tá Horácio đã gửi Dona Ester
đi Ilhéus để tránh nguy hiểm có thể xảy ra ở đồn điền, - Tonico nói tiếp - người
ta bảo ông ta định tiến vào rừng trong tuần này, đã ký giao kèo với Braz,
Firmo, José da Ribeira và với Jarde về chuyện chia đất. Ông ta sẽ lấy một nửa
và số còn lại sẽ chia tất cả cho họ. Có thật thế không, bác sĩ?
- Tôi mới nghe thấy nói lần đầu đấy, - ông
này trả lời thoái thác.
- Nhưng thưa bác sĩ, - Tonico Borges giương
tròn xoe mắt, - người ta còn biết rằng trạng sư Virgílio đã thảo bản giao kèo,
đã áp triện vào đó và đủ mọi thứ. À! Còn Maneca Dantas nữa, ông ta cũng có phần
trong đó. Mọi người đều biết cả đấy, bác sĩ ạ. Bí mật quái gì đâu, giấu đầu hở
đuôi.
Bác sĩ Jessé đành thú thật; thậm chí ông
còn nhận là cả ông nữa cũng được chia một khoảnh rừng.
- Á à, bác sĩ, thế là ngài cũng có nhúng
tay vào hũ mật đấy, - Tonico nói đùa. - Ngài đã mua khẩu côn 38 rồi chứ? Hay có
lẽ ngài ưng loại súng lục cổ hơn? Tôi có một khẩu còn tốt để bán cho ngài đây.
Bác sĩ Jessé cùng hòa theo nhịp cười đón lời
nhận xét đó:
- Tôi đã hơi già quá rồi không phải lúc bắt
đầu làm chuyện dữ nữa.
Thế là tất cả bèn phá lên cười vì tính nhát
gan của bác sĩ Jessé đã thành tục ngữ. Thật cũng kỳ lạ là, mặc dầu ông nhát gan
thế, người ta vẫn kính trọng ông trong vùng ca cao này, bởi vì từ Ferradas đến
Ilhéus, không có gì hại đến uy tín con người bằng tính hèn nhát; một kẻ hèn
nhát không thể có tương lai gì được, ở thành phố cũng như ở nông thôn. Nếu như
có một đức tính nào nhất thiết phải có ở một người đàn ông muốn sống ở Bahia
vào cái thời kỳ nơi này đang phát triển, thì đó là lòng can đảm cá nhân. Làm
sao có thể liều mạng giữa đám jagunco
và conquistador này, giữa những tên
thầy cò vô lương tâm, những kẻ sát nhân không hề biết hối hận này, nếu không biết
hoàn toàn coi thường cái sống hay cái chết? Người nào không biết phản ứng lại
trước một lời nhục mạ, trốn tránh một trận xô xát, anh chàng nào không có một
vài thành tích về đức tính can trường cá nhân để kể cho mọi người nghe, thì chả
bao giờ được đám grapiúnas coi trọng.
Bác sĩ Jessé đứng ngoài cái quy luật ấy. Là
thầy thuốc ở Tabocas, ủy viên hội đồng thành phố ở Ilhéus, ứng cử viên vĩnh viễn
của Horácio và một trong những thủ lĩnh chính trị của phái đối lập, ông là người
độc nhất giữ được uy tín đối với mọi người mặc dầu ông nổi tiếng là nhát như
cáy. Sự hèn nhát của ông đã thành ca dao tục ngữ; người ta thường lấy đó làm
tiêu chuẩn để đo sự nhát gan của những người khác: “Hắn nhát gan bằng bác sĩ
Jessé” hoặc: “Nó còn nhát hơn cả ông bác sĩ Jessé nữa kia”. Và điều đó tuyệt
nhiên không phải là một chuyện giễu cợt nhảm nhí do những địch thủ chính trị của
ông ta tung ra, như người ta có thể tưởng lầm; ngay đến những người cùng đảng với
ông cũng biết rằng không thể trông cậy được ở ông ta khi một cuộc xung đột sắp
xảy ra. Những chuyện về sự thiếu dũng cảm của ông bác sĩ được truyền tụng khắp
các quán rượu và nhà chứa.
Chẳng hạn, nhân một cuộc xung đột khác ở
Tabocas tương tự như cuộc xung đột giữa Horácio và anh em Badaró, người ta kể rằng
ông bác sĩ Jessé đã trốn vào một nhà chứa và nấp dưới một gầm giường. Rồi lại
còn kỳ đại hội ở Ilhéus trong cuộc vận động bầu cử nghị sĩ vào thượng và hạ nghị
viện vừa rồi nữa. Một ứng cử viên của phái đối lập đến Bahia, một thanh niên,
con trai một viên thống đốc cũ của bang này, mới bắt đầu bước vào trường chính
trị.
Hắn sợ run lên, không biết làm ăn ra sao nữa;
bởi vì người ta đã kể cho hắn nghe những chuyện kinh khủng về xứ này và lúc nào
hắn cũng thấp thỏm chờ ăn một viên đạn hoặc một nhát dao. Horácio đã cử tay
chân đến để duy trì trật tự; bọn này đứng trấn xung quanh diễn đàn, súng lục giắt
ngang lưng, sẵn sàng đối phó với mọi sự xảy ra. Trong khi ấy, thủ hạ của gia
đình Badaró trà trộn trong đám đông, để nghe gã thanh niên Bahia nói chuyện vì
gã vốn nổi tiếng có tài hùng biện.
Theo thường lệ, giữa hai đợt rượu vang, luật
sư Rui khai mạc hội nghị, đả kích mấy lời vào chính phủ liên bang. Rồi đến lượt
bác sĩ Jessé giới thiệu ứng cử viên với cử tri và cuối cùng đến lượt vị khách.
Hắn đến trước cái bục nhỏ dựng vội dựng
vàng bằng ván từ mấy cái hòm cũ, cứ lung lay dưới sức nặng của các diễn giả; hắn
hắng giọng để mọi người chú ý; cử tọa im phăng phắc.
- Thưa quý bà, quý ông và quý cô, - hắn bắt
đầu nói. - Tôi...
Hắn không nói thêm được nữa. Bởi chưng
trong số cử tọa không có quý bà mà cũng chẳng có quý cô, nên một tên lưu manh
kêu lớn:
- Mẹ mày là một quý cô hẳn?
Người cười ầm ĩ, kẻ yêu cầu im lặng. Diễn
giả nói vài câu trong đó người ta nghe thấy tiếng “thiếu giáo dục” và trong cái
huyên náo loạn xạ tiếp theo đó, bọn tay chân nhà Badaró rút súng lục ra và bắt
đầu bắn; thủ hạ của Horácio cũng làm như vậy. Chuyện kể rằng giữa lúc đó, gã ứng
cử viên trẻ tuổi định bò xuống dưới bục để tránh những viên đạn đang rít quanh
mình, nhưng hắn thấy chỗ đó đã bị bác sĩ Jessé chiếm mất rồi; ông này chẳng những
không nhường chỗ mà còn nghiêm nghị trách hắn:
- Nếu ông không muốn mất thanh danh suốt đời
thì, thưa ông, tốt nhất là ông hãy quay lên cái chỗ mà từ đó ông vừa bò xuống.
Tôi là người duy nhất trong vùng này có quyền được trốn bởi vì tất cả mọi người
đều biết tôi nhát rồi.
Gã thanh niên ở Bahia không chịu nghe và vì
hắn cứ khăng khăng chui xuống gầm bục, một cuộc vật lộn đã xảy ra. Và, theo người
ta nói, thì đây đúng là cái lần độc nhất người ta thấy bác sĩ Jessé tham gia một
cuộc ẩu đả; những người chứng kiến từ đầu đến đuôi việc này, đều cả quyết rằng
đây là cảnh tượng tức cười nhất họ từng chứng kiến - “Y như hai mụ đàn bà nắm
búi tóc nhau tìm cách móc mắt nhau vậy”.
Tonico Borges kéo ghế lại sát bên cạnh bác
sĩ.
- Bác sĩ có biết sáng nay có ai đến thành
phố này không?
- Ai?
- Đại tá Teodoro. Nghe nói ông ta về phe với
bọn ở đồn điền kia.
Bác sĩ Jessé sửng sốt:
- Teodoro ư? Hắn ta dính vào việc này làm
gì?
Tonico không thể nói cho ông ta biết điều
đó:
- Tôi chỉ biết rằng ông ta đến cùng với một
bọn jagunco thôi. Còn cái điều ông ta
nghĩ trong đầu thì tôi đâu phải là người có thể nói rõ cho ngài hay được. Nhưng
ông ta can trường đấy chứ, phải không bác sĩ?
- Can trường thì ông ta có thừa, - một người
thợ may khác chêm vào, - chả thế mà dám đến Tabocas như vậy, giữa hôm nay, người
của Horácio nhan nhản khắp quảng trường. Lại còn cái câu ông ta trả lời nữa...
Ông ta nói thế nào, ông Tonico nhỉ?
Tonico đã thuộc lòng câu trả lời đó:
- Ông ta trả lời Maneca Dantas là: “Anh có
thể nói với Horácio là tôi sẽ không bao giờ về phe với những đứa như hắn ta,
tôi không giao dịch với phường dắt la”.
Maneca đã nhận được câu trả lời đó khi hắn
nhân danh Horácio đến mời Teodoro nhập bọn với phe hắn để chiếm khu rừng
Sequeiro Grande. Bác sĩ Jessé nghe vậy há hốc mồm ra.
- Quả thật, các ông biết đủ mọi chuyện, -
ông nói. - Cuộc sống ở đây chẳng có giá trị là bao, chẳng ai thoát được cả.
Một người thợ may bật cười:
- Ồ, đây là một cuộc đại thể thao, bác sĩ ạ.
Bây giờ, Tonico Borges tỏ ý muốn biết
Horácio có ra lệnh gì liên quan đến Teodoro, nếu tay này đến Tabocas không.
- Tôi không biết. Tôi hoàn toàn không hay
biết gì hết. - Rồi ông bác sĩ vớ túi thuốc và hối hả đứng dậy như chợt nhớ ra
có một công việc gì cần kíp. Nhưng trước khi ông đi khỏi, Tonico còn có một
chuyện thóc mách cuối cùng để kể lại với ông:
- Bác sĩ ạ, tôi nghe nói là luật sư
Virgílio đang ve vãn Dona Ester.
Bác sĩ Jessé làm ra bộ nghiêm nghị trong
khi ông dừng lại, một chân giơ lên, ông nói:
- Nếu ông muốn biết ý kiến một người đã từng
ở vùng này gần hai mươi năm trời, thì đây, ông muốn kể con cà con kê về bất cứ
ai hay bất cứ cái gì, thậm chí về cả Horácio nữa cũng được, nhưng chớ có bao giờ
nói đến vợ ông ta. Bởi vì nếu ông ấy biết thì sinh mạng ông không đáng giá hai
xu đâu. Tôi lấy tình bạn mà khuyên ông đấy.
Nói rồi, ông bỏ đi, để mặc Tonico Borges sợ
run như cầy sấy và tái nhợt như người chết rồi.
- Các cậu nghĩ xem liệu ông ta có kể lại
chuyện đó cho đại tá Horácio nghe không nhỉ? - Tonico hỏi những người kia.
Mặc dầu họ cả quyết rằng bác sĩ Jessé không
bao giờ làm thế, rằng ông bác sĩ là người tốt bụng, Tonico vẫn không thể yên
tâm được, chừng nào hắn ta chưa đến phòng bác sĩ xin ông ta đừng nói gì hết; bởi
vì câu chuyện này hắn được nghe kể lại qua miệng người đàn bà ở cùng với
Margot; ả đó nghe thấy một cuộc cãi lộn giữa Virgílio và nhân tình ông ta về một
người đàn bà nào đó mà ả đoán có lẽ là Dona Ester.
- Cái thành phố này kinh khủng thật, bác sĩ
ạ, - hắn kết luận. - Họ bàn tán về tất cả mọi người. Chẳng có ai thoát khỏi
chuyện ngồi lê mách lẻo. Nhưng kể từ hôm nay trở đi, tôi sẽ gắn khóa vào miệng.
Ngài sẽ không nghe tôi hé ra một lời nào. Vả lại, thưa bác sĩ, chuyện ấy tôi
cũng chỉ nói với ngài mà thôi.
- Ông không phải lo về chuyện ấy, - bác sĩ
nói cho hắn yên tâm. - Riêng về phần tôi, tôi sẽ không nói gì cho Horácio biết
cả. Nhưng điều tốt nhất ông nên làm là im mồm, trừ phi ông muốn tự tử.
Ông mở cửa. Tonico đi ra, một người đàn bà
bước vào. Ông bác sĩ bèn lục túi thuốc tìm cái ống nghe. Trong phòng đợi, đàn
ông, đàn bà ngồi chuyện gẫu. Một người đàn bà tay dắt một đứa bé, trông thấy
lão thợ may, bèn rời ghế và đến gần lão:
- Thế nào, có khỏe không, ông bạn Tonico? -
Bà ta mỉm cười hỏi.
- Rất khỏe. Dona Zefinha ạ. Còn bà?
Bà ta không trả lời vì đang nôn nóng muốn
nói với lão cái điều bà ta mới biết:
- Ông có nghe nói về cái chuyện tai tiếng ầm
ĩ ấy không?
- Chuyện nào?
- Đại tá Totonho do Riacho Doce đã bỏ vợ và
gia đình để chạy theo một con mặt dày mày dạn, một ả lăng nhăng ở Bahia. Họ
cùng đáp xe lửa, công khai trước mặt mọi người.
Tonico khoát tay, chán ngán.
- Chuyện ấy, người ta biết cả rồi Dona
Zefinha ạ, - hắn nói. - Nhưng tôi có những tin tức mà tôi cam đoan là bà chưa
được nghe kia.
Sự tò mò của người đàn bà bị kích thích đến
cao độ, đến nỗi bà ta run cả người.
- Chuyện gì thế, ông bạn Tonico?
Tonico ngần ngừ một lát, trong khi bà hồi hộp
chờ đợi:
- Nào, nói cho tôi nghe nhanh lên!
Hắn đưa mắt nhìn quanh và kéo bà ta ra hành
lang.
- Nghe nói là, - lão bắt đầu nói khe khẽ, -
là luật sư Virgílio... - đoạn còn lại, hắn nói thêm vào tai bà kia.
- Chả có lẽ, - bà ta kêu lên. - Thật không
ngờ, ai có thể tưởng tượng ra chuyện như vậy được?
- Cần nhất là bà hãy coi như tôi không nói
gì cả, - Tonico dặn dò. - Tôi chỉ nói với bà thôi đấy.
- Ồ, ông bạn Tonico, ông biết rất rõ là tôi
kín mồm kín miệng như bưng ấy chứ. Nhưng ai ngờ thế nhỉ? Cô ta coi bộ có giáo dục
đến thế kia mà.
Tonico biến mất. Trở lại phòng đợi. Dona
Zefinha quan sát các khách khác. Ở đây, chả có ai đáng để kể chuyện lại; bà bèn
quyết định hoãn việc tiêm cho đứa con nhỏ đến hôm sau. Bà chào mọi người, nói
là đã muộn và bà không thể chờ được nữa. Bà có hẹn đến phòng nha sĩ. Rồi bà đi
ra, lôi đứa bé xềnh xệch đằng sau. Mẩu chuyện quý hóa bà ta vừa nghe được cứ
làm cho bà ngứa ngáy mồm miệng; bà cảm thấy sung sướng y như là có cái vé xổ số
trúng thưởng.
Bà đi thật nhanh đến gia đình nhà Aventinos
- bà gái già chưa chồng ở gần nhà thờ thánh José.
7
Bác sĩ Jessé xem xét người bệnh bằng một cử
chỉ như máy, nghe ở ngực và ở lưng, nghe nhịp thở, bảo anh ta đếm đến “ba mươi
ba”. Nhưng thực ra tâm trí ông đang vơ vẩn tận đâu đâu và mải nghĩ đến nhiều
chuyện khác. Phòng thăm bệnh của ông đầy khách khứa. Bao giờ cũng thế. Cứ mỗi lần
ông vội hoặc lơ đãng là phòng đợi của ông lại đầy ứ những bệnh nhân chẳng có bệnh
gì cả mà chỉ đến làm ông mất thì giờ. Ông bảo người kia mặc quần áo vào và nguệch
ngoạc một cái đơn thuốc.
- Không có gì nghiêm trọng chứ, thưa bác
sĩ?
- Không có gì. Chỉ bị cảm lạnh do đi rừng gặp
mưa. Cứ uống thuốc là mọi chuyện sẽ tốt lành cả. Mười lăm ngày nữa quay lại
đây.
- Nhưng thưa bác sĩ, tôi không thể quay lại
được. Bác sĩ biết đấy, rời bỏ rừng để đi đến đây là mất tiền. Tôi làm ở xa lắm.
Bác sĩ Jessé tìm cách chấm dứt câu chuyện.
- Được, khi nào có thể thì quay lại đây. Bệnh
ông không có gì nặng đâu.
Người đàn ông trả tiền và ông bác sĩ đẩy
anh ta về phía cửa. Một người bệnh khác bước vào, một bác công nhân già ở đồn
điền, đi chân đất và mặc quần áo lao động. Ông cụ đến xin đơn thuốc cho vợ: “Bà
nó nhà tôi cứ sốt đi sốt lại, tháng nào cũng phải nằm liệt giường”. Trong khi
ông lão kể câu chuyện tràng giang đại hải của mình, bác sĩ Jessé nghĩ đến những
điều nghe thấy ở hiệu thợ may. Có hai cái tin khó chịu. Trước hết là tin
Teodoro đến Tabocas. Hắn sắp mưu đồ cái quái quỷ gì đây? Hắn biết rằng Tabocas
không phải là nơi an toàn cho hắn. Nhưng Teodoro vốn là một tay can trường và
thích gây chuyện. Nếu hắn đến Tabocas thì chắc hẳn là để chơi một vố gì đây. Lẽ
ra bác sĩ Jessé phải gửi giấy báo cho Horácio lúc này đang ở Ilhéus, nhưng
không may xe lửa lại chạy mất rồi; cho nên từ nay đến ngày mai, ông không thể
làm gì được cả. Dù sao đi nữa cũng phải nói ngay cho luật sư Virgílio biết.
Bây giờ, ông chợt nhớ ra cái tin thứ hai:
những chuyện ngồi lê mách lẻo trong thành phố về Virgílio và Ester. Horácio và
Ester là bố mẹ đỡ đầu cho một đứa trong lũ con đàn của bác sĩ - hiện nay ông có
chín đứa con nối tiếp nhau như những bậc thang, đứa trước hơn đứa sau một tuổi.
Bác sĩ Jessé ngẫm nghĩ: ông nhớ ra rồi. Ester đã ở Tabocas bốn ngày trong khi
chờ đợi Horácio thu xếp công việc để đưa bà ta đi Ilhéus. Trong bốn ngày đó,
Virgílio rất năng đến chơi nhà bác sĩ, nơi lão đại tá tạm trú. Ester và anh ta
đã ngồi lì ở phòng khách nhỏ cười cười nói nói với nhau mãi không dứt.
Chính Jessé đã phải can thiệp để chấm dứt
những lời bàn ra tán vào của bọn gia nhân.
Nhưng lại có chuyện tệ hơn: cuộc họp mặt tại
nhà Resende, một nhà buôn, nhân dịp sinh nhật vợ lão ta. Người nhà đã bưng đồ
giải khát ra và nhân có một cái dương cầm và một số nhạc sĩ, họ bèn tổ chức một
cuộc khiêu vũ bất thường, ở Tabocas, phụ nữ có chồng thì không nhảy với ai. Và
ngay ở cả Ilhéus, nếu có tân tiến đi nữa, tân tiến đến mức dám liều làm chuyện
đó thì người ta cũng chỉ nhảy với chồng thôi. Thành thử, khi Ester ra nhảy với
Virgílio thì đâm ra to chuyện. Bác sĩ Jessé nhớ là Virgílio có xin phép
Horácio, lão này đã đồng ý, lão hãnh diện được thấy vợ mình nổi đình đám. Nhưng
dân thành phố này đâu có biết thế và bắt đầu bàn tán. Thật là chuyện bất thường,
ngang với chuyện Teodoro đến đây có khi còn tệ hơn nữa kia. Bác sĩ Jessé gãi đầu.
Nếu Horácio biết chuyện! Lão ấy sẽ làm cho tất cả điêu đứng…
Người bệnh đã kể hết tất cả tật bệnh của vợ
và đang lặng lẽ chờ chẩn đoán.
- Thưa bác sĩ, ngài có cho đó là bệnh sốt
rét cách nhật không ạ?
Bác sĩ Jessé đưa mắt nhìn, kinh ngạc. Ông
đã quên bẵng sự có mặt của người đàn ông nọ và bắt bác ta nhắc lại tỉ mỉ câu
chuyện.
- Phải, đó là sốt rét rừng, - ông nói.
Ông cho đơn mua ký ninh, và dặn đến hiệu
thuốc Thánh José, nhưng tư tưởng ông lại quay về với Tabocas và muôn nghìn chuyện
phức tạp của cuộc đời. Thế ra những đứa thối mồm - mà ở Tabocas, còn ai là
không độc miệng kia chứ? - lại dây vào chuyện riêng tư của Ester à? Thật là
chuyện bất thường. Cứ nghe mồm họ thì chả có lấy một người đàn bà có chồng nào
là đáng trọng cả. Chẳng có gì làm cho cái thành phố này thích thú hơn một chuyện
tai tiếng hoặc một tấn bi kịch tình ái. Rồi thì, bao trùm lên tất cả, lại còn
chuyện Teodoro đến. Chẳng biết cái sự mưu đồ ấy là cái gì kia chứ?
Bác sĩ Jessé mặc áo vào và ra ngoài đi thăm
vài ba bệnh nhân. Đến mỗi nơi ông ta lại phải tham gia tranh luận về một cuộc
ác chiến để tranh chiếm khu rừng Sequeiro Grande đang sắp sửa xảy ra. Tất cả đều
muốn biết những tin mới nhất và bởi vì bác sĩ là bạn thân của Horácio, hẳn ông
ta có thể cho họ biết được.
Sau đó, ông xuống trường học, vì ông là chủ
tịch Hội đồng quản trị từ hồi chính phủ trước thuộc đảng của ông còn nắm chính
quyền. Người ta chưa bao giờ yêu cầu ông ta từ chức, như thế thì sẽ to chuyện
quá. Bởi vì ông đã cho xây dựng trường sở mới, và các giáo sư, toàn là phụ nữ, ủng
hộ ông rất hăng. Ông vào trong sân và qua một phòng ngoài, đi vào nhà.
Lúc này, ông đã quên hết chuyện Ester lẫn
chuyện Teodoro. Ông đã quên bẵng khu rừng Sequeiro Grande. Tư tưởng ông đang tập
trung vào buổi lễ nhà trường dự định tổ chức nhân dịp “Hội trồng cây” - ít bữa
nữa, trong tuần này. Bọn con nít đang chơi trong sân, chạy tới ôm lấy những đôi
bắp chân ngắn và khỏe của bác sĩ. Ông sai vài ba đứa đi tìm bà hiệu trưởng và
giáo sư dạy tiếng Bồ Đào Nha. Rồi ông đi qua một lớp khác; thấy ông đến, bọn trẻ
đều đứng dậy. Ông ra hiệu cho chúng ngồi xuống và đi về căn phòng nơi bà hiệu
trưởng cùng một số giáo sư khác vây quanh, đang chờ ông.
Ông bác sĩ ngồi phịch xuống một chiếc ghế,
đặt cái mũ và túi thuốc lên bàn, ông lấy khăn tay lau mồ hôi ròng ròng chảy
trên bộ mặt béo nhờn.
- Chương trình đã sẵn sàng rồi, - bà hiệu
trưởng nói.
- Xem nào.
- Trước hết ta họp ở đây, rồi đến một bài
diễn văn.
- Tiến sĩ Virgílio sẽ không thể có mặt được,
ngày mai ông ta đi Ilhéus công cán cho đại tá Horácio. Tất nhiên là Estanislau
sẽ nói thôi.
Estanislau là giáo sư ở một trường tư và là
một diễn giả đương nhiên của tất cả mọi cuộc hội họp ở Ferradas. Bất kỳ hoàn cảnh
nào, trong mọi bài diễn văn, y cũng chỉ dùng vẫn những hình tượng ngôn ngữ ấy,
vẫn những ẩn dụ ấy, không thay đổi tí gì, đến nỗi cả thành phố đều thuộc lòng
cái gọi là “bài diễn thuyết” của Estanislau.
- Thật đáng tiếc quá, - một giáo sư phàn
nàn.
Đó là một bà bé nhỏ, mảnh khảnh, vốn rất
ngưỡng mộ Virgílio. “Ông ta nói hay biết bao và đẹp trai biết bao!”
Những người khác cười ồ lên. Bác sĩ Jessé lại
lau mồ hôi.
- Tôi có thể giúp các bà được việc gì? -
ông hỏi.
Bà hiệu trưởng tiếp tục tả cách tổ chức
ngày hội:
- Thế này nhé: Trước hết là cuộc họp chính
thức của nhà trường; giáo sư Estanislau đọc diễn văn (bà vừa đọc vừa sửa bản
chương trình), rồi học sinh đọc một bài học thuộc lòng, cuối cùng tất cả đồng
ca bài Ngày hội trồng cây. Sau đó, học
sinh xếp hàng đi diễu hành đến tận quảng trường nhà thờ. Tại đây, các em sẽ trồng
một cây ca cao, bác sĩ Freitas sẽ phát biểu ý kiến và giáo sư Irene đọc thơ.
- Tốt lắm, tốt lắm, - bác sĩ vừa xoa tay vừa
nói.
Ông nhớ chiếc xà cột và rút ra vài tờ giấy
viết tay, gập theo chiều dọc - bài diễn văn của ông; ông đọc cho các giáo sư
nghe. Càng đọc với một giọng to và sang sảng, niềm phấn khởi của ông càng tăng
thêm; ông đứng dậy để có thể làm những bộ điệu thích hợp. Bọn trẻ con tụ tập gần
cửa ra vào, mặc dầu bà hiệu trưởng “suỵt” luôn miệng, vẫn không giữ được yên lặng.
Tuy nhiên, ông bác sĩ Jessé chẳng vì thế mà ngượng ngập tí nào, bởi vì ông đang
say sưa với tài hùng biện của chính mình trong khi đọc một cách trịnh trọng:
- Cây là một món quà Thượng đế tặng cho con
người. Nó là anh em thực vật của ta, nó cho ta bóng mát, quả ngon và gỗ rất có
ích cho việc làm bàn ghế và các thứ đồ dùng khác, góp phần làm cho cuộc sống của
ta có được tiện nghi. Với thân cây, người ta đóng những chiếc thuyền buôn đã dẫn
đến sự phát hiện ra đất nước Brazil yêu dấu của chúng ta. Các em cần phải yêu
quý và kính trọng cây cối.
- Hay lắm, hay lắm, - và bà hiệu trưởng vỗ
tay; những người khác phụ họa theo.
- Rất tuyệt, ngài sẽ được hoan nghênh nhiệt
liệt.
Mồ hôi đổ ra từ mỗi lỗ chân lông bác sĩ
Jessé. Vừa ráng sức lau mặt, ông vừa quát lên một tiếng khàn khàn về phía bọn
con nít; chúng vội ba chân bốn cẳng chạy mất.
- Thế nào, khá đấy chứ, hở? - Ông vừa ngồi
xuống vừa nói. - Tôi ngoáy chiều hôm qua đấy. Những hôm trước đây, tôi không thể
làm việc được; có hai vợ chồng ông bạn đến chơi nên tôi phải hầu tiếp họ.
- Nếu điều tôi nghe thấy là đúng sự thật, -
một giáo sư nói, - thì ngài chẳng phải nhọc công làm chuyện ấy, riêng đối với
Dona Ester; người ta bảo là luật sư Virgílio đã làm việc ấy thay ngài suốt ngày
rồi.
- Ồ! Người ta đồn đại về tất cả mọi người,
- bà bé nhỏ mảnh khảnh phản đối, - ở một nơi lạc hậu như thành phố này thì bao
giờ chẳng thế.
Bà ta vốn ở Bahia đến và không thể quen được
với những lề thói ở Tabocas.
Một bà giáo khác người grapiúnas, nghĩa là sinh trưởng tại Tabocas, ra vẻ phật ý:
- Tôi không hiểu bà bảo thế nào là lạc hậu,
hay là bà cho rằng một vài hành vi đáng xấu hổ mà tôi có thể kể ra, là dấu hiệu
của tiến bộ. Dễ thường muốn tiến bộ thì phải đứng trên bậc cửa cho đến mười giờ
đêm, bám nhằng nhằng lấy một gã trai trẻ chăng! Nếu như vậy là tiến bộ thì, đội
ơn Chúa, Tabocas này quả là lạc hậu đấy!
Bà ta ám chỉ một chuyện dan díu giữa bà
giáo sư bé nhỏ với một thanh niên quê ở Bahia làm việc tại một hãng xuất khẩu.
Cả thành phố dị nghị về chuyện ấy. Nhưng đối tượng của sự dị nghị vẫn giữ vững
quan điểm của mình.
- Bà định nói tôi chứ gì? Vậy thì thế này,
tôi xin bà biết cho rằng tôi thích sao làm vậy, ai nghĩ thế nào kệ xác. Cuộc đời
tôi là của tôi; tại sao người khác lại cứ nhúng mũi vào? Tôi muốn đứng nói chuyện
bao nhiêu lâu thì đứng. Tôi thích thế hơn là ở vậy làm gái già như bà. Tôi sinh
ra không phải là để trở thành một con bò cái chết khô.
Ông bác sĩ Jessé bèn can thiệp:
- Bình tĩnh nào, bình tĩnh! Có những chuyện
mà người ta có lý do chính đáng để bàn tới và những chuyện khác chẳng có lý do
quái gì mà cũng cứ phóng đại lên. Một người thanh niên đến thăm một phụ nữ có
chồng và cho chị ta mượn vài quyển sách thì động tệ gì mà phải làm rầm rĩ lên?
Đấy, thế là lạc hậu đó!
Tất cả các bà đều đồng ý như vậy. Hơn nữa,
theo bà hiệu trưởng thì những chuyện bàn tán mới chỉ có thế thôi. Người ta chỉ
để ý rằng viên thầy kiện trẻ tuổi thường quen lệ sang bên nhà ông bác sĩ nói
chuyện với Dona Ester suốt ngày - có thể nói như thế - trong phòng khách nhỏ.
Bà giáo sư đã phản đối khi thấy người ta kết tội thành phố Tabocas là lạc hậu,
bèn bình luận thêm một câu:
- Thậm chí ông tiến sĩ Virgílio còn không
tôn trọng nếp sống gia đình của thành phố ta nữa. Này nhé, ông ta bao một ả đàn
bà lẳng lơ trong một phố đứng đắn và cái lối họ tạm biệt nhau mỗi lần thì thật
là vô liêm sỉ. Họ cứ đứng đấy ôm chặt lấy nhau và hôn nhau ngay trước mặt tất cả
mọi người.
Các bà giáo sư khác cười khúc khích và
chính bác sĩ Jessé cũng gặng hỏi để biết thêm những chi tiết khác. Cái bà vừa mới
thuyết đạo đức vốn ở gần nhà Margot, lúc này bỗng liến thoắng:
- Thật là vô luân thường đạo lý, đúng thế đấy!
Như tôi đã nói với cha Tomé, người ta có thể vô tình mà phạm tội, người ta có
thể phạm tội bằng mắt, người ta có thể phạm tội bằng tai. Một ả đàn bà ra trước
cửa nhà, mặc áo ngủ đằng trước phanh ra đến tận nửa người - gần như trần truồng
- bá lấy cổ ông tiến sĩ Virgílio và cứ đứng với ông ta ôm ấp, hôn hít nhau, liếm
láp nhau, đến hai con chó cũng chả làm thế, và nói với nhau đủ mọi thứ chuyện.
- Họ nói gì với nhau? - Bà giáo sư người
Bahia muốn biết.
Người bà ta dậm dật bồn chồn; mắt bà ta
nhìn hau háu trong khi nghe kể lại cảnh đó.
Bà giáo kia bèn được dịp trả thù:
- Nói ra với bà liệu có phải là lạc hậu
không đấy?
- Đừng có giả ngây, nói cho chúng tôi nghe
đi bà.
- Thế này: nào là “con tô tô bé bỏng của
em” nào là “con miu con của anh”, “con lu lu xinh xẻo bé tí của em” và rồi thì
- bà ta hạ thấp giọng xuống và khi nghĩ ra là có bác sĩ đang ở đây, bà lấy hai
tay che mặt - “con ngựa cái tơ bé nhỏ nhảy chồm chồm của anh”.
- Cái gì kia? - Bà hiệu trưởng nói, mặt đỏ
nhừ lên.
- Đúng như tôi đã nói với các bà. Thật là
vô luân thường.
- Lại ở ngay một phố có các gia đình hẳn
hoi, - một bà khác chêm vào.
- Phải, người các phố khác cứ đến nhìn họ.
Màn kịch không mất tiền; cứ y như ở rạp hát vậy, - bà nọ nói thêm để tóm tắt
toàn bộ câu chuyện.
Bác sĩ Jessé vỗ trán; ông chợt nhớ ra điều
gì:
- Kịch! Hôm nay có một buổi diễn tập mà tôi
quên khuấy đi mất. Tôi chỉ còn thì giờ ăn một miếng rồi chạy, nếu không muốn
làm nhỡ hết tất cả.
Ông đi vội, gần như chạy ra khỏi tòa nhà trống
không, đi ngang qua những bãi vắng tanh và cái sân lặng lẽ. Tiếng các bà giáo vẫn
bàn cãi về chuyện Virgílio theo ông ra mãi đến cổng; không nghe thấy tiếng gì
khác.
Thật bất tiện...
Ông bác sĩ ăn thật nhanh; sau đó ông chỉ kịp
trả lời những câu hỏi của bà vợ về sức khỏe của lão Ribeirinho nào đó, một người
bạn bị bệnh, béo tai một đứa trong đàn con, rồi lại lên đường đến nhà Lauro,
nơi ông phải hướng dẫn đội kịch nghiệp dư của Tabocas sắp sửa biểu diễn. Người
ta đã thấy trên một quảng cáo lưu hành khắp thành phố và đến tận Ferradas, loan
tin:
Thứ
bảy 10 tháng sáu
Nhà
hát thánh José
Sẽ
trình diễn
Một
vở kịch xuất sắc 4 hồi
NHỮNG
KẺ HÚT MÁU XÃ HỘI
Xin
đón coi thông báo
Đội
kịch nghiệp dư TABOCAS
MỘT
SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU LỚN LAO
Với chuyện chính trị, chuyện gia đình,
phòng khám bệnh, rừng ca cao, những ngôi nhà cho thuê, trường học, với từng ấy
thứ, bác sĩ Jessé Freitas cũng đã đủ bận trí rồi, nhưng cái say mê lớn nhất của
ông là đội kịch nghiệp dư thành phố Tabocas. Suốt bao năm ròng, ông đã mơ ước
có một đội kịch, nhưng luôn luôn gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Thoạt
tiên ông đã phải nhẫn nại và kiên quyết đấu tranh để tranh thủ các cô thiếu nữ
thành phố không chịu tham gia diễn kịch. Sở dĩ cuối cùng ông đã thành công, đó
là nhờ những lời ủng hộ tốt đẹp của cô con gái một nhà buôn giàu ở Tabocas, vừa
trở về từ Rio de Janeiro là nơi cô đã theo học. Cô ta đã khẩn khoản yêu cầu những
cô khác “hãy chấm dứt những trò trẻ con đi” và nhất quyết gia nhập đội kịch
nghiệp dư. Mặc dù vậy, ông bác sĩ vẫn phải được sự đồng ý của các ông bố gia
đình, điều đó cũng không phải dễ dàng gì.
- Tôi cho phép cháu chỉ là vì ông đấy thôi,
bác sĩ ạ.
Nhiều người khác từ chối phắt:
- Cái chuyện đóng kịch ấy không phải là việc
của con gái nhà tử tế.
Tuy nhiên, cuối cùng đoàn kịch đã thành lập
được và biểu diễn buổi đầu tiên: Một vở kịch của giáo sư Estanislau, nhan đề là
Ngục Bastilha đổ. Vở kịch thành công
lớn. Những bà mẹ các nữ diễn viên phải khó khăn lắm mới kìm được lòng tự phụ,
và thậm chí còn có những cuộc cãi nhau về chuyện vai nào đóng hay nhất. Bác sĩ
Jessé bèn vội vàng cho dựng một vở kịch khác. Lần này là một vở của ông ta, dựa
theo đề tài lịch sử dân tộc nói về vua Pedro đệ nhị. Người ta diễn vở này để lấy
tiền cúng cho nhà thờ đang xây dở. Mặc dầu đã xảy ra một việc đáng tiếc trên
sân khấu giữa hai nhân vật, vở này vẫn thu được thắng lợi ngang lần trước và đã
dứt khoát gây được uy tín cho đoàn kịch nghiệp dư Tabocas. Tổ chức này, giờ đây
là niềm tự hào của thành phố, và mỗi khi có một người Tabocas đến Ilhéus, anh
ta không quên nói đến những “tài tử”, có khi chỉ là để chọc tức dân thành thị
có một rạp hát khá oách nhưng lại không có đoàn kịch nào. Ông bác sĩ hi vọng vở
Những kẻ hút máu xã hội - cũng của
ông ta - sẽ thành công để thuyết phục các bà mẹ cho phép con gái mình ra thành
phố tổ chức một cuộc biểu diễn.
Ông bỏ hàng giờ để hướng dẫn họ. Ông bắt
các cậu các cô tập đi tập lại không biết bao nhiêu lần, với những điệu bộ cường
điệu, với những giọng vang vang và một lối phát âm kiểu cách. Ông hoan hô người
này, bắt bẻ người khác, lau mồ hôi trán và mặt rạng rỡ vì sung sướng.
Mãi tới khi xong buổi tập ra về, ông mới nhớ
tới rừng Sequeiro Grande, Teodoro, Ester và Virgílio. Ông cầm lấy túi thuốc trong
đó lẫn lộn cả những trang giấy viết tay, chai lọ và bông băng, rồi bổ đến nhà
viên thầy kiện. Không tìm thấy gã, ông lại đi đến nhà Margot. Chuông nhà thờ vừa
đánh chín giờ; phố xá vắng tanh. Các “tài tử” ra về, các cô thiếu nữ đi cùng với
mẹ. Một tay say rượu đang lầm bầm ở góc phố. Trong một tiệm bán rượu vang, người
ta luận bàn chính trị. Các ngọn đèn ngoài phố tỏa sáng nhợt nhạt dưới ánh
trăng.
Luật sư Virgílio mặc quần áo ngủ và có tiếng
Margot ở trong phòng vọng ra, hỏi xem ai gõ cửa.
- Ông đã biết chuyện đại tá Teodoro đến
thành phố chưa? - Bác sĩ Jessé vừa hỏi vừa đặt túi thuốc lên một chiếc ghế
trong phòng khách nhỏ. - Tốt hơn cả là ông nên báo cho ông bạn Horácio của ông
rõ. Hình như không ai biết hắn ta đến đây làm gì.
- Chắc chắn là hắn đến để chuốc lấy chuyện
lôi thôi đấy.
- Còn một chuyện nữa quan trọng hơn.
- Nói đi, cái gì thế?
- Người ta đồn rằng Juca Badaró đã mời một
kỹ sư đến vẽ bản đồ khu rừng Sequeiro Grande để xin chứng khoán sở hữu đấy.
Virgílio nở một nụ cười thỏa mãn:
- Thế ông cho công việc của tôi, với tư
cách là luật sư, là gì vậy, thưa bác sĩ? Khu rừng ấy đã được ghi vào sở trắc địa
cùng với các bản đồ và mọi thứ cần thiết, ở bàn giấy của Venâncio để đăng ký là
tài sản của Horácio, của Braz, của Maneca Dantas, của bà quả phụ Merenda, của
Firmo, của Jarde - đến đây gã nói to lên một chút - và của bác sĩ Jessé
Freitas. Ngày mai ông sẽ phải đi ký các giấy tờ đấy.
Và trong khi viên thầy cò giảng giải cho
ông là cuộc “tiếm đoạt” đã được tiến hành như vậy, khuôn mặt ông bác sĩ nở rộng
một nụ cười.
- Xin có lời khen ngợi ông tiến sĩ. Một
ngón bậc thầy!
Virgílio mỉm cười khiêm tốn.
- Phải mất hai conto để thuyết phục lão lục
sự đăng ký đấy. Việc còn lại thì dễ thôi. Thử xem bây giờ chúng làm gì. Chúng
ta đã hớt tay trên bọn chúng rồi.
Ông bác sĩ im lặng một lát. Không còn nghi
ngờ gì nữa, đây thật là một ngón bậc thầy. Horácio đã đi trước anh em nhà
Badaró, lão là chủ nhân của khu rừng, lão và các bạn lão, trong số đó cả bác sĩ
Jessé. Ông ta xoa hai bàn tay béo mẫm vào nhau.
- Việc làm thật là cừ đấy! Ở đây chả tìm
đâu ra người như ông được, luật sư ạ. Này thôi, tôi phải đi đây; xin để cho hai
người một mình với nhau - ông ta chỉ vào căn phòng có Margot đang đợi - không
phải lúc chuyện gẫu. Xin chào ông tiến sĩ!
Thoạt tiên ông đã nghĩ thử thăm dò Virgílio
về những chuyện đồn đại xung quanh Ester và gã. Thậm chí ông còn tính nước sẽ
khuyên viên thầy cò, trong thời gian gã lưu lại ở Ilhéus, không nên đi lại chỗ
Horácio nhiều quá. Những miệng lưỡi đưa chuyện ở ngoài tỉnh cũng nhanh như ở
nông thôn vậy. Bây giờ thì ông quyết định không nói năng gì nữa, ông sợ làm mếch
lòng Virgílio, xúc phạm đến gã, đó là điều ông ta không muốn chút nào, đúng vào
ngày gã vừa cho Badaró một vố nên thân.
Virgílio tiễn ông ra cửa. Khi đi xuống phố,
ông bác sĩ không gặp ai xứng đáng để nghe cái tin ấy. Về pháp lý mà nói, anh em
nhà Badaró thế là tong rồi. Giờ thì bọn chúng có thể làm gì được? Khi qua trước
cửa hàng bán rượu, ông ta đưa mắt nhìn vào.
- Ngài dùng gì không, thưa bác sĩ? - Hai
người đang uống rượu hỏi ra.
Cái bọn ấy cũng không xứng đáng. Ông bác sĩ
bèn hỏi trả lại một câu:
- Các anh có biết Tonico Borges đi đâu
không?
- Đi nằm rồi, - một người nói. - Tôi vừa gặp
hắn ta được một lúc, hắn đi về phía nhà thổ ấy.
Ông bác sĩ nhăn mặt khó chịu. Thế là lại phải
giữ cái tin đến ngày hôm sau. Ông ta tiếp tục đi, bước chân ngắn lủn củn nhưng
nhẹ tênh nếu so với trọng lượng của chính ông.
Nhưng trước khi về nhà, ông ta đứng lại một
lúc để xem cái chỗ ca cao đang đưa vào thành phố là của ai mà có mười lăm con
la tải, bước theo tiếng nhạc rung, do một gã chăn la điều khiển đang quát tháo
làm thức giấc cả khu phố:
- Hầy, kìa, con la chết tiệt! Đi đi nào, đồ
la!...
8
Người đó thở hổn hển bước vào cửa hàng sắt:
- Ông bạn Azevedo! Ông bạn Azevedo!
Anh nhân viên ló ra:
- Ông Azevedo ở tận trong cùng kia, ông bạn
Inácio ạ!
Người kia đi vào tận trong cửa hàng, ở đây
Azevedo đang giở một quyển sách to tướng, bận tính sổ. Hắn ta quay lại.
- Có gì vậy, Inácio?
- Thế ông chưa nghe thấy chuyện gì à?
- Nói đi, thế nào, có chuyện gì? Có gì quan
trọng không?
Inácio dừng lại để thở; hắn đã chạy hộc tốc,
hoặc gần như thế.
- Tôi vừa mới hay tin, vừa xong đây thôi.
Ông không thể ngờ được đâu. Ông đến ngã ngửa người ra vì chuyện này mất.
Azevedo đặt bút chì, giấy tờ, sổ sách xuống
và nóng lòng đợi.
- Một cuộc “tiếm đoạt” cừ khôi nhất xưa nay
chưa từng thấy: thầy kiện Virgílio đã hối lộ Venâncio để ông ta đăng ký quyền sở
hữu khu rừng Sequeiro Grande cho đại tá Horácio và năm sáu người khác: Braz,
bác sĩ Jessé, đại tá Maneca và những ai nữa không rõ.
Azevedo đứng lên khỏi ghế:
- Thế còn việc giám định? Chuyện ấy thì vứt
đi đâu? Chứng khoán của chúng không có giá trị gì hết.
- Ồ! Chứng khoán của chúng hoàn toàn hợp
pháp, ông bạn Azevedo ạ, cũng hợp pháp như bất cứ giấy tờ nào, từ đầu đến cuối.
Gã trai trẻ ấy là một tay chơi hạng nhất trong giới luật sư đấy. Nó đã tính trước
mọi chuyện. Đã có sẵn một bản đồ cũ của Mundinho de Almeida khi lão ta còn sống,
dạo lão định khai phá một khu rừng để trồng trọt ở vùng ấy. Rừng này chưa được
đăng ký bao giờ bởi vì đại tá Mundinho không bao giờ chịu trả tiền. Nhưng
Venâncio còn giữ tài liệu.
- Tôi không biết chuyện ấy đấy!
- Thế ông không nhớ đại tá Mundinho đã đưa
từ Bahia về một viên trắc địa, một lão già rậm râu tửu lượng còn hơn cả chính
lão đại tá nữa ư?
- À, ờ nhỉ, giờ thì tôi nhớ ra rồi.
- Ấy đấy, luật sư Virgílio đã moi ra được
cái bản đo đạc cũ ấy; việc còn lại thì dễ thôi; chỉ việc đổi tên đi và cho đem
đăng ký. Người ta nói rằng Venâncio đã được mười conto thù lao.
Azevedo đã đánh giá được tất cả tầm quan trọng
của vấn đề.
- Inácio này, - hắn nói, - tôi rất biết ơn
anh, và không bao giờ tôi quên sự giúp đỡ này. Anh như thế mới là bạn, người bạn
thực sự. Và bây giờ tôi phải gửi giấy cho Sinhô Badaró. Ông ấy sẽ tỏ lòng biết
ơn anh, chắc chắn thế.
Inácio cười.
- Ông nói với đại tá Sinhô là tôi sẵn sàng
theo lệnh ông ấy. Đối với tôi, ông ấy là thủ lĩnh duy nhất của vùng này. Cho
nên, vừa mới hay tin là tôi đến thẳng chỗ ông ngay.
Inácio đi rồi, Azevedo ngồi suy nghĩ một
lúc. Rồi hắn cầm bút, gò lưng trên bàn ì ạch viết thư cho Sinhô Badaró; sau đó
hắn cho gọi người để mang thư đi. Vài phút sau, gã chạy giấy tới. Gã là một người
lai đen có nước da rất nâu, đi chân đất, nhưng lại đeo đinh thúc ngựa, khẩu
súng lục trồi lên dưới lần áo rách.
- Ông cho gọi tôi, ông Azevedo?
- Militão, mày sẽ cưỡi ngựa của tao phóng
thật nhanh đến đồn điền Badaró; mày sẽ đưa lá thư này cho ông Sinhô. Nói rằng
đây là thư của tao và rất cần.
- Có phải đi qua Ferradas không, ông
Azevedo?
- Đi đường ấy gần hơn nhiều!
- Người ta nói rằng đại tá Horácio cấm
không cho người của ông Badaró đi qua đường đó.
- Người ta đồn thì lắm chuyện lắm. Mày
không sợ chứ?
- Ông có thấy tôi sợ bao giờ không? Tôi chỉ
muốn hỏi cho chắc chắn thôi.
- Thế thì được lắm. Ông Sinhô sẽ hậu thưởng
cho mày vì đây là một tin quan trọng.
Gã kia cầm lấy thư.
- Không phải đợi thư trả lời chứ? - Gã hỏi
vậy trước khi đi tìm ngựa.
- Không.
- Thế thì xin chào ông Azevedo.
- Chúc mày may mắn nhé, Militão.
Ra đến cửa, gã kia quay đầu lại.
- Ông Azevedo?
- Cái gì?
- Nếu họ tìm thấy xác tôi ở ngoài phố
Ferradas thì xin ông trông nom giúp vợ con tôi, có được không?
9
Don’Ana Badaró đang đứng ngoài hiên nói gì
với gã vừa xuống ngựa.
- Ông đi Ilhéus rồi, Militão ạ.
- Thế ông Juca?
- Ông ấy cũng không có ở đây nốt. Có cần
không?
- Hình như cần đấy, thưa cô. Ông Azevedo
nói với tôi là không được mất thì giờ và đi qua Ferradas cho gần hơn. Và ở đấy
cũng đã sẵn sàng giao chiến rồi đấy!...
- Làm thế nào mà anh qua được?
- Tôi đi đường tắt sau bệnh xá, không ai
trông thấy tôi cả.
Don’Ana lật đi lật lại lá thư trong tay.
- Thế anh cho rằng thư cần à? - Ả lại hỏi lần
nữa.
- Tôi chắc thế, thưa Don’Ana. Ông Azevedo bảo
với tôi rằng quan trọng lắm và không đợi được. Ông ấy còn bảo tôi lấy ngựa của
ông mà đi.
Don’Ana quyết định bóc thư, bắt đầu đọc ra
những dòng chữ ngoằn ngoèo của Azevedo.
Mặt ả đanh lại: “Quân ăn cướp!” Ả chạy vào
nhà, tay cầm thư và lại chợt nhớ tới người đưa thư.
- Raimunda! Raimunda! - Ả gọi.
- Có gì đấy ạ, thưa mẹ đỡ đầu?
- Cho Militão uống rum, nó kia kìa, ngoài
hiên ấy.
Ả vào phòng khách, và bắt đầu đi đi lại lại
trong phòng từ đầu nọ đến đầu kia. Ả giống hệt như một trong hai anh em Badaró
khi họ cùng nhau tìm một giải pháp gì, hoặc là đang tranh luận với nhau. Cuối
cùng, ả ngồi xuống cái ghế cao của Sinhô, nét mặt vẫn đanh lại, tâm trí để cả
vào cái tin vừa nhận được. Biết làm sao đây? Gửi thư này cho cha ư? Phải đến
ngày hôm sau thư mới tới nơi, thế thì sẽ muộn quá. Rồi thốt nhiên, ả chợt nhớ
ra một điều, ả đứng dậy trở ra hiên, nơi Militão đang nhấm nháp cốc rượu rum.
- Anh có mệt lắm không, Militão?
- Không, cô ạ. Đi chưa đầy hai mươi dặm.
- Vậy thì tôi muốn anh đi tới nhà Baraúnas
đưa một lá thư cho đại tá Teodoro. Nói với ông ấy đến bàn chuyện với tôi ngay lập
tức. Rồi cùng với ông ấy về đây nhé.
- Xin tuân lệnh, Don’Ana.
- Nói với ông ấy nhanh chừng nào hay chừng ấy.
Nói với ông ấy rằng việc nghiêm trọng lắm.
Militão lại lên ngựa.
- Xin chào cô, - gã vừa nói vừa vuốt ve cổ
con vật. Ả đứng ở hiên đưa mắt nhìn theo gã. Rõ là ả đã gánh lấy những trách
nhiệm to lớn. Sinhô sẽ nói gì khi biết việc này? Ả liền đọc lại lá thư của
Azevedo rồi quyết đoán rằng mình cho người đi tìm Teodoro là đúng.
- Quân ăn cướp, - ả vẫn còn lầm bầm. - Còn
cái thằng thầy cãi nhép đểu giả kia nữa, nó đáng ăn một viên đạn.
Con mèo đến dụi mình vào chân ả, Don’Ana lấy
tay nhẹ nhàng vuốt ve nó. Mặt ả với cặp mắt sâu và sẫm màu, đôi môi đa tình đã
mất vẻ cứng rắn; trông chỉ thấy nhuốm buồn. Cứ nhìn ả đứng ở hiên như thế này
có thể lầm tưởng Don’Ana Badaró là một cô gái quê nhỏ bé nhút nhát.
10
Ở trường học, mọi việc đều trôi chảy, bác
sĩ Jessé đã thuyết phục được nhiều nhà buôn đóng các cửa hàng lớn nhỏ của mình
để mừng ngày “Hội trồng cây”. Ngoài các cô giáo và học trò, trong tòa nhà nơi
giáo sư Estanislau đọc diễn văn và bọn trẻ con đọc bài, cử tọa không lấy gì làm
đông lắm; nhưng sân nhà thờ thì đầy những người. Ông bác sĩ chủ tọa buổi lễ ở
nhà trường, người ta long trọng tặng ông một cành cây nở hoa. Rồi tất cả đi diễu
đến quảng trường nhà thờ, ở đấy có học sinh hai trường tư của thành phố đã xếp
thành hàng đón chào họ. Những trường học khác đều do Estanislau và Dona
Guilhermina điều khiển, bà này nổi tiếng là kỷ luật chặt chẽ; ông bác sĩ tay cầm
cành cây đi hàng đầu đoàn học sinh trường công.
Như đã nói ở trên, quảng trường nhà thờ đầy
những người. Các bà mặc quần áo ngày hội, các cô thì đưa mắt tìm người yêu của
mình, những ông chủ và người làm công các cửa hiệu buôn đóng cửa ngày hôm đó.
Ai nấy đều muốn thưởng thức cuộc giải trí bất ngờ này, thay đổi nhịp sinh hoạt
đơn điệu của một thành phố nhỏ. Học trò trường công đứng xếp hàng trước học trò
trường tư và giáo sư Estanislau, từ lâu vốn không ăn ý với bà Dona Guilhermina,
tiến lên ra lệnh cho bọn học trò nhỏ của mình im lặng. Ông ta muốn cũng giữ được
kỷ luật như kẻ kình địch của mình có đám học trò đứng yên và nghiêm trang dưới
đôi mắt sắc của bà giáo. Ngay gần cái hố vừa được đào lên ở giữa quảng trường,
đã đặt một cây ca cao được chừng hơn một năm mà người ta sắp đem trồng trong giờ
phút trọng thể nhất của buổi lễ. Anh em Badaró được mời đi Ilhéus, cả viên sĩ
quan cảnh sát nữa; vì lý do ấy, lực lượng cảnh sát của thành phố gồm mười tay kỵ
mã không thấy xuất hiện; nhưng dàn nhạc Euterpe, đội “kèn đồng ngày ba tháng
năm” được tổ chức bằng tiền của Horácio, thì có mặt ở đây. Đội kèn đồng này cử
quốc ca để khai mạc lễ; đám đàn ông bỏ mũ và tất cả im lặng trong khi trẻ con
hát. Trời nắng gay gắt; rất nhiều dù đã được mở ra.
Khi đội kèn đồng dừng lại, bác sĩ Jessé tiến
ra giữa quảng trường và bắt đầu đọc diễn văn. Từ khắp phía, mọi người kêu: “Im
lặng!” Trong khi các thầy giáo chạy lăng xăng ở các hàng học sinh, cố giữ cho
chúng đứng im. Tuy vậy, kết quả vẫn không được là bao; người duy nhất giữ được
trật tự là bà Dona Guilhermina vẫn đứng thẳng, khoanh tay trước ngực, mình mặc
một chiếc áo dài trắng hồ bột cứng ngắc.
Số đông những người dự lễ không nghe được lời
diễn giả; rất ít người nhìn thấy ông ta, vì không có bục, ông bác sĩ phải đứng
dưới đất. Tuy nhiên người ta vẫn vỗ tay sau khi kết thúc, và một đoàn người đi
ngựa đến gần để chúc mừng ông. Ông xiết chặt những bàn tay chìa ra, tỏ vẻ cảm động
sâu sắc. Bây giờ đến lượt ông ta kêu gọi yên lặng để nghe giáo sư Irene ngâm
thơ. Bà giáo bắt đầu đọc bằng một giọng nhỏ nhẹ, êm ái:
- Cầu
phúc lành để hạt giống làm đất sinh sôi nảy nở.
Bọn trẻ con gọi người bán kẹo, gần như thét
lên. Chúng cười, tán gẫu, cãi nhau, đá nhau, còn các thầy giáo thì dọa ngày hôm
sau sẽ phạt nặng. Bà Irene giơ một cánh tay lên, hạ xuống, lại giơ tay kia lên:
- Cầu
phúc lành cho cây cho ta bóng mát và hoa quả.
Số người cưỡi ngựa ở chung quanh tăng lên;
thốt nhiên họ xông vào quảng trường nhà thờ. Đó là đại tá Teodoro das Baraúnas
dẫn đầu một đoàn người võ trang. Chúng bắn chỉ thiên trong khi đàn ngựa xéo nát
bãi cỏ. Teodoro xông vào giữa đám trẻ con sợ hãi chạy tán loạn và đám khán giả
bỏ trốn, rồi dừng ngựa trước đám người đang quây lấy cái cây. Bà Irene hai tay
vẫn đang giơ lên trời, bỗng nuốt vội câu thơ tiếp theo.
- Cái trò khỉ này là cái gì thế? - Teodoro
nói, súng lục lăm lăm trong tay. - Các người trồng cây ở đây, ngay trên quảng
trường công cộng à?
Jessé giọng run run, phân trần về tính chất
của buổi lễ. Teodoro bật cười: dường như hắn đồng tình tham gia cuộc lễ.
- Thôi, được rồi, trồng cây đi, - hắn nói.
- Tôi sẽ đứng xem các người làm.
Nói rồi, hắn chĩa súng lục về phía họ, bọn
tay chân của hắn mang súng trường cũng làm như thế. Bác sĩ Jessé phải nghe theo
và bắt tay vào làm, có hai người giúp sức. Buổi lễ đúng là đã xoay sang một hướng
khác hẳn với dự tính của ông ta. Thế là mọi vẻ trịnh trọng bỗng nhiên mất hết;
họ cắm cây ca cao xuống, vội vàng và giản đơn thế thôi, rồi lấy đất ở gần miệng
hố phủ lên rễ cây. Trên quảng trường còn lại rất ít người, số đông đã chạy trốn
cả.
- Xong chưa nào? - Teodoro hỏi.
- Vâng, chúng tôi đã…
- Tốt lắm, - Teodoro vừa cười vừa nói, - để
ta tưới vào cây một ít giọt sương mới được.
Và, vẫn ngồi trên yên ngựa, hắn cởi khuy quần
ra và đái vào cái cây. Tuy nhiên, hắn nhằm không trúng lắm, và làm tung tóe vào
mọi người. Bà Irene đưa tay lên che mặt. Trước khi đái hết, Teodoro quay lại và
đái vào người bác sĩ Jessé. Rồi, tập hợp tay chân lại, hắn phi nước đại xuống
phố lớn. Những người chưa kịp chạy trốn cứ đứng ngây như phỗng đá. Tất cả nhìn
nhau sững sờ. Một giáo sư lau một vài giọt nước đái bắn vào mặt.
- Ông có bao giờ thấy chuyện như thế này
chưa? - Một người khác kinh ngạc hỏi.
Teodoro phóng xuống phố, súng vẫn bắn chỉ
thiên liên hồi. Bọn tay chân và hắn cuối cùng dừng lại ở một góc đường, trước cửa
phòng trước bạ của Venâncio, rồi chúng nhảy xuống đất.
Venâncio cùng đám nhân viên chỉ vừa kịp chạy
trốn theo cửa sau. Teodoro gọi một tên đi theo, bảo đưa cho hắn một chai dầu hỏa
và bắt đầu tưới dầu lên sàn gỗ và những cặp hồ sơ đầy lèn những giấy tờ; rồi hắn
vứt chai đi.
- Châm lửa vào đây, - hắn ra lệnh.
Một người xòe diêm; ngọn lửa chạy trên sàn
nhà, liếm vào một cái cặp hồ sơ, cuối cùng gặp một tập giấy tờ và cháy bùng vào
đám tài liệu và hồ sơ chứa trong văn phòng. Bấy giờ Teodoro và tên tay chân bèn
chạy ra chỗ những tên khác đứng gác ở góc phố chờ lửa bén. Viên đại tá mặc một
cái áo ngắn trắng bên trên một cái quần ka ki và trưng ở ngón tay út một chiếc
nhẫn kim cương đẹp.
Những ngọn lửa đỏ giờ đã lan khắp nhà,
trong khi ngoài phố đầy ắp người. Teodoro ra lệnh cho tay chân lên ngựa, và tiếng
vó ngựa thoắt cái đã khiến bọn người hiếu kỳ xán đến gần quá phải tản nhanh đi.
Vừa lúc đó, một đoàn người vũ trang của phe
Horácio ập tới, và Teodoro cùng bọn capanga
của hắn rẽ vào góc phố, đi về phía Mutuns. Đám đông lại bắt đầu dồn vào phố và
người ta nhìn thấy Venâncio ló ra, vò đầu rứt tóc đúng vào lúc người của
Horácio xuất hiện. Từ góc phố, họ bắn vào bọn bỏ chạy, bọn này vừa chống cự vừa
phóng ngựa xuyên ngang đám đông đi xuống xem đám cháy. Trước khi tên chúa đất
Baraúnas biến mất ở cuối phố, một tên jagunco
ngã lộn xuống, còn con ngựa của hắn, không có người cưỡi, vẫn phi theo những
con khác. Bọn bộ hạ của Horácio bèn xông tới, kết liễu đời hắn bằng một nhát
dao.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét