Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Đất Dữ - Phần 1

Đất Dữ
Nguyên tác: Terras do sem fim (1943)

Tác giả: Jorge Amado
Dịch giả: Dương Tường & Hà Huy Thái
NXB Văn học - 2016

Thương tặng Matilde, kỷ niệm mùa đông.

Vinh danh D. Shostakovich, nhà soạn nhạc và một người lính của Leningrad.

Gửi tặng Carmen Ghioldi và Teresa Kelman, Aparecida và Paulo Mendes de Almeida,
 Và gửi tặng Remi Fonseca.

Tôi xin kể các bạn cùng nghe
Một câu chuyện rùng mình sởn gáy…
(Dân ca)

Mười năm trước, tôi có viết một cuốn tiểu thuyết ngắn rùng rợn cũng về đề tài ca cao mà hôm nay tôi trở lại.
Hồi đó tôi mười chín tuổi và mới bắt đầu bước vào cuộc đời viết tiểu thuyết. Trong mười năm qua, tôi đã viết bảy cuốn tiểu thuyết, hai truyện tiểu sử, một số bài thơ, hàng trăm bài báo và đã đứng trên bục giảng hàng chục lần. Tôi đã đấu tranh hằng ngày, tôi đã đi nhiều nơi diễn thuyết, sách của tôi bị tịch thu và bị đốt, tôi đã ngồi tù, đã phải sống nơi đất khách quê người. Tôi đã sống cuộc đời của đồng bào, cùng với đồng bào tôi. Tôi vô cùng sung sướng nhận thấy vẫn một mối liên hệ luôn luôn nhất quán đã thấm nhuần không chỉ riêng tác phẩm của tôi trong mười năm ấy mà cả cuộc đời tôi hồi đó nữa: hi vọng - hơn cả hi vọng nữa - niềm tin chắc chắn rằng ngày mai sẽ tốt hơn, đẹp hơn ngày hôm nay. Chính để phục vụ ngày mai đó, cái ngày mai đã lấp ló hừng đông ngay từ trong đêm tối, mà tôi đã sống và đã viết.

Montevidéu 1942

Vùng Đất Đẫm Máu

Con Tàu

1

Còi tàu rền rĩ buồn bã xuyên qua hoàng hôn đang đè nặng trên thành phố. Đứng trên boong tàu, đại úy João Magalhães ngắm lớp lớp nhà cũ kỹ, những tháp nhà thờ, những mái sẫm tối, những đường phố lát đá to. Mắt y nhận rõ hình thù khác nhau của các mái nhà, nhưng chỉ thấy một đoạn phố không người qua lại. Y không hiểu tại sao những phiến đá kia, do những bàn tay nô lệ lát trên đường phố, đối với y lại có một vẻ đẹp nao lòng đến thế. Đẹp thay cả những mái nhà sẫm tối và những hồi chuông đầu tiên kêu gọi thành phố ngoan đạo đi chịu lễ. Một lần nữa, còi tàu lại xé tan hoàng hôn đang bao trùm thành phố Bahia và đại úy João giơ tay vẫy chào vĩnh biệt. Tưởng như y đang từ giã một người yêu dấu, một người đàn bà thân thiết với lòng mình.
Trên tàu, đàn ông đàn bà đang trò chuyện; xa hơn một chút, dưới chân cầu bắc lên tàu, một người đàn ông nước da bánh mật, tay cầm mũ dạ, đang hôn một thiếu phụ xanh xao; bên cạnh João, một người to béo nằm dài trên một chiếc ghế trên boong đang làm quen với một khách thương Bồ Đào Nha. Người này xem đồng hồ rồi nói to cho mọi người đều có thể nghe thấy:
- Còn năm phút nữa.
João nghĩ thầm chắc đồng hồ của người hành khách này chậm vì bấy giờ còi tàu đã vang lên lần cuối và người ở lại đều đã rời tàu trong khi người ra đi đã chen chúc nhau lên boong.
Bỗng tiếng máy chạy ầm ầm khiến y biết chắc là tàu đã khởi hành, y bèn ngoảnh lại ngắm thành phố một lần nữa, lòng xúc động lạ lùng khi mắt dừng lại trên những mái nhà cổ kia và trên những quãng phố lát những phiến đá kếch xù. Có tiếng chuông vang lên và João tưởng như nó gọi y, mời y dạo phố thêm lần nữa, xem những đám rước long trọng, ăn mingau* [Món ăn làm bằng bột sắn, trứng và đường] trên quảng trường, uống rum với thảo mộc, đánh bài ở một xó chợ lúc gần trưa, đánh một ván “bảy rưỡi” ở nhà Violeta, nơi bao giờ cũng có vô khối bạn bè vui nhộn, tối đến chơi bài poker ở tiệm cà phê với bọn nhà giàu vẫn tỏ vẻ kính trọng y biết mấy. Tảng sáng, tóc xõa xuống tận mắt, y bước ra khỏi tiệm, bỡn cợt với những ả tay khoanh tròn trên ngực vì rét, đang đi tìm một bạn trai và những tiếng đàn ghi ta nơi phố dưới. Rồi đến tiếng thở dài của Violeta khi ánh nắng lọt qua cửa sổ căn buồng và gió đưa cành lá của hai cây ca cao trong vườn. Những tiếng thở dài ái ân được gió mang đi xa, xa lắm, nào ai biết đến đâu? Tới tận cung trăng?
Tiếng nức nở của người thiếu phụ xanh xao dứt y ra khỏi dòng suy nghĩ. Nàng nói với một giọng đinh ninh:
- Chẳng bao giờ nữa, Robério ạ, chẳng bao giờ nữa.
Người đàn ông ôm hôn nàng, rất xao xuyến; lòng buồn tê tái, anh ta cố gắng trả lời:
- Em yêu quý, một tháng nữa, anh sẽ trở lại, anh sẽ đưa các con về... Còn em, hãy ngoan nhé. Bác sĩ đã bảo anh...
Giọng người thiếu phụ thật rầu rĩ, João cũng cảm thấy lo âu như nàng khi nghe nàng nói:
- Em sắp chết rồi, em biết lắm, Robério ạ. Chẳng bao giờ em được gặp lại anh nữa. Chẳng bao giờ em được trông thấy mặt các con nữa.
Và hạ thấp giọng, nàng nhắc lại:
- Chẳng bao giờ gặp lại các con nữa.
Rồi nàng òa lên nức nở. Người đàn ông muốn nói một điều gì nhưng chỉ lắc đầu, nhìn chiếc cầu tàu và đưa mắt về phía João như cầu xin giúp đỡ và an ủi. Giọng người thiếu phụ chỉ còn là một tiếng nghẹn ngào:
- Chẳng bao giờ em được gặp lại anh nữa.
Người đàn ông nước da bánh mật vẫn đăm đăm nhìn João; anh ta cảm thấy cô đơn vì đau khổ. João đứng phân vân một lúc không biết nên giúp đỡ như thế nào; y muốn chạy thẳng một mạch xuống cầu tàu, nhưng thủy thủ đã kéo cầu lên rồi, và tàu bắt đầu chạy. Người đàn ông chỉ kịp đặt một cái hôn nồng cháy kéo dài lên môi thiếu phụ một lần nữa, tựa hồ như muốn nhiễm lấy căn bệnh đang đục khoét ngực nàng. Rồi anh nhảy lên tàu; nỗi buồn mạnh hơn sĩ diện, anh òa lên nức nở; tiếng khóc như tràn ngập con tàu đang khởi hành; cả viên đại tá to béo cũng ngừng câu chuyện với người khách thương.
Từ đằng xa, có tiếng người gọi, gần như gào lên:
- Viết thư cho em! Viết thư cho em!
Rồi tiếp theo:
- Đừng quên em! Đừng quên em nhé!

2

Người ta trông thấy những chiếc khăn tay vẫy vẫy, nhưng chỉ có một khuôn mặt ròng ròng nước mắt - khuôn mặt người thiếu phụ mà lồng ngực thổn thức vì những tiếng nức nở. Hồi đó Bahia chưa có bến tàu mới và nước lên đến gần ngang mặt đường. Người đàn bà đang khóc cũng vẫy khăn, nhưng trong đám hành khách đáp lại, không còn phân biệt được ai là người làm chủ trái tim nàng.
Tàu bắt đầu tăng tốc độ và những người đi tiễn đều quay về. Một ông đứng tuổi khoác tay người thiếu phụ dìu đi, thì thầm những lời an ủi và hi vọng. Con tàu đã khuất về phía xa.
Trong những phút đầu của cuộc hành trình, nhóm này nhóm nọ trà trộn vào nhau, rồi phụ nữ quay về buồng riêng, còn nam giới nán lại nhìn guồng tàu đập mặt biển, vì thời ấy tàu thủy qua lại giữa Bahia và Ilhéus đều chạy guồng, tựa hồ như chúng chỉ chạy trên sông chứ không phải là đang đi chinh phục biển cả, chốn tung hoành của gió Nam.
Gió bắt đầu thổi mạnh hơn, đưa về phía trời đêm Bahia những mẩu chuyện trên tàu, những tiếng vang vọng: ruộng đất, của cải, ca cao, chết chóc...

3

Trong khi những ngôi nhà biến dần khỏi tầm mắt, João xoay xoay chiếc nhẫn ở ngón tay, tìm cách tránh cái nhìn của người đàn ông da bánh mật đang vừa lau nước mắt vừa nói để giải thích cảnh vừa qua:
- Tội nghiệp, nhà tôi bị lao phổi. Bác sĩ bảo hết hi vọng rồi.
João đăm đăm nhìn mặt biển màu lục sẫm và bây giờ mới nhớ ra là có một lý do khiến y phải trốn khỏi thành phố.
Chiếc nhẫn của viên kỹ sư thật vừa tay y quá.
- Cứ như là đánh riêng cho mình vậy. - Y lẩm bẩm.
Nhớ đến viên kỹ sư, y cười tủm tỉm. Thật là miếng mồi ngon. Chưa bao giờ y gặp mồi ngon đến thế. Cái thằng cha chẳng biết tí gì về bài poker cả, thế mà hắn cứ để cho lột... Lột tất, phải, lột nhẵn nhụi đến cả chiếc nhẫn. Tối đó cách đây đúng một tuần, João đã vét sạch của bọn họ; chỉ kể riêng viên đại tá, y đã moi của lão tới một conto* [đơn vị tiền tệ của Brazil. Một conto bằng một nghìn milreís hoặc một triệu reís], một nghìn milreís. Đâu phải lỗi tại y? Y đương cởi trần nằm duỗi dài rất thoải mái trên giường Violeta trong khi ả hát cho y nghe bằng cái giọng nhỏ nhẹ yếu ớt và vuốt tóc y; gã hầu bàn Tabaris bỗng xuất hiện và nói là đã tìm y khắp thành phố.
Rodolfo bao giờ cũng xoay xở tìm được cho y một chân. Mỗi khi có một chiếu bạc chưa đủ người, hắn thường nói với các con bạc:
- Các ngài có biết đại úy João Magalhães, một vị đại úy về hưu không?
Bao giờ cũng có người nói là biết y, và trước đây đã từng đánh bạc với y.
- Lão ta không phải là một tay bạc bịp đấy chứ? - Những người khác hỏi.
Rodolfo bất bình trả lời:
- Đại úy chơi rất ngay thật. Tôi đồng ý với các ngài là ông ta chơi giỏi. Nhưng chơi ngay thật theo như tôi hiểu thì chính là cách chơi của đại úy.
Hắn nói dối một cách trắng trợn nhất đời và kết luận như sau:
- Một canh bạc thiếu đại úy thì không thành canh bạc.
Bù lại cái điệp khúc nho nhỏ ấy, Rodolfo thường nhận được một món hoa hồng, vả chăng hắn cũng biết rằng ở bàn João Magalhães ngồi, rượu sẽ tuôn ra như suối và bọn con gái trong tiệm sẽ nhờ đó mà kiếm đẫy. Cho nên hắn đã phái người đi tìm João trong khi hắn sửa soạn bài.
Sự việc đã xảy ra đúng như thế này: João đang nằm ườn, Violeta đang đưa tay vuốt tóc y và bài hát của ả sắp ru y ngủ thì gã hầu bàn đến. Y vội vã mặc quần áo và lát sau đã ở trong một căn phòng đóng kín ở cuối sòng bạc. Y đã được viên đại tá Juvêncio một conto và được viên kỹ sư tất cả những gì anh chàng có trong người kể cả chiếc nhẫn trường đại học* [Ở Brazil, các kỹ sư thường đeo một chiếc nhẫn có dấu hiệu chỉ nghề nghiệp của mình], mà chàng ta ném lên bàn khi thấy trong tay mình có một bộ bốn con đầm do João Magalhães chia bài. Viên kỹ sư đã thua vì đại úy có bốn con tây. Tay thứ tư, một nhà buôn ở phố dưới cũng gặp vận đỏ, hắn được độ hai trăm milreís. Thường ở bàn João đánh bài, người thứ tư bao giờ cũng thắng, điều này nằm trong kỹ thuật của y. Và bởi chưng viên đại úy rất thính về vấn đề này (các bạn y quả quyết như vậy) bao giờ y cũng chọn người thắng theo màu mắt, sao cho giống đến mức tối đa một đôi mắt khác ở Rio de Janeiro trước đây đã xoi mói một cách ghê tởm và khinh bỉ vào bộ mặt nhà nghề của y và nhìn y trừng trừng khiến y đâm luống cuống.
Khi họ đứng dậy thì trời đã sáng. Rodolfo ước giá chiếc nhẫn đến trên một conto. Viên kỹ sư tin vào bộ bốn con đầm của mình đã đặt 320 milreís. Trên boong tàu, João cứ cười thầm một mình về chuyện đó.
- Định ăn thua với một bộ bốn con đầm thì quả là ngốc.
Y trở về nhà Violeta, rất phởn phơ, bụng nghĩ đến nỗi vui thích của ả hôm sau khi y sẽ tặng ả chiếc áo dài xanh ả đã trông thấy ở tủ kính cửa hàng. Ai ngờ viên kỹ sư đáng lẽ phải giữ kín chuyện, lại đi trình cảnh sát là mình bị mất cắp. Những điều anh ta nói về João thật là quá đủ. Anh ta muốn được biết đại úy được phong quân hàm ở binh chủng nào. Và nếu như sở cảnh sát không gọi João đến để hỏi chuyện tí chút thì phải chăng là vì y đã chuồn mất tăm?
Rodolfo giấu y và đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ này. Agripino Doca đã tán dương với y về Ilhéus và về tàu ca cao. Cho nên sau tám tháng trú ở Bahia, y đáp con tàu này lên đường tới cái thành phố Ilhéus ấy, nơi có ca cao mọc và cùng với ca cao, những cơ nghiệp phất lên mau chóng. Ngón tay y đeo chiếc nhẫn của viên kỹ sư; một bên túi có cỗ bài và trong túi kia, độ một trăm tấm danh thiếp.

ĐẠI ÚY JOÃO MAGALHÃES
sĩ quan công binh

Nỗi buồn xâm chiếm y khi rời cái thành phố xiết bao yêu mến trong tám tháng qua, giờ đây mờ dần, và João chăm chú theo dõi phong cảnh, cây cối, nhà cửa đằng xa mỗi lúc một nhỏ dần khi khoảng cách càng tăng.
Còi tàu lại vang lên, nước bắn ướt mũ y. Y bỏ mũ ra, lấy khăn tay thơm phức lau qua chỏm mũ và cắp mũ bên tay. Rồi vuốt mớ tóc không chải mà y dụng tâm để uốn như làn sóng. Y đảo mắt khắp boong tàu. Cái nhìn của y chuyển từ người đàn ông da bánh mật vẫn đăm đăm hướng về bến tàu lúc này đã mất hút, sang viên đại tá to béo đang kể cho người khách thương nghe thành tích táo bạo của mình ở cái xứ sở bán khai São Jorge dos Ilhéus. Vừa xoay xoay chiếc nhẫn quanh ngón tay, João vừa quan sát diện mạo những người bạn đồng hành. Liệu y có tìm được trong họ những con bạc để làm một canh nhỏ không? Đành rằng trong túi y đã có một món chiến lợi phẩm kha khá, nhưng tiền bạc có làm hại ai bao giờ. Y khe khẽ huýt sáo.
Trên tàu, cuộc trò chuyện đã lan rộng. João Magalhães có cảm giác là y cũng sắp xen vào góp chuyện và y nghĩ cách tổ chức một chầu poker. Y rút một điếu thuốc lá, châm lửa và đi dạo trên boong; một lần nữa, phong cảnh lại lôi cuốn y và khi đi ngang qua dải cát nổi, tàu phải chạy sát gần bờ. Trước một túp lều vách đất tiều tụy, hai thằng bé trần truồng, bụng ỏng, đang gọi con tàu. Ở một căn nhà khác, một cô gái trẻ xinh đẹp, mặt lấp ló sau cửa sổ vẫy tay từ biệt. João nghĩ bụng cái chào đó hẳn là gửi tới người đốt máy, hay tới toàn thể hành khách, nhưng y tự nhận lấy nhiệm vụ phải đáp lại và giơ bàn tay thanh thanh vẫy vẫy một cách thân ái.
Viên đại tá to béo kể một cuộc đánh lộn xảy ra tại một nhà chứa ở Bahia khiến tay khách thương phải kinh ngạc. Mấy tên du côn nhãi ranh định hớt tay trên của ông một cô gái trẻ lai đen, đã bẽ mặt. Ông chỉ cần rút khẩu súng lục ra:
- Nào! Lại đây! Tao ở Ilhéus đây!
Thế là bọn vô lại chuồn mất như những thằng hèn. Tay khách thương rất đỗi khâm phục cái can trường của viên đại tá.
- Thế mới đáng gọi là một đấng nam nhi - hắn ta nói - một bậc mày râu chân chính.
Đại úy João Magalhães thong thả tiến về phía họ.

4

Rời buồng riêng, Margot đi khắp nơi trên tàu, từ đầu nọ đến đầu kia. Ả xoay tròn chiếc dù mỏng tanh, nâng cái đuôi áo đồ sộ và để cho mọi người trầm trồ, nào là bọn khách thương phát biểu những ý nghĩ dâm đãng khi ả đi ngang qua, nào là bọn điền chủ trố mắt nhìn ả chằm chặp, và cả những khách hạng ba đi kiếm việc làm ở miền Nam Bahia nữa.
Vừa khe khẽ xin lỗi gần như nói thầm, ả vừa len lỏi qua nhóm này, nhóm khác, và mỗi khi ả tới gần nhóm nào là nhóm ấy lại im lặng để nhìn ngắm cho sướng mắt và cho bõ thèm khát.
Tuy nhiên, sau đó chuyện trò lại tiếp tục và trở lại vấn đề duy nhất và muôn thuở: ca cao. Đám khách thương vừa cười vừa quan sát Margot và bọn điền chủ. Họ hiểu là ả đang đi kiếm một món bở nào đấy, và những gã thô kệch kia còn phải tốn khối của mới yên được với ả. Nhưng họ không cười nữa khi thấy Juca Badaró từ bóng tối xuất hiện, ôm lấy ngang lưng Margot và đưa ả tới gần lan can, từ chỗ đó có thể ngắm cảnh Itaparica khuất dần phía chân trời và những lớp nhà hợp thành thành phố Bahia. Đêm xuống nhanh trong khi con tàu vẫn tiến trong tiếng sóng vỗ.
- Cô em từ đâu đến? - Và cặp mắt nhỏ của Juca Badaró lướt khắp thân hình người đàn bà trẻ để rồi cuối cùng dừng lại ở cặp đùi và bộ ngực. Hắn thò tay tới tận phía dưới lưng ả và vuốt ve các bắp thịt rắn chắc.
Margot làm ra bộ bị xúc phạm:
- Nào tôi có quen biết gì ông đâu? Ông suồng sã với tôi như thế là nghĩa lý gì?
Juca Badaró nắm lấy cằm ả và nâng cái đầu tóc vàng lên, nhìn thẳng vào mắt Margot, dằn từng tiếng:
- Chớ quên rằng cô em sẽ còn nghe nói nhiều đến Juca Badaró. Và hãy nhớ lấy là từ hôm nay trở đi, cô em đã thuộc về ta. Hãy chú ý ăn ở cho khéo, vì ta không phải là người nói suông đâu.
Rồi hắn đột ngột buông cằm người thiếu phụ, quay gót đi về phía cuối tàu. Ở đằng ấy, đám hành khách hạng ba họp thành một nhóm, vẳng ra những điệu đàn ghi ta và kèn armonica du dương.

5

Trăng đã bắt đầu lên, một vầng trăng to và đỏ kệch buông một vệt dài như máu trên mặt biển tối mò. Antônio Vítor co đôi cẳng dài và ngồi dậy, tì cằm lên đầu gối. Tiếng hát của người đàn ông miền trong, ngồi kề bên anh, chìm vào mênh mông của đại dương, và nghe anh ta hát, lòng Antônio tràn đầy nỗi nhớ quê hương. Bài hát gợi lại trong trí anh những đêm trăng ở cái thành phố nhỏ nơi anh đã sống, những đêm không ai thắp đèn, những đêm đi câu trên cầu, cùng với biết bao thanh niên nam nữ khác, những đêm chuyện gẫu và cười vui, mà đi câu chỉ là một cái cớ, mà mỗi khi có đám mây che khuất ánh trăng là những bàn tay lại riết chặt lấy nhau.
Ivone bao giờ cũng ở bên anh; cô mới mười lăm tuổi, nhưng đã vào làm ở nhà máy sợi. Cô đóng vai đàn ông trong gia đình, nuôi mẹ và bốn em, từ cái buổi chiều người cha bỏ đi. Không ai rõ ông ta đi đâu, không còn nghe thấy ai nói gì về ông ta nữa. Ivone phải vào làm nhà máy để nuôi chừng ấy miệng ăn; những đêm trên cầu ấy là thú vui duy nhất của cô. Cô ngả cái đầu tóc nâu lên vai Antônio và chìa đôi môi chín mọng tươi đẹp cho anh hôn mỗi khi mây che lấp vầng trăng. Còn anh thì trồng cấy một thửa ruộng kê ở giáp thành phố cùng với hai người anh, nhưng thu hoạch được rất ít. Nghe nói ở miền Nam công cao hơn nhiều, có thể làm giàu trong ngành ca cao, cho nên một hôm, cũng như cha Ivone, cũng như chính anh ruột mình, như hàng ngàn người khác, anh rời bỏ tỉnh Sergipe quê anh, và đáp tàu ở Aracaju; anh đã ngủ đêm ở một quán trọ nhỏ của bến cảng Bahia rồi lấy vé hạng ba đi Ilhéus.
Anh là một caboclo* [người lai da đen] cao lớn và gầy, bắp thịt nổi cuồn cuộn, bàn tay thô đầy chai, tuổi hai mươi mà lòng buồn mênh mang. Một cảm giác trước nay chưa từng thấy xâm chiếm anh. Phải chăng vì cái vầng trăng to, đỏ kệch màu máu kia? Phải chăng vì điệu hát đau thương của bác nông dân?
Đàn ông, đàn bà chen chúc nhau trên boong, nói lên niềm hi vọng của mình, niềm hi vọng gắn chặt với mảnh đất miền Nam.
- Tôi đi Tabocas. - Một người không còn trẻ nữa, râu thưa, tóc xoăn tít, nói.
- Nghe nói đó là một vùng có tương lai đấy.
- Nhưng người ta cũng bảo rằng đấy là một nơi man rợ, lạy Chúa xá tội cho, rất nhiều án mạng đã xảy ra ở đó.
Câu nói này là của một người đàn ông nhỏ bé, giọng khàn khàn.
- Tôi cũng nghe nói vậy, nhưng tôi chẳng tin tí nào. Nghe đồn thì biết bao nhiêu chuyện.
- Xin tùy lượng Chúa - một người đàn bà đầu chít khăn san nói.
- Tôi đi Ferradas, - một gã thanh niên tuyên bố, - tôi có một người anh làm ăn ở đấy, khá lắm; anh ấy làm cho đại tá Horácio, một tay giàu sụ! Tôi sẽ đến ở với anh tôi, anh ấy có khối việc cho tôi làm, rồi tôi sẽ về đón Zilda.
Một người đàn bà muốn rõ chuyện, hỏi:
- Vợ chưa cưới à?
- Không, vợ chính thức; chúng tôi có một bé gái lên hai và sắp thêm cháu nữa. Con bé kháu lắm.
- Chú sẽ không trở về được đâu, - một ông già khoác áo choàng nói. - Chú sẽ không trở về nữa vì Ferradas chính là cái bẫy lớn nhất trên đời để dử những kẻ ngu ngốc. Chú muốn làm thợ hay làm nghề giết người? Lão đại tá không sẵn việc cho những kẻ không biết giết người, chú sẽ chẳng bao giờ trở về được đâu.
Và ông lão khạc nhổ một cách giận dữ.
Antônio nghe thấy câu chuyện đó, nhưng điệu nhạc từ nhóm đằng kia vẳng lại, những điệp khúc nhịp nhàng của kèn armonica và đàn ghi ta, lại một lần nữa đưa anh về với chiếc cầu ở Estância, nơi có trăng đẹp mê hồn và cuộc đời thật êm ả. Ivone đã van xin anh đừng đi. Mảnh ruộng kia có thể đủ nuôi sống cả hai. Tại sao lại muốn chạy theo đồng tiền ở một nơi người ta đồn là có biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp? Tuy vậy, trong một đêm trăng trời đầy sao, những vì sao đẹp rực rỡ, Antônio Vítor chân đu đưa trong dòng nước, đã quyết định đi Ilhéus.
Những người đi đến đó trước anh đã viết thư về cho gia đình biết là ở đó dễ kiếm tiền, dễ tậu một mảnh đất để trồng trọt một thứ cây gọi là ca cao, một thứ cây có quả màu vàng ối và còn quý hơn cả vàng nữa.
Ở đấy đất chờ người nào muốn có đất; đất chưa thuộc về ai cả. Nó sẽ thuộc về tay ai có gan lao mình vào nơi hoang vu, khai phá rừng, trồng ca cao, kê và sắn, chịu khó sống vài năm bằng bột và chim muông cho đến khi ca cao bắt đầu ra quả. Bấy giờ sẽ giàu to: tiền nhiều không tiêu xuể, có nhà ở thành phố, có cả xì gà, ủng bằng da loại tốt…
Trái lại, đôi khi cũng có người kể rằng trong bọn họ có kẻ đã chết vì một viên đạn hoặc vì bị rắn cắn, vì một nhát dao găm trong một cuộc ẩu đả ở thành phố hay vì một phát súng trong một cuộc mai phục. Nhưng có sá gì một nhân mạng khi mà người ta có thể kiếm ra bao nhiêu là của cải. Ở thành phố quê hương của Antônio Vítor, người ta sống lầm than, không hi vọng gì ở tương lai. Hầu hết đàn ông đã ra đi, ít có người trở về. Mà những ai trở về thì bao giờ cũng chỉ là để thăm viếng qua quýt, và họ khó hòa hợp được với cuộc sống xưa kia sau bao nhiêu năm xa cách, bởi vì khi trở về, họ đã giàu có, nào đồng hồ vàng, nào nhẫn đầy tay, nào ngọc trai đính cà vạt. Họ tiêu thả sức, vung tiền mua quà cho họ hàng hoặc cúng cho nhà thờ hay vị thánh họ mang tên, hiến lễ cho những ngày hội cuối năm.
“Anh ta đã giàu có trở về”. Ấy, cả thành phố nghe truyền rộn lên như vậy, và những kẻ về để rồi lại ra đi vì không quen được với cuộc sống yên tĩnh ở thành phố cũ lại càng khuyến khích Antônio Vítor đi theo họ. Ivone là người độc nhất níu chân anh lại: đôi môi, bầu ngực nóng ấm, giọng nói cầu khẩn, cái nhìn van lơn của nàng.
Nhưng rồi một hôm anh đã dứt khoát cắt đứt, anh ra đi, bỏ lại Ivone nức nở trên cầu, nơi họ từ biệt nhau.
- Một năm nữa, anh sẽ giàu, anh hứa vậy, và anh sẽ trở về đón em.
Trăng Estância giờ đây soi tỏ con tàu, nhưng không còn là vầng trăng vàng tỏa ánh sáng tràn ngập những đôi trai gái yêu nhau trên cầu. Đây là một mặt trăng đỏ. Và có một ông già bảo rằng chẳng ai đến đất ca cao mà lại trở về được.
Trong lòng Antônio có một cảm giác anh chưa từng thấy. Sợ chăng? Nhớ quê hương chăng? Trăng gợi cho anh nhớ đến cặp môi của Ivone, cặp môi van xin anh đừng đi, và đôi mắt đẫm lệ của nàng trong cái đêm họ vĩnh biệt nhau.
Đêm ấy không có trăng. Chẳng có ai câu trên cầu cả. Trời âm u; họ nghe thấy bên dưới tiếng rì rào của dòng sông, khi Ivone đến gặp anh với tấm thân nồng nàn và nóng hổi, với khuôn mặt đẫm nước mắt.
- Anh nhất định đi ư? - Im lặng một lúc lâu, một im lặng buồn thảm - Anh sẽ chẳng bao giờ trở lại.
- Anh thề với em là anh sẽ trở về.
Nàng lắc đầu rồi nằm xuống bên bờ sông và gọi anh. Nàng lặng lẽ trao thân cho anh không tiếng kêu rên. Sau đó, nàng buông chiếc áo dài vải chúc bâu xuống, hoa trên áo phai màu giờ nhuốm máu; nàng úp hai bàn tay lên mặt và nói với anh những lời ngắt đoạn:
- Anh sẽ chẳng bao giờ về nữa. Một ngày kia có kẻ có thể chiếm đoạt thân em, thà rằng anh là người đầu tiên còn hơn. Như vậy anh sẽ hiểu em yêu anh biết chừng nào.
- Anh thề với em là anh sẽ về.
- Anh sẽ chẳng bao giờ về nữa.
Hơn cả nỗi cảm khoái nàng đem lại cho anh, Antônio thấy xao xuyến vì đã chiếm thân nàng như thế; anh cũng thấy xao xuyến khi nghĩ rằng mình đã để lại một đứa con. Anh tự nhủ mình phải kiếm tiền cho nàng và cho con, và một năm nữa sẽ quay về. Ở Ilhéus có thể mua được đất dễ dàng. Anh sẽ trồng ca cao, hái quả và sau đó sẽ trở về bên Ivone và đứa bé.
Tuy rằng đúng là cha nàng chẳng bao giờ trở về và chẳng ai biết giờ ông ta ở đâu.
Và vừa đây ông lão bảo là chẳng ai ở cái xứ ấy thoát về được, cả đến người có vợ và hai con. Sao chiếc armonica kia vẫn cứ thổi hoài? Nhạc đâu mà buồn vậy? Và trăng kia muốn gì, hỡi vầng trăng đỏ máu ngự trên biển cả?

6

Bài ca buồn như một điềm gở. Gió thổi lồng trên mặt biển, giật lấy những nốt nhạc tung đi khắp nơi, khiến cho khúc nhạc tưởng như không bao giờ muốn dứt. Nhạc dâng sầu trong lòng những hành khách hạng ba và trong lòng người đàn bà chửa đang níu lấy cánh tay Filomeno giữa đám khách ấy. Những điệu kèn armonica đệm cho khúc nhạc mà chàng thanh niên đang hát bằng một giọng khỏe khoắn.
Antônio Vítor thu đôi cẳng dài lại sát người, trong khi hình ảnh xứ Estância thanh bình và hình ảnh Ivone trao thân cho anh không một tiếng thì thầm, cứ quyện lẫn vào những ảo tưởng tươi mới về một vùng đất đai còn phải chinh phục, đất của những cuộc ẩu đả, của súng đạn và chết chóc bất thần, của tiền bạc và ngân phiếu.
Một hành khách đơn lẻ, không bắt chuyện với ai, đang lách một lối đi giữa các nhóm và đến nằm dài ra trên boong. Trăng để lại một vệt đỏ nhạt trên mặt biển, trong khi tiếng hát vò xé lòng người:
Vĩnh biệt người yêu ta từ giã
Để không bao giờ nữa trở về
Giờ đây, ảo tưởng về một miền đất đai xa xăm khác, về những con người khác, những vùng biển khác, những bến bờ khác, một miền thôn dã khô cằn lại đến. Và biết bao hành khách trên con tàu nhỏ này đã để lại sau lưng một mối tình. Có những người ra đi vì mối tình đó, tìm cách để chinh phục người yêu, tìm vàng để mua lấy hạnh phúc, cái thứ vàng ngọc trên những cây ca cao ở đất Ilhéus. Thế mà bài hát lại bảo rằng họ sẽ không trở về nữa; rằng trên đất ấy, cái chết đang rình họ sau mỗi thân cây. Và trăng thì đỏ đọc trong khi con tàu chồm lên và chòng chành trong đợt sóng chao nghiêng.
Dưới tấm áo choàng, ống chân và bàn chân ông lão để trần. Ông hút một điếu thuốc lá, đôi mắt nhìn khắc khổ. Ông rít một hơi để ánh lửa lóe lên cho một hành khách châm tiếp.
- Cảm ơn bố lắm.
- Không dám.
- Xem chừng như muốn có dông.
- Giờ là mùa gió Nam. Đôi khi gió thổi mạnh đến nỗi không một tàu nào đương nổi.
- Ở Ceará mới có những cơn dông to chứ. - Người đàn bà nói - Cứ tưởng như đến ngày tận thế ấy.
- Phải, lão nghe thấy người ta nói thế. - Ông già đáp - Phải, người ta nói vậy...
Họ nhập bọn với một nhóm đang trò chuyện gần đám người chơi bài.
- Cụ ở Ilhéus?
- Lão sống ở Tabocas đã gần được năm năm rồi. Lão ở nội địa tới.
- Cụ tuổi tác thế này rồi còn làm gì ở đây?
- Con trai lão là Joaquim tới đó trước. Nó làm ăn khá giả, có một mảnh đất nhỏ trồng ca cao. Mẹ nó mất, nó cho người tìm lão.
Đến đây, ông cụ im bặt, dường như lắng nghe tiếng nhạc theo gió bay về thành phố khuất trong đêm tối. Những người khác ráng chờ, nhưng chỉ có tiếng rì rầm từ khoang hạng nhất và tiếng hát phá tan im lặng.
Để không bao giờ trở lại
Và chết ở đất xa xăm
Tiếng hát vẫn tiếp tục tới khi tiết trời làm mọi người rùng mình. Một cơn gió mạnh thổi nhanh từ phương Nam tới và con tàu chồm chồm trên ngọn sóng. Nhiều hành khách trước đây chưa từng đi tàu thủy bao giờ. Họ đã xuyên qua những cánh rừng không dung khách nội địa, trên một chuyến xe lửa gồm rất nhiều toa chở người di cư.
Ông già có đôi mắt khắc khổ nhìn mọi người:
- Các bạn có nghe thấy không?
Để không bao giờ trở lại
Và chết ở đất xa xăm
- Đấy, sự thật là như thế; tất cả những người ra đi đều không trở lại bao giờ. Cứ y như là bị chài phép, bị bẫy vậy. Lão bảo thật đấy: tất cả những ai...
- Nhưng ở đấy dễ kiếm tiền phải không cụ?
Người thanh niên đăm đăm nhìn ông lão, mắt bừng lên một ánh lửa.
- Tiền ư? Đó chính là cái nó bẫy họ tìm đến vì ở đấy kiếm được tiền, nhưng đó là thứ tiền mang tai mang họa, thứ tiền chết tiệt. Nó chẳng bao giờ đậu lại trong tay; ta trồng một ít ca cao...
Nhạc lúc này nghe dịu hơn, như nghẹn lại. Những tay chơi đánh xong ván bài. Ông già nhìn chòng chọc vào mắt chàng trai trẻ, sau khi đã đảo mắt nhìn khắp lượt những người xung quanh đang uống từng lời của ông:
- Các bạn đã bao giờ nghe nói chuyện “tiếm đoạt” chưa?
- Tôi có nghe nói rằng đó là một kiểu lừa đảo bằng cách đưa nhân viên tư pháp đến lấy đất của mình.
- Một tên thầy cò cùng đến với một viên đại tá; chúng tiến hành “tiếm đoạt” để cướp không những cây ca cao do chính tay ta trồng.
Một lần nữa ông già lại đảo mắt nhìn quanh. Rồi ông xòe đôi bàn tay thô kệch ra:
- Các bạn trông thấy đôi bàn tay này chứ? Nó đã trồng biết bao nhiêu cây ca cao. Lão và Joaquim đã dựng lên hết rừng này đến rừng khác; bố con lão đã làm việc như trâu lăn, đúng như vậy đấy! Giờ chúng tôi còn lại cái gì?
Ông lão đặt câu hỏi với tất cả, với những người chơi bài, với người đàn bà chửa, với gã thanh niên. Rồi ông lại làm ra vẻ chú ý nghe nhạc, đồng thời đưa mắt ngắm trăng ở phía xa xa.
- Người ta bảo khi trăng có sắc máu như tối nay thì sẽ có chuyện lôi thôi ngoài phố. Tối hôm chúng giết Joaquim, trăng cũng màu này. Chúng chẳng có cớ gì để giết nó; hoàn toàn chỉ do tàn ác mà thôi.
- Tại sao chúng giết anh ấy? - Người đàn bà nói.
- Tên đại tá và tên thầy cò, đã bày ra một vụ “tiếm đoạt”; chúng đã cướp ca cao của bọn lão trồng; chúng bịa ra rằng đất là của tên đại tá, Joaquim không có quyền gì vào đó cả. Tên đại tá Horácio cùng lũ sát nhân của hắn đến với một mớ giấy tờ hợp pháp. Chúng đuổi bố con lão ra khỏi đất của mình và chúng còn giữ cả ca cao đã phơi khô, chờ ngày bán. Joaquim là một thanh niên tốt, nó không sợ lao động, nhưng sau khi chúng cướp mất cánh rừng của nó, nó đã trở thành người bỏ đi. Nó bắt đầu uống rượu, và một hôm, rượu vào, nó kể lể với người ta là nó sẽ trả thù, nó sắp hạ thủ tên đại tá. Một tên cabra* [con cái của một người đàn ông lai đen với một người đàn bà da đen (hoặc ngược lại). Nghĩa riêng: Tên giết người] của thằng đại tá nghe thấy, bèn báo lại cho chủ; đêm hôm sau, chúng đã mai phục giết Joaquim trên đường đi Ferradas.
Ông già im bặt và không một ai hỏi ông câu gì. Đám bạc lại tiếp tục chơi; người cầm trương ném ra hai lá bài, những người khác đặt tiền. Nhạc tắt dần trong đêm; gió mỗi lúc một thổi mạnh. Ông già kể tiếp câu chuyện:
- Joaquim vốn tôn trọng pháp luật, - ông cụ nói, - nó chẳng bao giờ giết ai đâu. Tên đại tá Horácio biết rất rõ điều đó và tay chân của hắn cũng biết vậy. Joaquim nói thế là vì nó say rượu, nó đâu có định giết tên kia. Nó là một thanh niên cần cù; nó chỉ muốn kiếm sao cho đủ sống mà thôi. Đành rằng nó buồn khổ vì bị cướp mất rừng ca cao thật, nhưng nếu nó không uống rượu thì chẳng bao giờ nó nói thế! Nó không phải đứa giết người, bọn chúng đã giết trộm nó.
- Thế chúng có bị bắt không?
Ông cụ lại khạc nhổ, vẻ khinh bỉ.
- Ngay cái đêm chúng giết nó, chúng đến chè chén ở một quán rượu và ba hoa khoe khoang về chuyện này.
Cả nhóm im lặng. “Bảy”, một người chơi bài nói. Nhưng người được cũng không buồn nhặt tiền nữa vì đang mải nhìn ông lão vẫn đứng nguyên đó, trầm lặng, đơn độc với nỗi buồn riêng, như quên hết sự đời.
- Còn cụ? - Người đàn bà có mang khe khẽ nói.
- Chúng đưa lão lên tàu đi Bahia, chúng bảo rằng lão không thể ở lại đấy được nữa. Nhưng bây giờ, lão lại quay về.
Ông lão bỗng đứng thẳng lên, ánh mắt lại nghiêm khắc như lúc kể xong câu chuyện, giọng ông đanh lại. Ông nói tiếp:
- Bây giờ lão quay về, lão sẽ ở lại đấy mãi mãi và không ai đuổi được lão nữa. Số phận quyết định mọi điều xảy đến với ta, bác ạ. Lúc sinh ra, người ta không tốt mà cũng chẳng xấu; khoèo chân, gù lưng là tại số cả thôi.
- Nhưng… - Người đàn bà ngập ngừng.
- Cứ nói đi.
- Nhưng rồi cụ sẽ sống ra sao? Bây giờ, cụ đã đến tuổi không làm được việc nặng nữa rồi.
- Khi người ta đã quyết định làm một việc gì, bác ạ, thì mọi sự sẽ ổn thôi. Mà lão đây thì đã quyết rồi. Con trai lão là một thanh niên trung thực; không khi nào nó lại giết tên đại tá, còn lão cũng chẳng muốn dính vào máu cho bẩn tay.
Ông cụ nhìn hai bàn tay đầy vết chai vì công việc trồng trọt:
- Nhưng chúng đã giết con trai lão.
- Vậy ra cụ... - người đàn bà định nói, giọng run lên vì khiếp sợ.
Ông già quay lưng lại và thong thả đi ra xa.
- Rất có thể ông lão sẽ giết đấy. - Đó là lời bình luận của một người hom hem dự cảnh ấy.
Nhạc lại cất lên, vang to hơn trong đêm; trăng tiếp tục lên nhanh trên vòm trời. Người cầm trương gật đầu tán thành, xác nhận điều người đàn ông gầy còm vừa mới nói. Người đàn bà có chửa nắm lấy cánh tay Filomeno:
- Em sợ...
Chiếc kèn armonica ngưng bặt; trăng giống như một vũng máu.

7

José da Ribeira át hẳn nhóm kia. Lão nói về những sự việc xảy ra trên đất ca cao, thôi thì cơ man nào là chuyện. Lão khạc nhổ luôn miệng, vui thích được làm đầu trò dẫn dắt câu chuyện và được kể những điều mình biết.
Người ta chăm chú nghe lão, như một người đáng để học tập.
- Tôi đã suýt thay đổi ý kiến và không muốn đến đó nữa khi nghe nói vùng ấy có bệnh sốt chết người như bỡn. - Một người đàn bà nhỏ bé đang cho con bú nói vậy.
José bật cười khi tất cả quay về phía lão. Lão lấy giọng chắc chắn của người hiểu biết:
- Họ không nói dối bà đâu. Thật đấy, bà bạn ạ, tôi đã thấy nhiều người khỏe như vâm, chết vì bệnh sốt ấy. Chỉ ba đêm là tong.
- Y như bệnh đậu mùa ấy à?
- Có nhiều thứ đậu mùa lắm, nhưng thứ tôi muốn nói đây không phải là đậu mùa. Có đậu mùa, thủy đậu và tất cả các thứ bệnh thuộc loại này; lại có bệnh sốt đen là nguy hiểm hơn hết. Tôi chưa thấy ai bị bệnh đó mà sống sót được, nhưng vẫn không phải thứ tôi muốn nói. Bệnh này là một thứ sốt mới. Không ai biết nó là cái gì. Nó cũng chẳng có tên nữa. Chẳng có triệu chứng gì hết, độp một cái anh bị sốt và trong nháy mắt là đi đứt.
- Xin các Thánh che chở chúng tôi, - một người đàn bà khác nói.
José nhổ nước miếng và tiếp tục ôn chuyện cũ:
- Một hôm, có một ông bác sĩ đến, mang theo đủ thứ bằng cấp và trăm thứ bà giằn. Ông ta còn trẻ, thậm chí chưa có râu nữa kia. Mặt mày cũng đẹp. Ông ta nói là sẽ tiêu diệt bệnh sốt ở Ferradas, nhưng chính bệnh sốt đã tiêu diệt ông ta, cả người lẫn xác cùng một lúc; vì nó quả là cái xác chết xấu nhất mà tôi từng thấy, xấu hơn cả Garangau, anh chàng bị đâm chết ở Macacos nữa kia. Hắn bị xả ra từng mảnh, bị móc mắt, cắt lưỡi và lột da ngực.
- Sao người ta nỡ làm thế, thật tội nghiệp? - Người đàn bà có con thơ nói.
- Tội nghiệp! - José da Ribeira bật cười, một tiếng cười tự trong bụng phát ra, ồm ồm. Lão có vẻ thích thú ghê lắm. - Tội nghiệp! Ở miền Nam, chẳng có tên sát nhân nào ghê gớm hơn nó! Úi chào, có hôm nó khử liền bảy người ở Juparana đấy. Nó thực quả là kẻ đê mạt nhất mà Thượng đế đã sinh ra.
Những người nghe chuyện lão ta rất xúc động, nhưng một người vùng Ceará lên tiếng:
- Bảy là con số tầm bậy, ông bạn José ạ.
José vẫn vừa cười vừa hút thuốc lá; lão chẳng tỏ vẻ phật ý gì cả.
- Anh bạn chỉ là một đứa con nít thôi, - lão nói. - Anh bạn đã biết gì về cuộc đời nào? Anh bạn trông thấy tôi đấy chứ, với cái gánh nặng năm mươi tuổi đời trên vai đây? Này này, tôi đã từng bôn ba khắp chốn. Tôi đã từng sống mười năm trong những cánh rừng ấy, trước đó, tôi đã đi lính và trong đời lính tôi cũng đã nếm đủ mùi cơ cực; nhưng không gì có thể so sánh được với những điều người ta thấy ở nơi kia. Anh bạn có bao giờ nghe nói về một chuyện “mai phục” chưa?
- Có, - một người trong bọn kêu lên. - Nghe nói là họ nấp sau một gốc cây rình người nào đó rồi bắn.
- Đúng; vậy thì, nghe đây. Tôi biết có một người đánh cá mười milreís với bạn. Hắn đánh cá là người bị giết sẽ từ phía này tới, còn bạn hắn cược là người đó từ phía kia tới; người đầu tiên qua đó sẽ ăn viên đạn quyết định kẻ thắng cuộc. Các người đã bao giờ thấy cái gì quái quỷ hơn chuyện đó chưa?
Người đàn ông ở Ceará rùng mình khiếp sợ. Một bà trong đám phụ nữ không tin:
- Thế chúng làm như vậy chỉ để được cuộc thôi ư?
José da Ribeira lại nhổ và tiếp tục giải thích:
- Tôi đã đến đấy. Tôi đã từng đi rất nhiều nơi trong thiên hạ, tôi đã đi lính, tôi đã thấy những chuyện ghê gớm đến rợn tóc gáy. Nhưng tôi chưa hề thấy có gì giống như những điều thường thấy ở nơi ấy. Họ là những người đàn ông, những hảo hán cả đấy, đúng thế, nhưng ở đấy chỉ có tiền là đáng kể. Nhanh tay bóp cò thì sẽ khá giả.
- Thế chứ bác, bác làm gì ở đấy?
- Tôi đã làm cảnh sát một thời gian. Rồi tôi mua một cái đồn điền nho nhỏ, lời lãi hơn và tôi sống ở đấy. Tôi đi Bahia để nghỉ và mua những thứ cần thiết.
- Thế mà bố lại về bằng vé hạng ba hở bố?
José lại cười mỉm, vẫn nụ cười từ bên trong ấy.
- Bọn gái chơi đã bòn hết tiền của tôi rồi, chú mày ạ, - lão thú thật. - Đàn bà ở thành phố là mèo hoang ở rừng. Thấy một mẻng da trắng nào ở thủ đô là mình cứ lóa cả mắt lên. Bọn gái đã vét của tôi nhẵn như chùi rồi.
Chẳng ai bàn tán thêm về chuyện này vì lúc đó một người đàn ông nhỏ bé, tay cầm roi mềm, đầu đội mũ rộng vành vừa dừng lại trước mặt họ. José quay lại và kính cẩn nói với hắn ta:
- Chào ngài Juca.
- Chào ông bạn. Đồn điền dạo này thế nào?
- Tôi đi vắng gần một tháng nay, nếu Chúa thương, năm nay tôi sẽ vỡ hoang nhiều hơn ạ.
Juca Badaró gật đầu, mắt nhìn nhóm người.
- Anh biết những người này?
- Thưa ngài Juca, tôi mới làm quen với họ. Ngài hỏi vậy là có duyên cớ gì đó ạ?
Đáng lẽ nên trả lời, Juca lại lách vào giữa đám người.
- Anh ở đâu tới? - Hắn hỏi một người trong bọn.
- Thưa ông chủ, ở Ceará. Ở Crato.
- Làm nghề gì? Dắt la ư?
- Thưa ngài không, ngài bỏ quá cho. Trước cháu có một cái trại nhỏ. - Và không đợi hỏi thêm - Hạn hán đã làm cháu khánh kiệt cả.
- Anh có gia đình chưa? Sống một mình à?
- Cháu đã có vợ và sắp có con ạ.
- Anh có muốn làm cho tôi không?
- Thưa ngài có, xin cảm ơn lòng tốt của ngài.
Juca đi mướn người như thế đó; hắn mướn người cầm trương, một tay chơi bài khác, người đàn ông ở Ceará, anh chàng trai trẻ và mướn cả Antônio Vítor đang mải ngắm bầu trời với hàng ngàn ngôi sao trên đó. Nhiều người xin việc nhưng hắn từ chối. Hắn rất biết người biết của và nhanh chóng nhận ra những người được việc cho đồn điền của hắn: đốn cây, làm đất, trông nom mùa màng.

8

Đại úy João Magalhães gọi rượu porto. Tay khách thương thuận uống, nhưng viên đại tá từ chối; tàu chòng chành làm ông ta cồn cào cả ruột gan.
- Cứ cái gió quỷ quái này, lại rượu vang vào thì tôi đến nôn mật xanh mật vàng xuống biển mất.
- Vậy ngài dùng bia nhé? Hay một cốc cognac?
Viên đại tá không muốn uống gì cả. João Magalhães kể những chuyện bố láo về cuộc sống của y ở Rio de Janeiro, với tư cách là đại úy và nhà kinh doanh quan trọng. “Tôi có khối nhà và cả khế ước nữa”. Phút chốc, y bịa ra một câu chuyện tưởng tượng về một món gia tài thừa kế của một bà cô triệu phú, chết không có con cái. Y nhắc đến những chính khách lớn đương thời, bạn của y - y mạo nhận như vậy - gọi họ bằng tên tục và nói là vẫn đánh bài, uống rượu với họ. Y đã về hưu và đi du ngoạn để xem phong cảnh đất nước. Y vừa ở Rio Grande do Sul trước khi thăm các nước khác. Y không thuộc cái loại người vừa kiếm được tí tiền đã tót sang Paris tiêu pha với những người Pháp. Viên đại tá tán thành và thấy đó là một lòng ái quốc cao cả, rồi ông ta muốn biết rõ về những nhà chứa ở Pháp, ở Rio de Janeiro; có thật ở đấy người ta làm đủ mọi trò, hay đó chỉ là những chuyện đồn đại bẩn thỉu. Vì ông ta đã nghe nói là ở đấy có những phụ nữ chuyên làm những việc ấy. João Magalhães xác nhận điều đó và bèn tô vẽ thêm lên, đưa ra mọi thứ chi tiết hấp dẫn, lại được tay khách thương phụ họa vào, tay này cũng muốn tỏ ra mình sành sỏi về chuyện đó (hắn ta đã có lần đến Rio de Janeiro và cuộc đi thăm này là sự kiện quan trọng nhất trong đời hắn). Viên đại tá thích mê.
- Chà, đại úy kể cho tôi nghe cái gì đấy? Quả thật là tởm.
Thấy thế, viên đại úy càng tố thêm. Tuy nhiên, y không lan man tả những chuyện kia nhiều quá, mà quay lại chuyện cái gia tài y hiện có và những quan hệ giao du quyền quý của y. Y có thể làm việc gì ở Rio de Janeiro giúp ngài đại tá? Có cần y rỉ tai giới thiệu một lời với nhà chính khách nào không? Nếu có thì ngài đại tá chỉ cần bảo y một tiếng là xong. Có y đây là để làm việc đó, để giúp đỡ bạn bè. Y chỉ tiếc không được làm quen với ngài đại tá sớm hơn; hai người sẽ ăn ý với nhau một cách tuyệt diệu và y sẽ rất sung sướng được giúp đỡ ngài đại tá bằng bất cứ cách nào. Xem ra viên đại tá không cần gì ở Rio de Janeiro cả, nhưng vẫn cứ sốt sắng cảm ơn.
Giữa lúc ấy, Maneca Dantas đi qua. Đó là một người béo lùn, có khuynh hướng phát phì; áo sơ mi của ông ta ướt đẫm mồ hôi, bàn tay lạnh và nham nháp. Viên đại tá gọi ông ta lại và giới thiệu:
- Xin giới thiệu với các vị đây là đại tá Maneca Dantas, một đại điền chủ vùng chúng tôi. Ông ấy nhiều tiền đến nỗi không biết dùng làm gì nữa.
João Magalhães đứng dậy; phong thái của y hết sức lịch thiệp.
- Đại úy João Magalhães, sĩ quan công binh, xin hầu tiếp ngài.
Y rút một tấm danh thiếp chìa cho đại tá Maneca; rồi y đẩy một chiếc ghế tựa mời ông ta ngồi, làm như không nghe thấy lời nhận xét gã khách thương phát biểu với đại tá Ferreirinha:
- Một người lịch sự.
- Có học thức và có giáo dục, điều đó thật rõ ràng.
Đại tá Maneca đồng ý uống rượu vang. Ông ta không dễ gì bị say sóng.
- Ở đây tôi cũng thấy thoải mái y như trên chiếc giường của tôi ở Auricídia. Auricídia là tên cái đồn điền bé nhỏ của tôi, đại úy ạ. Nếu đại úy muốn ghé qua chơi vài ngày. Có nghĩa là nếu ngài bằng lòng dùng tạm món thịt bò sấy…
Ferreirinha phá lên cười giễu cợt:
- Thịt bò sấy! Thực ra, thưa đại úy, ở Auricídia, mỗi bữa ăn trưa là một bữa tiệc, mỗi bữa chiều là một bữa cỗ ngày lễ rửa tội. Trong bếp của Dona* [phu nhân, bà] Auricídia có những mụ da đen nấu nướng giỏi như thiên thần.
Và đại tá Ferreirinha, vốn người sành ăn, thè lưỡi liếm môi tựa hồ ông ta trông thấy ngay trước mắt những món ăn ông đang tả vậy:
- Những con mụ ấy làm dồi thật tuyệt! Có thể khiến cho một người theo đạo Thiên Chúa như trông thấy thiên đàng.
Maneca Dantas mỉm cười, vô cùng mãn nguyện về những lời khen ngợi ấy:
- Cuộc sống ở đấy thì chỉ có như vậy làm vui thôi, - ông ta giải thích, - người ta sống ở đấy như giữa sa mạc; phải đến đấy để làm ca cao, làm quần quật như bất cứ một thằng nhà quê nào, phải đề phòng rắn cắn, tránh những viên đạn của các cuộc mai phục; thế mà không ăn cho sướng thì còn cái gì nữa? Ở đấy chẳng có những trò chơi giải trí sang trọng của nơi đô thị, chẳng có rạp hát, chẳng có gái, chẳng có quán cà phê, chẳng có gì cả. Chỉ có làm việc ngày đêm, chặt cây và trồng ca cao.
Ferreirinha xác nhận lời nói của bạn:
- Họ làm việc vất vả thật, quả có thế.
- Nhưng ở đấy lại kiếm được nhiều tiền, - người khách thương vừa xen vào, vừa chùi rượu vang dính trên môi.
Maneca Dantas lại mỉm cười:
- Đúng thế, - ông ta nói, - ở đấy thì làm ra tiền đấy; đó là một vùng đất tốt, thưa đại úy, một vùng đất đai bõ công làm. Thu hoạch tốt, người ta trồng được nhiều ca cao và được trả giá hời. Về mặt này thì chúng tôi chẳng có gì đáng phàn nàn. Lúc nào cũng có đủ các thứ để thết đãi bạn bè.
- Ngày 16, tôi sẽ ở quanh vùng đó, - người khách thương nói (hắn đang trên đường đi Sequeiro Grande); - tôi sẽ ghé qua ngủ đêm ở đấy.
- Xin hầu tiếp ngài, - Maneca nói - Còn ngài đại úy, ngài có định tới đó không?
João Magalhães trả lời là có thể, vì y có ý ghé qua vùng này một thời gian. Thực tình, y cũng muốn xem xem có đáng bỏ một món tiền đầu tư vào đất ca cao không. Ở Rio de Janeiro, người ta đã nói với y về vùng này, về tiền bạc có thể kiếm được ở đó và y cũng rất muốn bỏ một phần vốn vào việc mở đồn điền. Kể ra y chẳng có lý do gì để phàn nàn; phần lớn vốn liếng của y đầu tư vào nhà cửa ở Rio de Janeiro thu lợi cho y cũng khá, nhưng y còn một số tiền nhà băng nợ lại sau khi quyết toán, khoảng vài chục conto, và y cũng có một khoản tiền quan trọng bằng công trái nữa. Nếu việc này bõ bèn, đáng làm…
- Chắc chắn là đáng làm đấy, đại úy ạ.
Maneca Dantas nghiêm trang nói:
- Hẳn thế. Ca cao là một loại cây trồng mới nhưng với loại cây ấy, đất này là đất tốt nhất thế giới. Nhiều chuyên gia đã lên xem xét kỹ và tất cả đều nhất trí như vậy; không có đất nào trồng ca cao tốt hơn, không thể đòi hỏi năng suất cao hơn thế. Có đánh đổi lấy cà phê, thậm chí lấy mía nữa, tôi cũng không ưng. Duy có một điều đáng chê là người ở đó tính khí cục cằn và dễ cãi nhau, đánh nhau; nhưng cái đó không có gì đáng ngại đối với một người có bản lĩnh như ngài. Đại úy ạ, tôi cam đoan với ngài là: hai mươi năm nữa, Ilhéus sẽ là một thành phố lớn, một thủ đô; và tất cả những thành phố nhỏ hiện nay cũng sẽ trở thành những thành phố lớn. Ca cao là vàng, đại úy ạ.
Họ tiếp tục trò chuyện như vậy, bàn tán về các cuộc hành trình, hết chuyện này đến chuyện khác. João Magalhães nhắc đến những xứ sở khác y đã tới thăm, những chuyến viễn du trên đất liền và trên những tàu biển lớn. Mỗi phút qua đi, uy tín của y lại tăng thêm và cứ mỗi chuyện y kể ra thì rượu càng nhiều và vòng người hâm mộ y càng lớn. Trong suốt thời gian ấy, đại úy đã tìm cách khéo léo lái họ sang chuyện đánh bài và cuối cùng một canh poker được tổ chức.
Đại tá Totonho, điền chủ ở Riacho Doce ngồi vào bàn, nhưng gã khách thương không tham gia; tiền cược vượt quá khả năng của hắn, tiền đặt lên nhanh quá. Thành thử ra chỉ có João và ba viên đại tá họp thành một bàn, còn những người khác ngồi chầu rìa.
- Tôi không thạo kiểu chơi này lắm, - Maneca vừa cởi áo khoác vừa nhận định như vậy.
Ferreirinha phá lên cười ông ổng:
Đừng có tin ông ta, đại úy ạ. Maneca là bậc thầy về bài poker đấy. Tôi chưa hề thấy ai đánh giỏi như ông ta!
Maneca bỏ khẩu súng lục vào túi áo khoác; đeo nó ở thắt lưng trông lộ liễu quá; João Magalhães nghiêm túc tự hỏi có nên để thua những ván đầu và chưa trổ tài ngay không.
Người bồi bàn mang bài tới.
- Chơi cả joker* chứ? - Maneca hỏi.
*[Quân bài tây vẽ hình một anh hề (Joker) có tác dụng trở thành một quân bài khác tùy theo ý muốn của những người rút được quân đó. Ta quen gọi là “phăng-teo”].
- Tùy ý ngài, - João Magalhães đáp.
- Để cả joker thì chẳng phải là chơi poker nữa, - Totonho lần đầu tiên lên tiếng - Ta bỏ joker đi, các vị đồng ý chứ?
- Phải lắm, ông bạn của tôi ạ, - và Maneca bỏ quân joker ra.
Ferreirinha cầm trương và mỗi người bỏ năm trăm milreís mua thẻ. João hết sức chăm chú quan sát Totonho. Lão này có con mắt nhìn lờ đờ và đeo ba chiếc nhẫn ở cùng một bàn tay. Lão có vẻ lầm lì và nín lặng. Tốt hơn là cho bài lão ta. Viên đại úy quyết định không ăn gian mà đánh thực thà, thậm chí nếu có thể thì đánh ngớ ngẩn nữa, để thua một tí ti. Như thế y sẽ nhử được các bạn chơi vào một canh khác lợi hơn vô kể.
Trên tay y có một đôi “K” và y đi tiền. Maneca tố thêm mười sáu đồng. Ferreirinha bỏ, Totonho theo và João “đắt”. Ferreirinha chia bài, Maneca rút hai quân, Totonho rút một.
- Đến lượt các ngài, - João nói.
Totonho vứt bài xuống, Maneca đi tiền nhưng không có ai “đắt” và hắn vơ gọn. Hắn tháu cáy và hắn không thể đừng được, chìa bài cho mọi người xem.
“Ba bánh xe”, - hắn nói. Hắn có một cây “K”, một cây “Q”, một cây “J”; hắn định rút lấy một bộ suốt*. João Magalhães vừa cười vừa vỗ vai hắn:
*[Tức là “A” “K” “Q” “J” và 10].
- Giỏi lắm, đại tá, thật là rất cừ.
Totonho nhìn hắn không mỉm cười nhưng cũng không nói gì. Viên đại úy thua sạch cả tiền có trong người, để cho những tay chơi kia được. Không nghi ngờ gì nữa, y sắp làm giàu ở đất ca cao.

9

Xem đánh bài chán, gã khách thương lên boong, nơi Margot đang cúi xuống mặt biển ngập ánh trăng, trầm ngâm suy nghĩ. Biển một màu xanh sẫm và những ánh đèn cuối cùng của thành phố đã biến mất từ lâu. Con tàu lắc lư; hầu hết các hành khách đã về buồng riêng hoặc nằm dài trên ghế, mình quấn trong những tấm chăn nặng trịch; ở khoang hạng ba, chiếc armonica lại thổi một điệu lả lướt. Mặt trăng lúc này ở chính giữa bầu trời, một cơn gió lạnh từ phương Nam thổi tới hất tung những lọn tóc vàng của Margot. Ả nắm lấy lan can và để mặc cho làn tóc bay trong gió.
Thấy có một mình ả, gã khách thương bèn huýt sáo nhè nhẹ và lân la đến gần. Hắn không có kế hoạch hành động gì nhất định, chỉ có một hi vọng mơ hồ trong lòng.
- Xin chào!
Margot quay lại, đưa tay lên mái tóc:
- Xin chào!
- Trời bắt đầu lạnh, phải không nhỉ?
- Đúng thế.
Một lần nữa ả lại nhìn mặt biển soi bóng những vì sao. Chít một chiếc khăn xung quanh mái tóc, ả nhích ra cho gã đến đứng bên lan can. Im lặng hồi lâu. Margot như không nhận thấy có gã ta ở đấy và đắm mình trong sự thưởng ngoạn cái huyền bí của biển, trời. Cuối cùng, gã nói:
- Cô đi Ilhéus?
- Vâng.
- Để ở lại đó?
- Tôi không biết, nếu tôi thành công...
- Trước cô ở chỗ Lúcia?
Ả gật đầu.
- Thứ bảy trước tôi thấy cô ở đấy. Cô đi với viên thầy cò.
- Tôi biết. - Ả quay đi để nhìn mặt biển như kiểu không muốn tiếp tục câu chuyện.
- Ilhéus là một vùng hái ra tiền. Một cô bé xinh đẹp như cô chắc phải tậu được một cái đồn điền nho nhỏ. Trong đám khách, thể nào chẳng có một tay đại tá.
Mắt ả rời khỏi mặt biển, nhìn chằm chặp vào người bạn đồng hành. Hình như ả ngập ngừng định nói; rồi ả lại quay đi và cúi xuống mặt biển, không nói một lời.
- Juca Badaró lúc nãy có nói chuyện với cô, - gã khách thương nói tiếp. - Hãy coi chừng đấy.
- Hắn là ai thế?
- Một trong những người giàu có nhất vùng - và can trường nữa. Người ta bảo những tên làm ở chỗ hắn tiêu xài quá trời - những thằng huênh hoang và thô bạo - chúng chiếm đất của người khác và giết người bừa bãi. Hắn là chúa tể vùng Sequeiro Grande.
Thấy Margot có vẻ chú ý nghe, gã liền tiếp tục:
- Nghe nói cả gia đình hắn, đàn bà lẫn đàn ông đều can trường và tất thảy, kể cả phụ nữ, đều có thể giết người được! Cô có muốn tôi khuyên cô một câu không? Hãy tránh xa ra.
Margot bĩu môi khinh bỉ.
- Thế ai bảo ông là tôi để ý đến hắn? Hắn chỉ là một con gà trống già, cứ thấy con mái tơ nào là chạy theo. Tôi chẳng dính dáng gì với hắn cả. Tôi không chạy theo tiền đâu.
Gã mỉm cười ra vẻ không tin và nhún vai như kiểu muốn nói rằng ý kiến của ả không quan trọng gì đối với gã.
- Có một cô gái thân với hắn lắm, - gã nói. - Vợ Juca đã tìm cách xử trí gọn.
- Nhưng làm sao ông lại cứ đinh ninh là tôi quan tâm đến cái đó kia chứ. Hắn có thể lấy bao nhiêu vợ tùy thích; đây là một người mà hắn không lấy được. - Ả vỗ vào ngực mình.
Một lần nữa, ả lại như lưỡng lự muốn nói gì; rồi đột nhiên ả quyết định:
- Ông đã trông thấy tôi nhảy với Virgílio phải không? Thế thì anh ấy đang ở Ilhéus và tôi đến với anh ấy đấy.
- Đúng vậy, tôi quên mất chuyện đó. Quả là anh ta đang làm ăn ở Ilhéus. Một chàng trai có triển vọng, hả? Nghe nói là đại tá Horácio mời anh ta đến để điều khiển hai đảng. - Gã khách thương gật đầu ra chiều tin tưởng. - Nếu như vậy, tôi không cần nói thêm gì nữa. Ý kiến duy nhất của tôi là: Hãy coi chừng Juca Badaró.
Gã lảng đi. Nói với cô ả làm gì nữa? Một đứa con gái đang yêu còn tệ hơn cả một đứa con gái tân. Nhưng Juca Badaró sẽ nói sao?
Margot cởi khăn và hong tóc trước gió.

10

Một bóng người len lén lên cầu thang và trước khi vào khoang hạng nhất, đảo mắt nhìn quanh một lượt để yên tâm là không có ai. Người đó vuốt tóc, buộc lại cái khăn thắt ở cổ tay còn sưng vù sau những ngược đãi hắn phải chịu đựng ở sở cảnh sát. Chiếc nhẫn to tướng có gắn ngọc giả không còn ở ngón tay hắn nữa. Viên cảnh sát bảo là nếu muốn cho hắn không móc túi người khác được nữa thì chỉ có cách bẻ tay hắn đi thôi. Fernando bước lên bậc cuối cùng và đi về mạn tàu đối diện với chỗ Margot đang đứng. Thoáng thấy một nhân viên trên tàu, hắn tiến lại gần lan can, làm như mình là một hành khách hạng nhất ra hóng mát vậy; sau đó, hắn từ từ lẻn đến một chiếc ghế nằm có một hành khách đang ngáy, hai bàn tay khéo léo luồn xuống dưới tấm chăn chạm phải vỏ thép lạnh của một khẩu súng lục và rút ra khỏi túi nạn nhân của hắn một chiếc ví to sụ. Người kia vẫn không động cựa.
Tên kẻ trộm trở về khoang hạng ba. Ném cái ví không xuống biển, hắn bỏ tiền vào túi; rồi, rón đầu ngón chân, hắn lách qua đám người đang ngủ, tìm một người nào đó. Trong một góc, nằm sóng soài như vừa bị đánh ngã xuống đất, ông lão ra đi để báo thù cho con trai, đang ngáy khò khò. Rút mấy tờ giấy bạc ra, Fernando nhét vào túi ông già với tất cả cái khéo léo có thể có của đôi bàn tay hắn. Hắn nín thở, giấu số bạc còn lại trong lớp lót áo khoác, rồi trở lại cái góc khuất hẻo nơi Antônio đang nằm mơ đến Estância, mơ đến hơi ấm của thân hình Ivone kề sát bên anh.

11

Những giờ cuối cùng của ban đêm, trời lạnh và hành khách trên boong xo ro trong chăn. Margot nghe thấy có tiếng người nói cách chỗ ả mấy bước.
- Nếu năm nay, ca cao thu lợi được mười bốn milreís, tôi sẽ đưa cả gia đình về Rio de Janeiro.
- Tôi thì thích xây một ngôi nhà ở Ilhéus.
Những người đang nói chuyện tới gần.
- Sai người giết trộm Zequinha thật là bẩn thỉu.
- Nhưng lần này sẽ có xét xử đấy. Tôi bảo đảm với ông như vậy. Ta hãy cứ hi vọng thế.
Họ dừng lại trước mặt Margot và sỗ sàng nhìn thẳng vào mặt ả. Người đàn ông béo lùn, mỉm một nụ cười dưới bộ ria to tướng mà cứ hai phút hắn lại vuốt một lần.
- Thế này thì sẽ cảm lạnh mất thôi, quý cô ạ.
Margot không trả lời gì cả.
- Đến Ilhéus, cô ở đâu? - Người kia hỏi. - Ở nhà Machadão chăng?
- Thế thì việc gì đến các ông?
- Đừng có làm cao thế, cô nương ơi. Có phải là nhờ có những người như chúng tôi, cô mới sống được, đúng không nào? Này, đây là ông bạn Moura của tôi, ông ấy sẽ sắp xếp chỗ ăn ở cho cô sang trọng nhất trần đời.
Người thấp lùn vuốt bộ ria mép.
- Và anh cũng sẽ đến thăm cô em nữa, cô em ạ. Cô em chỉ cần nói một tiếng là anh đến thôi.
Họ thoáng trông thấy Juca Badaró đang lại gần.
- Xin ngài tha lỗi cho.
- Kính chào ngài Juca.
Và cả hai lỉnh mất.
Juca gật đầu chào lại rồi quay về phía Margot.
- Đến giờ đi ngủ rồi đấy, cô em ạ. Thà đi ngủ còn hơn chuyện trò với mọi người qua lại.
Hắn chằm chằm nhìn những cái lưng đang rút lui, vẻ không bằng lòng. Nhưng Margot nhìn thẳng vào mặt hắn.
- Ai cho phép ông thò mũi vào công việc của tôi?
- Tốt hơn là hãy coi chừng đấy, cô em ạ. Ta xuống xem vợ ta ở dưới cabin ra sao, nhưng ta sẽ quay lại và nếu ta còn thấy cô em ở đây, thì rầy rà to đấy. Một người đàn bà thuộc về tay ta, phải làm theo ý ta.
Nói rồi, hắn bỏ đi.
- Một người đàn bà thuộc về tay ta... - Margot thầm nhắc lại câu nói đó, vẻ khinh bỉ. Và rất đủng đỉnh, ả đi xuống buồng riêng. Khi đi ngang qua, ả nghe thấy người đàn ông thấp lùn để ria nói:
- Lão Juca Badaró rồi sẽ được một bài học đích đáng.
Bỗng nhiên, ả cảm thấy mình đã thuộc về tay Juca.
- Vậy tại sao ông không tự mình cho hắn bài học ấy? - Ả hỏi.

12

Một im lặng sâu thẳm đè nặng lên con tàu trong khi nó rẽ nước trên mặt biển ban đêm. Kèn armonica và đàn ghi ta ở khoang hạng ba đã thôi không chơi nữa; không còn một tiếng hát nào cất lên những điệp khúc yêu đương và thương nhớ.
Margot đã trở về buồng riêng, không còn một hành khách mơ mộng nào đứng tựa lan can tàu. Tiếng những người chơi poker chưa kịp vọng tới mặt biển đã tắt ngấm. Tắm trong ánh sáng đỏ đầy hăm dọa của vầng trăng, con tàu tiếp tục đi, bao bọc trong im lặng. Đêm trên tàu trôi qua trong giấc ngủ triền miên - giấc ngủ, những giấc mơ và hi vọng của những con người.
Thuyền trưởng từ trên cầu đi xuống, theo sau là thuyền phó. Họ cùng nhau đi ngang qua đám hành khách hạng nhất đang ngủ trong chăn. Thỉnh thoảng, một người thốt ra một tiếng mê sảng về những đồn điền trĩu quả. Thuyền trưởng và thuyền phó bước xuống chiếc cầu thang nhỏ hẹp của khoang hạng ba trong đó đàn ông, đàn bà nằm ngủ sít bên nhau, người nọ sát vào người kia vì rét. Thuyền trưởng lặng thinh. Thuyền phó khẽ huýt sáo một điệp khúc quen thuộc. Antônio Vítor nở một nụ cười khoái trá trên môi; anh nằm mơ thấy mình kiếm được một món tiền lớn trên đất Ilhéus dễ dàng và quay về Estância tìm Ivone. Thuyền trưởng dừng lại; ông ta ngắm anh chàng lai đen đang ngủ.
- Ông trông thấy hắn chứ? - Ông ta vừa nói vừa quay về phía thuyền phó. - Hắn sẽ không cười tươi như thế nữa khi hắn ở trong rừng.
Ông lấy chân hẩy đầu Antônio.
- Họ làm tôi thấy thương hại.
Hai người tới lan can đằng sau tàu. Sóng dâng cao và trăng đỏ kệch. Cả hai đều im lặng. Thuyền phó châm tẩu thuốc cuối cùng, thuyền trưởng nói:
- Ông biết không, đôi khi tôi có cảm tưởng mình là thuyền trưởng một con tàu chở hắc nô ngày xưa.
Thấy thuyền phó không trả lời, ông giải thích:
- Một con tàu đem những người da đen đi bán làm nô lệ.
Ông lấy ngón tay trỏ những bóng người nằm ngủ và Antônio Vítor vẫn đang mỉm cười:
- Nào có khác gì đâu?
Thuyền phó nhún vai, rít tẩu một hơi nhưng không nói gì. Ông ta ngắm biển, ngắm cái bao la của đêm tối và bầu trời đầy sao.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét