Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Kết

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

51

Tháng Tư, 2003

Đợt hạn hán đã kết thúc. Cuối cùng thì tuyết đã rơi ngập tới gối vào mùa đông vừa rồi và bây giờ thì trời mưa ròng rã mấy ngày liền. Sông Kabul lại đang cuộn chảy. Dòng nước lũ mùa xuân đã cuốn những dấu vết của Thành phố Titanic trôi xa.
Bùn đất đầy trên đường phố. Giày dép dính lép nhép, ô tô bị ách lại. Những con lừa chở đầy táo ì ạch bước, móng guốc làm bùn bắn tung tóe từ những vũng nước mưa. Nhưng không ai phàn nàn gì về bùn đất, không ai than khóc thành phố Titanic đã mất đi. Chúng ta cần Kabul xanh trở lại, mọi người nói.
Ngày hôm qua, Laila ngắm nhìn các con mình chơi dưới cơn mưa rào, nhảy từ vũng nước này sang vũng nước khác trong vườn dưới một bầu trời màu xám chì. Lúc đó cô đang đứng nhìn từ cửa sổ phòng bếp của một căn nhà nhỏ có hai phòng ngủ mà họ thuê ở Deh-Mazang. Trong vườn có một cây lựu và một bụi tầm xuân. Tariq đã trát lại những bức tường và dựng cho bọn trẻ một cái cầu trượt, một cái xích đu và một chỗ quây rào nho nhỏ cho con dê mới của Zalmai. Laila ngắm nhìn những hạt nước mưa trượt xuống đầu Zalmai - thằng bé đã đòi được cạo đầu giống như Tariq, giờ anh đã đảm nhận việc đọc kinh Babaloo với Zalmai. Cơn mưa làm mái tóc của Aziza xẹp xuống và biến thành những lọn xoắn sũng nước, bắn tóe vào thằng em khi con bé lắc đầu.
Zalmai đã gần sáu tuổi. Aziza thì mười tuổi. Họ tổ chức sinh nhật cho con bé tuần trước, đưa nó tới rạp Cinema Park, nơi mà cuối cùng thì phim Titanic cũng được công chiếu trên màn ảnh cho khán giả ở Kabul.
- Mau nào các con, chúng ta sẽ muộn mất, - Laila gọi và bỏ đồ ăn trưa của chúng vào một cái túi giấy.
Bây giờ là tám giờ sáng. Laila đã thức dậy từ lúc năm giờ. Như thường lệ, Aziza là người lay cô dậy để đọc bài kinh namaz buổi sáng. Laila biết, lời kinh cầu chính là cách để Aziza gắn với Mariam, chính là cách của con bé để giữ Mariam gần lại một lát trước khi thời gian làm việc của nó, trước khi công việc giật mất Mariam ra khỏi khu vườn ký ức, giống như nhổ sạch rễ của một cây cỏ vậy.
Sau bài kinh namaz, Laila quay trở lại giường nằm và vẫn còn mơ màng khi Tariq rời khỏi nhà. Cô láng máng nhớ anh hôn má cô. Tariq đã tìm được một công việc cho một tổ chức phi chính phủ của Pháp chuyên cung cấp chân, tay giả cho những nạn nhân của bom mìn và những người cụt chân, tay.
Zalmai chạy đuổi theo Aziza vào trong bếp.
- Các con mang vở chưa, cả hai đứa? Bút chì? Sách?
- Đây rồi, - Aziza nói, mở ba lô ra. Laila lại để ý thấy tật nói lắp của con bé đã giảm bớt.
- Thế thì đi nào!
Laila đưa lũ trẻ ra khỏi nhà, khóa cửa lại. Ba mẹ con bước ra ngoài trong một buổi sáng mát mẻ. Ngày hôm ấy không có mưa. Bầu trời màu xanh lơ và Laila không nhìn thấy đụn mây nào ở phía chân trời. Đường phố đã tấp nập, đông đúc, nườm nượp những xe kéo, taxi, xe tải của Liên Hợp Quốc, xe bus, xe jeep của ISAF. Các thương nhân với đôi mắt ngái ngủ đang mở cửa những nhà kho đã được đóng xuống buổi tối hôm trước. Những người bán tạp hóa ngồi đằng sau hàng chồng kẹo cao su và bao thuốc lá. Những bà góa đã đứng chiếm chỗ ở các góc đường và xin những đồng xu lẻ của người qua đường.
Laila thấy thật khác lạ khi quay trở lại Kabul. Thành phố đã thay đổi. Hằng ngày cô nhìn thấy người ta đang trồng cây non, sơn lại những ngôi nhà cũ và chở gạch về xây những ngôi nhà mới. Họ đào mương và giếng nước. Trên các bậu cửa sổ, Laila nhìn thấy những bông hoa được trồng trong vỏ đạn rocket của lực lượng Chiến binh Hồi giáo - những bông hoa rocket - người Kabul gọi chúng như vậy. Mấy hôm trước, Tariq đưa Laila và lũ trẻ tới Vườn Babur đang được cải tạo lại. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm trời, Laila lại nghe thấy tiếng nhạc ở các góc đường phố Kabul, đàn rubab và trống tabla, dootar, đàn đạp hơi và trống lục lạc với những bài ca cũ của Ahmad Zahir.
Laila ước rằng Mammy và Babi còn sống để nhìn thấy những thay đổi này. Nhưng cũng giống như trong bức thư của Jalil, sự hối lỗi của Kabul đã tới quá trễ.
Laila và lũ trẻ đang chuẩn bị vượt qua đường để tới bến xe bus thì đột nhiên một chiếc Land Cruiser màu đen với cửa kính tối màu vụt qua. Nó quặt vào phút cuối và trượt qua Laila, cách cô chưa đầy một cánh tay. Nó làm vũng nước mưa vàng ố bắn lên khắp quần áo lũ trẻ.
Laila giật lũ con mình lại phía vỉa hè, trái tim cô lộn nhào lên tận cuống họng.
Chiếc Land Cruiser tăng tốc trên phố, bấm còi hai lần và đột ngột rẽ trái.
Laila đứng yên, cố lấy lại hơi thở, ngón tay cô nắm chặt cổ tay của lũ trẻ.
Chuyện làm cô choáng váng. Nó làm cô choáng váng nhớ ra những viên tư lệnh đã được phép quay trở lại Kabul. Những kẻ đã giết chết bố mẹ cô sống trong những căn hộ sang trọng với những khu vườn có tường bao quanh, và chúng được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ này, bộ phó bộ kia, và bọn chúng ngồi trên những chiếc SUV sáng bóng, có kính chống đạn, ngang nhiên chạy qua những khu dân cư mà trước đây chính chúng đã tàn phá. Điều đó làm cô choáng váng.
Nhưng Laila đã quyết định rằng cô sẽ không để sự oán giận làm cho tê liệt. Mariam cũng sẽ không muốn điều đó. Điều đó thì có nghĩa lý gì? bà sẽ nói vậy với một nụ cười vừa thơ ngây vừa thông thái. Như thế thì có gì tốt, Laila thân yêu? Và vậy là Laila đành tiến lên phía trước. Vì chính bản thân cô, vì Tariq, vì lũ trẻ của cô. Và vì Mariam, người vẫn đến với Laila hằng đêm trong những giấc mơ, người cô không ngừng nghĩ đến trong từng nhịp thở. Laila phải tiến lên bởi vì cuối cùng thì cô đã hiểu đó là tất cả những gì cô có thể làm. Tiến lên và hy vọng.

Zaman đang đứng ở vạch ném bóng, cong gối và đập một quả bóng rổ nảy lên nảy xuống. Ông đang hướng dẫn một lũ con trai mặc đồng phục áo nịt len ngồi thành một nửa vòng tròn ở trên sân. Nhìn thấy Laila, ông kẹp quả bóng vào dưới nách và vẫy tay. Ông nói điều gì đó với bọn trẻ và rồi chúng cũng vẫy tay và hét to, “Salaam, moalim sahib!”* [Chúng em chào cô ạ!]
Laila vẫy chào lại.
Sân chơi của trại trẻ mồ côi có một hàng táo non dọc theo bức tường hướng Đông. Laila cũng đang định trồng một vài cây ở bức tường phía Nam ngay khi nó được xây dựng lại. Có thêm một cái xích đu mới, mấy cái thang đu mới và một cái cầu trượt.
Laila đi vào bên trong qua chiếc mành cửa.
Họ đã sơn lại cả bên ngoài và bên trong của khu trại trẻ. Tariq và Zaman đã lợp lại mái ngói bị dột, trát lại tường, thay cửa sổ và trải thảm các phòng cho lũ trẻ ngủ và chơi. Mùa đông vừa rồi, Laila đã mua mấy cái giường cho khu phòng ngủ của lũ trẻ, cả những chiếc gối và những chiếc chăn dạ. Cô cũng đã thuê người lắp những chiếc lò sưởi gang dành cho mùa đông.
Anis, một trong những tờ báo của Kabul tháng trước đã đăng một câu chuyện về việc cải tạo trại trẻ mồ côi. Họ cũng chụp ảnh Zaman, Tariq, Laila và một trong những người phục vụ đứng thành một hàng phía sau lũ trẻ. Khi Laila nhìn thấy bài báo, cô nghĩ về những người bạn thời thơ ấu của mình, Giti và Hasina, và lời Hasina nói, Khi chúng ta hai mươi tuổi, Giti và tớ, mỗi đứa bọn tớ đã cho ra lò bốn, năm đứa trẻ con rồi. Nhưng cậu, Laila ạ, cậu sẽ làm cho hai đứa ngu ngốc chúng tớ tự hào. Cậu sẽ trở thành người có tên tuổi. Tớ biết rằng một ngày nào đấy, tớ sẽ cầm một tờ báo và thấy hình cậu ở trang đầu. Dù tấm ảnh không được đăng ở trang nhất nhưng nó cũng đã giống như lời Hasina dự đoán.
Laila rẽ vào một lối đi dẫn tới chính cái hành lang mà hai năm trước đây cô và Mariam đã gửi gắm Aziza cho Zaman. Laila vẫn còn nhớ họ đã phải tách từng ngón tay của Aziza ra khỏi cổ tay cô. Cô nhớ mình đã chạy dọc cái hành lang này, cố kìm lại để không rú lên, Mariam chạy theo gọi cô, còn Aziza đang gào lên hoảng loạn. Bây giờ trên các bức tường hành lang đã treo những bức tranh lớn hình những con khủng long, những nhân vật hoạt hình, những pho tượng Phật ở Bamiyan và triển lãm cả những tác phẩm nghệ thuật của bọn trẻ. Rất nhiều bức vẽ diễn tả cảnh những chiếc xe tăng nghiến qua các túp lều, những người đàn ông đang vung khẩu AK-47 trên tay, những trại tị nạn, những cảnh về cuộc thánh chiến.
Laila rẽ ở một góc hành lang và bây giờ cô nhìn thấy lũ trẻ đang đợi ở bên ngoài phòng học. Chúng chào cô bằng những chiếc khăn, những chiếc đầu cạo trọc được che bởi những chiếc mũ chỏm, bằng những hình dáng nhỏ nhắn, gầy còm của chúng, bằng vẻ đẹp từ sự ảm đạm của chúng.
Khi lũ trẻ nhìn thấy Laila, chúng chạy tới. Chúng lao tới. Laila bị vây xung quanh. Rồi huyên náo những tiêng chào cao vút, những giọng nói the thé, những cái vỗ, giật, kéo, chen lấn xô đẩy để được trèo vào trong vòng tay cô. Những cánh tay nhỏ xíu với ra để mong được cô chú ý. Một vài đứa gọi cô là Mẹ. Laila để yên cho chúng gọi.
Buổi sáng nay Laila phải mất một lúc mới ổn định được lũ trẻ, để xếp chúng thành một hàng và đưa chúng vào lớp học.
Chính Tariq và Zaman đã xây phòng học này bằng cách đập bỏ bức tường giữa hai phòng kề nhau. Sàn nhà thì vẫn bị rạn nứt nghiêm trọng và thiếu mất nhiều viên gạch lát. Để cho nhanh, họ phủ vải dầu lên trên, nhưng Tariq đã hứa sẽ đúc vài viên gạch mới và sẽ sớm trải lại thảm.
Treo trên cửa lớp học là một tấm bảng hình chữ nhật đã được Zaman phủ cát và sơn lên một màu trắng bóng. Ông dùng chổi sơn và viết lên đó bốn dòng thơ, Laila biết đó chính là câu trả lời của ông cho những lời cằn nhằn rằng số tiền hứa hẹn viện trợ cho Afghanistan sẽ không đến, rằng việc tái thiết quá chậm chạp, rằng có hiện tượng tham nhũng, rằng Taliban đang nhen nhóm trở lại và chuẩn bị cho một cuộc trả thù, rằng thế giới sẽ một lần nữa lãng quên Afghanistan. Những lời đó được trích từ một bài thơ ghazal của Hafez mà ông yêu thích:
Joseph sẽ trở về Canaan, đừng bi lụy,
Hovels sẽ trở lại vườn hồng, đừng bi lụy.
Nếu như cơn hồng thủy có tới dìm chết mọi thứ,
Noah sẽ là người chỉ đường của bạn trong mắt bão, đừng bi lụy.
Laila đi qua dưới tấm bảng và vào lớp học. Bọn trẻ đang ổn định chỗ ngồi, mở vở ra và nói chuyện. Aziza đang nói chuyện với một đứa con gái ở hàng kế bên. Một cái máy bay bằng giấy lượn vòng cung ngang phòng. Ai đó lại phi nó trở lại.
- Mở sách Tiếng Farsi của các em ra nào, - Laila nói và để quyển sách của cô xuống bàn.
Trong tiếng giở sách sột soạt đồng loạt, Laila bước lại gần cái cửa sổ không có rèm. Qua cửa kính, cô nhìn thấy lũ con trai đang xếp hàng dưới sân tập ném bóng. Trên đầu chúng, phía dãy núi, mặt trời buổi sáng đang nhô lên. Ánh sáng phản chiếu vào vành kim loại của rổ bóng rổ, chiếc xích sắt của cái xích đu lốp xe, cái còi treo quanh cổ Zaman và cặp kính mới của ông. Laila áp lòng tay vào tấm kính ấm. Nhắm hai mắt lại. Cô để cho ánh sáng mặt trời rọi vào má, vào mí mắt, vào trán mình.
Khi họ mới quay trở lại Kabul, Laila đã rất đau khổ khi cô không biết Taliban chôn Mariam ở chỗ nào. Cô ước rằng cô có thể thăm mộ Mariam, ngồi xuống với bà một lúc, cắm một vài bông hoa trên mộ. Nhưng bây giờ Laila cũng không thấy điều đó quá quan trọng. Mariam chưa bao giờ ở xa. Bà vẫn ở đây, trong những bức tường họ sơn lại, trong những cái cây họ trồng, trong những tấm chăn giữ ấm cho bọn trẻ, trong những cái gối, những quyển sách và những chiếc bút chì. Bà hiển hiện trong nụ cười của lũ trẻ. Bà ở trong những vần thơ của Aziza và trong những lời cầu nguyện của cô bé khi cô bé vái về hướng Tây. Nhưng trên tất cả, Mariam ở trong lòng của Laila, nơi bà tỏa ra những tia ấm áp của ngàn mặt trời.
Laila nhận ra có ai đó đang gọi tên cô. Cô quay lại, nghiêng đầu theo bản năng và nhướng tai lên một chút. Đó là Aziza.
- Mammy? Mammy không sao chứ?
Căn phòng đã trở nên yên tĩnh. Lũ trẻ đang dõi theo cô.
Laila định trả lời nhưng đột nhiên hơi thở nghẹn lại. Hai bàn tay của cô trượt xuống. Chúng chạm vào chỗ mà chỉ một khoảnh khắc trước đây cô cảm thấy một chuyển động lan khắp người mình. Cô chờ đợi. Nhưng không có thêm động tĩnh gì nữa.
- Mammy?
- Ừ, con yêu. - Laila mỉm cười. - Mẹ ổn. Mẹ rất ổn.
Khi bước lại bàn mình ở trước lớp, Laila nghĩ về trò chơi đặt tên mà họ đã chơi trong bữa ăn tối ngày hôm trước. Nó đã trở thành một thứ nghi lễ hằng tối từ khi Laila báo tin cho Tariq và lũ trẻ. Họ thay phiên nhau đưa ra các lựa chọn của mình. Tariq thích Mohammad. Zalmai vừa mới xem video bộ phim Siêu nhân thì hỏi tại sao những đứa trẻ Afghanistan không được đặt tên là Clark. Aziza thì đấu tranh cho cái tên Aman. Laila thích Omar.
Nhưng trò chơi chỉ liên quan tới những tên con trai. Bởi vì, nếu đó là bé gái, Laila đã có sẵn một cái tên.
------------
Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét