Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 44

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

44

Laila

Tariq kể rằng một trong những người ở cùng xà lim với anh có một người anh họ bị đánh đòn trước đám đông vì tội vẽ chim hồng hạc. Anh ấy, người anh họ, có một thứ dường như là thứ bệnh vô phương cứu chữa trong mắt họ.
- Trọn một bộ ký họa, - Tariq nói. - Hàng tá bức tranh sơn dầu về chúng, đang lội qua đập nước, đang tắm nắng ở khu đầm lầy. Và cả bay vào hoàng hôn nữa, anh e là như vậy.
- Những con hồng hạc, - Laila nói. Cô nhìn anh đang ngồi quay lưng lại với bức tường, cái chân lành lặn của anh khoanh lại. Cô khao khát dược chạm vào anh lần nữa, giống như cô đã làm lúc nãy ở cổng trước, khi cô chạy về phía anh. Bây giờ cô xấu hổ khi nhớ lại cảnh mình choàng tay qua cổ anh và gục vào ngực anh, cách cô gọi tên anh liên tục bằng cái giọng khàn đặc và líu ríu. Cô nghĩ không biết có phải cô đã phản ứng quá nồng nhiệt, quá liều lĩnh không? Có thể thế lắm chứ. Nhưng cô không thể nào cưỡng lại được. Và bây giờ cô muốn lao tới để chạm vào anh một lần nữa, để chứng minh với chính mình rằng anh đang thực sự ở đây, rằng anh không phải là giấc mơ, là ảo ảnh.
- Thật thế, - anh nói. - Những con hồng hạc.
Tariq kể, khi quân Taliban tìm thấy những bức tranh, chúng bực mình với những cái chân dài để trần của mấy con chim. Sau khi trói chân người anh họ kia lại và quất roi vào lòng bàn chân anh ấy đến bật máu, chúng bắt anh ấy phải lựa chọn: hoặc phá hủy các bức tranh hoặc làm cho những con hồng hạc trở nên trang nhã hơn. Vì thế người anh họ kia nhặt bút lông lên và vẽ thêm quần cho những con chim còn lại.
- Thế nào thì em biết rồi đấy. Những con hồng hạc theo đạo Hồi, - Tariq nói.
Tiếng cười chực bật ra từ miệng Laila nhưng cô đã dằn nó lại. Cô xấu hổ về hàm răng ố vàng, về cái răng cửa bị mất của mình. Cô xấu hổ về vẻ ngoài tiều tụy với cặp môi sưng phồng của mình. Cô ước gì mình đã có cơ hội để rửa mặt hay ít nhất là chải lại mái tóc.
- Nhưng anh ấy, người anh họ kia mới là người chiến thắng, - Tariq nói tiếp. - Anh ấy vẽ những cái quần bằng màu nước. Khi quân Taliban đi khỏi, anh ấy chỉ việc rửa chúng đi. - Anh cười. - Laila nhận ra anh cũng bị mất một chiếc răng - và nhìn xuống tay mình. - Thật thế.
Tariq đang đội một chiếc pakol trên đầu, đi đôi giày leo núi và mặc áo len màu đen phủ kín thắt lưng chiếc quần kaki. Anh nhếch miệng cười và gật gù chậm rãi. Laila không nhớ trước đây anh đã từng nói vậy chưa, cái từ thật thế và cử chỉ trầm ngâm này, các ngón tay đan vào nhau tạo thành hình túp lều trên vạt áo anh, điệu bộ gật gù, tất cả đều mới lạ quá. Đấy là ngôn từ của người lớn, cử chỉ của người lớn, ấy thế mà sao nó lại khiến Laila ngạc nhiên đến vậy? Vì anh bây giờ đã là một người trướng thành, Tariq ấy, một người đàn ông hai mươi lăm tuổi với cử động chậm rãi và nụ cười mệt mỏi. Cao, có râu, mảnh khảnh hơn hình dung của cô trong những giấc mơ về anh, nhưng đôi bàn tay của anh thì rắn chắc, đôi bàn tay của người lao động, với đầy các đường gân ngang dọc. Khuôn mặt anh vẫn xương xương và điển trai nhưng làn da không còn trắng trẻo nữa; trán anh hằn rõ vẻ từng trải, dãi nắng dầm mưa, giống như phần cổ, vầng trán của người lữ hành ở cuối chặng đường dài và mệt mỏi. Cái mũ pakol được kéo ra sau đầu và cô có thể nhìn thấy tóc anh đang bắt đầu rụng. Đôi mắt màu lục của anh giờ đây nhìn ảm đạm hơn so với cô nhớ, nhạt hơn, hoặc có lẽ chỉ do ánh sáng của căn phòng.
Laila nghĩ về mẹ Tariq, về cử chỉ khoan thai, nụ cười thông minh và mái tóc giả màu tía nhạt của bà. Và bố anh, với ánh nhìn từ đôi mắt bị lé, vẻ châm biếm hóm hỉnh của ông. Lúc nãy, ở ngoài cửa, với một giọng nghẹn ngào nước mắt, nấc lên từng tiếng, cô kể lại với Tariq về những gì cô nghĩ là đã xảy ra với anh cùng bố mẹ anh, và anh lắc đầu. Vì vậy, cô hỏi anh bây giờ họ, bố mẹ anh, như thế nào rồi. Nhưng cô hối hận vì đã hỏi như vậy khi Tariq nhìn xuống và nói với vẻ đờ đẫn, “Họ mất cả rồi”.
- Em rất tiếc.
- Ừ. Thôi. Anh cũng thế. Đây. - Anh lấy ra từ trong túi một gói giấy nhỏ rồi đưa cho cô. - Quà của Alyona.
Bên trong là cục pho mát bọc giấy bóng.
- Alyona. Cái tên đẹp quá. - Laila cố gắng nói tiếp mà không bị vấp. - Vợ anh à?
- Con dê của anh. - Anh cười với cô với vẻ mong đợi, như thể anh đang chờ cô lục lại một ký ức.
Laila chợt nhớ ra. Một bộ phim Xô Viết. Alyona là con gái của truyền trưởng, cô đem lòng yêu người thuyền phó. Đó là ngày mà cô, Tariq và Hasina nhìn thấy những chiếc xe tăng, xe jeep của Xô Viết rời khỏi Kabul, là ngày Tariq đội cái mũ lông thú Nga lố bịch đó.
- Anh phải cột nó vào cái cọc, - Tariq kể. - Và xây hàng rào. Nhằm ngăn bọn chó sói. Ở chân đồi chỗ anh ở, có khu rừng gần đấy, có lẽ cách một phần tư dặm, hầu hết là cây thông, vài cây linh sam và cây thông tuyết. Chúng chủ yếu ở trong rừng, bọn chó sói ấy, nhưng một con dê kêu be be, có vẻ như đang đi lang thang, sẽ thu hút sự chú ý của chúng. Vì thế cần có hàng rào. Có cọc.
Laila hỏi anh chân đồi nào.
- Pir Panjal. Pakistan, - anh nói. - Nơi anh sống gọi là Murree; nó là một nơi nghỉ dưỡng mùa hè, cách Islamabad một giờ. Ở đó nhiều đồi núi và xanh ngắt, nhiều cây, nằm trên cao so với mực nước biển. V1 thế vào mùa hè ở đây rất mát. Một địa điểm du lịch hoàn hảo.
Tariq kể, người Anh đã xây dựng nó để làm khu nghỉ dưỡng trên đồi, gần cơ quan quân sự đầu não của họ ở Rawalpindi với mục đích giúp cho quân của Nữ hoàng Victoria tránh cái nóng. Ta cũng có thể tìm thấy những di tích của thời thực dân còn sót lại, phòng trà dành cho các dịp đặc biệt, nhà gỗ một tầng mái lợp tôn gọi là nhà mùa hè, những thứ kiểu như thế. Thị trấn nhỏ và dễ chịu. Con đường chính gọi là Mall, có bưu điện, chợ, một vài quán xá, cửa hàng bán những cái ly được sơn vẽ và mấy tấm thảm kết bằng tay bán cho khách du lịch với giá cắt cổ. Đáng chú ý nhất là giao thông một chiều của Mall, lưu thông về một hướng trong một tuần, và về hướng ngược lại vào tuần tiếp theo.
- Người bản địa nói rằng giao thông của Ireland nhiều nơi cũng giống thế. Anh cũng không biết. Dù sao nó cũng rất tuyệt. Cuộc sống đơn giản nhưng anh thích thế. Anh thích sống ở đấy.
- Với con dê của anh. Với Alyona.
Laila không có ý châm chọc mà muốn đề cập đến một vấn đề sâu xa khác, đó là ở đấy anh có ai khác cùng ở, cùng chia sẻ nỗi lo lắng về việc bầy sói ăn mất con dê không. Nhưng Tariq chỉ tiếp tục gật gù.
- Anh cũng rất tiếc về chuyện của bố mẹ em, - anh nói.
- Anh đã nghe...
- Lúc nãy anh có nói chuyện với mấy người hàng xóm, - anh kể. Một khoảng im lặng, Laila tự hỏi là những người hàng xóm kia có nói gì khác nữa không. - Anh không nhận ra ai cả. Ý anh là những người hồi xưa ấy.
- Họ đã đi cả rồi. Chẳng còn ai anh quen cả.
- Anh không nhận ra Kabul nữa.
- Em cũng vậy, - Laila đáp. - Đấy là em còn chưa bao giờ ra khỏi đây đấy.

- Mẹ có bạn mới, - Zalmai nói sau bữa tối ngày hôm đó, khi Tariq đã rời khỏi. - Một người đàn ông.
Rasheed nhìn lên.
- Cô ta dám, vào lúc này?

Tariq hỏi anh có thể hút thuốc không.
Tariq vừa gạt tàn thuốc vào cái đĩa nhỏ vừa kể lại anh và bố mẹ đã sống một thời gian ở trại tị nạn Nasir Bagh gần Peshawar. Khi họ đến nơi, đã có khoảng sáu mươi nghìn người Afghanistan sống ở đó.
- Nó không đến nỗi tệ như các trại khác, chẳng hạn như Jalozai, tạ ơn Thượng đế, - anh nói. - Anh đoán về khía cạnh nào đó nó thậm chí còn được xem là một kiểu trại hiện đại, vào thời Chiến tranh lạnh ấy, một nơi mà phương Tây có thể chỉ vào để chứng minh với thế giới rằng họ không đồng lõa với cánh tay quyền lực của Afghanistan.
Nhưng đó là từ thời chiến tranh Xô Viết rồi, Tariq tiếp tục, thời đại huy hoàng của cuộc Thánh chiến Hồi giáo, với sự quan tâm của toàn thế giới và những lần viếng thăm cùng các khoản cứu trợ hào phóng từ Margaret Thatcher.
- Em biết phần kết rồi đấy, Laila. Sau khi chiến tranh kết thúc, Xô Viết sụp đổ, phương Tây chiếm ưu thế. Afghanistan chẳng đem lại chút lợi lộc nào cho họ nữa và tiền tài trợ cạn dần. Bây giờ Nasir Bagh chỉ còn lại toàn lều bạt, bụi bặm và các cống lộ thiên. Khi gia đình anh đến đó, họ gí vào tay bọn anh một cây gậy, một tấm bạt và bảo bọn anh tự đi mà dựng lều cho mình.
Tariq nói rằng điều anh nhớ nhất về Nasir Bagh, nơi họ đã sống trong một năm, là màu nâu.
- Lều nâu. Người nâu. Chó nâu. Cháo cũng nâu nốt.
Có một cái cây trụi lá mà anh hay leo hằng ngày, nơi anh ngồi ghếch chân trên một cành cây và nhìn những người tị nạn nằm phơi mình dưới ánh mặt trời, những đôi bàn chân, cẳng chân của họ hiện ra trần trụi. Anh nhìn những đứa bé trai gầy còm đang xách nước trong mấy cái thùng xăng, đang thu nhặt phân chó lại để đốt, đang dùng dao cùn đẽo những khẩu súng đồ chơi AK-47 bằng gỗ, đang kéo lê những túi bột mì mà chẳng ai có thể dùng làm bánh vì đã vón lại thành cục. Xung quanh khu trại tị nạn, gió thổi làm lều bay phần phật. Gió quăng quật các gốc cỏ dại bay khắp mọi nơi, nâng những con diều bay lên từ các mái lều trát bùn.
- Rất nhiều đứa trẻ đã chết. Bệnh lỵ, lao, đói khát - và nhiều thứ khác nữa. Hầu hết là vì cái bệnh lỵ chết tiệt đó. Lạy Thánh Allah, Laila. Anh đã nhìn thấy người ta chôn bao nhiêu đứa trẻ. Thực sự đó là điều khủng khiếp nhất mà người ta có thể chứng kiến.
Anh vắt chéo hai chân. Sự im lặng lại bao trùm lấy họ trong một lúc.
- Bố anh đã không sống sót được qua mùa đông đầu tiên, - anh trầm ngâm. - Ông chết trong lúc đang ngủ. Anh không nghĩ là có chút gì đau đớn.
Anh kể tiếp, cũng mùa đông năm ấy mẹ anh bị viêm phổi và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh, bà hẳn đã không sống nổi nếu không có vị bác sĩ ở khu trại, người đã biến một chiếc ô tô thành phòng khám di động. Bà thức suốt đêm, sốt, ho và khạc ra đờm sền sệt màu gỉ sắt. Người ta xếp hàng dài để được bác sĩ khám bệnh. Mọi người trong hàng đều run rẩy, rên rỉ, ho, có vài người còn bị đi ngoài và phân chảy xuống chân họ, những người khác thì quá mệt, quá đói hay quá yếu đến mức không thể nói được thành tiếng.
- Nhưng ông ấy rất tử tế, ông bác sĩ ấy. Ông ấy chữa bệnh cho mẹ anh, cho bà thuốc và cứu sống bà qua được mùa đông năm ấy.
Cũng mùa đông năm ấy, Tariq đã dồn một thằng bé vào góc tường.
- Thằng bé mười hai, hay mười ba tuổi gì đó, - anh nói đều đều. - Anh cầm mảnh gương vỡ, gí vào cổ họng nó và giật tấm chăn từ tay nó. Anh đưa chăn cho mẹ.
Tariq nói rằng sau trận ốm đó của mẹ, anh đã thề với mình rằng họ sẽ không phải trải qua bất cứ mùa đông nào ở trại tị nạn nữa. Anh sẽ đi làm, để dành tiền và chuyển mẹ đến một căn hộ ở Peshawar với nguồn nước nóng sạch. Khi mùa xuân đến, anh bắt đầu tìm việc. Mỗi ngày, một chiếc xe tải đến khu trại từ sáng sớm và lấy khoảng vài chục thanh thiếu niên, đưa họ đến công trường để chuyển đá hay đến các vườn cây ăn quả để thu hoạch táo, công là ít tiền lẻ, đôi khi là cái chăn, đôi giày. Nhưng họ không bao giờ muốn nhận anh, Tariq kể.
- Chỉ cần nhìn thấy chân anh là họ không nhận nữa.
Cũng có những công việc khác. Đào mương, xây các khu nhà tạm bợ, xách nước, xúc phân từ nhà xí. Nhưng những thanh niên lành lặn khỏe mạnh đã giành hết mấy công việc đó và Tariq không bao giờ có cơ hội.
Rồi một ngày mùa thu năm 1999, anh gặp một người chủ cửa hàng.
- Ông ta trả tiền cho anh để anh mang một chiếc áo khoác da đến Lahore. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ, đủ cho một tháng hay có lẽ hai tháng tiền thuê nhà.
Ông ta đưa cho anh một vé xe bus và địa chỉ của một góc phố gần nhà ga Lahore, nơi anh phải đưa chiếc áo khoác cho một người bạn của ông ta.
- Anh đã biết. Tất nhiên anh biết, - Tariq khẳng định. - Ông ấy nói nếu như bị bắt, anh phải khai anh làm một mình, rằng anh nên nhớ ông ta biết nơi mẹ anh đang ở. Nhưng số tiền quá hấp dẫn để có thể từ bỏ. Mà mùa đông lại đang đến.
- Anh cầm nó được bao xa? - Laila hỏi.
- Không xa lắm, - anh cười nói, nghe có vẻ hơi hối hận, xấu hổ. - Anh thậm chí còn chưa lên xe bus. Nhưng anh cứ nghĩ là anh sẽ thoát, em biết đấy, an toàn. Cho dù ở một số chỗ vẫn có người kiểm tra sổ sách, một gã nhét cây bút chì sau tai cứ theo dõi những thứ như thế và kiểm tra các thứ, thế nào gã cũng sẽ nhìn xuống và nói, “Được, được, cậu ta được mang cái này, cho qua đi. Cậu ta đã trả các khoản thuế cho thứ này”.
Cần sa được nhét giữa các đường may nối, nó tràn ra khắp đường khi cảnh sát lấy dao rạch vào cái áo khoác.
Nói đến đây, Tariq lại cười, một cái cười run bần bật, và Laila nhớ anh đã cười như thế khi họ còn nhỏ, để che giấu sự bối rối, để biện hộ cho những việc điên rồ hay đáng hổ thẹn mà anh đã làm.

- Ông ta đi khập khiễng, - Zalmai nói.
- Có phải là cái gã mà tôi đang nghĩ tới không?
- Cậu ta chỉ viếng thăm thôi, - Mariam phân trần.
- Cô, im ngay, - Rasheed gắt gỏng cắt ngang, chĩa ngón tay. Lão ta quay sang Laila. - Vậy, cô biết gì nào? Laili và Majnoon tái hợp hả. Giống như ngày xưa chứ gì. - Mặt lão ta trở nên lạnh lùng. - Thế là cô đã để hắn vào nhà. Ở đây. Trong nhà tôi. Cô để hắn bước vào. Hắn ở đây với con trai tôi.
- Ông đã lừa tôi. Ông đã nói dối tôi, - Laila nói, nghiến răng rin rít. - Ông thuê người đàn ông đó tới ngồi đối diện với tôi và... Ông biết là tôi sẽ bỏ đi nếu tôi nghĩ anh ấy vẫn còn sống.
- CÒN CÔ THÌ KHÔNG NÓI Dối TÔI CHẮC? - Rasheed rống lên. - Cô nghĩ tôi không đoán ra được à? Về đứa harami của cô! Cô coi tôi là thằng ngu à, đồ đĩ thõa?

Tariq càng kể, Laila càng thấy sợ cái thời khắc mà anh sẽ kết thúc câu chuyện. Sự yên lặng khi ấy sẽ bao trùm, dấu hiệu đó có nghĩa rằng đến lượt cô giải thích tại sao, như thế nào và bao giờ, để xác nhận những thứ mà chắc chắn anh đã biết. Cứ khi nào anh ngừng nói là cô lại cảm thấy hơi buồn nôn, chóng mặt. Cô tránh ánh mắt của anh. Cô nhìn xuống bàn tay anh, nhìn những đám lông cứng sẫm màu đã xuất hiện trên mu bàn tay trong những năm cô không gặp anh.
Tariq không nói nhiều về những năm tháng trong tù, chỉ nói những thứ đại loại như anh đã học nói tiếng Urdu ở đó. Khi Laila hỏi, anh lắc đầu một cách nôn nóng. Từ cử chỉ này, Laila nhìn thấy các song sắt gỉ sét và những thân người không tắm gội, những người đàn ông hung bạo và những gian phòng chật chội, đông nghẹt, trần nhà mốc meo rêu mọc. Cô đọc được trên khuôn mặt anh những suy nghĩ về một nơi mà nhân phẩm bị hạ thấp, một nơi của sự hèn hạ và tuyệt vọng.
Tariq nói mẹ anh đã cố gắng đến thăm anh sau khi anh bị bắt.
- Bà đến ba lần. Nhưng anh không được gặp bà lần nào cả, - anh kể.
Anh viết cho bà một lá thư, và sau đó vài bức nữa, dù vậy anh không chắc bà có nhận được hay không.
- Và anh cũng viết thư cho em nữa.
- Thật anh viết cho em à?
- Ừ, hàng tập thư, - anh nói. - Ông bạn Rumi* của em cũng phải ghen tị với khả năng viết lách của anh đấy. - Rồi anh lại cười, lần này sảng khoái hơn, mặc dù anh chợt giật mình về sự bạo gan của mình và thấy ngượng vì những gì mình vừa tiết lộ.
*[Một nhà thơ Afghanistan mà Laila yêu thích]
Zalmai bắt đầu kêu ầm trên lầu.

- Rồi giống như ngày xưa chứ gì, - Rasheed nói. - Cả hai người. Tôi đoán là cô cho hắn nhìn thấy mặt rồi đúng không.
- Mẹ đã làm thế, - Zalmai nhanh nhảu. Sau đó nó quay sang Laila, - Mẹ đã làm thế mà. Con đã thấy mẹ làm thế.

- Con trai em không thích anh cho lắm thì phải, - Tariq nói khi Laila trở xuống cầu thang.
- Em xin lỗi, - cô nói. - Không phải như thế đâu. Nó chỉ... Thôi đừng bận tâm về nó.
Sau đó cô vội chuyển chủ đề vì cảm thấy tội lỗi và day dứt với Zalmai, nó chỉ là đứa bé, một đứa bé rất yêu bố nó, mà bố nó lại là người có ác cảm sẵn với người lạ thì thái độ đó của nó cũng dễ hiểu và chính đáng thôi.
Và anh đã viết thư cho em.
Hàng tập.
Hàng tập thư.
- Anh ở Murree bao lâu rồi?
- Chưa tới một năm, - Tariq trả lời.
Anh kết bạn với một người đàn ông lớn tuổi hơn ở trong tù, tên là Salim, một người Pakistan, trước đây từng là vận động viên hockey sân cỏ, vốn phải vào tù ra tội nhiều năm rồi và lúc đó đang phải chịu án mười năm tù vì đã đâm một cảnh sát chìm. Nhà tù nào cũng có người như Salim, Tariq nói. Luôn luôn có một người nào đó rất khôn ngoan và quen biết rộng, nắm được hệ thống và tìm cho ta những thứ ta cần, người luôn được bao quanh bởi cả cơ hội và hiểm nguy. Chính Salim đã nhờ bên ngoài hỏi thăm tin tức về mẹ của Tariq, chính Salim đã ngồi xuống bên cạnh anh và thông báo với anh bằng giọng nhẹ nhàng và hiền hậu rằng mẹ anh đã chết vì phải dầm dãi nắng mưa.
Tariq trải qua bảy năm ở nhà tù Pakistan.
- Anh vượt qua cũng dễ dàng, - anh kể. - Anh rất may mắn. Vị chủ tọa phiên tòa xét xử anh hóa ra lại có một người anh kết hôn với một phụ nữ Afghanistan. Có lẽ thế nên ông ta tỏ vẻ khoan dung. Anh cũng không biết nữa.
Khi Tariq mãn hạn tù vào đầu mùa đông năm 2000, Salim đưa cho anh địa chỉ và số điện thoại của anh trai ông. Người này tên là Sayeed.
- Ông ấy nói Sayeed là chủ một khách sạn nhỏ ở Murree, - Tariq nói. - Nó có hai mươi phòng và một phòng khách, một chỗ nhỏ để phục vụ khách du lịch. Ông ấy bảo anh cứ nói là ông ấy giới thiệu anh đến.
Tariq thích Murree ngay khi mới vừa đặt chân xuống xe bus: những cây thông phủ đầy tuyết; không khí lạnh và khô; những ngôi nhà gỗ nhỏ làm từ ván khuôn, khói cuồn cuộn từ các ống khói.
Trong lúc gõ cửa nhà Sayeed, Tariq đã nghĩ nơi này không chỉ tách biệt hẳn với sự bất hạnh mà bất kỳ ai đến đây cũng trút bỏ được nỗi gian khổ và buồn đau bằng cách này hay cách khác, không thể tin được.
- Anh tự nhủ, đây là nơi để một người có thể bắt đầu lại từ đầu.
Tariq được thuê làm người quét dọn và lo các công việc lặt vặt. Trong một tháng thử việc anh đã làm rất tốt, được trả một nửa tiền công và Sayeed đã chính thức nhận anh. Qua lời Tariq kể, Laila hình dung ra Sayeed, cô tưởng tượng ông có khuôn mặt hồng hào và đôi mắt ti hí, đang đứng ở cửa sổ phòng lễ tân theo dõi Tariq chẻ củi và xúc tuyết ra khỏi lối đi. Cô mường tượng cảnh ông khom người xuống chân Tariq và quan sát khi Tariq đang nằm dưới bồn rửa mặt để sửa đường ống nước bị rò rỉ. Cô hình dung cảnh ông đang kiểm tra sổ sách để xem có khoản tiền nào bị hụt hay không.
Túp lều sơ sài của Tariq được dựng bên cạnh cái chòi nhỏ của người đầu bếp. Người đầu bếp là một quả phụ già đáng kính tên là Adiba. Cả hai túp lều đều tách biệt khỏi khách sạn, được ngăn cách với tòa nhà chính bởi những cây hạnh rải rác, một cái ghế dài trong công viên, và một đài phun nước bằng đá có hình kim tự tháp, vào mùa hè, tiếng nước chảy róc rách suốt cả ngày. Laila hình dung ra Tariq trong túp lều của anh, nằm trên giường và nhìn cái thế giới bên ngoài phủ đầy lá cây qua khung cửa sổ.
Kết thúc giai đoạn thử việc, Sayeed nâng đủ lương cho Tariq và nói anh được ăn trưa miễn phí, cho anh một cái khoác len và lắp cho anh cái chân mới. Tariq kể anh đã òa khóc trước sự tốt bụng của ông.
Với tháng lương đầu tiên trong túi, Tariq đi đến thị trấn và mua Alyona.
- Bộ lông của nó trắng tinh, - Tariq nhớ lại và cười. - Thỉnh thoảng vào buổi sáng, sau khi tuyết rơi cả đêm, khi nhìn ra cửa sổ ta chỉ thấy có đôi mắt và cái mõm của nó.
Laila gật đầu. Lại một khoảng im lặng. Trên lầu, Zalmai lại bắt đầu nảy quả bóng vào tường.
- Em cứ nghĩ anh đã chết rồi, - Laila nói.
- Anh biết. Em nói với anh rồi mà.
Giọng Laila vỡ òa. Cô phải đằng hắng và tự trấn tĩnh.
- Một người đàn ông đến và thông báo tin về anh, ông ta quá tử tế... Em đã tin hắn, Tariq. Em ước gì mình đã không tin vào những điều đó, nhưng em đã tin. Và sau đó em cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Nếu không, em đã không đồng ý cưới Rasheed. Em đã không...
- Em không cần phải nói thế, - anh nói nhẹ nhàng, lảng tránh ánh mắt của cô. Trong cách anh nói không hề có sự trách móc, buộc tội. Không một lời đổ lỗi nào.
- Nhưng em phải nói. Bởi vì có một lý do khác lớn hơn khiến em phải lấy ông ta. Có một điều mà anh chưa biết, Tariq. Một người. Em phải nói với anh.

- Con cũng ngồi đó và nói chuyện với hắn à? - Rasheed hỏi Zalmai.
Zalmai không nói gì cả. Laila nhìn thấy sự ấp úng và không nhất quyết trong mắt thằng bé, như thể nó chợt nhận ra là những gì nó vừa khai đã trở nên nghiêm trọng hơn nó nghĩ.
- Con trai, bố đang hỏi con đấy.
Zalmai nuốt nước bọt. Nó nhìn hết chỗ này đến chỗ khác.
- Con ở trên lầu, chơi với Mariam.
- Thế còn mẹ con?
Zalmai nhìn Laila đầy hối hận, nó như suýt khóc.
- Không sao đâu mà, Zalmai, - Laila nói. - Con cứ nói sự thật đi.
- Mẹ... mẹ ở dưới nhà và nói chuyện với người đàn ông đó, - nó nói thều thào chẳng hơn gì tiếng thì thầm.
- Tôi hiểu rồi, - Rasheed nói. - Các người vào hùa với nhau.

Tariq nói khi anh chuẩn bị đi:
- Anh muốn gặp con bé. Anh muốn nhìn thấy nó.
- Em sẽ sắp xếp, - Laila nói.
- Aziza, Aziza. - Anh cười, nhấm nháp từng chữ một. Bất cứ khi nào Rasheed thốt ra tên con gái cô, Laila đều cảm thấy một sự độc địa, gần như là thô tục. - Aziza. Cái tên thật đáng yêu.
- Và con bé cũng thế. Rồi anh sẽ thấy.
- Anh sẽ mong chờ từng phút.
Đã gần mười năm trôi qua kể từ khi hai người gặp nhau lần cuối. Tất cả những lần họ gặp nhau trong cái ngõ hẻm, lén lút hôn nhau lại vụt qua tâm trí Laila. Cô tự hỏi bây giờ anh thấy cô như thế nào. Anh có còn thấy cô xinh đẹp không? Hay anh coi thường cô, khinh miệt cô, xem cô như một mụ đàn bà già xấu xí, đáng sợ và hay thay đổi? Gần mười năm rồi. Nhưng, trong phút chốc, khi cô đứng đó với Tariq trong ánh mặt trời, dường như bao nhiêu năm tháng ấy chưa từng có. Cái chết của bố mẹ cô, cuộc hôn nhân với Rasheed, những sự giết chóc, những loạt rocket, quân Taliban, những trận đòn, sự đói khát, thậm chí các con của cô, tất cả dường như chỉ là một giấc mơ, một con đường vòng kỳ dị, một khoảng lặng thời gian giữa buổi chiều hôm ấy và khoảnh khắc này.
Sau đó, Tariq thay đổi sắc mặt, anh trở nên nghiêm nghị. Cô hiểu biểu hiện này. Nó nhìn giống như khuôn mặt của anh vào ngày đó, khi họ còn là trẻ con, khi anh tháo chân giả của mình ra và đuổi đánh Khadim. Bây giờ anh với một tay chạm vào vành môi dưới của cô.
- Lão ta đã làm thế với em phải không? - anh hỏi một cách lạnh lùng.
Sự đụng chạm ấy làm Laila nhớ lại sự mê muội của buổi chiều hôm đó, khi họ đã cùng nhau tạo ra bé Aziza. Hơi thở của anh trên cổ cô, cơ hông của anh gập lại, ngực anh ép chặt xuống bầu ngục cô, tay họ đan xen vào nhau.
- Anh ước gì anh đã mang em theo, - Tariq gần nhu thì thầm.
Laila phải hạ ánh mắt xuống, cố gắng không khóc.
- Anh biết bây giờ em đã là người đàn bà có gia đình và là một bà mẹ. Vậy mà giờ anh lại ở đây, sau bao năm, sau tất cả những gì đã xảy ra, anh lại xuất hiện tại ngưỡng cửa nhà em. Có lẽ, như vậy thật không phải, không công bằng, nhưng anh đã đi một đoạn đường dài đến đây để gặp em, và... Ôi, Laila, anh ước gì anh chưa bao giờ bỏ em mà đi.
- Đừng như thế, - cô thốt lên.
- Đáng lẽ anh nên cố gắng hơn. Anh nên cưới em khi anh có cơ hội. Như vậy thì mọi thứ đã khác đi rồi.
- Đừng nói thế nữa. Em xin anh đấy. Đau xót lắm.
Anh gật đầu, dợm bước về phía cô, rồi dừng lại.
- Anh không muốn giả định một điều gì cả. Và anh không có ý định làm đảo lộn cuộc sống của em khi tự nhiên lù lù xuất hiện như thế này. Nếu em muốn anh ra đi, nếu em muốn anh trở lại Pakistan, hãy nói một lời thôi Laila. Anh sẽ làm vậy. Chỉ cần em bảo là anh sẽ đi. Anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa. Anh sẽ...
- Không! - Laila nói, giọng sắc lạnh hơn dự định. Cô nhận ra rằng cô đang với lấy tay anh, đang níu chặt nó. Rồi cô buông tay ra. - Đừng đi, Tariq. Không. Hãy ở lại đây.
Tariq gật đầu.
- Ông ta làm việc từ trưa đến tám giờ tối. Hãy quay lại vào chiều mai. Em sẽ dẫn anh đến chỗ Aziza.
- Anh không sợ hắn ta, em biết mà.
- Em biết. Hãy trở lại vào chiều mai.
- Rồi sau đó?
- Rồi sau đó... Em không biết nữa. Em phải nghĩ đã. Điều này thật...
- Anh biết, - anh nói. - Anh hiểu mà. Anh xin lỗi. Anh xin lỗi về mọi chuyện.
- Đừng như thế. Anh đã hứa là anh sẽ trở về. Và anh đã thực hiện.
Mắt anh ngân ngấn nước.
- Thật tốt biết bao khi được gặp lại em, Laila.
Cô đứng yên, run rẩy nhìn anh bước đi. Cô nghĩ, hàng tập thư, và một cơn rùng mình khác lại chạy dọc người cô, có cái gì đó buồn bã và tuyệt vọng đang hiện hữu, nhưng cũng có gì đó háo hức, táo bạo và đầy hy vọng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét