Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 14

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

14

Đau khổ vẫn chưa buông tha Mariam. Chỉ cần cô nghĩ đến chiếc cũi chưa làm xong trong gian để dụng cụ hay cái áo da ở trong buồng Rasheed là nó ùa đến. Đứa bé ra đời thì cô có thể nghe thấy nó ọ ẹ đòi ăn, tiếng nó huyên thuyên ríu rít. Cô cảm thấy nó đang khụt khịt trên hai bầu ngực. Nỗi đau xâm chiếm cô, vầy vò cô. Mariam chết lặng người khi nhận thấy mình nhớ thương với nỗi niềm tê dại đến chừng ấy về một sinh linh bé nhỏ mà cô chưa bao giờ nhìn thấy.
Về sau có những ngày mà nỗi buồn đau dường như đã bớt cào xé trong lòng Mariam. Những ngày mà một thoáng ý nghĩ về quãng đời xưa cũ dường như không còn làm cô quá kiệt sức, khi mà cô không phải cố gắng hết sức mới có thể ra khỏi giường, cầu nguyện, tắm rửa, nấu ăn cho Rasheed.
Mariam sợ đi ra ngoài. Cô đột nhiên trở nên ghen tị với những người đàn bà hàng xóm đông con. Có những người có bảy tám đứa con mà không hiểu được rằng họ đã may mắn đến chừng nào, rằng hạnh phúc biết bao khi những đứa trẻ lớn dần trong bụng họ, ngọ nguậy trên tay và bú sữa từ những bầu vú của họ. Những đứa trẻ mà họ đã không rửa trôi cùng với nước xà phòng và cáu ghét của người lạ xuống đường thoát nước của một cái nhà tắm hơi công cộng nào đó. Mariam bực bội với họ khi cô thoáng nghe họ phàn nàn với nhau về những đứa con trai bất trị và những đứa con gái lười biếng.
Một giọng nói trong đầu cô cố làm cô nguôi ngoai bằng lời an ủi thiện chí nhưng lầm lạc.
Con sẽ có những đứa khác, Inshallah*. Con còn trẻ. Chắc chắn con còn nhiều cơ hội khác.
*[Nếu đó là ý chí Thượng đế]
Nhưng nỗi đau buồn của Mariam không vu vơ hay chung chung. Mariam đau khổ vì đứa bé này, đứa bé cụ thể này, đứa bé đã làm cho cô rất hạnh phúc.
Có những ngày cô tin rằng đứa bé đã không được ban phước, rằng cô đang bị trừng phạt vì những gì đã làm với mẹ Nana. Chẳng phải cũng gần như là cô đã quàng sợi dây thòng lọng vào cổ mẹ mình sao? Những đứa con gái bội bạc không xứng được làm mẹ, và đó đơn giản là sự trừng phạt. Cô chập chờn mơ thấy jinn của mẹ Nana lẻn vào phòng cô trong đêm, bập những móng vuốt của nó vào bụng cô và lôi đứa trẻ đi. Trong những giấc mơ đó, mẹ Nana cười khúc khích đầy vui sướng và thỏa mãn.
Những ngày khác, Mariam bị bao bọc bởi sự giận dữ. Chính Rasheed là người có lỗi vì đã ăn mừng quá sớm. Vì đã tin tưởng điên rồ rằng cô đang có mang con trai. Đã đặt tên cho nó như thế. Lấy ý của Thượng đế để mà đặt tên. Lỗi của ông ta vì đã đưa cô tới nhà tắm hơi. Có thứ gì đấy ở đó, có thể là hơi nước, là nước bẩn, là xà phòng, một thứ gì đấy ở đó đã làm chuyện này xảy ra. Không. Không phải Rasheed. Cô mới là người có tội. Cô trở nên tức giận chính bản thân vì đã ngủ không đúng tư thế, ăn đồ ăn quá cay, không ăn đầy đủ hoa quả và uống quá nhiều nước chè.
Chính Thượng đế có lỗi, vì đã nhạo báng cuộc đời cô như thế. Vì đã không cho cô cái mà Người đã ban tặng cho biết bao nhiêu phụ nữ khác. Vì đã đung đưa trêu ngươi trước mắt cô cái mà Người biết rằng sẽ mang lại cho cô niềm hạnh phúc lớn lao nhất, rồi lại giật nó đi xa.
Nhưng tất cả những sai lầm đó, tất cả những lời kêu gào buộc tội đang nhảy múa trong đầu cô đó, chúng không đem lại ích lợi gì. Thật là kojr, thật là báng bổ, khi có những ý nghĩ ấy. Đức Allah không có ác ý. Người không phải là một Thượng đế nhỏ mọn. Những lời của Giáo sĩ Faizullah thì thầm trong đầu cô: Thiêng liêng thay Người với bàn tay là cả vương quốc, và Người có quyền lực đối với mọi thứ, Người tạo ra sự sống và cái chết mà Người có thể mang đến cho mỗi chúng ta.
Cảm thấy đầy tội lỗi, Mariam quỳ xuống và cầu xin được tha thứ cho những ý nghĩ đó.
Trong khi đó, một sự thay đổi đã trùm lên Rasheed kể từ cái ngày ở nhà tắm ấy. Hầu như tối nào về nhà, ông ta cũng im như thóc. Ông ta ăn, hút thuốc, đi ngủ, thỉnh thoảng quay lại vào giữa đêm, làm một trận mây mưa chớp nhoáng và khá thô bạo. Thời gian này, ông ta dường như dễ trở nên bực bội hơn, ông ta chê đồ cô nấu, phàn nàn về sự bừa bộn quanh sân hoặc thậm chí chỉ ra những vết bẩn rất nhỏ ở trong nhà. Thi thoảng ông ta dẫn cô vòng quanh thành phố vào ngày thứ Sáu, như vẫn từng làm trước đây, nhưng thường ông ta đi rất nhanh trên vỉa hè và luôn luôn ở phía trước cô vài bước chân, không nói năng gì, không để ý gì đến Mariam đang gần như phải chạy để theo kịp. Ông ta không còn cười trong mỗi lần đi ra ngoài nữa. Ông ta không mua kẹo hay quà tặng, không dừng lại và chỉ tên các địa điểm cho cô như trước đây ông ta vẫn từng làm. Những câu hỏi của cô dường như làm ông ta khó chịu.
Một tối, họ ngồi trong phòng khách nghe đài. Mùa đông đang qua đi. Những cơn gió mạnh như trát tuyết lên mặt người và làm chảy nước mắt nay đã dịu lại. Những nạm tuyết óng ánh bạc đang tan chảy trên cành những cây du cao vút và chỉ vài tuần nữa sẽ bị thay thế bởi những chồi non mập mạp màu xanh nhạt. Rasheed lơ đãng giậm chân theo điệu trong của một bài ca Hamahang, mắt ông ta đưa theo làn khói thuốc.
- Anh giận em phải không? - Mariam hỏi.
Rasheed không nói gì. Bài hát đã kết thúc và tiếp theo là mục tin tức. Một giọng phụ nữ thông báo rằng tổng thống Daoud Khan đã trục xuất một nhóm chuyên gia Liên Xô nữa trở về Moskva, trước thái độ không hài lòng có thể thấy trước của Kremlin.
- Em sợ anh giận em.
Rasheed thở dài.
- Anh có giận không?
Ông ta đưa mắt nhìn cô.
- Tại sao tôi lại giận chứ?
- Em không biết, nhưng kể từ khi đứa bé...
- Em xem tôi là loại người như thế à? Sau tất cả những gì tôi làm cho em?
- Không. Tất nhiên là không rồi.
- Thế thì đừng quấy rầy tôi nữa!
- Em xin lỗi. Bebakhsh, Rasheed. Em xin lỗi.
Ông ta bóp nát điếu thuốc rồi châm một điếu khác. Ông ta vặn tiếng đài to lên.
- Em nghĩ là, - Mariam nói, cố cao giọng để át tiếng nhạc.
Rasheed lại thở dài, lần này tỏ vẻ cáu kỉnh hơn, vặn nhỏ đài đi. Ông ta vò trán một cách mệt mỏi.
- Gì nữa đây?
- Em đang nghĩ là có lẽ chúng ta nên chôn cất tử tế. Ý em là đứa bé ấy. Chỉ anh với em, một vài bài kinh cầu, chỉ thế thôi.
Mariam đã nghĩ về điều này lâu nay. Cô không muốn quên đi đứa bé này. Có vẻ như không đúng đắn nếu không ghi dấu sự mất mát này bằng một cách gì đó vĩnh cửu.
- Để làm gì chứ? Thật ngu ngốc.
- Như vậy sẽ làm cho em cảm thấy dễ chịu hơn, em nghĩ thế.
- Thế thì cô đi mà làm, - ông ta trả lời tức thì. - Tôi đã từng chôn một đứa con trai. Tôi sẽ không chôn thêm đứa nữa. Bây giờ, nếu cô không phiền, tôi đang muốn nghe đài.
Ông ta lại vặn tiếng to lên, ngả đầu ra sau và nhắm mắt lại.
Một buổi sáng rạng nắng trong tuần đó, Mariam chọn một chỗ trong khoảng sân và đào một cái hố.
- Nhân danh Đức Allah và cùng với Đức Allah, và nhân danh người mang tin của Đức Allah, người mang đến phước lành và sự bình yên từ Đức Allah, - cô vừa thầm thì vừa dùng xẻng đào từng miếng đất nhỏ. Cô đặt chiếc áo da mà Rasheed mua cho đứa bé vào trong hố rồi lấp đất lên trên.
- Người tạo ra ngày nối tiếp đêm và đêm nối tiếp ngày, Người tạo ra sự sống từ cái chết và Người tạo ra cái chết từ sự sống, và Người ban phát cho những kẻ Người yêu thương vô bờ.
Cô vỗ nấm đất bằng mặt sau của chiếc xẻng. Rồi cô ngồi xổm bên cạnh, hai mắt nhắm lại.
Xin hãy ban phát, Đức Allah.
Xin hãy ban phát cho con.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét