Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 10

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

10

Trong những ngày đầu, Mariam hầu như không rời phòng mình. Cô bị đánh thức từ tờ mờ sáng bởi tiếng gọi cầu kinh azan* từ phía xa xa, cầu nguyện xong cô lại bò trở lại giường.
Cô vẫn nằm trên giường khi nghe tiếng Rasheed rửa ráy trong nhà tắm và khi ông ta bước vào phòng để xem cô thế nào trước khi tới cửa hàng. Từ trên cửa sổ phòng mình, cô nhìn thấy chồng ở ngoài sân, đang xếp hộp cơm trưa vào chiếc túi phía sau xe đạp rồi dắt xe ngang qua sân ra đường. Cô dõi theo chồng đạp xe đi cho đến khi bóng dáng của ông ta với đôi vai u dày khuất sau khúc cua cuối đường.
*[Tiếng gọi cầu kinh buổi sáng được xướng lên từ tháp nhà thờ Hồi giáo]
Hầu như ngày nào cũng vậy, Mariam nằm lì trên giường cảm nhận nỗi chơi vơi và cô độc. Cũng có lúc cô xuống bếp, sờ tay lên mặt bàn bếp dinh dính dầu mỡ, chạm vào những rèm cửa bằng nhựa vinyl in hoa ám mùi đồ ăn khét lẹt. Cô nhìn lướt qua những ngăn kéo xộc xệch, thấy đủ loại thìa và dao mỗi thứ một kiểu, một cái chảo và những chiếc bay bằng gỗ sứt mẻ, những đồ vật này đây rồi sẽ gắn bó với cuộc sống thường nhật mới của cô và tất cả chúng đều gợi lại trong cô cái tai ương đã giáng xuống cuộc đời mình, khiến cô cảm thấy mình chơ vơ, bất ổn, như thể một kẻ xâm phạm đời sống của người khác vậy.
kolba, cô luôn cảm thấy thèm ăn. Ở đây, không mấy khi cô có cảm giác ấy. Đôi khi cô mang một đĩa cơm thừa và một mẩu vụn bánh mì tới ngồi bên cửa sổ trong phòng khách. Từ đó, cô có thể nhìn thấy mái những ngôi nhà một tầng ở dưới đường. Cô cũng có thể thấy trong các sân nhà là những người phụ nữ vừa giặt quần áo vừa xua lũ trẻ nghịch ngợm ra chỗ khác, bầy gà đang bới đất, thấy nào xẻng nào thuổng, cả những con bò được cột vào gốc cây.
Cô nhớ cồn cào những đêm hè cùng mẹ Nana ngủ trên cái mái phẳng của kolba, ngắm nhìn ánh trăng rọi sáng cả vùng Gul Daman, những buổi đêm nóng đến nỗi áo của họ dính vào ngực như thể chiếc lá ướt dính vào cửa sổ. Cô nhớ những buổi chiều mùa đông ngồi đọc sách trong kolba cùng Giáo sĩ Faizullah, nhớ tiếng leng keng của nhũ băng rơi từ trên cây xuống mái nhà, nhớ tiếng quạ kêu vẳng ra từ giữa những cành cây trĩu xuống vì tuyết.
Cô đơn trong căn nhà hiu quạnh, Mariam cứ bước đi không dừng, từ bếp tới phòng khách, leo lên trên phòng mình rồi lại đi xuống. Cuối cùng, cô quay trở lại phòng, cầu nguyện hoặc ngồi yên trên giường, nhớ mẹ và cảm thấy mệt mỏi.
Khi mặt trời đã trườn về hướng Tây thì nỗi lo lắng trong Mariam thực sự trỗi dậy. Hai hàm răng cô va vào nhau lách cách khi nghĩ về buổi đêm, nghĩ tới lúc Rasheed có thể cuối cùng cũng quyết định sẽ làm chuyện đó với cô, cái chuyện mà những ông chồng làm với các bà vợ của họ. Cô nằm trên giường, rối bời vì lo lắng, trong khi chồng cô ăn tối một mình ở nhà dưới.
Ông ta luôn dừng lại ở cửa phòng cô và thò đầu vào.
- Cô hẳn chưa thể ngủ đâu. Mới có bảy giờ thôi. Cô còn thức không? Trả lời tôi đi nào. Nào, nói đi chứ.
Ông ta sẽ tiếp tục dồn ép cho đến khi từ trong bóng tối, Mariam lên tiếng, “Em đây”
Ông ta thả người ngồi xuống lối ra vào. Từ trên giường, Mariam có thể nhìn thấy thân hình to lớn của ông ta, đôi chân dài và khói thuốc xoáy vòng quanh cái mũi khoằm, đầu điếu thuốc màu hổ phách sáng bừng lên rồi lịm đi.
Ông ta kể cho cô nghe về ngày làm việc của mình, về đôi giày ông ta làm riêng theo yêu cầu của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người mà Rasheed nói chỉ mua giày ở cửa hàng của ông ta thôi, về đơn đặt hàng xăng đan từ vợ chồng một nhà ngoại giao Ba Lan. Ông ta cũng kể cho cô nghe bao nhiêu điều mê tín mà người ta quan niệm về giày: đặt giày ở trên giường thì sẽ gọi thần chết tới nhà, cãi lộn thể nào cũng xảy ra nếu xỏ giày chân trái trước.
- Ngoại trừ khi người ta vô ý làm điều đó vào ngày thứ Sáu, - ông ta nói. - Và em có biết người ta thường cho rằng sẽ là một điềm xấu nếu ta buộc hai chiếc giày lại với nhau và treo lên đinh?
Bản thân Rasheed không tin những điều này. Theo ý ông ta, những thứ mê tín phần lớn là trò bận tâm của đàn bà.
Ông ta kể lại với cô đủ thứ chuyện ông ta đã nghe được trên phố, như chuyện tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phải từ chức sau một vụ xì căng đan như thế nào.
Mariam, chưa bao giờ được nghe về tổng thống Nixon hay về cái vụ xì căng đan khiến ông ta bị mất chức, không hề đáp lại. Cô chờ đợi trong lo lắng cho đến khi Rasheed thôi không nói nữa, dụi tắt điếu thuốc và bước ra. Chỉ khi nào nghe tiếng ông ta bước ngoài hành lang, tiếng cửa phòng ông ta mở ra rồi đóng lại, cô mới thấy nhẹ nhõm.
Rồi một đêm, ông ta dụi điếu thuốc và thay vì nói lời chúc ngủ ngon thì lại dựa mình vào lối ra vào.
- Cô định sẽ không bao giờ mở cái đó ra à? - ông ta nói và hất đầu về phía cái va li của cô. Ông ta khoanh tay trước ngực. - Tôi đã nghĩ chắc cô cần ít thời gian. Nhưng như thế này thì thật nực cười. Đã hơn một tuần rồi mà... Xem nào, thế thì bắt đầu từ buổi sáng ngày mai, tôi muốn cô xử sự như một người vợ. Fahmidi? Cô rõ rồi chứ?
Răng Mariam bắt đầu va vào nhau lập cập.
- Tôi cần một câu trả lời.
- Vâng.
- Tốt, - ông ta nói. - Cô đã nghĩ cái gì chứ? Cô tưởng đây là khách sạn à? Và tôi là thằng quản lý khách sạn hay sao? Nào... ồ, ồ. La illah u ilillah*. Tôi đã nói về chuyện khóc lóc như thế nào? Mariam. Tôi đã nói với cô về chuyện khóc lóc như thế nào rồi?
*[Một câu cảm thán khi ai đó đang bực dọc, giống như “Ôi trời đất ơi!”]
Sáng hôm sau, sau khi Rasheed đi làm, Mariam dỡ quần áo của mình ra cất vào trong tủ. Cô kéo một xô nước từ dưới giếng lên rồi dùng giẻ lau cửa sổ phòng mình và phòng khách tầng dưới. Cô lau sàn, quét đám mạng nhện đang rung rinh trên góc trần nhà. Cô mở cửa sổ cho không khí bên ngoài tràn vào trong nhà.
Cô đong ba bát đậu lăng rồi ngâm trong nồi, cô tìm thấy một con dao và gọt vài củ cà rốt với khoai tây, sau đó cũng bỏ chúng vào ngâm. Cô tìm thùng bột mì, thấy nó nằm tít trong một cái tủ, sau một dãy lọ gia vị bụi bặm, và bắt đầu làm bột, cô nhào bột theo cách mẹ Nana đã chỉ, ấn bột xuống bằng gan bàn tay, cuộn mép bên ngoài vào trong, lật miếng bột và lại tiếp tục ấn dẹp nó xuống. Sau khi làm bột xong, cô bọc nó vào trong một miếng vải ẩm, choàng hijab và đi ra ngoài, tới lò nướng công cộng.
Rasheed đã chỉ cho cô chỗ nướng bánh, ở dưới phố, qua một lần rẽ trái rồi ngay sau đấy rẽ phải, nhưng tất cả những gì Mariam phải làm là đi theo đám phụ nữ và trẻ con cũng đi về phía đó. Những đứa trẻ mà Mariam nhìn thấy đang chạy đuổi theo sau hoặc vượt lên trước mẹ của chúng, đều mặc những chiếc áo vá chằng vá đụp. Chúng mặc những chiếc quần trông quá rộng hoặc là quá chật và đi những đôi dép với quai buộc bằng giẻ cứ đập lên đập xuống. Chúng lấy que lăn những cái lốp xe đạp cũ đã bỏ đi.
Những bà mẹ đi thành từng nhóm ba hoặc bốn người, người mặc burqa*, người thì không. Mariam có thể nghe thấy tiếng trò chuyện rôm rả, tiếng cười sảng khoái của họ. Trong lúc cúi gằm mặt mà đi, cô có thể nghe được vài câu nói đùa của họ, dường như luôn dính dáng đến những đứa con ốm yếu hay những ông chồng lười biếng, vô ơn.
*[Áo trùm ngoài từ đầu tới chân của phụ nữ Ả rập]
Cứ như là cơm tự nó chín trong nồi ấy.
Wallah o billah, [Thề có Thượng đế!], chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi nào cả!
Và lão ấy nói với tôi, tôi thề đây là sự thật, lão ấy đã nói với tôi...
Cuộc trò chuyện không dứt này, tuy giọng điệu đều đều nhưng vui vẻ một cách kỳ lạ, cứ bay lượn xoay tròn. Nó cứ thế tiếp tục trên đường xuống phố, vòng qua ngã rẽ và quanh quẩn trong hàng người ở chỗ lò nướng. Những ông chồng cờ bạc. Những ông chồng chỉ biết tôn thờ mẹ mình mà không bao giờ chi ra cho vợ lấy một đồng rupi. Mariam tự hỏi không biết có bao nhiêu người phụ nữ phải chịu cùng một sự bất hạnh khi mà tất cả đều lấy phải những người đàn ông tồi tệ như thế. Hay đây chỉ là trò chơi của các bà vợ mà cô chưa được biết đến, một thứ nghi thức hằng ngày giống như ngâm gạo hay nhào bột? Và có lẽ họ đang chờ cô mau nhập bọn với họ chăng?
Ở chỗ xếp hàng chờ nướng bánh, Mariam bắt gặp những cái liếc ngang nhằm vào mình và nghe thấy những tiếng thì thầm. Hai bàn tay cô bắt đầu đổ mồ hôi. Cô cảm thấy tất cả bọn họ đều biết rằng cô sinh ra là một harami, nguồn gốc của sự hổ thẹn đối với bố cô và gia đình ông ta. Tất cả bọn họ đều biết rằng cô đã quay lưng lại với mẹ và tự làm ô nhục bản thân.
Cô thấm mồ hôi ở môi trên bằng một góc của chiếc hijab và cố gắng bình tĩnh lại.
Sau một vài phút thì cô cảm thấy đỡ hơn. Rồi có ai đó vỗ nhẹ lên vai cô. Mariam quay lại và nhìn thấy một người phụ nữ mập mạp, da sáng và cũng choàng hijab như cô. Bà ta có mái tóc đen, ngắn và xoăn tít, khuôn mặt hóm hỉnh, tròn vành vạnh. Môi bà dày hơn môi Mariam nhiều và môi dưới hơi trễ, như thể bị kéo xuống bởi cái nốt ruồi lớn màu đen nằm ngay dưới viền môi. Bà có đôi mắt to màu xanh ánh lên những tia sáng mời gọi với Mariam.
- Cháu là vợ mới của Rasheed thân mến đấy phải không? - bà ta hỏi, tươi cười. - Cô gái đến từ Herat. Cháu còn trẻ quá! Cháu là Mariam phải không? Tôi tên là Fariba. Tôi sống ở cùng phố với cháu, cách nhà cháu năm nhà về phía trái, ngôi nhà có cửa màu xanh. Đây là Noor, con trai tôi.
Thằng bé đứng cạnh bà ta có khuôn mặt thân thiện, vui vẻ và mái tóc xoăn như mẹ mình. Nó có một đám lông đen trên dái tai bên trái. Đôi mắt nó ánh lên nét tinh nghịch và bạo dạn. Nó chìa tay ra.
- Salaam, Khala Jan. [Chào cô thân mến]
- Noor năm nay mười tuổi. Tôi còn có một đứa lớn hơn, tên là Ahmad.
- Anh ấy mười ba tuổi, - Noor nói.
- Mười ba sắp sang tuổi mười bốn, - Fariba cười lớn. - Chồng tôi tên là Hakim, - bà nói. - Ông ấy là giáo viên ở đây, Deh-Mazang. Lúc nào cháu ghé qua nhé, chúng ta sẽ cùng uống trà.
Và rồi đột nhiên, các bà khác như thể được khuyến khích, lao qua Fariba và mau chóng vây tròn xung quanh Mariam.
- Thế ra cháu là cô dâu trẻ của Rasheed thân mến.
- Cháu thấy Kabul thế nào?
- Tôi cũng đã từng tới Herat. Tôi có một người anh họ ở đấy.
- Thế cháu muốn có con trai hay con gái trước?
- Những thánh đường! Ôi, tuyệt đẹp! Thật là một thành phố tráng lệ!
- Con trai thì tốt hơn, Mariam thân mến ạ, chúng sẽ nối dõi tông đường.
- Ôi dào! Bọn con trai lấy vợ xong rồi bay nhảy hết. Con gái thì sẽ ở lại chăm sóc chúng ta lúc về già.
- Chúng tôi đã nghe tin cháu tới.
- Sinh đôi đi cháu ạ. Cả trai cả gái! Như thế thì ai cũng vui cả.
Mariam lùi lại. Cô thở gấp. Tai cô ù đi, mạch máu đập dồn dập, mắt cô quay cuồng giữa các khuôn mặt. Cô lại lùi lại nhưng chẳng còn chỗ nữa - cô đang đứng ở trung tâm của vòng tròn. Cô nhìn thấy Fariba, lúc này đang cau có vì bà biết cô đang bối rối.
- Để cô ấy yên! - Fariba nói. - Lui ra nào, để cô ấy yên! Các bà đang làm cô ấy sợ đấy!
Mariam giữ chặt túi bột trước ngực và lách qua đám đông đang bủa vây lấy mình.
- Cháu đi đâu thế, hamshira*? [Từ để gọi người phụ nữ, dành cho những người không phải là chị, em ruột]
Cô chen ra ngoài cho tới khi, bằng cách nào đó, tới được chỗ trống và chạy ngược ra phố. Mãi đến khi tới giao lộ cô mới nhận ra mình đã nhầm đường. Cô quay đầu chạy theo hướng ngược lại, đầu chúi xuống đất, vấp ngã một lần khiến đầu gối bị trầy xước mạnh, rồi cô lại đứng lên và chạy, vụt qua đám phụ nữ.
- Có chuyện gì thế cháu?
- Cháu chảy máu rồi kìa, hamshira!
Mariam rẽ ở một góc phố, rồi sau đó lại một góc phố khác. Bây giờ thì cô đã tìm đúng phố nhưng bỗng nhiên cô không thể nhớ nhà của Rasheed là nhà nào. Cô chạy lên đầu phố rồi lại xuống cuối phố, thở hổn hển gần như sắp khóc, bắt đầu mò mẫm thử từng nhà một. Một vài nhà thì cửa khóa, số khác thì cửa mở để lộ những khoảng sân xa lạ, đám chó sủa ầm ĩ và lũ gà giật mình hoảng hốt. Cô tưởng tượng ra cảnh Rasheed trên đường về nhà thì thấy cô vẫn đang tìm kiếm trên con đường này, đầu gối chảy máu và bị lạc trên chính phố nhà mình. Bây giờ thì cô bắt đầu khóc. Cô đẩy các cánh cửa, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện trong cơn hốt hoảng, mặt đầm đìa nước mắt cho đến khi một cánh cửa mở được và cô nhìn thấy, lòng đầy nhẹ nhõm, cái nhà xí, cái giếng, gian để dụng cụ. Cô đóng sập cánh cửa phía sau lưng mình và xoay chốt lại. Sau đó, cô bò lại gần bức tường và bắt đầu nôn khan. Xong rồi cô bò đi, ngồi tựa vào tường, hai chân duỗi ra trước mặt. Cô chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như thế trong đời.
Đêm ấy khi Rasheed về nhà, ông ta mang theo một túi giấy màu nâu. Mariam thất vọng vì ông ta không nhận thấy cửa sổ sạch sẽ, sàn nhà đã được cọ rửa và mạng nhện đã được quét sạch. Nhưng ông ta có vẻ hài lòng vì cô đã bày sẵn bữa tối cho ông ta trên một tấm thảm ăn sofrah sạch sẽ trải trên nền phòng khách.
- Em đã nấu daal, - Mariam nói.
- Tốt. Tôi sắp chết đói đây.
Cô dội nước từ cái afiawa cho chồng rửa tay. Và khi ông ta đã lau khô tay, cô đặt trước mặt ông ta một tô daal còn đang bốc khói và một đĩa cơm trắng bông. Đây là bữa đầu tiên cô nấu cho ông ta và Mariam ước gì cô ở trong tâm trạng tốt hơn khi chuẩn bị bữa cơm đó. Cô vẫn còn rùng mình về chuyện đã xảy ra ở lò nướng bánh trong khi nấu ăn, và suốt cả ngày cô cứ băn khoăn mãi về độ đặc và màu sắc của món daal, sợ chồng mình sẽ nghĩ rằng cô quấy quá nhiều gừng hoặc cho không đủ nghệ.
Rasheed nhúng thìa vào trong bát daal màu vàng.
Mariam hơi phân vân đôi chút. Nếu ông ấy thất vọng hoặc nổi giận thì sao? Hoặc nếu ông ấy không bằng lòng và đẩy đĩa thức ăn ra?
- Ông cẩn thận, - cô cố nói. - Còn nóng đấy.
Rasheed bụm môi lại thổi, rồi đút một thìa vào miệng.
- Ngon lắm, - ông nói. - Có vẻ hơi ít muối một chút nhưng ngon. Thậm chí còn trên cả ngon ấy chứ.
Cảm thấy nhẹ nhõm, Mariam ngồi nhìn trong lúc ông ta ăn. Cô không giấu được vẻ tự hào. Cô đã làm tốt - thậm chí còn trên cả ngon - và sự cảm động mà cô cảm nhận từ lời khen ngợi nhỏ đó của ông ta đã làm cô ngạc nhiên. Những khó chịu đầu ngày giảm đi một chút.
- Ngày mai là thứ Sáu, - Rasheed nói. - Em nghĩ sao nếu tôi đưa em đi chơi?
- Quanh Kabul ạ?
- Không. Calcutta.
Mariam chớp mắt.
- Đùa đấy. Tất nhiên là Kabul. Còn có thể là nơi nào khác chứ? - Ông ta thò tay vào trong cái túi màu nâu. - Nhưng trước tiên tôi phải nói điều này với em.
Ông ta rút từ trong túi ra một cái burqa màu xanh da trời. Thước vải xổ xuống quá đầu gối ông ta khi ông ta nhấc nó lên. Ông ta cuộn cái burqa lại và nhìn Mariam.
- Tôi có nhiều khách hàng, Mariam ạ, là đàn ông, họ mang theo vợ tới cửa hàng. Những người phụ nữ đó tới cửa hàng mà không hề bịt mặt, họ nói chuyện trực tiếp với tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi mà không hề xấu hổ. Họ trang điểm và mặc váy ngắn đến gối. Có khi họ thậm chí còn đặt chân ngay trước mặt tôi, để cho tôi đo cỡ chân, và chồng họ đứng đó nhìn. Những người đàn ông ấy cho phép điều đó. Họ không nghĩ gì hết về chuyện một người lạ đụng chạm vào đôi bàn chân trần của vợ họ! Có lẽ họ nghĩ họ là những người đàn ông hiện đại, có học thức, tin tưởng vào học vấn của mình. Họ không thấy rằng họ đang hủy hoại nangnamoos, danh dự và niềm kiêu hãnh của bản thân.
Ông ta lắc đầu.
- Hầu như tất cả bọn họ sống ở các khu giàu có của Kabul. Tôi sẽ đưa em tới đó. Rồi em sẽ thấy. Nhưng họ cũng sống ở đây nữa, những người đàn ông mềm yếu đó, cũng sống ở ngay quanh đây thôi. Có một tay thầy giáo ở cuối phố, tên là Hakim, tôi thấy bà vợ Fariba của lão ta lúc nào cũng đi lại trên phố mà không có thứ gì trên đầu ngoại trừ một cái khăn quàng. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy xấu hổ khi phải nhìn một người đàn ông không còn kiểm soát được vợ mình.
Ông ta nhìn Mariam trừng trừng.
- Nhưng tôi thì không phải loại đàn ông đó, Mariam ạ. Ở quê tôi, một cái nhìn sai trái, một lời nói thiếu đúng đắn sẽ gây ra đổ máu. Ở quê tôi, khuôn mặt người phụ nữ là chỉ dành cho chồng của cô ta thôi. Tôi muốn em nhớ lấy điều đó. Em hiểu chứ?
Mariam gật đầu. Khi ông ta đưa cái túi, cô cầm lấy nó.
Niềm vui sướng ban đầu khi được chồng khen ngợi việc nấu nướng bây giờ đã bốc hơi hết. Thay vào đó là cảm giác lo sợ. Người đàn ông này đối với Mariam sẽ đường bệ và không thể lay chuyển được như dãy núi Safid-koh tỏa bóng to lù lù khắp làng Gul Daman.
Rasheed đẩy cái túi giấy qua chỗ cô.
- Như vậy là chúng ta đã hiểu nhau. Bây giờ thì để tôi ăn thêm một chút daal nữa nhé.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét