Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 46

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

46

Laila

Laila nhận ra khuôn mặt đang ở bên trên cô, cả hàm răng và mùi thuốc lá và đôi mắt báo trước rằng có chuyện chẳng lành. Cô cũng lờ mờ nhận ra sụ hiện diện của Mariam đằng sau khuôn mặt ấy, cánh tay bà đang buông thõng xuống. Bên trên họ là trần nhà, Laila bị hút vào cái trần nhà đó, những mảng đen mốc meo lan rộng ra như vết mục vấy trên áo, vết nứt trên tấm thạch cao nhìn giống như điệu cười lãnh đạm hay một cái chau mày, tùy thuộc việc nhìn từ hướng nào. Laila nhớ lại những lần cô buộc miếng giẻ rách vào đầu cây chổi và quét mạng nhện trên trần nhà. Cô và Mariam đã quét sơn trắng lên nó ba lần. Vết nứt bây giờ không còn là nụ cười nữa mà là một cái liếc mắt đểu cáng đầy chế giễu. Và nó lùi ra xa dần. Cái trần nhà đang co nhỏ lại, rồi bay bổng lên cao, xa dần khỏi cô và tới một nơi mơ hồ thăm thẳm. Nó cứ cao dần cho đến khi kích thước của nó chỉ bằng một con tem, trắng và sáng, mọi thứ xung quanh nó bị xóa sạch bởi bóng tối chớp lòa. Trong bóng tối, mặt của Rasheed giống như một vết đen ở mặt trời.
Trước mắt cô bây giờ đang lập lòe những đốm sáng nhỏ, giống như những ngôi sao bạc nổ tung. Những khối hình học kỳ lạ hình thành trong ánh sáng, hình con sâu, hình quả trứng, di chuyển lên xuống, nghiêng hẳn sang một bên, tan chảy vào nhau, vỡ ra, biến dạng thành một thứ khác, sau đó mờ dần, tan biến trong bóng đêm.
Những giọng nói bị bóp nghẹn và xa vời.
Đằng sau mí mắt cô, khuôn mặt của hai đứa con lại lóe lên rồi nhiễu loạn. Aziza, lanh lợi và sâu sắc, hiểu biết, hay giữ kẽ. Zalmai thì nhìn vào bố nó với sự háo hức đến run rẩy.
Rồi mọi chuyện sẽ kết thúc như vậy, Laila nghĩ. Một kết cục đáng tiếc.
Nhưng bóng tối bắt đầu tan đi. Cô có cảm giác như mình dang bay lượn, đang được nhấc bổng lên. Trần nhà chầm chậm quay lại, giãn ra, bây giờ Laila đã có thể nhìn thấy vết nứt và nó lại là nụ cười ngu ngốc như cũ.
Ai đó đang lay nhẹ cô. Em có ổn không? Trả lời chị đi, em có làm sao không? Laila thoáng thấy gương mặt của Mariam, hằn những vết trầy xước và đầy vẻ lo lắng.
Laila cố gắng thở. Cổ họng cô bỏng rát. Cô cố một hơi nữa. Lần này thậm chí còn rát hơn, không chỉ cổ họng mà cả lồng ngực nữa. Và sau đó cô ho, thở khò khè. Hổn hển. Nhưng đang thở. Cái tai còn nghe được của cô ù đi.
Thứ đầu tiên đập vào mắt cô khi cô ngồi dậy là Rasheed. Lão ta đang nằm ngửa, nhìn trừng trừng vào khoảng không vô định, miệng há hốc như miệng cá. Một chút nước bọt, màu hồng phai, chảy từ miệng lão ta xuống gò má. Trước quần của lão ta bị ướt. Cô nhìn trán lão.
Rồi cô nhìn thấy cái xẻng.
Một tiếng rên bật ra từ miệng cô.
- Ôi, - cô nói, run rẩy và thều thào, - Ôi, Mariam.
Laila bước từng bước, rên rỉ và đập hai tay vào nhau trong khi Mariam ngồi sát cạnh Rasheed, hai tay bà thu vào trong lòng, bình thản và bất động. Mariam không nói gì trong một lúc lâu.
Miệng Laila khô khốc và cô đang lắp bắp vài điều gì đó, toàn thân run bần bật. Cô không muốn nhìn vào Rasheed đang há hốc mồm, mắt trợn tròn, không muốn nhìn vào vũng máu đông lại ở chỗ lõm trên xương bả vai của lão.
Bên ngoài, ánh sáng nhạt dần, bóng tối đang bao trùm. Trong thứ ánh sáng ấy, gương mặt của Mariam nhìn gầy guộc và buồn rầu, nhưng dường như bà không bị kích động hay sợ hãi, bà chỉ lo lắng, đầy ưu tư, và tập trung đến nỗi khi một con ruồi đậu trên cằm, bà cũng không hề để ý. Bà chỉ ngồi đó với cái môi dưới bĩu ra, vẻ thường thấy ở bà mỗi khi bà đang mải mê suy nghĩ.
Cuối cùng, bà nói:
- Ngồi xuống, Laila thân yêu.
Laila ngoan ngoãn làm theo.
- Chúng ta phải chuyển lão đi. Không được cho Zalmai thấy cảnh này.
Mariam lấy chìa khóa phòng ngủ trong túi áo của Rasheed trước khi họ dùng ga giường quấn lão lại. Laila nắm chân lão ta, phía dưới đầu gối, Mariam thì túm lấy cánh tay lão. Họ cố nhấc lão lên nhưng lão quá nặng, cuối cùng họ kéo lê lão. Khi họ kéo cái xác qua cửa trước và tiến vào sân, chân của Rasheed mắc vào khung cửa vẹo sang một bên. Họ phải lùi lại và cố lần nữa, rồi có cái gì đó đấm thình thịch trên lầu và chân Laila khuỵu xuống. Cô thả Rasheed ra. Cô sụp xuống đất, khóc nức nở và run rẩy. Mariam phải tiến lại chỗ cô, đặt tay lên hông cô và nói rằng cô phải cố gắng cùng với bà. Rằng việc gì xảy ra thì đã xảy ra rồi.
Sau một lúc, Laila đứng dậy và lau nước mắt, họ khiêng Rasheed ra đến sân mà không gặp sự cố nào nữa. Họ đưa lão đến kho dụng cụ. Họ đặt lão đằng sau bàn làm việc, trên đấy có cái cưa, những chiếc đinh, một cái đục, búa và một mảnh gỗ hình trụ mà Rasheed định đẽo thành cái gì đó cho Zalmai, nhưng lão không còn cơ hội để làm nữa.
Sau đó họ quay vào nhà. Mariam rửa sạch tay rồi vuốt lại tóc, hít một hơi thật sâu và thở ra.
- Để chị băng vết thương cho em. Em bị trầy trụa hết rồi, Laila ạ.
Mariam nói bà cần cả đêm để suy nghĩ về mọi chuyện. Để liên kết các ý nghĩ lại với nhau và vạch ra một kế hoạch.
- Phải có một cách, - bà nói, - và chị phải tìm ra nó.
- Chúng ta phải rời khỏi đây! Chúng ta không thể ở đây được, - Laila nói bằng giọng đứt quãng, khàn khàn. Bất giác cô nghĩ về âm thanh mà cái xẻng tạo ra lúc nó đập vào đầu Rasheed, toàn thân cô giật nảy về phía trước. Nỗi sợ hãi dâng đầy trong ngực.
Mariam kiên nhẫn đợi cho đến khi Laila cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đó bà để Laila nằm xuống và vuốt ve mái tóc cô trải trên vạt áo của bà. Bà nói cô đừng lo, mọi thứ sẽ ổn thôi. Bà nói họ sẽ bỏ đi - bà, Laila, bọn trẻ và cả Tariq nữa. Họ sẽ cùng nhau rời khỏi căn nhà này, khỏi cái thành phố đầy hằn thù này. Rời khỏi cả cái đất nước đáng thất vọng này nữa, Mariam vừa nói vừa luồn tay vào tóc Laila, để đi đến một nơi thật xa và an toàn, nơi mà không ai có thể tìm thấy họ, nơi mà họ có thể bỏ lại quá khứ và tìm được nơi ẩn náu.
- Nơi nào đó có cây, - bà nói. - Đúng. Thật nhiều cây.
Rồi bà tiếp tục tưởng tượng, họ sẽ sống trong một ngôi nhà nhỏ ven thị trấn nào đó mà họ chưa bao giờ nghe nói đến, hay trong một ngôi làng xa xôi, nơi có con đường hẹp và chưa được trải đá, khuất sau những tán cây và bụi rậm. Có thể sẽ có một con đường mòn, một con đường mòn dẫn đến đồng cỏ, nơi bọn trẻ có thể vui đùa, hay có thể là con đường trải đá dẫn đến một cái hồ đầy cá hồi bơi lội và đám sậy thò lên trên mặt nước. Họ sẽ nuôi cừu và gà, họ sẽ cùng nhau làm bánh mì và dạy bọn trẻ đọc. Họ sẽ bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống ẩn dật và yên bình, ở đó những gánh nặng mà họ phải chịu đựng sẽ được trút bỏ, họ sẽ xứng đáng với niềm hạnh phúc trọn vẹn và thành công giản dị mà họ tìm thấy.
Laila thì thầm khích lệ. Cô thấy được đó sẽ là một cuộc sống đầy rẫy khó khăn, nhưng là những khó khăn đẫm niềm vui sướng mà họ có thể tự hào, sở hữu, nâng niu như vật gia bảo. Giọng nói nhẹ nhàng của Mariam lại vang lên, khiến cô thấy thoải mái. Bà nói, Có một cách, vào sáng mai, Mariam sẽ nói cho cô biết cần phải làm gì và họ sẽ làm như thế, và có thể giờ này ngày mai họ đã trên đường đến với cuộc sống mới, một cuộc sống phong phú với nhiều cơ hội, với niềm vui và những khó khăn đang chờ đón. Laila thấy biết ơn vì Mariam đang làm chủ tình thế, sáng suốt và bình tĩnh, bà có thể suy nghĩ suy thấu suốt cho cả hai. Tâm trí của cô bây giờ quá hoảng loạn, một mớ hỗn độn, rối bời.
Mariam đứng dậy.
- Bây giờ em nên quay lên với con trai đi.
Laila chưa từng thấy gương mặt nào lại thể hiện sự mạnh mẽ đến nhường ấy.
Laila tìm thấy thằng bé trong bóng tối, co tròn trên tấm nệm, phía Rasheed vẫn nằm. Cô chui vào chăn, nằm bên cạnh cậu bé và kéo chăn đắp lên người cả hai.
- Con ngủ rồi à?
Thằng bé nói mà không quay lại nhìn cô:
- Con không ngủ được. Bố vẫn chưa đọc lời cầu nguyện Babaloo với con.
- Chắc tối nay mẹ sẽ đọc với con.
- Mẹ không thể đọc như bố được.
Cô siết chặt bờ vai nhỏ bé của nó, hôn lên gáy nó.
- Mẹ sẽ cố.
- Bố đâu rồi?
- Bố đã đi xa rồi, - Laila nói, cổ họng cô nghẹn lại.
Và đây là lần đầu tiên cô nói một lời dối trá tồi tệ, khủng khiếp như thế. Laila tự hỏi mình sẽ còn phải lặp lại những lời này thêm bao nhiêu lần nữa đây? Zalmai sẽ bị lừa dối thêm bao nhiêu lần nữa đây? Cô hình dung ra cảnh Zalmai vui mừng chạy ra đón Rasheed khi ông ta về nhà và Rasheed nhấc nó lên mà quay vòng vòng cho đến khi chân Zalmai bay lên cao, cả hai cười khúc khích khi Zalmai chệnh choạng như bị say rượu. Cô nghĩ về những trò chơi vui nhộn và tiếng cười huyên náo của họ, cái kiểu liếc mắt kín đáo với nhau của họ.
Sự hổ thẹn và nỗi đau buồn dành cho đứa con trai vây chặt lấy Laila.
- Bố đã đi đâu?
- Mẹ không biết, con yêu.
Khi nào Baba về? Baba có mang quà cho con khi trở về không?
Cô đọc lời cầu nguyện với Zalmai. Hai mươi mốt lần. Bismallah-e-rahman-erahim* [Nhân danh Allah, Người nhân từ nhất, Người khoan dung nhất] - mỗi lần cho một đốt tay của bảy ngón tay. Cô nhìn thằng bé chụm hai bàn tay lại trước mặt và thổi vào, sau đó đặt mu bàn tay lên trán và làm một cử động vứt đi, nó thì thầm, Babaloo, đi đi, đừng tìm đến Zalmai, thằng bé không có chuyện gì với ngươi cả. Babaloo, đi đi. Tiếp theo, để kết thúc, họ nói Allah-u-akbar ba lần. Và sau đó, rất lâu sau đó, Laila bị giật mình bởi giọng nói bị tắc lại: Có phải tại con mà Baba bỏ đi không? Tại những gì con đã nói, về mẹ và người đàn ông dưới lầu?
Cô ngả người lên nó, định cam đoan lại lần nữa, định nói rằng Không phải tại con, Zalmai. Không. Không phải lỗi của con. Nhưng thằng bé đã thiếp đi, ngực nó đã phập phồng.
Khi Laila đi ngủ, đầu óc cô tê dại, mù mịt, không thể suy nghĩ liên tục nữa. Nhưng khi cô tỉnh dậy do tiếng gọi cầu nguyện buổi sáng, hầu như sự mù mờ đã biến mất.
Cô ngồi dậy và nhìn Zalmai ngủ một lúc, lòng bàn tay nó khum lại để dưới cằm. Laila mường tượng ra Mariam đã lén vào phòng vào giữa đêm, khi cô và Zalmai đã ngủ, nhìn họ và lên kế hoạch trong đầu.
Laila rời khỏi giường. Cô phải cố gắng để đứng vững. Toàn thân cô đau nhức, cổ, vai, lưng, cánh tay, bắp đùi, mọi vết cắt hằn sâu của cái khóa thắt lưng của Rasheed. Hơi nhăn mặt, cô lặng lẽ rời khỏi phòng ngủ.
Trong phòng Mariam, ánh sáng chỉ là một bóng xám đậm, kiểu ánh sáng thường khiến cho Laila liên tưởng tới những con gà trống đang gáy sáng và hạt sương lăn trên lá cỏ. Mariam đang ngồi ở góc phòng, trên tấm thảm cầu nguyện đối diện với cửa sổ. Laila chậm rãi hạ thấp người, ngồi xuống sàn nhà, trước mặt bà.
- Sáng nay em nên đi thăm Aziza, - Mariam nói.
- Em biết chị định làm gì.
- Đừng đi bộ. Hãy đi xe bus, em sẽ trà trộn vào đấy. Đi taxi dễ gây chú ý lắm. Chắc chắn em sẽ bị chặn lại nếu đi một mình.
- Những gì chị hứa tối qua...
Laila không thể nói dứt câu. Những hàng cây, cái hồ, ngôi làng không tên. Cô nhìn thấy một ảo tưởng. Một lời nói dối đáng yêu làm dịu bớt nỗi đau. Giống như lời thủ thỉ với một đứa trẻ khốn khổ.
- Chị sẽ làm điều đó, - Mariam nói. - Chị sẽ làm điều đó vì em, Laila yêu quý.
- Em không muốn bất kỳ thứ gì trong số đó nếu không có chị. - Laila thốt lên.
Mariam cười mệt nhọc.
- Em muốn mọi thứ như chị đã nói, Mariam, tất cả chúng ta sẽ cùng đi với nhau, chị, em, bọn trẻ. Tariq có một chỗ ở Pakistan. Chúng ta có thể trốn ở đấy một thời gian, chờ cho mọi chuyện lắng xuống.
- Không thể được, - Mariam kiên nhẫn nói, như bố mẹ nói với một đứa trẻ ngoan nhưng đang đi sai đường.
- Chúng ta sẽ chăm sóc nhau, - Laila nói, nấc lên từng tiếng, mắt cô ướt đẫm. - Giống như chị nói. Không. Em sẽ chăm sóc chị để đền đáp lại chị.
- Ôi, Laila yêu quý.
Laila tiếp tục lảm nhảm. Cô kỳ kèo. Cô hứa hẹn. Cô nói cô sẽ làm tất cả mọi việc, cả nấu ăn nữa.
- Chị sẽ không phải làm gì cả. Không bao giờ. Chị nghỉ ngơi, ngủ, làm vườn. Bất cứ thứ gì chị thích, chị chỉ việc yêu cầu và em sẽ lấy cho chị. Đừng làm thế Mariam. Đừng bỏ em. Đừng làm tan vỡ trái tim Aziza.
- Chúng chặt tay người ta nếu người ta ăn cắp bánh mì, - Mariam nói. - Em nghĩ chúng sẽ làm gì khi chúng tìm thấy xác người chồng đã chết và hai người vợ mất tích?
- Sẽ không ai biết cả, - Laila thở mạnh. - Sẽ không ai tìm thấy chúng ta.
- Chúng sẽ tìm ra. Chỉ là sớm hay muộn thôi. Bọn chúng là chó săn mà. - Giọng Mariam nhỏ nhẹ, cẩn trọng; nó làm cho những lời hứa của Laila trở nên không tưởng, bịa đặt, ngốc nghếch.
- Mariam, xin chị...
- Khi chúng tìm thấy chúng ta, chúng sẽ kết tội em ngang chị. Cả Tariq nữa. Chị không muốn hai người phải sống trong cảnh lén lút, trốn chạy. Chuyện gì sẽ xảy ra với các con của em nếu em bị bắt?
Mắt Laila ướt đẫm, nhức nhối.
- Sau đó ai sẽ chăm sóc chúng? Quân Taliban à? Hãy đứng ở cương vị người mẹ mà suy nghĩ, Laila. Hãy suy nghĩ với cương vị là một người mẹ. Chị sẽ làm thế.
- Em không thể.
- Em phải như thế, Laila thân yêu ạ.
- Thật không công bằng, - Laila thốt lên.
- Nhưng như thế là công bằng đấy. Đến đây. Hãy nằm xuống đây.
Laila bò đến bên bà và lại đặt đầu mình trên vạt áo của Mariam. Cô nhớ những buổi chiều họ bên nhau, tết tóc cho nhau, Mariam kiên nhẫn lắng nghe những suy nghĩ ngẫu hứng và những câu chuyện bình thường của cô với vẻ biết ơn, với biểu hiện của một người vừa được ban tặng một đặc ân đáng thèm khát nhất.
- Công bằng mà, - Mariam nói. - Chị đã giết chồng của chúng ta. Chị đã cướp đi bố của con em. Thật không phải nếu chị chạy trốn. Chị không thể. Thậm chí nếu họ không bao giờ bắt được chúng ta, chị cũng sẽ không bao giờ... - Môi bà run lên. - Chị sẽ không bao giờ chạy trốn được khỏi nỗi buồn của con trai em. Làm sao chị có thể nhìn vào mắt nó? Làm sao chị có thể bắt mình nhìn nó được, Laila thân yêu?
Mariam xoay xoay một sợi tóc của Laila, gỡ một lọn bị rối.
- Với chị, mọi chuyện đã kết thúc. Chị chẳng mong muốn gì hơn cả. Tất cả những gì chị ước ao từ khi còn là một đứa con gái, em đã mang lại cho chị. Em và bọn trẻ đã làm chị rất hạnh phúc. Laila, mọi chuyện ổn mà. Thế là đủ rồi. Đừng buồn phiền.
Laila không thể tìm được một câu trả lời hợp lý cho bất cứ điều gì mà Mariam nói. Nhưng cô vẫn nói huyên thuyên, rời rạc, trẻ con, về những cây ăn trái đang chờ được trồng và những con gà đang chờ được nuôi, về những ngôi nhà nhỏ ở những thành phố không tên và những cuộc đi bộ đến hồ đầy cá hồi. Và, cuối cùng, khi mà ngôn từ đã cạn, nước mắt vẫn không thể ngừng rơi, tất cả những gì Laila có thể làm là đầu hàng và khóc nức nở như đứa trẻ bị dồn ép bởi những lý luận không thể bác bỏ của người lớn. Tất cả những gì cô có thể làm là cuộn tròn mình lại và vùi mặt lần cuối vào hơi ấm nồng nàn của vạt áo Mariam.
Buổi sáng hôm đó, Mariam gói cho Zalmai một bữa ăn nhẹ với bánh mì và quả sung khô. Bà cũng bọc cho Aziza vài quả sung và mấy cái bánh quy có hình con vật. Bà đặt tất cả trong một túi giấy và đưa cho Laila.
- Hãy hôn Aziza giùm chị nhé, - bà nói. “Hãy nói với nó rằng nó là noor* [Ánh sáng] trong mắt chị, là vua trong tim chị. Em sẽ làm thế hộ chị chứ?
Laila gật đầu, môi cô mím chặt lại.
- Hãy đón xe bus như chị nói và cúi đầu thấp xuống.
- Khi nào em sẽ gặp chị, Mariam? Em muốn gặp chị trước khi em ra làm chứng. Em sẽ nói với họ chuyện gì đã xảy ra. Em sẽ giải thích đó không phải là lỗi của chị. Đó là do chị phải làm thế. Họ sẽ hiểu, phải không, Mariam? Họ sẽ hiểu.
Mariam nhìn cô dịu dàng.
Bà ngồi xổm xuống ngang tầm mắt với Zalmai. Thằng bé đang mặc áo sơ mi đỏ, quần kaki đã sờn và đôi giày cao bồi cũ mà Rasheed mua cho nó từ Mandaii. Hai tay nó giữ khư khư quả bóng mới. Mariam đặt một nụ hôn trên má thằng bé.
- Bây giờ con đã là một cậu bé ngoan, mạnh mẽ, - bà nói. - Hãy chăm sóc mẹ con thật tốt nhé.
Bà ôm mặt thằng bé. Nó rụt lại nhưng bà vẫn giữ.
- Ta xin lỗi, Zalmai. Hãy tin là ta rất tiếc về tất cả niềm đau và nỗi buồn của con.
Laila cầm tay Zalmai khi họ đi dọc xuống con đường. Ngay trước khi họ rẽ ở góc đường, Laila quay lại nhìn và thấy Mariam đứng ở cửa. Mariam quấn một cái khăn choàng trắng trên đầu, mặc áo len màu xanh sẫm có hàng cúc phía trước và quần cô tông trắng. Một lọn tóc xám buông xõa xuống trán bà. Vài tia nắng chiếu xuyên qua mặt và vai bà. Mariam đang vẫy tay.
Họ rẽ ở góc đường, và Laila không bao giờ gặp lại Mariam nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét