Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 47

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

47

Mariam

Dường như sau bấy nhiêu năm, Mariam đã trở lại kolba.
Nhà tù cho nữ phạm nhân Walayat là một tòa nhà vuông, u ám, nằm trên phố Shar-e-Nau, gần phố Gà. Nó nằm ở chính giữa, xung quanh là khu dành cho các tù nhân nam. Tách biệt Mariam và các nữ phạm nhân với những người đàn ông xung quanh là cánh cửa khóa chặt. Mariam đếm thấy có năm phòng giam. Đó là những căn phòng tồi tàn, bẩn thỉu, tường thì bong tróc, cửa sổ thì nhỏ xíu chỉ đủ nhìn ra sân. Mặc dù cửa sổ có song sắt nhưng cửa chính thông giữa các phòng lại không khóa nên các nữ tù nhân có thể tự do đi lại và ra sân khi họ thích. Cửa sổ không có kính, cũng chẳng có rèm, lính gác Taliban bên ngoài có thể thoải mái nhìn vào bên trong từng phòng giam. Một vài nữ tù nhân phàn nàn về việc lính gác hút thuốc ngoài cửa sổ rồi nhìn một cách dâm đãng vào trong, mắt thì đỏ lừ, nụ cười ác như sói, chúng thủ thỉ với nhau những trò đùa xấu xa về các nữ tù nhân. Chính vì thế, các nữ tù nhân che mặt cả ngày và chỉ bỏ ra lúc trời tối, khi cửa chính đã được khóa và bọn lính gác đã đi làm nhiệm vụ.
Ban đêm, phòng giam của Mariam cùng năm nữ tù nhân khác và bốn đứa trẻ nữa tối om. Vào những tối có điện, họ kiệu Naghma, một cô gái lùn, ngực lép với mái tóc xoăn đen, lên tận trần nhà. Trên đó có sợi dây đã tróc vỏ. Naghma dùng tay quấn cái dây vòng quanh đui đèn để nối điện cho nó.
Phòng vệ sinh bé tin hin, nền xi măng bong hết. Trên nền có cái lỗ hình chữ nhật, dưới đáy lỗ là một đống phân. Ruồi nhặng bay vo vo quanh cái lỗ ấy.
Ở giữa nhà tù có khoảng sân hình chữ nhật và giữa sân có cái giếng. Không có đường thoát nước cho cái giếng, chính vì thế cái sân lúc nào cũng ngập, mùi nước hôi thối bốc lên. Các dãy chỗ để giặt giũ chạy chéo nhau trên sân, ngổn ngang từng đống tất và khăn lót được giặt bằng tay. Sân là nơi các tù nhân được gặp người tới thăm, nơi để họ nấu cơm từ gạo mà người thân mang đến vì nhà tù không cấp thức ăn. Sân cũng là nơi chơi đùa của bọn trẻ - Mariam nhận thấy có nhiều đứa trẻ được sinh ra ở chính nhà tù Walayat này, chúng chưa bao giờ được ngắm nhìn thế giới bên ngoài những bức tường kia. Mariam ngắm nhìn bọn trẻ đuổi bắt nhau, nhìn những bàn chân không giày dép của chúng nhuốm đầy bùn. Cả ngày chúng chỉ chạy loanh quanh, chơi trò chơi, bất chấp mùi phân hay nước tiểu tràn ngập khắp nơi và ám vào cơ thể chúng, và cũng chẳng để ý đến lính gác Taliban cho đến khi bị họ đánh.
Mariam không có ai tới thăm. Đó là điều đầu tiên và duy nhất mà bà đề nghị quan chức Taliban ở đây. Không có ai tới thăm cả.
Không một phụ nữ nào trong phòng giam của Mariam vào tù vì phạm tội, tất cả họ phải ở đây chỉ vì tội duy nhất là “trốn nhà”. Chính vì thế, Mariam được mọi người biết đến, trở thành kiểu như một người nổi tiếng ở đây. Những phụ nữ khác nhìn bà với con mắt kính nể, gần như là khiếp sợ. Họ nhường chăn cho bà. Họ còn tranh nhau nhường thức ăn cho bà.
Naghma là người ngưỡng mộ Mariam nhất, cô luôn bám riết lấy tay bà và đi theo bà ở khắp mọi nơi. Naghma là người luôn thích chia sẻ nỗi bất hạnh với người khác dù đó là tâm sự của cô hay của một ai đó. Cô kể rằng ông bố của cô đã hứa gả cô cho gã thợ may hơn cô những hơn ba mươi tuổi.
- Ông ta hôi như cú, răng còn ít hơn cả ngón tay, - Naghma kể về gã thợ may.
Cô đã cố bỏ trốn tới Gardez cùng một chàng trai mà cô yêu, con trai một vị giáo sĩ. Họ hầu như mới chỉ vừa bước chân ra khỏi địa phận Kabul. Khi họ bị bắt và gửi trở lại, con trai vị giáo sĩ đã bị đánh đập dã man, cuối cùng anh ta không thể chịu nổi và khai rằng chính Naghma đã dùng sức hút đàn bà để cám dỗ anh ta, rằng cô đã bỏ bùa anh ta. Và anh ta hứa sẽ quay lại chú tâm vào việc học kinh Koran. Họ đã thả gã con trai của giáo sĩ ra. Còn Naghma thì bị kết án năm năm tù giam.
Cô nói việc mình phải ở tù cũng tốt thôi. Bố cô đã thề rằng khi nào cô được thả, ông ta sẽ cầm dao cắt cổ cô.
Nghe Naghma kể, Mariam nhớ đến thứ ánh sáng mờ nhạt của những ngôi sao băng, nhớ đến sợi mây hồng vắt ngang ngọn núi Safid-koh vào một buổi sáng từ cách đây rất lâu rồi, khi mẹ Nana nói với bà rằng, “Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam”.  
Phiên tòa xử Mariam đã diễn ra tuần trước. Không có hội đồng xét xử, không có ai dự, không thẩm tra lại chứng cứ, không có kháng cáo. Mariam cũng từ chối quyền được có nhân chứng. Phiên tòa diễn ra chỉ vỏn vẹn không quá mười lăm phút.
Chủ tọa là vị quan tòa ngồi giữa, một người Taliban trông rất cáu bẳn. Ông ta hốc hác, nước da vàng nhăn nhúm và bộ râu xoăn đỏ. Cặp kính ông ta đeo khiến hai con mắt của ông ta bị phóng to lên, làm lộ ra tròng trắng màu vàng ệch. Cổ ông ta dường như quá mảnh không đỡ nổi chiếc khăn turban đồ sộ quấn trên đầu.
- Bà thừa nhận điều đó phải không, hamshira? - ông ta hỏi lại với giọng mệt mỏi.
- Tôi thừa nhận, - Mariam nói.
Ông ta gật đầu. Mà cũng có thể là không. Thật khó nói; ông ta có kiểu rung mạnh tay và đầu khiến Mariam nhớ ngay đến sự run rẩy của Giáo sĩ Faizullah. Khi uống trà, ông ta không cầm cái tách lên. Ông ta ra hiệu cho người đàn ông có bờ vai vuông vức ngồi bên trái và anh này kính cẩn đưa tách trà đến đặt vào tận môi ông ta. Sau đó, vị chủ tọa Taliban từ từ nhắm mắt lại - động tác không lời nhưng trang nhã, thể hiện sự biết ơn.
Mariam cảm thấy ông ta có điều gì đó khiến người khác yên lòng. Khi nói, ở ông ta toát lên vẻ khôn ngoan và rất bình thản. Ông ta cười nhẫn nại và không nhìn Mariam một cách khinh miệt. Ông ta không nhắm vào bà với vẻ cay nghiệt hay buộc tội mà nói với giọng hoàn toàn nhẹ nhàng như thể để xin lỗi.
- Bà có hiểu hết những điều bà đang nói không? - một người Taliban khác có khuôn mặt xương xẩu ngồi bên phải, không phải là người đưa trà, hỏi Mariam. Đây là người trẻ nhất trong ba vị quan tòa. Ông ta nói nhanh, tự tin, dứt khoát và đầy kiêu ngạo. Ông ta bực mình vì Mariam không thể nói tiếng Pashto. Ấn tượng của Mariam về ông ta là hình ảnh của một người đàn ông trẻ thích gây sự, thích thú với quyền lực của mình, nhìn chỗ nào cũng thấy tội lỗi và nghĩ rằng quyền thiên bẩm của mình là phán xử người khác.
- Tôi rất hiểu, - Mariam trả lời.
- Tôi nghi ngờ điều đó, - ông này tiếp tục. - Thượng đế đã tạo ra chúng ta khác nhau, đàn bà các người và đàn ông chúng tôi. Bộ não của chúng ta cũng khác nhau. Bà không thể nghĩ được giống như chúng tôi. Các bác sĩ phương Tây và khoa học của họ đã chứng minh điều đó. Đó chính là lý do chúng tôi chỉ yêu cầu một người đàn ông làm nhân chứng nhưng lại cần đến hai người đàn bà.
- Tôi thừa nhận là tôi đã làm thưa ông. Nhưng nếu tôi không làm vậy thì hắn ta sẽ giết chết cô ấy. Hắn ta siết cổ cô ấy.
- Thì bà nói vậy. Nhưng có cái gì mà đàn bà không thề thốt được đâu.
- Đó là sự thật.
- Bà có ai làm chứng không? Ngoài ambagh của bà?
- Tôi không có, - Mariam đáp.
- Ồ, - ông ta khoát tay và cười khẩy.
Rồi người Taliban ốm yếu tiếp lời.
- Tôi có một bác sĩ ở Peshawar, - ông ta nói. - Một người bạn Pakistan trẻ tuổi và tốt bụng. Tôi tới khám chỗ anh ta một tháng trước và gặp lại tuần vừa rồi. Tôi nói, hãy nói cho tôi biết sự thật, anh bạn, và anh ta nói với tôi, ba tháng, thưa Giáo sĩ, có thể nhiều nhất là sáu tháng, dĩ nhiên, tùy theo ý Thượng đế.
Ông ta kín đáo gật đầu với người đàn ông vai vuông ngồi bên trái và lại nhấp một ngụm trà khác khi tách trà được mang tới. Ông ta lau miệng bằng mu bàn tay run run.
- Tôi chẳng sợ gì khi từ bỏ cuộc sống này, đứa con trai duy nhất của tôi đã chết cách đây năm năm, cuộc sống chỉ toàn nỗi buồn chồng chất nỗi buồn đến nỗi giờ chẳng còn phải cảm thấy buồn gì nữa. Không. Tôi tin rằng tôi sẽ ra đi một cách vui vẻ khi đến lúc.
Điều mà tôi sợ, hamshira ạ, là ngày mà Thượng đế gọi tôi đến và hỏi, Tại sao con lại không làm theo những gì ta nói? Tại sao con lại không tuân theo luật lệ của ta? Tôi sẽ giải thích như thế nào với Người đây, hamshira? Tôi sẽ biện hộ thế nào cho việc đã không nghe theo mệnh lệnh của Người? Tất cả những gì mà tôi có thể làm, tất cả những gì mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể làm, trong thời gian mà chúng ta đã được ban tặng, là mãi mãi tuân theo những luật lệ mà Người đã đặt ra. Khi tôi càng nhìn rõ cái kết thúc của mình, hamshira ạ, càng đến gần cái ngày mà tôi phải ra đi, thì tôi càng phải cứng rắn hơn để làm theo lời của Người. Cho dù nó đau đớn thế nào.
Ông ta dịch người trên tấm đệm rồi nhăn mặt.
- Tôi tin bà khi bà nói chồng mình là một người đàn ông có tính khí không thể chấp nhận được, - ông ta lại nói tiếp và nhìn Mariam qua cặp kính, cái nhìn vừa nghiêm nghị vừa đầy lòng trắc ẩn. - Nhưng tôi không thể giúp được bà, sự độc ác trong hành động của bà khiến tôi bối rối, hamshira ạ. Tôi lấy làm buồn lòng vì những gì mà bà đã làm; tôi lấy làm buồn lòng khi hình dung ra cậu con trai nhỏ của ông ấy đang khóc thương ông ấy ở trên tầng khi bà làm điều đó.
Tôi đã quá mệt và sắp chết đến nơi rồi và tôi cũng muốn nhân từ lắm. Tôi muốn tha thứ cho bà lắm chứ. Nhưng khi Thượng đế gọi tôi tới và nói, Không phải con là người có quyền được tha thứ, Giáo sĩ, lúc đó tôi có thể nói được gì?
Đồng nghiệp của ông ta gật đầu đồng tình và nhìn ông ta với con mắt ngưỡng mộ.
- Có điều gì đó mách bảo với tôi rằng bà không phải là người đàn bà độc ác, hamshira, nhưng việc bà đã làm là hành động độc ác. Và bà phải trả giá cho những gì mình đã gây ra. Luật Hồi giáo Shari’a đã ghi rõ tội này. Trong đó viết rằng tôi phải gửi bà đến nơi mà chính tôi cũng sẽ sớm tới gặp bà. Bà có hiểu không, hamshira?
Mariam cúi đầu nhìn xuống tay mình. Bà nói bà đã hiểu.
- Chỉ có Đấng toàn năng Allah mới tha thứ được cho bà.
Trước khi Mariam bị dẫn đi, họ đưa cho bà một tờ giấy, bảo bà ký vào bên dưới lời khai của bà và lời kết tội của các giáo sĩ. Ba vị chủ tọa người Taliban theo dõi Mariam viết tên mình, chữ meem, chữ reh, chữ yah và chữ meem, bà nhớ lần cuối cùng bà ký tên mình là hai mươi bảy năm trước, trên bàn của Jalil, dưới con mắt giám sát của một giáo sĩ khác.
Mariam đã ở tù được mười ngày. Bà ngồi cạnh cửa sổ phòng giam, nhìn cuộc sống của tù nhân bên ngoài sân. Khi những cơn gió mùa hè thổi đến, bà ngắm những mẩu giấy vụn bay cuốn thành vòng xoắn tít mù, sau đó cuốn mạnh và bay ra khỏi tường. Bà nhìn những trận gió thổi bụi bay mù mịt, tạo thành lốc tràn ra ngoài sân. Tất cả mọi người, lính gác, tù nhân, lũ trẻ và Mariam, đều phải dùng khuỷu tay che mặt để tránh cát bụi, nhưng không thể tránh được. Chúng lẩn vào tai, lỗ mũi, quật vào mắt, vào da và xuyên qua cả kẽ răng. Mãi đến lúc trời nhá nhem tối, gió mới giảm bớt. Ban đêm gió thổi nhẹ, như để bù lại cho những cơn lốc điên cuồng của ban ngày.
Ngày cuối cùng Mariam ở nhà tù Walayat, Naghma đưa cho bà một quả quýt. Cô đặt nó vào lòng bàn tay Mariam rồi khẽ gập các ngón tay của bà lại. Sau đó cô òa khóc.
- Chị là người bạn tốt nhất mà tôi từng gặp, - cô nói.
Mariam dành cả ngày cuối cùng trong tù để ngồi bên cạnh song sắt cửa sổ nhìn các bạn tù ở dưới. Một vài người đang nấu ăn, một làn khói mang theo mùi lá thì là bốc lên, đẩy luồng hơi ấm len qua cửa sổ. Mariam ngắm bọn trẻ con chơi trò bịt mắt. Hai bé gái đang hát một điệu đồng dao, Mariam nhớ lại khi bà còn nhỏ, Jalil đã từng hát bài này cho bà nghe khi bà ngồi trên một tảng đá và câu cá ở con suối:
Lili lili chiếc chậu tắm của chim,
Để trên bờ đất,
Con cá tuế ngồi trên vành uống nước,
Trượt xuống dưới chìm mất.
Đêm qua, Mariam mơ một giấc mơ không liền mạch. Bà mơ về những viên đá cuội, mười một viên, xếp chồng lên nhau. Jalil, trẻ lại, nụ cười chiến thắng, chiếc cằm chẻ, nốt ruồi duyên, áo khoác vắt qua vai, cuối cùng đã đến để chở cô con gái cưng của mình đi dạo trên chiếc xe Buick Roadmaster màu đen sáng bóng. Giáo sĩ Faizullah đang lần chuỗi hạt của mình và đi dạo cùng bà dọc theo dòng suối, bóng hai người in lên mặt nước và trên bờ cỏ rải rác những cây diên vĩ dại xanh, trong giấc mơ ấy, chúng thơm như cây đinh hương. Bà mơ thấy mẹ Nana đang đứng ở cửa kolba, giọng văng vẳng từ xa xa, gọi cô bé Mariam về ăn tối trong khi cô bé đang chơi ở đám cỏ rối mát rượi với lũ kiến bò quanh, những con bọ chạy nhốn nháo, châu chấu nhảy tanh tách giữa vạt cỏ xanh. Tiếng kêu kin kít của chiếc xe cút kít đang bò lên con đường đất. Mấy cái chuông trên cổ những chú bò kêu vang. Trên đồi, bọn cừu đang kêu be be.

Trên đường tới Sân vận động Ghazi, người Mariam xóc nảy trên thùng chiếc xe tải khi nó đi qua con đường đầy ổ gà và các bánh xe trượt trên đá sỏi. Cú xóc làm bà đau ở xương cụt. Một người lính Taliban trẻ cầm súng ngồi đối diện đang nhìn bà.
Mariam băn khoăn không biết liệu cậu ta có phải là người như bà nghĩ không. Trông cậu ta có vẻ tử tế với đôi mắt sáng và sâu, gương mặt hơi nhọn, ngón tay trỏ với móng tay sơn đen đang gõ nhịp vào thành xe.
- Bà có đói không, bà mẹ? - cậu hỏi.
Mariam lắc đầu.
- Tôi có một ít bánh quy. Ngon lắm. Nếu bà đói thì lấy mà ăn.
- Không. Tashakor, người anh em ạ.
Cậu gật đầu, nhìn bà đầy nhân từ.
- Bà sợ à?
Có gì đó khiến cổ họng Mariam nghẹn lại. Bằng giọng run run, bà nói thật với anh ta.
- Đúng. Tôi rất sợ.
- Tôi có một bức ảnh của bố tôi, - anh ta nói. - Tôi không nhớ rõ ông ấy. Tôi chỉ biết là ông ấy đã từng làm nghề chữa xe đạp. Còn lại thì chẳng nhớ ông ấy đi lại như thế nào, cười ra làm sao hay giọng nói thế nào nữa. - Cậu nhìn ra xa, rồi lại nhìn Mariam. - Mẹ tôi nói rằng ông ấy là người can đảm nhất mà bà từng biết. Giống như vua sư tử ấy, bà ấy ví vậy. Nhưng mẹ tôi lại kể rằng ông ấy khóc như một đứa trẻ vào buổi sáng đám người cộng sản đến đưa ông ấy đi. Tôi kể với bà như vậy để bà thấy rằng người ta sợ hãi cũng là điều bình thường thôi. Không có gì phải xấu hổ, bà mẹ ạ.
Lần đầu tiên trong ngày hôm đó, Mariam khóc một chút.

Hàng nghìn con mắt đổ dồn vào bà. Giữa đám đông chật kín người xem, ai cũng nghển cổ để nhìn rõ hơn. Tiếng lưỡi chậc chậc. Tiếng rì rầm nổi lên khắp khán đài khi Mariam được đưa ra khỏi xe tải. Mariam hình dung thấy người ta lắc đầu khi nghe tuyên bố tội danh của bà. Nhưng bà không ngước mắt lên để xem họ lắc đầu phản đối hay là khoan dung, chỉ trích hay là thương xót. Họ chẳng là gì mà bà phải quan tâm.

Sáng sớm hôm đó, bà đã sợ rằng mình sẽ làm điều gì ngu ngốc, rằng bà sẽ khóc lóc, van xin. Bà sợ rằng mình sẽ la hét, nôn mửa hay thậm chí bĩnh ướt cả quần, rằng trong những giây phút cuối cùng của mình, cái bản năng sinh học hay sự ô nhục thể xác sẽ phản bội bà. Nhưng khi bà được đưa xuống từ xe tải, hai chân bà không khuỵu vào nhau. Hai tay bà không vùng vẫy. Người ta không phải kéo bà đi. Và khi cảm thấy dao động, bà nghĩ đến Zalmai, đứa bé đã bị bà lấy đi tình yêu của cuộc đời nó, đứa bé mà những ngày còn lại sẽ là chuỗi ngày u ám vì không còn bố ở bên. Và rồi Mariam đã bước đi một cách vững vàng mà không cần ai phải canh chừng.
Một người đàn ông mang vũ khí tiến lại chỗ bà và yêu cầu bà đến cột gôn phía Nam. Mariam cảm thấy rõ đám người đứng xem ngày càng dồn lại một cách đầy háo hức. Bà không nhìn lên. Bà cúi mặt xuống đất, mắt dán vào cái bóng của mình và cái bóng của người hành quyết đang theo sát bên cạnh.
Mặc dù cuộc sống cũng có những khoảnh khắc rất đẹp nhưng Mariam biết rằng trong phần lớn thời gian, cuộc đời đã tàn nhẫn đối với bà. Vậy nhưng khi bà bước hai mươi bước cuối cùng, bà đã không thể ngăn mình ao ước được sống thêm. Bà ước được gặp lại Laila, được nghe tiếng cười lanh lảnh của cô, được ngồi với cô thêm lần nữa để nhâm nhi một cốc chai và ăn halwa dưới bầu trời đầy sao. Bà tiếc rằng bà sẽ không bao giờ được nhìn thấy Aziza lớn lên, không được ngắm nhìn con bé trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, không được sơn lá móng lên tay nó và ném kẹo noqul trong lễ cưới của nó. Bà sẽ không bao giờ được chơi với đám con của Aziza. Bà đã mong chờ điều đó biết bao, cái lúc bà trở thành một bà già và ngồi chơi với lũ trẻ nhà Aziza.

Gần tới cột gôn, người lính đi sau yêu cầu Mariam đứng lại. Mariam làm theo. Qua tấm lưới mạng chiếc burqa, bà nhìn thấy bóng cánh tay anh ta đang giơ cái báng của khẩu Kalashnikov.
Trong những giây phút cuối cùng này, Mariam khao khát nhiều thứ hơn bao giờ hết. Nhưng khi nhắm mắt lại, bà không còn cảm thấy tiếc nuối nữa, chỉ thấy sự bình yên và thanh thản tràn ngập khắp cơ thể. Bà nghĩ về sự ra đời của mình, harami của một người thấp hèn, một thứ được tạo ra không chủ định, một tai nạn đáng tiếc. Một thứ cỏ dại. Nhưng dù sao bà cũng dang rời bỏ thế giới này như một người đàn bà đã yêu và đã được yêu. Bà vĩnh biệt cuộc sống với tư cách là một người bạn, người đồng hành, người bảo vệ. Một người mẹ. Một người quan trọng. Không. Cũng không quá tệ, Mariam nghĩ, khi chết theo cách ấy. Không quá tệ. Đây là kết thúc chính đáng của một cuộc sống được bắt đầu bằng những điều không chính đáng.

Những ý nghĩ cuối cùng của Mariam là một vài từ trong kinh Koran mà bà lẩm nhẩm bằng hơi thở.
Người đã tạo ra thiên đường và mặt đất; Người đã tạo ra đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm và Người đã tạo ra mặt trăng và mặt trời một cách có chủ đích, tất cả đều vận hành trong thời gian định trước của mình. Hiển nhiên Người là Đấng tối cao, là người xóa bỏ mọi tội lỗi.

- Quỳ xuống, - người lính Taliban nói.

Lạy Thượng đế tối cao! Hãy tha thứ và khoan dung bởi Ngài là người độ lượng nhất.

- Quỳ xuống đây, hamshira. Và cúi xuống.

Lần cuối cùng, Mariam làm như người ta bảo.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét