Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 33

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

33

Mariam

Vào một buổi sáng sớm mùa xuân năm sau, năm 1993, Mariam đứng bên cửa sổ phòng khách nhìn Rasheed đưa cô gái ra khỏi nhà. Laila lảo đảo, người hơi cúi xuống, một tay ôm bảo vệ cái bụng căng tròn, mà hình dạng có thể nhìn thấy qua chiếc burqa của cô. Rasheed, lo lắng và chu đáo quá mức, nắm lấy khuỷu tay cô, đưa cô qua sân như một viên cảnh sát giao thông. Ông ta ra hiệu “Đợi ở đây” rồi vội lao ra cổng trước, ra hiệu cho cô gái đi tiếp, một chân giữ cho cửa mở. Khi cô đến nơi, ông ta nắm lấy tay cô, giúp cô qua cổng. Mariam gần như có thể nghe thấy tiếng ông ta nói, “Bây giờ thì đi cẩn thận nhé, bông hoa của anh, gul của anh”.
Họ trở về lúc sẩm tối ngày hôm sau.
Mariam nhìn thấy Rasheed đi vào sân trước. Ông ta cứ để cho cánh cổng đung đưa và suýt nữa nó đập vào mặt cô gái. Ông ta băng nhanh qua sân. Mariam nhận thấy vẻ âm u trên khuôn mặt ông ta, một màn đêm ẩn chứa dưới ánh đỏ đồng lúc chạng vạng. Vào trong nhà, ông ta cởi áo khoác ném xuống ghế sofa. Khi nhìn thấy Mariam, ông ta nói bằng một giọng cộc cằn, “Tôi đói rồi. Làm bữa tối nhanh lên”.

Cửa trước ngôi nhà mở ra. Từ bên hành lang, Mariam nhìn thấy cô gái, một cái bọc được cuốn lại treo bên tay trái. Laila để một chân ngoài, một chân trong để chặn cho cánh cửa không đóng sập lại. Cô vừa cúi người xuống vừa càu nhàu, cố gắng với cái túi đồ mà cô đã đặt xuống để mở cửa. Khuôn mặt cô nhăn nhó vì phải vận sức. Cô ngước mắt lên và nhìn thấy Mariam.
Mariam quay vào trong bếp hâm nóng thức ăn cho Rasheed.
- Cứ như có người đang chọc cái tua vít vào tai tôi vậy, - Rasheed nói, tay dụi mắt. Ông ta đang đứng ở trước cửa phòng Mariam, đôi mắt sưng húp, mặc độc cái quần thắt nút. Mái tóc trắng của ông ta rối bời, chĩa ra mọi hướng. - Nó đang khóc. Tôi không thể chịu nổi.
Ở dưới tầng, cô gái đang bế đứa bé đi lại trong phòng và cố hát ru nó.
- Trong suốt hai tháng qua tôi không có lấy một đêm ngon giấc, - Rasheed nói. - Phòng thì có mùi như nước cống. Tã bẩn ở khắp mọi nơi. Đêm hôm nọ tôi đã giẫm phải một cái.
Mariam cười thầm trong bụng với sự thỏa mãn quá đáng.
- Mang con bé ra ngoài! - Rasheed ngoái cổ lại hét. - Sao cô không đưa nó ra ngoài?
Tiếng hát im bặt.
- Nó sẽ bị viêm phổi.
- Giờ đang là mùa hè.
- Gì cơ?
Rasheed nghiến răng và lớn giọng.
- Tôi nói, ngoài kia trời ấm!
- Tôi không đưa con bé ra ngoài đâu!
Và tiếng hát lại cất lên.
- Đôi khi, tôi thề, đôi khi tôi muốn tống cái thứ đấy vào một cái hộp và thả trôi nó trên sông Kabul. Giống như đứa bé Moses*.

*[Cậu bé có cha mẹ là người Israel bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập. Sau khi sinh ra cậu được giấu trong một chiếc thúng trên sông Nile để tránh khỏi sự tàn ác của Pharaoh trị vì. May mắn là con gái của Pharaoh khi đi tắm đã nhặt được cậu và nhận làm con nuôi]

Mariam chưa bao giờ nghe thấy ông ta gọi đứa bé bằng cái tên mà Laila đặt cho nó, Aziza, Người yêu dấu. Nó luôn là đứa bé, hoặc khi ông ta thực sự cáu tiết thì nó là cái thứ đó.
Có vài đêm, Mariam lén nghe họ cãi nhau. Cô nhón chân tới cửa phòng họ, lắng nghe ông ta than phiền về đứa bé - luôn luôn là đứa bé - về việc nó khóc suốt ngày, mùi, rồi những thứ đồ chơi làm cho ông ta bị vấp, và chuyện đứa bé đã lấy đi sự chú ý của Laila dành cho ông ta bằng những nhu cầu liên tục như được cho ăn, được vỗ về, được thay tã lót, bế ẵm và đi dạo. Đến lượt cô gái quở trách ông ta vì tội hút thuốc lá trong phòng và không để cho đứa bé ngủ với họ.
Cũng có những cuộc tranh cãi không to tiếng.
- Bác sĩ nói sáu tuần.
- Vẫn chưa đâu, Rasheed. Không. Đi đi. Thôi đi mà. Đừng có làm thế.
- Đã hai tháng rồi.
- Suỵt. Đấy. Ông đánh thức đứa bé rồi đấy. - Rồi cô đanh giọng, - Khosh shodi? Bây giờ thì ông hạnh phúc rồi chứ?
Mariam lén quay trở lại phòng mình.
- Cô không giúp gì được sao? - Bây giờ thì Rasheed đang nói. - Phải có chuyện gì cô làm được chứ.
- Tôi biết gì về trẻ con đâu? - Mariam nói.
- Rasheed! Ông có thể mang cái bình lên đây không. Nó ở trên almari ấy. Con bé không chịu ăn. Tôi muốn thử lại cái bình đó.
Tiếng đứa bé ré lên từng chặp, như thể một con dao phay bổ trên miếng thịt.
Rasheed nhắm mắt lại.
- Cái thứ đó là một viên chỉ huy đấy. Hekmatyar. Tôi nói cho cô biết, Laila đã sinh ra Gulbuddin Hekmatyar.
Mariam chứng kiến mỗi ngày cô gái một trở nên bận rộn với hết việc cho ăn, hát ru, lại đến việc tung nựng đũa bé rồi bế rong nó. Ngay cả khi đứa bé ngủ, cũng lại có hàng đống tã bẩn phải vò và ngâm trong cái thùng thuốc tẩy mà cô gái đã nài nỉ Rasheed mua. Có móng tay cần phải giũa bằng giấy nhám, có bộ quần áo lao động và bộ quần áo ngủ cần phải giặt và phơi. Những bộ quần áo này, cũng như những thứ khác về đứa bé, đã trở thành tâm điểm của cuộc cãi vã.
- Có vấn đề gì với chúng hay sao? - Rasheed nói.
- Đây là quần áo của con trai. Dành cho một bacha.
- Thế cô nghĩ nó biết phân biệt chắc? Tôi đã phải trả cả đống tiền cho những bộ quần áo này. Và một điều nữa, tôi không thích cái giọng đó. Hãy coi đó là một lời cảnh cáo.
Hằng tuần, không một lần nào quên, cô gái hơ nóng một miếng đồng đen trên lửa, tung một nhúm hạt cửu lý hương vào trong đó và thổi nhẹ khói thảo mộc espandi vào đứa bé để xua đuổi ma quỷ.
Mariam thấy thật mệt mồi khi phải dõi theo sự hăng hái bền bỉ của cô gái - và trong chừng mực nào đó, cô phải thú nhận rằng mình thán phục cô gái. Cô rất kinh ngạc khi đôi mắt cô gái luôn sáng lên lòng tôn kính, thậm chí cả vào buổi sáng, khi gương mặt cô ủ rũ và nước da nhợt nhạt sau một đêm thức bế đứa bé. Cô gái bật cười khi đứa bé đánh rắm. Những thay đổi nhỏ nhất của đứa trẻ làm cô vui thích và mọi thứ nó làm cô đều thấy thật kỳ diệu.
- Nhìn này! Con bé đang với cái lúc lắc kìa. Nó mới thông minh làm sao.
- Tôi gọi báo chí đến nhé, - Rasheed nói.
Tối nào cũng có chuyện để xem. Khi cô gái cứ khăng khăng đòi ông ta xem cái gì đó, Rasheed hất cằm lên và ném một cái nhìn lướt xuống đầy vẻ thiếu kiên nhẫn qua cái đầu mũi có nhiều mạch máu xanh.
- Xem này. Xem con bé cười khi em vỗ tay kìa. Đấy. Thấy không? Ông có nhìn thấy không?
Rasheed càu nhàu rồi quay lại với đĩa thức ăn của mình. Mariam nhớ lại chỉ riêng sự có mặt của cô gái thôi đã từng làm ông ta điên đảo đến thế nào. Mọi thứ cô ấy nói đều đã từng làm hài lòng ông ta, thu hút ông ta, lôi ông ta ngẩng đầu lên khỏi đĩa thức ăn và gật đầu đồng tình.
Việc cô gái bị thất sủng lẽ ra phải khiến Mariam hài lòng, phải đem lại cho cô cảm giác của một người đã chứng minh được là mình đúng. Nhưng thật lạ là không. Không phải thế. Chính Mariam cũng ngạc nhiên khi thấy mình thương hại cho cô gái.
Lại thêm chuyện sau bữa tối, cô gái bày tỏ hàng loạt nỗi lo lắng của mình. Đứng đầu danh sách là bệnh viêm phổi, luôn nằm trong diện tình nghi mỗi khi đứa bé có những cơn ho nhẹ. Rồi là bệnh lỵ, nỗi sợ hãi về căn bệnh này càng lớn hơn sau mỗi lần đứa bé bị ỉa chảy. Rồi mỗi nốt đỏ cũng được cho là dấu hiệu của bệnh sởi hoặc bệnh đậu mùa.
- Cô không cần phải lo lắng quá như thế đâu, - một tối Rasheed nói.
- Ý ông là gì?
- Đêm hôm trước tôi có nghe đài. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Tôi nghe một con số thống kê thú vị. Họ nói rằng ở Afghanistan, cứ bốn đứa trẻ thì một đứa sẽ chết trước năm tuổi. Họ nói thế đấy. Bây giờ, họ... Sao? Sao? Cô đi đâu đấy? Quay lại đây? Quay lại đây ngay!
Ông ta nhìn Mariam lúng túng.
- Cô ta sao thế?
Đêm đó, Mariam đang nằm trên giường thì cuộc cãi vã lại bắt đầu. Đó là một đêm mùa hè oi ả, đặc trưng của tháng Saratan ở Kabul. Mariam mở cửa sổ rồi đóng lại vì chẳng có cơn gió nào lùa vào để làm dịu đi cái nóng, chỉ có muỗi. Cô có thể cảm thấy cái nóng bốc lên từ nền đất bên ngoài, qua những tấm ván vụn màu nâu sáng của nhà xí, phả lên qua những bức tường và vào trong phòng cô.
Thường thì, cuộc cãi vã sẽ tự kết thúc sau vài phút, nhưng lần này nửa tiếng trôi qua, nó không những tiếp tục mà thậm chí còn căng thẳng hơn. Bây giờ Mariam có thể nghe thấy Rasheed đang hét lên. Còn giọng cô gái thì nhỏ hơn, chói tai và ngập ngừng. Ngay sau đó đứa bé khóc thét lên.
Rồi Mariam nghe thay tiếng cửa phòng họ mở ra một cách hung dữ. Vào buổi sáng, cô thấy cái vết hình tròn của tay nắm cửa hằn trên bức tường ngoài hành lang. Cô đang ngồi trên giường thì cửa phòng bật mở và Rasheed bước vào.
Ông ta mặc quần lót trắng và áo lót cùng màu, bị ố vàng ở dưới nách vì mồ hôi. Chân đi đôi dép tông. Ông ta cầm một cái dây lưng trong tay, cái dây da màu nâu mà ông ta đã mua cho lễ nikka với cô gái, và ông ta cuốn cái phần cuối bị đục thủng quanh nắm tay.
- Đó là do mày làm. Tao biết là mày, - ông ta gầm lên, tiến về phía cô.
Mariam trườn ra khỏi giường và bắt đầu lùi lại. Theo bản năng, cánh tay cô ôm lấy ngực, chỗ ông ta thường đánh đầu tiên.
- Ông đang nói về cái gì thế? - cô lắp bắp.
- Nó từ chối tao. Mày đã dạy nó làm thế.
Qua nhiều năm, Mariam đã học cách khiến bản thân chai lì trước sự khinh bỉ và sỉ nhục, sự cười cợt và chỉ trích của ông ta. Nhưng nỗi sợ này cô vẫn không thể kiểm soát nổi. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, ấy vậy nhưng cô vẫn run bắn vì sợ hãi khi ông ta như thế này, ông ta nhạo báng, quấn chặt cái thắt lưng quanh nắm tay, tiếng vụt của da, tia sáng lóe lên trong đôi mắt đỏ ngầu ấy. Đó là nỗi sợ của một con dê bị thả vào trong chuồng cọp, khi con cọp giơ móng vuốt lên và bắt đầu gầm gừ.
Bây giờ cô gái đã vào trong phòng, mắt mở to và khuôn mặt nhăn nhó.
- Lẽ ra tao phải biết mày sẽ làm hỏng cô ta, - Rasheed nhổ toẹt vào Mariam.
Ông ta vung cái dây lưng lên, thử nó vào đùi mình. Một tiếng chát vang lên rất to.
- Dừng lại, bas! - cô gái nói. - Rasheed, ông không được làm vậy.
- Quay về phòng ngay.
Mariam lại lùi lại.
- Không! Đừng làm vậy!
- Ngay lập tức!
Rasheed vung chiếc thắt lưng lên và lần này quất thẳng vào Mariam.
Rồi một điều bất ngờ xảy ra: cô gái nhào vào tấn công ông ta. Cô vồ lấy cánh tay ông ta bằng cả hai bàn tay và cố gắng kéo ông ta xuống, nhưng cô không thể làm gì hơn là treo người đung đưa trên đó. Tuy vậy, cô cũng đã làm giảm tốc độ tấn công của Rasheed về phía Mariam.
- Bỏ ra! - Rasheed gầm lên.
- Ông thắng. Ông thắng rồi. Đừng làm như thế. Xin ông, Rasheed, đừng đánh nữa! Làm ơn đừng làm như thế.
Cứ như thế họ vật lộn với nhau, cô gái bám chặt vào, cầu xin, còn Rasheed cố gắng đẩy cô ra, mắt trừng trừng nhìn Mariam, lúc này đang quá sợ để có thể làm bất cứ điều gì.
Cuối cùng, Mariam biết rằng cô sẽ không bị đánh nữa, đêm hôm đó thì không. Ông ta đã nói rõ. Ông ta đứng như thế một lúc, tay giơ cao, ngục căng ra, những giọt mồ hôi lấp lánh che phủ hàng lông mày của ông ta. Rasheed từ từ hạ tay xuống. Chân cô gái chạm xuống đất nhưng cô vẫn chưa chịu buông tay, như thể cô không tin tưởng vào ông ta. Rasheed phải giật mạnh tay ra khỏi nắm tay của cô.
- Tôi sẽ để ý đến cô, - ông ta nói, vắt cái dây lưng lên vai. - Tôi sẽ để ý đến cả hai. Tôi sẽ không để bị biến thành một ahmaq, một thằng ngu trong chính ngôi nhà của tôi đâu.
Ông ta ném cho Mariam một cái nhìn cuối cùng đầy sát khí và xô vào cô gái khi ông ta quay trở ra.
Khi Mariam nghe thấy tiếng cửa phòng họ đóng lại, cô trèo trở lại giường, vùi đầu vào dưới gối, đợi cho cơn run rẩy dừng lại.
Đêm đó, Mariam bị đánh thức ba lần. Lần đầu tiên là tiếng rocket ầm ầm ở phía Tây, đến từ hướng Karteh-Char. Lần thứ hai là tiếng khóc của đứa bé ở dưới tầng, tiếng cô gái vỗ về, tiếng lách cách của chiếc thìa gõ vào chai sữa. Và lần cuối cùng, cơn khát đã kéo cô ra khỏi giường.
Ở tầng dưới, phòng khách tối om, chỉ có một vệt sáng của ánh trăng rót qua cửa sổ. Mariam có thể nghe thấy ruồi vo ve ở đâu đó, có thể nhận ra hình dáng cái lò gang ở góc phòng, cái ống của nó nhô ra tạo thành một góc nhọn ngay dưới trần nhà.
Trên đường đi vào bếp, Mariam suýt nữa vấp phải một thứ gì đó. Có một vật ở dưới chân cô. Khi đôi mắt đã quen dần với bóng tối, cô nhận ra cô gái và đứa bé đang nằm trên một cái chăn dưới sàn nhà.
Cô gái đang nằm nghiêng ngủ và ngáy. Đứa trẻ thì thức. Mariam thắp chiếc đèn dầu ở trên bàn và cúi xuống. Trong ánh sáng của cây đèn, lần đầu tiên cô mới thực sự nhìn đứa bé gần đến thế, nhúm tóc sẫm màu, đôi mắt màu nâu nhạt với hàng lông mi dày, hai má hồng hào và đôi môi màu lựu chín.
Mariam có cảm giác đứa bé cũng đang đánh giá cô. Nó nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên, nhìn Mariam chăm chú với sự pha trộn của cảm giác thích thú, bối rối và nghi ngại. Mariam tự hỏi không biết khuôn mặt của cô có làm cho nó sợ hay không, nhưng rồi đứa bé ré lên vui mừng và Mariam biết rằng cô đã có thiện cảm với đứa bé này.
- Suỵt, - Mariam thì thầm. - Con sẽ làm mẹ con thức dậy đấy, ngay cả khi một tai của mẹ con bị điếc.
Bàn tay đứa bé nắm chặt lại. Nó giơ lên, hạ xuống, rồi cho vào miệng đầy vẻ hiếu động. Miệng ngậm tay, đứa bé cười toe toét với Mariam, những bọt nước miếng sáng lấp lánh trên môi nó.
- Nhìn con này. Nhìn con mới tội nghiệp làm sao, ăn mặc không khác gì một cậu con trai. Và bị bọc lại trong cái nóng như thế này. Chả trách con vẫn còn thức.
Mariam kéo chăn ra khỏi đứa bé, phát hoảng khi thấy một cái chăn nữa ở phía dưới, cô chậc lưỡi, kéo nốt cái chăn kia ra. Đứa bé cười khúc khích vì thấy nhẹ nhõm. Nó vung vung tay như một con chim nhỏ.
- Thoải mái hơn chưa nào?
Khi Mariam rụt tay lại, đứa bé túm lấy ngón tay út của cô. Những ngón tay nhỏ xíu bám rất chặt vào tay cô. Chúng ấm áp và mềm mại, ẩm vì dính nước miếng.
- Gunuh, - đứa bé kêu lên.
- Được rồi, bas, ngủ đi.
Đứa bé bấu chặt và lại đá đá cái chân.
Mariam rút ngón tay ra. Đứa bé mỉm cười và phát ra những âm thanh ríu rít. Nó lại đút tay vào miệng.
- Điều gì làm con vui thế? Hả? Con cười gì thế? Con không thông minh như mẹ con nói đâu. Con có tính thô bạo của người cha và sự ngốc nghếch của người mẹ. Con sẽ không cười nhiều như thế nếu như con biết. Không, con sẽ không cười được đâu. Nào ngủ đi. Ngủ đi.
Mariam đứng dậy và vừa bước đi được vài bước thì đứa bé bắt đầu kêu oe, oe, oe mà Mariam biết là dấu hiệu đứa bé muốn khóc ré lên. Cô quay lại với nó.
- Gì thế? Con muốn gì từ ta nào?
Đứa bé cười toe toét.
Mariam thở dài. Cô ngồi xuống và để cho đứa bé túm ngón tay, cô nhìn đứa bé ọ ẹ, rồi gập hai cẳng chân mập mạp lại phía hông và lấy tay phe phẩy không khí. Mariam ngồi đó, nhìn cho đến khi đứa bé thôi không ngọ nguậy nữa mà bắt đầu ngáy nhè nhẹ.
Ngoài kia, chim nhại đang thản nhiên hót, và thỉnh thoảng, khi lũ chim bay đi, Mariam có thể nhìn thấy cánh của chúng bắt màu xanh lân tinh của ánh trăng đang rọi qua những đám mây. Mặc dù họng cô đang khát khô và chân bắt đầu thấy tê tê nhưng cũng phải mất một lúc lâu Mariam mới nhẹ nhàng rút ngón tay ra khỏi nắm tay của đứa bé và đứng dậy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét