Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 40

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

40

Laila

Mùa Thu, Năm 1999

Mariam là người đưa ra ý tưởng đào hố. Một sáng, bà chỉ vào đám đất đằng sau kho dụng cụ và nói:
- Chúng ta có thể đào ở đây. Đây là một vị trí tốt.
Họ thay phiên nhau dùng xẻng đào đất, rồi hót lớp đất tơi sang một bên. Họ không dự định đào một cái hố to, hay một cái hố sâu, vì thế công việc hóa ra lại nhọc nhằn hơn nhiều so với họ nghĩ. Chính đợt hạn hán bắt đầu từ năm 1998, đến năm nay là năm thứ hai, đã tàn phá khắp mọi nơi. Mùa đông năm trước hầu như không có tuyết rơi và không có trận mưa nào suốt cả mùa xuân năm ấy. Nông dân trên khắp đất nước phải bỏ lại những mảnh đất khô nẻ của mình, bán hết hàng hóa, lang thang từ làng này sang làng khác để tìm nước. Họ chuyển đến Pakistan hoặc Iran. Họ định cư ở Kabul. Nhưng những mạch nước trong thành phố cũng rất sâu và những giếng nước nông cũng cạn khô rồi. Ở những giếng sâu có nước thì đoàn người xếp hàng dài dằng dặc, Laila và Mariam phải đợi nhiều tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Sông Kabul đã trơ cả đáy vì không có lũ đầu mùa xuân. Giờ đây nó đã trở thành một cái nhà vệ sinh công cộng, không có gì trong đó ngoài đá cuội và rác thải của con người.
Vì vậy họ vẫn tiếp tục đào, nhưng mặt đất đã trở nên cứng như đá, lóp bụi cứ tích tụ lại, nén chặt vào nhau, gần như hóa đá.
Giờ Mariam đã bốn mươi rồi. Mái tóc quấn trên đầu đã lốm đốm một vài sợi bạc. Mọng mắt đã võng xuống, thâm lại và tạo thành hình lưỡi liềm. Hai chiếc răng cửa đã mất. Một cái do bị ngã, cái kia do Rasheed đánh bay khi bà lỡ tay để rơi bé Zalmai. Da bà trở nên thô hơn và sạm đen đi vì những lúc họ ngồi ngoài sân dưới ánh mặt trời chói chang. Họ ngồi nhìn Zalmai đuổi bắt Aziza.
Khi công việc đã hoàn thành, cái hố đã đào xong, họ đứng ở trên nhìn xuống.
- Thế này chắc là được đấy, - Mariam nói.
Giờ Zalmai đã lên hai. Nó là cậu bé tóc quăn bụ bẫm. Nó có đôi mắt nhỏ màu nâu và dù thời tiết thế nào đi nữa thì hai cái má của nó lúc nào cũng hồng hồng giống Rasheed. Thằng bé cũng có một đường tóc dày và cong hình nửa vầng trăng trên trán giống bố.
Khi ở một mình với Laila, Zalmai rất ngoan, vui vẻ và ham chơi. Thằng bé thích trèo lên vai Laila và chơi trốn tìm với cô cùng Aziza ở trong sân. Thỉnh thoảng, lúc bớt hiếu động hơn, nó thích ngồi trong lòng Laila và bắt cô hát cho nghe. Bài hát yêu thích của nó là “Mullah Mohammad Jan”. Khi cô hát và hôn lên mái tóc xoăn của nó, nó đu đưa đôi chân nhỏ mũm mĩm và khi cô hát đến đoạn điệp khúc, nó cũng tham gia bằng những từ có thể phát âm được với cái giọng the thé của mình:
Hãy đến đây rồi đi Mazar, Mullah Mohammad thân mến,
Để được ngắm những cánh đồng hoa tuy líp, ơi người bạn đồng hành đáng yêu.
Laila yêu những nụ hôn ướt ướt mà Zalmai đặt lên má cô, yêu khuỷu tay có ngấn và ngón chân út mũm mĩm của nó. Cô thích cù thằng bé, thích xây những đường hầm bằng đệm và gối để nó bò qua, thích ngắm nó ngủ trong lòng với một tay luôn nắm chặt tai cô. Lòng cô quặn lại khi nghĩ về buổi chiều hôm đó, khi nằm trên sàn nhà với cái nan hoa xe đạp giữa đôi chân mình. Suýt chút nữa thôi cô đã làm như vậy rồi. Giờ đây cô không thể nghĩ được rằng cô đã từng có lúc ấp ủ cái ý định ấy. Con trai cô là một phước lành và Laila cảm thấy thật thanh thản khi nhận ra rằng nỗi sợ hãi của mình rõ ràng là không có căn cứ, rằng cô yêu Zalmai đến từng tế bào của mình, cũng giống như cô yêu Aziza vậy.
Nhưng Zalmai thì tôn sùng bố mình, và vì vậy nên nó thay đổi hẳn khi bố nó ở cạnh cưng chiều nó. Rồi nó sẽ nở một nụ cười ngang ngạnh hoặc hỗn xược. Cứ khi nào có mặt bố là thằng bé rất dễ sinh hư. Nó hay bực tức. Nó cứ làm nghịch dại mặc cho Laila rầy la, điều mà nó không bao giờ làm khi Rasheed đi vắng.
Rasheed ủng hộ tất cả những trò đó của nó. “Đó là dấu hiệu của sự thông minh”, ông ta nói. Ông ta cũng nói như vậy về sự liều lĩnh của Zalmai khi nó ngậm những viên bi rồi phì ra; khi nó nghịch diêm; khi nó nhai thuốc lá của bố nó.
Khi Zalmai được sinh ra, Rasheed chuyển thằng bé vào trong giường của ông ta và Laila. Ông ta mua cho nó một cái giường cũi mới, trên thành có
sơn hình sư tử và những con báo đang nép mình. Ông ta mua quần áo mới, lúc lắc mới, chai mới, tã lót mới, mặc dù họ không có điều kiện và những đồ cũ của Aziza thì vẫn còn dùng được. Một hôm, ông ta về nhà với một món đồ chơi chạy bằng pin và treo nó lên cũi của Zalmai. Những chú ong nghệ màu vàng đen buông xuống từ một bông hoa hướng dương, chúng rúm lại, kêu chút chít mỗi khi bị bóp vào. Khi bật nó lên thì một bản nhạc được phát ra.
- Tôi tưởng ông nói việc kinh doanh đang ế ẩm, - Laila nói.
- Tôi có những người bạn có thể cho tôi, - ông ta trả lời bừa.
- Rồi thì làm sao mà trả cho người ta?
- Mọi thứ rồi cũng ổn thôi. Luôn là như vậy mà. Nhìn kìa, thằng bé thích nó. Thấy không?
Hầu như ngày nào cũng thế, Laila đều không được gần con trai. Rasheed đưa thằng bé đi đến cửa hàng, để nó bò xung quanh dưới gầm bàn làm việc chật chột, chơi với những đế giày cao su cũ và những miếng da thừa. Rasheed vừa đóng những chiếc đinh sắt nhỏ, quay cái bánh mài và vừa để mắt trông chừng thằng bé. Nếu Zalmai làm đổ giá để giày, Rasheed chỉ trách mắng nhẹ nhàng, với nụ cười mỉm điềm tĩnh. Nếu như thằng bé tái phạm, Rasheed sẽ đặt búa xuống, bế nó lên bàn làm việc của ông ta và nói với nó một cách dịu dàng.
Sự kiên nhẫn của ông ta với Zalmai giống như một cái giếng sâu, không bao giờ khô cạn.
Họ cùng nhau trở về nhà vào buổi tối, đầu Zalmai gục vào vai của Rasheed, cả hai đều bốc mùi hồ và da thuộc. Họ tinh quái cười với nhau theo cách của những người có chung một bí mật, như thể cả ngày họ ngồi trong cái cửa hàng giày tối mờ đó không phải để làm ra những đôi giày, mà là để vạch ra những mưu đồ bí mật. Vào bữa tối Zalmai thích ngồi bên cạnh bố nó, chơi những trò chơi của riêng hai người, trong khi Mariam, Laila và Aziza dọn đồ ăn lên sofrah. Hai bố con thay phiên chọc lét vào ngực nhau, cười rúc rích, ném những mẩu vụn bánh mì vào nhau, thì thầm những điều mà người khác không thể nào nghe thấy được. Nếu Laila chen ngang vào thì Rasheed nhìn cô với vẻ khó chịu. Nếu như cô muốn bế Zalmai hoặc tệ hơn, nếu Zalmai đòi cô, Rasheed sẽ trừng mắt nhìn cô.
Laila bỏ đi với cảm giác đau nhói.
Rồi một đêm, vài tuần sau khi Zalmai tròn hai tuổi, Rasheed về nhà với một cái ti vi và một đầu video. Ngày hôm đó, trời ấm áp và khá dễ chịu, nhưng buổi tối thì lạnh hơn và đến đêm thì trời buốt giá và không có sao.
Ông ta đặt nó lên cái bàn trong phòng khách. Ông ta nói đã mua nó ở chợ đen.
- Ông lại vay à? - Laila hỏi. - Cái này hiệu Magnavox đấy.
Aziza bước vào phòng. Khi nhìn thấy ti vi, cô bé chạy lại gần.
- Cẩn thận đấy Aziza bé bỏng, - Mariam nói. - Đừng có chạm vào đó.
Tóc của Aziza đã chuyển sang màu sáng như tóc của Laila. Laila có thể nhìn thấy lúm đồng tiền của cô trên má con bé. Aziza đã trở thành một bé gái chững chạc và biết suy nghĩ với cách cư xử mà Laila thấy dường như vượt xa tuổi lên sáu của nó. Laila ngạc nhiên trước cách nói chuyện của con gái mình, sự nhịp nhàng và uyển chuyển, những âm điệu và những khoảng dừng suy tư, thật người lớn, thật kỳ lạ khi trong cơ thể non nớt ấy lại có một giọng nói như vậy. Đó chính là Aziza với vẻ quyền hành đáng yêu khi tự cho mình trách nhiệm phải đánh thức Zalmai mỗi ngày, mặc quần áo, cho em ăn sáng và chải tóc cho em. Con bé là người ru em vào giấc ngủ, là người đóng vai trò như một sứ giả hòa bình điềm đạm với thằng em tính khí thất thường. Ở cạnh thằng bé, Aziza đã quen có cái kiểu lắc đầu rất người lớn và nghiêm khắc.
Aziza nhấn nút nguồn ti vi. Rasheed nổi cáu, túm lấy cổ tay con bé đặt lên bàn, không một chút nhẹ nhàng.
- Đây là ti vi của Zalmai, - ông ta nói.
Aziza đến bên Mariam và trèo vào lòng bà. Hai người giờ đây không thể tách rời nhau. Gần đây, Mariam bắt đầu dạy Aziza những bài thơ trong kinh Koran, điều này khiến Laila cảm thấy rất vui. Aziza đã có thể đọc thuộc lòng các chương ikhlas, fatiha, biết cách thực hiện bốn ruqat của lễ cầu nguyện buổi sáng.
Đó là tất cả những gì tôi có để cho con bé, Mariam nói với Laila, kiến thức này, những lời cầu nguyện này. Chúng là tài sản duy nhất mà tôi thực sự có.

Giờ Zalmai vào trong phòng. Trước cái nhìn chờ đợi của Rasheed, giống như cái cách mà người ta chờ đợi những trò ảo thuật đơn giản của một ảo thuật gia đường phố, Zalmai giật dây ti vi, nhấn những cái nút, ấn hai lòng bàn tay vào cái màn hình trống. Khi nó nhấc tay ra, hình lòng bàn tay ẩm mờ dần trên mặt kính. Rasheed mỉm cười tự hào, nhìn Zalmai tiếp tục ấn lòng bàn tay rồi lại nhấc ra, hết lần này đến lần khác.
Taliban đã cấm xem ti vi. Băng ghi hình bị chọc thủng trước mặt người dân, ruột băng bị rút ra và lẳng lên các bờ rào. Chảo ăng ten bị treo trên các cột đèn. Nhưng Rasheed nói không phải vì bị cấm mà ông ta không mò ra được.
- Ngày mai tôi sẽ tìm một vài băng hoạt hình, - ông ta nói. - Không khó đâu. Ta có thể mua bất cứ thứ gì ở chợ đen.
- Thế thì có lẽ ông sẽ mua cho chúng ta một cái giếng mới, - Laila nói và rồi nhận được cái nhìn đầy khinh miệt từ ông ta.

Rồi sau đó, khi kết thúc một bữa tối khác, lại với cơm trắng và không có nước trà do hạn hán, Rasheed hút một điếu thuốc rồi nói với Laila về quyết định của mình.
- Không, - Laila nói.
Ông ta nói rằng không phải ông ta đang hỏi ý kiến.
- Tôi không quan tâm có phải ông đang hỏi hay không.
- Cô sẽ quan tâm đấy nếu như cô biết toàn bộ câu chuyện.
Ông ta nói đã mượn tiền của nhiều người hơn so với số người ông ta nói, rằng chỉ khoản tiền kiếm được từ cửa hàng không còn đủ để duy trì cuộc sống của năm người.
- Tôi đã không nói sớm vì không muốn cô lo lắng.
- Bên cạnh đó, - ông ta nói, - cô sẽ ngạc nhiên về những thứ mà họ có thể mang lại cho chúng ta.
Laila lại nói không. Họ đang ở trong phòng khách. Mariam và bọn trẻ thì ở trong bếp. Laila có thể nghe thấy tiếng bát đĩa lách cách, tiếng cười lanh lảnh của Zalmai và giọng Aziza nói với Mariam đều đều và dịu dàng.
- Có những đứa khác cũng như nó, thậm chí còn bé hơn, - Rasheed nói. - Mọi người ở Kabul đều làm như vậy.
Laila nói với ông ta rằng cô không quan tâm người khác làm gì với con cái họ.
- Tôi sẽ để ý đến con bé, - Rasheed nói, bây giờ thì sốt ruột hơn. - Đó là một chỗ an toàn. Có một nhà thờ bên kia phố.
- Tôi sẽ không để cho ông biến con gái tôi trở thành đứa ăn mày! - Laila vặc lại.
Cái tát gây ra một tiếng động lớn, lòng bàn tay với những ngón tay to khỏe của ông ta giáng thẳng vào gò má Laila. Nó khiến cho đầu cô ngật về đằng sau. Những tiếng ồn ào trong bếp bỗng im bặt. Trong chốc lát, ngôi nhà yên tĩnh tuyệt đối. Rồi có tiếng bước chân vội vã trên hành lang trước khi Mariam và lũ trẻ có mặt trong phòng khách, ánh mắt của họ chuyển từ cô sang Rasheed rồi ngược lại.
Rồi Laila đấm mạnh vào ông ta.
Đó là lần đầu tiên cô đánh người khác, không tính đến những cú đấm đùa cô và Tariq từng dành cho nhau. Nhưng đó là những cái vỗ nhẹ chứ không phải cú đấm, là một cách thể hiện hết sức thoải mái và thân thiện cho những ước ao khiến họ vừa hồi hộp lại vừa bối rối. Chúng nhằm vào những cơ bắp mà Tariq, bằng giọng điệu của một chuyên gia, gọi là cơ delta.
Laila nhìn năm tay cô vung lên, sượt qua không khí, dưới đốt ngón tay, cô cảm nhận được những nếp nhăn trên làn da thô ráp của Rasheed. Nó tạo thành thứ âm thanh giống như ai đó làm rơi túi gạo xuống sàn nhà. Cô đã đấm ông ta rất mạnh. Sức mạnh của nó thực sự đã làm cho ông ta lảo đảo lùi về đằng sau hai bước.
Ở phía bên kia căn phòng, có tiếng thở hổn hển, tiếng kêu và tiếng la thất thanh. Laila không biết người nào đã thốt ra tiếng kêu nào. Lúc này, cô sững sờ đến nỗi không còn chú ý hay quan tâm đến điều gì nữa, đợi cho tâm trí bắt kịp với những gì mà tay cô đã làm. Khi định thần lại, cô tin rằng cô có thể đã mỉm cười. Có thể cô đã cười to khi Rasheed lầm lũi đi ra khỏi phòng trước sự kinh ngạc của cô.
Bỗng nhiên, Laila thấy những khốn khó chất chồng trong cuộc sống của họ - của cô, của Aziza, của Mariam - đã biến mất, đã bốc hơi như những dấu bàn tay của Zalmai trên màn hình ti vi. Dù có phần phi lý, nhưng dường như tất cả những sự chịu đựng của họ đều là xứng đáng để mà có được một giây phút huy hoàng này, để có hành động phản kháng này, hành động có thể sẽ chấm dứt tất cả sự nhục nhã mà họ đã phải chịu đựng.
Laila không để ý rằng Rasheed đã quay trở lại phòng. Cho đến khi bàn tay ông ta túm lấy cổ cô. Cho đến khi cô bị nhấc bổng lên và bị ném phịch vào tường.
Ở khoảng cách thật gần, gương mặt nhạo báng của ông ta dường như nở rộng ra đến mức phi lý. Laila để ý thấy mặt ông ta đang trở nên húp híp hơn với dấu ấn của tuổi tác và trên mũi có nhiều nếp nhăn hơn. Rasheed không nói gì cả. Và thực ra có thể nói gì đây, cần phải nói gì đây khi người ta gí họng súng vào miệng vợ mình.

Chính những cuộc khám xét bất ngờ là lý do khiến họ phải ở trong sân để đào hố. Những cuộc khám xét đôi khi theo tháng, đôi khi theo tuần. Hoặc gần đây hầu như ngày nào cũng có. Thường thì Taliban tịch thu tài sản, đá đít người ta hoặc vụt một hai cái vào sau gáy. Nhưng đôi khi họ đánh đập hoặc quất vào lòng bàn tay, bàn chân một cách công khai.
- Nhẹ nhàng thôi, - Mariam nói, đầu gối bà quỳ sát miệng hố. Họ hạ cái ti vi xuống hố, mỗi người cầm một đầu tấm ni lông bọc cái ti vi.
- Thế là xong, - Mariam nói.
Họ đập đất cho bằng phẳng lại sau khi đã lấp cái hố. Họ tung một ít đất xung quanh để trông không có vẻ đáng nghi.
- Xong, - Mariam nói và phủi tay vào váy.
Họ đã đồng ý với nhau là khi tình hình trở nên an toàn hơn, khi Taliban giảm những cuộc đột kích bất ngờ, sau một tháng, hai tháng, sáu tháng, hoặc có thể lâu hơn nữa, họ sẽ đào để lấy ti vi lên.

Trong giấc mơ của Laila, cô và Mariam đang ở bên ngoài phía sau kho dụng cụ và lại đang đào. Nhưng lần này, họ đang chôn Aziza. Hơi thở của Aziza làm mờ tấm ni lông họ dùng để bọc con bé. Laila nhìn thấy đôi mắt hoảng sợ của con bé, bàn tay trắng nhợt của nó đang đập và ấn vào tấm ni lông. Aziza van xin. Laila không thể nghe thấy tiếng con bé la hét. Chỉ một lát thôi, cô nói vọng xuống, chỉ một lát thôi. Người ta đang khám xét, con biết không, con yêu? Khi cuộc khám xét kết thúc, mẹ và Khala Mariam sẽ đào con lên. Mẹ hứa đấy, con yêu. Rồi sau đó chúng ta sẽ cùng chơi. Chúng ta sẽ chơi thật thỏa thích. Cô lấy xẻng gạt đất. Thế rồi cô bừng tỉnh, không thở được, vẫn còn cảm thấy mùi đất trong miệng mình khi những xẻng đất đầu tiên chạm vào tấm ni lông.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét