Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 48

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

Phần Bốn

48

Những cơn đau đầu lại hành hạ Tariq.
Nhiều đêm, Laila tỉnh giấc và thấy anh đang ở mép giường, người rung lên, cái áo lót kéo trùm lên đầu. Anh nói những cơn đau đầu xuất hiện từ khi anh ở Nasir Bagh, sau đó nặng dần lên trong thời gian anh ở tù. Đôi khi chúng làm anh nôn mửa, làm một bên mắt lòa đi. Anh nói có cảm giác như một con dao của tay đồ tể đang khoét sâu vào một bên thái dương, chầm chậm xoáy sâu vào não anh rồi thòi ra ở phía bên kia.
- Khi cơn đau bắt đầu, anh thậm chí có thể cảm thấy chất thép lạnh của con dao đó.
Thỉnh thoảng, Laila dấp ướt một miếng vải đặt lên trán anh, nhờ đó cơn đau cũng đỡ đi một chút. Một vài viên thuốc tròn màu trắng nho nhỏ mà bác sĩ của Sayeed đưa cho Tariq cũng có tác dụng. Nhưng nhiều đêm, tất cả những gì Tariq có thể làm là ôm đầu và rên rỉ, mắt anh đỏ ngầu, mũi rỏ nước. Laila ngồi bên cạnh anh mỗi khi anh bị giày vò như thế, xoa bóp sau gáy anh, cầm tay anh trong tay mình, chiếc nhẫn cưới anh đeo cọ vào lòng bàn tay cô lành lạnh.
Họ tổ chức đám cưới vào ngay cái ngày họ tới Murree. Sayeed nhẹ cả người khi Tariq nói với ông rằng họ sẽ cưới nhau. Ông sẽ không phải đề cập với Tariq cái vấn đề tế nhị khi một cặp nam nữ không có hôn thú lại trú ngụ ở khách sạn này. Sayeed không có vẻ gì giống như Laila đã hình dung về ông với gương mặt hồng hào và đôi mắt ti hí. Thực tế thì ông có hàng ria màu muối tiêu, phần chỏm được cuộn lại thành một mũi nhọn và mớ tóc dài xám màu được chải từ trán hất ra phía sau. Ông có giọng nói nhẹ nhàng, lịch sự, mọi lời nói ra đều có sự suy xét và cử chỉ duyên dáng.
Chính Sayeed đã mời một người bạn và một giáo sĩ tới để làm lễ nikka ngày hôm đó, cũng chính Sayeed là người đã kéo Tariq ra một góc và đưa cho anh một món tiền. Tariq không muốn nhận nhưng Sayeed cứ cố nài. Tariq đi tới chợ trung tâm và khi quay trở về, anh mang theo hai chiếc nhẫn cưới mỏng và đơn giản. Họ cưới nhau tối hôm đó, sau khi lũ trẻ đã đi ngủ.
Ở trong gương, bên dưới tấm mạng xanh mà vị giáo sĩ đã phủ lên đầu họ, mắt Laila bắt gặp mắt Tariq. Không có nước mắt, không có nụ cười ngày cưới, không có những lời thì thầm nguyện ước yêu nhau trọn đời. Trong im lặng, Laila nhìn vào hình ảnh phản chiếu của họ, nhìn vào hai khuôn mặt già hơn nhiều so với tuổi, nhìn vào những mọng mắt, những nếp nhăn và những chỗ sệ xuống giờ đây đã in hằn trên những khuôn mặt một thời tinh khôi, trẻ trung. Tariq mở miệng định nói gì đó, nhưng ngay lúc ấy, một người đã kéo tấm mạng, và Laila không biết anh đang định nói gì nữa.
Đêm đó, họ nằm trên giường với tư cách vợ chồng, khi lũ trẻ đã nằm ngáy dưới chiếu ngủ bên dưới. Laila nhớ lại khoảng không gian giữa cô và Tariq đã dễ dàng được lấp đầy bằng những lời nói như thế nào khi họ còn trẻ, nhớ cái líu ríu, liến thoắng, luôn luôn ngắt lời nhau và đứa nọ túm vào cổ áo đứa kia khi nhấn mạnh một điều gì, nhớ cái tính dễ cười, nhớ cái ham muốn được vui chơi thỏa thích. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra kể từ những ngày thơ ấu đó, bao nhiêu điều cần phải nói. Nhưng trong cái đêm đầu tiên ấy, tất cả những cảm xúc ngập tràn đã lấy hết từ ngữ của cô. Đêm đó, chỉ cần được ở cạnh anh đã là quá đủ sung sướng. Chỉ cần được biết rằng anh đang ở đây, được cảm thấy hơi ấm của anh ở bên cạnh cô, được nằm với anh, đầu chụm vào nhau, cánh tay phải của anh ôm cô từ phía bên trái chỉ cần vậy thôi đã là quá đủ hạnh phúc rồi.
Vào nửa đêm, khi Laila tỉnh giấc vì khát nước, cô thấy tay họ vẫn đang đan chặt vào nhau, các đốt ngón tay ép vào nhau đến trắng bệch ra, như những đứa bé lo lắng giữ chặt sợi dây buộc bóng bay của mình vậy.
Laila thích những buổi sáng mát mẻ, nhiều sương mù của Murree và cả những tia sáng le lói lúc chạng vạng, bầu trời đêm sâu thẳm lấp lánh ánh sao; màu xanh thẫm của những cây thông và màu nâu nhạt của những con sóc đang phi vùn vụt trên những thân cây cứng cáp; những cơn mưa rào bất chợt làm cho những người mua hàng trong chợ trung tâm bị kẹt lại dưới các mái hiên. Cô thích các cửa hàng bán đồ lưu niệm và rất nhiều khách sạn dành cho du khách, thậm chí cô thích cả khi người dân địa phương than vãn rằng việc không ngừng xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng đang làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của Murree. Laila lấy làm lạ khi thấy mọi người lại phàn nàn về việc xây dựng những tòa nhà. Ở Kabul, có lẽ người ta sẽ ăn mừng vì điều đó.
Cô thích thú vì họ có một phòng tắm, không phải ở bên ngoài nhà mà là một phòng tắm thực sự với một cái toilet có giật xả nước, một vòi tắm hoa sen và một bồn rửa mặt có những cái vòi nước đôi, từ đó chỉ cần gạt nhẹ tay là cô có thể lấy ra nước nóng hoặc nước lạnh. Cô thích thú khi được đánh thức bởi tiếng be be của Alyona vào mỗi buổi sáng, và giọng nói của Adiba, bác đầu bếp hay gắt gỏng nhưng vô hại, người tạo nên những điều kỳ diệu trong nhà bếp.
Thỉnh thoảng, khi Laila nhìn Tariq ngủ, khi những đứa con của cô càu nhàu và cựa quậy trong giấc ngủ của chúng, một niềm biết ơn dâng trào trong cô, làm mắt cô đẫm nước.
Vào những buổi sáng, Laila theo Tariq từ phòng này sang phòng kia. Những chiếc chìa khóa xuyên thành xâu ngang hông anh kêu xủng xoảng và chai nước lau kính treo lủng lẳng vào đỉa chiếc quần bò anh mặc. Laila thì mang một cái xô đầy những giẻ, thuốc tẩy uế, một cái cọ bệ xí, và thuốc xịt côn trùng. Aziza cũng lẽo đẽo đi theo như hình với bóng, một tay cầm một cái móp lau sàn, tay kia cầm một con búp bê nhồi hạt đậu mà Mariam đã làm cho con bé. Zalmai đi theo họ một cách miễn cưỡng và hờn dỗi, luôn ở phía sau vài bước.
Laila hút bụi, chỉnh trang lại giường và lau đồ đạc. Tariq rửa bồn rửa mặt và bồn tắm, cọ toilet và lau cái sàn nhà lót vải sơn. Anh cất khăn sạch, những lọ dầu gội đầu nhỏ xíu và những miếng xà phòng mùi quả hạnh lên các giá. Aziza đã nhận nhiệm vụ xịt kính và lau các cửa sổ. Con búp bê không bao giờ ở quá xa chỗ nó đang làm.
Laila nói với Aziza về Tariq một vài ngày sau lễ nikka.
Laila nghĩ những chuyện giữa Aziza và Tariq thật lạ lùng, gần như khiến cô bối rối. Giờ thì Aziza nói nốt câu mà anh nói với nó, còn anh cũng nói nốt những câu nó đang nói dở. Con bé đưa các thứ cho anh trước khi anh hỏi đến chúng. Những nụ cười bí mật mà bọn họ trao đổi với nhau qua chiếc bàn ăn tối như thể họ không phải người lạ mà giống những người quen gặp lại nhau sau bao ngày xa cách.
Aziza nhìn xuống cánh tay mình với vẻ nghĩ ngợi khi Laila nói với nó.
- Con quý ông ấy, - con bé nói sau khi im lặng một lúc lâu.
- Ông ấy yêu con.
- Ông ấy nói thế ạ?
- Không, ông ấy không nhất thiết phải nói ra thế, Aziza ạ.
- Kể con nghe hết đi, Mammy. Kể cho con đi.
Và Laila kể cho Aziza.
- Bố con là một người đàn ông tốt. Ông ấy là người tốt nhất mà mẹ từng biết.
- Nếu bố bỏ đi thì sao? - Aziza hỏi.
- Ông ấy sẽ không bao giờ bỏ đi. Hãy nhìn mẹ, Aziza. Bố con sẽ không bao giờ làm tổn thương con, và bố sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Vẻ nhẹ nhõm trên khuôn mặt Aziza làm trái tim Laila tan nát.

Tariq đã mua cho Zalmai một con ngựa gỗ bập bênh và làm cho nó một cỗ xe. Anh đã học từ một người bạn tù cách làm những con thú bằng giấy, bởi vậy anh đã gấp, cắt không biết bao nhiêu tờ giấy thành các hình sư tử, kangaroo, ngựa và những con chim với bộ lông sặc sỡ cho Zalmai. Nhưng mọi cố gắng làm thân đó đã bị Zalmai gạt bỏ một cách thô lỗ, đôi khi là cay độc.
- Ông là một con lừa! - nó gào lên. - Tôi không muốn những thứ đồ chơi của ông!
- Zalmai! - Laila há hốc miệng.
- Không sao đâu, - Tariq nói. - Không sao đâu, Laila. Kệ thằng bé.
- Ông không phải Baba jan* [Bố kính yêu] của tôi! Baba jan thật của tôi đang đi xa, và khi trở về ông ấy sẽ đánh cho ông một trận! Và ông sẽ không thể nào chạy đi được, bởi vì ông ấy có hai chân còn ông thì chỉ có một cái!

Buổi tối, Laila ôm Zalmai vào ngực và đọc lời cầu nguyện Babaloo với nó. Khi nó hỏi, cô lại nói dối một lần nữa, nói với nó rằng Baba jan của nó đã đi xa và không biết khi nào ông ấy mới quay trở lại. Cô ghét cay ghét đắng chuyện này, ghét cay ghét đắng bản thân mình vì phải nói dối một đứa trẻ con như thế.
Laila biết rằng mình sẽ còn phải kể đi kể lại mãi câu chuyện dối trá đáng xấu hổ này. Cô sẽ phải lặp lại vì Zalmai lại sẽ hỏi khi nhảy xuống từ chiếc xích đu, khi thức dậy sau một giấc ngủ trưa, và, sau đó, khi nó đã đủ lớn để có thể tự buộc dây giày, tự đi tới trường thì cô vẫn cứ phải lặp lại lời nói dối ấy.
Vào một lúc nào đó, Laila biết thế, những câu hỏi cũng sẽ nguôi ngoai. Dần dần Zalmai sẽ ngừng băn khoăn tại sao bố nó lại rời bỏ nó. Nó sẽ thôi không tìm kiếm bố nó mỗi chỗ đèn giao thông, trong những ông già đang khom lưng lê bước trên đường phố hay đang nhấm nháp trà đun trong ấm samovar tại các dãy quán. Và rồi sẽ đến cái ngày mà nó cảm thấy rằng sự biến mất của bố nó không còn là một vết thương hở miệng và đau đớn nữa khi đang đi dọc một dòng sông uốn khúc quanh co, hoặc khi đang ngắm nhìn những cánh đồng tuyết trơ trụi. Rằng vết thương đó đã trở thành một thứ gì đó khác, đã liền miệng, đã mềm lại và dịu hơn. Giống như một truyền thuyết. Một điều để tôn sùng, một điều bí ẩn.
Laila hạnh phúc ở nơi đây, Murree. Nhưng đó không phải thứ hạnh phúc dễ dàng. Không phải thứ hạnh phúc tự nhiên mà có.
Trong những ngày nghỉ làm, Tariq đưa Laila và lũ nhóc tới chợ trung tâm, dọc theo chợ là những cửa hiệu bán những đồ rẻ tiền và bên cạnh nó là một nhà thờ Anh giáo được xây dựng vào giữa thế kỷ mười chín. Tariq mua cho cả nhà những xiên thịt nướng chapli có tẩm gia vị từ những người bán hàng ven đường. Họ đi tản bộ giữa dòng người địa phương, giữa những du khách châu Âu với điện thoại cầm tay và máy ảnh kỹ thuật số, những người Punjab tới đây để trốn khỏi cái nóng của vùng bình nguyên.
Thi thoảng, họ bắt xe bus tới đỉnh Kashmir. Từ đó, Tariq chỉ cho ba người thấy thung lũng sông Jhelum, các triền dốc được dệt thảm bởi cây thông và những đồi cây tươi tốt, rậm rạp, nơi người ta vẫn có thể nhìn thấy những con khỉ đang chuyền giữa mấy cành cây. Họ cũng đi tới vùng núi Nathia Gali bạt ngàn phong, cách Murree chừng ba mươi cây số, ở đó Tariq cầm tay Laila bước đi trên những con đường rợp bóng cây dẫn đến Tòa nhà Chính phủ. Họ dừng lại ở nghĩa trang cổ của người Anh hoặc bắt taxi lên đỉnh núi để ngắm nhìn thung lũng xanh tươi sương giăng phía dưới.
Trong những chuyến đi đó, có vài lần họ đi qua cửa kính của một cửa hiệu, Laila bắt gặp hình ảnh phản chiếu của họ ở đó. Chồng, vợ, con gái, con trai. Cô biết, đối với những người lạ, gia đình họ trông cũng giống như bao gia đình bình thường khác, không có những bí mật, không có những lời nói dối, không có sự hối tiếc.

Những cơn ác mộng làm cho Aziza thức giấc và kêu la. Laila phải đến nằm bên cạnh con bé, lấy tay áo lau khô hai má của nó và dỗ dành cho nó ngủ trở lại.

Laila cũng có những giấc mơ của mình. Trong mơ, cô luôn thấy mình quay trở lại ngôi nhà ở Kabul, bước trên hành lang và trèo lên tầng.
Cô thấy chỉ có mình cô, nhưng đằng sau những cánh cửa, cô nghe thấy tiếng xèo xèo của cái bàn là, tiếng giũ, rồi gấp chăn. Đôi khi cô nghe thấy một giọng nữ nho nhỏ lẩm nhẩm một bài hát cổ của Herat. Nhưng khi cô bước vào, căn phòng trống không. Không có ai ở đó.
Những giấc mơ tan đi, để lại Laila nằm run rẩy. Cô thức giấc, người ướt đẫm mồ hôi, mắt ứa lệ.
Thật rã rời. Mỗi lần như thế, thật rã rời.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét