Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 36

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

36

Laila

Khi ánh nắng dần đẩy lùi bóng tối trên bầu trời vào mùa xuân năm 1994, Laila cảm thấy chắc chắn rằng Rasheed đã biết chuyện cô sẽ chạy trốn. Rằng bất cứ lúc nào ông ta cũng có thể lôi cô ra khỏi giường và hỏi liệu cô có biến ông ta thành một khar, một con lừa, mà ông ta không hề hay biết hay không. Nhưng khi lời gọi cầu kinh azan vang lên, ánh mặt trời buổi sáng bắt đầu chiếu lên mái nhà và những chú gà trống bắt đầu cất tiếng gáy thì vẫn không có chuyện gì bất thường xảy ra.
Bây giờ cô có thể nghe thấy tiếng ông ta trong nhà tắm, tiếng gõ dao cạo râu xuống mép bồn rửa mặt. Sau đó là ở dưới nhà, đi loăng quăng và hâm nóng trà. Tiếng chìa khóa leng keng. Lúc này ông ta đang dắt chiếc xe đạp băng qua sân.
Laila quan sát qua khe hở trên tấm rèm ở phòng khách. Cô thấy ông ta đạp xe đi, một người đàn ông to lớn trên chiếc xe đạp bé tẹo, ánh mặt trời phản chiếu trên ghi đông xe đạp.
- Laila?
Mariam đang đứng ở trước cửa. Laila biết chắc rằng đêm qua Mariam cũng không hề chợp mắt. Cô tự hỏi liệu có phải Mariam cũng trằn trọc cả đêm bởi cảm giác hạnh phúc xen lẫn với lo lắng hay không.
- Nửa tiếng nữa chúng ta sẽ rời khỏi đây, - Laila nói.

Ở ghế sau của chiếc taxi, họ không hề nói chuyện. Aziza ngồi trong lòng Mariam, tay ôm con búp bê, đôi mắt con bé mở to đầy tò mò nhìn cảnh thành phố lướt qua cửa sổ.
- Ona! - con bé hét, tay chỉ vào một đám con gái đang chơi nhảy dây. - Mayam! Ona.
Nhìn vào bất kỳ chỗ nào Laila cũng thấy Rasheed. Cô thấy ông ta bước ra khỏi tiệm cắt tóc có những cửa sổ màu bụi than, từ những quán nhỏ bán thịt gà ven đường hay từ những cửa hàng xiêu vẹo được xếp bằng những lốp xe cũ chất từ dưới đất lên tới trần nhà.
Cô ngồi thấp xuống.
Bên cạnh cô, Mariam đang thì thầm cầu nguyện. Laila ước có thể nhìn thấy mặt cô, nhưng Mariam đang dùng mạng che mặt - và cả Laila cũng thế, nên những gì cô có thể thấy là đôi mắt sáng long lanh của Mariam qua lớp mạng che.
Đây là lần đầu tiên Laila ra khỏi nhà trong nhiều tuần, trừ việc phải đi tới tiệm cầm đồ hôm trước - nơi cô đã đặt chiếc nhẫn cưới lên mặt quầy, cũng là nơi cô bước ra trong nỗi sợ hãi vì biết rằng cô chẳng còn đường lùi nữa.
Xung quanh Laila bây giờ là hậu quả của cuộc giao tranh gần đây mà âm thanh của nó cô đã nghe thấy ở nhà. Những ngôi nhà bị mất mái, gạch đá lởm chởm, những tòa nhà ngổn ngang rầm bê tông đổ gãy, những chiếc xe bị phá hỏng và cháy xém, bị lật ngược, thỉnh thoảng còn có chiếc chồng lên nhau, những bức tường thủng lỗ chỗ do súng đạn và đâu đâu cũng đầy những mảnh vỡ thủy tinh. Cô trông thấy một đoàn người đưa tang đang đi về phía một nhà thờ Hồi giáo và một người phụ nữ lớn tuổi mặc đồ đen đi đằng sau đang cào cấu mái tóc mình. Họ vượt qua một nghĩa trang với những ngôi mộ được xây bằng đá, xung quanh là những lá cờ shaheed rách nát đang tung bay trong gió.
Laila với tay qua chiếc va li, nắm lấy cánh tay mềm mại của đứa con gái nhỏ.
Tại trạm xe bus cổng Lahore, gần Pol Mahmood Khan, phía Đông Kabul, một hàng dài xe bus đứng đợi bên vỉa hè. Những người đàn ông quấn khăn đang bận rộn nâng đồ lên nóc xe bus và dùng dây thừng buộc chặt những chiếc va li. Trong sân ga, đàn ông xếp hàng dài trước quầy bán vé. Những người phụ nữ mặc áo trùm dài đứng thành từng nhóm nói chuyện với nhau, hành lý của họ để ở dưới chân. Những đứa bé được tung nựng còn đám trẻ con thì bị mắng vì chạy đi quá xa.
Binh lính của lực lượng Chiến binh Hồi giáo đi tuần quanh sân ga và lề đường, họ thét ra những mệnh lệnh cộc lốc ở chỗ này chỗ kia. Họ đi giày, đội pakol và mặc những bộ rằn ri màu xanh bám đầy bụi. Họ đều mang súng AK.
Laila cảm thấy bị theo dõi. Cô không nhìn vào mặt ai nhưng cô cảm thấy như thể tất cả mọi người ở đây đều biết và họ đều nhìn với con mắt không đồng tình trước việc cô và Mariam đang làm.
- Chị có trông thấy ai không? - Laila hỏi.
Mariam chuyển Aziza sang tay kia.
- Tôi đang tìm.
Laila biết đây sẽ là phần việc mạo hiểm đầu tiên, họ cần tìm một người đàn ông thích hợp để đóng giả thành một gia đình. Sự tự do và các cơ hội dành cho phụ nữ trong thời kỳ từ năm 1978 đến năm 1992 nay đã kết thúc - Laila vẫn còn nhớ Babi nói đó là thời kỳ của chế độ cộng sản, Đây là một thời kỳ tốt đẹp cho phụ nữ ở Afghanistan, Laila ạ. Kể từ khi phe phái của lực lượng Chiến binh Hồi giáo lên nắm quyền vào tháng Tư năm 1992, Afghanistan được đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Afghanistan. Tòa án tối cao dưới thời Rabbani giờ đây gồm toàn những giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ, những người đã bãi bỏ hoàn toàn các sắc lệnh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ từ thời cộng sản và thay vào đó là những đạo luật được ban ra dựa trên Shari’a, một thứ luật Hồi giáo hà khắc bắt buộc phụ nữ phải mặc áo trùm kín, cấm không cho đi lại tự do mà không có đàn ông ở bên cạnh và trừng phạt những người phụ nữ ngoại tình bằng cách ném đá vào họ. Mặc dù việc thực thi những đạo luật này vẫn chưa chính thức. Nhưng họ sẽ áp đặt những luật này lên chúng ta nhiều hơn, Laila thì thầm với Mariam, nếu họ không mải bắn giết nhau. Và bắn giết cả chúng ta nữa.
Phần việc mạo hiểm thứ hai của chuyến đi này sẽ đến khi họ đặt chân tới Pakistan. Do phải chịu gánh nặng của gần hai triệu người tị nạn Afghanistan, Pakistan đã đóng cửa biên giới đối với người Afghanistan vào tháng Một năm đó. Laila nghe đồn rằng chỉ những người có thị thực mới được nhập cảnh vào Pakistan. Nhưng thực tế việc quản lý tại khu vực biên giới khá lỏng lẻo - luôn luôn là vậy - và Laila biết rằng vẫn có hàng nghìn người Afghanistan vượt qua biên giới Pakistan bằng con đường hối lộ hoặc vì những lý do nhân đạo - và bọn buôn lậu thì lúc nào thuê cũng có. Chúng ta sẽ tìm được cách khi nào đến đó, Laila bảo với Mariam.
- Cô nghĩ người kia thế nào? - Mariam hất cằm nói.
- Trông anh ta có vẻ không đáng tin lắm.
- Thế còn ông kia thì sao?
- Già quá. Vả lại ông ta còn đi cùng hai người đàn ông nữa.
Cuối cùng, Laila thấy một người đàn ông đang ngồi trên một ghế băng ở ngoài cạnh một người phụ nữ quấn khăn che mặt, ngồi trên đầu gối anh ta là một thằng bé đội mũ chỏm, trạc tuổi Aziza. Anh ta cao, gầy và có râu, mặc áo sơ mi hở cổ và áo khoác màu ghi nhạt thiếu khuy.
- Chị đợi em một lát, - cô nói với Mariam. Lúc bước đi, cô lại nghe thấy tiếng Mariam thì thầm cầu nguyện.
Khi Laila đến gần, anh ta nhìn lên, lấy tay che ánh nắng đang chiếu vào mắt.
- Xin thứ lỗi cho tôi, thưa ông, có phải ông cũng đang tới Peshawar phải không?
- Vâng, - anh ta nói, hơi quay đầu lại.
- Tôi không biết ông có thể giúp đỡ chúng tôi không? Ông có thể giúp chúng tôi một việc được không?
Anh ta đẩy thằng bé cho vợ và cùng Laila đi ra chỗ khác.
- Là việc gì vậy, hamshira?
Cô nhìn thấy anh ta có ánh mắt dịu dàng và khuôn mặt hiền từ.
Cô kể cho anh ta nghe về câu chuyện mà cô và Mariam đã thống nhất. Laila nói cô là một biwa, góa phụ. Cô cùng mẹ và con gái không còn ai thân thích ở Kabul. Họ đi đến Peshawar để ở cùng người chú.
- Cô muốn đi cùng gia đình tôi phải không? - người đàn ông trẻ hỏi.
- Tôi biết như thế là rất phiền đến anh. Nhưng anh giống như một người anh trai tốt bụng và tôi...
- Đừng lo, hamshira. Tôi hiểu. Không phiền gì đâu. Để tôi đi mua vé cho cô.
- Cám ơn người anh trai. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, một sawab. Thượng đế sẽ ghi nhớ việc làm này của anh.
Cô rút ra một phong bì dưới áo choàng và đưa cho người đàn ông đó. Trong chiếc phong bì là một nghìn một trăm đồng, khoảng một nửa số tiền cô đã tích góp được trong suốt năm qua, cộng với tiền cô bán chiếc nhẫn cưới. Anh ta đút chiếc phong bì vào túi quần.
- Cô chờ ở đây.
Cô nhìn anh ta đi vào bến xe. Nửa tiếng sau anh ta quay lại.
- Tốt nhất là để tôi giữ vé cho, - anh ta nói. - Một giờ nữa xe bus sẽ đi, lúc mười một giờ. Chúng ta sẽ cùng đi. Tên tôi là Wakil. Nếu họ có hỏi, mà chắc là họ sẽ không hỏi đâu, thì tôi sẽ bảo cô là em họ tôi.
Laila nói tên của họ cho anh ta và anh ta bảo sẽ ghi nhớ.
- Hãy ra chỗ chúng tôi, - anh ta nói.
Họ ngồi trên một chiếc ghế dài cạnh chiếc ghế Wakil và gia đình anh ta đang ngồi. Đó là một buổi sáng ấm áp ngập nắng, bầu trời rất trong, chỉ có vài gợn mây trôi phía những dãy núi xa xa. Mariam bắt đầu cho Aziza ăn mấy chiếc bánh quy mà cô đã nhớ mang theo trong lúc vội vã xếp đồ. Cô đưa một chiếc cho Laila.
- Em không thể ăn được, - Laila cười. - Em quá háo hức.
- Tôi cũng thế.
- Cám ơn, Mariam.
- Vì điều gì?
- Vì điều này. Vì chị đã đi cùng chúng em, - Laila nói. - Em không nghĩ là em có thể làm điều này một mình.
- Cô sẽ không phải đi một mình đâu.
- Chúng ta sẽ ổn thôi, phải không Mariam, chúng ta sẽ đi đâu đây?
Mariam nắm chặt tay Laila.
- Kinh Koran nói Đức Allah ở khắp nơi, vì vậy, cho dù cô đi bất cứ nơi đâu thì đó cũng là sự sắp đặt của Người.
- Bou! - Aziza kêu lên, chỉ vào chiếc xe bus. - Mayam, bou!
- Bác thấy rồi, Aziza yêu quý, - Mariam nói. - Đúng rồi đấy, bou. Chúng ta sẽ cùng đi trên chiếc bou đó. Và con sẽ được nhìn thấy rất nhiều thứ.
Laila mỉm cười. Cô nhìn một người thợ mộc trong một cửa hàng ở bên kia đường đang cưa gỗ, mạt cưa bay lên. Cô nhìn những chiếc xe lao qua, cửa kính bám đầy bồ hóng và bụi bẩn. Cô nhìn những chiếc xe bus đứng im lìm bên lề đường với những hình con công, sư tử, mặt trời mọc và những thanh gươm lấp lánh được sơn ở bên hông xe.
Dưới cái nắng ấm áp của mặt trời buổi sáng, Laila cảm thấy ngây ngất và đầy dũng khí. Cô có thêm một chút cảm giác hồi hộp, và khi một con chó lạc với đôi mắt màu vàng tập tễnh bước qua, Laila cúi xuống vuốt ve nó.
Vài phút trước mười một giờ, một người đàn ông cầm loa gọi tất cả hành khách đi Peshawar chuẩn bị lên xe. Cửa xe bus mở ra với tiếng động cơ xì rất mạnh. Hành khách lao về phía chiếc xe, nhốn nháo đẩy nhau để chen lên.
Wakil ra hiệu cho Laila khi anh ta bế đứa con trai lên.
- Chúng ta đi thôi, - Laila nói.
Wakil dẫn đường. Khi họ tới xe, Laila trông thấy những khuôn mặt xuất hiện ở cửa sổ xe, mũi và tay tì vào kính. Xung quanh họ, người người hét chào tạm biệt.
Một tay lính trẻ đang soát vé ở cửa xe.
- Bou! - Aziza hét.
Wakil đưa vé cho anh lính, anh ta xé vé làm đôi và trả lại. Wakil nhường vợ anh ta lên xe trước. Laila trông thấy một cái nhìn giữa Wakil và người lính đó. Wakil, bước lên xe, cúi xuống và thì thầm điều gì đó vào tai người lính. Anh ta gật gật đầu.
Tim Laila đập mạnh.
- Hai cô, cùng đứa trẻ, đứng sang bên kia, - người lính nói.
Laila giả vờ không nghe thấy. Cô vẫn bước lên xe nhưng anh ta chộp lấy vai cô kéo mạnh ra khỏi hàng.
- Cả cô nữa, - anh ta nói với Mariam. - Nhanh lên, các vị đang làm tắc nghẽn đấy.
- Có chuyện gì xảy ra vậy, thưa ông? - Laila nói với đôi môi run run. - Chúng tôi có vé, anh họ của tôi chưa đưa cho ông sao?
Anh ta ra hiệu cho Laila im lặng và nói nhỏ gì đó với một người lính khác. Người lính thứ hai, một gã to béo với vết sẹo dưới má phải gật đầu.
- Đi theo tôi, - người này nói với Laila.
- Chúng tôi phải đi chuyến xe này, - Laila hét, nhận ra giọng cô đang run rẩy. - Chúng tôi có vé. Sao ông lại làm thế?
- Cô không được phép lên xe. Cô phải tuân lệnh. Cô sẽ đi theo tôi. Nếu cô không muốn cô con gái nhỏ của cô thấy cô bị lôi đi.
Khi họ bị dẫn ra một chiếc xe tải, Laila ngoái lại và nhìn thấy cậu con trai của Wakil phía sau xe. Thằng bé cũng nhìn cô và vui vẻ vẫy tay.
Tại đồn cảnh sát ở Torabaz Khan, họ phải ngồi tách riêng nhau ở hai đầu một hành lang dài đông đúc, giữa họ là một cái bàn, ngồi đằng sau cái bàn đó là một người đàn ông hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác và thỉnh thoảng gõ lách cách vào chiếc máy chữ. Ba giờ đồng hồ trôi qua như thế. Aziza bước đi chập chững từ phía Laila đến phía Mariam và quay trở lại. Con bé chơi với một cái kẹp giấy mà người đàn ông ngồi ở chiếc bàn kia đã đưa cho nó. Nó ăn hết đống bánh quy. Cuối cùng, con bé ngủ thiếp đi trong lòng Mariam.
Khoảng ba giờ chiều, Laila được đưa vào phòng tra hỏi. Mariam phải ở ngoài hành lang đợi cùng Aziza.
Người đàn ông ngồi ở đầu kia cái bàn trong phòng tra hỏi khoảng ba mươi tuổi và anh ta mặc thường phục - một bộ vest màu đen, cà vạt và đôi giày màu đen. Anh ta có bộ râu được cắt tỉa gọn gàng, mái tóc ngắn và hai hàng lông mày chụm vào nhau. Anh ta nhìn Laila chằm chằm, tay tung tung một cái bút chì có tẩy ở trên bàn.
- Chúng tôi biết, - anh ta hắng giọng và đưa tay lên che miệng một cách lịch sự, - cô đã nói dối một lần trong ngày hôm nay, hamshira. Người đàn ông trẻ ở ga không phải là anh họ cô. Tự anh ta đã nói cho chúng tôi biết. Câu hỏi đặt ra là liệu cô có tiếp tục nói dối chúng tôi không. Theo tôi thì tốt nhất là cô nên thành khẩn.
- Chúng tôi sẽ đến ở với chú của tôi, - Laila nói. - Đó là sự thật.
Viên cảnh sát gật đầu.
- Người đàn bà ở trong hành lang có phải mẹ cô không?
- Đúng vậy.
- Bà ta có giọng vùng Herat. Còn cô thì không.
- Bà ấy lớn lên ở Herat, tôi thì được sinh ra tại Kabul.
- Tất nhiên. Và cô là một góa phụ phải không? Cô đã nói như thế. Tôi thành thật chia buồn với cô. Còn ông chú của cô, kaka của cô, ông ta sống ở đâu thế?
- Ông ấy ở Peshawar.
- Phải, cô đã nói vậy. - Anh ta liếm đầu bút chì và giơ nó lơ lửng trên một tờ giấy trắng. - Nhưng ông ta sống ở đâu tại Peshawar? Ở vùng nào? Cho tôi tên phố và số nhà.
Laila cố gắng kìm nén sự sợ hãi đang dồn lên lồng ngực. Cô nói với viên cảnh sát tên con phố duy nhất mà cô biết ở Peshawar - cô đã được nghe thấy tên phố này một lần, Mammy đã nói tại buổi tiệc khi lực lượng Chiến binh Hồi giáo lần đầu tiên tiến vào Kabul - “Đường Jamrud”.
- Ồ đúng rồi. Con phố có khách sạn Continental. Ông chú cô hẳn phải nhắc tới nó.
Laila chớp ngay lấy cơ hội này.
- Đúng thế, đúng là khu phố đó.
- Ngoại trừ việc cái khách sạn đó lại nằm trên đường Khyber.
Laila nghe thấy tiếng Aziza đang khóc ngoài hành lang.
- Con gái tôi đang sợ hãi. Tôi có thể bế nó chứ, ông anh?
- Hãy gọi tôi là “ngài cảnh sát”. Cô sẽ được ra với con cô sớm thôi. Cô có số điện thoại của ông chú cô chứ?
- Tôi có. Tôi đã có ở đây. Tôi... - Ngay cả khi đang đeo mạng trùm kín mặt, Laila vẫn không thể thoát khỏi cái nhìn dò xét của viên cảnh sát. - Thật đáng tiếc. Tôi đã quên số điện thoại đó rồi.
Viên cảnh sát thở dài. Anh ta hỏi tên ông chú Laila, tên vợ ông ta. Ông ta có bao nhiêu con? Tên của chúng là gì? Ông ta làm việc ở đâu? Ông ta bao nhiêu tuổi? Những câu hỏi đó khiến Laila rối tung.
Anh ta đặt chiếc bút chì xuống, đan những ngón tay vào nhau và nghiêng người về phía trước theo cái cách mà các ông bố bà mẹ thường làm khi muốn chỉ bảo con cái.
- Cô biết rằng phụ nữ chạy trốn là tội lỗi. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp thế này. Những người phụ nữ đi một mình và nói rằng chồng họ đã chết. Thỉnh thoảng cũng có người nói thật, nhưng đa số là không. Cô có thể bị tống giam vì tội chạy trốn. Tôi nghĩ là cô biết điều đó chứ?
- Hãy để chúng tôi đi, thưa ngài cảnh sát... - Cô nhìn thấy tên của viên cảnh sát trên tấm thẻ anh ta đeo trước ngực. - Cảnh sát Rahman, xin ngài hãy rủ lòng thương. Điều gì sẽ xảy ra với ngài khi ngài để cho hai người phụ nữ đi? Thả chúng tôi ra thì có hại gì đến ngài chứ. Chúng tôi không phải tội phạm.
- Tôi không thể thả các vị.
- Tôi cầu xin ngài.
- Đây là vấn đề qanoon, hamshira, vấn đề luật pháp. - Rahman nói, giọng trở nên nghiêm trọng. - Đây là trách nhiệm của tôi, cô thấy đấy, tôi phải thi hành luật pháp.
Cho dù đầu óc đang rối bời, Laila cũng suýt bật cười. Cô sửng sốt khi anh ta nói những thứ đó trước tất cả những việc mà các phe phái Chiến binh Hồi giáo đã làm - giết người, cướp của, cưỡng hiếp, tra tấn, hành hình, ném bom và hàng nghìn quả đạn pháo mà chúng đã bắn vào nhau, bất chấp tính mạng của bao nhiêu dân thường vô tội sẽ gặp phải nguy hiểm trước tên bay đạn lạc. Luật pháp! Cô cảm thấy ghê tởm.
- Nếu ngài bắt chúng tôi về nhà, - cô chậm rãi nói, - thì không biết ông ta sẽ làm gì chúng tôi nữa.
Cô có thể thấy viên cảnh sát đang cố hết sức để không dời ánh mắt sang chỗ khác.
- Một người đàn ông làm gì ở nhà là việc của ông ta.
- Thế còn luật pháp thì sao, thưa cảnh sát Rahman? - Những giọt nước mắt giận dữ bắt đầu rơi trên khuôn mặt Laila. - Ngài sẽ có ở đó để duy trì luật pháp chứ?
- Thưa hamshira, theo luật thì chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề riêng tư trong gia đình.
- Tất nhiên là các ngài sẽ không can thiệp rồi. Nếu điều đó có lợi cho người chồng. Và đây có phải cái được gọi là “những vấn đề riêng tư trong gia đình” mà ngài nhắc tới không, thưa ngài?
Viên cảnh sát đẩy chiếc ghế ra và đứng dậy, chỉnh lại chiếc áo khoác.
- Tôi nghĩ cuộc hỏi cung đã kết thúc. Tôi phải nói rằng, thưa hamshira, cô đã cung cấp quá ít thông tin cho chúng tôi. Đúng là quá ít. Bây giờ, mời cô ra ngoài kia đợi, tôi có vài lời muốn nói với người đàn bà là gì đó của cô.
Laila bắt đầu phản đối rồi la hét và anh ta phải gọi thêm hai viên cảnh sát nữa đến để kéo cô ra ngoài.
Cuộc hỏi cung dành cho Mariam chỉ kéo dài mấy phút. Khi bước ra ngoài, trông cô có vẻ không đứng vững nữa.
- Ông ta đặt quá nhiều câu hỏi, - cô nói. - Tôi xin lỗi, Laila. Tôi không thông minh như cô. Ông ta hỏi rất nhiều, tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi xin lỗi.
- Đó không phải lỗi của chị, Mariam, - giọng Laila yếu ớt. - Đó là lỗi của em. Tất cả là lỗi của em. Mọi chuyện là do em gây ra.
Hơn sáu giờ chiều, chiếc xe cảnh sát dừng trước cửa ngôi nhà. Laila và Mariam phải ngồi đợi ở ghế sau dưới sự canh giữ của hai viên cảnh sát Chiến binh Hồi giáo. Chỉ có người lái xe bước ra ngoài, gõ cửa và nói chuyện với Rasheed. Anh ta cũng là người ra hiệu cho họ bước ra.
- Chào mừng các vị đã trở về nhà, - người đàn ông ngồi ở ghế trước vừa châm điếu thuốc vừa nói.
- Cô, - ông ta nói với Mariam. - Cô đợi ở đây.
Mariam lặng lẽ ngồi xuống đi văng.
- Còn cô và con bé, lên gác.
Rasheed túm lấy khuỷu tay Laila và đẩy cô lên lầu. Ông ta vẫn đang đi đôi giày đi làm, chưa kịp thay đôi dép xỏ ngón, chưa kịp tháo đồng hồ, thậm chí chưa cởi áo khoác. Laila tưởng tượng ra cảnh mấy giờ, hoặc có lẽ chỉ mới mấy phút trước thôi, ông ta đã chạy từ phòng này sang phòng khác, đóng sầm cửa lại, hơi thở đầy giận dữ và liên tục nguyền rủa.
Trên đầu cầu thang, Laila quay lại nhìn ông ta.
- Chị ấy không muốn làm thế, - cô nói. - Tôi đã ép chị ấy. Chị ấy không muốn bỏ đi...
Laila không nhận thấy cú đấm đang lao tới. Chỉ một phút trước đó cô vẫn còn đang nói, còn giờ đây cô nằm sõng soài trên sàn với đôi mắt mở to, khuôn mặt đỏ bừng và hơi thở hổn hển. Cô cảm thấy cứ như thể một chiếc xe chạy với tốc độ tối đa vừa đâm vào mình, đúng ở khoảng thân mềm giữa xương ức và rốn. Cô nhận ra mình vừa làm rơi Aziza và Aziza đang khóc. Cô cố gắng thở nhưng chỉ có thể phát ra những tiếng kêu khàn khàn. Nước dãi cô nhễu ra khỏi miệng.
Rồi Rasheed nắm tóc cô lôi đi. Cô nhìn thấy Aziza được nhấc lên, thấy đôi dép con bé rơi ra và đôi bàn chân nhỏ của nó đang đạp loạn xạ. Từng mảng tóc bị rứt khỏi da đầu của Laila và cô khóc vì đau đớn. Cô thấy ông ta đạp cửa phòng Mariam và thấy Aziza bị ném lên giường. Ông ta buông tóc Laila ra và cô cảm thấy mũi giày của ông ta đá vào mông bên trái cô. Laila thét lên vì đau đớn khi ông ta đóng sầm cửa lại. Tiếng chìa khóa lách cách trong ổ khóa.
Aziza vẫn la hét. Laila nằm co quắp trên sàn nhà thở hổn hển. Cô chống tay lên và bò lại chỗ Aziza đang nằm trên giường. Cô với tay về phía con bé.
Dưới nhà, tiếng đánh đập vang lên. Với Laila, những âm thanh mà cô nghe thấy chỉ là những âm thanh của một quá trình quen thuộc. Không tiếng chửi rủa, không sự la hét, không lời van xin, không tiếng kêu ngạc nhiên, chỉ là những âm thanh của sự đánh đập và bị đánh đập, những tiếng thụp, thụp khi một vật cứng đánh túi bụi vào da thịt, là tiếng huỵch của một vật gì, hay một người nào đó bị ngã đập vào tường và tiếng vải bị xé. Thỉnh thoảng, Laila nghe thấy tiếng chân chạy, một cuộc rượt đuổi câm lặng, tiếng đồ đạc bị hất đổ và tiếng vỡ của thủy tinh, lại có tiếng đấm đá.
Laila ôm chặt lấy Aziza. Một cảm giác ấm nóng lan trên thân áo trước của cô khi con bé tè dầm.
Dưới nhà, tiếng rượt đuổi cuối cùng cũng kết thúc. Bây giờ lại vang lên những âm thanh như thể tiếng gậy gỗ đều đặn nện xuống miếng thịt bò.
Laila ôm chặt Aziza cho đến khi những âm thanh đó kết thúc, và khi nghe thấy tiếng cửa mở, rồi tiếng đóng sầm lại, cô đặt Aziza xuống đất và nhìn qua cửa sổ. Cô trông thấy Rasheed đang túm gáy Mariam lôi đi. Mariam đi chân đất và gập người lại. Máu chảy trên tay ông ta, máu chảy trên mặt của Mariam, trên tóc, dưới cổ và lưng. Áo của cô bị xé rách.
- Em xin lỗi, Mariam, - Laila hét vào tấm kính cửa sổ.
Cô trông thấy ông ta đẩy Mariam vào nhà kho. Ông ta đi vào, rồi đi ra, trên tay là một cái búa và mấy tấm ván dài. Ông ta đóng hai cánh cửa của nhà kho, lấy từ trong túi ra một chiếc khóa móc khóa cửa lại. Ông ta thử lại cửa rồi vòng ra phía sau nhà kho và lấy một cái thang.
Mấy phút sau, khuôn mặt ông ta hiện ra ở cửa sổ phòng Laila, miệng ngậm mấy cái đinh. Tóc ông ta rối bời. Có một vệt máu ở trên trán ông ta. Khi nhìn thấy ông ta, Aziza ré lên và giấu mặt vào dưới cánh tay của Laila.
Rasheed bắt đầu đóng những tấm ván chặn cửa sổ.
Bóng tối phủ chụp hoàn toàn, không hề thay đổi, không gì xuyên thủng được, kín đặc thành một khối. Rasheed đã bịt kín những khe hở giữa các tấm ván và dùng những vật nặng che kín khe hở dưới chân cửa để không có ánh sáng nào lọt được vào phòng, ổ khóa cũng bị bịt chặt.
Mắt Laila không thể xác định được thời gian, vì vậy cô cảm nhận thời gian bằng bên tai còn nghe được. Tiếng azan và tiếng gà gáy là những âm thanh báo hiệu buổi sáng đến. Tiếng lách cách của bát đĩa ở dưới bếp, tiếng radio là dấu hiệu của buổi tối.
Ngày đầu tiên, họ phải dò dẫm và lần mò nhau trong bóng tối. Laila không thể nhìn thấy Aziza khi con bé khóc hay khi con bé bò.
- Aishee, - Aziza rên rỉ. - Aishee.
- Sớm thôi, - Laila hôn con bé, định hôn vào trán nhưng hóa ra đó lại là đỉnh đầu. - Con sẽ sớm được uống sữa thôi. Hãy kiên nhẫn. Hãy là cô con gái ngoan của Mammy, rồi Mammy sẽ lấy aishee cho con.
Laila hát cho con bé nghe.
Tiếng azan vang lên lần thứ hai và Rasheed vẫn không đưa cho họ chút thức ăn nào và tồi tệ hơn là không một chút nước uống. Ngày hôm đó, một cơn nóng đến nghẹt thở bao trùm lên họ. Căn phòng giống như một cái bếp lò. Laila đưa cái lưỡi khô cong liếm môi, nghĩ đến cái giếng ở bên ngoài với dòng nước trong mát. Aziza vẫn khóc, và Laila hốt hoảng khi nhận ra rằng mỗi khi cô đưa tay lên lau má con bé thì tay cô vẫn khô khốc. Cô cởi bớt quần áo cho Aziza, cố gắng tìm cái gì đó để quạt cho con bé, quạt cho đến khi cô cảm thấy choáng váng. Chẳng mấy chốc, con bé thôi không bò nữa. Nó cứ chập chờn hết ngủ rồi lại tỉnh.
Một vài lần ngày hôm đó, Laila đấm tay vào tường, sử dụng hết sức lực để kêu gọi sự giúp đỡ, hy vọng hàng xóm sẽ nghe thấy. Nhưng không có ai đến, và tiếng la hét của cô chỉ càng làm cho Aziza sợ hãi thêm, khiến con bé lại bắt đầu khóc và phát ra những tiếng rên rỉ, yếu ớt. Laila gục xuống sàn. Cô lo lắng cho Mariam, bị đánh, bị chảy máu và bị nhốt trong nhà kho dưới cái nóng thiêu đốt này.
Laila ngủ được một chút, người nóng như rang. Cô mơ thấy cô và Aziza tình cờ gặp Tariq. Anh đứng đối diện với họ ở phía bên kia một khu phố đông đúc, dưới mái hiên một tiệm may. Anh đang ngồi xổm và chọn một số mẫu quần áo. Đó là bố của con, Laila nói. Người đàn ông đó, con thấy chứ? Ổng ấy mới là bố đẻ của con. Cô gọi tên anh, nhưng tiếng gọi của cô bị tiếng ồn ào của đường phố át mất và Tariq không nghe thấy.
Tiếng nổ của đạn pháo đánh thức Laila. Ở một nơi nào đó, bầu trời mà Laila không thể nhìn thấy được đang bị che phủ bởi khói súng và những trận nã súng liên thanh điên cuồng. Laila nhắm mắt lại. Một lần nữa cô lại bị đánh thức bởi tiếng bước chân thình thịch của Rasheed trong hành lang. Cô lết ra phía cửa và bắt đầu đập cửa.
- Chỉ một cốc nước thôi, Rasheed. Không phải cho tôi. Cho con bé. Anh không muốn con bé chết dưới tay anh chứ?
Ông ta đi qua cửa phòng.
Cô bắt đầu van xin ông ta. Cô cầu xin sự tha thứ và hứa hẹn. Cô nguyền rủa ông ta.
Cửa phòng ông ta đóng lại và tiếng radio lại vang lên.
Người muezzin* đã gọi azan lần thứ ba. Không khí ngày càng nóng. Aziza trở nên bơ phờ hơn. Nó không khóc và cũng không cử động nữa.
*[Người gọi mọi người dậy cầu nguyện, từ trên tháp của các nhà thờ Hồi giáo]
Laila ghé tai vào gần miệng con bé, trong cô trào lên nỗi sợ hãi mỗi khi cô không nghe tiếng con bé thở. Ngay cả việc nhấc người lên cũng khiến Laila choáng váng. Cô ngủ thiếp đi và mơ những giấc mơ cô không thể nhớ được. Khi tỉnh dậy, cô lại xem Aziza, cảm nhận đôi môi nứt nẻ của con bé, cảm nhận mạch đập yếu ớt ở cổ của con bé, rồi lại nằm xuống. Họ sẽ chết ở đây, Laila chắc chắn như vậy, nhưng điều khiến Laila thực sự sợ hãi là Aziza sẽ chết trước cô, đứa trẻ mong manh ấy. Aziza sẽ chịu đựng được đến khi nào? Aziza sẽ chết vì cái nóng này và Laila sẽ phải nằm bên thi thể lạnh cóng của con bé và chờ đợi cái chết của chính mình. Cô thiếp đi. Tỉnh dậy. Thiếp đi. Cô dần không ý thức được mình đang mơ hay tỉnh nữa.
Cô lại bị đánh thức, lần này không phải bởi tiếng azan hay tiếng gà gáy mà bởi một tiếng kêu rất to. Cô nghe thấy tiếng lạch cạch. Đột nhiên, căn phòng tràn ngập ánh sáng. Mắt cô nhức buốt vì chưa kịp thích ứng. Laila ngẩng đầu dậy, cau mày và che mắt lại. Qua kẽ tay, cô lờ mờ thấy một hình bóng cao lớn. Cái bóng di chuyển. Bây giờ nó cúi xuống bên cạnh cô, hiện ra lờ mờ trước mắt cô, rồi có một giọng nói bên tai cô.
- Cô cứ thử bỏ trốn như thế này lần nữa đi, thế nào tôi sẽ tìm ra cô. Tôi thề trước Đấng Tối Cao là tôi sẽ tìm ra cô. Và khi tôi tìm ra cô thì không một tòa án nào ở cái đất nước khốn nạn này có thể ngăn cản tôi trừng phạt cô. Tôi sẽ xử lý Mariam trước, rồi đến con bé, và cuối cùng là cô. Tôi sẽ bắt cô phải chứng kiến. Cô hiểu tôi chứ? Tôi sẽ bắt cô phải chứng kiến.
Nói xong những lời đó, ông ta bỏ đi. Nhưng ông ta vẫn kịp đá vào cạnh sườn Laila khiến cô bị đi tiểu ra máu suốt mấy ngày.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét