Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 5

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

5

- Con biết mình muốn gì rồi, - Mariam nói với Jalil.
Đó là mùa xuân năm 1974, năm Mariam bước sang tuổi mười lăm. Ba người bọn họ ngồi bên ngoài kolba, trên những chiếc ghế gấp xếp thành hình tam giác dưới bóng liễu rủ.
- Sinh nhật con... Con biết mình muốn thứ gì rồi.
- Con muốn gì nào? - Jalil nói và mỉm cười khích lệ.
Hai tuần trước đó, trước sự phấn khích của Mariam, Jalil đã tiết lộ rằng có một bộ phim Mỹ đang được trình chiếu ở rạp của ông. Đó là một thể loại phim đặc biệt mà ông gọi là phim hoạt hình. Cả bộ phim là một chuỗi hình vẽ, ông nói, hàng nghìn hình, để khi chúng được làm thành phim và được chiếu trên màn ảnh, ta sẽ có cảm giác là những hình vẽ đó đang chuyển động. Ông bảo rằng bộ phim kể về một người làm đồ chơi đã già mà không có con, sống đơn độc và khao khát một đứa con trai. Vì vậy ông ấy đẽo một chú rối, một cậu bé mà bằng một phép màu kỳ diệu đã trở thành người. Mariam bảo bố kể nữa và Jalil nói rằng ông già và chú rối của mình đã trải qua mọi cuộc phiêu lưu và đến một chỗ gọi là Đảo Niềm Vui, nơi những cậu bé hư đều bị biến thành con lừa. Vào cuối phim, họ, chú rối và cha chú, thậm chí còn bị nuốt vào bụng cá voi. Mariam sau đó đã kể lại từ đầu đến cuối bộ phim cho Giáo sĩ Faizullah nghe.
- Con muốn bố đưa con đến rạp chiếu phim của bố, - Mariam nói. - Con muốn xem bộ phim hoạt hình đấy. Con muốn xem chú bé người rối.
Khi nói ra điều này, Mariam cảm nhận được sự thay đổi trong bầu không khí. Bố mẹ cô ngọ nguậy trên ghế. Mariam có thể cảm thấy họ vội nhìn nhau.
- Đó không phải là ý kiến hay đâu, - Nana nói. Giọng bà bình tĩnh, ngữ điệu lịch sự và kiềm chế như bà vẫn dùng khi có mặt Jalil, nhưng Maria có thể thấy ánh mắt nghiêm khắc và kết tội.
Jalil cựa người trên ghế. Ông ho và hắng giọng.
- Con biết không, - ông nói, - chất lượng hình ảnh của phim không được tốt. Âm thanh cũng thế. Và gần đây máy chiếu không hoạt động được. Có lẽ mẹ con đúng đấy. Có lẽ con có thể nghĩ đến một món quà khác, Mariam yêu quý của bố ạ.
- Aneh, - Nana nói. - Con thấy chưa? Bố con cũng nghĩ thế.
Nhưng sau đó, ở bên bờ suối, Mariam nói:
- Hãy đưa con đi.
- Bố bảo con này, - Jalil nói. - Bố sẽ cho người đến đón con và đưa con đi. Bố sẽ dặn họ lấy cho con một chỗ ngồi tốt và tất cả số kẹo mà con muốn.
- Không, con muốn bố đưa con đi.
- Mariam à...
- Và con muốn bố mời các anh chị em của con nữa. Con muốn gặp họ. Con muốn tất cả chúng con sẽ cùng đi. Đó là điều con muốn.
Jalil thở dài. Ông nhìn ra chỗ khác, về hướng dãy núi.
Mariam nhớ bố đã từng kể rằng trên màn ảnh, khuôn mặt của con người trông to như một ngôi nhà, và khi một chiếc xe hơi đâm vào đâu đó thì ta sẽ cảm thấy như các thanh kim loại đang xoắn vào xương ta. Cô bé tưởng tượng mình đang ngồi ở hàng ghế riêng trên ban công rạp chiếu phim, liếm láp que kem bên cạnh các anh chị em mình và cả bố Jalil nữa.
- Đó là điều con muốn, - cô nói.
Jalil nhìn Mariam với ánh mắt đau khổ.
- Ngày mai. Vào buổi trưa. Bố sẽ gặp con ở ngay chỗ này nhé. Được chứ? Ngày mai nhé?
- Con lại đây, - ông nói. Ông ngồi xuống, kéo cô về phía mình và ôm cô lâu thật lâu.
Lúc đầu, Nana đi đi lại lại quanh kolba, siết chặt bàn tay rồi lại mở ra.
- Tại sao Thượng đế không ban cho tao đứa con gái nào khác mà lại ban cho tao một đứa vô ơn như mày? Tao đã chịu đựng mọi điều vì mày! Sao mày dám! Sao mày dám rời bỏ tao như thế này, mày đúng là một đứa harami bất hiếu.
Rồi bà nhạo báng.
- Mày mới ngu ngốc làm sao! Mày nghĩ là mày quan trọng với ông ta à, mày được đón chào trong ngôi nhà đó à? Mày nghĩ rằng đối với ông ta, mày là con gái của ông ta à? Rằng ông ta sẽ đưa mày vào ngôi nhà của mình à? Để tao nói cho mày biết. Trái tim của người đàn ông là một thứ xấu xa, xấu xa, Mariam. Nó không giống như tấm lòng của người mẹ. Trái tim của bọn họ sẽ không rỉ máu, sẽ không căng ra để ôm ấp con. Mẹ là người duy nhất yêu thương con. Mẹ là tất cả những gì con có trên thế gian này, Mariam ạ, và khi mẹ chết đi con sẽ chẳng có gì cả. Con sẽ chẳng có gì cả. Con cũng chẳng là gì hết!
Sau đó bà chuyển sang đe dọa.
- Mẹ sẽ chết nếu con đi. Jinn sẽ xuất hiện và mẹ sẽ lại bị đau. Con sẽ thấy, mẹ sẽ cắn lưỡi mà chết. Đừng rời bỏ mẹ, Mariam bé bỏng. Con hãy ở lại. Mẹ sẽ chết nếu con đi.
Mariam không nói gì.
- Con biết là mẹ yêu con mà, Mariam bé bỏng.
Mariam nói cô sẽ đi dạo.
Cô sợ nếu ở lại, có thể mình sẽ nói những lời đau lòng: rằng cô biết jinn là một trò dối trá, rằng bố Jalil đã kể cho cô biết mẹ mắc một căn bệnh có thể dùng thuốc chữa được. Cô có thể sẽ hỏi mẹ tại sao lại không chịu đến gặp bác sĩ của bố trong khi ông ấy đã nài nỉ bà đi, tại sao mẹ lại không uống những viên thuốc ông mua cho. Nếu Mariam có thể nói cho rõ ràng, chắc cô sẽ nói với mẹ Nana rằng cô mệt mỏi khi phải làm một công cụ, mệt mỏi vì bị lừa dối, bị lạm dụng. Rằng cô chán ngấy với việc mẹ bóp méo sự thật về cuộc đời của họ và biến cô, Mariam, thành một trong những thứ để bà than phiền về thế giới này.
Cô có thể đã nói với bà rằng, Mẹ à, mẹ đang sợ. Mẹ sợ rằng con có thể tìm thấy hạnh phúc mà mẹ chẳng bao giờ có được. Và mẹ không muốn con được hạnh phúc. Mẹ không muốn con có một cuộc sống tốt đẹp. Mẹ mới chính là người có trái tim xấu xa.
Có một nơi ở rìa khu đất trống mà Mariam rất thích đến. Lúc này cô đang ngồi ở đó, trên thảm cỏ khô ấm áp. Từ đây, cô có thể nhìn thấy Herat trải rộng phía dưới như bàn cờ của một đứa trẻ: Vườn Thiếu nữ ở phía Bắc thành phố, chợ Char-suq và những phế tích thành lũy cổ của Alexander Đại đế về phía Nam. Rồi cả những ngọn tháp ở xa, giống như những ngón tay bụi bặm của người khổng lồ và những con đường mà Mariam tưởng tượng là chật cứng người, xe ngựa và những con la. Cô nhìn đàn chim nhạn đang sà xuống chao liệng trên đầu. Cô cảm thấy ghen tị với chúng. Chúng đã được tới Herat. Chúng đã từng bay qua các nhà thờ, các khu chợ trong thành phố. Có khi chúng đã từng đậu trên tường nhà bố Jalil, trên những bậc thềm rạp chiếu phim của ông.
Cô nhặt mười viên đá cuội và xếp chúng theo hàng dọc thành ba cột. Thỉnh thoảng cô chơi trộm trò này khi mẹ Nana không để ý. Cô xếp bốn viên thành hàng đầu tiên, tương ứng với số con của Khadija, ba cho con của Afsoon và ba trong cột thứ ba cho con của Nargis. Rồi cô thêm một cột thứ tư. Viên đá thứ mười một đơn độc.
Sáng hôm sau, Mariam mặc chiếc váy màu kem dài tới gối, quần cô tông và chiếc hijab màu xanh lá cây choàng qua tóc. Cô đắn đo một chút về chiếc hijab vì màu xanh của nó không hợp với chiếc váy nhưng vẫn phải dùng thôi vì chiếc màu trắng đã bị lũ nhậy nhấm thủng lỗ chỗ rồi.
Cô kiểm tra đồng hồ. Đó là chiếc đồng hồ dây cót cũ có kim làm bằng gỗ, những con số màu đen trên mặt màu xanh bạc hà, món quà của Giáo sĩ Faizullah. Chín giờ rồi. Cô tự hỏi không biết mẹ Nana đang ở đâu. Cô nghĩ đến việc đi ra ngoài tìm bà, nhưng cô lại sợ phải đối mặt với mẹ, sợ ánh mắt buồn phiền của mẹ. Mẹ Nana sẽ buộc tội cô là bất hiếu, sẽ nhạo báng những ước muốn dớ dẩn của cô.
Mariam ngồi xuống. Cô cố gắng giết thời gian bằng cách vẽ đi vẽ lại con voi bằng một nét như bố Jalil đã dạy. Cô bắt đầu cảm thấy tê chân do ngồi lâu nhưng không dám nằm xuống vì sợ chiếc váy bị nhăn.
Cuối cùng, khi kim đồng hồ chỉ mười một rưỡi, Mariam bỏ mười một viên sỏi vào túi và đi ra ngoài. Trên đường tới suối, cô nhìn thấy mẹ Nana đang ngồi trên một chiếc ghế dưới bóng cây liễu rủ. Mariam không chắc bà có nhìn thấy cô hay không.
Ở bờ suối, Mariam đợi đúng chỗ họ đã hẹn ngày hôm trước. Trên bầu trời, một vài đám mây xám hình bông hoa lơ đãng trôi qua. Bố Jalil đã dạy cô rằng những đám mây xám có màu như vậy bởi chúng dày đến mức phần trên đỉnh hấp thụ ánh sáng mặt trời và chiếu cái bóng của chính mình xuống khắp phần đáy. Đó là cái con thấy đấy, Mariam bé bỏng à, ông nói, bóng tối ở dưới đáy của nó.
Một quãng thời gian nữa trôi qua.
Mariam quay trở lại kolba. Lần này cô vòng qua rìa phía Tây của khu đất trống để không phải đi qua chỗ mẹ Nana. Cô xem lại đồng hồ. Đã gần một giờ rồi.
Bố là doanh nhân, Mariam nghĩ. Hẳn bố đang bận việc gì đó.
Cô quay trở lại con suối và đợi một lúc lâu hơn. Một bầy chim két liệng vòng tròn trên đầu cô rồi nhào xuống đám cỏ đây đó. Cô thấy một con sâu bướm đang bò trên gốc một cây kế non.
Cô đợi đến khi hai chân đã tê cứng. Lần này cô không quay trở lại kolba nữa. Cô xắn ống quần lên tới đầu gối rồi lội qua suối, và lần đầu tiên trong đời cô đi xuống đồi, hướng về Herat.
Mẹ Nana cũng lại nói sai về Herat. Không ai chỉ trỏ. Không ai cười nhạo. Mariam bước đi trên những đại lộ náo nhiệt và đông đúc với những hàng bách thẳng tắp, bước giữa dòng người đi bộ, đi xe đạp và những chiếc gari* được la kéo, và không ai ném đá vào cô. Không ai gọi cô là harami. Thậm chí hầu như không ai để ý đến cô. Thật ngạc nhiên và kỳ diệu, ở đây cô là một người bình thường.
*[Một loại xe kéo bằng súc vật, dùng để chở khách]
Cô đứng một lúc bên bồn nước hình ô van ở giữa một công viên lớn, chằng chịt những con đường rải sỏi bắt chéo nhau. Cô mân mê một cách thích thú những con ngựa xinh đẹp làm bằng cẩm thạch đứng quanh mép bồn đang nhìn chằm chằm xuống nước bằng những con mắt trắng đục. Cô chú ý đến mấy cậu bé trai đang thả thuyền giấy. Cô nhìn thấy hoa ở khắp mọi nơi, hoa tuy líp, hoa huệ tây, dã yến thảo, những cánh hoa rạng rỡ trong ánh mặt trời. Mọi người đi bộ dọc trên đường, ngồi trên ghế đá và nhâm nhi tách trà.
Mariam hầu như không thể tin được là cô đang ở đây. Trái tim cô đập liên hồi vì phấn khích. Cô ước gì Giáo sĩ Faizullah có thể thấy cô lúc này. Ông sẽ thấy cô mới gan dạ làm sao. Thật dũng cảm biết bao! Cô đã chọn cho mình một cuộc sống mới đang chờ đợi cô ở thành phố này, một cuộc sống với bố, với các anh chị em, một cuộc sống nơi cô sẽ trao đi và được nhận lại tình yêu thương, nơi không có sự chờ đợi, e dè hay hổ thẹn.
Cô tung tăng bước trở lại con đường lớn gần công viên. Cô đi qua những người bán hàng rong già nua, khuôn mặt nhăn nheo đang ngồi dưới bóng cây tiêu huyền, bình thản nhìn cô từ phía sau những tháp trái sê ri và đụn nho. Những cậu bé chân trần chạy đuổi theo ô tô và xe bus, tay huơ huơ mấy túi quả mộc qua. Mariam đứng ở góc đường quan sát dòng người qua lại mà không thể hiểu tại sao họ có thể thờ ơ như vậy trước những điều kỳ diệu ở xung quanh.
Sau một lúc, cô lấy hết dũng khí hỏi thăm một người đàn ông đứng tuổi sở hữu chiếc gari có la kéo, xem ông ấy có biết Jalil, chủ rạp phim, sống ở đâu không. Ông già có hai má phúng phính và mặc chiếc chapan* bảy sắc cầu vồng.
*[Một loại áo khoác ngoài dành cho nam giới ở một số nước Hồi giáo]
- Cháu không sống ở Herat có phải không? - ông nói vẻ thân thiện. - Mọi người đều biết Jalil Khan sống ở đâu.
- Ông có thể chỉ cho cháu được không?
Ông già bóc một chiếc kẹo bơ cứng bọc trong giấy và nói:
- Cháu đi một mình à?
- Vâng ạ.
- Trèo lên đây. Ông sẽ đưa cháu đi.
- Cháu không thể trả tiền cho ông. Cháu không có tiền.
Ông đưa cho cô bé chiếc kẹo. Ông nói rằng ông không có khách đã hai tiếng rồi và đằng nào cũng đang định về nhà. Nhà Jalil trên đường ông đi về.
Mariam trèo lên chiếc gari. Họ ngồi im lặng cạnh nhau. Trên đường tới đó, Mariam nhìn thấy những cửa hàng bán thảo dược và nhiều dãy kệ hàng nơi khách hàng mua cam và lê, sách, khăn choàng, thậm chí cả chim ưng nữa. Trẻ con chơi bi trong những vòng tròn vẽ dưới đất. Bên ngoài các tiệm trà, trên bục gỗ có trải thảm, cánh đàn ông vừa uống trà vừa hút tẩu thuốc.
Ông già cho xe rẽ vào một con đường rộng nằm giữa hai hàng cây vân sam. Được nửa đường thì ông cho ngựa dừng lại.
- Ở kia kìa. Có vẻ cháu gặp may rồi, dokhtar jo*. Xe của ông ấy kìa.
*[Cháu gái thân mến]
Mariam nhảy xuống. Ông già mỉm cười và đánh xe đi tiếp.
Mariam chưa từng được chạm vào xe hơi. Cô bé lướt tay quanh cái mui xe của Jalil, một chiếc xe hơi màu đen, bóng nhoáng, với những vành xe sáng choang nơi Mariam có thể nhìn thấy được hình ảnh của mình bị dẹt đi và kéo rộng ra. Ghế xe được làm bằng da màu trắng. Đằng sau bánh lái, Mariam nhìn thấy những bảng điều khiển ốp kính gắn kim đồng hồ bên trong.
Trong một thoáng, Mariam nghe thấy giọng nói của mẹ Nana vang lên trong đầu, nhạo báng và dập tắt những hy vọng âm ỉ, le lói trong cô. Đôi chân run run, Mariam tiến tới cửa trước của ngôi nhà. Cô đặt tay lên tường. Những bức tường nhà bố Jalil mới cao làm sao, mới ẩn tàng nhiều bất trắc làm sao. Cô phải nghển cổ mới thấy được những ngọn cây bách nhô ra từ phía bên kia. Những ngọn cây đung đưa trong gió và cô tưởng tượng thấy chúng đang gật đầu đón chào cô. Mariam phải cố trấn tĩnh lại khi đột nhiên cảm thấy mình mất hết can đảm.
Một cô gái trẻ đi chân trần ra mở cửa. Chị ta có một hình xăm ở dưới môi dưới.
- Em đến gặp Jalil Khan. Em là Mariam. Con gái của ông ấy.
Gương mặt cô gái thoáng một chút bối rối. Rồi chị nhanh chóng nhớ ra. Chị hơi mỉm cười và có phần hồ hởi.
- Đợi ở đây nhé, - chị nói nhanh.
Cánh cửa đóng lại.
Vài phút trôi qua. Rồi một người đàn ông ra mở cửa. Ông ta dáng người cao, vai vuông vức, đôi mắt ngái ngủ và gương mặt điềm tĩnh.
- Tôi là tài xế của Jalil Khan, - ông ta nói, giọng khá tử tế.
- Là gì của ông ấy cơ ạ?
- Là lái xe của ông ấy. Jalil Khan không có ở đây.
- Cháu nhìn thấy xe của ông ấy, - Mariam nói.
- Ông ấy đi vắng vì bận việc gấp.
- Khi nào thì ông ấy về ạ?
- Ông ấy không nói.
Mariam nói cô sẽ đợi.
Ông ta đóng cổng lại. Mariam ngồi xuống, thu gối vào sát ngực. Trời sắp tối rồi và cô dần cảm thấy ngày càng đói. Cô ăn chiếc kẹo bơ cứng của người đánh xe gari. Một lát sau, người lái xe lại xuất hiện.
- Cháu phải về nhà đi, - ông ta nói. - Không đầy tiếng nữa thôi là trời tối rồi.
- Cháu quen với bóng tối rồi.
- Trời cũng sẽ lạnh đấy. Bác lái xe đưa cháu về nhà nhé? Bác sẽ bảo với ông ấy là cháu đã đến đây.
Mariam nhìn ông chăm chăm.
- Thế thì bác sẽ đưa cháu đến khách sạn. Ở đó cháu có thể ngủ thoải mái. Sáng mai chúng ta sẽ xem xem có thể làm gì.
- Cho cháu vào trong nhà đi.
- Bác đã được lệnh không được làm thế. Nghe này, không ai biết được khi nào ông ấy sẽ về. Có thể mất nhiều ngày đấy.
Mariam khoanh tay.
Người lái xe thở dài và nhìn cô bé với ánh mắt hơi trách móc.
Những năm sau đó, nhiều lần Mariam đã suy nghĩ không biết cuộc đời của cô sẽ như thế nào nếu cô để người lái xe đưa quay trở về kolba. Nhưng cô đã từ chối. Cô ở cả đêm bên ngoài nhà của Jalil. Cô nhìn màn đêm buông xuống, ngắm bóng tối dần nhấn chìm những dãy nhà xung quanh. Cô gái có hình xăm mang cho cô một ít bánh mì và một đĩa cơm nhưng Mariam nói cô không muốn ăn. Cô gái đặt đồ ăn xuống cạnh Mariam. Thỉnh thoảng, Mariam nghe thấy tiếng bước chân trên phố, tiếng những cánh cửa mở ra, tiếng chào nhau khe khẽ. Đèn điện được bật lên và những ô cửa sổ tỏa ánh sáng nhàn nhạt. Mấy con chó cất tiếng sủa. Khi không thể chịu nổi cái đói nữa, Mariam ăn đĩa cơm và cái bánh mì. Rồi cô nghe thấy tiếng dế kêu ngoài vườn. Trên đầu, mây trôi che khuất ánh trăng lay lắt.
Đến sáng, Mariam bị lay dậy. Mariam nhận ra đêm qua, ai đó đã đắp cho cô một cái chăn.
Người lái xe đang lay vai cô.
- Thế này là đủ rồi. Cháu làm loạn hết lên rồi đấy. Rối tung hết cả. Đã đến lúc phải đi rồi.
Mariam ngồi dậy, dụi dụi mắt. Lưng và cổ cô đều đau nhức.
- Cháu sẽ đợi ông ấy.
- Nhìn ta đây này, - ông ta nói. - Jalil Khan nói rằng ta phải đưa cháu quay về bây giờ. Ngay bây giờ. Cháu có hiểu không? Chính Jalil Khan nói như vậy.
Người đàn ông mở cánh cửa khách phía sau dẫn vào trong xe.
- Bia, đi nào, - ông ta nói nhẹ nhàng.
- Cháu muốn gặp ông ấy, - Mariam nói. Nước mắt cô giàn giụa.
Người lái xe thở dài.
- Để ta đưa cháu về nhà. Đi nào, dokhtar jo.
Mariam đứng lên đi về phía ông. Nhưng rồi, đến phút chót, cô đổi hướng và chạy về phía cổng trước. Cô cảm thấy những ngón tay của người lái xe đang lóng ngóng tóm lấy vai cô. Cô đẩy ông ta ra và lao qua cánh cổng đang mở.
Chỉ trong vài giây, Mariam đã ở trong vườn nhà Jalil, mắt dán chặt vào một khu nhà kính có cây cối bên trong, cả những cây nho quấn quanh dàn gỗ, một cái hồ cá bằng đá xám, cây ăn quả và những bụi hoa tươi sáng có mặt khắp mọi nơi. Ánh mắt cô lướt qua tất cả những thứ này trước khi bắt gặp một khuôn mặt ở cửa sổ trên tầng. Gương mặt đó chỉ xuất hiện trong một giây nhưng thế cũng đủ rồi. Đủ để Mariam nhìn thấy đôi mắt mở to và cái miệng há hốc. Rồi nó biến mất. Một bàn tay hiện ra và vội vàng kéo dây. Rèm cửa sập xuống.
Sau đó, có một đôi tay xốc nách và nhấc cô lên khỏi mặt đất. Chân Mariam giãy giụa. Những viên sỏi rơi ra khỏi túi áo. Mariam tiếp tục giãy giụa và kêu khóc trong lúc cô được mang ra ô tô và được đặt xuống chiếc ghế sau bọc da lạnh lẽo.
Người lái xe vừa lái vừa nói với giọng an ủi. Mariam không nghe ông nói. Trên suốt chặng đường, cô lăn lộn trên ghế sau và khóc. Đó là giọt nước mắt của sự đau đớn, của nỗi căm giận, của những ảo tưởng bị tan vỡ. Nhưng hơn hết, đó là những giọt nước mắt của nỗi hổ thẹn sâu sắc bởi cô đã ngu ngốc làm sao khi đã toàn tâm toàn ý vì Jalil, khi đã phải đắn đo mặc chiếc váy gì, đắn đo về chiếc hijab không hợp màu, rồi còn phải đi bộ cả chặng đường để đến đây, kiên quyết không rời đi, ngủ trên đường như một con chó lạc. Và cô thấy hổ thẹn vì đã không đếm xỉa đến ánh mắt buồn khổ và đôi mắt sưng húp của mẹ. Mẹ Nana đã cảnh báo cô, và tới giờ bà đã hoàn toàn đúng.
Mariam không ngừng nghĩ đến khuôn mặt của ông bên cửa sổ trên tầng. Ông để cô ngủ ngoài đường. Trên đường phố. Mariam nằm xuống mà khóc. Cô không ngồi lên, không muốn bị nhìn thấy. Cô tưởng tượng ra cảnh sáng nay cả Herat đã thấy cô tự làm nhục bản thân như thế nào. Cô ước gì Giáo sĩ Faizullah đang ở đây để cô có thể dụi đầu vào lòng ông và để ông xoa dịu nỗi đau này.
Được một lúc, con đường trở nên gập ghềnh hơn và mũi xe cứ chĩa dần lên. Họ đang trên con đường dốc ngược nằm giữa Herat và Gul Daman.
Cô sẽ nói gì với mẹ Nana đây, Mariam tự hỏi mình. Cô sẽ xin lỗi mẹ như thế nào? Thậm chí làm sao mà cô có thể đối diện với mẹ bây giờ?
Chiếc xe dừng lại và người lái xe giúp cô bước ra ngoài.
- Ta sẽ dẫn cháu về nhà, - ông nói.
Cô để ông đưa sang đường và đi lên con đường mòn. Ven đường có những cây kim ngân mọc và cả cỏ sữa đang vươn mình. Ong kêu vo vo trên những bông hoa dại sáng lấp loáng. Người lái xe cầm tay cô và giúp cô qua suối. Rồi ông để cô tự đi và nói về chuyện đợt gió kéo dài một trăm hai mươi ngày nổi tiếng của Herat sắp bắt đầu thổi, suốt từ giữa sáng cho đến tối, và chuyện những con ruồi cát sẽ bước vào bữa tiệc ăn uống điên cuồng, và rồi đột nhiên ông đứng sững lại trước mặt cô, cố gắng che mắt cô và vừa đẩy cô quay ngược lại con đường vừa nói:
- Quay trở lại! Không! Đừng nhìn. Quay lại. Quay trở lại!
Nhưng không còn kịp nữa rồi. Mariam đã nhìn thấy. Một cơn gió mạnh chợt thổi rẽ tấm rèm bằng những cành liễu rủ và Mariam nhìn thấy thứ đang hiển hiện dưới gốc cây: chiếc ghế có lưng tựa bị đổ lật ngược. Sợi dây thừng thõng xuống từ một cành cây cao. Mẹ Nana đang treo lủng lẳng ở đầu dây.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét