Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 15

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

15

Tháng Tư, 1978

Vào ngày 17 tháng Tư năm 1978, năm Mariam mười chín tuổi, một người đàn ông tên Mir Akbar Khyber đã bị giết. Hai ngày sau, một cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Kabul. Tất cả mọi người trong khu đều đổ ra ngoài đường bàn tán về nó. Qua cửa sổ, Mariam nhìn thấy hàng xóm tụ tập thành từng đám, đang bàn tán rất sôi nổi, áp sát tai vào những chiếc đài bán dẫn. Cô nhìn thấy Fariba đang dựa vào tường, nói chuyện với một người đàn bà vừa mới tới Deh-Mazang. Fariba đang cười, hai bàn tay bà đặt trên cái bụng chửa phình to của mình. Người đàn bà kia Mariam không nhớ tên, trông lớn tuổi hơn Fariba và có mái tóc nhuộm màu tía lạ mắt. Bà ta nắm tay một đứa trẻ con. Mariam biết cậu bé tên là Tariq vì cô nghe thấy người đàn bà gọi cậu bằng cái tên đó.
Mariam và Rasheed không nhập bọn với những người hàng xóm. Họ nghe tin tức trên đài trong khi có khoảng vài chục nghìn người đã đổ ra các đường phố và diễu hành xuôi ngược ở khu trung tâm của Kabul. Rasheed nói rằng Mir Akbar Khyber là một người cộng sản lỗi lạc và những người ủng hộ ông ta cáo buộc chính phủ của Tổng thống Daoud Khan tội giết người. Rasheed không nhìn cô khi ông ta nói điều đó. Dạo này, ông ta không còn nhìn cô khi nói nữa, và Mariam không chắc là có phải ông đang nói với mình hay không.
- Người cộng sản là người như thế nào? - cô hỏi.
Rasheed khịt mũi và nhướng đôi lông mày.
- Cô không biết cộng sản là gì à. Một thứ đơn giản như thế. Tất cả mọi người đều biết. Đấy là một kiến thức sơ đẳng. Cô không... Chà. Tôi không hiểu sao mình lại ngạc nhiên.
Rồi ông ta bắt chéo chân trên bàn và lầm bầm trong miệng rằng đó là những người theo Chủ nghĩa Marx.
- Chủ nghĩa Marx là ai?
Rasheed thở dài.
Trên đài, một giọng nữ đang nói rằng Taraki, thủ lĩnh nhóm Khalq của PDPA, Đảng Cộng sản Afghanistan, hiện ở trên đường phố đọc diễn văn kích động những người biểu tình.
- Ý em là, họ muốn gì? - Mariam hỏi. - Những người cộng sản ấy, họ tin vào điều gì?
Rasheed cười như nắc nẻ và lắc đầu, nhưng Mariam nghĩ rằng cô nhìn thấy sự khác thường trong cái cách ông ta khoanh tay, cái cách ông ta đưa mắt nhìn.
- Cô không biết gì cả, phải không? Cô giống như một đứa trẻ. Đầu óc cô rỗng tuếch. Không có gì trong đó cả.
- Em hỏi bởi vì...
- Chupko. Im đi.
Mariam im lặng.
Thật khó lòng chấp nhận cách ông ta nói với cô như thế, khó mà chịu đựng nổi sự miệt thị, sự nhạo báng, sự xúc phạm của ông ta, cái cách ông ta đi ngang cô như thể cô chẳng hơn gì một con mèo trong nhà. Nhưng sau bốn năm vợ chồng, Mariam đã thấy rất rõ đàn bà có khả năng chịu đựng đến mức nào khi họ sợ hãi. Và Mariam đang sợ hãi. Cô sống trong sợ hãi bởi cái tính khí hay thay đổi, sự nóng giận bất thường, cái cách ông ta nhất quyết biến các tranh cãi nhỏ nhặt nhất thành những cuộc xung đột mà ông ta có thể sẽ giải quyết bằng những cái tát, bằng đấm đá, và đôi khi ông ta cố gắng cải thiện tình hình bằng những lời xin lỗi gượng gạo, đôi khi thì không.
Trong bốn năm kể từ sau cái ngày ở nhà tắm hơi, đã có sáu lần hy vọng được nhen nhóm lên rồi lại tàn lụi, mỗi một lần mất mát, mỗi một lần sụp đổ, mỗi một lần đi đến bác sĩ đều làm tan nát Mariam hơn lần trước đó. Với mỗi một lần thất vọng, Rasheed càng trở nên xa cách và phẫn uất hơn. Giờ đây, cô chẳng thể làm gì khiến ông ta hài lòng. Cô lau dọn nhà cửa, luôn chú ý để quần áo ông ta mặc lúc nào cũng được giặt sạch sẽ và nấu những món mà ông ta thích. Có một lần, thật thảm hại, cô thậm chí còn mang đồ trang điểm ra hy vọng chồng mình sẽ hài lòng. Nhưng khi Rasheed về đến nhà, ông ta nhìn cô một cái rồi nhăn mặt khó chịu đến nỗi cô chạy thẳng vào nhà tắm mà gột rửa sạch sẽ, nước mắt của sự tủi nhục hòa lẫn với nước xà phòng, son phấn và mascara.
Bây giờ thì Mariam sợ hãi tiếng ông ta trở về nhà vào mỗi buổi tối. Tiếng chìa khóa lạch cạch, tiếng kẹt cửa - những âm thanh ấy làm tim cô đập loạn nhịp. Từ giường mình, cô nghe tiếng gót giày ông ta lạch cạch, tiếng ông ta xoa chân vào nhau sau khi tháo giày. Cô dùng tai hình dung những việc ông ta đang làm: tiếng chân cái ghế tựa kéo lê trên sàn, tiếng cọt kẹt ai oán của nó khi ông ta ngồi lên, tiếng leng keng của cái thìa va vào đĩa, tiếng sột soạt giở báo, tiếng húp nước xì xụp. Và trong khi tim cô đập thình thịch, đầu óc cô lại lo lắng không hiểu tối hôm đó ông ta sẽ dùng lý do gì để buộc tội cô. Luôn luôn có điều gì đó, một điều rất nhỏ nhặt nào đó làm ông ta điên lên, bởi vì bất kể cô đã làm gì để vừa lòng ông ta, bất kể cô đã chiều chuộng những nhu cầu, mong muốn của ông ta kỹ lưỡng như thế nào, tất cả đều không đủ. Cô không thể lấy lại cho ông ta đứa con trai. Trong chuyện quan trọng nhất này, cô đã làm ông ta thất vọng bảy lần, cô đã thất bại - và bây giờ cô chẳng là gì, chỉ là gánh nặng đối với ông ta. Cô có thể nhìn thấy điều đó trong cái cách ông ta nhìn cô, khi ông ta nhìn cô. Cô là gánh nặng đối với ông ta.
- Chuyện gì sẽ xảy ra? - lúc này cô hỏi ông ta.
Rasheed liếc xéo cô. Ông ta vừa như thở dài vừa như làu bàu, hạ hai chân xuống khỏi bàn và tắt đài. Ông ta mang nó lên phòng mình. Ông ta đóng cửa lại.
Vào ngày 27 tháng Tư, câu hỏi của Mariam đã được trả lời bằng những âm thanh lốp bốp và những tiếng gầm mãnh liệt, đột ngột. Cô chạy chân trần xuống phòng khách và thấy Rasheed đã đứng đó bên cửa sổ trong chiếc áo lót, mái tóc rối bù, hai bàn tay áp vào cửa kính. Mariam đến bên cửa sổ cạnh ông ta. Ở trên cao, cô có thể nhìn thấy những chiếc máy bay quân sự bay vọt qua, hướng lên phía Bắc và phía Đông. Tiếng rít chói tai của chúng làm cô đau tai. Xa xa, những tiếng nổ lớn vang dội và những cột khói bất thần vươn lên trời cao.
- Chuyện gì vậy, Rasheed? - cô hỏi. - Tất cả những điều này là gì?
- Có trời mà biết, - ông ta lẩm bẩm. Ông ta thử dò sóng đài nhưng chỉ có tín hiệu nhiễu loạn.
- Chúng ta làm gì đây?
Rasheed trả lời một cách nóng nảy:
- Chúng ta đợi.
Ngày hôm đó, Rasheed vẫn cố gắng bắt sóng đài phát thanh trong khi Mariam thì nấu cơm và canh rau bina ở trong bếp. Mariam nhớ có thời gian cô đã thích thú, thậm chí là mong chờ được nấu ăn cho Rasheed. Bây giờ thì nấu ăn là một sự hành xác trong nỗi lo lắng cao độ. Món qurma thì luôn luôn quá mặn hoặc quá nhạt đối với khẩu vị của ông ta. Cơm thì hoặc quá khô hoặc quá nhão, bánh mì thì quá dai hoặc quá giòn. Những sự bắt bẻ của Rasheed làm cô phát ốm trong nhà bếp, làm cô ngờ vực chính bản thân mình.
Khi cô mang đĩa thức ăn đến cho ông ta, quốc ca đang cử trên đài.
- Em làm món sabzi, - cô nói.
- Để xuống đấy rồi im lặng đi.
Sau khi nhạc tắt, một giọng đàn ông nói trên đài. Ông ta tuyên bố mình là Tướng Abdul Qader của lực lượng Không quân. Ông thông báo buổi sớm ngày hôm nay Sư đoàn xe bọc thép số Bốn của quân đảo chính đã chiếm sân bay và các vị trí trọng yếu trong thành phố. Đài phát thanh Kabul, các tòa nhà trụ sở của Bộ Truyền thông và Nội vụ, Bộ Ngoại giao cũng đã bị chiếm giữ. Kabul bây giờ đang ở trong tay của nhân dân, ông tự hào nói. Những phi cơ MIG của lực lượng nổi dậy đã tấn công Dinh Tổng thống. Xe tăng đã phá rào vào trong và một trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở đó. Những lực lượng trung thành với Daoud chỉ là kẻ bại trận, Abdul Qader nói bằng giọng chắc chắn.
Những ngày sau đó, khi lực lượng cộng sản bắt đầu cuộc tổng hành quyết những người dính líu tới chế độ của Daoud Khan, khi khắp Kabul lan truyền tin đồn về việc móc mắt và giết người bằng cách nối điện vào bộ phận sinh dục ở nhà tù Pol-e-Charkhi, Mariam nghe tin về vụ thảm sát trong Phủ Tổng thống. Daoud Khan đã bị giết, nhưng chỉ sau khi những người cộng sản giết khoảng hai mươi người trong gia đình ông ta, kể cả phụ nữ và trẻ con. Cũng có tin đồn rằng ông đã tự kết liễu cuộc đời mình, rằng ông đã bị bắn hạ trong một trận chiến quyết liệt; tin khác thì nói rằng ông đã được cứu sống để rồi bắt buộc phải chứng kiến cảnh thảm sát gia đình mình, trước khi bị bắn chết.
Rasheed vặn tiếng to lên và nghiêng người lại gần hơn.

“Một hội đồng cách mạng của các lực lượng vũ trang đã được thiết lập, và watan [Quê hương] của chúng ta từ nay sẽ là Cộng hòa Dân chủ Afghanistan”, Abdul Qader nói. “Kỷ nguyên của bọn quý tộc và vây cánh, của bất bình đẳng đã qua đi, hỡi hamwatan [Đồng bào]. Chúng ta đã chấm dứt hàng bao thập kỷ của chế độ độc tài. Quyền lực bây giờ ở trong tay quần chúng và những người yêu tự do. Một kỷ nguyên mới rục rỡ trong lịch sử đất nước ta đã mở ra. Một đất nước Afghanistan mới đã ra đời. Chúng tôi đảm bảo rằng các bạn sẽ không phải sợ bất cứ điều gì, hỡi những người dân Afghanistan. Chế độ mới sẽ đảm bảo sự tôn trọng tối cao cho các nguyên tắc của cả đạo Hồi và của nền dân chủ. Đây là thời gian để vui sướng và ăn mừng”.

Rasheed tắt đài.
- Như thế thì là tốt hay xấu? - Mariam hỏi.
- Xấu cho bọn giàu, nghe có vẻ thế, - Rasheed nói. - Có thể đối với chúng ta thì không đến nỗi quá tồi tệ.
Mariam chợt nghĩ về Jalil. Cô tự hỏi liệu những người cộng sản có tìm kiếm ông không? Liệu họ có bỏ tù ông không? Bỏ tù những đứa con trai của ông? Lấy đi công ăn việc làm và tài sản của ông?
- Còn nóng không? - Rasheed hỏi, mắt nhìn vào đĩa cơm.
- Em vừa mới xới ra khỏi nồi.
Ông ta làu bàu rồi bảo cô đưa cho ông ta cái đĩa.

Dưới phố, khi màn đêm đột nhiên rực sáng bởi những ánh đèn chớp đỏ và vàng, Fariba mệt lử chống người lên hai khuỷu tay. Mái tóc bà bết lại vì mồ hôi, mồ hôi đọng thành giọt ở vành môi trên. Bên cạnh giường, bà đỡ già Wajma đứng nhìn chồng và hai cậu con trai của Fariba đi vòng xung quanh đứa trẻ sơ sinh. Họ trầm trồ trước mái tóc sáng màu của đứa trẻ, đôi má phớt hồng nhăn nheo, đôi môi như nụ hồng và đôi mắt như hai rãnh nhỏ xíu màu xanh ngọc chuyển động dưới mí mắt húp híp. Họ mỉm cười với nhau khi nghe đứa bé gái phát ra những âm thanh đầu tiên, một tiếng khóc mới đầu nghe như tiếng meo meo của một con mèo sau bung ra thành một tiếng ngoao to, khỏe mạnh. Noor bảo mắt em bé giống như những viên đá quý. Ahmad, vốn sùng tín nhất trong gia đình, hát một bài kinh azan vào tai cô em nhỏ bé và thổi vào mặt em ba lần.
- Đặt tên con là Laila nhé? - Hakim hỏi, tung nựng đứa nhỏ trong tay.
- Đặt tên là Laila, - Fariba nói và mỉm cười mệt mỏi. - Vẻ đẹp của đêm. Tên đó thật tuyệt.

Rasheed lấy ngón tay vê cơm thành cục tròn. Ông ta bỏ vào miệng nhai một miếng, rồi miếng thứ hai, sau đó nhăn mặt ghê tởm và nhổ cơm ra cái thảm ăn sofrah.
- Sao thế anh? - Mariam hỏi, căm ghét cái vẻ có lỗi trong giọng mình. Cô có thể cảm thấy các mạch máu đập nhanh hơn, da cô co rúm lại.
- Sao thế? - ông ta eo éo, bắt chước cô. - Sao với giăng là cô lại vẫn nấu như thế.
- Nhưng em đã nấu lâu hơn bình thường năm phút mà.
- Nói dối không biết ngượng mồm.
- Em thề...
Ông ta giận dữ vẩy cơm dính trên ngón tay và hất cái đĩa ra xa, làm đổ canh và cơm trên tấm sofrah. Mariam nhìn ông ta lao ra khỏi phòng khách, sau đó lao ra khỏi nhà, đóng sầm các cánh cửa sau lưng.
Mariam quỳ xuống đất, cố gắng gom cơm bỏ lại vào trong đĩa, nhung đôi tay cô run rẩy quá đỗi nên cô phải đợi một lúc cho chúng dừng lại. Sự khiếp sợ đè nặng trên ngực cô. Cô cố hít thở thật sâu. Cô nhìn thấy vẻ xanh xao của mình phản chiếu trên ô cửa sổ đang tối lại của phòng khách và quay đi chỗ khác.
Rồi cô nghe tiếng cửa trước mở ra và Rasheed quay trở lại phòng khách.
- Đứng dậy, - ông ta nói. - Lại đây. Đứng dậy.
Ông ta giằng hai bàn tay cô, mở nó ra và thả vào đấy một nắm sỏi.
- Bỏ hết vào mồm!
- Gì cơ?
- Bỏ. Hết. Vào mồm.
- Đừng làm thế, Rasheed, em...
Hai bàn tay bạo liệt của ông ta siết chặt hàm cô. Ông ta thô bạo chọc hai ngón tay vào miệng cô và cậy cho nó mở ra, sau đó nhét những viên sỏi cứng, lạnh ngắt vào trong. Mariam vùng vẫy phản kháng, bụm miệng lại, nhưng ông ta vẫn ấn những viên sỏi vào, cái môi trên của ông ta cong lên khinh bỉ.
- Bây giờ thì nhai đi, - ông ta nói.
Từ trong cái miệng đã đầy đá vụn và sỏi, Mariam lầm bầm một tiếng van xin. Nước mắt trào ra từ hai khóe mắt cô.
- NHAI! - ông ta gầm lên. Luồng hơi thở ám mùi khói của ông ta đập vào mặt cô.
Mariam nhai. Có gì đó trong hàm cô vỡ ra.
- Tốt, - Rasheed nói. Hai má ông ta giật giật. - Bây giờ thì cô biết cơm cô nấu ăn như thế nào rồi đấy. Bây giờ thì cô đã biết cô mang lại cho tôi cái gì trong cuộc hôn nhân này rồi đấy. Thức ăn dở và không gì khác.
Sau đó ông ta đi, để Mariam lại đó, nhổ ra khỏi miệng đá cuội, máu, và những mảnh vỡ của hai chiếc răng hàm.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét