Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 21

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

21

Người lái xe tạt vào bên lề để nhường đường cho một đoàn dài xe jeep và xe bọc sắt nữa của quân Xô Viết. Tariq vươn người qua ghế trước, chồm lên trên người lái xe và hô to, “Pajalusta! Pajalusta!*” [Tiếng Nga, nghĩa là “Xin mời! Xin mời!”]
Một chiếc xe jeep bấm còi và Tariq huýt sáo đáp lại, tươi cười vẫy tay một cách phấn khởi.
- Những khẩu súng đáng yêu lắm! - cậu hét lên. - Những chiếc xe jeep huyền thoại! Đội quân huyền thoại! Quá tồi khi bọn mày lại thua một đám nông dân bắn súng cao su!
Đoàn xe đi qua. Người tài xế đánh xe ra đường.
- Còn bao xa nữa? - Laila hỏi.
- Cùng lắm là một giờ nữa, - người tài xế đáp. - Nếu không gặp phải một đoàn diễu hành hay trạm kiểm soát nào nữa.
Laila, Babi và Tariq, ba người đang có chuyến đi kéo dài một ngày. Hasina cũng rất muốn đi cùng và đã năn nỉ bố nó nhưng bố nó không cho đi. Chuyến đi này là ý tưởng của Babi. Mặc dù khó có thể trang trải được hết các chi phí bằng đồng lương của mình, ông vẫn thuê một người tài xế lái trọn ngày. Ông còn không hé lộ cho Laila biết một chút gì về nơi đến, chỉ nói mỗi một điều là ông làm thế vì đang cố gắng cho sự nghiệp học hành của cô bé.
Họ khởi hành từ năm giờ sáng. Nhìn qua cửa sổ chỗ Laila ngồi, cảnh vật liên tục thay đổi từ những đỉnh núi phủ tuyết đến các sa mạc cát, rồi đến những hẻm núi và những núi đá cháy xém dưới ánh mặt trời. Dọc bên đường, họ đã đi qua những ngôi nhà trát bùn, mái tranh và những cánh đồng có nhiều bó lúa mì nằm ngổn ngang. Dốc xuống những cánh đồng nhiều bụi rậm, Laila nhận ra đây đó những túp lều đen của dân du cư Koochi. Và xuất hiện thường xuyên nhất là những xác ô tô nổ bình xăng cháy đen và những chiếc trực thăng bị bắn rơi của quân Xô Viết. Cô bé nghĩ đây chính là đất nước Afghanistan của Ahmad và Noor. Xét cho cùng thì chính tại các tỉnh này mới là nơi cuộc chiến đang diễn ra. Không phải ở Kabul. Phần lớn Kabul vẫn sống trong yên ổn. Nói về Kabul, nếu thỉnh thoảng không có tiếng súng nổ, nếu không có những người lính Xô Viết đứng hút thuốc bên vỉa hè và những chiếc xe jeep Xô Viết vọt đi trên đường phố thì chiến tranh có lẽ chỉ là một lời đồn thổi mà thôi.
Gần trưa, sau khi đi qua hai trạm kiểm soát khác nữa, họ đến một thung lũng. Babi và Laila vươn người qua ghế và chỉ về phía một dãy tường cổ đỏ rực dưới ánh mặt trời ở xa xa.
- Nơi đó được gọi là Shahr-e-Zohak. Thành phố Đỏ. Trước kia nó từng là một pháo đài. Nó được xây dựng cách đây khoảng chín trăm năm để chống lại quân xâm lược tấn công vào thung lũng này. Cháu nội của Genghis Khan [Thành Cát Tư Hãn] đã tấn công pháo đài vào thế kỷ mười ba và đã bị giết chết. Nhưng chính Genghis Khan sau đó đã phá hủy được pháo đài.
- Và đó, các bạn trẻ ạ, chính là câu chuyện về đất nước của chúng ta, hết kẻ xâm lược này lại đến kẻ xâm lược khác, - người tài xế nói, vẩy nhẹ tàn thuốc lá ra ngoài cửa sổ. - Người Macedonia. Người Ba Tư. Người Ả rập. Người Mông Cổ. Giờ là người Liên Xô. Nhưng chúng ta giống như những bức tường đằng kia. Bị bào mòn và trông chẳng đẹp chút nào, nhưng vẫn đứng vững. Đúng thế không hả badar?
- Quả thực là như vậy, - Babi đáp lại.
Nửa giờ sau, người tài xế tạt xe vào lề đường.
- Đi nào, hai đứa, - Babi nói. - Đi ra ngoài nhìn quanh xem.
Họ bước ra khỏi xe. Babi chỉ:
- Chúng đấy. Nhìn kìa.
Tariq há hốc miệng. Laila cũng thế. Và cô bé biết rằng dù có sống đến trăm tuổi chăng nữa thì cô bé cũng sẽ không bao giờ có thể thấy lại một cái gì kỳ vĩ đến vậy.
Hai bức tượng Phật khổng lồ, cao lớn hơn nhiều so với những gì cô bé có thể tưởng tượng khi xem tất cả các bức ảnh trước đây. Hai bức tượng, được tạc trên vách đá trắng lóa dưới ánh mặt trời, nhìn chằm chằm xuống hai đứa trẻ giống như gần hai nghìn năm trước chúng đã nhìn xuống, Laila hình dung, những đoàn lữ hành đi ngang qua thung lũng này trên Con đường Tơ lụa. Dọc hai bên các bức tượng, vách đá điểm lỗ chỗ với vô vàn hang động.
- Cháu thấy mình quá nhỏ bé, - Tariq nói.
- Cháu có muốn trèo lên không? - Babi hỏi.
- Trèo lên các bức tượng ư? - Laila hỏi. - Chúng ta có thể làm thế sao?
Babi mỉm cười và giơ tay ra.
- Đi nào.
Việc leo trèo này đối với Tariq thật khó khăn, cậu phải bám lấy cả Laila và Babi khi họ lần từng bước lên bậc thang xoáy trôn ốc chật hẹp, tối lờ mờ. Họ nhìn thấy những hang động âm u dọc đường đi và những lối hầm lỗ chỗ như tổ ong trên vách đá ở mọi ngả đường.
- Cẩn thận chỗ các con đang bước đấy, - Babi nói. Giọng ông dội vang. - Đất chỗ đó rất nguy hiểm.
Ở một số chỗ, cầu thang dẫn tới một khoang hổng lớn trong tượng Phật.
- Các con, đừng nhìn xuống. Hãy nhìn thẳng về phía trước.
Trong khi trèo lên cao, Babi kể cho hai đứa nghe rằng Bamiyan từng là một trung tâm Phật giáo thịnh vượng cho tới khi nó sụp đổ dưới sự thống trị của người Ả rập theo đạo Hồi vào thế kỷ mười chín. Vách đá sa thạch là nơi trú ngụ của các tăng ni Phật tử, là nơi được họ khoét thành các hang đá để ở và lập điện thờ cho những người hành hương kiệt sức vì chuyến đi dài. Babi nói các thầy tu đã vẽ các bích họa rất đẹp dọc theo tường và mái che hang động của họ.
- Có thời điểm, - ông nói, - có năm nghìn thầy tu sống ẩn dật trong những hang đá này.
Khi họ leo lên đến đỉnh, Tariq mệt đứt hơi. Babi cũng thở hổn hển. Nhưng ánh mắt ông sáng bừng với niềm phấn khích.
- Chúng ta đang đứng trên đỉnh đầu tượng, - ông vừa nói vừa dùng khăn tay lau trán. - Có một hốc đá ở trên đây và chúng ta có thể nhìn ra ngoài.
Họ lần từng bước về phía mái che lởm chởm đá rồi đứng bên nhau, Babi đứng giữa, cùng nhìn xuống thung lũng.
- Nhìn kìa! - Laila nói.
Babi mỉm cười.
Phía dưới, những cánh đồng màu mỡ tựa như tấm thảm phủ lên khắp thung lũng Bamiyan. Babi nói đó là lúa mì xanh vụ đông và cỏ linh lăng, cả khoai tây nữa. Các cánh đồng được viền quanh bằng những cây dương và có những con suối, con mương tưới nước chảy ngang qua, bên bờ suối có bóng dáng nhỏ tí xíu của những người phụ nữ đang ngồi giặt quần áo. Babi chỉ về phía những cánh đồng lúa gạo và lúa mạch đang gối lên nhau trên triền dốc. Bây giờ là mùa thu và Laila có thể nhận ra mọi người trong bộ áo chùng sáng màu đang rải lúa ra phơi trên nóc những ngôi nhà xây bằng gạch bùn. Dọc con đường chính xuyên suốt thị trấn cũng là hai hàng dương. Hai bên đường có những cửa hàng nhỏ, quán trà và hiệu cắt tóc. Bên trên làng mạc, sông suối, Laila còn nhìn thấy những chân đồi trọc màu nâu đất, và, vượt lên trên tất cả những thứ đó, cũng như vượt lên trên mọi thứ khác ở Afghanistan, là ngọn núi Hindu Kush đỉnh phủ tuyết trắng.
Phía trên tất cả là bầu trời xanh trong vắt, không một gợn mây.
- Tĩnh lặng quá, - Laila thì thào. Cô bé có thể nhìn thấy những chú cừu và ngựa nhỏ xíu nhưng không thể nghe thấy tiếng kêu của chúng.
- Đó chính là điều khiến bố nhớ mãi mỗi khi đứng ở trên đây, - Babi nói. - Sự tĩnh lặng. Sự yên bình. Bố hằng muốn các con cảm nhận được nó. Nhưng các con ạ, bố cũng muốn cho các con nhìn thấy di sản của đất nước chúng ta để hiểu được quá khứ đẹp đẽ của nó. Các con biết đấy, một số thứ bố có thể dạy các con. Một số thứ các con có thể học từ sách vở. Nhưng có những thứ, sao nhỉ, các con chỉ có thể nhìn và cảm nhận.
- Nhìn kìa, - Tariq nói.
Họ nhìn thấy một con diều hâu đang bay lượn vòng trên ngôi làng.
- Babi đã bao giờ đưa Mammy lên đây chưa? - Laila hỏi.
- À, nhiều lần rồi. Trước khi mẹ sinh các anh con. Cả sau khi sinh nữa. Mẹ con đã từng rất thích phiêu lưu, và... tràn đầy nhiệt huyết. Bà ấy là người phụ nữ sôi nổi và vui vẻ nhất mà bố từng gặp. - Ông mỉm cười khi nhớ về những kỷ niệm. - Bà ấy đã có tiếng cười. Bố thề rằng chính vì nó mà bố cưới mẹ con, Laila à, vì tiếng cười đó. Nó hạ gục ta. Ta không thể nào chống đỡ lại được.
Một làn sóng yêu thương trào dâng trong Laila. Kể từ giây phút đó, cô bé luôn nhớ về hình ảnh Babi như vậy: đang hồi tưởng về Mammy, khuỷu tay chống lên đá, bàn tay khum lại đỡ cằm, mái tóc bồng bềnh theo gió, đôi mắt nheo dưới ánh mặt trời.
- Mình sẽ đi xem một vài hang đá, - Tariq nói.
- Cẩn thận đấy, - Babi dặn.
- Vâng, thưa Kaka jan* [Bác yêu quý], - tiếng Tariq vang vọng lại.
Laila nhìn theo nhóm ba người đàn ông xa xa ở phía dưới đang nói chuyện cạnh một con bò cột vào hàng rào. Cây cối xung quanh họ bắt đầu chuyển màu, màu nâu vàng, màu cam, màu đỏ tươi.
Babi nói:
- Bố cũng nhớ các anh con, con biết không? - Mắt ông rơm rớm. Cằm ông rung lên. - Bố có lẽ không... Với mẹ con, cả niềm vui và nỗi đau của bà ấy đều tột cùng. Bà ấy không thể kiềm chế được. Không bao giờ. Còn bố, bố nghĩ mình thì khác. Bố muốn... Nhưng điều đó cũng làm cho bố suy sụp, những đứa con trai đã chết. Bố cũng nhớ các anh con. Không một ngày nào qua đi mà bố... Laila à, rất khó khăn. Khó vô cùng. - Ông đưa ngón cái và ngón trỏ chùi mạnh khóe mắt. Khi ông cố gắng tiếp tục câu chuyện, giọng ông như vỡ vụn. Ông uốn lưỡi và chờ đợi. Ông hít một hơi dài và sâu rồi nhìn cô bé. - Nhưng bố hạnh phúc vì có con. Ngày nào bố cũng cám ơn Thượng đế vì đã có con. Tất cả mọi ngày. Có những lúc, khi mẹ con có một ngày thực sự đau buồn, bố cảm thấy con là tất cả những gì bố có, Laila ạ.
Laila xích lại gần hơn và áp má lên ngực ông. Dường như ông khẽ giật mình - không giống như Mammy, ông hiếm khi bộc lộ cảm xúc bằng sự âu yếm. Ông hôn nhẹ lên đầu cô bé và vụng về vòng tay ôm cô. Họ cứ đứng như thế một lúc nhìn xuống thung lũng Bamiyan.
- Mặc dù bố rất yêu mảnh đất này, nhưng bố nghĩ một ngày nào đó chúng ta sẽ phải ra đi, - Babi nói.
- Đi đến đâu ạ?
- Bất cứ nơi nào để lãng quên. Bố nghĩ Pakistan là sự lựa chọn đầu tiên. Trong một năm, hoặc có thể là hai năm. Chờ cho các thủ tục giấy tờ được hoàn tất.
- Còn sau đó?
- Sau đó, chà, thế giới quả là rộng lớn. Có thể là nước Mỹ. Một nơi nào đó gần biển. California chẳng hạn.
Bố nói rằng người Mỹ rất hào hiệp. Những người đó sẽ giúp đỡ họ kiếm tiền và thức ăn trong một thời gian cho tới khi họ có thể đứng vững trên đôi chân của mình.
- Bố sẽ đi tìm việc, và, trong một vài năm, khi chúng ta có đủ tiền tiết kiệm, chúng ta sẽ mở một cửa hàng đồ ăn Afghanistan nhỏ. Con hãy nhớ rằng, không có gì là viển vông hết, chỉ là một quán ăn hết sức bình dị với dăm cái bàn, mấy tấm thảm trải sàn. Có thể treo thêm vài bức ảnh Kabul. Chúng ta sẽ cho người Mỹ thưởng thức món ăn Afghanistan. Và với tài nghệ nấu nướng của mẹ con, họ sẽ phải xếp hàng dài trên phố.
Còn con, tất nhiên con sẽ tiếp tục đi học. Con biết bố coi trọng vấn đề đó như thế nào rồi đấy. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cho con được hưởng một nền giáo dục tốt, học cấp ba rồi đến đại học. Nhưng nếu con muốn, khi rảnh rỗi con có thể đỡ đần bố mẹ, làm theo sự chỉ bảo của chúng ta, rót đầy các bình nước, và những việc đại loại như thế.
Babi nói rằng họ sẽ tổ chức các bữa tiệc sinh nhật tại quán, lễ kỷ niệm ngày cưới, những buổi sum họp đón năm mới. Nơi đó sẽ trở thành điểm tụ họp của những người Afghanistan, những người như họ, những người đã phải trốn chạy cuộc chiến tranh. Và vào đêm khuya, sau khi tất cả mọi người ra về, quán ăn được quét dọn sạch sẽ, họ sẽ ngồi uống trà giữa các bàn trống không, Babi, Mammy và Laila, mệt mỏi nhưng biết ơn vì số phận đã mỉm cười với họ.
Khi Babi nói xong, ông trở nên im lặng. Cả hai bố con đều không nói gì. Họ biết rằng Mammy sẽ không đi đâu hết. Đối với bà thì việc rời khỏi Afghanistan vốn là điều không thể nghĩ đến khi Ahmad và Noor vẫn còn sống. Giờ đây khi họ đã là những shaheed thì việc cuốn gói và chạy trốn thậm chí còn là một sự xúc phạm ghê gớm, một sự phản bội, một sự chối bỏ sự hy sinh của các con bà.
Sao ông có thể nghĩ đến điều đó được chứ? Laila có thể nghe thấy những gì bà sẽ nói. Cái chết của chúng không có ý nghĩa gì với ông sao, thưa ông? Niềm an ủi duy nhất của tôi bây giờ là biết rằng mình đang bước đi trên mảnh đất thấm đẫm máu của các con tôi. Không. Không bao giờ.
Và Laila biết Babi sẽ không bao giờ đi mà không có bà, mặc dù giờ đây Mammy đã không còn coi mình là vợ của ông và là mẹ của Laila nữa. Vì Mammy, ông sẽ gạt bỏ giấc mơ hão huyền của mình sang một bên, giống như phủi các hạt bột mì ra khỏi áo khoác khi ông trở về nhà từ chỗ làm việc. Do đó, họ sẽ ở lại. Họ sẽ ở lại cho đến khi chiến tranh kết thúc. Và họ sẽ ở lại cho dù bất kỳ chuyện gì xảy đến sau cuộc chiến.
Laila nhớ một lần Mammy đã nói với Babi rằng bà đã kết hôn với một người đàn ông chưa bao giờ bị ai kết tội. Mammy không hiểu. Bà không hiểu rằng nếu nhìn vào gương, bà sẽ thấy một bản án không bao giờ chấm dứt của cuộc đời người đàn ông ấy đang nhìn lại vào chính bà.
Sau bữa trưa với trứng luộc, khoai tây và bánh mì, Tariq nằm chợp mắt dưới một gốc cây, bên bờ suối chảy róc rách. Cậu gấp gọn áo khoác làm gối ngủ, hai tay khoanh lại trên ngực. Người tài xế vào làng mua quả hạnh. Babi ngồi dưới gốc một cây keo thân to đọc sách. Laila biết cuốn sách đó; ông đã đọc cho cô bé nghe một lần. Câu chuyện kể về một người đánh cá già tên là Santiago bắt được một con cá khổng lồ. Nhưng đến khi ông chèo được thuyền về an toàn thì chẳng còn dấu vết gì của con cá đó; bọn cá mập đã xé xác nó thành từng mảnh.
Laila ngồi bên bờ suối, ngâm chân xuống dòng nước mát lạnh. Đàn muỗi kêu vo ve và những bông hoa nhỏ rung rinh trên đầu cô bé. Một chú chuồn chuồn bay lượn ở gần đó. Laila nhìn theo đôi cánh chuồn chuồn lấp lánh dưới ánh mặt trời khi nó chao liệng từ ngọn cỏ này đến ngọn khác. Đôi cánh lóe lên màu tía, rồi màu xanh, màu cam. Bên kia con suối, đám con trai dân bản địa Hazara đang nhặt phân bò khô bỏ vào chiếc bị buộc sau lưng. Đâu đó có tiếng một chú lừa kêu be be. Một chiếc máy phát điện chạy được khởi động.
Laila lại nghĩ về giấc mơ nhỏ bé của Babi. Nơi nào đó gần biển.
Có một điều cô bé đã không nói với Babi khi còn ở trên đỉnh tượng Phật: đó là cô bé thực sự rất vui vì họ không thể ra đi. Cô sẽ nhớ Giti và sự nghiêm nghị ra mặt của con bé, đúng thế, và Hasina nữa, với nụ cười tinh quái và tất cả những trò đùa vô tâm. Nhưng cô bé nhớ nhất là quãng thời gian khổ sở của bốn tuần thiếu vắng Tariq vừa qua, khi cậu đi Ghazni. Cô bé nhớ rõ thời gian đã chậm chạp trôi đi ra sao khi không có cậu, cô đã bị xáo trộn như thế nào vì cảm giác chờ đợi mòn mỏi, mất thăng bằng. Cô bé sẽ xoay xở ra sao đây nếu mãi mãi không còn được gặp lại cậu nữa?
Có thể thật điên rồ khi Laila khao khát ở gần một ai đó ở chính cái mảnh đất mà bom đạn đã xé nát thân xác hai người anh trai của cô. Thế nhưng, tất cả những gì Laila phải làm là hình dung lại cảnh Tariq cầm chiếc chân giả xông lại phía Khadim, và rồi dường như không có gì trên thế giới này có ý nghĩa hơn thế với cô bé nữa.

Sáu tháng sau, tháng Tư năm 1988, Babi về nhà và mang theo một tin đặc biệt.
- Họ đã ký một hiệp ước! - ông nói. - Tại Geneva. Một hiệp ước chính thức! Họ sẽ rút quần. Trong vòng chín tháng, sẽ không còn một lính Xô Viết nào ở Afghanistan!
Mammy đang ngồi ở trên giường. Bà nhún vai.
- Nhưng chế độ cộng sản thì vẫn còn tồn tại, - bà nói. - Najibullah là tổng thống bù nhìn của quân Xô Viết. Ông ta sẽ không đi đâu hết. Không, chiến tranh sẽ tiếp tục. Đó chưa phải là kết thúc.
- Najibullah sẽ không còn là tổng thống nữa, - Babi nói.
- Mẹ à, bọn họ sẽ rút đi! Bọn họ sẽ rút đi thật đấy!
- Hai người cứ việc ăn mừng nếu muốn. Nhưng tôi sẽ không yên tâm cho đến khi những chiến binh Hồi giáo tổ chức buổi diễu hành chiến thắng ngay tại đây, tại Kabul này.
Và với niềm tin đó, bà lại nằm xuống và kéo chăn lên.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét